Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:02:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký Winston Spencer Churchill  (Đọc 53163 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #300 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:31:52 pm »

 
        Trong tháng 2, chúng đã phá hủy 71 tàu trọng tải 348.000 tấn trên biển Đại Tây Dương, trong đó chỉ có 2 chiếc bị đánh chìm trong khu vực Mỹ kiểm soát. Đó là mức thiệt hại lớn nhất mà chúng tôi đã phải gánh chịu từ trước đến nay. Nhưng chẳng bao lâu sau nó đã trở thành "lạc hậu". Tất cả những tàn phá này dù không đạt những con số khủng khiếp của thời kỳ tồi tệ nhất của năm 1917, được gây ra bởi không quá 12 đến 15 tàu hoạt động trong một thời gian trong khu vực. Sự bảo vệ của Hải quân Mỹ trong nhiều tháng là thiếu sót một cách tuyệt vọng. Một điều thật sự ngạc nhiên là trong vòng 2 năm phát triển của cuộc chiến tranh tổng lực, về hướng châu Mỹ đã không có sự chuẩn bị thêm để đối phó với cuộc tấn công  quyết liệt đến chết người này. Theo chính sách của Tổng thống: "Tất cả mọi viện trợ dành cho Anh", nhiều việc đã được thực hiện cho chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được 50 con tàu khu trục cũ và 10 tàu chống buôn lậu Mỹ. Đổi lại, Mỹ được sử dụng các căn cứ vô giá ở Tây Ấn. Nhưng tiếc là Đồng minh của chúng tôi lúc này thiếu những con tàu này. Sau Trân Châu Cảng, Thái Bình Dương lại trở thành một gánh nặng trên vai hải quân Mỹ. Tuy nhiên, với tất cả các thông tin mà họ có được về các biện pháp bảo vệ của chúng tôi, trong cả hai giai đoạn trước và trong cuộc chiến tranh, một điều đáng nói là người ta chưa hề có một kế hoạch nào đối với các đoàn tàu chạy ven bờ biển và việc bội tăng các loại tàu nhỏ. Và cả việc phòng không dọc bờ biển cũng vậy. Không quân thuộc lục quân Mỹ - bộ phận quản lý hầu như toàn bộ máy bay quân sự có căn cứ tại bờ biển - không hề được huấn luyện chống tàu ngầm. Trong khi đó, Hải quân được trang bị những thủy phi cơ và xe lội nước lại chẳng có phương tiện để triển khai được việc này, và trong những tháng quan trọng, hệ thống phòng ngự của Mỹ chỉ được thực hiện với những bước đi đau đớn và ngập ngừng.

        Thiệt hại của chúng tôi có thể lớn hơn thế nữa nếu quân Đức cho tàu chiến nổi hạng nặng tập kích vào Đại Tây Dương, nhưng Hitler bị ám ảnh bởi ý nghĩ là chúng tôi dự định đánh chiếm miền Bắc Na Uy vào một ngày sớm hơn. Với tư duy mạnh mẽ suy nghĩ một chiều của mình, ông ta đã hi sinh một cơ hội sáng chói và tập trung tất cả các tàu nổi đang có trên biển và nhiều tàu ngầm quý giá vào hải phận của Na Uy. Ông ta lập luận rằng: "Na Uy" là khu vực của vận mệnh trong cuộc chiến tranh này. Thực tế, như các độc giả đã biết, Na Uy đúng là quan trọng nhất, nhưng vào thời điểm này cơ hội của quân Đức là ở Đại Tây Dương. Các đô đốc đề nghị một cuộc phản công bằng hải quân nhưng vô ích. Vào tháng Giêng, ông ta đã điều chiếc Tirpitz, chiến hạm duy nhất của ông ta, nhưng lại là con tàu mạnh nhất thế giới, đến Trondheim, và vào ngày 12, ông ta đã quyết định triệu hồi hai tuần dương hạm chiến đấu là Schamhorst, và Gneisenau về cảng gốc, đó là hai con tàu đã bị phong tỏa ở Brest gần một năm trời. Quyết định này đã dẫn đến một sự kiện gây tranh cãi và sự phản đối ở Anh, mạnh đến mức là nó yêu cầu phải đánh lạc hướng.

        Những thiệt hại trầm trọng ở Địa Trung Hải và sự mất khả năng chiến đấu tạm thời của toàn bộ Hạm đội phía Đông của chúng tôi đã buộc chúng tôi phải huy động hầu hết tất cả máy bay phóng ngư lôi để bảo vệ Hy Lạp chống lại sự xâm lăng tiềm tàng từ hải ngoại. Nhưng tất cả mọi sự chuẩn bị mà chúng tôi có thể thực hiện đều nhằm mục đích theo dõi Brest và để đối phó với bất cứ cuộc xuất kích tấn công nào bằng bom và ngư lôi từ trên không và từ dưới biển. Mìn cũng được rải dọc trên tuyến được cho là địch sẽ xử dụng ở cả trên biển Manche và gần bờ biển Hà Lan. Bộ hải quân cho rằng địch có thế tìm cách đi qua Dover Strait vào ban đêm; nhưng đô đốc Đức lại chọn bóng tối để né tránh các cuộc tuần tra của chúng tôi khi rồi Brest và vượt qua các khẩu đội pháo ở Dover vào ban ngay. Ông ta đã nhổ neo rời Brest trước nửa đêm ngày 11.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #301 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:34:27 pm »


        Buổi sáng ngày 12 - đầy sương mù - khi tàu địch bị phát hiện thì rada của máy bay tuần tra của chúng tôi bị hỏng. Rada ngoài biển của chúng tôi cũng không thể xác định được chúng. Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi thật xui xẻo. Chúng tôi đã biết từ đầu cuộc chiến là tướng Martini, người phụ trách rada của quân Đức, đã lập kế hoạch rất cẩn thận. Việc gây nhiễu sóng của quân Đức, mặc dù từ xưa tới nay phần nào không hiệu quả, đã được cải thiện vì được bổ sung nhiều thiết bị mới, nhưng để không gây nghi ngờ, chúng đã cho vào hoạt động dần dần để việc gây nhiễu tỏ ra mỗi ngày chỉ ác hiểm hơn chút ít mà thôi. Các người vận hành rada của chúng tôi không phàn nàn gì nhiều, và cũng chẳng có ai nghi ngờ rằng có bất cứ cái gì đó không bình thường. Tuy nhiên, đến ngày 12 tháng 2, nhiễu sóng trở nên mạnh đến mức rađa kiểm soát mặt biển của chúng tôi thực sự trở nên vô dụng. Không phải mãi đến trước llh 25’ sáng hôm đó Bộ Hải quân mới nhận được tin túc. Lúc đó, các tuần dương hạm trốn thoát và đoàn hộ tống gồm tàu khu trục và máy bay hùng mạnh của chúng chỉ cách Boulogne khoảng 20 dặm. Ngay đầu buổi chiều hôm đó, các cỗ đại pháo ở Dover đã khai hỏa và lực lượng chủ công đầu tiên gồm 5 chiếc tàu phóng ngư lôi lập tức được hạ thủy, và tấn công. Sáu máy bay phóng ngư lôi Swordfish (tàu cá kiếm) đến từ Manston, ở Kent, do thiếu tá hải quân Esmonde dẫn đầu (ông là người chỉ huy cuộc tấn công đầu tiên vào tàu Bismark) đã lên đường mà không đợi hơn 10 máy bay Spitfire (khạc ra lửa) đi hộ tống. Máy bay Swordfish bị chiến đấu cơ địch tấn công dữ dội và phóng ngư lôi về phía địch, nhưng phải trả giá đắt. Không có ai quay trở về được nữa, chỉ có 5 người sống sót được cứu. Thiếu tá Esmonde đã được truy tặng huy chương chiến công.

        Các đợt tấn công địch nối tiếp nhau bằng máy bay ném bom và phóng ngư lôi cho đến khi đêm xuống mới chấm dứt. Giao chiến ác liệt và hỗn loạn với chiến đấu cơ Đức, trong đó thiệt hại về phía chúng tôi nghiêm trọng hơn so với địch có lực lượng đông hơn. Khi các tàu khu trục của Đức rơi bờ biển Hà Lan vào khoảng 3h 30’ chiều, năm tàu khu trục từ Harwich ồ ạt tấn công áp sát bằng ngư lôi ở cự ly khoảng 3.000 thước Anh dưới làn đạn bắn xối xả. Không bị thương tổn bởi pháo của Dover hay bởi ngư lôi, liên đội tàu tiếp tục hành trình, và đến sáng ngày thứ 13 tất cả các tàu này đã về tới căn cứ. Tin này đã gây ngạc nhiên đối với công chúng Anh vì người ta không hiểu nổi cái mà mình được nghe là bằng chứng của việc quân Đức làm chủ biển Manche. Ngay sau đó, Trung tâm Tình báo của chúng tôi phát hiện ra rằng hai con tàu Scharnhorst và Gneisenau đã trở thành nạn nhân của các ổ mìn được chúng tôi thả từ trên máy bay xuống. Mất chừng 6 tháng thì tàu Schamhorst mới có thể được phục hồi, còn tàu Gneisenau thì không bao giờ xuất hiện lại trong cuộc chiến được nữa. Tuy nhiên, điều này không thể được công bố và cả nước kịch liệt phẫn nộ.

        Để xoa dịu những lời kêu ca phàn nàn, một cuộc điều tra chính thức được tiến hành, và công bố những gì có thể công bố được. Nhìn lại từ góc độ tiếp sau và xét trên các mặt lớn hơn của nó thì sự kiện này rất có lợi cho chúng tôi. Tổng thống điện cho tôi: "Buổi sáng thứ hai tới, khi phát biểu trên đài, tôi phải nói về những người đã coi sự kiện Biển Manche như một sự thất bại. Tôi càng ngày càng tin rằng vị trí của tất cả các tàu Đức ở trong địa bàn nước Đức làm cho vấn đề liên Hải quân Bắc Đại Tây Dương của chúng ta trở nên đơn giản hơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #302 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:35:57 pm »


        Nhưng lúc đó tình thế có vẻ rất tồi tệ đối với những người trong Đại đồng minh, nằm ngoài nhóm những giới tuyệt mật của chúng tôi. Trong khi đó sự tàn phá vẫn tiếp tục ngự trị dọc bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ. Một viên chỉ huy tàu ngầm báo cáo Doenitz rằng, đã đến chục lần, các tàu ngầm có thể phát hiện được nhiều mục tiêu to lớn nằm lại dưới đáy biển trong suốt thời gian trời sáng, chúng dùng tốc độ cao khi nổi lên mặt nước vào ban đêm để chọn mục tiêu ngon nhất. Hầu như mỗi quả ngư lôi chúng mang theo đều tìm được nạn nhân của nó và khi ngư lôi đã dùng hết thì đại bác cũng có hiệu quả tương tự. Các thị trấn trên bờ biển Đại Tây Dương, nơi mà mặt nhìn ra biển còn được chiếu sáng hoàn toàn trong 1 thời gian ngắn, thì đêm nào cũng nghe thấy những âm thanh của cuộc chiến, chứng kiến cảnh tàu bị bốc cháy và đánh đắm ngoài khơi, và cứu những người sống sót và bị thương. Người ta hết sức tức giận Bộ máy chính quyền quá lúng túng. Tuy nhiên, chọc túc người Mỹ thì dễ chứ làm cho họ sợ hãi thì còn khó lắm.

        Ở Luân Đôn, chúng tôi ghi chép những bất hạnh này với sự lo lắng và buồn rầu. Ngày 10 tháng 2, chúng tôi đã tự nguyện phái 24 trong số các tàu rà quét chống tàu ngầm và 10 tàu hộ tống nhỏ được trang bị tốt nhất của chúng tôi với đội ngũ vận hành tinh thông đến Hải quân Mỹ. Đoàn tàu được Đồng minh của chúng tôi chào đón, và chiếc đầu tiên đã đến New York vào đầu tháng Ba. Con số này thật nhỏ nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể dành ra. "Đó là tất cả những gì nước Anh đã giúp - và là tất cả những gì nước Anh phải giúp". Các đoàn tầu chạy ven biển không thể đi vào hoạt động được cho đến khi có tố chức đàng hoàng và các tàu hộ tống được ghép lại với nhau. Các tàu bay và tàu chiến sẵn có lúc đầu chỉ dùng đế đi tuần tra các khu vực bị quân địch đe dọa. Quân địch dễ dàng né tránh các tàu và máy bay này và săn lùng mồi ở nơi khác. Bây giờ điểm nhấn mạnh lại rơi vào khu vực giữa Charlton và New York, trong khi các tàu ngầm Đức đi đơn lẻ lảng vảng khắp vùng Caribê và vịnh Mexicô một cách láo xược và tự do không chấp nhận được. Trọng lượng của các tàu bị đắm lên tới gần nửa triệu tấn, đại bộ phận chỉ cách bờ biển Mỹ khoảng 300 dặm, và xấp xỉ một nửa trong số đó là các tàu chở dầu. Chỉ có hai tầu ngầm Đức bị tàu bay Mỹ đánh chìm trong vùng biển Mỹ, và lần tiêu diệt đầu tiên ngoài khơi bờ biển Mỹ, mãi cho đến 14/4 mới được tàu khu trục Roper của Mỹ thực hiện.

        Ở Châu Âu, tháng 3 khép lại với những chiến công vang dội ở St. Naraire. Đây là nơi duy nhất dọc theo suốt cả bờ biển Đại Tây Dương mà chiếc Tirpitz có thể được đưa vào ụ sửa chữa , nếu như nó có bị thiệt hại. Nếu ụ này, một trong số các ụ lớn nhất thế giới có thể bị phá hủy, thì lần xuất kích của Tirpitz từ Trondheim vào Đại Tây Dương sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều, và có thể sẽ được coi là một điều không đáng làm. Các đặc công của chúng tôi hăm hở sẵn sàng xuất trận và đây là một hành động vinh quang được đưa vào chiến lược tầm cao. Dẫn đầu là chỉ huy trưởng Ryder của Hải quân Hoàng gia cùng với đại tá Newman thuộc trung đoàn Essex, một đoàn tàu khu trục và khinh hạm ven biển đã nhổ neo rời Falmouth vào buổi chiều ngày 26/3, chỏ theo khoảng 250 toán đặc công. Họ phải vượt qua khoảng 400 dặm biển dưới tầm kiểm soát liên tục của địch và 5 dặm ngược dòng cửa sông Loire.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #303 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:38:04 pm »


        Mục đích là phá hoại các cửa của đập chắn lớn. Chiến hạm Campbeltown, một trong số 50 tàu khu trục cũ của Mỹ, chỏ 3 tấn thuốc nổ mạnh trên mũi, lao thẳng vào các cửa đập sát tầm bắn và trước lưới lửa dầy đặc của quân địch. Ở đây, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Beattie, nó được tháo van cho nước tràn vào các kíp nổ của các gói bộc phá chính được bố trí cho nổ sau đó. Từ trên boong thiếu tá Copeland cùng toán quân đô bộ lao vào bờ phá hủy bộ máy cảng, xuống chữa tàu. Quân Đức đối phó bằng một lực lượng vượt trội, và cuộc chiến đấu ác liệt bắt đầu diễn ra.

        Toán quân đổ bộ chỉ có 5 người bị bắt hoặc bị thương. Tàu của Ryder tuy bị trúng đạn từ mọi phía, nhưng kỳ lạ thay, nó vẫn nổi khi cố mỏ đường chạy ra biển cùng với số quân còn sót lại, và đã trở về căn cứ một cách an toàn. Nhưng vẫn chưa thấy tiếng nổ lớn. Có trục trặc gì đó ở ngồi nổ nên mãi đến ngày hôm sau, một tốp đông các kỹ thuật viên và các sĩ quan Đức đi kiểm tra xác tàu Campbeltown bị mắc kẹt ở các cửa đập, con tàu mới phát nổ và nó nổ với sức mạnh khủng khiếp, giết chết hàng trăm người Đức và phá tan đập chặn lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc. Ngươi Đức đối xử trọng thị các tù nhân trong đó, bốn người đã được tặng huy chương Victoria (Victoria Cross), nhưng lại trừng phạt nghiêm khắc những người Pháp dũng cảm - những người do tình thế kích động đã nổ ra từ mọi phía nhằm cứu vãn cái mà họ hi vọng là người đi tiên phong của sự giải phóng.

        Ngày 1/4, Hải quân Mỹ, đã có thể khởi đầu một hệ thống đoàn tầu mang tính chất của một bộ phận. Thoạt tiên chỉ thực hiện được việc các tốp tàu có hộ tống di chuyến vào ban ngày từng cung ngắn một khoảng 120 dặm giữa các bãi đậu có bảo vệ. Ban đêm tầu đứng nguyên tại chỗ. Bất cứ một ngày trọn vẹn nào cũng có trên 120 tàu cần được bảo vệ trên tuyến giữa Florida và New York.

        Hệ lụy của các sự chậm trễ là sự bất hạnh dưới một hình thức khác. Mãi đến ngày 14/5 mới có một đoàn tàu được tổ chức hoàn chỉnh đầu tiên nhổ neo từ Hampton Road đi Key West. Sau đó, hệ thống nhanh chóng mở rộng lên phía Bắc đến New York và Halifax và đến cuối tháng một, thì đã hoàn thành xong chuỗi đoàn tầu bờ biển phía Đông từ Key West lên phía Bắc. Tình hình lập tức được cải thiện và thiệt hại cũng giảm xuống.

        Đô đốc Doenitz đột ngột chuyển điểm tấn công sang Caribê và vịnh Mexico, nơi ma ở đó các đoàn tàu vẫn chưa hoạt động, xếp hàng xa hơn nữa, các tàu ngầm Đức cũng bắt đầu xuất hiện ơ phía ngoài khơi bờ biển Brazil và ở sông St. Lawrence. Chua đến cuối nám, các đoàn tầu gắn kết chặt chẽ với nhau đã bắt đầu kiếm soát toàn bộ các khu vực rộng lớn này một cách thực sự có hiệu quả. Tháng 6, tình hình đã khá hơn, và đến cuối tháng 7 người ta đã có thể coi là các cuộc tấn công khủng khiếp của địch ở dọc bờ biển Mỹ đã hoàn toàn chấm dứt. Trong vòng 7 tháng, những thiệt hạt về tàu của quân Đồng minh ở Đại Tây Dương do các tàu ngầm Đức gây ra lên đến hơn 3 triệu tấn trong đó có 181 tàu Anh với trọng tải 1.130.000 tấn. Gần 1/10 số thiệt hại đã xẩy ra đối với các đoàn tầu hộ tống. Đổi lại, cho đến tháng 7 thiệt hại của địch chỉ là 14 tàu ngầm bị chìm trên Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, và trong số đó chỉ có 6 chiếc bị đắm trong vùng biển Bắc Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #304 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:39:47 pm »


        Từ đó trở đi chúng tôi đã giành lại thế chủ động. Riêng tháng 7, có 5 tàu ngầm Đức bị đắm ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương, ngoài ra còn có thêm 6 tàu Đức và 3 tàu Ý bị đánh chìm ở các nơi khác. Tổng số thiệt hại lên đến 14 tàu trong vòng tháng 7, một nửa số đó là chiến công của các đoàn tàu hộ tống, và điều đó đã động viên chúng tôi. Đây là kết quả tốt đẹp nhất mà chúng tôi đã đạt được từ trước đến nay; nhưng số tàu mới mà địch tiếp tục cho vào hoạt động mỗi tháng còn nhiều hơn số tàu bị chúng tôi tiêu diệt. Hơn nữa, mỗi khi chúng tôi bắt đầu giành chiến thắng thì đô đốc Doenitz lại chuyển vị trí các tàu ngầm của ông ta. Vì sân chơi là các đại dương rộng lớn nên ông ta có thể luôn luôn có được một thời gian ngắn an toàn trên một khu vực mới. Vào tháng 5, một đoàn tàu xuyên Đại Tây Dương bị mất 7 tàu, cách Tây Ireland khoảng 700 dặm. Tiếp đó là cuộc tấn công dữ dội gần Gibraltar, và quanh Freetown bỗng xuất hiện trở lại các tàu ngầm Đức. Một lần nữa, Hitler lại làm lợi cho chúng tôi bằng cách nhấn mạnh nên giữ một đoàn tàu ngầm Đức luôn sẵn sàng để đối phó với việc quân Đồng minh chiếm Azores hay Madeira. Suy nghĩ của ông ta không hoàn toàn nhầm, nhưng yêu cầu này của ông ta lại được đưa ra vào đúng những ngày thanh bình cuối cùng trên bờ biển nước Mỹ.

        Cuộc tấn công bằng tàu ngầm là tai hại tồi tệ nhất của chúng tôi. Lẽ ra, nếu khôn ngoan hơn, thì quân Đức đã dồn tất cả mọi sức mạnh vào đó. Tôi nhớ có lần bố tôi nói rằng: "Làm chính trị, khi đã nắm được một lợi thế thì phải bám vào đó cho thật chặt". Đây cũng là một nguyên tắc chiến lược quan trọng. Đúng như là Goering đã liên tục thay đổi các mục tiêu trên không của mình trong chiến dịch không kích Anh năm 1940, giờ đây cuộc chiến bằng tàu ngầm, trên một mức độ nào đó, có yếu đi vì có những sự thu hút cạnh tranh nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa nó vẫn là một sự kiện khủng khiếp nhất trong một thời kỳ rất đen tối.

        Ỏ đây nên thuật lại diễn tiến của các sự kiện và ghi ngắn gọn bước tiến của cuộc chiến ở Đại Tây Dương tính đến năm 1942.

        Tháng 8, các tàu ngầm tập trung sự chú ý vào khu vực xung quanh Trinidad và bờ biển phía bắc của Brazil để nhằm vào các mục tiêu hấp dẫn nhất là các tàu chở Bauxit tới Mỹ phục vụ ngành công nghiệp máy bay, và dòng tàu đi ra chở đồ tiếp tế sang Trung Đông. Các tàu ngầm khác hoạt động gần Freetown; và một số tàu ngầm lại đang hoạt động xa về hướng Nam tận Mũi Hảo Vọng, và thậm chí một số còn thâm nhập cả vào Ấn Độ Dương. Đã có lúc, tình hình làm chúng tôi lo lắng. Ở đây, trong tháng 9 và tháng 10, 5 tầu vận tải lớn trên đường về bến gốc ở Nam Đại Tây Dương bị đánh đắm, nhưng toàn bộ các đoàn tàu chở tiếp tế của chúng tôi từ Mỹ tới Trung Đông có hộ tống đã đến đích bình yên vô sự. Trong số các tàu bị đắm có chiếc Laconia trọng tải gần 20.000 tấn chở 2000 tù binh chiến tranh Ý tới Anh. Nhiều người bị chết đuối.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #305 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:41:52 pm »


        Vào lúc này, các chiến trận chính một lần nữa xảy ra dọc các tuyến đường lớn ở Bắc Đại Tây Dương. Các tàu ngầm đã hiểu được rằng phải coi chừng sức mạnh trên không, và trong các cuộc tấn công mới, chúng hầu như chỉ hoạt động ở khu vực trung tâm, ngoài tầm tấn công của máy bay có căn cứ tại Băng Đảo và Newfoundland. Hai đoàn tầu đã bị tấn công tơi bời vào tháng 8, trong đó một đoàn mất 11 tàu, và trong tháng đó, tàu ngầm đã đánh chìm 108 chiếc với tổng trọng tải tới hơn nửa triệu tấn. Trong hai tháng 9 và 10, quân Đức quay trở lại kiểu đánh trước đây vào ban ngày bằng tàu ngầm. Với số lượng lớn hơn, giờ đây hoạt động theo lối "bầy sói" và với các nguồn lực hạn chế của chúng tôi thì không thể ngăn chặn được những, mất mát lớn về các đoàn tầu, và chúng tôi cảm thấy nghiêm trọng nhất là việc Bộ Tư Lệnh Duyên Hải thiếu một đội máy bay hoạt động trên diện rộng. Tầm hoạt động của máy bay bảo vệ không quá 600 dặm tính từ các căn cứ trên bờ biển của chúng tôi, và chỉ cách Newfoundland chừng 400 dặm, để trống một diện tích lớn không được bảo vệ ở giữa Đại Tây Dương, nơi mà các tầu nổi làm nhiệm vụ sẽ không có được hỗ trợ từ trên không. Va các phi công của chúng tôi đã làm hết sức mình trong bối cảnh bi đát này.

        Lực lượng hải quân hộ tống không bao giờ có thể bố trí xa các đoàn tàu giải tỏa các sự tập trung cao độ ở các sườn. Vì vậy, khi "bầy sói" tấn công thì chúng tràn qua sự phòng ngự của chúng tôi. Giải pháp duy nhất là phải có đủ máy bay xung quanh mỗi đoàn tàu để phát hiện bất cứ các tàu ngầm nào ở gần và buộc chúng phải lặn xuống, và như vậy thì sẽ có được tuyến đường an toàn. Nhưng thậm chí như vậy cũng chưa đủ. Chúng tôi phải tìm và tấn công mạnh ở bất kỳ nơi nào chúng tôi có thể phát hiện ra chúng, cả từ trên không lẫn trên biển. Sô lượng máy bay, phi công giỏi và vũ khí không quân vẫn rất khan hiếm, nhưng bây giờ chúng tôi đã bắt đầu hình thành "Đội yểm hộ" bằng các tàu nổi.

        Ý kiến này được ủng hộ từ lâu, nhưng phương tiện thì lại chưa có. Đội yểm hộ đầu tiên theo mô hình này, mà sau này đã trở thanh một yếu tố hiệu nghiệm nhất trong cuộc chiến chống tàu ngầm, bao gồm 2 tàu tuần tra, 4 tàu trong số tàu hộ tống nhỏ giờ đây đang được xuất xưởng, và 4 tàu khu trục. Với các tổ lái được đào tạo rất lâu và có kinh nghiệm cũng như những vũ khí mới ra đời nhất, hoạt động độc lập với đoàn tàu, cũng như không bị cản trở bởi những nhiệm vụ khác, nhiệm vụ của các Đội yểm hộ này là phối hợp với không quân để tìm kiếm, săn đuổi và tiêu diệt. Năm 1943, thường bao giờ cũng có một máy bay dẫn đường cho một Đội yểm hộ tới mục tiêu, khi đuổi bắt một tàu ngầm người ta sẽ phát hiện ra các tàu ngầm khác, và có khi còn tìm ra cả "bầy".

        Người ta cũng bố trí các máy bay đi theo các đoàn tầu. Cuối năm 1942 đã có tới 6 "Mẫu hạm hộ tống" được đưa vào hoạt động. Sau đó, có thêm rất nhiều mẫu hạm được đóng tại Mỹ, ngoài số được đóng tại Anh, và con tàu đầu tiên, chiếc Avenger đã nhổ neo cùng với đoàn tầu Bắc Nga vào tháng 9. Sự xuất hiện có hiệu quả đầu tiên của những mẫu hạm như vậy là với các đoàn tàu Bắc Phi vào cuối tháng 10. Được trang bị các máy bay Cá Kiếm hải quân, họ đã đáp ứng được nhu cầu - đó là: trinh sát chung dưới mặt nước, không bị phụ thuộc vào các căn cứ trên bờ và cộng tác chặt chẽ với lực lượng hộ tống bằng tầu nổi. Vì vậy, bằng cố gắng tuyệt đối và tài tình khéo léo, chúng tôi đã bắt đầu giành chiến thắng; nhưng sức mạnh của địch cũng đang tăng và chúng tôi cũng phải nếm trải nhiều thất bại. Trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng 2 năm 1942, số tàu ngầm đã tăng lên hơn gấp đôi.

        Có tới 196 tàu hoạt động được, và các đoàn tầu của chúng tôi ở Bắc Đại Tây Dương phải đối mặt với một lượng tàu ngầm hung hãn và đông đảo hơn bao giờ hết. Để đảm bảo cho các hoạt động chính của chúng tôi ở Châu Phi, lục lượng bảo vệ của chúng tôi đã bị cắt giảm triệt để, vì lợi ích của các cuộc hanh quân lớn của chúng tôi tại châu Phi. Vào tháng 11, thiệt hại của chúng tôi trên biển là nặng nề nhất trong toàn bộ cuộc chiến, cụ thể là 117 tàu trọng tải hơn 700.000 tấn, riêng bởi tàu ngầm, và thêm khoảng 100.000 tấn nữa vì những nguyên nhân khác.

        Như vậy tình hình ở ngoài biển xa đã thành mối đe dọa đến mức vào mồng 4 tháng 11, tôi đã phải đích thân triệu tập một cuộc họp của tổ chức ủy ban chống tàu ngầm mới. Việc ủy ban này có thể có quyền đưa ra những quyết định quan trọng đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc xung đột. Trong một nỗ lục kéo dài tầm hoạt động của máy bay "Người giải phóng" có trang bị rada, chúng tôi đã quyết định đình sự hoạt động của nó cho đến khi đã thực hiện xong các sự cải tiến cần thiết. Tổng thống, theo yêu cầu của tôi, đã gửi toàn bộ các máy bay Mỹ phù hợp được trang bị hệ thống rada tối tân nhất để thực hiện nhiệm vụ từ căn cứ Liên hiệp Anh quốc. Hiện tại, chúng tôi lại có thể nối lại các hoạt động ở Vịnh Biscay với một lực lượng hùng mạnh hơn và trang thiết bị tốt hơn rất nhiều. Tất cả những điều này đã dẫn đến những chiến công sau này trong năm 1943.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #306 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:46:19 pm »

       
9

NHỮNG CHIẾN THẮNG CỦA HẢI QUÂN MỸ

        Biển San Hô và Đảo Midway1

        Những sự kiện khuấy động gây ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc chiến tranh giờ đây đang diễn ra ở Thái Bình Dương. Vào cuối tháng ba, giai đoạn đầu của kế hoạch chiến tranh Nhật Bản đã thành công đến mức thậm chí chính các tác giả của nó cũng phải ngạc nhiên. Nhật đã chiếm gọn Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, và hầu hết toàn bộ khu vực đảo rộng mênh mông, tạo thành Đông Ấn thuộc Hà Lan. Quân đội Nhật đã tràn sâu vào Myanma, còn ở Philippines, tại thành phố Corregidor, quân Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu nhưng trong tình trạng vô vọng.

        Niềm hân hoan của người Nhật đã lên đến điểm đỉnh. Lòng tự hào về những chiến thắng quân sự và niềm tin vào sự lãnh đạo của họ đã được củng cố bởi việc họ tin chắc rằng các cường quốc Phương Tây không thể có quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quân đội Hoàng gia đã bắt đầu đặt chân lên các đường biên giới đã được họ lựa chọn một cách cẩn thận trong những kế hoạch lập từ trước cuộc chiến như là giới hạn sáng suốt trong bước tiến của họ. Trong phạm vi khu vực rộng bao la này, nơi có các nguồn lực và của cải vô tận, họ có thể củng cố được sự chiếm đóng và phát triển uy quyền chiến thắng mới của họ. Kế hoạch được chuẩn bị trong cả một thời gian dài của họ đã quy định một bước nghỉ chân tại giai đoạn này để dưỡng sức, để chống lại cuộc phản công của Mỹ hoặc để tiếp tục chuẩn bị cho các bước tiến khác. Nhưng giờ đây, trong vầng hào quang chiến thắng, hình như với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, giờ hoàn thành định mệnh của họ đã điểm. Họ phải xứng đáng với điều đó. Những ý nghĩ này nảy sinh không chỉ từ những cám dỗ tự nhiên của những chiến thắng vang dội đối với con người, mà còn từ những lập luận quân sự nghiêm túc. Liệu nên dừng lại để tổ chức chu đáo vòng đai mới hay tiếp tục tiến để chiếm nhiều hơn cho việc phòng ngự của mình, đó dường như đối với họ là một vấn đề chiến lược được cân nhắc.

        Sau cuộc bàn luận ở Tokyo, tham vọng tiến thêm được thông qua. Nhật đã quyết định mở rộng sức mạnh ra ngoài bao gồm quần đảo Western Aleutians, đảo Midway, Samoa, Fiji, New Caledonia và Port Moresby Ở Nam New Guinea. Sự mở rộng này đã đe dọa Trân Châu Cảng vốn vẫn còn là căn cứ chính của Mỹ. Nếu được duy trì thì nó cũng cắt rời liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Úc. Nó sẽ đem lại cho Nhật các căn cứ phù hợp để từ đó tung ra các cuộc tấn công.

        Bộ Tư lệnh tối cao Nhật Bản tỏ rõ sự khéo léo tài tình và táo bạo nhất trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch của mình. Tuy nhiên, họ bắt đầu trên một cơ sở đã không đánh giá được tầm vóc đích thực của các lực lượng thế giới. Họ chưa bao giờ hiểu rõ sức mạnh tiềm ẩn của Mỹ. Vào lúc này họ vẫn nghĩ rằng Hitler của nước Đức sẽ chiến thắng ở châu Âu. Họ cảm thấy trong họ trào lên dồng máu muốn lãnh đạo châu Á, bằng các sự chinh phục không giới hạn và sự vinh quang của mình. Vì vậy họ bị kéo vào một canh bạc, thậm chí nếu thắng cuộc thì ưu thế của họ sẽ chỉ kéo dài được đến một năm, còn nếu thất bại thì ưu thế của họ cũng sẽ giảm xuống trong một thời gian tương đương. Trong kết quả thực tế, họ đã đổi lợi thế khá mạnh và chắc trong tay lấy một diện tích rộng lớn nhưng rời rạc mà họ không đủ khả năng để kiểm soát. Và khi bị tấn công ở khu vực vòng ngoài, họ cảm thấy răng họ không có lực lượng để bảo vệ vững chắc những khu vực bên trong mang tính sống còn của họ.

        Tuy nhiên, vào thời điểm nay, trong cuộc chiến tranh thế giới không ai có thể khẳng định rằng Đức sẽ không đập tan nước Nga, hoặc dồn Nga ra ngoài Urals, và sau đó có thể quay trở lại chiếm nước Anh; hoặc tràn qua Caucase và Ba Tư để bắt tay với đội quân tiên phong Nhật ở Ấn Độ. Để chỉnh đốn lại vị thế của Đại Đồng Minh, nước Mỹ với ưu thế ở Thái Bình Dương cần phải có một cuộc chiến thắng hải quân mang tính quyết định, cho dù là việc kiểm soát toàn bộ Thái Đại Dương có thể chưa được tạo dựng ngay. Và chúng tôi đã chiến thắng. Tôi luôn tin rằng hải quân Mỹ sẽ giành lại được quyền kiểm soát Thái Bình Dương vào tháng 5, nếu chúng tôi có thể có bất cứ sự trợ giúp nào xuất phát từ Đại Tây Dương hay ở trong Đại Tây Dương. Những hy vọng đó chỉ dựa vào sự tính toán về sự sản xuất đã chín muồi các chiến hạm, mẫu hạm và các tàu khác của Mỹ và Anh. Bây giờ chúng tôi có thể miêu tả theo cách ngắn gọn cần thiết cuộc hải chiến vang dội và gây kinh ngạc đã khẳng định thực tế hào hùng này dưới một hình thức không thể phủ nhận được.

-----------------------
       1. Xem cuốn "Hành động tại Biển san hô, Midway và tàu ngầm" của đại úy Hải quân Mỹ S.E Morison.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #307 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:53:43 pm »


*

        Vào cuối tháng 4 năm 1942, Bộ Tư Lệnh tối cao Nhật Bản bắt đầu thực hiện chính sách bành trướng mới. Chính sách mở rộng này bao gồm việc chiếm cảng Port Moresby và Tulagi, ở phía Nam Solomons, đối diện với đảo lớn Guadalcanal. Việc chiếm được cảng Port Moresby sẽ hoàn thành giai đoạn đầu của việc thống trị New Guinea và tăng thêm an toàn cho căn cứ hải quân tiền tiêu của họ tại Rabaul, New Britain. Từ New Guinea và Solomons, họ có thể bắt đầu cuộc bao vây Úc.

        Cơ quan tình báo Mỹ nhanh chóng biết rằng Nhật đang tập trung ở những vùng biển này. Người ta đã phát hiện ra những lực lượng được chuyển tới Rabaul từ căn cứ hải quân chính của chúng tại Truk, thuộc quần đảo Caroline, và rõ ràng là sắp có một cuộc tiến quân về huống Nam. Thậm chí người ta có thể dự đoán rằng ngày 3 tháng 5 là ngày bắt đầu các cuộc hành quân. Lúc này các tầu mẫu hạm của Mỹ đang phân tán rộng ra nhiều nơi vì phải thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cuộc oanh kích ngoạn mục và quyết liệt vào chính Tokyo ngày 18 tháng 4 của tướng Doolittle. Điều này thậm chí có thể được coi là một yếu tố quyết định đối với chính sách mới của Nhật.

        Nhận thức được mối đe dọa ở phía Nam, đô đốc Nimitz lập tức tập hợp một lực lượng hùng mạnh nhất ở biển San Hô. Phó Đô đốc hậu quân Fletcher đã có mặt ở đó cùng với mẫu hạm York Town và ba tàu tuần dương hạm hạng nặng.

        Ngày 1 tháng 5, lại có thêm mẫu hạm Lexington và hai tàu tuần dương hạm khác từ Trân Châu cảng kéo đến dưới sự chỉ huy của đô đốc hậu quân Fletcher, và 3 ngày sau đó là một liên đội tàu do Phó đô đốc hậu quân Crace - một sĩ quan người Anh - chỉ huy. Đoàn nay gồm 2 tàu tuần dương hạm Australia và Hobart và tàu tuần dương hạm Chicago của Mỹ. Các mẫu hạm khác Enterprise và chiếc Homet đang tham gia cuộc đột kích Tokyo và mặc dù chúng nhanh chóng được điều xuống phía Nam nhưng chúng không thể gặp được đô đốc Fletcher trước trung tuần tháng 5. Thế là trước đó, trận đánh đã diễn ra.

        Ngày 3 tháng 5, trong khi đang tiếp nhiên liệu trên biển cách miền Nam Guadalcanal khoảng 400 trăm, đô đốc Fletcher được tin là quân địch đã đặt chân lên Tulagi, với mục đích trước mắt là thiết lập ở đó một căn cứ cho máy bay hoạt động trên biển, để từ đó quan sát các lối vào về hướng đông đến biển San Hô. Thấy được mối đe dọa rõ ràng sắp đến với tiền đồn nay, đơn vị đồn trú nhỏ của Úc ở đó đã phải rút lui trước đó hai ngày. Đô đốc Fletcher ben lập tức chỉ dùng toán đặc nhiệm của mình tấn công lên đảo; còn toán quân của Fitch vẫn tiếp tục nạp nhiên liệu. Sáng sớm hôm sau, máy bay từ mẫu hạm Yorktown công phá Tulagi. Tuy nhiên lực lượng bảo vệ của địch đã rút và chỉ để lại một ít tàu khu trục và tàu nhỏ. Do đó kết quả là đáng thất vọng.

        Hai ngày tiếp theo trôi đi không hề có việc gì quan trọng xảy ra, nhưng rõ ràng là không thể trì hoãn lâu một cuộc đụng độ lớn. Ba toán quân của Đô đốc Fletcher đã nạp nhiên liệu xong, bây giờ tất cả đều không đơn độc, và đóng ở hướng Đông Bắc nhìn về phía New Guinea. Ông ta biết là lực lượng đánh chiếm cảng Port Moresby đã rời khỏi Rabaul và rất có khả năng sẽ đi qua Jomard trong bán đảo Louisiade vào mồng 7 hoặc mồng 8. Ông cũng biết rằng hiện có ba mẫu hạm của quân địch ở vùng lân cận, nhưng không biết cụ thể vị trí của chúng. Lực lượng chủ công của Nhật bao gồm hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku được sự yểm hộ của hai tàu khu trục hạng nặng, đã rời Truk đến phía Nam, di chuyển theo phía Đông Nam của Solomons, ngoài tầm trinh sát của máy bay và đã tới biển San Hô từ hướng Đông vào tối ngày mồng 5. Ngày mồng 6, chúng nhanh chóng áp sát Fletcher và vào buổi tối hôm đó, có lúc chỉ còn cách khoảng 70 dặm, nhưng chẳng bên nào biết về sự hiện diện của bên kia. Trong đêm đó, hai bên bắt đầu tiến về hai phía khác nhau, và vào mồng 7, Fletcher đã tới vị trí của mình ở Louisiade, và từ đó dự định tiến công quân xâm lược. Lúc này, ông phái nhóm quân của Crace tiếp tục tiến lên phía trước và phong tỏa lối thoát ra hướng phía Nam của Jomard, nơi người ta dự tính là quân địch sẽ xuất hiện vào ngày hôm đó, quân của Crace đã bị phát hiện sớm, và vào buổi chiều đã phải hứng chịu những trận tấn công hết đợt này đến đợt khác của máy bay ném ngư lôi có căn cứ tại bãi biển mà tính quyết liệt được so với trận đánh đã nhấn chìm các tàu Prince of Wales và Repulse. Nhờ đối phó tài tình và cả may mắn, nên không chiếc nào bị đánh trúng, và Crace lại tiếp tục tiến về hướng Port Moresby cho đến khi nhận được tin rằng quân địch đã quay lại, ông rút về hướng Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #308 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:58:39 pm »


        Trong khi đó, các mẫu hạm của địch mà Fletcher không nắm được tin tức gì chính xác, vẫn là mối quan tâm chính của ông. Vao lúc bình minh, ông bắt đầu tiến hành lục soát trên diện rộng, và vào 8.15 sáng, công sức của ông đã được đền bù xứng đáng khi được báo cáo có hai mẫu hạm và bốn tàu khu trục địch ở phía bắc Louisiade. Trên thực tế, tàu địch được phát hiện không phải là mẫu hạm chủ công, đó chỉ là nhóm hộ tống trong đó có mẫu hạm hạng nhẹ Shoho có nhiệm vụ bảo vệ các tàu chở quân. Tuy nhiên, quân của Fletcher lại tấn công băng toàn bộ sức mạnh của mình, và sau ba tiếng đồng hồ thì mẫu hạm Shoho đã bị ngợp và đánh chìm. Sự kiện này đã làm cho quân xâm lược mất sự yểm hộ của phi cơ và buộc phải quay lại. Như vậy, đoàn tàu chở quân đến Port Moresby đã không bao giờ tới được Jomard Passage, và ở lại phía bắc Louisiade cho đến khi cuối cùng được lệnh rút lui.

        Giờ đây Fletcher đã bị địch phát hiện và ông đang ở trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm. Bất cứ lúc nào quân địch cũng có thể tấn công, và lực lượng chủ công của ông sẽ không được trang bị lại để sẵn sàng chiến đấu trước buổi chiều ngày hôm đó. May mắn đã đến với ông, thời tiết hôm đó thật u ám và xấu đi và địch không có rađa. Thục tế, lực lượng mẫu hạm Nhật đang ở ngay trong tầm tấn công về hướng Đông. Chiều hôm đó, chúng mở một cuộc tấn công nhưng thời tiết âm u và gió mạnh đã làm cho máy bay của chúng bị mất mục tiêu. Trên đường tay không trở về mẫu hạm, chúng bay qua gần lực lượng của Fletcher và bị phát hiện trên màn hình rada. Các máy bay chiến đấu được lệnh xuất kích đánh chặn và trong cuộc hỗn chiến trong bóng tối mỗi lúc một dày thêm, nhiều máy bay Nhật. bị tiêu diệt. Một số ít trong số 27 máy bay ném bom đã về được mẫu hạm và tham gia vào cuộc chiến đấu ngày hôm sau. Biết được khoảng cách giữa mình với địch, nên cả hai bên cùng dự định tiến hành một cuộc tấn công vào ban đêm bằng các lực lượng tầu nổi. cả hai bên đều cho rằng như thế là quá nguy hiếm. Suốt đêm, một lần nữa, họ lại rút quân ra xa. Và buổi sáng ngày mồng Tám may mắn về thời tiết đã đảo ngược.

        Bây giờ thì tầu Nhật được mây thấp che, còn tàu Anh phơi mình dưới ánh mặt trời chói lợi. Trò chơi ú tim lại bắt đầu. Vào lúc 8 giờ 38 phút, chiếc máy bay tuần tra của mẫu hạm Lexington cuối cùng đã phát hiện ra vị trí địch, và cũng khoảng thời gian ấy, cũng có dấu hiệu rõ ràng là quân địch cũng đã phát hiện ra các mẫu hạm Mỹ. Và thế là cuộc chiến đấu sử dụng toàn bộ lực lượng giữa hai bên ngang sức ngang tài sắp xẩy ra.

        Trước 9 giờ sáng, một lực lượng chủ công gồm 82 máy bay tấn công của Mỹ đã cất cánh, và đến 9 giờ 25 phút, tất cả đều đã trên đường ra trận. Vào khoảng cùng thời điểm đó địch tung ra một lực lượng tương tự gồm 69 máy bay.

        Mỹ bắt đầu tấn công vào lúc 11 giờ sáng, còn đợt tấn công của Nhật diễn ra muộn hơn khoảng 20 phút. Đến 11 g40, các cuộc tấn công đều chấm dứt. Máy bay Mỹ gặp trở ngại do những đám mây thấp bao xung quanh mục tiêu.

        Khi họ phát hiện ra mục tiêu, một trong số các mẫu hạm của địch đang tiến lên phía trước để lẫn vào đám mưa bão, thì lập tức toàn bộ sức tấn công của Mỹ đổ dồn vào mẫu hạm còn lại, chiếc Shokaku. Shokaku bị trúng ba quả bom và bốc cháy, trông thì như vậy nhưng thiệt hại ít hơn. Mặc dù trước mắt bị loại khỏi vòng chiến, nhưng tàu Shokuka vẫn có thể quay về nước để sửa chữa, còn tàu Zuikaku thì vẫn không hề hấn gì.

        Trong thời gian này, với thời tiết sáng sủa, quân Nhật bắt đầu tấn công chiếc Yorktown và Lexington. Với thao tác khéo léo nhất, Yorktown đã né tránh được hầu hết các cuộc tấn công, nhưng vẫn bị trúng nhiều phát đạn. Yorktown bị trúng một quả bom gây thương vong lớn và bốc cháy. Hậu quả này nhanh chóng được khắc phục nhưng hiệu quả tác chiến bị suy giảm đôi chút. Chiếc Lexington khó điều khiển hơn, đã không gặp may mắn: bị trúng hai ngư lôi và hai hoặc ba quả bom. Khi cuộc tấn công kết thúc, người ta thấy nó bốc cháy và bị nghiêng hẳn về bên trái với ba buồng hơi bị ngập nước. Với cố gắng phi thường, ngọn lửa đã bị dập tắt, tàu đã hết bị nghiêng và, sớm đạt vận tốc 25 hải lý/giờ. Những thiệt hại về máy bay của cả hai bên trong lần đọ sức nay, lần đầu tiên trong lịch sử giữa các mẫu hạm, được đánh giá sau khi chiến tranh kết thúc là: Mỹ mất 33, và Nhật mất 43 chiếc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #309 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2019, 10:59:48 pm »


*

        Nếu các sự kiện ở Biển San Hô chấm dứt ở đây, thì thế trận rõ ràng đã nghiêng về phía Mỹ. Họ đã làm đắm mẫu hạm nhẹ Sholo, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu Shokaku, và đẩy lui đội quân dự định đánh chiếm cảng Port Moresby. Hai mẫu hạm của họ có vẻ như ở trong tình trạng khá tốt và thiệt hại duy nhất của họ tính đến điểm này là một tầu chạy nhanh tiếp dầu và tàu khu trục hộ tống đã bị các mẫu hạm Nhật đánh chìm vào ngày hôm trước. Nhưng bây giờ tai họa lại đến bất ngờ với họ. Một giờ sau khi trận đánh kết thúc, một tiếng nổ từ bên trong mẫu hạm Lexington làm nó nghiêng ngả dữ dội. Lửa bùng cháy ở phía dưới rồi lan rộng ra, không thể kiểm soát được. Mọi cố gắng hết sức nhằm cứu con tàu này đều tỏ ra vô ích, và buổi tối hôm đó tất cả mọi người đã phải rời Lexington và dùng ngư lôi đánh chìm nó. Bây giờ cả hai bên đều rứt quân khỏi biển San Hô, và cả hai đều tuyên bố là đã giành chiến thắng. Cơ quan tuyên truyền của Nhật loan tin rùm beng rằng không những cả hai mẫu hạm của đô đốc Fletcher mà còn có một chiến hạm và một tàu tuần dương hạng nặng bị đắm. Nhưng hành động của họ sau cuộc chiến nay lại mâu thuẫn với niềm tin đó của họ. Họ đã hoãn việc tiến vào cảng Port Moresby đến tháng 7 mặc dù tuyến đường này bây giờ đang được bỏ ngỏ. Đến thời điểm đó thì toàn cuộc đã thay đổi, và họ lại quyết định không thực hiện cuộc tấn công này nữa, mà thay vào đó là một cuộc tấn công xuyên đất liền từ các căn cứ đã chiếm được ở New Guinea. Những ngày này đã cho thấy giới hạn của việc Nhật tiến vào Úc bằng đường biển.

        Về phía Mỹ, vấn đề bảo tồn lực lượng mẫu hạm được đặt lên hàng đầu.

        Đô đốc Nimitz biết rõ rằng những sự kiện quan trọng hơn đang rình rập xa hơn về phía Bắc, nên rất cần đến toàn bộ lực lượng của ông. Ông bằng lòng là lúc này đã chặn được sự di chuyển của quân Nhật vào biển San Hô, và lập tức điều tất cả các mẫu hạm của ông quay lại Trân Châu cảng, trong đó có hai mẫu hạm Enterprise và Hornet, rồi lập tức hợp quân với đô đốc Fletcher. Cũng khá khôn ngoan khi giữ kín việc mất mẫu hạm Lexington cho đến khi chấm dứt trận đánh chiếm đảo Midway, vì rõ ràng là Nhật chưa nắm được tình hình và đang mò tin tức.

        Cuộc đọ sức này có ảnh hưởng lớn đến chiến thuật, về mặt chiến thuật, đây là một chiến thắng được hoan nghênh của Mỹ, chiến thắng đầu tiên đối với Nhật. Trước đây chưa từng có một chiến thắng nào như vậy. Đó là cuộc chiến đấu đầu tiên trên biển mà trong đó các tàu nổi không phải tốn lấy một viên đạn. Nó cũng đưa các cơ hội và may rủi trong chiến tranh đến một đỉnh điểm mới. Tin này được truyền đi khắp thế giới và có tác động tốt, giảm sự lo âu của Úc và Tân Tây Lan cũng như cho cả bản thân nước Mỹ. Những bài học về chiến thuật học được ở đây rất có giá trị và được nhanh chóng áp dụng để đạt tới thành công to lớn trong trận Midway mà giờ đây đã bắt đầu tiến triển.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM