Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:50:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc đời Nhật Hoàng Hiro - Hito  (Đọc 9908 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2019, 10:59:38 pm »


        TIẾN VÀO ẤN ĐỘ DƯƠNG

        Hải quân Nhật tiếp tục tiến vào An Độ Dương. Đô đốc Somerville lần đầu tiên trong 100 năm phải quyết định cho hải quân Hoàng gia Anh rút chạy. Ông ta tính nếu hạm đội phương Đông của Anh bị hủy diệt thì Nhật bất cứ lúc nào cũng có thể đổ bộ lên Ấn Độ, phong tỏa Úc, đe dọa đường hàng hải Keptao-Xuyê vì thế cho rút về Đông Phi châu mặc cho các sĩ quan dè bỉu. Nhật càn quét mặt đại dương nhưng không đạt được mục đích diệt hạm đội phương Đông. Đến cuối tháng 4-1942, cách biên giới An Độ 150km, cắt đứt "con đường Miến Điện" đi Trung Hoa và bắt đầu đe dọa Ấn Độ.

        Trưa 18-4-1942, lực lượng đặc nhiệm 16 của Hoa Kì trút bom xuống Tokyo. Cuộc ném bom không gây nhiều thiệt hại về vật chất nhưng làm chấn động tâm lí giới lãnh đạo chiến tranh, quan điểm của hải quân Nhật thắng thế. Hiro Hito, ngày 20-4, tán thành kế hoạch của Tổng tham mưu trưởng hải quân Nagano mùa hè 1942, Nhật sẽ tấn công suốt từ biển San hô ở phía nam qua Mituây ở trung tâm lên tận quần đảo Alơtian (Bắc Thái Bình Dương).

        Nhưng kế hoạch đánh chiếm Moresby của Nhật bị sụp đổ. Lần đầu tiên, cuộc tiến công của Nhật bị đánh bại.

        Kế hoạch hạm đội Nhật tiến công Mituây liên tiếp thất bại. Ngày 5-6, hạm đội Nhật thảm bại. Trong cơn thất vọng, mọi người đề nghị tập trung tất cả lực lượng còn lại tiến đến Mituây, dùng hải pháo oanh tạc để hủy diệt đảo này. Nhưng đô đốc Ugaki, Tham mưu trưởng cho đó là điên rồ và tự sát. Các thiết giáp hạm sẽ bị máy bay và tàu ngầm địch đánh chìm trước khi đến gần đảo. Một sĩ quan chất vấn: "Làm sao có thể báo cáo lên Thiên hoàng về thất bại này?". Đô đốc Yamamoto nói "Đó là việc của tôi. Tôi nhận trách nhiệm báo cáo việc này lên Thiên hoàng".

        Người Mỹ đã bảo vệ được "con đê" của họ, giữ quyền kiểm soát Thái Bình Dương. Tướng Moritake Tanabe, Phó Tổng tham mưu trưởng lục quân phán xét: "Hải quân đã phạm một sai lầm lớn! "Tham mưu trưởng của hạm đội Liên hợp, đô đốc Ugaki chống chế: "Chiến tranh là một chuỗi sai lầm mà cả hai bên đều phạm phải. Chiến thắng về với kẻ nào ít phạm lỗi nhất!".

        Khi người Nhật đến quần đảo Salômông tháng 4- 1942 thì người Úc đã tháo chạy. Người Nhật chọn đảo Goadancanan làm căn cứ tiền phương, làm xong sân bay ở bắc đảo này trong 2 tháng.

        Ngày 7-8, Hoa Kì đổ bộ lên Goadancanan 11000 người, lên Tulagi 6000 người không gặp sự cố gì. Ngay đêm ấy, Nhật đánh, hạm đội Mỹ rút, Nhật nghĩ Mỹ đánh theo dạng chiến thuật nên càng chủ quan. Nhưng không ngờ Mỹ tiếp tục đổ bộ và xây xong sân bay trong 48 giờ. Nhật 3 lần tấn công, 3 lần thất bại. Lúc này, Nhật mới phát hiện Mỹ có hơn 10000 quân chứ không phải như dự đoán chỉ có 2000. Quân Nhật đã phải ăn trái sakê và củ rừng để sống, bị sốt rét rất nhiều, mỗi ngày chết trên dưới 100 người vì sốt rét và đói. Vấn đề rút quân được đề ra. Ngày 31-12-1942, Hiro Hito nghe hai báo cáo của Tổng tham mưu trưởng hải quân đô đốc Nagano và Tổng tham mưu trưởng lục quân Sugiyama. Ồng hỏi:

        "Có lẽ Hoa Kì có ưu thế hơn ta về không quân phải không?". Đây là một câu hỏi rất tâm lí, đỡ đòn cho hai vị Tổng tham mưu trưởng vì đổ tội cho không quân nhưng thực sự không quân không có mặt ở đây, cả lục lẫn hải quân đều có máy bay tham chiến. Hiro Hito hỏi tiếp:

        - Tại sao Hoa Kì xây sân bay trong 2 ngày, còn ta 2 tháng?

        Nagano nói:

        - Tâu Hoàng thượng, họ làm bằng cơ giới còn ta bằng tay.

        Hiro Hito an ủi:

        - Cần học tập điều này để khi khác làm tốt hơn. Thôi không quân đã thua thì cố gắng rút quân cho tốt.
        Ba đêm Nhật rút, kín đáo đến mức Mỹ tưởng Nhật đổ thêm quân, như vậy với thảm bại Goadancanan, Nhật mất hết thuận lợi. Mỹ đã bắt đầu phản công. Bên mặt trận kia, Liên Xô phản công như vũ bão tại Xtalingrat. Nhật mất 2362 phi công tài ba. Tình hình này càng đưa Nhật vào thế bí. Những câu "Tinh thần võ sĩ đạo đưa ta đến chiến thắng", "Có quyết tâm cái gì ta cũng làm được","Thiên mệnh muôn nước Nhật khai hóa vùng Đại Đông Á"... dần dần không được nhắc đến.

        Ngày 18-4-1943, không quân Mỹ bắn rơi chiếc máy bay đi thị sát của đô đốc Yamamoto. Quân lực Hoàng gia Nhật bị chấn động.

        Hiro Hito trong cuộc hội kiến ngày 30-6-1943 đã nói với Thủ tướng Tojo và Bộ Tổng tham mưu quân lực:

        - Các khanh nên thiết lập một giới tuyến phòng ngự, nếu quân lực Hoàng gia lùi mãi, các nước trong cộng đồng Đại Đông Á sẽ hết tin ở Nhật Bản.

        Thủ tướng Tojo khôn khéo đưa ra tinh thần Đại Đông Á (khối thịnh vượng chung Đại Đông Á) để ổn định vị trí của ông trong giới quân phiệt và yên lòng Hiro Hito.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2019, 12:17:39 am »


        Tojo đã tuyên bố trả phần lớn lãnh thổ Shan lại cho Miến Điện (Mianma). Ngày 1-8-1943, tướng Masakasu Kawabe trao trả "độc lập" cho Bamaw, chủ tịch nhà nước Miến Điện. Ngày 14-10-1943 trao trả độc lập cho Philippin. Một tuần lễ sau, Chính phủ lâm thời giải phóng Ấn Độ với Chandra Bose cầm đầu, hình thành ở Xingapo. Lần đầu tiên, hơn 100 triệu dân vùng Đại Đông Á thấy người trực tiếp cai trị mình không phải là người da trắng. Riêng Inđônêxia có nhiều tài nguyên Nhật cần nên chưa trao trả độc lập ngay được.

        Đầu tháng 11-1943 "Hội nghị Đại Đông Á" được triệu tập ở Tokyo gồm: Thái Lan, Miến Điện, Philippin, Mãn Châu quốc và chính quyền tay sai Nhật ở Trung Hoa (Uông Tinh Vệ). Ấn Độ đến với tư cách là quan sát viên.

        Ngày 5-11, hội nghị được triệu tập ở tòa nhà Quốc hội Nhật. Tojo phát biểu đầu tiên:

        "Trên nhiều phương diện, các nước Đại Đông Á được ràng buộc với nhau bởi mối liên hệ hữu cơ. Tôi tin chắc rằng các nước này có chung một nhiệm vụ là bảo vệ khối thịnh vượng chung để xây dựng một trật tự mới, tiền đề để phát huy sự sung túc của nhân dân trong vùng".

        Đại biểu các nước lên phát biểu. Bamaw kêu gọi: "một ngàn triệu người châu Á tiến về phía trước xây dựng một thế giới của tự do, hạnh phúc và sung túc".

        Tờ Nippon Times ca tụng: "Đây là một hội nghị "Linh hồn" và "máu Á châu" lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Nơi đây, những người anh em gặp lại nhau sau một chuỗi dài đêm tối triền miên. Người Hoa, Mãn, Ấn, Philippin, Miến, Thái, Nhật cảm thấy họ là anh em ruột chung một mẹ: Mẹ Á Châu".

        Tojo đã thành công phần nào. Hiro Hito hiểu vấn đề này không đơn giản vì tư tưởng quân phiệt Nhật thường đối chọi với mục đích Hội nghị đưa ra. Mặt khác, nhiều chính trị gia đến gặp Tojo đề nghị nên mưu tìm "hòa" trong thế này. Tojo hiểu rõ tình hình Nhật lúc này rất phức tạp, nếu "hòa", quân phiệt sẽ diệt ngay.

        Thực sự, các đại biểu ra về, tinh thần Hội nghị cũng tan theo.

        CHIẾN TRANH Ở TÂY NAM THÁI BÌNH DƯƠNG

        Ở Tây Nam Thái Bình Dương, những cuộc giao chiến kéo dài suốt năm 1943 đến đầu năm 1944, Mỹ càng ngày càng thắng. Đảo Saipan là trung tâm tiếp vận ở chiến trường cho hải quân và lục quân Nhật tham chiến ở chiến trường Nam Thái Bình Dương. Người Nhật thấy Mỹ sắp tấn công nên cho di tản gia đình các viên chức về Nhật. Đô đốc Nagumo "người hùng Trân Châu Cảng" làm Tư lệnh hạm đội "Trung Thái Bình Dương". Để chiếm đảo, quân Mỹ đưa đến 127000 người (2 phần 3 là thủy quân lục chiến).

        Trưa 11-6, Mỹ dội bom vào Tinian và Saipan. 5 giờ 30 phút sáng 15-6-1944, hải pháo bắn tới tấp. 8 giờ 20 phút, 8000 quân Mỹ lên bờ. Mỗi căn nhà trong làng nhỏ Charan Kanoa là một pháo đài, mỗi bụi tre là một ổ súng cộng đồng. Suốt ngày, Mỹ đổ bộ lên 25000 quân. 12 giờ khuya, Nhật tấn công lại nhưng hỏa pháo Mỹ diệt hết đội này đến đội khác. Nhật tháo chạy để lại hơn 800 xác chết và tất cả xe tăng tham gia phản công. Ngày hôm sau, sư đoàn 27 bộ binh Mỹ lên bờ. Người Nhật phản công nhưng bại. Người Nhật nhận được điện do Bộ Tư lệnh lục quân gửi nhân danh Thiên hoàng:

        "Số phận của nước Đại Nhật Bản tùy thuộc vào trận chiến này. Mỗi chiến sĩ phải thấm nhuần tinh thần đó, chiến đấu dũng cảm đẩy lùi quân Mỹ xuống biển để làm an lòng Thiên hoàng".

        Tướng Igeta, thuộc quân đoàn 31, điện về Tokyo: "Rất xúc động trước sự quan tâm chiếu cố và lòng đại lượng của Thiên hoàng. Tất cả mọi chiến sĩ ước mong được chết mười ngàn lần để được xứng đáng với ân huệ trên".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2019, 11:03:47 pm »


        NỐI TIẾP NHAU THẤT BẠI

        Hiro Hito nhận được điện rất xúc động nhưng cũng biết tình thế quân Nhật đến năm 1944 không còn như xưa nữa. Khắp nơi các chiến sĩ cảm tử Nhật đã hi sinh vô cùng anh dũng nhưng cũng không cứu vãn nổi thế trận.

        Trận hải chiến ở vùng biển Mariana, hạm đội cơ động Nhật mất 92% số máy bay, chìm 3 tàu sân bay và 50% số máy bay của đảo Guam bị phá hủy. Tổng cộng 475 máy bay và thủy phi cơ Nhật bị diệt. Mỹ thiệt hại 130 máy bay với 2 tàu chở dầu.

        Tại Saipan, đêm 25 tháng 6, tướng Saito ra lệnh kiểm tra quân số. Quân tản mát, các sĩ quan dưới quyền chỉ nắm được 1200 quân và 3 xe tăng. Tướng Saito điện về Tokyo: "Xin kính dâng Thiên hoàng lời tạ tội sâu sắc vì chúng tôi không thể làm tốt hơn nhũng gì mà chúng tôi đang làm. Trước khi xuất trận lần cuối cùng, toàn thể chúng tôi tâm hồn hướng về Hoàng cung và tung hô Vạn tuế".

        Ngày 6-7, trong một hang lớn, tướng Saito ra lệnh: "Ngày mai tập trung tất cả những ai còn chiến đấu được xuông núi để tấn công bọn Mỹ, đánh đến người cuối cùng". Một sĩ quan tham mưu hỏi: "Trung tướng có tham gia với chúng tôi không?".

        Đô đốc Nagumo trả lời thay: "Chúng tôi sẽ Harakiri, chúng tôi quyết định chết lúc 10 giờ sáng nay, các anh cho phép chúng tôi đi trước". Saito, thiếu tướng Igeta và Nagumo mổ bụng tự sát.

        Quân Mỹ chết 605 người, quân Nhật bị giết gần hết, chỉ còn vài người bị thương, ngất xỉu, quân Mỹ đem về cứu sông. Saipan hoàn toàn trong tay Mỹ. Mỹ phải trả giá quá cao: 14111 người chết, mất tích hoặc bị thương nặng. Nhật hơn 30000 người chết hoặc tự sát. Khoảng 100 người bị bắt, số còn lại rút vào hang động, 15 năm sau vẫn còn người sống ở đó.

        Trong số gần 30000 dân Nhật sống trên đảo, khoảng 22000 người tự sát tập thể, nhảy từ trên các mỏm núi cao xuống biển.

        Chiếm xong Saipan, quân Mỹ chiếm tiếp các đảo Guam và Tinian. Từ các sân bay trên đảo này, máy bay Mỹ sẽ đi ném bom nước Nhật.

        Trước tình hình căng thẳng, Hiro Hito phát động chế độ "một tuần làm việc 7 ngày". Lương thực thực phẩm, đồ dùng hàng ngày của nhân dân ngày càng khan hiếm.

        Tojo bị tố cáo đưa nước Nhật đến thất bại. Nhiều lần phe quân sự định mưu sát nhưng không thành công.

        Tojo gặp hoàng thân Kido, Chưởng ấn Hoàng gia, người đề nghị với Thiên hoàng đưa Tojo lên làm thủ tướng năm 1941, Tojo thấy cần phải thay đổi nội các. Ngày 17-7, ông cách chức Bộ trưởng Hải quân Shimada, mời Yonai lên thay nhưng Yonai từ chối. Hội đồng Jushin (gồm những vị cựu Thủ tướng Nhật) họp tại nhà Hoàng thân Konoye, cũng tỏ ra không tán thành việc cải tổ nửa vời.

        Cuối cùng ngày 18-7, Tojo xin từ chức. Đại tướng Kuniaki Koiso, Thống đốc Triều Tiên (con cọp xứ Triều Tiên) lên thay. Tướng Yamashita (con hùm xám Mã Lai) được cử chỉ huy chiến trường Philippin. Trung tướng Sosaku Suzuki được trao nhiệm vụ bảo vệ Mindanao và chiến trường phía nam Philippin với quân đoàn 35 tinh nhuệ của ông.

        Giữa tháng 9 sang đầu tháng 10, máy bay Mỹ liên tiếp bắn phá các căn cứ không quân và hải quân Nhật ở Philippin.
   
        Sau khi đã hủy diệt hầu hết các lực lượng không quân và hải quân Nhật ở Philippin và các vùng lân cận, Mac Arthur chọn Leyte nằm giữa quần đảo Philippin làm nơi đổ bộ chính.

        Trước những tổn thất lớn, từ tháng 9-1941, một số phi công Nhật đã lao máy bay chở bom vào chiến hạm Mỹ. Giữa tháng 10-1944, Phó Đô đốc Takiziro Onishi được phái sang Philippin. Ông đã gom lại 100 máy bay và phi công còn lại lập ra đội bay quyết tử đặt tên là Kamikaze tức Thần phong (theo tên gọi trận bão năm 1570 đánh chìm hạm đội Mông cổ đang trên đường xâm lăng Nhật Bản).

        Trong các trận hải chiến từ sáng 22 đến sáng 26-10 Nhật bị thiệt hại nặng. Sau 4 ngày, Nhật mất 300.000 tấn trọng tải tàu, bằng 1/4 tổng khối lượng tàu Nhật bị chìm kể từ đầu chiến tranh.

        Ngày 22-12-1944, tướng Yamashita điện cho Suzuki cho phép ông được quyển tự chọn nơi thích hợp cho việc tiếp tục chiến đấu.

        Ngày 16-1-1945, thuyền của Suzuki bị máy bay Mỹ bắn. Ông tuyệt vọng rút gươm mổ bụng tự sát ngay trên thuyền.

        Chiến trận Leyte chấm dứt, 70.000 quân Nhật tham chiến nhưng cuối cùng chỉ còn khoảng 5.000.

        Tại đảo Mindanao, quân Mỹ chính thức đổ bộ từ 20- 4-1945, chiến sự bùng lên mạnh mẽ khi tập đoàn quân 8 của tướng Eichelberger đổ bộ lên đây từ 12-5 và giao tranh kết thúc vào cuối tháng 6 khi quân Mỹ chiếm hầu hết đảo này. Nhưng 20.000 quân Nhật còn lại vẫn ẩn nấp trong rừng núi không chịu đầu hàng.

        Mỹ giành lại Philippin sau gần 9 tháng giao tranh ác liệt. Quân Nhật chết 250.000 người. Mỹ có 60.000 người chết và 12.300 người bị thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2019, 09:24:01 pm »


        Trên đất liền châu Á, khi quân Anh xâm nhập Miến Điện thì quân Nhật tràn vào Ấn Độ. Chandra Bose cầm đầu quân đội quốc gia An (Indian National Army tức INA) không đồng ý ghi âm bài phát biểu của tướng Nhật: "Đánh chiếm Imphal để lập chiến công dâng lên Nhật hoàng nhân kỉ niệm ngày sinh của Người", ông cho rằng chiến đấu vì nền độc lập của người Ấn thì dân sẽ theo còn chiến đấu vì Nhật hoàng thì sẽ theo Anh.

        Sau 80 ngày giao chiến, quân Nhật thoát khỏi sự truy kích của địch nhưng lại phải đương đầu với nạn đói và muôn vàn khó khăn của một cuộc hành quân xuyên rừng núi hiểm trở trong mùa mưa lũ.

        Cuối tháng 10-1944, Đồng minh đã đẩy lùi quân Nhạt trên toàn tuyến biên giới Ấn - Miến, đột kích qua biên giới Trung - Miến, chiếm lại được nhiều vùng đất ở Bắc và Tây Bắc Miến Điện.

        Ngày 2-11-1944, quân Trung Hoa phá được vòng vây của Nhật. Đầu tháng 2-1945, quân Trung Hoa bắt đầu tràn vào Miến Điện.

        Ngày 3-5-1945, quân Đồng Minh hoàn toàn làm chủ Rănggun.

        Đầu tháng 8, Bộ Tư lệnh Đồng minh diệt hoàn toàn hai cánh quân Nhật ở Tây sông Sittang với 10.500 tên bị giết và 700 bị bắt làm tù binh.

        Ở Trung Quốc, ngày 8-8, tại Nam Trung Quốc, quân Nhật chỉ còn đóng giữ bán đảo Lôi Châu, Quảng Châu Loan và đảo Hải Nam. Cũng ngày này, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, sáng hôm sau, đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu bị tấn công. Đúng thời gian này, Bát Lộ quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tiến hành tổng phản công chống Nhật.

        Việc đổ bộ vào nước Nhật không dễ dàng. Hơn 2 tháng kể từ 10-12-1944, máy bay Mỹ đã oanh tạc 75 trận ở Iwo Jima.

        Ngày 19-2-1944, 6 giờ 40 phút, hải pháo của 7 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm bắn phá các vùng sẽ đổ bộ. 8 giờ 30 phút, 120 máy bay đến bỏ bom cháy, bom nổ và phóng tên lửa. Đảo chìm trong lửa và khói. Người Nhật ngồi trong hang động đọc thuộc đặc lệnh của tướng Kuribayashi:

        - Chúng ta sẽ cống hiến sinh mạng cho sự phòng thủ Iwo Jima và sự quang vinh của Thiên hoàng.

        - Chúng ta sẽ cầm lựu đạn lao vào xe tăng địch.

        - Chúng ta sẽ thâm nhập vào giữa đội hình địch.

        - Mỗi người phải diệt 10 kẻ thù trước khi chết.

        -  Sau khi chúng ta bị quân địch tràn vào, đánh đến người cuối cùng bằng chiến thuật du kích.

        Đêm đầu tiên, chiến tranh trên đất Nhật đã để lại những tay, chân, đầu, sọ nằm cách xa thân thể không đếm xuể.

        Turner, Tư lệnh các lực lượng viễn chinh đã bị Đài phát thanh Tokyo bình luận:

        "Turner, người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn binh sĩ của chúng ta, sẽ không bao giờ trở về được. Chúng ta sẽ giết ông ta, tế các vong hồn chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc Đại Nhật Bản".

        "9 giờ 30phút, sáng 24-2, hai bên xông vào đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, báng súng, lựu đạn, cho đến cả cuốc xẻng. Xác chết đôi bên chồng chất lên nhau".

        Tướng Kuribayashi điện về Tokyo: "Sau một tuần lễ giao tranh, quân tự phòng tại Iwo Jima đã mất 50% quân số, phần lớn súng máy, 60% đại bác và súng cối đã bị hủy diệt".

        Sáng ngày 4-3, tướng Kuribayashin gửi điện về Tokyo: "Khi cái chết của mình đang đến gần, tôi xin cầu Trời ban cho Tổ quốc tôi một tương lai tốt đẹp... Tôi muốn được giữ lời tạ lỗi với các sĩ quan thượng cấp và đồng cấp của tôi, vì đã không đủ sức chặn đứng cuộc xâm nhập của kẻ thù. Tôi tin chắc rằng Tổ quốc ta sẽ không bao giờ sụp đổ, linh hồn tôi sẽ luôn luôn tấn công địch để bảo vệ đất đai của đế quốc vĩnh cửu".

        Đa số sĩ quan Nhật ở Iwa Jima muốn "tổng tiến công và cùng chết" càng sớm càng hay.

        Tướng Senda hướng dẫn một cuộc tấn công "tự sát". Đầu không đội mũ, quấn một tấm vải trắng có vẽ Mặt tròi đỏ ngay trán, ông dẫn đầu đoàn quân trang bị súng trường, lựu đạn, súng máy và cả gậy tre vót nhọn.

        Tất cả đều bị bắn gục chết trên chiến trường.

        5 giờ 35 chiều 17-3, Kuribayashi điện về Tokyo:

        " Chiến cuộc sắp tàn, không phải vì tinh thần hi sinh cố gắng của quân đội Thiên hoàng tàn lụi, mà vì chúng tôi không còn cả súng đạn lẫn lương thực. Nước uống đã hết từ 5 ngày nay. Tất cả những người còn lại sẽ tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ không an toàn, nếu không chiếm lại được đảo này. Tôi hi vọng linh hồn tôi sẽ dẫn đường cho cuộc tấn công trong tương lai. Cầu trời ban cho Tổ quốc tôi thắng lợi cuối cùng...

        Tôi lo lắng cho tương lai đất mẹ
        Khi cỏ xanh phủ kín xác thân mình.
1

        Sau đó là lệnh:

        "Kể từ 0 giờ 1 phút ngày 18-3-1945, mọi người sẽ chiến đấu đến chết, không ai được lo giữ tính mạng của mình."

        Sáng 27-3, tướng Kuribayashi ra khỏi hang cùng với đại tá Nakane sĩ quan tham mưu, hướng về phía bắc (hướng Hoàng cung), gập mình 3 lần chào rồi mổ bụng. Nakane chém tiếp đầu theo nghi lễ rồi mai táng thượng cấp. Nakane quay về hang báo cáo sự việc này với Đại tá tham mưu trưởng Takeshi và Chuẩn Đô đôc Ichimaru. Hai đại tá lại cùng nhau ra cửa hang dùng súng tự sát.

        Gần 11 giờ khuya, Chuẩn Đô đốc Ichimaru cùng 10 người tay không vũ khí, ra khỏi hang. Súng Mỹ đã bắn ông cùng hai người khác chết.

        Mỹ đã chiếm Iwo Jima trong hơn 1 tháng với 4917 người chết, thương vong 20.000 người, và một số mất tích.

        Mất Iwo Jima, Thủ tướng Koiso đệ đơn từ chức ngày 5-4. Đô đốc Suzuki 78 tuổi lên thay. Hiro Hito nói: "Trẫm biết rằng trong tình hình đen tối hiện nay, không ai có khả năng hơn khanh để đi đến cùng nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy trẫm chọn khanh".

-------------------
        1. Tướng Kuribayashi là nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:28:53 pm »


        BI KỊCH TRONG NHỬNG THÁNG CUỐI CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN TRANH

        Hải quân Nhật trong những tháng cuối cùng cũng đầy bi kịch. Hạm trưởng Hara trên tuần dương hạm Yahagi đã kêu gọi:

        "Nhiệm vụ hôm nay là một nhiệm vụ "tự sát" nhưng tôi muốn nói cho các anh rõ: tự sát không phải là mục đích cuối cùng của cuộc hành quân này. Mục đích là chiến thắng. Các anh không phải là những con cừu mà người ta xua lên bàn mổ. Nếu chẳng may chiến hạm bị chìm, đừng lưỡng lự: hãy tự cứu sống để rồi còn cống hiến cho các trận khác. Tôi ra lệnh: Các anh phải sống!".

        Một thiếu uý hỏi: "Tại sao ở học viện Hải quân, người ta bảo là phải chết theo tàu?".

        Hara đáp:

        "Thời phong kiến xa xưa, cái sống rất rẻ, sinh mạng con người không ra gì hết. Hiện nay chúng ta đang sống ở thế kỉ XX. Giáo điều Bushido (nguyên tắc sống của một võ sĩ đạo) đã nói: "Ta phải sống thế nào để luôn luôn sẵn sàng chết". Ta phải hiểu theo nghĩa của thế kỉ XX này. Chúng ta sống để chiến thắng. Thua keo này, bày keo khác, chứ không phải thua là tự sát".

        Tuần dương hạm này bị trúng 13 bom, 7 ngư lôi rồi bị chìm.

        Tàu Yamato sau khi bị trúng 8 ngư lôi, Chuẩn Đô đốc ra lệnh: "Cho tàu hướng về phía bắc". Quân Mỹ tưởng bỏ chạy nhưng Ariga muốn tàu hướng về Hoàng cung bệ kiến Thiên hoàng rồi chết. Hạm phó Nomura nói với Ariga: "Thưa Hạm trưởng, giây phút cuối cùng sắp đến!". Ariga liên lạc với phòng chỉ huy qua ống nói: "Thưa đô đốc Tư lệnh, xin Ngài rời tàu với thủy thủ đoàn, tôi ở lại với tàu". Rồi quay qua Hạm phó.

-           "Hạm phó Nomừra, ông hãy rời tàu. Đây là lệnh!".

        Ông ta ra lệnh cho một hạ sĩ quan buộc ông vào trục hải bàn. Anh này buộc ông xong thì cũng tự buộc mình. Ariga quát.

-            "Đồ ngu, chúng mày còn trẻ phải sống cho nước Nhật tương lai!".

        Phó đô đốc Ito ra từ giã Ban tham mưu, mở cửa phòng mình vào trong chờ chết.

        Yamato chìm cùng với tiếng nổ của kho đạn hải pháo trong tàu.

        Thủy thủ đoàn 3332 người của kì hạm Yamato chỉ có 269 người sống sót.

        Âm vang của một bản đồng ca hải quân xen lẫn với tiếng la to "Tenno Heika Banzai" (Thiên hoàng vạn tuê) của một người kiệt lực tạo nên vẻ bi tráng không thể quên nổi.

        "Nếu tôi rời xa biển cả
        Tôi sẽ trở về như xác chết nổi trôi
        Nếu nhiệm vụ gọi tôi lên núi
        Đồng cỏ xanh sẽ là áo khoác thân tôi
        Vì đã nguyền hiến thân phục vụ Thiên hoàng
        Tôi sẽ không chết bình yên giữa thê nhi êm ấm!".


        Thời kì này, các "Thần phong" của Nhật cũng vẫn còn gây kinh hoàng cho binh lính và sĩ quan hải quân Đồng minh.

        Ngày 1-6-1945, quân Mỹ tiến đến gần thành lũy cuối cùng của quân Nhật ở Okinaoa. Người ta tìm thấy thi hài của Chuẩn Đô đốc Minoru Ota, sĩ quan cao cấp nhất ở đây. Ông cùng 6 sĩ quan của Bộ tham mưu tự sát kiểu "Harakiri".

        Chiều ngày 15-6, trong một hang động lớn, Trung đoàn trưởng tập hợp 102 người còn lại. Ông ta làm lễ đốt quân kì trung đoàn rồi nói:

        "Trong ba tháng vừa qua, anh em đã cùng tôi chiến đấu. Lòng dũng cảm, đức hi sinh, sức chịu đựng của anh em, lịch sử sẽ khắc sâu. Nay tôi nói lời cám ơn anh em đã phục vụ quên mình. Giờ đây, tôi tuyên bố giải thể Trung đoàn. Từ nay trở đi, anh em không còn bị ràng buộc nữa, tôi lãnh trách nhiệm về lệnh này. Riêng tôi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại đây. Nhưng tôi cấm anh em theo tôi. Ra lệnh cho anh em phải sống để kể lại cho hậu thế biết: Quân đội Nhật Bản đã chiến đấu ra sao ở Okinaoa".

        Ngay sau đó, ông mổ bụng tự sát. Đại uý Sato chém đứt đầu Trung đoàn trưởng, tra gươm vào vỏ, hô to "Tenno Heika Banzai" (Thiên hoàng vạn tuê) rồi tự sát bằng súng lục.

        Ngày 21-6, trong chỉ huy sở của mình, tướng Ushizima và mọi người đều hốt tóc, cạo râu. Ushizima viết thư trình lên Thiên hoàng, tạ tội không giữ được đảo. Thư được điện về Bộ Tổng tham mưu quân lực Hoàng gia Tokyo, ông bảo đại tá Yahara: "Này Yahara tôi và ông chắc sẽ "Harakiri". Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinaoa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng Tư lệnh của ông ra lệnh cho ông phải chịu cái nhục này".

        Chiều 22-6, tướng Ushizima và tướng Cho quỳ gối hướng về phía bắc vái ba vái và tiến hành lễ tự sát. Tướng Cho đưa cổ ra cho đại úy Sakaguchi chém bay đầu. Tướng Ushizima lấy gươm tự mổ bụng, 7 sĩ quan tham mưu cùng tự sát. Ngày 2-7, trận chiến Okinaoa chấm dứt. Suốt 3 tháng chiến đấu, quân Mỹ bị chết 12.520 người. Người Nhật vẫn còn nhớ những dòng chữ Hán xen lẫn những vết đạn loang lổ trên hai chuông đồng hồ ở lâu đài Shuri đổ nát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:18:54 pm »


        "Hỡi người, chuông là vật phát ra tiếng thanh bay cao, bay xa. Nó báo thời gian, nó báo khi nào bóng tối đến, nó báo khi nào ánh sáng trở lại.

        Hỡi kẻ có tội! Hãy lắng nghe tiếng chuông, linh hồn các ngươi sẽ được cứu rỗi".

        Ngày 24-11-1944, máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom Tokyo.

        Đêm 9-3-1945, 333 máy bay ném bom hạng nặng của Hoa Kì liên tiếp thả bom xuống Tokyo, 130.000 người Nhật bị chết thiêu.

        Ngày 12-4, tân Thủ tướng Suzuki ra lệnh thành lập tập đoàn quân tình nguyện bao gồm đàn ông từ 15 đến 55 tuổi, phụ nữ từ 17 đến 45 tuổi để chuẩn bị chiến đấu trên Đất Mẹ.

        Ngày 8-6, một cuộc họp được triệu tập ở tòa nhà "Nội chính đường" trong Hoàng cung. Năm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Hải quân, Ngoại giao, Nội vụ, Kinh tế và Hoàng thân Hiranuma, Chủ tịch Hội đồng cơ mật họp cùng Hiro Hito. Bộ trưởng Ngoại giao nói đến những đòi hỏi của Anh, Mỹ nếu muốn chấm dứt chiến tranh. Phái quân đội phản đối "hòa" nên không có kết quả.

        Vài hôm sau, Hiro Hito nhận được một bản "Tóm tắt tình hình" của Hoàng thân Chưởng ấn Kido, ông biết rõ tổng số nhà cửa ở Tokyo và các thành phố lớn bị san bằng gần 70%, lương thực kiệt quệ, dân đói. Kido đề nghị:

        - Cần tìm gấp giải pháp hòa bình.

        - Phe Đồng minh chỉ chĩa mũi dùi vào phe quân sự.

        -  Thiên hoàng nên có một thông tư đặc biệt, đánh tiếng với Đồng minh, kêu gọi "nghị hòa" nhưng không đầu hàng vô điều kiện mặc dù sẵn sàng chấp nhận "hạn chế vũ trang".

        Thiên hoàng đồng ý. Kido tiếp cận với các thành phần nòng cốt của chính phủ; Bộ trưởng và Thủ tướng đều không phản đối. Riêng Anami, Bộ trưởng Quốc phòng đồng ý trên nguyên tắc nhưng không đồng ý xúc tiến ngay.

        Ngày 22-6 theo đề nghị của Kido, Hiro Hito triệu tập họp Hội đồng quốc phòng tối cao. Ông nói ngay:

        "Hôm nay, các khanh đến đây không phải để nghe chỉ dụ, Trẫm muốn các khanh hãy nghiên cứu xem nên đi từng bước như thế nào để nghị hòa?".

        Tổng tham mưu trưởng Umezu đề nghị phải "khéo léo cao độ". Thiên hoàng hỏi: "Có phải đánh Đồng minh một cái tát rồi mới "nghị hòa" không?

        Umezu đáp: "Cẩn thận quá thì bỏ lỡ cơ hội, nếu quá sớm thì dễ gây hiểu lầm".

        Người Mỹ cũng hiểu Hoàng gia khác với quân phiệt nên ý muốn của Mỹ là duy trì Hoàng gia, không hể bỏ bom Hoàng cung và nếu Hoàng đế Nhật có làm một cái gì đó có lợi cho tiến trình Nhật đầu hàng thì người Mỹ sẽ dễ nói chuyện hơn.

        7 giờ 30 tối thứ hai 16-7, Tổng thống Truman biết tin bom nguyên tử thí nghiệm thành công.

        Thứ ba 17-7-1945, tại Potsdam, Đại nguyên soái Stalin, Tổng thống Truman, Thủ tướng Sơcsin họp. Stalin nói: "Trong tinh thần tôn trọng đồng minh của mình, Liên Xô thấy cần thông báo cho Anh, Mỹ biết là người "Nhật đang hối thúc Liên Xô làm trung gian nghị hòa với phe Đồng minh. Nhật hoàng đã giữ một thư riêng, xin Liên Xô cho Hoàng thân Konoye đến Matxcơva". Nhưng đồng thời cũng báo cho phía Mỹ biết: "Hồng quân đã sẵn sàng chuyển về Viễn Đông để đánh Nhật đúng thời hạn đã hẹn (vào tháng 8-1945)".

        Trưa thứ tư 18-7, Thủ tướng Sơcsin nói với Tổng thống Truman:

        "Việc đầu hàng vô điều kiện có thể khiến cho phe quân phiệt Nhật đi đến đường cùng, khiến cho họ gây nhiều tổn thất cho quân ta. Nên tìm một sự bảo đảm cho tương lai nhưng hiện tại không phải hi sinh quá lớn. Nên tìm cách để họ đỡ "mất thể diện".

        Nhưng Truman không đồng ý và nêu Nhật đã đánh Trân Châu cảng không tuyên chiến. Nhật không có "thể diện".

        Sáng 22-7, Sơcsin hiểu Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh bằng bom nguyên tử, không cần Liên Xô tham chiến. Thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes còn nói: "Nếu họ tham chiến chống Nhật, sau này chúng ta sẽ không được toàn quyền giải quyết các vấn đề Đông Bắc châu Á".

        Sáng 26-7-1945, các đại biểu Mỹ, Anh ra bản "Tuyên cáo Potsdam". Toàn bộ văn kiện của Hội nghị Potsdam được gọi chung là các Nghị quyết Potsdam, người Mỹ gọi là Tuyên bố Potsdam (Potsdam proclamation) do Liên Xô - Mỹ - Anh kí kết. Bên cạnh đó các đại biểu Mỹ -  Anh (thêm Trung Hoa Quốc Dân Đảng) cho ra Tuyên cáo Potsdam (Potsdam declaration). Bản này không có chữ kí của Liên Xô.

        Nhân danh Hoa Kì, Anh và Trung Hoa, bản Tuyên cáo yêu cầu Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, cảnh cáo nếu Tuyên cáo bị bác bỏ thì Nhật sẽ bị "hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn". Tuyên cáo không nói cụ thể về tương lai chính trị của nước Nhật và những điều gì sẽ xảy ra đối với Hoàng gia.

        Ngoại trưởng Togo nói: "Có lẽ ý muốn nghị hòa của Thiên hoàng được bên kia biết nên lời lẽ bản Tuyên cáo không nặng nề. Tuy còn vài điểm chưa rõ, nhưng có thể hội ý làm sáng tỏ và xét lại".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2019, 10:52:42 pm »


        Thủ tướng Suzuki tán đồng.
        Phía quân sự cho: "Tuyên cáo láo xược, chính phủ cần bác bỏ ngay".
        Hoàng cung nhận định: "nên cẩn thận trong vấn đề phản ứng, trong nước cũng như trên trường ngoại giao".
        Cả hai phía đồng ý "Cho báo chí đăng một số đoạn nhưng không kèm theo lời bình luận".

        Nhưng báo chí đăng gần như toàn văn lại thêm lời bình luận lợi cho phe quân sự. Tò báo Asahi Shimbun đăng: "Tuyên cáo của Mỹ Anh và chính phủ Trùng Khánh cho thấy rằng nước Nhật phải nỗ lực tối đa để đi đến chiến thắng cuối cùng".

        Chiều 28-7, Thủ tướng Suzuki nói khéo:

        "Theo ý kiến của chúng tôi, bản Tuyên cáo Potsdam chỉ là sự lặp lại của Tuyên cáo Cairo. Nó không có gì mới. Chúng tôi không chú ý tới".

        Bom nguyên tử nổ ở Hirosima, Hội đồng nội các họp. Bộ trưởng Ngoại giao Togo nói:

        "Trong tình huống hiện nay, không ai trách chúng ta được. Với sự xuất hiện của bom "A" chiến lược chiến thuật trong chiến tranh đã thay đổi căn bản".

        Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói ngay:

        "Làm sao biết chắc chắn đó là bom "A". Ta chỉ nghe Truman nói như thế nhưng đó cũng có thể là một lối hù dọa mà thôi".

        Một người trong Hội đồng Bộ trưởng nói: "Nếu xảy ra Hirosima thứ hai thì trách nhiệm thuộc phe quân nhân".

        Anami cho mời giáo sư Nishira, nhà vật lí ưu tú Nhật và Trưởng cục quân báo đến Hirosima điều tra.

        Giáo sư đến và nói với Arisua, Trưởng cục quân báo: "Đó là một loại bom lấy từ nguyên tử của chất uranium, tương tự như vũ khí mà tôi đang nghiên cứu".

        13 giờ 30 ngày 7-8, Hoàng thân Chưởng ấn Kido gặp Nhật hoàng tâu:

        "Tâu hoàng thượng, thần được tin thành phố Hirosima bị tàn phá ngày hôm qua. Địch chỉ dùng một trái bom. cả thành phố bị tiêu diệt, 130.000 người chết và bị thương. Sáng hôm nay, Truman ra tuyên cáo. Đó là bom nguyên tử".

        Hiro Hito thở dài, mắt trĩu xuống đau buồn, nói:

        "Trong tình huống mới này, chúng ta phải cúi mình trước định mệnh. Dù có việc gì xảy ra cho Trẫm cũng không sao. Nhật Bản phải mưu tìm hòa bình càng sớm càng tốt, để cho một thảm họa tương tự không xảy ra nữa".

        Anami vẫn chống chế: "Chúng ta sẽ thông báo cho dân cách tránh tác hại của ánh sáng của loại bom quái ác kia. Như vậy quân đội vẫn không phải là bất lực".

        Còn Togo nói thẳng: "Thần cúi xin Hoàng thượng nương nhờ ân tín của Người khuyên bảo phe quân nhân nên đầu hàng. Chúng ta không thể chờ lâu được nữa".

        Nhật hoàng nói với Togo: "Trẫm đã được thông báo về thảm họa Hirosima. Cũng như khanh, Trẫm chia sẻ nỗi đau khổ. Chúng ta không thể tiếp tục cuộc chiến đấu nữa khi mà kẻ địch có một vũ khí với sức tàn phá khốc liệt như vậy trong tay. Hirosima là một cơ hội để ta tranh thủ hòa bình với phe quân nhân. Những gì Trẫm nói với khanh, khanh hãy nói lại cho Thủ tướng biết".

        5 giờ chiều ngày 8-8, Bộ Ngoại giao Liên Xô mời Đại sứ Nhật đến Kremli và đọc một văn kiện tuyên bố chiến tranh với Nhật kể từ ngày 9-8-1945.

        Thủ tướng Suzuki hỏi tướng Ikeda:

         - Tướng quân cho biết đạo quân Quan Đông có khả năng đẩy lùi người Nga không?

         - Thưa Thủ tướng, tôi xin thành thật thú nhận rằng, đó là một tình thế vô vọng. Chỉ hai tuần là quân Nga sẽ đến tận Trường Xuân.

        7 giờ 30 phút ngày 9-8, Suzuki đến bệ kiến Hiro Hito.

         - Trình tâu Hoàng thượng, chúng ta không thể chần chừ nữa. Phải chấp nhận các điều kiện của Potsdam thôi.

        Hiro Hito nói:

        - Trẫm hoàn toàn nhất trí với khanh!

        10  giờ 30 phút, Hội đồng quốc phòng tối cao họp. Sáu thành viên chia thành hai phe: Thủ tướng Ngoại trưởng Togo, Đô đốc Yonai, Bộ trưởng Hải quân và Anami, Umezu Tham mưu trưởng lục quân, Đô đốc Toyoda Tham mưu trưởng hải quân. Hai bên tranh cãi gay gắt, không đi đến kết luận.

        Nội các họp từ 1 giờ 30 đến 21 giờ 30, 15 thành viên họp (4 thuộc Hội đồng Quốc phòng tối cao: Suzuki, Anami, Togo, Yonai) cũng chia thành hai phái và không thể thỏa thuận được.

        Suzuki khôn khéo tổ chức Hội nghị Đế chế của Hội đồng Quốc phòng tối cao với sự có mặt của Hoàng đế.

        11  giờ 01 ngày 9-8, bom nguyên tử nổ ở Nagasaki càng dẫn Nhật tới những khó khăn mới.

        Trong khi đó, đội quân Quan Đông bị đánh tới tấp (0 giờ 10 phút ngày 9-8, Liên Xô tiến công).

        Hội nghị đế chế họp lúc 23 giờ 30 phút. Tham dự có 11 thành viên (6 của Hội đồng Quốc phòng tối cao, thêm Chủ tịch Hội đồng cơ mật, bá tước Kiichiro Hiranuma, Đổng lí văn phòng phủ thủ tướng Sakomizu và một số tướng lĩnh, cao cấp). Tham dự không chính thức có tướng Ikeda, Giám đốc Cục kế hoạch. Họp tại hầm ngầm Nhật hoàng, sâu 20m, dưới một ngọn đồi.

        23 giờ 50 phút, Nhật hoàng vào, theo sau là Shigeru Hasunuma tùy viên quân sự.

        Thủ tướng Suzuki ra lệnh đọc Tuyên cáo Potsdam, xin phép Nhật hoàng cho Togo nói:

        - Thực là nhục nhã và đau đón vô cùng cho Nhật Bản phải chấp nhận các điều khoản của Potsdam. Nhưng tình hình bắt buộc ta phải làm như thế. Chỉ cần một đòi hỏi đó là "sự an toàn của Hoàng gia và sự giữ vững đề chế".

        Yonai: "Thần đồng ý với phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2019, 08:31:42 pm »

   
        Anami đứng phắt dậy: "Thần hoàn toàn chống lại ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao. Quân đội không chấp nhận đầu hàng. Thần tin rằng chúng ta có thể đẩy lùi quân địch, giáng cho chúng những đòn chí tử. Và bất cứ người Nhật nào cũng muốn bảo vệ Tổ quốc, mái nhà của họ đến cùng. Vạn bất đắc dĩ, nếu địch quân đổ bộ thêm nhiều lần nữa và chúng ta không còn khả năng đẩy lùi chúng, thì tất cả chúng ta sẽ chết như một bông hoa đẹp đến thời gian tàn héo, để lại cho thế giới một hình ảnh hào hùng đầy thi vị của một nước Nhật anh hùng cao đẹp. Thế giới sẽ thấy được tấm gương của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục . Còn nếu chúng ta muốn "hòa" thì hãy tìm một hòa bình trong danh dự. Thần đồng ý chúng ta phải nhấn mạnh điều kiện về sự bảo toàn Hoàng gia. Quân đội ta được tự giải giáp. Quân địch không được chiếm đóng trên đất Nhật. Tất cả các phạm nhân chiến tranh do chính phủ Nhật xét xử".

        Tổng tham mưu trưởng, tướng Umezu tiếp lời:

         - Nếu chúng ta chấp nhận đầu hàng, tức là chúng ta phỉ nhổ lên hương hồn hàng triệu chiến sĩ đã xả thân vì Tổ quốc!

        Ông già khó tính Hiranuma viện mọi lí lẽ chứng minh quân đội không thể đảo ngược tình thế.

        Thủ tướng Suzuki năm đó đã 78 tuổi, xin ý kiến Nhật hoàng. Hiro Hito nói:

        -  Trẫm đã suy nghĩ rất nhiều về tình hình hiện tại, trước ánh sáng của các sự kiện xảy ra ngay trong nước và ở nước ngoài. Từ đó, Trẫm đã đi đến một kết luận: Tiếp tục chiến tranh chỉ làm tăng thêm nỗi khổ đau và có thể là sự hủy diệt của dân tộc Nhật.

        Trẫm không chịu nổi khi thấy thêm đau khổ kéo dài. Vậy chấm dứt chiến tranh ngay là đường lối duy nhất để chấm dứt khổ đau cho thần dân Nhật và vãn hồi hòa bình trên thế giới.

        Mọi người đều khóc khi thấy ông ngưng lại.

        -  Trẫm cũng rất khổ tâm khi thấy hàng trăm ngàn quân nhân lục quân và hải quân đã vì Trẫm mà bỏ thây nơi chiến địa xa xôi không ai chôn cất. Trẫm cũng khổ tâm khi thấy hàng triệu thần dân trắng tay vì bom và hỏa hoạn. Tâm hồn Trẫm không yên khi thấy những binh sĩ can đảm và trung thành lại bị tước vũ khí. Trẫm cũng đau khổ vô cùng khi nghĩ rằng nhiều thần dân đã từng tận tâm phục vụ cho Trẫm rồi bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh. Nhưng đã đến lúc: chúng ta buộc phải chịu đựng tất cả những điều không thể chịu đựng được.

        - Trẫm quyết định theo gương của tiên đế Minh Trị khi ba cường quốc Pháp - Nga Sa hoàng - Đức ép ta phải chịu một số điều kiện năm 1895.

        Trẫm nuốt hận, nuốt nước mắt đề nghị chấp nhận kế hoạch của Bộ trưởng Ngoại giao!

        Hiro Hito rời phòng họp, Suzuki kết thúc: "Thiên hoàng đã quyết định!".

        3 giờ sáng ngày 10-8, Nội các họp chấp nhận đầu hàng với điều kiện giữ nguyên chính thể và địa vị của Hoàng đế Nhật. Ngoại trưởng lập tức gửi các cường quốc Đồng minh công hàm vừa được thông qua.

        Ngày 14-8, phương diện quân Viễn Đông I tiến sâu vào Mãn Châu 150km. 12 giờ trưa ngày 15-8, Nhật hoàng đọc chỉ dụ đầu hàng nhưng đội quân Liên Xô ra tuyên bố: "Các lực lượng vũ trang Nhật Bản chưa thực sự dầu hàng. Chỉ có thể coi các lực lượng vũ trang Nhật Bản đã đầu hàng khi nào Nhật hoàng ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của mình chấm dứt các hoạt động quân sự, hạ vũ khí và khi mệnh lệnh này được thật sự thi hành. Do những điều đã trình bày ở trên, các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Viễn Đông sẽ tiếp tục tấn công quân Nhật".

        Ngày 15-8, các đơn vị tiền tiêu của tập đoàn quân số 25 bộ binh tới Thanh Tân, quân Nhật rút lui.
Anami đến gặp Suzuki van nài:

        - Thưa Thủ tướng, Ngài có thể hoãn Tuyên cáo đầu hàng vài ngày không, chỉ có hai ngày thôi!.

        - Thưa tướng quân, tôi không biết với hai ngày ấy, ông có thể phù phép gì được không. Nhưng tình hình bây giờ tuyệt vọng. Nếu trì hoãn thêm nữa thì người Nga sẽ đổ bộ lên Hokkaido. Vậy ông muốn nước Nhật bị Nga chiếm hay bị Mỹ chiếm?

        Anami im lặng.

        Một nhóm sĩ quan đến nói thẳng với Anami:

        - Nếu ngài Bộ trưởng có ý định chấp nhận việc đầu hàng thì ngài hãy "Harakiri" đi.

        Anami phải kiềm chế bản thân ở mức độ cao để cố giữ bình tĩnh. Ngồi trên xe, ông nói với sĩ quan tùy tùng:

        - Họ đã thốt lên một lời hỗn láo! Họ bảo tôi hãy tự sát, thế là quá lắm. Tôi gần 60 tuổi rồi, cái chết đối với tôi quá dễ, họ khỏi cần phải nói.

        Viên sĩ quan góp ý:

        - Ngài còn nhiều chuyện phải làm nữa. Chiến tranh sắp chấm dứt. Ngài còn có bổn phận lo toan đem hàng triệu anh em chúng ta rải rác khắp Thái Bình Dương về xứ. Xong công việc ấy, Ngài "Harakiri" cũng chưa muộn!
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Hai, 2019, 07:22:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:25:39 am »


        Sáng sớm 14-8, hàng triệu truyền đơn Mỹ rải xuống Tokyo. Trong Hoàng cung, Hoàng thần Kido đem truyền đơn đến cho Hiro Hito.

        - Tâu Hoàng thượng, thần e sau khi đọc, phe quân nhân sẽ "nổi điên".

        - Cho mời Thủ tướng đến ngay!

        Nhật hoàng cho triệu tập ngay Hội đồng quốc phòng tối cao.

        Thủ tướng Suzuki đã triệu tập toàn thể Hội đồng Quốc phòng tối cao, toàn thể Nội các, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật cùng một số tướng lĩnh và quan chức cao cấp khác tới dự Hội nghị đế chế.

        Anami nói:

        - Điểu tối thiểu nhất cần đòi hỏi là phe Đồng minh phải xác định rõ ràng sự duy trì Đế chế và Thiên hoàng không bao giờ bị xâm phạm. Không chấp nhận, toàn nước Nhật sẵn sàng chiến đấu.

        Nhật hoàng không đồng tình.

        - Trẫm không còn nghĩ đến Trẫm nữa, mà nghĩ đến đại đa số dân chúng sẽ phải chịu khổ đau nếu chiến tranh tiếp diễn. Nước Nhật, dân tộc Nhật sẽ còn nữa không?

        Nếu mọi người cùng chung lưng đấu cật thì nước Nhật sẽ dễ dàng hồi sinh lại.

        Nhật hoàng khóc, rời phòng họp. Nhiều người khóc theo.

        Anami về Bộ Quốc phòng. Đám sĩ quan trẻ đòi đảo chính. Anami nói thẳng:

        - Tôi không thể nào cưỡng lại Thánh ý. Bầy giờ, ai muốn cưỡng lại, trước hết hãy chẻ tôi ra làm đôi.

        Sau đó, ông lại quay lại dinh Thủ tướng để dự cuộc họp Nội các khai mạc lúc 13 giờ.

        Từ 13 giờ đến 23 giờ đêm 14-8, văn bản chỉ dụ được Nội các thông qua và quyết định sẽ phát thanh vào 12 giờ trưa ngày 15-8.

        Sau đó,Anami cùng Trung tá Takeshita ngồi uống rượu trong tư dinh Bộ trưởng Quốc phòng. Anami đưa Trung tá đọc một bài thơ tuyệt mệnh và mấy dòng tạ tội:

        "Tin tưởng vững chắc ở sự bất tử của nước Nhật. Tôi xin chết, để tạ tội với Thiên hoàng vì có những tội lớn".

Korechika Anami.                               
Bộ trưởng Quốc phòng.                       
Đêm 14 tháng 8. Năm thứ 20 triều đại Chiêu Hòa.       

        Khoảng 5 giờ 30 sáng có khách. Anami nhờ Trung tá ra tiếp. Còn lại một mình, Anami rút thanh gươm ngắn, rạch bụng, gục chết trên vũng máu. 11 giờ 30 phút sáng, thi hài tướng Anami được đặt trên bàn giữa phòng khách. Đông đảo sĩ quan đến vĩnh biệt. Anami phu nhân đứng bên cạnh thi hài.

        Đô đốc Yonai trước khi lên xe về đã nói với bà Anami: "Nước Nhật mất đi một người tài ba".

         10 giờ trưa ngày 15-8-1945, khắp nước Nhật, mọi người đứng bên radio. Quốc thiều Kimigayo dội lên. Tiếng của Nhật hoàng phủ kín nước Nhật tang tóc.

        "Hởi những thần dân lương thiện và trung thành!

        Sau khi đã suy nghĩ sâu sắc về những xu hướng chung nổi trội trên thế giới và những điều kiện có trong đế chế của chúng ta, Trẫm đã quyết định giải quyết hoàn cảnh hiện nay với biện pháp đặc biệt.

        Trẫm đã ra lệnh cho chính phủ Nhật, báo cho chính phủ Mỹ, Anh, Trung Hoa và Liên Xô biết rằng đế chế chúng ta chấp nhận những điều đề ra trong tuyên bố chung.

        Trẫm đã cố gắng thiết lập sự thịnh vượng và hạnh phúc của tất cả các quốc gia cũng như sự an ninh và sung túc của thần dân. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng mà tổ tiên đã trao lại, mang nặng trong trái tim ta.

        Vả lại, chính vì sự mong muốn thành thật bảo đảm an toàn cho Nhật và sự ổn định của Đông Nam Á mà chúng ta tuyên chiến. Mỹ, Anh đã xâm phạm chủ quyền các nước khác và tìm cách mở rộng thêm lãnh thổ ngoài ý muốn của chúng ta.

        Nhưng đến nay, chiến tranh đã kéo dài gần 4 năm. Mặc dù tất cả toàn dân đã hi sinh hết sức mình, dù có những cuộc chiến đấu anh dũng của lục quân và hải quân, sự mẫn cán và siêng năng trong giới quan chức và sự tận tụy của một trăm triệu thần dân, cuộc chiến tranh đã tiến triển không thuận lợi cho những lợi ích của Nhật. Hơn nữa, xu thế trên thế giới hầu như cũng chống lại kiểu "lợi ích" này.

        Ngoài ra, kẻ thù đã sử dụng loại bom mới cực ki tàn bạo, sức phá hoại không thể lường được, tàn sát rất nhiều người vô tội.

        Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu sẽ dẫn đến không chỉ sụp đổ và tiêu diệt dân tộc Nhật Bản mà còn hủy diệt toàn bộ nền văn minh nhân loại. Như thế thì làm thế nào cứu được hàng triệu thần dân của chúng ta? Làm sao chúng ta có thể được xá tội trước các đấng thần linh của tổ tiên Hoàng gia. Đó là lí do Trẫm đã ra lệnh chấp nhận lời tuyên bố chung của các cường quốc.

        Trẫm chỉ có thể diễn tả tình cảm hối hận sâu sắc với các nước đồng minh Đông Nam Á, những nước đã kiên quyết cộng tác với đế chế để giải phóng những đất nước châu Á. Linh hồn của những sĩ quan, binh lính cũng như những người khác ngã xuống trên chiến trường hoặc ở nơi họ đang thi hành nhiệm vụ cùng với tuổi thanh xuân và những tang tóc trong gia đình thân yêu của họ đã làm trái tim Trẫm thắt lại.

        Những thương tổn không nói hết được của những người thương tật và những nạn nhân trong chiến tranh, những mất mát trong mỗi gia đình về phương diện sinh sống là nỗi lo lắng sâu sắc của Trẫm. Những nỗi đau đớn và những nỗi thống khổ của dân tộc chúng ta sẽ chịu trong tương lai chắc sẽ rất to lớn. Trẫm hoàn toàn ý thức được đầy đủ về những tình cảm chân tình sâu sắc nhất đối với mỗi thần dân.

        Tuy nhiên, để phù hợp với mệnh lệnh của thời gian và số phận con người để đi đến một kỉ nguyên hòa bình lớn lao hơn cho tất cả các thê hệ tương lai, chúng ta phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng được và bị đè nén bởi những sức nặng không thể chống đỡ nổi.

        Để cứu vãn và giữ vững nhà nước đế chế, Trẫm luôn luôn có mặt bên những thần dân lương thiện và trung thành, Trẫm tin tưởng ở sự trung thành và trong trắng của thần dân.

        Hãy đề phòng những sự bùng nổ xúc cảm phát sinh ra từ những tình huống rắc rối phức tạp không có lợi, từ những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn; từ đó có thể dẫn tới sự rối loạn dẫn ta lướt qua mọi lẽ phải và làm mất niềm tin đôi với con người.

        Trẫm mong rằng toàn quốc gia vĩnh viễn là một gia đình duy nhất từ thế hệ này đến thế hệ khác, luôn luôn vun đắp cho niềm tin: không thể tiêu diệt được một đế chế thần thánh, luôn luôn thấy trước mắt những gánh nặng về trách nhiệm và ý tưởng của một con đường dài vẫn phải tiếp tục đi.

        Hãy thống nhất các lực lượng để cống hiến sức mình cho việc xảy dựng tương lai. Hãy vun trồng những con đường với tinh thần cao thượng. Hãy làm việc để giữ vững niềm tin vinh quang của đế chế và vươn cao hơn nữa vì sự tiến bộ của thê giới."


        Nhật hoàng vừa dứt lời, quốc thiều vang lên. Nhiều người bật khóc.

        Nhật Bản chìm trong đau thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2019, 10:17:10 pm »


Chương IV

NHỮNG ĐÓNG CÓP CUỐI CÙNG CỦA HIRO HITO
(1945 -1989)

        Ý THỨC DÂN TỘC LỚN ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG TRONG ĐAU KHỔ VÀ HẠNH PHÚC

        Một vài vấn đề xuất hiện sau chiến tranh đến nay vẫn khó lí giải. Trong những vấn đề này, có nhiều điều gắn với Kido, Konoye và Higashikuni. Hai ngày sau khi kí đầu hàng, hoàng thân Higashikuni, chú của Hiro Hito (lấy Toshiko, con gái út của Minh Trị), thường có nhiều cuộc gặp gỡ bí mật với Kido và nổi bật lên từ 1944 lên làm Thủ tướng. Mối quan hệ bí mật đầu tiên với SCAP1 xuất hiện ngay từ khi ông được chỉ huy Trung Hoa sau vụ tàn sát Nam Kinh. "Ông là một trong những người tiên phong sử dụng sức mạnh Không quân Nhật Bản, một nhà quân sự và một nhà dân tộc chủ nghĩa, liều mạng khi lái xe trên đường phố Tokyo", nổi danh là " một người say kỉ luật, tự nguyện, kiên tâm, khá ảo vọng, được giới quân sự chú ý bởi sức mạnh của tính cách, tự lập và trung thực".

        Higashikuni chọn hoàng thân Konoye làm Phó thủ tướng, Bộ trưởng không bộ. Sự hiện diện của Higashikuni và Konoye là một biểu trưng của tinh thần phụng sự của Hoàng gia đối với nhân dân Nhật Bản trong những thời điểm khó khăn, nhục nhã một cách ghê sợ. Những thành viên khác của Hoàng gia cũng được chỉ định làm những chỉ huy quân sự đi khắp đất nước để giải thích về những bài diễn văn và những chỉ thị trực tiếp của Nhật hoàng.

        Trải qua những giây phút lắng đọng bởi tiếng nói trong lúc tuyên bố đầu hàng, cuộc xâm nhập của lực lượng Đồng minh dưới quyền Douglas Mac Arthur, lễ kí chính thức trên tàu Missouri 2-9, Nhật hoàng đôi khi cũng như những người dân Nhật Bản còn bàng hoàng với những trận bom, những dư âm về tiếng nổ tàn phá khủng khiếp ở Hirosima với Nagasaki. B29 vẫn tiếp tục bay trên bầu trời Kyoto đe dọa sự xâm nhập sắp tới và sự nhục nhã đến mức không thể chịu đựng nổi. Ngày 30-8, hoàng tử Akihito luôn luôn được bảo vệ an toàn ở những vùng núi đã nhận được thư của mẹ.

        "Ở đây, suốt ngày, máy bay B29 và trinh sát bay gầm rú suốt từ sáng đến tối. Mẹ luôn phải chịu đựng về sự đe dọa mang tính bạo lực của B29. Mẹ viết cho con những dòng này ở thư viện và cứ ngước nhìn lên lại thấy có cái gì đó đang bay trên đầu.

        Con thế nào? Mẹ muốn con vượt qua được mùa nóng nực này. Đã một thời gian dài, mẹ và con không gặp nhau, nhưng con đã được nghe tiếng nói của Thiên hoàng. Cha con ngày nào củng có những nỗi u buồn nhưng nước Nhật bao giờ cũng được cứu vớt. Rất nhiều người hằng ngày đến cung điện để cảm ơn tạ lỗi.

        Con phải suy nghĩ về bản Tuyên cáo của Thiên hoàng. Vừa học hành chuyên cần vừa kiên nhẫn chịu đựng, không hề sợ hãi. Hãy rèn luyện cơ thể của con để tạo dựng được một ý thức dân tộc lớn, ý thức này phải được nuôi dưỡng trong đau khổ và hạnh phúc của dân tộc chúng ta".

---------------------
        1. Xem giải thích ở cuối sách.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM