Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:25:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Adolf Hitler Chân dung một trùm phát xít  (Đọc 48907 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:16:55 pm »


        Hai người bạn thân nhất của Hitler ở Mánnerheim là người Do Thái - một là người thợ khóa chột mắt tên là Robinson thường giúp đỡ Adolf, và Josef Neumann - một người buôn bán tranh bán thời gian gốc Hungary. Ông này, cảm thương sự rách rưới của Adolf, đã cho cậu một chiếc áo choàng dài. Hitler vô cùng quý mến Josef Neumann và một lần nhận xét rằng “anh ấy là người quá tốt”. Hitler cũng thế hiện sự kính trọng sâu sắc với 3 nhà buôn tranh người Do Thái, những người đã mua hầu hết những tác phẩm của mình và không chỉ một lần từng nói với Hanisch lúc đó vẫn là người quản lý những tác phẩm của mình rằng, thích làm việc với người Do Thái hơn “bởi vì chỉ có họ mới muốn nắm bắt cơ hội”.

        Chính Hitler đã khẳng định trong cuốn Mein Kampf rằng mình bắt đầu  trở thành một người bài Do Thái kịch liệt ở Viên khi phát hiện ra rằng người Do Thái là “một nhà đạo diễn toan tính, trơ tráo và có trái tim đá” gây ra tệ nạn mại dâm; rằng thế giới âm nhạc và hội họa là do người Do Thái kiểm soát; và điều quan trọng nhất là báo chí của những người theo chế độ dân chủ xã hội “phần lớn là do người Do Thái quản lý”. Có nhiều khả năng Hitler phát hiện ra những điều này muộn hơn và thành kiến ít hơn so với một công dân Viên bình thường. Gần như những người không phải là người Do Thái ở thủ đô của Áo lúc đó đều là những người bài Do Thái. Các nhóm có tổ chức đã hoạt động không mệt mỏi để truyền bá lòng căm thù người Do Thái và Hitler trẻ tuổi trở thành một độc giả khao khát văn học rẻ tiền tràn ngập các quầy sách lúc bấy giờ.

        Có một bằng chứng cho thấy Hitler là độc giả thường xuyên của các tạp chí như Ostara, tạp chí của Lanz von Liebenfels, một nhà lý luận thần bí, người mà chính Hitler có chung nhiều quan điểm và học thuyết. Chính sách biên tập của tạp chí là “ứng dụng thực tiễn của những nghiên cứu nhân loại học vì mục đích... bảo vệ giống nòi ưu tú châu Âu khỏi bị diệt chủng bằng việc duy trì sự thuần khiết của giống nòi.” Đề tài có tính định kỳ của Liebenfels là những người Aryan phải thống trị thế giới bằng việc tiêu diệt những kẻ thù da đen, và kẻ thù ô hợp về nòi giống. Kẻ thù ô hợp nòi giống bị coi là những kẻ thuộc tầng lớp dưới và những trang của tạp chí Ostara nhan nhản những hình minh họa về những người phụ nữ Aryan không kháng cự nổi với khả năng tình dục và sự cám dỗ của những người thuộc chủng tộc lông rậm giống như khỉ này. Tạp chí này vừa kêu gọi sự mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời khiến người ta sợ hãi, điển hình là những dòng như:

        Bạn là người tóc vàng?
        Bạn sẽ là người khai sáng văn hóa.
        Và sẽ là người ủng hộ văn hoá!
        Bạn là người tóc vàng?
        Nếu đúng vậy, nguy hiểm đang đe dọa bạn!


        Ostara khuấy lên trong người đọc nỗi sợ chủ yếu về quyền lực vô hạn của người Do Thái - sự kiểm soát đồng tiền của họ, uy thế của họ trong thế giới nghệ thuật và nhà hát và cả sự hấp dẫn kỳ lạ của họ đối với phụ nữ. Những bức tranh khiêu dâm ở tạp chí Ostara về hình ảnh những cô gái tóc vàng ôm chặt những người đàn ông da sẫm màu hẳn đã kích động Adolf. Nhưng cho đến bấy giờ tất cả những ý tưởng đó vẫn chưa rõ ràng và không thống nhất, và chủ nghĩa bài Do Thái của Hitler sẽ dần hé mở khi những ý tưởng và dự án mới lại khơi vấn đề này ra nghiên cứu.

        Sau này, Hitler nói với Frau Hanfstaengl rằng sự căm ghét của mình đối với người Do Thái là “một vấn đề cá nhân”; và khẳng định với em gái Paula rằng “việc thất bại của ông trong hội họa chỉ do một thực tế là việc buôn bán các tác phẩm hội họa nằm trong tay những người Do Thái”. Vấn đề thứ nhất chỉ cố thể đoán rằng “vấn đề cá nhân” mà Hitler tuyên bố và là lý do ông ghét tất cả mọi thứ của người Do Thái đó là: Có lẽ là một người buôn bán tranh hoặc một người điều hành hiệu cầm đồ; có thể là một viên chức của Học viện Mỹ thuật; có thế là một số vấn đề liên quan đến những điều này, hoặc thậm chí là một cái gì đó âm ỉ trong nơi sâu kín của ký ức ông. Cũng có thể là nỗi căm ghét ban đầu đối với bác sĩ Bloch, mặc dù một năm sau cái chết của Klara, mẹ ông, Hitler vẫn gửi cho ông này những lời chúc mừng năm mới chân thành, và ký trong đó “Người mãi mãi đội ơn ông - Adolf Hitler”. Hồi đó, việc một đứa con mồ côi chỉ trích bác sĩ không phải là hành động phổ biến, dù cho đó là việc cố ý hay vô tình gây ra cái chết của cha mẹ chúng. Có nhiều lý do liên quan đến người bác sĩ Do Thái đó và sự chữa trị nguy hiểm của ông đã để lại tiếng tai (Bloch sau này không hề đề cập gì đến việc sử dụng iodoform trong việc điều trị cho Klara Hitler).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:17:54 pm »


        Trong thời gian ở Viên có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này, Hitler viết thư cho một người bạn. Không chỉ tiết lộ những ảnh hưởng về thể xác bởi những nỗi ám ảnh chìm ngập trong lòng (“mình thường buồn nôn bởi thứ mùi của những người mặc áo captan này”) mà còn bộc lộ nỗi căm phẫn đối với các bác sĩ và dự cảm về số phận của chính mình.

        ... Mình bị đau dạ dày nhẹ và bây giờ mình đang cố gắng tự chữa bảng cách ăn kiêng (ăn hoa quả và rau) bởi vì tất cả các bác sĩ dù sao đi nữa rặt là những thằng ngốc. Mình thấy thật buồn cười khi họ nói về bệnh đau thần kinh trong trường hợp của mình khi mình đang là người khỏe nhất.

        Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào mình cũng sẽ lại làm việc với cây bút lông và bảng màu và mình sẽ rất vui khi làm điều đó ngay cả khi kỹ thuật vẽ sơn dầu đối với mình là rất khó.

        Bạn biết không, mình không hề nói quá chút nào, mình luôn tin rằng thế giới hội họa đã mất mát rất lớn khi mình không thể đến Học viện Mỹ thuật để nghiên cứu nghệ thuật hội họa. Không biết số phận sẽ chọn mình làm việc gì khác nữa không đây?

        Mùa xuân năm 1910, Hitler bắt đầu dồn tâm trí vào các vấn đề chính trị và tìm hiểu về tình hình thế giới đến nỗi không thể thực hiện được các dự định mà Hanisch đề ra. Bị la mắng, Hitler hứa sẽ chăm chỉ hơn, nhưng khi Hanisch vừa rời khỏi nhà, Adolf lại nghiến ngấu những tờ báo từ đầu đến cuối và khi ngồi xuống làm việc, một số cuộc tranh luận lại lôi cuốn khiến Hitler xao lãng công việc vẽ tranh buồn tẻ lặp đi lặp lại và đã trở thành một việc không mấy quan trọng. Trong nỗi tuyệt vọng, hoặc để tránh khỏi sự cằn nhằn của Hanisch, vào ngày đầu tiên của mùa hè năm đó, Adolf trốn đi cùng với người bạn Do Thái gốc Hungary tên là Neumann, hai người đã từng bàn về việc cùng nhau di cư sang Đức và bắt đầu lên đường để tìm kiếm giấc mơ của họ. Nhưng những điều kỳ diệu của thành phố Viên, đặc biệt là những bảo tàng yêu thích của Adolf đã khiến họ đổi hướng và không rời thành phố này. Buổi đi chơi này kéo dài 5 ngày, sau đó, ngày 26 tháng Sáu, chắc chắn là không còn 1 đồng xu dính túi, Hitler trở về Mánnerheim. Nhưng sự tự do ngắn ngủi đó đã có những tác động nhất định của nó. Trong cả tháng sau đó, Hitler nỗ lực làm việc, chỉ để tiết kiệm đủ tiền chỉ tiêu cho một cuộc bỏ trốn khác, và chẳng bao lâu sau sự hợp tác với Hanisch chấm dứt. Adolf lại một lần nữa phải tự lập.

        Mùa thu năm đó, Hitler lại một lần nữa thử thi vào Học viện Mỹ thuật. Vác một cặp lớn các bức vẽ Hitler đến văn phòng của giáo sư Ritschel ở Hofmuseum đưa ra đề nghị giáo sư Ritschel, người có trách nhiệm giữ gìn và phục hồi các bức tranh, giúp đỡ để mình có thể vào được Học viện. Tác phẩm của Hitler không gây được ấn tượng đối với giáo sư, mặt dù ông này thừa nhận rằng những tác phẩm đó được thực hiện với độ chính xác đặt biệt về kiến trúc. Bị từ chối, Adolf quay trở về Mánnerheim và tiếp tục vẽ trong phòng viết. Nhưng không có Hanisch, Hitler không thể bán tranh. Quá cần tiền, Hitler khẩn khoản yêu cầu dì Johanna giúp đỡ, hoặc qua thư hoặc sẽ tự về Spital một chuyến ngắn ngày. Họ đã chua xót chia tay vài mùa hè trước, nhưng dì Johanna đang sắp lìa xa cõi đời và hình như vẫn ân hận về sự đối xử cay nghiệt của mình đối với Adolf. Ngày 1 tháng Mười hai, bà rút toàn bộ số tiền tiết kiệm được khỏi ngân hàng. Đó là một khoản tiền khá lớn, 3.800 curon, và đưa cho đứa cháu trai của mình phần lớn số tiền đó.

        Bà Johanna chết vài tháng sau đó, vào đầu năm 1911, mà không để lại di chúc. Khi Angela Raubal biết Adolf đã nhận được số tiền dì Johanna để lại lớn hơn rất nhiều những người khác, bà lập tức gửi đơn lên tòa án thành phố Linz yêu cầu em trai cùng cha khác mẹ của mình phải đóng góp phần trợ cấp nuôi trẻ mồ côi. Thế mới công bằng, bởi vì Angela cũng là góa phụ và phải nuôi không chỉ những đứa con của mình mà cả em gái Paula. Hoặc do bị thúc ép, hoặc do xấu hổ, Adolf đồng ý không nhận 25 curon một tháng mà nhờ nó đã không phải mang công mắc nợ những năm qua. Hitler có mặt ở tòa án quận ở Linz để tuyên bố rằng bây giờ “có thể đảm bào cuộc sống cho chính mình” và “đồng ý rằng toàn bộ số tiền trợ cấp dành cho trẻ mồ côi sẽ được chuyển sang em gái sừ dụng”. Tòa án ngay lập tức lệnh cho Herr Mayrhofer chuyển phần trợ cấp của Adolf cho Paula kể từ đó. Người giám hộ của họ đã nhận được một bức thư của Hitler tuyên bố không muốn nhận bất kỳ khoản nào trong số tiền đó nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:18:13 pm »


        Ngay cả khi không có khoản tiền trợ cấp này, Adolf vẫn được bảo đảm về vật chất đến không ngờ bởi một người sống ở Mãnnerheim. Cũng cùng thời gian đó, Adolf văn duy trì mức sống cũ, tự nấu ăn cho mình và tiếp tục mặc những bộ quần áo thảm hại khiến mình gặp rắc rối với người quản lý. chúng ta sẽ không bao giờ biết được liệu số tiền được hưởng từ dì Johanna Hitler có bị tiêu xài phung phí vào các rạp hát hoặc nhà hát opera hay không; hay liệu có hao hụt vì một trong số những kế hoạch không khả thi nào đó của bạn bè hay không - bởi nơi này đầy rẫy những âm mưu được coi là hợp lệ, được che giấu không đáng kể hoặc bị bẻ cong hết sức vô lý; hoặc giả nếu dại dột để lộ ra số tiền của mình như hồi ở Asyl và bị mất trộm; hoặc cũng có thể Hitler đã đưa một phần số tiền đó cho các chị em gái của mình để chuộc tội. Có nhiêu khả năng, Hitler đã giấu số tiền này đi và rồi lấy dần để chỉ tiêu; những người sắp trở thành họa sĩ hoặc nhà văn đều phải chấp nhận những mưu mẹo xảo quyệt này để không bị mắc nợ ai.

        Adolf trở thành người quản lý của chính mình và bắt đầu làm việc chăm chỉ ở góc riêng trong phòng viết. Những người bạn rất kính trọng Hitler bởi dáng vẻ và tư chất nghệ sĩ. Hitler luôn luôn lịch sự, không bao giờ hạ thấp mình suồng sã mặc dù luôn sẵn sàng giúp đỡ hoặc khuyên bảo bạn bè đồng nghiệp. Và khi những câu chuyện chính trị trở thành một chủ đề bàn thảo, Hitler sẽ quẳng ngay bút vẽ sang một bên và lao vào cuộc cãi lộn, hò hét, diễn tả bằng điệu bộ, mái tóc dài bay lật phật. Những cơn bùng phát như vậy khiến cho những người ở trọ cùng ngày càng không ưa Hitler. Một hôm khi đang nấu ăn dưới bếp, Hitler bị 2 người cừu vạn to lớn chọc tức. Hitler đã miệt thị họ là “những thằng ngốc” vì họ thuộc tổ chức lao động dân chủ xã hội và vì “những lời nhận xét lỗ mãng này”, kết cục Hitler nhận được một cục sưng lớn ở trên đầu, một vết thâm tím ở cánh tay cầm cọ và khuôn mặt sưng phồng.

        Josef Greiner, người bạn mới của Hitler, thay thế Kubizek và Hanisch, đã cảnh báo rằng trận đòn đó là xứng đáng “bởi vì cậu không chịu nghe theo lời khuyên của người khác nên không ai có thể giúp gì được cậu”. Vài tháng trước đó, Josef Greiner đã bị người họa sĩ này cuốn hút khi bắt gặp Hitler đang gập người xuống chiếc bàn ở phòng viết để vẽ bức tranh nhà thờ bằng màu nước. Greiner là một chàng trai trẻ có sức tưởng tượng sinh động. Hai người có thể ngồi hàng giờ đế tranh cãi về kinh tế, tôn giáo, thuật chiêm tinh và thuật huyền bí. Họ cũng có thể nói chuyện rất lâu về sự cả tin của con người. Một ví dụ thích hợp về điều này là mục quảng cáo thời đó đang đăng trên các báo. Phía dưới bức tranh vẽ một người phụ nữ tóc dài đến sàn nhà là dòng chữ “Tôi là Anna Csillag có mái tóc rất dài của người Lorelei. Tôi có được mái tóc đẹp như thế này nhờ sự trợ giúp của một loại sáp thơm bí mật mà tôi tự phát minh ra. Bất kỳ ai muốn có mái tóc đẹp như thế, hãy viết thư cho Anna Csillag, bạn sẽ được nhận miễn phí giấy giao hàng dùng thử và thư cảm ơn”.

        “Đó là cái mà tôi gọi là quảng cáo” - Hitler nói, theo mô tả của Greiner. “Hãy tuyên truyền, tuyên truyền đến chừng nào mọi người tin rằng những chuyện tào lao này có thể giúp ích”. Khái niệm này làm Hitler phấn chấn. Tuyên truyền có thể khiến những tín đồ thoát khỏi sự ngờ vực - Hitler nói với một niềm tin tưởng rằng chính mình cũng có thể bán hầu hết các tin tức hết sức vô lý này như kiểu một loại mỡ đảm bảo cho các cửa sổ không thể bị vỡ. “Tuyên truyền, chính tuyên truyền là điều cần thiết. Có rất nhiêu người ngu ngốc cả tin”.

        Trong suốt thời gian còn lại của năm 1911 và cả năm sau đó, Hitler ổn định tư tưởng vào công việc hàng ngày hơn, ít mất thời gian cho những tranh cãi không có kết quả mà tập trung vào vẽ tranh. Chất lượng tác phẩm đã được cải thiện đáng kể. Như bức vẽ màu nước về Nhà thờ Minorite của thành phố Viên chính xác đến nỗi có cảm giác như nó được phác họa lại từ một tấm ảnh. Về mặt kỹ thuật, những bức tranh của Hitler tương đối chuyên nghiệp - đó là điều đáng ngạc nhiên đối với một chàng trai trẻ không được đào tạo hội họa căn bản. Trong khi Hitler có một tài năng bẩm sinh thể hiện các cấu trúc nhưng lại gần như không có kiến thức về tạo hình con người. Khi Hitler đưa các nhân vật vào tác phẩm, thì hình dáng thường được thể hiện nghèo nàn và không cân xứng. Một số bức tranh của Hitler vừa mắt người xem, thậm chí chúng thiếu tính nghệ thuật cần thiết để phân biệt giữa khả năng và tài năng. Nói tóm lại, Hitler là một nhà kỹ thuật hơn là một nghệ sĩ, là một kiến trúc sư hơn là một họa sĩ. Rõ ràng đến năm 1912, Hitler có thể vẽ thành thạo bằng bút chì, vẽ tốt bằng màu nước và thậm chí còn vẽ tốt hơn bằng sơn dầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:19:39 pm »


        Hitler vẽ đều đặn và bán hầu hết những tác phẩm của mình cho Jacob Altenberg và các nhà buôn tranh khác. Tuy nhiên, Hitler không còn khoe khoang về tài năng của mình nữa. Những người bạn ở phòng viết thường đứng xúm quanh bức vẽ vừa hoàn thành và ngắm nó, nhưng Hitler đáp lại “với thái độ khinh khinh rằng mình chỉ là một người ham mê nghệ thuật chứ không có ý định học vẽ,” tài năng thực sự của Hitler là thuộc lĩnh vực kiến trúc. Sau này, Hitler thú nhận với một người bạn rằng chỉ vẽ để kiếm tiền và một số bức tranh mà mình tâm đắc lại là các chủ đề về kiến trúc. Những thành công vừa phải về mặt tài chính đã cải thiện được hình thức bề ngoài của Hitler; Quần áo sạch sẽ, râu được cạo nhẵn. Hitler được tôn trọng đến mức Giám đốc khu nhà Mãnnerheim từng gặp và nói chuyện, “một niềm vinh dự hiếm có đối với người ở trong khu nhà này”.

        Trong cách cư xử, Hitler cũng trở nên thận trọng hơn và đã tiếp thu được một bài học quý giá khi tiếp tục tranh luận về chính trị. “Tôi học cách diễn thuyết ít hơn, nhưng lẳng nghe nhiều hơn những người có quan điểm hoặc phản bác mang tính cổ xua”. Hitler khám phá ra một điều rằng không thể kiểm soát tâm trí của những người khác bằng cách phản đối họ.

        Không có nơi nào có thể đo tính chín chắn của Hitler hơn ở phòng viết. Như một sự tôn trọng ngầm, không ai có ý nghĩ sẽ chiếm chỗ ngồi ưa thích gần cửa sổ của Hitler. Nếu một người mới đến cố chiếm chỗ này, một ai đó sẽ nói, “Chỗ này đã có người ngồi rồi. Đây là chỗ của Herr Hitler!”. Một người mới đến tên là Karl Honisch, đã sớm nhận ra sự đặc biệt của Hitler. “Tất cả chúng tôi đều sống gần như không suy nghĩ về tương lai trong những ngày đó... Tôi tin rằng Hitler là người duy nhất trong số chúng tôi có cái nhìn rõ rằng về con đường tương lai của mình”. Hitler nói với Honisch rằng, mặc dù mình không được vào học tại Học viện Mỹ thuật, nhưng sẽ sớm tới Munich để hoàn thiện việc học ở đó.

        Hitler là hạt nhân của giới trí thức trong phòng viết - Honisch nhớ lại - “bởi vì ngày qua ngày ông ấy thường ngồi đúng chỗ quen thuộc của mình, gần như không có ngoại lệ và chỉ vắng mặt thoáng chốc khi phải đi giao tác phẩm của mình; và cũng bởi vì tính cách lập dị của ông. Nhìn chung, Hitler là một người thân thiện và có sức quyến rũ. Ông quan tâm đến số phận của tất cả những người bạn”. Mặc dù là người thân thiện, nhưng Hitler vẫn giữ một khoảng cách nhất định. “Không ai cho phép mình được sỗ sàng với Hitler. Nhưng Hitler không kiêu căng, ngạo mạn. Trái lại, ông là người tốt bụng và hay giúp đỡ mọi người”. Nếu một ai đó cần 50 heller để được ở thêm một đêm nữa trong khu dành cho người vô gia cư này, Hitler sẵn sàng đóng góp phần của mình - “và tôi đã nhìn thấy ông vài lần đi quyên góp như vậy với một cái mũ trên tay”.

        Trong suốt những cuộc thảo luận chính trị thông thường, Hitler vẫn làm việc, thi thoảng buông ra một đôi câu. Nhưng khi các từ “Xô viết” hoặc “Thầy tu dòng Tên” được nêu ra hoặc ai đó có nhận xét “chọc tức ông”, Hitler sẽ sẵn sàng tranh cãi, “không tránh được những câu nói tục tĩu và rất kịch liệt”. Sau đó sẽ tự kiềm chế lại và quay trở về với công việc vẽ tranh của mình với một dáng vẻ nhẫn nhục “cứ như là ông muốn nói: thật đáng tiếc, tất cả mọi từ nói với bạn đều vô nghĩa, bạn sẽ không bao giờ hiểu được”.

        Về tình cảm, Hitler đã không lạnh nhạt với thành phố Viên và với những tầng lớp bình dân của nó. Hitler đạt được thành công nhất định và được công nhận. Nhưng thành phố này giờ đây không còn nhiều thứ hấp dẫn Hitler nữa. Trong vài tháng, ý nghĩ của Hitler hướng đến Đức, đến Tổ quốc. Hitler đóng khung một câu khẩu hiệu và treo trên đâu giường của mình:

        Chúng tôi mong chờ tự do và mở rộng
        Chúng tôi trước sau như một
        Chúng tôi vui vẻ mong chờ nước Đức!
        Heil!


        Hitler đã dành 5 năm rưỡi để yêu và ghét thủ đô Habsburgs quyến rũ và đặt tên cho giai đoạn này trong cuộc sống của mình là “Những năm tháng học tập và chịu đựng ở Viên”. Đó là giai đoạn “gian khổ và bắt hạnh”, “là giai đoạn khổ cực nhất trong cuộc đời tôi”, nhưng cũng là giai đoạn hình thành nên tính cách con người Hitler hơn bất kỳ trường đại học nào có thể đào tạo được. Theo Hitler “đó là trường học nghiêm khắc nhất, kỹ lưỡng nhất của đời tôi”.

        Ngày 24 tháng Năm năm 1913, Hitler thu vén tất cả tài sản của mình trong một chiếc túi nhỏ méo mó và bước lần cuối cùng qua những chiếc cửa đôi của khu Mánnerheim. Bạn bè lo lắng nhìn Hitler ra đi - Honisch nhớ lại. “Chúng tôi đã mất một người bạn; ông ấy thông hiểu và sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người mỗi khi có thể.”

        Adolf Hitler quay trở về Viên và hướng đến Munich cho tương lai. “Tôi đã đặt chân lên thành phố này khi vẫn nửa là người lớn, nửa là trẻ con và rời đi khi đã trưởng thành, từ tốn và biết kiềm chế. Ở thành phố này, tôi có được nền tảng triết học chung và một quan điểm chính trị cụ thể mà sau này tôi chỉ cần bổ sung chi tiết, nhưng không bao giờ tôi quên được nó”.

        Cảnh tượng lúc Adolf rời khu nhà, đã trở thành gia đình và nơi nương tựa của ông trong ba năm ba tháng mười lăm ngày, in đậm khó phai trong tâm trí Honisch. Với sự tiếc nuối, Honisch tiễn Hitler lên đường cùng với một người khác nữa, tên của người đó Honisch chưa thể nhớ được. Đó có lẽ sẽ là một sự trớ trêu hài hước nhất nếu người đi cùng là Neumann, người bạn Do Thái, người có cùng giấc mơ di cư đến Đức với Hitler.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:35:42 pm »

           
Chương 3

“KIỆT SỨC VÌ SỰ NHIỆT TÌNH SAY MÊ”
5.1913 - 11.1918


1

        Hitler rời chuyến tàu đến từ Viên và bước xuống trong sự ồn ào náo nhiệt của ga Hauptbahnhof ở Munich. Ngay từ giây phút đầu tiên , tất cả mọi thứ về thủ đô Bavaria đều gây sự chú ý. Đây là gia đình. Thậm chí cả tiếng nói huyên thuyên của mọi người nghe cũng êm tai sau những âm thanh pha trộn nhiều thứ tiếng của thành phố Viên. “Thành phố náy quen thuộc đối với tôi cứ như thể tôi đã sống ở đây nhiêu năm rồi”.

        Đó là một ngày xuân dễ chịu. Mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Bầu không khí được những cơn gió từ rặng ngọn núi của Bavaria gần đó phẩy qua dường như sạch hơn rất nhiều so với Viên. Hôm đó là ngày Chủ nhật, 25 tháng Năm, đường phố hầu như vắng vẻ, chỉ lác đác vài khách tham quan. Hitler chăm chăm ngắm nhìn những tòa nhà, những bức tượng và tràn ngập tình yêu sâu sắc “đối với thành phố này hơn bất kỳ một nơi nào khác mà tôi đã biết, hầu như là ngay từ giờ phút đầu tiên tôi sống ở đây. Một thành phố của nước Đức!”.

        Sau nửa giờ tản bộ say mê với quang cảnh ở đây, Hitler đến Schleissheimerstrasse. Rất có thế Hitler đã đi qua Konigsplatz và sững sờ trước vẽ hùng vĩ của khung cửa tò vò vĩ đại Propyláen, và quảng trường rộng mênh mông ở phía xa, sau đó rẽ xuống Briennerstrasse tới nhà hàng - nhà máy bia ấn tượng giống như một lâu đài, nhà hàng Lowenbrauhaus. Ở đây, cạnh Schwabing, quận sinh viên, Hitler bắt đầu đi về phía bắc của Schleisheimerstrasse. Giữa 2 tòa nhà, bất chợt ông nhìn thấy nhà số 34, một hiệu may Poppa. Trên cửa sổ của hiệu may này đập ngay vào mắt dòng thông báo viết tay: “Có các phòng sẵn đồ đạc dành cho những người đàn ông lịch lãm”. Thông báo đó đã dẫn Hitler tới tầng 3, nơi Frau Popp chỉ cho cậu xem một căn phòng có một chiếc giường, một chiếc bàn, một chiếc sôfa và một chiếc ghế. Trên tường treo 2 bức tranh sơn dầu. “Một chàng trai trẻ, và tôi đồng ý cho thuê ngay” - Frau Popp nhớ lại. “Cậu ấy nói cậu ấy cũng hài lòng và trả tiền đặt cọc”. Bà yêu cầu điền vào giấy đăng ký và Hitler viết: “Adolf Hitler, họa sĩ, kiến trúc sư đến từ thành phố Viên.”

        “Sáng hôm sau, Herr Hitler của tôi ra khỏi nhà và quay trở về rất nhanh với một chiếc giá vẽ mà cậu đã kiếm được ở đâu đó. Cậu bắt đầu bức tranh của mình ngay lập tức và miệt mài với tác phẩm hàng giờ. Vài ngày sau, tôi thấy 2 bức tranh đẹp đã hoàn thành và nằm trên bàn, một bức tranh vẽ nhà thờ và bức kia vẽ Theatinerkirche. Sau đó người ở trọ nhà tôi thường cắp chiếc cặp giấy ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm để tìm khách hàng”.

        Hitler đến Munich “với tất cả sự nhiệt tình”, nuôi ý định học hội họa và kiến trúc trong 3 năm, nhưng hiện thực không giống giấc mơ, Hitler không bao giờ được vào học ở Học viện Mỹ thuật Munich. Thậm chí việc kiếm sống như một họa sĩ ở đây còn khó hơn ở Viên. Thị trường nghệ thuật thương mại là không đáng kể và Hitler buộc phải chịu nhục đi bán rong tranh của mình tới từng nhà và các quán bia. Nhưng Hitler vẫn tin tưởng rằng, mặc dù có những khó khăn này, đến một ngày nào đó, sẽ vẫn “đạt được mục tiêu đã đặt ra cho chính mình”.

        Munich năm 1913 với 600.000 dân, là trung tâm văn hóa sôi động ở châu Âu chỉ sau Paris, và trong nhiều năm thành phố này đã thu hút các thế hệ họa sĩ mà theo đánh giá của Hitler họ là những họa sĩ thuộc phái suy đồi như: Paul Klee đến từ Thụy Sĩ và những người tị nạn đến từ phương Đông như Kandinsky, Jawlensky và anh em nhà Burliuk. Tất cả họ đều là lãnh đạo của Hiệp hội các họa sĩ mới được thành lập 4 năm trước để các thành viên của họ được tự do hơn. Trong khi khái niệm này làm Hitler có tư tưởng cổ điển khó chịu, thì những họa sĩ tiêu biểu của phái này đã mang tới Munich một sự xáo động đối với giới họa sĩ và kích động thế hệ trẻ của Áo. “Những người dân du cư, đám người mà dân thành phố Munich miêu tả là những kẻ tóc dài đến từ phương Đông, từ Nga và Balkans đổ dồn về Schwabing, quận phía bắc của thành phố này, nơi những con phố dường như chạy thẳng chỉ để đảm bảo ánh sáng lý tưởng nhất... ở vô số các xưởng vẽ.” Mặc dù không thích những người tị nạn phương Đông này, nhưng Hitler là người Bohem và có cùng nhu cầu tự do và cùng niềm đam mê với họ. Ở thành phố Munich này, thân tượng của ông đã sáng tác những tác phẩm Tristan und Isolde, Die Meistersingerxà Das Rheingold, và đây là nơi sinh sống của các nhà thơ hàng đầu của Đức như Stefan George và Rainer Maria Rilke. Ở đây Richard Strauss đã viết các vở opera, Thomas Mann vừa hoàn thiện cuốn tiểu thuyết ngân về cái chết, Death in Venice, và Oswald Spengler, trong căn phòng cằn cỗi khô khan giống như căn phòng của Hitler đã viết rất nhanh tập đầu tiên của cuốn The Decline of the West. Ở căn buồng nhỏ bên cạnh tại Schwabing, bậc anh tài của nhóm Mười một Đao phủ (Eleven Executioners), tác giả của Henkershumor, Frank Wedekind, đang hát những câu nhạc kích động của mình; Những vở kịch của ông về giới tính và sự đồi trụy đã mê hoặc và tạo sự căm phẫn trong khán giả trên khắp cả nước.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:23:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:27:12 pm »


        Hitler cũng rất hay có mặt ở những quán cà phê Schwabing và những nhà hàng giống như vậy và đắm mình vào bầu không khí của những ý tưởng tự do dễ dãi giống như thế. Bản chất nổi loạn và bầu không khí tự do đó không phải là những thứ cản trở Hitler. Trong hoàn cảnh này, Hitler là một người lập dị hoàn toàn khác và luôn tìm một ai đó để than phiền và thổ lộ về những giấc mơ của mình. Mặc dù Hitler có mối quan hệ tốt với những người có tư tưởng tự do của Schwabing, nhưng ngược với bản chất và thuyết cấp tiến chính trị đang rừng rực cháy trong lòng, Hitler vẫn không hề có sự thay đổi trong phong cách vẽ. Các tác phẩm vẫn tiếp tục mang phong cách trừu tượng chứ không thực tế, táo bạo, thậm chí đây sức mê hoặc.

        Tuy nhiên, sự say mê chủ nghĩa Marx của Hitler lại được khơi dậy trong mảnh đất màu mỡ này. Hitler dành hàng giờ ở các thư viện để nghiên cứu bất kỳ điều gì có thể tìm thấy về học thuyết này... “Tôi lại mải mê vào văn học lý luận của thế giới mới, cố hiểu rõ rằng những ảnh hưởng có thế của nó, rồi sau đó so sánh nó với những sự kiện và hiện tượng diễn ra trong đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế. Bây giờ lần đầu tiên tôi hướng sự chú ý của mình sang những nỗ lực đế hiểu rõ nhũng điều tệ hại của thế giới này”.

        Hitler thường từ các thư viện trở về và leo lên ba dãy cầu thang để tới căn phòng nhỏ bé của mình, một bên nách kẹp một hoặc hai cuốn sách, bên kia là bánh mì tráng và xúc xích, tiêu chuẩn của bữa tối. Herr Popp nhận thấy rằng Hitler không còn ăn ở nhà hàng Lowenbraukeller và những nhà hàng nhỏ hơn nữa và vài lần mời Hitler “cùng ngồi ăn”. Nhưng Hitler không bao giờ nhận lời. Đối với Frau Popp, Hitler là “một người lắm bùa phép người Áo”, là một chàng trai trẻ nhã nhặn, hay giúp đỡ người khác, nhưng luôn bí ẩn. “Bạn không thể đoán được ông ấy đang nghĩ gì”. Thường thì Hitler ở lỳ ở nhà trong vài ngày. “Ông chỉ ngồi ở nhà, đọc ngốn ngấu những quyển sách dày cộp đó và nghiên cứu từ sáng đến đêm”. Khi bà chủ hay quan tâm mời dùng bữa tối cùng, Hitler thường từ chối. Một lần bà hỏi Hitler liệu tất cả những gì đọc được có ích gì đối với việc vẽ tranh hay không. Trên khuôn mặt khắc khổ của Hitler nở một nụ cười. Hitler ôm lấy cánh tay của bà và nói “cô Frau Popp yêu quý ơi, liệu có ai biết được cái gì có ích, cái gì không có ích đối với mình trong cuộc sống không?”. Sau những giai đoạn ẩn mình nghiên cứu này, Hitler đến các quán bia hoặc các quán cà phê và sẽ tìm được một người lắng nghe mình không mấy khó khăn. Và khi Hitler bắt đầu nói, người đó chắc chắn sẽ phản đối, gây ra một cuộc tranh cãi om sòm về chính trị. Trong những vũ đài như vậy và đối mặt với những người phản biện như vậy, Hitler sẽ càng rèn giũa sâu sắc thêm những ý tưởng và học thuyết của mình.

        Mùa đông gây thêm nhiều khó khăn cho Hitler, bởi vì khách hàng mua tranh ít hơn. Mặc dù vậy, giai đoạn này là “giai đoạn hạnh phúc nhất và mãn nguyện nhất” trong cuộc đời Hitler. Khi Viên trở nên không còn lý tưởng vì những điều kiện bất lợi, thì Munich vẫn không bao giờ mất đi sức quyến rũ mê hoặc của nó. “Nếu hôm nay tôi gằn bó với thành phố này hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất thì một phần là bởi một thực tế rằng thành phố này luôn gắn bó không thể tách rời với sự phát triển của đời tôi; Thậm chí nếu sau đó tôi có được hạnh phúc vì sự mãn nguyện nội tâm thực sự, thì đó chỉ có thể là do sự kỳ diệu mà thời gian cư trú huyền diệu ở Wittelsbachs đã đem lại cho tất cả những người may mắn, không chỉ với những người tính toán mà cả với những người chân thật” - Hitler bộc bạch trong cuốn hồi ký viết khi bị tù, 11 năm sau đó.

        Cuộc sống khó khăn này của Hitler đột nhiên bị đe dọa vào một chiều Chủ nhật đầu năm 1914. Vào lúc 3 giờ 30 phút chiều ngày 18 tháng Một, sau tiếng gõ cửa gấp gáp, Hitler ra mở cửa và bắt gặp khuôn mặt lạnh lùng của một sỹ quan thuộc cảnh sát chống tội phạm thành phố Munich. Người sỹ quan này (tên là Herle) đưa ra một văn bản thông báo từ Áo: Yêu cầu Hitler “phải có mặt nhập ngũ ở thành phố Linz tại bến cảng Kaiserin Elisabeth 30 vào ngày 20 tháng Một năm 1914”. Nếu không tuân thủ, Hitler có khả năng bị truy tố và bị phạt tiền. Đáng ngại hơn, Hitler còn bị cành báo rằng sẽ bị phạt nặng và bị tù đến một năm nếu có dấu hiệu rời khỏi Áo “vì mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:27:40 pm »


        Adolf choáng váng. Ba năm trước, khi đang sống ở Mánnerheim, Hitler đã đề nghị được phép đăng ký phục vụ nghĩa vụ quân sự ở Viên, nhưng không nhận được câu trả lời. Sỹ quan Herle yêu cầu Hitler ký vào giấy xác nhận đã được thông báo thủ tục nhập ngũ, chàng trai trẻ quá bối rối và run run viết “Hitler, Adolf". Sau đó Herle áp tải Adolf đưa về trụ sở cảnh sát. Sáng hôm sau, Adolf được đưa đến Tòa Tổng lãnh sự Áo. Trường hợp của Hitler được giải thích và cảnh sát đã thông cảm. Tổng lãnh sự cũng thương hại chàng họa sĩ trẻ với khuôn mặt tái mét, thân hình gầy nhom và áo quần sờn cũ này và cho phép Hitler gửi tới Linz một bức điện đề nghị hoãn thời hạn đến tháng đầu tháng Hai. Sáng hôm sau, Hitler nhận được thông báo trả lời với nội dung: PHẢI có MẶT VÀO NGÀY 20 THÁNG MỘT. Chính là ngày nhận được bức điện. Tổng lãnh sự tỏ lòng trắc ẩn đối với sự sợ hãi của Hitler, ông cho phép Hitler viết thư giải thích gửi về Linz. Đó là một bức thư cầu xin với nhiều lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp, thể hiện rõ sự hoảng sợ và tuyệt vọng của một chàng trai trẻ bị số phận và hoàn cảnh dồn đến bước đường cùng. Hitler giải thích rằng giấy triệu tập dành cho mình một “khoảng thời gian quá ngắn” không thể kịp thu xếp những việc của cá nhân, thậm chí không đủ cả thời gian để tằm. Nghề nghiệp của tôi được ghi trong giấy triệu tập là họa sĩ, nhưng chỉ đúng theo nghĩa hẹp. Tôi kiếm sống bằng nghề họa sĩ tự do, bởi vì tôi hoàn toàn không còn phương tiện kiếm sống cá nhân nào khác (cha tôi là một công chức), tôi làm vậy chỉ để có thể tiếp tục theo đuổi việc học. Tôi có thể dành một phần thời gian của mình để kiếm sống bởi vì tôi vẫn chưa qua được giai đoạn đào tạo trở thành họa sĩ kiến trúc. Do vậy, thu nhập của tôi rất thấp, trên thực tế chỉ đủ để đáp ứng cả hai mục đích trên.

        Thu nhập hàng tháng của Hitler bấp bênh và lúc đó là rất thấp bởi vì thị trường hội họa ở Munich đang “trong giai đoạn ngủ đông và có tới gần 3.000 họa sĩ đang sinh sống hay ít nhất là cố gắng sinh sống ở đây”. Hitler giải thích việc đã nộp đơn xin phục vụ nghĩa vụ ở Viên như thế nào, sau đó vẽ ra bức tranh thống thiết về những nỗ lực của mình ở thành phố đó. Tôi là một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, không có sự giúp đỡ tài chính và cũng quá kiêu hãnh nên không tìm kiếm sự giúp đỡ của bất kỳ người nào hoặc đi ăn xin. Không có bất kỳ một sự giúp đỡ nào, chỉ sống dựa vào chính bản thân mình, những đồng curon được nhận từ sức lao động của tôi chỉ đủ đảm bảo một chỗ ngủ. Trong 2 năm liền tri kỷ của tôi là sự buồn phiền (Sorrow) và sự túng thiếu (Need), và tôi không có một người bạn đồng hành nào khác ngoài cơn đói liên miên. Tôi chưa từng biết đến từ đẹp đẽ “tuổi trẻ”. Ngày nay, sau 5 năm, tôi vẫn nhớ như in những ngón tay, bàn tay và bàn chân tê cóng vì sương giá. Và tôi không thể nhớ lại những ngày đó mà không có những mừng vui nhất định. Bây giờ tôi đã thoát khỏi khó khăn đó, nhưng bất chấp cảnh túng bấn, sống giữa môi trường xung quanh có nhiều vấn đề, tôi vẫn giữ tên mình trong sạch, không làm gì vi phạm pháp luật và có lương tâm trong sáng ngoại trừ lần lơ là nghĩa vụ quân sự, một nghĩa vụ mà lúc đó tôi thậm chí còn không biết. Đó là điều duy nhất mà tôi cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm. Tội đó mức phạt tiền vừa phải là đủ, và tôi sẽ không phản đối nộp số tiền phạt đó.

        Lý do Hitler đưa ra quá đơn giản, nhưng đã khơi gợi lòng thương cảm của ngài Tổng lãnh sự thành công đến nỗi bức thư được gửi đi cùng với một ghi chú trong tuyên bố của lãnh sự quán rằng cả ngài Tổng lãnh sự và cảnh sát Munich đều bị thuyết phục bởi sự thật thà của Hitler. Bởi vì chàng trai trẻ này “quá xứng đáng được đối xử chu đáo,” lãnh sự đề nghị rằng Hitler được phép chịu trách nhiệm nhập ngũ ở Salzburg chứ không phải về Linz. Ngày 5 tháng Hai, các nhà chức trách ở Linz đồng ý để Hitler đến Salzburg. Hitler được nhìn nhận là “không phù hợp với nghĩa vụ quân nhân và những nhiệm vụ khác vì quá yếu, không thể mang vác được vũ khí”. Tình trạng kiệt sức của Hitler rõ rằng là đủ để loại.

        Adolf trở về phòng của mình ở Schleissheimerstrasse, tiếp tục kế sinh nhãi bằng thiết kế những tấm áp phích và bán tranh. Nhưng cuộc sống của một họa sĩ chật vật và một kiến trúc sư tràn trề hy vọng đã thực sự chấm dứt vào ngày 28 tháng Sáu. Từ phòng mình, Hitler nghe thấy những tiếng ồn ào huyên náo ở những đường phố phía dưới. Khi Hitler bắt đầu chạy xuống bậc cầu thang, thì nghe thấy bà Frau Popp choáng váng kêu lên, “người thừa kế ngai vàng của nước Áo, Hoàng tử Franz Ferdinand, đã bị ám sát!”. Hitler chạy qua bà Frau lao xuống phố, len vào đám đông đang xúm quanh một bảng thông báo để đọc rằng kẻ giết Hoàng tử Archduke và Công nương Sophie là một tên khủng bố người Czech-bi còn trẻ tên là Gavrillo Princip. Lòng căm thù tất cả những thứ liên quan đến người Slavơ đã ăn sâu vào máu Hitler, bắt đầu từ chuyến đến thăm lần đầu tiên Hạ nghị viện (House of Deputies) ở Viên, lại được khơi dậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:29:52 pm »


        Ở Viên, nhiều đám đông giận dữ đã kéo về Tòa công sứ của Czech-bi, nhưng một số chuyên gia chính trị lo ngại rằng bi kịch này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Tuy nhiên, Hoàng đế Kaiser bí mật ép Habsburgs xâm lược Czech-bi. Nước Đức đang chuẩn bị cho cuộc chiến, và nước đầu tiên hỗ trợ Czech-bi không phải là Nga - ông nói với họ. Dưới áp lực đó, ngày 28 tháng Bảy, Áo tuyên chiến với Czech-bi, sau đó là cuộc tổng động viên của Nga chống lại Áo, và rồi Hoàng đế Wilhelm phải xuất hiện tại ban công của cung điện để tuyên bố “tình trạng chiến tranh sắp xảy ra”. Trưa ngày hôm sau, một tối hậu thư được gửi tới Nga yêu cầu ngừng động viên quân. Không có câu trả lời phúc đáp và 5 giờ chiều ngày 1 tháng Tám, Kaiser ký lệnh tổng động viên của Đức chống lại Nga.

        Tin tức về cuộc chiến với Nga được đám đông đứng trước Feldhernhalle, sảnh đường của Field Marshals, hưởng ứng nhiệt tình. Hitler đâu không đội mũ, râu tóc, quần áo chỉnh tề, sạch sẽ đứng gần hàng đầu tiên của đám đông. Không ai muốn có cuộc chiến tranh hơn Hitler: “Thậm chí đến nay, tôi không hề hổ thẹn khi nói rằng, tôi kiệt sức vì sự nhiệt tình say mê, quỳ xuống và cảm ơn Thượng đế nhân từ đã ban cho tôi vận may được sống trong thời gian này”. Đối với Hitler, điều đó đồng nghĩa với một nước Đại Đức mở rộng hơn đúng như mơ ước từ thời trẻ.

        Cơn sốt chiến tranh lan tràn khắp nước. Nó bắt nguồn từ tình cảm chứ không phải là từ lý luận; từ những con người đang trong trạng thái gần như là cuồng chiến, họ hăm hở tìm kiếm sự công bằng với bất cứ giá nào. Chiến tranh được xem như một cách giải thoát ma thuật. Sinh viên đi bộ trên các đường phố của Munich, hát bài “ Die Wacht am Rhein" và hô vang khẩu hiệu ủng hộ chiến tranh. Một nhóm quá khích đã phá quán cà phê Fahrig ở Karlsplatz vì ban nhạc từ chối không chơi đi chơi lại bài quốc ca. Giới trí thức cũng bị nhiễm sự nhiệt tình này, vì chiến tranh có nghĩa là thoát khỏi sự buồn phiền, là chấm dứt sự giả dối của chế độ tư sản. Thậm chí các nhà xã hội học bị Hoàng đế Wilhelm chỉ trích vài tháng trước đó là “những loài sâu bọ gặm nhấm hết chồi non của đế chế” cũng chấp nhận đề nghị của Kaiser tham gia vào chiến dịch yêu nước (chúng ta giờ là anh em của nhau).

        Những người sùng bái nước Đức liên kết lại không cần đợi lời mời. Lãnh đạo của phong trào chính thức tuyên bố: “Chúng ta cần phải tập trung tất cả những người nói tiếng Đức vào một dân tộc và một đế chế Đức. Một đế chế tài giỏi mãi mãi sẽ dẫn dắt sự tiến bộ của loài người!”. Họ có lẽ đã nói đúng điều Adolf Hitler đang tâm niệm. Hitler coi những thành viên hoàng tộc Hohenzollerns là người kế thừa truyền thống của các hiệp sĩ German thời trung cổ, nhũng người đã thành lập nên các thuộc địa của nước Đức ở các vùng đất của Slavơ về phía đông và bởi vậy tin tưởng rằng nước Đức cần phải đấu tranh để tồn tại, để “có tự do và tương lai”.

        Hai ngày sau, ngày 3 tháng Tám, ngày mà cuộc chiến với Pháp được tuyên bố, Hitler nộp thinh nguyện thư của cá nhân tới Vua Lugwig III  xin gia nhập quân đội, và chiều hôm đó cũng có mặt giữa đám đông bên ngoài cung điện Wittelsbach chúc mừng Nhà vua. Cuối cùng, Vua Ludwig cũng xuất hiện và trong khi Nhà vua nói, Hitler nghĩ “Có lẽ Đức Vua chỉ đọc riêng thỉnh nguyện thư của mình và chấp nhận thỉnh nguyện thư đó!”. Ngày hôm sau, Hitler nhận được thư trả lời. Tay Hitler “run run” khi bóc thư. Bức thư chấp nhận đề nghị của Hitler được trở thành quân tình nguyện. Ngày 16 tháng Tám, Hitler có mặt ở doanh trại lựa chọn đầu tiên, trung đoàn của Vua Bavaria. Một tấm bảng ở ngoài tuyên bố rằng, trung đoàn đã đủ người, nhưng Hitler đã được chấp nhận ở doanh trại lựa chọn thứ hai, trung đoàn bộ binh số 1 của Bavaria1.

        Hai vấn đề gây áp lực nhất của Hitler đã được giải quyết: sẽ không bao giờ phải gia nhập quân đội Áo mà Hitler ghét cay ghét đắng, và cũng không phải chịu một thêm một mùa đông khắc nghiệt khi phải tự thân vận động nữa. Bên cạnh việc đã tìm thấy một ngôi nhà có đủ thức ăn, quần áo và nơi che mưa che gió, Hitler còn có một mục đích khác. Không có lý do gì để nghi ngờ; lần đầu tiên trong đời giờ đây Hitler biết chính xác mình sẽ đi đâu và tại sao. Cảm thấy an toàn trong bộ quân phục, nỗi sợ hãi duy nhất của Hitler là lỡ chiến tranh có thể kết thúc trước khi mình được tham gia chiến trận.

        Vài ngày sau, Hitler được chuyển sang trung đoàn bộ binh số 2 của Bavaria và bắt đầu huấn luyện cơ bản tại một trường công lớn ở Elizabeth Platz. Đó là một khóa huấn luyện ngắn nhưng tăng cường về luyện tập, hành quân diễn tập, tập đâm lê khiến cho các tân binh mệt nhoài vào cuối ngày. Sau 1 tuần, Hitler được điều động chính thức sang trung đoàn bộ binh dự bị số l6 của Bavaria. Khóa huấn luyện tiếp tục giai đoạn tăng cường ở Munich. Một đồng đội của Adolf, Hans Mend, nhận xét, khi lần đầu tiên sử dụng khẩu súng trường, Adolf “ngắm nghía khẩu súng với vẻ thích thú như một người phụ nữ ngắm đồ trang sức của mình khiến tôi phải cười thầm”.

-------------------
        1. Bavaria, dù là một phần của đế chế Đức, nhưng vẫn giữ độc lập chủ quyền cho tới năm 1918.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:30:56 pm »


2

        Ngày 7 tháng Mười, Hitler báo với gia đình Popps rằng đơn vị của mình chuẩn bị rời Munich. Hitler nắm tay Herr Popp và nhờ viết thư báo tín cho chị gái nếu mình hy sinh. Có thể chị ấy sẽ muốn nhận một số tài sản của Hitler. Nhưng nếu chị không thích, gia đình Popp có thể giữ lấy. Frau Popp khóc khi Hitler ghì chặt hai đứa trẻ, sau đó “quay thật nhanh và chạy đi”. Ngày hôm sau, trung đoàn của Hitler hành quân đến doanh trại của trung đoàn tính nhuệ của Nhà vua để dự lễ kỷ niệm trọng thể. Với sự đến dự của Vua Ludwig III, các binh sĩ tuyên thệ trung thành với Vua cũng như với Kaiser Wilhelm. Sau đó Hitler và một số người Áo khác phải thề trung thành với Vua của chính nước họ, Hoàng đế Franz Josef. Một ghi nhận duy nhất về phản ứng của Hitler đối với dịp kỷ niệm đáng nhớ này là những lời thổ lộ với đồng đội rằng, ngày 8 tháng Mười sẽ luôn được ghi nhớ trong ký ức, vì ngày hôm đó họ được nhận khẩu phần ăn gấp đôi, cũng như một bữa trưa đặc biệt có thịt lợn nướng và sa lát khoai tây.

        Sáng sớm hôm sau, trung đội của Hitler hành quân rời Munich đến trại Lechfeld, cách Munich 70 dặm về phía tây. Vai đeo ba lô, các chàng trai lê bước khó nhọc trong gần 11 tiêng đông hô, hầu hết thời gian đó trời mưa như trút nước. “Cháu được sắp xếp vào một chiếc chuồng ngựa - Hitler viết cho Frau Popp — người ướt nhẹp. Ở đó không thể ngủ được”. Ngày hôm sau, ngày Chủ nhật, họ hành quân 13 tiếng đồng hồ và đóng trại buổi tối ở ngoài trời. Nhưng trời quá lạnh, nên lại thêm một đêm mất ngủ. Cuối cùng, đến giữa buổi chiều thứ Hai, họ đến được đích. Họ “mệt muốn chết và sẵn sàng gục xuống vì kiệt sức”, nhưng phải hành quân một cách kiêu hãnh vào trại dưới những ánh mắt nhìn chằm chằm của một nhóm tù nhân chiến tranh người Pháp.

        Năm ngày đầu tiên ở Lechfeld là những ngày vất vả nhất trong cuộc đời Hitler bởi “những buổi tập luyện kéo dài”, những cuộc hành quân báo động ban đêm, cộng thêm những cuộc diễn tập của lữ đoàn. Trung đoàn của Hitler hợp nhất với một trung đoàn khác tạo thành lữ đoàn số 12 và các tân binh bận rộn đến nỗi mãi đến ngày 20 tháng Mười, Hitler mới có thời gian viết thư kể tất cả những điều này cho bà Frau Popp và thông báo cho bà biết họ chuẩn bị cơ động đến mặt trận vào tối hôm đó. “Cháu vô cùng hạnh phúc - Hitler kết thúc bức thư - Đến nơi cháu sẽ viết thư và cho cô biết địa chỉ của cháu ngay. Cháu hy vọng chúng cháu sẽ tới Anh”. Đêm đó, các tân binh được đưa lên tàu hỏa và Adolf Hitler, chàng thanh niên đến từ Áo, cuối cùng cũng đang trên đường chiến đấu vì Tổ quốc.

        Một trung úy của lữ đoàn, một quân nhân chuyên nghiệp tên là Fritz Wiedemann, nhìn theo với nhiều tình cảm pha trộn khi Hitler và đồng đội lên xe ô tô. Trung đoàn trưởng đã không nằm trong quân số thường trực chiến đấu trong nhiều năm rồi, hầu hết các đại đội là do các sỹ quan dự bị chỉ huy, và những sỹ quan này cũng chỉ được huấn luyện qua loa. Họ có vài khẩu súng máy, thiết bị điện thoại do công ty Nuremberg sản xuất ban đầu là dành cho quân đội Anh, các binh lính thậm chí còn không có mũ bảo hiểm sắt. Thay vào đó, họ ra trận với những chiếc mũ bằng vải đầu như những người lính tình nguyện trong các cuộc chiến giành tự do năm 1812-1813. Những gì mà lữ đoàn thiếu trong trang bị và huấn luyện lại được bù đắp bằng sự nhiệt tình của các binh sĩ. Khi mỗi đợt huấn luyện kết thúc, các binh sĩ lại cười và hát, cứ như là họ đang chuẩn bị đi dự một bữa tiệc vinh quang.

        Rạng sáng, chuyến tàu chở Hitler chạy dọc theo sông Rhine, một quang cảnh mà hầu hết những người Bavaria chưa bao giờ được nhìn thấy. Mặt trời nhô lên trong làn sương mù bốc lên từ mặt sông bỗng để lộ ra một bức tượng Germania khổng lồ nhìn xuống từ Niederwald. Dọc theo con tàu, tất cả các chàng trai tự động hát to bài “Die Wacht am Rhein". “Tôi cảm thấy như lồng ngực mình sắp nổ tung” - Hitler nhớ lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2018, 08:31:20 pm »


        Tám ngày sau, đại đội của Hitler được đưa vào trận chiến gần Ypres. Khi các tân binh bắt đầu tiến lên trong làn sương mù buổi sảng đế yểm trợ cho một đơn vị đang gặp khó khăn thì súng cối của Bỉ và Anh bắn cấp tập vào khu rừng phía trước. “Bây giờ, những mảnh đạn pháo đầu tiên đang bay trên đầu chúng tôi và nổ ở bìa rừng, xé toang các cây khiến chúng nát vụn như rơm - ông viết cho một người quen ở Munich - Chúng tôi nhìn với vẻ tò mò. Cho đến lúc bấy giờ, chúng tôi chưa biết đến nguy hiểm. Không ai trong chúng tôi sợ hãi. Tất cả mọi người đang kiên nhẫn chờ lệnh, ‘tiến lên!’... Chúng tôi bò trườn tới bìa rừng. Bên trên là những tiếng đạn rít, cây cối gẫy đổ ngổn ngang xung quanh. Sau đó, đạn lại nổ ở bìa rừng cày xới những tảng đá, đất và cát bay mịt mù trong không khí, đạn pháo trốc tận gốc những cây to nhất, không khí ngạt thở bởi khói thuốc súng màu vàng xanh ngột ngạt khủng khiếp. Chúng tôi không thể nằm mãi ở đây được, và nếu chúng tôi phải vào trận chiến, thì bị giết bên ngoài trận chiến còn tốt hơn”. Cuối cùng quân Đức cũng phản công. “Bốn lần chúng tôi xông lên đều phải thối lui; Cả đợt phản công của chúng tôi, tôi là người duy nhất sống sót. Một viên đạn xé rách ống tay áo phải, nhưng như một phép nhiệm màu, tôi an toàn và vẫn còn sống. Đến 2 giờ, chúng tôi tiến lên lần thứ năm, lần này chúng tôi chiếm lĩnh được bìa rừng và khu nông trại”.

        Trận chiến tiếp diễn thêm 3 ngày nữa. Trung đoàn trưởng hy sinh và trung tá trung đoàn phó bị thương nặng. Dưới hỏa lực mạnh, Hitler, bây giờ là người chịu trách nhiệm vận chuyển thương binh của trung đoàn, tìm thấy một lính cứu thương, hai người kéo trung đoàn phó về trạm băng bó. Đến giữa tháng Mười một, theo Hitler, trung đoàn 16 chỉ còn 30 sỹ quan và chưa đến 700 binh sĩ. Cứ năm tân binh thì chỉ có một người sống sót nhưng vẫn phải chấp hành mệnh lệnh tấn công. Trung đoàn trường mới, trung tá Engelhardt, được Hitler và một binh sĩ khác hộ tống đã liều tiến sâu về phía trước để quan sát các tuyến phòng thủ của đối phương. Họ bị phát hiện và cả vùng đó bị xới tung bởi đạn bắn từ súng máy. Hai hạ sỹ quan nhảy lên phía trước người chỉ huy và đẩy ông xuống một cái rãnh. Trung đoàn trưởng Engelhardt bắt tay hai tân binh và không một lời phê bình. Ông định đề nghị phong tặng Huy chương Chữ thập sắt cho hai tân binh này, nhưng chiều hôm sau, khi đang thảo luận về việc tuyên dương thành tích của hai tân binh này thì đạn của quân Anh phá tan lán chỉ huy của trung đoàn, làm ba người chết, Engelhardt và những người khác bị thương nặng. Những giây phút trước đó, Hitler và ba hạ sỹ quan khác đã buộc phải rời lán để tránh đường cho bốn đại đội trưởng. Đó là lần đầu tiên trong một loạt các lần thoát chết trong gang tấc một cách kỳ diệu của Adolf Hitler. “Đó là giây phút khủng khiếp nhất trong đời tôi” - ông viết cho Judge Hepp. “Tất cả chúng tôi đều tôn thờ trung tá Engelhardt.”

        Những nỗ lực chiếm Ypres không thành, Đức ngừng tấn công. Trận chiến chuyển thành một cuộc chiến đường hào tĩnh. Điều này có nghĩa là một sự tồn tại khá trầm lặng đối với những người gắn bó với cơ quan chỉ huy của trung đoàn mà hiện giờ nằm ở một vùng yên bình gần làng Messines. Cuối cùng, Hitler lại có thời gian để vẽ. Ông mang theo một số dụng cụ vẽ và hoàn thành một vài bức tranh màu nước, trong đó có bức tranh về cảnh đổ nát của một tu viện gần làng Messines và một bức khác vẽ căn hầm gần làng Wiedemann. Trung úy Wiedemann, trợ lý của trung đoàn trưởng mới đã yêu cầu Hitler thực hiện một bức vẽ khác. Màu sơn trong phòng ăn của các sỹ quan - căn phòng nhỏ trong một biệt thự được trưng dụng cho quân đội - không phù hợp với bức tranh được lãng mạn hóa vẽ một người lính đang hấp hối nằm vắt qua sợi dây thép gai. Wiedemann yêu cầu trung sĩ Max Amann tìm một ai đó trong trung đoàn có thể trang trí lại căn phòng này. Amann đưa Hitler tới. Wiedemann muốn biết liệu các bức tường có thể sơn màu xanh hay màu hồng được không. Hitler quan sát thấy mặt trời sẽ khiến bức tranh có tông màu tím nhạt và gợi ý nên sơn màu xanh. Ông tìm về một cái thang, sơn và quét, và vừa làm việc, ông vừa nói chuyện với người trung úy. “Điều mà tôi ghi nhận đầu tiên ở Hitler là cách thức không hề hợp với quân đội và giọng nói của người Áo nhỏ nhẹ của ông, và trên tất cả, ông là một người nghiêm túc, người chác chân đã trải nghiệm khá nhiều trong cuộc sống”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM