Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:08:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận mạc và giảng đường  (Đọc 14456 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:40:07 am »

Giờ giải lao, đồng chí Phan Trung Kiên bấy giờ là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo với bác Sáu:

- Đồng chí Sư trưởng ngày đó bây giờ lên tướng rồi, làm Giám đốc học viện Lục quân Đà Lạt đang ngồi sau kia.

Đồng chí Phan Văn Khải đi tới bắt tay chúc mừng tôi. Trong lòng tôi cứ nghĩ mãi, phải chăng lời nói thẳng nói thật, thường được nhớ lâu. Những câu nói của tôi từ năm 1991 tới nay đã hơn chục năm mà người đứng đầu chính phủ bận trăm công ngàn việc vẫn còn nhớ. Đó là điều tôi rất tâm đắc.

Căn cứ Đồng Dù – Củ Chi là một căn cứ hoang tàn, không có màu xanh. Có thể đứng trên tầng hai nhà cũ của chuẩn tướng Lý Tòng Bá nhìn ra tận Phước Vĩnh An, Phạm Văn Cội không hề có một bóng cây. Nước sinh hoạt, nước uống thiếu thốn. Rau xanh rất khó trồng vì thiếu nước tưới, đất chủ yếu là sỏi đá, bê tông. Trước tình hình này Đảng ủy – chỉ huy Sư đoàn đề ra chủ trương trồng rau xanh và phủ xanh doanh trại. Trước hết là phát động phong trào trồng ra xanh để cải thiện bữa ăn của bộ đội. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 được chọn làm đơn vị đột phá. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 do đồng chí Bôn – Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Cương – Phó Tiểu đoàn trưởng chính trị đã chỉ huy đơn vị đào bỏ lớp nhựa đường bê tông trên mặt để lộ lớp đất màu bên dưới bón phân trồng rau, tưới cây. Từ Tiểu đoàn 2 nhân rộng ra các đơn vị trong toàn sư đoàn. Dần dần, các đơn vị đã đưa vào bữa ăn của bộ đội 50% rau tự túc. Sau này, kênh dẫn nước của hồ Dầu Tiếng được đưa về đến thị trấn Củ Chi. Tôi mạnh dạn đề nghị với cơ quan thủy lợi các cấp đưa mương dẫn nước vào sát cổng phụ 320 của Sư đoàn để có nguồn nước dẫn vào khu ở doanh trại của các đơn vị. Chính nhờ có mương nước đó, Sư đoàn tổ chức đào ao, kênh dẫn nước. Mảnh đất Đồng Dù khô cằn từ những năm sau chiến tranh đang dần trở thành một vùng rau, cây xanh tươi với nguồn nước tưới quanh năm.

Vấn đề thứ hai là phủ xanh toàn bộ doanh trại với diện tích trên 500 héc-ta ở khu vực Đồng Dù. Đây là một quyết tâm rất lớn. Nguồn vốn của Sư đoàn hạn chế, tôi đặt vấn đề với Sở Nông – Lâm nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (lúc đó đồng chí Trương Tấn Sang làm Giám đốc Sở) xin cung cấp cây trồng cho Sư đoàn. Ngoài số cây được cấp, Sư đoàn mua thêm một số cây dầu, sao về trồng quanh khu vực nhà ở của cơ quan Sư đoàn, còn đại bộ phận trồng tràm bông vàng để trước mắt phủ kín đồi trọc và quanh thao trường để mỗi khi bộ đội huấn luyện có bóng mát nghỉ ngơi. Phong trào trồng cây được triển khai khẩn trương trong mùa mưa năm 1991 và kết quả thật không ngờ. Sau vài năm, cây cối phủ xanh khu vực Đồng Dù, dần biến thành một trong những lá phổi của thành phố. Hiện nay với sự đầu tư có trọng điểm của Bộ Tư lệnh Quân đoàn đến Đảng ủy chỉ huy Sư đoàn 9, cây trồng ở trong că cứ Đồng Dù đã được nâng lên quy mô và chất lượng tốt hơn.

Trong nhiệm vụ huấn luyện, chúng tôi thực hiện việc kết hợp đầu tiên giữa huấn luyện dã ngoại với làm công tác vận động quần chúng. Nhiệm vụ này đã được Đảng ủy - chỉ huy Sư đoàn quán triệt và đưa vào kế hoạch hàng năm. Từng đơn vị được phân công từng địa bàn cụ thể, những nơi, vùng cách mạng cũ như Bời Lời, Phạm Văn Cội, Bến Dược… Mỗi đợt tổ chức huấn luyện thường từ một tuần cho đến 10 ngày. Công việc chủ yếu là huấn luyện theo các nội dung quân sự đã có kế hoạch sẵn và thao trường được chuẩn bị ở ngay nơi làm công tác dân vận. Vừa huấn luyện, bộ đội vừa làm nhiệm vụ vận động quần chúng, cùng nhân dân xây dựng ấp văn hóa, xây dựng nhà tình nghĩa cho những gia đình có công với cách mạng và giúp nhân dân xây dựng dời sống sinh hoạt đảm bảo an ninh và ổn định địa bàn. Mỗi một lần đơn vị đi dã ngoại như vậy đều được sự quan tâm chỉ đạo và kết hợp chặt chẽ của huyện ủy, ủy ban và các đoàn thể huyện Củ Chi. Việc làm của Sư đoàn đã gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân vùng cách mạng cũ cũng như các đồng chí trong Đảng ủy, chính quyền địa phương. Nhờ huấn luyện tại chỗ, huấn luyện dã ngoại được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, cuối năm 1992 khi cấp trên kiểm tra huấn luyện thực binh cơ động sư đoàn từ Đồng Dù đi lên khu vực Tân Uyên tỉnh Bình Dương, vượt qua sông Đồng Nai, hồ Trị An, qua ngã ba Dầu Giây lên Long Khánh vào khu vực dãy núi Mây Tào làm nhiệm vụ bắn đạn thật diễn tập cấp trung đoàn, Sư đoàn được cấp trên đánh giá là đơn vị có nhiều cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tháng 2 năm 1993, tôi được cử đi học lớp bổ túc chính trị A tại Học viện Chính trị Quân sự ở Hà Đông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:42:16 am »

Những cuộc diễn tập khó quên

Sau khi học xong lớp bổ túc chính trị A tại Học viện Chính trị Quân sự, tháng 9-1993, tôi về đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng thay cho đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Hồng lên đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh chung. Bộ Tư lệnh Quân đoàn lúc này có năm đồng chí: Thiếu tướng Lê Văn Dũng – Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ - Phó Tư lệnh về chính trị, Đại tá Nguyễn Hữu Mão và Đại tá Nguyễn Văn Hồng – Phó Tư lệnh chung và tôi là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Bộ Tham mưu chỉ có Đại tá Trần Hường là Phó Tham mưu trưởng. Đồng chí Trần Hường cũng nguyên là bạn công tác với tôi ở Bộ Tham mưu Quân đoàn khi còn đứng chân trên đất nước Chùa Tháp. Sau này Bộ bổ nhiệm thêm Đại tá Nguyễn Văn Điền – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 434 lên đảm nhiệm chức Phó Tham mưu trưởng.

Sau khi nhận bàn giao từ đồng chí Hồng, tôi trực tiếp làm việc với từng phòng, tập trung vào công tác sẵn sàng chiến đấu và công tác huấn luyện để đảm bảo cuối năm hoàn thành các kế hoạch của Quân đoàn đã đề ra. Trọng điểm là hoàn thiện kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ các đơn vị cấp trung, lữ sư đoàn trở lên để Quân đoàn phê duyệt và bản thân Quân đoàn cũng phải hoành chỉnh bộ văn kiện theo đúng quy định để báo cáo Bộ. Đồng thời chúng tôi tổ chức đi khảo sát địa hình ven biển từ nam Thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu, Hàm Thuận, Phan Thiết tới Ninh Thuận. Trong chuyến đi công tác địa hình lâu này, sau khi vòng qua Hàm Tân về Biên Hòa – Đồng Nai, tôi đề xuất với đồng chí Tư lệnh kiến nghị với Bộ cần có một trung đoàn bộ binh của Quân đoàn hoặc của Quân khu 7 đứng chân ở khu vực dãy núi Mây Tào, tức là Trường bắn của Bộ ở phía Nam do Quân khu 7 quản lý. Khu vực Mây Tào nằm tiếp giáp giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, trên một hướng chiến lược từ biển vào Hàm Tân ra quốc lộ 1 Biên Hòa, cần có một đơn vị chủ lực cài thế chiến lược ở đó. Đồng chí Tư lệnh đồng tình. Về tới Sở chỉ huy Quân đoàn, tôi báo cáo kế hoạch đó ra Bộ. Phải tới gần chục năm sau, tới năm 2003, Bộ quyết định điều Trung đoàn bộ binh 3 Sư đoàn 9 từ Đồng Dù – Củ Chi ra đứng chân ở khu vực căn cứ Mây Tào để làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Sau chuyến đi công tác địa hình ở ven biển, chúng tôi tiếp tục đi kiểm tra địa hình ở biên giới Tây Nam từ khu vực Long An tới Mộc Bài, Lò Gò, Xa Mát, Cà Tum và về quốc lộ 13 đoạn Lộc Ninh đi lên đồn biên phòng Hoàng Diệu. Nhiệm vụ của chúng tôi là hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu 7 để bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững các mục tiêu trọng yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện tốt kế hoạch A2 mà Bộ Tổng tham mưu đã giao cho Quân đoàn. Việc đầu tiên là điều chỉnh các đơn vị thiết giáp, xe tăng của Lữ đoàn tăng 22 đã bố trí sẵn ở một số mục tiêu trong thành phố, đồng thời bổ sung kế hoạch cơ động các lực lượng bằng nhiều phương tiện đường sông, đường không, đường bộ khác nhau cơ động nhanh nhất vào khu vực mục tiêu khi có tình huống xảy ra. Do có thời kỳ làm Phó phòng tác chiến Quân đoàn, tôi đã được tập huấn ở Bộ và đã tham gia xây dựng các kế hoạch này nên nay triển khai điều chỉnh và lập các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu không có gì khó khăn lắm. Các phương án được bổ sung điều chỉnh phù hợp với tình hình quân số biên chế trang bị hiện tại và trên cơ sở đó tổ chức huấn luyện diễn tập cho từng phân đội, tập huấn những vấn đề về lý luận, nội dung, thứ tự các nội dung chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Trong quý 2 năm 1994, Quân đoàn 4 triển khai các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đoàn (20.7.1974 – 20.7.1994). Lễ kỷ niệm dự kiến sẽ tổ chức tương đối lớn, có diễu duyệt của các đơn vị trong biên chế hiện có của Quân đoàn với lực lượng dân quân tự vệ của Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), tự vệ ở Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Khách mời ngoài Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Với tư cách là Phó ban chỉ đạo thường trực, tôi tập trung chỉ đạo huấn luyện các khối luyện tập, xây dựng đường diễu hành, khán đài, hiệp đồng với các đơn vị, địa phương có lực lượng tham gia.

Đến ngày tổ chức lễ, buổi sáng tôi được phân công đi đón đồng chí Nguyễn Văn Linh nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự. Xe đi từ nhà bác Mười Cúc tới ngã tư Hàng Xanh theo đường quốc lộ 13 ra cầu Bình Triệu, tới cầu Sơn (giữa ngã tư Hàng Xanh và cầu Bình Triệu) thì bị tắc đường. đứng chờ một lúc vẫn chưa đi được, bác nói:

- Thật khổ cứ tắc đường đi đâu cũng ngại.

Tôi vội trả lời:

- Thưa bác đây là điều rất sung sướng bác ạ.

Bác hỏi lại:

- Sao cháu lại nói vậy?

- Thưa bác, nhờ đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đời sống của nhân dân phát triển, mỗi gia đình đều có xe máy, cơ quan nhà nước ô tô cũng nhiều hơn. Trong lúc đường sá của ta chưa mở rộng kịp, nên tắc đường là diều bình thường.

Nghe tôi nói xong, bác Mười cười thoải mái. Chắc bác cũng đồng tình với ý kiến của tôi. Lúc này chiếc xe tải chết máy đã khắc phục đường, đường thông, tôi tiếp tục đưa bác Mười về kịp dự lễ với Quân đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:44:41 am »

Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đoàn diễn ra đúng kế hoạch và bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Cùng lúc này, Bộ Tổng tham mưu giao cho Quân đoàn 4 nhiệm vụ huấn luyện chiến dịch, diễn tập tác chiến cấp quân đoàn. Ngày 30-8-]1994, Đảng ủy Quân đoàn họp ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ Bộ giao: diễn tập, thực hành cơ động quân đoàn chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến và thực hành đảm nhiệm các hình thức chiến đấu tiến công, tiêu diệt quân địch khi đã đổ bộ vào một số khu vực. Lần đầu tiên Quân đoàn tổ chức diễn tập với quy mô lớn (gồm toàn bộ 4 cơ quan Quân đoàn, ba sư đoàn bộ binh 7, 9, 309, các lữ đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng, Trung đoàn công binh 550 cũng như các phân đội trực thuộc). Sau nhiều năm làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia, Bộ chỉ đạo Quân đoàn 1 trực tiếp làm nhiệm vụ đạo diễn. Quân đoàn 1 tổ chức một bộ khung song song với bộ khung của Quân đoàn 4 giúp cho quân đoàn thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu – Tư lệnh Quân đoàn 1 làm trưởng đoàn đạo diễn, cơ quan từ trưởng phòng tới thủ trưởng cục và ba đồng chí Sư đoàn trưởng trực tiếp giúp các phòng, các cục của bốn cơ quan và ba sư đoàn trưởng của Quân đoàn 4.

Theo đúng kế hoạch, ngày 5-10-1994, toàn bộ Quân đoàn báo động chuyển trạng thái diễn tập theo lịch điều hành thống nhất. Sau khi đã cơ động ra khu vực tập trung bí mật, mọi công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu được tiến hành một cách song song và theo mệnh lệnh của Bộ. Đang cuối mùa mưa đầu mùa khô, rừng cao su ở miền Đông gặp những trận mưa lớn, hầu hết công sự, đường giao thông hào, các hố chiến đấu đều bị sạt lở, bộ đội phải làm lại.

Ngày 6 và 7-10-1994, Quân đoàn diễn tập làm văn kiện chuẩn bị tác chiến chiến dịch với nội dung Tư lệnh nghe đề đạt của các cơ quan binh chủng để dự kiến công bố quyết tâm, sau đó các cơ quan chiến dịch thực hành xây dựng kế hoạch để Tham mưu tưởng hoặc Tư lệnh thông qua (Tham mưu trưởng hoặc Tư lệnh thông qua các binh chủng, Tư lệnh trực tiếp thông qua quyết tâm chiến đấu của các sư đoàn).

Mặc dù đã được chuẩn bị trước và được các đồng chí đạo diễn hướng dẫn, nhưng khi ra trinh diễn vẫn còn nhiều đồng chí lúng túng, chưa phân biệt lúc nào là đề xuất, chỗ nào là kiến nghị, cho nên kết quả chất lượng diễn tập hạn chế. Chiều ngày 7 tháng 10, tôi thông qua kế hoạch của cá chủ nhiệm binh chủng, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chơn – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tới dự. Một số chủ nhiệm binh chủng lên báo cáo thiếu trình tự, nắm bắt nội dung chưa hết nên phần đề nghị và kế hoạch không gắn với nội dung, ý định diễn tập của chiến dịch.

Đồng chí Nguyễn Chơn hỏi tôi:

- Cơ quan diễn tập thế này thì tác chiến sao được hả đồng chí Tham mưu trưởng?

Tôi trả lời:

- Báo cáo Thứ trưởng, các cơ quan của Quân đoàn đã tác chiến quá lâu trên chiến trường bạn nên chưa quen với hình thức diễn tập bài bản chính quy như thế này.

Tôi xin phép Thứ trưởng cho tạm dừng diễn tập để thống nhất lại những nội dung cần thiết, sáng mai diễn tập lại. Đồng chí Thư trưởng nhất trí. Sau đó, tôi mời các chủ nhiệm binh chủng, các thủ trưởng các cục họp thống nhất nhận thức hình thái chiến dịch để thực hiện cho sát yêu cầu. Buổi diễn tập báo cáo kế hoạch của các chủ nhiệm binh chủng sau đó diễn ra suôn sẻ. Sau khi thông qua kế hoạch chuẩn bị văn kiện xong, Quân đoàn tổ chức thực hành chiến đấu bắn đạn thật ở khu trường bắn Mây Tào cho đội hình một tiểu đoàn bộ binh.

Như vậy, lần đầu tiên kể từ ngày về nước, Quân đoàn tổ chức diễn tập cấp chiến dịch với quy mô thời gian và lực lượng tương đối lớn được diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn. Tuy rằng chất lượng diễn tập không cao, nhưng đây là bài học tốt để Quân đoàn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng lại những nội dung để thực hiện các cuộc diễn tập lần sau tốt hơn.

Đầu tháng 9-1995, Quân đoàn nhận được lệnh của Bộ giao nhiệm vụ thực hành diễn tập chiến thuật một bên hai cấp cho Sư đoàn bộ binh 7 được tăng cường binh khí kỹ thuật phòng ngự ở địa hình trung du, đồng bằng và có bắn đạn thật. Cuộc diễn tập do Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo, có đại biểu toàn quân tham mưu rút kinh nghiêm. Thượng tướng Đào Đình Luyện – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng ban chỉ đạo, Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu – Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo Quân đoàn thực hiện nhiệm vụ diễn tập. Đây là lần đầu tiên Quân đoàn diễn tập chiến thuật phòng ngự cấp sư đoàn bộ binh có tăng cường nhiều binh khí kỹ thuật và bắn đạn thật nằm ở địa hình phức tạp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:46:46 am »

Cuối tháng 9, Bộ điều động Thiếu tướng Lê Văn Dũng – Tư lệnh Quân đoàn về đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 7, tôi là người được Bộ chỉ định nhận toàn bộ bàn giao của đồng chí Lê Văn Dũng. Như vậy, cuộc diễn tập này tôi vừa là Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn và là Trưởng ban diễn tập của Quân đoàn. Nhiệm vụ nặng nề, tình hình nhân sự thay đổi, tôi biết cấp trên rất lo lắng cho kết quả diễn tập. Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu tâm sự với tôi:

- Lợi ơi, đây là tác phẩm (trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập) đầu tay của anh khi lên làm Phó Tổng tham mưu trưởng, cố gắng nhé.

Tôi trả lời:

- Anh yên tâm, mọi việc sẽ tốt đẹp.

Tôi hiểu đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng lo lắng liệu tôi có lèo lái, chỉ huy cuộc diễn tập đạt kết quả tốt hay không. Tuy nhiên, tôi tự tin vì chúng tôi có cả Đảng ủy, tập thể Bộ Tư lệnh quyết tâm cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó chúng tôi được Bộ tăng cường Đại tá Nguyễn Đức Quý – Chủ nhiệm khoa Chiến dịch – Chiến thuật của Học viện Lục quân về thực tập làm Tham mưu phó Quân đoàn. Tôi vừa làm nhiệm vụ chỉ đạo diễn tập, vừa lo các công việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng ngày của Quân đoàn. Tất cả cơ quan, phòng, cục và chỉ huy các đơn vị đều thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Quân đoàn, những chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn một cách nghiêm túc.

Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Thượng tá Mai Đại Từ rất hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Phòng ngự ở địa hình trung du và đồng bằng, một đề tài cấp Bộ vừa nghiên cứu lý luận vừa vận dụng hình thức diễn tập có thực binh để khảo sát sút kinh nghiệm biên tập thành tài liệu chính thức phục vụ cho huấn luyện trong toàn quân. Sư đoàn bộ binh 7 có Trung đoàn bộ binh 209 là đơn vị đủ quân, còn lại hai trung đoàn khung dự bị (141, 165). Lực lượng tăng cường gồm một tiểu đoàn tăng của Trung đoàn tăng thiết giáp 22, một tiểu đoàn lựu pháo 122mm, một đại đội BM 21, một đại đội chống tăng 85 mm của Lữ đoàn pháo binh 434, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm, một tiểu đội có 3 cơ cấu phóng A72 thuộc Lữ đoàn phòng không 71, một tiểu đoàn công binh của Trung đoàn công binh 550, một trung đội hóa học của Tiểu đoàn hóa học Bộ Tham mưu.

Theo kế hoạch ngày 4-11-1995, cuộc diễn tập bắt đầu dưới sự chỉ đạo, giam sát của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, các cơ quan Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường, các quân khu, quân đoàn trong toàn quân đã chứng kiến cuộc diễn tập và có một phần thực hành bắn đạn thật do Quân đoàn 4 thực hiện. Ngày 23 tháng 11, diễn tập kết thúc. Cuộc diễn tập đã diễn ra đúng kế hoạch, thực hiện được mục đích yêu cầu đề ra và đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và vũ khí tang bị. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá Quân đoàn hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ. Kết quả diễn tập đã làm cơ sở cho việc biên soạn hoàn thiện tài liệu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao trình đô tổ chức thực hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng của chỉ huy cơ quan đơn vị cấp trung đoàn và sư đoàn.

Khi tôi báo cáo xin phép kết thúc cuộc diễn tập, đồng chí Thứ trưởng Tổng Tham mưu trưởng, Trưởng ban chỉ đạo đến bắt tay và ôm lấy tôi. Ông động viên: Tốt lắm, cuộc diễn tập thành công! Sau đó đồng chí Nguyễn Huy Hiệu đến bắt tay chúc mừng và rất nhiều các đồng chí anh em cùng học, cùng công tác với nhau, cùng chỉ huy các đơn vị về tham quan diễn tập đều đến bắt tay và chia vui với chúng tôi. Có lẽ điều sung sướng nhất mà bản thân tội cảm nhận lúc này là năng lực tổ chức, điều hành, chỉ huy một cuộc diễn tập quy mô cấp quân đoàn có nhiều binh chủng tham gia với một thời gian dài ở một địa hình phức tạp đã được khẳng định. Cuộc diễn tập cũng để lại một bài học lớn, làm cơ sở cho những cuộc diễn tập tiếp theo của Quân đoàn sau này.

Sau diễn tập, trung tuần tháng 12 năm 1995, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ làm Tư lệnh, Đại tá Lưu Phước Lượng – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 làm Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn thay đồng chí Năm Chữ.

Ngày 27-3-1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4 lần thứ 5 khai mạc tại nhà truyền thống của Quân đoàn với 180 đại biểu tham dự. Đại hội được Thượng tướng tướng Lê Khả Phiêu – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về dự và chỉ đạo. Tại đại hội này, tôi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ, vào Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn và đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:51:30 am »

Chương sáu

NHÀ TRƯỜNG

Trường Sĩ quan Lục quân 2

Cuối năm 1997, tôi được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 thay Trung tướng Lê Nam Phong nghỉ hưu.

Ngày 21-6-1997, tôi có mặt tại Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương để nhận nhiệm vụ. Trong buổi giao nhiệm vụ có Đại tướng Đoàn Khuê – Bộ trưởng, Trung tướng Phạm Thanh Ngân – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Phạm Văn Trà – Tổng Tham mưu trưởng cùng với các cơ quan của Bộ. Cùng nhận nhiệm vụ trong khối học viện nhà trường có Đại tá Lê Ngọc Sanh đảm nhiệm Phó Giám đốc về chính trị Học viện Lục quân, Thiếu tướng Thạc sĩ Nguyễn Khắc Viện đảm nhiệm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau khi công bố quyết định của Bộ bổ nhiệm cho ba chúng tôi, Bộ trưởng Đoàn Khuê hỏi lần lượt từng đồng chí một. Đồng chí Nguyễn Khắc Viện có ý kiến tương đối dài và đề xuất nhiều nội dung công việc của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đồng chí Lê Ngọc Sanh cũng phát biểu ý kiến bàn về chất lượng và yêu cầu giáo dục của Học viện Lục quân. Tôi không muốn phát biểu gì song Bộ trưởng hỏi lần thứ hai:

- Đồng chí Lợi phát biểu gì không, có gì cứ đề xuất.

Tôi trả lời:

- Thưa Bộ trưởng và các thủ trưởng, tôi được điều động sang công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 là một nhiệm vụ rất mới mẻ, tôi chưa có kinh nghiệm huấn luyện và đào tạo ở một nhà trường vì bản thân trưởng thành từ đơn vị cơ sở chiến đấu trở lên. Do đó khi về nhà trường chắc rằng các đồng chí đi trước làm được 10 phần, tôi cố gắng làm được 5-6 phần là tốt lắm rồi. Có gì mong các thủ trưởng đừng rầy la, rầy nhiều quá có lẽ tôi xin nghỉ hưu trước các thủ trưởng.

Bộ trưởng Đoàn Khuê và các đồng chí trong hội nghị ai cũng cười. Đồng chí nói:

- Thôi cứ yên tâm về đó công tác. Trước mắt sớm lo nhận bàn giao kết thúc năm học 1996-1997 để các đồng chí cũ được nghỉ theo kế hoạch. Thứ hai là về xây dựng nhà trường phải rèn luyện cơ bản từ động tác nhỏ nhất để anh em ra trường huấn luyện đơn vị. Ba là giữ mối đoàn kết trong nội bộ cho tốt và hai trường nên trao đổi với nhau trong quá trình tổ chức huấn luyện và đào tạo, sau này có khó khăn gì thì làm việc với Tổng Tham mưu trưởng.

Sau khi nhận nhiệm vụ xong, rời khỏi nhà làm việc của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Thanh Ngân gọi tôi lại hỏi:

- Đồng chí có biết việc Quân đoàn chuyển giao diện tích đất ở khu vực xưởng cưa cho Công ty Thành Lễ?

Tôi trả lời:

- Tất cả những việc làm đều được đồng chí Tư lệnh Quân đoàn thông báo trong hội nghị giao ban, tôi có ghi chép đầy đủ. Song từ giờ phút này, tôi là người ngoài Quân đoàn nên tôi không muốn nói bất cứ công việc gì của Quân đoàn 4, mong thủ trưởng thông cảm. Nếu có chỗ nào Thủ trưởng thấy chưa rõ, Thủ trưởng cứ chỉ thị cho các cơ quan của Bộ xuống Quân đoàn kiểm tra.

Có lẽ tuy không hài lòng lắm về câu trả lời của tôi nhưng thủ trưởng vẫn cười, vỗ vai tôi và nói:

- Được, tớ sẽ bàn với cơ quan kiểm tra vấn đề này sau.

Trước khi tôi về, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng cho gọi tôi đến phòng làm việc riêng ngoài Trạm 66 dặn thêm:

- Ông về đó việc đầu tiên là phải nắm tình hình tổ chức biên chế, trang bị cho đúng quy định của Bộ, thứ hai xây dựng trường phải thật chính quy mẫu mực để thực sự là nhà trường đi trước đơn vị, có khó khăn gì tổng hợp, nhận bàn giao xong báo cáo ra đây, Bộ Tổng tham mưu sẽ giúp đỡ.

Từ lúc được Bộ trưởng giao nhiệm vụ, tôi thấy rất phân vân, lo ắng vì trọng trách cấp trên giao cho mình. Trong ki nghỉ phép chờ về nhận bàn giao, không ít các anh đi trước tôi đã qua công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 như Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh – Phó Hiệu trưởng, Đại tá Trần Xuân Ban – Phó Hiệu trưởng (hai anh nguyên là thủ trưởng cũ của tôi ở Trung đoàn 141) rất mừng và đều chung một nỗi lo. Không biết Đào Lợi về đó có trụ được không? Liệu có hoàn thành được nhiệm vụ trên giao? Tôi nghĩ, mặc dầu chưa kinh nghiệm trong công tác nhà trường, nhưng các bác đi trước như Lê Nam Phong, Khuất Duy Tiễn đều là những cán bộ quân sự chỉ huy ở các quân đoàn về đảm nhiệm hiệu trưởng và các bác đều làm tốt. Vậy mình cũng phải cố gắng làm sao thể hiện là một người cán bộ chỉ huy quân sự nay về đảm nhận công tác chỉ huy ở một nhà trường phải phấn đấu hoàn thành được nhiệm vụ của cấp trên giao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:53:13 am »

Về Quân đoàn, tôi báo cáo toàn bộ tình hình cho đồng chí Tư lệnh và xin tổ chức bàn giao vào ngày 10-7-1997. Người nhận bàn giao là Đại tá Huỳnh Ngọc Sơn – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 lên. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi và đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn đã hai lần bàn giao thay thế nhau. Lúc tôi làm Sư trưởng Sư đoàn 9, di học cũng bàn giao cho đồng chí Sơn và hôm nay một lần nữa. Thật là một ngày đáng nhớ, cũng vào buổi sáng ngày 10-7-1997, tôi lần đầu tiên được lên chức ông ngoại. Cháu trai Phạm Anh Dũng, con đầu lòng của cô con gái lớn ra đời vào đúng buổi sáng lúc ông ngoại rời Quân đoàn 4 về nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới.

Bàn giao xong chức vụ Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng cho đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, chuẩn bị về nhận nhiệm vụ mới, lòng tôi không khỏi có những nối niềm bịn rịn. Sau hơn 31 năm liên tục công tác chiến đấu, trưởng thành từ chiến sĩ, trong đó có hơn bốn năm đảm nhiệm cương vị trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, không xảy ra khuyết điểm gì, giờ lại được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ ở môi trường mới nặng nề hơn.

Sau khi bàn giao xong, tôi xin nghỉ phép một tháng. Ngày 5-8-1997, hôm đó vào thứ 7, tôi gọi điện thoại cho Trung tướng Lê Nam Phong:

- Ngày mai tôi và các cháu lên trường thăm bác Năm và nhờ bác đưa đi xem nơi ăn, ở, bố trí ở các tiểu đoàn khung của nhà trường, sau đó sẽ nhận bàn giao vào một ngày bác thấy thích hợp.

Bác Năm trả lời:

- Nhất trí, sáng mai 8 giờ lên nhé, sẽ đón chú tại nhà làm việc của Ban Giám hiệu.

Sáng chủ nhật 6-8-1997, tôi mặc dân sự cùng ba cháu lên trường thăm bác như đã nói ngày hôm trước. khi tới phòng Ban Giám hiệu, bác Năm đã đứng đón sẵn, ăm mặc quân phục rất nghiêm túc. Bác bảo:

- Mấy con ở đây chơi, bác đưa bố vào trong xem phòng làm việc rồi sau đó sẽ đón các con sau.

Bác đưa vào phòng và chỉ:

- Đây là nơi làm việc, đây là phòng ngủ, giường mới, các đồ đạc đều mới cả.

Sau đó bác dẫn tôi ra khu vực hội trường. Tôi theo bác lên tầng hai nhà câu lạc bộ. Vừa mới bước chân vào cửa đã thấy tất cả cán bộ của nhà trường ăn mặc chỉnh tề đang ngồi ở các hàng ghế. Tôi được đưa lên bục trên cùng và bắt tay chào các đồng chí trong Ban Giám hiệu. Khi đã ổn định đội hình xong, đồng chí Lê Nam Phong tuyên bố:

- Như các đồng chí đã biết, đây là đồng chí Đào Văn Lợi được trên bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng thay tôi và từ giờ phút này đồng chí đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng. Toàn bộ nội dung công việc bàn giao tôi đã để hết trên mặt bàn cứ thế tìm hiểu và thực hiện.

Nghe vậy, tôi rất ngỡ ngàng nhưng không có một phản ứng gì khác, chỉ bắt tay mỉm cười với đồng chí Hiệu trưởng cũ. Sau đó bác Năm vui vẻ:

- Thôi đi xuống liên hoan, cơm nước đã chuẩn bị rồi. Ăn xong ở đâu về đó để tiến hành công việc theo kế hoạch.

Sau bữa cơm, tôi gặp riêng Đại tá Nguyễn Viết Khai, Phó Hiệu trưởng về chính trị, trao đổi với anh Khai sáng mai cho triệu tập tất cả cơ quan, các phòng khoa lên để tôi gặp gỡ và làm việc.

Sáng hôm sau, tôi lên nhà trường làm việc với cương vị Hiệu trưởng. Các thành phần triệu tập có mặt đủ. Tôi mở màn buổi làm việc bằng chuyện nhắc lại việc nhận bàn giao của buổi sáng hôm trước.

- Tôi rất vinh dự được nhận nhiệm vụ về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, thay thế Trung tướng Lê Nam Phong, một người thầy, người đồng chí, người thủ trưởng cũ của tôi qua rất nhiều thời kỳ. Trong chiến đấu, đồng chí từng làm trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng dìu dắt giúp đỡ tôi từ lúc còn là chiến sĩ cho tới lúc làm trợ lý cơ quan hoặc chỉ huy đơn vị ở các cấp. Và đến bây giờ tôi được thay chính người thủ trưởng, người thầy cũ của mình. Đó là một điều không có gì sung sướng bằng. Những nội dung bàn giao ngày hôm trước đồng chí để lại, tôi và các đồng chí sẽ cùng nhau tìm hiểu công việc và chúng ta tiếp tục phấn đấu xây dựng đưa nhà trường phát triển theo đúng tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng bộ nhà trường.

Có lẽ nhiều người sẽ tưởng tôi rất bức xúc trước kiểu bàn giao có một không hai ngày hôm qua. Nhưng khi nghe tôi phát biểu xong, thấy có nhiều người gật đầu đồng tình. Sau buổi giao ban, tôi quy định lịch làm việc lần lượt với các Phó Hiệu trưởng, sau đó đến các trưởng phòng, khoa để nắm các tình hình. Trong Ban Giám hệu lúc này, ngoài tôi mới về, có Đại tá Nguyễn Viết Khai – Phó Hiệu trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy nhà trường; Đại tá Nguyễn Ngọc Đàm phụ trách khoa học, hậu cần, kỹ thuật; Đại tá Đặng Huy Tập phụ trách đào tạo, huấn luyện. Sau một thời gian tìm hiểu và làm việc với các đồng chí trong Ban Giám hiệu và các phòng, ban, khoa, đơn vị quản lý học viên, tôi thấy cần phải tập trung xây dựng nhà trường theo các quy định và những lời căn dặn của thủ trưởng Bộ khi nhận nhiệm vụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:54:34 am »

Đầu tiên là công tác tổ chức biên chế, quảy lý trang bị. Đây là một việc làm rất nan giải, nếu không cẩn thận sẽ đụng chạm đến đời sống, tâm tư tình cảm của rất nhiều người. Qua tìm hiểu so sánh với biên chế chuẩn của Bộ Tổng tham mưu, nhìn chung ở bộ phần nào cũng đều dư biên chế. Tôi bàn với đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Viết Khai đưa vào nghị quyết lãnh đạo yêu cầu thực hiện đúng quy định biên chế của Bộ và tất cả cấp ủy chỉ huy các cấp đều làm công tác tổ chức biên chế. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng tình với các đặt vấn đề của tôi, từ đó chỉ đạo cho cơ quan phổ biến biên chế cơ bản từng phòng, từng khoa, từng bộ phận để cấp ủy chỉ huy từng bộ phận đối chiếu lại xem mình thừa hay thiếu và lấy ý kiến từ cơ sở cách giải quyết, ai tiếp tục ở lại làm việc, ai cần phải điều chỉnh sang vị trí khác và ai phải cho nghỉ. Việc này được quán triệt chặt chẽ từ cơ sở trở lên và mọi người đều thống nhất cao cho niên việc chấn chỉnh tổ chức biên chế cũng không có gì nặng nề lắm. Nhờ vậy, nhà trường từng bước kiện toàn quân số cơ bản đúng biên chế chuẩn của Bộ. Về trang bị cũng kiểm tra chấn chỉnh lại theo hướng tập trung cho huấn luyện, không làm các việc khác. Việc này được phòng kỹ thuật, các đơn vị tổ chức thực hiện rất nghiêm túc.

Ngày 11-10-1998, tôi thay mặt Ban Giám hiệu ra Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tại đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu giao Quyết định số 180/1998/QĐ-TTg ngay 21-9-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học cho 8 trường sĩ quan quân đội (Lục quân 1, Lục quân 2, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Thông tin). Đây là một nhiệm vụ mới, rất khó khăn song cũng rất vinh dự. Nó đánh dấu sự tích lũy kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, sự cố gắng phấn đấu liên tục của nhà trường trong những năm qua. Muốn đào tạo bậc đại học, trước hết đội ngũ giảng viên phải có trình độ đại học và trên đại học. Những năm trước, các đồng chí trong Ban Giám hiệu và Hiệu trưởng rất chú trọng đầu tư, gửi nhiều cán bô lên Học viện Lục quân đào tạo sau đại học, nhưng so với yêu cầu từ 30 đến 45% sau đại học ở đội ngũ giảng viên thì còn thiếu rất nhiều.

Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy – Ban Giám hiệu bàn tuyển chọn, điều động bố trí sắp xếp để làm sao có nhiều đồng chí được đi học, trước mắt là hoàn thiện cử nhân, sau đó học cao học và nghiên cứu sinh. Nhà trường hợp đồng với Học viện Lục quân mở nhiều lớp hoàn thiện cử nhân tại trường, mời giáo viên của Học viện xuống giảng dạy liên tục mỗi năm một lớp. Song song chương trình, nội dung huấn luyện chiến thuật được tu sửa và có chỗ làm lại để huấn luyện cả ban ngày và ban đêm. Các giảng đường tăng cường các mô hình, dụng cụ giảng dạy sao cho mỗi trung đội trưởng khi ra trường không bỡ ngỡ, huấn luyện quản lý một trung đội thành thục, có thể đề bạt lên làm cán bộ đại đội hoặc cao hơn.

Tiếp theo là công tác tuyển sinh. Tôi tìm hiểu, số sinh viên đào tạo giữa hai miền Bắc, Nam không cân đối, tỷ lệ sinh viên ở phía Bắc chiếm tới 2/3 còn lại là phía Nam. Đây là một vấn đề tế nhị, giải quyết phải có lý lẽ và cẩn trọng. Một lần tôi đi xuống làm việc nắm tình hình với Tư lệnh Quân khu 9, Thiếu tướng Huỳnh Tiền Phong phản ánh về tỷ lệ mất cân đối này. Rất nhiều trung đội trưởng khi ra trường về đảm nhiệm công tác chỉ được một thời gian. Đào tạo như thế thì vô cùng lãng phí. Tôi dặt vấn đề nên lựa chọn tuyển sinh phía Nam sao cho phù hợp, nếu để tình hình này kéo dài thì cán bộ ở phia Nam sẽ còn rất ít ở cấp cơ sở. Khi về Quân khu 7 gặp Trung tướng Phan Trung Kiên, Tư lệnh Quân khu, đồng chí cũng phản ánh tình hình như Quân khu 9. Có nhiều đồng chí học xong ở trường về đảm nhiệm công việc rất tốt, nhưng ngược lại có không ít đồng chí do chưa hiểu phong tục tập quán chiến sĩ phía Nam nên chỉ huy huấn luyện rất cứng nhắc, chất lượng quản lý huấn luyện thấp, từ đó dẫn đến việc thiếu lòng tin và xin ra quân. Tổng hợp ý kiến của hai Tư lệnh Quân khu, nhân một chuyến Bộ trưởng Phạm Văn Trà vào làm việc với nhà trường năm 1999, tôi đề nghị với Bộ trưởng nên thay đổi phương pháp tuyển sinh cho hai trường Sĩ quan Lục quân 1 và 2. Bộ trưởng hỏi tôi:

- Theo ý đồng chí, nên như thế nào?

Tôi báo cáo:

- Trình độ học vấn của thanh niên phía Bắc so với thanh niên ở đồng bằng sông Cửu Long cùng chương trình phổ thông trung học nhưng chất lượng hai nơi chênh lệch. Cứ thi như thế thì vài năm nữa là thanh niên miền Tây tỷ lệ trúng vào học sĩ quan ở nhà trường sẽ rất ít.

Tôi kiến nghị Bộ trưởng, có lẽ nên chia hẳn khu vực phía Bắc thi và tập trung đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, còn ba Quân khu 5, 7, 9 thi và đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân Lục quân 2. Như vậy việc đầu tiên là hạn chế đi lại của thí sinh giữa hai miền, đỡ phức tạp, tốn kém. Được như thế thì khoảng 3-5 năm sau, 3 quân khu phía Nam có số lượng cán bộ trung đội quê ở phía Nam ngày một nhiều hơn. Anh em có điều kiện gần gũi gia đình, nắm bắt tình hình chiến sĩ trong đơn vị, phong tục tập quán ở địa phương, thuận lợi hơn anh em ở ngoài Bắc, không lãng phí trong đào tạo và sản phẩm đào tạo được sử dụng có kết quả cao hơn. Đồng chí Bộ trưởng nói:

- Thôi đồng chí làm văn bản gửi Bộ. Tôi tiếp thu ý kiến này.

Năm 2002, Cục Nhà trường ra quy định chiêu sinh của hai Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2 theo địa chỉ hai miền khác nhau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:56:17 am »

Tháng 3-1998, tôi được tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu đi tham quan các học viện, nhà trường quân sự của Trung Quốc. Lần đầu tiên được xuất ngoại, đi cùng Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Huy Hiệu, tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đến Học viện Nam Kinh (đối tượng, mục tiêu dào tạo giống Học viện Lục quân), Học viện Quế Lâm (đối tượng, mục tiêu đào tạo giống Trường Sĩ quan Lục quân 1 và 2) và một số học viện, sư đoàn bộ binh, sở chỉ huy các quân khu, được xem bộ đội bạn diễn tập, trình diễn tại thao trường hoặc trong sở chỉ huy. Tôi thấy họ tổ chức luyện tập, diễn tập rất nhẹ nhàng, không cồng kềnh, nhiều bộ phận phục vụ bảo đảm như ta. Tình huống mô phỏng rất giống thực tế (tiếng bom, pháo, súng nổ)…) và diễn ra liên tục khiến người tập phải theo dõi rất tập trung mới xử lý kịp thời. Về nước, gặp Bộ trưởng, tôi báo cáo lại và đề xuất một số nội dung cần thay đổi trong huấn luyện. Bộ trưởng đồng ý và nói:

- Đồng chí thấy vận dụng được cái gì thì cứ vận dụng đưa vào đào tạo, tôi ủng hộ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay, nhiều nội dung chúng ta tham quan học tập ở nước bạn vẫn chưa thực hiện được.

Sau một thời gian công tác ở nhà trường, ngày 16-4-1998, tôi được phong quân hàm Thiếu tướng. Đây là một vinh dự rất lớn cho nhà trường cũng như với bản thân tôi. Với cương vị hiệu trưởng quân hàm cấp tướng, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề và càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Ngoài các vấn đề nêu trên, tôi chủ trương tìm cách nâng cao đời sống của cán bộ giáo viên, học viên. Tôi bàn với các đồng chí trong Ban Giám hiệu tổ chức quy hoạch trồng rừng, trên cơ sở những diện tích đang có, ủi đi và trồng mới. Kết quả được gần 50 héc-ta, sau này thu hoạch với khoản kinh phí không nhỏ. Nấu bếp tập trung bằng chất đốt do nhà trường cung cấp, chấm dứt tình trạng thứ 7, chủ nhật học viên đi lấy củi. Đồng thời phát động phong trào trồng cây kiểng ở các nhà nghỉ, trồng cây xanh ở ven các đường và các khu ở trong doanh trại và tiếp tục xây dựng tường bao quản lý bộ đội khi ra vào doanh trại được tốt hơn. Chủ trương đó được sự đồng tình cao trong Ban Giám hiệu. Tiếc rằng kinh phí quá eo hẹp cho nên chỉ thực hiện từng bước chứ không làm liền một lúc trong một, hai năm có kết quả ngay được. Năm 1999, tôi đặt vấn đề xin chuyển 35 héc-ta đất đang trồng rừng do nhà trường quản lý thành khu vực dân cư quy hoạch lâu dài cho cán bộ sĩ quan sau này. Kế hoạch đó được tiến hành đúng quy định từ xin phép cơ quan Cục Tác chiến, Bộ tổng tham mưu tới Sở Nhà đất và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một điều rất quan trọng, tạo tiền đề sau này nhà trường xây dựng khu gia đình rất khang trang, cấp cho cán bộ, công nhân viên yên tâm gắn bó lâu dài với trường.

Rời khỏi Trường Sĩ quan Lục quân 2 tới nay cũng gần chục năm trời. Thời gian đã qua có biết bao diễn biến trong cuộc sống. Song tôi mãi mãi nhớ buổi nhận bàn giao đầu tiên để trở thành người Hiệu trưởng. Người bàn giao việc đó là Trung tướng Lê Nam Phong. Giữa tôi và bác như có cơ duyên trong cuộc sống. Sự gặp nhau từ lúc tôi là chiến sĩ trinh sát, bác là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141; lúc tôi làm Tiểu đoàn trưởng rồi, Tham mưu phó Trung đoàn 141, bác là Sư đoàn trưởng; lúc tôi làm trợ lý tác chiến Quân đoàn, bác là Tham mưu trưởng… Với tôi, bác là người chỉ huy nghiêm khắc, người đã dìu dắt tôi trong suốt cuộc đời chiến đấu qua các cương vị khác nhau. Trong gia đình bác là người rất gần gũi, đã hai lần bác về tận quê thăm hỏi bố mẹ tôi cũng như khi tôi đưa gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống (1987), bác luôn thăm hỏi mẹ tôi và động viên gia đình vượt qua mọi khó khăn ban đầu để có ngày hôm nay. Đức tính kiên quyết trong công việc, thương yêu mọi người là bài học mãi mãi tôi noi theo.

Sang một môi trường mới, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đang tiến lên đào tạo bậc đại học, tôi nghĩ, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì chỉ huy phải có tri thức, học vấn cao. Từ đó tôi xin phép Bộ cho tôi được vừa học, vừa làm. Đề nghị được cấp trên đồng ý. Cuối năm 1997, tôi thi nghiên cứu sinh đầu vào tại Học viện Lục quân, vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa tranh thủ học từ ngoại ngữ, vi tính, cho đến các nội dung binh chủng, bảo đảm thi đủ các chứng chỉ theo quy định. Cuối cùng là chọn đề tài luận án. Tôi mạnh dạn làm đề tài “Trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ chống bạo loạn lật đổ”. Những năm cuối của thập niên 90, nói đến chuyện này còn hơi mới, đây là một đề tài tuy khó nhưng ý nghĩa thực tiễn cao. Người hướng dẫn tôi làm luận án là Thiếu tướng Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Nghĩ – Phó Giám đốc Học viện và Đại tá Phó Giáo sư Tiễn Sĩ Hồ Quốc Thúc – Trưởng phòng Đào tạo của Học viện. Tôi nhờ Quân khu 7 cung cấp những số liệu cần thiết có liên quan đến đề tài trên địa bàn Quân khu cũng như các địa bàn khác. Các nội dung học tôi cố gắng hoàn thành, bảo đảm kiểm tra thi cử đầy đủ với kết quả tốt. Tháng 8-2001, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Khi mà tình hình ở Tây Nguyên có diễn biến phức tạp đầu năm 2001, tôi cho cơ quan và một số khoa lên tìm hiểu, đối chiếu với lý luận đề xuất luận án của mình, thấy rất trùng khớp. Có những nhận định, dự báo rất chính xác. Sau đợt đó, được nhiều đơn vị xin luận án của tôi để về nghiên cứu, vận dụng trong việc chỉ huy chống bạo loạn, lật đổ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2019, 02:13:10 pm »

Học viện Lục quân

Sau khi công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 được hơn 5 tháng, ngày 29-1-1998, chiều mùng 2 tết Mậu Dần, đồng chí Bộ trưởng Phạm Văn Trà đang nghỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh tới thăm và chúc tết gia đình tôi. Sau những lời thăm hỏi theo phong tục cổ truyền, trước lúc ra về, đồng chí nói:

- Này ông Lợi, ông ở đó nắm chắc nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện của nhà trường, thời gian cũng chỉ khoảng 2-3 năm rồi lên Học viện Đà Lạt thay thế cho các đồng chí khác.

Nghe vậy, tôi rất phân vân, chỉ biết trả lời:

- Đề nghị thủ trưởng để tôi ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 một thời gian và sau đó cho tôi thực hiện đúng quy hoạch của Bộ mà cơ quan Tổng cục Chính trị đã trình với Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí nói lại:

- Tình hình bây giờ rất khó, chọn người lên đảm nhiệm chủ trì một học viện đã được Thường vụ bàn kỹ rồi. Thôi ông cứ chuẩn bị tinh thần lên trên đó sẽ tính sau.

Khi tiễn Bộ trưởng ra về, tôi rất băn khoăn. Nhiệm vụ đào tạo huấn luyện ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 còn quá ít, tích lũy kinh nghiệm chưa được là bao. Hôm nay, Bộ trưởng lại báo động như vậy. Chỉ huy một học viện lớn của quân đội là việc vô cùng nặng nề. Sau này mỗi lần ra Bộ hội họp, có điều kiện gặp Bộ trưởng, tôi liên tục đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu phương án chọn đồng chí khác về Học viện Lục quân, còn tôi xin bố trí công việc khác. Đồng chí Phạm Văn Trà chỉ cười và nói:

- Thôi ông cứ công tác cho tốt, rồi đâu sẽ có đó.

Cuối cùng, sau hơn ba năm công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, ngày 17-11-2000, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Học viện Lục quân.

Ngày 24-11-2000, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho cán bộ được điều động, bổ nhiệm ở khu vực phía Nam tại nhà Tám Mái gần sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi đọc quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng hỏi ý kiến chỉ huy từng đơn vị người đến nhận bàn giao và người chuẩn bị bàn giao. Riêng với Học viện Lục quân, Bộ trưởng đồng ý với đề nghị của giám đốc cũ, sau khi ăn tết xong, ngày 1-2-2001, mới tiến hành bàn giao giữa Giám đốc cũ và Giám đốc mới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ 9 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-12-2000. Tôi lên dự đại hội với tư cách khách mời và là đại biểu được bầu trong Đảng ủy Học viện. Đại hội được Trung tướng Lê Văn Dũng – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tới dự và chỉ đạo. Tôi ngồi nghe các đảng viên, đại biểu phát biểu ý kiến. Nhìn chung các ý kiến đều xoay quanh vào nhiệm vụ giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế của Học viện, đầu tư chăm lo đội ngũ giáo viên cũng như đời sống cho cán bộ công nhân viên. Cũng có không ít ý kiến phát biểu về mặt tổ chức nghe rất thẳng thắn. Có hai ý kiến nêu rõ quan điểm: Học viện không cần tiếp nhận cán bộ từ nơi khác về, bởi vì bản thân đội ngũ cán bộ của Học viện đủ năng lực đào tạo huấn luyện và xây dựng Học viện. Các đồng chí ở nơi khác về mất nhiều thời gian do không có kinh nghiệm, không có nghiệp vụ trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác nhà trường. Tôi nghĩ có lẽ anh em bức xúc, cùng một lúc Bộ điều hai đồng chí từ đơn vị khác về (tôi về làm Giám đốc và đồng chí Nguyễn Hữu Mão về làm Phó Giám đốc) hoặc lo Ban Giám đốc mới khó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ trước yêu cầu đổi mới mà nghị quyết Đại hội nêu ra? Khi nghe hai ý kiến phát biểu đó, đồng chí Lê Văn Dũng nói nhỏ với tôi:

- Ông về đây khó khăn đấy, cần nghiên cứu để thực hiện cho tốt.

Tôi chỉ biết gật đầu và tiếp tục lắng nghe các đại biểu phát biểu. Tôi tự nhủ đây là một đơn vị có nhiều khó khăn, thử thách với mình cần phải tự chủ và cố gắng vượt lên. Đại hội kết thúc vào chiều ngày 13-12-2000, tôi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ và làm Phó Bí thư Đảng ủy của Học viện. Cũng là lúc tôi nhận được tin bố vợ qua đời. Tôi chỉ biết nhanh chóng về Thành phố Hồ Chí Minh kịp cùng với các cháu bay ra để lo việc hậu sự cho ông nhạc được chu toàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2019, 02:15:54 pm »

Đúng kế hoạch, sáng ngày 1-2-2001, tôi lên Học viện và buổi chiều tổ chức bàn giao. Thủ tục bàn giao đơn giản, diễn ra trong một không khí vui vẻ và rất thoải mái. Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh – Bí thư Đảng ủy đọc các quyết định của Bộ Quốc phòng và của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Chánh văn phòng đọc biên bản bàn giao. Sau đó tôi và Trung tướng Lê An ký vào biên bản, tới 15 giờ 30 mọi việc đã hoàn thành. Lúc chia tay, tôi chúc bác Lê An mạnh khỏe, hạnh phúc, vui với tuổi già giữa đời thường cùng tổ ấm gia đình. Bác cũng chúc và mong muốn tôi mạnh khỏe, tiếp tục phát huy truyền thống và xây dựng Học viện ngày càng phát triển.

Tôi bắt đầu điều hành Học viện từ chiều ngày 1-2-2001. Khi tiếp nhận Học viện, Ban Giám đốc có năm đồng chí: Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh – Phó Giám đốc về chính trị, Bi thư Đảng ủy Học viện; Đại tá Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Quý – Phó Giám đốc phụ trách huấn luyện; Đại tá Nguyễn Hữu Mão – Phó Giám đốc phụ trách khối khoa học công nghệ thông tin; Đại tá Trịnh Văn Noi – Phó Giám đốc phụ trách hậu cần kỹ thuật. Trong năm anh em ở với nhau, đồng chí Sanh là người cao tuổi nhất. Tôi chủ động tới thăm nơi nghỉ, phòng làm việc của anh. Trong lúc thăm hỏi gia đình, tôi đặt vấn đề:

- Anh Sanh ơi, tôi và anh được ở cùng với nhau là do tổ chức phân công sắp đặt. Tôi có một quy định, những việc gì Giám đốc biết mà Bí thư chưa biết là không được và ngược lại những việc gì Bí thư biết mà Giám đốc không biết cũng không tốt. Bác là người nhiều tuổi, các cháu của em tôn trọng bác, quý mến bác, lúc nào cũng coi bác như người anh của bố trong gia đình, còn trong công việc tôi và bác làm theo điều lệnh và mệnh lệnh của quân đội đã quy định.

Tôi nói xong, đồng chí Sanh rất vui vẻ bắt tay:

- Có lẽ tôi chưa ở với ai chỉ huy mà có những tình cảm, lời nói trách nhiệm trong công việc và trong quan hệ tình cảm như anh. Thôi anh em mình cố gắng sống đoàn kết và công tác xây dựng Học viện cho tốt lên.

Công việc đầu tiên tôi đảm nhiệm ở Học viện là bàn với các đồng chí trong Đảng ủy Ban Giám đốc chuẩn bị lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Học viện (7.7.1946-7.7.2001). Sáng ngày 11 tháng 2, Đảng ủy – Ban Giám đốc Học viện họp tại Nhà Tròn, thông qua nội dung đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Học viện và triển khai làm mọi công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm. Trong hội nghị, đồng chí Sanh nói:

- Anh Lợi xem quan hệ với các đơn vị ngoài Bộ và Nhà nước, báo cáo thành tích của Học viện để cấp trên công nhận tuyên dương anh hùng vào dịp kỷ niệm 55 năm.

Tôi nghĩ Học viện đã hai lần đề nghị nhưng chưa được Nhà nước công nhận, lần này đề nghị là lần thứ ba không biết có được hai không. Tôi chỉ nói:

- Học viện có thành tích, có bề dày kinh nghiệm huấn luyện và đào tạo, tất nhiên xứng đáng với danh hiệu anh hùng. Nhưng chúng ta phải có quy trình từng bước để báo cáo, xin ý kiến của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, trình Thủ tướng và Thủ tướng trình lên Chủ tịch nước.

Trong cuộc họp, đồng chí Lê Văn Bảy – Chủ nhiệm chính trị đặt vấn đề Học viện chưa có bài hát riêng để làm truyền thống mặc dù đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác nhưng vẫn chưa thành công. Tôi nói:

- Không phải nhờ nhạc sĩ nào, anh cứ ra ngoài Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội gặp nhạc sĩ An Thuyên, nhờ anh ấy sáng tác chỉ trong một tuần là có bài hát cho Học viện.

Đồng chí Bảy cùng với cơ quan Phòng Chính trị ra đặt vấn đề. Nhạc sĩ An Thuyên đã sáng tác giúp cho Học viện một bài hát rất tâm huyết, đó là bài “Học viện Lục quân”. Bài hát có một câu “Học viện Lục quân anh hùng”, đồng chí Bảy đang ở Hà Nội chờ mang bài hát về gọi điện hỏi tôi:

- Liệu việc đề nghị phong tặng Anh hùng của ta thế nào anh?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM