Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:11:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Chiến khu XI  (Đọc 9977 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 10:37:58 am »

Ngày 19 tháng 12, sau khi nhận được lệnh của trên, chi bộ Đồng Xuân họp quán triệt tình hình nhiệm vụ. Ủy ban bảo vệ khu phố kiểm tra lại kế hoạch tác chiến ở Hàng Đậu và cầu Long Biên. Huy động toàn dân trong khu phố khuân các đồ vật nặng nề, cồng kềnh đã giấu sẵn ở ngõ Hồng Phúc và Nguyễn Thiếp vứt ra đường làm chướng ngại. Tự vệ đi chôn mìn, đóng cọc vào các vị trí đã định. Mọi việc tiến hành rất khẩn trương. Lúc 20 giờ 03 phút, khi đèn tắt, ta nổ súng, ngay lập tức bọn địch ở đầu cầu chủ động đánh trước. Chúng dùng xe bọc thép khống chế toàn bộ khu vực đầu cầu. 15 phút sau, địch từ Cửa Bắc theo đường Phan Đình Phùng ra phố Hàng Đậu nhằm làm chủ con đường huyết mạch thông lên cầu Long Biên. Đến trước tháp nước tròn bọn này bị trung đội công an tại đồn công an ngã tư Hàng Đậu - Hàng Giấy chặn đánh. Chiến sĩ ta dựa vào nhà gác bắn súng, ném lựu đạn, ném chai xăng cơ-rếp đốt cháy 1 xe bọc thép của địch. Tự vệ phố Hàng Than (bên số chẵn) dùng hoả lực chi viện cho công an đánh địch. Pháo trên tăng của địch bắn dữ dội vào đồn công an. Sau 1 giờ chiến đấu, công an phải rút về phố Gầm Cầu.


Địch gặp chướng ngại vật không tiến nhanh vào Hàng Đậu được, đi mấy chục mét, 1 xe bọc thép đến trước cửa nhà số 49 thì trúng mìn, bị hỏng. Tổ đồng chí Đỗ Trung Hiển từ trong nhà ném lựu đạn, bắn tiểu liên diệt địch. Đến các số nhà 34, 36, 38 vướng hào và cọc sắt, lính địch trên xe xuống nhổ cọc. Lợi dụng tình thế đó, đồng chí Thư Chương và đồng chí Lộc dùng chai xăng cơ-rếp ở trên gác ném xuống, 1 xe nữa bốc cháy. Trên đường tiến, chúng phát hiện có mìn của ta liền cho xe chạy lên hè dãy số chẵn để tránh, đồng thời để lại 1 xe yểm trợ cho tốp sau đang bị ùn. Bọn chỉ huy đi xe Jeép từ tháp nước tiến lên số nhà 19 bị tổ đồng chí Thư Chương bắn bị thương, xe bị hỏng nằm lại ở ngã tư Nguyễn Thiếp - Hàng Đậu. Một xe bọc thép khác lên chiếm ngã tư này đứng trước nhà 18 bắn dồn dập sang dãy số lẻ và đường Nguyễn Thiếp để chặn quân ta. Tiểu đội đồng chí Dưỡng và Thư Chương vẫn kiên trì trụ bám. Địch ùn lại không tiến lên được.


Trước tình thế đó, cánh quân Pháp gồm 10 xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải từ Cửa Bắc sau khi đánh chiếm xong khu vực Yên Phụ, liền chuyển hướng theo đường đê tiến về đầu cầu Long Biên nhằm hợp lực với đồng bọn từ phía tháp nước tròn đánh thông đường Hàng Đậu. Mặt trận trở nên hết sức khốc liệt. Tự vệ cùng anh em Vệ quốc đoàn do đồng chí Nguyễn Hùng, đại đội phó Vệ quốc đoàn chỉ huy kiên quyết chặn đánh bọn này ở bờ sông và đầu đường Trần Nhật Duật. Tổ đánh bom của tự vệ gồm các đồng chí Ngà, Tố, Kế, Cổn phối hợp với tổ trung liên của đồng chí Thưởng ở số 4 Hàng Đậu đã lao ra đặt mìn làm nổ tung dốc cầu. Đồng chí Ngà hy sinh, đồng chí Tố bị thương. Bọn địch hoang mang cụm lại ở dọc cầu dùng hoả lực chi viện.


Từ số 1 Hàng Đậu, trung đội trưởng Vệ quốc đoàn Nguyễn Duân chỉ huy tự vệ và bộ đội bắn vào bọn địch co cụm ở dốc cầu. Phát hiện được hoả điểm quan trọng này, địch dùng hoả lực trên xe thiết giáp bắn chi viện cho lính xông vào nhà số 1.


Quân ta kiên cường cầm cự cho tới khi gần hết đạn thì rút về Yên Phụ và khu vực phố Hàng Khoai.
Sau 3 giờ chiến đấu, địch bị chết 10 tên, bị phá hủy 3 xe bọc thép, 1 xe Jeép. Về phía ta 3 đồng chí bị hy sinh, 1 đồng chí bị thương. Đây là một trận đánh quyết liệt hết sức anh dũng mở đầu đợt chống trả quân địch.


Với cánh đánh chủ động tiến công, triệt để lợi dụng những ngôi nhà kiên cố hai bên phố, kết hợp với các bãi.. chướng ngại nhiều tầng, nhiều lớp, các vũ trang nhân dân khu vực phố Hàng Đậu đã chặn đứng bước tiến quân của bộ binh cơ giới địch suốt 3 tiếng đồng hồ, gây cho chúng nhiều thiệt hại.


Trận đánh trên đường Hàng Đậu, đặc biệt tại quãng đường ngã ba Hồng Phúc - Hàng Đậu là bản anh húng ca về cuộc chiến tranh trên đường phố của quân dân Hà Nội. Kết quả của trận chiến đấu đã củng cố thêm lòng tin cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân về khả năng tác chiến kìm giữ giam chân địch dài ngày trong thành phố để cả nước có thời gian chuyển vào kháng chiến. Trận đánh cũng để lại nhiều kinh nghiệm vê chiến thuật đánh địch trên đường phố.


Cùng lúc diễn ra trận đánh ở Hàng Đậu, cánh quân lớn nhất của Pháp với khoảng 300 lính lê dương, 18 xe tăng, xe bọc thép từ trong Thành theo đường Cột Cờ, Tràng Thi đánh chiếm đồn công an Hàng Trống, Nhà Hát Lớn và Bắc Bộ Phủ.


Tại đồn công an Hàng Trống, một trung đội công an xung phong giữ vững vị trí chiến đấu trong nhiều tiếng đồng hồ, sau đó chủ động rút sang nhà in Tê-rê-xa1 (Nay là trụ sở báo Hà Nội mới).


Ở Nhà Hát Lớn thành phố, trung đội Vệ quốc đoàn đã kiên cường chống trả các đợt tiến công của một đại đội lính Pháp có nhiều xe tăng, xe bọc thép. Địch dùng pháo 75mm bắn thẳng vào các vị trí phòng ngự của ta. Bộ binh chúng mở cửa vượt cửa mở tràn vào. Xe tăng, xe bọc thép chạy xung quanh bao vây tấn công và uy hiếp tinh thần bộ đội ta. Rạng sáng ngày 20 tháng 12, địch chiếm được tầng dưới. Quân ta rút lên tầng hai cố thủ. Khoảng 4 giờ sáng trung đội phó Đát và các chiến sĩ còn lại sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hầu hết bị thương nặng đã sa vào tay giặc. Kẻ thù dụ dỗ và tra tấn dã man vẫn không khuất phục được các chiến sĩ - những người con trung dũng của Thủ đô thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Căm tức trước dũng khí cách mạng của các chiến sĩ, chúng đã đem các chiến sĩ bị bắt ra xử bắn. Các dũng sĩ Nhà Hát Lớn thành phố - những người con bất tử của Thủ đô đã nêu một tấm gương ngời sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 10:39:52 am »

Bắc Bộ Phủ là một mục tiêu trọng yếu đối với địch. Khu vực này bao gồm các công thự của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động2 (Nay là trụ sở Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, phố Ngô Quyền) Bộ Bưu điện3 (Nay là Bưu điện Bờ Hồ), Nhà Thương mại, Sở Kiểm duyệt1 (Nay là Bưu điện quốc tế phố Đinh Tiên Hoàng) và Bắc Bộ Phủ2 (Nay là nhà khách Chính phủ, phố Ngô Quyền), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Do tập trung các cơ quan chính quyền của ta, khu vực này là mục tiêu trọng yếu trong âm mưu của địch. Vì vậy nhiều ngày trước khi chiến tranh bùng nổ, Bộ chỉ huy Pháp đã điều hơn 200 lính đến đóng trên gác hai khách sạn Mê-tơ-rô-pôn đối diện với Bắc Bộ Phủ, sẵn sàng hành động khi có lệnh. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan của ta đã rút hết ra ngoài, song đối với cán bộ, chiến sĩ Chiến khu XI, được giao nhiệm vụ ở lại chiến đấu. Việc địch đánh vào Bắc Bộ Phủ là đánh vào biểu tượng của chính quyền cách mạng của nhân dân ta, vì vậy ta chủ trương chặn đánh một trận quyết liệt ở Bắc Bộ Phủ, không cho chúng đánh chiếm dễ dàng rồi rút lui bảo toàn lực lượng.


Bắc Bộ Phủ là một dinh thự ba tầng kiên cố, mặt tiền ngoảnh ra phố Ngô Quyền nằm trong một khu vườn có hàng rào sắt bao quanh, có hè rộng khoảng 20m. Bên kia đường là khách sạn Mê-tơ-rô-pôn nơi địch có 200 quân cải trang ém sẵn. Phía đông bắc có một quảng trường khá rộng phía trước nhà Ngân hàng Đông Dương. Phía bắc có vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Bên kia vườn hoa là Toà Thị chính. Phía nam Bắc Bộ Phủ là trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, sở Kiểm duyệt, cuối cùng là những dãy nhà ba tầng kiên cố hình trữ u ngoảnh mặt ra đường Ngô Quyền. Phía sau Bắc Bộ Phủ (tức phía tây) là Sở Bưu điện, Phòng Thương mại.


Việc phòng thủ Bắc Bộ Phủ được bố trí trên một diện rộng do đại đội 1 tiểu đoàn 101 phụ trách. Đại đội do đồng chí Mộng Hùng làm đại đội trưởng và đồng chí Lê Gia Đỉnh là chính trị viên. Đại đội đã bố trí 1 trung đội ở Rạp Ê-đen (nay là rạp Công Nhân), khách sạn Gà Trống Vàng (nay là khách sạn Dân Chủ), Phòng Thương mại. Một tiểu đội bộ đội cùng với tự vệ bưu điện phòng giữ nhà Bưu điện. Riêng ở trong khuôn viên Bắc Bộ Phủ bố trí 2 trung đội vệ quốc đoàn: 1 trung đội ở tiền duyên sát bò rào, tại đây có đào chiến hào và xây dựng ụ súng, một trung đội bố trí ở tầng hai, tầng ba. Hai tổ bom ba càng bố trí một tổ ở trước nhà, một tổ phía sau nhà. Hai quả bom 150kg được chôn trên lối ra vào dinh thự, ở hai đầu bậc lên xuống cửa lớn.


Trong đợt tiến công thứ nhất, lúc 24 giờ ngày 19 tháng 12, chúng cho xe tăng dùng hoả lực mạnh yểm trợ cho bộ binh tiến công chính diện vào Bắc Bộ Phủ. Từ hào giao thông, ụ chiến đấu bảo vệ vòng ngoài, từ các tầng gác cao, các chiến sĩ ta chống trả quyết liệt. Nhiều lính Pháp trúng đạn bắn thẳng của ta đổ gục trước khách sạn Gà Trống Vàng và cửa hàng công nghệ phẩm của hãng Sáp-phăng-giông1 (Nay là hiệu sách quốc văn Tràng Tiền).


Sau khi tổ chức lại lực lượng, khoảng 3 giờ sáng ngày 20 tháng 12, địch lại tiến công lần thứ hai vào Bắc Bộ Phủ. Hai xe tăng địch hạ nòng pháo bắn yểm hộ cho bộ binh địch xung phong. Phải tiêu diệt xe tăng, dập tắt khối hoả lực cơ động nguy hiểm chỗ dựa chủ yếu của bộ binh địch. Một chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng khéo léo tiếp cận đâm thẳng bom vào xe địch. Chiếc xe đứng khựng lại bốc cháy. Bộ binh theo xe hoảng sợ nằm phục xuống lòng đường bắn loạn xạ, khi chiếc xe thứ hai tiến đến, người chiến sĩ ấy lại ôm bom lao cả người vào xe địch. Bom không nổ, đồng chí chiến sĩ quyết tử đã hy sinh oanh liệt.


Không đánh chiếm được Bắc Bộ Phủ, quân Pháp bỏ dở cuộc tiến công, đợi trời sáng khi có thêm viện binh sẽ đánh tiếp.


Tại các cửa ô và các làng ngoại thành, khi tiếng súng kháng chiến bùng nổ, các tổ chức quần chúng nhanh chóng tổ chức thành đội ngũ chuẩn bị vũ khí, lương thực đợi trời sáng kéo vào nội thành cùng các lực lượng vũ trang chiến đấu.


Đồng bào nội thành sát cánh cùng tự vệ nổ mìn, phá cột điện, cưa chặt cây, lật đổ những toa xe lửa, xe điện chắn ngang đường phố chặn xe cơ giới địch. Ở nhiều khu phố đồng bào khuân vác những đồ đạc cồng kềnh của nhà mình như tủ chè, sập gụ, bàn ghế, giường phản ra đường xây dựng bãi chướng ngại, ụ chiến đấu. Trên các trục đường chính và hầu hết các phố phường Hà Nội đâu đâu cũng xuất hiện những hào chặn chiến xa, công sự, ụ chiến đấu. Tại các phố Hàng Bông, Hàng Gai nhiều ụ chiến đấu được xếp bằng những kiện bông, kiện tơ. Ở các phố Hàng Hòm, Hàng Quạt, Sinh Từ nhiều vật chướng ngại được xếp bằng những cây gỗ lớn. Ở phố Hàng Bát nhiều đồ sứ quý giá cũng được sử dụng làm vật chướng ngại. Trong các dãy phố, nhân dân, tự vệ, bộ đội, công an xung phong đục tường, đào hào thông từ nhà nọ sang nhà kia tạo nên những con đường bí mật để cơ động lực lượng khi tác chiến. Nhiều người đem gạo, tiền bạc, thuốc men đến ủng hộ lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô đánh giặc. Riêng số gạo do đồng bào khu Hoàn Kiếm và khu Đông Thành ủng hộ đã hơn 10 tấn. Các loại thực phẩm như mắm, muối, đỗ, đậu các loại cũng đều dăm bảy tấn.


Bằng những hoạt động đó, các lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô cùng đồng bào Hà Nội đã chính thức chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc Kháng chiến toàn quốc.


Theo thông báo của Bộ Tổng chỉ huy, trong đêm 19 tháng 12, địch ở nhiều thành phố, thị xã khác cũng bị đánh. Do nhận được lệnh muộn, Nam Định nổ súng lúc 0 giờ 30 phút ngày 20 tháng 12, Huế lúc 2 giờ 30 phút, Hải Dương lúc 3 giờ, Bắc Ninh, Bắc Giang lúc 3 giờ, Vinh lúc 3 giờ.

Nhờ gần Trung ương, Hà Nội chuẩn bị tốt, chấp hành mệnh lệnh đúng giờ quy định nên có vinh dự nổ súng đầu tiên mở đầu Kháng chiến toàn quốc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 10:47:06 am »

Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo làn sóng điện của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã được truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Đồng thời đây cũng là lời tuyên bố với nhân dân thế giới cuộc kháng chiến chính nghĩa của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu.

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
1
(Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000).


Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lập trường chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hoà bình, tự do và độc lập. Vì tự do và độc lập, dân tộc Việt Nam quyết tâm chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.


Lời kêu gọi của Bác Hồ là lời hiệu triệu của non sông đất nước kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất trí đồng lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy chống thực dân Pháp, cứu nước cứu nhà.

Ngay trong sáng 20 tháng 12 năm 1946, các báo xuất bản ở Hà Nội như "Đồng Xuân", "Tiền phong", "Đông Kinh Nghĩa Thục", "Cảm tử", "Tiền phong" và "Chiến thắng" đều đăng trọng thể lời kêu gọi của Bác. Các đội tuyên truyền xung phong đã đến tận chiến hào chuyển lời kêu gọi của Bác tới các chiến sĩ. Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, đặc phái viên của Trung ương. Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy cùng đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng đến sở chỉ huy Mặt trận Hà Nội truyền đạt lời kêu gọi của Bác, thăm hỏi các lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào Thủ đô. Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ đến thăm đại đội tự vệ công nhân phố Khâm Thiên. Đồng chí Hoàng Văn Thái cùng chính trị viên Trần Độ xuống kiểm tra đơn vị pháo binh ở pháo đài Láng. Đồng chí Tổng chỉ huy còn dặn dò cán bộ, chiến sĩ Thủ đô nêu cao hơn nữa truyền thống của Thủ đô. Phải giam chân địch, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến. Các đơn vị không vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, cũng không vì một vài thất bại mà thiếu quyết tâm tin tưởng. Phải chuẩn bị chiến đấu trong những điều kiện khó khăn ác liệt nhất. Phải xứng đáng với vị trí của người cầm súng chiến đấu bảo vệ Thủ đô.


Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh những lời căn dặn của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 10:51:45 am »

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng chỉ huy, phối hợp chiến đấu với Hà Nội, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng xông tối mặt trận chống quân thù.
Nhiều khẩu hiệu được kẻ lên tường khắp trên đường phố Hà Nội, nhất là tại Liên khu 1, địa bàn trung tâm và đông dân cư nhất của Hà Nội. Những khẩu hiệu này cổ vũ tinh thần chiến đấu quyết tử của quân dân Thủ đô: "Hà Nội mồ chôn giặc Pháp", "Thà chết vinh còn hơn sống nhục", "Quyết sống chết với Thủ đố, "Hà Nội - Xta-lin-grát", "Thà chết không chịu làm nô lệ".


Ở thị xã Hải Dương, đêm 19 tháng 12, trung đoàn 44 phối hợp với quần chúng tiến công quân Pháp tại trường nữ học, cầu Phú Lương... Tại Nam Định, trung đoàn 57, Chiến khu IV cùng lực lương tự vệ bất ngờ bao vây tiến công quân Pháp trong sân bay, buộc một trung đội lính Pháp có cả sĩ quan phải đầu hàng. Tại Đà Nẵng, sáng 20 tháng 12 năm 1946, quân và dân thành phố dùng địa lôi phá sập cầu Thủy Tú, cầu Cẩm Lệ ở ngoại vi thành phố và tiến công nhiều vị trí địch. Tại Nam Bộ, quân ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, quân và dân ở nhiều thành phố thị xã cũng tiến quân vây hãm quân địch.


Tại Hà Nội, nhiều trận đánh từ đêm 19, khi bắt đầu nổ súng kháng chiến, tiếp tục diễn ra khắp trung tâm thành phố. Quyết liệt nhất vẫn là trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 20 tháng 12, sau khi chiếm được Nhà Hát Lớn, lại có thêm lực lượng từ Đồn Thủy lên, địch triển khai 4 xe tăng, 8 xe bọc thép cùng 1 đại đội bộ binh trên quảng trường Nhà ngân hàng Đông Dương tiến vào đường Ngô Quyền để tiến công vào chính diện Bắc Bộ Phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Sở Kiểm duyệt. Hai xe tăng bắn pháo mở đường, theo sau là bộ binh tiến sát hàng rào sắt Bắc Bộ Phủ. Ta dựa vào chiến hào ở tiền duyên bắn súng trường, ném lựu đạn vào bộ binh diệt nhiều tên, đánh lui được địch, một bộ phận địch bị dạt sang vườn hoa Con Cóc. Đợt tiến công thứ ba bị đẩy lùi.


9 giờ sáng ngày 20 tháng 12, địch tổ chức đợt tiến công thứ tư. Pháo, cối và pháo của xe tăng bắn mãnh liệt vào ngôi dinh thự. Hai xe tăng đã tiến vào húc đổ 2 đoạn hàng rào ở chính diện rồi tiến vào sân, theo sau mỗi xe tăng là 1 trung đội bộ binh xông lên. Hai tổ bom ba càng đã dũng cảm chặn đánh, diệt cả 2 xe tăng, bộ binh ta dùng mã tấu, kiếm, súng trường đồng loạt ném lựu đạn phản kích mãnh liệt, diệt trên 10 tên địch, chúng phải rút chạy ra ngoài hàng rào.


Gần trưa, địch tổ chức đợt tiến công thứ 5. Sau khi pháo hỏa chuẩn bị, chúng tổ chức xung phong liên tiếp mấy lần vào chính diện nhưng vẫn bị chặn lại. Chúng chuyển sang vườn hoa Chí Linh đánh vào sườn trái Bắc Bộ Phủ. Một tiểu đội Vệ quốc đoàn cùng tự vệ Bưu điện đã chống trả quyết liệt. Một bộ phận địch đột nhập vào được nhưng đến 14 giờ bị ta phản kích đánh bật ra.


15 giờ, sau khi pháo hỏa chuẩn bị, địch lại tổ chức tiến công lần thứ 6 vào chính diện. Lúc này ta đã gần hết đạn và lựu đạn, tiếp tục kéo dài trận đánh sẽ không có lợi, ban chỉ huy đại đội quyết định rút lực lượng chủ yếu sang cố thủ tại nhà Bưu điện. Chính trị viên đại đội Lê Gia Đỉnh chỉ huy bộ phận còn lại quyết tử chiến đấu đến cùng. Địch chiếm tiền duyên và xông lên nhà dinh thự. Ta giật 1 quả bom ở chân tam cấp diệt nhiều địch. Ngừng một thời gian, địch lại xung phong phía tam cấp đối diện. Ta giật quả bom thứ 2 không nổ. Chính trị viên Lê Gia Đỉnh xông lên đập kíp, nhưng bom không nổ. Trước hành động dũng cảm của anh, bọn địch hoảng hốt rút lui, cả bộ binh, xe tăng chạy ra ngoài hàng rào nổ súng ác liệt vào sân và cửa dinh thự. Dưới làn đạn ác liệt của kẻ thù, đồng chí Lê Gia Đỉnh đã hy sinh anh dũng.


Tấm gương chiến đấu xả thân vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, bảo vệ Thủ đô sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Lê Gia Đỉnh được nêu cao trong toàn Liên khu 1. Anh được truy tặng danh hiệu "Người quyết tử quân số một của Liên khu". Lê Gia Đỉnh, người chiến sĩ vệ quốc một năm trước đấy cùng chi đội Giải phóng quân về Hà Nội đã ngã xuống tại Bắc Bộ Phủ, anh đã giữ trọn lời thề: "Quyết không cho kẻ thù chiếm nhà Cha Hồ".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 11:08:47 am »

Sau khi nắm được tình hình, Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 đã lệnh cho đại đội 1 rút sang Toà Thị chính để bảo toàn lực lượng. Đại đội đã rút sau khi đánh bại đợt tiến công thứ 6 của địch.

Kết quả, sau một đêm và một ngày chiến đấu kiên cường, 45 cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn đã hy sinh anh dũng. Giặc chiếm được Bắc Bộ Phủ nhưng chúng đã phải trả một giá đắt, hơn một trăm tên lính bị tiêu diệt, nhiều xe tăng, thiết giáp, xe vận tải quân sự bị phá hỏng.


Trận chiến đấu phòng ngự Bắc Bộ Phủ là trận đánh lớn nhất, ác liệt nhất, kéo dài nhất trong ngày đầu kháng chiến ở ngay trung tâm thành phố. Tinh thần chiến đấu kiên cường cùng các chiến thuật đã sử dụng trong trận đánh của cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 tiểu đoàn 101 đã để lại cho các lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô nhiều kinh nghiệm quý báu. Quân đội xâm lược nhà nghề khét tiếng tàn bạo cũng khiếp đảm trước ý chí chiến đấu của quân và dân ta, chúng không dám hung hăng, kiêu ngạo như trước.


Trong ngày 20, địch còn cho máy bay thả xăng đốt cháy cả khu Long Biên ở ven sông, Ủy ban kháng chiến khu phố, các đội cứu thương xông ra cứu dân vào trong đê rồi tổ chức cho dân tản cư.

Ở phía tây Liên khu 1 từ sáng sớm, xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh tiến chiếm các phố Hà Trung, Ngõ Trạm, Nguyễn Trãi (nay là phố Nguyễn Văn Tố), nhà thờ Tin lành rồi tiếp theo là Hàng Điếu, Hàng Gà, nhà buôn Nhật Xi-nô-mu-ra, đình Thái Cam. Địch đánh rạp Ô-lanh-pi-a (nay là rạp Hồng Hà, trước chợ Hàng Da) bị ta kháng cự, phải lùi.


Khống chế được Hàng Đậu ở phía bắc, đường Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền ở phía nam, Hàng Điếu, Hàng Gà ở phía tây, địch bắt đầu hình thành thê bao vây, dồn lực lượng Liên khu 1 vào khu phố cổ.

Cánh quân từ trong Thành tiến theo đường Cửa Nam, Cột Cờ1 (Tức phố Điện Biên Phủ ngày nay), Hàng Lọng trong đêm 19 tháng 12 khi đến ngã tư Hàng Lọng thì bị tự vệ chặn đánh. Công nhân xe lửa dùng toa tàu chở đá chặn ngang đường sắt. Không tiến được, từ Cửa Nam địch phải rẽ theo đường Tràng Thi, Quán Sứ, chiếm Viện Radium (Viện K ngày nay), Hoả Lò, Toà án. Đến gần sáng chiếm Sở hoả xa Việt Điền (nay là trụ sỏ Tổng liên đoàn lao động), rồi chiếm Nha Công an.


Sáng ngày 20, địch đánh thông đường Hàng Lọng, cùng bộ phận từ nhà dầu Shell (phố Khâm Thiên) tiến lên giải vây bộ phận ở ga Hàng cỏ. Tiếp đó tiến công Nha Công an (nay là Bộ Công an) và trụ sở Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu tại 107 Trần Hưng Đạo. 140 công an xung phong đã dũng cảm đánh trả quyết liệt diệt khoảng một trăm tên địch, phá một xe, ta bị thương vong 30 người, rồi rút sang khu Đấu Xảo cùng tự vệ chiến đấu giữ khu Đấu xảo (nơi có 1 đại đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu chốt giữ).


Ở 107 Trần Hưng Đạo ta chỉ có một tổ nhỏ đánh một lúc rồi rút. Tối 20 ta cũng rút khỏi Đấu Xảo đem theo nhiều dân. Qua đường Nguyễn Du thì bị địch ở một hoả điểm bắn vào dân. Đây là hoả điểm của một ổ chiến đấu độc lập. Bộ đội, tự vệ phải tìm cách dùng hoả lực bịt hoả điểm đảm bảo cho dân rút.

Cũng sáng ngày 20, ở Liên khu 2, địch ở Đồn Thủy tiến ra chiếm lại Lò Đúc, Viện Pát-xtơ, nhà Stai-quai (Phà Đen). Trong mấy ngày ta giành đi giật lại Stai-quai. Cuối cùng địch mạnh hơn, để bảo toàn lực lượng, ta buộc phải rút. Con đường rút lui khi cần thiết của ta ở phía nam đã bị địch vít kín.


Từ Đồn Thủy địch cho xe bọc thép cùng bộ binh giải vây cho rạp Ma-giét-xtíc nhưng bị ta chặn lại ở Hàm Long không tiến được. Ở Hàm Long ta chiến đấu suốt một ngày mới đánh lui được quân địch.

Ở Liên khu 3, ngày 20 địch ở Phủ Toàn quyền nống ra phố Ngọc Hà và phố Đội Cấn hòng đẩy lùi quân ta nhưng bị đánh lui.


Qua một ngày đêm chiến đấu ác liệt đầu tiên, quân và dân Hà Nội đã đánh trên 30 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, phá huỷ nhiều xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải của địch, tiêu diệt nhiều vị trí nhỏ và ổ chiến đấu lẻ của địch. Trong điều kiện so sánh lực lượng quá chênh lệch, quân ta còn ấu trĩ về cách đánh, lần đầu tiên trực tiếp đánh địch, đạt được thành tích như vậy là rất quan trọng. Một ngày đêm thử lửa với một số kết quả đã làm vững tâm cán bộ, chiến sĩ Thủ đô. Hiện tượng bỡ ngỡ, lo lắng của mọi người, thậm chí sợ hãi, dao động của một số người đã qua đi. Anh em thấy rõ dù địch có ưu thế to lớn về binh khí kỹ thuật, dù bom đạn ác liệt, dù hoả lực địch rất mạnh, nhưng địch vẫn có những điểm yếu, ta có thể đánh và trụ lại nhiều ngày.


Các trận đánh oanh liệt của ta ở Hàng Đậu, ở Nhà Hát Lớn, Bắc Bộ Phủ, Nha Công an khiến cho địch không còn hung hăng coi thường ta như trước. Chúng trở nên khiếp sợ, sợ bom ba càng, sợ mìn, sợ lựu đạn, sợ tinh thần dũng cảm của ta.


Toàn bộ lực lượng địch ở Hà Nội được huy động, không còn lực lượng dự bị.

Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy của địch ở miền Bắc đã lệnh cho quân địch ở Hải Phòng, phải gấp rút đánh thông ở đường quốc lộ số 5 để đưa lực lượng tăng viện cho Hà Nội, đồng thời rút tiểu đoàn Bắc Ninh, Bắc Giang đánh mở thông đường 5. Va-luy đã kêu gọi binh lính: "Hãy nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt... chẳng bao lâu nữa, các bạn sẽ được tăng viện và tiếp tế". Ông ta cố giật gấu vá vai để đưa quân từ miền Nam ra và điện về Pa-ri để xin tăng viện gấp.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 11:11:23 am »

Ngày 21 tháng 12, địch tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Từ sớm chúng tổ chức tiến công trụ sở Bộ Quốc phòng và trại Vệ quốc đoàn trung ương.

Trụ sở Bộ Quốc phòng đóng tại trường nữ học Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương), ở 28 Hàng Bài. Đây là một ngôi nhà kiên cố ba tầng, mặt tiền ở phía đông trông ra phố Hàng Bài, cửa phía nam trông ra phố Lý Thường Kiệt, các phía bắc và tây là nhà dân. Chuẩn bị kháng chiến, cơ quan Bộ Quốíc phòng đã di chuyển ra ngoài thành phố. Phòng ngự tại đây có một trung đội thuộc tiểu đoàn 77 cùng 2 tiểu đội tự vệ khu đại học do trung đội trưởng Phan Hào chỉ huy. Anh em đã làm lễ tuyên thệ quyết tử, xây dựng kế hoạch phòng ngự, đào hào chiến đấu và công sự chuẩn bị.


Ngay từ 8 giờ sáng, quân địch với xe tăng và thiết giáp dẫn đầu từ Thành theo đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt đánh vào phía đông và phía nam trụ sở. Chúng cho xe tăng bắn pháo và 12,7mm vào nhà ngang rồi cho bộ binh xung phong. Trung liên của ta bắn ra quyết liệt chặn diệt nhiều tên, địch tháo chạy, một số nấp ở bờ tường bắn trả. Ở mặt Hàng Bài xe thiết giáp áp sát bờ rào dùng trung liên bắn vào cửa sổ nhà chính. Quân ta từ gác hai ném lựu đạn và chai xăng cơ-rếp xuống buộc xe địch phải dạt ra giữa đường. Chúng đưa hoả lực sang nhà đối diện bắn mạnh vào các tổ súng trường của ta rồi cho bộ binh xung phong. Ta chờ địch đến gần, dùng lựu đạn và súng trường diệt địch. Đến 11 giờ trưa, địch vẫn không đột phá nổi. Chúng cho quân ra xa, dùng máy bay ném 4 quả bom làm sập dãy nhà ngang và một góc phía bắc dãy nhà chính.

Ta vẫn kiên trì chặn địch.

Tuy nhiên, dưới bom đạn ác liệt của địch, nhiều đồng chí, trong đó có trung đội trưởng Phan Hào đã anh dũng hy sinh, cầm cự đến 15 giờ, lực lượng ta còn khoảng 2 tiểu đội, đã tổ chức chôn cất cho các đồng chí hy sinh, đưa thương binh theo đường Mai Hắc Đế1 (Nay là phố Bà Triệu, thời gian trước Cách mạng tháng Tám và trong thời tạm chiếm, còn gọi là phố Gia Long) rút lui. Kết quả, trận phòng ngự tại đây khoảng 60 tên địch bị tiêu diệt, ta thương vong 2 tiểu đội, tuy lực lượng tổn thất nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ chặn địch không cho chúng đánh chiếm một cách dễ dàng.


Trong ngày 21 tháng 12, địch cũng đồng thời tấn công trại Vệ quốc đoàn trung ương ở 40 Hàng Bài. Đây là một trại lính khố xanh cũ hồi Pháp thuộc. Phía đông trại là phố Hàng Bài đối diện là rạp Ma-giét-xtíc (nay là rạp Tháng Tám). Phía nam trại là phố Trần Hưng Đạo, đối diện là nhà cố vấn Bảo Đại2 (Nay là 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở Trung ương Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam). Phía bắc và phía tây là nhà dân và cơ quan. Bốn phía xung quanh doanh trại có 4 lô cốt cao, tường mỏng, lợp ngói, có lỗ châu mai. Phía đông và phía nam có rào sắt. cổng chính mở ra phố Hàng Bài. Cổng có chòi cao. Đi vào cổng là một sân rộng rồi đến nhà của cơ quan chỉ huy, nhà ở của binh sĩ, nhà ăn và kho ở phía sau. Ta có hai trung đội của đại đội 3 tiểu đoàn 77 phòng giữ.


Địch tổ chức tiến công trại Vệ quốc đoàn sau khi ta đã làm chủ rạp Ma-giét-xtíc và tiêu diệt ổ chiến đấu độc lập của chúng ở phố Vọng Đức trong đêm 19 và đêm 20 tháng 12.

7 giờ sáng 21 tháng 12 địch bắt đầu tiến công trại. Chúng cho pháo bắn phá mãnh liệt mở màn trận đánh. Tám giờ, 4 tăng và thiết giáp cùng xe chở bộ binh theo đường Trần Hưng Đạo chia làm hai bộ phận từ hai phía nam và đông đánh vào doanh trại. Bộ phận ở phía Hàng Bài chiếm lại rạp Ma-giét-xtíc, rồi đặt súng bắn mãnh liệt vào chính diện của trại, chi viện cho bộ binh xung phong.


Từ 8 giờ đến 11 giờ, dựa vào chiến hào và công sự sát tường rào, trung đội 2 do Vũ Quang Bình chỉ huy ở hướng đông và trung đội Nguyễn Văn Quý chỉ huy ở hướng nam đã đánh lui 3 đợt xung phong của địch, diệt nhiều tên. Không đột phá được, địch cho quân lui ra rồi cho máy bay ném 2 quả bom 50kg vào khu nhà phía bắc. Nhà sập, nhưng quân ta đang bố trí trong công sự, chiến hào nên không bị tổn thất. Sau trận bom, địch cho xe tăng xông vào cổng chính tiến vào sân. Cả hai trung đội theo đường Bà Triệu rút lui. Ta thương vong khoảng 15 người, địch bị giết và bị thương khoảng 50 tên. Trong trận này thiếu sót của ta là không giữ được rạp Ma-giét-xtíc và nhà Bảo Đại (tức những điểm đối diện) để cho địch lợi dụng.


Trước tình hình địch tiến công một loạt các vị trí của ta từ Hàng Bài đến phố Huế ở Liên khu 2, Bộ chỉ huy Chiến khu động viên các đơn vị kiên cường bám trụ, đồng thời tăng cường lực lượng do trên chi viện tới khu vực này. Theo lệnh của Bộ Tống Tham mưu, tiểu đoàn 56 Hà Đông, do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Anh Đệ và chính trị viên Lê Thanh phụ trách tiếp tục đưa 2 đại đội 2 và 4 ra chiến đấu ở Hà Nội. Đại đội 2 do Vũ Công Định làm đại đội trưởng, Lê Chí Thực làm chính trị viên, đại đội 4 do Lâm Văn Do làm đại đội trưởng, Trần Quân Lập làm chính trị viên. Tiểu đoàn bộ và đại đội 4 bố trí chiến đấu từ Ô Cầu Dền tới ngã tư Trung Hiền. Đại đội 2 bố trí ở Việt Nam Học Xá là lực lượng cơ động của tiểu đoàn.


Chiếm xong trụ sở Bộ Quốc phòng và trại Vệ quốc đoàn trung ương, ngày 22, địch đánh chiếm Toà Thị chính (nay là Ủy ban nhân dân thành phố). Đây là một khu nhà kiên cố hai tầng. Để không cho địch đánh chiếm một cách dễ dàng khu nhà quan trọng này, Liên khu 1 lấy một trung đội Vệ quốc đoàn vốn là Giải phóng quân ở Việt Bắc về để phòng giữ.


Vì đã vấp phải sự kháng cự kiên quyết của quân ta ở Bắc Bộ Phủ, trong trận này địch thận trọng hơn. Sáng ngày 22 chúng bắt đầu tiến công. Sau khi hỏa lực phi cơ, pháo binh chuẩn bị dữ dội, chúng cho 3 xe tăng và 5 xe bọc thép dẫn bộ binh xung phong. Quân ta chờ địch tiến gần mới bắn, đánh lui 3 đợt xung phong của địch. Trong suốt ngày 22 địch không đột phá được. Đế bảo toàn lực lượng, tối 22 ta chủ trương rút lui sau khi đã diệt khoảng 30 địch, thu được 10 súng trường và 2 tiểu liên. Sáng 23 địch mới chiếm được Tòa Thị chính.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #26 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 11:14:11 am »

Ngày 23, để dồn hẹp phạm vi của ta ở nam Liên khu 1, quân Pháp từ Tràng Thi theo các đường Cửa Nam, Quán Sứ, Phủ Doãn, Lý Quốc Sư tiến đánh Hàng Bông. Các đội tự vệ chặn đánh quyết liệt, nhưng vì địch mạnh, nên ta dồn về Hàng Da, Hàng Nón; do đó nhiều chỗ bị trống.


Liên khu 1 kịp thời đưa một tiểu đội Vệ quốc đoàn đến phòng thủ, nhất là cố giữ cho được khách sạn A-si-a1 (Đây là một nhà cao ba tầng trên phố Hàng Bông, lúc bấy giờ là điểm cao đột xuất ở khu vực này. Từ trên cao có thể quan sát tới các phố Phủ Doãn, Tràng Thi). Địch tập trung để chiếm, dùng pháo bắn trúng các cửa ngõ, nhưng bộ binh xung phong đều bị ta đánh bật. Một xe tăng húc vào tường bị chai xăng cơ-rếp đốt cháy. Địch tìm cách kéo ra rồi rút, không chiếm được khách sạn. Cuộc tiến công Hàng Bông lần thứ nhất bị thất bại.


Trong thời gian này, địch đã có ý định nống ra khu vực phía nam và các cửa ô thuộc Liên khu 2.
Ngày 21 tháng 12 địch huy động lực lượng tấn công ngã năm Lò Đúc, ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ và nhà rượu. Tại ngã năm Lò Đúc, mặc dầu địch dùng pháo 75mm bắn phá vào ụ chiến đấu nhưng bộ binh của chúng không sao tiến lên được vì bị lực lượng tự vệ Chợ Hôm đánh chặn rất quyết liệt. Tại ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc địch cũng vấp phải sự kháng cự mạnh của ta, đặc biệt bị các chiến sĩ của đại đội 15 đánh ngang sườn từ trong nhà thương chó. Địch phải vòng qua Phạm Đình Hổ vào Hoà Mã phá đổ tường vào trong nhà rượu. Tại đây quân địch lại vấp phải lực lượng chiến đấu của đại đội 1 tiểu đoàn 56 và 1 trung đội của đại đội 14 tiểu đoàn 77 cùng với 1 tiểu đội tự vệ của tiểu khu Chùa Vua. Cuộc chiến đấu trong nhà máy rượu diễn ra hết sức ác liệt suốt từ 10 giờ sáng đến 18 giờ chiều, địch không sao chiếm được nhà máy rượu đành phải rút lui.


Ngày 22, địch từ Đồn Thủy đánh ra Lò Lợn định đánh xuống Ô Đống Mác nhưng vấp phải sức kháng cự của đại đội tự vệ Lò Đúc không tiến lên được. Đại đội tự vệ khu vực Lò Đúc là một đơn vị mạnh, gồm 3 trung đội được phân công bảo vệ từng địa bàn. Bị nhiều tổn thất, chúng phải cụm lại chờ viện binh.

Cùng ngày một mũi từ Lò Đúc theo đường Nguyễn Công Trứ định tiến sang phố Duy Tân1 (Nay là phố Huế) thì bị tự vệ Lò Đúc và một đại đội của tiểu đoàn 56 (tăng cường cho tiểu đoàn 77) đánh chặn lại2 (Đại đội này được gọi là đại đội hải ngoại, gồm các binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp trước đây đóng ở Thượng Hải (tô giới của Pháp ở Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch). Khi được tin nước nhà đã giành được độc lập, anh em đấu tranh đòi về nước. Pháp phải nhượng bộ, đưa về Hải Phòng. Đại đội này chiến đấu rất dũng cảm, bắn rất giỏi).


Tiểu đoàn 77, tiểu đoàn 212 và các đơn vị tự vệ khu vực Chợ Hôm, Lò Đúc đã phối hợp với nhau ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tiến công của chúng ra ngoại thành.

Trong ngày 22, bằng cách bắn ngắm trực tiếp, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay địch. Đây là chiếc máy bay bị rơi đầu tiên ở Hà Nội từ khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Ngày 23 tháng 12, địch theo đường Lê Văn Hưu tiến sang đường Nguyễn Du cùng với hướng chính từ ngã năm dốc Hàng Kèn đánh trụ sở Bộ Tổng Tham mưu (nay là trụ sở Tổng công ty bưu chính viễn thông). Đây cũng là một trong những trận đánh ác liệt nhất.


Trụ sở Bộ Tổng Tham mưu vốn là Trường học mồ côi Xanh Ma-ri của người Pháp ở số nhà 16 Nguyễn Du trước Cách mạng Tháng Tám (nay là số 18 Nguyễn Du). Đây là nơi Tổng tham mưu trưởng đầu tiên Hoàng Văn Thái xây dựng cơ quan tham mưu từ tay không, đã làm kế hoạch tổ chức bộ đội Nam tiến, kế hoạch dẹp những kẻ phản động trong Việt Quốc, Việt Cách và đặc biệt là bắt đầu làm kế hoạch Kháng chiến toàn quốc.


Từ tháng 11 năm 1946, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu chuyển ra an toàn khu. Việc bảo vệ trụ sở giao cho tiểu đoàn 77, Chiến khu XI.

Trụ sở Bộ Tổng Tham mưu là một ngôi nhà hai tầng dài khoảng 30m, rộng 8m có hiên ở phía trước. Sau nhà có sân rộng. Bên phải của sân trước có ngôi nhà gỗ, nơi ngủ của vệ binh, phía sân sau có nhà ăn, nhà bếp, kho, nhà vệ sinh.


Mặt tiền của trụ sở hướng về phía nam, tức phía đường Nguyễn Du, chính giữa có cổng ra vào và trạm gác. Phía đông, cách trụ sở khoảng 60 - 70m có phố Duy Tân (nay là phố Huế), phía tây cách trụ sở 75 - 80m có phố Mai Hắc Đê (nay là phố Bà Triệu). Đường Nguyễn Du giao nhau với phố Mai Hắc Đế ở ngã năm dốc Hàng Kèn1 (Dốc Hàng Kèn là đoạn dốc trên phố Bà Triệu ngay nay, từ Trần Hưng Đạo tới ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương). Cách trụ sở về phía sau, tức hướng bắc, khoảng 18m là đường Trần Quốc Toản.

Ba phía đông, tây, bắc đều có nhà dân ở sát nhau. Đường duy nhất binh lính, xe tăng, thiết giáp địch có thể tiến đánh trụ sở là đường Nguyễn Du.

Một trung đội thuộc đại đội 1 tiểu đoàn 77 do trung đội trưởng Nguyễn Văn Thiềng (tức Trần Thành) chỉ huy được giao nhiệm vụ phòng thủ trụ sở Bộ Tổng Tham mưu. Trung đội có 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 5 - 6 súng trường, còn lại là mác búp đa, mã tấu, mỗi người có 3 - 4 lựu đạn, phần lớn là loại lọ mực Phan Đình Phùng. Toàn trung đội có 1 trung liên với khoảng 200 viên đạn, 1 quả bom ba càng.


Từ tháng 9 năm 1946 địch đã vài lần cho xe tăng thiết giáp chạy vòng quanh trụ sở khiêu khích đồng thời để tập dượt tiến công. Từ khi tình hình trở nên căng thẳng, bộ đội ta đã chuẩn bị kháng chiến, đục thông tường các nhà trên phố Nguyễn Du từ ngã năm Hàng Kèn đến ngã tư Nguyễn Du - Duy Tân (phố Huế ngày nay). Dọc tường các nhà đều có đục lỗ châu mai. Ở phía nam sân trụ sở có đào chiến hào sát tường rào, từng đoạn có đục lỗ châu mai, có bao cát đắp ụ chiến đấu cá nhân. Ta phán đoán hướng tiến công chủ yếu của địch là từ ngã năm Hàng Kèn tối và hướng thứ yếu là từ phía phố Lê Văn Hưu sang.


Vì thế lực lượng của trung đội tập trung phòng ngự ở hướng tây: khẩu trung liên bố trí ở góc ngã năm Nguyễn Du phía dốc Hàng Kèn, 1 tiểu đội bố trí dọc các nhà đã đục tường từ dốc Hàng Kèn đến trụ sở. Tổ đánh bom ba càng cũng bố trí ở đây. Trên đường Nguyễn Du cách trụ sở khoảng 50m có đào hố và giao thông hào để tổ quyết tử cơ động ra đánh tăng. Một tiểu đội bố trí phòng thủ dọc chiến hào phía nam sân sát tường vây. Một tiểu đội đươc bố trí giữ ngôi nhà chính.


Phía đông ở góc Nguyễn Du - phố Duy Tân bố trí 1 nửa tiểu đội tự vệ sinh viên của khu Học Xá với một đại liên hướng về đường Lê Văn Hưu. Ngoài ra còn đại đội tự vệ khu Chợ Hôm bố trí ở đường Lê Văn Hưu, ở khu phố Duy Tân. Anh em đã ngả cây, ngả cột điện, thiết lập nhiều chướng ngại đường phố, úp nhiều nồi niêu, xoong chảo, rổ rá, v.v... trên lòng đường. Dọc đường Bà Triệu có tự vệ của khu Bảy Mẫu. Nói chung việc phòng ngự được tổ chức liên hoàn, kết hợp lực lượng Vệ quốc đoàn với tự vệ trên một khu vực tương đối rộng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #27 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 11:19:18 am »

Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhiều thương binh và dân thường bị thương trong các trận đánh ở trung tâm thành phố được dồn về đây sơ cứu rồi chuyển ra ngoài. Có thể nói đây là một điểm cấp cứu ban đầu cho những người bị thương trong chiến đấu tại Hà Nội. Tới ngày 23, số bị thương lên tới khoảng 25-30 người. Do đó trận chiến đấu ở đây ngoài nhiệm vụ tiêu hao tiêu diệt địch giam chân chúng một thời gian, còn có nhiệm vụ bảo vệ thương binh trước khi được chuyển về phía sau. Trung đội hết sức quán triệt nhiệm vụ trên giao.


Một điều cần nói thêm về địch: Ở gần dốc Hàng Kèn về phía Mai Hắc Đế (tức Bà Triệu ngày nay) có một ổ chiến đấu độc lập của địch. Nguyên đây vốn là một cửa hàng của người Hoa bán đồ hộp, ngoài cửa treo cờ Trung Hoa dân quốc. Người Pháp bí mật đưa đến đây 1 tổ lính gồm 5 nam 1 nữ, ém sẵn ngay bên cạnh phía tây trụ sở Bộ Tổng Tham mưu mà ta không phát hiện được sớm. Khi ta có hiệu lệnh kháng chiến (tối 19 tháng 12), bọn này đã bắn vào dân tản cư và lực lượng vũ trang của ta. Ngày 21, đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 77 đã dùng 1 trung đội Vệ quốc đoàn cùng 1 tiểu đội tự vệ bao vây công kênh nhau lên gác phía sau nhà để tiêu diệt chúng nhưng không được.


Ngày 22 địch dùng lực lượng nhỏ từ hai hướng đông và tây mở 1 đợt tiến công thăm dò bị quân ta chặn đánh phải rút.


Ngày 23 tháng 12, địch mở cuộc tiến công lớn vào trụ sở Bộ Tổng Tham mưu. Khoảng 8 giờ sáng, địch bắt đầu pháo hoả chuẩn bị. Súng cối liên tiếp bắn vào trụ sở Bộ Tổng Tham mưu và dọc đường Nguyễn Du. Súng 12,7mm và 13,2mm từ ngã năm Hàng Kèn (Bà Triệu) cùng bắn mãnh liệt. Từ hai hướng, quân địch triển khai lực lượng tiến công ta:

Hướng thứ yếu ở phía đông, 1 đại đội có xe tăng dẫn đầu từ đường Nguyễn Công Trứ, đường Lê Văn Hưu đánh sang. Hướng này bị bộ đội ta và tự vệ chặn lại, địch không tiến được.

Hướng chủ yếu ở phía tây, địch cho 4 xe tăng và bọc thép cùng một đại đội lê dương mũ đỏ tiến công chiếm lại số nhà 63 Hàng Kèn (Bà Triệu) và bắn mạnh vào các nhà bên cạnh. Khẩu trung liên của ta do trung đội phó, 1 chiến sĩ quốc tế Nhật Bản tên là Mát-chư điều khiển đã phát huy hoả lực diệt một số địch. Các chiến sĩ của ta cơ động theo chiến hào bắn súng trường diệt địch. Ta cơ động nghi binh làm địch tưởng ta có nhiều quân, đồng thời để tránh ở cố định một chỗ dễ bị địch bắn trúng. Tổ cảm tử đánh tăng cùng trung đội trưởng Trần Thành theo hào giao thông ra bố trí ở giữa đường sẵn sàng đánh tăng.


Địch dùng cối và súng 12,7mm, 13,2mm tiếp tục bắn dồn dập vào vị trí phòng ngự của quân ta. Vì có nhiều chiến hào và công sự nên ta ít bị thương vong. Tiếp đó địch cho xe tăng dẫn bộ binh tiến từ ngã năm Hàng Kèn xung phong vào vị trí phòng thủ của ta trên đường Nguyễn Du. Được khoảng 30m (cách trụ sở Bộ Tổng Tham mưu khoảng 50m), gặp hố và công sự của ta, chúng phải dừng lại. Trung đội trưởng Trần Thành xông lên bên sườn xe tăng, đâm bom ba càng. Chiếc xe đứt xích dừng lại. Trần Thành bị thương ở tay định bò về cổng Bộ Tổng Tham mưu. Khoảng 20 tên địch xông lên định bắt sống anh. Trần Thành nằm quay đầu lại phía địch cho nổ cùng một lúc hai quả lựu đạn vào bọn đang xông tới. Đồng chí hy sinh vô cùng anh dũng, xác địch nằm ngổn ngang cách Trần Thành không xa. Lúc đó là 10 giờ 30 phút. Địch bị chặn lại, không dám tiến tiếp. Thương binh trong trụ sở được bảo vệ an toàn.


Một đại úy địch ngồi xe Jeép theo đường Hàng Kèn (Bà Triệu) định tiến lên ngã năm bị trung đội phó Mát-chư (người Nhật) dùng trung liên bắn chết. Bốn tên khác định lên lấy xác cũng bị tiêu diệt.


Khoảng 11 giờ ta dồn lực lượng về bảo vệ trụ sở Bộ Tổng Tham mưu. Một bộ phận nhỏ của địch lọt được vào ngôi nhà gỗ ở phía tây sân định tiến đánh ngôi nhà chính hai tầng. Trung đội phó Mát-chư chỉ huy anh em dùng trung liên, súng trường, thường xuyên di chuyển vị trí bắn, kiên quyết bảo vệ ngôi nhà chính, nơi đang có nhiều thương binh chưa chuyển đi được. Khoảng 16 giờ, Mát-chư anh dũng hy sinh. Nén đau thương, anh em động viên nhau tiếp tục kiên cường chiến đấu ngăn chặn địch. Trời tối, địch bắt đầu rút lui. Ta củng cố lại vị trí. Trưởng ban quân y tiểu đoàn 77 Nguyễn Đức Hạnh khẩn trương tổ chức chuyển thương binh về hậu phương. Khoảng 21 giò quân ta rút khỏi trụ sở sau khi đã chuyển xong toàn bộ thương binh. Trong trận này ta diệt và làm bị thương khoảng 45 tên địch, trong đó có 1 đại úy, phá 1 xe tăng. Ta thương vong 18 chiến sĩ Vệ quốc đoàn và 12 tự vệ.


Trận chiến đấu phòng ngự trụ sở Bộ Tổng Tham mưu là một trận đánh phòng ngự tuyệt vời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2019, 11:22:55 am »

Ngày 23 địch cho xe tăng và thiết giáp tiến công Ô Đống Mác lần thứ hai. Đến trưa chúng tiến đến ba-ri-cát, phá ba-ri-cát rồi cho 150 quân tiến theo đê Trần Khát Chân xuống dốc Vĩnh Tuy. Tại đây có 1 trung đội thuộc đại đội Quang Biền của tiểu đoàn 77 và 2 trung đội của đại đội Triệu Minh của tiểu đoàn 212. Trước hoả lực dày đặc của địch, ba trung đội này dạt vào hai phía Lương Yên và Thanh Nhàn. Địch đến đầu dốc Vĩnh Tuy, gặp ụ chiến đấu lớn của ta và bị hoả lực của đại đội 16 bắn chặn, chúng phải rút về trú quân tại đình Lương Yên (một bộ phận về đóng ở Ô Đông Mác). Tại đình Lương Yên, khi địch đang chuẩn bị ăn uống thì bất ngờ bị các đơn vị của ta áp sát tiến công. Hàng chục quả lựu đạn được tung vào giữa đám quân địch. Hàng chục tên bị trúng đạn, bọn còn lại hốt hoảng la hét tháo chạy về Ô Đống Mác. Có tên không kịp xách theo vũ khí, bộ đội ta hò reo truy kích địch.


Quân Pháp tại Ô Đống Mác thấy đồng bọn hốt hoảng chạy về cũng vội vàng tháo chạy, quân ta truy kích tới nhà thương chó1 (Nay là cơ quan lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góc phố Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ) mới thôi. Trận đánh này ta tiêu diệt gần 40 tên địch.


Đồng thời với trận đánh này, tại khu vực Chợ Hôm địch vây ta trong một khu vực gồm các phố Duy Tân, Lê Văn Hưu, Ngô Thì Nhậm và nhà rượu, Nguyễn Công Trứ. Chúng bố trí xe tăng ở các ngã tư cho quân phá các nhà dồn lực lượng chiến đấu của ta từ nhà nọ sang nhà kia để tiêu diệt. Tại khu vực Trần Xuân Soạn, Hoà Mã, kế hoạch này chúng không thực hiện được vì các nhà thông nhau, lực lượng chiến đấu của đại đội 3 tiểu đoàn 77 và tự vệ khu Chợ Hôm chẹn cửa rất an toàn, nơi nào địch vào được đều bị chặn lại. Riêng tại ngõ Huế, Duy Tân, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ phía sau là nghĩa địa và vườn rau trống trải2 (Nay là khu vực công ty xe buýt, phố Nguyễn Công Trứ), trung đội Việt Tử của đại đội 15 đóng tại đây bị địch bao vây bốn phía đã anh dũng chiến đấu suốt cả ngày và hy sinh tới người cuối cùng.


Tin trung đội Việt Tử hy sinh đã khơi dậy lòng căm thù của tất cả các chiến sĩ tiểu đoàn 212 và quân dân Liên khu 2. Ngay đêm đó nhiều đơn vị đã tổ chức tiến công vào các vị trí địch tại khu vực Đồn Thủy, trường Đại học, Nha Khí tượng và một số vị trí địch bên hồ Thiền Quang gây cho chúng nhiều thiệt hại.


Đi đôi với việc chặn đánh các đợt tiến công của địch vào ban ngày, trên toàn thành phố liên tiếp trong các buổi tối ta dùng lực lượng nhỏ tập kích quấy rối, đánh du kích vào các vị trí của địch. Tối ngày 21 ta tập kích trại Ngọc Hà. Trong các tối 21, 22, 23 liên tiếp quấy rối địch từ Yên Phụ đến cầu Long Biên. Tự vệ và bộ đội các khu đều có bộ phận nhỏ đánh du kích. Từ thực tiễn các trận đánh này, Bộ chỉ huy Khu XI giao nhiệm vụ cho tất cả các đơn vị phải mở một đợt đánh du kích, quấy rối đồng loạt các vị trí của địch, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm chúng mất ăn mất ngủ, tiêu phí đạn dược.


Các liên khu và các đơn vị đã tích cực chấp hành mệnh lệnh. Địch bị đánh ở nhiều nơi. Liên khu 3 chủ trương tiếp tục tiến công địch tại nhà dầu Shell và khu vực ga Hàng Cỏ, không cho địch dễ dàng làm chủ khu vực đầu mối giao thông quan trọng này.


Nhà dầu Shell là nơi ta và địch mỗi bên có một tiểu đội cùng gác. Đây là một kho chứa xăng dầu gồm một dãy nhà 5 gian một tầng và có một téc lớn chứa khoảng 2 đến 3 tấn xăng, dầu cùng một số phuy 200 lít. Phía sau nhà có bãi rộng, có đường ray để đưa xăng dầu vào. Phía trước nhà có sân rộng. Xung quanh có hàng rào cột bê tông 10cm x 10cm, căng dây thép gai. Mặt tiền kho quay ra phía bắc, phía đường Khâm Thiên. Giữa mặt tiền có cổng ra vào, hai bên có 2 bốt gác xây bằng gạch. Đối diện bên kia đường Khâm Thiên là quán cơm Hoả Xa, có 3 ngôi nhà hai tầng ở cách nhau. Bắc quán cơm Hoả Xa là nhà đề-pô để đầu máy xe lửa. Phía tây nhà dầu là một ao nước dài, giữa có một lối đi nhỏ. Phía nam nhà dầu là bãi trống. Phía đông nhà dầu là đường xe lửa, đường Hàng Lọng, hãng ô-tô Trường Xuân (Ngựa Trắng) và bắc hãng ô-tô cách vài chục mét là hiệu chè Phú Xuân. Theo đường Hàng Lọng lên phía bắc khoảng 500m là ga Hàng Cỏ. Ở đây địch cũng có một tiểu đội cùng gác với một tiểu đội quân tiếp phòng của ta.


Trước đó, trong các đêm 19 tháng 12 và 23 tháng 12 đã đánh nhưng không thành công. Lần này ta quyết định một lần nữa đánh vào vị trí địch tại nhà dầu Shell đêm 24 rạng 25 tháng 12. Lực lượng tham gia đánh địch gồm hai trung đội Vệ quốc đoàn của đại đội 27, hai trung đội tự vệ chiến đấu, tự vệ công nhân hoả xa, 1 đội quyết tử do tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 523, đồng chí An Giao trực tiếp chỉ huy.
Nhận thấy kết quả của trận đánh sẽ ảnh hưởng lớn về chính trị và tinh thần đối với bộ đội và nhân dân tại khu vực này, ta tập trung vũ khí đạn dược cho đơn vị để làm nhiệm vụ. Mỗi trung đội Vệ quốc đoàn được trang bị một trung liên với 100 viên đạn. Mỗi tiểu liên, súng trường đều đem theo 20-25 viên đạn. Ngoài ra là giáo, mác, kiếm, mã tấu, gậy sắt. Mỗi người 2 quả lựu đạn. Bộ chỉ huy Khu XI tăng cường 1 khẩu 37mm với 6 viên đạn, 1 khẩu 12,7mm với 175 viên đạn do 2 chiến sĩ quốc tế người Nhật hướng dẫn bắn.


Theo kế hoạch đã định, hướng chính của quân ta xuất phát từ Ô Chợ Dừa lúc 21 giờ ngày 24 theo đường đục tường qua các nhà ở phố Khâm Thiên chia thành 2 mũi tiến đánh nhà dầu Shell. Mũi thứ nhất gồm trung đội 50 và một tiểu đội quyết tử tiến qua chợ Khâm Thiên, rồi vòng qua bãi trống tiến sát phía nam nhà dầu. Mũi thứ hai gồm trung đội 51, một trung đội tự vệ, một tiểu đội quyết tử theo đường nhỏ giữa ao tiến sát phía tây nhà dầu. Khẩu 37mm và khẩu 12,7mm bố trí phía tây nhà dầu ở đầu ngã ba vào ngõ chợ Khâm Thiên nhằm vào hai bốt gác và sân phía trước nhà dầu Shell.


Hướng thứ yếu đi trước hướng chính 20 phút, cũng xuất phát từ Ô Chợ Dừa theo đường đục tường qua các nhà phố Khâm Thiên rồi vào làng Linh Quang ở phía bắc nhà dầu, tiếp đó chui qua lỗ hổng đục sẵn vào khu sau ga và chia thành 2 mũi: Một mũi gồm 2 tiểu đội tự vệ công nhân hoả xa cùng một tiểu đội Vệ quốc đoàn tiến công quán cơm Hoả Xa từ mặt sau, tức là từ phía bắc xuống. Mũi thứ hai gồm một tiểu đội tự vệ đánh vào nhà ga để quấy rối, chặn không cho địch ở ga đánh vào sau lưng mũi một.


0 giờ 30 phút, theo hiệu lệnh, khẩu pháo 37mm và khẩu 12,7mm bắn vào 2 bốt gác địch, bốt gác thứ nhất bị phá. Hai khẩu trung liên đồng thời bắn vào nhà dầu. Tiểu đội quyết tử ở đầu mũi phía nam xung phong. Hoả lực địch bắn chặn mãnh liệt, ta phải dừng lại.


Pháo và trọng liên bắn tiếp diệt được bốt gác thứ hai của địch. Mũi phía nam vượt rào tiến vào sân sau nhà dầu. Hoả lực địch từ gác cao quán cơm Hỏa Xa bắn chặn quân ta ở sân này.

Ở hướng thứ yếu ở phía bắc, 4 tổ đã bí mật áp sát tường rào nhà quán cơm Hỏa Xa. 0 giờ 45 phút, ta đồng loạt ném lựu đạn rồi vượt tường rào đánh vào 3 nhà. Hoả lực địch từ một chiếc xe thiết giáp bắn mạnh về phía ta. Vì biết chiếc xe này rất lợi hại, nên trong kế hoạch ta có đưa theo quân khí viên là Nguyễn Vũ Giáp để đánh cướp lấy xe và tháo lấy khẩu 12,7mm. Khi phát hiện xe đang bắn, trung đội trưởng tự vệ Triệu, quân khí viên Giáp và một tự vệ đường sắt là Quảng đã ném lựu đạn lên xe giết chết tên bắn 12,7mm, nhảy lên xe, dùng khẩu 12,7mm của địch bắn vào cửa sổ ngôi nhà quán cơm địch đang chiếm giữ. Tiếp đó dùng khẩu này công phá 2 bốt gác ở cổng nhà dầu.


Biết ta đã đánh chiếm nhà quán cơm Hoả Xa, lực lượng đánh nhà dầu đã xung phong dãy nhà 5 gian. Địch tháo chạy theo đường xe lửa về nhà ga. Ta chiếm được nhà dầu, thu một súng trường, một các-bin, một số đạn và lựu đạn. 45 phút sau bộ phận phía nam rút quân.


Ở cánh bắc, sau khi chiếm được xe thiết giáp, các đồng chí Triệu, Giáp, Quảng lái xe ra ngã tư Khâm Thiên - Hàng Lọng, dùng súng 12,7mm bắn mãnh liệt về phía nhà chè Phú Xuân và phía ga. Anh em định tháo khẩu 12,7mm trên xe mang đi nhưng tháo không được đành gài lựu đạn phá xe, phá súng rồi rút.


Kết quả địch bị thương vong 20 tên, bị phá 1 xe thiết giáp cùng một khẩu 12,7mm. Ta bị thương 7, thu một súng trường, một các-bin, một số đạn và lựu đạn.

Trận đánh nhà dầu Shell là một trận tiến công đạt kết quả tốt trong 60 ngày đêm đánh địch ở Hà Nội. Thắng lợi của trận đánh đã có tiếng vang lớn động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủỵ và đồng chí Chính ủy Khu XI đã đến biểu dương và tặng quà cho đơn vị.


Sau ba ngày chiến đấu, đến ngày 23 tháng 12, Bộ chỉ huy Chiến khu XI quyết định điều chỉnh lại lực lượng theo thế trận đã xác định từ trước. Các lực lượng Liên khu 1 co về khu vực cố thủ để đánh dài ngày. Liên khu 2 và Liên khu 3 bố trí lại lực lượng để đánh địch tiến công trên các trục đường ra cửa ô.


Các liên khu đã tích cực chấp hành mệnh lệnh, tiếp tục tăng cường chiến lũy, công sự, hầm hố, giao thông hào, chướng ngại, tiến hành mạnh mẽ công tác chính trị, nắm vững bộ đội, tránh hoang mang dao động, tiếp tục tản cư dân chúng, bổ sung đạn dược, lương thực.


Khi các lực lượng vũ trang Liên khu 1 co về khu cố thủ, nói chung cán bộ, bộ đội có tinh thần vững vàng, nhưng Liên khu ủy phát hiện một số ít cán bộ, thậm chí cán bộ cấp tiểu đoàn sợ chiến đấu trong vòng vây, bàn tán với nhau cách phá vây. Liên khu ủy đã kịp thời lãnh đạo để toàn thể cán bộ, chiến sĩ kiên trì chiến đấu dài ngày trong vòng vây vì đây là cách đánh mà trên đã xác định. Đồng thời chấn chỉnh tổ chức, đưa ra ngoài một số ít đồng chí dao động.


Theo chỉ thị của Bác và Thường vụ, tối 23 tháng 12, đồng chí Trần Quốc Hoàn, đặc phái viên của Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Việt Hùng, Khu phó Chiến khu XI bí mật luồn vào Liên khu 1 nắm tình hình và nhận thấy có thể yên tâm về khả năng đánh dài ngày của các lực lượng ta. Các đồng chí đồng ý báo cáo lên Thường vụ và Đảng ủy Mặt trận cho rút ra ngoài vài ba cán bộ dao động. Sau đó việc này đã được thực hiện.


Sự quan tâm sâu sát của Trung ương đã động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Liên khu 1 quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đánh sau lưng địch và làm cho sự lãnh đạo và chỉ huy của liên khu càng kiên định hơn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 09:19:05 am »

2. Chặn đánh địch tiến ra các cửa ô, trụ bám Liên khu 1 để đánh trong lòng địch. Trung đoàn Thủ đô ra đời (24.12.1946-14.1.1947)

Đúng như kế hoạch đã định, từ ngày 24 tháng 12, Bộ chỉ huy Chiến khu XI điều chỉnh lại lực lượng. Các lực lượng vũ trang Liên khu 1 co về khu vực khu phố cổ cố thủ để đánh dài ngày. Liên khu 2 và Liên khu 3 bố trí lại lực lượng để chặn đánh địch từ trong tiến công ra các cửa ô.


Quá trình mở rộng địa bàn chiếm đóng của địch bắt đầu từ việc đánh chiếm các cửa ô phía nam trước. Trước đây, từ ngày 20 địch đã một lần từ nhà Gian-đa (nay là Viện bảo tàng Mỹ thuật) tiến xuống Ô Chợ Dừa theo đường Hàng Bột nhưng bị quân ta ở khu vực Văn Miếu chặn đánh quyết liệt nên phải rút lui. Chúng cũng đã 2 lần đánh tới Ô Đống Mác nhưng bị quân dân ta tại đây chặn đánh không tiến lên được.


Ngày 24 tháng 12 địch lại tập trung lực lượng lớn quyết đánh chiếm Ô Đống Mác. Để bảo toàn lực lượng, ta vừa tổ chức chặn đánh vừa từng bước rút về Thanh Lương, tổ chức phòng thủ ở chiến lũy Ba Hàng.


Ngày 25, bộ binh và cơ giới địch theo đường Lê Đại Hành cho một mũi định đánh thông đường Đại cồ Việt nhưng bị quân ta đánh lui; một mũi tiến qua Vân Hồ định đánh ra Kim Liên để mở thông đường La Thành nhưng không tiến được, cũng buộc phải rút.


Để tăng cường lực lượng chặn đánh địch tiến ra chiếm các cửa ô, chấp hành lệnh của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Vản Thái đã quyết định điều tiểu đoàn 56 của Trung đoàn 13 Hà Đông (Chiến khu 2) tăng cường cho Hà Nội. Bộ chỉ huy Chiến khu XI đã giao tiểu đoàn này cho Liên khu 2 để có thêm lực lượng đánh địch ở các cửa ô. Tiểu đoàn được bố trí ở khu vực Đống Mác, Thanh Lương để đánh địch.


Đồng chí Phùng Thế Tài, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 13 được Bộ chỉ huy Chiến khu XI giao nhiệm vụ chỉ huy cả ba tiểu đoàn 77, 212 và 56. Ba tiểu đoàn này theo quyết định của Bộ chỉ huy Chiến khu tổ chức phòng thủ tuyến nam đường La Thành, đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân.


Ngày 26, sau khi đã chiếm được Chợ Hôm - Đức Viên, địch tiến công Ô Cầu Dền nhằm đẩy lực lượng vũ trang của ta tại địa bàn Liên khu 2 ra xa trung tâm thành phố. Trận đánh Ô Cầu Dền diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 12.


Ô Cầu Dền là ngã tư phố Duy Tân (nay là phố Huế), phố Bạch Mai, phố Đại Cồ Việt, đê Bình Lao (nay là phố Trần Khát Chân). Đây là một trong các cửa ngõ ra vào nội thành lúc bấy giờ. Đoạn phố Duy Tân - Bạch Mai trong phạm vi gần cửa ô là các nhà gạch, có một số nhà hai tầng, như trường học Duy Tân, nhà Vạn Vân, nhà sữa Minh Ngọc, v.v... Đường Bạch Mai là đường độc đạo đi xuống ngã tư Trung Hiền (tức ngã tư Chợ Mơ). Một mương thoát nước chạy dọc phía nam sát ngang đường Đại Cồ Việt và đê Bình Lao đến tận hồ Thanh Nhàn. Mương rộng chừng 15m nước, sâu hơn 1m, cây cầu xi măng bắc qua mương dài khoảng 20m là điểm nối của hai phố Duy Tân và phố Bạch Mai. Hai bên đường Đại Cồ Việt - Bình Lao là bãi và ruộng trồng rau, xen kẽ hồ, ao. Địa hình ấy tạo thuận lợi cho ta tổ chức một chốt phòng ngự chặn địch nống ra khu Bạch Mai, căn cứ của Liên khu 2, trong đó có sở chỉ huy các đơn vị, trạm y tế, kho thuốc, kho lương thực, v.v...


Trước đó, sau khi chiếm được trụ sở Bộ Tổng Tham mưu (16, 18 Nguyễn Du), Chợ Hôm - Đức Viên ngày 23 tháng 12 năm 1946, địch đã khống chế được khu vực phía bắc đường Đại Cồ Việt, phố Duy Tân. Chúng đã chiếm trường học Duy Tân, nhà nước mắm Vạn Vân, nhà sữa Minh Ngọc (khu vực quanh ngã ba phố Thịnh Yên - phố Huế bây giờ). Gần đó địch còn đóng ở nghĩa địa Tây1 (Trên đất nghĩa địa Tây là khu tập thể Nguyễn Công Trứ ngày nay), nhà máy rượu, nhà máy diêm, một số nhà cao ở phố Duy Tân2 (Phố Huế ngày nay), phố Lê Bình3 (Phố Mai Hắc Đế ngày nay), v.v... Như vậy Ô Cầu Dền là điểm ta và địch trực tiếp tiếp xúc, ranh giới là đường Đại Cồ Việt, đê Bình Lao4 (Đê Bình Lao nay đã được san phẳng thành đoạn đường Trần Khát Chân từ Ô Cầu Dền tới cuối phố Lò Đúc). Ta và địch chỉ cách nhau chừng 50 - 60m.


Lực lượng trực tiếp phòng ngự tại đây là đại đội 3 tiểu đoàn 77 do đồng chí Nguyễn Mẫn làm đại đội trưởng (đại đội này nguyên của tiểu đoàn 56 bổ sung sang). Đại đội 3 tiểu đoàn 77 bố trí lực lượng chủ yếu tại khu vực Ô Cầu Dền một trung đội phía đường Đại Cồ Việt, một trung đội tự vệ phố Duy Tân. Hai tiểu đội phía đê Bình Lao ngăn địch từ phía Đống Mác có thể tiến vào. Tại khu vực phía Ô Đống Mác, Thanh Nhàn còn có 1 đại đội của tiểu đoàn 212 phòng giữ.


Vũ khí tham gia chiến đấu của đại đội 3 tiểu đoàn 77 tại khu vực Ô Cầu Dền đáng kể có 1 khẩu đại liên, bố trí cạnh chiến lũy, 1 trung liên ở đình Tô Hoàng chặn địch phía đường Đại Cồ Việt, 1 trung liên phía đê Bình Lao và 2 quả bom ba càng.


Ngay từ giữa tháng 12 ta đã đắp một ụ chắn phía nam con mương chặn suốt chiều ngang phố Bạch Mai. Khi chiến sự chưa xảy ra, ta còn để thông một đoạn phía đường tàu điện để nhân dân đi lại. Từ chiều 19 tháng 12 trở đi ta lấp lại và đắp rất kiên cố. Hàng trăm cọc sắt, tà vẹt, cọc tre đóng chặt xuống đường rồi xếp bao cát, đào đất ở mương lên đắp cao tới 4m, chân rộng 8m, bề mặt lũy rộng từ 4 đến 5m. Toàn bộ chiến lũy Ô Cầu Dền dài khoảng 16m. Đồng chí Phùng Thế Tài, Chỉ huy mặt trận phía nam Hà Nội còn chỉ đạo tổ chức các ổ chiến đấu, trong đó có một hỏa điểm đại liên trên nóc ụ. Rất nhiều bàn, ghế, tủ, giường, đồ vật cồng kềnh được xếp quanh ụ. Ngay dưới chân ụ ở phía nam ta còn khoét sâu vào làm nơi để vũ khí, đạn dược, chỗ nằm nghỉ ngơi giữa các trận chiến đấu và sơ cứu thương binh trước khi đưa về phía sau. Phía đường Duy Tân ta úp nồi, niêu, rổ, rá, rải rơm, xếp bàn ghế, tủ, giường khắp mặt đường kéo dài hàng trăm mét để nghi binh lừa địch. Phía đê Bình Lao ta lợi dụng mương nước, đào hào chặn xe tăng địch, đồng thời làm hào giao thông để cơ động lực lượng về phía sau. Quân dân phía nam Hà Nội tự hào gọi chiến tuyến của mình là chiến lũy Maginot (một chiến lũy nổi tiếng của Pháp thời kỳ chống phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai). Chiếc ụ to lớn đó, mặt tiền trông sang phố Duy Tân, đứng sừng sững, chắn kín ngang hết mặt đường, kể cả vủa hè, khiến cho xe tăng, xe bọc thép và các phương tiện cơ giới khác của địch đều không thể qua được, như chiếc gai chọc vào mắt chúng. Đồng chí Vương Thừa Vũ đã trực tiếp đến đây để rút kinh nghiệm việc đắp ụ chiến lũy Ô Cầu Dền và động viên bộ đội.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM