Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:36:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ mặt thật Nhà độc tài phát xít Mussolini  (Đọc 14303 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2019, 05:00:41 am »


16

TẠI SAO MUSSOLINI LẠI LIÊN MINH VỚI HITLER

        Khi biết rằng không còn có thể làm gì được nữa để tránh cuộc thế chiến, Benito cố gắng giữ cho nước Ý đứng ngoài càng lâu càng hay. Tuy nhiên mặt khác, ông lại cảm thấy bị ràng buộc bởi các hiệp ước đã ký kết, luôn luôn theo cùng một đường lối bán quà tặng để lo trả nợ, và như vậy tôn trọng được điều mà ông đã cam kết.

        Tôi đã ý thức được rằng có một cái gì đó đang được chuẩn bị khi thoáng nghe một câu tuyên bố của ông tại Villa Torlonia vào tháng 6 năm 1939. Hôm ấy Benito đứng trước một bức tranh do một họa sĩ Hung gia lợi tặng và được treo trong phỏng đợi. Bên dưới bức tranh này có câu : «Các hiệp ước không có giá trị vĩnh cửu». Tôi nhớ là Benito đã lẩm nhẩm đọc câu này nhiều lần, rồi thì thầm :

        «Thời kỳ của những bước quay theo điệu luân vũ từ nay đã chấm dứt. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Ý sẽ phải tôn trọng những điều cam kết của mình».

        Ông không nói gì thêm, nhưng tôi hiểu mau lẹ. Cùng với thời gian, tin tức ngày càng có vẻ nguy ngập. Từ Attolico, đại sứ của Ý tại Bá linh, cũng như từ Ciano, Tổng trưởng Ngoại giao Ý, các phúc trình cho thấy rõ rệt rằng đảng Quốc xã muốn chiến tranh, với lý do là người Ba Lan đã từ chối không nhường Dantzig cho Đức. Ông Duce biết rằng xứ này, nghĩa là Ba Lan, lần này vốn chỉ là một bước đầu tiên.

        Trước hết, nhờ Minh ước Thép (Pacte d’Acier) nhà tôi cố tìm cách đưa ông Fuhrer đến những quyết tâm ít có tính cách hiếu chiến hơn, nhưng ông ý thức mau lẹ rằng cố gắng của ông hoàn toàn vô ích.

        Lúc đó, ông tìm cách không để cho Ý dính dáng đến cuộc chiến tranh sắp bùng nổ này. Qua trung gian Attolico, ông cho ông Fuhrer biết rằng tình hình quân sự và tình trạng thiếu nguyên liệu của xứ chúng tôi, vốn bị kiệt quệ vì các cuộc chiến tranh tại Abyssinie và Tây ban Nha, không thể nào cho phép giúp đỡ hữu hiệu cho quân đội Đức.

        «Tôi hy vọng có thể thắng lại bớt tinh thần hăng say của ông Fuhrer nhờ sự chân thật của tôi, ông nói. Nước Ý không hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc xung đột, kẻo dài, lại không được vị trí hóa nhất định tại một khu vực, theo ý tôi. Chiến tranh cũng giống như tuyết băng : người ta không thể tiên liệu cả thời gian kẻo dài bao lâu lẫn phương hướng của mối tai họa. Đã từng có cả các cuộc chiến tranh 100 năm, Rachele. nhưng tôi sẽ làm tất cả để ngăn chận cuộc chiến tranh này.»

        Theo nhà tôi, đòn tối hậu của hòa bình là Hiệp ước bất tương xâm mà Đức quốc vừa ký với Nga sô. Chính ông cũng rất ngạc nhiên không phải vì hiệp ước được ký kết — nhà tôi vẫn chủ trương, đối với Fuhrer, ý tưởng về một vivendi giữa Tây Âu và Nga sô — nhưng vì Hiller lại ký đúng vào lúc ấy mà không báo trước cho Ý.

        « Tôi chắc rằng, ông đã nói với Ciano, hiệp ước này chỉ là một biện pháp phòng ngừa mà Hitler thi hành để tránh phản ứng về phía người Nga. Điều này có nghĩa là ông ta quyết tâm hành động tại Ba lan. »

        Chính kể từ ngày hôm đó, hoạt động ngoại giao giữa các thủ đô Âu châu cũng như tại La mã và Bá linh, trở nên rộn rịp chưa từng có. Một lần nữa, các cường quốc khác quay về phía nhà tôi để yêu cầu ông khởi xướng một hội nghị Munich mới, và tôi có thể đoan quyết rằng Mussolini rất sẵn lòng mặc dầu ông không tin tưởng mấy nữa. Chính người Pháp và người Anh đã tỏ ra vô ý thức một lần nữa, bỏ lở dịp may, vô tình bật đèn xanh cho Hitler và đẩy nước Ý vào tay Đức quốc.

        Sổ phận của hòa bình được quyết định trong thời gian từ 25 tháng 8 đến đêm 31 tháng 8. Ngày 25 tháng 8, không còn nghi ngờ gì nữa : Đức quốc muốn chiến tranh. Ribbentrop đã nói điều đó một cách rõ ràng với Ciano trong một cuộc du hành tại Salzbourg mấy ngày trước đó.

        Trong khi đi đến bàn ăn, Ciano hỏi Ribbentrop :

        « Sao, Ribbentrop, ông muốn gì ? Hành lang Dantzig à ?

        — Không, hơn thế nữa, chúng tôi muốn chiến tranh.»

        Trong ngày 25, Hitler bắt đầu bằng cách gởi cho nhà tôi một điệp văn dài, do Von Mackensen, đại sứ Đức tại La mã, trao lại. Trong đó ông ta giải thích cho ông Duce tình hình thể hiện làm sao sau các hiệp ước được ký kết với Nga sô. Ông ta kết thúc bức thư — nhà tôi mang nó về nhà để đích thân giữ lấy — bằng cách kêu gọi sự giúp đỡ của Ý bằng vào Minh ước Thép, và niềm thông cảm của ông.

        Thông cảm : đấy là từ ngữ duy nhất mà ông Duce bám vào để thử trì hoãn cơ hội và để dặt nước Ý đứng ngoài cuộc xung đột nếu như không còn một giải pháp hòa bình nào khác.

        Lập tức ông trả lời Fuhrer bằng một điệp văn «trì hoãn», báo cho ông ta biết rằng nếu muốn Ý đứng bên cạnh Đức, cần phải có nguyên liệu và vật liệu chiến tranh. Điệp văn được chuyển vào buổi chiều. Đến 18 giờ Attolico mang đến cho Hitler lúc đó đang nóng nảy, bối rối chờ đợi để biết lập trường của Ý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2019, 12:26:25 am »


        Cũng giổng như tại Munich, ông Fuhrer quyết định ngay lập tức sau khi đọc bản văn. Attolico báo cáo lại với nhà tôi rằng; ngay lúc ông ta rời khỏi văn phòng của Hitler, Tướng Keitel đi vào và trở ra ngay để thét lớn cho người tùy viên.

        «Lệnh động binh phải được hoãn lại!» Khi nhà tôi nhận được điệp văn cuối cùng của Attolico tại Villa Torlonia thì đã 10 giờ đêm. Một lần nữa, chiến tranh lại được trì hoãn. Nhưng được bao nhiêu lâu nữa ?

        Thường thường, trong chiến tranh, Benito nói lại với tôi cơ may đã đưa đến cho Đồng minh : cho đến phút chót, Hitler sợ mất nước Ý. Nếu không có bộ tham mưu Đức, có lẽ ông Duce sẽ nhận được nhiều hơn bằng cách đánh mạnh vào tình bạn mà Fuhrer dành cho ông.

        Chứng cớ đến với ông sáng hôm sau khi một điệp văn khác của Hitler được gởi đến điện Palazzio Venezia cho ông. Ông ta hỏi Mussolini cần số lượng vũ khí và nguyên liệu bao nhiêu để có thể chuẩn bị cho chiến tranh.

        «Điều đó sẽ kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hay nhiều tháng, nhà tôi nói với tôi, để coi».

        Mục tiêu của ông là giữ trung lập cho đến năm 1942, ngày mà ông nghĩ rằng đến phiên nước Ý sẵn sàng dự chiến. Bằng cứ là ông đã cho tiếp tục công cuộc xảy dựng thành phố mới ngay tại ngưỡng cửa kinh đô La mã, thành phổ EUR, nơi mà ông dự định tổ chức những cuộc biểu tình vĩ đại kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập phong trào phát xít.

        Điệp văn mới cho Hitler với các số lượng được cố ý phóng đại để ngăn trở không cho ông Fuhrer cung cấp được tất cả. Trong ngày 28 tháng 8, Hitler trả lời theo chiều hướng ông Duce muốn : ông ta không thể gởi đến Ý ngay lập tức những gì nước Ý đòi hỏi, nhưng chấp nhận cho Ý đứng trung lập với ba điều kiện phải được giữ bí mật. Tôi cố ý nhấn mạnh chữ «bí mật» bởi vì nó sẽ có hậu quả nặng nề tiếp theo đó. Các điều kiện này là : nước Ý không được tiết lộ sự trung lập của mình trước khi các hành động thù nghịch của Đức bắt đầu để cầm chân về phía Ý các lực lượng Pháp và Anh ; nước Ý phải tiếp tục một cách công khai công cuộc chuẩn bị quân sự, vẫn để nhằm mục tiêu trên ; chính phủ Ý phải gởi nhân công khác qua Đức để thế chỗ cho người Đức sẽ ra mặt trận chiến đấu.

        Vẫn trong ngày 28 tháng 8, nhà tôi báo cho Hitler rằng ông chấp thuận các điều kiện này và buổi tối, số phận của Ý hầu như được cũng cố : Ý giữ trung lập trong cuộc xung đột sắp bùng nổ này. Cũng như mỗi khi lấy một quyểt định nào đó, ông Duce đặc biệt bình tĩnh khi trở về Villa Torlonia.

        Trong khi ông đọc một tờ báo, tội nhìn ông và ý thức rằng tôi lấy làm hối tiếc cho các cuộc biểu tình xưa cũ tại Forli. Lần này hòa bình của thế giới đang bị thử thách và tôi cảm thấy một mối âu lo không thể tả khi nghĩ rằng từ nơi ông chính một mình ông, mạng sống của hàng triệu người Ý lệ thuộc vào. Phải là người vợ và phải ở trong hoàn cảnh tương tự mới hiếu được lúc đó tôi cảm thấy những gì.

        Ngày 29 tháng 8 nhà tôi được biết, do chính miệng Ciano nói, rằng Hitler đã tiếp xúc với chính quyền Luân đôn đề nghị đảm bảo cho đế quốc Anh đánh đổi sự trung lập của Anh. Khi được tin về đề nghị này, Ciano có điện đàm với Halifax và được xác nhận tin đó là đứng. Nó lập tức báo cho ông Duce lúc ấy đang tự ái vì không được thông báo. Nhưng để khỏi làm hỏng một cơ may nếu có, ông không tỏ ra khó chịu, ông vẫn nghi ngờ về thiện chí hòa bình của Hitler. Theo ông, Fuhrer chỉ nhạy cảm đối với cả một khối cường quốc, nghĩa là gồm Pháp, Anh và Ý. Ông cũng ý thức được rằng ông đang hỏng chân đối với Anh và Pháp vì tiếp tục công cuộc chuẩn bị chiến tranh. Cảm nghĩ sau cùng này được xác nhận bởi các biến cố dồn dập xảy đến từ ngày 30 tháng 8.

        Ngày hôm đó Hitler nhận được câu trả lời cho đề nghị của ông ta. Câu trả lời không làm cho ông ta hài lòng. Mặt khác, lệnh tổng động viên đã ban hành tại Varsovie1. Ngòi cháy chậm đã được châm lửa, đầu kia là thùng thuốc súng.

--------------------
        1. Varsovie :thủ đô Ba lan — Đọc «Hitler, người phát động Thế chiến Thứ II» — SỒNG KIÊN xuất bản
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2019, 06:15:39 am »


        Ngày 31 tháng 8, lúc 9 giờ sáng, Attolico báo về cho biết là tình thế đã tuyệt vọng. Nhà tôi mưu tính một nỗ lực cuối cùng : ông đề nghị với Halifax can thiệp với Hitler trong trường hợp Ba lan chịu nhượng Dantzig cho Đức. Halifax trả lời rằng đề nghị nhượng Dantzig không chấp nhận được. Nhà tôi thử chuyện khác : buổi chiều, ông đề nghị với Anh và Pháp một cuộc hội nghị ngày 5 tháng 9 để cứu xét lại hiệp ước Versailles. Nếu một thỏa hiệp được các Quốc gia này đồng ý, ông Duce có thể thắng ông Fuhrer lại một lần nữa.

        Nhưng ngay tối hôm đó, lúc 20 giờ 30, trong lúc chính phủ Ý luôn luôn chờ đợi Luân đôn và Ba lê trả lời, Ciano được biết rằng liên lạc bằng điện thoại giữa Ý và Anh đã bị cắt đứt. Chiến lược được qui định bởi nhà tôi và Hitler để tạo ra cảm tưởng là nước Ý sẽ tham chiến đã thành công ngoài y muốn của ông Fuhrer : người Anh không còn tin nơi nhà tôi nữa và tin rằng nhà tôi đã đánh lừa họ. Lúc đó để chứng minh thiện chí của Ý, Ciano tiết lộ với Percy Loraine, đại sứ Anh tại La mã, rằng Ý vẫn giữ trung lập trong cuộc xung đột. Nhà tôi còn làm hơn : ông ra lệnh cho tất cả đèn của La mã đều phải được thắp sáng.

        Kết quả : ngày 31 tháng 8 năm 1939, để tỏ lòng mong muốn giúp Pháp và Anh là những nước không hiểu gì hết, nước Ý tiến đến chỗ không tôn trọng một mật ước đã giao kết với Đức.

        Sau khi hỏng chân đối với phe Đồng minh, để làm hài lòng Hitler, nhà tôi lại cảm thấy bị ở trong một tình trạng tương lự đối với Đức quốc xã. Và sau khi mạo hiểm có thể bị Pháp, Anh tấn công, giờ đây xứ chúng tôi đứng trước nguy cơ có thể bị Đức làm như thế.

        Vả chăng đó là điều mà Hitler không quên làm cho ông Duce biết, một cách không thể rõ ràng hơn nữa vài tháng sau.

        Tôi phải nói thêm rằng hành động tiết lộ sự trung lập của Ý của Ciano ngày 31 tháng 8, đã là một trong các nguyên nhàn của sự trừng phạt mà Ribbentrop nhắm vào nó. Năm 1943, ông ta chỉ cho phép Ciano rời khỏi Đức, nơi mà do một sự tính toán sai lầm, con rễ tôi đã chạy đến tỵ nạn, để đáp máy bay về Ý và để bị bắt ngay khi vừa đặt chân xuống đất. Con gái tôi Edda đã biện hộ cho chồng trước đích thân Hitler, nhưng vô ích. Ông Duce tha thứ, ông Fuhrer thì không.

        Trước cục diện mới này của tình hình, nhà tôi vẫn cử khăng khăng để cứu vãn hòa bình. Song le, trước khi đưa ra một đề nghị mới, ông muốn bảo đảm mặt sau : Sáng sớm ngày 1 tháng 9, ông yêu cầu Attolico thuyết phục cho Hitler chịu gởi một điện tín tạm thời giải phóng ông khỏi những rằng buộc của Liên minh. Đức điện tín đến ngay. Nhưng lại có một điện tín khác tiếp theo liền vẫn do Fuhrer đánh đi, cho nhà tôi biết là ông ta không còn muốn điều đình nữa, và ông ta quyết định tiến về phía trước, nghĩa là chiến tranh.

        Bất chấp điện văn này, nhà tôi gây ra một sự giật mình đầy hy vọng sau cùng, ngày 2 tháng chín, khi ông đề nghị các cuộc thương thuyết mới. Trái với mọi sự chờ đợi, Hitler lại tỏ ra hòa hoãn. Buổi chiều, Ciano điện thoại cho Halifax và Bonnet, ngoại trưởng Anh và Pháp trước sự hiện diện của các đại sứ liên hệ tại La mã, Percy Loraine và André Francois-Poncet. Nó chuyển lại đề nghị của ông Duce.

        Đến 19 giờ, Halifax gọi lại để nói rằng cuộc hội nghị chỉ được chấp nhận trong trường hợp quân đội Đức rút khỏi lãnh thổ Ba lan mà họ đã bắt đầu chiếm đóng ngày hôm trước.

        Ribbentrop không thèm cả trả lời điện văn do Ciano gởi để thông báo điều kiện của Luân đôn. Làm như luôn luôn phải có một chi tiết khôi hài trong một tình thế trầm trọng như vậy, chính Georges Bonnet tạo ra chi tiết đó : trong đêm 2 rạng ngày 3 tháng 9, ông ta yêu cầu Đại sứ Ý tại Ba lê rằng «quân đội Đức thực hiện một cuộc rút lui tượng trưng» khỏi Ba lan cũng được.

        Sáng ngày 3 tháng 91 Pháp và Anh tuyên chiến với Đức. Ngay tối hôm đó, Benito nói với tôi:

«Từ nay không thể nào không dự chiến và còn không thể, và nguy hiểm hơn nữa, là không dự chiến bên cạnh Đức quốc...»
       
        Sau hành động thù nghịch chống lại Hitler, nhà tôi đâm ra thận trọng. Giai đoạn cuối cùng của diễn tiến này là «cuộc hôn nhàn vì lý trí» đối với điều tốt đẹp nhất cũng như đối với điều tệ hại nhất ông Duce đã để ra 9 tháng để quyết định, nhưng nếu một ngày nào đó người ta tiết lộ các tài liệu vốn trở thành bí mật, vì có thể gây phiền nhiễu, người ta sẽ thấy — và lịch sử có thể phán đoán — ai là kẻ thổi vào lửa và ai là kẻ cố gắng dập tắt ngọn lửa.

        Và nhân vấn đề tôn trọng các hiệp ước liên kết Ý và Đức — điểm mà người ta trách cứ Mussolini nhiều lần — tôi không thấy tại sao Pháp và Anh đã mạo hiểm tuyên chiến với Đức để phù hợp với các hiệp ước liên kết họ với Ba lan, trong khi đó Mussolini lại không có quyền tôn trọng những hiệp ước mà ông ta đã ký với nước Đức.

-----------------
        1. Đọc :«3 tháng chín 1939 — Ngày tàn của Thế giới củ». Bản dịch Người Sông Kiên và Lé thị Duyên — Sông Kiên sắp xuất bản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2019, 01:58:59 am »

     

Rcichele Mussolini


17

TẠI  SAO  MUSSOLINI TẤN CÔNG  PHÁP QUỐC

        Nói rằng Benito Mussolini không bao giờ nghĩ đến viễn ảnh sắp xảy ra của một cuộc chiến tranh là nói láo. Từ năm 1940, ông đã ước tính rằng Ý quốc có thể tham chiến trong một cuộc xung đột vì nhiều lý do : trước hết vì tôn trọng các hiệp ước đã ký kết với Đức, sau đó vì điều này thuộc về chính sách làm vĩ đại và chính sách chinh phục lãnh thổ cho Ý vốn là chính sách căn bản của ông Duce. Không nên quên rằng Đức và Ý tự cho là các quốc gia nghèo so với các cường quốc tây phương được lãnh đạo bởi các chế độ mệnh danh là «chế độ phú hào». Vậy thì nhà tôi đã quan niệm rằng chiến tranh là một giai đoạn cần thiết có thể giúp ông hoàn thành công cuộc xây dựng. Đế quốc Ý, vốn đã được bắt đầu bằng cuộc chiến tại Abvssinie, dưới các lảnh thố nằm dưới quyền giám hộ hay là thuộc địa của Pháp.

        Vả chăng từ năm 1939, trong một phiên họp của Đại hội đồng phát xỉt, ông Duce đã trình bày các yêu sách của Ý : tất cả những gì bên này dãy núi Alpes phải thuộc về Ý và những gì bên kia; thuộc Pháp. Trong thực tế, điểm này cũng chẳng mang lại gì to lớn cho nước Ý. Tôi tin rằng trong trường hợp nầy, biên giới sẽ nằm về phía Menton Nice, và vùng Sayoie sẽ không nằm trong khu vực yêu sách bởi chính phủ Ý, điều làm cho Victor - Emmanuel III tức giận không ít. Nhà vua, trong tư cách đứng đầu dòng họ Sayoie, mong ước rằng ít ra vùng Sayoie cũng phải được sáp nhập vào Ý.

        Ngược lại, vẫn luôn luôn trong hội nghị của Đại hội đồng phát xít này, ông Duce đã đòi hỏi Tunisie phải được đặt dưới quyền bảo hộ của Ý Djibouti và đảo Corse. Về đảo Corse, ông quan niệm rằng trong thực tế đảo này chỉ được sáp nhập vào Pháp, về phương diện lịch sử kể từ Nã phả luân. Nhưng ông không thể nào để cho một lãnh thổ Pháp quả gần bờ biển Ý, tạo thành một mối nguy cơ chiến cuộc lớn lao.

        Các yêu sách này không bao giờ được tiết lộ và các vấn đề được ông Duce nêu ta vẫn được giữ mật. Vì thế ông tỏ ra không thích các sự biểu hiện xảy ra tại Hạ nghi viện khi, tiếp theo sau một bài diễn văn do Ciano đọc, nhiều tiếng la hét nổi lên, đòi hỏi.«Tunis’, đảo Corse, Nice, Sayoie!»

        «Đấy là một phương cách kém thông minh để đưa vấn đề lên tấm thảm xanh và để khích động quần chúng», ông đã bình phẩm như thế, vẻ tức giận khi rời khỏi Hạ nghị viện.

        Vẫn trong năm 1940, ông Duce còn ước tính rằng thời cơ đã đến để thủ đắc các lãnh thố ấy để đảm bảo cho người Ý một lãnh vực hoạt động và một khoảng không gian sinh tồn.

        Bên cạnh các ý đồ về lãnh thổ ấy, còn có các nguồn bất hòa khác với người Pháp nói chung, với các chính đảng tả khuynh và với các chính phủ Pháp kế tiếp trước khi có hành động tuyên chiến. Chỉ có ba người là được ông ưa vào thời đó ; Thống chế Pẻtain mà ông rất kính trọng, Tướng Weygand mà ông cho là người có khả năng thay đổi tình hình quân sự năm 1940, và Pierre Layal mà ông rất nể và ông gặp nhiều lần. Chính tôi cũng đã tiếp ông ta tại Villa Torlonìa và rất ngạc nhiên vì tánh tình dễ thương, vì lòng ham thích làm cho nước Pháp được hạnh phúc phù hợp với tình hình lúc đó. Tuy nhiên tôi còn nhớ trong chuyến gặp nhau lần đầu tiên, nhà tôi đã hết sức bực mình bởi cung cách đặc biệt của Pierre Layal là lấy đầu gậy của ông gõ nhẹ vào các bức tượng. Nhưng lẽ tất nhiên, hành động này không ảnh hưởng gì đến sự tương quan giữa họ.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:52:22 am »


        Đối với các chính phủ kế tiếp nhau tại Pháp cho đến lúc ấy, điểm trách cứ nặng nhất của nhà tôi là các chính phủ ấy đều khuynh tả và chẳng bao giờ ý thức được chủ nghĩa Quốc xã từ căn nguyên của nó. Ông Duce không bao giờ tha thứ cho các chính phủ ấy vì họ đã bỏ rơi ông trong vụ ám sát Dollfuss và vụ sáp nhập Áo vào nước Đức (Anschluss), cũng như ông không quên các giai đoạn hệ trọng mới đây, trước khi Thế chiến Thứ hai được phát động nhân vụ Ba lan.

        Sau cùng, thái độ của báo chí Pháp, thường cố ý làm rầm rộ mỗi khi chỉ trích, ngay cả chỉ trích sai đoàn quân viễn chinh của Ý tại Tây ban Nha, đã làm cho ông rất khó chịu. Ông chắc rằng những chỉ trích như vậy rõ rệt là được gợi ý bởi chính quyền của mặt trận bình dân đang lãnh đạo Pháp.

        Tuy nhiên, sự cần thiết phải quay lại chống Pháp làm ông buồn phiền, ngay cả khi ông tin rằng thế nào rồi cũng phải làm như vậy, vì ông luôn luôn cảm thấy cảm tình đối với xứ nay. Tôi nhớ là ông còn đem tên Vittorio đặt cho con trai thứ của tôi để kỷ niệm một chiến công của Pháp trong Đệ I Thế chiến.

        Mối bất bình khác : thái độ khinh thường mà người Pháp chứng tỏ đối với người Ý.  Điều này bắt nguồn từ rất lâu, ngay từ thời chính nhà tôi cố tìm việc làm tại ngoại quốc. Năm 1923 ông đã nói với Bossi, thư ký đảng phát xít lúc đó :

        «Chúng ta không có bạn tại Pháp. Tất cả đều chống lại ta. Dưới mắt người Pháp, chúng ta chỉ là những tên «Macaroni bẩn thỉu».

        Tôi nhớ lại vẻ hài lòng của ông khi ông được biết vào tháng 6 năm 1938 rằng khi gặp đôi bóng Iron Hung gia Lợi trong trận chung kết giải vô địch thế giới tổ chức tại Marseille, đội bóng tròn của Ý đã chào khản giả theo kiểu phát xít lúc tiến vào sân, tạo ra cả một xì-căng-đan rất đẹp mắt.

        Ít, ra ông kêu lên rằng, chúng ta cũng chứng tỏ cho họ thấy rằng giờ đây người Ý không còn sợ nữa. «Bọn Macaroni» sẽ chứng tỏ cho họ thấy khả năng của mình như thế nào.»

        Bên cạnh tất cả các điều đó, còn có thêm những trách cứ mà nhà tôi không ngừng nêu ra để chống lại các chính đảng tả khuynh của Pháp, vì các đảng này không những chỉ đón tiếp các người Ý tỵ nạn chính trị mà còn tích cực tham dự vào các chiến dịch chống phát xít. Những người như Pietro Nenni bạn tù cũ của Benito khi cả hai đều ở trong đảng xã hội, đã lánh nạn qua Pháp và hoạt động dữ dội chống lại nhà tôi. Vì lý do ấy cho nên ít có đảng viên xã hội nào của Pháp được nhà tôi nể trọng. Chẳng hạn về Léon Blum, nhà tôi đã nói: «Tên đó là một người Do Thái vĩ đại hơn là một đảng viên xã hội. »

         Vào đầu năm 1940 ấy, các bản tin chiến thắng mà Hitler gởi đều đều cho ông, làm ông ý thức được rằng ông phải hành động gấp nếu muốn ngồi vào bàn hội nghị như kẻ chiến thắng.

        «Chúng ta vẫn chỉ đứng ở vòng ngoài chẳng làm gì cả trong khi đồng minh chinh yếu của chúng ta đã mang lại chiến thắng. Làm thế nào tôi có thể đòi hỏi một phần lãnh thổ chinh phục được nếu như nước Ý vẫn chỉ đứng ngoài cửa sổ ? Đấy là một sự xa hoa mà nước Ý không thể tự cho phép vì uy tín và vì vị thế của Ý trên thế giới. Và nhất là tôi không muốn rằng Hitler sẽ là người đối thoại duy nhất với Anh và Pháp, trong phạm vì quyền lợi riêng của họ. »

        Vì tất cả các lý do trên nhà tôi rất nóng nảy. Ông không ngừng hối thúc bộ tham mưu để gia tăng mau hơn nữa các công cuộc chuẩn bị. Nhưng cũng như tất cả các bộ tham mưu khác, bộ tham mưu của chúng tôi rõ ràng là không sẵn sàng gì cả. Phải cần đến các biến cố để thúc đẩy công việc: người Đức bắt đầu bay từ chiến thắng này đến chiến thắng khác; những sự can thiệp với ông Duce ngày càng gia tăng cả về phía Đồng Minh lẫn về phía Đức. Người thì yêu cầu ông đứng ngoài cuộc xung đột, kẻ khác thì hối thúc ông dự phần tham chiến. Sau khi giải thoát ông Duce khỏi các cam kết năm 1939, lúc chiến tranh còn giới hạn tại Ba Lan, giờ đây Hitler cho ông hiểu rõ rằng biên giới Ý sẽ không còn ngăn bước ông ta được nữa nếu như xứ chúng tôi vẫn luôn luôn giữ trung lập. Tóm tắt, ông ta dọa chiếm đóng luôn Ý quốc. Đấy là điều mà ông Duce đã sợ từ ngày đầu tiên.

        Nỗi lo âu mới này chỉ phát sinh sau cuộc viếng thăm của SumnerWelles đặc sứ của Roosevelt, tại Diện Palazzo Venezia. Ngay từ khi đặt chân lên đẩt Ý, ông ta liền ở riết trong văn phòng nhà tôi và thảo luận với ông rất lâu, nhưng nhất là «rất thẳng thắn», theo ý ông Duce.

        «Đấy là một ông Đại tá House tân thời, nhà tôi bình phẩm, cũng như ông này và cùng các lý do tương tự, sử mạng của ông ta đã thất bại».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:53:51 am »


        Đòn đáp ứng cuộc viếng thăm này của Mỹ đến ngay. Ngay khi được thông báo, đến lượt Hitler gởi đến một sứ giả hạng nặng : Von Ribbentrop, Tổng trưởng Ngoại giao của ông ta, người mà Ciano đã có dịp thưởng thức nghệ thuật đề cập  đến sự việc mà không cần bận tâm gì đến các công thức ngoại giao. Lần này nữa, ông ta nói toạc cho Ciano biểt rằng quân đội Đức không ngần ngại chiếm đóng nước Ý trong trường hợp Ý không tôn trọng các điều khoản của Minh ước Thép nối kết Ý vào với Đức.

        Kể từ ngày hôm đó, ông Duce tin rằng vị thế không tham chiến của Ý không còn có thể kéo dài lâu hơn nữa. Theo một chiều hướng, thì nếu như có phương tiện quân sự trong tay, ông đã sung sướng từ bỏ vị trí mà có lần ông đã mệnh danh là :« thế quân bình bất ổn bèn bờ đám cháy ». Tuy nhiên ông cố duy trì tình trạng nầy càng lâu càng tốt.

        Trong tháng ba và tháng tư. Hitler tăng cường áp lực tâm lý : trước hết tại đèo Brenner! nơi ông ta đến gặp nhà tôi và trình bày các kế hoạch. Sau đó, ngày 9 tháng 4 công bố tấn công Na uy và Đan mạch. Ngày 11 tháng 4 với một điện văn thân hữu nối tiếp bởi một điện văn ngày 20 và các bức thư loan báo các chiến thắng ngày 28 tháng 4 và 4 tháng 5.
       
        Ngày 10 tháng 5, thì là cả một vụ lớn. Sau khi dự buổi ăn tối tại Tòa Đại sứ Đức, Ciano báo cho ông Duce biết rằng Von Mackensen, viên Đại sứ, đã nói rằng có thể ông ta sẽ quấy rầy ông Duce trong đêm nay để thông báo một điện văn khẩn mà ông ta đang chờ từ Bá linh. Đến 4 giờ sáng cả hai đến Villa Torlonia. Chính Irma đưa họ vào một phòng khách và ông Duce xuống gặp họ một lát sau. Von Mackensen đưa cho ông một bức thư có đóng khẳng và con dấu của Fuhrer, trong đó ông ta cho biết quyết định tấn công Hòa lan và Bỉ. Ông ta cũng yêu cầu nhà tôi lấy những quyết định mà ông ta cho là cần thiết cho tương lai nước Ý. Rõ rằng điều này muốn nói: «Tôi đang chờ xem ông sẽ làm cái gì. Đến phiên ông hành động đấy...»

        «Bà biết không, Rachele, chẳng bao lâu, họ sẽ có mặt ở ngay ngưỡng cửa chúng ta.»

        Những điện văn ấm áp hơn không ngừng đổ dồn đến từ Mỹ, Pháp, Anh, còn có thể làm gì được ? Ngày 24 tháng 4, Paul Reynauđ đã viết thư cho nhà tôi để xác định với ông rằng Pháp và Ý sẽ không có đánh nhau trước khi các nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau.

        «Trước kia mới chính là lúc phải thảo luận chớ không phải bây giờ, Benito đã bình phẩm một cách cay đắng. Điều cần phải có hôm nay không phải là những lời lẽ hoa mỹ nữa mà là súng cối! »

        Đến lượt nhà tôi gởi cho ông ta một điện văn xác định quyết tâm liên kết về mặt chính trị và quân sự với Đức. Cần nên nói rằng vào tháng tư người Pháp biết chờ đợi cái gì với người Ý.

        Mới vài ngày sau vụ hối thúc của Hitler, chính Churchill lại viết thư cho ông Duce. Tôi còn nhớ lại một câu: «Tôi tuyên bố rằng chẳng bao giờ tôi là kẻ thù của sự hùng tráng của Ý quốc, cũng như trong thâm tâm, chẳng bao giờ tôi là đối thủ của người lãnh đạo Ý quốc...»

        «Thật đúng lúc để viết cho tôi như thế, Benito nói. Nếu năm 1935, người Anh không làm cho Hội quốc Liên bỏ phiếu trừng phạt, chúng ta đã có thể kết tạo được một Âu châu toàn khối.»

        Và nhân một câu khác của Churchill có vẻ dọa ông Duce về số viện trợ mà Anh quốc sẽ nhận được vô số của Mỹ nếu nhảy vào vòng chiến, nhà tôi cho rằng viện trợ ấy cũng không giúp ích gì được.

        «Ngày nay Anh quốc không thể chống lại guồng máy chiến tranh của Đức. Người Mỹ ở quá xa và ngay cả nếu họ quyết định can thiệp, thì Đức cũng đã chiến thắng trước khi Mỹ kịp làm một việc gì.»

        Mỗi ngày tin tức về cuộc tiến quân sấm sét của quân Đức được đưa đến La mã càng nhiều. Đấy quả thật là cả một cuộc diễn hành vinh quang mà giờ đây không những chí gây tiếng vang trong đảng phát xít mà eòn cả trong lòng quân đội Ý và dân chúng Ý nữa. Hàng chục ngàn bức thư được gởi đến điện Palazzo Venezia mỗi buổi sáng, với cùng một lời lẽ được lặp đi lặp lại: «Như thường lệ, người Ý đến sau chót: người Đửc sẽ lấy hết cả».

        Một tối, Benito nói với chúng tôi:

        «Lần này, người Ý không còn chịu giật vali như bọn Scugnizzi (bọn tiểu yêu) ở Naples nữa. Người Ý muốn chiếm thuộc địa như người Anh...»

------------------
        1. Brenner :tên 1 ngọn đèo dãy núi Alpes ở phía Đông, ngay biên giới Áo — giữa Bolzano và Innsbruck (1370m),
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:54:12 am »


        Ngày 26 tháng 5, Bỉ đầu hàng và cuộc di tản khỏi Dunkerque đang tới hồi cực độ. Một lần nữa, Hitler lại thông báo cho nhà tôi bản tin chiến thắng.

        Ngày 30 tháng 5 năm 1940, tình trạng tinh thần căng thẳng đã đến cực điểm. Hôm ấy Tổng thống Roosevelt cho gởi đến ông Duce một bức thư riêng, cổ vũ ông đứng ngoài vòng tranh chấp. Nhà tôi khá bị lay chuyển và buổi tối, ông trở về Villa Torlonia với một gói hình và phim, trong đó có một số do Vittorio cung cấp nhờ các sự giao thiệp của nó trong giới điện ảnh.

        Đây là tài liệu về các cuộc hành quân ở Ba Lan và sau bữa ăn tối, chúng tôi cho chiếu trong phòng khách, nơi chúng tôi đã trải qua biết bao nhiêu là buổi tối êm đềm. Tối hôm đó là cả địa ngục. Chúng tôi kinh hoàng trước một cơn băng lở toàn lửa và thép, trước những con quỷ bằng thép chồm tói, nghiền nát tất cả những gì trên đường chúng đi qua, trong khi đó trên trời những phi cơ Stukas nhào lộn mà tiếng hú chói tai của các còi báo động làm cho tai mọi người rung chuyển.

        Để tỏ ra ngay thẳng, tôi phải nhận rằng tôi đã không thể tham dự cho đến hết cảnh bi hùng này, tôi bị chia xẻ giữa sự ngưởng mộ lòng can đảm của các chiến sĩ Ba Lan và sự kinh hãi chiến tranh với tất cả những gì mà nó gây ra như điêu tàn, chết chóc và nước mắt. Tôi tránh vào phòng riêng và từ sau cánh cửa sổ, tôi ngắm nhìn khối công viên đen sẫm, với lòng gần như ngờ vực là nó sẽ cháy bùng lên.

        Cửa phòng chợt mở, tôi giật mình, chính Benito lên tìm tôi. Mặt ông tái mét và một niềm xúc động mạnh mẽ đã làm ông lạc giọng :

        «Bà thấy không? Tất cả quân đội ấy, tất cả chiến cụ ghê rợn ấy, giờ đây không còn xa chúng ta nữa. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ đến tận biên giới chúng ta và nếu chúng muốn, quân Đức không cần phải vượt biên giới Pháp bởi vì chúng ta có những biên giới chung. Chỉ trong vòng vài giờ là chúng tràn ngập nước Ý. Nhưng còn một điều khác không còn nghi ngờ gì được nữa, Rachele ạ : là dầu cho chúng ta có tham chiến hay không, người Đức cũng sẽ chiếm lãnh Âu Châu. Nếu chúng ta không ở bên cạnh họ, họ sẽ một mình cưỡng bách «Âu Châu ngày mai» phải theo các điều kiện của họ, và các đièu kiện ấy có nghĩa là chấm dứt nền văn minh La tinh».

        Ông đặt tay lên vai tôi, nhìn vào mắt tôi và nói : «Rachele, chúng ta cũng vậy, chúng ta có con cái. Chúng ta cũng run sợ cho số phận của chúng như hàng triệu kẻ làm cha mẹ ở Ý. Nhưng tôi không lùi lại được nữa. Không những chỉ vì quyền lợi của Ý mà còn để tránh cho Ý khỏi bị số phận của Ba Lan, của Hòa Lan và của biết bao quốc gia khác. Thượng đế chứng giám cho tôi rằng tôi đã làm hết mọi sự để cứu vẫn hòa bình, nhưng tôi sẽ không thể nào mất công bỏ vào lửa các hạt dẻ để cho kẻ khác lấy ra ăn».

        Tôi không nói gì cả. Thấy mắt tôi chảy nước mắt, Benito cầm lấy tay tôi và nói thêm, bằng một giọng mà ông cố làm cho vui vẻ :

        «Đừng lo,ta sẽ cố làm nhanh như vụ Abyssinie»

        Chúng tôi đang ở vào ngày 30 tháng 5 năm 1940. Ngày 10 tháng 6 từ trên bao lơn Điện Palazzo Venezia, Mussolini tuyên cáo với nhân dân Ý và cho thế giới rõ rằng nước Ý tham chiến bên cạnh Đức quốc. Nhà tôi lập lức yêu cầu Thống chế Badoglio. Tổng Tham mưu trưởng, bắt đầu các cuộc hành quân, nhưng ông này đã biện bác vì ông phải cần nhiều ngày để tập trung các sư đoàn của ông. Phần còn lại thì ai cũng rõ cả: trong vòng có bốn ngày, người Pháp xin ngưng chiến. Điều mà nhà tôi e ngại đã xảy ra : các đoàn quân Ý phải ngừng lại.

        «Thật là láu cá ! họ chẳng thể chiến đấu lâu hơn cho chút nữa chứ, nhà tôi lẩm bẩm nguyền rủa khi nói đến binh sĩ Pháp. Quân đội Ý vừa mới có được chủt thời gian chứng tỏ sức mạnh của mình ! »

        Một điểm khác cũng làm ông Duce ngạc nhiên : thời gian sụp đổ của phòng tuyến Pháp mau lẹ quá.

        «Làm sao mà một quân đội đã từng chiến thắng tại Verdun lại có the bị đánh bại mau lẹ như vậy ! Ông đã kêu lên khi biết Pháp xin đình chiến. Và phòng tuyến Maginot danh tiếng nữa ! Nỏ dùng để làm gì ? »

        Trong thực tế, ông mong cho Đức, đồng minh của Ý, chiến thắng, ông Duce nghĩ rằng quân đội của Hitler sẽ bị hụt hơi trong cuộc chinh phục lãnh thổ của Pháp, cho lợi ích của Âu châu. Nhưng nó chẳng mệt mỏi gì cả...

        Ông cũng chưa phải là hết ngạc nhiên : Hitler thấy không cần phải chiếm đóng về mặt quân sự toàn thể nước Pháp và các thuộc địa của Pháp.

        «Người Đửc chỉ cần tiến vào Ba lê và chỉ cần ngắm tháp Eiffel là cũng đủ để tự coi là thắng trận rồi, nhà tôi đã nói với tôi khi dự các cuộc thương nghị ở Munich trở về, với một khu vực tự do mà người Đức muốn duy trì, họ sẽ có nhiều sự ngạc nhiên kỳ thú.»
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:54:32 am »


        Đoạn, bình luận về sự từ chối của ông Fuhrer không chịu chiếm đỏng các thuộc địa của Pháp tại Phi châu, Benito nói thêm :

        «Các thuộc địa ấy biểu tượng cho một cơ nguy khi nào mà cuộc chình phục chưa được toàn vẹn. Hitler đã phạm một lỗi lầm chiến lược trầm trọng vì các thuộc địa ở Phi châu ấy có thể tạo thành một kho dự trữ nhân lực và khí cụ cho người Pháp vốn vẫn muốn tiếp tục chiến đấu. Sau cùng, chúng ta chỉ hy vọng rằng những điều e ngại của tôi sẽ không được cụ thể hóa.»

        Nhân nói đến những sự lầm lẫn, có một lầm lẫn mà theo nhà tôi, là một phần của nguyên nhân khiến cho phe Trục bại trận: đó là cuộc xung đột Nga — Phần lan.

        Không đi sâu vào chi tiết, vì tôi không có ý viết một cuốn sách về chiến lược quân sự, nhưng chúng ta phải ngược dòng thời gian đến cuối năm 1939. Vào thời đó, quân đội Phần lan đã kháng chiến anh dũng chống quân đội Nga Sô, khiến cho toàn thể thế giới phải ngưỡng mộ. Điều này ai cũng biết, nhưng điều ít ai được biết là vẻ ngoại diện bất lực của quân đội Nga Sô trong việc lãnh đạo một cuộc chiến tranh tối tân đã cho Hitler ý tưởng tung ra một cuộc chinh phục Nga Sô thật mau lẹ. Phần nhà tôi, ông có quan điểm khác hẳn. Ông tin rằng «các cuộc hành quân của Nga chống lại Phần lan chỉ là một cái bẫy giương ra cho những kẻ ngu xuẩn». «Theo ông Duce Nga sô có thể nuốt sống Phần lan trong vài ngày nếu Staline thật sự muốn điều đó.» Do đó ông gởi cho Hitler một bức thư qua trung gian của đại sứ Ý tại Bá linh, bởi vì ông đã ngờ rằng ông Fuhrer, vì ngạc nhiên dễ chịu trước vẻ yếu ớt của Hòng quân đã bắt đầu nhắm kết thúc số phận của thỏa ước bất tương xâm Nga - Đức. Trong thư nhà tôi giải thích là phải coi chừng người Nga và họ mạnh hơn là vẻ bề ngoài đã chứng tỏ. Thành thử nhà tôi chỉ ngạc nhiên có một nửa khi Hitler thông bảo cho ông biết về cuộc xâm lăng Nga sô ngày 22 tháng 6 năm 1941. Nhưng lúc này chúng tôi mới đang ở vào năm 1940.

        Cũng như tất cả các bà mẹ, tôi run sợ cho mạng sống của ba đứa trong số các con tôi, khi chúng lên đường ra chiến địa : Vittorio và Bruno, sĩ quan không quân, là phi công, và Edda là y tá trong hội Hồng Thập tự. Chính với Edda mà tôi bị cơn sợ hãi ghê gớm đầu tiên từ ngày bắt đầu có chiến tranh.

        Lúc đó là tháng 3 năm 1941, trong chiến trận tại Hy lạp mà nhà tôi cho là đã thất bại và là nguyên nhân làm cho Thống chế Badoglio mất chức Tổng tham mưu trưởng.

        Sáng hôm ấy, tôi thức dậy sau khi trải qua một cơn mơ kỳ di làm tôi vô cùng bối rối vì tôi thấy bằng một thứ giác quan báo trước, một tai họa sắp sửa xảy ra. Tôi đang kề lại giấc mơ cho Ernestina, người hầu phòng của chúng tôi, nghe thì chuông điện thoai reo vang. Nhà tôi gọi với vẻ tỉnh bơ đặc biệt của ông khi loan báo tin dữ, ông nói ngay với tôi, không kiều cách gì cả :

        « Bà biết không, Edda đã bị rớt xuống biển, nó phải lênh đênh trên mặt biến trong năm tiếng đồng hồ, nhưng nó đã được cứu thoát. Tôi lấy phi cơ đi thăm nó đây.

        — Chuyện xảy ra làm sao ?
       
        — Lúc về tôi sẽ kể lại bà hay ».

        Rồi liên lạc điện thoại bị gián đoạn. Sau đó ông gọi lại cho tôi để kể lại chuyện gì đã xảy ra. Chiếc tàu bệnh viện trên đó có Edda, ở ngoài khơi bờ biển Hy lạp, đã bị trúng bảy quả bom của Anh và chìm ngay lập tức. Nêu gương bình tĩnh chưa từng có, Edda chạy đến được một xuồng cấp cứu mà không quên lấy một cây đèn rọi bỏ túi, chiếc áo tơi choàng có nón, và chiếc nón y tá, trong khi người bạn cùng phòng của nó tìm thấy cái chết khủng khiếp dưới nước. Con gái tôi được vớt lên năm giờ sau.

        Ngày 7 tháng 8 năm 1941, lần đầu tiên tôi mới cảm thấy nỗi đau đớn mà biết bao nhiêu bà mẹ đã từng cảm thấy khi được tin về cái chết của một trong những đứa con của mình. Lần cuối cùng tôi thấy Brumo tại Villa Torlonia là ngày 30 tháng 7. Nó đến hôn tôi trước khi trở lại căn cứ. Nó có vẻ ưa bộc bạch tàm sự hơn thường lệ, đến nỗi còn gởi gấm lại cho tôi chăm lo giúp vợ và Marina, con gái nhỏ của nó. Sáng hôm sau, nó lại ghé qua nhà lúc khởi hành và tôi lại trông thấy nó trên ngưỡng cửa phòng tôi, to lớn, mạnh khỏe, với cái nhìn còn đượm thuần vẻ trẻ con lớn mau quá. Tỏi đã bị mất nhiều người thân khác trong gia đình, một đứa con gái mà tôi rất cưng, nhưng tôi có thể đích thân đo lường nỗi tuyệt vọng của bậc làm cha mẹ vừa bị cướp mất đi một đứa con mà lại không được phản đối vì sự hy sinh này là tặng phẩm đắt giá nhất mà một bà mẹ có thể dùng hiến cho tổ quốc của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:54:53 am »


        Ngay cả trường hợp cuốn sách này không được viết để nói lên điều đó, tôi cũng muốn rằng tất cả các bà mẹ đang đọc những dòng này, cho dầu thuộc quốc tịch nào chăng nữa, cũng nên tin rằng vợ ông Mussolini và chính ngay cả ông Mussolini nữa, luôn luôn cảm thấy tận sâu thẳm của tâm hồn họ nỗi đau đớn, giống như nỗi đau đớn của bất cứ ai khác, trước cái chết của một đứa con trai trong chiến tranh.

        Ngoài các con tôi, phần đông các Tổng trưởng, các công chức cao cấp và những người khác chỉ mặc bộ quân phục xám xanh, thông thường là chỉ trong vài tháng, như là một cái dấu ngoặc trong đời họ. Ít ra là trong thời gian đầu tiên Bởi vì sau đó, tình trạng khác hẳn và rất gay go, trong các trận chiến tại Bắc Phi, tại Ethiopie, tại Nga và sau cùng ngay trên đất Ý.

        Như trong tất cả các quốc gia lâm chiến, cuộc sống thường nhật tại Ý không dễ dàng gì. Nhưng so với điều chính mắt tôi thấy tại Đức, thì người Ý chúng tôi ít khổ sở hơn. Chẳng hạn các giải bóng tròn vẫn được tổ chức mỗi chúa nhật cho đến năm 1943 ; rạp chiếu bóng và rạp hát vẫn mở cửa, các buổi hòa nhạc vẫn được tiếp tục và đâu đâu cũng có đông người đến dự cả. Tất nhiên là chúng tôi bị những hạn chế, được biết thế nào là thẻ tiếp tế, và sự thiếu thốn nhiên liệu, xăng.

        Chỉnh chúng tôi, gia đình Mussolini cũng bị đặt dưới cùng một chế độ và tôi có thể chứng nhận với quí vị rằng cả chồng tôi lẫn tôi, chúng tôi đều không cố tình vi phạm hay nhắm mắt để vi phạm các quyết định lúc đó đang có hiệu lực. Tôi còn nhớ một hôm tại Villa Torlonia chúng tôi nhận được không biết bao nhiêu tạ cà phê do những người Ý sống tại Ba tây gởi tặng. Ông Duce quyết định phân phối cho các bệnh viện, và mỗi khi đi ngang qua căn phòng chứa cà phê, mùi thơm từ đó bốc ra làm cho chúng tôi yếu lòng vì thèm. Có cà phê ở trong tầm tay của những người coi thức uống như có tính cách quốc hồn quốc túy, mà lại không được đụng đến : quả là một khổ hình !

        Thật khó tưởng tượng nổi những hạn chế mà nhà tôi bắt gia đình chịu đựng ngay từ những ngày đầu tiên của chiến tranh, nghiêm ngặt đến mức nào : chúng tôi phải bỏ các cuộc đi dạo bằng xe hơi, chính Benito cũng chỉ dùng xe để đi từ Villa Torlonia đến Điện Palazzo Venezia hay cho các sự di chuyển có tính cách chính thức khác mà thôi. Phần tôi, tôi đã từ bỏ chiếc xe dành riêng và các con tôi thì đi học bằng xe buýt. Ngay cả Anna Maria, mặc dầu bị tật vì bị bệnh tê bại từ nhỏ và phải mang một chiếc yếm rất nặng, cũng phải làm như tất cả mọi người.

         Tôi nhớ lại rằng tôi thường có thói quen đến thăm các trẻ con mò cỏi trong một học viện tại Monte-Mario và mang áo quần và lương thực đến cho chúng. Mặc dầu gặp khó khăn về vấn đề di chuyển, tôi vẫn không bỏ các cuộc viếng thăm này. Tôi đi xe buýt. Cứ thế cho đến một hôm một dì phước mới kể lại câu chuyện cho Đức Hồng y Pizzardo biết. Lập tức vị chủ giáo đặt thuộc quyền sử dụng của tôi chiếc xe riêng của ông vốn được hưởng ưu quyền dành cho Vatican.

        Ngày 11 tháng 3 năm 1942, tại La mã có tổ chức một lễ cầu hồn cho Quận công d’Aoste, Phó-vương Ethiopie, mới chết trong một bịnh viện tại Nairobi lúc đang bị người Anh cầm tù. Trong buổi lễ có sự tham dự của Quốc Vương và Hoàng hậu Ý, các nhân vật Quốc gia cao cấp nhất trong số đó có cả những người được ban cấp huy chương Annon ciade. Tôi đến dự lễ với Giữa, con dâu tôi bằng xe buýt. Khi cuộc lễ chấm dứt, mọi người đều ra ngoài để đưa Quốc vương và Hoàng Hậu lên xe. Khi cặp vợ chồng Vương giả đã đi khuất rồi, tôi thấy rằng không một ai động đậy trong khi đó người gác cổng tìm xe tôi, khắp nơi. Phải làm một cái gì gấp, vì do các chức vụ của nhà tôi, mà hôm ấy vắng mặt, người thử hai phải rời nhà thờ sau vợ chồng nhà vua là tôi và người ta đang chờ tôi Galeazzo Ciano có ở đấy. Nó vội vàng chạy đến đề nghị đưa tôi về, vẫn không hiểu vì sao tôi không đến dự lễ bằng xe hơi. Tôi đưa cho nó xem tấm vé xe buýt và lặng lẽ tôi lên xe buýt về nhà cũng như khi đến.

        Đấy là một trong các ví dụ của cuộc sống của chúng tôi trong thời kỷ Đệ II Thế chiến. Tôi sẽ không tôn trọng sự thật nếu tôi không nói rằng, rất may cho chúng tôi, tại Villa Torlonia, tôi có nuôi gà, thỏ và heo con đã được đưa từ Romagne đến, chúng giúp tôi thay đổi thực đơn và thêm được vài thứ phụ vào những gì chúng tôi có được với thẻ tiếp tế. Để ghi lại một chi tiết nhỏ, tôi nhớ là thẻ tiếp tế của nhà tôi mang số 1.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2019, 05:57:26 am »


        Để trở lại với các cuộc hành quân, tôi chỉ cần nói rằng lầm lẫn lớn nhất của Ý — tôi không rõ đó là lầm lẫn của nhà tôi, của bộ Tổng tham mưu hay của cả hai — là đã lãnh đạo một cuộc chiến tranh song song với cuộc chiến tranh của người Đức. Trong số các trường hợp khác, tại Phi châu, bộ tham mưu của chúng tôi đã tổ chức các cuộc hành quân mà phần nhiều không tìm cách thông báo cho người Đức biết. Hậu quả là cả một loạt vấn đề tự ái giữa hai đạo quân. Chính vì thế mà chẳng hạn, tại mặt trận Phi châu cấp bậc Thống chế đã được trao cho các Tướng Cayallero và Batisco Tổng tham mưu trưởng và Tổng tư lệnh lực lượng Ý, khi Rommel được Hitler vinh thăng lên hàng Thống chế1. Làm như vậy để tránh không cho Rommel lấn quyền các tướng lãnh Ý. Cũng cần phải nói rằng các Tướng lãnh Đức cũng chẳng có dàn xếp sự việc làm gì nữa, vì không bao giờ họ bỏ quên cơ hội phô bày ưu thế trước mặt các đồng sự Ý của họ. Khi các lực lượng Ý - Đửc chiếm được Tobrouk và tiến đến ngưỡng cửa của Alexandrie, ở Ai cập, ông Duce đã đến và ở lại mặt trận Phi châu một tháng, từ 20 tháng 6 đến 21 tháng 7 năm 1942. Ông đã lợi dụng thời gian này để «cho dầu vào toàn bộ bánh xe trong bộ máy » và kích thích lòng hăng say của quân sĩ qua sự hiện diện của ông. Ông trở về La mã, bao tử bị đau dữ dội vì lẽ tinh thần quá bị khích động trong suốt cuộc du hành này. Năm 1942, ấy là một khúc quanh, bởi vì sau chiến thắng tại Phi châu, cuộc di tản chiến thuật lại bắt đầu. Tại Nga, Hồng quân nắm thế chủ động.

        Nhân nói về chiến tranh tại Nga sô tôi phải minh xác rằng những gì xảy ra trong năm 1942 và 1943 đều đã được nhà tôi tiên liệu trước, ngay từ lúc ông được thông báo, lại một lần nữa khi chuyện đã rồi, về cuộc tấn công của Đức nhằm vào Nga sô viết.

        Đấy là ngày 22 tháng 6 năm 19412. Chúng tôi đang ở Riccione, khi chuông điện thoại reo vang vào khoảng 3 giờ sáng. Vì máy đặt gần giường tôi cho nên tôi nhấc lên nghe. Đằng kia đầu dây là Tùy viên quân sự của Sứ quán Đức tại La mã, ông ta muốn nói chuyện ngay lập tức với ông Duce. Tôi hỏi liệu ông ta có thể gọi lại sau để khỏi đánh thức Benito chăng. Ông ta từ chối và để thuyết phục tôi về tính cách tối khẩn của sự việc, ông ta phải nói với tôi :

        « Tòi phải thông báo cho ông Duce biết rằng Đức quốc vừa tuyên chiến với Nga ».

        Tôi chạy đến phòng của Benito và đánh thức ông. Ông đến nhấc điện thoại và tỏ ra không bằng lòng nghe những gì mà kẻ đối thoại đang nói với ông. Bằng một giọng bị khích động ông nói rất lâu bằng tiếng Đức và khi cúp máy, ông nói với tôi, giận dữ :

        «Thật là diên ! Tuyệt nhiên không bao giờ nên tấn công Nga sô. Đức quốc biết đánh nhau chứ không biết làm chính trị».

        Lập tức ông tổ chức ngay một đoàn quân viễn chinh Ý và giao quyền tư lệnh cho Tướng Messe và nói rõ với ông này :

        «Phải chiến thắng chớp nhoáng. Khối Trục phải hạ Nga sô trong vài tháng».

        Sự hân hoan phấn khởi thật là vô biên trong đảng phát xít. Nó còn lớn hơn trong bất cứ cuộc chiến tranh nào khác vì cuộc chiến này có ý nghĩa như là trận đánh thật sự vào chính chủ nghĩa mác xít. Đấy là một trong các lý do khiến cho binh sĩ của đoàn quân GSIR, nghĩa là Đoàn quân viễn chinh Ý tại Nga sô đã chiến đấu hay hơn tại các mặt trận khác.

        «Bà thấy không, một đôi khi, nhà tôi bảo, cả tại đấy người ta cũng cần chúng ta ! Vậy chúng ta có thể chửng minh cho thế giới thấy rằng không phải chỉ có người Đức là biết chiến đấu và chiến thắng».

        Ít lâu sau, tháng 10 năm 1941, ông Duce báo cho tôi biết rằng ông Fuhrer vừa gọi điện thoại thông báo cho đích thân ông rõ về cuộc chinh phục thành phố Orel.

        «Vậy thì hay quá! Ông la lên. Orel nằm tại ngưỡng cửa Mạc tư khoa rồi.»

        Nhưng ông nói thêm :

        «Tuy nhiên phải coi chừng và phải siết chặt, màn lưới mau lên, vì mùa đông sắp đến nơi rồi».

        Và trong thực tế, năm ấy mùa đông lạnh kinh hồn. Tại Nga, người ta chưa bao giờ cảm thấy lạnh như thế từ gần ba mươi năm qua.

        Ông Duce được biết các nét đặc biệt của mặt trận Nga sô khi ông đến đấy viếng thăm các sư đoàn của Đoàn quân Viễn chinh Ý tại Ukraine. Vittorio đã đi theo ông và họ cùng đáp máy bay với Hitler. Lúc trở về, nhà tôi kể lại rằng ông Fuhrer rất sợ hãi khi thấy ông cầm lái chiếc phi cơ, nhưng ông ta đã không dám nói gì cả.

        «Bà biết không, nhà tôi nói thêm, chiến công vĩ đại nhất mà bọn Nga có thể thực hiện là bắn hạ chiếc phi cơ của chúng tôi. Chỉ cần một đòn là họ thanh toán được cả Hitler lẫn Mussolini ! »

----------------------
        1. Đọc :«Rommel, Con Cáo của Sa mạc» —  Sông Kiên xuất bản.

        2. Về việc tấn công Nga, về ý định chinh phục chia cắt,chiếm động Nga sô và cuối cùng tiêu diệt dân tộc Nga để mang người Đức với dòng máu Arỵen đến ở đất Nga, xin đọc « Hitler và các danh tướng Đức Quốc Xã » Bản dịch Người Sông Kiên và Lê thị Duyên — Sông Kiên xuất bản.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM