Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:57:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận mạc và giảng đường  (Đọc 14457 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2019, 03:31:24 pm »

Chiều hôm đó tôi cùng đồng chí Trưởng phòng làm các kế hoạch quyết tâm trên bản đồ Qua lớp kính bóng mờ, chúng tôi vẽ các hướng mũi chiến dịch cũng như các lực lượng tham gia từng giai đoạn, viết các bản thuyết minh để trình cho Tham mưu trưởng và Tư lệnh. Khoảng gần 22 giờ ngày 19, chúng tôi làm xong đem lên thông qua những nét cơ bản cho Tư lệnh và Tham mưu trưởng. Rất mừng là cả hai đồng chí đều đồng ý. Khi thông qua xong, Tư lệnh nhắc lại việc Tham mưu trưởng Lê Nam Phong đi báo cáo Bộ. Lúc này mới thấy đói và mệt. Tôi nói với đồng chí Trần Kính:

- Anh Ba cho anh em ra ngoài lai rai tý.

Sáng ngày 20-12-1978, tôi được đi cùng Tham mưu trưởng về Tiền phương Bộ để báo cáo ý định của Tư lệnh. Tại cơ quan Tiền phương Bộ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vào phòng làm việc, tôi thấy có đồng chí Lê Đức Thọ - ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn – Phó Tổng tham mưu trưởng và các sĩ quan của Bộ đang trực ở Sở chỉ huy Tiền phương. Sau khi nghe đồng chí Tham mưu trưởng Quân đoàn trình bày tình hình địch, tình hình ta và ý định tác chiến, đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Lê Đức Thọ rất đồng tình. Đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng nói thêm:

- Việc tiêu diệt 3 sư đoàn Pôn Pốt ở bắc đường 13 khu Hòa Hội rạch làng Đinh nằm trong kế hoạch tác chiến thường xuyên của Quân đoàn. Còn nhiệm vụ tấn công vào Phnôm Pênh, Quân đoàn đảm nhiệm hướng chủ yếu của toàn chiến dịch, theo hai bước. Bước 1, đánh phá khu vực đường 10 Đôn So, chiếm quốc lộ 1 Brasot, Bra Nhây và chiếm đông tây phà Niếc Lương. Bước hai, từ phà Niếc Lương tiến công vào giải phóng Phnôm Pênh. Bộ sẽ tăng cường cho Quân đoàn Sư đoàn bộ binh 2 (đang trong đội hình Quân đoàn), Trung đoàn đặc công 113 và một số đơn vị của địa phương. Trung đoàn hải quân 962 đang đứng ở khu vực Cần Thơ sẵn sàng theo đường sông Mê Kông lên tham gia tác chiến và một số phà giao thông công chánh của khu vực sông Tiền, sông Hậu để cơ động cho bộ đội vượt sông khi qua phà Niếc Lương. Không nên đổ bộ đường không ở U Đông bởi vì việc tổ chức chỉ huy và chi viện cũng rất khó khăn. Khi vào Phnôm Pênh, hiệp đồng chặt chẽ với cánh quân của Quân khu 9 từ Tà Keo theo đường 2 lên sân bay Pôchentông, hướng Quân đoàn 2 theo đường 4 từ đèo Piclin, Kôngpông Spư vào tây sân bay và Quân đoàn 3 có mũi từ Kôngpông Chàm qua phà Đếch Đam (bắc Phnôm Pênh).

Đồng chí Lê Đức Thọ dặn Bộ Tư lệnh Quân đoàn:

- Quân đoàn 4 tiến công kết hợp chặt chẽ với Binh đoàn 1 của bạn. Đây là lực lượng vũ trang tương đương cấp sư đoàn đầu tiên của lực lượng Mặt trận Đoàn kết dân tộc giải phóng của Campuchia. Quân đoàn cần tạo điều kiện để bạn trưởng thành, làm chủ khi ta giải phóng Phnôm Pênh. Quá trình chiến đấu khi vào thành phố phải hết sức giữ gìn kỷ luật, đặc biệt là kỷ luật dân vận, kỷ luật chiến lợi phẩm, tù hàng binh, đảm bảo chính sách của quân đội Việt Nam khi làm nhiệm vụ quốc tế. Đồng thời quân quản thành phố cho chặt chẽ, chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng cho bạn.

Về Sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn, Tham mưu trưởng gọi tôi lên nhà làm việc của Tư lệnh. Sau khi Tham mưu trưởng báo cáo kết quả làm việc ở cơ quan Tiền phương Bộ, đồng chí Tư lệnh nhận định: kế hoạch Quân đoàn phù hợp với ý định của cấp trên và nhiệm vụ của Quân đoàn rất nặng nề. Đó là đảm nhiệm hướng chủ yếu khi tiến công đánh chiếm Phnôm Pênh. Bộ Tham mưu điều chỉnh giai đoạn 2, 3 tiến công giải phóng Phnôm Pênh theo hai bước như Bộ chỉ đạo để thống nhất cách gọi, cách điều hành trong Quân đoàn cũng như toàn chiến dịch. Khi nhận chỉ thị của Tư lệnh xong, tôi đặt vấn đề:

- Đề nghị Tư lệnh và Tham mưu trưởng cho tôi xuống chỉ huy một đơn vị nào cũng được, tôi hứa sẽ vào Phnôm Pênh đúng kế hoạch.

Tư lệnh cười và nói:

- Sớm muộn thì cậu cũng xuống chỉ huy đơn vị. Song lúc này thì chưa phải. Thôi yên tâm về làm cho tốt.

Ngày 22-12-1978, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn triển khai nhiệm vụ thực hiện kế hoạch mùa khô năm 1978-1979, trước mắt là mở chiến dịch phản công ở tây bắc Bến Sỏi, khu vực rừng Hòa Hội và nam rạch Làng Đinh. Chiến dịch này do Sư đoàn 341, Sư đoàn 2 và một trung đoàn của Sư đoàn 7 cùng với các lực lượng vũ trang của địa phương tỉnh Tây Ninh phối hợp thực hiện. Chiến dịch tiến hành từ ngày 23 đến 27, khôi phục lại địa bàn đã mất và tiêu diệt được đại bộ phận lực lượng chủ lực của ba sư đoàn địch ở khu vực rừng Hòa Hội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:39:15 pm »

*
*   *

Sau khi thực hành phản công giành thắng lợi ở khu vực tây bắc phà Bến Sỏi, ngày 30-12, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn triệu tập hội nghị quân chính tại khu vực Sở chỉ huy ở Pốt Môn, nam ngã tư Nhà Thương. Hội nghị tập trung quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và nhiệm vụ chung của Quân đoàn về tổ chức hiệp đồng với các đơn vị bạn thực hiện tiến công giải phóng Phnôm Pênh. Không khí trong hội nghị rất phấn khởi. Các đơn vị đều hăng hái nhận, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Đầu năm 1979, Quân đoàn 4 triển khai đánh phá tuyến phòng thủ đường 10 Đôn So. Đây là khu vực Pôn Pốt bố trí lực lượng tinh nhuệ gồm 6 sư đoàn chủ lực (703, 221, 340, 460, 805, 152) cùng các đơn vị binh chủng, chủ yếu trên trục đường 24, đường 109, từ khu vực phái bắc Xvay Riêng đến giáp biên giới Long An, Đồng Tháp và trên tuyến đông, tây bờ sông Mê Kông, đông tây phà Niếc Lương.

Chiến dịch mở màn đúng sáng sớm ngày 1-1-1979. Các đơn vị đang phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với bọn địch từ đoạn nam, bắc cầu Đôn So trên tuyến đường 10 đã thực hành nổ súng. Chiến thuật của bọn Pôn Pốt là tập trung lực lượng phía trước án giữ vành đai cho nên ngày mùng 1, mùng 2 việc đột phá đánh chiếm đường 10 của ta gặp rất nhiều khó khăn, quân số thương vong cũng rất cao, mũi tiến công của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 209 phải chiến đấu liên tục, đồng chí Siêu – Tiểu đoàn trưởng hy sinh. Sư đoàn 7 phát triển chậm. Các hướng khác cũng bị địch ngăn chặn quyết liệt. trong thời gian đó, các hướng chiến dịch trên quốc lộ 2, 3 do Quân khu 9 đảm nhiệm, quốc lộ 4 do Quân đoàn 2 đảm nhiệm phát triển thuận lợi.

Từ thực tế trên, Bộ quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Quân đoàn 4 thực hiện sang cho hai đơn vị trên thực hiện. Hướng Quân đoàn 4 chuyển thành hướng thứ yếu của chiến dịch. Thời gian hiệp đồng ở Phnôm Pênh vào ngay 8-1-1978.

Trước diễn biến mới, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lệnh chp các đơn vị nhanh chóng củng cố, tổ chức lực lượng và hỏa lực chi viện, tiếp tục tấn công. Tại Sở chỉ huy Quân đoàn, các đơn vị liên tục báo cáo tình hình chiến sự trên toàn mặt trận. Khu vực rắn nhất ở phía bắc cầu Đôn So trên tuyến đường 10 bị chọc thủng vào 23 giờ đêm 4 rạng ngày 5-1-1979. Các sư đoàn chủ lực của địch bị tiêu diệt một phần, số còn lại đang tháo chạy về hướng Niếc Lương. Nắm chắc tình hình, tôi báo cáo với Tham mưu trưởng:

- Đề nghị thủ trưởng lệnh cho pháo chiến dịch bắn chi viện tối đa (chỉ để một nửa số cơ số mang theo) cho các lực lượng của ta tiến công, đặc biệt là đánh chặn đoạn từ Bra Nhây đi về khu vực đông của phà Niếc Lương.

Tham mưu trưởng hỏi:

- Tại sao lại cho bắn nhiều đạn thế, sau này lấy gì để chi viện tiếp?

Tôi báo cáo:

- Đoạn đường 10 cứng nhất đã bị đột phá, như vậy là tuyến phòng ngự chiến lược ở bờ đông sông Mê Kông của Pôn Pốt đã bị mở toang, khả năng chiến đấu ngăn chặn của địch trong giai đoạn tiếp theo là điều rất khó xảy ra. Nếu có bắn hết đạn, chúng ta vào Phnôm Pênh sẽ lấy lại trang bị sau.

Đồng chí Tham mưu trưởng chỉ cười, sau đó bảo tôi gọi Chủ nhiệm Pháo binh Hoàng Đình Lương lên để Tham mưu trưởng triển khai cho cụm pháo chiến dịch 130mm bắn chặn vào các khu vực sâu trong hậu phương của địch, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 1 nhằm hạn chế việc cơ động pháo binh, xe tăng, thiết giáp của Pôn Pốt, không cho chúng hội tụ về khu vực phà Niếc Lương hoặc Phnôm Pênh. Đồng chí Chủ nhiệm Pháo binh nhận lệnh, triển khai ngay cho cụm pháo thực hiện.

Sáng ngày 6-1-1979, Quân đoàn 4 thành lập Sở chỉ huy tiền phương, đây là sở chỉ huy đốc chiến. Lúc này Quân đoàn giao nhiệm vụ hướng tiến công chủ yếu đánh chiếm Phnôm Pênh do Sư đoàn bộ binh 7 thực hiện. Sở chỉ huy tiền phương do Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy. Tôi được Phòng Tác chiến cử cùng với các đồng chí trợ lý trinh sát, pháo binh, thông tin, giúp việc cho Phó Tư lệnh. Gọi là Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn, nhưng thực tế là đi cùng Sở chỉ huy Sư đoàn 7 trực tiếp bên cạnh Sư đoàn trưởng để theo dõi nắm tình hình, đôn đốc Sư đoàn thực hiện theo đúng quyết tâm ý định của Tư lệnh chiến dịch. Trung đoàn 165 là đơn vị đi đầu đội hình Sư đoàn, có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững hai bên bờ đông tây phà Niếc Lương, làm bàn đạp cho đại quân vượt phà tiến vào thành phố Phnôm Pênh.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2019, 05:09:48 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:41:27 pm »

Buổi chiều cùng ngày, tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn 165 đã tới phà, tại khu vực này Pôn Pốt chống trả yếu ớt. Xe, pháo trên đường chúng vứt lại rất nhiều. Tuy nhiên bên bờ tây phà Niếc Lương, địch đang làm công sự chiến đấu và dùng hỏa lực bắn sang bên bờ đông phà. Quân đoàn được Bộ tăng cường một số xuồng cao su để đưa bộ binh đánh chiếm bờ tây sông Mê Kông, nhưng đến lúc này trung đội thuyền cao su vẫn chưa có mặt. Hỏa lực pháo 105 của Pôn Pốt ở bờ tây sông bắn mãnh liệt vào khu vực đông phà từ 3 đến 6 km. Đồng chí Phó Tư lệnh với nét mặt đăm chiêu liên tục giục tôi:

- Lợi ơi, hỏi xem trung đội thuyền cao su đến nơi chưa? Kêu Trung đoàn pháo 210 lên triển khai trận địa ở ngay cầu Tà Pếch để chi viện cho lực lượng đánh chiếm bờ tây sông, yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trong đêm nay để đảm bảo ngày mai đại quân vượt sông thực hiện theo đúng kế hoạch. Hỏi anh Trần Kính xem Trung đoàn Hải quân 962 cơ động đến đâu rồi? Yêu cầu tăng tốc độ lên…

Tôi liên tục truyền đạt ý kiến của Phó Tư lệnh cho các đơn vị, giữ liên lạc thường xuyên với sở chỉ huy cơ bản để nắm tình hình ở các hướng khác báo cáo lại cho Phó Tư lệnh. Đến khoảng 16 giờ ngày 6-1-1979, đại bộ phận xuồng cao su của Bộ Tư lệnh Công binh tăng cường đã đến khu vực của Sư đoàn 7 và lúc này nhiệm vụ đánh chiếm bờ tây sông mới bắt đầu thực hiện.

Cùng lúc, Sư đoàn 341 đã đánh chiếm được núi Sa Cách (phía đông phà Niếc Lương 15km). Đây là hướng thứ yếu của Quân đoàn theo trục lộ 103, bắc quốc lộ 1, Trung đoàn 270, đơn vị đi đầu của Trung đoàn 341 do Trung đoàn trưởng Lê Hải Anh chỉ huy, có một bộ phận đang tiến ra hướng đường số 1 phía đông phà. Đại tá Vũ Cao – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 đến Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn. Tôi đón Sư đoàn trưởng đưa vào gặp Phó Tư lệnh. Sau khi báo cáo tình hình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 xin Phó Tư lệnh cho phép Sư đoàn được vượt sông sớm và phát triển vào Phnôm Pênh. Phó Tư lệnh Quân đoàn trả lời:

- Trung đoàn 165 Sư đoàn 7 đã ém sát bờ đông bến phà, anh em đã chuẩn bị chiếm bờ phía tây theo kế hoạch như đã thống nhất. Bây giờ không nên thay đổi kế hoạch nữa.

Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 chấp hành mệnh lệnh nhưng trên gương mặt ông thoáng nét không vui. Đại tá Vũ Cao là cán bộ chỉ huy đã từng qua nhiều trận mạc, nhiều chiến dịch, nhiều ngưỡng lịch sử quan trọng. Tôi đoán vì kỷ luật quân đội và lợi ích chung của toàn bộ chiến dịch mà ông tỏ ra điềm tĩnh, vui vẻ. Giây phút vào Phnôm Pênh chỉ còn trong gang tấc, người chỉ huy nào cũng muốn được là đơn vị đầu tiên cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng trên sào huyệt của quân thù. Tôi nghĩ nếu không vướng con sông quá rộng kia, chắc ông đã cùng đơn vị thẳng tiến theo đường 15 qua Prây Veng vào Hoàng Cung rồi cũng nên. Sư đoàn trưởng 341 ra về, tôi cũng ra phà kiểm tra bộ đội chuẩn bị vượt sông. Bắt tay ông, tôi nói:

- Chào thủ trưởng, xin gặp thủ trưởng ở thủ đô Phnôm Pênh.

Được pháo binh Sư đoàn và hỏa lực đi cùng của Trung đoàn trực tiếp chi viện, phân đội đầu tiên Trung đoàn 165 đã chiếm được mép bờ tây phà Niếc Lương. Các phân đội của chúng ta chiến đấu giành giật từng khu vực, từng phum, từng bãi trống để mở rộng phía tây phà, làm bàn đạp cho đại bộ phận lực lượng quân ta cơ động qua phà. Cùng lúc này, một số phà giao thông công chính của Cần Thơ cơ động lên, lần lượt vận chuyển các đơn vị bộ binh và binh khí kỹ thuật qua sông, mở rộng chiếm giữ khu vực đầu cầu ở phía tây phà.

Từ sáng đến chiều ngày 6-1-1979, đội hình của sư đoàn 7 nói riêng và đại bộ phận Quân đoàn 4 nói chung đã tiến sâu hơn 40 km từ đường 10 Chi Phu, Kôngpông Rồ đến khu vực Kôngpông Tapéc đến phà Niếc Lương.

Dọc đường đi xe, pháo của Pôn Pốt nằm ngổn ngang, bọn lính lần lượt ra hàng quân tình nguyện Việt Nam. Đến đâu cũng gặp người dân đông nghịt đứng hai bên đường, có nơi cả xe bò, xe trâu, xe đạp, xe máy lẫn lộn. Trong dòng người đang nườm nượp đi trên đường quốc lộ 1 từ phía tây về phía đông, có thể có cả lính Pôn Pốt, trà trộn trong dân, bởi vì tất cả đều một màu đen rất khó phân biệt. Từ người trẻ đến cụ già chỉ một mảnh áo rách lủng lẳng trên người. Đàn bà chỉ có chiếc khăn cà ma quấn lên đủ che bộ ngực, xà rông đen đã bạc phếch, tóc tai rối bời và nhem nhuốc. Quân tình nguyện Việt Nam đã nhường cơm, nhường gạo để người dân Campuchia có chút lương thực ăn dọc đường rở về phum sóc của họ hoặc ngược đường sang khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia sinh sống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:44:17 pm »

Để thực hiện bước 2 của chiến dịch, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 7, khoảng 3 giờ sáng ngày 7-1-1979, Sư đoàn trưởng Đỗ Dũng tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ bổ sung và hiệp đồng chiến đấu. Ông phổ biến:

- Sau khi ta đã chiếm được phà Niếc Lương, Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt đã điều sư đoàn 260 từ phía bắc về bảo vệ, tăng cường cho thủ đô Phnôm Pênh. Trung đoàn 108 vẫn bảo vệ khu Bộ tổng tham mưu, trung đoàn 331 không quân bảo vệ sân bay Pôchentông, sư đoàn 552 thủy quân lục chiến vẫn hoạt động trên sông ở khu vực Hoàng Cung (căn cứ ở khu vực Bầu Diều). Lực lượng xe tăng thiết giáp đang bảo vệ khu vực ga xe lửa trên đường ra sân bay Pôchentông. Còn lại các lực lượng tàn quân của các sư đoàn ở quân khu Đông chạy về đang dồn cục trên trục đường 1 và các cửa ngõ tiến vào thủ đô Phnôm Pênh. Trước tình hình như vậy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn hạ quyết tâm là không để chậm, không chờ đủ xe, một tiểu đoàn hoặc một trung đoàn cũng tiến công.

Đây là quyết định rất táo bạo, rất đúng lúc của Sư đoàn trưởng. Quyết tâm này được đồng chí Phó Tư lệnh Quân đoàn phê chuẩn và nhắc các trung đoàn khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi triển khai xong, tôi đi ra bến phà, đi sau đội hình của Trung đoàn 141, đến gặp và trao đổi với đồng chí Trần Văn Thuyết – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141. Được biết tiểu đoàn đi đầu của Trung đoàn 141 là Tiểu đoàn 3 do Tiểu đoàn trưởng Lê Minh Thư, Chính trị viên Nguyễn Tấn Phát chỉ huy cùng với trung đội xe tăng do đồng chí Trần Ngọc Giao chỉ huy (sau trận này, đồng chí Giao được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Trung đoàn chỉ có hai tiểu đoàn đủ phương tiện hành tiến. Lực lượng còn lại cơ động bộ khi nào có phương tiện thì cơ động theo.

Đúng 7 giờ 15 phút ngày 7 tháng 1 năm 1979, Tiểu đoàn 3 và trung đội xe tăng thực hành cơ động. Bầu trời đầu xuân, một buổi sáng đầy ánh nắng đang dần xua đi cái se lạnh ban đêm thời tiến mùa khô. Ôi sao mà thời tiết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh gần giống nhau thế! Theo lệnh của Trung đoàn trưởng, đoàn xe băng băng trên đường nhựa nhằm thẳng hướng tiến về thủ đô Phnôm Pênh. Trên xe lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phần phật. Các chiến sĩ Việt nam – Campuchia mặt mày rạng rỡ, súng cầm nhằm nhăm trong tay sẵn sàng nhả đạn vào đầu quân thù. Xe mới cơ động được 5 km, ra giữa cánh đồng trống, thì phát hiện địch đang triển khai pháo 130 mm, pháo 85mm hạ nòng nhằm vào đội hình hành quân cơ giới của Trung đoàn để chuẩn bị bắn. Trung đoàn trưởng hạ lệnh xuống xe và các phân đội triển khai chiến đấu, dùng hỏa lực chế áp chi viện cho phân đội bộ binh tiêu diệt lực lượng ở phía trước. Tiêu diệt địch xong, đội hình lại nhanh chóng tiếp tục hành quân. Trên các cánh đồng trống, chỉ còn những trận địa kháng cự yếu ớt của bọn tàn quân từ đông sông chạy về.

Tới cầu Mônnivông – cây cầu cửa ngõ vào thủ đô Phnôm Pênh, đồngg chí Tiểu đoàn trưởng báo cáo cầu còn nguyên vẹn. Tôi báo tin này về cho đồng chí Phó Tư lệnh và Sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn. Có lẽ lúc này các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn và chỉ huy Sư đoàn đang thở phào nhẽ nhẹ nhõm. Trong kế hoạch tiến công vào Phnôm Pênh, nếu cầu Mônivông bị kẻ địch đánh phá, sập hỏng thì khả năng tiến công sẽ chậm, việc đánh chiếm thành phố sẽ rất khó khăn và thương vong khó lường. Tại đầu cầu Mônivông,bọn Pôn Pốt chống trả quyết liệt. Đến khi trung đội tăng của đồng chí Trần Ngọc Giao cơ động lên chi viện thì bọn chúng bỏ chạy. Bộ đội ta tiếp tục vượt qua cầu Mônivông tiến vào nội đô. Đội hình của Tiểu đoàn 3, rồi các Tiểu đoàn 1, 2 của Trung đoàn 141 tiến đánh từng mục tiêu: khu Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt ở Hoàng Cung, khu hành chính đầu não của chế độ Pôn Pốt, khu đại sứ quán…

Tại khu vực ga xe lửa, quân địch chống cự quyết liệt, bắn cháy của ta một xe tăng. 10 giờ 30 phút ngày 7 tháng 1 năm 1979, đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 141 vào được Hoàng Cung. Tới 12 giờ trưa ngày 7 tháng 1, đại bộ phận lực lượng của Sư đoàn 7 cùng với các đơn vị của Binh đoàn 1, Quân đội cách mạng Campuchia đã hoàn toàn làm chủ thủ đô Phnôm Pênh. Theo kế hoạch, chúng ta hoàn thành nhiệm vụ sớm trước 24 giờ.

Cùng lúc này, đội hình Sư đoàn 341 đã vào Phnôm Pênh, chuẩn bị tiến ra hướng sân bay Pôchentông và Kôngpông Spư. Tội gặp lại Sư đoàn trưởng Vũ Cao, vẫn dáng thanh thản, nho nhã và điềm đạm. Tôi chào và bắt tay ông, cung cấp một số tình hình địch ở khu vực nhà ga xe lửa theo đại lộ ra sân bay, ông lại tiếp tục đi cùng Trung đoàn bộ binh 270 tới mục tiêu.

Vào Phnôm Pênh được ít bữa, tới tháng 3-1979, đồng chí Vũ Cao được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 thay Tham mưu trưởng Lê Nam Phong đi nhận nhiệm vụ khác. Hơn 6 năm tôi được công tác dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông. Tôi học tập và luôn thán phục người cán bộ quân sự mà không bao giờ nóng tính, quát nạt, nặng lời với ai. Đức tính đôn hậu, luôn hăng say trong công việc, uốn nắn sửa cho chúng tôi mỗi khi gặp sai sót. Đó là bài học về đức độ, phẩm chất của người chỉ huy, luôn là gương sáng cho tôi học tập.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:48:29 pm »

Sau hơn một tuần chiến đấu, Quân đoàn 4 đã cùng với đơn vị bạn và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xari, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Đất nước Campuchia thoát khỏi bàn tay đẫm máu của bọn đao phủ. Trang sử truyền thống của Quân đoàn lại ghi thêm một chiến công mới.

Chiều ngày 7 tháng 1 năm 1979, đại bộ phận Sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn dã vào trong thành phố. Bước đầu ở tạm khu vực Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt tại khu vực Hoàng Cung, phía sát bờ sông Mê Kông. Chúng tôi báo cáo ngay tin chiến thắng về Bộ và liên lạc thông báo tinh hình với các hướng. Phía quốc lộ 2 từ Tà Keo đánh lên chiếm sân bay Pôchentông. Quân đoàn 2 theo quốc lộ 4 từ Kôngpông Xom qua Kôngpông Spư và Phnôm Pênh. Quân đoàn 3 từ hướng bắc Kôngpông Chàm vượt qua sông chiếm bờ tây phà U Đông. Tôi lo bố trí cho cán bộ đi cùng với Tư lệnh vào khu Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt, sắp xếp vị trí nghỉ cho đồng chí Tư lệnh và đồng chí Tham mưu trưởng. Tôi đi kiểm tra một vòng quanh khu vực Phnôm Pênh, trên chiếc xe Jeep do đồng chí Bính lái. Hai anh em đi với 2 khẩu súng AK sẵn sàng chiến đấu. Thành phố Phnôm Pênh không phải như thành phố Sài Gòn ngày 30-4-1975 mà là một thành phố chết. Không dân, không chợ, không tiền, không hàng hóa, không trường học, không công xưởng nhà máy, không bệnh viện. Các đường hẻm đã bị xây chặn lại, đường nhựa bị đào thành các hố trồng chuối. Tôi đánh xe vòng ra khu vực sân vận động Ôlimpic, đây là sân vận động rất lớn do Liên Xô (cũ) xây dựng từ thời Xihanuc (1960). Trong sân bóng đá là những luống khoai lang, khoai mì trồng để lấy lương thực.

Tôi về Sở chỉ huy khoảng 19 giờ, lúc này pháo 37mm từ hướng nam Pôchentông bắn xối sả vào khu vực đường Mônivông thủ đô Phnôm Pênh. Hướng bên Bầu Diều, Pôn Pốt đã củng cố lực lượng, chúng sử dụng ĐKZ từ bờ đông sông bắn vào Hoàng Cung.Tôi đến Sở chỉ huy mời Tư lệnh sang nhà làm việc của Tham mưu trưởng để nghỉ. Bởi vì nhà Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt nằm phơi sườn ra ngay hướng bờ sông. Điều trăn trở nhất là Trung đoàn hải quân 962 cơ động lên rất muộn nên lực lượng hải quân của Pôn Pốt ở khu vực Bầu Diều vẫn hoạt động bình thường. Đến sáng ngày 8-1-1979, Trung đoàn 962 lên đến nơi mới giải phóng khu vực Bầu Diều.

Trong lúc ngồi tổng hợp tình hình báo cáo về Bộ, đồng chí Tham mưu trưởng nói với tôi:

- Sao mãi không thấy Đài tiếng nói Việt Nam phát tin ta đã vào Phnôm Pênh rồi để cho các hướng, mũi biết, không dùng hỏa lực bắn vào Phnôm Pênh.

Đến bản tin lúc 21 giờ, Đài tiếng nói Việt Nam mới phát tin Quân giải phóng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam đã vào giải phóng Phnôm Pênh, tiêu diệt chế độ Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Lúc này đồng chí Tư lệnh, đồng chí Tham mưu trưởng mới thở phào nhẹ nhõ. Như vậy, lực lượng ta trên các hướng tiến công đã biết được tình hình, việc vào Phnôm Pênh không còn phức tạp nữa. Sau khi ký bản tổng hợp tình hình tác chiến trong ngày báo cáo về Bộ, đồng chí Tham mưu trưởng nói với tôi:

- Lợi kiếm cái gì nấu nồi cháo để tối nay mời anh năm, anh Ba qua ăn cho đỡ mệt (anh Năm là Tư lệnh Hoàng Cầm, anh Ba là Phó Tư lệnh Bì Cát Vũ).

Tôi triển khai rất nhanh. Khoảng 22 giờ đã có nồi cháo gà thơm phức đưa lên. Tôi qua mời Tư lệnh và Phó Tư lệnh. Ba mái đầu bạc ngồi chụm nhau, tôi nghĩ trong giờ phút phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ, chắc Tư lệnh và Phó Tư lệnh rất vui. Nhưng không hiểu sao thấy nét mặt của Tư lệnh và Phó Tư lệnh có vẻ đăm chiêu. Tôi múc cháo và mời các thủ trưởng dùng cho nóng. Bưng bát cháo nóng chưa ăn, Tư lệnh vừa cười vừa nói:

- Anh Ba ơi, từ ngày Nam Phong lên ở gần với tôi, tôi lây bệnh nóng tính của nó cho nên sáng nay tôi đã nóng tính với anh Ba. Thôi có chuyện gì bỏ qua nghe anh Ba.

Đồng chí Tư lệnh nói xong, Phó Tư lệnh chỉ cười. Nét mặt của những người cao tuổi lại vui vẻ. Tư lệnh nói xong, Tham mưu trưởng cười rất to. Tôi ngồi ngoài thầm thán phục cách giải quyết mâu thuẫn của bậc tiền bối, những người thầy đi trước của mình quá siêu. Có lẽ sáng ngày 7-1-1979, khi đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, giữa Tư lệnh và Phó Tư lệnh có chuyện gì khúc mắc mà chưa nói ra được. Tham mưu trưởng đã nghĩ ra nấu nồi cháo gà. Tôi nghĩ nồi cháo ngon lên rất nhiều lần vì niềm vui chung Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng như nỗi ưu phiền giữa hai người được giải tỏa. Trên gương mặt của ba vị chỉ huy của Quân đoàn, trong niềm hân hoan, có ký ức của những chặng đường kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng chí Hoàng Cầm, đồng chí Nam Phong đều có mặt ở hầm Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên phủ 1954 và cùng đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-1-1954 lịch sử. Còn ngày 30-4-1975, cả ba đồng chí Hoàng Cầm, Nam Phong và Bùi Cát Vũ đều có mặt ở dinh Độc Lập. Hôm nay ngày 7-1-1979, ba đồng chí lại có mặt ở thủ đô Phnôm Pênh. Tôi nghĩ lúc này các đồng chí đang ôn lại chặng đường binh nghiệp của mình, những chặng đường lịch sử, những giờ phút vinh quang mà họ được là người trong cuộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:50:31 pm »

Sáng ngày 8-1-1979, theo lệnh của Tham mưu trưởng, Phòng Tác chiến chúng tôi đi tìm khu vực bố trí sở chỉ huy. Theo bản đồ ở phía bắc Phnôm Pênh có làng Tun Cốc. Chúng tôi đến đó. Quả là một khu vực đẹp, nhà ở dạng biệt thự, phân ô như làng Đại học Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hoang sơ không có người ở, cây cối rậm rạp. Phòng quyết định chọn địa điểm này làm Sở chỉ huy và được Bộ Tư lệnh đồng ý. Lần lượt các cơ quan của Quân đoàn cơ động vào vị trí triển khai làm nhiệm vụ tiếp theo.

Ngày 13-1-1979, Đại tướng Văn Tiễn Dũng – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đang làm nhiệm vụ quân quản tại thành phố Phnôm Pênh. Đồng chí biểu dương Quân đoàn đã đánh chiếm, giải phóng Phnôm Pênh sớm nhất trước 24 giờ quy định. Thời gian đó có rất nhiều ý nghĩa, tạo thuận lợi cho các hướng khác của chiến dịch cùng phát triển. Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh đây là thắng lợi rất lớn nhưng chỉ là thắng lợi bước đầu, bởi vì toàn bộ đầu não của chế độ diệt chủng Pôn Pốt vẫn còn tồn tại. Sau này qua tìm hiểu từ tù hàng binh, chúng tôi được biết tập đoàn Pôn Pốt rút khỏi Phnôm Pênh khoảng 7 giờ sáng ngày 7-1-1979 bằng đường bộ rồi lên Pu Sát. Tôi liên tưởng tới phương án nếu trên quyết tâm sử dụng tiểu đoàn đổ bộ đường không xuống U Đông chặn từ sáng sớm ngày mùng 7 thì ó hiệu quả biết mấy. Biết đâu ta tiêu diệt được cơ quan đầu não bọn phản cách mạng Pôn Pốt ngay từ tháng giêng năm 1979.

Đến ngày 10-1-1979, đại bộ phận lực lượng các quân khu, quân đoàn bạn trên các hướng chiến dịch đều đến khu vực quy định. Quân đoàn 3 theo quốc lộ 6 qua Kôngpông Chàm, Kôngpông Thom tiến về tỉnh Bát Tam Băng ngã ba Xixô Phôn – Poi Pét giáp biên giới Campuchia – Thái Lan. Quân khu 9 vượt qua Sát. Quân đoàn 2 theo quốc lộ 4 vượt qua đèo Piclin đi vào Kôngpông Spư. Sau khi chạy khỏi Phnôm Pênh, các lực lượng phản động của Pôn Pốt tụ tập về căn cứ núi Kim Ri, khu vực Âm Leng (hướng tây của quốc lộ 5 và bắc của quốc lộ 4). Chúng tổ chức phản kích đánh chiếm lại những khu vực đã mất.

Trong khi bọn Pôn Pốt đưa lực lượng ra đánh chặn giao thông và chia cắt các thị xã, thì ngày 17-2-1979, Trung Quốc mở cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta. Tại Sở chỉ huy Quân đoàn, đồng chí Tham mưu trưởng Lê Nam Phong nhận nhiệm vụ ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1 – quân đoàn chủ lực của Bộ. Được tin đồng chí Tham mưu trưởng ra Bắc, chúng tôi đến thăm, chào thủ trưởng, ai nấy đều lưu luyến. Tôi nói:

- Anh ra đó cho em theo ra để cùng chiến đấu ở phía Bắc với anh.

Đồng chí Tham mưu trưởng trả lời:

- Thôi, để anh ra trước xem tình hình thế nào rồi tính sau.

Khi đồng chí Lê Nam Phong ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1, Bộ điều đồng chí Đại tá Vũ Cao – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 lên làm Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Ngoài việc san sẻ cán bộ ra các đơn vị phía Bắc, Quân đoàn làm nhiệm vụ quân quản tại thủ đô Phnôm Pênh, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ Campuchia, đồng thời tổ chức lực lượng phản kích tiêu diệt quân địch đang đánh vào đội hình các đơn vị bạn. Nhiệm vụ đầu tiên là giải phóng khu vực đoạn từ U Đông lên Long Véc, rồi từ Long Véc lên Kôngpông Chnăng. Tại khu vực này, Sư đoàn 330 Quân khu 9 cơ động vừa bằng xe dân sự, vừa bằng xe quân sự đã bị lính Pôn Pốt phục kích gây thương vong không nhỏ.

Ngày 23-1-1979, Quân đoàn sử dụng Sư đoàn 9 được tăng cường Trung đoàn 1 của Sư đoàn 2 thực hành tiến công từ khu vực U Đông, nam Long véc. Sư đoàn 339 cùng với xe tăng thiết giáp đánh từ Kôngpông Chnăng xuống phía nam để bắt liên lạc với Sư đoàn 9 từ Long Véc đánh lên. Tới ngày 27-1, cơ bản các hướng đã liên lạc được với nhau. Đường 5 được giải phóng, tạo điều kiện để các đơn vị khắc phục hậu quả, cơ động lực lượng. Sư đoàn 339 tiếp tục làm nhiệm vụ ở khu vực Pu Sát, Lếch.

Tới đầu tháng 2, Quân đoàn 4 tiếp tục đưa các lực lượng lên giải phóng khu vực đông tây đường sắt từ ngã tư Cralanh cho đến Bâm Nức và Pu Sát. Giải phóng đến đâu, từng đoàn người dân ào ra đến dó. Dọc đường 5, từng đoàn nười dân Campuchia gầy gò, phờ phạc, rách rưới, đói khát từ các cánh rừng, các phum bản, trại tập trung đi ngược về hướng Phnôm Pênh tìm cuộc sống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:53:41 pm »

Đầu tháng 3 năm 1979, ta phát hiện khu vực Âm Leng cách tây bắc Phnôm Pênh khoảng trên 50km theo trục đường 114 từ U Đông đi vào có căn cứ của cơ quan đầu não Pôn Pốt. Tà Mốc trong Bộ Tổng tham mưu Pôn Pốt thường xuất hiện và chỉ đạo các cuộc phản kích, coi Kim Ri như Phnôm Pênh mới. Sư đoàn 74, sư đoàn 260, sư đoàn pháo binh 448 và đơn vị thiết giáp 337 chạy từ Phnôm Pênh vào khu vực này ẩn náu và đang có ý định tấn công ra đường 5 phản kích vào Phnôm Pênh. Trước tình hình trên, Bộ điều động Sư đoàn bộ binh 2 trả về đội hình Quân khu 5, tăng cường Sư đoàn 5 của Quân khu 7, Trung đoàn 250 thuộc Tỉnh đội Đắk Lăk cho Quân đoàn 4 để tổ chức chiến dịch truy quét vào sào huyệt Pôn Pốt ở Âm Leng. Chiến dịch truy quét diễn ra từ ngày 17-3 tới ngày 31-3 thì kết thúc. Ta giành thắng lợi lớn ở khu vực Âm Leng, diệt bắt nhiều tên địch, thu nhiều súng đạn và giải phóng được trên 10 vạn dân. Trong chiến dịch này, đồng chí Mười Kim – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 hy sinh.

Giải phóng xong Âm Leng, cấp trên điều Thiếu tướng Nguyễn Thế Bôn – Phó Tư lệnh Quân đoàn ra Quân khu 4 công tác. Đại tá Nguyễn Văn Quảng từ Quân khu 7 về giữ chức Phó Chính ủy Quân đoàn. Đại tá Võ Văn Dần – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân đoàn. Đại tá Đỗ Dũng – Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn ra làm Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô.

Vào đầu tháng 6 năm 1980, trinh sát phát hiện ở khu vực Tà Sanh – Săm Nốp, phía nam đường 10 Pai Lin khoảng 15-20 km có chỉ huy của trung ương Pôn Pốt – Iêng Xari đang hoạt động. Bộ lệnh cho Quân đoàn tổ chức truy quét sào huyệt của Pôn Pốt càng sớm càng tốt. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ, Quân đoàn giao nhiệm vụ này cho Sư đoàn 341 cùng một phần lực lượng Sư đoàn 7, pháo chiến dịch cơ động vào khu vực nam Pai Lin để làm nhiệm vụ.

Tôi tháp tùng đồng chí Phó Tư lệnh Võ Văn Dần vào giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trưởng 341 là đồng chí Hồ Đình Quý. Đoàn cán bộ đến khu vực Bát Tam Băng, đi theo đường 10 tới cua chữ V thì rẽ xuống phía nam, theo đường lâm nghiệp mà công binh mới tu sửa lại. Tôi điện cho Sư đoàn chuẩn bị mọi kế hoạch, khi đoàn vào sẽ làm việc ngay, sau đó ăn cơm nghỉ lại sáng hôm sau mới ra về. Địa hình từ cua chữ V vào đến Sở chỉ huy Sư đoàn là một khu vực rừng nguyên sinh rậm rạp, đường cơ động do ta mới mở và được tổ chức chốt gác chặt chẽ. Xe, pháo cơ động thường xuyên tới Sở chỉ huy Sư đoàn. Đây là đoạn đường bọn Pôn Pốt thường xuyên ra phục kích gài mìn bắn xe vận tải, xe tăng, xe cơ giới. Chúng ta mỗi lần qua đây ít nhiều đều bị tổn thất.

Khoảng 14 giờ tới Sở chỉ huy Sư đoàn. Sau khi thăm hỏi, tôi đề nghị đồng chí Sư đoàn trưởng cho làm việc ngay. Trong phòng làm việc của Sở chỉ huy Sư đoàn 341 đã có đầy đủ các thành phẩn theo quy định. Tấm bản đồ khu vực Tà Sanh – Săm Nốp, nơi có trung ương đầu não của Pon Pốt – Iêng Xari đang hoạt động cách Sở chỉ huy Sư đoàn chỉ khoảng 20km. Đồng chí Sư đoàn trưởng báo cáo toàn bộ tinh hình địch ở khu vực và phương án triển khai lực lượng, tác chiến của các trung đoàn. Đồng chí Phó Tư lệnh kiểm tra một vài đơn vị do các Trung đoàn trưởng báo cáo sau đó kết luận theo phương án của Sư đoàn đã chuẩn bị, lực lượng tăng cường của Sư đoàn 7 cũng như hỏa lực chiến dịch sẽ triển khai chi viện ở nam cua chữ V do Sư đoàn trực tiếp bố trí và giao nhiệm vụ.

Làm việc xong đã hơn 17 giờ. Đồng chí Hồ Đình Quý mới Phó Tư lệnh và đoàn của cơ quan Quân đoàn ở lại dùng cơm. Tôi phán đoán sớm muộn đêm nay hoặc sáng mai địch cũng phục kích hoặc gài mìn trên dọc đường vào. Chiều nay có rất nhiều bộ đội ra chốt đường và gần chục chiếc xe con cơ động từ ngoài đường 10 của chữ V Pai Lin vào Sở chỉ huy sư đoàn, chắc chắn các đài quan sát của Pôn Pốt đã phát hiện. Chúng tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội quan trọng này. Tôi đề nghị đồng chí Phó Tư lệnh uống nước rồi lên xe cơ động ra ngay cua chũ V ở khu vực Binh đoàn 1 của bạn, nghỉ lại và dùng cơm ở đó cũng không muộn. Đồng chí Phó Tư lệnh nhất trí, chúng tôi chào Ban chỉ huy Sư đoàn ra về. Đến khoảng 22 giờ, đoàn xe của Phó Tư lệnh tới khu vực đường 10 Pai Lin.

Đúng như tôi dự kiến, sáng ngày hôm sau, đơn vị pháo binh của Sư đoàn 341 cơ động ra để nhận vật tư kỹ thuật đã bị Pôn Pốt phục kích, chúng gài mìn nổ một xe của ta. Dọc đường từ Sỏ chỉ huy Sư đoàn ra khu vực cua chữ V bọn Pôn Pốt đều tổ chức phục kích từng đoạn. Sư đoàn đã tổ chức lực lượng cơ động ra chi viện, giải vây khắc phục hậu quả khi xe bị nổ mìn. Đồng thời tổ chức dò, gỡ mìn suốt từ sở chỉ huy ra cua chữ V, phát hiện được ba khu vực đặt mìn, thu hơn 10 quả mìn chống tăng với hơn 20 quả mìn bộ binh cài ở ven đường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 04:55:40 pm »

Theo kế hoạch, tới ngày 30-6-1980, toàn bộ lực lượng tham gia đánh chiếm Tà Sanh, Săm Nốp đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy không tiêu diệt, không bắt được bọn đầu sổ Pôn Pốt – Iêng Xari nhưng một lần nữa ta đã phá tan căn cứ đứng chân của địch, buộc chúng phải cơ động xuống phía nam.

Bước vào mùa khô năm 1980, Quân đoàn 4 được tăng cường Sư đoàn 339 của Quân khu 9 (làm nhiệm vụ từ Pu Sat vào Lếch và ra tây Lếch theo con đường 56), Trung đoàn 14 công an vũ trang (làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Campuchia với Thái Lan ở cuối đường 56). Tại khu vực này, bọn Pôn Pốt có 5 nhà, bộ đội ta thường gọi đây là khu vực Năm Nhà. Tại khu vực Năm Nhà, Trung đoàn 14 triển khai đóng quân, làm bãi lên xuống cho trực thăng khi chi viện khẩn cấp hoặc cứu chữa thương binh, đại bộ phận các tiểu đoàn ra đóng ở khu vực tây của khu vực Năm Nhà và cách biên giới Thái Lan khoảng 3-5 km. Sau khi bị ta truy quét, bọn tàn quân Pon Pốt ở khu vực Tà Sanh cơ động về khu vực Nam Nhà, tây nam Pu Sát giáp với tỉnh Changvathuri của Thái Lan. Theo tin kỹ thuật từ Bộ Tổng tham mưu cung cấp, vị trí đài chỉ huy của bọn Pôn Pốt – Iêng Xari đang hoạt động ở khu vực nam của Năm Nhà khoảng 30km. Nhưng theo báo cáo của Trung đoàn 14, Trung đoàn đã nhiều lần hành quân truy quét đến vị trí đó nhưng kết quả vẫn không phát hiện được gì.

Tôi báo cáo với Phó Tư lệnh Võ Văn Dần có lẽ anh em xác định tọa độ chưa chính xác và nhân một lần đi công tác, tôi và Phó Tư lệnh cùng đi kiểm tra Trung đoàn 14. Khi xuống các tiểu đoàn, chúng tôi chọn khu vực đồi trống và cao nhất. Hôm đó thời tiết tốt, tại đây có thể nhìn thấy biển vịnh Thái Lan và doi đất phía nam của tỉnh Chanvathuri rất rõ. Vốn là dân trinh sát, tôi thao tác, xác định điểm đứng chân cho Tiểu đoàn 2. Rõ ràng, anh em xác định sai khoảng độ trên 10 km về phía nam. Khi có trực thăng lên đón đồng chí Phó Tư lệnh về, tôi bảo đồng chí phi công cho bay một vòng kiểm tra dọc biên giới và xác định lại tọa độ, vị trí Trung đoàn 14 cho thật chuẩn xác. Kết quả xác định trên máy bay cũng như khi đứng dưới đất hoàn toàn thống nhất.

Trong lần đi công tác này, có một đêm chúng tôi phải nằm lại giữa cánh rừng nam khu vực Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 14 khoảng 15 km. Đồng chí Tham mưu phó Trung đoàn dẫn đường và bố trí chúng tôi nghỉ đêm trên một đỉnh đồi.

Tôi hỏi:

- Tối nay nghỉ ở đó có đơn vị nào bảo vệ không đồng chí?

Đồng chí Tham mưu phó trả lời:

- Chúng tôi đã bố trí một trung đội bộ binh bảo vệ Phó Tư lệnh.

Tôi không nói gì, đi lên đó kiểm tra. Trời gần tối. Tôi trao đổi với anh Tư Kiếng – Phó phòng Trinh sát đi cùng, sau đó báo cáo với Phó Tư lệnh, không nên nghỉ lại trên đỉnh đồi, bởi vì nếu ta ở đỉnh đồi đêm nay sẽ bị Pôn Pốt tập kích vì quá trình đoàn đi từ sáng tới giờ ít nhiều trên các đài quan sát chúng đã phát hiện được, đề nghị Phó Tư lệnh quay lại ngủ ở dưới bờ suối. Đồng chí Phó Tư lệnh lúc đầu ngần ngừ, sau thấy tôi phân tích đồng chí cũng nhất trí và xuống bờ suối mắc võng nằm. Chúng tôi triển khai đội hình canh gác bảo vệ và triển khai nấu cơm tối, ăn xong đâu đấy vào các vị trí để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ lực lượng để ngày mai tiếp tục đi trinh sát các mục tiêu tiếp theo.

Đêm hôm đó tôi và anh Tư Kiếng bẻ lá cây rải lên những phiến đá nằm nghỉ cạnh đồng chí Phó Tư lệnh. Hết một vài câu chuyện, mệt quá ai cũng thiếp đi. Tôi đi kiểm tra việc canh gác ở các khu vực, nhắc nhở anh em sẵn sàng chiến đấu đề phòng quân Pôn Pốt tập kích.

Đúng như dự kiến, khoảng 1 giờ sáng, trên khu vực đỉnh đồi nơi có trung đội bộ binh của Trung đoàn 14 đóng giữ, bọn Pôn Pốt đã sử dụng B40, B41 tập kích trong khoảng 5 phút. Hậu quả một đồng chí ta hy sinh và hai đồng chí bị thương. Ở dưới suối, Phó Tư lệnh cùng với chúng tôi vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, nhưng không có gì xảy ra.

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi tổ chức cắt đường, vòng tránh đi đến khu vực mục tiêu quy định để bố trí tiểu đoàn cuối cùng cho Trung đoàn 14 làm nhiệm vụ lâu dài ở khu vực biên giới Thái Lan và Campuchia. Buổi trưa hôm đó, đoàn ăn cơm vắt với cá khô chiên. Bốn anh em ngồi vây quanh chiếc thau đựng cá khô. Ăn xong, đứng dậy uống nước, đồng chí phục vụ lại cầm chiếc thau đi. Khi nhắc cái thau lên thì tất cả đều xanh mắt bởi dưới đít thau là một quả mìn của bọn Pôn Pốt gài, không hiểu lý do gì mà nó không nổ. “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, giả sử quả mìn nổ trong lúc mọi người đang ăn cơm thì không biết hậu quả sẽ như thế nào…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2019, 05:00:19 pm »

Vào đầu mùa khô năm 1981-1982, Sở chỉ huy Quân đoàn 4 rời khỏi Tun Cốc, Phnôm Pênh ra khu vực U Đông. Trước mắt ở tại khu trường học của U Đông, nơi Sở chỉ huy Sư đoàn 7 đã rời đi vào khu vực sân bay Kôngpông Chnăng. Đại bộ phận Quân đoàn triển khai xây dựng lán trại ở khu vực Long Vét. Tại sở chỉ huy Quân đoàn ở U Đông, đầu tháng 1-1981, đồng chí Tư lệnh Hoàng Cầm, người Tư lệnh đầu tiên từ ngày thành lập Quân đoàn 20-7-1974 tới nay được trên điều động ra làm Tư lệnh Quân khu 4. Người thay đồng chí Hoàng Cầm là Đại tá Nguyễn Văn Quảng – Phó Chính ủy Quân đoàn. Trong buổi liên hoan chia tay đồng chí Tư lệnh ra Quân khu 4, đồng chí Hoàng Cầm nói:

- Anh Năm (tức đồng chí Nguyễn Văn Quảng) cho Lợi đi theo tôi ra Quân khu 4 công tác để có điều kiện được gần gia đình.

Tôi không nói gì, chờ ý kiến của Tư lệnh mới:

Tư lệnh Nguyễn Văn Quảng nói:

- Không được đâu anh Năm ơi, Lợi là tác chiến “cưng” của tôi, anh để cậu ấy ở lại cùng cơ quan tác chiến Bộ Tham mưu giúp Bộ Tư lệnh trong việc thực hiện các kế hoạch tác chiến. Có gì sau này tính sau anh Năm ạ.

Đúng vậy, đồng chí Tư lệnh mới cũng rất quý mến tác phong làm việc của tôi. Mỗi khi Tư lệnh kết luận sau hội nghị giao ban buổi sáng, tôi tổng hợp các ý kiến và nhanh chóng viết những bức điện triển khai cho các đơn vị thực hiện theo quyết định của Tư lệnh. Thường các bức điện tôi viết, đồng chí đều nhất trí và cho rằng làm như vậy rất nhanh nhạy và kịp thời. Đồng chí luôn động viên và nhắc nhở tôi công tác cho tốt. Một điều trùng hợp đồng chí cũng rất thích thể thao, ham mê bóng đá. Tôi cũng vậy. Năm 1982, World cup ở Tây Ban Nha, đội Ý vô địch. Mỗi buổi sáng trước lúc giao ban, đồng chí hỏi tôi tình hình các đội đá trong đêm thế nào? Biết ý Tư lệnh, tôi chuẩn bị báo cáo, đầu tiên là thông báo kết quả các trận đá trong đêm của các bảng trong vòng chung kết để Tư lệnh và cả hội nghị cùng nghe, sau đó mới tới báo cáo tình hình hoạt động của địch, của Quân đoàn để Tư lệnh kết luận. Sau này tuy đồng chí không ở Quân đoàn nữa, khi tôi đi học ở Học viện Quốc phòng trở về Quân đoàn nhận công tác, nhân buổi đến thăm trong Sở chỉ huy Quân đoàn, nghe tin tôi về đồng chí bước ra khỏi phòng họp, ra tận ngoài sảnh ôm tôi và nói “tác chiến cưng, tác chiến cưng”. Đồng chí rất chân tình, luôn dành tình cảm quý mến cho những trợ lý như chúng tôi. Ngược lại, tôi mãi mãi không bao giờ quên được tình cảm của thủ trương, người đáng tuổi như cha chú đối với cán bộ cấp dưới. Đây cũng là tấm gương, bài học quý để tôi cư xử với mọi người, đặc biệt là cấp dưới khi mình ở cương vị chỉ huy. Tháng 9-1981, tôi được phong quân hàm thiếu tá, trước niên hạn một năm. Đây là một vinh dự lớn đối với tôi, một trợ lý cơ quan cấp chiến dịch.

Vào đầu mùa khô 1981-1982, có một vấn đề dặt ra là tổ chức vận chuyên trên đường 56 để đưa lương thực, thực phẩm đảm bảo cho Trung đoàn 14 hoạt động trên khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan. Quân đoàn sử dụng một Tiểu đoàn vận tải 6 khoảng 50-60 ô tô cùng Sư đoàn 339 bảo vệ đường 56 để tham gia vận chuyển hàng từ Lếch, tức là Sở chỉ huy Sư đoàn 339 vào khu vực Năm Nhà (cách biên giới Campuchia – Thái Lan 20km). Từ Nhăm Nhà sẽ tải bộ xuống các tiểu đoàn của Trung đoàn 14.

Tư lệnh giao cơ quan làm kế hoạch vận chuyển và bảo vệ trên đường 56 với yêu cầu xe đi và về không gặp nhau trên đường mà chỉ gặp nhau ở khu vực dừng chân nghỉ lại ban đêm. Một số cơ quan có đề xuất phương án nhưng Tư lệnh chưa đồng ý. Một hôm đồng chí Tư lệnh gọi tôi lên giao nhiệm vụ:

- Có lẽ việc này giao cho Phòng Tác chiến thì không đúng lắm nhưng thôi Lợi cứ làm kế hoạch đi, để làm sao vận chuyển cho khoa học, chuyển được hàng mà xe không chồng chéo trên đường, đảm bảo an toàn là yêu cầu cao nhất.

Tôi về báo cáo lại Trưởng phòng Phạm Hựu, đầu tư nghiên cứu hai ngày hai đêm và lập một kế hoạch quy trình để vận chuyển từng cung trạm đi, về, nơi dừng lại, các chốt bảo vệ trên dọc tuyến đường 56 sao cho thuận lợi và bảo vệ xe ra vào được an toàn theo đúng yêu cầu của Tư lệnh. Tôi lên báo cáo với Bộ Tư lệnh và các cơ quan của Quân đoàn. Sau khi phương án được thông qua, tôi được phân công xuống Lếch, nơi có Sở chỉ huy Sư đoàn 339 do anh Tư Mai làm Sư đoàn trưởng để triển khai các khu vực chốt theo kế hoạch mùa khô đến là bắt tay ngay vào vận chuyển. Tôi và hai đồng chí trợ lý của cơ quan đi cùng xuống làm nhiệm vụ truyền đạt cho các đơn vị. Xong, chúng tôi về Kôngpông Chnăng nghỉ tạm – nơi Quân đoàn tổ chức đánh bắt cá, làm thực phẩm phơi khô để dự trữ cung cấp cho các đơn vị tác chiến phía trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 02:58:30 pm »

Sáng hôm sau, trên đường từ Kôngpông Chnăng về Sở chỉ huy Quân đoàn, đến nam khu vực thị xã, gặp một con rắn, tôi hô anh em dừng lại đuổi theo vào trong rừng để bắt. Nhưng không bắt được vì lỗ nẻ quá lớn, nó luồn lách mất. Quay lại trên chiếc xe Jeep chở ít muối và cá về cho Phòng Tác chiến. Đi được một lúc thì ngủ gà ngủ gật. Tập bản đồ tôi không gập lại mà cuộn tròn như một ống để ở chân. Xe Jeep đi lúc lắc, nó rơi lúc nào không biết được (xe Jeep không có thành chắn như xe Uoat). Khi về tới Sỏ chỉ huy Tun Cốc mới phát hiện cuộn bản đồ đã rơi mất rồi. Tôi báo cáo với Phòng, báo cáo với Bộ Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân đoàn, đề phòng nếu kẻ địch nhặt được, chúng sẽ tổ chức đối phó, gây khó khăn cho nhiệm vụ vận chuyển của Quân đoàn. Trong thời gian này, tôi liên tục theo dõi tin kỹ thuật xem bọn Pôn Pốt có nhặt được kế hoạch vận chuyển của ta hay không. Đúng lúc mới được phong thiếu tá, tôi phải làm bản kiểm điểm từ cơ sở trở lên, nhận mức độ cảnh cáo. Cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn cũng có ý kiến lên Bộ hạ một cấp nhưng nhìn chung ý kiến đa số vẫn là cảnh cáo. Cuối cùng, quyết định của Bộ ủy quyên cho Tư lệnh Quân đoàn cảnh cáo tôi về mặt thiếu trách nhiệm làm mất tài liệu. Rất may, là trong mùa khô năm đó, hoạt động vận chuyển vẫn vận hành theo kế hoạch. Tất nhiên tôi có kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân đoàn tăng cường sử dụng các lực lượng chốt giữ trên dọc đường 56 đông hơn và nghiêm ngặt hơn. Kết quả trên mấy trăm tấn hàng ra đến khu vực Năm Nhà an toàn. Đoàn xe không bị tập kích và cũng không bị cài mìn đánh phá. Dù sao, đó là một bài học để đời trong binh nghiệp của tôi.

Bên cạnh nhiệm vụ tác chiến đánh địch, lúc này quân tình nguyện Việt Nam còn tập trung làm nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng chính quyền cách mạng. Quân đoàn không những chỉ huy 4 sư đoàn, 1 trung đoàn biên phòng, các binh chủng, lại thêm các đoàn quân sự của các tỉnh miền Tây lên giúp bạn (Bến Tre giúp tỉnh Kan Đan, Hậu Giang giúp tỉnh Kôngpông Chnăng, Tiền Giang giúp tỉnh Pu Sat) và một số tỉnh bạn tham gia trong các đoàn quân sự. Nhiệm vụ chính lúc này là bảo vệ các trục đường giao thông, xây dựng lực lượng vũ trang và giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống, kịp thời cấy hái trồng trọt vào mùa mưa.

Tháng 10 năm 1980, Quân đoàn thực hiện 2 sự kiện lớn. Một là tổ chức cho Sư đoàn 341 cơ động từ khu vực Pai Lin đường 10 tây Bát Tam Băng về bàn giao cho Quân khu 4 tại Nghệ An. Kế hoạch này đã được chuẩn bị từ cuối năm 1979 cho tới thời điểm này mới thực hiện được. Hai là Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị quán triệt Quyết định 800 QĐ/QB ngày 30-9-1980 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội nhằm thống nhất cả ý chí hành động của cán bộ, chiến sĩ, tăng cường vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chống chủ nghĩa cá nhân cục bộ. Có lẽ đây là một việc làm bước ngoặt trong tổ chức lãnh đạo chỉ huy của quân đội ta. Từ trước đến nay vẫn hai người, chỉ huy và chính ủy song quyền, nay chỉ có một người chỉ huy trong tập thể Đảng lãnh đạo.

Tháng 10 năm 1982, tại Sở chỉ huy Quân đoàn ở căn cứ Long Vét, Đại tá Võ Văn Dần được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Quân đoàn thay đồng chí Nguyễn Văn Quảng chuyển công tác về Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội. Ngày 6 tháng 11 năm 1982, hai đồng chí tư lệnh cũ và mới bàn giao cho nhau. Từ tháng 11 năm 1982, đồng chí Võ Văn Dần đảm nhiệm công việc mới.

Cuối năm 1982, Quân đoàn 4 tập trung kiện toàn, tổ chức lại lực lượng, củng cố, giữ vững địa bàn chuẩn bị bàn giao một số đơn vị ở lại làm nhiệm vụ với các mặt trận trên hai chiến trường (tuyến đường 5 và tuyến đường 6), đại bộ phận lực lượng hành quân về nước nhận nhiệm vụ mới.

Tại Sở chỉ huy cơ bản Long Vét, các nhà lá được xây dựng khang trang, điện nước đầy đủ. Đây là một sở chỉ huy dã ngoại hoàn toàn do cơ quan Quân đoàn xây dựng đứng chân tự làm. Các bộ phận đều có tổ chức tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Phòng Tác chiến lúc này do đồng chí Phạm Hựu cán bộ Sư đoàn 7 lên làm Trưởng đoàn. Cán bộ được bổ sung nhiều từ các đơn vị lên hoặc ở các học viện về. Một hôm, Tham mưu trưởng gọi Trưởng phòng Phạm Hựu và tôi lên giao nhiệm vụ làm kế hoạch thực hiện nhiệm vụ mới cho Quân đoàn. Kế hoạch phải thể hiện được hai nội dung cơ bản. Một là đói với các đơn vị còn ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu phải củng cố bổ sung trang bị, tổ chức biên chế hoàn chỉnh, điều chỉnh lực lượng phù hợp trong đội hình Mặt trận 479, Mặt trận 979, duy trì sức chiến đấu trong suốt mùa khô và sẵn sàng cơ động bổ sung cho các đơn vị này khi có yêu cầu. Yêu cầu thứ 2 đối với các đơn vị về nước là phải tổ chức hành quân công khai, nghi lễ long trọng, đúng thủ tục, quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện kỹ thuật, đúng thời gian, giữ nghiêm kỷ luật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM