Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:05:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Winston Spencer Churchill  (Đọc 53200 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:24:34 am »


        Có một sự chia rẽ lớn ở Pháp. Các nhà chính trị muốn động viên quân đội và gửi tối hậu thư cho Hitler, còn đám tướng lĩnh Pháp giống như tướng lĩnh Đức đều kề cà, không sốt ruột và cầu mong tình hình yên tĩnh. Bây giờ chúng tôi biết có những quan điểm mâu thuẫn xảy ra vào lúc này giữa Hitler và Bộ tư lệnh tối cao Đức. Nếu chính phủ Pháp động viên quân đội gần một trăm sư đoàn và lực lượng không quân của họ (lúc đó vẫn còn lầm tưởng là mạnh nhất châu Âu) thì không nghi ngờ gì nữa, Hitler có thể bị Bộ Tổng tham mưu của mình buộc phải rút lui và những tham vọng của y có thể rõ ràng là tai hại cho quyền lực của y, có thể được ngăn chặn. Phải nhớ rằng vào lúc ây chỉ một mình Pháp hoàn toàn đủ mạnh để đánh đuổi bọn Đức ra khỏi vùng Rhineland. Thay vào đó, Chính phủ Pháp được Anh khuyến khích phó thác trách nhiệm nặng nề của mình cho Hội Quốc Liên đã suy yếu và mất nhuệ khí do các biện pháp trừng phạt thất bại, và do hiệp ước hải quân Anh - Đức năm trước.

        Ngày thứ hai mồng 9 tháng 3 ông Eden đi Paris, cùng đi có Huân tước Halifax và Ralph Wigram. Kế hoạch đầu tiên là phải triệu tập một cuộc hội nghị Hội Quốc Liên tại Paris, nhưng ngay sau đó, Wigram, theo lệnh của Eden được phái đi, bảo Flandin đến Luân Đôn dự họp của Hội Quốc Liên ở Anh, bởi vì như vậy, ông ta sẽ nhận được sự ủng hộ có hiệu quả hơn ở Anh. Đây là một sứ mệnh khó chịu đối với một công chức có lương tâm. Trở về Luân Đôn ngày 11/3, ông ta đến thăm và trò chuyện với tôi. Cũng tối hôm đó, Flandin đến muộn, khoảng 8 giơ rưỡi sáng ngày thứ 5 ông mới đến căn phong của tôi tại lâu đài Morpeth. Ông nói với tôi rằng ông dự định yêu cầu Chính phủ Anh động viên cùng một lúc hải lực không quân của cả hai nước và rằng ông đã nhận được sự bảo đảm ủng hộ của ba nước nhỏ Hiệp ước liên minh (Tiệp Khắc - Nam Tư - Rumani) và của các nước khác. Không còn nghi ngờ gì, mặt mạnh trội hơn vẫn là nhiệm vụ của các nước đồng minh trong cuộc chiến tranh trước đây. Họ chỉ còn phải hành động để mà chiến thắng. Dù chúng tôi không biết điều gì được thông qua giữa Hitler và các tướng lĩnh của y, rõ ràng sức mạnh áp đảo thuộc về phía chúng tôi.

        Ông Neville Chamberlain lúc này là Bộ trưởng Tài chính, là thành viên có ảnh hưởng nhất trong chính phủ. Người viết tiểu sử có tài của ông ta là ông Keith Felling, đã đưa ra đoạn sau đây trích từ sổ nhật ký của ông ta: "Ngày 12 tháng 3 nói chuyện với Flandin, nhấn mạnh rằng dư luận quần chúng nhất định không ủng hộ chúng ta trong bất kỳ hình thúc trừng phạt nào. Quan điểm của ông ấy là nếu duy trì một mặt trận vững chắc thì Đức sẽ đầu hàng mà không có chiến tranh. Chúng ta không thể chấp nhận điều này như là sự đánh giá đáng tin cậy về phản ứng điên cuồng của một nhà độc tài". Khi Flandin đề xuất ít ra một sự tẩy chay kinh tế thì Chamberlain trả lời bằng đề nghị một lực lượng quốc tế trong lúc đàm phán, tán thành một hiệp ước tương trợ lẫn nhau và tuyên bố rằng nếu do nhượng một thuộc địa mà có thể đạt được hòa bình lâu dài thì ông ta sẽ xem xét điều đó.

        Trong lúc đó phần lớn báo chí Anh như tơ Times và tờ Daily Herald ở hàng đầu, bày tỏ sự tin tưởng của mình vào sự thành thật của các đề nghị của Hitler về một hiệp ước không tấn công - Austen Chamberlin trong một bài diễn văn ở Cambridge, công bố quan điểm ngược lại. Wigram nghĩ rằng đưa Flandin tiếp xúc với mọi người, có thể là của Trung tâm Tài chính Thương mại, của giới báo chí, và của chính phủ và cùng với Huân tước Lothian, là nằm trong nhiệm vụ của mình. Trước những người mà Flandin gặp ở nhà Wigram, ông ta tuyên bố bằng những lời lẽ như sau: "Toàn thế giới và đặc biệt các dân tộc nhược tiểu ngày nay đều nhìn về nước Anh. Nếu bây giờ nước Anh cương quyết hành động thì nó có thể lãnh đạo châu Âu. Các ông phải có một đường lối hành động, cả thế giới sẽ theo các ông và như vậy các ông nhất định ngăn ngừa được chiến tranh. Đó là cơ may cuối cùng của các ông. Nếu các ông bây giờ không ngăn chặn nước Đức, thế là hết. Nước Pháp không thể bảo đảm cho Tiệp Khắc được nữa, vì điều này không làm được về mặt địa lý. Nếu các ông không bảo vệ hiệp ước Locarno thì các ông chỉ còn có chờ nước Đức tái vũ trang mà thôi, còn nước Pháp không thể làm gì được để chống lại. Nếu ngày nay các ông không ngăn chặn nước Đức bằng vũ lực thậm chí nếu các ông có quan hệ hữu nghị nhất thời với Đức thì chiến tranh là không tránh khỏi, về phẩn tôi, tôi không tin có thể có quan hệ hữu nghị giữa Đức và Pháp, hai nước cứ luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên nếu các ông từ bò hiệp ước Locamo, tôi sẽ thay đổi chính sách của tôi, vì chẳng có việc gì khác để làm". Đây là những lời nói dũng cảm, nhưng việc làm có thể nói lên nhiều hơn lời nói.

        Phần đóng góp của huân tuốc Lothian là "Rốt cuộc họ chỉ đi sâu vào mảnh vườn sau của họ". Đó là quan điểm tiêu biểu của người Anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:25:31 am »


*

        Khi tôi nghe sự việc đang trở nên quá xấu, và sau cuộc nói chuyện với Wigram, tôi khuyên ông Flandin yêu cầu một cuộc nói chuyện riêng với ông Baldwin, trước khi ra về. Việc này diễn ra ở phố Downing. Thủ tướng tiếp ông Flandin hết sức lịch sự. Ông Baldwin thanh minh rằng tuy ít hiểu biết về công việc ngoại giao, ông có thể hiểu chính xác cảm nghĩ của nhân dân Anh. Họ cần hòa bình. Ông Flandin cãi lại rằng con đường duy nhất để chắc chắn giành được điều này là phải ngăn chặn Hitler gây hấn, trong lúc vẫn còn khả năng hành động như vậy. Nước Pháp không muốn lôi kéo Anh vào chiến tranh. Không đòi hỏi viện trợ thiết thực, nước Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm công việc như một cuộc hành quân cảnh sát đơn giản, vì theo tin tức của Pháp, quân Đức ở vùng Rhineland đã có lệnh rút lui nếu bị phản đối bằng sức mạnh. Flandin khẳng định điều ông nói rằng tất cả những gì Pháp đòi hỏi ở đồng minh của mình là được toàn quyền hành động. Điều này chắc không đúng. Làm sao Anh có thể cản trở Pháp hành động đối với điều mà họ có quyền được làm một cách hợp pháp theo hiệp ước Locamo. Thủ tướng Anh nhắc lại rằng nước ông không thể chấp nhận nguy cơ chiến tranh. Ông hỏi chính phủ Pháp quyết định làm gì. Không có câu trả lời thẳng thắn. Theo Flandin lúc ấy ông Baldwin nói "có lẽ ông đúng, nhưng nếu vạn nhất chiến tranh xảy ra do cuộc hành quân cảnh sát của ông thì tôi không có quyền để nước Anh phải liên lụy. Sau một lát tạm dừng, ông nói thêm "Anh không ở trong tình trạng bắt đầu tham gia chiến tranh". Điều này không được xác nhận, ông Flandin trở về Pháp, tin rằng một là bản thân nước ông bị chia rẽ không thể thống nhất trừ phi trước mắt là một nước Anh ý chí kiên cường, hai là không thể hy vọng một hành động mạnh mẽ đột xuất của Anh, điều này con lâu mới xảy ra. Hoàn toàn sai lầm, ông đi tới một kết luận buồn nản là nước Pháp chỉ con hy vọng duy nhất là hoa giải với một nước Đức hung hãn hơn bao giờ.

        Tuy nhiên do điều tôi nhận ra ở thái độ của Flandin trong những ngày nguy ngập này, mặc dù có những lầm lẫn tiếp theo của ông, tôi vẫn cảm thấy nhiệm vụ của mình phải giúp đỡ ông ta theo khả năng của tôi, trong những năm sau này. Mùa đông năm 1943-1944 tôi sử dụng quyền hạn của tôi để che chở ông ta khi ông ta bị chính quyền De Gaulle bắt ở Algeria, về việc nay tôi yêu cầu và nhận được sự giúp đỡ tích cực của Tổng thống Roosevelt. Sau chiến tranh Flandin bị đưa ra tòa, con trai tôi là Randolph đã nhiều lần gặp Flandin trong chiến dịch châu Phi, bị gọi tới như một nhân chứng, tôi lấy làm vui mừng nghĩ rằng sự làm chứng của con tôi và một cái thư tôi viết cho Flandin dùng để bào chữa cho ông, không phải là không ảnh hưởng đến việc tòa án Pháp tha bổng ông. Tính nhu nhược không phải là sự phản bội dù rằng nó có thể tai hại. Tuy vậy không gì có thể làm nhẹ bớt trách nhiệm hàng đầu của chính phủ Pháp. Clémenceau hay Poincaré có thể đã không để cho ông Baldwin có quyền lựa chọn.

        Sự khuất phục của Anh - Pháp đối với những vi phạm hiệp ước Versailles và Locamo dính dáng đến việc Hitler chiếm đoạt vùng Rhineland là một đòn chết người đối với Wigram. "Sau khi phái đoàn Pháp đi rồi", vợ ông ta viết cho tôi, "Ralph về nhà, ngồi trong một góc phòng trước đây anh ấy chưa bao giờ ngồi và nói với tôi, bây giờ thì chiến tranh là không tránh khỏi và sẽ là một cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Tôi hoảng sợ. Ông tiếp "Mọi việc của tôi trong nhiều năm này là vô tích sụ. Tôi là người thất bại. Tôi đã không có khả năng làm cho nhân dân ở đây hiểu cái gì đang bị đe dọa. Tôi cho rằng tôi không đủ kiên quyết. Tôi không thể làm cho họ hiểu. Winston thì luôn luôn hiểu, ông ấy kiên quyết và sẽ đi đến cùng".

        Dường như bạn tôi không bao giờ bình tĩnh lại sau cơn sốc. Ông ta quá lo lắng buồn phiền về việc này. Xét cho cùng người ta có thể luôn luôn tiếp tục làm điều gì người ta tin đó là nhiệm vụ của mình và lao vào những rủi ro bao giờ cũng to lớn hơn cho đến khi bị đánh bại. Sự nhận thúc sâu sắc của Wigram tác động quá đáng đến bản chất nhạy cảm của ông. Cái chết yểu của ông hồi tháng chạp năm 1936 là một tổn thất không thể bù đắp đối với Bộ Ngoại giao và đã góp phần vào sự suy sụp khốn khổ của cơ đồ chúng tôi.

*

        Sau vụ tái chiếm vùng Rhineland, khi gặp các tướng lĩnh, Hitler có đủ tư cách làm cho họ phải đương đầu với những nỗi sợ hãi do sai lầm của họ, và chứng tỏ sức phán đoán hay khả năng trực giác của y cao hơn nhiều so với quân nhân bình thường. Các tướng cúi chào. Là những người Đức tốt bụng, họ vui mừng thấy nước họ giành được đất đai nhanh như thế ở châu Âu, và những kẻ địch trước kia của họ chia rẽ và bị chế ngự đến như thế. Không nghi ngờ gì tình tiết này đủ để tôn lên uy tín và uy quyền của Hitler trong giới tối cao chính quyền Đức nhằm cổ vũ và cho phép y hành quân về phía trước đi đến những thử thách lớn hơn. Y tuyên bố với thế giới: "Tất cả những hoài bão về lãnh thổ của Đức giờ đây đã được đáp ứng”.

        Nước Pháp lại rơi vào tình trạng chán nản rời rạc. Trong đó trội hẳn là nỗi lo sợ chiến tranh và tâm trạng nhẹ nhõm do chiến tranh đã tránh được. Báo chí đơn giản của người Anh hồn nhiên đã dạy cho họ tự khuyên giải bằng cách suy nghĩ "xét cho cùng người Đức chỉ trở về xứ họ. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng ta không phải vào Yorkshire trong mười hay mười lăm năm chẳng hạn". Không một người nào không nhận thấy rằng những vị trí xuống xe lửa, từ đó quân Đức có thể xâm lược Pháp đã dịch tới phía trước khoảng một trăm dặm. Không một người nào lo lắng về chứng cứ đã đưa ra cho các cường quốc khối Tiểu liên minh và cho châu Âu rằng nước Pháp sẽ không chiến đấu, nước Anh sẽ kiềm chế Pháp ngay dù nước Pháp sẽ chiến đấu. Tình tiết nay củng cố quyền lực của Hitler khắp nước Đức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:26:43 am »


10

SỰ TẠM NGỪNG NẶNG NỀ 1936-1938

        Hai năm tròn trôi qua giũa sự kiện Hitler chiếm lấy Rhineland tháng 3 năm 1936 và sự cưỡng đoạt nước Áo tháng 3 năm 1938. Đây là một khoảng thời gian dài hơn tôi tưởng. Trong thời kỳ này nước Đức không lãng phí thời gian nào. Việc xây dựng công sự ở Rhineland hay là "bức tường phía Tây" tiếp diễn mau lẹ và một phòng tuyến rộng lớn công sự kiên cố và bán kiên cố liên tiếp mọc lên. Quân đội Đức bây giờ dựa vào cơ sở hoàn toàn có phương pháp của chế độ quân dịch cưỡng bách, và được củng cố bằng chế độ quân tình nguyên sôi nổi, phát triển mạnh mẽ hơn từng tháng. Lục lượng không quân Đức giữ được và cải thiện vững chắc vị trí đứng đầu - hơn nước Anh. Các nhà máy đạn dược Đức hoạt động hết sức khẩn trương. Bánh xe quay tròn, búa nện xuống ngày đêm ở Đức biến toàn bộ nền công nghiệp của họ thành một xưởng chế tạo vũ khí đạn dược. Họ kéo nhân dân họ vào một bộ máy chiến tranh có qui luật. Ớ trong nước, mùa thu năm 1936, Hitler mở đầu kế hoạch bốn năm nhằm tổ chúc lại nền kinh tế Đức tự cung tự cấp to lớn hơn trong chiến tranh. Ở nước ngoài y đạt được sự liên minh vững chắc mà y đã tuyên bố trong cuốn Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) cần thiết cho chính sách đối ngoại của Đức. Y giao hảo với Mussolini và trục La Mã - Berlin hình thành.

        Cho đến giữa năm 1936 chính   sách xâm lược và vi phạm hiệp  ước của Hitler không phải dựa vào sức mạnh của Đức mà dựa vào   sự chia rẽ, sự rụt rè nhút nhát của Anh, Pháp và sự cô lập của Mỹ. Mỗi một bước mở đầu của y là một cuộc mạo hiểm mà y biết mình có thể không đủ khả năng chịu đựng sự thách thức nghiêm trọng. Việc chiếm lấy Rhineland và tiếp đó xây dựng công sự là canh bạc lớn nhất. Canh bạc đó thành công rực rỡ. Các đối thủ của y quá do dự không dám thách đố y. Lần sau năm 1938, khi y hành động thì trò bịp của y không còn là trò bịp nữa. Sự xâm lược được hậu thuẫn bằng sức mạnh, và rõ ràng điều này có thể xảy ra nhờ quân đội mạnh hơn. Khi các chính phủ Anh, Pháp hiểu rõ sự thay đổi khủng khiếp này đã xảy ra thì đã quá muộn.

*

        Vào cuối tháng bảy năm 1936 tình trạng suy đồi ngày càng tăng của chế độ nghị trường ở Tây Ban Nha và sức mạnh ngày càng tăng của các phong trào ủng hộ một cuộc cách mạng Cộng sản hoặc xen kẽ một cuộc cách mạng theo chủ nghĩa vô chính phủ; dẫn đến một cuộc nổi dậy quân sự đã được chuẩn bị từ lâu. Nó là bộ phận cấu thanh của chủ nghĩa và lý thuyết quân sự Cộng sản do bản thân Lénine đề ra, chủ trương những người Cộng sản phải giúp đỡ mọi phong trào hướng về phía tả và giúp đỡ các chính thể lập hiến, cấp tiến hoặc xã hội non kém cầm quyền. Họ phải phá hoại những chính thể này, và từ chỗ có quyền hành trong tay họ nắm lấy quyền lực tuyệt đối và thành lập nhà nước Mác xít. Thực tế một sự sao chép hoàn toàn thời kỳ Kerensky ở Nga đang xảy ra ở Tây Ban Nha. Nhưng số quân hiện có của Tây Ban Nha không bị tan vỡ do chiến tranh ở ngoài nước.

        Sự thâm nhập của Cộng sản trong chính thể đại nghị mục nát đã diễn ra việc thủ tiêu các đối thủ chính trị ở ngoài phố hoặc ngay trên giường họ ngủ. Đã xảy ra một số lớn vụ ám sát như vậy trong và xung quanh thành phố Madrid. Điểm cao nhất là vụ giết ông Sotelo, lãnh tụ đảng Bảo thủ, na ná như kiểu ngài Edward Casson trong trò đấu đá chính trị ở Anh trước cuộc chiến tranh 1914. Sự kiện này là tín hiệu cho các tướng lĩnh trong quân đội hành động. Trước một tháng, tướng Franco có thư cho Bộ trưởng Chiến tranh Tây Ban Nha, nói rõ nếu chính phủ Tây Ban Nha không thể duy trì an toàn luật pháp bình thường trong đời sống hàng ngày thì quân đội sẽ can thiệp. Trong quá khứ Tây Ban Nha đã từng có nhiều tuyên ngôn của các thủ lĩnh quân sự. Khi giương ngọn cơ nổi loạn, tướng Franco được quân đội ủng hộ, kể cả lính địa phương. Giáo hội - chỉ trừ các thầy tu dòng Đôminích - và gần như tất cả những phần tử phái hữu và trung dung vẫn trung thành với ông, thế là ông lập tức làm chủ được nhiều tỉnh quan trọng. Thủy thủ Tây Ban Nha giết sĩ quan của họ và gia nhập vào cái mà chẳng mấy chốc trở thành phe Cộng sản. Vào lúc chính thể văn minh sụp đổ, phái Cộng sản giành được quyền lực và hành động theo đúng qui luật chặt chẽ của họ. Bây giơ nội chiến ác liệt bắt đầu. Những người Cộng sản nắm chính quyền đã gây ra hàng loạt cuộc thanh trừng những đối thủ chính trị của họ. Những lực lượng quân sự dưới quyền Franco đã đánh trả dữ dội hơn. Nhiều người Tây Ban Nha phải đi đến cái chết, số lớn của cả hai bên đều bị bắn. Học viên trường sĩ quan bảo vệ trường họ tại cung điện Aleazar ở Toledo một cách hết sức ngoan cường, và quân Franco xông lên mở đường từ hướng nam qua mọi làng Cộng sản đều có để lại dấu vết báo thù của họ, ngay sau đó họ hoàn tất cuộc giải vây. Tình tiết này đáng cho các nhà viết sử chú ý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2018, 08:56:28 am »


        Trong cuộc tranh chấp này tôi đứng trung lập. Dĩ nhiên tôi không ủng hộ những người Cộng sản. Tôi có thể sống ra sao, khi nếu tôi là người Tây Ban Nha, họ có thể giết tôi, gia đình tôi và bạn bề tôi? Tuy vậy tôi chắc rằng với tất cả quyền hành con lại, chính phủ Anh có lý khi đứng ngoài sự kiện Tây Ban Nha. Pháp đề nghị một kế hoạch không can thiệp để mặc cả hai bên tự giải quyết lấy không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Các chính phủ Anh, Đức, Ý và Nga tán thành kế hoạch này. Vì thế chính phủ Tây Ban Nha lúc bây giờ dưới quyền kiểm sọát của những nhà cách mạng quá khích nhất thấy mình bị tước ngay cả quyền đặt mua vũ khí bằng số vàng thực sự của họ. Có thể hợp lý hơn là theo cách giải quyết thông thường và thừa nhận tình trạng giao tranh của cả hai bên, như đã làm trong cuộc nội chiến ở Mỹ năm 1861-1865. Tuy nhiên đáng lẽ tất cả các cường quốc lớn phải áp dụng và chính thức tán thành chính sách không can thiệp. Anh nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận này, nhưng Đức, Ý một bên và Nga Xô Viết một bên luôn luôn vi phạm cam kết của họ, giúp bên này chống lại bên kia. Riêng Đức sử dụng không quân của mình gây nên những cảnh khủng khiếp như đã thấy, như cuộc ném bom xuống quận Guemica bé nhỏ không được phòng thủ.

        Chính phủ của ông Leon Blum kế tục nội các của ông Albert Sarraut ngày 4 tháng 6 dưới sức ép của những người Cộng sản ủng hộ ông ta nhằm giúp đỡ vật liệu chiến tranh cho chính phủ Tây Ban Nha. ông Cot, bộ trưởng không quân, không quan tâm quá nhiều đến sức mạnh của không quân Pháp lúc ấy ở trong tình trạng sa sút, bí mật giao máy bay và thiết bị cho quân đội cộng hòa. Tôi lấy làm lo sợ những diễn biến như vậy. Ngày 31 tháng 7 năm 1936, tôi viết cho đại sứ Pháp:

        "Một trong những khó khăn lớn nhất tôi vấp phải trong khi cố giữ vững quan điểm cũ là người Đức nói rằng những nước chống Cộng phải cùng nhau giữ vũng lập trường. Tôi chắc rằng nếu Pháp gửi máy bay v.v... cho chính phủ Madrid hiện nay và Đức, Ý cũng chen vào theo một khía cạnh khác, thì lực lượng có ưu thế hơn ỏ đây sẽ hài lòng về Đức và Ý và sẽ xa lánh Pháp. Tôi hy vọng ông sẽ không khó chịu về điều tôi viết này, dĩ nhiên hoàn toàn vì lợi ích của riêng tôi. Tôi không thích nghe dân chúng nói Anh, Đức, Ý tập hợp lại chống chủ nghĩa Cộng sản ở châu Âu. Chẳng phải quá khó khăn gì để thấy đó là điều không hay.

        Tôi chắc rằng một sự trung lập tuyệt đối kiên quyết cùng với sự phản đối mạnh mẽ chống lại bất kỳ sự vi phạm nào của sự trung lập đó, là cách giải quyết duy nhất đúng đắn và an toàn trong tình hình hiện nay. Dù có sự bế tắc, thắng lợi có thể tới, khi Hội Quốc Liên có thể can thiệp để kết thúc những cảnh khủng khiếp. Nhưng cả điều đó cũng rất đáng ngờ."

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 07:57:38 pm »


*

        Lợi thế dành được trong chiến tranh, cũng như trong chính sách ngoại giao và các công việc khác là nhờ có sự lụa chọn vấn đề chủ yếu trong nhiều giải pháp hấp dẫn hoặc không vừa ý. Tư tưởng quân sự Mỹ chủ chương: "mục tiêu chiến lược toàn bộ”. Khi sĩ quan chúng tôi lần đầu nghe điều này, họ cười cợt, nhưng về sau, sự uyên thâm của cụm từ này trở nên không thể chối cãi và được thừa nhận. Hiển nhiên điều này phải trở thành nguyên tắc và những công việc to lớn khác phải được bố trí trong mối quan hệ phụ thuộc với điều đó. Việc không tôn trọng nguyên tắc đơn giản này gây ra hành động hỗn loạn, không kết quả và gần như luôn luôn làm cho mọi việc về sau càng tồi tệ hơn.

        Riêng về phần mình, tôi không khó khăn gì trong việc tuân theo nguyên tắc này trước khi tôi nghe điều đó được công bố. Tâm trí tôi bị ám ảnh bởi ấn tượng nước Đức khủng khiếp tôi đã nhìn thấy và chịu đựng trong chiến đấu những năm 1914-1918, nay bỗng nhiên có mọi khả năng quân sự, trong khi các nước đồng minh, thì bất lực và lúng túng. Vì thế, bằng mọi cách, mọi cơ hội, tôi tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của tôi với Hạ viện, cũng như với cá nhân các bộ trưởng nhằm thúc giục đi tới việc chuẩn bị quân sự cho chúng ta, nhằm tìm kiếm đồng minh và bầu bạn cho điều chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành sự nghiệp chung.

        Một hôm ông bạn giữ địa vị cao được tín cẩn trong chính phủ vượt sang Chartwell cùng bơi với tôi trong bể bơi của tôi khi mặt tròi đã chiếu sáng và nước đã khá ấm. Chúng tôi không nói chuyện gì trừ cuộc chiến tranh sắp tới mà ông hoàn toàn không tin là sẽ xảy ra. Khi tôi tiễn ông ra về, bỗng bất chợt ông quay sang tôi nói: "Bọn Đức đang tốn một nghìn triệu sterling mỗi năm vào lục lượng vũ trang của họ". Tôi nghĩ Nghị viện của công chúng Anh phải biết nhũng sự thật này. Vì vậy tôi bắt đầu lao vào tiến hành nghiên cứu tình hình tài chính Đức. Ngân sách được đưa ra và vẫn công bố hàng năm ở Đức, nhưng từ nhũng con số to lớn của nó, rất khó nói điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên vào tháng 4/1936 tôi tiến hành riêng biệt hai cách xem xét kỹ khác nhau. Cách thứ nhất dựa vào hai người ty nạn Đức có năng lực cao và ý định không lay chuyển. Họ hiểu mọi chi tiết về cách trình bày ngân sách của Đức, giá trị của đồng mark v.v... Đồng thời tôi hỏi bạn tôi là ngài Henri Strakosch có phải ông không thể khám phá ra điều gì đang xảy ra chăng. Strakosch đứng đầu một công ty gọi là Liên đoàn Hiệp hội có nhũng tài nguyên lớn và một đội ngũ cán bộ công nhân viên tận tâm tay nghề cao. Trong nhiều tuần, người tài giỏi nhất của trung tâm tài chính thương mại này quay sang theo dõi vấn đề này. Chẳng mấy chốc, họ báo cáo chi tiết một cách chính xác và chi tiết rằng số chi tiêu cho chiến tranh mỗi năm của Đức chắc chắn là trong khoảng một nghìn triệu sterling. Cùng lúc ấy hai người Đức ty nạn, bằng một loạt lý lẽ hoàn toàn khác nhau, đều độc lập đi đến cùng một kết luận như vậy. Một nghìn triệu sterling mỗi năm theo trị giá tiền tệ năm 1936!

        Như vậy tôi có hai cơ cấu sự thật riêng rẽ để dựa vào đó mà công khai khẳng định. Thế là tôi bắt chuyện với ông Néville Chamberlain vẫn còn là Bộ trưởng tài chính, trong hành lang trước ngày cuộc thảo luận, và nói với ông: "Ngày mai tôi sẽ hỏi ông việc người Đức đang chi phí mỗi năm một nghìn triệu bảng để chuẩn bị chiến tranh liệu không phải là sự thật chăng, và tôi sẽ yêu cầu ông xác nhận hay phủ nhận". Chamberlain đáp: "Tôi không thể phủ nhận điều này, nhưng nếu ông nói thẳng ra thì tôi sẽ xác nhận điều đó".

        Tôi dùng con số tám trăm triệu bảng thay cho một nghìn triệu bảng để che giấu nguồn tin bí mật của tôi và cũng để cho chắc ăn, thế là ông Chamberlain thừa nhận tại Nghị viện rằng sự ước lượng của tôi không phải là quá đáng.

        Bằng nhiều cách tôi cố gắng đưa ra tình trạng tương đối lực lượng vũ trang Anh và Đức với số lượng rõ ràng. Tôi đòi họp kín để thảo luận, bị từ chối. "Điều này sẽ gây hoảng sợ không cần thiết". Tôi nhận được ít sự ủng hộ. Tất cả các phiên họp bí mật đều không có giới báo chí tham dự. Lúc đó ngày 20 tháng 7 tôi hỏi thủ tướng có phải ông sắp tiếp một đoàn đại biểu ủy viên Hội đồng cơ mật và một vài người khác để nghe họ trình bày sự việc trong chừng mực họ biết, có phải không. Huân tước Salisburg đề nghị một đoàn đại biểu tương tự của Thượng nghị viện sẽ đến. Điều này đã được thỏa thuận. Mặc dù tôi khẩn khoản yêu cầu riêng cả hai ông Attlee và Ngai Archibald Sinclair, hai Đảng Lao động và Tự do từ chối làm đại diện. Vì vậy ngày 28 tháng 7, tại căn phòng của Thủ tướng ở Hạ nghị viện, chúng tôi được các ông Baldwin, huân tước Halifax và ngài Thomas Inskip tiếp, ông Baldwin đã bổ nhiệm ông Thomas Inskip, một luật gia có năng lực; lợi thế là ít người biết, và không biết gì về các vấn đề quân sự làm Bộ trưởng Phối họp Phòng thủ. Một nhóm quan chức quan trọng của Đảng Bảo thủ và không đảng phái cùng đến với tôi. Ngài Austen Chamberlain giới thiệu chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 07:58:35 pm »


        Đây là một cơ hội tốt. Tôi không thể nhớ lại bất cứ việc gì như thế ở con người tôi đã tùng gặp trong đời sống công cộng của Anh. Nhóm người nổi tiếng này, không nghĩ đến lợi riêng, nhưng cuộc đời họ lại đặt vào giữa những công việc chung, họ tiêu biểu cho sức mạnh của quan điểm của Đảng Bảo thủ. Không ai có thể dễ dàng coi thường. Nếu những lãnh tụ Công Đảng và Đảng Tự do đối lập đến với chúng tôi, thì có thể tình hình chính trị đã căng thẳng đến mức phải đòi cho được một hành động sửa chữa. Mỗi ngày trong hai ngày liên tiếp, phần nghi thức chiếm hết ba hay bốn giờ. Tôi thường nói chuyện với ông Baldwin là người chịu lắng nghe. Cùng với ông còn có nhiều thành viên bộ Tham mưu của Ủy ban Phòng thủ Vương quốc Anh. Ngày đầu tiên, tôi mở đầu tình hình bằng một bản tuyên bố trong một giờ mười lăm phút và kết thúc như sau:

        "Trước hết chúng ta đang đứng trước hiểm hoa lớn nhất và tình trạng khẩn cấp trong lịch sử chúng ta. Hai là chúng ta không hy vọng giải quyết vấn đề của chúng ta mà không liên kết với nước cộng hòa Pháp. Việc liên kết hạm đội Anh và lục quân Pháp cùng với lực lượng không quân phối hợp của họ hoạt động từ bên trong đằng sau biên giới Pháp và Bỉ, cùng với tất cả những gì Anh và Pháp đại diện, tạo thành một sự răn đe và sự bảo vệ có thể tập trung vào sự răn đe này. Dầu sao chăng nữa, đó là nguồn hy vọng đẹp nhất. Đi vào chi tiết, chúng ta phải gác sang một bên mọi trở ngại trong việc tăng thêm số quân hiện có của chính mình. Chúng ta có lẽ không thể chuẩn bị đầy đủ để chống lại tất cả mọi hiểm nguy có thể xảy ra. Chúng ta phải tập trung vào việc gì quan trọng và chịu trừng phạt ở một nơi nào khác. Đi đến những mục tiêu rõ ràng hơn nữa, chúng ta phải tăng thêm phát triển sức mạnh không quăn của chúng ta ưu tiên hơn mọi cân nhắc khác. Bằng bất cứ giá nào chúng ta phải thu hút tinh hoa thanh niên chúng ta đi vào nghề lái máy bay. Đừng quan tâm đến những chuyện đút lót chắc hắn là có. Chúng ta phải thu hút từ mọi nguồn, bằng mọi cách. Chúng ta phải thúc đẩy và đơn giản hóa việc sản xuất máy bay, mở rộng sản xuất đến quy mô lớn nhất, và không do dự ký hợp dồng với Mỹ và nơi nào khác cho những số lượng có thể lớn nhất về mọi thứ nguyên liệu và thiết bị hàng không. Chúng ta đang lâm vào cảnh hiểm nguy dù trước đây chúng ta chưa bao giờ lâm vào cảnh này. Không, không, ngay cả vào lúc quyết liệt nhất của chiến dịch tàu ngầm (1917). Sự suy nghĩ này giày vò tôi: năm tháng thấm thoát trôi nhanh. Nếu chúng ta chậm trề quá lâu trong việc hồi phục sự phòng thủ của chúng ta, chúng ta có thể bị cường quốc mạnh hơn ngăn cản hoàn thành việc tiến hành công việc".

        "Ông bộ trưởng tài chính không có mặt làm cho chúng ta thất vọng. Rõ ràng sức khỏe ông Baldwin dang giảm sút và ai cũng biết chẳng bao lâu nữa, ông phải rời khỏi trách nhiệm nặng nề tìm chỗ nghỉ ngơi. Ai sẽ kế nghiệp ông, có thể không nghi ngờ gì nữa. Không may ông Neville Chamberlain lại đang được đi nghỉ nên vắng mặt và không có dịp đối chất trực tiếp với những sự thật do các thành viên của Đảng Bảo thủ đưa ra, gồm có em ông và nhiều bạn bè được quý trọng nhất".


        Nhiều suy nghĩ đúng đắn nhất được các bộ trưởng nêu ra cho những đại diện đáng gờm chúng tôi, nhưng không phải mãi tới sau thời gian ngừng họp, mà ngày 23 tháng 11 năm 1936, ông Baldwin mời tất cả chúng tôi đến tiếp nhận một tuyên bố được cân nhắc đầy đủ hơn về lập trường toàn bộ. Lúc đó ngài Thomas Inskip đưa ra một giải thích thẳng thắn và hay, trong đó ông không giấu giếm với chúng tôi hoàn cảnh nghiêm trọng hiện nay. Về căn bản điều này, những tuyên bố của tôi là chứa đựng một cái nhìn quá ảm đạm về tiền đồ của chúng tôi; rằng phải thực hiện những cố gắng lớn (như thực tế chúng đang diễn ra) nhằm giành lại vị trí đã mất; nhưng không trường hợp hiện hữu nào có thể biện hộ chính phủ trong việc áp dụng những biện pháp khẩn cấp; là những biện pháp này tất yếu sẽ có tính cách làm đảo lộn toàn bộ hoạt động công nghiệp của xứ sở này, sẽ gây ra sự hoảng sợ rộng rãi và sẽ báo cho biết trước bất kỳ những thiếu hụt nào đang có, và rằng trong giới hạn này mọi việc có thể được thực hiện. Dựa vào việc này, ngài Austen Chamberlain ghi lại cảm tưởng chung của chúng tôi, những lo lắng của chúng tôi không giảm bớt và chúng tôi tuyệt nhiên không hài lòng. Đến đó chúng tôi cáo từ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 07:59:46 pm »


        Trong cả năm 1936 sự lo lắng của dân tộc và Nghị viện tiếp tục tăng lên, và đặc biệt tập trung vào vấn đề phòng không. Trong bài diễn văn ngày 12 tháng 11 tôi nghiêm khắc trách ông Baldwin đã không giữ lời hứa rằng "bất kỳ chính phủ nào của nước này - một chính phủ liên hiệp hơn bất cứ chính phủ nào - cũng phải bảo đảm chắc chắn rằng, về mặt quân số hiện có và sức mạnh của không quân, nước này sẽ không còn ở vị trí thấp kém hơn nước nào, trong phạm vi đánh được, cách bờ biển". Tôi nói: "Chính phủ thường là không thể quyết định hoặc không thể khiến cho Thủ tướng quyết định. Như vậy, chính phủ tiếp tục ở trong một nghịch lý kỳ quặc, kiên quyết để mà do dự, quyết tâm để mà lưỡng lự, cứng rắn để mà ỳ ra thụ động, vững chắc để mà hay thay đổi, có mọi quyền lực để mà bất lực".

        Trong một bài diễn văn đặc biệt, ông Baldwin trả lời tôi:

        "Tôi muốn nhắc nhờ Hạ viện rằng không phải một lần mà trong nhiều dịp trong diễn văn và tại nhiều nơi, khi tôi nói và chủ trương nguyên tắc dân chủ, trong chừng mực khả năng của tôi, tôi đã tuyên bố rằng một nền dân chủ luôn luôn ở đằng sau nhà độc tài hai năm (ý nói sau khi nhà độc tài ra đi hai năm thì mới có dân chủ-ND). Tôi tin điều này sẽ đúng. Trong trường hợp này nó cũng đúng. Tôi vô cùng chân thật trình bày trước toàn thể hạ viện những quan điểm riêng của tôi. Các ông sẽ nhớ lại lúc ấy, hội nghị giải trừ quân bị họp ở Genève. Các ông sẽ nhớ lại lúc bấy giờ (1931-1932) hầu như chắc chắn một cảm nghĩ tin vào chủ nghĩa hòa bình lan truyền khắp nước, mạnh hơn bất kỳ thời gian nào từ sau chiến tranh, các ông sẽ nhớ lại cuộc bầu cử ở Fulham mùa thu năm 1933, khi chính phủ liên hiệp mất một ghế do khoảng 7.000 lá phiếu, không có vấn đề gì ngoài việc do người theo chủ nghĩa hòa bình".

        "... Địa vị của tôi với tư cách là lãnh tụ của một đảng lớn, nhìn chung không phải là dễ chịu. Tôi tự hỏi có sự ngẫu nhiên gì ỏ đó - khi mà cảm nghĩ kia biểu lộ ở Fulham lại phổ biến khắp cả nước - sự ngẫu nhiên gì ở đó mà trong vòng một hay vài năm tới cảm nghĩ đó biến đổi đến mức khiến nước nhà phải đưa ra lệnh tái vũ trang? Giả sử tôi giải tán Quốc Hội, tổ chức tổng tuyển cử và tuyên bố rằng Đức đang tái vũ trang, rằng chúng ta cũng phải tái vũ trang thì có ai đó nghĩ rằng nước dân chủ ưa hòa bình này có thể tập hợp lại vì lời kêu gọi đó vào lúc đó không? Tôi không thể nghĩ đến bất cứ điều gì có thế khiến cho cuộc tuyển cử theo quan điểm của tôi thất bại chắc chắn hơn".

        Tình hình này là cực kỳ xấu. Nó đưa sự thật trần trụi về động cơ của ông ta vào chỗ không đứng đắn. Điều mà Thủ tướng phải thú nhận rằng ông không thực hiện trách nhiệm của mình đối với an toàn quốc gia vì ông sợ thất cử, là một việc xảy ra không gì so sánh được trong lịch sử Nghị viện chúng tôi. Dĩ nhiên ông Baldwin không có ý mong muốn ở lại chức vụ. Năm 1936, thực tế ông tha thiết muốn về hưu. Chính sách của ông xuất phát từ chỗ sợ rằng nếu những người xã hội nắm quyền thì hoạt động thậm chí sẽ kém hơn chính quyền ông dự định. Mọi tuyên bố và số phiếu của họ chống các biện pháp phòng thủ đều được ghi nhận. Điều này không phải là lời biện hộ hoàn toàn và còn kém hơn sự đánh giá đúng tinh thần nhân dân Anh. Sự thành công kèm theo việc thú nhận khờ khạo tính sai quân bình không quân năm trước không được nhắc lại trong dịp này. Hạ viện lấy làm bàng hoàng. Thực vậy cảm giác buồn phiền đến nỗi có thể tai hại nhiều cho ông Baldwin, lúc ấy sức khỏe rất sút kém.

        Vào lúc này có một bức tranh đồ họa lớn gồm đàn ông đàn bà của tất cả các đảng phái ở Anh nhận ra mối hiểm họa tương lai, kiên quyết dựa vào những biện pháp thực tế nhằm bảo đảm sự an toàn và sự nghiệp tự do cùng với những thôi thúc chuyên chế và tính tự mãn của chính phủ. Kế hoạch của chúng tôi là tái vũ trang nước Anh nhanh nhất với quy mô rộng lớn kết hợp với sự thừa nhận hoàn toàn công việc và quyền lực của Hội Quốc Liên. Tôi gọi chính sách này là "vũ khí cộng với Hiệp ước". Tất cả chúng tôi có thái độ khinh thường cuộc biểu dương của ông Baldwin ở Hạ nghị viện. Kết quả cuối cùng của cuộc vận động này phải là cuộc hội nghị ở Albert Hall. Tại đây, ngày 3 tháng chạp, chúng tôi tập hợp nhiều nhân vật lãnh đạo của tất cả các đảng phái - những đảng viên kiên quyết của Đảng Bảo thủ thuộc cánh hữu tin chắc mối hiểm họa của quốc gia - các nhà lãnh đạo Hội Quốc Liên - các đại diện nhiều công đoàn lớn, kể cả ông bạn địch thủ ngày xua của tôi trong cuộc Tổng bãi công là ngài Walter Citrine - Đảng Tự do, và lãnh tụ của đảng, ngài Archibald Sinclair. Chúng tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi đang trên ngưỡng cửa không những của việc giành được sự tôn trọng những quan điểm của chúng tôi mà còn làm cho những quan điểm đó có ảnh hưởng lớn. Chính vào lúc này sự đam mê của nhà vua muốn cưới người đàn bà mình yêu mến đã làm cho mọi việc khác phải gác lại đằng sau. Cuộc khủng hoảng thoái vị sắp xảy ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:01:17 pm »


        Trước khi tôi đáp lại tràng vỗ tay hoan hô, thì có tiếng hò reo "Xin Chúa cứu vớt nhà vua" và điều này kích động tiếng hoan hô kéo dài. Vì vậy, do sự thôi thúc của tình thế, tôi giải thích quan điểm cá nhân của tôi.

        Đêm nay có một vấn đề nghiêm trọng khác làm cho chúng tôi kém vui. Trong vài phút nữa chúng tôi sắp sủa hát "Xin Chúa cứu vớt nhà vua". Tôi sẽ hát với nhiệt tình chân thành hơn bao giờ hết trong đời tôi. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng không có quyết định nào được thực hiện vội vàng, và dư luận công chúng sẽ được phép giữ vai trò quan trọng của mình và rằng một nhân vật được yêu mến, duy nhất, không bỗng nhiên bị tách khỏi nhân dân, người được yêu mến sâu sắc đến thế. Tôi hy vọng Hạ viện sẽ được phép hoàn thành nhiệm vụ trong những vấn đề có tầm cao này thuộc về Hiến pháp. Tôi tin rằng những ý kiến giờ đây lần đầu được phát biểu của quốc gia Anh và của đế chế Anh sẽ hướng dẫn nhà vua chúng tôi và rằng nhân dân Anh đến lượt họ, họ sẽ tỏ khả năng tôn kính rộng rãi đối với người giữ ngai vàng.

        Thật không thích hợp đối với bản tường thuật này nhằm miêu tả cuộc tranh luận ngắn gọn nhưng cực kỳ dữ dội sau đây.

        Tôi biết vua Edward VIII từ ngày ông còn bé, năm 1910 với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, tôi đọc to trước một hội đồng đặc biệt lòi tuyên cáo phong ông là Hoàng tử xứ Wales ở lâu đài Carnavon. Tôi buộc phải đặt sự trung thành của cá nhân tôi với ông trên múc độ cao nhất. Dù trong mùa hè tôi được cho biết đầy đủ điều gì xảy ra, nhưng tôi chẳng có cách nào can thiệp hoặc liên lạc với ông bất cứ lúc nào. Tuy nhiên ngay sau đó ông xin phép Thủ tướng để hỏi ý kiến tôi. Ông Baldwin chính thức đồng ý, dựa vào điều này truyền đạt đến tôi, tôi tới nhà vua ở Fort Belvedere. Tôi vẫn tiếp xúc với nhà vua cho đến khi ngài thoái vị và cố gắng hết sức cầu xin nhà vua và dân chúng hãy nhẫn nại và trì hoãn mọi việc. Tôi không hề hối hận về việc này, quả thật tôi không thể làm gì khác.

        Thủ tướng chứng tỏ mình là người am hiểu sắc sảo cảm nghĩ dân tộc của người Anh. Không nghi ngờ gì nữa, ông nhận thức và diễn đạt nguyện vọng sâu xa của dân tộc. Việc ông xử lý khéo léo tài tình vấn đề thoái vị đã đưa ông trong hai tuần lễ từ vực thẳm lên đỉnh núi cao. Có nhiều lúc dường như tôi hoàn toàn đon độc chống lại cả một Hạ nghị viện đang phẫn nộ - Trong công việc tôi không xúc động quá đáng do những ý kiến có chiều hướng chống đối, nhưng hơn một lần, hầu như không thể có được theo quy luật tự nhiên, nó phải khiến cho tôi được nghe thấy như vậy. Vói phương châm "Vũ khí cộng với hiệp ước" tôi tập trung cùng một lúc mọi lực lượng, những lực lượng mà chính tôi hình dung là động cơ chính, bị ly gián hoặc tan rã, còn bản thân tôi bị dư luận quần chúng tấn công đến nỗi có ý kiến phổ biến là sinh mệnh chính trị của tôi rốt cuộc đã kết thúc.

        Thật kỳ lạ biết bao nhiêu, cái Hạ nghị viện thực sự này đã nhìn tôi với nhiều thái độ thù địch đến thế, lẽ ra phải là một công cụ đã lắng nghe tôi chỉ dẫn và ủng hộ tôi qua những năm dài chiến tranh đối địch cho đến khi đánh thắng mọi kẻ thù! Làm sao mà đưa ra chứng minh ở đây rằng cách giải quyết khôn ngoan và an toàn duy nhất là ngày này qua ngày khác, phải hành động đúng với điều dường như là mệnh lệnh của chính lương tâm mình!

        Do việc thoái vị của một ông vua, chúng tôi đi qua lễ đăng quang của ông vua khác, và cho đến cuối tháng Năm năm 1937, nghi lễ và cảnh tượng lộng lẫy của tiết mục trọng thể của quốc gia nhằm bày tỏ sự ủng hộ và sự hiến dâng lòng trung thành của thần dân Anh trong nước và khắp Đế chế đối với vua mới, choán hết mọi tâm trí. Công việc ngoại giao và tình trạng phòng thủ của chúng tôi đã bỏ lỡ mọi đòi hỏi theo tâm trạng của dân chúng. Hòn đảo của chúng tôi có thể cách châu Âu mười nghìn dặm. Tuy nhiên tôi được phép ghi lại rằng ngày 18 tháng 5 năm 1937, vào buổi sáng lễ đăng quang, tôi nhận được một bức thư viết tay của nhà vua mới lên ngôi.

        The Royal Lodge The Great Park Windsor Berks

        Ông Churchill thân mến của tôi,

        Tôi viết cảm ơn ông về bức thư rất thân mật ông gửi tôi. Tôi hiểu ông đã và đang tận tụy nhiệt tình biết bao với người anh thân thiết của tôi, tôi xúc dộng không sao tả xiết trước sự thông cảm và sự hiểu biết của ông trước những vấn đề rất khó khăn nảy sinh từ khi anh ấy xa rời chúng tôi hồi tháng chạp. Tôi hoàn toàn nhận thức rõ trách nhiệm và nỗi lo âu mà tôi phải gánh vác với tư cách là quốc vương, tôi cũng cảm thấy được khích lệ khi nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp của ông với tư cách là một trong số chính khách vĩ dại có tài của chúng ta, và của một người phụng sự Tố quốc mình như thế.

        Tôi chỉ có thể hy vọng và tin tưởng rằng cảm nghĩ tốt lành và hy vọng đang tồn tại ở Tổ quốc và Đế chế giờ đây sẽ chứng minh một tấm gương tốt cho các quốc gia khác trên thế giới.

Bạn rất chân thành của ông       
George VI                   

        Cử chỉ cao thượng này đối với một con người mà ảnh hưởng lúc bấy giơ tụt xuống đến con số không, mãi mãi sẽ là một khích lệ đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:01:41 pm »


*

        Ngày 28 tháng 5 năm 1937 sau khi vua George VI lên ngôi, ông Baldwin về hưu. Với cuộc đòi công tác lâu dài, ông được tặng thưởng một cách thích hợp tước bá và cấp tước Ga-tơ. Ông từ bỏ quyền lực rộng lớn mà ông đã thu gom lại và cẩn thận giữ vững nhưng đã sử dụng càng ít càng tốt. Ông ra về trong niềm biết ơn và quý trọng nhiệt tình của quần chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa về ai là người sẽ thay thế ông ta. ông Neville Chamberlain Bộ trưởng Tai chính không những đã hoàn thành tốt công việc chủ yếu của chính phủ trong năm năm qua mà còn là vị Bộ trưởng lành nghề nhất, có sức thuyết phục nhất, có tài năng lớn và tên tuổi được ghi vào lịch sử. Một năm trước, ở Birmingham, tôi đã miêu tả ông theo cách nói của Shakespeare là "con ngựa thồ trong những công việc vĩ đại của chúng ta", và ông ta tiếp nhận cách miêu tả này như một lòi khen. Tôi không mong ông thích làm việc với tôi, cũng chẳng biết ông có thể sáng suốt làm như thế vào một thời điểm như vậy chăng. Ý kiến của ông rất khác ý kiến tôi trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của thời cuộc. Nhưng tôi hoan nghênh một nhân vật hoạt động, có đủ khả năng, có quyền hành pháp, nắm quyền lực. Nhưng các cuộc giao thiệp của chúng tôi cả công khai và bí mật, vẫn tiếp tục nhạt nhẽo, chỉ dễ dãi và lịch sự mà thôi. Tôi có thể ghi lại đây sự đánh giá so sánh hai ông thủ tướng, Baldwin và Chamberlain tôi từng biết lâu đến thế, đã từng phục vụ hoặc phải phục vụ dưới quyền họ, Stanley Baldwin là người tùng trải hơn, nhận thức thấu đáo hơn, nhưng không có khả năng thực hành tỉ mỉ. Ở mức độ lớn, ông ta không dính dáng đến những công việc đối ngoại và quân sự. Ông hiểu biết ít về châu Âu, cũng không thích điều gì mình biết. Ông hiểu sâu công việc chính trị của đảng phái ở Anh, ông tiêu biểu một cách rõ ràng cho một vài mặt mạnh và nhiều tính nhu nhược của chủng tộc sống ở đảo chúng tôi. Là lãnh tụ của Đảng Bảo thủ ông đã tham gia năm cuộc Tổng tuyển cử và thắng được ba cuộc. Ông có thiên tài bám sát các sự kiện và bình tĩnh khi bị phê bình có tính chất chống đối. Ông đặc biệt khéo léo để cho sự kiện hoạt động cho mình và có tài chớp lấy thời cơ chín mùi khi nó xuất hiện. Đối với tôi dường như ông làm sống lại những ấn tượng mà lịch sử đem lại cho chúng tôi về ngài Robert Walpole, dĩ nhiên là không có sự thối nát của thế kỷ 18, và ông là bậc thầy trong đời sống chính trị ở Anh trong thời gian gần đây cũng như trong thời gian sắp tới.

        Con Neville Chamberlain thì nhanh nhẹn tháo vát, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự tin rất cao. Không như Baldwin, ông ta tự nghĩ rằng mình có thể hiểu toàn bộ phạm vi châu Âu và chắc là cả thế giới nữa. Đáng lẽ là một trực giác mơ hồ tuy vậy mà thâm căn cố đế, giờ đây lại có được một năng lực sắc bén hạn hẹp trong giới hạn chính sách mà ông tin tưởng. Vừa là Bộ trưởng Tài chính, vừa là Thủ tướng, ông ta giữ quyền điều khiển chặt chẽ nhất, khắt khe nhất đối với chi phí quân sự. Suốt thời kỳ này ông là người phản đối kiên quyết mọi biện pháp ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông nghĩ ra những cách đánh giá dứt khoát tất cả nhân vật chính trị của thời đại, cả trong nước và ngoài nước và dám tự chủ giao thiệp với họ. Hy vọng tràn ngập tha thiết nhất của ông là được ghi lại trong lịch sử như một người hòa giải vĩ đại và để được như vậy, ông vui lòng liên tục phấn đấu bất chấp sự thật, và đương đầu với mọi rủi ro nguy hiểm đối với mình và quốc gia. Không may ông lại rơi vào dòng nước có sức mạnh ông không thể lường được, còn gặp bão tố ông không chùn bước nhưng cũng không thể đối phó được. Trong những năm cuối cùng trước chiến tranh lẽ ra tôi đã phải nhận thấy dễ làm việc với Baldwin khi tôi hiểu ông ta, hơn là với Chamberlain, nhưng chẳng ai trong họ muốn làm việc với tôi, trừ phi đó như là phương sách cuối cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2018, 08:02:57 pm »


*

        Năm 1937 một hôm tôi có cuộc họp với ông Von Ribbentrop, Đại sứ Đức tại Anh. Trong một bài báo của tờ bán nguyệt san của tôi, tôi nhận thấy ông ta bị xuyên tạc trong bài diễn văn nào đó do ông viết. Dĩ nhiên nhiều lần tôi gặp ông trong giới thượng lưu. Lúc ấy ông hỏi tôi không biết có phải tôi muốn đến gặp ông và nói chuyện không. Ông tiếp tôi trong căn phòng rộng lớn trên gác Đại sứ quán Đức. Chúng tôi đàm luận trong hơn hai giờ. Ribbentrop lịch thiệp lắm, chúng tôi đề cập đến tình hình hiện hành ở châu Âu cả về lực lượng vũ trang và về đường lối hành động. Thực chất 1ời phát biểu của ông với tôi là nước Đức tìm kiếm tình hữu nghị của Anh (Trên lục địa châu Âu người ta vẫn thường gọi chúng tôi là England - Anh Quốc). Ông nói có thể ông đã là Bộ trưởng Ngoại giao Đức, nhưng ông đã yêu cầu Hitler cứ để ông sang Luân Đôn nhằm chuẩn bị toàn bộ vấn đề cho một hiệp ước thân thiện Anh - Đức hoặc thậm chí liên minh. Nước Đức sẽ hành động như người đứng gác cho toàn bộ Đế chế rộng lớn của Anh. Họ có thể đòi lại các thuộc địa của Đức nhưng dĩ nhiên đây không phải là điều chủ yếu. Điều họ đòi hỏi là Anh phải để cho Đức toàn quyền hành động ở Đông Âu. Họ phải có không gian sinh tồn cho dân số ngày càng tăng. Bởi vậy Ba Lan và hành lang Danzig phải được gộp vào. Bạch Nga và Ukraine là không thể thiếu cho sự sinh tồn trong tương lai của Đế chế Đức với khoảng chừng bảy chục triệu dân. Không được đáp ứng ít hơn. Tất cả những điều đó đòi hỏi khối thịnh vượng chung của Anh và Đế chế Anh là không can thiệp vào. Trên tường có treo một tấm bản đồ lớn, và nhiều lần Đại sứ chỉ dẫn cho tôi trên đó để minh họa cho các dự án của mình.

        Sau khi nghe tất cả những điều đó, tôi nói ngay rằng chắc chắn chính phủ Anh nhất định không đồng ý để cho Đức toàn quyền hành động ở Đông Âu. Đúng là chúng tôi đang có quan hệ xấu với nước Nga Xô Viết, chúng tôi không thích chủ nghĩa Cộng sản nhưng không nhiều như Hitler, nhưng ông ta có thể chắc chắn rằng dù cho nước Pháp được bảo vệ, thì Anh cũng nhất định không bao giờ từ bỏ quyền can thiệp vào vận mệnh lực địa châu Âu tới mức có thể cho phép Đức giành được quyền thống trị Trung và Đông Âu. Khi tôi tuyên bố điều này thì thực sự chúng tôi đứng trước bản đồ. Ribbentrop đột ngột quay mặt đi. Khi đó ông ta nói: "Trong trường hợp này, chiến tranh là không tránh khỏi. Không có đường ra. The Fuehrer đã quyết tâm. Nhất định không có gì ngăn chặn được ông ấy và cũng nhất định không có gì ngăn chặn được chúng tôi". Lúc đó chúng tôi trở lại ghế ngồi. Tôi chỉ là một thành viên trơn trong chính phủ nhưng cũng có được ít tiếng tăm gì đó. Tôi nghĩ là tôi có quyền chính đáng để nói với đại sứ Đức. Thực tế, tôi nhớ kỹ những lòi đã nói. "Khi ngài nói tới chiến tranh, thì không nghi ngờ gì đó phải là chiến tranh tổng lực, ngài không được đánh giá thấp nước Anh. Đó là một nước kỳ lạ, ít người nước ngoài có thể hiểu được năng lực trí tuệ của nó. Ngài đừng xét đoán theo thái độ của chính quyền hiện thời. Một khi đại nghĩa được nêu ra với nhân dân thì chính phủ thực sự này và dân tộc Anh có thể thực hiện mọi hành động bất ngờ". Và tôi nhắc lại "Đừng có đánh giá thấp nước Anh. Nó rất thông minh. Nếu các ngài đẩy tất cả chúng tôi vào một cuộc đại chiến khác thì nước Anh sẽ làm cho toàn thế giới chống lại các ngài như thời gian vừa qua". Tôi nói đến đó thì đại sứ giận dữ đứng dậy nói: "Chà, nước Anh có thể rất thông minh, nhưng lúc này nhất định nó không làm cho thế giới chống lại Đức được đâu". Rồi chúng tôi xoay câu chuyện sang những vấn đề khác thoải mái hơn, và không có điều gì nữa xảy ra. Tuy nhiên việc bất ngờ xảy ra này vẫn còn trong ký ức tôi, và khi báo cáo lại với Bộ Ngoại giao, tôi cho là việc này phải được chính thức ghi nhận.

        Khi phải ra hầu tòa, để thoát chết trước những người chiến thắng, Ribbentrop thuật lại một cách xuyên tạc cuộc nói chuyện này và yêu cầu phải mời tôi đến như một nhân chứng. Điều tôi đã ghi lại về việc này là điều lẽ ra tôi phải nói nếu tôi được mời.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM