Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại nguyên soái Stalin  (Đọc 27669 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2019, 08:44:48 pm »


CUỘC CHIẾN Ở NAM TƯ

        Trước khi Hồng quân tiến vào Nam Tư, tại đây đã diễn ra các hành động quân sự giữa lực lượng thân Đức và các đơn vị quân đội nhân dân Nam Tư của Titô.

        Tại Bộ tham mưu của Titô có mặt N.v. Cônhép đại diện cho Liên Xô và tướng Ph. Marklyn đại diện cho chính phủ Anh. Các đơn vị của Titô là lực lượng chính chống lại quân Đức.

        Biết được tình trạng này, Hitle quyết định tiêu diệt các đơn vị của Titô bằng một chiến dịch đổ bộ đường không được chuẩn bị rất kỹ. Sau một đợt pháo hỏa lực dọn đường rất mạnh, các đơn vị lính dù đã đổ bộ xuống khu vực thành phố Drvar. Sau khi không tìm thấy Titô trong thành phố, các đơn vị dù của Đức tiến về phía các hầm trú ẩn trong núi nơi đóng quân của Titô cùng Bộ chỉ huy của mình:

        Chúng ta hãy đọc hồi ký của chính Titô:

        - "... Quân Đức sục sạo tìm tôi. Biết rằng thời kỳ đó các thợ may ở Drvar có may cho tôi một bộ quân phục nguyên soái, lính dù Đức chỉ nhăm nhăm tìm kiếm người mặc bộ quân phục đã bị lỗ chỗ vết bom làm rách này, nhưng chúng không tìm thấy. Tất cả dân chúng ở thành phố đều biết tôi đang ở đâu, nhưng nhân dân rất dũng cảm. Lính dù Đức đi đến tửng người đưa ảnh của tôi ra và hỏi: Titô, Titô ở đâu?, nhưng không ai chỉ cho chúng. Còn chúng tôi thì ở trên cao và nhìn thấy tất cả. Từ trong các nơi trú ẩn chỉ có thể đi ra qua một con đường mòn dọc theo bò suối....”.

        Khoảng 10 giờ, Titô quyết định rời khỏi nơi trú ẩn, theo một con đường ẩn dưới đập nước. Quân Đức phát hiện được và bắt đầu bắn đuổi theo, nhưng Titô cùng các chiến sĩ của mình đã kịp thoát vào trong núi.

        Quân Đức tổ chức truy tìm Titô. Hồi ký của Cônhép người có mặt lúc đó với tư cách trưởng đoàn quân sự Liên Xô cạnh Titô - đã kể lại:

        "... Trong vòng mười ngày, các đơn vị lính ss truy đuổi theo chúng tôi. Ban ngày chúng dò theo vết chân của chúng tôi để truy đuổi, ban đêm chúng tôi lại vượt rất xa. Bộ chỉ huy quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư mất hoàn toàn liên lạc với các đơn vị của mình, kể cả liên lạc với Moxcơva, tạo nên một tình thế rất hiểm nghèo”.

        Ở Moxcơva, mọi người rất lo ngại vì mất liên lạc, Antônốp đã báo cáo Stalin: không có bất kỳ một tin tức nào từ Nam Tư.

        Stalin chỉ thị: Hãy nhanh chóng làm rõ tình hình và giúp đỡ Titô.

        Cuối cùng tướng Cônhép đã nối được liên lạc với Moxcơva và thông báo địa điểm nơi Titô đang trú ẩn. Stalin lập tức ra lệnh cử máy bay đến giải cứu cho Titô.

        Phi công Sôrnhicốp A.s tham gia chuyến bay này đã nhớ lại:

        “Thời tiết rất không thuận lợi. Dọc theo bờ biển và vùng núi Nam Tư đang có mưa chóp nhằng nhịt... Chúng tôi quyết định bay vòng để tránh các khu vực có mưa và tìm kiếm nơi hạ cánh, nhưng không thấy tín hiệu đâu cả. Chúng tôi bay vòng quanh và chỉ có một “khoảng trống” để có thể nhìn thấy phía dưới. Suốt 30 phút như vậy, chúng tôi không phát hiện thấy gì. Rất khó khăn để hạ cánh xuống một khu vực không rõ, rất xóc khi tiếp đất...”.

        Sau khoảng nửa tiếng Titô đã xuất hiện ở khu vực máy bay vừa hạ cánh cùng các ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư, các đại diện của phái đoàn quân sự các nước Đồng minh. Sôrnhicốp A.s báo cáo là máy bay đã sẵn sàng để cất cánh. Lúc đó, đã quyết định 20 người sẽ lên chuyến bay, trong số đó có Titô. I, E. Cardel, A.Rancôvích, I. Milutinôvich, N.v. Cônhép và một số thành viên Bộ chỉ huy quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư. Máy bay cất cánh từ cánh đồng Cupzexki lúc 22 giờ và Sôrnhicốp đã đưa các “hành khách” của mình an toàn đến Bari sau lúc nửa đêm ngày 4 tháng 6.

        I. Titô ở lại Bari ba ngày. Tại đây vào ngày 5 tháng 6 ông đã gặp Ph. Marklyn và trưởng đoàn đại diện quân sự của quân đội Nam Tư trong Bộ tư lệnh Địa Trung Hải của liên quân Anh - Mỹ, họ đã đề nghị để I. Subasitch đến gặp Titô tại Vice. Nguyên soái Titô trả lời rằng ông không có gì chống lại I. Subasic và ông sẽ rất hài lòng để thảo luận với Subasic các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đồng thời ông tuyên bố rằng chỉ ở lại Vice khi nào chưa đủ điều kiện để trở về Tổ quốc. Thủ tướng Anh Churchill và I. Subasic đã gửi thư riêng cho Titô bày tỏ muốn có cuộc gặp của Subasic với Titô. Tư lệnh liên quân Anh - Mỹ ở Địa Trung Hải đã mời Titô đến Cadaret (Italia) để bàn về các vấn đề quân sự.

        Tối ngày 6 sáng ngày 7 tháng 6, I.Titô đã lên chiến hạm “Blackmir” của Anh ở đảo Vice.

        Stalin đánh giá cao chiến công của các phi công đã giải cứu I.Titô ngày 20 tháng 6, đó là Sôrnhicôp A.s, Kalinkin B.T, Iakimốp P. Ya và tặng thưởng họ danh hiệu Anh hùng Liên Xô, về phía Nam Tư, nguyên soái Titô cũng trao tặng họ danh hiệu Anh hùng nhân dân Nam Tư.

        Ý đồ chiến lược của Stalin trong quan hệ với Nam Tư và các nước Đồng minh khác đã được bộc lộ trong cuộc hội đàm với M. Djilas1, lúc đó đang có mặt ở Moxcơva.

------------------
        1. Milovan Djilas - một trong những lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:34:48 am »

   
        Trước hết, Stalin nói về mới nguy hiểm đang đe dọa Titô:

        - Ông ta và Bộ chỉ huy cần tìm một vị trí an toàn để chỉ huy cuộc kháng chiến rộng lớn của nhân dân.

        Sau đó, ông nói với Molotốp:

        - Hãy thỏa thuận với các nước Đồng minh sớm để chúng ta có thể thiết lập trên đất của họ căn cứ không quân của chúng ta để cung cấp vũ khí, lương thực cho quân đội Nam Tư.

        Sau đó, hướng về Djilas ông nói về mới quan hệ giữa lãnh đạo Nam Tư và các nước Đồng minh:

        - Ông đừng dọa người Anh về việc sẽ thành lập một quốc gia Cộng sản. Không nên tạo cho họ nỗi lo sợ. Churchill rất muốn giữ đường lối của mình và hãy để cho ông ta tin như vậy, còn anh hãy làm đúng việc của mình - Stalin khuyên: -  Anh có cần gắn ngôi sao đỏ trên mũ của mình như vậy không? Hình thức không quan trọng, cái quan trọng là kết quả thực tế, - có lẽ ngôi sao đỏ lúc này chưa cần!

        Djilas trả lời:

        - Chúng tôi không thể bỏ ngôi sao này, vì trong một thời gian rất dài chúng tôi đã chiến đấu dưới biểu tượng này.

        Stalin trấn an:

        - Đừng nghĩ rằng, một khi ta là Đồng minh của người Anh thì có thể quên đi bản chất con người thực của Churchill. Nhưng ở giai đoạn này thì anh không nên làm cho ông ta mất hy vọng, hãy để ông ta tin rằng sẽ đạt được cái gì đó ở các anh - Titô cần đồng ý gặp Subasic, thậm chí là cả Churchill. Hãy để cho họ nói ra là họ muốn cái gì, cần phải biết tạm thỏa hiệp với họ.

        Djilas rất bất ngờ, không hiểu tại sao kế hoạch Titô gặp Subasic chỉ mới có ý định dàn xếp mà Stalin đã biết và đã cho những lời khuyên về quan hệ của Nam Tư với các nước Đồng minh cụ thể như vậy.

        Khi chuyển sang phòng ăn, Stalin giữ ông lại bên bản đồ Liên bang Xô Viết đã tô màu đỏ cả và nói:

        - Họ không bao giờ chấp nhận một điều là cả một đất đai rộng lớn như thế này mà đều là màu đỏ cả, không bao giờ.

        Djilas để ý đến khu vực Stalingrad, nơi vẫn tô màu xanh và nói:

        - Nếu không có công nghiệp hóa thì không thể đứng vững được trong chiến tranh.

        - Chính đó là điều khác nhau giữa chúng tôi với Trotxki và Bukharin - Stalin nói.

        Trong lúc ăn tối, Stalin nhận được điện của Churchill, trong đó thông báo về kế hoạch đổ bộ quân Đồng minh lên đất Pháp - Stalin nhận xét có ý hài hước:

        - Họ bao giờ cũng gặp một trở ngại nào đó! - Và cả lần này nữa có thể cũng chỉ là hỏa mù. Có thể đột nhiên họ gặp một tốp lính Đức nào đó trên bờ biển, lúc đó lại không đổ bộ được! Lại là những lời hứa suông như mọi khi.

        Khi chia tay Djilas, Stalin đề nghị chuyển cho Titô một món quà, đó là thanh kiếm mạ vàng, ông nói:

        - Đây là món quà của Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao và cũng là của cá nhân tôi.

        Sau này, trên đảo Vice, Djilas đã báo cáo lại với Bộ chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư về kết quả làm việc với Stalin. Titô cho rằng các ý kiến của Stalin đã củng cố thêm lập trường của Titô trong đàm phán với Đồng minh để tạo được kết quả tốt nhất khi ông đang tạm thời ở trong tay họ.

        Ngày 15 và 16 tháng 6, Titô đã gặp Subasic và theo ý kiến của Stalin, Titô đã ký bản thỏa thuận về “hợp tác trong đấu tranh chống bọn chiếm đóng và khôi phục đất nước”. Nhưng Titô không hứa trước điều gì về chính phủ Nam Tư trong tương lai và tuyên bố rằng điều này sẽ do nhân dân Nam Tư dân chủ quyết định.

        Như nhà sử học D.J. Erman đã viết vào thời điểm mùa hè năm 1944 ảnh hưởng của Anh ở Nam Tư là rất đáng kể. Các sĩ quan Anh có mặt ở Nam Tư cũng khá đông. Để củng cố ảnh hưởng của mình, Churchill đã đề nghị trực tiếp gặp Titô. Sau khi Marklyn thông báo ý định này, Titô đã đồng ý.

        Cuộc gặp diễn ra ngày 12 và 13 tháng 8 ở Napôli. Titô đã cùng Marklin bay đến Napôli để hội đàm với Churchill tại biệt thự của ông ta. Sau một lúc trao đổi về tình hình quân sự, Churchill đi vào chủ đề chính:

        - Có lẽ, đại đa số nông dân Sécbi sẽ không muốn có chế độ Cộng sản ở Nam Tư?

        Titô trả lời:

        - Chúng tôi không có ý định áp đặt hệ thống này - Tôi đã tuyên bố về điều này nhiều lần.

        - Tôi muốn được nghe trực tiếp từ Ngài, liệu Ngài có thể khẳng định lại một cách công khai vấn đề này không?

        - Nếu tôi tuyên bố bây giờ ngay trong Bộ chỉ huy Anh, với sự có mặt của Ngài thì người ta có thể nghĩ là tôi bị ép phải ra tuyên bố này. Nhưng tôi sẵn sàng ra tuyên bố khi có điều kiện thích hợp.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2019, 11:07:33 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2019, 11:07:00 pm »


        Cũng ngày 12 tháng 3 năm 1944, Churchill gửi cho Titô bản ghi nhớ với điều kiện: “Thành lập nước Nam Tư thống nhất, trong đó có đại diện các dân tộc tham gia đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược và có sự đồng thuận giữa nhân dân Sécbi và quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư. Tuyên bố với nhân dân không áp đặt chế độ Cộng sản và không dùng lực lượng quân sự để gây ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn dân chủ của nhân dân đối với chế độ tương lai của đất nước, đồng ý đón tiếp vua Pêtrô trên đất Nam Tư”. Trong trường hợp này, Churchill đã thông báo cho Titô biết sẽ tăng viện trợ quân sự cho quân giải phóng nhân dân Nam Tư.

        Cuộc hội kiến giữa Titô và Churchill đã kết thúc với sự thỏa thuận rằng Titô sẽ cùng Subasic đi đến Vice và tại đó sẽ cùng ra các tuyên bố chung. Liên quan đến cuộc hội kiến của Titô với vua Pêtrô hai thì “nó sẽ được quan tâm xem xét và tiến hành vào thời điểm thích hợp”.

        Cả I. Tittô và Subasic rời Napôli ngày 14 tháng 8 và đến đảo Vice. Tuân theo các thỏa thuận, cả hai đã công bố các văn kiện đã thỏa thuận tại Vice và London. Trong tuyên bố đã nói rõ: “Nước Nam Tư dân chủ về bản chất là mang tính toàn dân - tính dân tộc và tính dân chủ - có mục đích duy nhất là đấu tranh chống bè lũ xâm lược và xây dựng Liên bang Nam Tư dân chủ...”.

        Có vẻ như người Anh đã đạt được mục đích của mình do Titô chịu áp lực của Đồng minh phương Tây. Nhưng...

        Trước khi viết tiếp điều gì đã xảy ra sau đây sau chữ “nhưng” này, tôi xin được thoát ra khỏi “quá khứ” để đi trước về những năm 80 của thế kỷ 20.

        Vào những năm 80, với tư cách là một nhà văn và với cương vị là Tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới”, thư ký thứ nhất Hội liên hiệp nhà văn Liên Xô, tôi còn tham gia vào nhiều hoạt động xã hội khác, trong đó có việc tôi được bầu là Chủ tịch Hội hữu nghị Liên Xô - Luxchxemburg và sau đó là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Liên Xô - Anh. Tôi thường xuyên qua lại nước Anh và theo con đường tiếp xúc giữa các nghị viện và ủy ban đối ngoại của Quốc hội.

        Tôi không nhớ chính xác là đã quen và gặp Ph. Marklyn ở đâu. Ông ta đã đứng tuổi và đã rời khỏi công việc ngoại giao (tôi nghĩ có lẽ cả công việc tình báo). Tôi đã có nhiều buổi đàm đạo và kết bạn với Ph.Marklyn. Lúc này, chúng tôi đã là hai nhà ngoại giao có thâm niên, vì vậy, không cần để phòng gì và cũng chả có gì bí mật phải giấu. Marklyn và vợ đến thăm chúng tôi và tôi cùng vợ cũng đã đến thăm ông ta vào năm 1987 khi tôi được mời đến trường đại học Stragklight để nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự.

        Ph.Maklin có một tài sản khá lớn, gia đình ông sống trong một biệt thự cổ ba tầng. Trước chiến tranh, ông đã từng công tác ở Iran, Apganixtan, Ai Cập. Từ năm 1937 đến năm 1939 ông làm việc ở Sứ quán Anh tại Moxcơva. Ông nói tiếng Nga rất tốt.

        Sáng sớm hôm sau, khi đi dạo ngoài vườn tôi đã nhìn thấy một sân bóng đá rất đẹp, có các cậu bé đang chơi.

        - Sân bóng thật đẹp!

        - Đây là sân bóng của tôi, tôi cho phép các chú bé vào chơi.

        - Thế còn vườn và cánh đồng này cũng là của ông à?

        - Không, Vladimir ạ, không chỉ có vậy mà cả đến tận dãy núi xa kia đều là đất của tôi.

        Trong khi đàm đạo với ông, tôi đã được nghe kể lại:

        - Khi chúng tôi, đặc biệt là Churchill cho rằng Titô đã chịu ảnh hưởng của chúng tôi, ngày hôm sau khi tôi cùng Titô đến đảo Vice, thì đột nhiên phát hiện nguyên soái Titô đã biến đi đâu mất. Không ai biết là ông ta đi đâu.

        Khi kể về sự cố này, nhiều năm sau Marklyn vẫn thấy hồi hộp:

        - Anh có hiểu không, Vladimir? Tôi rất khó xử, chính tôi là người đã đưa ông ta tới, vậy mà đột nhiên ông ta biến mất! Chả lẽ bọn Đức đã bắt cóc ông ta? Các chuyên gia bắt cóc của Đức như Skorssene hoàn toàn có thể làm được điều này (Skorssene là người đã cứu Mutsôlini năm 1943 tại Ý - N.D). Tôi vô cùng lo lắng, Ti tô đã biến mất từ ngày 19 đến 28 tháng 9. Sau khi ông ta xuất hiện trở lại, tôi đã không thế gặp ông ta ngay được - Cuối cùng, khi gặp lại, tôi hỏi: “Anh đã biến đi đâu đấy?”. Ông ta trả lời: “Tôi đã rời khỏi đảo theo yêu cầu của công việc quốc gia”. Khi tôi nhắc lại các thỏa thuận, Titô nói một cách lạnh lùng: “Chúng tôi là một quốc gia độc lập, tôi là Tổng thống Chính phủ nhân dân Nam Tư, Tổng tư lệnh quân đội, tôi không có trách nhiệm phải báo cáo với ai cả”. Câu này làm bất ngờ cả phái bộ Anh và cả bản thân Churchill.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2019, 12:22:30 am »


        Ph. Marklyn đã ký tặng tôi cuốn hồi ký của ông, xuất bản năm 1950, tôi xin trích một đoạn đế kết thúc chương này:

        “Tôi không muốn giấu Titô về hậu quả ảnh hưởng của việc ông ta bí mật rời khỏi đảo Vice... Tôi nói với Titô, rằng Churchill rất thất vọng về việc ông ta đã bỏ đi khỏi đảo, rằng điều làm chúng tôi thất vọng nhất là ông đã bỏ đi mà không nói cho chúng tôi biết... Titô đã trả lời: Cách đây không lâu, Churchill đã rời đảo đi Kveberg để gặp Tổng thống Roosevelt, nhưng tôi không hề được biết về điều này. Tôi không hề thấy bực mình vì điều đó!”.

        Bây giờ, sau rất nhiều năm, Marklyn mỗi lần nhớ lại sự kiện đó đểu mỉm cười và nhớ lại điều gì đã xảy ra vào mùa thu năm 1944. Ông ta kể lại cho tôi về sự kiện đó.

        Vậy điều gì đã xảy ra? Vào thời điểm đó, Titô có đề nghị xin gặp Stalin để tham vấn một số vấn đề phức tạp trong lĩnh vực quân sự và chính trị. Stalin đã điều một chiếc máy bay đặc biệt đến đảo Vice đón Titô.

        Để biết được lúc đó Stalin và Titô đã nói những gì, tốt nhất chúng ta hãy nghe chính Ti tô:

        ... “Lần đó là lần đầu tiên tôi được gặp Stalin và đàm đạo với ông ta. Trước đó, tôi chỉ được nhìn thấy ông từ xa, tại Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản. Lần này, tôi được gặp Stalin nhiều lần ở điện Kremli. Stalin đã mời tôi đến ăn tối cùng ông hai lần. Câu đầu tiên mà chúng tôi đã trao đổi là vấn đề phối hợp tác chiến của quân đội hai nước. Tôi đề nghị ông ta viện trợ một sư đoàn xe tăng để giúp quân đội chúng tôi giải phóng Bengrade... Stalin đồng ý và nói: “Vanter” (ở Moxcơva họ gọi tôi với bí danh này), tôi cho anh không phải là một sư đoàn xe tăng mà hẳn một quân đoàn”.

        - Sau đó - Titô nói tiếp - Chúng tôi đã thỏa thuận về việc phối hợp tác chiến để giải phóng một phần của Nam Tư, chúng tôi đề nghị binh đoàn xe tăng sẽ giúp để giải phóng Bengrade và sau đó, sẽ rút khỏi Nam Tư ngay để củng cố cánh trái của mặt trận giải phóng Budapest. Sau đó, chúng tôi đã cùng ký thông cáo báo chí về các thỏa thuận trên”.

        Nói chung, cuộc gặp đầu tiên diễn ra rất ngoại giao. Nguyên nhân chính là do thái độ của tôi khi nói: “Nếu các anh không giúp được chúng tôi thì chí ít không nên can thiệp vào!”. Điều này đã được Đimitrốp khẳng định, ông ta nói: Vanter, “ông chủ” rất không hài lòng với thái độ của anh. Dường như Đimitrốp muốn tỏ ra là ông ta bảo vệ tôi trước Stalin.

        Trong thời gian cuộc gặp đầu tiên, bầu không khí rất căng thẳng, ví dụ có lúc Stalin nói: “Vanter, anh cần biết rằng giai cấp tư sản ở Serbi rất mạnh”. Tôi trả lời: “Đồng chí Stalin, tôi không đồng ý với đồng chí, tư sản ở Serbi rất yếu”. Stalin im lặng, cau mày, còn các nhân vật khác ngồi quanh bàn như Dđanốp, Malencốp, Bêria quan sát cuộc đối thoại một cách lo âu.

        Stalin hỏi tôi các thông tin về giai cấp tư sản ở Nam Tư, tôi trả lời: “Chúng là một lũ vô tích sự, phản bội và hợp tác với lính Đức”. Stalin lại hỏi về một vài nhân vật, tôi vẫn trả lời kiểu như vậy, Stalin nói: “Vanter, đúng ở Nam Tư toàn là bọn vô tích sự!”. Tôi trả lời: “Đúng, bất kỳ kẻ nào phản bội Tổ quốc đều là kẻ vô tích sự”. Stalin lại im lặng, suy nghĩ. Stalin nói với tôi rằng, cần đưa vua Pêtrô trở lại ngai vàng. Lúc đó, máu nóng dồn lên đầu tôi... Tại sao ông ta lại có thể khuyên tôi điều đó? Tôi cố nén giận, trả lời rằng điều đó là không thể, nhân dân không thể tha thứ về việc vua Pêtrô đã bỏ mặc nhân dân mà bỏ chạy...

        Stalin nói: “Không nhất thiết dựng ông ta lên ngôi mãi mãi mà chỉ một thời gian lại truất ông ta”. Stalin lại mời tôi về ăn tối ở nhà ông, tôi không quen uống rượu nhiều... tranh thủ có thời cơ tôi đã bỏ ra phố...”.

        Theo đoạn hồi ký này thì !ý do làm cho buổi gặp trở nên căng thẳng không chỉ là do Stalin, mà còn do bản thân Titô, theo cách diễn đạt trong hồi ký thì rõ ràng là ông ta không có thiện cảm tốt với Stalin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2019, 11:22:01 pm »


        Mặc dù quan hệ cá nhân với Titô rất lạnh lùng, nhưng Stalin vẫn giúp đỡ nhân dân Nam Tư rất to lớn - Khi các đơn vị Hồng quân tiến tới biên giới Bungari, Rumania và Nam Tư, đã xây dựng hẳn một tổng kho để cung cấp một số lượng rất lớn vũ khí, lương thực cho Titô. Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 đã viện trợ một binh đoàn xe tăng với 65 xe tăng T-34 và 500 chiến sĩ xe tăng, - chuyển giao một số máy bay tiêm kích và ném bom cùng 500 phi công, thợ máy.

        Ngày 22 tháng 9 năm 1944, Liên Xô đã chuyển cho Bộ chỉ huy quân đội giải phóng Nam Tư sư đoàn không quân ném bom mặt trận số 10, sư đoàn không quân tiêm kích số 236. Để tăng cường khả năng thông tin liên lạc đã đào tạo 80 điện báo viên Nam Tư cùng với các trạm thông tin mới. Ngoài ra, còn viện trợ rất nhiều lương thực, thuốc men.

        Ngày 5 tháng 10 năm 1944, tư lệnh phương diện quân Ucraina số 3 - Tolbukhin báo cáo Stalin về kế hoạch chiến dịch Bengrad và được Stalin phê chuẩn. Ngày 22 tháng 10 năm 1944, thủ đô Nam Tư được giải phóng, các đơn vị Hồng quân đã tạo điều kiện để các đơn vị Nam Tư là những người đầu tiên vào giải phóng Bengrad. Titô đã gửi điện cám ơn Stalin.

        Churchill rất lo sợ hội chứng “Bônsêvich hóa vùng Ban Căng” theo cách dùng từ của ông ta, thì Hồng quân sau khi vào Bengrad, sau đó là Budapest sẽ tạo nên “những ảnh hưởng dáng lo ngại nhất về chính trị ở Trung và Nam châu Âu”.

        Churchill tìm mọi cách ngăn chặn quá trình di chuyển của chủ nghĩa cộng sản sang phía tây, cách tốt nhất là thông qua cuộc gặp ba nguyên thủ của ba cường quốc. Nhưng để tổ chức một cuộc gặp như thế đòi hỏi thời gian khá lâu, mà chờ đợi thì Churchill không muốn. Ỏng ta đã quyết định bay sang Moxcơva để hội đàm trực tiếp với Stalin về phân chia vùng ảnh hưởng. Để cẩn thận, Churchill đã thông báo cho tổng thống Roosevelt về chuyến đi của mình, về phần mình, Roosevelt lập tức thông báo cho Stalin rằng thủ tướng Anh không có tiếng nói thay mặt cho Hoa Kỳ, và “chúng ta sẽ hội đàm hai bên để giải quyết các vấn đề giữa chúng ta với nhau”.

        Stalin đã trả lời: “Tôi đã đề nghị ngài Churchill đến Moxcơva là theo những gì đã thỏa thuận với ngài tại Kverberrk, tuy nhiên, dường như đề nghị của tôi không được thực hiện. Tôi cũng không rõ ngài Churchill tới Moxcơva để bàn vấn đề gì? Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết, không ai thông báo gì cho tôi cả. Tuy nhiên, tôi đã đồng ý gặp, tôi sẽ thông báo cho ngài kết quả sau khi gặp ngài Churchill”.

        Cuộc gặp đầu tiên của Churchill với Stalin được tổ chức ngày 9 tháng 10, vào lúc 22 giờ đêm. Ngay từ đầu, Churchill đã đề cập đến vấn đề Ban Căng và đưa ra kiến nghị về “phân chia phạm vi ảnh hưởng” ở Ban Căng, ông ta tuyên bố: “Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau về công việc chung ở Ban Căng. Quân đội của ngài có mặt ở Rumania và Bungari. Chúng tôi cũng có quyển lợi và đại diện của mình ở đó, hãy thỏa thuận với nhau là không tranh chấp những cái nhỏ. Về tương quan giữa Nga và Anh quốc, liệu ông có đồng ý không, nếu ông sẽ có 90% ở Rumania, còn chúng tôi có 90% ở Hi Lạp. Riêng Nam Tư thì chúng ta chia đôi?”.

        Để minh họa, Churchill lấy ra một tờ giấy và viết:

        Rumania: Nga 90%; các nước khác 10%.
        Hi Lạp: Anh quốc (với sự đồng ý của Mỹ) 90%; Nga 10%.
        Nam Tư: 50% - 50%.
        Áo: 50% - 50%.
        Bungari: Nga 75%; - các nước khác 25%.

        Trong hồi ký của mình, Churchill viết:

        “Tôi chuyển tờ giấy này cho Stalin, lúc ông đang nghe phiên dịch truyền đạt lại ý kiến của tôi, có một lúc im lặng. Sau đó, Stalin rút bút màu xanh và đánh một dấu chữ V lớn rồi chuyển lại cho tôi. Thậm chí thời gian cần thiết để thỏa thuận vấn đề này còn nhanh hơn là thời gian cần thiết để viết nó ra.

        Sau một lúc im lặng rất lâu, tờ giấy vừa được đánh dấu nằm giữa bàn. Cuối cùng, tôi nói: “Liệu có gì không ổn không nếu chúng ta quyết định vấn đề hệ trọng như thế này với hàng triệu con người lại nhanh như vậy? Hãy đốt tờ giấy này đi” - “Không, anh hãy giữ lấy nó” - Stalin nói. Phiên dịch cho Stalin và Churchill hôm đó là V.M. Beregicốp đã diễn giải câu nói của Stalin như sau: “Tôi không biết, tại sao tôi lại phải tiêu hủy nó? Đây là tờ giấy của ngài, ngài đã đưa nó ra thì ngài có thể giữ nó lại”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2019, 05:01:32 pm »


        Như chúng ta đã thấy, Stalin không đề cập đến vấn đề phân chia ảnh hưởng theo đề nghị của Churchill, nét bút đánh dấu màu xanh của Stalin không có chữ ký, nó có thể được hiểu là “đã đọc”. Nhưng Churchill lại hiểu cách đánh dấu này là sự đồng ý của Stalin với cách phân chia 50-50. Tình huống lúc này giống như trước chiến tranh, Hitle đã từng đề nghị phân chia vùng ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á, lúc ấy Stalin không đồng ý với cách chia này, nhưng sau đó lại đã ký Hiệp ước bí mật với Đức để sáp nhập các nước vùng Pribantích vào Liên Xô, phía tây Ucraina và tây Bêlôrutsia và một phần Ba Lan. Sau cuộc nói chuyện với Churchill, Stalin không hề có một lời hứa nào bằng miệng hay bằng văn bản với ông ta, nhưng trong văn kiện công bố ngày 20 tháng 10 năm 1944 về kết quả cuộc hội đàm chỉ có duy nhất một đoạn: “Quyền của nhân dân Nam Tư tự quyết định về cơ cấu nhà nước tương lai của mình sau chiến tranh, đây tất nhiên là sự thừa nhận vô điều kiện”. Điều này phù hợp với những gì mà trước đó Stalin đã thỏa thuận với Titô.

        Mặc dù Stalin đã ủng hộ toàn diện cho Titô, nhưng rõ ràng là ở Titô đã xuất hiện một khuynh hướng không hài lòng, điều này lại được một số phần tử thiếu thiện chí xung quanh Titô nhấn mạnh và kích động thêm. Ví dụ như Titô đã cường điệu để tạo ra các vụ rắc rối về một số hành động của binh lính Xô Viết. Ngày 29 tháng 10 năm 1944, Titô đã gửi thư cho Stalin và giải thích rằng: “Hành động không đẹp của một số binh lính, sĩ quan Xô Viết đã tạo nên phản ứng nóng nảy từ phía quân đội và nhân dân Nam Tư, vì rằng trước đó họ đã lý tưởng hóa Hồng quân... Tôi sợ rằng, một số phần tử thiếu hữu hảo sẽ có thể sử dụng việc này để chống lại Hồng quân và cả quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư”. Chúng tôi nhấn mạnh rằng: “Việc giải quyết các vấn đề này rất quan trọng từ góc độ chính trị, vì chúng tôi cho rằng Bộ tham mưu Hồng quân không nên can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của Nam Tư”. Titô kết thúc bức thư bằng câu sau: “Tôi và các đồng chí của mình cho rằng nghĩa vụ trước hết của mình là phải làm mọi việc để không cho bất kỳ một thế lực nào có thể phá hoại tình yêu và lòng tin của nhân dân chúng tôi với Liên bang Xô Viết”.

        Ngày 31 tháng. 10 năm 1944, Stalin trả lời Titô:

        “Tôi rất hiểu những khó khăn của các đồng chí sau chiến tranh, các đồng chí cần biết rằng, chính phủ Xô Viết, mặc dù đã chịu những tổn thất và hy sinh to lớn sẽ làm mọi cách có thể và cả "cái không thể" để giúp đõ các đồng chí, nhưng tôi rất buồn vì rằng một số hành động cá biệt của một số binh lính sĩ quan Xô Viết đã được loan truyền trong các đơn vị Hồng quân, điều đó không thể phá vỡ quân đội, lực lượng đã giúp đỡ các đồng chí để đánh đuổi quân xâm lược Đức. Rất dễ hiểu là trong mọi gia đình đều có các vấn đề - nhưng sẽ là kỳ lạ nếu chỉ vì các vấn đề này mà lại phá vỡ tất cả các gia đình. Nếu như các chiến sĩ Xô Viết biết được rằng đồng chí Djilas và một số nào đó cho rằng các sĩ quan Anh có phẩm chất đạo đức cao hơn các sĩ quan Xô Viết thì họ sẽ thất vọng vì sự đổ vỡ không đáng có này”.

        Việc trao đổi các bức thư này rõ ràng gây ra cho Titô nhiều ý nghĩa không thú vị gì và ông ta đã không đến Moxcơva để cùng Subasic gặp Stalin như đã dự kiến trước đó. Stalin rất không hài lòng vì cách suy nghĩ và hành động này của Titô.

        Trong cuộc đời hoạt động của mình, Stalin đã giải quyết được rất nhiều việc lớn và phức tạp, nhưng vấn đề Nam Tư lúc kết thúc chiến tranh đã không giải quyết được trọn vẹn và điều đó sẽ còn để lại hậu quả về sau như chúng ta đã biết. Nhưng điều này chúng ta sẽ nói tiếp sau theo các trình tự thời gian của sự việc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2019, 11:28:52 pm »


TẠI SAO STALIN THA CHO HITLE VÀO NĂM 1943 -1944?

        Trong tất cả các cuộc chiến tranh, các bên tham chiến dùng mọi biện pháp để tiêu diệt các nhà lãnh đạo quốc gia và quân đội của đối phương, với mục đích làm mất sự lãnh đạo của đất nước và quân đội, tạo ra sự hoang mang trong đất nước của kẻ thù.

        Những hành động như vậy bao giờ cũng rất bí mật, được thực hiện theo mệnh lệnh trực tiếp của nhân vật đứng đầu, còn người thực hiện thường là những nhân vật tình báo tin cậy nhất.

        Tình hình trong chiến tranh Nga - Đức cũng không phải là ngoại lệ. Stalin và Hitle theo dõi nhau rất sát. Không cần bình luận nhiều, chúng ta cũng thấy các hành động này là rất lôgic và đương nhiên trong chiến tranh, khi người ta sử dụng mọi biện pháp để giành chiến thắng.

        Kế hoạch ám sát Hitle đầu tiên được chuẩn bị từ năm 1942. Khi các trinh sát nắm được thông tin là giống như Napoleont năm 1812, Hitle sẽ đến Nga sau khi chiếm được Moxcơva. Lúc đó, quân Đức đã chuẩn bị duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, thậm chí là đã chuẩn bị danh sách khách mời và phát vé cũng như giấy ra vào.

        Các đơn vị trinh sát đã chuẩn bị kỹ phương án ám sát bất ngờ Hitle, nhưng Hile đã không chiếm được Moxcơva. Năm 1942, còn một âm mưu nữa được chuẩn bị khi có thông tin về chuyến đi của Hitle đến Vinhixa vào năm 1942, khi đã có mặt ở Bộ tham mưu đơn vị này từ tháng 4 đến tháng 10.

        Nhiệm vụ ám sát Hitle được trao cho đội trưởng trinh sát giàu kinh nghiệm, lúc đó đang ở hậu phương quân Đức -  Đmitri Medvêdép. Nhưng âm mưu không thành công.

        Phương án ám sát Hitle tương đối có khả năng thực hiện là một phương án nhiều bước rất phức tạp theo kiểu bàn cờ, do hai sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm Xuđôplatôp và Ilin chuẩn bị và được Stalin thông qua.

        Về mối quan hệ của tôi với Xuđôplatốp, tôi đã kể ở các chương trên (Xuđôplatốp chính là người được Bêria đề nghị Stalin cử làm chỉ huy chiến dịch tiêu diệt Troxki vào năm 1940 - N.D). Nhưng với sĩ quan tình báo V. Ilin tôi còn thân thiết hơn. Trong hơn 20 năm, sau khi bị thải hồi khỏi KGB, ông ta đã làm việc ở Ban thư ký Hội nhà văn Moxcơva (từ năm 1956 đến năm 1977, cho đến khi về hưu). Sau khi đã nghỉ hưu ông vẫn giữ quan hệ thường xuyên với Hội nhà văn (ông mất năm 1990). Lúc đó tôi đang là thư ký Hội nhà văn Liên Xô (từ năm 1986 đến năm 1991) nhưng từ trước khi trở thành thư ký Hội nhà văn, khi tôi chuẩn bị chuyển từ Tasơken về Moxcơva vào năm 1970, tôi đã gặp Ilin thường xuyên. Vì rằng lúc đó ông đang làm việc ở Ban thư ký và lo việc giải quyết chỗ ở và nhiều thứ khác cho tôi theo một tình cảm của những người đồng đội cũ trong ngành tình báo. Sau đó, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ và trao đổi về công việc của Hội.

        Như vậy, Victor Ilin là một trong các nhân vật đã tham gia khởi thảo kế hoạch ám sát Hitle. Kế hoạch được vạch ra như sau: Tìm cách tiếp cận Hitle thông qua các nhân vật gần gũi với Hitle - Mắt xích đầu tiên là con trai của nữ nghệ sĩ Nga nổi tiếng Bliumetan Tamarina Vxevôlôd - anh ta cũng là một diễn viên, tuy nhiên không nổi tiếng bằng mẹ của mình, nhưng cũng đủ là một diễn viên có tên tuổi.

        Dường như anh ta “bất mãn” vì không được đánh giá đúng tài năng của mình, vì vậy đã tìm cách chạy sang phía Đức, tìm cách cộng tác với chúng - phát biểu qua radio với các lời kêu gọi chống chính quyền Xô Viết. Vợ của anh ta là Inna Lasilina, còn anh trai của cô ta là Lep Lasilina lại có vợ là nữ diễn viên Apguxtơ Maklasepxkaia và con trai đầu của họ là Igor, anh ta phục vụ trong quân đội, vốn là vô địch quân khu Lêningrad về quyền anh.

        Ilin đã vạch ra một kế hoạch mạo hiểm là chuẩn bị để ném Igor vào lãnh thổ Đức dưới cái vỏ là cháu diễn viên nổi tiếng Vxevôlôd Bliumetan Tamarina. Sau đó Igor sẽ phải làm quen với một số nhân vật nữa để tìm cách tiếp cận Hitle.

        Trong vòng nửa năm, Ilin đã dày công chuẩn bị cho Igor để hoàn thành nhiệm vụ quá mạo hiểm này. Igor sẽ phải vượt qua chiến tuyến và thông báo cho phía bên kia biết về mới quan hệ họ hàng và nguyện vọng của bác mình muốn hợp tác với phía Đức. Tất nhiên là phía Đức sẽ không tin anh ta - sẽ kiểm tra qua hệ thống điệp viên - Thế nhưng, rõ ràng là trên thực tế Igor có người bác như thế và bà ta rất muốn được tự do.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2019, 09:19:56 pm »


        Mọi công việc kiểm tra khắt khe đã được tiến hành và Igor đã vượt qua xuất sắc, anh ta đã tiếp xúc với các phần tử Vlaxốp trong “ủy ban phương Đông” và giúp họ luyện tập quyền anh. Igor đạt được một số giải cao về quyền anh và trở thành niềm tự hào của dân Đức. Vô địch thế giới về quyền anh - Mark Shlelingr đã tặng ảnh cho Igor kèm theo chữ ký, đó đã là dấu hiệu sự tin tưởng và thừa nhận của nước Đức.

        Sau khi đã bước vào xã hội Đức, Igor bắt đầu đi tìm các “địa chỉ” do Ilin chỉ định để tìm cách tiếp cận Hitle theo kế hoạch đã vạch sẵn rất công phu. Đây là địa chỉ của một ngôi sao màn bạc nổi tiếng thế giới - Đó là Olga Chekhốpva -  người được cả Hitle, Gơring, Goebbels và nhiều quan chức chóp bu của “Đệ tam đế chế’ sủng ái. Olga di cư đến Đức từ năm 1921 và thành đạt rất nhanh ở đây, và bây giờ một người bà con đến tìm bà - Đó chính là Igor. Có rất nhiều giả thiết khác nhau xung quanh việc không hiểu Olga Chekhốpva có cộng tác với tình báo Nga hay không? Nhưng theo tôi, về vấn đề này có thể có hai giả thiết: - rằng địa chỉ của bà ta đã được cơ quan tình báo Nga giao cho Miklasebxki và rằng, bà ta đã không khai báo ra Igor mà ngược lại đã tìm mọi cách để giúp đỡ Igor.

        Rất tiếc, tôi buộc phải ngừng mô tả các trang “tiểu thuyết trinh thám” về kế hoạch ám sát Hitle, vì rằng phút cuối cùng chính Stalin đã ra lệnh dừng kế hoạch này lại. Việc xảy ra như sau: Igor thường xuyên báo cáo qua “hộp thư” về hoạt động của mình và quá trình tiếp cận “đối tượng”. Vào khoảng năm 1943, khi thấy Igor đã tiếp cận đến bước cuối cùng để có thể thực hiện được mục tiêu thì cơ quan tình báo quyết định báo cáo Stalin để thực hiện bước cuối cùng.

        Hôm đó, Stalin tiếp Bộ trưởng An ninh quốc gia - Merơculốp và Xuđôplatốp ở biệt thự tại Kunxevô. Sau khi nghe họ báo cáo, Stalin nói rất ngắn:

        - Điều này không nên làm!

        Xuđôplatốp kể lại với một sự bất ngờ rất lớn. Tại sao Stalin lại từ chối một việc do chính ông vạch ra? Tuy nhiên, Xuđôplatốp không có ý định hỏi Tổng tư lệnh nguyên nhân của một việc “nhạy cảm” như vậy.

        Công việc của Igor Miklasepxki để chuẩn bị cho “đòn quyết định” vẫn được tiếp tục. Vào năm 1944 các chiến sĩ tình báo lại một lần nữa chuẩn bị cho bước cuối cùng của chiến dịch, nhưng Stalin lại từ chối.

        - Không nên tiêu diệt Hitle.

        Lần này thì Merơculcíp đánh bạo hỏi:

        - Nhưng tại sao, thưa đồng chí?

        Stalin nói:

        - Chúng ta cần giữ Hitle lại để phục vụ việc tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức. Khi hắn ta còn sống, hắn ta sẽ không đàm phán riêng rẽ với các nước phương Tây. Đến lượt mình, đối với Anh và Mỹ không thể đặt vấn đề thỏa hiệp nếu Hitle vẫn đang lãnh đạo nước Đức. Ngược lại, nếu Hitle biến mất thì Gơring hoặc Papens có thể sẽ lên cầm quyền mà đối với các nhân vật này thì các nước phương Tây có thể đàm phán được. Như vậy thì chúng ta sẽ không có lợi, chúng ta đã tiến đến gần chiến thắng tiêu diệt hoàn toàn quân Đức. Đừng động đến Hitle lúc này1.

------------------
        1. Chúng ta nhớ lại sự kiện Tưởng Giới Thạch bị tướng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành bắt ở Tây An năm 1937, Mao Trạch Đông đã cử Chu Ân Lai đến đàm phán để thả Tưởng ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2019, 12:34:30 am »


        Như vậy đó, với ý tưởng chiến lược, Stalin đã tạm “tha” cho Hitle. Igor đã trở về Tổ quốc qua con đường Pháp và được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ. Olga Chekhốpva, sau chiến tranh có trở về Tổ quốc và có viết cuốn hồi ký “Tôi không che giấu điều gì”. Bà sông rất lâu từ năm 1887 đến năm 1980.

        Nhưng số phận của hai nhà tổ chức chiến dịch mạo hiểm nhất này thì diễn ra hoàn toàn đáng buồn. Vào năm 1943, Victor Ilin không hiểu sao không được chỉ huy trưởng tổ chức Smersơ (tổ chức chuyên ám sát của tình báo quân sự) là Abacumốp tin cậy. Chính Abacumốp đã ra lệnh tống giam vị sĩ quan tình báo Ilin này vào nhà giam ở Lubianki trong bốn năm từ năm 1943 đến năm 1947 - sau đó, lại vào nhà giam thêm năm năm nữa. Đột nhiên vào năm 1951, Ilin lại được mời ra làm chứng cho âm mưu làm phản của Abacumốp! Ilin hoàn toàn không thể tin được điều này và từ chối nói bất cứ điều gì vì cho rằng có thể có âm mưu gài bẫy nào đó. Lúc ấy, Ilin đã được dẫn đến nhà tù và nhìn qua lỗ của một cánh cửa. Ilin hoàn toàn bất ngờ vì trong đó Abacumốp đang ngồi cô đơn một mình.

        Ilin bị xử và ngồi tù tất cả chín năm, sau khi được trả tự do, ông sống ở Riadan, làm công việc khuân vác. Năm 1956, người ta lại nhớ đến ông. Vì rằng từ năm 1933 ông đã từng công tác ở Moxcơva với chức vụ trưởng phòng ba của Cục An ninh chính trị của Bộ Nội vụ, tức là công việc giữ liên hệ với các tổ chức trí thức. Do tính chất công việc ông biết tất cả và rất nhiều, như vậy ông là ứng cử viên tốt nhất cho chức Bí thư của Hội nhà văn Moxcơva. Như vậy, sau nhiều năm “thất sủng” Ilin đã trở lại làm việc ở Hội nhà văn Moxcơva. Ông đã kể cho tôi nhiều chuyện rất thú vị.

        Trong cuộc sống cũng có nhiều sự trùng hợp kỳ lạ.

        Chính là vào thời gian khi Stalin đề ra nhiệm vụ tiêu diệt Hitle, rồi sau đó lại “tha” cho hắn vì ý đồ chiến lược lớn hơn thì Hitle cũng ra mệnh lệnh tìm cách tiêu diệt Stalin.

        Để thực hiện âm mưu này, quân Đức đã chọn một sĩ quan cũ của Hồng quân - đó là đại đội trưởng Detra Tavơrin. Đây là một kẻ có tiền án (đã từng phạm tội trộm cắp) trước khi được gọi vào quân đội, nhưng hắn đã đội một cái tên giả. Ở trên chiến trường, hắn đã bỏ chạy sang phía quân Đức. Tavơrin đã được tình báo Đức chọn để đào tạo cho mục đích ám sát Stalin, và Tavơrin đã đồng ý.

        Công việc chuẩn bị cho chiến dịch được đích thân tư lệnh đội tình báo đặc biệt Otto Krausơ chỉ huy. Nhân vật tình báo dày dạn kinh nghiệm nhất của Hitle là Xkorơsener (kẻ đã tổ chức vụ nguyên soái Tukhachepxki, vụ cứu thoát Musôlini...) đã nhiều lần trực tiếp huấn luyện cho Tavơrin.

        Vai diễn của Tavơrin được chuẩn bị thế này: Tavơrin sẽ là thiếu tá của đội “Smerơsơ”, anh hùng Liên Xô (các giấy tờ giả do tình báo Đức chuẩn bị) anh ta được nghỉ sau khi điều trị vết thương (các vết thương giả do các bác sĩ Đức tạo ra). Hắn ta được đưa về Moxcơva nhờ sự giúp đỡ của các điệp viên của Đức, một điệp viên làm việc ở Cục cán bộ, Bộ quốc phòng, một tên khác làm ở các đơn vị dự bị chiến lược - các tên này cùng một số điệp viên khác và “Hiệp hội các sĩ quan Nga” có nhiệm vụ tìm cách cho Tavơrin đột nhập vào một cuộc họp hay buổi lễ long trọng nào đó, nơi Stalin sẽ đến dự và ở đó Tavơrin sẽ ám sát Stalin bằng loại đạn tẩm độc cực mạnh. Phương án hai sẽ là chặn xe ô tô của Stalin trên phố và tiêu diệt bằng loại lựu đạn có sức công phá lớn.

        Ngày 5 tháng 9 năm 1944, “Petr. Tavrin” - với chứng minh thư là phó chỉ huy đội “Smersơ” của quân đoàn 39 và thiếu úy Lidia Silôpva được một chuyến bay đặc biệt đưa đến lãnh thổ vùng Xmôlenxki. Trong quá trình hạ cánh -  pháo phòng không của ta đã bắn bị thương máy bay, nên chúng phải hạ cánh bắt buộc. Tavrin và Silôpva đã cướp một chiếc môtô ba bánh và tẩu thoát vào rừng, nhưng người dân địa phương đã điện thoại báo cho công an và bắt gọn cặp gián điệp này.

        Khi bị bắt, công an tìm thấy bảy khẩu súng lục, lựu đạn và một số vũ khí. Tavơrin lập tức khai báo tất cả. Sau đó, đã có một kế hoạch giả vờ liên lạc với phía Đức với tên mật là “Sương mù”, nhờ vậy, đã phát hiện tiếp nhiều điệp viên khác được phái tới để giúp Tavơrin. “Trò chơi” này kéo dài đến ngày 9 tháng 4 năm 1945, phía Đức đến tận lúc đó vẫn hy vọng vào kế hoạch của Tavơrin mà không hề biết về việc hắn đã bị bắt.

        Như vậy là kết thúc chiến dịch ám sát Stalin của Hitle.

        Đến tận năm 1952, các tình báo viên của ta vẫn chờ xem có điệp viên nào của Đức tiếp tục liên lạc với Tavơrin không, nhưng không thấy có kẻ nào xuất hiện thêm. Sau đó, Tavơrin và Silôpva đã bị xử bắn. Mặc dù có tính đến sự khai báo thành khẩn của chúng giúp tình báo Nga phá vỡ một âm mưu to lớn, nhưng các điều luật không thành văn lạnh lùng của hoạt động phản gián không cho phép làm thế nào khác. Thậm chí Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã bác đơn xin ân xá: Tội ác của chúng quá lớn khi định ám sát chính Stalin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2019, 05:05:04 am »


KHỞI NGHĨA Ở VAXAVA

        Thông báo của ủy ban thông tin nhà nước:

        “.... Trong những ngày gần đây, báo chí nước ngoài xuất hiện một số thông tin, trích dẫn theo nguồn tin của báo chí, radio của chính phủ Ba Lan lưu vong về cuộc khởi nghĩa và các trận chiến ở Vaxaya. Báo chí và radio của chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân Đôn đưa ra thông tin dường như các chiến sĩ khởi nghĩa ở Vaxava đã liên lạc với Bộ chỉ huy Hồng quân nhưng không được họ giúp đỡ.

        “TASS được quyền tuyên bố”, rằng các luận điệu và thông tin của báo chí nước ngoài là kết quả của việc hoặc là vội vàng hoặc là xuất hiện ý định dựng tin vu cáo Bộ chỉ huy Xô Viết. Phân xã của TASS biết rằng từ phía kiều dân Ba Lan ở Luân Đôn không hề có một hành động nào có trách nhiệm với sự kiện ở Vaxava để kịp thời thông báo và phối hợp với Bộ chỉ huy Xô Viết cho các hành động tự vệ ở Vaxava. Trong trường hợp này trách nhiệm đối với sự kiện xảy ra ở Vaxava chính là thuộc về các nhóm kiều dân Ba Lan ở Luân Đôn...”.

        Stalin lập tức giao nhiệm vụ cho nguyên soái Giucốp làm rõ tình hình, báo cáo xem có thể làm gì để cứu viện cho các chiến sĩ khởi nghĩa ở Vaxava.

        Giucốp đã viết lại trong hồi ký: “Theo nhiệm vụ do Tổng tư lệnh giao, tôi đã cử hai sĩ quan dù để liên lạc và phối hợp hành động với Bur-Komarốpxki, nhưng ông ta không muốn tiếp nhận họ”.

        Tôi có điều kiện không chỉ sử dụng các tài liệu gốc còn lưu trữ, mà còn có điều kiện nghe lời kể của chính người đã được giao nhiệm vụ mà Giucốp vừa nhắc đến ở trên. Một trong hai sĩ quan đó chính là Ivan Kôlôxơ, lúc đó là đại úy, anh ta là bạn cũ và là đồng nghiệp của tôi ở đơn vị trinh sát. Bây giờ ông sống ở Moxcơva. Cách đây không lâu chúng tôi cùng một số đồng đội đã tổ chức bữa tiệc để “rửa” một danh hiệu, mặc dù đã quá muộn - Đó là danh hiệu Anh hùng Nga mà nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng, cuối cùng thì người ta đã trao cho ông.

        Ivan Kôlôxơ nhiêu lần kể cho tôi nghe về nhiệm vụ rất phức tạp và quan trọng mà ông được giao. Ông đã viết cuốn hồi ký: “Nhiệm vụ do Trung tâm giao”, bản thân Kôlôxơ là một tình báo viên có kinh nghiệm, trong suốt thời gian chiến tranh ông đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ do chính Tư lệnh phương diện quân Rôcôxốpxki giao cho.

        Tôi gọi điện cho Ivan Kôlôxơ:

        - Ivan, tôi muốn nghe anh kể về việc anh đã hoàn thành nhiệm vụ do Tư lệnh phương diện quân giao cho ở Vaxava thế nào?

        - Được thôi, Vôlôđia, cám ơn anh đã không quên tôi, tôi sẽ kể lại để thế hệ trẻ biết là chúng ta đã đạt được thắng lợi khó khăn như thế nào.

        Sau đây là đoạn hồi ký của Ivan Kôlôxơ:

        “Giai đoạn đầu của chiến dịch được bắt đầu ở khu vực Vitebca và Bobrixka và kết thúc ở tuyến Buga. Chiến thắng nhanh chóng của Hồng quân ở Bêlôrutsia đã tạo điều kiện cho Bộ tư lệnh tiến hành kế hoạch tiếp theo để vượt qua tuyến Buga và giải phóng Liublina. Đây chính là giai đoạn cuối của chiến cuộc mùa hè”.

        Tôi muốn nhắc lại với độc giả là giai đoạn đấu mà Kôlôxơ vừa nhắc tới chính là liên quan đến nhiệm vụ của tôi, lúc đó được tiến hành ở Vitebxca - nhiệm vụ của tôi đến đó thì kết thúc, còn nhiệm vụ của Kôlôxơ là ở giai đoạn tiếp theo, rất ngẫu nhiên là những gì diễn ra với Kôlôxơ rất giống đã diễn ra với tôi:

        Bản thân Kôlôxơ nhó lại:

        “Tại phòng của Tư lệnh có mặt Rôcôxốpxki và trung tướng Têlêgin, sau khi chào hỏi tôi, Rôcôxốpxki hỏi: “Anh có biết là đang có khởi nghĩa ở Vaxava không?”. Tôi trả lời là có, sau đó ông nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi:

        - Anh có sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ phức tạp này không?

        - Tôi sẵn sàng!

        - Như thế này, chúng tôi đã gửi bằng máy bay các thuốc men, vũ khí, lương thực cho Vacxaya nhưng không hiểu các thứ này rơi vào tay ai. Anh sẽ được giao nhiệm vụ nhảy dù xuông một khu vực của Vacxava và làm rõ tình hình ở đó, rồi tìm cách liên lạc với Bộ chỉ huy quân khởi nghĩa. Sau đó, báo cáo bằng điện báo về cho chúng tôi xem tình hình ở đó thế nào, các đơn vị nào của quân Đức đang hoạt động ở Vacxava. Cùng bay với anh là một báo vụ viên, đó chính là bạn cũ của anh, Đmitri Xtencô.

        Tư lệnh mặt trận bắt chặt tay tôi và chúc:

        - Chúc anh may mắn quay trở về.

        Kôlôxơ cùng báo vụ viên trong đêm đã nhảy dù xuống từ độ cao rất thấp, do dù đã mở ở độ cao rất thấp, vì vậy tiếp đất rất nặng, anh đã bị ngất. Các chiến sĩ khởi nghĩa đã tìm được anh và sau đó anh đã cộng tác rất tốt với quân khởi nghĩa, thường xuyên báo cáo tình hình về cho Bộ chỉ huy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM