Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:56:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Winston Spencer Churchill  (Đọc 53153 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #450 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:18:38 am »


6

TEHERAN: SỰ KHỞI ĐẦU

        Khi chuyển sang chủ đề về một cuộc gặp giữa ba nguyên thủ Quốc gia mà theo lôgic ắt hẳn phải diễn ra sau cuộc thảo luận giữa Anh và Hoa Kỳ, tôi đã gần như không được trở về nhà sau những lần đi thăm Thành cổ, Nhà Trắng và Công Viên Hide trong thời gian Hội nghị Quebec vào tháng Tám và tháng Chín năm 1943. về nguyên tắc có một sự nhất trí chung rằng điều này là khẩn thiết và cấp bách, nhưng những người không trải qua chuyện này không thể nào có thể tính được hết những lo ngại và phức tạp trong việc xác định thời gian, địa điểm và điều kiện của cuộc hội nghị này, lúc đó được người ta gọi là Tam Hùng.

        Một loạt những khía cạnh nghiêm trọng của cuộc hội nghị sẽ diễn ra chiếm trọn tâm trí của tôi. Việc lựa chọn Tư lệnh Tối cao cho chiến dịch "Overlord", cũng như việc vượt eo biển xâm nhập châu Âu vào năm 1944 đều cấp thiết cả. Điều này tất nhiên là có ảnh hưởng trực tiếp nhất tới cách điều hành cuộc chiến tranh về phương diện quân sự, và đặt ra một loạt vấn đề cá nhân quan trọng và tế nhị. Tại hội nghị Quebec tôi đã đồng ý với Ngài Tổng thống rằng "Overlord" phải do một sĩ quan Mỹ chỉ huy, và Tướng Brooke, người mà trước đó tôi đã đề nghị giữ trọng trách này, cũng đã được thông báo về ý định kể trên. Tôi được biết từ Ngài Roosevelt là ông ta sẽ chọn Tướng Marshall, điều này đã làm chúng tôi hoàn toàn hài lòng. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian từ Hội nghị Quebec đến cuộc gặp của chúng tôi ở Cairo tôi đã biết thêm rằng Ngài Tổng thống vẫn chưa có quyết định cuối cùng về trường hợp Marshall. Tất nhiên là không một sự sắp đặt nào có thể thực hiện được trước khi có quyết định chủ đạo. Trong khi đó tin đồn đã lan rộng trong báo giới Mỹ, và có triển vọng là Nghị viện Anh sẽ phản ứng lại.

        Tôi cũng cho rằng điều quan trọng nhất Bộ Tham mưu của Anh và Hoa Kỳ, và đứng bên trên họ là ngài Tổng thống và tôi, phải đạt được một thỏa thuận về sách lược đối với chiến dịch "Overlord" và tác động của nó đối với chiến dịch Địa Trung Hải. Toàn bộ sức mạnh vũ trang viễn chinh của cả hai nước chúng tôi tham chiến, và lực lượng của Anh sẽ tương đương với lực lượng Mỹ khi chiến dịch "Overlord" bắt đầu, mạnh gấp đôi quân Mỹ ở Ý, và lớn gấp ba số lượng quân Mỹ tại khu vực còn lại ở Địa Trung Hải. Chắc chắn rằng chúng tôi phải đạt được một sự thông hiểu nhất định trước khi mời đại diện Xô Viết, bất kể thuộc giới chính khách hay quân sự, tham dự. Ngài Tổng thống hóa ra lại chỉ thích ý tưởng, chứ không phải là thời gian. Có một luồng ý kiến mới nổi lên trong chính giới Mỹ dường như muốn tranh thủ lòng tin của Nga thậm chí là với cái giá của sự nỗ lực quân sự chung giữa Anh và Mỹ. Mặt khác tôi lại cảm thấy điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi phải gặp gỡ người Nga với một quan điểm rõ ràng và thống nhất về cả những vấn đề nổi bật của chiến dịch "Overlord" lẫn việc lựa chọn Bộ chỉ huy Tối cao. Tôi muốn tiến trình này diễn ra theo ba bước: Thứ nhất là một sự thỏa thuận trên bình diện rộng giữa Anh và Mỹ; thứ hai là hội nghị Thượng đỉnh giữa nguyên thủ của ba cường quốc ở Teheran; và, thứ ba là cuộc thảo luận trên đường trở lại Cairo về những gì chỉ thuần túy là công việc quân sự của Anh và Mỹ tại chiến trường Ấn Độ và Ấn Độ Dương hiện đang rất cấp bách. Tôi không muốn rằng cái khoảng thời gian ít ỏi mà chúng tôi bố trí được lại bị ngốn hết bởi những vấn đề tương đối nhỏ nhặt, khi mà quyết định liên quan đến toàn bộ cuộc chiến đòi hỏi ít nhất là phải có một cách giải quyết tạm thời. Ngài Rooesvelt đã đồng ý tới Cairo trước tiên, nhưng ông ta muốn Molotov, cũng như là cả phía Trung Hoa, cũng đến đó. Chẳng có điều gì, mặc dù vậy, có thể làm cho Staline tự làm xấu đi mối quan hệ của ông ta với người Nhật bằng cách tham dự một cuộc hội nghị của bốn cường quốc, trong đó có tới ba là kẻ thù của Nhật. Toàn bộ vấn đề mời đại diện Xô Viết tới Cairo vì vậy đã bị bác bỏ. Điều nay tự thân nó đã là một cứu cánh vĩ đại, mặc dù đạt được thông qua một sự bất tiện nghiêm trọng và với một cái giá về sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #451 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:19:25 am »


*

        Vào chiều 12 tháng Mười Một tôi khởi hành từ Plymouth trên chiếc Renown cùng với đoàn tùy tùng của mình trong một chuyến đi kéo dài hơn hai tháng. Sau khi ghé qua Algiers và Malta, chúng tôi đã đến được Alexandria vào sáng 21. Tôi lập tức bay ngay tới bãi đổ bộ trên sa mạc gần khu vực Kim Tự Tháp. Tại đây, theo yêu cầu của tôi, Ngài Casey đã bố trí cho tôi một toa biệt thự xinh xắn mà ông ta đang sử dụng. Chúng tôi ở trên một khu đất rộng trong vùng rừng cây Kasserine với nhiều căn nhà sang trọng và những khu vườn của các trùm tư bản tầm cỡ thế giới ở Cairo. Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch và Phu nhân đã được thu xếp ở cách đó chừng nửa dặm. Ngài Tổng thống sẽ ở trong một toa biệt thự rộng rãi của Đại sứ Mỹ Kirk, cách đó chừng ba dặm xuôi theo con đường về Cairo. Tôi đã đến sân bay trên sa mạc để nghênh đón khi ông ta hạ cánh trên chiếc "Sacred Cow" vào sáng hôm sau, và chúng tôi cùng lên ô tô về toa biệt thự của ông ta.

        Các Bộ Tham mưu đã nhanh chóng nhóm hợp. Địa điểm diễn ra Hội nghị và nơi ở của các Bộ Tham mưu Anh và Mỹ là ở khách sạn Mena House, nằm đối diện với khu Kim Tự Tháp, và tôi ở cách đó chỉ nửa dặm. Toàn bộ khu vực này nhan nhản binh lính và súng phòng không, và các hàng rào cảnh sát đã kiểm tra rất gắt mọi con đường dẫn đến đây. Mọi người đã ngay lập tức bắt tay vào việc theo nhiều cấp độ khác nhau để giải quyết một khối lượng lớn công việc cần được quyết định hoặc điều chỉnh.

        Những gì đã nắm được về sự hiện diện của Tưởng Giới Thạch vào thời điểm này trên thực tế đã bộc lộ ngay. Những cuộc hội đàm giữa Bộ tham mưu Anh và Mỹ đã bị sao lãng bởi câu chuyện Trung Hoa, dài dòng, khó hiểu và chẳng mấy quan trọng. Hơn nữa, như mọi người sẽ thấy, Ngài Tổng thống, người có một cách nhìn phóng đại về vị trí của Ấn Độ và Trung Hoa, đã mau chóng tiến hành những cuộc họp kín kéo dài với Tổng tư lệnh. Mọi hy vọng thuyết phục Tưởng và phu nhân đi tham quan Kim Tự Tháp và thưởng ngoạn cảnh vật ở đây đã thất bại với kết cục là vấn đề Trung Hoa đã chiếm vị trí quan trọng số một thay vì cuối cùng ở cuộc gặp Cairo này. Bất chấp mọi lý lẽ của tôi, Ngài Tổng thống đã hứa với người Trung Hoa sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ với quy mô đáng kể vượt qua Vịnh Bengal trong vòng ít tháng tới. Điều này sẽ cản trở chiến dịch "Overlord" về phương tiện tàu đổ bộ và tàu chở xe tăng, vấn đề hiện nay đang gặp khó khăn gấp bội so với bất kỳ kế hoạch nào của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ và Aegean. Nó cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những hoạt động quân sự chúng tôi đang tiến hành ở Ý. Vào ngày 29 tháng Mười Một tôi đã viết thư cho các Tham mưu trưởng: "Ngài Thủ tướng muốn được ghi nhận một thực tế rằng ông ta đã đặc biệt phản đối yêu cầu của Tổng tư lệnh về việc chúng ta phải tiến hành một cuộc đổ bộ cùng một lúc với các chiến dịch trên bộ tại Miến Điện". Không cần phải chờ  đến khi chúng tôi trở về lại Cairo từ Teheran mà tôi rốt cuộc đã thuyết phục được Ngài Tổng thống rút lại lời hứa của mình. Ngay cả khi đạt được điều này, nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh. Ngay bây giờ tôi sẽ nói thêm về chuyện này.

        Tất nhiên là tôi cũng chọn được dịp để đến thăm Tổng tư lệnh tại ngôi biệt thự của ông ta, nơi mà ông ta và vợ cảm thấy rất thoải mái. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Tương Giói Thạch. Tôi đã rất có ấn tượng với tính cách điềm tĩnh, kín đáo và có năng lực của ông ta. Vào thời điểm đó ông ta đang đứng trên đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. Đối với người Mỹ ông ta là một trong những thế lực thống trị trên thế giới. Ông ta là nhân vật số một của "Châu Á mới". Ông ta đã là người kiên cường bảo vệ Trung Hoa khỏi sự xâm lăng của Nhật. Ồng ta một người chống Cộng quyết liệt. Chính giới Hoa Kỳ tin tưởng rằng ông ta sẽ trở thành thủ lĩnh của cường quốc thứ tư trên thế giới sau khi giành được chiến thắng. Tôi, người mà vào những ngày tháng đó đã không chia sẻ những ước đoán quá mức về sức mạnh của Tưởng Giói Thạch hay về vai trò trong tương lai của nước Trung Hoa, có thể ghi nhận một thực tế là Tổng tư lệnh hiện đang phụng sự cho cũng vẫn những sự nghiệp mà vào thời điểm đó đã giúp cho ông ta giành được sự nổi tiếng rộng khắp. Mặc dù vậy ông ta đã bị Cộng sản đánh bại từ lâu trên ngay quê hương của mình, và đó là một điều hết sức tồi tệ có thể xảy ra. Tôi đã có một cuộc trao đổi hết sức thú vị với Tưởng phu nhân, và tôi nhận thấy bà ta là một con người cực kỳ nổi bật và hấp dẫn. Ngài Tổng thống đã chụp ảnh chung cho tất cả chúng tôi trong một cuộc gặp tại tòa biệt thự của ông ta, và mặc dù cả Tưởng Giói Thạch và phu nhân hiện giờ bị nhiều người trước đây đã từng ngưỡng mộ họ coi là những kẻ phản cách mạng đầy tội lỗi và tham những, tôi vẫn thích giữ lại kỷ niệm này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #452 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:19:45 am »


*

        Vào ngày 24 tháng Mười Một, một cuộc gặp của Bộ tham mưu Liên quân đã diễn ra dưới sự chủ tọa của Ngài Tổng thống mà có sự tham gia của phái đoàn Trung Hoa để ban về các hoạt động quân sự ở châu Âu và vùng Địa Trung Hải. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa hai chiến trường này và trao đổi quan điểm của mình trước khi tiếp tục cuộc hành trình tới Teheran. Ngài Tổng thống đã mở đầu với tác động của bất cứ hành động nào chúng tôi có thể thực hiện cùng một lúc tại Địa Trung Hải, kể cả việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, đối với chiến dịch "Overlord".

        Đến lượt mình tôi đã nói rằng "Overlord" vẫn cứ là ưu tiên số một của mọi dự tính, nhưng chiến dịch này không thể được coi là một cái gì đó độc tôn để có thể loại bỏ mọi sự hoạt động khác tại vùng Địa Trung Hải; chẳng hạn như cần phải chấp nhận một sự linh hoạt nào đó về việc huy động tàu đổ bộ. Tướng Alexander trước đó đã đề nghị rằng ngày họ phải xuất phát để tiến hành chiến dịch "Overlord" phải được hoãn lại từ trung tuần tháng Mười Hai đến trung tuần tháng Giêng. Tám mươi tàu chở xe tăng bổ sung đã được đặt đóng ở Anh và Canada. Chúng tôi thậm chí cần phải cố gắng chuẩn bị tốt hơn thế. Những điểm đang còn tranh cãi giữa Bộ Tham mưu Anh và Mỹ hẳn chỉ ảnh hưởng tới một phần mười nguồn lực chung của hai nước, trừ vùng Thái Bình Dương. Chắc chắn là chúng tôi phải chấp nhận một độ co giãn nào đó. Dẫu sao tôi cũng muốn dẹp đi bất cứ ý nghĩ nào cho rằng chúng tôi kém quyết tâm, bàng quan, hay đang cố gắng rút ra khỏi chiến dịch "Overlord". Chúng tôi đã tham gia chiến dịch này với toàn tâm toàn ý. Để kết luận, tôi đã nói rằng kế hoạch mà tôi bảo vệ là cố gắng chiếm Rome trong tháng Giêng và Rhodes trong tháng Hai; nối lại việc tiếp tế cho người Nam Tư, bố trí nhân sự trong Bộ tư lệnh, và khai thông biển Aegean, điều ta cần làm cho việc tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ; mọi sự chuẩn bị cần thiết để "Overlord" có thể tiến triển một cách thuận lợi nhất trong khuôn khố của sách lược đối với vùng Địa Trung Hải đã được đề cập ở trên.

        Ngài Eden giờ đây đã đến với chúng tôi từ Anh, nơi mà ông ta đã bay trở về sau những cuộc thảo luận ở Matxcơva. Sự có mặt của ông ta rất có ích cho quan điểm của tôi. Trên đường trở về sau hội nghị Matxcơva, ông ta và Tướng Ismay đã gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức khác. Ngài Eden đã chỉ ra rằng chúng tôi cần gấp những căn cứ không quân ở vùng tây nam Anatolia. Ồng giải thích rằng tình hình quân sự ở Leros và Samos là rất nguy cấp, bải quân Đức chiếm ưu thế về không quân, cả hai nơi này đều đã bị thất thủ từ lâu. Ngài Eden cũng nhấn mạnh tới những lợi thế có thể có được do việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến. Thứ nhất là điều này sẽ buộc Bulgaria phải tập trung lực lượng vào vùng biên giới, và như vậy sẽ đẩy quân Đức vào tình thế phải tới thế chân cho quân đội Bulgaria đóng ở Hy Lạp và Nam Tư với một số lượng đông tới khoảng mười sư đoàn. Thứ hai là có thể tấn công vào một mục tiêu có nhiều khả năng đóng vai trò quyết định - những giếng dầu ở Ploesti. Thứ ba là sẽ cắt được đường cung cấp crom từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Cuối cùng là một lợi thế tâm lý. Việc Thố Nhĩ Kỳ tham chiến sẽ có thể đẩy nhanh quá trình tan rã ở nước Đức cũng như trong nội bộ các quốc gia vệ tinh của nó. Tất cả những lập luận này đều đã không lay chuyển được phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nói rằng, trên thực tế, việc trao đổi các căn cứ không quân ở Anatolia rút cuộc cũng là sự tham chiến, và rằng nếu họ tham chiến, họ chẳng có gì trong tay để chống đỡ lại sự trả đũa của Đức nhằm vào Constantinople, Angora và Smyrna. Họ không chịu bằng lòng với việc chúng tôi đảm bảo sẽ cung cấp cho họ đầy đủ máy bay tiêm kích để đương đầu với bất cứ cuộc không kích nào mà bọn Đức có thể tiến hành và lời giải thích rằng quân Đức đã bị căng ra ở khắp mọi nơi nên không thể điều một sư đoàn nào tấn công họ. Kết quả duy nhất của những cuộc thảo luận này là việc phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ báo cáo vấn đề này lên Chính phủ của họ. Xét đến những gì đã xảy ra trước mắt họ ở vùng Aegean, khó mà có thể trách là họ quá dè dặt được.

        Cuối cùng là vấn đề các Bộ Tư lệnh Tối cao. Điều này đã không hề được Ngài Tổng thống hay bất kỳ ai trong số người tháp tùng Ngài đả động tới theo bất cứ cách nào trong các lần gặp mặt thân mật giữa chúng tôi cho dù là chính thức hay không chính thức, mỗi khi chúng tôi có dịp tiếp xúc. Vì vậy tôi đã tạm gác việc này lại với cảm tưởng rằng Tướng Marshall sẽ chỉ huy "Overlord", và tướng Eisenhower sẽ thay thế vào vị trí của ông ta ở Washington, và tôi có trách nhiệm đại diện cho Chính phủ Hoàng gia chọn viên Tư lệnh cho Địa Trung Hải, mà vào lúc đó tôi tin chắc sẽ là Alexander, người đã triển khai cuộc chiến tranh ở Ý. Chuyện này tạm dừng ở đây cho tới khi chúng tới trở lại Cairo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #453 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:20:14 am »


*

        Trong tính toán của tôi về phương sách đã được sự nhất trí hoàn toan của Bộ Tham mưu Anh tại Hội nghị Tam Hùng ở Teheran đã có rất nhiều lầm lẫn. ơ Hoa Kỳ người ta truyền tụng một giả thuyết hoang đường rằng tôi đã cố gắng ngăn chặn chiến dịch "Overlord", rằng tôi mưu toan lôi kéo Đồng minh vào cuộc xâm chiêm ồ ạt tới vùng Balkan, hay vào một chiến dịch có qui mô lớn tại Đông Địa Trung Hải, nếu điều này có thể giết chết chiến dịch "Overlord". Phần lớn cái luận điệu nhảm nhí này đã được bóc trần và bác bỏ ở những chương trình, nhưng nó lại có tác dụng khi nêu ra những gì mà tôi thực sự theo đuổi và những gì mà tôi đạt được trên một phạm vi rộng lớn.

        "Overlord", chiến dịch mà giờ đây đã được sắp đặt một cách rất chi tiết, cần phải được mở trong tháng Năm hoặc tháng Sáu, hay muộn nhất là vào tháng Bảy năm 1944. Quân và tàu chở quân vẫn còn là vấn đề ưu tiên số một. Thứ hai là lực lượng liên quân đông đảo của Anh và Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Ý cần phải được dưỡng sức để có thể hoàn thành việc chiếm Rome và tiến lên kiểm soát các sân bay phía bắc thủ đô, nơi mà từ đó máy bay ta có thể tấn công bọn Đức ở miền Nam. Sau khi đạt được mục tiêu này không cần phải thực hiện bất cứ một cuộc hành trình nào vượt quá chiến tuyến Pisa - Rimini - có nghĩa là không nên kéo dài mặt trận xuống phần đất rộng hơn của bán đảo Ý. Những chiến dịch này, nếu gặp phải sự kháng, cự của địch, sẽ thu hút và cầm chân được một lực lượng lớn quân Đức, sẽ tạo cho người Ý cái cơ hội "tự phát triển", và giữ cho ngọn lửa chiến tranh cháy không ngừng trên mặt trận của kẻ thù.

        Vào lúc này tôi không hề chống lại một cuộc đổ bộ vào miền nam nước Pháp, dọc theo Riviera, lấy Marseilles và Toulon lam mục tiêu, và tiếp theo đó liên quân Anh Mỹ sẽ tiến lên phía bắc tới thung lũng Rhone để chi viện cho cuộc đổ bộ chính qua đường eo biển. Nếu được lựa chọn, tôi thích cuộc tiến quân theo cánh phải từ phía bắc nước Ý vượt qua bán đảo Istria và Đèo Ljườljana tiến về Vienna hơn. Tôi đã rất vui mừng khi Ngài Tổng thống gợi ý điều này, và tìm cách, như sau này mọi người sẽ rõ, đưa ông ta vào cuộc. Nếu như bọn Đức chống cự lại, chúng ta sẽ thu hút được nhiều sư đoàn của chúng từ các mặt trận Nga và eo biển. Nếu như không gặp phải sự ngăn trở nào chúng tôi sẽ giải phóng được những vùng rộng lớn nhưng không mấy quan trọng với cái giá rất nhỏ. Tôi đã tin chắc rằng chúng tôi sẽ bị chống trả, và như vậy sẽ tạo ra một sự trợ lực quyết định đối với chiến dịch "Overlord".

        Yêu cầu thứ ba của tôi là việc không thể thơ ơ đối với Địa Trung Hải, với tất cả lợi thế của nó, bất chấp việc không thể điều đến đây bất cứ lực lượng nào dự định dành cho cuộc đổ bộ vượt eo biển. Trong toàn bộ vấn đề này tôi tôn trọng triệt để những tỉ lệ phân chia lực lượng mà tôi đã đề cập với Tướng Eisenhower cách đây hai tháng - đó là, bốn phần năm ở Ý, một phần mười ở Corsica và Adriatic, và một phần mười ở Đông Địa Trung Hải. Trong suốt một năm trời tôi đã không hề thay đổi những tỉ lệ này dù chỉ một li.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #454 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:20:26 am »


        Tất cả chúng tôi, người Anh, người Nga và người Mỹ, đều đã nhất trí về hai điểm đầu, bao gồm cả vấn đề chín phần mười lực lượng có sẵn của chúng tôi. Tất cả những gì mà tôi bảo vệ là làm sao sử dụng có hiệu quả nhất một phần mười sức mạnh của chúng tôi ở Đông Địa Trung Hải. Simpletons sẽ biện bác bác lại như sau: "Chẳng tốt hơn sao nếu nhẽ ra chúng ta tập trung toàn bộ lực lượng cho chiến dịch quyết định và hủy bỏ toàn bộ những hoạt động nghi binh vô ích khác?" Nhưng lập luận này đã bỏ qua những chứng cứ chủ đạo. Tất cả những tàu bè  có được ở vùng Tây bán cầu đã phải hoạt động hết công suất để chuẩn bị cho "Overlord" và bảo đảm tiếp tế cho mặt trận Ý. Ngay cả khi chúng tôi kiếm được tàu bè chúng cũng chẳng được sử dụng bởi lẽ các kế hoạch bốc dỡ đã lấp kín công suất của những cảng và những hệ thống kho dùng để tập kết hàng. Còn đối với Đông Địa Trung Hải, chẳng cần phải điều động tới đây bất cứ cái gì đã được triển khai cho bất cứ nơi nào khác. Lực lượng Không quân vốn đã được tập trung để bảo vệ Ai Cập có thể hoàn thành nhiệm vụ này một cách không hề thua kém hoặc thậm chí có thể tốt hơn nếu được sử dụng từ một chiến tuyến phía trước. Toàn bộ binh lực gồm nhiều nhất là hai hay ba sư đoàn, hiện đã có mặt trên chiến trường này, và chẳng hề có tàu bè, trừ những con thuyền của dân địa phương, để chở họ đến những mặt trận lớn. Việc sử dụng những lực lượng này, những người mà lẽ ra đã bị gạt ra ngoài cuộc, một cách chủ động và hiệu quả nhất sẽ có thể giáng cho địch những đòn chí tử. Nếu chiếm lại được Rhodes thì sẽ thống trị được toàn bộ vùng trời trên biển Aegean và tạo được sự tiếp xúc trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển. Mặt khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ chịu tham chiến, hoặc chấp nhận vi phạm qui chế trung lập của mình bằng cách cho chúng tôi mượn những sân bay mà chúng tôi đã xây dựng cho họ, chúng tôi có thể kiểm soát ở một mức độ tương đương vùng biển Aegean và việc chiếm Rhodes không còn cần thiết nữa. Một trong hai cách này đều mang lại kết quả.

        Và, tất nhiên, phần thưởng chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chúng tôi có thể lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình, thì không cần phải rút bất kỳ một người lính, một con tàu, hay một máy bay nào từ những trận đánh lớn và mang tính quyết định, để giành được quyền thống trị Biển Đen với tàu ngầm và lực lượng khinh hải quân, và để đưa tay đúng lúc cho người Nga cũng như vận chuyển cho những đạo quân của họ đồ tiếp tế theo một tuyến đường ít tốn kém hơn, nhanh hơn và vận chuyển được nhiều hơn gấp bội so với những tuyến đường qua Bắc Cực hoặc vịnh Ba Tư.

        Đây là chương trình ba điểm mà tôi đã cố gắng đấu tranh, với Ngài Tổng thống và Staline, mỗi khi có dịp, mà không ngại phải nhắc lại một cách thẳng thừng những luận cứ của mình. Tôi đã có thể thuyết phục được Staline, nhưng Ngài Tổng thống bị ám ảnh bởi những định kiến của các cố vấn quân sự dưới quyền và lúc ngả bên này lúc ngả bên kia, và kết quả là những cơ hội tuy không quyết định nhưng trong tầm tay nay đã bị bỏ không được nắm bắt. Những người bạn Mỹ của chúng tôi đã biện hộ cho thái độ cố chấp của mình với ý nghĩ "dù sao thì chúng ta cũng ngăn không cho Churchill lôi kéo chúng ta vào vùng Balkan". Một ý nghĩ như vậy chưa hề bao giờ lóe ra trong đầu tôi. Tôi coi sự thất bại trong việc sử dụng những lực lượng nhàn rỗi như vậy để kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến như là một sai lầm trong đường lối chiến tranh mà chúng tôi không thể tha thứ được cho dù bất chấp sai lầm đó chúng tôi vẫn giành được thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #455 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:20:50 am »


*

        Phiên họp toàn thể đầu tiên đã diễn ra tại Sứ quán Xô Viết vào 4 giờ chiều ngày Chủ nhật, 28 tháng Mười Một. Phòng hợp rất rộng và đẹp, và chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn tròn lớn. Ngồi bên cạnh tôi là Eden, Dill, ba Tham mưu trưởng và Ismay. Ngài Tổng thống thì đưa theo Harry Hopkins, Đô đốc Leahy, Đô đốc King và hai sĩ quan nữa. Tướng Marshall và Tướng Arnold đã vắng mặt: "họ nghe nhầm thời gian của cuộc họp ", người viết tiểu sử của Hopkins nói, "và đã đi ngắm cảnh quanh Teheran." Tôi có một phiên dịch giỏi từ năm ngoái, Thiếu tá Birse, Pavlov vẫn thực hiện nhiệm vụ này cho Staline, và Bohlen, một nhân vật mới, là người dịch cho phía Hoa Kỳ. Chỉ có Molotov và Nguyên soái Voroshilov đi cùng với Staline. Tôi và ông ta ngồi hầu như là đối diện nhau. Cuộc thảo luận trong ngày đầu tiên tập trung vào một điểm cực kỳ quan trọng. Biên bản ghi lại như sau:

        Nguyên soái Staline đã đặt ra những câu hỏi sau đây cho Ngài Thủ tướng:

        Hòi: "Liệu tôi có đúng không khi cho rằng sẽ có ba mươi lăm sư đoàn tham gia đánh chiếm nước Pháp?

        Đáp: "Đúng. Mà là những sư đoàn đặc biệt tinh nhuệ".

        Hỏi: "Có phải kế hoạch là chiến dịch này sẽ được thực hiện bởi lực lượng hiện giờ đang đóng trên đất Ý?

        Đáp: "Không. Bảy sư đoàn đã hoặc đang được rút ra từ Ý và bắc Phi để tham gia chiến dịch "Overlord". Bảy sư đoàn này được bể sung cho đủ số ba lăm sư đoàn mà ngài đã đề cập trong câu hỏi đầu tiên. Sau khi họ rút xong còn chừng hai mươi hai sư đoàn ở Địa Trung Hải để đảm đường trách nhiệm ở nước Ý hay các mục tiêu khác. Một vài sư đoàn trong số đó có thể sử dụng cho chiến dịch nhằm vào miền nam nước Pháp hoặc điều từ mũi biển Adriatic đến khu vực sông Danube, cả hai chiến dịch này đều được sắp xếp về mặt thời gian sao cho phù hợp  với "Overlord". Trong khi đó cũng chẳng khó khăn gì trong việc dành hai hoặc ba sư đoàn để chiếm các hòn đảo trên biển Aegean".

        Những cuộc họp chính thức đã diễn ra xen kẽ với những cuộc nói chuyên có thể được coi là rất quan trọng khi Roosevelt, Staline và tôi đề cập trong các bữa ăn trưa và ăn tối. Tối hôm đó Ngài Tổng thống là chủ nhân của bữa tiệc. Chúng tôi bao gồm mười hay mười một người, kể cả các phiên dịch, và câu chuyên chẳng mấy chốc đã chuyển sang chủ đề chung và nghiêm túc.

        Sau bữa tối, khi chúng tôi dạo quanh căn phòng, tôi đã kéo Staline đến một chiếc sô pha và gợi ý rằng chúng tôi nên trao đổi một chút về những gì sẽ xảy ra sau khi chiến tranh kết thúc. Ông ta đồng ý và chúng tôi ngồi xuống ghế. Eden cũng tham gia cùng chúng tôi. "Trước hết", nguyên soái nói, "chúng ta hãy xem xét chuyện xấu nhất có thể xảy ra". Ồng ta cho rằng nước Đức hoàn toàn có khả năng phục hồi từ sau cuộc chiến tranh, và lại bắt đầu một cuộc chiến tranh mới trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ông ta e ngại sự phục hưng của chủ nghĩa Quốc xã Đức. Sau Hội nghị Versailles hòa bình dường như được đảm bảo, nhưng nước Đức đã hồi phục rất nhanh. Vì vậy, chúng ta phải lập ra một thể chế để ngăn chặn nước Đức bắt đầu một cuộc chiến tranh mới. Ông ta tin chắc rằng nước Đức sẽ hồi phục. Khi tôi hỏi: "Bao lâu?" ông ta trả lời: "Trong vòng từ mười lăm đến hai mươi năm". Tôi nói thế giới cần được giữ gìn an toàn trong ít nhất là năm mươi năm nữa. Nếu hòa bình chỉ kéo dài trong vòng từ mười năm đến hai mươi năm, thì chúng ta hẳn đã phản bội lại những người lính của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #456 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:21:10 am »


        Staline cho rằng cần phải xem xét việc hạn chế năng lực sản xuất của nước Đức. Người Đức là một dân tộc cần cù và tháo vát, và họ sẽ phục hồi rất nhanh. Tôi đáp lại rằng đã có những biện pháp kiểm soát nhất định. Tôi sẽ không cho phép họ thành lập ngành hàng không, cả dân dụng lẫn quân sự, và cấm cả việc thành lập quân đội. "Liệu ngài", Staline hỏi, "có cấm cả sự tồn tại của những xưởng sản xuất đồng hồ và nhà máy đồ gỗ để ngăn họ không sản xuất các chi tiết của đạn pháo? Người Đức đã sản xuất cả súng đồ chơi dùng để dạy hàng trăm ngàn người cách bắn súng".

        "Chưa có gì được quyết định cả", tôi nói. "Thế giới vẫn chuyển động. Giờ đây chúng ta đã rút ra được đôi điều. Nhiệm vụ của chúng ta là mang lại an toàn cho thế giới này trong khoảng ít nhất là năm mươi năm bằng cách giải giáp quân Đức, bằng cách ngăn chặn tái vũ trang, bằng việc giám sát hoạt động của các nhà máy ở Đức, bằng cách cấm nước này thành lập không quân và hàng không dân dụng, và bằng cách thay đổi lãnh thổ của họ theo hướng có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Mọi thứ kể trên đều phụ thuộc vào việc liệu Anh, Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết có giữ được một quan hệ hữu nghị gắn bó và giám sát được nước Đức vì lợi ích chung của họ hay không. Chúng ta không được chần chừ trong việc áp chế mỗi khi chúng ta nhìn thấy bất kỳ nguy cơ gì".

        "Sau Thế chiến thứ nhất cũng có một chế độ kiểm soát như vậy," Staline nói, "nhưng nó đã bất lực".

        "Nhưng lúc đó chúng ta còn thiếu kinh nghiệm", tôi đáp lại. "Nhưng về khía cạnh quốc gia, cuộc chiến tranh lần trước hoàn toàn khác về mức độ, và nước Nga không phải là một bên tham gia Hội nghị Hòa bình. Lần này thì sẽ khác hẳn".

        Tôi có cảm giác rằng nước Phổ phải bị cô lập và thu nhỏ lại, rằng Bavaria, Áo và Hungary có thể lập ra một liên bang rộng lớn, yên bình và không hiếu chiến. Tôi nghĩ rằng Phổ cần phải bị đối xử cứng rắn hơn so với những phần còn lại của Đế chế Đức để chống lại việc những vùng này cùng chia sẻ số phận với nước Phổ. cần phải nhớ rằng đây là những tâm trạng thời chiến.

        "Tất cả đều tốt, nhưng chưa đủ", Staline bình luận

        Nước Nga, tôi tiếp tục, sẽ tiếp quản lục quân Đức, nước Anh và Hoa Kỳ sẽ tiếp quản hải quân và không quân. Thêm nữa, cả ba cương quốc sẽ chia nhau những nguồn lực khác nữa, cả ba nước sẽ được vũ trang rất mạnh, và không cần phải thực hiện nghĩa vụ giải trừ quân bị. "Chúng ta là những người được ủy thác mang lại hòa bình cho thế giới. Nếu chúng ta thất bại có lẽ thế giới này còn hỗn loạn thêm hàng trăm năm nữa. Nếu chúng ta mạnh, chúng ta có thể thực hiện sự ủy thác này. Và không chỉ là gìn giữ hòa bình một cách chừng mực, "tôi nói tiếp, "Ba cường quốc chúng ta phải dẫn đường cho tương lai của thế giới. Tôi không muốn áp đặt bất cứ một hệ thống nào lên các quốc gia khác. Tôi đòi hỏi tự do và quyền của mọi quốc gia được phát triển theo ý của mình, cả ba nước chúng ta phải mãi là những ngươi bạn để có thể bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho mọi quốc gia".

        Staline lại hỏi điều gì sẽ xảy ra với nước Đức.

        Tôi đáp lại rằng tôi không chống lại những người lao động ở Đức, mà chỉ chống lại bọn lãnh đạo và những tổ chức nguy hiểm. Ông ta nói rằng có rất nhiều người lao động phục vụ trong các sư đoàn Đức, những người đã chiến đấu theo lệnh. Khi ông ta hỏi các tù binh Đức thuộc giai cấp công nhân (biên bản ghi như vậy, nhưng có lẽ ông ta ám chỉ "Đảng Cộng sản") tại sao họ lại chiến đấu vì Hitler, họ đã trả lời rằng họ đang thi hành mệnh lệnh. Ông ta đã bắn những tù binh như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #457 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:21:35 am »


*

        Thế rồi tôi gọi ý rằng chúng tôi nên thảo luận vấn đề Ba Lan. Ông ta đã đồng ý và mơi tôi nói khai mào trước. Tôi nói rằng chúng ta đã tuyên chiến vì sự kiện ở Ba Lan. Chính vì vậy Ba Lan rất quan trọng đối với chúng ta. Chẳng có gì quan trọng hơn vấn đề an ninh tại biên giới phía tây của Nga. Nhưng tôi đã không đưa ra bất kỳ một lời hứa hẹn nào về chuyện biên giới. Tôi muốn nói chuyện một cách thực lòng với người Nga về chuyện này. Khi nguyên soái Staline cảm thấy có nhu cầu nói với chúng tôi những gì ông ta nghĩ về chuyện này, vấn đề đã có thể đưa ra thảo luận và chúng tôi đã có thể đạt được một sự thỏa thuận nào đó, và nguyên soái sẽ nói với tôi về những gì cần làm để bảo vệ đương biên giới phía tây của Nga. Sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, có thể là vào cuối năm 1944, Liên bang Xô Viết sẽ trở nên cực kỳ hùng mạnh và nước Nga sẽ có một trách nhiệm rất lớn trong mỗi quyết định đưa ra liên quan đến Ba Lan. Trên phương diện cá nhân tôi cho rằng Ba Lan có thể sẽ được mơ rộng về phía tây, đơn giản như người lính tiến hai bước sang trái. Nếu Ba Lan giẫm lên ngón chân của nước Đức thì vấn đề trở nên rắc rối, nhưng vẫn cần phải có một nước Ba Lan mạnh.

        Ba Lan là một nhạc cụ cần thiết trong dàn nhạc châu Âu.

        Staline nói rằng dân tộc Ba Lan có nền văn hóa và ngôn ngữ riêng cần được tiếp tục tồn tại. Họ không thể bị đồng hóa được.

        "Liệu chúng ta", tôi hỏi, "có nên thử vẽ lại đường biên giới?" "Có chứ".

        "Tôi không được quyền thay mặt cho Quốc hội vạch ra bất kỳ đường biên giới nào và chắc Ngài Tổng thống cũng vậy. Nhưng bây giờ, ngay tại Teheran này, chúng ta có thể xem xét việc ba nguyên thủ quốc gia cùng thống nhất làm việc với nhau để vạch ra một phương sách nào đó mà chúng ta sẽ đưa cho người Ba Lan và khuyên họ nên chấp nhận".

        Staline hỏi liệu điều này có thể được thực hiện mà không có sự tham gia của phía Ba Lan hay không? Tôi trả lời "Được", và nói rằng sau khi thỏa thuận được với nhau một cách không chính thức chúng ta có thể đến gặp người Ba Lan. Eden nhận xét ở đây rằng ông ta hết sức kinh ngạc bởi lời tuyên bố của Staline vào chiều hôm đó rằng Ba Lan có thể mở rộng lãnh thổ đến Oder. Ông ta đã hy vọng vào việc đó và trông rất phấn khỏi. Staline đã hỏi liệu chúng tôi có cho rằng ông ta đang chuẩn bị nuốt chửng Ba Lan. Eden nói rằng ông ta không biết liệu người Nga sẽ định "xơi" bao nhiêu. Họ sẽ để lại bao nhiêu? Staline đáp lại rằng người Nga không muốn bất cứ cái gì thuộc về dân tộc khác, mặc dù có lẽ họ sẽ "cắn" một miếng của nước Đức. Eden nói rằng Ba Lan sẽ được bù lại về phía tây phần mà nó bị mất ở phía đông. Staline đáp lại rằng hoàn toàn có thể như vậy, nhưng giờ đây thì ông ta chưa có khái niệm rõ ràng. Lúc đó tôi đã giải thích rằng sự giúp đỡ của ba cường quốc hoàn toàn phù hợp với ý tưởng của tôi về việc Ba Lan sẽ dịch chuyển về phía tây. Điều này đã làm Staline hài lòng, và chúng tôi chia tay nhau ngay sau sự ghi nhận nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #458 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:21:58 am »


*

        Một cuộc họp giữa những tư lệnh quân đội ba nước Anh, Nga và Hoa Kỳ đã chiếm trọn buổi sáng 29. Do biết rằng Staline và Roosevelt đã có một cuộc trao đổi riêng trước đó, và trên thực tế nó đã diễn ra ở chính sứ quán này, tôi đã gọi ý rằng tôi và Ngài Tổng thống nên cùng ăn trưa trước khi diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ hai vào buổi chiều hôm đó. Nhưng Roosevelt đã từ chối, và cử Harriman đến chỗ tôi để giải thích rằng ông ta không muốn Staline biết là ông ta và tôi có gặp riêng với nhau. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, bởi vì tôi cho rằng tất cả chúng tôi phải xử sự với một sự tin tưởng ngang nhau. Sau bữa ăn trưa Ngài Tổng thống đã có một cuộc họp trao đổi nữa với Staline và Molotov, trong đó nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là kế hoạch cai trị thế giới trong thời kỳ hậu chiến của Roosevelt, đã được bàn đến. Việc này sẽ do "Bộ Tứ Sen đầm" thực hiện - đó là Liên xô, Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa. Staline đã không ủng hộ kế hoạch này. Ông ta nói rằng "Bộ Tứ Sen đầm" sẽ không được các nước nhỏ ở châu Âu hoan nghênh. Ông ta không tin rằng Trung Hoa sẽ trở thành một cường quốc khi chiến tranh kết thúc, và thậm chí có vậy đi chăng nữa, các quốc gia châu Âu sẽ rất khó chịu khi Trung Hoa là người chỉ huy họ. về việc này chắc chắn là nhà lãnh tụ Xô Viết đã chứng tỏ có khả năng tiên đoán giỏi hơn, mẫn cảm chính xác hơn về các chân giá trị so với ngài Tổng thống. Khi Staline đề nghị một giải pháp thay thế là thành lập một ủy ban riêng cho châu Âu và một ủy ban khác cho vùng Viễn Đông - trong đó ủy ban châu Âu sẽ bao gồm Anh, Nga, Hoa Kỳ, và có thể thêm nước châu Âu nữa - Ngài Tổng thống đáp lại rằng điều này về một phương diện nào đó cũng tương tự như ý tưởng của tôi về những ủy ban khu vực, một cho châu Au, một cho vùng Viễn Đông, và một cho châu Mỹ. Ông ta dường như đã không nói rõ ra rằng tôi cũng đã dự tính một Hội đồng Tối cao Liên hiệp quốc, trong đó ba ủy ban khu vực sẽ là những bộ phận cấu thành. Do cho tới rất lâu sau đó không được thông báo về những gì xảy ra, tôi đã không thế đính chính được cách đặt vấn đề sai sót này.

        Trước khi phiên họp toàn thể lần thứ hai của chúng tôi bắt đầu vào lúc 4 giờ chiều, theo sự ủy nhiệm của Nhà vua, tôi đã trao Thanh gươm Danh dự của Nhà vua cho Staline để ghi công cuộc phòng thủ vinh quang ở Stalingrad. Phòng chờ bên ngoài chật ních những sĩ quan và binh lính Nga. Sau khi diễn giải đôi lời, tôi trao cái binh khí tuyệt đẹp này cho Staline và bằng một động tác rất gây ấn tượng ông ta đã nâng nó lên ngang môi rồi hôn vào bao gươm. Sau đó ông ta trao nó cho Voroshilov, người đã hạ nó xuống. Thanh gươm được chuyển khỏi phòng trong một nghi thức trang trọng với một ngươi lính Nga thuộc đội danh dự tháp tùng. Khi nghi lễ này kết thúc tôi nhìn thấy Ngài Tổng thống đang ngồi ở góc bên kia căn phòng, rõ ràng là bị khích động bởi nghi lễ này. Sau đó chúng tôi chuyển sang phòng hội nghị và ngồi xuống quanh chiếc bàn tron, lần này thì cùng với các Tham mưu trưởng, những người giờ đây phải báo cáo lại kết quả của buổi làm việc sáng nay của họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #459 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2019, 12:22:19 am »


        Trong cuộc thảo luận diễn ra tiếp đó tôi đã nhắc Staline và ba điều kiện quyết định sức thành bại của chiến dịch "Overlord". Thứ nhất là cần phải giảm bớt một cách đáng kể sức mạnh chiến đấu của quân Đức ở vùng tây bắc Âu trong khoảng từ nay đến khi cuộc tập kích bắt đầu. Thứ hai là lực lượng dự trữ của Đức ở Pháp và Hà Lan không được vượt quá 12 sư đoàn cơ động tinh nhuệ vào ngày tấn công. Thứ ba là không được để cho quân Đức điều từ các mặt trận khác đến đây quá 15 sư đoàn tinh nhuệ trong khoảng thời gian sáu mươi ngày đầu tiên của chiến dịch. Để có thể thỏa mãn được những điều kiện này chúng tôi phải kìm chân chúng càng nhiều càng tốt tại Ý và Nam Tư. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, điều này sẽ là một lợi thế bổ sung, nhưng không phải là điều kiện cốt yếu. Quân Đức hiện đang đóng ở Ý chủ yếu đến từ Pháp. Nếu giảm nhẹ sức ép ở Ý, chúng có thể quay trở lại. Chúng tôi phải tiếp tục kìm giữ kẻ thù tại một chiến trường duy nhất, nơi mà hiện giờ chúng tôi có thể đương đầu được với chúng. Nếu chúng tôi kìm chân được chúng càng chắc càng tốt trong các tháng mùa đông ở vùng Địa Trung Hải, điều này sẽ là một đóng góp lớn nhất có thể tạo ra những điều kiện cần thiết bảo đảm thắng lợi của chiến dịch "Overlord".

        Staline hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu 13 hay 14 sư đoàn cơ động ở Pháp và nhiều hơn 15 sư đoàn được điều đến đây từ các mặt trận khác. Liệu điều này có khiến cho kế hoạch "Overlord" bị hủy bỏ không.

        Tôi nói, "Không, nhất định không".

        Trước khi chúng tôi chia tay, Staline đã hướng ánh mắt về phía tôi qua chiếc bàn và nói, "Tôi muốn hỏi thẳng Ngai thủ tướng về "Overlord". Liệu ngài thủ tướng và Bộ tham mưu Anh có vững tin vào "Overlord" hay không?" Tôi đáp lại, "Miễn là những điều kiện được nêu ra trước đây cho "Overlord" được bảo đảm khi tới ngày đã định, nhiệm vụ to lớn của chúng ta sẽ là ào qua eo biển tấn công quân Đức bằng tất cả sức mạnh được phát huy cao độ của chúng ta". Chúng tôi đã chia tay nhau sau đó.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM