Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:57:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại nguyên soái Stalin  (Đọc 27698 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2019, 11:27:12 pm »


SỰ QUAN TÂM CỦA STALIN VỚI NỀN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

        Trong các trận chiến đấu ở khu vực Stalingrad, Stalin rất chú ý đến vai trò của các đơn vị xe tăng trong đội hình quân Đức khi các đơn vị này thường tiến lên phía trước dẫn dắt theo các đơn vị bộ binh. Nếu so sánh với chiến thuật của xe tăng Đức thì các đơn vị xe tăng của ta chưa phát huy hết khả năng của mình, trong khi các chỉ huy lại chưa biết rút ra các kinh nghiệm của chính kẻ địch. Sau nhiều lần suy nghĩ, Stalin đã đi đến quyết định - cần phải thay đổi về cơ bản chiến thuật của các đơn vị xe tăng mà đầu tiên là phải đào tạo lại các cán bộ chỉ huy và tổ chức lại các đơn vị xe tăng.

        Ngày 3 tháng 9 năm 1942, Tổng tư lệnh yêu cầu Phó tư lệnh bộ đội xe tăng, cơ giới, tướng Biriucốp phải tổ chức hai trại huấn luyện cho bộ đội xe tăng - một ở vùng Xaratốp, một ở vùng Koxterôvô và Nôginxca - các điều kiện tập luyện bảo đảm thật kỷ luật và chặt chẽ để học cách chiến đấu của chiến thuật xe tăng hiện đại.

        Vào tháng bảy, Stalin ra lệnh thành lập 40 binh đoàn xe tăng, mỗi binh đoàn có 45 xe tăng. Trong đó có hai chiếc xe tăng hạng nặng KB. Đến tháng 9 thành lập thêm 27 binh đoàn xe tăng để làm các đơn vị dự bị. Stalin biết rằng cho đến giữa năm, các nhà máy sẽ cho ra xưởng khoảng bốn ngàn xe tăng loại mới và hơn hai ngàn xe tăng loại cũ.

        Để minh chứng về sự quan tâm rất sâu sắc của Stalin với bộ đội xe tăng, chúng ta hãy nhớ lại buổi đàm đạo của Stalin với tướng Katucốp, một trong những vị chỉ huy xe tăng có kinh nghiệm nhất, dũng cảm nhất. Stalin mời Katucốp đến nhà nghỉ ở Kunsevô, không khí yên tĩnh ở đây sẽ giúp họ trò chuyện và phân tích sâu tình hình để rút ra các kết luận cần thiết về phương thức sử dụng xe tăng.

        Tướng Katucốp đã kể lại về buổi gặp Stalin trong hồi ký của mình:

        “Có thể là ngày nay nhiều độc giả không thể hiểu được cảm xúc của chúng tôi lúc đó. Nhưng vào những năm tháng ấy, đối với các chiến sĩ mặt trận như chúng tôi, tên tuổi Stalin gợi lên tình cảm rất kính trọng - tên tuổi của Người gắn liền với điều thiêng liêng nhất - Đó là Tổ quốc, niềm tin vào chiến thắng, lòng tin vào trí tuệ và sự vững vàng của Đảng, của nhân dân.

        Thư ký của Stalin dẫn tôi vào phòng đợi, tôi đang chuẩn bị để báo cáo Tổng tư lệnh theo nghi lễ quân sự, thì bất ngờ cửa bên được mở ra và tôi nghe thấy tiếng Stalin rất thân mật:

        - Xin chào đồng chí Katucốp, hãy vào phòng tôi.

        Tôi chỉ kịp nói:

        - Xin chào đồng chí Stalin - Lúc đó những điều tôi định báo cáo theo nghi lễ bay đi đâu mất.

        Tôi bước theo Stalin vào phòng của Người, sau khi bắt tay tôi, Tổng tư lệnh nói:

        - Đồng chí hãy ngồi đi và hút thuốc lá tự nhiên, đừng để ý đến tôi, vì tôi không thích ngồi.

        Sau đó, Người rút từ trong túi ra hộp thuốc “Gerơse- gobiva Phlor” rút ra hai điếu, bẻ chúng ra để lấy sợi thuốc và nhồi vào chiếc tẩu nổi tiếng của mình để hút.

        - Sao đồng chí không hút thuốc? - Stalin hỏi tôi trong khi vẫn bước chậm rãi quanh phòng.

        Có lẽ do hồi hộp, hoặc là do một lý do nào đó, nhưng tôi cảm thấy không muốn hút thuốc, trong khi đó, Stalin đang ung dung nhả khói trong phòng và nói:

        - Nếu đồng chí không thích hút thuốc thì hãy kể theo thứ tự xem tình hình ở chỗ đồng chí, các đơn vị xe tăng của chúng ta ở mặt trận thế nào? Các đơn vị bộ binh cơ giới và xe tăng của ta ra sao?

        Tôi đã trả lời sao cho ngắn gọn nhất về các trận chiến đấu cuối cùng ở mặt trận Brianxki, còn Stalin vừa bước quanh phòng vừa đặt câu hỏi:

        - Anh suy nghĩ thế nào, xe tăng của chúng ta có tốt không? Hãy nói thẳng đừng ngại gì cả.

        Tôi đã trả lời là xe tăng T-34 hoàn toàn đáp ứng yêu cầu và chúng tôi rất tin tưởng. Còn xe tăng loại nặng KB và xe quân sự T-60, T-70 thì không được ưa thích ở đơn vị.

        Stalin dừng lại một phút, nhíu lông mày và hỏi:

        - Vì lý do gì?

        - Thưa đồng chí Stalin, loại xe KB quá nặng, xoay chuyển khó khăn và không cơ động. Loại này vượt chướng ngại vật rất khó. Ngoài ra, loại xe tăng hạng nặng này sẽ phá hỏng cầu khi vượt sông. Còn vũ khí của loại KB này thì cũng là pháo 76mm như loại T-34.

        Tôi phê phán cả loại tăng hạng nhẹ T-60...

        Qua các câu hỏi của Stalin về các tính năng kỹ - chiến thuật của các loại xe tăng, tôi hiểu rằng Tổng tư lệnh muốn đào sâu đến cùng bản chất của sự vật, làm rõ cái gì là mạnh, là yếu của xe tăng cơ giới của ta vào năm 1942. Stalin muốn biết nguyên nhân các trận chiến không thành công của xe tăng ta trong các trận chiến mùa hè và mùa thu 1942... Ông hỏi tiếp:

        - Các chiến sĩ xe tăng có bắn pháo trong hành tiến không?

        Tôi trả lời là không bắn.

        - Tại sao? - Tổng tư lệnh hỏi và chăm chú nhìn tôi.

        - Độ chính xác của xạ kích khi hành tiến không cao, vì vậy sẽ lãng phí đạn. Các đặt hàng của chúng tôi không được đáp ứng đầy đủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2019, 12:25:27 am »


        Stalin dừng lại, nhìn chăm chú vào tôi vào nói rất rõ ràng:

        - Đồng chí Katucốp, đồng chí hãy nói, trong khi tấn công có cần điểm xạ vào các khẩu đội pháo không? cần phải tấn công vào đâu là mục tiêu chính? Chắc là pháo của địch sẽ gây khó khăn cho chiến sĩ xe tăng khi tiến về trước. Cứ cho là quả đạn pháo của đồng chí không trúng vào pháo của địch, nhưng rơi ở gần đó. Trong tình huống tương tự lính xe tăng Đức sẽ bắn thế nào?

        - Tất nhiên là độ chính xác xạ kích của địch sẽ bị giảm.

        - Đó chính là điều cần thiết - Stalin nói - Hãy bắn trong hành tiến, chúng tôi sẽ cấp đạn pháo...

        Cứ như vậy, Stalin tìm hiểu kỹ - chiến thuật tác chiến của các đơn vị xe tăng qua kinh nghiệm của kẻ địch và của các đơn vị của ta.

        Tại sao đến tận trận chiến ở Stalingrad, Stalin mới quan tâm đặc biệt đến chiến thuật xe tăng của quân địch? Tại sao ông lại mời một trong những vị chỉ huy xe tăng kinh nghiệm nhất để đàm đạo! Tại sao ông lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề bắn pháo trong hành tiến của xe tăng?

        Chính là những câu hỏi này minh chứng cho tầm nhìn xa và khả năng tổ chức công việc trong mọi lĩnh vực của Stalin. Ý tưởng về các đòn phản công tự thân nó có một lôgic, đó là khả năng bao vây các đơn vị đi trước của quân Đức tạo thành một mũi nhọn ở khu vực Volga, để chia cắt các đơn vị này với Bộ chỉ huy của chúng. Nhưng dùng lực lượng nào để chia cắt? cần phải có các lực lượng dự bị cơ động, đó chính là điều mà Stalin quan tâm đến chiến thuật xe tăng của kẻ thù, đến khả năng xạ kích trong hành tiến.

        Chính là trong những tháng ác liệt nhất, Stalin đã thành lập hai quân đoàn xe tăng. Xe tăng lấy ở đâu ra? Stalin ngày cũng như đêm liên tục điện thoại cho giám đốc các nhà máy sản xuất xe tăng, pháo binh, máy bay với lời yêu cầu: Hãy sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn! Trong khi bản thân các nhà máy vừa sơ tán đến nơi mới, rất khó khăn trong sản xuất. Nhưng Stalin đã ra lệnh: cần phải hoàn thành đơn hàng, mặt trận đang chờ.

        Stalin rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dự bị, trong rất nhiều chiến dịch, ông đã tung lực lượng dự bị ra vào thời điểm quyết định nhất và điều đó đã đem đến thắng lợi trong nhiều chiến dịch tấn công và phòng ngự.

        Tuy nhiên, Stalin vẫn tiếp tục tìm kiếm khả năng đế tăng viện cho các mặt trận vào đúng thời điểm cần thiết nhất. Stalin đã nhiều lần dùng không quân ném bom tầm xa để hỗ trợ các mặt trận - Từ kết quả tổng kết hiệu quả sử dụng các máy bay này Stalin đã quyết định thành lập binh chủng không quân ném bom tầm xa, trực thuộc Đại bản doanh và để giải quyết các nhiệm vụ thuộc quy mô chiến dịch và chiến thuật”...

        Stalin thường xuyên đàm đạo với tướng không quân Gôlôvanốp và các phi công có kinh nghiệm mà ông rất yêu quý và kính trọng.

        Gôlôvanốp để xuất ý tưởng của mình, nhưng các kiến nghị này chưa ngang tầm với các ý tưởng chiến lược của Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, vì không muốn phủ nhận ý tưởng sáng tạo của Gôlôvanốp, Stalin đề nghị rất nhẹ nhàng:

        - Nếu anh không phản đối, thì tôi đề nghị bổ sung một chút và mở rộng ý kiến của anh có được không?

        - Thưa đồng chí Stalin, tôi không có gì phản đối, nhưng việc thực hiện chúng trong thực tế như thế nào thì cần phải suy nghĩ, mọi việc không thể quyết định ngay được.

        - Mọi vấn đề nghiêm túc không bao giờ có thể quyết định vội vàng - Stalin nói - Sẽ có nghị quyết riêng về việc thành lập không quân ném bom tầm xa, anh hãy tham gia vào việc chuẩn bị nghị quyết này.

        - Vậy đề nghị cho tôi được gặp người chủ trì biên soạn tài liệu này, tôi sẽ tham gia ý kiến của mình với anh ta.

        - Chúng ta sẽ nói chuyện ngay bây giờ với người chủ trì biên soạn.

        - Đồng chí muốn nói là giao việc đó cho tôi, thưa đồng chí Stalin? - Gôlôvanốp hỏi.

        - Đúng, chính là anh!

        ... Mặc dù tôi là một phi công - Gôlôvanốp nhớ lại - Trong nhiều năm, tôi đã từng là giám đốc cơ quan điều hành lớn nhất ở Viễn Đông của hàng không Nga... Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình có thể được giao một công việc to lớn và đầy trách nhiệm như việc này. Hơn nữa, trong thời kỳ chiến tranh mà mình lại cảm thấy chưa tự tin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2019, 11:08:56 pm »


        - Thưa đồng chí Stalin, cho phép tôi trình bày.
   
        - Anh sợ à? - Stalin như đọc được ý nghĩ của tôi.

        Tôi như nín thở, máu dồn lên mặt.

        - Tôi chưa bao giờ là kẻ hèn nhát, thưa đồng chí Stalin.

        - Điểu này thì chúng tôi biết từ lâu - Stalin rất chậm rãi nói - Nhưng cần phải biết kiểm chế. Chúng tôi cũng đã suy nghĩ về vấn đề này, anh chỉ cần suy nghĩ xem trong thực tế thực hiện như thế nào, không vội vàng, nhưng hãy trao đổi với những ai mà anh thấy cần, sau vài ba ngày nữa anh hãy báo cáo các ý tưởng của mình...

        Ngày 5 tháng 3 năm 1942, Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã ra sắc lệnh thành lập binh chủng không quân ném bom tầm xa. Những vấn đề nguyên tắc quan trọng nhất không chỉ do Hội đồng quốc phòng và Bộ Tổng tư lệnh đề ra mà còn do đích thân Stalin quyết định.

        Không quân ném bom tầm xa vào thời điểm đó có 341 máy bay, trong đó chỉ có 171 máy bay có thể hoàn thành được nhiệm vụ chiến đấu, số còn lại đều bị hỏng hóc. Sô lượng các tổ bay là 367, trong đó có 209 tổ có thể bay đêm.

        Trên cơ sở ban đầu này, những năm sau đã hình thành một binh chủng độc lập. Đó là không quân hành động tầm xa với hàng ngàn máy bay, có Bộ tham mưu, có cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật, hậu cần và hệ thống sân bay riêng - Còn Gôlôvanốp đã trở thành vị Tư lệnh nổi tiếng của binh chủng này và đã được phong hàm Nguyên soái không quân (tương đương Đại tướng Lục quân - N.D.)

        Trong suốt thời gian chiến tranh, lực lượng không quân ném bom tầm xa do chính Stalin giao nhiệm vụ như lực lượng dự bị chiến lược, ông rất quan tâm và nắm chắc tình hình của không quân, sau đây là một ví dụ về sự quan tâm và nắm tình hình rất cụ thể của ông, dựa theo hồi ký của Gôlồvanốp:

        Có một lần Stalin cho gọi tôi lên và hỏi:

        - Anh có các số liệu về việc có rất nhiều máy bay đã xuất xưởng mà đang nằm ở các nhà máy vì không được bên quân sự tiếp nhận không? - Stalin hỏi.

        Tôi không trả lời được câu hỏi này và xin phép nắm tình hình để báo cáo. Tôi gọi điện cho Marcốp I.V - Kỹ sư trưởng của không quân ném bom tầm xa, ông ta trả lời tôi rằng không có máy bay nào còn tồn ở các nhà máy. Tôi vội vàng gọi điện báo cáo Stalin.

        - Anh có thể tới chỗ tôi không? - Stalin hỏi.

        - Vâng, thưa đồng chí Stalin.

        - Hãy đến ngay đi.

        Khi bước vào phòng Stalin tôi nhìn thấy một vị tướng không quân, một vị chỉ huy không quân nổi tiếng thời đó (tôi xin không nêu tên vị tướng này, ông ta đã mất) đang trả lời rất mạnh mẽ với Stalin. Tôi hiểu rằng họ đang tranh luận về một số lượng lớn máy bay đang đứng ở các sân bay của các nhà máy sản xuất.

        Các máy bay này dường như đã xuất xưởng nhưng không được bên quân sự tiếp nhận vì chưa thể chiến đấu được, tức là còn khiếm khuyết về kỹ thuật - Vị tướng này nói tiếp - Còn Sakhurin (Bộ trưởng Công nghiệp Hàng không) đã báo cáo sai với đồng chí, thưa Stalin.

        - Vậy sao, nếu đồng chí đã nhắc đến Sakhurin thì chúng ta mời ông ta tới - Stalin nói và ra lệnh cho thư ký mòi Bộ trưởng Công nghiệp Hàng không đến.

        Sau đó, Stalin hỏi lại tôi: xem tôi có biết chính xác là trên các nhà máy có còn máy bay nào không, tôi báo cáo là kỹ sư trưởng đã quả quyết với tôi là không còn.

        - Có thể đó là số liệu đã cũ - tôi bổ sung - nhưng chúng tôi theo dõi từng chiếc ra xưởng vì bộ đội không quân đang rất cần cho các đơn vị mới. Có lẽ có một hay hai chiếc gì đó đang đứng ở đâu đấy.

        - Chúng ta không nói về một vài chiếc - Stalin nhắc.

        Vài phút sau, Sakhurin xuất hiện.

        - Bây giờ chúng tôi đang nói về vấn để 700 chiếc máy bay mà đồng chí đã báo cáo - Stalin nói luôn - đang nằm ở các nhà máy không phải là vì không có phi công mà là vì chúng chưa sẵn sàng về kỹ thuật, vì vậy phía quân sự chưa tiếp nhận và hàng trăm phi công đang phải đợi hàng tháng tròi ở đó.

        - Điều này không đúng, thưa đồng chí Stalin - Sakhurin trả lời.

        - Đấy các đồng chí thấy không: một người thì nói có máy bay mà không có phi công, một người thì lại nói có phi công mà không có máy bay. cả hai anh có hiểu không, đó là 700 chiếc máy bay chứ không phải là bảy chiếc. Các anh có biết là mặt trận đang chờ từng ngày số máy bay này không? Đó là cả một quân đoàn không quân! Vậy tôi tin ai trong số các anh?

        Im lặng một lúc rất lâu. Tôi chăm chú theo dõi một cách tò mò: không có lẽ có tới 700 chiếc máy bay đang đứng chờ ở các nhà máy? Tôi chưa bao giờ nghe nói về số máy bay này. Tôi nhìn cả hai người và không hiểu ai đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2019, 09:51:27 pm »


        Sau cùng, vị tướng không quân nói:

        - Thưa đồng chí Stalin, tôi xin báo cáo là số máy bay đang đứng ở các nhà máy là chưa được sẵn sàng về mặt kỹ thuật.

        - Thế còn anh nói sao? - Stalin quay sang phía Sakhurin.

        - Thưa đồng chí Stalin, điều này rất dễ dàng kiểm tra -  Sakhurin trả lời - Chúng ta có đường dây trực tiếp. Hãy giao nhiệm vụ để đồng chí nói chuyện trực tiếp với từng đồng chí giám đốc và họ sẽ báo cáo số lượng máy bay đã sẵn sàng. Chúng ta sẽ cộng lại để có tổng số.

        - Có lẽ là đúng. Vậy chúng ta sẽ làm - Stalin đồng ý.

        Vị tướng không quân chen vào:

        - Nhất thiết phải có chữ ký của các giám đốc nhà máy để họ ký vào bức điện và đồng thời phải có chữ ký của đại diện bên quân sự vào bức điện.

        - Điều này cũng đúng, đồng ý - Stalin nói.

        Stalin giao nhiệm vụ cho bộ phận điện đàm, vị tướng không quân yêu cầu mời thêm tướng Xeledơnhép N.P - ngưòi đặt hàng mua máy bay. Khi Xeledơnhép N.P đến, ông được giao nhiệm vụ tính xem có bao nhiêu máy bay đang đứng ở các nhà máy.

        Đường liên lạc được nối rất nhanh, chỉ sau một lúc các bức điện từ các nhà máy đã được đặt lên bàn - Xeledơnhép cũng nhanh chóng tính xong.

        - Có bao nhiêu chiếc máy bay ở các nhà máy? - Stalin hỏi.

        - 701 chiếc.

        - Thế còn anh tính bao nhiêu? - Stalin hướng về Xeledơnhép?

        - Tôi tính được 702 - Xeledơnhép trả lời.

        - Thế tại sao số máy bay ấy không được giao?

        - Vì rằng không có phi công - Xeledơnhép trả lời.

        Câu trả lời của ông ta cho thấy là vấn đề không có tổ bay từ lâu mọi người đã rõ.

        Tôi không phải là nhà văn, mà nếu có nhà văn ở đó, thậm chí cả nhà văn tài ba, cũng không thể nào mô tả được tâm trạng của mọi người sau câu trả lời của Xeledơnhép - Tôi không biết so sánh thế nào, thậm chí là mẩu chuyện hài nổi tiếng của Gôgôn “Ngài thanh tra đang tới” cũng không so sánh được với những gì diễn ra trong phòng của Stalin lúc đó. Tất cả mọi người trong phòng, kể cả Stalin đểu như chết đứng, bất động. Chỉ mình Xeledơnhép là bình thản nhìn tất cả chúng tôi không hiểu điêu gì xảy ra. Cứ im lặng một lúc lâu như vậy, kể cả Sakhurin là người đã báo cáo đúng sự thật cũng không dám tiếp tục câu chuyện.

        Cái gì sẽ xảy ra đây? Tôi nhìn Stalin, trông ông tái nhợt và nhìn vị tướng không quân không chớp, dường như đang suy nghĩ rất lung về những gì vừa xảy ra. Hình như ông không hiểu nổi tại sao một số lượng máy bay lớn như vậy mà vị tướng kia lại không biết.

        Cuối cùng thì Stalin đã bình tâm trở lại. Ông cảm ơn Sakhurin và Xeledơnhép và chia tay họ. Tôi định bước theo thì Stalin chặn lại, ông từ từ tiến về phía vị tướng không quân, từ từ giơ tay lên và chỉ ra cửa.

        - Ra khỏi đây ngay! - Ông nói mạnh mẽ và hạ tay xuống.

        Vị tướng nọ lập tức rời khỏi phòng. Ông im lặng đi lại trong phòng rất lâu.

        Sau đó ông phân trần với tôi về việc đã để tôi chứng kiến những gì vừa diễn ra. Liệu có phải ông cố ý muốn "dành" cho tôi một bài học? Có lẽ là đúng, ấn tượng này sẽ lưu lại trong trí nhớ của tôi suốt đời.

        - Đấy, chiến đấu và làm việc với một người như vậy đấy, anh ta thậm chí không biết cái gì xảy ra ngay trong lãnh địa của mình - Stalin nói như tiếp tục luồng suy nghĩ của mình...

        Rất nhiều người biết về cá tính nóng nảy, thậm chí là độc tài của Stalin. Có cảm tưởng như số phận của vị tướng kia sau sự kiện ấy đã an bài. Không phải là sự nóng giận mà là sự nuối tiếc bao trùm lên Stalin.

        Stalin có khả năng hiểu được lỗi lầm và khó khăn nảy sinh trong chiến tranh. Vâng, ông đã từng trừng phạt, cách chức nhưng bao giờ cũng có lý do chính đáng. Nếu phạm lỗi hãy nhận khuyết điểm. Nhưng, dù rằng rất giận, trong trường hợp này vị tướng không quân vẫn được tha thứ, ông ta vẫn trưởng thành, đã được nhận huân chương và sau này đã được phong quân hàm Nguyên soái trưởng không quân.

        Tuy nhiên, do Gôlôvanốp không nêu tên ông ta, cho nên tôi cũng xin phép không làm việc đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:39:03 pm »


        Tôi đã đọc cuốn sách rất quý được xuất bản năm 1994 “Các thư tín bí mật của chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” do Thượng tướng xe tăng N.I Biriucốp - Người trong suốt những năm chiến tranh giữ chức Phó tư lệnh Bộ đội xe tăng cơ giới của Hồng quân viết. Trong cuốn sách này dẫn ra gần như là ghi chép hàng ngày các chỉ thị, mệnh lệnh, chỉ dẫn của Stalin đối với binh chủng xe tăng thiết giáp. Không có điều kiện để liệt kê hết cuốn sách để chứng minh sự quan tâm và hiểu biết sâu sắc của Stalin về chiến thuật vũ khí trang bị và quá trình sản xuất xe tăng. Nhưng để độc giả có dù là chút ít ấn tượng về các chỉ lệnh của Stalin về đề tài này, tôi xin dẫn ra vài ba ví dụ trong cuốn sách của Biriucốp:

        Ngày 3 tháng 1 năm 1942

        Chỉ thị của đồng chí Stalin

        Cần phải chuyển sang các binh đoàn cơ giới. Trong binh đoàn xe tăng có hai lữ đoàn tăng đầy đủ. Các lữ đoàn xe tăng có loại “C” (loại thiếu) với 46 xe tăng và loại lữ đoàn đầy đủ và hai lữ đoàn bộ binh với 2.500-3.000 quản. Trong binh đoàn sẽ có 187 xe tăng. Điều cho sáu phương diện quân mỗi nơi một binh đoàn và cho các quăn đoàn mỗi nơi 2 lữ đoàn thiếu. Mỗi phương diện quân ít ra phải có 2 binh đoàn cơ giới. Các đơn vị này phải có trước tháng 2 năm 1942.

        Thành lập 12 binh đoàn, lấy các Bộ tham mưu của các sư cơ giới và rút gọn lại. Trang bị thêm pháo binh, pháo phòng không, cối 82mm và 120mm.

        Thiết lập Bộ tham mưu của các lữ đoàn đầy đủ và thiếu sao cho sau này không phải thay đổi.

        Nhanh chóng tăng cường binh đoàn cơ giới cho phương diện quân Nam. Lựa chọn cán bộ cho các binh đoàn xe tăng và báo cáo để đồng chí Stalin phê chuẩn.


        (Các ghi chép trong buổi làm việc ngày 3 tháng 1 năm 1942).

        Các ghi chép này cho thấy quá trình chuẩn bị cho các cuộc tấn công của Hồng quân mùa đông 1941-1942.

        Ngày 4 tháng 1 năm 1942

        Chỉ thị của đồng chí Stalin.

        1. Ở nhà máy Kirôp giữ mức độ sản xuất xe tăng hạng nặng KB vào khoảng năm, sáu chiếc mỗi ngày. Một tháng là 150 chiếc.

        2. Ngừng sản xuất loại T-60 từ 5 tháng 7 năm 1942.

        3. Sản xuất loại T-34 khoảng 1.800-2.000 chiếc.

        4. Trang bị xe tăng nhẹ của Mỹ thay thế loại T-70.

        5. Tổ chức sản xuất tăng T-34 ở nhà máy số 37, 364 và nhà máy Kirốp.

        6. Thành lập:

        Ở Stalingrad: sáu đại đội

        Ở Gorki: năm đại đội

        Ở Tagil: chín đại đội

        7. Tạm thời chưa trang bị xe tăng cho Meresơcôp.

        8. Cụm quân của Phedorencô được cấp chín đại đội với mười chiếc T-34.

        9. Trong các binh đoàn phải có lực lượng xe tăng dự bị.

        Ngày 14 tháng 5 năm 1943, 0 giờ 10 phút.

        Chỉ thị của đồng chí Stalin.

        1. Thành lập lại quân đoàn ba xe tăng trước ngày 5 tháng 6.

        2. Tăng số lượng xe tăng ờ năm phương diện quăn lên 6.000 chiếc.

        3. Bảo đảm 15 trạm tiếp xăng dầu và pháo tự hành riêng biệt ở 5 phương diện quân.

        4. Đề nghị Bộ quốc phòng biên chế bảo đảm mỗi quân đoàn có 2 trung đoàn xe tăng.

        5. Thành lập ba binh đoàn cơ giới, trong đó có 5 trung đoàn xe tăng.

        6. Đề xuất tặng danh hiệu “Cận vệ” cho binh đoàn xe tăng số 12 và 15.

         (Ghi chép buổi làm việc ngày 14 tháng 5 năm 1943).

        Chỉ sau đó bốn ngày, các đơn vị của năm phương diện quân đã sẵn sàng để giáng trả kẻ thù, bắt đầu trận chiến ở vòng cung Kurxcơ nổi tiếng.

        Toàn quốc chờ đợi đòn phản công của Hồng quân, từ người lính, người nông dân cho đến vị tướng, đến các vị lãnh đạo đất nước, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và bản thân Tổng tư lệnh tối cao tại điện Kremli.

        Khi ra lệnh trang bị đến 6.000 xe tăng ở các phương diện quân, chúng ta có thể đoán được quy mô, tính chất của chiến dịch. Sau một thời kỳ phòng ngự chiến lược - đã đến lúc chuyển sang giai đoạn phản công - có thể nói ngắn gọn, 6.000 chiếc xe tăng chính là để chuẩn bị cho tính toán chiến lược này.

        Bộ trưởng trang bị vũ khí D.Ph.Uxtinôp nhớ lại:

        Với một trí nhớ tuyệt vời, Stalin nhớ đến từng chi tiết tất cả các cuộc thảo luận và không bỏ qua bất kỳ sơ suất nào trong bản chất của các quyết định và đánh giá. Ỏng ta biết rất rõ các vị lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, cho đến từng vị giám đốc các nhà máy và tư lệnh các sư đoàn. Nhớ các số liệu quan trọng và tình trạng trên các khu vực.

        Ông có tư duy phân tích rất sáng sủa, biết lọc ra trong vô vàn các sự kiện, các số liệu, các yếu tố, cái cốt yếu nhất, bản chất nhất. Các ý tưởng và quyết định của Stalin được hình thành rất rõ ràng, lôgic, ông không thích thừa lời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:27:35 pm »


        ... Năm 1943, trong Hồng quân bắt đầu sử dụng quân hàm có cầu vai mới. Khơrulép có nhiệm vụ thiết kế mẫu quân phục sao cho trang trọng, dẹp, được kính trọng nhưng lại phải đơn giản, tiện lợi. Khi các mẫu đã chuẩn bị xong, mọi thứ được gửi đến điện Kremli, phòng của Stalin biến thành nơi trưng bày các mẫu quân phục. Stalin chăm chú quan sát các mẫu quân phục. Ông hỏi niên hạn sử dụng của một bộ quân phục là bao lâu? Nếu trang bị mới cho toàn quân là bao lâu? Ông hỏi các nhà thiết kế về bộ trang phục của quân đội Nga cũ. Sau khi xem cả mẫu mới và mẫu cũ, ông đã đề nghị nên tận dụng mẫu quân phục của quân đội Nga cũ vì nó đã được thử nghiệm.

        Như vậy, bộ quân phục đã được thông qua chính là lấy mẫu bộ đã có từ trước, và thực tế sau này đã chứng minh quyết định đó là đúng đắn.

        Phong thái làm việc của Stalin - đòi hỏi rất hài hòa và rất thực tế. Ông không chịu được thói ồn ào (khoa trương hình thức) nếu ông đã ra mệnh lệnh, đã nói, đã giao nhiệm vụ thì cần phải làm đúng thời hạn, không qua loa. Để đạt mục đích đã đặt ra, Stalin không bao giờ dừng lại trước bất cứ khó khăn nào. Tôi không nhớ có trường hợp nào mà ông lại quyết định một vấn đề nào đó vội vàng, ông sẵn sàng lắng nghe trực tiếp ý kiến của mọi người - đặc biệt là của các chuyên gia - Nhưng sau đó thì ông rất quyết đoán, ông thường nói “nếu anh đã tin tưởng vững chắc điều đó là đúng và biết cách bảo vệ chân lý của mình, thì đừng có tính toán ý kiến phản bác của ai khác, và hãy hành động như tư duy và lương tâm của anh mách bảo...".

        Xin hãy trả lời các câu hỏi như là anh đã nghĩ trong đầu. Đừng có do dự, đoán mò. Khi nói chuyện công việc với tôi thì đừng bao giờ như vậy. Sẽ không có ích lợi gì nếu như khi trao đổi công việc mà anh cứ đoán xem ý nghĩ của tôi thế nào. Anh là chuyên gia, chúng tôi cần nghe chính kiến của anh, làm sao để tôi học được điều gì đó từ anh chứ không phải là ngược lại.

        Tổng công trình sư máy bay Iacôplép A.x nhớ lại lời của Stalin:

        - ... Mỗi một người đều có khuyết điểm và mặt yếu, không có ai là thần thánh cả. Vì vậy, với từng khuyết điểm nhỏ nhất trong công tác cần biết tha thứ - Điểu quan trọng là cần biết giữ thăng bằng. Anh thử tự đánh giá xem, liệu anh có khuyết điểm không? - Ông đặt tay lên vai tôi... Và anh cũng có mặt yếu và tôi cũng có khuyết điểm, mặc dù người ta gọi tôi là “lãnh tụ, người thầy vĩ đại” - Stalin thường đùa như vậy.

        Mặc dù Stalin là một “thiên tài”, một “lãnh tụ vĩ đại”, nhưng một mình ông không thể làm được tất cả mọi thứ. Tự Stalin cũng rất hiểu điều đó, vì vậy mà ông phân công trách nhiệm cho mọi người rõ ràng và biết dựa vào họ để điều hành công việc. Ngày 4 tháng 2 năm 1942 ông phân công:

        “Đồng chí Molotốp V.M: Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Hội đồng quốc phòng về sản xuất xe tăng và các vấn đề liên quan.

        Đồng chí Malencôp G.M và Bêria L.P:

        a) Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của ủy ban an ninh quốc gia về sản xuất máy bay và xe cơ giới, chuẩn bị các vấn đề liên quan.

        b) Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết hội đồng an ninh về hoạt động của không quân.

        - Đồng chí Malencốp G.M: Kiểm tra thực hiện nghị quyết về Bộ tham mưu các đơn vị của Đại bản doanh.

        - Đồng chí Bêria L.P: Kiểm tra thực hiện nghị quyết về sản xuất trang bị, súng cối.

        - Đồng chí Vôdơnhexinxki N.A:

        a)  Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của hội đồng an ninh về sản xuất súng đạn.

        b) Kiểm tra thực hiện nghị quyết về kim loại đen và chuẩn bị các vấn đề liên quan.

        - Đồng chí Micoian A.I: Kiểm tra công việc trang bị cho bộ đội (xăng dầu, quân phục, lương thực...).

        Chịu sự kiểm tra của đồng chí Micoian là tất cả các đầu mối trang bị và giao thông dưới mọi hình thức.

        Sự phân công này được mọi người thực hiện đầy đủ dưới sự chỉ huy chung của Stalin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2019, 10:59:21 pm »

       
BƯỚC NGOẶT CHIẾN LƯỢC TRẬN CHIẾN TRÊN SÔNG VÔLGA

        Đây quả thực là một trong những trận chiến vĩ đại nhất mà lịch sử quân sự đã được chứng kiến. Hãy tự đánh giá xem: trận bao vây ở Cannam do Anibal thực hiện đã trở thành một trận kinh điển về chiến tranh công thành, bao vây tiêu diệt kẻ địch. Trong trận này phía quân La Mã có 63 ngàn bộ binh và 6 ngàn kỵ binh, Còn Anibal có 40 ngàn bộ binh và 10 ngàn kỵ sĩ. Anibal lập thế trận theo hình móng ngựa, đánh mạnh vào hai bên sườn bộ binh quân La Mã và buộc chúng chui vào rọ đã chuẩn bị sẵn. Anibal kéo sập “Móng ngựa” bằng cách tung kỵ binh từ tuyến sau lên. Toàn bộ quân La Mã đã bị tiêu diệt. Chính là trận Stalingrad cũng đã được dàn thế trận như vậy.

        Vào đầu thế kỷ 19, Napoleont đã huy động 600 ngàn quân để hòng chiếm nước Nga. Còn ở trận Stalingrad, riêng phía Đức đã tham gia hơn một triệu quân, 675 xe tăng, hơn 10 ngàn vũ khí pháo, 1.216 máy bay. về phía Hồng quân cũng tham gia trên một triệu quân, 15.500 vũ khí pháo và cối, 1.463 xe tăng và 1.350 máy bay.

        Về mặt không gian, trận Stalingrad kéo dài trên trận tuyến hơn 500km. Hàng trăm tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm nhất, hàng ngàn chiến công được lập ở tất cả các cấp từ vị nguyên soái đến người binh nhì.

        Tuy vậy, đến những năm 60, một số tác giả đã “xoay chiều”, có nhiều tác giả đã thay đổi cách đánh giá của mình. Năm 1961, bộ sách sáu tập về lịch sử “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945”. Trong đó chiến dịch Stalingrad được dành 73 trang, trong đó không hể nhắc một chữ nào đến tên Stalin, thậm chí hoàn toàn đưa những tên tuổi khác vào lịch sử tổ chức trận chiến Stalingrad vĩ đại. Chúng ta hãy thử lật lại một số đoạn của các tác giả này:

        “Ngày 6 tháng 10, Tư lệnh phương diện quân Stalingrad -  Thượng tướng Erêmencô và ủy viên Hội đồng quân sự -  Trung tướng N.X Khơrutxốp gửi Bộ Tổng tư lệnh kiến nghị của mình về tổ chức và tiến hành trận tấn công”.

        Chúng ta hãy xem trong hồi ký của mình - Nguyên soái Erêmencô nhắc đến “sáng kiến” về kế hoạch trận Stalingrad như thế nào:

        “Vào tháng 9 năm 1942, tôi nói chuyện với Tổng tư lệnh:

        - Đồng chí Stalin, đã đến lúc cần chuẩn bị để tiến lên phía bắc hoặc xuống phía nam, các điều kiện đã chín muồi.

        - Tốt, đồng chí Erêmencô - Stalin trả lời - Chúng ta sẽ chuẩn bị để chuyển hướng.

        Sau đó, tôi đã nói lại câu chuyện này với Nikita Khơrutxốp (nên nhớ cuốn hồi ký này xuất bản năm 1961, tức là khi Khơrutxốp đã là Tổng Bí thư). Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi đã bàn cụ thể về kế hoạch tấn công, về lực lượng dự bị... Sau đó, chúng tôi thảo thành kế hoạch và gửi cho Tổng tư lệnh, trên cơ sở đó đã xuất hiện văn kiện về ý tưởng tấn công phát xít Đức ở mặt trận Stalingrad".

        Nếu theo các đoạn trích dẫn này thì công lao khởi thảo kế hoạch tấn công ở mặt trận Stalingrad với tất cả ánh hào quang chiến thắng của nó đều thuộc về Erêmencô và Khơrutxốp?

        Vậy trong thực tế thì ý tưởng về chiến dịch Stalingrad hình thành thế nào? Ai là người khởi thảo và ai là người thực hiện?

        Hitle khi thực hiện ý đồ chiếm khu vực dầu mỏ, đã quyết định ném quân đoàn số 4 từ hướng Capcadơ sang mặt trận Stalingrad. Với ý đồ chia cắt nước Nga thành hai phần. Đứng trước âm mưu này, Hồng quân cần phải tập trung mọi lực lượng để bảo vệ Stalingrad.

        Ngày 27 tháng 8 năm 1942, Stalin cho gọi Giucốp về Moxcơva, trông ông không được khỏe, sau khi chào hỏi, ông nói:

        - Mọi việc ở phía nam không được tốt, rất có nguy cơ là quân Đức sẽ chiếm được Stalingrad và sẽ tiến đến gần mỏ dầu ở Bakin.

        Stalin hạ thấp giọng và tiếp:

        - Hội đồng quốc phòng đã quyết định bổ nhiệm đồng chí là Phó tổng tư lệnh và quyết định cử đồng chí đến khu vực Stalingrad. Hiện nay, ở đó đã có các đồng chí Vaxilepxki, Malencốp và Malưxép, khi nào thì đồng chí có thể đi được?

        Giucốp trả lời:

        - Tôi cần một ngày, thưa đồng chí Stalin. Tôi cần nghiên cứu kỹ tình hình ở Bộ Tổng tham mưu, ngày mai tôi sẽ tới Stalingrad.

        Stalin nói:

        - Rất tốt, anh có đói không? Đột nhiên Stalin hỏi - Chúng ta cùng ăn nhẹ một chút nhé.

        Họ đã ngồi uống nước trà và một vài món ăn nhẹ.

        Sau đó, Stalin thông báo tình hình ở mặt trận, và nói:

        Tôi đã điều hai quân đoàn dự bị số 24 và 66 để tấn công vào bên cạnh sườn của quân địch. Anh cần phải có các hành động để ngày 2 tháng 9 quân đoàn của tướng Mackalencô phải chuyển sang phản công và nhanh chóng đưa hai quân đoàn 24 và 66 vào trận, nếu không sẽ rất khó giữ Stalingrad”.

        Sau khi đến mặt trận, Giucốp đã cùng Vaxilepxki và Tư lệnh phương diện quân Trung tướng Gorđốp khởi thảo kế hoạch cụ thể để thực hiện mệnh lệnh mà Stalin đã trao là phải đưa quân đoàn cận vệ số một vào phản công - Giucốp đã điện thoại cho Stalin và xin phép lùi trận phản công đến ngày 6 tháng 9, Stalin đồng ý và yêu cầu Vaxilepxki nhanh chóng trở về Moxcơva.

        Ngày 3 tháng 9, Stalin điện cho Giucốp:

        “Tình hình ở Stalingrad rất xấu. Stalingrad có thể bị chiếm ngày hôm nay hoặc ngày mai, nếu cụm quân phía bắc không hỗ trợ kịp thời. Hãy yêu cầu tư lệnh các đơn vị phía tây và tây bắc Stalingrad nhanh chóng tấn công quân địch để cứu nguy cho Stalingrad. Không được phép chậm trễ, sự chậm trễ là tội lỗi. Hãy đưa tất cả không quân vào trận để hỗ trợ Stalingrad”.

        Giucốp tiếp tục đề nghị chuẩn bị để tấn công vào ngày 5 tháng 9. Cuối cùng Stalin đồng ý nhưng nhắc Giucốp: nếu quân địch đồng loạt chuyển sang tấn công thì phải nhanh chóng tấn công chúng trước.

        Sáng sớm ngày 5 tháng 9, trận tấn công được bắt đầu. Sau đợt tấn công “dọn đường” của pháo binh và không quân, cả ba quân đoàn đã chuyển sang tấn công, nhưng đợt tấn công này không đạt được kết quả như mong muốn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2019, 08:42:38 pm »


        Sau báo cáo của Giucốp, Stalin tiếp tục yêu cầu:

        - Hãy tiếp tục tấn công, nhiệm vụ chính của anh là lôi kéo lực lượng địch ra khỏi Stalingrad càng nhiều càng tốt.

        Tuy nhiên, trong các trận chiến đấu tiếp theo Hồng quân bị tổn thất rất nặng. Sau khi nghe Giucốp báo cáo, Stalin yêu cầu Giucốp bay trở về Moxcơva ngay. Rõ ràng là Stalin muốn bàn bạc về các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải tỏa tình hình nguy ngập ở Stalingrad. Khi Giucốp bước vào phòng, Stalin hỏi:

        - Phương diện quân Stalingrad phải làm gì để giải tỏa gọng kìm của kẻ địch và nối thông với phương diện quân Đông Nam?

        - Ít nhất phải có bổ sung một quân đoàn trang bị đầy đủ -  Giucốp trả lời - Trong đó, có cả binh đoàn xe tăng, không ít hơn 400 đơn vị pháo và tập trung hỏa lực của một quân đoàn không quân.

        Vaxilepxki ủng hộ ý kiến của Giucốp.

        Stalin yêu cầu Giucốp và Vaxilepxki trở về Bộ Tổng tham mưu và tính toán cụ thể về thời hạn và việc tập trung lực lượng.

        Ngày hôm sau, lúc 22 giờ Giucốp và Vaxilepxki lại đến phòng Stalin để báo cáo. Stalin hỏi:

        - Liệu có phải là tốt hơn không nếu tổ chức tấn công theo hướng từ bắc xuống nam và từ nam lên bắc dọc theo sông Đông?

        - Không, quân Đức có thể nhanh chóng rút từ Stalingrad về các sư đoàn môtô cơ giới và chặn đánh quân ta - Nếu ta tấn công ở phía Tây sông Đông thì quân địch sẽ bị vướng sông và không thể đưa lực lượng dự bị ra để đối đầu với lực lượng của ta được - Giucốp trả lời.

        Giucốp và Vaxilepxki giải thích rằng, chiến dịch được chia làm hai giai đoạn:

        Giai đoạn một, phá vỡ tuyến phòng ngự, bao vây lực lượng quân Đức ở Stalingrad và cách ly lực lượng này ra khỏi lực lượng bên ngoài; thứ hai, tiêu diệt lực lượng quân địch bị bao vây.

        - Cần tiếp tục suy nghĩ về lực lượng dự trữ - Tổng tư lệnh nói - Còn bây giờ nhiệm vụ chính là giữ vững Stalingrad, những gì chúng ta vừa bàn ở đây chỉ có ba người được biết, không một người nào khác được biết điều này...

        Như vậy, ý đồ về trận chiến vĩ đại trên sông Đông đã ra đời. Rõ ràng những ý kiến của Erêmencô về cái gọi là “ý tưởng tấn công” do ông ta và Khơrutxốp đưa ra hoàn toàn là không có thực.

        Để khẳng định rõ ràng sự thật ai là tác giả đích thực kế hoạch  tấn công ở Stalingrad, chúng ta hãy xem bản đồ chiến đấu còn lưu trữ trong kho lưu trữ Bộ Tổng tham mưu với tên gọi “Kế hoạch phản công ở khu vực Stalingrad”. Ở góc phía dưới là tên tác giả: G.K Giucốp và A.M Vaxilepxki. Ở phía trên bên trái là chữ bằng mực xanh “Phê duyệt” với chữ ký của Stalin.

        Sau khi dẫn ra đoạn hồi ký này, theo tôi không còn gì phải nghi ngờ về công lao của ba vị danh tướng trong việc khởi thảo và tiến hành chiến dịch tấn công này: Đó chính là Stalin, Giucốp và Vaxilepxki.

        Trong lúc chuẩn bị cho đợt phản công, Giucốp và Vaxilepxki đã trình bày với Tổng tư lệnh về khả năng Bộ tư lệnh quân Đức khi gặp nguy cơ bị bao vây ở Stalingrad sẽ có thể điều chuyển các đơn vị từ các khu vực khác về để cứu nguy cho cụm quân ở phía nam. Để ngăn chặn khả năng này cần phải nhanh chóng chuẩn bị để tấn công ở khu vực bắc Viadơma.

        Stalin hỏi sẽ cử ai để làm được công việc này? Giucốp trả lời:

        - Chiến dịch Stalingrad đã được tính toán kỹ mọi mặt -  Vaxilepxki có thể nắm công việc ở khu vực Stalingrad, còn tôi sẽ nắm công việc chuẩn bị tấn công ở phương diện quân Kalinin và phương diện quân Tây.

        Stalin đồng ý với ý kiến của Giucốp - Ông hiểu rằng sự xuất hiện của Giucôp ở phương diện quân “Tây” sẽ kéo theo sự chú ý của tình báo Đức. Từ kinh nghiệm quân Đức đã hiểu rằng: ở đâu có Giucôp, ở đó đang chuẩn bị tấn công. Điều này sẽ có lợi cho trận tấn công ở Stalingrad vì quân Đức sẽ không dám rút quân từ những nơi có mặt Giucốp để về cứu viện cho Stalingrad. Tuy nhiên, Stalin vẫn yêu cầu Giucốp:

        - Hãy bay đến Stalingrad, kiểm tra công tác chuẩn bị của Bộ chỉ huy và bộ đội ở đó trước sau đó hãy đến Rgiep.

        Trong những ngày chuẩn bị chiến dịch phản công, Stalin rất quan tâm thành lập hai quân đoàn xe tăng với ý đồ dùng lực lượng này để thực hiện khóa chặt vòng vây. Stalin gọi điện cho giám đốc các nhà máy hàng ngày để yêu cầu nhanh chóng cung cấp xe tăng cho các đơn vị.

        Chiến dịch Stalingrad kéo dài 200 ngày, trong thời gian đó đã tiêu diệt sáu quân đoàn bộ binh và bốn quân đoàn xe tăng của địch, hai quân đoàn của Rumania và một quân đoàn của Ý. Tổng số tổn thất của quân địch đến nửa triệu quân.

        Với kết cục của chiến dịch vĩ đại này đã bắt đầu một cục diện mới cho cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Quân ta đã chuyển sang nắm được quyền chủ động về chiến lược. Uy tín của Liên Xô được nâng cao. Chiến thắng này chứng minh nghệ thuật chỉ huy lỗi lạc của Bộ chỉ huy và lòng dũng cảm vô bờ của Hồng quân. Bộ máy chiến tranh của Đức bị rung chuyển, các đồng minh của Đức như Nhật, Ý, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ... bắt đầu dao động và tìm cách tách ra khỏi ảnh hưởng của Đức.

        Nhân dân và quân đội Xô Viết tự hào về thắng lợi chiến lược quan trọng này, trong đó Tổng tư lệnh Stalin đóng vai trò rất to lớn trong khởi thảo, xây dựng và thực hiện chiến dịch. Ông chỉ huy chiến dịch từng ngày và đặc biệt là công lao to lớn của ông trong việc xây dựng lực lượng dự bị chiến lược cho Hồng quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:13:59 am »


CHIẾN DỊCH BAO VÂY

        Stalin hiểu rằng: cần phải tìm cách nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị quân địch đang bị bao vây ở Stalingrad. Lúc đó kế hoạch bao vây tiêu diệt quân địch đã được khởi thảo. Ngày 19 tháng 12, sau khi thảo luận, Stalin đã ký phê duyệt kế hoạch này và chỉ định tướng Vôrônốp làm đại diện Đại bản doanh ỏ mặt trận. Do tính chất cần sử dụng pháo binh và không quân để giải quyết chiến dịch, nên Stalin đã bổ nhiệm một vị tướng pháo binh làm đại diện cho Đại bản doanh.

        Stalin giao nhiệm vụ cho chiến dịch trong vòng năm đến sáu ngày phải tiêu diệt các đơn vị quân địch đang bị bao vây. Năm đến sáu ngày là một thời hạn quá ngắn, nhưng Stalin đang vội, ông muốn nhanh chóng giành thắng lợi của chiến dịch. Trong một phiên họp, ông đề nghị:

        - Sự chỉ huy chiến dịch tiêu diệt quân địch cần được tập trung vào một người. Thời điểm này mà có hai vị chỉ huy mặt trận thì sẽ ảnh hưởng đến nhau. Theo các anh thì nên trao cho ai là chỉ huy trưởng?

        Có ai đó đề cử Rôcôxôpxki.

        Giucốp nói:

        - Erêmencô sẽ không hài lòng nếu quyền chỉ huy được tập trung vào tay Rôcôxốpxki.

        - Bây giờ không phải là lúc hài lòng hay không hài lòng -  Stalin trả lời - Anh hãy gọi điện cho Erêmencô và giải thích với anh ta về quyết định của Bộ Tổng tư lệnh.

        Mặc dù Erêmencô đã gọi điện cho Stalin, đề nghị cho ông ta tiếp tục giữ cương vị chỉ huy phương diện quân, nhưng Stalin đã quyết định giao cho Rôcôxốpxki làm tư lệnh cả ba phương diện quân ở khu vực Stalingrad.

        Ngày 10 tháng 1 năm 1943, 7 ngàn khẩu pháo đã khai hỏa vào các vị trí của quân địch trong vòng 55 phút. Sau đó trận tấn công đã bắt đầu. Sau năm 5 ngày tấn công, quân địch vẫn phòng thủ rất chặt. Đến ngày 16 tháng 1 năm 1943 thì vòng vây đã khép rất chặt. Rôcôxôpxki triệu tập phiên họp, có một số ý kiến đề nghị kế hoạch tấn công nên lùi lại hai - ba ngày để trang bị đủ vũ khí đạn dược. Nhưng Rôcôxốpxki đã ra lệnh:

        - Không dừng một phút nào! Phải tiếp tục tấn công với sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, không quân, cần nhanh chóng tiêu diệt kẻ thù.

        Ngày 18 tháng 1 năm 1943, trong lúc Vôrônốp đang ngủ sau một chuyến đi thị sát ở tiền duyên thì người ta đánh thức ông và thông báo, theo thông báo trên radio thì Hồng quân đã được quyết định có thêm danh hiệu “Nguyên soái pháo binh” và Vôrônốp là người đầu tiên được phong quân hàm này.

        Trong lúc đó, thì phía quân Đức, ngày 20 tháng 1 là ngày lễ kỷ niệm mười năm Hitle lên nắm quyền trong bộ máy ở Đức - tướng Pauluýt gửi điện cho:

        “Quân đoàn 6 xin gửi tới Ngài lời chúc mừng nhản dịp lễ kỷ niệm ngày Ngài lên nắm chính quyền. Trên bầu trời Stalingrad đang tung bay lá cờ chữ thập ngoặc. Hãy để cho cuộc chiến của chúng ta trở thành tấm gương cho thế hệ ngày nay và mai sau về việc chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng, kể cả trong tình huống vô vọng nhất. Lúc đó, nước Đức sẽ chiến thắng.

        Hitle muốn năm!


Pauluýt, Thượng tướng”       

        Hitle lập tức trả lời:

        “Gửi Thượng tướng Pauluýt!

        Toàn thể dân tộc Đức với sự xúc động dõi nhìn về thành phố  Stalingrad. Như các sự kiện khác trong lịch sử thế giới sự hy sinh này là không uổng phí... Chỉ đến bây giờ cả dân tộc Đức mới bắt đầu cảm nhận toàn bộ gánh nặng của cuộc chiến này và rằng nó đã phải chịu đựng những tổn thất to lớn.

        Luôn hướng về anh và các chiến binh của anh.


Adolph Hitle"       

        Một ngày sau khi trao đổi những bức điện tuyệt vọng này, ngày 31 tháng 1 năm 1943, Hitle chợt nghĩ rằng tại sao lại không khích lệ một vị tướng sẵn sàng hy sinh như vậy? Và lập tức một bức điện nữa của Hitle được gửi đến Stalingrad - Hitle phong Phridrich Pauluýt lên cấp Thống chế. Một mặt, động tác này nhằm củng cố tinh thần chiến đấu cho vị tư lệnh quân đoàn 6, mặt khác trong tâm thức ông ta hy vọng rằng “Vị thống chế không bao giờ đầu hàng để bị bắt làm tù binh”.

        Nhưng ý nghĩ của Hitle không được thực hiện, đúng vào ngày nhận được lệnh phong hàm Thống chế, Pauluýt đã đầu hàng quân Nga.

        Khi nhận được tin báo về sự đầu hàng này, Hitle đã không giữ được bình tĩnh, ông ta đã nổi giận và kêu lên:

        - Làm sao mà hắn ta lại có thể đầu hàng bọn Bônsêvich? Thật là hèn nhát!... Đây là một tấm gương rất xấu cho binh lính, không thể đòi hỏi họ chiến đấu tiếp tục.

        Để che giấu binh lính và nhân dân Đức về sự đầu hàng của Pauluýt và 95 ngàn quân Đức, phía Đức đã thông báo trên radio và báo chí về sự thất bại như sau:

        “Trận chiến ở Stalingrad đã kết thúc. Quân đoàn 6 dưới sự chỉ huy gương mẫu của Thông chế Pauluýt đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng theo đúng lời thề quân sự và đã hy sinh anh dũng trước lực lượng vượt trội của kẻ thù. Dưới lá cờ chữ thập giương cao trên cao điểm đầy khói lửa của Stalingrad đã diễn ra trận quyết chiến cuối cùng. Các tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã kề vai chiến đấu đến viên đạn cuối cùng...”.

        Toàn nước Đức đã tuyên bố quốc tang, cờ Quốc xã đính băng đen rủ xuống với điệu nhạc tử sĩ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:14:19 am »


        Tôi xin trích ra một số đoạn trong biên bản hỏi cung Thống chế Pauluýt mà tôi thấy là rất thú vị trong hồi ký của Rôcôxốpxki:

        “Trong phòng có tôi cùng Vôrônốp và đồng chí phiên dịch. Khi cửa mở, đồng chí trực ban báo cáo là Pauluýt đã tới. Chúng tôi nhìn thấy một sĩ quan Đức cao, gầy và rất tể chỉnh trong bộ quân phục cấp tướng. Chúng tôi mời ông ta ngồi. Trên bàn lúc ấy có thuốc lá. Tôi mời ông ta hút thuốc và nước trà nóng - Đây thực ra không phải là buổi hỏi cung. Chúng tôi chủ yếu hỏi ông ta về tình hình tù binh Đức. Pauluýt đề nghị không hỏi các câu để buộc ông ta phải trả lời vi phạm lời thề người lính, chúng tôi đồng ý. Vôrônốp đề nghị:

        - Ông buộc phải ngay lập tức ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyển ở cụm quân phía bắc phải ngừng chống cự quân Nga... Pauluýt từ chối với lý do vì ông ta đã là tù binh không thể tiếp tục ra lệnh được.

        - Đây là vấn đề nhân đạo - Vôrônốp nói - Chúng tôi có đủ lực lượng và khả năng để tiêu diệt các anh trong vòng một hoặc ngày, thậm chí là trong vài tiếng đồng hồ. Sự chống cự của các đơn vị quân Đức là vô vọng, nhưng sẽ làm hy sinh hàng chục ngàn sinh mệnh. Ông có trách nhiệm phải cứu lấy các sinh mệnh ấy.

        - Tôi có ký mệnh lệnh thì cũng không ai chấp hành vì họ biết tôi đã bị bắt và không còn là tư lệnh của họ nữa.

        - Không nên nói đến uy tín của anh mà là sinh mệnh hàng chục ngàn con người - Vôrônốp tiếp tục yêu cầu. Ồng sẽ phải chịu trách nhiệm trước dân tộc Đức và nước Đức trong tương lai.

        Pauluýt biết là không thể từ chối, nhưng thần kinh rất căng thẳng, cuộc hỏi cung lần đầu tiên với Pauluýt dừng ở đây”.

        Trong cuộc hỏi cung lần thứ hai, ngày 2 tháng 2, Rôcôxốpxki ra câu hỏi:

        - Tại sao ông, một người được chuẩn bị rất kỹ về lý luận và là một tướng lĩnh có kinh nghiệm lại có thể phạm một sai lầm nghiêm trọng như vậy khi đưa một lực lượng lớn quân đội vào vòng vây (chúng ta nhớ Pauluýt chính là người chuẩn bị và trình bày kế hoạch Barbarossa trước Bộ chỉ huy Đức trước chiến tranh - N.D).

        - Cuộc phản công tháng 11 của Hồng quân đã làm cho tôi rất bất ngờ - Pauluýt trả lời.

        - Sao? Chả lẽ anh đã dùng một lực lượng để chọc thủng tuyến phòng ngự tiến về phía sông Volga chỉ là để trải qua cả một mùa đông ở đó mà không biết gì về đợt phản công mùa đông của Hồng quân à? - Vôrônốp hỏi.

        - Không, theo kinh nghiệm của mùa đông thứ nhất thì tôi có thể đoán là Hồng quân sẽ tấn công, nhưng với một quy mô to lớn thế này thì tôi hoàn toàn không ngờ...

        - Theo anh thì kết cục của chiến dịch Stalingrad sẽ tác động ra sao đến toàn cục cuộc chiến tranh?

        Pauluýt trả lời rằng đã lâu không có được đầy đủ thông tin của toàn mặt trận nên không thể đánh giá được. Vôrônốp lập tức yêu cầu mang bản đồ chiến sự các mặt trận cho đến ngày 2 tháng 2 để cho Pauluýt xem. Pauluýt nhìn bản đồ và tỏ ra không tin.

        Sau một loạt các câu hỏi, Pauluýt thừa nhận chiến dịch Stalingrad của Hồng quân quả thật là một trận đánh kinh điển trong nghệ thuật quân sự.

        - Nhưng sự phòng ngự kiên cường trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ của chúng tôi cũng có thể được coi là một trận phòng ngự kinh điển - Pauluýt cố bổ sung thêm.

        Vôrônốp cho rằng cuộc hỏi cung không để lại ấn tượng tốt, rằng Pauluýt là con người thiếu tập trung, không có ý kiến độc lập. Tôi không đồng tình với nhận định này của Nguyên soái, theo tôi Pauluýt là người có cách suy nghĩ độc lập. Ông ta biết rất rõ là đến một lúc nào đó ông ta sẽ bị phán quyết về những gì mình nói ra, kể cả trước Hitle, nên nhớ là vào đầu năm 1943, Pauluýt cho rằng họ chưa phải là người thất bại trong cuộc chiến tranh. Mặc dù, họ đã thua trong trận Stalingrad nhưng toàn bộ quân Đức vẫn ở ngay trên bờ sông Volga, cách không xa Moxcơva. Có nghĩa là quân Đức có thể tập hợp lại lực lượng và đến lúc đó Pauluýt sẽ phải đứng trước sự nổi giận của Hitle.

        Như chúng ta đã biết về số phận của Pauluýt về sau này, lập trường chính trị của ông ta đã thay đổi, ông phản đối chủ nghĩa phát xít và trở thành thành viên phong trào chống phát xít “nước Đức tự do”. Ông vui mừng với thành tựu của nước Cộng hòa dân chủ Đức.

        Đây chính là một ví dụ về việc Stalin đã cải tạo một trong những nhân vật phát xít như thế nào và ngày 24 tháng 10 năm 1953 khi Pauluýt, một trong những tác giả chính của kế hoạch “Bararossa” trở về từ trại tù binh của Liên Xô đã viết thư cảm ơn chính phủ Liên Xô với câu kết như sau:

        “Trước khi tôi ròi Liên bang Xô Viết, tôi muốn nói với nhân dân Liên Xô rằng, khi tôi đến đất nước của họ như một kẻ thù mù quáng, thì nay khi rời đất nước này tôi sẽ là bạn của họ”.

        Pauluýt mất ngày 1 tháng 2 năm 1957 khi đã là công dân của nước Cộng hòa dân chủ Đức.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM