Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:29:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Adolf Hitler Chân dung một trùm phát xít  (Đọc 49272 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:41:17 am »

   
        Trong hai ngày Gustl đã đăng ký thi vào Nhạc viện và qua được kỳ thi đầu vào. “Tôi không nghĩ rằng mình lại có một người bạn thông minh đến vậy” - Hitler nhận xét ngắn gọn. Cậu không vui khi nghe về những tiến bộ của Kubizek trong các tuần sau đó. Hitler hay sinh sự mỗi khi Gustl có một người bạn cùng học, một cô gái trẻ đẹp đến thăm. Sau khi cô gái đó về, Hitler sẽ bước tới bước lui, xổ ra những lời chi trích về “sự ngu xuẩn của việc tìm hiểu phụ nữ”. Kubizek có ấn tượng rằng, Adolf trở nên điên rồ. “Cậu ta có thể nổi cơn tam bành vi những việc nhỏ nhất”. Gustl cảm thấy Adolf không phù hợp với bất kỳ điều gì và “cậu ấy làm cho cuộc sống chung của chúng tôi trở nên không thể chịu đựng nổi... Cậu ấy xung đột với thế giới. Nhìn bất kỳ điều gì cậu ấy cũng thấy không công bằng, cũng căm ghét và hằn học”.

        Nguyên nhân cơ bản là Hitler luôn bị loại trong các kỳ thi và mọi người biết đến điều này nhiều hơn khi cậu bất ngờ xuất hiện, lăng mạ một cách cay đắng Học viện Mỹ thuật. “.... quá nhiều những cán bộ, nhân viên lạc hậu, lỗi thời, thiếu hiểu biết, một lũ quan chức ngu ngốc. Cả Học viện đáng bị chê trách!”. Mặt Hitler bầm tím, hai mắt long lên giận dữ. Cuối cùng Hitler lộ ra ràng mình lại bị trượt. “Làm thế nào bây giờ?” -  Kubizek lo lắng hỏi. Hitler ngồi xuống bàn, bắt đầu đọc sách. “Không quan tâm” - cậu bình tĩnh trả lời.

        Mặc dù Hitler nói rằng mình quyết tâm đạt được thành công, nhưng cậu chưa hề nhờ đến lời đề nghị giúp đỡ của giáo sư Roller. Đã vài lần, Hitler cầm hồ sơ đến xưởng vẽ của nhà thiết kế sân khấu nổi tiếng này nhưng chưa bao giờ có đủ dũng khí để gõ cửa. Cuối cùng Hitler xé bỏ lá thư giới thiệu “để mình không bị xúi giục đến đó nữa”. Có thể Hitler sợ tác phẩm của mình chưa được tốt, cũng có thể sợ thất bại một lần nữa hay chi đơn giản sự nổi tiếng của Roller lấn át và cậu sợ việc phải diện kiến ông ta.

        Khoảng một tuần sau khi Hitler rời Linz, Herr Mayhofer được Văn phòng trợ cấp thông báo ràng hai trẻ mồ côi là Paula và Adolf Hitler mỗi người sẽ được nhận trợ cấp 300 curon một năm cho đến 24 tuổi. Mayrhofer được ủy quyền phân chia toàn bộ 600 curon này trong một năm cho phù hợp. Ông quyết định chia cho mỗi người 25 curon mỗi tháng.

        Số tiền thường xuyên được nhận này (tương đương với 6 đô-la Mỹ lúc bấy giờ) chắc chắn đã khiến Hitler lại có quyền hy vọng, nhưng cứ cho là cậu vẫn còn gần như nguyên số tiền 650 curon từ tài sản được thừa kế, cuộc sống vẫn sẽ vất vả. Bạn cùng phòng của Hitler khẳng định, Hitler thường xuyên bị đói. “Liên tục trong nhiều ngày, Hitler chỉ sống bằng sữa, bánh mỳ và bơ”. Kubizek không bao giờ biết được Adolf có bao nhiêu tiền và nhận thấy rằng Hitler giấu thẹn vì số tiền ít ỏi đó. “Thi thoảng, cơn giận dữ của Hitler giúp mọi người hiểu hơn về cậu, khi cậu hét lên trong giận dữ, “Đây là cuộc sống của chó chứ không phải của người”.

        Số tiền Hitler nhịn ăn, nhịn tiêu tiết kiệm được như kiểu “là” quần dưới đệm (đặt quần phẳng phiu xuống dưới tấm đệm, để bớt công là) giúp ông có thể đi xem ở nhà hát Burg hoặc nhà hát Opera vài lần một tuần. Hitler không ngồi trong phòng tranh với các cô gái bao giờ - “tất cả họ đều chi ve vãn, tán tỉnh”. Hitler bắt Kubizek đồng ý với mình, khi đi chơi không có phụ nữ, giá vé nhiều lắm là 2 curon 1 vé. Họ không bao giờ xem hết được những vở opera dài hơi, bởi họ phải ra về lúc 9h45 tối để kịp về nhà trước khi lối vào tòa nhà Stumpergasse 29 đóng cửa. Nếu không họ sẽ phải đánh thức người gác cổng. Khi trở về phòng, Hitler thường bắt Kubizek đàn piano những phần họ đã không được xem hết.

        Hitler không bao giờ chán nghe những tác phẩm của Wagner. Thậm chí khi Gustl muốn xem vở kịch hạng nhất của Verdi ở Nhà hát Opera Hoàng gia, Adolf vẫn nài ni bạn mình đến Nhà hát Opera Nhân dân để nghe tác phẩm hạng hai của Wagner. Âm nhạc gây xúc động mạnh đối với Hitler và “là một lối thoát vào thế giới thần bí mà cậu cần để chịu đựng những căng thắng vì bản tính ngỗ nghịch của mình”. Họ cùng xem vở opera mà Adolf ưa thích, vở Lohengrin, 10 lần. Tương tự, vở Die Meistersinger khiến Hitler, người chưa bao giờ chán trích dẫn những dòng trong lời 2 của bài hát, xúc động:

        Và bây giờ tôi vẫn chưa thành công
        Tôi cảm thấy điều đó và tôi vẫn chưa thể hiểu được điều đó
        Tôi không thể nhớ được, cũng không thế quên được
        Và nếu tôi túm được nó, tôi không để đo được.


        Kubizek cố thuyết phục Adolf tới xem một vài vở opera của Verdi nhưng cậu chỉ đồng ý xem vờ Aida. Adolf phản đối những ảnh hưởng ảo của sân khấu. “Những người Italia này sẽ làm gì nếu họ không có dao găm?”. Một lần, họ nghe người quay đàn hộp chơi bài La donna è mobile, Hitler hét lên: “Verdi của cậu đấy! Cậu có thể hình dung ra câu chuyện của Lohengrin trên cây đàn thùng đó không?”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:42:04 am »


        Hai chàng thanh niên trẻ cũng đi nghe một số buổi hòa nhạc cùng nhau, vì Kubizek là sinh viên Nhạc viện, nên cậu có vé miễn phí. Gustl rất ngạc nhiên khi Adolf bắt đầu “phát triển khiếu thẩm mỹ đối với nhạc giao hưởng” và đặc biệt thích những nhạc sĩ theo chủ nghĩa lãng mạn như Weber, Schubert, Mendelssohn và Schumann. Ngoài ra, Hitler cũng yêu thích các nhạc sĩ như Bruckner, Beethoven và Grieg, những nhạc sĩ mà những vở côngxectô dành cho đàn piano của họ làm cậu cảm động.

        Thiếu tiền không làm họ phai nhạt ý nghĩ tận hưởng vẻ hào nhoáng của thành phố Viên. Đó là thời kỳ vàng son của âm nhạc và opera. Gustav Mahler vừa nghỉ ở Nhà hát Opera Hoàng gia để nhận vị trí chi huy chính của Nhà hát Metropolitan ở New York, nhưng ông đã để lại sau mình những tác phẩm tuyệt diệu, trong đó nhiều tác phẩm do giáo sư Roller thiết kế. Đáng chú ý là sự cộng tác của họ trong vở Rienzivh hai phần đầu tiên của vở The Ring. Giám đốc mới, ông Felix Weingartner, đã làm một số việc gây tranh cãi, cắt bớt những tác phẩm của Mahler, triển khai ngay kế hoạch của người tiền nhiệm là hoàn thiện vở The Ring với phần trang trí sân khấu mới của Roller. Thật ngẫu nhiên, cả 2 vị giám đốc cũng như những người có ảnh hưởng lớn tới văn học và nhà hát của thành phố Viên như Hugo von Hofmannsthal, Arthur Schnitzler, Richard Beer-Hofmann và Hermann Bahr đều là người Do Thái.

        Viên là thủ đô của một nước đế quốc đang trong những năm hưng thịnh cuối cùng, là trung tâm nói rất nhiều thứ tiếng nhưng không có ngôn ngữ chung, dân cư ở đây chủ yếu là người Áo và người Hungary. Đây là thành phố rực rỡ, nổi tiếng toàn thế giới, nơi mà niềm vui của cuộc sống trôi đi cùng với cảm giác chết chóc sắp xảy ra. Dưới triều đại Habsburg, thành phố này thuộc về nước Đức, và cho đến thời điểm ấy nơi đây vẫn là thủ đô độc nhất vô nhị trong số các thủ đô. Đây không chỉ là trung tâm tài chính, ngân hàng mà còn là trung tâm văn hóa và thời trang. Không giống như nước Đức, đây là nơi tụ cư của những người không cùng chí hướng. “Là nơi mà người Slavs, người Magyar và người Italia chiếm đại đa số trong nhiều thập kỷ, thành phố này không còn mang dòng máu của người Đức nữa,” - một phóng viên đương thời nhận xét. Ở đây có một nhà hát của Bohem, một nhà hát của Italia, có các ca sĩ đến từ Pháp và từ các câu lạc bộ của Ba Lan; Trong một số quán cà phê thường có các tờ báo bằng tiếng Czech, tiếng Slav, Ba Lan và Hungary nhưng không có tờ báo nào bằng tiếng Đức. “Bạn có thể là một người mang dòng máu Đức hoàn toàn, nhưng vợ của bạn sẽ là người Galici hoặc người Ba Lan, đầu bếp của bạn là người Bohem, y tá của bạn là người Istriote hoặc người Dalmation, người giúp việc nhà bạn là người Xéc-bi, đánh xe ngựa của bạn là người Slav, thợ cắt tóc là người Magyar và thầy giáo của bạn là một người Pháp.... Không, Viên không phải là một thành phố của Đức”.

        Những người đó cũng giống như Adolf. Họ rời những thành phố và làng quê của mình để đến Viên. Họ bị Viên quyết rũ bất chấp những mâu thuẫn đến náo loạn của thành phố này. Viên là thành phố của vẻ đẹp hào hoa nhưng cũng là thành phố của những ngôi nhà ổ chuột, của những hội nghị không mệt mỏi và của những cuộc thử nghiệm trí tuệ cơ bản, của những tư tường tự do và những định kiến phân biệt chủng tộc. Sự hấp dẫn khiến Hitler tới thành phố hoa lệ này, “một sức lôi cuốn vô hình của một nơi tụ cư quốc gia”, đã bắt đầu không còn trong Hitler, bởi đã nhiều tháng trôi qua mà không đạt được một thành công nào - sau này ông mô tả lại.

        Hitler và Kubizek thường rời phòng trọ của họ ở tòa nhà Stumpergasse với cái dạ dày trống rỗng, đi qua những đường phố bẩn thiu của tầng lớp trung lưu tới trung tâm thành phố với “những lâu đài nguy nga lộng lẫy có những người phục vụ trang điểm loè loẹt đứng trước cửa những ngôi nhà của giới quý tộc và những khách sạn xa hoa”. Adolf dần trở nên nổi loạn. Cậu không ngớt lời xỉ vả sự bất công xã hội của sự giàu có ăn trên ngồi chốc đó. Điều khiến cậu sợ hơn cả cái đói là vi khuẩn bẩn thỉu đã tấn công các phòng ở tòa nhà Stumpergasse. Hitler là người “nhạy cảm một cách bệnh hoạn về bất kỳ thứ gì liên quan đến cơ thể,” - Kubizek nhớ lại.

        Cảm giác của Hitler về thành phố này không phải là duy nhất. "Mỗi người xuất sắc lớn lên trong bầu không khí trí tuệ đặc thù của Viên thì sau đó bao giờ cũng sống theo thuyết biện chứng hổ lốn của tình yêu và lòng hận thù đối với thành phố lộng lẫy, có nhiều tiềm năng để đạt được những danh hiệu cao quý nhất, cũng như sẽ gặp phải sự đối kháng khó khăn nhất cản trở việc thực hiện của họ”. Bruno Walter đã viết như vậy trong cuốn tiểu sử Mahler, người đã viết nên tác phẩm Tristan đây cảm hứng với sắc màu cam, màu tím và màu xám mà Roller thiết kế và Adolf Hitler sẽ diện kiến gần như hàng tháng trong năm năm tiếp theo. Nói tóm lại, Viên là thành phố của người Raunzer (những người hay cằn nhằn) và có truyền thống công kích những người nổi tiếng nhất; nhạo báng thuyết phân tâm học của Freud, chê bai những âm thanh quá hiện đại của Arnold Schonberg và những sắc màu quá sáng của Oskar Kokoschka, và tìm thấy nhiều điều để chi trích trong các tác phẩm của Hofmannsthal và Schnitzler.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:42:29 am »


        Chàng trai trẻ Hitler vừa háo hức, vừa lưỡng lự, đã dành thời gian tìm hiểu những thói xấu của thành phố xa hoa này. Theo Kubizek, người coi Hitler là một Werther trẻ có lương tâm xã hội, Hitler theo một chương trình tự giáo dục không thường xuyên, lang thang ở khu vực Meidling để "nghiên cứu" các điều kiện nhà ở của người lao động; cậu thường đến thăm khu Ringstrasse, tìm hiểu khu vực này và các khu vực lân cận hàng giờ trước khi trở về căn phòng tồi tàn của mình để nung nấu thiết kế lại những khu vực lớn của thủ đô. chàng trai vừa như một nhà quy hoạch thành phố, vừa như một kiến trúc sư. Anh ta bước những bước dài tới lui trong khoảng họp giữa cửa ra vào và cây đàn piano, bắt Kubizek phải nghe những bài thuyết trình bất tận về “Quy hoạch chu đáo”. Sau khi biến mất trong ba ngày, anh chàng trở v'ê với lời tuyên bố “các khu nhà ở sẽ bị phá bỏ", và bắt đầu làm việc thâu đêm với các bán thiết kế về một khu nhà ở kiểu mẫu cho công nhân.

        Adolf cũng sẽ ngồi ở bàn cho đến khuya, viết dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu dây khói duy nhất trong phòng. Cuối cùng, Kubizek cũng tò mò hỏi xem Hitler đang làm gì. Hitler đưa cho cậu xem một số tờ giấy vẽ nguệch ngoạc.

        Nền bức vẽ là ngọn núi Holy, phía trước ngọn núi là khối nhà hiến tế đồ sộ được bao quanh bởi các cây sồi to lớn; hai chiến binh hùng mạnh giữ con bò đực đen, và ấn cái đầu to tướng của con thú vào chõ hõm trong khối nhà hiến tế. Phía sau họ, nổi bật lên trong những chiếc áo choàng sáng màu là vị linh mục đang đứng. Ông cầm sẵn thanh gươm để giết con bò đực làm vật hiến tế. Mọi thứ xung quanh đều trang nghiêm. Những người đàn ông râu ria xồm xoàm, cầm chắc khiên giáo sẵn sàng, đang chăm chú theo dõi buổi lễ.

        Hitler giải thích cho Kubizek còn đang lúng túng rằng đó là một vở kịch. Ồng hào hứng mô tả hành động đó đã từng diễn ra ở thời Cơ-đốc giáo và lan truyền sang Bavaria; những người vùng núi này sẽ không chấp nhận đức tin mới và quyết tâm giết chết các nhà truyền giáo Cơ- đốc. Vở kịch này có lẽ không bao giờ kết thúc và những vở khác như vở kịch về họa sĩ Murillo - đã dự kiến và đôi khi đã bắt đầu, cốt truyện của những vở kịch này thường được lấy từ thần thoại hay lịch sử của người Đức. Adolf sẽ viết cho đến bình minh, sau đó quăng các kết quả lên giường của Gustl hoặc đọc to lên một hoặc hai trang. Mỗi vở kịch này đều đòi hỏi chi phí dàn dựng đẳt đỏ với những cảnh khác nhau, từ thiên đàng đến địa ngục, và Gustl gợi ý Adolf viết cái gì đó đơn giản hơn, chẳng hạn, một vở hài kịch “khiêm tốn”. Từ “khiêm tốn” này đã khiến Hitler tức giận và càng chú tâm vào một dự án còn nhiều tham vọng hơn. Dự án được lấy cảm hứng từ lời nhận xét vô tình của Kubizek rằng bản phác thảo của vở nhạc kịch về Wieland Smith được phát hiện trong số giấy tờ sau khi chết của Wagner.

        Ngày hôm sau, ăn trưa xong, Kubizek trở về, nhìn thấy Hitler đang ngồi bên đàn piano. “Tôi sẽ soạn Wieland thành một vở nhạc kịch”, cậu nói. Kế hoạch của Adolf là soạn nhạc và ném nó lên cây đàn piano để Gustl “đưa nó lên giấy, điều chỉnh những chỗ cân thiết và cuối cùng viết bảng tổng phổ”. Mấy đêm sau, Hitler chơi khúc dạo đầu trên đàn piano, sau đó hồi hộp chờ đợi ý kiến của Gustl. Kubizek nghĩ ràng đó là sự lặp lại của Wagner, nhưng các chủ đề chính đều hay và ông đề nghị chuyển nhạc sang dạng thích hợp. Khi Hitler còn chưa bao giờ hài lòng với những thay đổi của bạn mình, ngày qua ngày ông tiếp tục soạn nhạc, cũng như thiết kế trang phục, dàn cảnh và phác họa nhân vật chính bàng chì than. Adolf có thể dành các buổi tối cho việc viết lời nhạc kịch, đế mắt đến Kubizek, và khi cậu này ngủ thiếp đi trong khi đang phối âm, thì sẽ lắc vai đánh thức dậy và sau đó đọc khe khẽ bản thào vì đêm đã khuya. Tuy nhiên, sau vài tuần, Adolf gạt vở opera đó sang một bên. Có lẽ đã có vấn đề nào đó nảy sinh khiến cậu chú ý hơn, hoặc giả ngọn lửa sáng tạo đã nguội dần. Càng ngày cậu càng nói ít về dự án dở dang của mình và cuối cùng hoàn toàn không nhắc đến nữa.

        Mùa xuân năm đó Kubizek trở về nhà nghỉ lễ Phục Sinh. Cậu viết lại lời nhắn rằng mình bị viêm kết mạc, có lẽ là do học tập quá nhiều dưới ánh sáng đèn dầu, và có thể phải đeo kính đến Westbahnhof. Đó là ngày Chủ nhật của lẽ Phục Sinh cô đơn, buồn tẻ đối với Adolf. Năm đó, năm 1908, lễ Phục Sinh rơi vào ngày 19 tháng Tư, một ngày trước sinh nhật lần thứ mười chín của Adolf. Câu trả lời của Adolf cho Gustl viết trên giấy cáo phó mang đậm tính hài hước: "Tôi đau buồn vô hạn khi biết bạn sẽ bị mù; bạn sẽ ngày càng viết sai nhiều hơn, đọc sai bản nhạc và kết thúc là bị mù còn tôi dần bị điếc. Oweh!"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 09:00:40 am »


        Căn phòng ở Stumpergasse dường như ảm đạm hơn bao giờ hết đối với Gustl khi cậu trở lại sau kỳ nghỉ ở vùng quê Linz. Gustl thuyết phục Hitler về chơi ở miền quê thoáng đãng. Trong nắng mới mùa xuân nhẹ nhàng, họ đã dành vài Chủ nhật dạo chơi trong rừng Viên và đi tàu thủy hơi nước dọc sông Danube. Mặc dù mùa xuân được coi là mùa các chàng trai trẻ có cảm hứng yêu đương, nhưng tình dục chi đóng một phần rất nhỏ và kín đáo trong cuộc sống của họ. Trong các cuộc dạo chơi, các cô gái và phụ nữ thường kín đáo liếc nhìn họ. Lúc đâu Kubizek nghĩ họ quan tâm tới mình, nhưng sau đó nhanh chóng nhận thấy ngay rằng Adolf mới là đối tượng chính; mặc dù cậu lạnh nhạt phớt lờ ý tứ mời mọc của họ. Nếu như cả hai không có hành động nào liên quan đến tình dục, thì buổi tối họ lại thường nói chuyện hàng giờ về phụ nữ, tình yêu, hôn nhân và Adolf thường chi phối cuộc nói chuyện. Lúc nào Adolf cũng nhấn mạnh ràng phải giữ “Tình yêu cuộc sống” tinh khiết. Nghĩa là, do được dạy dỗ theo Công giáo, Adolf tin rằng, nam nữ nên giữ mình trong sạch cả về thể chất và tâm hồn cho đến khi kết hôn, có như vậy mới sinh được những đứa con khỏe mạnh cho dân tộc.

        Nhưng mặt tối của tình dục cũng ám ảnh Adolf và cậu nói “hàng giờ” về các thói quen [tình dục] đồi trụy. Cậu lớn tiếng phản đối nạn mại dâm, không chỉ lên án bọn gái điếm và khách làng chơi mà cả xã hội. Lời kết tội của Adolf biến thành nỗi ám ảnh và một đêm, sau khi dự buổi biểu diễn Springs Awakening của Wedekind, ông nắm cánh tay Gustl và nói: “Chúng ta phải xem ‘vũng lầy tội lỗi’ một lần”. Họ rẽ xuống một con hẻm nhỏ tối tăm - đó là hẻm Spittelberggasse - và đi qua một dãy nhà nhỏ, đèn sáng tới mức có thể nhìn thấy các cô gái bên trong. “Họ ngồi đó với quần áo bó sát và trễ nải”, Kubizek nhớ lại, “họ đang trang điếm, tết tóc, hoặc soi gương, nhưng vẫn để ý đến những người đàn ông qua lại”. Thinh thoảng có người đàn ông dừng lại trước một ngôi nhà, trao đổi vài câu với một cô gái và ngọn đèn vụt tắt. Khi hai thanh niên đến cuối con hẻm, Adolf đi theo một đôi và tận mắt chứng kiến cảnh kinh hoàng. Trở về phòng, Adolf nói một thôi một hồi, đả kích những cái xấu xa của nạn mại dâm “một cách khách quan lạnh lùng như thể đó là quan điểm cá nhân đối với cuộc chiến chống bệnh lao, hay đối với hỏa táng”.

        Gustl đã hoàn thành các cuộc thi tuyến với điểm xuất sắc và thực hiện buổi hòa nhạc cuối kỳ. Ba bài hát của ông đã được hát và hai phần trong bộ sáu của ông cho đàn dây đã được biểu diễn. Trong phòng của các nghệ sỹ, Adolf tự hào đứng bên cạnh Gustl, nhận lời chúc mừng không chỉ của Hiệu trưởng Trường đào tạo Nhạc trưởng, mà cả Giám đốc Nhạc viện.

        Đó là đầu tháng Bảy, thời gian để Gustl trở về Linz. Gustl sẽ nghỉ hè cùng với cha mẹ, nhưng vẫn khăng khăng đòi trả một nửa tiền thuê nhà cho đến khi trở lại vào mùa thu. Adolf như thường lệ vẫn không hề hé mở chút gì về những kế hoạch cá nhân. Khi Gustl thông báo đã xin được một vị trí chơi vĩ cầm trong dàn nhạc giao hưởng thành phố Viên, do vậy có thể cáng đáng hơn một nửa số tiên chi tiêu, Hitler đã nổi cáu. Guslt vốn quen phục tùng, luôn chiều theo cách của người bạn dốt nát. Guslt vẫn thế, vui sướng với thành công của chính mình và không bao giờ phản công lại Hitler. Ở Westbahnhof, Adolf đã khẳng định với Guslt “hàng trăm lần” rằng sẽ là ngu ngốc nếu sống một mình trong căn phòng của tòa nhà Stumpergassse, nhưng lại che giấu, chẳng thế hiện một chút cảm xúc bề ngoài nào khi họ chia tay (“Càng nhiều điều tác động đến cậu ấy, cậu ấy càng trở nên lạnh nhạt”). Thế mà lần này, Adolf đã làm một điều không giống bản tính bình thường: nắm chặt cà hai tay Kubizek, bóp chặt và vội quay đi mà không ngoái đầu nhìn lại.

        Từ Linz, Gustl viết cho Hitler một bức thư kèm bưu thiếp và nhận được một tấm bưu thiếp từ Hitler giải thích rằng, cậu đã “phải làm việc rất vất vả, thường đến 2 hoặc thậm chí 3 giờ sáng”. Adolf hứa sẽ viết thư cho Gustl trước khi đi nghỉ lễ ở Spital, đồng thời bực tức thêm ràng “sẽ không muốn đi nếu chị gái của mình cũng đến đó”. Có thể Adolf muốn nói đến Angela. Hai vợ chồng người chị gái đã luôn hoài nghi chỉ trích con đường sự nghiệp của Adolf. Hai tuần trôi qua, Gustl không hề nhận được thêm tin tức gì từ Adolf. Cuối cùng ngày 20 tháng Bảy, Gustl nhận được một bức thư từ Adolf. Với những gì mà bức thư đề cập và cả những gì mà thư không đề cập cho thấy Adolf đang có một cuộc sống thật đơn độc và kỳ dị:

        Bạn yêu quý! Chắc có lẽ bạn sẽ đoán được tại sao mình lại không viết cho bạn trong thời gian dài như vậy. Câu trả lời rất đơn giản, mình chẳng nghĩ được điều gì để kể cho bạn hoặc điều gì mà bạn sẽ quan tâm. Mình vẫn ở Viên. Mình đang đơn độc ở đây bởi vì Frau Zakreys đang ở nhà anh của bà ấy. Mình vẫn khá ổn trong cuộc sống đơn độc này. Duy chỉ một điều mình không hiểu. Cho đến tận bây giờ Frau Zakrey vẫn thường xuyên gõ cửa đánh thức mình vào buổi sáng. Mình đã quen với việc thức dậy rất sớm để làm việc, nhưng ngược lại bây giờ mình phải chăm sóc chính bản thân mình. Ở Linz có gì mới không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:14:19 pm »


        Adolf hỏi cách đi tới Linz và lịch chạy của tàu ở sông Danube.

        ... Mặt khác, mình không hề biết bất kỳ tin tức gì. Sáng nay mình bắt được một đàn rệp đày sát khí mà chẳng lâu nữa nó sẽ hút máu mình, và bây giờ mình đang run lên, răng va vào nhau cầm cập. Mình nghĩ những ngày lạnh giá như thế này sẽ rất hiếm vào mùa hè năm nay.

        Hitler sống những ngày còn lại của tháng đó ở trong một căn phòng ngột ngạt và đầy rệp. Bức thư tiếp theo Kubizek nhận được vào tháng Tám cho thấy cuộc sống của Hitler ngày càng tiếp tục tối tăm. Lá thư đầy ắp những lời than thân trách phận của Hitler, nhiều lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả. Đó là “một bức thư đáng yêu" đối với chàng thanh niên Gustl thiếu óc phê bình. “Có thể đó là bức thư bộc lộ bàn thân nhiều nhất mà cậu ấy đã từng gửi cho tôi”. Nó thể hiện ngay từ lời chào hỏi rất tình cảm “Bạn tốt của mình!” Đầu tiên cậu ấy xin lỗi vì đã không viết thư trong thời gian gần đó. “Cũng có những lý do tốt hay đúng hơn là lý do xấu. Mình không thể nghĩ ra bất cứ tin tức gì. Bây giờ bỏng dưng viết cho cậu chi đơn thuần là mình đã phải tìm kiếm trong một thời gian dài để thu thập một vài mục tin cho cậu.” Adolf kể chuyện bà chủ nhà cám ơn vì tiền thuê nhà, bất cẩn gọi bà là “Zakays” và sau đó là “Zakrays”, mặc dù trong bức thư trước đó cậu đã viết đúng tên của bà ta. Kể mình vừa trải qua một trận “viêm phổi nặng” và đùa vui về thời tiết - “thời tiết bây giờ thật quá ‘dễ chịu’ đối với chúng ta, mưa to và nóng như đổ lửa, đó thực sự là phúc lành mà Thượng đế ban cho”. Tiếp tục kể rằng các nhà chức trách ở Linz thay vì xây dựng lại nhà hát (một trong những dự án mà Adolf ưa thích) đã quyết định “đắp vá lại nhà tạm cũ” và công kích rằng, họ đã “có ý tưởng xây dựng một nhà hát như hà mã chơi violon”.

        Cuối cùng, Hitler cho biết sẽ rời Viên đến Spital và “có thể sẽ đi vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật”. Cuối tháng Tám cậu sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của làng quê đó. Ờ đó không có nhiêu thứ để thưởng thức. Áp lực ngày một gia tăng đối với việc lựa chọn hướng đi cho cuộc sống ở Viên của Adolf, Tân này là từ dì Johanna. Nhưng, "lần thử thuyết phục Hitler chọn làm một công chức cuối cùng này cũng không đem lại kết quà gì” - Paula nhớ lại. Ngay Paula cũng tỏ ra không nghe lời người anh của mình. Mới 12 tuổi, nhưng cô đã bực tức trước lời khuyên của anh, gồm cả việc đọc những quyển sách Hitler lựa chọn (trong đó có cuốn Chàng Đông-ki-sốt mà cậu gửi về từ Viên). “Đương nhiên anh ấy là người anh vĩ đại đối với tôi, nhưng tôi chỉ phục tùng anh bề ngoài mà luôn phản đối bên trong. Trên thực tế, anh em chúng tôi hay cãi nhau, nhưng rất yêu mến nhau và không ai làm mất đi niềm vui sướng được sống cùng nhau của người kia”.

        Đó cũng là thái độ của Angela và Alois, Jr., và bây giờ đến lượt Paula. Họ vẫn yêu mến nhau, nhưng ít hiểu nhau hoặc có ít mối quan tâm chung. Điều khó chịu ở Spital mùa hè năm đó đã đánh dấu chấm hết cho tuổi trẻ của Hitler. Việc Adolf từ chối xem xét một nghê nghiệp thực tế hơn đã đẩy cậu lìa xa gia đình. Spital gắn với những niềm vui thời niên thiếu sẽ không bao giờ là nơi để Adolf trở về nương tựa nữa. Lần thứ tư Adolf bỏ nhà đến Viên và lần này thật sự cậu phải dựa vào chính bản thân mình.

        Giữa tháng Chín, Hitler lại nộp đơn vào Học viện Mỹ thuật. Nhưng những bức họa mà cậu nộp để sơ tuyển, công sức nghiên cứu của cậu cả một năm trời, lại bị đánh giá quá thấp. Adolf không được tham dự kỳ thi. Cùng với cú sốc bị trượt lần thứ 2 này, Hitler phải đối mặt với vấn đề mưu sinh. Việc thuê căn phòng tại tòa nhà Stumpergasse có thể đã làm Adolf tiêu hết khoản tiền thừa kế. Thậm chí nếu Adolf nhận tất cả phần di sản của mẹ để lại (và điều này là không chắc chắn lắm), thì cũng không đủ để kéo dài thêm một năm nữa ở Viên. Hành động tiết kiệm đầu tiên của Adolf là tìm một phòng trọ rẻ tiền hơn. Giữa tháng Mười một, cậu thông báo điều này cho bà Frau Zakreys và trả phần tiền thuê nhà của tháng đó. Không hề để lại một tin nhắn nào cho Kubizek, người mà Adolf mong chờ từng giây, cậu chuyển sang phía bên kia của ga Westbahnhof, đến một tòa nhà tồi tàn ở Felberstrasse, nhìn xuống đường ray tàu hỏa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:14:45 pm »


        Ngày 18 tháng Mười một, Adolf đăng ký địa chi mới với cảnh sát (luật ở cả Áo và Đức quy định bất kỳ khi nào ai đó chuyển chỗ ở đều phải đăng ký với cảnh sát), kê khai nghề nghiệp của mình là “sinh viên” chứ không phải là “họa sĩ”. Mấy ngày sau, Kubizek trở lại Viên. Adolf đã gửi cho bạn một bức bưu thiếp gửi từ Spital với một dòng nhân: “Mọi lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày đặt tên thánh của bạn”. Mặc dù không nhận được một lời nào của Adolf từ đó, nhưng đã quen với những khoảng im lặng kéo dài của bạn nên Kubizek không thằc mắc gì nhiều. Khi đến ga Westbahnhof, Kubizek hy vọng gặp bạn mình ở sân ga, nhưng không thấy Hitler đâu cả. Cậu kiểm tra lại chiếc vali nặng của mình và vội vàng đi về tòa nhà Stumpergasse 29. Kubizek không thể hiểu tại sao Adolf lại chuyển đi mà không hề để lại tin nhân hoặc gửi địa chỉ chỗ ở mới cho bà Frau Zakreys. Hàng tuần lễ trôi qua không nhận được tin gì từ Hitler, Kubizek rất bối rối. Liệu có lúc nào cậu đã xúc phạm bạn mình mà không biết hay không? Nhưng họ đã chia tay như những người bạn tốt nhất và những bức thư của Adolf chắc chắn không phải là lạnh nhạt.

        Lần trở về Linz tiếp theo, Kubizek đến thăm chị gái của Adolf. Khi cậu hòi địa chi mới của Adolf ở Viên, Angela gắt gỏng trá lời rằng không biết, Hitler không thông báo gì hết. Rồi Angela bắt đầu chi trích Kubizek vì đã tiếp tay cho những mơ mộng xa rời thực tế của em trai mình. Kubizek bảo vệ bạn mình "một cách kịch liệt”, cho rằng Angela chì cường điệu những ý kiến của Leo lên và khi cuộc tranh luận trở nên gay gắt, cậu bất ngờ bỏ đi.

        Adolf tự mình rời xa Kubizek, lìa xa tất cả những gì gợi nhớ về Linz và gia đình. Tình cảm của Adolf đối với Kubizek không mạnh mẽ bằng tình cảm của Kubizek dành cho cậu. Ngay cả khi Hitler lo lắng, mối quan hệ của họ vẫn bình thường, ít nhất là trong thời gian qua. Tuy nhiên, Gustl thành công, còn ông thì thất bại. Ngày 20 tháng Tư năm 1909, Adolf đơn độc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 trong một tòa nhà trông kinh khủng ở Felbetstrasse. Tháng này qua tháng khác, Adolf sống trong môi trường ảm đạm, tiếp tục nuôi những mơ mộng mà cậu đã bắt đầu từ khi ở Linz, lặng lẽ, đơn độc, hiếm khi phá vỡ sự đơn độc của mình. Những người hàng xóm chi nhớ rằng Adolf là một người lịch sự và khá dè dặt. Tuy nhiên, nhân viên thu ngân của nhà hàng cạnh đó, nhà hàng Cafe Kubata, lại có ấn tượng sâu sắc về Hitler “bởi vì ông ấy rất dè dặt và trầm tính, đọc nhiều sách và có vẻ rất nghiêm túc, không giống như những người đàn ông trẻ khác”. Bà quý mến Adolf đến nỗi thường dành cho cậu khẩu phần ăn thêm Mehlspeisen, một đĩa thức ăn không có thịt, chủ yếu là tinh bột.

        Đến cuối mùa hè, Hitler phải đối mặt với một khủng hoảng khác. Trừ 25 curon, khoản tiền trợ cấp hàng tháng, cậu đã tiêu đến những đồng cuối cùng của mình. Adolf chuyển từ tòa nhà Felberstrasse sang tòa nhà nhỏ hơn ở phía Nam Westbahnhof, địa chi 58, Sechshauserstrasse và thuê một phòng nhỏ khác, phòng số 21. chỗ ở mới này cũng ồn ào như chỗ ở trước vì những chuyến xe điện chạy qua con phố nhỏ hẹp. Ngày 22 tháng Tám, Hitler đăng ký thay đổi địa chi tại đồn cảnh sát, lần này cậu điền nghề nghiệp của mình là “nhà văn”. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau, Adolf đã rời nơi trú ngụ ra dáng cuối cùng này để hòa vào tầng lớp đáy của xã hội. Adolf đi mà không để lại lời nhắn nào. Trong bản kê khai ở đồn cảnh sát, cậu đế trống mục “địa chi tương lai” và đánh dấu “chưa biết” vào câu hỏi “khi nào chuyển”. Không có tiền và không có khả năng hoặc không muốn làm việc, Adolf trở thành kẻ lang thang trong 3 tháng sau đó, ngủ vạ vật ở công viên hay các các ô cửa. Trong một thời gian, nhà của Adolf là chiếc ghế ở Prater, một trung tâm giải trí nổi tiếng ở bờ bên kia của sông Danube; khi trời mưa, cậu tìm chỗ trú ở cửa tò vò của những nhà có mái tròn và dùng áo vét tông làm gối. Năm đó, mùa đông đến rất sớm, đến cuối tháng Mười năm 1909, Adolf buộc phải tìm những chỗ ngủ trong nhà. Một chỗ ngủ ở quán bar, ở những căn phòng bẩn thỉu, những quán trọ rẻ tiền, quán cà phê nào đó trên phố Kaiserstrasse, ở những “phòng tình thương” trên phố Erdbergstrasse do một nhà hảo tâm người Do Thái sáng lập. Cũng có khi Adolf tìm một nơi ẩn trú hoàn toàn xa lạ trong tòa nhà dành cho người lao động, hay tìm một chỗ trú bẩn thỉu cùng với những người vô gia cư khác, và không thể ngủ vì mùi hôi thối cùng những tiếng ồn vì trẻ con khóc hoặc của một vài người say xỉn đánh vợ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:15:04 pm »


        “Thậm chí đến giờ tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến những cái răng bẩn thỉu, những ngôi nhà tạm và nhà cho thuê, những quang cảnh đầy rác rưởi bẩn thiu, ghê tởm và còn hơn thế nữa” - Hitler sau này viết lại. Viên đã từng một thời “có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi câu chuyện ‘nghìn lẻ một đêm’” đã chuyển sang là một cuộc chiến của những người khốn khổ và là đại diện cho “ký ức sinh động trong giai đoạn buồn đau nhất của cuộc đời tôi, tôi rất tiếc khi phải nói vậy”. Adolf đến nhà thờ xin sự giúp đỡ và hàng sáng xếp hàng đến 9 giờ tại một tu viện gần phòng trọ cũ ở Stumpergasse để nhận cháo thí. Đối với những người lang thang, họ đến đây để “cầu xin Kathie” bởi vì đó hoặc là tên của Mẹ bề trên hoặc là tên của chính tu viện St. Katherine.

        Đến cuối mùa thu, Hitler đã bán hầu hết quần áo của mình, trong đó có chiếc áo choàng mùa đông màu đen, vì thế tuyết và giá rét càng khiến tình trạng bi đát hơn. Buổi chiều trước ngày Giáng sinh, chỉ khoác một chiếc áo vét tông mỏng, Hitler lê bước trên con đường tới Meidling ở ngoại ô thành phố. Sau 2 giờ 30 phút đi bộ, Hitler đến Asyl fur Obdachlose, một chỗ nương thân cho những cảnh đời nghèo túng. Khi đến nơi, cậu kiệt sức, hai chân đau nhức. Được điều hành bởi một hội bác ái, nhà tài trợ chính là gia đình Epstein, Asvl fur Obdachlose được xây dựng năm 1870, mở rộng và mở cửa lại năm trước. Ở đây, những người vô gia cư (có thể gồm toàn bộ gia đình) được ắp xếp chỗ ở. Những người có sức khỏe sẽ giúp đỡ việc nhà hoặc chăm sóc vườn tược. Đây là một khu rộng rãi, có kiến trúc hiện đại, nằm độc lập trên cánh đồng rộng rãi thoáng mát. Nhà ở tập thể ở đây rộng, thoáng gió với những chiếc giường ngủ được xếp thành hàng như trong quân đội, mỗi giường đều đánh số, bên trên là một giá treo quần áo bằng kim loại. Phòng ăn chính phục vụ cháo bổ dưỡng và bánh mỳ là một mô hình hiệu quả tuy chưa tạo được bầu không khí vui vẻ. Ở đây có rất nhiều buồng tắm có vòi hoa sen, chậu rửa và nhà vệ sinh - tất cả đều sạch sẽ.

        Vào đêm tháng Mười hai lạnh buốt đó, Hitler đứng xếp hàng cùng với những người run rẩy, thất vọng khác bên ngoài cổng chính của khu Asyl. Cuối cùng cánh cửa cũng mở và đám đông những người vô gia cư được sắp xếp theo giới tính, trẻ em đi theo mẹ. Hitler nhận một phiếu ở tạm thời trong 1 tuần và được phân 1 phòng rộng. Đối với một chàng trai trẻ luôn thích sự riêng biệt, đây chắc hằn là một sự trải nghiệm đau lòng. Đầu tiên, cậu cảm thấy nhục nhã khi phải tẩy uế quần áo nhiễm đầy rệp của mình trước nhiều người chứng kiến. Sau đó nhóm của cậu xúm lại như những người tù để đến phòng ăn chính lấy cháo và bánh mỳ.

        Bất kỳ ai trong số những người nhận cứu trợ của hội từ thiện này đều khó có thể hiểu được nỗi nhục mà một chàng trai trẻ đây kiêu hãnh phải chịu đựng trong ngày đầu tiên bị cách biệt với thế giới sau những cánh cổng của một cơ sở như vậy. Lối vào một cơ sở hiệu quả và có nhiều khả năng bảo trợ như Asyl đánh dấu một số lượng người không thể thay đổi vào tầng lớp đáy nghèo khó của xã hội. Những người ở đây dường như bị mất tự do của chính mình và có cảm giác sẽ trở thành tù nhân. Người mới đến bị sự đầu hàng của mình lấn át và ngay tức khắc cảm thấy lúng túng. Hitler cũng vậy, cậu hẳn là người buồn chán điển hình trong cái đêm đâu tiên ở Asyl đó khi ngồi trên chiếc giường ngăn nắp của mình trong một căn phòng rộng được sắp xếp như trong quân đội, xung quanh là những người bạn đang nói huyên thuyên, hầu hết trong số họ đã từng trải qua cuộc sống như vậy rồi.

        Một người đầy tớ lang thang ở giường bên cạnh chịu trách nhiệm trông nom Hitler. Người này cho Hitler biết những điều kiện như: muốn ở Asyl nhiều hơn tuần quy định, chỉ cần bỏ ra vài đồng để mua phần chưa sử dụng đến trong các thẻ cho phép của những người đã rời khỏi Asyl. Người đây tớ có tên là Rcinhold Hanisch đó cũng theo đuổi mơ ước trở thành họa sĩ và rất ấn tượng vì những câu chuyện bình dị của Adolf. Về phía mình, Hitler cũng như bị thôi miên bởi những câu chuyện mà Hanisch, người đã sống vài năm ở Berlin, thêu dệt về nước Đức. Hanisch đã dạy cho người bạn mới của mình những từ để “chiêm ngưỡng vùng sông Rhine’’, nhận thấy mắt Hitler ánh lên khi nghe những câu như “Chúng tôi, những người Đức sợ Chúa, nhưng không sợ gì khác trên thế gian này”. (“Chúng tôi gặp nhau tất cà mọi tối và giữ vững tinh thần thù hận về một số vấn đề”).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:15:25 pm »


        Quan trọng hơn, Hanisch dạy cho người học trò bất đắc dĩ của mình cách để sống sót qua mùa đông này mà không lãng phí một biện pháp nào hay mất đi một cơ hội nào: vào các buổi sáng, họ rời Asyl đủ sớm đế vượt qua được quãng đường đi bộ dài tới “Nhà thờ Kathie” đúng giờ để xin cháo - Adolf mặc chiếc áo vét tông rũ rích của mình, “thất vọng và tê cóng”; sau đó đi tới một phòng ấm hoặc tới một bệnh viện để bảo vệ mình vài giờ khỏi cái lạnh buốt và cái đói sau khi chỉ được ăn chút cháo và trở về Asyl lúc nhá nhem tối khi cổng vừa mở. Trong những lần dừng để nghỉ, thi thoảng họ dọn tuyết hoặc mang hành lý vào ga Westbahnhof để kiếm thêm vài đồng. Nhưng Hitler quá yếu để làm những công việc chân tay nặng nhọc như vậy, mỗi bước đi trên bàn chân đau nhức là một bước khó nhọc. Một lần, có người gọi thuê đào rãnh, Hitler đang băn khoăn không biết mình có làm được không. Hanisch khuyên ông nên quên điều đó đi. “Nếu cậu bắt đầu làm một công việc vất vả như vậy, cậu sẽ khó có thể gượng lên được”.

        Adolf thử vận may bằng việc đi ăn xin, nhưng không đủ năng khiếu cũng như sự trơ tráo để đi ăn mày và trở thành một khách hàng của một người cùng ở Asyl, chuyên sống bằng nghề tán tỉnh lừa bịp những người “dễ động lòng trắc ẩn”. Hitler đồng ý sẽ chia tiền thu được theo tỷ lệ 50-50 và không chỉ bắt đầu bằng những lời tán tỉnh mà còn hướng dẫn cụ thể cho mỗi khách hàng, ví dụ cậu định sẽ chào đón một quý bà đứng tuổi ở Schottenring bằng câu “đội ơn chúa Jesus”, và sau đó tự giới thiệu mình là một họa sĩ nhà thờ thất nghiệp hoặc là một tiều phu sùng đạo. Thông thường, quý bà khả kính đó sẽ cho cậu 2 curon cho mỗi câu chuyện như vậy, nhưng Hitler chỉ có những câu chuyện tẻ nhạt, nên lại gặp vận rủi trong các trường hợp khác. Cậu phải quay trở lại nhà thờ và nhận 3 chiếc chà thịt và 1 curon từ Mẹ bề trên bằng việc chào “Đội ơn Chúa Jesus”, cùng với việc nhắc đến Hội thánh Vincent.

        Hanish không thế hiểu tại sao một người với trình độ học vấn và tài năng như vậy lại cho phép mình buông trôi số phận như thế. Hanisch hỏi Hitler đang chờ đợi điều gì. “Chính tôi cũng không biết nữa” - Hitler trả lời nhát gừng. Hanisch chưa bao giờ nhìn thấy sự thờ ơ trên khuôn mặt nào buồn khổ hơn Hitler lúc ấy và quyết định phải làm một điều gì đó. Sự quan tâm của Hanisch không đơn thuần là vì lòng vị tha. Thấy được khả năng tiềm tàng có thể kiếm được tấm vé ăn từ Adolf gầy trơ xương, bộ dạng thiểu não, Hanisch khuyến khích Adolf kiếm tiền bằng việc vẽ bưu thiếp. Hitler phản đối, cho rằng thật đáng khinh nếu bán tranh dạo trên đường hoặc bán trực tiếp đến tận nhà mọi người. Không vấn đề gì cả - Hanisch nói. Hanisch sẽ làm điều đó và hưởng 50% số tiền bán được. Nhưng cả hai có thể sẽ gặp vấn đề với cảnh sát vì không có giấy phép bán hàng rong. Không vấn đề gì luôn: Hanisch sẽ bán tranh ở những quán rượu và sẽ cải trang thành một người mù, hoặc người bị bệnh lao phổi. Điều khó khăn là Hitler đã bán hết những dụng cụ vẽ cùng với quần áo của mình. Nhưng lại một lần nữa điều đó cũng không vấn đề gì đối với Hanisch tháo vát. Không phải Adolf vẫn có bà con thân thuộc sao? Phản đối cuối cùng Adolf đưa ra thật yếu ớt, rằng không có cách nào để viết hay gửi bưu thiếp cho họ, cũng không làm Hanisch thoái chí. Cùng với một người bán hàng đến từ Silesia, Hanisch hộ tống Adolf đến quán cà phê Arthaber, đối diện với ga Meidling. Theo những gì mà 2 người bạn ủng hộ đọc cho và sử dụng chiếc bút chì mượn được, Hitler viết một tấm bưu tiếp gửi tới một người thân trong gia đình, có thể là dì Johanna, đề nghị bà gửi một ít tiền tới phòng thư lưu. Vài ngày sau, Hitler nhận được một bức thư ở bưu điện. Trong bức thư có tờ giấy bạc 50 curon (“một tờ tiền rất giá trị ngày đó”). Đêm đó, Hitler phấn chấn không thể nào cưỡng lại được việc phô tờ giấy bạc của mình ra khi đang đứng xếp hàng vào Asyl. Người bạn láu cá của khuyên Adolf giấu tờ tiền đi, nếu không sẽ bị mất trộm hoặc sẽ bị “tấn công” để vay.

        Ưu tiên đầu tiên là mua một chiếc áo choàng mùa đông cho họa sĩ, người mà bệnh ho đã ngày càng trở nên trầm trọng. Hitler từ chối gợi ý mua lại một chiếc áo cũ của một gia đình người Do Thái ở nơi mà cậu đã bị lừa khi bán chiếc áo của mình. Thay vào đó, họ tới một hiệu cầm đồ của chính phủ và tìm được một chiếc áo choàng tối màu với giá 20 curon. Hanisch muốn Hitler bắt đầu vẽ ngay lập tức nhưng Hitler nài nỉ cần một tuần nghi ngơi. Hơn nữa, ở Asyl không có một chỗ thích hợp để làm việc. Có những cơ sở tốt hơn ở Mánnerheim, nhà tập thể dành cho nam giới, nơi mỗi người đàn ông có phòng riêng cho bản thân, dù là phòng nhỏ, cùng một phòng sinh hoạt chung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:15:45 pm »


        Ngày 9 tháng Hai năm 1910, Hitler bắt đầu một hành trình dài qua trung tâm thành phố Viên tới khu nhà tập thể đó ở bên kia sông Danube. Hanisch không đi cùng vì đã quyết định kiếm việc làm một người hầu hơn là làm bảo mẫu cho Hitler. Quận 20, Brigittenau, là một quận công nghiệp, dân cư ở đây gồm nhiều sắc tộc khác nhau, trong đó người Do Thái nhiều hơn người thuộc các sắc tộc khác ngoại trừ người Leopoldstadt. Đó là một nơi cư trú trong một thời gian ngắn của những người coi nơi đây là điểm dừng trên con đường tiến tới nấc thang danh vọng. Mánnerheim cách sông Danube khoảng nửa dặm, là một tòa nhà lớn ở Meilemannstrasse 25-27, có chỗ ở cho khoảng 500 người.

        Tòa nhà có kiến trúc hiện đại, được xây trước đó chưa đây 5 năm, cơ sở vật chất của nó khiến một số người trong tầng lớp trung lưu ở Viên phải choáng trước sự “trang trọng” của nó. Ờ tầng chính của tòa nhà là một phòng ăn rộng được chiếu sáng bâng các bóng đèn hồ quang, nửa bức tường phía dưới được sơn màu xanh ấm áp. Thức ăn được lấy ở các quầy và được trả tiền theo biên lai nhận được từ một thứ kỳ diệu của thời đó, người máy tự động. Đồ ăn rẻ nhưng ngon và khẩu phần ăn cũng thịnh soạn. Thịt lợn quay kèm suất rau giá 19 đồng và một bữa ăn đầy đủ thêm 4 đồng.

        Đối với những người không đủ tiền ăn đủ bữa như thế này, một tá hoặc nhiều hơn thế các lò nướng bảng ga được đặt ở phòng sát ngay đó. Bất kỳ một khách hàng nào cũng có thể tạo ra cho mình một bữa ăn bình thường “bằng những dụng cụ nấu bếp tuyệt vời nhất” mà không phải trả tiền. Khoai tây là thành phần cơ bán, bánh kếp khoai tây rán có thịt hoặc không có thịt là món ăn được ưa chuộng nhất. Số người ở đây được chia thành từng nhóm. Những người không có nghề nghiệp ở nhà để nấu nướng trong khi những người khác đi làm và chấp nhận trả tiền cho những xuất ăn đã được chế biến.

        Ra khỏi khu bếp này, cách khoảng 3 bước chân là một phòng đọc có rất nhiều bàn đọc sách. Ở đó cũng có một số phòng đọc và phòng tập thể dục khác cũng như có thư viện và phòng “viết”, nơi mọi người có thể thực hiện những công việc cá nhân của mình: Một người Hungary cắt các tấm bưu thiếp từ bìa cứng và bán ở các quán rượu ở Prater; một ông già đang sao chép lại tên của những đôi uyên ương từ những tờ báo và bán cho các cửa hiệu.

        Ở đây cũng có những phòng ngủ tập thể gọn gàng ngăn nắp như ở Asyl, nhưng hầu hết những người sống ở đây đều thích sự kín đáo riêng tư trong những phòng ngủ nhỏ rộng khoảng 1,6m và dài khoảng 2m. Trong phòng chỉ đủ chỗ kê một chiếc bàn nhỏ, một giá treo quần áo, một chiếc gương, một bô đựng nước tiểu trong góc phòng, một chiếc cũi sắt nhỏ của trẻ em, một chiếc đệm gấp 3 mảnh, một cái gối lông ngựa, một chiếc chăn đôi và điều huyền diệu của mọi điều huyền diệu đối với bắt kỳ một người tạm trú nào ở đây thuộc tầng lớp thấp hơn đó là 2 tấm ga trải giường được thay đổi hàng tuần. Không có phòng nào quá tối tăm cả, mỗi phòng đều có cứa sổ cộng thêm ánh sáng nhân tạo nữa. Mỗi tầng đều có nhiều chậu rửa, máng xối để rửa chân và nhà vệ sinh; dưới tầng hầm có nhiều nhà tắm có vòi hoa sen được ốp đá. Ở đây cũng có hiệu may và tiệm cắt tóc, có một hiệu đóng giầy và một hiệu giặt. Hơn nữa, còn có những hàng dài các tủ sạch, mọi người có thể thuê để cất giữ thêm quần áo hoặc những tài sản khác.

        Người quản lý ở đây là một người kỷ luật cứng nhắc. Ông yêu cầu mọi người tuân thủ triệt để những quy định: không ở trong phòng ban ngày; chỉ được chơi cờ tướng, cờ dam và cờ đôminô trong các phòng giải trí, những ai gây ồn quá đáng khi tranh luận hoặc hăng hái quá sẽ bị đuổi ra ngoài; rượu và bia chỉ được dùng ở trong nhà, nhưng không được uống rượu mạnh; phải tôn trọng tài sản của thành phố (“không được đứng trên giường”). Cũng nảy sinh một số vấn đề kỷ luật. Một vài người lang thang tuyệt vọng đã đi ăn cắp vặt, nhưng hầu hết họ đều thực sự cố gắng chăm chỉ để làm lại cuộc đời, trở thành người tử tế.

        Chính chỗ ở ấm cúng dành cho những người tuyệt vọng này Adolf Hitler đã đến ở vào một ngày tháng Hai lạnh giá năm 1910. Adolf trả lệ phí, nửa curon một ngày, rồi bước vào nhà tấm, làm thủ tục tẩy uế và được phân cho một phòng ngủ nhỏ (ở tầng 3 theo những khách hàng quen thuộc hiện tại của nơi này). Cơ sở thiết bị ở đây cũng tốt như ở Asyl, ở đây lòng từ thiện không bị thể chế hóa, Adolf có thế cảm thấy giống một con người hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:16:09 pm »


        Sau gần 1 tuần, Hanisch xuất hiện ở Mãnnerheim. Bốn ngày làm đầy tớ là quá đủ đối với Hanisch. Một lần nữa, Hanisch lại nhận trách nhiệm trông nom Hitler và đặt người được mình che chở cùng với các vật liệu vẽ vào một cái bàn bằng gỗ sồi cạnh cửa sổ trong phòng viết. Chẳng bao lâu, Hitler sản xuất ra những bức tranh có kích cỡ bằng một tấm bưu thiếp. Adolf làm việc chậm rãi, chép lại cấn thận những bức ảnh hoặc những bức tranh về những cảnh thành phố. Hanisch bán những bức phác họa này không mấy khó khăn tại các quán rượu ở Prater và bỏ túi một nửa số tiền thu được, nhưng họ sớm nhận ra rằng những tác phẩm lớn hơn sẽ thu được nhiều tiền hơn, và do vậy Hitler chuyển sang vẽ phong cảnh thành phố Viên bằng màu nước, thường thì kích thước gấp đôi bức bưu thiếp. Mỗi bức vẽ mất chừng một ngày thì xong.

        Trong vòng vài tuần, kết quả của sự hợp tác này, cộng với những điều kiện sống khá tốt ở Mănnerheim đã cứu hai chàng trai trẻ thoát khỏi mùa đông và nghèo đói. Họ không còn phải chịu đựng cái lạnh cắt da hay đi ngủ với cái dạ dày réo nữa. Hitler thích vẻ sạch sẽ của các phòng tầm được lát đá, và vì chỉ có một cái áo sơ mi, nên vài ngày mới giặt nó một lần khi tắm rửa. Mặc dù có sự phát đạt tương đối về kinh tế, nhưng Adolf vẫn chưa thể sắm quần áo mới cho mình và vẫn phải chấp nhận một bộ dạng nhàu nhĩ, râu tóc dài, quần áo tả tơi.

        Tinh cảm ấm áp và đồ ăn đầy đủ lại truyền cảm hứng cho Adolf quan tâm đến chính trị và cậu cố gắng biến phòng viết thành một diễn đàn diễn thuyết hoặc tranh luận. Ở đó, giới trí thức của Mănnerheim tụ tập, 15 hoặc 20 người từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu, những người có chút hiểu biết về văn học, âm nhạc và hội họa. Những người lao động cũng được chấp nhận nếu họ “cư xử đứng dân”. Adolf trở thành lãnh đạo của nhóm này, tiến hành diễn thuyết dài về vụ tham nhũng chính trị, cũng như tình cảnh của những người xa cơ lỡ vận ở những khu nhà ổ chuột trên khắp thế giới. Những buổi diễn thuyết thi thoảng chuyển thành một cuộc đấu võ mồm ầm ĩ ấy đôi khi còn diễn ra trong suốt ngày làm việc. Nếu một buổi thảo luận chính trị bắt đầu ở cuối phòng khác trong khi Hitler đang làm việc, cậu sẽ không thể cưỡng lại được thiên hướng tranh luận và sẽ tham gia vào buổi thảo luận đó, tay vẫy vẫy cái ê-ke hoặc bút lông như một hiệp sĩ xông vào cuộc chiến. Nếu Hanisch đi bán rong trở về giữa những phiên thảo luận này, cậu sẽ tước bỏ vũ khí của Adolf và đưa bạn mình trở về chỗ. Nhưng một hôm, khi Hanisch vừa đi khỏi, Adolf liền đứng dậy thuyết một bài dài lên án hành vi côn đồ của các nhà dân chủ xã hội, ca ngợi Karl Leuger, lãnh đạo của Đảng Xã hội Công giáo bài Do Thái mà lời kêu gọi của ông này đã gây ấn tượng với Hitler. “Khi bị kích động, Hitler không thể kiềm chế được bản thân mình” - Hanisch nhớ lại. Adolf sẽ la hét, vung tay mạnh mẽ, nhưng khi trầm lặng thì lại hoàn toàn khác; dường như có một lượng cân bằng giữa sự tự chủ và hành động theo cách thức đáng được tôn quý”.

        Adolf trở nên quan tâm đến chính trị tới mức đứng hàng giờ trước tòa nhà Hạ viện (House of Deputies) nguy nga lộng lẫy, nghe như bị thôi miên những cuộc tranh luận nhiều sắc màu. Những cuộc tranh luận này thường bị biến thành các cuộc tranh luận, thậm chí cãi cọ bằng nhiều ngôn ngữ. Adolf trở về phòng viết và tiếp tục những bài diễn thuyết của mình, gồm cả mớ hỗn độn về sự sùng bái nước Đức mở rộng (Pan- Germanism), đồng thời tố cáo các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội vì thuyết vô thần của họ, vì sự tấn công của họ với nước Đức và vì những nỗ lực  muốn chiếm giữ toàn quyền của họ.

        Hanisch không bao giờ nghe thấy bạn mình chỉ trích người Do Thái trong các cuộc tranh cãi kịch liệt này cũng như trong lúc tâm sự riêng tư, và vẫn tin tưởng rằng Hitler không phải là người bài Do Thái (hầu hết những diễn viên và ca sĩ yêu thích của Hitler đều là người Do Thái). Ngược lại, Adolf thể hiện sự hàm ơn đối với lòng nhân hậu của những người Do Thái đã từng nương cậy, ngưỡng mộ sự kháng cự của người Do Thái đối với những hành động đàn áp, và một lần Hitler còn phủ nhận việc cho rằng các nhà tư bản Do Thái là những người cho vay nặng lãi. Hanisch nhớ rằng chỉ duy nhất một lần Hitler có lời bình luận xúc phạm đến người Do Thái là khi có một ai đó hỏi tại sao người Do Thái vẫn là những người xa lạ trên vùng đất này, câu trả lời của Adolf là: Họ là “một chủng tộc khác” với “mùi hôi khác”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM