Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:18:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Chiến khu XI  (Đọc 10041 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:21:34 am »

Ngày 26 tháng 12 cuộc tiến công của địch xuống Ô Cầu Dền bắt đầu.

Sáng sớm máy bay địch ném bom dọc phố Duy Tân và Bạch Mai, trọng điểm là chiến lũy Cầu Dền. Nhiều nhà cửa đổ sập. Một xe tăng, 1 xe bọc thép dẫn hơn 100 lính tiến từ phố Duy Tân xuống, vừa đi vừa bắn vào hai bên dãy phố và bắn 20 phát 37mm vào chiến lũy. Bọn địch ở nhà Vạn Vân, trường Duy Tân, nhà sữa Minh Ngọc dùng đại liên bắn dữ dội về phía ta. Ta kiên quyết đánh trả, không cho địch phá ụ để tiến lên. Chúng cho xe tăng vòng qua chiếm ngã ba Đại Cồ Việt, Lê Bình1 (Tức phố Mai Hắc Đế ngày nay). Chúng dùng pháo trên xe và súng 12,7mm bắn vào bên sườn chiến lũy và đình Tô Hoàng, nơi có khẩu trung liên của ta. Ta kiên trì chặn địch. Đến 17 giờ địch vẫn không đột phá được chiến lũy, phải ngừng cuộc tiến công và rút về phía sau. Đợt này, 10 tên địch bị chết, nhiều tên khác bị thương.


Đêm đó ta củng cố lại chiến luỹ Ô Cầu Dền, xếp thêm bao cát thành nhiều ụ chiến đấu.

Sớm hôm sau, ngày 27 tháng 12, địch tiến công lần thứ hai. Rút kinh nghiệm hôm trước, ta bố trí lực lượng kiềm chế các ổ đại liên của địch trên các nhà cao. Cuộc tiến công của địch lần này cũng bị chặn lại.


Ngày 28 tháng 12 địch tiến công lần thứ ba. Bộ chỉ huy Chiến khu XI đã tăng cường cho mặt trận này 1 khẩu ba-dô-ca với 5 viên đạn. Đây là khẩu ba-dô-ca của Mỹ duy nhất tại Hà Nội. Xe tăng, xe bọc thép của địch đi đầu bắn phá, bộ binh đi sau. Theo đường Duy Tân, ra tới gần cửa ô, xe địch đi chậm lại để bộ binh kiểm tra phá bỏ các nồi, niêu, rổ, rá úp trên đường phát hiện mìn thật. Từ sau chiến lũy, từ trên các nhà cao ta nổ súng, ném lựu đạn vào đội hình quân địch. Yểm trợ cho bộ binh, xe tăng địch bắn dữ dội vào chiến lũy. Xạ thủ ba-dô-ca của ta là một người Nhật tên Việt là Tâm1 (Có nhân chứng nói tên thật là A-ka-sư-đa) liền bắn 3 phát đạn, 1 xe tăng địch bốc cháy, 1 xe thiết giáp bị bắn hỏng, khựng lại. Địch khiếp sợ tháo chạy. Chiến sĩ người Nhật này sau đó bị trúng đạn đã hy sinh anh dũng. Ta thừa thắng xuất kích đánh chiếm nhà lơ Vũ Tạo, nhà sữa Minh Ngọc, diệt ổ súng đại liên của địch tại ngã ba Đại Cồ Việt - Lê Bình2 (Tức ngã ba Đại Cồ Việt - Mai Hắc Đế ngày nay), đánh vào vị trí địch tại trường Duy Tân đốt cháy 2 xe tải. Tổng cộng địch chết khoảng 20 tên, bị thương một số tên, 1 xe tăng, 1 xe bọc thép bị phá hỏng. Số thương vong trong toàn bộ cuộc chiến đấu giữ Ô Cầu Dền của đại đội 3 tiểu đoàn 77 và tự vệ trong cả 3 ngày lên tới trên dưới 100 người. Trong đó có 1 cán bộ đại đội, 3 cán bộ trung đội, nhiều cán bộ tiểu đội.


Sau đợt tiến công thất bại, ngày 28 tháng 12, địch vẫn không ngừng tổ chức các đợt tiến công đánh phá trong thế giằng co với ta nhưng quy mô nhỏ hơn và đều thất bại. Ban ngày ta lui về phía nam chiến tuyến chống cự với địch, ban đêm lại vượt ụ, vượt đê vào tập kích các chốt của địch trong nội thành. Đây là một trận phòng ngự chiến lũy điển hình tại mặt trận Hà Nội. Ta dùng lực lượng đông nhất, giữ được trận địa lâu nhất. Trong suốt 20 ngày địch không đột phá nổi. Nắm được tình hình ngày 15 tháng 1 năm 1947 địch sẽ từ Vĩnh Tuy và từ Vọng đánh sang chiếm ngã tư Trung Hiền1 (Tức ngã tư Chợ Mơ, phố Bạch Mai - Trương Định - Minh Khai - Đại La), như vậy chiến lũy Ô Cầu Dền sẽ bị cô lập cả hai phía bắc và nam, tình thế lúc ấy sẽ hết sức nguy hiểm. Trước tình hình đó, đêm 14 tháng 1 các lực lượng ta tại Ô Cầu Dền đã chủ động vượt vòng vây rút ra ngoài. Quân ta rút theo đường Ngõ Bò, Ngõ Quỳnh qua khu Đề Thám, Mê Linh về Nam Dư.


Tại đây trong suốt thời gian chiến đấu, không chỉ có bộ đội và tự vệ đánh giặc, mà còn có cả một bộ máy lãnh đạo, chỉ huy và nhân dân trên địa bàn sở tại tham gia. Đó là Ủy ban kháng chiến Liên khu 2 và Ủy ban kháng chiến Khu 17, Ban chỉ huy mặt trận Cầu Dền cùng đông đảo đoàn viên các đoàn thể cứu quốc (phụ nữ, thanh niên, nông dân, công nhân) với hàng trăm đồng bào tản cư còn đọng lại tham gia chiến đấu, làm các công việc cứu thương, tải thương, nấu ăn, tiếp tế, coi kho, đào đất, đắp ụ... Nhiều nhà sư cũng tham gia chiến đấu. Trong làng Quỳnh Lôi, bộ phận hậu cần đã tổ chức một cái bếp tập thể gồm mấy chục chị em chuyên lo nấu cơm, sẵn sàng cung cấp cho tất cả những ai tham gia chiến đấu tại khu vực Liên khu 2. Lùi xuống phía nam đầu phố Trương Định (bây giờ là làng Hoàng Mai), là nơi ta đặt kho thóc và thực phẩm từ các nơi mang tới cung cấp cho mặt trận. Các loại cối xay, cối giã gạo hoạt động hết sức nhộn nhịp. Tiếng người gọi nhau, tiếng trâu bò kêu, lợn rống ầm ĩ không lúc nào ngớt. Các trạm y tế tiền phương đặt tại trường Công Ích (ngõ Chùa Liên) và nhà ông giáo Hiền (làng Quỳnh Lôi).


Mặt trận Ô Cầu Dền kiên cường cầm chân địch suốt 20 ngày, từ ngày 26 tháng 12 năm 1946 tới ngày 15 tháng 1 năm 1947, là niềm kiêu hãnh lớn của quân dân Liên khu 2 Hà Nội.

Cũng trong ngày 28 tháng 12, địch lại theo hai hướng Trần Khánh Dư, Đống Mác, Thanh Lương tiến đánh Vĩnh Tuy lần thứ hai, có phi pháo chi viện mãnh liệt, có xe tăng dẫn đầu. Đại đội 16 tiểu đoàn 212 do đồng chí Như Trang làm đại đội trưởng đảm nhiệm chốt giữ khu vực này. Đồng chí Vương Thừa Vũ đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của đơn vị. Khi địch tiến công, quân ta đã dựa vào chiến lũy Ba Hàng, dùng đại liên diệt nhiều tên. Một bộ phận ém quân dưới bãi ngô gần đó đã dùng cối 60 và 81mm bắn vào xe địch. Lần đầu tiên bị bắn bất ngờ bằng súng cối, xe tăng thiết giáp của địch rút chạy bỏ mặc bộ binh trơ vơ trên đê, bộ đội ta nhất tề xung phong, quân địch hốt hoảng bỏ chạy, tới gần Lò Lợn1 (Vị trí này ở cuối phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn ngày nay) mới thôi. Riêng ở làng Thanh Lương lực lượng ta rút ra ngoài nhử địch vào rồi từ hai mặt phản kích, địch tháo chạy, ta truy kích đến Đống Mác. Trận này ta diệt 50 tên địch, ta thương vong 16. Đây là một trận đánh dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.


Sau đợt quấy rối tập kích địch vào đêm 23, Bộ chỉ huy Mặt trận lại lệnh cho các liên khu phải tiếp tục đánh du kích, đồng thời chuẩn bị để đánh địch tiến công ra các cửa ô khác.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:23:34 am »

Trong các đêm 24, 25, 26 cho đến 29, tự vệ khu Trúc Lãng quấy rối địch từ Yên Phụ đến cầu Long Biên.
Đêm 24, tự vệ Liên khu 1 quấy rối địch ở Hàng Đậu. Tự vệ khu Hoàn Kiếm và 1 tổ Vệ quốc đoàn tập kích nhà Moóc-li-e, treo quốc kỳ ở Tháp Rùa.


Đêm 25, một trung đội của tiểu đoàn 145 tập kích Nhà Tiền diệt một số địch. Một bộ phận khác của tiểu đoàn tập kích địch ở Chùa Một Cột, phá một xe Jeep.

Một đơn vị tự vệ Liên khu 3 tập kích vào nhà Gian-đa phá được 2 xe tăng. Cũng trong đêm 25, tiểu đoàn 523 Liên khu 3 lại đánh nhà ga và nhà dầu Shell lần thứ ba. Riêng đơn vị đánh nhà dầu Shell được tăng cường một khẩu 37mm với 6 viên đạn và một khẩu 12,7mm với 175 viên đạn.


Ở nhà ga, ta đột nhập được vào sâu, ném một số lựu đạn, bị hỏa lực địch chặn không tiến lên được. Khi rút, ta ném lựu đạn phá được một xe thiết giáp.

Liên khu 2 cũng cho một đại đội của tiểu đoàn 56 chia thành ba bộ phận vào tập kích địch ở các phố Mai Hắc Đế, Huyền Trân Công Chúa, Nhà Diêm... Một tổ tự vệ chiến đấu phục kích ở phố Hàm Long diệt một số tên địch.


Liên khu 1 đã đánh du kích rộng rãi, nhiều tổ bắn tỉa săn Tây được hình thành, diệt và làm bị thương nhiều tên địch làm chúng rất khiếp sợ.

Trong cuộc chiến đấu này, các lực lượng vũ trang tại từng khu vực hợp tác, hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Bộ đội chủ lực có vai trò lớn trong các trận đánh chính. Tự vệ lại không muốn tỏ ra "lép vế" trước bộ đội chủ lực nên cực kỳ xông xáo, dũng cảm. Đặc biệt anh em là những "thổ công" tại mỗi địa phương nên rất thông thạo từ đường ngang ngõ tắt, đến mọi "xó xỉnh" trong thành phố. Họ di chuyển rất mau lẹ, chính xác, phục vụ chiến đấu cũng như chiến đấu rất kịp thời.


Về phía địch, đến ngày 27 chúng đánh thông đường số 5 và tăng cường lực lượng từ Hải Phòng cho Hà Nội.

Ngày 28 tháng 12, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội họp kiểm điểm tình hình tác chiến trong mười ngày qua. Tổng chỉ huy và Tổng tham mưu trưởng cũng đến tham dự cuộc họp.

Cuộc họp đánh giá, tuy ta có nhiều nhược điểm, nhiều thiếu sót nhưng trong 10 ngày đánh địch được như vậy là một thành tích lớn. Ta có thể đánh dài ngày hơn.

Có thêm lực lượng, địch sẽ lần lượt đánh ra chiếm các cửa ô còn lại của Liên khu 2 và Liên khu 3 để giảm bớt thế "nghẹt thở" của chúng, như đài phát thanh của chúng thừa nhận, sau đó mới tập trung lực lượng đánh Liên khu 1.

Các liên khu 2 và 3 đã bố trí lại lực lượng, tăng cường công sự để sẵn sàng đánh trả. Còn Liên khu 1 phải tích cực đánh du kích, cố giữ vững khu cố thủ không cho địch dồn ép.


Các tiểu đoàn chủ lực lấy thêm tự vệ để bổ sung lực lượng. Cách bổ sung cũng có nhiều hình thức, chủ yếu lấy từ lực lượng tự vệ sang. Có tiểu đoàn bổ sung lẻ chiến sĩ tự vệ cho đủ quân số, có tiểu đoàn lấy nguyên cả đơn vị tự vệ sang. Một ví dụ như, trung đội 1 (đại đội 4 tiểu đoàn 64) chính là Đội tự vệ phố Duy Tân chuyển sang với 6 tiểu đội, 96 cây súng như cũ. Đại đội này trở thành đơn vị gồm toàn những gương mặt của Tự vệ Thành từ cán bộ tới chiến sĩ, trong đó một trung đội là tự vệ khu Bảy Mẫu, một trung đội khu Quán Sứ và Hàng Cỏ, một trung đội là tự vệ phố Duy Tân. Cán bộ đại đội cũng là một thanh niên học sinh Hà Nội mới 20 tuổi, đồng chí Hồng Quân.


Cùng với việc tăng cường lực lượng chiến đấu, tại các địa bàn đều đắp thêm chiến lũy, đào thêm công sự sẵn sàng đánh địch.

Phòng chính trị Chiến khu XI đã hướng dẫn các liên khu, các tiểu đoàn tiến hành công tác chính trị mạnh mẽ, chú ý biểu dương các gương chiến đấu dũng cảm kiên cường, nắm vững đơn vị, tránh tình trạng chạy dài, dẫn đến tan rã hàng ngũ, chú ý bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tác dụng gương mẫu của đảng viên, kết nạp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú vào đảng, tăng cường công tác địch vận bằng gọi loa, kẻ khẩu hiệu, tung truyền đơn vào vị trí địch.


Phòng Quân nhu, Phòng Quân giới cũng kịp thời bổ sung lương thực, thực phẩm và đạn dược. Cái khó nhất vẫn là thiếu thốn đạn dược, bom mìn.

Nhân dân các khu ngoại thành tận tình cung cấp lương thực, rau xanh, làm tiếp tế cứu thương, giúp dân nội thành tản cư và tiếp tục đào hầm hố, công sự để sẵn sàng đánh địch, sẵn sàng làm "vườn không nhà trông" khi địch tiến đến.


Cũng trong thời gian này, qua nghiên cứu thực tế chiến đấu của Hà Nội, theo đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy, ngày 25 tháng 12 năm 1946, Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định sáp nhập Chiến khu XI vào Chiến khu II1 (Sau khi sáp nhập, Chiến khu II gồm 9 tỉnh, thành là: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Khu vực tiền phương gồm: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây). Bộ Chỉ huy chiến khu XI trở thành Bộ chỉ huy tiền phương của Chiến khu II, tiếp tục chỉ huy chiến đấu trên địa bàn Hà Nội. Đồng chí Vương Thừa Vũ, trở thành Chỉ huy phó Chiến khu II kiêm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy tiền phương Hà Nội hay Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Tuy nhiên cuộc chiến đấu vẫn đang khẩn trương, bộ máy chỉ huy vẫn những con người như vậy, vì vậy anh em vẫn quen gọi là Bộ chỉ huy Khu XI. Quyết định nhập Chiến khu XI vào Chiến khu II là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho Hà Nội có một hậu phương rộng rãi, một nguồn nhân, vật lực đảm bảo cho Hà Nội tiếp tục chiến đấu.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:25:43 am »

Ngày 30 tháng 12 năm 1946 địch mở cuộc tiến công để chiếm Hàng Bột - Ô Chợ Dừa và phố Khâm Thiên lần thứ hai. Mục đích của các cuộc tiến công này chiếm Ô Chợ Dừa, khai thông con đường số 6 từ Hà Nội đi Hà Đông, Hoà Bình và vùng Tây Bắc của đất nước.


Đường phố Hàng Bột và Khâm Thiên, nhà gạch liền sát nhau, ít nhà kiên cố và nhà cao. Từ đường Đoàn Thị Điểm xuống đến Ô Chợ Dừa ít đường ngang. Hai bên đường là các xóm Thịnh Hào, Văn Chương, Thổ Quan. Trong các xóm này nhà thưa, đường nhỏ, nhiều hồ ao. Ngã năm Ô Chợ Dừa tạo bởi các đường Khâm Thiên, Đê La Thành, Hàng Bột. Ở đây có một số nhà cao hai tầng, có kiến trúc bền vững kiên cố. Việc đục tường thông nhà, đào hầm đắp ụ cơ bản được củng cố thường xuyên. Ta đắp vững thêm 2 ba-ri-cát tại đầu Hàng Bột, Văn Miếu và ngã ba phố Đoàn Thị Điểm - Hàng Bột. Trên đường phố, tự vệ xếp nhiều đồ vật cồng kềnh làm chướng ngại vật. Ở trước các chiến luỹ ba-ri-cát, ở một số ngã ba, ngã tư ta úp rổ rá, nồi niêu để nghi binh cản bước tiến của địch.


Tiểu đoàn 523 đã bố trí đại đội 29 ở phố Hàng Bột và xóm Văn Chương, đại đội 27 ở Khâm Thiên và xóm Thổ Quan, còn 1 đại đội giữ ba nơi Kim Liên, Ô Chợ Dừa và Thịnh Hào. Các đơn vị ở đâu hiệp đồng chiến đấu với tự vệ ở đó.


Lực lượng tự vệ có một đại đội do đồng chí Nguyễn Hữu Thành làm đại đội trưởng, quân số 147 người, trong đó quân số chiến đấu 111 người. Anh em tự mua sắm được 11 súng trường, dao kiếm, còn lựu đạn, 4 quả bom ba càng, 2 viên đạn cối 60mm do trên cấp.


Từ 5 giờ sáng, địch dùng máy bay oanh tạc và pháo bắn vào hai bên phố Hàng Bột, Khâm Thiên và Ô Chợ Dừa. Sở chỉ huy của Liên khu 3 và tiểu đoàn 523 ở nhà máy Tóc bị trúng bom, đồng chí Đỗ Trình, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu bị sức ép của bom. Sở chỉ huy phải di chuyển về Thái Hà Ấp.


Tiếp đó 300 tên địch có 4 xe tăng, 2 xe thiết giáp cùng xe ủi, xe vận tải từ nhà Gian-đa (Bảo tàng Mỹ thuật) tiến vào phố Hàng Bột. Đại đội 29 và tự vệ chặn đánh quyết liệt ở Văn Miếu. Từ các công sự, ụ chiến đấu hai bên phố, ta dùng súng trường và lựu đạn chặn đánh địch. Địch dùng pháo trên tăng và súng trọng liên trên xe thiết giáp bắn phá dữ dội dọc hai bên phố. Ta không giữ được, đến 10 giờ phải rút. Địch dùng xe ủi phá ba-ri-cát đầu phố Hàng Bột - Văn Miếu. Đến ba-ri-cát thứ hai ở ngã ba Đoàn Thị Điểm - Hàng Bột thì bị quân ta tại đây cùng lực lượng từ Văn Miếu dồn về đánh trả quyết liệt. Địch không thể phá ụ được. Xe tăng, xe cơ giới phải dừng lại, bộ binh địch cũng không tiến lên được. Địch buộc phải cho một bộ phận từ Nhà Tiền1 (Nay là nhà máy in Tiến Bộ) theo bãi thể thao Sếp-tô2 (Tức là sân vận động Hàng Đẫy hay sân vận động Hà Nội, phố Nguyễn Thái Học) tiến xuống Thịnh Hào để đánh từ dưới lên. Bộ phận quân ta tại Thịnh Hào không giữ được phải lui về Giảng Võ. Địch chiếm được Thịnh Hào, thừa thế tiến công chiếm cuối phố Hàng Bột rồi từ đó đánh quặt lên ba-ri-cát của ta ở ngã ba Đoàn Thị Điểm - Hàng Bột, đồng thời cho một bộ phận đánh sang Khâm Thiên - Ô Chợ Dừa. Máy bay địch, pháo các loại bắn phá dữ dội vào ngã năm Ô Chợ Dừa. Cũng thời gian này địch đánh phố Khâm Thiên và khép vây tại Ô Chợ Dừa. Trước áp lực dữ dội của cả hai mũi tiến công của địch từ đường Hàng Bột và Khâm Thiên tới, lực lượng ta tại Ô Chợ Dừa buộc phải tổ chức rút quân về khu vực Nam Đồng.


Tuy chiếm được một địa bàn rộng quanh Hàng Bột, Khâm Thiên và Ô Chợ Dừa trong ngày 30 tháng 12, nhưng trước sức chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, đêm hôm đó địch cũng chỉ dám để lại một bộ phận đóng giữ các nhà cao ở ngã năm Ô Chợ Dừa, còn đại bộ phận rút quân về ngay trong chiều tối. Kết quả trận đánh, trên cả hai hướng Khâm Thiên, Hàng Bột địch chết 30 tên. Ta có 35 đồng chí hy sinh và 20 đồng chí bị thương1 (Không có tài liệu nào nói rõ thương vong từng hướng).


Ngay chiều hôm đó các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ đã đến thực địa gặp tiểu đoàn 523 và các đơn vị tự vệ để rút kinh nghiệm trận đánh, động viên cán bộ chiến sĩ. Từ Ô Chợ Dừa tới Nam Đồng ta tiếp tục củng cố công sự, trận địa, đặt mìn, đặt thêm chướng ngại vật ngăn chặn địch tiếp tục mỏ rộng địa bàn chiếm đóng.


Cũng theo mệnh lệnh của đồng chí Tổng chỉ huy và Chỉ huy trưởng Chiến khu XI, ngay đêm 30 tháng 12, được lệnh chuyển sang mặt trận Ô Chợ Dừa thay thế cho tiểu đoàn 523, tiếp tục kìm giữ địch tại khu vực này. Đại đội 4 được bố trí từ chiến lũy Ô Chợ Dừa đến Thái Hà Ấp. Đại đội 2 bố trí dọc đê La Thành từ Ô Chợ Dừa đến Giảng Võ. Đại đội 3 trước thuộc tiểu đoàn 523 nay trở về thuộc tiểu đoàn 56, bố trí từ Thái Hà Ấp đến Ngã Tư Sở. Địa thế của đại đội 2 rất trống trải, chỉ có lẻ tẻ vài nhà tranh trên đê La Thành. Trừ làng Giảng Võ là làng kháng chiến có luỹ tre dày đặc quanh làng, có hầm hào chiến đấu. Đại đội 2 bố trí 1 trung đội từ Ô Chợ Dừa tới xã Hoàng Cầu dọc đê La Thành, 1 trung đội từ Hoàng Cầu đến ngã tư Giảng Võ, 1 trung đội ở làng Giảng Võ tạo ra tuyến phòng ngự ngăn địch.


Tuy chủ động tích cực tổ chức phòng ngự tại khu vực vực này song do địa bàn rộng, trống trải, lực lượng hạn chế và vũ khí thô sơ, tình thế của ta tại đây khá bất lợi.

Tại cửa Ô Đồng Lầm (tức Ô Kim Liên), một cửa ngõ phía nam của thành phố thông ra đường quốc lộ số 1, địch cũng đã nhiều lần tiến công vị trí đóng giữ của ta tại đây nhưng đều bị các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ đánh lui. Ngày 31 tháng 12, địch sử dụng 2 xe tăng, 4 thiết giáp dẫn 200 quân từ đầu phố Khâm Thiên tiến xuống và từ đường Đại Cồ Việt tiến sang.


Đại đội 27 tiểu đoàn 523 cùng tự vệ dựa vào chiến lũy, công sự, giao thông hào để chặn địch, chúng bị thiệt hại khá nhiều. Địch cho một số xe lội nước chở quân vượt hồ Bảy Mẫu đánh vào Kim Liên. Ta rút lui, thương vong khoảng 40 người, trong đó có 1 cán bộ đại đội, 3 cán bộ trung đội, phần lớn do bị máy bay oanh tạc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:35:02 am »

Từ ngày 3 tháng 1 năm 1947 địch cũng tập trung quân đánh ra hướng tây bắc thành phố theo ba trục đường Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Thủ Khoa Huân1 (Phố Thủ Khoa Huân nay là phố Thụy Khuê).

Đường Đội Cấn bắt đầu từ ngã tư phố Ngọc Hà - Tôn Thất Thuyết2 (Phố Tôn Thất Thuyết nay là phố Lê Hồng Phong) đến ngã ba đường đê La Thành - Cống Vị. Đây là một trong năm con đường từ trung tâm thành phố ra ngoài theo hướng tây. Phía bắc sát với Hồ Tây là đường Thủ Khoa Huân, đường Hoàng Hoa Thám đến đường Đội Cấn, phía nam là đường Kim Mã và đường La Thành. Đường hẹp 6 đến 8m. Nhà cửa hai bên đường thấp, không kiên cố, ít nhà gác cao. Xen giữa đường Đội Cấn và Hoàng Hoa Thám là các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, sân Quần Ngựa. Phía nam đường là các làng Kim Mã, Vạn Phúc, Liễu Giai, Cống Vị. Địa hình làng mạc rất nhiều hồ ao.


Phát hiện địch chuẩn bị đánh ra hướng tây bắc thành phố, Bộ chỉ huy Chiến khu XI đã chỉ thị cho tiểu đoàn 145 sẵn sàng đánh địch. Lúc này sở chỉ huy tiểu đoàn đóng ở Đại Yên. Tiểu đoàn có 8 trung đội, bố trí 2 trung đội ở đường Thủ Khoa Huân, 2 trung đội ở đường Hoàng Hoa Thám, 2 trung đội ở đường Đội Cấn, 2 trung đội dự bị cơ động đóng ở Đại Yên và Quần Ngựa. Sau khi nhận được lệnh của Bộ chỉ huy, cán bộ tiểu đoàn, đại đội phân công nhau tới từng tổ chiến đấu quán triệt quyết tâm cho bộ đội, kiểm tra công tác chuẩn bị đánh địch. Các đơn vị đều củng cố thêm công sự, hầm hào, kiểm tra vũ khí trang bị. Trên cả ba tuyến đường Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Thủ Khoa Huân đều bố trí các đội quyết tử đánh xe tăng bằng bom ba càng.


Trong cuộc tiến công này địch sử dụng lực lượng khá lớn gồm 700 quân, có 7 xe tăng, 10 xe thiết giáp, khoảng 70 xe vận tải, xe Jeep, 3 máy bay chi viện hoả lực. Vị trí tập trung quân ở trường Bưởi, nhà trồng cây (nay là công ty Công viên), nhà Phái bộ Anh, Bách Thảo và trại Ngọc Hà. Riêng đường Đội Cấn địch sử dụng 2 đại đội, có 4 xe tăng, 2 xe bọc thép.


Năm giờ sáng ngày 3 tháng 1 năm 1947 địch bắt đầu tiến công.

Trên đường Đội Cấn máy bay địch bắn phá suốt hai bên dãy phố phá huỷ nhiều nhà cửa. Sau đó xe tăng, xe bọc thép dẫn bộ binh tiến vào. Hai trung đội của tiểu đoàn 145 đã phân công nhau phụ trách từng khu vực dựa vào trận địa kiến trúc nhà cửa chặn đánh địch quyết liệt. Một chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng đâm vào xe tăng địch. Bom không nổ, đồng chí hy sinh. Một đồng chí khác ôm quả khác xông lên phá được xe tăng, bộ binh địch chùn bước không dám sục sạo. Ta trụ bám từng nhà, dựa vào chiến luỹ công sự, từ gác cao ném lựu đạn xuống rồi xông ra diệt địch. Địch bị thương vong khoảng 1 trung đội không tiến được, ùn lại. Đến 13 giờ chúng cho một mũi từ phố Sơn Tây tiến qua làng Vạn Phúc đánh vào nhà thờ Liễu Giai, vu hồi phía giữa phố, kết hợp với bọn trên đường Đội Cấn bắn rất mạnh vào hai bên phố để uy hiếp quân ta. Tại làng Vạn Phúc ta dựa vào địa hình làng mạc, hồ ao chiến đấu chặn địch, diệt nhiều tên. Do tương quan lực lượng chênh lệch, 14 giò 30 phút ta phải rút khỏi Vạn Phúc và nhà thờ Liễu Giai về bố trí phòng ngự tại nhà Brigade Mobile.


Phía đường Thủ Khoa Huân1 (Tức phố Thụy Khuê ngày nay), Hoàng Hoa Thám, địch đã chiếm Sở xe điện, nhà máy giặt, nhà bia Ô-men2 (Công ty bia Hà Nội, trên phố Hoàng Hoa Thám ngày nay). Do bị thiệt hại nên cả ba cánh quân đều ngừng tiến công để củng cố lực lượng và khu vực mới chiếm.


Kết quả trong ngày 3 tháng 1, trên cả 3 tuyến đường, chủ yếu là trên đường Đội Cấn ta diệt 116 tên, phá huỷ 1 xe tăng, 2 xe vận tải, phá hỏng 1 xe thiết giáp, thu 1 súng ngắn, 7 súng trường, hy sinh 30, bị thương 25 đồng chí, mất 3 súng khai hậu.


Đồng thời với việc tiến công trên ba trục đường phía tây, ở Liên khu 2, trong ngày 3 tháng 1, địch còn cho một đại đội 2 xe tăng, 3 thiết giáp cùng một số xe vận tải tiến công chiến lũy Ba Hàng và đê Thanh Lương ở hướng đông nam Lò Lợn. Đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Chiến khu XI có mặt ở đây đã trực tiếp điều động các phân đội đánh địch, chỉ huy cối 60mm bắn hỏng một xe thiết giáp, dùng đại liên bắn địch, rồi cho bộ đội phản kích đuổi địch đến Lò Lợn. Trận này ta diệt 50 tên địch, bắn hỏng 1 xe thiết giáp. Ta hy sinh 12 trong đó có 1 đồng chí đại đội trưởng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:38:30 am »

Trong các trận chiến đấu ở Liên khu 3, một trận đánh nổi bật trong thời gian này là trận đánh tại khu vực Giảng Võ, ngày 6 tháng 1 năm 1947. Đây là một trận đánh quyết liệt trong tình thế ta hết sức bất lợi.


Giảng Võ lúc này là một thôn ở ngoại ô phía tây Hà Nội, diện tích khá rộng nằm kẹp giữa các tuyến đường La Thành, Giảng Võ và Kim Mã ngày nay. Sau các cuộc tiến công của địch tại Hàng Bột, Khâm Thiên, lực lượng của ta cầm cự rồi lui dần ra ngoài, trong đó làng Giảng Võ là một điểm đứng chân mới. Địch có thể theo đường La Thành hoặc từ Hàng Bột theo đường Cát Linh tiến đánh Giảng Võ.


Do địa bàn Liên khu 3 khá rộng, nhưng lực lượng lại khá mỏng, chỉ có tiểu đoàn 523, Bộ chỉ huy Mặt trận đã điều tiểu đoàn 56 từ Liên khu 2 sang phòng ngự ở khu vực Ô Chợ Dừa thay cho tiểu đoàn 523 lui về phía sau để chấn chỉnh và làm lực lượng dự bị.


Tiểu đoàn 56 đã bố trí 3 đại đội phòng thủ ở 3 khu vực: Đại đội 2 ở khu vực làng Thành Công, đại đội 4 ở khu vực Ô Chợ Dừa, Nam Đồng, đại đội 3 ở khu vực Ngã Tư Sở.

Đại đội 2 phòng ngự ở Giảng Võ có 3 trung đội bộ binh, được trang bị 1 trung liên, 2 tiểu liên, 40 súng trường các loại, 1 bom ba càng, còn là vũ khí thô sơ. Đại đội trưởng là Võ Công Định, chính trị viên là Lê Chí Thực.


Từ ngày 4 tháng 1 năm 1947 cán bộ, chiến sĩ đơn vị đến đóng tại thôn Giảng Võ. Nhận được chỉ thị đề phòng địch tiến công, đại đội đã nghiên cứu địa hình và chuẩn bị phương án chiến đấu, đào một số công sự và một đoạn chiến hào. Lực lượng địch có 2 xe tăng, một số xe bọc thép và xe vận tải chở khoảng 2 đại đội đến tiến công.


Khoảng 3 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 1 năm 1947, lợi dụng đêm tối và mưa phùn gió rét, được một số tên Việt gian dẫn đường, một đại đội địch theo đường Cát Linh tiến đến Giảng Võ, một đại đội khác từ Ô Chợ Dừa theo đường La Thành cũng bí mật tiến sang Giảng Võ.


Khoảng 6 giờ sáng chúng hình thành thê bao vây quân ta ở trong làng.

Mờ sáng, địch bắt đầu dùng cối bắn vào làng, 2 xe tăng địch xuất hiện ở cổng làng.

Đồng chí Vũ Công Định đã kịp thời triển khai lực lượng để phòng ngự chặn đánh địch, chiến đấu trong thế bị động, bất lợi.


Sau khi pháo hoả chuẩn bị dồn dập, địch cho xe tăng dẫn đầu cùng bộ binh xung phong tiến vào làng. Ta chờ địch đến gần mới bắn súng và ném lựu đạn. Tuy nhiên xe tăng địch vẫn hùng hổ tiến vào cổng làng. Đồng chí Nguyễn Phúc Lai trong tổ quyết tử, đã lao lên đâm bom ba càng làm chiếc xe tăng đứt xích. Các tổ bộ binh tranh thủ thời cơ tiếp tục bắn súng trường và ném lựu đạn tiêu diệt một số tên. Đợt xung phong đầu tiên của địch bị đánh lui. Đồng chí Nguyễn Phúc Lai anh dũng hy sinh.


Địch chấn chỉnh đội hình, tiếp tục bắn pháo rồi xung phong tiến lên. Ta bị thương vong nhiều do chưa làm được nhiều công sự nhưng do tinh thần chiến đấu quyết tử của cán bộ, chiến sĩ và sự chỉ huy kiên quyết của đại đội, quân địch vẫn bị đánh lui.


Đến 10 giờ 15 phút, địch lại dùng hoả lực bắn chuẩn bị ác liệt và tiến lên. Với ưu thế về binh lực, hoả lực chúng đã đột phá được vào làng. Vì đã tiến hành bao vây chặt, địch cố tiêu diệt toàn bộ quân ta ở trong làng.


Trước tình thế bốn mặt có địch, chúng lại tiến được vào làng, để bảo toàn lực lượng, đại đội trưởng Vũ Công Định quyết định mở một đường máu rút lui về phía nam. Đồng chí đã dẫn đầu bộ phận mở đường, dùng trung liên bắn kiềm chế đội hình địch để bộ đội phá vây vượt đê La Thành rút về làng Thành Công. Đồng chí Lê Chí Thực, chính trị viên đại đội chỉ huy bộ phận đuổi chặn đánh địch ở phía sau. Cuộc rút lui đã được thực hiện, song cả hai đồng chí chỉ huy: đại đội trưởng Vũ Công Định và chính trị viên Lê Chí Thực đều anh dũng hy sinh.

Kết quả trận đánh, đại đội hy sinh 40 người, bị thương 10 người, mất 15 súng trường. Địch bị diệt 30 tên.


Trận đánh Giảng Võ đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân Liên khu 3 cũng như toàn thể quân dân Hà Nội. Tấm gương hy sinh anh dũng của các đồng chí Vũ Công Định, Vũ Chí Thực, Nguyễn Phúc Lai đã được đăng trên báo chí và phô biến cho các đơn vị học tập. Một khoá học trường quân chính đã được mang tên khoá Vũ Công Định1 (Liệt sĩ Nguyễn Phúc Lai đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một đường phố Hà Nội đã được đặt tên anh). Tuy nhiên, trận này cũng để lại nhiều kinh nghiệm cho các đơn vị. Đó là việc nắm chắc địch khi chúng tiếp cận của đại đội 2, tiểu đoàn 56. Việc tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu, thông tin liên lạc giữa các lực lượng của tiểu đoàn tại địa bàn phụ trách (Thành Công, Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở) cũng có nhiều thiếu sót, yếu kém. Vì thế trong suốt quá trình chiến đấu ác liệt của đại đội 2 mà lực lượng ứng cứu, chi viện của tiểu đoàn hầu như không có. Những khuyết điểm này đã được tiểu đoàn và Bộ chỉ huy Chiến khu rút kinh nghiệm kịp thời. Tuy nhiên những khó khăn khách quan, đó là so sánh lực lượng ta và địch tại Giảng Võ và nói chung trên toàn địa bàn tiểu đoàn 56 là quá chênh lệch, địa bàn trống trải, vũ khí thô sơ, thiệt hại đối với ta là khó tránh khỏi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:41:58 am »

Tại Liên khu 1, sau khi co về cố thủ theo kế hoạch, lực lượng vũ trang Liên khu vừa phải giữ vững thế cầm cự, không cho địch lấn chiếm khép vây, đồng thời sẵn sàng đối phó với địch khi chúng tập trung đánh phá sau khi đã đẩy lùi được các lực lượng vũ trang Liên khu 2, Liên khu 3 ra xa.


Tiểu đoàn 101 sau các cuộc chiến đấu tại Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát Lớn, Nhà Đèn, Bờ Hồ, Toà Thị chính đã rút về khu vực Hàng Bè, sau đó được Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 chấn chỉnh về tổ chức. Các đồng chí Nguyễn Văn Triệu, tiểu đoàn trưởng; Bạch Thành Phong, chính trị viên được trên điều đi nhận nhiệm vụ mới. Các đại đội thuộc tiêu đoàn 101 được phân công về làm nòng cốt cùng tự vệ các khu phố còn lại của liên khu là Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức chiến đấu trên địa bàn của mình. Ủy ban kháng chiến các khu phố thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang của phân khu. Tuy vậy do Ủy ban kháng chiến các khu phố bận quá nhiều việc của một cơ quan chính quyền nhằm tổ chức việc phục vụ chiến đấu, lo việc tản cư nhân dân nên việc chỉ đạo tác chiến gặp nhiều khó khăn. Ủy ban kháng chiến các khu phố, kể cả cấp liên khu không phối hợp được hoạt động của các lực lượng chiến đấu, không thống nhất được sự chỉ đạo và chỉ huy, hiệu quả chiến đấu bị hạn chế. Từ thực tế tình hình, chủ trương hợp nhất các lực lượng vũ trang để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy, dần dần hình thành. Ngày 25 tháng 12 năm 1946, Ủy ban kháng chiến Liên khu đã họp và quyết định hợp nhất lực lượng vũ trang cả chủ lực và tự vệ tại mỗi phân khu thành một tiểu đoàn. Khu vực Đồng Xuân hình thành tiểu đoàn 101 (mới), do đồng chí Mộng Hùng, nguyên đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 101 cũ, làm tiểu đoàn trưởng; đồng chí Đỗ Tần, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đồng Xuân là chính trị viên; đồng chí Nguyễn Hùng, nguyên đại đội phó Vệ quốc đoàn làm tiểu đoàn phó. Tại khu vực Đông Thành và một phần khu Hoàn Kiếm ta còn giữ được, hình thành tiểu đoàn 102 do đồng chí Vũ Yên, nguyên đại đội trưởng Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu làm tiểu đoàn trưởng; đồng chí Đàm Văn Ngọ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đông Thành làm chính trị viên. Tại khu Đông Kinh Nghĩa Thục hình thành tiểu đoàn 103 do đồng chí Tấn Công, nguyên đại đội trưởng tiểu đoàn 101 cũ làm tiểu đoàn trưởng; đồng chí Phạm Văn Trừng, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu làm chính trị viên; đồng chí Đỗ Đức Liêm (tức Vũ Lăng), nguyên đại đội phó Vệ quốc đoàn làm tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn 101 cũ (hay tiểu đoàn 101 Bắc Bộ Phủ như cách gọi của nhiều người) đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang nhiệm vụ của mình những ngày đầu kháng chiến, trở thành nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực của Liên khu 1.


Trên cơ sở sự hình thành các tiểu đoàn 101, 102, 103, Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 đã đề nghị Ủy ban kháng chiến Khu XI thành lập trung đoàn Liên khu 1 để tập trung chỉ huy tác chiến của các tiểu đoàn. Bộ chỉ huy Chiến khu XI đã chấp thuận việc thành lập Trung đoàn Liên khu 1, chỉ định đồng chí Hoàng Siêu Hải1 (Đồng chí Hoàng Siêu Hải là người dân tộc Tày quê ở Cao Bằng, từng theo học trường quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Đã từng chiến đấu trong hàng ngũ quân giải phóng của ta tại Việt Bắc. Chuẩn bị kháng chiến, đồng chí được Bộ chỉ huy Chiến khu XI giao về phụ trách 2 tiểu đoàn chủ lực 101 và 145 đóng trên địa bàn Liên khu 1, đồng thời là Trưởng ban Tác chiến của Ủy ban bảo vệ Liên khu 1), cán bộ Vệ quốc đoàn làm trung đoàn trưởng; đồng chí Lê Trung Toản2 (Đồng chí Lê Trung Toản là cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám, từng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Sơn La. Sau Cách mạng tháng Tám được bổ sung vào Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đội trưởng Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu. Sau đó được điều động xuống công tác tại Hải Phòng. Gần Toàn quốc kháng chiến, đồng chí được điều động trở lại tham gia Thành ủy Hà Nội và trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ (sau là Ủy ban kháng chiến) Liên khu 1), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 làm chính trị viên trung đoàn. Đồng chí Hoàng Phương, cán bộ Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu cũng được Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến Liên khu chỉ định làm Tham mưu trưởng và tham gia Ban chỉ huy trung đoàn. Các cơ quan trực thuộc có Ban Tham mưu, Ban Tuyên truyền, Ban Quản lý, Ban Y tế... Bệnh xá của trung đoàn đặt tại hiệu buôn Nam Long phố Hàng Buồm. Trung đoàn còn tổ chức một xưởng để sửa chữa vũ khí.


Ngày 6 tháng 1 năm 1947 lễ thành lập Trung đoàn Liên khu 1 được tổ chức trọng thể tại Toà soạn báo Lao Động, 51 phố Hàng Bồ. Đây là trung đoàn thành lập đầu tiên trong khói lửa của cuộc kháng chiến, biểu hiện sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu 1 nói riêng và cả Thủ đô nói chung.


Lực lượng nòng cốt để thành lập trung đoàn thực ra chỉ có 2 đại đội Vệ quốc đoàn của tiểu đoàn 101. Lực lượng bổ sung phần lớn là tự vệ, một phần là công an xung phong và rất nhiều dân thường tình nguyện. Nghe tin thành lập trung đoàn mọi người nô nức đăng ký nhập ngũ. Họ gồm đủ loại già, trẻ, gái, trai, công nhân, học sinh, người buôn bán, viên chức, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, người làm thuê, nhà tư sản... Kết quả quân số của trung đoàn lên tới 5.600 người. Trang bị bằng đủ mọi thứ quần áo mà họ có, một đội quân chưa có đồng phục, chỉ có phù hiệu thống nhất. Tuy xuất thân khác nhau, ăn mặc khác nhau, nhưng có chung một lòng yêu nước, một quyết tâm chiến đấu vì Thủ đô, vì Tổ quốc. Việc hình thành Trung đoàn Thủ đô đã tạo nên một sức mạnh vật chất và tinh thần rất to lớn cho cuộc chiến đấu ở Liên khu 1 cũng như ở Thủ đô nói chung.


Việc thành lập các tiểu đoàn 101, 102, 103 và Trung đoàn Liên khu 1 làm nức lòng quân dân Liên khu 1 cũng như quân dân Thủ đô.

Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 103, đại diện cho quân và dân Liên khu 1 đã tổ chức lễ tuyên thệ quyết tử tại rạp hát Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng, phố Hàng Bạc), động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ liên khu. Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Vũ Lăng đã tuyên thệ: "Chúng ta nguyện hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao cho. Chúng ta thề sống chết vì Thủ đô. Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng cho Thủ đô bất diệt"1 (Chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.44).


Tin Trung đoàn Liên khu 1 ra đời bay ra ngoài hậu phương rất nhanh. Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12 tháng 1 năm 1947 tại Chúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Đông) sau khi nghe báo cáo tình hình chiến đấu của các địa phương và Thủ đô từ sau Toàn quốc kháng chiến (19 tháng 12 năm 1946), đã biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước, đồng thời quyết định tặng Trung đoàn Liên khu 1 của Hà Nội danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Ngày 13 tháng 1, Ủy ban kháng chiến Khu XI lập tức thông báo tin vui này tới cán bộ, chiến sĩ Liên khu 1 và quân dân Thủ đô nói chung, động viên mọi người quyết tâm chiến đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên giao.


Nhân dịp hội nghị này, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ nhận định về những diễn biến mới tại Mặt trận Hà Nội, dự kiến địch sẽ đẩy lui lực lượng ta ra khỏi các cửa ô trước, sau đó mới quay về đánh Liên khu 1. Do đó cần điều chỉnh lại bố trí, tăng cường thêm chiến lũy, động viên bộ đội và tự vệ chiến đấu tích cực, chặn địch trên các trục phố dẫn đến ra cửa ô. Đồng thời củng cố những công trình phòng thủ tại Liên khu 1 sẵn sàng đánh địch và rút lui đúng lúc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:45:40 am »

Trong cuộc chiến đấu ở Thủ đô, vai trò của các cấp ủy đảng và đảng viên thể hiện rất rõ nét. Ở Liên khu 1 điều này thể hiện rất rõ. Đảng ủy Liên khu 1 do đồng chí Lê Trung Toản làm Bí thư. Đảng bộ Liên khu có 8 chi bộ có 32 đảng viên. Liên khu ủy chủ trương kết nạp thêm những cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất tốt, chiến đấu dũng cảm để tăng thêm sức mạnh của Đảng. Đến giữa tháng 1, số đảng viên lên tới 72 người, chưa kể số được rút ra theo chỉ thị của trên để nhận trọng trách khác. Với vai trò gương mẫu kiên cường và sự lãnh đạo sát sao đúng đắn của mình, Đảng bộ Liên khu 1 là hạt nhân, là linh hồn của cuộc chiến đấu ở Liên khu 1. Công tác chính trị được Liên khu ủy và các chi bộ rất coi trọng. Vấn đề mấu chốt là nâng cao tinh thần quyết trụ bám đánh địch trong vòng vây, khắc phục hiện tượng sợ hãi, dao động. Một số cán bộ, chiến sĩ kém tinh thần đã được đưa ra hậu phương. Công tác cổ động chiến trường, báo chí, tuyên truyền rất được đề cao. Ban chính trị trung đoàn cho xuất bản tờ báo "Chiến thắng” để động viên cổ vũ tinh thần mọi người, nêu cao các gương chiến đấu dũng cảm, phổ biến các kinh nghiệm tác chiến.


Tuy Ban chỉ huy Trung đoàn Liên khu 1 được thành lập, các bộ phận của cơ quan đoàn bộ được hình thành, nhưng trên địa bàn còn có dân, còn có quan hệ đối ngoại nên Ủy ban kháng chiến Liên khu vẫn được duy trì đê điều hành các công việc đối nội, đối ngoại.


Bên cạnh vấn đề tổ chức lại lực lượng là công tác tiếp tế (nay gọi là công tác hậu cần). Vấn đề tiếp tế phải giải quyết rất khẩn trương vì trung đoàn nằm trong vòng vây của địch. Sau khi địch chiếm Yên Phụ, khống chê khu Trúc Bạch, đốt cháy khu Long Biên và chiếm hẳn vị trí Phà Đen, việc tiếp tế từ ngoài vào Liên khu 1 hết sức khó khăn.


Đồng chí Nguyễn Văn Trân đã giao cho đồng chí Tạ Hoàng Cơ, Thành ủy viên, tổ chức việc chở gạo, đạn, thuốc men đến khu Trúc Lãng. Đồng thời cũng giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trúc Lãng1 (Khu Trúc Lãng là địa bàn Yên Phụ, Trúc Bạch, Quán Thánh ngày nay, không thuộc liên khu nào mà trực tiếp thuộc Chiến khu XI phụ trách) phải tổ chức việc tiếp tế từ đây vào Liên khu 1. Đồng chí Vũ Yên, Ủy viên tác chiến Liên khu 1 cũng ra liên lạc với đồng chí Vị Hải, Ủy viên quân sự khu Trúc Lãng đề nghị tổ chức khâu tiếp tế này. Từ đêm 22 tháng 12 đội giao thông liên lạc do đồng chí Mạc Phúc Ứng phụ trách đã liên tục tiếp tế nhu yếu phẩm cho Liên khu 1. Vượt qua vòng vây địch tiếp tế cho bộ đội là một công việc nguy hiểm nhưng nhiều chị em phụ nữ Yên Phụ đã tích cực tham gia nhiệm vụ này. Đường vào của đội là đi theo ven sông Hồng, từ Tứ Tổng xuống đến khu Hồng Hà, vượt qua bốt Nhà Đỏ ở đầu đường Yên Phụ, từ đó theo đường giao thông hào suốt dọc bãi, qua gầm cầu Long Biên, vượt đê vào ngõ Phất Lộc, tối giao hàng tại Hàng Bạc. Đồng chí Bùi Nguyên Cát, trưởng ban quản lý của trung đoàn đêm đêm đón nhận những tấn hàng từ ngoài vào với biết bao tình nghĩa. Hàng chủ yếu là lương thực, thực phẩm, trong đó đặc biệt cần thiết là rau xanh. Lúc đầu đội quân này có khoảng 30 người, sau do hàng hoá dự trữ từ trước giảm mạnh, nhu cầu vận tải cao hơn-nên số người được huy động cũng nhiều lên, có lúc lên tới 65 - 70 người.


Một vấn đề lớn nữa cũng rất nan giải đối với chính quyền kháng chiến Liên khu 1 là, cùng với lực lượng vũ trang còn có 4 vạn dân trước đây chưa kịp tản cư ra ngoài, trong đó có gần 1 vạn người Hoa và một số người Ân Độ. Việc bảo vệ tính mệnh, tài sản, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước ăn và chất đốt cho họ là một vấn đề hết sức khó khăn.


Phải tìm cách đưa dân ra ngoài. Bằng đường bí mật, Ủy ban kháng chiến Liên khu đã đưa được một số người nhưng rất có hạn. Để tản cư phần lớn số dân còn lại, trong đó có nhiều ngoại kiều trong nội thành, qua trung gian Lãnh sự Trung Hoa dân quốc Viên Tử Kiên, một cuộc gặp gỡ giữa ta với đại diện lãnh sự Mỹ, Anh và Trung Hoa tại Hà Nội đã được tổ chức. Phía ta có các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu XI; Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ ngoại giao; Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Các bên thỏa thuận ngày 15 tháng 1, ta và Pháp sẽ ngừng bắn để ngoại kiều và nhân dân Việt Nam còn ở lại trong thành phố được công khai rút ra ngoài. Đây là cuộc đàm phán ngoại giao ít thấy trong lịch sử. Các đối tác gặp gỡ nhau ngay dưới chân chiến lũy Ô Chợ Dừa, bàn ghế xếp ngay ngoài đường về phía dãy số chẵn phố Nguyễn Lương Bằng ngày nay. Đại đội 4 tiểu đoàn 56 được giao bảo vệ cuộc đàm phán này1 (Tư liệu của đồng chí Trần Quân Lập, nguyên chính trị viên đại đội 4 tiểu đoàn 523).


Tranh thủ lý do tổ chức tản cư hợp pháp cho dân, để khắc phục những khó khăn về tiếp tế hậu cần cho Liên khu 1, Bộ chỉ huy Khu XI chỉ thị cho Liên khu 1 giảm mạnh số cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Liên khu 1 xuống, chỉ để lại 500 người. Ngày 15 việc tản cư đã được thực hiện. Sợ địch lật lọng, đồng bào không dám đi. Các đoàn thể cứu quốc và Ủy ban kháng chiến từ liên khu tới các khu phố phải giải thích kỹ lưỡng, dân mới tin và chịu ra đi. Đối với người Hoa, do cuộc sống của họ gắn liền với việc làm ăn ở thành thị, vì không có quê hương ở ngoại thành và các tỉnh nên việc vận động tản cư gặp rất nhiều khó khăn. Cuối cùng nhiều người đã nhận thấy việc ra đi chính là để bảo vệ sự an toàn cho bản thân mình nên đều tự giác thực hiện việc tản cư.


Sáng ngày 15 tháng 1 năm 1947, hơn 600 đồng bào và ngoại kiều đã được công khai tản cư theo đường Hàng Đậu lên Yên Phụ ra ngoại thành. Nhân dịp này, Liên khu 1 đã tổ chức đưa ra ngoài theo đường bí mật cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực Quốc hội; bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Nguyễn Cao Luyện, nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, là những vị nằm trong danh sách cần đưa ra trước khi nổ súng Toàn quốc kháng chiến nhưng chưa ra kịp.


Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Liên khu 1 được chỉ định trước cũng đã đi lẫn vào dân để ra ngoài. Tuy nhiên trong phiên họp chiều ngày 15 tháng 1 của các cán bộ chủ chốt của trung đoàn và các tiểu đoàn thuộc Liên khu 1 để kiểm điểm việc tản cư thực hiện trong buổi sáng, số quân còn lại của toàn trung đoàn vẫn còn tới 1.200 người, trong đó có 200 phụ nữ, 75 thiếu nhi. Họ muốn ở lại chia sẻ nhiệm vụ chiến đấu với đồng đội. Chỉ huy các tiểu đoàn tự nhận khuyết điểm thiếu kiểm tra, đôn đốc đơn vị mình. Tuy nhiên không ai nỡ kỷ luật những chiến sĩ dám ở lại chiến đấu giữa vòng vây của địch tại Liên khu 1.


Ngày hôm sau, đồng chí Trần Quốc Hoàn điện vào Liên khu 1 bức điện ngắn gọn: "Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, báo cáo ngay bằng điện toàn bộ danh sách cán bộ và chiến sĩ còn ở lại". Nhận được điện, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hết sức xúc động trước sự quan tâm của Bác. Bức điện đó đồng nghĩa với sự ghi công của Tổ quốc đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, động viên mọi người quyết tâm chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Tất cả các công việc từ chấn chỉnh tổ chức lực lượng, tản cư bớt dân ra ngoài, tổ chức công tác tiếp tế hậu cần đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Liên khu 1 sẵn sàng bước vào những đợt chiến đấu mới, tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu theo nhiệm vụ trên giao.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #37 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:53:17 am »

Sau đợt đánh và chiếm các cửa ô, lực lượng địch càng bị phân tán ra chiếm đóng nên không còn lực lượng để tiến công tiếp. Chính phủ Pháp đã cử Ma-ri-ux Mu-tê, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại và Đại tướng Lơ-cléc, Tổng thanh tra quân đội Pháp sang Đông Dương xem xét tình hình. Về nước, Lơ-cléc đề nghị tăng viện 2 vạn quân đê kết thúc chiến tranh trước mùa mưa năm 1947. Chính phủ Pháp phê chuẩn. Bộ Tổng Tham mưu Pháp cố vét quân và bắt thêm lính nhưng chỉ đưa được 14 tiểu đoàn sang. Một số tiểu đoàn có thể đến Hải Phòng vào đầu tháng 1. Như vậy là vào trung tuần tháng 1, quân tăng viện sẽ đến Hà Nội.


Bộ Tổng chỉ huy của ta và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội phán đoán, lấy bàn đạp là các vị trí chiếm đóng mới ở các cửa ô, địch có thể sẽ tiếp tục đánh ra ngoại thành trước, đẩy lực lượng ta ra xa hơn rồi mới quay vào đánh Liên khu 1.


Để Hà Nội có điều kiện tiếp tục giam chân địch, Bộ Tổng chỉ huy quyết định giao nhiệm vụ cho Chiến khu II tăng cường cho Mặt trận Hà Nội 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 45 thuộc Trung đoàn 9 Sơn Tây và tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 13 Hà Đông.


Căn cứ vào sự phán đoán nói trên, Ủy ban kháng chiến Hà Nội và Bộ chỉ huy Chiến khu XI điều chỉnh lại sự bố trí để đánh địch tiến công ra ngoại thành.

- Tiểu đoàn 145 do đồng chí Trác Vinh Nam làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường đi Yên Phụ, Nhật Tân, đường Thủ Khoa Huân, đường Hoàng Hoa Thám - Bưởi, đường Đội Cấn - Cống Vị.

- Tiểu đoàn 523 do đồng chí An Giao làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường Sơn Tây, Cầu Giấy, đường Đê La Thành, đường Ô Chợ Dừa - Ngã Tư Sở - Thái Hà Ấp.

- Tiểu đoàn 64 do đồng chí Quốc Linh làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên trục đường Kim Liên - Cống Vọng và khu vực Việt Nam Học Xá.

- Tiểu đoàn 212 do đồng chí Hồng Kỳ làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường Lò Lợn - Mai Động và dọc đê Đại Hà đi Vĩnh Tuy.

- Tiểu đoàn 56 do đồng chí Nguyễn Anh Đệ làm tiểu đoàn trưởng, tiếp tục chặn giữ địch lấn chiếm về phía Ngã Tư Sở, Cầu Mới.

- Tiểu đoàn 77 do đồng chí Hoàng Kiện làm tiểu đoàn trưởng, sang thay tiểu đoàn 56 trên đường Ô Cầu Dền, đường Bạch Mai.

- Tiểu đoàn 45 do đồng chí Tuấn Sơn làm tiểu đoàn trưởng, làm đội dự bị chung của mặt trận, bố trí trên trục đường Thái Hà Ấp - Hà Đông.


Như vậy là ta dùng 7 tiểu đoàn để chặn đánh địch tiến ra các cửa ô chứ không phải đánh theo thế trận "trong đánh, ngoài vây", hay "trong đánh ra, ngoài đánh vào" như có người lầm tưởng. Muốn thực hiện thế trận "trùng độc chiến" ở Liên khu 1 thì phải có 7 tiểu đoàn cùng chặn đánh và lui dần ra ngoại thành.


Rút kinh nghiệm của các trận chiến đấu vừa qua, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội chỉ thị tất cả các đơn vị đều phải có bộ phận phòng ngự, bộ phận dự bị và bộ phận dùng để tiến công.


Ủy ban kháng chiến Hà Nội quyết định sáp nhập khu Đống Đa với Liên khu 3 để tiện việc lãnh đạo và chỉ huy tác chiến trên một trục đường từ Ô Chợ Dừa ra Thái Hà Ấp. Đồng chí Hồ Trúc thay đồng chí Đỗ Trình làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 3 - Đống Đa. Đồng chí Đỗ Đức Kiên, nguyên Chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đại La.


Một lần nữa, Phòng Chính trị và chính trị viên các tiểu đoàn, các đơn vị tự vệ lại tiến hành công tác động viên chính trị để các lực lượng vũ trang ra sức kìm giữ địch xung quanh Liên khu 1, kiên quyết chặn đánh địch tiến công ra ngoại thành, mở rộng vùng chiếm đóng của chúng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2019, 09:05:57 am »

3. Đánh địch tiến công ra ngoại thành. Tiếp tục giữ Liên khu 1 để đánh địch (15.1.1947-18.2.1947)


Ngày 15 tháng 1 năm 1947, mặc dù hai bên đã thỏa thuận ngừng bắn để đưa dân và ngoại kiều ở Liên khu 1 ra ngoài, nhưng địch vẫn sử dụng 1.000 quân, 150 xe các loại tiến công ra phía nam để chiếm vành đai từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.


Để tiến công Vĩnh Tuy, địch sử dụng 1 đại đội, 2 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 15 xe tải chở quân xuất phát từ Đồn Thủy qua Lò Lợn, phố Lò Đúc tiến xuống. Đánh Vĩnh Tuy nằm trong một kế hoạch lớn của địch bao gồm cả các mũi đánh nhà thương Vọng, Ngã Tư Sở.


Đối phó với âm mưu của địch, Bộ chỉ huy Chiến khu đã điều tiểu đoàn 77 đến thay tiểu đoàn 56 chốt giữ các tuyến đê Bình Lao - Đại Cồ Việt, từ chốt Ba Hàng - Thanh Lương đến Ô Cầu Dền, Vân Hồ, Ngã Tư Vọng. Do phải rải quân phòng ngự trên một diện rộng, nên tại chính Vĩnh Tuy cũng chỉ bố trí được một trung đội Vệ quốc đoàn và một đại đội tự vệ.


Cuộc tiến công Vĩnh Tuy bắt đầu lúc 4 giờ sáng ngày 15 tháng 1 năm 1947. Địch dùng một ca-nô chở khoảng một trung đội, tắt máy xuôi theo sông Hồng bí mật đổ quân lên ém sẵn ở bãi ngô bờ sông Vĩnh Tuy. Ta không phát hiện được địch. Khoảng 5 giờ, địch bắn pháo cối trên diện rộng vào các khu vực từ nhà thương Vọng, Ô Cầu Dền, Ba Hàng đến Vĩnh Tuy. Sau đó khoảng một đại đội địch (100 quân) có xe tăng, xe bọc thép tiến xuống Vĩnh Tuy bằng hai đường: Một đường từ Lò Lợn qua Lương Yên, một đường từ Ô Đống Mác xuống Thanh Lương. Tại Thanh Nhàn và Lương Yên, ta chặn đánh địch rất quyết liệt. Địch không tiến xuống được buộc phải lui về Lò Lợn và Đống Mác. Ta diệt khoảng 20 tên địch, thu 4 súng trường. Sau khi chấn chỉnh lại lực lượng, địch dùng máy bay đến hiệu chỉnh cho pháo bắn vào các vị trí nghi có quân ta bố trí.


Đợt tiến công tiếp theo từ 9 giờ sáng. Một mũi có xe tăng thiết giáp dẫn đầu đánh vào chiến luỹ Ba Hàng. Số quân ém sẵn ở bãi ngô, bất ngờ tiến công vào trung đội của tiểu đoàn 212 đóng giữ Vĩnh Tuy. Một bộ phận khác của địch từ Lạc Trung đánh xuống. Tự vệ và bộ đội chặn đánh quyết liệt, nhưng cả ba mặt đều có địch, địa hình trống trải, hoả lực địch mạnh, ta không giữ được Vĩnh Tuy buộc phải rút về Thanh Trì, Nam Dư, một bộ phận khác rút về đường Chợ Mơ, cùng với các đơn vị của tiểu đoàn 77 chặn đánh địch.


Trong trận này, địch bị diệt khoảng 20 tên, chủ yếu ở Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy. Ta bị thương vong một số.
Sau khi chiếm được Vĩnh Tuy, 11 giờ địch đánh sang ngã tư Trung Hiền (cạnh Chợ Mơ). Tại đây, một đại đội của tiểu đoàn 77 và tự vệ phố Duy Tân đã được bố trí để đánh địch. Ta có thiếu sót là không chuẩn bị công sự, không tổ chức phục kích nên bị thiệt hại nặng. Một trung đội của ta hy sinh tới quá nửa nhưng không chặn được địch. Chiếm xong ngã tư Trung Hiền, địch tiến sang phối hợp cùng một mũi quân địch ở đường số 1 xuống tiến công chiếm Ngã Tư Vọng.


Ngã Tư Vọng là một vị trí quan trọng trên đường số 1, nối Hà Nội xuống các tỉnh phía nam, đồng thời nằm trên vành đai ngoại thành từ Vĩnh Tuy - ngã tư Trung Hiền - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - đường Láng - Bưởi - Nhật Tân.


Ta nhận định sau khi chiếm được ngã tư Kim Liên, địch nhất định sẽ đánh xuống Ngã Tư Vọng. Vì vậy đã bố trí tại đây một lực lượng lớn, tập trung tại nhà thương Vọng (tức bệnh viện Bạch Mai ngày nay).
Nhà thương Vọng có khuôn viên gần như vuông vức, khá rộng, mỗi chiều khoảng 300m, có tường bao quanh. Phía bắc là một bãi bóng và một bãi trống có một số hố đấu và lò gạch nhỏ (tức là phía khu tập thể Kim Liên ngày nay); phía đông là con đường sắt, đường xe điện và đường quốc lộ số 1 hình thành một mặt bằng khá rộng; phía nam là đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh) nối liền với đường Đại La. Mặt tiền của bệnh viện trông ra đường số 1, có cổng ra vào. Trên cổng có một cái chòi. Trong bệnh viện, có nhiều nhà ba tầng làm việc và nhà bệnh nhân nội trú.


Quân ta có một đại đội của tiểu đoàn 64, ba trung đội tự vệ và khoảng 100 cứu thương dồn ở tuyến trước về. Tất cả khoảng 500 người.

Khi được tin địch từ Kim Liên đánh xuống, ta cấp tốc triển khai lực lượng phòng ngự: 3 trung đội tự vệ bố trí ở bãi trống phía bắc. Đại đội Vệ quốc đoàn bố trí ở trong bệnh viện, có 1 trung đội dọc theo tường rào phía bắc, 1 trung đội ở phía đông, 1 khẩu đại liên bố trí ở chòi cao cổng ra vào. Còn 1 khẩu ở mặt đất, đục lỗ tường bắn ra dọc đường số 1.


Năm giờ sáng địch bắt đầu chuẩn bị hoả lực mãnh liệt, có pháo, cối và máy bay tham gia. Một đoàn 8 xe tăng và thiết giáp, cùng 10 xe vận tải chở khoảng 300 lính Xê-nê-gan1 (Lính người Xê-nê-gan, trong đội quân lê dương của Pháp) ăn mặc giả thường dân triển khai cách cổng bệnh viện 300m, đồng thời bắt dân đi đầu để tiến công.


Ta dùng súng trường bắn chỉ thiên cho dân chạy tản ra. Địch dã man bắn vào dân thường đang chạy.
Địch tiếp tục tiến, khi tiến đến gần cổng, bất ngờ khẩu đại liên của ta ở chòi cổng bệnh viện bắn ra mãnh liệt, nhiều tên địch bị tiêu diệt và tháo chạy. Địch chấn chỉnh lại đội hình, lần nữa tổ chức xung phong và lại bị ta bắn chặn. Cho đến 10 giờ địch đã tiến hành 6 đợt xung phong nhưng đều bị ta dùng đại liên, súng trường, lựu đạn chặn lại.


Địch dùng pháo trên tăng bắn mãnh liệt. Mười giờ 30 phút, chúng bắn sập 2 lò gạch nhỏ ở phía bắc. Khoảng hơn 1 tiểu đội tự vệ của ta bị thương vong nhưng anh chị em vẫn ngoan cường bám trụ công sự để chặn địch. Một bộ phận thám báo địch tiến theo hướng tây bắc bệnh viện cũng bị ta chặn lại.
Mười một giờ địch bắn sập chòi trên nóc cổng trên có khẩu đại liên của ta. Một chiến sĩ quốc tế người Nhật bản đã nhanh chóng xếp gạch và bố trí lại khẩu đại liên để ngăn chặn địch.


Trước tình hình trận đánh diễn ra quyết liệt, ban chỉ huy tiểu đoàn đã lệnh cho hướng bắc kiên quyết giữ vững vị trí chặn địch, đồng thời ra lệnh cho bộ phận nữ cứu thương, cấp dưỡng theo lạch nước rút về hướng sân bay Bạch Mai.


Trong khi đó một cánh quân của địch gồm 8 xe tăng, xe thiết giáp, 15 xe vận tải chỏ 500 quân, sau khi đánh chiếm Vĩnh Tuy và ngã tư Trung Hiền, được lệnh chuyển sang tăng cường cho bọn địch tại nhà thương Vọng, tiến công từ phía đông. Cánh quân này tiến theo đường Đại La, 14 giờ thì đến Ngã Tư Vọng và bắt đầu đánh vào phía sau quân ta. Như vậy là, địch từ hai mặt giáp công: cánh bắc yếu hơn đã bị ta chặn đánh nhiều lần suốt từ sáng và cánh quân Ngã Tư Vọng mới tăng cường ở phía nam, mạnh hơn. Ở phía nam ta lại chưa tổ chức phòng ngự. Địch dùng pháo trên tăng diệt được ổ đại liên của ta ở cổng bệnh viện rồi cho xe tăng húc đổ tường đột phá vào hướng đông nam của bệnh viện. Tổ bom ba càng đâm vào 1 xe tăng làm nổ tung chiếc xe này. Một chiếc xe tăng khác lại xông lên. Ta trụ bám từng ngôi nhà trong khu bệnh viện để chặn địch. Vì địch mạnh hơn nên đến khoảng 18 giờ ta phải rút quân về hướng Khương Trung, sân bay Bạch Mai. Một trung đội được giao bảo vệ cuộc rút quân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã xuống hầm ngầm của bệnh viện. Đến nửa đêm trung đội cũng rút được an toàn.


Trận nhà thương Vọng là một trận đánh oanh liệt, quân ta phải chống trả lại 2 tiểu đoàn địch tiến công từ 2 hướng, đánh lui nhiều đợt xung phong của địch diệt khoảng 200 tên, trụ bám được 1 ngày. Tuy nhiên trận này ta cũng chịu tổn thất lớn, bị thương vong khoảng 50 chiến sĩ Vệ quốc đoàn, 100 chiến sĩ tự vệ, trong đó có 1 chính trị viên đại đội và 1 trung đội trưởng. Trận này đơn vị có quyết tâm cao, chiến đấu dũng cảm, song thương vong lớn, không đạt được yêu cầu bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2019, 09:09:20 am »

Đồng thời với đánh nhà thương Vọng, địch có một mũi tiến từ Ô Chợ Dừa xuống, bị một trung đội của tiểu đoàn 523 phục kích ở gò Đống Đa diệt khoảng một trung đội địch.

Ngày 16 tháng 1 địch mới chiếm được Ngã Tư Sở.

Cùng ngày, địch tiến đánh đường Tàu Bay, đánh chiếm sân bay Bạch Mai và tiến công khu Việt Nam Học Xá (Đại học Bách khoa ngày nay), ở khu Việt Nam Học Xá, một đại đội của tiểu đoàn 77, một đại đội của tiểu đoàn 64, một đại đội tự vệ sinh viên và đại đội tự vệ Bảy Mẫu đã lần lượt chặn đánh địch trong hai ngày 16 và 17. Riêng tự vệ sinh viên đã dùng đại liên diệt khoảng 50 tên địch.


Như vậy là với lực lượng khá lớn, địch phải mất hai ngày mới chiếm được đoạn vành đai gần 6km từ Vĩnh Tuy qua ngã tư Trung Hiền đến Ngã Tư Sở. Quân ta trải qua gần một tháng đánh địch đã có ít nhiều kinh nghiệm nên đã chặn đánh tốt hơn, gây cho địch thiệt hại lớn hơn. Chính quyền các xã ngoại thành đã huy động tự vệ và nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.


Sau khi địch chiếm được Ngã Tư Sở, tiểu đoàn 56 lui về tổ chức phòng ngự ở cầu Mới, vừa chặn giữ hướng này, từng bước lui dần về phía thị xã Hà Đông. Tiểu đoàn lúc này còn 3 đại đội (đại đội 3 chuyển thuộc tiểu đoàn 64, đại đội 5 chuyển thuộc tiểu đoàn 77). Đại đội 1 bố trí ở Phùng Khoang, đại đội 2 ở Đại Mỗ, đại đội 4 ở cầu Tó. Tiểu đoàn lúc này vẫn do đồng chí Nguyễn Anh Đệ làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Quân Lập được bổ nhiệm chính trị viên.


Sau khi chiếm được Vĩnh Tuy, địch phát hiện ta có 2 khẩu pháo 37mm vừa đưa ở Thổ Khối sang Nam Dư Hạ và Yên Duyên. Ngày 18 tháng 1 năm 1947, địch huy động 250 tên, 2 xe tăng, 2 ca-nô theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Nam Dư. Ta có hai đại đội của tiểu đoàn 212, một đại đội ỏ Nam Dư Thượng, một đại đội ở Nam Dư Hạ, một khẩu pháo ở đầu đê Nam Dư Hạ, một ở đê Yên Duyên. Dân quân tự vệ mỗi thôn có một trung đội.


Từ mờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 47, lợi dụng đêm tôi địch từ Lò Lợn qua Vĩnh Tuy chia hai đường thuỷ bộ tiến xuống định đánh úp bất ngờ ta ở Nam Dư. Cánh trên bộ có 2 xe tăng dẫn đầu qua làng Thanh Trì đã bị dân quân ở đây đánh chặn. Đại đội đóng ở Nam Dư Thượng cùng dân quân tự vệ dựa vào địa hình địa vật và công sự đã chặn đánh địch quyết liệt. Pháo của địch trên xe tăng phải đứng trên đê bắn vào làng chi viện làm cho bộ binh xung phong. Mặc dầu vậy chúng vẫn không vào được. Đến 14 giờ địch chia làm hai ngả theo đường làng và đường đê tiến xuống Nam Dư Hạ. Một đại đội của ta ở đây cùng tự vệ chuẩn bị sẵn sàng chặn đánh địch. Gặp ụ chắn trên đê, xe tăng địch vòng xuống dệ đê để vượt qua. Khẩu 37mm của ta đặt trên đê (chỗ đầu Khuyến Lương, Nam Dư Hạ) đã hạ nòng ngắm bắn trực tiếp 3 phát. Một xe tăng bốc cháy ngay trên đê địa phận làng Thanh Trì. Dưới sông địch dùng hai ca-nô chở 2 trung đội địch đổ quân lên đánh tập hậu. Khẩu pháo thứ 2 của ta đặt trên đê Yên Duyên đã linh hoạt chuyển xuống bãi ngô sát mép nước để đón đánh ca-nô địch. Hai ca-nô địch chưa kịp đổ quân lên bãi thì 1 chiếc bị bắn chìm, bọn địch trên ca-nô bị tiêu diệt. Chiếc còn lại quay đầu tháo chạy. Bị thiệt hại nặng mà không diệt được lực lượng ta, đến gần chiều chúng phải rút quân về Vĩnh Tuy. Trong trận này địch bị chết 50 tên, 1 xe tăng bị phá, 1 ca-nô bị đắm. Ta hy sinh 13 người, bị thương 10 người, mất 3 súng trường.


Sau đợt đánh địch chiếm vành đai Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, ta phán đoán địch sẽ đánh tiếp quãng đường Ngã Tư Sở - Bưởi.

Đúng như phán đoán, ngày 20 tháng 1 năm 1947, địch tập trung 1.200 quân trên 100 xe các loại, có 3 máy bay chi viện, mở đợt tiến công để chiếm hai mục tiêu Bưởi và Cầu Giấy.

Ta có tiểu đoàn 145 và một bộ phận của tiểu đoàn 56 chặn đánh địch.

Để tiến công Bưởi, địch chia làm hai mũi: một mũi khoảng 150 tên từ dốc Tam Đa, nhà máy thuộc da Thụy Khuê theo đường Thụy Khuê tiến lên. Một mũi khoảng 200 tên từ nhà máy bia Ô-men theo đường Hoàng Hoa Thám tiến lên. Các mũi đều có xe tăng và xe cơ giới dẫn đầu. Ta chặn đánh ở Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Bưởi rồi rút về Nghĩa Đô, Cổ Nhuế.


Để đánh Cầu Giấy địch tiến quân theo ba mũi: một mũi từ Liễu Giai theo đường Đội Cấn đánh lên Cống Vị, một mũi theo đường Sơn Tây đánh lên Thủ Lệ, Yên Lãng và một mũi từ Ngã Tư Sở theo đường Láng đánh lên Cầu Giấy. Ở Thủ Lệ, một trung đội Vệ quốc đoàn cùng tự vệ chặn đánh, dùng đại liên bắn mạnh diệt 30 tên địch. Trên đường Láng, mũi từ Ngã Tư Sở tiến lên bị ta phục kích ở Hòa Mục. Vì giữ được bí mật, đánh bất ngờ nên ta diệt 50 tên địch. Địch từ các mũi tiến đánh Cầu Giấy và Thủ Lệ. Ta chặn đánh quyết liệt, diệt trên 100 tên rồi rút về Mai Dịch. Địch đánh Yên Lãng, ta chặn đánh kiên cường, sau đó phải rút. Địch chiếm được pháo đài Láng.


Tuy chiếm được quãng vành đai từ Ngã Tư Sở qua Cầu Giấy đến Bưởi dài 6km, nhưng địch cũng bị tiêu diệt khoảng 300 tên (không rõ số bị thương), bị phá hủy 2 xe tăng, 2 xe Jeep.

Quân ta có nhiều tiến bộ, biết lợi dụng địa hình, địa vật, tổ chức công sự, chờ địch đến gần mới bắn, biết tổ chức phục kích, cán bộ nắm chắc bộ đội, biết sử dụng hỏa lực, biết ngụy trang giữ bí mật, biết tổ chức rút quân tốt nên tổn thất ít, 15 đồng chí hy sinh, 21 đồng chí bị thương. Tuy nhiên vì thiếu bom ba càng, thiếu mìn nên kết quả đánh xe tăng chưa cao.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM