Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:54:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại nguyên soái Stalin  (Đọc 27667 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2019, 11:57:07 pm »


        Có thể có người đặt câu hỏi, tại sao lại như vậy, ngày hôm qua họ còn là đảng viên cộng sản, vậy mà nhanh chóng trở thành tay sai của quân Đức. Họ đã được trả công thế nào? Hôm nay chỉ là một yêu cầu về thông tin, nếu anh không nộp thông tin thì chúng tôi đã có hóa đơn trả tiền, và chúng tôi sẽ công bố. Vì quá sợ bị lộ họ đã cung cấp tiếp thông tin. Hôm sau, bọn Đức lại đòi hỏi thông tin nhiều hơn và trả tiền nhiều hơn. Sau đó sẽ là lúc bọn Đức yêu cầu gây bạo loạn.

        Hạt nhân của âm mưu này là 13 kẻ phản bội đã nêu ở trên, đã bán linh hồn cho Đức quốc xã và bị bọn chúng thúc đẩy phải tổ chức bạo loạn. Tôi cho rằng bọn người này đã trở thành con rối trong tay Đức quốc xã.

        Tukhachepxki là một nhân vật rất đặc biệt. Tôi đã từng hỏi ông ta: Làm thế nào mà trong ba tháng anh có thể xây dựng một sư đoàn đến bảy ngàn quân sư đoàn gì mà chỉ có bảy ngàn quân? Đó chỉ có thể là một sư đoàn không có pháo binh, hoặc là một sư đoàn có pháo binh mà lại không có các đơn vị yểm trợ. Nói chung, đó không phải là một sư đoàn đó là một mớ hỗn độn. Tôi có hỏi Tukhachepxki: Anh là một người tự cho là hiểu biết trong lĩnh vực quân sự, tại sao anh lại đưa quân số một sư đoàn có 7.000 người mà lại đòi hỏi phải có 60-90 khẩu cối và 20 khẩu pháo? Phải có được từng đó xe tăng, từng đó khẩu pháo? Từng đó khẩu đại liên? Ở đây chỉ có thể là một trong hai con đường: Hoặc là không có vũ khí hiện đại gì mà chỉ toàn súng trường, hoặc là phải trang bị toàn vũ khí hiện đại.

Lũ người này chỉ có thể gọi là tay sai của Đức quốc xã chúng âm mưu làm gián điệp cho Đức, âm mưu trao Lêningrad, Kiép cho Đức. Bọn ngu ngốc này tưởng rằng chúng ta mù tịt không biết gì. Chúng âm mưu bắt toàn bộ chính phủ ở Kremli, rất may là chúng ta đã biết tất cả.

        Và bây giờ tất cả các vị từng là cán bộ chính trị, các vị lãnh đạo đang ngồi và khóc trong nhà tù.

        Vấn để thứ hai - Tại sao các vị quan này lại dễ dàng bị mua chuộc như vậy? Trong số 300-400 vị, cũng đã từng có một số là người tốt.

        Nếu nói rằng họ là những người có tài năng thì tôi không dám chắc. Đã bao nhiêu lần họ công khai chống lại Lênin, chống lại Đảng và mỗi lần đều thất bại, rồi bấy giờ họ lại dấy lên âm mưu bạo loạn và lại bị phát giác. Họ cũng không phải là tài năng gì, từ năm 1921 đến 1937 luôn bị thất bại.

        Vậy tại sao họ lại dễ dàng bị mua chuộc như vậy? Đây là vấn để rất nghiêm trọng. Tôi cho rằng, bằng cách nào đó họ tỏ ra bất mãn. Trước kia họ đã từng là người của Trotxki, của Dinôviép và nay họ không được thăng tiến như ý muốn, trong khi họ cho rằng mình là người rất có khả năng.

        Bắt đầu từ các nhóm tư tưởng bất mãn, sau đó thì đi xa hơn. Họ lý luận thế này để lôi kéo người khác: Đấy, bây giờ ủy ban an ninh là của chúng tôi, điện Kremli trong tay chúng tôi, vì rằng Pêtecsơn là phe chúng tôi, quân khu Moxcơva cũng trong tay chúng tôi. Hãy gia nhập đội ngũ ngay, nếu không ngày mai chúng tôi cướp được chính quyền thì các anh không có sơ múi gì. Một số phần tử yếu đuối, thiếu kiên định đã tin theo họ.

        Vấn để thứ ba - Tại sao chúng ta quá do dự như vậy trong xử lý vấn để này? Các dấu hiệu thì đã có. Vào tháng hai, chúng ta đã họp hội nghị Trung ương. Có cái gì đó do dự, vấn đề ở đây là gì? Có thể là do chúng ta không có khả năng, hay là chúng ta đã làm ngơ? Có lẽ có cả hai nguyên nhân.

        Tất nhiên, quân đội luôn gắn liền với đảng, với đất nước, mà ở trong đảng như chúng ta đã biết người ta đã nghĩ nhiều về các thành tích đã đạt được: nào là kế hoạch luôn hoàn thành, đời sống mỗi ngày khá hơn, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao, quân đội từ các đơn vị đến cấp chỉ huy tối cao đều rất ổn, lực lượng hùng mạnh, tất cả mọi thứ đều tiến về phía trước. Một số người bắt đầu thỏa mãn và nghĩ rằng: Còn gì là không tốt nữa, chả lẽ trong lúc mọi cái đểu tốt lại có kẻ định làm phản ư? Đó chính là sự mất cảnh giác chính trị.

        Thành tích là rất tốt và chúng ta phấn đấu để có nhiều thành tích. Nhưng bên cạnh đó, thành tích có cái bóng của nó. Đó là bệnh tự mãn - Đó chính là điều tôi muốn nói về tín hiệu cảnh báo. Tôi muốn nói là các tín hiệu cảnh báo từ cơ sở rất yếu. Giá như chúng ta cảnh báo sớm hơn như Lênin đã từng dạy rằng mỗi đảng viên cộng sản, mỗi một người ngoài đảng có trách nhiệm nói lên các yếu điểm, phải nhận xét và đưa ra ý kiến. Đáng lẽ ra từ Trung ương phải có một phương tiện để kiểm tra, đó là kiểm tra công việc mà kết quả của công việc cụ thể thì chỉ có cơ sở là nhìn thấy rõ nhất.

        Chúng ta còn có khuyết điểm là thiếu kiểm tra từ trên xuống. Chúng ta lập ra Bộ tổng tham mưu là để làm gì? Chính là để kiểm tra các tư lệnh quân khu. Tôi chưa hề nghe thấy về việc Bộ tổng tham mưu tiến hành kiểm tra con người cụ thể, rằng họ đã biết được điều gì đó không bình thường của Ubôrêvích (tư lệnh quân khu Bêlôrutxi - N.D) và vạch trần các âm mưu của ông ta. Điều đó là không chấp nhận được. Tất nhiên có một thực tế là người ta không dám động đến các tư lệnh quân khu. Điều này là không được. Bộ tổng tham mưu tồn tại là để từng ngày kiểm tra mọi việc, đưa ra các ý kiến, điều chỉnh các sai lầm. Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu chứng minh rằng Bộ tổng tham mưu đã đứng ở một tầm cao cần thiết để lựa chọn cán bộ. Không chú ý đầy đủ đến việc bổ nhiệm và phân bổ cán bộ chỉ huy các cấp. Chúng ta chưa chú ý khi bổ nhiệm Tổng cục cán bộ cũ, trong một thời gian dài đã có các nhân vật như Garcayưi, Xayixki, Phendman, Ephimốp ngồi ở vị trí này. Mà họ thì không hề có một chút thực tế nào. Đâu là điểm yếu của họ? Đó chắc là vì họ không có liên hệ với nhân dân. Họ tìm cách chỉ huy từ trên xuống, tìm cách tách rời nhân dân, tách ròi quân đội và dựa vào bè lủ Đức quốc xã, có người lo sợ rằng thay đổi một số lượng lớn cán bộ chỉ huy như vậy thì lấy đâu ra người. Xin nói rằng, trong quân đội chúng ta có rất nhiêu tài năng. Không nên sợ khi tiến cử các cán bộ trẻ từ dưới lên.

        Vì vậy, chúng ta cần tìm kiếm mở rộng đội ngũ cán bộ tốt... Đây là vấn đề không nhỏ. Trong số chúng ta có một số còn mơ hồ. Nếu trong thực tế, số cán bộ này tự giác khai báo thì nên tha thứ cho họ, cần giúp đỡ họ. Cũng như trước kia khi giặc cướp đã đầu hàng, nộp vũ khí thì chúng ta tha thứ cho họ, sự tha thứ là cần thiết. Tôi xin hứa như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:44:29 pm »

   
Phần II

THANH GƯƠM ĐAMÔCLÉT
CỦA CHIẾN TRANH

       “Nếu tóm tắt lại các thành tựu của hoạt động đối ngoại từ năm 1931 đến 1941, thì cái được cơ bản là mặc dù chịu sự thúc đẩy của Anh và Mỹ, nhưng Liên bang Xô Viết đã tránh bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh với Đức. Nếu không, vào mùa hè năm 1939 chúng ta đã bị đơn độc lôi cuốn vào hai cuộc chiến tranh một lúc. Đó là chiến tranh chống Đức ở phía Tây và chống Nhật ở phía Đông... Sự ký kết hiệp ước không xâm lược lẫn nhau ký với Đức là bước đi đúng đắn về chính trị của chúng ta. Nó đã đem đến cho chúng ta một khoảng thời gian vô cùng quý giá để chuẩn bị tốt hơn cho công cuộc phòng thủ của đất nước...

        Tinh hình trở nên căng thẳng từng ngày và rất có thể chúng ta sẽ bị phát xít Đức tấn công bất ngờ


I. STALIN        

       (Trích phát biểu tại Hội nghị Bộ chính trị Đảng Bônsêvich Nga mở rộng cuối tháng 5 năm 1941)


SỰ XÍCH GẦN LẠI VỚI ĐỨC -  CUỘC ĐÀM PHÁN BÍ MẬT
(Tháng 8 và 9 năm 1939)

        Trong các cư dân của thành phố Danzig có một giáo sĩ tên là Ligi Nassi Burckhardt. Công việc của ông ta là duy trì các hoạt động nghi lễ của nhà thờ thành phố. Burckhardt thường xuyên sống ở Thụy Sĩ, về học vấn thì ông ta là một nhà lịch sử, còn theo thế giới quan thì ông ta là tín đồ của nền đế chế thứ ba. Sau này ông ta có viết hồi ký, trong đó có một đoạn như sau:

        Ngày 10 tháng 8 năm 1939 thủ lĩnh phát xít của thành phố là Phoxter đã gọi điện về nhà cho Burckhardt và nói:

        - Hitle muốn gặp ông vào bốn giờ chiều mai tại Obersalzberg.

        - Nhưng điều này là không thể được... Và làm sao tôi có thể đến kịp vào chiều mai?

        - Tất cả đã được tính trước rồi. Hitle sẽ gửi đến cho ông một máy bay riêng. Hôm nay vào lúc nửa đêm máy bay sẽ tới. Ông nhớ rằng chuyến đi này không được lộ cho ai biết...

        Burckhardt đã thông báo lời mời này cho Luân Đôn và Paris biết. Bộ trưởng ngoại giao Anh yêu cầu Burckhardt nói chuyện trực tiếp với Hitle để làm sao biết được kế hoạch chi tiết của Hitle vào giai đoạn tới.

        Burckhardt đã đến Obersalzbezg đúng giờ quy định, tại đó ông được đưa lên một chiếc ô tô đã được chờ sẵn để đưa đến dinh thự riêng của Hitle trên đồi.

        Ngay từ những câu đầu tiên, Hitle đã tập trung vào vấn đề  Ba Lan:

        - Ba Lan trực tiếp uy hiếp đến thành phố Danzig. Các báo chí Ba Lan tuyên bố cùng một giọng. Nếu xảy ra bất kỳ một sự khiêu khích nào, tôi sẽ không cần cảnh cáo mà ra lệnh tiêu diệt người Ba Lan ngay!

        - Nhưng điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra - Burckhardt nói.

        - Cứ để xảy ra như vậy, nếu tôi là người điều hành chiến tranh thì tôi sẽ làm cho mọi việc diễn ra vào ngay ngày hôm nay, khi tôi mới 50 tuổi, chứ không phải chờ đến khi đã 60 tuổi. Về bản chất, Đức rất cần ngũ cốc và đồ gỗ. Để có được lúa mỳ và gỗ, nước Đức phải có thuộc địa, phải chiếm được phía đông. Tôi không đòi hỏi gì ở các nước phương Tây, kể cả bây giờ và trong tương lai, những gì mà tôi đã vẽ ra chỉ là giả tưởng. Tôi cần rảnh tay để chiếm phía đông.

        Cuối cùng Hitle nói toạc ra: những gì mà tôi đã nói ra đều là để chống lại nước Nga. Tôi rất cần đất đai của Ucraina, để không bao giờ quân đội bị lo lắng về lương thực.

        Ông ta nhắc đi, nhắc lại vấn đề này, dường như cố ý để Burckhardt nhớ kỹ hơn và sẽ truyền đạt cho đến địa chỉ mà Hitle cần truyền đến. Khi đưa tiễn Burckhardt ra cửa Hitle còn nói:

        - Tôi muốn sống trong hòa bình với Anh quốc. Tôi bảo đảm với chính phủ Anh về hòa bình và sẵn sàng ký với nước Anh hiệp ước tôn trọng lẫn nhau.

        - Ông ta thậm chí còn biểu lộ sẵn sàng gặp bất cứ ai trong chính phủ Anh để bàn vấn để này.

        Sau cuộc gặp với Hitle, Burckhardt lập tức bay tới Baden và bí mật thông báo tin này cho đại diện Bộ ngoại giao Anh và Pháp. Tuy nhiên, cả Burckhardt, cả các quan chức Anh và Pháp đều không biết rằng đây là âm mưu có tính toán trước của Hitle nhằm che giấu kế hoạch đánh Ba Lan, bó buộc các nước phương Tây không dám hành động bằng các lời hứa hẹn của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:45:38 pm »


        Chính trong thời gian này, các phái bộ quân sự phương Tây đang có mặt ở Moxcơva và Hitle đã ngăn cản việc ký kết một hiệp ước giữa nước Nga Xô Viết và các nước phương Tây bằng miếng bánh với các lời hứa hẹn không bao giờ tấn công các nước phương Tây.

        Để các độc giả thấy rõ hơn âm mưu và sự tráo trở của Hitle, tôi sẽ đưa ra một vài số liệu và thời gian của sự kiện. Chúng ta đã biết là Hitle gặp Burckhardt vào ngày 11 tháng 8. Trong khi đó kế hoạch tấn công Ba Lan lúc đó đã được chuẩn bị xong và đều đã được phê duyệt, các quân đoàn đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng. Ngày 5 tháng 8, tức là sáu ngày trước khi có cuộc gặp trên, Bộ trưởng An ninh Đức Henrich đã bí mật triệu Anphred Nauzokx đến tổng hành dinh của ông ta tại Berlin. Chúng ta đều biết đây là nhân vật đã tạo ra các chứng cứ giả về vụ Tukhachepxki và các tướng lĩnh Xô Viết khác. Henrich đã giao cho Nauzokx nhiệm vụ chuẩn bị và tiến hành chiến dịch để tạo cớ tấn công Ba Lan. Vụ giả danh gây hấn này đã trở thành nổi tiếng, rất nhiều tác giả đã viết về nó, vì vậy tôi chỉ cố gắng tóm tắt các sự kiện chính.

        Một nhóm trinh sát Đức đã mặc giả quân phục của Ba Lan và vờ tấn công vào một trạm radio phát sóng của Đức tại thành phố Krayixe, tại hiện trường giả vương vãi các tài liệu của Ba Lan và các xác chết mang quân phục Ba Lan bỏ lại.

        Bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã lập tức loan tin về vụ khiêu khích của Ba Lan và sáng sớm ngày 1 tháng 9 năm 1939, vào lúc 4 giờ 45 phút sáng các binh đoàn của Đức đã vượt qua biên giới Ba Lan trên suốt chiều dài biên giới. Ngày này trong lịch sử được xác định là ngày bắt đầu đại chiến thế giới lần thứ hai. Sau chiến tranh, Nauzokx (một trong các tội phạm chiến tranh tại Tòa án Nuremberg) đã viết trong hồi ký “con người đã mở đầu chiến tranh” trong đó hắn đã thừa nhận vụ khiêu khích giả này: "... cần phải tìm một người có thể tạo ra được cớ trực tiếp, hay nói cách khác là người bóp cò súng. Tôi chính là người đó...”.

        Cuộc gặp của Hitle với Burckhardt diễn ra ngày 11 tháng 8 thì ngày 12 tháng 8 bắt đầu hội nghị các phái bộ quân sự Nga và Anh, Pháp tại Moxcơva.

        Stalin rất quan ngại về các hành động xâm lược của Hitle ở châu Âu, ông đã có đủ tài liệu thông tin về việc Hitle đang chuẩn bị để tấn công Liên Xô. Vì vậy, ông cố gắng để thuyết phục các nước phương Tây ký kết hiệp ước cùng nỗ lực chống xâm lược. Tuy nhiên, rất nhiều nhà lãnh đạo Anh và Pháp vẫn tin tưởng vào lời hứa của Hitle là chỉ tấn công sang phía đông chống lại nhà nước Xô Viết, vì vậy họ cho rằng không có gì nguy hiểm cho Anh và Pháp. Việc đàm phán với Liên Xô chỉ tiến hành về hình thức, trên thực tế họ lại mong Đức nhanh chóng tấn công Liên Xô. Họ hiểu rằng Hitle không bao giờ muốn một hiệp ước như vậy được ký kết. Đã rõ là Anh và Pháp chỉ tìm cách kéo dài thời gian, chứ không muốn ký hiệp ước chung với nước Nga. Như chúng ta đã biết, mãi đến ngày 5 tháng 8 các đoàn đàm phán Anh và Pháp mới khởi hành bằng chuyến tàu chở hàng và được chỉ đạo bằng phương châm: đàm phán một cách chậm chạp, theo dõi các biến cố chính trị.

        Đoàn đại biểu nước Nga Xô Viết do Bộ trưởng Dân ủy quốc phòng, Nguyên soái Vôlôsilốp dẫn đầu. Các thành viên bao gồm: Tổng tham mưu trưởng Sapôxnhicốp, Bộ trưởng dân ủy hải quân, đô đốc Cudơnhetxốp, Tư lệnh không quân Loctionốp và Phó tổng tham mưu trưởng Xmôrôdinốp. Thành phần đoàn cho thấy quyết tâm của phía Liên Xô sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc.

        Cuộc đàm phán bắt đầu ngày 12 tháng 8, nhưng đến 14 tháng 8 thì đã rõ là sẽ không dẫn tới một kết quả tích cực nào. Các sự kiện đã cho thấy là cả ba quốc gia đều chưa đánh giá hết ý đồ nguy hiểm của phát xít Đức. Lập trường của Anh và Pháp thì đã rõ, nhưng kể cả đoàn của Liên Xô cũng chưa nỗ lực tối đa, Vôlôsilốp chưa có đủ kinh nghiệm ngoại giao để tìm được giải pháp dung hòa mềm dẻo. Trong lúc đó, ở London, phía Anh đã triển khai một số bước để tìm cách đàm phán với phát xít Đức.

        Đánh giá đầy đủ tình hình và biết rằng cuộc đàm phán ở Moxcơva giữa các phái đoàn Anh - Pháp và Nga khó mà thành công, Hitle đã quyết định một bước đi táo bạo để tránh phải đối đầu với một liên minh lớn mạnh.

        Các kênh ngoại giao của Đức bắt đầu loan truyền khả năng xích lại gần Liên Xô của Đức. Do không tìm được cách tiếp cận với Anh và Pháp, Stalin đã quyết định không loại bỏ khả năng tiếp cận của Đức. Do kết quả các cuộc tiếp xúc của đại sứ Nga tại Berlin Axtakhốp và đại sứ Đức tại Nga với Molotốp, cả hai bên đã thỏa thuận được về chuyến đi của ngoại trưởng Đức Ritbenxtrốp đến Moxcơva.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:47:39 pm »


        Sau các cuộc gặp cấp bộ trưởng và đại sứ, Hitle và Stalin đã trao đổi điện văn. Sau đây là bức điện của Hitle gửi ngày 20 tháng 8 năm 1939.

        Thưa ngài Stalin, Moxcơva.

        1.Tôi chân thành chào mừng việc ký hiệp ước buôn bán mới giữa Đức và Nga như bước đầu tiên trong việc tái xác lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Nga.

        2. Việc ký kết hiệp ước về không tấn công Liên Xô là chính sách lâu dài của Đức, vì thế, Đức sẽ điều chỉnh đường lối chính trị trong hàng thế kỷ đã đem lại lợi ích cho cả hai nước. Trong tình hình hiện nay, chính phủ Đức quyết định sẽ hành động phù hợp với những thay đổi đã diễn ra từ lâu giữa hai nước.

        3. Tôi nhận bản dự thảo về hiệp ước không xâm lược do Bộ trưởng ngoại giao của ngài Molotốp chuyển đến và cho rằng cần phải nhanh chóng làm rõ các vấn đề có liên quan.

        4. Tôi tin tưởng rằng, biên bản bổ sung mà phía Liên Xô yêu cầu sẽ nhanh chóng được hoàn tất, nếu như đại diện có thẩm quyền của phía Đức trực tiếp đến đàm phán tại Moxcơva, nếu không có biện pháp tích cực như vậy thì phía Đức thấy rất khó có thể hoàn tất bản thỏa thuận bổ sung trong một thời gian ngắn.

        5. Sự căng thẳng giữa Đức và Ba Lan đã vượt quá ngưởng cho phép. Hành vi của phía Ba Lan đối với cường quốc có thể gây ra khủng hoảng vào bất kỳ ngày nào. Đứng trước nguy cơ này, nước Đức thây rang trong bất cứ hoàn cảnh nào sẽ quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi phương tiện mà Đức có.

        6. Theo tôi, tôi mong muốn trong khuôn khổ ý định của hai quốc gia, chúng ta không nên để mất thời gian thêm nữa mà cần nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới trong quan hệ của chúng ta. Vì vậy, tôi một lần nữa đề nghị phía Liên Xô đồng ý tiếp Bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi vào ngày thứ ba 22 tháng 8, chậm nhất là ngày thứ tư 23 tháng 8. Bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi sẽ có toàn quyền trong việc xây dựng và ký kết kể cả hiệp ước không tấn công lẫn nhau lẫn các biên bản khác. Trong khi tinh hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng ngoại giao Đức không thể ở lại Moxcơva quá một hoặc hai ngày. Tôi sẽ rất hân hạnh nếu nhận được sớm thư trả lời của ngài

Adonphơ Hitle.       

        Hitle hiểu rất rõ rằng phía Anh và Pháp tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán, thậm chí các đoàn đại biểu hoàn toàn không có đủ thẩm quyển ký kết bất cứ văn kiện nào. Không phải ngẫu nhiên mà phía Đức đề nghị Bộ trưởng ngoại giao Đức chỉ đến Moxcơva trong vòng 1 hoặc 2 ngày và ông ta có toàn quyền để ký kết các thỏa thuận giữa hai bên. Hitle đang rất vội.

        Cũng đúng vào ngày 21 tháng 8 năm 1939, Stalin đã điện trả lời cho Hitle:

        Gửi ngài Hitle, Thủ tướng Nhà nước Đức.

        Tôi cảm ơn vì bức thư của Ngài.

        Tôi hy vọng hiệp ước Nga-Đức về không xâm lược lẫn nhau sẽ trở thành bước ngoặt chính trị quan trọng trong việc cải thiện quan hệ chính trị giữa hai nước chúng ta.

        Nhân dân cả hai nước chúng ta rất cần quan hệ hòa bình giữa hai nước. Quyết định của nhà nước Đức về việc ký kết hiệp ước không tấn công lẫn nhau là nền tảng rất quan trọng để giải tỏa các căng thẳng chính trị và thiết lập nền hòa binh, hợp tác giữa hai quốc gia.

        Chính phủ Xô Viết trao toàn quyền cho tôi thông báo với Ngài rằng, chính phủ Xô Viết đồng ý để ngài Ritbenxtrốp (Bộ trưởng ngoại giao Đức-ND) đến Moxcơva vào ngày 23 tháng 8.

I. Stalin       

        Đó là sự mở đầu của một “trò chơi chính trị” rất riêng biệt giữa hai nhà độc tài.

        Thông thường trong những “trò chơi” này thì người ta thường nói và viết một đằng, nhưng trong thực tế lại hành động theo một cách khác. Xin nhắc lại một đoạn đối thoại của Hitle với Burckhardt 9 ngày trước khi gửi thư cho Stalin:

        “Tôi muốn sống trong hòa bình với Anh quốc. Tôi sẵn sàng bảo đảm với chính phủ Anh rằng... tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp để chống lại nước Nga”. Chúng ta có điều kiện để nắm được ý đồ thâm hiểm của Đức không phải thông qua dư luận mà là chính từ Hitle. Một ngày sau khi nhận được thư của Stalin - tức ngày 22 tháng 8 năm 1939, Hitle đã gặp tất cả các đại tư lệnh các binh chủng quân đội Đức tại Obergian - bergd.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:49:26 pm »


        Tại cuộc gặp này Hitle đã nói:

        "... Tướng Brauchits báo cáo tôi rằng cuộc chiến với Ba Lan sẽ kết thúc trong vòng vài tuần. Nếu như ông ta báo cáo rằng cần đến 1 hoặc 2 năm để làm việc đó thì tôi đã không ra lệnh tấn công ngay và hiệp ước sẽ không được ký với Nga mà là ký với Anh, chúng ta không thể tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài. Tôi đã biết Dulles và Chemberlain 1 từ dạo ở Munkhen, họ chỉ là một lũ hèn nhát. Nước Ba Lan sẽ bị chiếm đóng bởi người Đức và nói chung đối với nước Nga, chúng ta cũng sẽ làm như đã làm với Ba Lan, sau khi Stalin chết, vì ông ta là con người ốm yếu, chúng ta sẽ thanh toán nước Nga. Lúc đó mặt trời đế chế Đức sẽ chiếu rọi khắp thế giới.

        Tình hình của chúng ta hiện nay thuận lợi hơn bao giờ hết... Cuộc tấn công vào Ba Lan sẽ bắt đầu vào sáng sớm ngày chủ nhật. Tôi sẽ cho một số đại đội mặc binh phục Ba Lan và đột nhập vào vùng thượng Xilêdi - Thế giới có tin hay không đối với tôi không quan trọng, thế giới chỉ cần biết rằng chúng tôi đã chiến thắng.

        ... Việc thay đổi quan hệ với Nga tôi đã tiến hành từng bước, đầu tiên là các hiệp ước thương mại rồi chuyển sang các quan hệ chính trị... Bốn ngày trước đây tôi đã đi một bước quan trọng và ngày hôm qua phía Nga đã trả lời là họ sẵn sàng ký hiệp ước, đã thiết lập được kênh tiếp xúc trực tiếp với Stalin. Hai ngày nữa Ritbenxtrốp sẽ ký hiệp ước...”. Nhưng trên thực tế, các tuyên bố công khai được tiến hành theo một cách khác hẳn.

        Ngày 23 tháng 8 năm 1939, Ritbenxtrốp đến Moxcơva và lập tức có cuộc gặp ba tiếng đồng hồ với Stalin và Molotốp. Ngay chiều tối hôm đó là vòng đàm phán thứ hai, và tiếp đó là lễ ký hiệp ước nổi tiếng về “không tấn công lẫn nhau" giữa Đức và Liên Xô.

        Trong các cuộc gặp với Molotốp vào đầu những năm 80, tôi đã hỏi ông ta về quá trình đàm phán và ký kết hiệp ước này. Những tư liệu, lồi kể của Molotốp và bản ghi âm lời dịch của phiên dịch Đức đã cho thấy những gì đã được bàn trong buổi tối hôm đó tại điện Kremli.

        Khi nói về Nhật, Ritbenxtrốp nói:

        - Tình hữu nghị Đức - Nhật không nhằm mục đích chống lại Liên Xô, hơn thế chúng tôi còn đóng góp để tạo ra sự ổn định trong quan hệ giữa Liên Xô và Nhật. Nếu ngài Stalin quan tâm vấn đề này tôi xin bảo đảm là sẵn sàng hành động theo hướng đó và dùng ảnh hưởng của mình tác động tới chính phủ Nhật Bản.

        Stalin suy nghĩ một lát và nói:

        - Chính phủ Xô Viết mong muốn tăng cường quan hệ với Nhật. Tuy nhiên, phía Nhật lại thường xuyên khiêu khích. Nếu Nhật muốn chiến tranh, họ sẽ được nhận chiến tranh. Liên Xô không sợ chiến tranh và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng nếu Nhật muốn hòa bình - điều đó tốt hơn nhiêu, tôi cho vai trò của Đức trong việc này là có hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi muốn phía Nhật hiểu rằng đó là do Liên Xô chủ động để nghị.

        - Chúng tôi sẽ làm đúng như ông mong muốn -  Ritbenxtrốp nói - Tôi sẽ tiếp xúc ngay với đại sứ Nhật tại Berlin.

        Trả lời câu hỏi của Stalin về quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, Ritbenxtrốp nói:

        - Chúng tôi có thông tin là phía Anh đã bỏ ra 5 triệu Sterling để tuyên truyền chống Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ.

        Stalin cho rằng: Theo các thông tin của tôi, phía Anh đã bỏ ra số tiền lớn hơn 5 triệu bảng để mua chuộc các chính khách Thổ Nhĩ Kỳ và nói chung các hành động của chính phủ Anh rất khó hiểu.

        - Phía Anh luôn cố phá vỡ quan hệ giữa Đức và Nga -  Ritbenxtrốp nói - Nước Anh rất yếu và họ muốn các nước khác tôn vinh họ là cường quốc.

        - Quân Anh rất yếu - Stalin đồng ý - Hạm đội của Anh không giữ được truyền thống từ xưa.

        Ritbenxtrốp đồng ý và nói với Stalin:

        - Gần đây phía Anh lại đưa ra các hành động sai lầm như dạo 1914. Tôi đã đề nghị Hitle thông báo với người Anh là nếu quan hệ Đức - Ba Lan có vấn đề gì dẫn đến các hành động thù địch của Anh thì Đức sẽ ném bom London.

        Stalin nói:

        - Mặc dù có nhiều điểm yếu, nhưng nước Anh sẽ tiến hành chiến tranh rất mềm dẻo và khôn ngoan, nếu tính cả đồng minh thân cận là Pháp thì cần nhớ rằng Pháp đã bố trí quân đội rất cẩn thận.

        Ritbenxtrốp trả lời:

        - Quán Pháp ít hơn quân Đức. Các quân đoàn phía Tây của chúng tôi mạnh gấp năm lần so với chiến lũy Maginnô. Nếu phía Pháp định đánh nhau với Đức thì họ sẽ chịu thất bại...

----------------
        1. Có lẽ Hitle nhắc tới John Foster Dulles - Ngoại trưởng Mỹ. Dòng họ Dulles có truyền thống gia đình nổi tiếng ở Mỹ. Ông nội cũng tên là John Foster Dulles là Ngoại trưởng Mỹ thời Tổng thống Benjamin Hayrison, bác của Dulles là Robert Lansing là Ngoại trưởng thời Tống thống Woodrow Wilson người đã chứng kiến lễ ký hiệp ước Hòa bình Versailles năm 1918. J.F. Dulles mất ngày 24 tháng 5 năm 1959.
        - Neville Chamberlain - Là thủ tướng Anh thời trước chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:51:27 pm »


        Khi nói về các hành động chống lại quốc tế cộng sản, Ritbenxtrốp nói:

        - Các hoạt động chống quốc tế cộng sản không nhằm vào Liên Xô mà là nhằm vào nền dân chủ phương Tây.

        Stalin nói:

        - Các văn bản chống lại quốc tế cộng sản chủ yếu chỉ đủ hù dọa các tiểu thương ở London.

        Ritbenxtrốp nói:

        - ... Nhân dân Đức, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo rất ủng hộ quan hệ với Liên Xô.

        - Tôi tin vào điều đó - Stalin nói.

        Ritbenxtrốp nói tiếp:

        - Nhân dân Đức muốn có hòa bình, nhưng một mặt lại rất tức giận hành động của Ba Lan đến mức sẵn sàng chiến tranh với Ba Lan.

        Stalin đột ngột đề nghị nâng cốc:

        - Tôi biết là dân tộc Đức rất kính trọng lãnh tụ của mình, vì vậy tôi để nghị nâng cốc vì sức khỏe của ông ta.

        Molotốp để nghị nâng cốc vì sức khỏe Stalin và vì quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

        Khi chia tay, Stalin nói với Ritbenxtrốp:

        - Chính phủ Liên Xô coi trọng một cách nghiêm túc với hiệp ước vừa ký. Tôi xin cam đoan là Liên Xô không bao giờ bội ước với đồng minh của mình.

        Ngày 31 tháng 8 tại phiên họp bất thường của Xô Viết tối cao Liên Xô, hiệp ước Nga - Đức về không tấn công lẫn nhau đã được phê chuẩn.

        Phát biểu tại phiên họp, Molotốp đã nói:

        - "... Đồng chí Stalin đã cảnh báo về âm mưu khiêu khích chiến tranh... vạch rõ ý đồ ầm ĩ của Anh - Pháp và giới truyền thông Mỹ về cái gọi là “kế hoạch tấn công Ucraina” của Nga. Đồng chí Stalin đã nói lúc đó. “Hình như sự ầm ĩ này có ý đồ của nó, đó là thúc đẩy Liên Xô gây chiến với Đức, đầu độc bầu không khí chính trị và kích động gây hấn với Đức”.

        Như chúng ta đã thấy, đồng chí Stalin đã điểm đúng huyệt, đã vạch trần âm mưu kích động sự chạm trán của Nga và Đức. Việc ký kết hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Nga và Đức chứng minh tầm nhìn xa chiến lược của đồng chí Stalin thật là tuyệt vời.

        Như chúng ta đã rõ về sau này, hiệp ước về không tấn công lẫn nhau và tất cả chiến lược của Hitle chỉ là trò ngụy trang, che giấu công việc chuẩn bị chiến tranh của Hitle. Ngày nay, rất nhiều tác giả đã viết về hiệp ước này, họ đưa ra ý kiến dường như Stalin không hiểu gì về âm mưu của Đức, về điều này có lẽ độc giả chưa nên có kết luận gì vội.

        Để cung cấp thêm tư liệu cho độc giả, tôi nghĩ rằng, cần thiết phải nói về một số tài liệu mật có liên quan đến hiệp ước đã được ký. Các tài liệu này đã được đăng tải ở nước ngoài. Cả thế giới đểu biết các tài liệu này, đặc biệt là ở các nước cộng hòa vùng Ban Tích. Ở nước ta thì các tài liệu này chưa được công bố ở dạng bản gốc mà toàn là bản chụp.

        Tôi tự cảm thấy là cần phải nói lên toàn bộ sự thật về các tài liệu này.

        Tại Đại hội lần thứ nhất đại biểu nhân dân Liên Xô, tháng 6 năm 1989, đã thành lập ủy ban đánh giá về Hiệp ước Nga - Đức về không tấn công lẫn nhau ký năm 1939.

        M. Gorbachốp lúc đó đã nói:

        - Vấn đề này đã xảy ra từ lâu, các nhà lịch sử, các nhà chính trị, các cơ quan nghiên cứu đã thảo luận nghiên cứu nhiều. Và tôi cần nói rằng: Trong khi chúng ta đang nghiên cứu nó trên bình độ khoa học thì ở các cơ quan nào đó các tài liệu, thậm chí kể cả tài liệu mật đã được công bố khắp nơi, và cả báo chí Anh quốc cũng đăng tải. Nhưng mọi ý định tìm được bản gốc của tài liệu này đều thất bại - về chữ ký cũng có nghi ngờ vì sao Molotôp lại ký bằng ký tự tiếng Đức...

        Có lẽ Gorbachốp không biết rõ vấn đề. Trong bộ hồ sơ ta thấy Molotốp ký bằng tiếng Nga một cách bình thường. Có thể thấy sự giống nhau giữa các chữ ký này với các chữ ký trên các bản chụp mà Molotốp chuyển cho tôi. Tất nhiên, việc giả mạo chữ ký không phải là khó. Nhưng sẽ có một câu hỏi vì sao và để có lợi cho ai mà phải giả mạo chữ ký dưới một văn bản mà dường như là “không hề có”.

        Về vấn đề chữ ký của Molotốp bằng tiếng Đức thì đúng là đã có việc này. Các tài liệu về Hiệp ước được in bằng hai thứ tiếng. Molotốp ký bằng tiếng Nga vào bản tiếng Nga, và ký bằng tiếng Đức dưới văn bản tiêng Đức. Dường như là để chứng tỏ hiểu biết của mình về tiếng Đức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:53:49 pm »


        Sau đây là nội dung biên bản đóng dấu Mật, coi như văn bản phụ lục của Hiệp ước:

        Trong khi ký văn bản về Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô mà các bên có thẩm quyền dưới đây đã thảo luận trong khuôn khố vấn đề biên giới và các quyền lợi có liên quan ở phía Đông châu Âu. Các cuộc đàm phán đã đi đến các kết quả dưới đây:

        1. Trong trường hợp tiến hành điều chính cơ cấu địa chính trị của các khu vực thuộc quốc gia vùng Ban Tích (Phần Lan, Extônia, Latvia, Litva) đường biên giới phía Bắc của Litva đồng thời là biên giới của Đức và Liên Xô. Trong trường hợp này các quyền lợi của Litva đối với vùng Vilenxki được cả hai bên thừa nhận.

        2. Trong trường hợp tái cơ cấu lại các vùng địa chính trị thuộc Ba Lan thì ranh giới quyền lợi của Đức và Liên Xô sẽ ở khoảng dọc theo lưu vực sông Nareva, Vixla và Xana.

        Vấn đề trong phạm vi quyền lợi của hai bên có mong muốn duy trì sự độc lập của nhà nước Ba Lan hay không và đâu là đường biên giới của quốc gia này sẽ được xác định trong quá trình phát triển của các sự kiện chính trị tiếp theo.

        Trong mọi trường hợp cả hai chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ đồng thuận hữu nghị của các bên.

        3. Về khu vực Đông Nam của châu Âu, phía Liên Xô nhấn mạnh quyền lợi của Liên Xô ở khu vực Bexarabi. Phía Đức tuyên bố phía họ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề chính trị của khu vực này.

        4. Biên bản này được hai bên bảo quản trong chế độ tuyệt mật!

Moxcơva 23 tháng 8 năm 1939       

        Trên đây chính là nội dung “thỏa thuận bí mật” mà chính phủ Liên Xô đã ký với Đức.

        Trong phiên họp Xô Viết tối cao, Molotốp đã nói Hiệp ước về không tấn công lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình của châu Âu, làm ấm lên quan hệ giữa hai cường quốc mạnh nhất châu Âu. Hiệp ước này không chỉ giúp chung ta đẩy lùi nguy cơ chiến tranh với Đức mà còn phục vụ mục đích vì sự nghiệp hòa bình của Thế giới...

        Trong bản tin của tờ “Sự thật” đã tập hợp lại các lời phát biểu và vào đêm rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939 tiếng bom của phát xít Đức đã nổ vang ở Ba Lan, các đơn vị bộ binh cơ giới của Đức tràn vào Ba Lan.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1939 tờ “Sự thật” đã công bố tuyên bố của TACC:

        "Berlin, ngày 1 tháng 9. (TASS)

        Theo thông báo của Bộ Thông tin Đức, sáng sớm hôm nay quân đội Đức theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy tối cao đã vượt qua biên giới Đức - Ba Lan. Không quân Đức cũng đã ném bom các vị trí quân sự ở Ba Lan".

        Đây là thông báo về thảm họa của một quốc gia lân bang của Nga.

        Khi thông báo về việc quân Đức đã vào Ba Lan. Hitle cũng muốn quân đội Liên Xô nhanh chóng tấn công vào các vùng đất của Ba Lan gần biên giới Liên Xô.

        Ngày 14 tháng 9 năm 1939 đại sứ Đức tại Moxcơva điện khẩn cho Bộ Ngoại giao Đức:

        Khẩn! Tuyệt mật! Ngày 14 tháng 9 năm 1939 lúc 18 giờ 00 phút. Lúc 16 giờ hôm nay Molotốp triệu tôi đến và tuyên bố rằng Hồng quân đã ở trạng thái sẵn sàng sớm hơn dự định vì vậy các đơn vị Xô Viết có thể bắt đầu hành động sớm hơn tại phiên thảo luận cuối cùng. Tính đến các động thái chính trị của phía Xô Viết, phía Liên Xô nhất định không hành động trước thời điểm Varxaya - Trung tâm hành chính của Ba Lan thât thủ. Vì vậy Molotốp đề nghị làm sao để ông ta được thông báo chính xác khi nào thì có thể chiếm được Varxava. Tôi muốn lưu ý ngài về bài báo trên tờ “Sự thật” ngày hôm nay và số báo ngày mai của tờ Izvexchia sẽ bổ sung. Các bài báo này sẽ có nội dung về ý đồ chính trị của các đạo quân Xô Viết mà Molotốp đã nhắc đến.

Schulenburg       

        Ngày 17 tháng 9 Schulenburg lại điện về Đức:

        Thượng khẩn! Mật!

        Ngày 17 tháng 9 năm 1939.

        Với sự có mặt của Vôlôsilốp và Molotôp Stalin đã tiếp tôi  lúc hai giờ sáng và tuyên bố rằng, Hồng quân sẽ vượt qua biên giới vào lúc sáu giờ sáng trên toàn tuyến từ Pôlôxka đến Camênhs - Pôđônxka. Đế tránh các sự cố, Stalin đề nghị chúng ta rất chú ý để các máy bay Đức, từ hôm nay, không bay qua phía Đông của tuyến Bexlôxtốc- Brext- Litôpxk- Lemberg. Ngày hôm nay các máy bay cường kích Xô Viết sẽ bắt đầu ném bom khu vực phía đông Lemberg.

        Stalin đọc cho tôi nghe công hàm mà tôi hôm nay sẽ trao cho Đại sứ Ba Lan ở Moxcơva, bản chụp của nó sẽ được gửi tới các phái Bộ Ngoại giao và công bố báo chí... Stalin nói rằng vấn đề công bố nội dung Hiệp ước Đức - Nga sẽ không được xem xét trong vòng 2 hoặc 3 ngày tới...


Schulenburg       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:56:34 pm »


        Tôi thấy cần thiết phải nêu lại nội dung công hàm của chính phủ đã được gửi tới các phái Bộ Ngoại giao lúc đó.

        Ngày 17 tháng 9 năm 1939

        Thưa ngài Đại sứ!

        Cuộc chiến tranh Đức - Ban Lan phản ánh sự bất ổn bên trong của chính phủ Ba Lan chỉ trong vòng mười ngày phía Ba Lan đã thất thủ... Điều đó chứng tỏ là chính phủ Ba Lan không còn tồn tại, vì vậy Hiệp ước chung Nga - Ba Lan củng không còn hiệu lực. Sự hỗn loạn, không kiểm soát được ở Ba Lan sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các thế lực không lường trước uy hiếp đến Liên Xô. Vì vậy chính phủ Liên Xô cho rằng không thể không quan tâm đến tình hình này.

        Chính phủ Xô Viết cũng không thể không quan tâm đến việc các công dân Ucraina và Bêlôrutxia đang sinh sống trên lãnh thổ Ba Lan sẽ chịu số phận bất an và không được bảo vệ.

        Trong tình hình đó, chính phủ Xô Viết đã trao nhiệm vụ cho Bộ tổng chỉ huy Hồng quân để ra lệnh cho các đơn vị bảo vệ tài sản và tính mạng cư dân phía tây Ucraina và tây Bêlôrutxia.

        Đồng thời chính phủ Xô Viết sẽ có các hoạt động để cứu nhân dân Ba Lan ra khỏi các hành động quân sự mà chính phủ Ba Lan muốn đẩy họ vào và tạo điều kiện cho họ sống trong hòa bình.

        Hãy nhận ở tôi lời chào trân trọng

Bộ trưởng dân ủy Ngoại giao Liên Xô       
V. Molotôp                       
        Các tài liệu mà ngày nay mọi người đều rõ (các tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức) đã chứng minh một điều khác. Sau đây là bức điện của Đại sứ Đức ở Moxcơva gửi về Berlin ngày 25 tháng 9 năm 1939:

        Tối mật! Khẩn!

        Lúc 20 giờ tối nay Stalin và Molotốp triệu tôi vào Kremli, Stalin tuyên bố, trong khi giải quyết các vấn đề ở Ba Lan cần tránh gây ra các trở ngại trong quan hệ Đức và Nga, ông ta đề nghị: Với các phần lãnh thổ ở phía đông tuyến Demarcaxi và toàn bộ khu vực Linbinxki và một phần Varxaya sẽ thuộc về Đức và Đức sẽ không đòi hỏi về lãnh thổ Litva.

        Stalin đề nghị nếu phía Đức đồng ý thì phía Nga sẽ quyết định vấn đề các quốc gia vùng Ban Tích phù hợp với biên bản ký kết ngày 23 tháng 8. Stalin nhấn mạnh đến Extônia, Latvia và Litva nhưng không đả động đến Phần Lan.

        Tôi đã trả lời Stalin rằng tôi sẽ báo cáo toàn bộ về cho chính phủ


Schulenberg       

        Ngày 27 tháng 9 Ritbentrốp lại bay đến Moxcơva và ngày 28 tháng 9 ông ta và Molotốp đã ký Hiệp ước mới về: “quan hệ hữu nghị và đường biên giới giữa Liên Xô và Đức”. Hiệp ước này khẳng định một cách chính thức phần lãnh thổ Ba Lan giữa Đức và Liên Xô, kèm theo nó là bản đồ có đường biên giới mới với chữ ký của Stalin và Ritbentrôp. Kèm theo Hiệp ước này là hai bản “phụ ước bí mật”.

        Sau này khi thành lập ủy ban điều tra về Hiệp ước này, M. Gorbachôp đã nói:

        “Hiện chưa tìm thấy bản gốc “phụ ước bí mật”, vì vậy tôi cho rằng cần phải có ủy ban để đánh giá về khía cạnh chính trị và luật pháp của Hiệp ước mà không cần các phụ ước mật, vì lịch sử cho rằng đã từng có mặc cả giữa hai cường quốc về một đường ranh giới nào đó... Tuy nhiên đó chỉ là suy đoán. Vì vậy cần phải làm rõ, phân tích các tài liệu... Đây không phải là vấn đề đơn giản, nhưng vì nó đã từng có, vì vậy theo tôi không nên lảng tránh nó. Chúng ta hãy tìm hiểu và nghiên cứu...

        Tôi xin dẫn ra nội dung phụ ước mật mà báo chí Mỹ đã đăng và chúng ta hãy cùng đánh giá sự kiện: “phụ ước mật” này:

   
    Các bên ký kết dưới đây về hiệp ước thân thiện và đường biên giới giữa Đức - Liên Xô thỏa thuận với nhau như sau:

        Cả hai bên sẽ không cho phép bất kỳ sự tuyên truyền nào về Ba Lan trên lãnh thổ của mình mà tác động đến lãnh thổ của nước khác. Họ sẽ ngay lập tức chấm dứt loại tuyên truyền này trên lãnh thổ của mình và sẽ thông báo cho nhau về các biện pháp tương ứng đối với vấn đề này.

        Đại diện toàn quyền phía chính phủ Liên Xô: V. Molotôp phía chính phủ Đức là Ritbentrốp.

Moxcơva, 28 tháng 9 năm 1939       

        Các tài liệu mà chúng ta đã có, chỉ mới là tài liệu từ phía Đức và Liên Xô, còn các tài liệu mà Anh có thì phải đên năm 2017 mới được giải mật, còn ở Mỹ thì không biết đến bao giờ.

        Lần đầu tiên vấn đề có hai bản “phụ ước mật” này được đưa ra trong quá trình của tcà án quốc tế Nurenberg, khi các bị cáo tìm cách chứng minh rằng phía Liên Xô đã ký kết các hiệp ước này cũng là đồng phạm của tội xâm lược.

        Trong quá trình hỏi cung thư ký Bộ Ngoại giao Đức, ông ta đã khai là từng có bản phụ ước này. Khi được hỏi về bản gốc thì ông ta nói rằng: “Tôi chỉ nhìn thấy bản copy, có thể là đã nhìn thấy ở đâu đó bản gốc...”.

        Trong thời gian nghỉ, vị công tố chính của Liên Xô là Rudencô đã phản đối các tranh luận về vấn đề “phụ ước bí mật” vì rằng trước khi phiên tòa bắt đầu, các quốc gia thắng trận đã thống nhất là không động đến các vấn đề loại này, vì có thể tạo cớ cho các tội phạm chiến tranh lợi dụng để che giấu tội lỗi của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:57:35 pm »


        Toà đã thống nhất với đề nghị của Rudencô. Vì vậy, tòa không nghe về vấn đề này và trong biên bản cũng không đưa vào. Tuy nhiên trong lời nói cuốỉ cùng Ritbentrốp vẫn nhắc lại về “bản phụ ước” này.

        Đối với phía Đức, khi tình hình thất bại trong chiến tranh đã rõ ràng thì Ritbentrốp đã ra lệnh cho chụp tất cả tài liệu mật và ghi lại vào các bản (microfilm).

        Mùa xuân năm 1945, phía Đức ra lệnh huỷ toàn bộ tài liệu. Tuy nhiên các micrôfilm (khoảng 20 hộp với 9.725 trang tư liệu) được xếp vào các hòm sắt, lấy vải bọc lại và chôn ở trong vườn lâu đài Senberg. Ngày 12 tháng 5 năm 1945, Phold Lias đã kể cho một vị trung tá quân đội Anh là Robert Thompson biết về bí mật này. Vị trung tá này lại thông báo cho đồng nghiệp Mỹ, ngày 14 tháng 5 người ta đã đào hộp sắt lên và ngày 19 tháng 5 cái hộp này đã được chở về London và người Mỹ đã chụp lại các văn bản này.

        Nhưng bản gốc nằm ở phía Liên Xô thì đang ở đâu?

        Cách đây không lâu, người ta đã rõ là bản “phụ ước bí mật” được lưu trữ ở thư viện tư của Molotốp. Việc ký kết các bản phụ ước chỉ có các nhân chứng tham gia trực tiếp là biết, còn Bộ chính trị và Xô Viết tối cao không ai biết gì.

        Lần đầu tiên, nội dung của bản “phụ ước bí mật” đã được công bố ngày 23 tháng 5 năm 1946 trên báo “Sant - Louis Post Espress”, trên báo chí Liên Xô không hề nhắc đến sự tồn tại của “phụ ước bí mật” này. Năm 1989, Đại hội thứ nhất đại biểu nhân dân Liên Xô đã thành lập ủy ban điều tra về Hiệp ước Nga - Đức không tấn công lẫn nhau năm 1939 do Iacôplép làm chủ tịch, ủy ban này đã tiếp xúc với các tài liệu lưu trữ của Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, ủy ban an ninh quốc gia, các Ban của Đảng và học viện Mác - Lênin, v.v... Tuy nhiên không ở đâu có thể tìm thấy bản gốc của phụ ước mật này.

        Bây giờ tôi sẽ kể về một chứng cớ bổ sung, mà theo tôi là quan trọng để chứng minh về sự hiện diện của bản “phụ ước mật”.

        Khi xem xét tài liệu, tôi chợt nghĩ rằng các nhân vật chính của sự kiện như Stalin, Hitle, Molotốp, Ritbentrốp, Gơrinh... đã rời khỏi sân khấu chính trị và không ai còn có thể nói về sự thật xảy ra lúc đó nữa, đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ: Hãy còn một người đang sống, người đó luôn có mặt bên cạnh các nhân vật chính, đó là phiên dịch Pablốp- Vladimir Nhicôlayich.

        Vứt bỏ mọi việc, tôi lập tức lục tìm địa chỉ Pablốp qua sổ điện thoại tuy rằng tìm một người ở Moxcơva là rất khó.

        Tôi đã tìm được Pablổp, vợ ông ta đã cảnh báo rằng chồng bà không bao giờ trả lời phỏng vấn, thậm chí máy ghi âm bà cũng không cho bật. Lúc đó Valadimir Nhicôlayich xuất hiện ở phòng khách. Tuy rằng ông không giống như tôi vẫn thấy trên nhiều bức ảnh, lúc đó trông ông gầy gò, luôn cố ý đứng tránh một bên. Nhưng bây giờ trông ông “phát tướng” hơn. Ông ta đã ngoài tám mươi tuổi nhưng trí nhớ vẫn rất tuyệt vời.

        Ông nói rất ngắn gọn về bản thân:

        “Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành phiên dịch, tốt nghiệp trường năng lượng, nghiên cứu để tài về tăng tính bền của cánh quạt Tuốcbin. Tôi rất say mê học ngoại ngữ và trời phú cho năng khiếu nên học rất nhanh cả tiếng Đức, tiếng Anh sau đó là tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Năm 1939 tôi được triệu tập đến cơ quan Trung ương, lúc đó tôi mới là đảng viên dự bị.'Sau khi kiểm tra tiếng Đức của tôi, họ đã đem tôi đến gặp đồng chí Molotốp lúc đó vừa được bổ nhiệm là Bộ trưởng Ngoại giao thay Litvilốp. Mọi việc như trong mơ, tôi hoàn toàn không muốn trở thành nhà ngoại giao mà chỉ muốn tiếp tục nghiên cứu khoa học, lúc đó tôi mới 24 tuổi. Tôi bộc bạch thẳng với Molotốp điều đó, nhưng ông nói: “Anh là đảng viên, anh phải làm việc ở đâu tổ chức cần”. Từ đó tôi trở thành cán bộ ngoại giao và có mặt trong các buổi gặp của Stalin với Ritbentrốp và buổi Molotốp gặp Hitle, làm phiên dịch trên tất cả các phiên họp từ Têhêran, Ianta cho đến Postdam.

        Năm 1974 tôi nghỉ hưu với hàm đại sứ đặc mệnh toàn quyền”.

        - Ông có thể nói cụ thể về lễ ký Hiệp ước không tấn công với Đức không?

        - Vâng, lúc đó tôi là phiên dịch cho Stalin.

        - Ngày nay, người ta viết rất nhiều về bản “phụ ước bí mật”. Thậm chí Iacôplép khi báo cáo Đại hội đã nói rằng không tìm thấy bản chính. Nếu ông đã có mặt tại lễ ký thì ông là nhân chứng duy nhất còn sống của sự kiện ngày 23 tháng 8 năm 1939, ông có thể nói thẳng và rõ ràng là liệu có bản phụ ước bí mật này không?

        - Vâng có, và tôi xin bổ sung một chi tiết mà ngày nay người ta rất khó tin. Sáng kiến về việc ký “phụ ước bí mật” không phải là do người Đức đưa ra mà chính là do phía chúng ta đưa ra trước!

        Điểu này thật bất ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2019, 10:58:03 pm »


        Không có gì lạ, ngày nay người ta phê phán bản phụ ước này, nhưng trong tình hình quốc tế lúc đó, bản phụ ước đã từng được đánh giá là hành động thông minh của Stalin, biết rằng: Hitle rất nóng lòng ký hiệp ước với Nga, vì thời điểm tiến quân vào Ba Lan đã đến gần, Hitle rất cần sự yên ổn ở phía đông, sau khi thống nhất nội dung chính của hiệp ước, Stalin đột nhiên yêu cầu: “Chúng ta cần ký phụ ước cho bản hiệp ước này và chúng ta sẽ không bao giờ công bố “chúng”, Stalin hiểu rằng, vì rất cần sự yên ổn ở hậu phương, Hitle chắc sẽ phải nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của Liên Xô. Stalin yêu cầu các nước Cộng hòa Ban Tích và Phần Lan sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Ngoài ra, Stalin tuyên bố về ý định của Liên Xô đối với việc lấy lại vùng Bexarabi và thống nhất các vùng phía tây của Ucraina và Tây Bêlôrutxia với các vùng lãnh thổ chính của các nước cộng hòa này.

        Ritbentrốp phát hoảng vì các đề nghị bất ngờ này và nói rằng ông ta không thể tự quyết định được, cần báo cáo Hitle. Stalin nói: Không nên kéo dài, đây là telephone của tôi, ông gọi cho Hitle ngay đi. Sau cuộc gọi, Hitle đã trao toàn quyền cho Ritbentrốp ký bản phụ ước. Hitle không thể không đồng ý, vì các đơn vị quân đội của Đức đã ở vị trí bước vào chiến đấu, lúc đó ông ta sẵn sàng đưa ra các lời hứa với tính toán sau này sẽ vi phạm hoặc không thực hiện chúng.

        Sau cú điện đàm với Hitle, bản “phụ ước bí mật” đã được ký tại văn phòng làm việc của Stalin. Vậy việc ký kết bản Hiệp ước này “Ai đã thắng ai”, Hitle lừa được Stalin và bảo đảm cho mình điều kiện để tấn công chiếm Ba Lan, tiêu diệt Pháp hay Stalin đã cao tay hơn khi đưa Hitle vào ý đồ chiến lược của mình? Trong trường hợp này Stalin đã tỏ ra có tầm nhìn xa hơn, chiến lược hơn.

        Bộ chính trị đánh giá rằng Stalin đã đúng khi biến Đức thành quốc gia hữu nghị, còn Anh và Pháp thì bị đẩy vào cuộc chiến tranh trực diện với Đức. Như vậy, chiến tranh đã bị Stalin đẩy lùi về phía tây, các nước đế quốc buộc phải tự mình giải quyết các vấn đề với nhau, còn Liên Xô thì vô can, đứng bên ngoài, có thêm thời gian chuẩn bị để chống trả cuộc xâm lược của Đức về sau này.

        Thậm chí, nhân vật chống Stalin cực đoan như Khơrutxốp, sau này tại Đại hội 20 đã nhắc lại những ngày đó như sau: Stalin coi việc ký Hiệp ước là một thành công. Ông ta đi lại trong phòng rất là hưng phấn và luôn miệng nói: Hitle đã bị lừa!

        Nhiều tác giả cố chứng minh rằng Stalin không có tầm nhìn xa, nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh ngược lại.

        Trong cuộc “đấu trí” trước chiến tranh giữa Hitle và Stalin, ít nhất cũng có thể tạm coi là “hoà”. Hitle thì đạt được ý định của mình, tránh được nguy cơ phải đối đầu với mặt trận thứ hai khi thực hiện kế hoạch của mình (đặc biệt là khi tấn công Ba Lan và Pháp) ở châu Âu. Còn Stalin thì đạt được mục đích bằng mọi cách đẩy lùi thời điểm bắt đầu chiến tranh với Đức dù chỉ ít nhất là hai năm, để chuẩn bị đất nước và quân đội đầy đủ hơn chống lại cuộc xâm lược và trên thực tế Stalin đã đạt được ý định của mình.

        Nếu chỉ tính đến các yếu tố trên thì tỷ số “hoà” là đúng. Nhưng mọi việc không phải chỉ là như vậy. Ngoài ý đồ tạm hòa hoãn chiến lược nêu trên, Stalin còn “ghi được điểm” vì thực hiện được ý đồ chiến lược quy mô rộng lớn hơn: đó là đẩy biên giới của mình về phía tây hàng trăm km, giải phóng được vùng tây Ucraina, tây Belôrutxi, Bexarabi. Stalin đã tước của Hitle vùng bàn đạp chiến lược rất thuận lợi, thống nhất các nước vùng Ban Tích vào Liên bang Xô Viết. Người ta có thể viết về sự kiện này thế nào cũng được, thậm chí có người gọi là “chiếm đóng”, là “xâm lược”. Nhưng dù sao, ngày nay nhìn lại thì thấy rằng Stalin đã tước của Hitle một bàn đạp chiến lược quan trọng, mà từ đó nếu chiến tranh xảy ra thì chỉ trong một tháng là các binh đoàn xâm lược có thể tiến thẳng tới sông Volga. Từ Riga tới Lêningrad, Moxcơva có thể nói là trong tầm tay. Trong khu vực Ban Tích có nhiều đường sá, sân bay và hải cảng tốt có thể là đầu cầu để đưa quân đội và hậu cần đến. Nếu như các binh đoàn tấn công theo kế hoạch “Bazbarosa” của Đức mà được triển khai ở khu vực Ban Tích thì các đơn vị quân Đức có rất nhiều điều kiện để tiến đánh Lêningrad và thủ đô Moxcơva, bởi vì từ phía đó chúng ta không đủ quân để bố trí phòng thủ (lực lượng chủ yếu bố trí ở phía nam và tây) chỉ sau một tuần là quân Đức có thể tiến sát Moxcơva, vượt qua sông Volga. Các đơn vị của chúng ta từ Viễn Đông không kịp quay về để cứu nguy cho lưu vực sông Volga là vì ở trung tâm chúng ta không đủ lực lượng để bố trí tuyến phòng thủ, và như vậy thì không ai có thể biết được, đòn đánh đầu tiên này của Đức sẽ kết thúc như thế nào?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM