Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:15:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại nguyên soái Stalin  (Đọc 27668 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2019, 11:18:01 pm »


CÔNG CUỘC CHUẨN BỊ CHO CÁC TƯỚNG LĨNH

        Cuối tháng 12 năm 1940, Stalin chủ trì một hội nghị quân sự quan trọng, tham gia hội nghị này có các tư lệnh và tham mưu trưởng các quân khu và các quân đoàn, các ủy viên Hội đồng quân sự, giám đốc các học viện quân sự, các giáo sư, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu. Ngoài ra, một số ủy viên Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã dự hội nghị.

        Báo cáo chính về công cuộc chuẩn bị quốc phòng của Hồng quân Liên Xô do Đại tướng K.A. Merescốp, Tổng tham mưu trưởng đọc. Ông ta đặc biệt nhấn mạnh các yếu điểm trong việc chuẩn bị đội ngũ chỉ huy cấp cao và các cán bộ tham mưu ở tất cả các cấp.

        Giucôp đọc một báo cáo quan trọng về: “Các đặc điểm của chiến dịch tấn công hiện đại”. Thượng tướng D. Paplôp trình bày một báo cáo rất hay về: “Sử dụng các binh đoàn cơ động trong chiến dịch tấn công hiện đại”.

        Tham mưu trưởng Không quân Liên Xô, Trung tướng Rưchagốp, người đã được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha đã đọc báo cáo về: “Lực lượng không quân trong chiến dịch tấn công hiện đại và cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không”. Trong phần phát biểu, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, kinh nghiệm bổ ích và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa quân đội, phát triển các binh đoàn xe tăng, thiết giáp và mô tô cơ giới, đồng thời cần tìm hiểu các kinh nghiệm chiến đấu của phương Tây. Cuộc hội nghị này được tổ chức theo sáng kiến của Stalin. Ngay sau hội nghị, Stalin đã cho triệu Timôsencô và phê bình về việc bài kết luận hội nghị đã không được ông thông qua trước. Timôsencô trả lời:

        - Tôi đã gửi cho đồng chí bản dự thảo và nghĩ rằng nếu đồng chí không có ý kiến gì tức là mọi thứ đều đúng. Chi tiết này cho thấy Stalin có ý định tham gia phiên bế mạc hội nghị, nhưng vì một lý do nào đó đã không đến được.

        Ngày hôm sau bắt đầu một cuộc tập trận lớn. Stalin hỏi Timôsencô:

        - Ai chỉ huy các bên tham gia tập trận?

        - Quân xanh do đại tướng Giucốp chỉ huy, quân đỏ do thượng tướng Paplốp chỉ huy - Timôsencô trả lời.

        - Tốt - Stalin nói - Nhưng khi kết thúc tập trận thì triệu tập các tướng lĩnh ở chỗ tôi, tại điện Kremli.

        Trong buổi giảng bình cuộc tập trận, sau các lời phát biểu của Timôsencô, Meretscốp, Paplốp, Giucốp đã phát biểu:

        - Để nâng cao trình độ cho các bộ chỉ huy và tham mưu, cần phải tiến hành các cuộc tập trận với quy mô lớn, với các trang thiết bị thông tin hiện đại. Giucốp tỏ ra không yên tâm khi nói rằng: ở Bêlôrutxi, tuyến phòng thủ được xây dựng quá gần biên giới, điều đó rất bất lợi về mặt chiến thuật, đặc biệt là ở khu vực Bêlôxtốc, kẻ thù có thể lợi dụng điểm yếu này để đánh vào pháo đài Brext và Xuvalki và tiến vào hậu phương của chúng ta. Ngoài ra, do các tuyến phòng thủ quá gần đường biên giới sẽ bị nằm dưới tầm hỏa lực của pháo binh địch. Tôi cho rằng tuyến phòng thủ cần phải xây dựng ở một vị trí sâu hơn.

        Stalin cho rằng: chiến thắng trong cuộc chiến sẽ thuộc về bên nào có nhiều xe tăng và các quân đoàn cơ giới hơn. Ngày hôm sau, Stalin cho gọi Giucốp vào điện Kremli, không vòng vo dài, Stalin nói luôn:

        - Bộ chính trị đã quyết định cho Meretscốp thôi giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng và bổ nhiệm anh giữ trọng trách này.

        Đối với Giucốp, điều này rất bất ngờ, không phải chỉ là vì ông không cho mình là sĩ quan tham mưu chuyên nghiệp, mà còn là vì một chức vụ cao như thế chưa bao giờ có trong ý nghĩ của ông. Sau một hồi do dự, Giucốp nói:

        - Tôi chưa bao giờ làm việc trong các Bộ tham mưu, luôn luôn chỉ làm việc ở đơn vị cơ sở, tôi không thể lãnh trọng trách là Tổng tham mưu trưởng.

        - Bộ chính trị đã quyết định bổ nhiệm đồng chí - Stalin nhắc lại.

        Giucốp hiểu rằng phản đối lại nghị quyết của Bộ chính trị, mà lại do chính Stalin truyền đạt là điều không thể chấp nhận được, vì vậy đã trả lời:

        - Vâng, nhưng nếu không trở thành Tổng tham mưu trưởng tốt thì đề nghị trả tôi về đơn vị cơ sở.

        Stalin mỉm cưới:

        - Thống nhất như vậy nhé, ngày mai Trung ương sẽ ra nghị quyết.

        Về mới quan tâm của Stalin đến từng người cán bộ một, tôi rất ngạc nhiên về kết luận của Nguyên soái Erêmencô trong hồi ký của mình xuất bản năm 1964: “Stalin rất xa cách với các đơn vị, ông không chú ý lắng nghe ý kiến của các tướng lĩnh. Điều này được minh chứng là vị Tổng chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh tối cao không có mặt ở Hội đồng quân sự, nơi thường xem xét và thảo luận các vấn đề chủ yếu của học thuyết quân sự”.

        Khi Stalin còn sống, Erêmencô rất được Stalin “cưng”, Bộ Tổng chỉ huy khi đó đã tha thứ cho Erêmencô rất nhiều sai sót và thất bại trong khi tiến hành các chiến dịch (nỗi nhục của Erêmencô là sự thất bại trong trận chiến tay đôi năm 1942 với Guderian). Ngay sau chiến tranh, trong các bài báo và sách của mình, Erêmencô đã ca ngợi hết lời Stalin là “vị tướng vĩ đại của mọi thời đại và mọi dân tộc”. Nhưng khi vừa xuất hiện vị Tổng Bí thư mới - Khơrutxốp, người rất căm ghét Stalin, thì Erêmencô đã lập tức đổi giọng như đã dẫn ở trên. Có lẽ đó là phép biện chứng - mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đều trôi qua? Không phải là vô cớ khi người ta thường nói: cùng với thời gian con người sẽ mất cả sức khỏe, cả vẻ đẹp, cả lòng tự trọng và chỉ có sự ngu ngốc là không bao giờ thay đổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2019, 11:18:42 pm »


CÁC KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC

        Ngay từ thời cổ đại, mỗi một chiến tướng hoặc người đứng đầu nhà nước khi suy nghĩ về khả năng xảy ra chiến tranh hay là khi khởi thảo kế hoạch để tấn công một kẻ thù nào đó đều phải tính toán trước khả năng, lực lượng của mình và cả lực lượng của kẻ thù. Ở thời cổ đại thì các tính toán này thường chỉ có trong đầu các tướng lĩnh. Cùng với thời gian, số lượng các binh đoàn tham gia chiến tranh và quy mô của chiến tranh mở rộng ra, đòi hỏi người chỉ huy tất cả các cấp phải nắm được kế hoạch tác chiến, lúc đó đã xuất hiện nhu cầu phải xây dựng kế hoạch bằng văn bản.

        Vào thế kỷ 19, khi tham gia các cuộc chiến tranh không chỉ là quân đội mà là cả một dân tộc, không chỉ là các lực lượng quân sự mà cả các sức mạnh kinh tế, thì cuộc chiến cũng đòi hỏi được xây dựng kế hoạch một cách chi tiết.

        Thê thì liệu vào thời điểm chiến tranh, chúng ta đã có kế hoạch này chưa? Chắc chắn là có. Tuy nhiên, như về sau này được làm rõ, các bộ phận của kế hoạch này chưa phù hợp với tình hình chính trị quốc tế lúc đó và đặc biệt là chưa tính được hết các phương thức tiến hành chiến tranh mà Hitle đã áp dụng trong cuộc chiến ở châu Âu.

        Không cần phải suy nghĩ sâu lắm, chúng ta cũng có thể hiểu tại sao lại dẫn đến tình trạng này - Nếu Tổng tham mưu trưởng lúc đó, Egôrốp, người lãnh đạo xây dựng kế hoạch  phòng thủ lại là “gián điệp nước ngoài”, và nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao khác như Nguyên soái Tukhachepxki - Thứ trưởng Bộ quốc phòng và gần như tất cả tư lệnh các quân khu cũng là “gián điệp nước ngoài” thì rất dễ hiểu là toàn bộ hoặc các phần chủ yếu của kế hoạch đã bị tiết lộ cho kẻ thù.

        Chúng ta đều biết là từ 1928 đến 1931 thì Sapôsnhicốp làm Tổng tham mưu trưởng, còn từ 1931 đến 1937 là Egôrốp. Sau khi Egôrốp bị bắt thì Sapôsnhiccíp lại làm Tổng Tham mưu trưởng cho đến năm 1940.

        Mặc dù phía Đức đã bộc lộ ý đồ chiến lược tiến hành cuộc chiến tranh thần tốc bằng các quân đoàn cơ giới được chuẩn bị cao, nhưng các nhà tham mưu của Liên Xô vẫn lập kế hoạch dựa theo kiểu tính toán và kinh nghiệm của thế chiến lần thứ nhất. Vì vậy, họ đã tính là để tập trung quân ở biên giới Liên Xô, phía Đức cần từ 10 đến 15 ngày, tập trung ở Rumania cần từ 15 đến 20 ngày, tập trung ở biên giới Phần Lan cần từ 20 đến 25 ngày. Đây là cách tính rất sai lầm.

        Ở khu vực biên giới với Liên Xô, quân Đức tập trung 233 sư đoàn, 10 ngàn 550 xe tăng, 13 ngàn 900 máy bay và 18 ngàn pháo mặt trận.

        Bộ Tổng tham mưu dự tính tập trung ở biên giới phía Tây 146 sư đoàn bộ binh, 8 sư đoàn cơ giới, 16 sư đoàn tăng và 10 sư đoàn kỵ binh.

        Kế hoạch phòng thủ do Tổng tham mưu trưởng Sapôsnhicốp và trung tướng Vatutin (Cục trưởng Cục tác chiến) khởi thảo. Sai lầm chủ yếu của bản kế hoạch này là ở chỗ nó chỉ có một phương án, mà đáng ra là phải đưa ra nhiều giả thiết, nhiều phương án. Tuy nhiên, lúc báo cáo kế hoạch cho Stalin thì lại là Tổng tham mưu trưởng mới, đại tướng Meretscốp thay cho Sapôsnhicốp đã chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ quốc phòng, phụ trách công nghiệp vũ khí.

        Stalin lúc đó không đồng ý với chính kiến của Bộ Tổng tham mưu về hướng tấn công chủ yếu của Đức ở phía tây bắc. Stalin bằng kinh nghiệm thời nội chiến cho rằng hướng tấn công chính sẽ là phía nam, vì vậy mà mọi tính toán lại phải thay đổi cho phù hợp với giả thiết mới.

        Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia Merculốp đã báo cáo Stalin là hướng tấn công chủ yếu sẽ qua Ucraina và sau đó tiến về phía đông.

        Ngày 6 tháng 5 năm 1941, tư lệnh hạm đội, đô đốc Kuznexốp đã báo cáo Stalin như sau: “Tuỳ viên quân sự đại sứ quán Nga tại Berlin, lấy tin từ một sĩ quan Đức cho biết quân Đức sẽ tấn công Liên Xô qua lãnh thổ Phần Lan, Ban Tích và Rumania vào ngày 14 tháng 5...".

        Vào những ngày cuối cùng, trước khi chiến tranh nổ ra, Stalin nhận được rất nhiều tin tình báo khác nhau về sự cảnh báo cho một cuộc chiến tranh đã cận kề. Nhưng Bêria, người đồng chí tin cậy nhất của Stalin ngày 21 tháng 6 năm 1941 (tức là một ngày trước khi chiến tranh xảy ra) đã báo cáo như sau: “Tôi vừa cảnh cáo đại sứ Nga ở Đức Decannodốp vì việc đưa tin nóng vội về cuộc tấn công Liên Xô của Hitle, anh ta thông báo rằng cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào sáng mai. Ngoài ra, thiếu tướng Tupicốp, tùy viên quân sự ở Berlin cũng khẳng định là ba tập đoàn quân được tập trung để tấn công Moxcơva, Lêningrad và Kiép”. Cũng ngày 21 tháng 6, tùy viên quân sự ở Pháp, tướng Xuxlôparôp cũng thông báo là cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào 22 tháng 6.

        Tại sao lúc đó Stalin không nhìn thấy nguy cơ thực tế đang đến gần? Vấn đề là ở chỗ, ngày nay chúng ta phán quyết các sự kiện lúc đó khi đã biết cái gì là đúng và cái gì là giả. Còn vào lúc mà nguy cơ bị tấn công đang trở nên rõ ràng thì các luồng thông tin rất mâu thuẫn với nhau liên tục được đưa ra.

        Cần phải nói rằng, không phải dễ dàng cho Stalin khi phải đánh giá tình hình trong mớ hỗn loạn các thông tin. Phải thấy rằng lúc đó ông lắng nghe mọi thông tin, đọc mọi tài liệu, nhưng trong sâu thẳm trái tim ông tin rằng ông không vi phạm thỏa ước với Hitle mà là ông đã lừa được Hitle.

        Phải nói rằng, Hitle đã đạt được một thành công nào đó trong ý đồ của mình về việc tung ra các luồng thông tin giả, luôn dùng các kênh thông tin phản gián để không tạo cho phía Liên Xô biết là phía Đức đang chuẩn bị tấn công vào Liên Xô, hoặc tạo ra luồng thông tin là đang tập trung quân ở phía nam của Liên Xô. Phía Đức đã tỏ rõ là có tính chuyên nghiệp rất cao trong việc tạo ra các luồng thông tin giả.

        Lúc đó Stalin tính toán rằng: Hitle không phải là một kẻ quá ngu để cùng một lúc can dự vào hai cuộc chiến tranh chống Anh và chống Liên Xô.

        Nhìn lại toàn bộ tình hình và đánh giá các tính toán của Stalin trong những tháng trước chiến tranh khi tình hình rất phức tạp và các luồng thông tin là rất mâu thuẫn có thể thấy là Stalin đã sai lầm về chiến thuật khi không xác định được chính xác thời điểm tấn công của quân Đức (mà Hitle thì thay đổi rất nhiều lần thời điểm này) nhưng tính toán chiến lược của ông thì hoàn toàn chính xác: thời điểm bắt đầu chiến tranh đã được đẩy lùi, quân đội đã được trang bị lại (tuy chưa phải là đầy đủ) nền công nghiệp đã được chuyển hướng, tư tưởng của nhân dân đã sẵn sàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2019, 11:19:45 pm »

         
KẾ HOẠCH CỦA HITLE

        Trước hết phải nói rằng, nếu loại trừ các mục đích chính trị của cuộc chiến tranh xâm lược thì phải thừa nhận rằng Hitle là một nhà tổ chức có tài. Trong vòng sáu năm từ 1933 đến 1939, Hitle đã xây dựng được một quân đội hùng mạnh, một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại và về cơ bản thâu tóm toàn bộ châu Âu.

        Về chiến lược, Hitle cũng tỏ ra rất mạnh.

        Vì rằng, trong suốt những năm chiến tranh (và cả những năm trước chiến tranh) Hitle là nhân vật đối trọng chủ yếu của Stalin, nên sẽ rất thú vị nếu ta thử quan sát vào “phía bên kia” để xem Hitle đã tính toán và làm những gì?

        Ngày 22 tháng 6 năm 1940, vào đúng ngày nước Pháp thất thủ. Tướng Ph.Halder nhận được chỉ thị của Hitle khởi thảo kế hoạch tấn công Liên Xô.

        Trước mặt tôi là một tập giấy đã ngả màu, cũ kỹ theo thời gian mà trong lịch sử đã có lúc là “tuyệt mật”! Còn những người đã soạn thảo ra tập tài liệu này đều đã yên nghỉ dưới mồ. Theo năm tháng, cái bí mật đã trở thành công khai với mọi người, và bây giờ nó đang nằm trên bàn của tôi.

        Hitle thường đặt cho các kế hoạch tác chiến của mình các mật danh như “Grun” là mật danh kế hoạch tấn công Tiệp Khắc, “Veixơ” là mật danh kế hoạch đánh Ba Lan, “Henbơ” là kế hoạch tấn công Pháp, “Barbarossa” là mật danh kế hoạch đánh Liên Xô... Đằng sau mỗi một mật danh là tên một điển tích nào đó của thời kỳ cổ đại, nhưng là một ký hiệu của công tác tham mưu hiện đại.

        Một trong những kế hoạch tấn công mà Hitle dành nhiều tâm trí nhất trong cuộc đời chính trị của mình chính là kế hoạch chống lại Liên Xô, lấy ký hiệu là “Barbarossa” lấy theo tên Hoàng đế Phridric I Barbaross.

        Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần kế hoạch “Barbarossa” và phải thừa nhận là mỗi lần đọc lại tôi đều phải thán phục. Nếu gạt ra một bên tính phi nghĩa của nó - phải thừa nhận tính chuyên nghiệp rất cao của những người đã khởi thảo ra kế hoạch này.

        Theo chỉ lệnh của Hitle, dưới sự chủ trì của Hander đã khởi thảo hai phương án độc lập, phương án một do văn phòng của tướng Jodl1 và tướng Warlimont chuẩn bị, phương án này được đặt tên là “Tiểu phẩm Lossberg” được hoàn chỉnh vào ngày 15 tháng 9 và nó khác phương án hai của tướng Mark ở chỗ đòn đánh chủ yếu sẽ tập trung ở phía bắc của mặt trận.

        Cuối cùng Hitle đã chọn phương án của tướng Jodl.

        Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Hitle đã tỏ ra là có tầm nhìn xa hơn các viên tướng được giao khởi thảo, khi quyết định chia chiến dịch ra hai giai đoạn: đầu tiên là tiêu diệt đối phương ở vùng Ban Tích để tạo nên hành lang chiến lược cho đợt tấn công Moxcơva. Y đồ này xét về mặt quân sự là rất lợi hại.

        Lúc đó Hitle đã bổ nhiệm thông chế Pauluýt làm Phó Tổng tham mưu trưởng với nhiệm vụ ghi chép một cách độc lập tất cả ý kiến của Hitle.

        Số phận thật là trớ trêu, vì chính Pauluýt là người hoàn chỉnh cuối cùng bản kế hoạch lại là vị tướng đầu tiên của Đức bị bắt, khi quân đoàn Sáu của ông ta bị tiêu diệt ở Stalingrad, còn bản thân Pauluýt bị bắt làm tù binh.

        Có một sự trùng hợp là vào cuối tháng 12 năm 1940, đầu tháng 1 năm 1941 tại Moxcơva diễn ra hội nghị lãnh đạo Đảng và các chỉ huy quân sự, đồng thời tiến hành diễn tập chiến dịch, và cũng vào khoảng thời gian ấy ở Berlin cũng diễn ra phiên họp các tướng lĩnh phát xít và khởi thảo ra kế hoạch  “Barbarossa” do chính Pauluýt chủ trì.

        Trong hồi ký của mình, Pauluýt đã nhớ lại:

        “... Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch là chiếm Moxcơva, để đạt mục tiêu này cần tiêu diệt các đơn vị Nga ở vùng Ban Tích, rồi sẽ chiếm Lêningrad và Kronstad, ở phía nam mục tiêu chính là Ucraina và Donbasa...”.

        Ngày 18 tháng 12 năm 1940, Hitle đặt bút ký phê duyệt toàn bộ kế hoạch “Barbarossa”.

-----------------
        1. Tướng Jold Alphred, chỉ huy trưởng cơ quan tác chiến của lực lượng vũ trang Đức, cơ quan triển khai các ý đồ chiến tranh của Hitle.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2019, 11:20:37 pm »


Ý ĐỒ CHIẾN LƯỢC CỦA STALIN

        Trong điều kiện rất phức tạp, Stalin kiên trì mục tiêu cố gắng đẩy lùi thời điểm bắt đầu chiến tranh và tăng cường chuẩn bị quân đội để chống lại cuộc xâm lược.

        Vào tháng 5 năm 1941, Stalin hiểu rằng: thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh là không thế đẩy lùi hơn được nữa. Ý đồ của ông về việc cố gắng không để bị lôi kéo vào các cuộc khiêu khích cũng không thực hiện được. Lúc này cần chuyển từ tư tưởng chiến lược trì hoãn thời điểm bắt đầu chiến tranh sang chiến lược mới phù hợp với tình hình mới.

        Ngày 5 tháng 5 năm 1941, Stalin lần đầu tiên thừa nhận công khai các ý tưởng của mình. Đó là bài phát biểu của ông tại lễ gặp các học viên sĩ quan tốt nghiệp các Học viện Quân sự. Suốt cả ngày hôm đó, Stalin không tiếp khách mà tập trung chuẩn bị cho bài phát biểu của mình.

        Tại sao Stalin quyết định công bố về thay đổi tư tưởng chiến lược vào thời điểm tháng năm? Vì rằng vào tháng ba, tháng tư đã xảy các sự kiện chứng tỏ rằng Hitle đã từ bỏ các nghĩa vụ thực hiện thỏa ước và chuyển sang công khai chuẩn bị tấn công sang phía đông.

        Ngày 25 tháng 3 năm 1941, Nam Tư gia nhập trục Đức -  Ý - Nhật, sự kiện này lập tức ảnh hưởng đến nước Anh. Đêm ngày 26 sáng 27 tháng 3 tại Nam Tư đã diễn ra cuộc đảo chính mà kết quả là phe thân Anh do Ximonovit đứng đầu đã lên nắm quyển. Ngày 6 tháng 4 năm 1941, Liên Xô đã ký hiệp ước Hữu nghị và không tấn công lẫn nhau với Nam Tư.

        Chỉ sau đó vài tiếng đồng hồ, Hitle đã trả lời hành động này của Stalin bằng cuộc tấn công vào hai nước Nam Tư và Hi Lạp. Hitle đánh giá vị trí của Nam Tư rất quan trọng, vì đó sẽ là mầm mống để tạo ra mặt trận thứ hai chống lại Đức. Vì vậy, Hitle ngay lập tức trừng phạt chính quyền mới thân Anh và chiếm luôn Nam Tư.

        Lúc này, mới quan hệ hợp tác đã chấm dứt, cả Hitle và Stalin đã đặt tay vào “cò súng”. Stalin ra lệnh tổng động viên một phần và điều thêm năm quân đoàn về biên giới phía Tây. Ngày 4 tháng 5 theo quyết nghị của Bộ chính trị, Stalin đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng dân ủy Liên Xô. Tuy Stalin vẫn là Bí thư thứ nhất, nhưng do lúc này ông phải tập trung phần lớn tinh lực vào các vấn đề quân sự, vì vậy để giúp ông trong công tác Đảng và công tác ở Ban bí thư, Trung ương đã điều Dđanôp từ Lêningrad về và bổ nhiệm là Bí thư Trung ương.

        18 giờ ngày 5 tháng 5, Stalin chuẩn bị bài phát biểu quan trọng. Tại điện Kremli có mặt các học viên sĩ quan, giáo viên của 16 học viện quân sự, chín khoa quân sự của các trường đại học, ngoài ra còn có mặt lãnh đạo Hồng quân và các ban của Đảng.

        Stalin bước vào gian lớn điện Kremli cùng các ủy viên Bộ chính trị, Nguyên soái Timôsencô đọc bài khai mạc, sau đó Trung tướng Xmirốp - Cục trưởng nhà trường và Kalinin đã phát biểu. Tiếp theo, Stalin tiến đến lễ đài và đọc bài phát biểu quan trọng của mình.

        Nội dung bài phát biểu này không được truyền qua radio và không được ghi âm. Vì vậy, sau này phải khôi phục lại theo trí nhớ của các thành viên có mặt tại buổi lễ. Tôi xin ghi lại bài phát biểu này, được khôi phục lại theo trí nhớ của những người có mặt:

        Sau khi chúc mừng các học viên, Stalin nói:

        - Các đồng chí đã rời khỏi đơn vị cách đây ba, bốn năm, bây giờ khi trở lại đã có nhiều thay đổi. Hồng quân ngày nay đã lớn mạnh hơn vài năm trước...

        Chúng ta đã xây dựng lại quân đội với trang bị vũ khí hiện đại. Cần phải lưu ý rằng, có nhiều đồng chí quá nhấn mạnh thắng lợi ở hồ Khaxan và Khankhingon, ở đó lực lượng đối địch là quân đội lạc hậu, không có các vũ khí hiện đại. Chúng ta đã tiêu diệt quân Nhật ở đó, nhưng các trận chiến đấu hiện đại đang chờ chúng ta ở phía tây.

        Trước kia, Hồng quân chúng ta có 120 sư đoàn, bây giờ là 300, bản thân quân số của các sư đoàn ít hơn nhưng cơ động hơn, trước kia mỗi sư đoàn có 18-20 ngàn quân, ngày nay là 15 ngàn. Một phần ba số sư đoàn là các sư bộ binh cơ giới, 2 phần 3 trong tổng số 100 sư đoàn là sư đoàn xe tăng còn 1 phần 3 là bộ binh cơ giới, vũ khí và trang thiết bị của xe tăng cũng khác trước rất nhiều. Có loại xe tăng để đột phá qua các phòng tuyến, có loại là để hộ tống bộ binh với hỏa lực mạnh.

        Sau đó, Stalin đã đánh giá về các binh chủng pháo binh, không quân, bộ binh cơ giới. Trong phần đầu bài phát biểu này, ngày nay người ta phát hiện thấy một số “con số” không được khớp với thực tế của Hồng quân lúc đó, ví dụ như lúc đó Hồng quân không hể có đủ 300 sư đoàn, hơn thế nữa cũng không có đủ một phần ba là bộ binh cơ giới hoặc hai phần ba là sư đoàn xe tăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2019, 11:52:23 pm »


        Khi tuyên bố các con số này, rõ ràng là Stalin muốn thổi phồng thông tin về sức mạnh của Hồng quân để đánh lừa Hitle và hy vọng tiếp tục đẩy lùi thời điểm tấn công của Hitle. Nhưng đồng thời cũng qua các con số đó nói lên mục tiêu của Stalin muốn xây dựng cho quân đội một sức mạnh mới, mà vào năm 1939 ông đã tuyên bố là cần 2 đến 3 năm để hiện đại hóa về căn bản quân đội.

        Trong phần tiếp theo Stalin nói rằng, để vận hành các vũ khí trang bị mới cần phải có đội ngũ cán bộ đủ trình độ và nắm vững nghệ thuật quân sự hiện đại. Sau đó, khi nhận xét về hệ thống các Học viện quân sự, Stalin đã nói: Hệ thống các trường quân sự bị lạc hậu so với bước tiến của quân đội... Tôi có người quen (chắc Stalin muốn nói đến con trai là Jakob đang học ở Học viện Pháo binh) đang học ở Học viện Pháo binh, tôi đã nhìn thấy trong sách vở dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu các loại pháo từ năm 1916.

        Sau đó, Stalin lại phê phán chương trình đào tạo phi công trên các máy bay lạc hậu (chắc ông có thông tin từ cậu con trai út Vaxili- đang học ở trường lái máy bay).

        Phần thứ hai của bài phát biểu, Stalin chuyển sang các vấn đề chính trị và quốc tế, vì rằng phần này là rất quan trọng để đánh giá các hành động của Stalin trước đó và trong tương lai trên các nguyên tắc và quan điểm chiến lược, nên tôi sẽ cố gắng nêu lại thật chi tiết.

        “... Khi các đồng chí trở về đơn vị, chắc người ta sẽ hỏi điều gì đang xảy ra trên thế giới? Các đồng chí đã học ở học viện, ở gần các cơ quan lãnh đạo, các đồng chí cần giải thích các câu hỏi, tại sao quân Anh, quân Pháp lại thua, tại sao quân Đức lại thắng! Liệu có phải rằng quân Đức là bất khả chiến thắng không? Ở các đơn vị các đồng chí không chỉ là chỉ huy mà còn phải trao đổi tâm tình với anh em, giải thích cho họ về các sự kiện diễn ra xung quanh. Các danh tướng của chúng ta đều có phẩm chất là rất gần gũi binh sĩ, cần phải học “phong thái của Xuvôrốp”.

        Cần phải giải thích thế nào về việc quân Đức tỏ ra rất mạnh. Lênin đã nói rằng các đội quân bại trận sẽ học tập tốt hơn... quân đội Đức thua trận năm 1918 đã biết học tập. Họ phân tích nguyên nhân thất bại và tìm ra cách tổ chức lại quân đội, vũ khí được hiện đại, các cán bộ chỉ huy được đào tạo.

        Năm 1870 quân Đức đã tiêu diệt quân Pháp. Tại sao? Là vì lúc đó họ chiến đấu trên một mặt trận. Quân Đức đã thất bại trong các năm 1916, 1917, tại sao? Là vì rằng họ đã chiến đấu trên hai mặt trận.

        Tại sao quân Pháp không học được điều gì từ kinh nghiệm năm 1914-1918? Lênin đã dạy: Đảng và Nhà nước sẽ diệt vong nếu che đậy những khiếm khuyết, bị mê hoặc bởi các thành công, lơ lửng trên không và quay cuồng về thành tích.

        Quân Pháp đã quá vui mừng về thắng lợi, các tư tưởng quân sự của Pháp dừng lại ở trình độ năm 1918, quân đội không được quan tâm, những người gia nhập quân đội là các tầng lớp dưới đáy của xã hội, tình hình tương tự cũng diễn ra ở Anh quốc.

        Quân đội cần phải được nhân dân quan tâm và tin yêu. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn của quân đội... Để chuẩn bị cho công cuộc phòng thủ tốt không chỉ cần quân đội hiện đại mà còn cần chuẩn bị về mặt chính trị.

        Thế nào gọi là chuẩn bị về mặt chính trị? Chuẩn bị về chính trị cho một cuộc chiến tranh đó là phải có một số lượng đủ các đồng minh chính trị trong số các quốc gia trung lập. Nước Đức đã làm được điều đó, trong khi Anh và Pháp không làm được, đó chính là nguyên nhân chính trị và quân sự của thất bại.

        Tiếp theo đó, Stalin tập trung phân tích về quân đội Đức, kẻ thù đã đứng trên ngưỡng cửa của nước Nga:

        Liệu có đúng là quân đội Đức bất khả chiến bại hay không? Không. Trên thế giới này chưa từng có và sẽ không có một quân đội nào là bất khả chiến bại, chỉ có quân đội mạnh hơn hoặc yếu hơn. Nước Đức đã bắt đầu cuộc chiến ở giai đoạn đầu với khẩu hiệu giải phóng khỏi cái ách của hiệp ước Vecxay. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi, quân Đức bây giờ chiến đấu dưới một khẩu hiệu khác, đó là khẩu hiệu xâm chiếm, bành trướng và quân Đức sẽ không giành được thắng lợi dưới khẩu hiệu xâm lược này.

        Napôlêông I, khi tiến hành chiến tranh dưới khẩu hiệu giải phóng ách nô lệ đã được sự ủng hộ của số đông, có các đồng minh và giành được thắng lợi.

        Nhưng khi ông ta chuyển sang cuộc chiến tranh xâm lược thì ông ta gặp rất nhiều kẻ thù và đã thất bại.

        Do nước Đức tiến hành chiến tranh dưới khẩu hiệu xâm lược nên nó không thể chiến thắng. Từ góc độ kỹ thuật quân sự, quân Đức cũng không có gì khác biệt cả về xe tăng, không quân và pháo binh. Quân Đức đã biểu hiện tự mãn sau các thắng lợi lúc ban đầu, tư tưởng quân sự của Đức không tiến về trước, kỹ thuật quân sự cũng không hơn quân ta, thậm chí về không quân đã bị Mỹ vượt qua.

        Quân đội cần được hoàn thiện từng ngày một. Bất cứ một nhà chính trị nào tự cho mình thái độ tự mãn đều có thể đứng trước nguy cơ bị bất ngờ, như quân Pháp đã bị thua năm 1940.

        Một lần nữa chúc mừng các đồng chí và chúc thành công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2019, 11:12:27 pm »

       
        Bài phát biểu của Stalin dài 40 phút.

        Sau đó, lúc 19 giờ mọi người dự tiệc tại điện Kremli. Mọi người nâng cốc chúc mừng quân đội và chúc sức khỏe Stalin. Lúc này đã xảy ra sự kiện mà từ đó dẫn đến phần phát biểu thứ ba rất quan trọng của Stalin.

        Số là tướng Xípcôp, giám đốc Học viện Pháo binh do lo lắng vì bị Stalin phê phán trong bài phát biểu đã tìm cách lấy lòng Satlin, ông đề nghị nâng cốc vì hòa bình, vì đường lối hòa bình của Stalin, vì lãnh tụ vĩ đại và người thầy Iôxíp Stalin!

        Stalin rất bực vì câu chúc mừng này, không phải vì cách chúc rất sống sượng của Xípccíp, mà vì những lời này đã đi chệch tư tưởng chỉ đạo và làm giảm tính quan trọng bài phát biểu trước đó của Stalin, Stalin nói:

        - Vị tướng này chả hiểu gì cả. Ông ta chả hiểu gì! Tôi buộc phải nói rõ thêm. Chính sách hòa bình đã bảo đảm cho nền hòa bình của đất nước chúng ta. Chính sách hòa bình là tốt. Trong lúc chúng ta đang tái cơ cấu lại hệ thống phòng thủ, trong lúc chúng ta chưa trang bị lại được hoàn chỉnh cho quân đội các vũ khí trang bị hiện đại. Lúc đó chúng ta tiến hành chính sách hòa bình.

        Còn bây giờ, khi quân đội chúng ta đã được tổ chức lại, vũ khí đã được trang bị mới, khi chúng ta đã mạnh lên, bây giờ chúng ta phải chuyển từ chiến lược phòng ngự sang chiến lược phản công. Chúng ta phải tổ chức phòng ngự bằng phương thức tấn công. Để chuyển từ phòng ngự sang đường lối tấn công, chúng ta cần phải tổ chức lại công tác đào tạo, công tác tuyên truyền trong tư tưởng tấn công. Hồng quân là một đội quân hiện đại, mà một đội quân hiện đại tức là đội quân biết tiến công.

        Bài phát biểu này của Stalin đăng trong tuyển tập: Nước Nga thế kỷ 20, năm 1941, in năm 1998, được viết lại theo lời kể của các nhân chứng dự buổi lễ này. Để khẳng định bản chất của bài phát biểu này tôi đã gặp một số nhân chứng, một trong số đó là đại tướng Liasencô, cựu tư lệnh quân khu Turketstan, nay đã nghỉ hưu ở Moxcơva.
       Tháng 6 năm 1998, tôi có gọi điện và đến thăm ông. Sau khi chào hỏi, tôi hỏi thẳng ông:

        - Thưa ông, ông đã có mặt trong số các học viên tốt nghiệp năm 1941 và được nghe bài phát biểu của Stalin, tôi nghe nói sau lần nâng cốc chúc mừng thứ ba, Stalin đã nói: “Nguy cơ chủ yếu là đến từ Đức. Chúng ta chỉ có thể cứu nguy đất nước bằng chiến thắng phát xít, vì vậy tôi để nghị cạn chén vì chiến lược tấn công, vì thắng lợi của chúng ta trong cuộc chiến tranh này...”.

        Liasencô mặc dù tuổi đã cao vẫn rất hào hứng:

        - Tôi không những chỉ khẳng định những lời này của Stalin mà còn kể cho anh biết, khi tôi về đơn vị kể cho các đoàn viên thanh niên tinh thần bài phát biểu của Stalin đã bị các vị chỉ huy đơn vị nghi vấn cho là nói sai đường lối... Sau này, khi sự kiện 22 tháng 6 năm 1941 đã diễn ra, lúc đó mọi người mới hiểu tại sao Stalin đã cảnh báo trước như vậy.

        Tính chiến đấu trong chiến lược của Stalin thể hiện sự chuyển tiếp từ tạm thời hòa hoãn để đẩy lùi thời điểm chiến tranh sang đường lối tích cực chủ động. Nghị quyết Hội nghị Trung ương trong hai ngày 8 và 9 tháng 5 và ngày 14 và 15 tháng 5 đã quán triệt tinh thần này. Nội dung bài phát biểu của Stalin không được công bố, nhưng tinh thần của nó đã được triển khai thực hiện với tất cả sức mạnh của bộ máy tuyên truyền, nhưng lại không gây ồn ào, không tạo ra cớ gây hấn cho Hitle...”.

        Có thể thẳng thắn nói rằng, ý đồ chiến lược chuyển sang tấn công của Stalin được công bố hơi muộn, cho đến thời điểm bắt đầu chiến tranh chỉ còn hơn một tháng để chuyển động cả một bộ máy quốc gia và thay đổi tâm thức của cả một dân tộc từ hòa bình sang chiến tranh là quá ngắn. Mặc dù có nghị quyết Trung ương và bộ máy tuyên truyền đã làm hết công suất, nhưng tâm lý hòa bình, sức ì với ý nghĩ “Anh không động đến ta thì ta không động đến anh” không dễ gì xóa ngay được.

        Chỉ sau mười ngày, Bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị xong “phương án tấn công” và nếu Stalin thực sự muốn tấn công thì ông ta phải đồng ý với bản kế hoạch này, nhưng vấn đề là ở chỗ theo học thuyết quân sự Xô Viết thì chúng ta không thể tấn công trước mà là: tấn công kẻ thù bằng đòn đánh trả ngay tại lãnh thổ của chúng.

        Ngày 14 tháng 5 năm 1941, TASS ra thông báo tiếp tục khẳng định tư tưởng này.

        Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức, Gơben là kẻ “cáo già” trong công tác tuyên truyền đã ghi lại hồi ký: Stalin và đồng sự của ông ta hoàn toàn là những người bất lực, thụ động như con chồn trước con rắn hổ mang.

        Những lời này của Gơben chứng tỏ hệ thống thông tin của Đức là rất tồi không hề biết về quá trình triển khai tư tưởng tấn công của Stalin.

        Tuyên bố ngày 14 tháng 5 năm 1941 của TASS cũng hoàn toàn chính xác, nói lên tầm nhìn xa của Stalin - khi tuyên bố với toàn thế giới về chính sách của mình và khi Hitle tấn công Liên Xô thì toàn thế giới biết ai là kẻ xâm lược. Tuyên bố này đã thúc đẩy để thành lập liên minh chống Hitle sau này và vạch trần luận điệu của Hitle đổ cho Liên Xô chuẩn bị tấn công Đức trước.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Giêng, 2019, 11:35:36 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2019, 11:38:46 pm »

             

Stalin hôn thanh kiếm Hoang gia, qua tặng của vua Anh Grorge VI nhân chiến thắng Stalingrad - ngày 29 tháng 11 năm 1943 tại Tèhêran. Bên phải là Molotốp và Beregưcốp.


Stalin với chiếc tẩu nổi tiếng



Ekatêrina - vợ đầu của Stalin - lúc sống...


... và khi qua đời (năm 1908)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2019, 11:44:10 pm »

         

Stalin cùng con trai Vaxili và con gái Xvetlana


Stalin giữa các đại biểu Đại hội 15 đảng Bônsêvich (Nga) với chiếc tẩu nổi tiếng của minh.


Phần III

CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI

       Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa.
        Kẻ thù sẽ bị đánh tan
        Thắng lợi nhất định thuộc về chúng ta.

I. STALIN, V. MOLOTỐP        
(22 tháng 6 năm 1941)        

        Hởi các đồng chí, các công dân, các anh chị em!
        Các chiến sĩ của quân đội và hạm đội Tôi kêu gọi các bạn.

I. STALIN        
(Ngày 3 tháng 7 năm 1941)        


CUỘC CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẨU NHƯ THẾ

        Chiều ngày 21 tháng 6 năm 1941, Timôsencô và Giucốp đến điện Kremli và báo cáo Stalin:

        - Có một người lính Đức đã chạy từ phía bên kia biên giới sang và khẳng định anh ta là bạn của Liên Xô và thông báo rằng các đơn vị quân Đức đã tiến vào vị trí sẵn sàng đế tấn công, cuộc tấn cộng sẽ bắt đầu sáng 22 tháng 6.

        Stalin hỏi:

        - Liệu có phải là phía Đức dàn xếp cho kẻ “đào tẩu” này để tạo cớ gây hấn không?

        Stalin bằng mọi cách đã cố đẩy lùi thời điểm chiến tranh. Trong nhiều tháng liền ông không cho áp dụng các “biện pháp cứng” ở khu vực biên giới phía tây để tránh tạo cớ cho phía Đức bắt đầu chiến tranh.

        Sự cẩn trọng của Stalin vào những ngày tháng ấy và nói chung các quyết định của Stalin là đúng đắn, mọi người đều tin tưởng vào sự tính toán của ông. Tuy nhiên, tình hình lúc này là rất khẩn trương, vì vậy, Timôsencô quyết định cố gắng thuyết phục Stalin và trả lời:

        - Thưa Stalin, không, chúng tôi cho rằng kẻ “đào tẩu” này nói sự thật.

        Stalin lập tức ra lệnh triệu tập Bộ chính trị, sau khi mọi người đã có mặt đầy đủ, Stalin thông báo lại ý kiến của Bộ trưởng quốc phòng và hỏi:

        - Chúng ta sẽ phải làm gì?

        Tất cả im lặng, Timôsencô nói:

        - Cần thiết phải ban hành mệnh lệnh về việc đưa tất cả các đơn vị khu vực biên giới vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

        - Hãy đọc đi - Stalin ra lệnh lấy văn bản mệnh lệnh đã được chuẩn bị sẵn.

        Timôsencô nhìn về phía Giucôp, ông lấy ra bản dự thảo mệnh lệnh đã để sẵn trong cặp. Sau khi nghe bản dự thảo, Stalin nói:

        - Bản mệnh lệnh này liệu ban hành có sớm không, có thể tiếp tục giải quyết bằng con đường hòa bình không?

        Stalin vẫn còn hoài nghi về tin tức tình báo vì trước đó cũng đã từng có nhiều tin tức loại như thế này.

        - Cần thiết phải có một mệnh lệnh ngắn gọn, trong đó chỉ thị rõ là cuộc tấn công có thể bắt đầu bằng các hành động khiêu khích của quân Đức (chúng ta nhớ lại Đức đã từng đóng giả quân Ba Lan để khiêu khích). Các đơn vị biên phòng không được để lôi cuốn vào vụ khiêu khích làm tình hình thêm phức tạp.

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2019, 12:14:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2019, 11:59:31 pm »


        Giucốp và Vatutin rút vào phòng làm việc và nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Mệnh lệnh theo đúng chỉ đạo của Stalin và quay trở lại để đọc bản dự thảo này. Stalin sau khi nghe, cầm lấy tờ dự thảo, sửa một số chỗ và nói với Timôsencô:

        - Anh hãy ký đi.

        Sau đây là nội dung bản mệnh lệnh:

        Gửi Hội đồng quân sự các quăn khu: Lêningrad, Pribantich, quân khu phía Tây, quân khu Kiép, quân khu Odexa.

        Copy: Bộ trưởng dân ủy Hạm đội.

        1. Trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 23 tháng 6 năm 1941 có thể sẽ có tấn công bất ngờ của quân Đức trên các mặt trận Lêningrad, Pribantich, mặt trận phía Tây, mặt trận Kiép... Cuộc tấn công có thể bắt đầu từ hành động khiêu khích.

        2. Nhiệm vụ của các đơn vị là không để bị lôi kéo vào các vụ khiêu khích có thể làm trầm trọng tình hình. Đồng thời, các đơn vị thuộc quân khu Lêningrad, Pribantich, phía Tây, Kiép, Odexa phải ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao để sẵn sàng đánh trả đòn tấn công của quân Đức và đồng minh của chúng.

        3. Tôi ra lệnh:

        a) Ngay trong đêm 21, rạng ngày 22 tháng 6 năm 1941 bí mật chiếm lĩnh các vị trí hoả lực trên vùng biên giới.

        b) Trước rạng sáng 22 tháng 6 năm 1941, bố trí theo các sân bay dã chiến các đơn vị không quân, trong đó có cả không quân mặt trận và ngụy trang thật kỹ.

        c) Tất cả các đơn vị chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu - các đơn vị được phân tán và ngụy trang.

        d) Đưa các đơn vị phòng không vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị các biện pháp để ngụy trang, các thành phố và che giấu các mục tiêu quan trọng.

        e) Các biện pháp khác mà chưa có lệnh thì không được làm.


21 tháng 6 năm 1941       
TIMÔSENCÔ - GIUCỐP       

        Sau khi mệnh lệnh được ký, Vatutin lập tức quay trở về Bộ Tổng tham mưu để nhanh chóng triển khai mệnh lệnh đến các quân khu. Các ủy viên Bộ chính trị trở về vị trí còn Stalin về biệt thự ở ngoại ô.

        Timôsencô và Giucốp ngồi trong phòng làm việc và kiểm tra xem mệnh lệnh đã được truyền đến các quân khu chưa? Tại đó có nhanh chóng được triển khai tiếp không? Không biết liệu các đơn vị có kịp sẵn sàng với tình trạng khẩn trương ở biên giới không?

        Vào 3 giờ 07 phút, ngày 22 tháng 6 bắt đầu nhận được một loạt các cuộc điện khẩn - Đầu tiên, Tư lệnh hạm đội Biển Đen, đô đốc Okchiabixki thông báo:

        - Hệ thống cảnh báo của Hạm đội báo cáo về sự xuất hiện trên màn hình một số lượng lớn máy bay từ phía biển.

        Ngay lập tức là báo cáo của tướng Klimốpxki, tham mưu trưởng quân khu phía Tây:

        - Máy bay Đức ném bom các thành phố của Bêlôrutxi.

        Sau đó là tham mưu trưởng quân khu Kiép báo cáo máy bay Đức ném bom các thành phố của Ucraina.

        Lúc 3 giờ 40, tướng Cudơnexốp, tư lệnh quân khu Pribantich báo cáo: Máy bay Đức tấn công thành phố Caounac và các thành phố khác vùng Pribantich. Timôsencô sau khi nhận được một loạt tin khẩn báo đã quyết định điện thoại cho Stalin.

        Giucốp quay số điện thoại của Stalin, rất lâu không có ai nhấc máy. Giucốp kiên trì quay tiếp tục, nghe tiếng trả lời của tướng Vlaxic, tư lệnh cảnh vệ của Stalin.

        - Đề nghị khẩn cấp nối máy với Stalin - Giucốp đề nghị.

        Tướng Vlaxic im lặng một lúc, rồi nói với Giucốp là chưa bao giờ thấy ai đánh thức Stalin vào giờ sớm thế này.

        - Hãy ngay lập tức đánh thức Stalin, quân Đức đã ném bom các thành phố của chúng ta - Giucốp nói.

        Sau đó vài phút, Stalin đến bên máy, Giucốp báo cáo:

        - Đồng chí Stalin, không quân Đức đã ném bom các thành phố của chúng ta ở Ucraina, Bêlôrutxi và Pribantich. Để nghị đồng chí ra lệnh bắt đầu các hành động đánh trả.

        Stalin im lặng một lúc, Giucốp nghe thấy cả hơi thở của ông qua tổ hợp, Giucốp sợ là Stalin chưa nghe thấy lại hỏi tiếp:

        - Đồng chí có nghe thấy tôi nói không?

        Một lúc sau, Stalin hỏi:

        - Bộ trưởng quốc phòng ở đâu?

        - Bộ trưởng đang nói chuyện điện thoại với quân khu Kiép.

        - Hãy cùng Timôsencô đến ngay điện Kremli, ra lệnh triệu tập ngay các ủy viên Bộ chính trị - Stalin ra lệnh.

        Lúc 4 giờ 30 phút ngày 22 tháng 6 năm 1941, tất cả ủy viên Bộ chính trị có mặt tại phòng Stalin, Giucốp và Timôsencô chờ ở phòng tiếp khách, chỉ một lúc sau, họ được mời vào phòng họp. Stalin hướng về phía Molotốp nói:

        - Cần gọi điện cho sứ quán Đức.

        Molotốp lập tức bước về phía điện thoại và điện cho sứ quán Đức, sau một hồi trao đổi rất lâu, Molotốp thông báo:

        - Ngài đại sứ Schulenburg đề nghị được gặp ngay.

        - Hãy đi tiếp ông ta đi, sau đó quay lại đây ngay - Stalin ra lệnh.

        Molotốp tiếp đại sứ Đức tại phòng làm việc ở Kremli, nơi vài tiếng trước đó, lúc 21 giờ 30 phút tối hôm trước họ vừa gặp nhau tại đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2019, 12:05:35 am »


        Schulenburg cùng phiên dịch có mặt tại phòng, trông ông ta rất xúc động, tay run rẩy, ông ta nói:

        - Tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng, tối hôm qua khi gặp ngài tôi chưa hề biết gì. Tới hôm nay tôi vừa nhận được điện từ Berlin. Chính phủ Đức ủy nhiệm cho tôi thông báo với chính phủ Xô Viết như sau:

        “Do không thể dự đoán được các nguy cơ uy hiếp nước Đức từ biên giới phía Đông trong động thái tổng động viên và chuẩn bị chiến đấu cao của các lực lượng vũ trang của Hồng quân, chính phủ Đức cho rằng buộc phải triển khai các hành động quân sự ngay.

        Cùng thời gian này, tại Berlin thông điệp sẽ được chuyển chính thức theo đường ngoại giao”.

        Schulenburg bổ sung: tôi không thể mô tả được sự thất vọng của tôi về hành động đột ngột của chính phủ Đức, tôi đã làm hết sức mình vì hòa bình và hữu nghị với Liên Xô.

        - Công hàm này có ý gì? - Molotốp hỏi.

        Schulenburg trả lời:

        - Đó là sự bắt đầu chiến tranh!

        - Không có bất kỳ một sự tập trung quân đội nào ở vùng biên giới - Molotôp phản đối - Chỉ là những cuộc di chuyển bình thường hàng năm, còn nếu phía Đức cần làm rõ lý do các cuộc di chuyển thì có thể trao đổi. Thay mặt chính phủ Liên Xô tôi tuyên bố, đến những phút cuối cùng phía Đức không hể nêu vấn đề gì, phía Đức đã ngang nhiên tấn công Liên Xô bất chấp lập trường hòa bình của phía Liên Xô. Như vậy, nước Đức phát xít là kẻ đã tấn công trước. Mọi ý đồ của phía Đức tìm lý do, cái cố để biện minh cho hành động xâm lược Liên Xô đều là giả dối và khiêu khích.

        - Tôi không thể bổ sung gì vào công hàm mà tôi đang có - Schulenburg nói - Tôi chưa có sự hướng dẫn về việc sơ tán nhân viên sứ quán và các công dân Đức khác ra khỏi Liên Xô. Đề nghị ngài cho phép sơ tán các công dân Đức ra khỏi Liên Xô bằng đường Iran... Các nhân viên sứ quán Liên Xô và công dân Nga tại Đức cũng sẽ được đối xử tương tự để rời khỏi Đức.

        Sau khi hứa tạo điều kiện cho nhân viên sứ quán Đức rời khỏi Liên Xô trên cơ sở thái độ tương tự đối với công dân Nga, Molotốp hỏi Schulenburg:

        - Mục đích của Đức khi ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau là gì, mà phía Đức lại dễ dàng phá bỏ như vậy?

        - Tôi không thể nói thêm gì hơn, trong vòng sáu năm tôi đã làm mọi cách để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Đức và Liên Xô. Nhưng tôi không thể chống lại số phận. Schulenburg trả lời. Molotốp nhanh chóng quay trở về phòng Stalin, vừa mở cửa phòng ông vừa nói:

        - Chính quyền Đức đã tuyên chiến với chúng ta!

        Các ủy viên Bộ chính trị im lặng, Giucốp là người đầu tiên phá tan sự im lặng này, ông nói:

        - Xin phép ra lệnh cho các đơn vị, bằng mọi nguồn lực tìm cách ngăn chặn bước tiến của quân Đức.

        Nguyên soái Timôsencô nhấn mạnh:

        - Không phải là ngăn chặn mà là tiêu diệt.

        Stalin đứng dậy và nói:

        - Hãy viết mệnh lệnh.

        Như chúng ta đã biết trong học thuyết quân sự của Liên Xô đã nói rõ: Nếu kẻ thù tấn công Liên Xô thì nó sẽ bị đánh đuổi và sẽ bị tiêu diệt ngay trên lãnh thổ của chúng. Một trong những tư tưởng quan trọng của học thuyết đã được Stalin nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn một tấc đất nào của ai, nhưng cũng không nhường một tấc đất nào của chúng ta cho ai”.

        Vào lúc 7 giờ 15 phút sáng 22 tháng 6 năm 1941, Bộ trưởng quốc phòng đã ra mệnh lệnh số 2:

        1. Các đơn vị, bằng tất cả sức lực và trang bị của mình chống trả và tiêu diệt kẻ thù ở tất cả các khu vực mà chúng đã vượt qua biên giới Liên Xô. Cho đến khi có mệnh lệnh mới, các đơn vị không vượt qua biên giới.

        2. Các đơn vị không quân trinh sát và chiến đấu xác định vị trí tập kết không quăn địch và các cụm quân sự của địch, tiêu diệt không quân của địch trên các sân bay của chúng bằng mọi hỏa lực của không quản mặt trận và không quân ném bom chiến lược. Các đòn tấn công của không quân có thể vào sâu lòng địch đến 100-150km, tiến hành ném bom Keningxberg, Memel - chưa cho phép bay vào lãnh thô Phần Lan và Rumania.

        Khi ra mệnh lệnh này cả Stalin, cả Bộ quốc phòng đểu không biết cụ thể những gì đã diễn ra ở mặt trận. Vào thời điểm đó một số lượng lớn máy bay của không quân Xô Viết đã bị tiêu diệt ngay trên sân bay1, vì vậy không quân ta không thể ném bom Keningxberg hay Memel và cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ ở khu vực biên giới của mình.

------------------
        1. Các tài liệu công bố con số 1.000 máy bay Liên Xô bị tiêu diệt ngay trong ngày đẩu tiên của chiến tranh - N.D.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM