Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:04:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khoảng trời Ban-Tích  (Đọc 25614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 11:18:58 am »


        - Tên sách : Khoảng trời Ban-Tích

        - Tác giả : Ni-cô-lai Tsu-kô-ski
           Nhà văn Lê Khánh dịch từ bản tiếng Pháp. Người hiệu đính:  Tất Vinh

        - Nhà xuất bản Lao Động

        - Năm xuất bản : 2001

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 11:21:21 am »


CHƯƠNG MỘT

MA-SA SÉC-GHÊ-Ê-VƠ-NA

I

        Nhỏ bé trong chiếc áo len, Ma-sa từ xe ca-mi-ông nhảy xuống trước ga Ban-tích, rũ váy dính đất và đi về phía xe điện đỗ.

        Từ hơn một tháng không ở trong thành phố, nay chị quan sát chỗ quen thuộc cũ một cách tò mò lo lắng. Cả tháng vừa qua, chị đi đào hố chống xe tăng, lúc đầu ở phía Kim-gi-sép, rồi ở phía nam O-ra-ni-en-bôm, sau cùng, khi quân Đức chiếm Pê-tê-rốp và Stren-na, thì đào ngay ở sát thành phố, ngay cạnh xưởng chế tạo máy chữ "Lê-nin-grát". Cả tháng đó, cũng như hàng vạn phụ nữ khác, chị cứ để nguyên quần áo mà ngủ, ngủ ngay trên đất, dưới bom đạn, giữa những làng xóm ngụt cháy và những cánh đồng bị cầy xới tung lên. Tin tức về thành phố sơ sài và hiếm; nhưng chị biết là thành phố bị oanh tạc từ những ngày đầu tháng chín và mặt trận cũng chẳng còn cách bao xa. Chị không thể hình dung nổi khi chị về thì phố xá sẽ ra sao, nhưng chị đoán chắc thế nào cũng có sự thay đổi.

        Cho nên chị rất ngạc nhiên khi thấy thành phố vẫn như cũ. Trước ga. những quán bát giác vẫn bán các thứ nước đường nhiều mầu. Các em gái bé vẫn vẽ những ô vuông vẫn đánh đáo trên hè. Người qua đường vẫn nhấm nháp kem cây. Ở ngã ba, đồng chí nữ công an đang giũ chân cho khỏi mỏi. Nước tù trên con kênh, óng ánh vệt dầu lửa. Xe điện vẫn rít bánh như hồi trước chiến tranh. Nhưng trên không cao tít, trong những áng mây nhẹ đầy ánh sáng mặt trời, vệt trắng của một chiếc máy bay ẩn hiện vẽ những đường loằng ngoằng. Ta hay địch? Ma-sa không rõ. Chiếc máy bay làm chị nghĩ đến Kô-li-a Sê-rốp.

        Chị dự định hãy về nhà Bi-strốp ở bên cù lao Vít-si-li. Vì ở nhà chị, còn ai đợi chị đâu! Từ đầu tháng bảy, hai con chị I-ri-nốt-ska và Sê-ri-ô-gia đã đi Van-đai cùng với trại hè rồi.

        Chị còn ở lại một mình cả tháng bảy, đợi tản cư với trường nơi chị dạy Nga văn; trường đã đi thì đi tất cả thầy và trò.

        Những ngày đợi chờ ấy thật là một hình phạt: trong lúc này mà chẳng làm được gì cả! Đầu tháng tám mới quyết định ngày đi, và Ma-sa được lệnh mang theo hành lý đến trường. Đến nơi, lúc đó cần người xung phong đi đào hố chống xe tăng trong mười ngày, được biết hoãn lại mười lăm ngày. Chị xin đi tức thì; không thể cứ ngồi nhà, trong hai gian phòng rỗng, mà đợi được nữa. Chị đi luôn với Ka-tê-ri-na, giảng viên vạn vật học, và không về qua nhà.

        Mười ngày qua, vì đội bổ sung chưa tới, nên vẫn cứ phải tiếp tục. Mười ngày sau nữa, Ma-sa và Ka-tê-ri-na tình cờ gặp một nữ nhân viên Học vụ và được biết trường đã rời đi. Lại qua hai tuần nữa. Một chiếc Mét-séc-mít bắn phá một hố chống  xe tăng đầy phụ nữ đang làm việc. Ka-tê-ri-na bị đạn chết ngay trước mắt Ma-sa. Việc xẩy xa cách đây ba ngày.

        Trước chiến tranh, Ma-sa chỉ hơi quen Ka-tê-ri-na vì hai người không dạy cùng khoa, cùng lớp. Ka-tê-ri-na hơn Ma-sa mười tuổi, hơi có vẻ bề chị, và cũng ít gần gũi. Nhưng tháng vừa qua đã giúp hai người gần nhau và trở thành đôi bạn. Không phải vì họ cùng làm việc, ăn ngủ cạnh nhau, mà vì Ka-tê-ri-na đã tỏ ra rất thông cảm khi Ma-sa kể chuyện dài về cuộc hôn nhân đầu, cảnh goá bụa và tình yêu thứ hai của chị.

        Mùa xuân năm qua, ngày gần trước chiến tranh, tuy có hai con nhưng Ma-sa đã yêu một phi công, Kô-li-a Sê-rốp. Chính chị cũng tự lấy làm ngạc nhiên. Hơn nữa Kô-li-a lại kém chị vài tuổi.

        Trước kia, chị học trường Sư phạm cùng với người mà sau nay là chồng chị. Cùng một lớp, cùng theo Văn khoa nên trước khi lấy nhau, họ đã qua một thời gian yêu đương đằm thắm. Họ hiểu nhau sâu sắc, cùng sở thích, cùng chí hướng, bạn bè là bạn bè chung, nguyện vọng là nguyện vọng chung. Ở trường ra lại cùng một công tác, và họ chắc chắn sẽ sung sướng nếu người chồng không bị bệnh lao. Bệnh tình anh ngày càng trầm trọng. Trong mấy năm liền, một con trên tay, rồi hai con, Ma-sa chữa chạy cho chồng, đem chồng từ an dưỡng đường nay qua bệnh viện khác. Chị phải làm việc đến kiệt sức để nuôi chồng theo mức mà bệnh trạng đòi hỏi, và để cố gắng cứu được chồng. Khi gần chết, anh đâm khó tính, hay cáu gắt, ác một cách vô tình như một đứa trẻ. Tuy vậy khi anh mất, Ma-sa không phải vì thế mà không đau buồn hầu như tuyệt vọng, bao nhiêu lâu vẫn không nguôi. Sau chị tiếp tục làm việc nuôi con, trở lại bình thường và đọc sách rất nhiều, tưởng như cuộc đời sẽ mãi mãi ổn định như thế. Không bao giờ chị nghĩ đến việc đi bước nữa. Công tác, và các con đủ làm cho đời chị đầy đủ.

        Người đàn bà đứng đắn, giản dị và có học ấy tự lấy làm kinh ngạc về mối tình đột nhiên thứ hai. Là sĩ quan không quân, anh thuộc một giới khác, cũng không ở cùng một thành phố. Tình cờ quen biết, Ma-sa đã yêu anh với một tình yêu mà chính chị không ngờ, một tình yêu nó quét sạch hết mọi trở ngại, và khổ thay, đối với cái loại tình yêu như vậy, nghị lực không ăn thua gì cả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2018, 11:31:57 am »


        Tuy nhiên một tuần lễ trước chiến tranh, khi anh đề nghị làm lễ cưới, chị đã có can đảm từ chối. Chị từ chối vì chị đã có hai con, chị nghĩ rằng mặc dầu những lời âu yếm, anh không thể yêu được chị, hay có yêu cũng chẳng được bền. Một đêm, khi chị kể câu chuyện này với Ka-tê-ri-na, chị nói thêm: "Thật rõ ràng như 2 với 2 là 4". Có cái chị không kể là lòng nhớ nhung êm nhẹ khi chị nhớ tới con mắt hiền từ, cái lưng hơi cong, đôi bàn tay khỏe mạnh của anh. Trong nỗi nhớ nhung ấy có lẫn cả chút hy vọng thầm kín.

        Trước khi chia tay, hai người chỉ gặp nhau độ bảy, tám bận. Anh thì ở một trường bay ngoại ô xa, và chỉ được tự do ngày chủ nhật. Tháng năm, tháng sáu, không tuần nào anh không đến mời chị đi chơi. Những ngày ấy đã làm cho Ma-sa rất khó xử: chị thấy ngượng với bà cụ hàng xóm và ngượng cả với con bé I-ri-nốt-ska đã gần 9 tuổi. Anh cũng thấy khó xử với lũ trẻ: anh nói chuyện với con I-ri-nốt-ska như với một người lớn. Và khi cho thằng Sê-ri-ô-gia nhẩy trên đùi gối, anh cũng cười, nhưng cười một cách ngượng nghịu.

        Sau khi từ chối cuộc hôn nhân, Ma-sa nghĩ rằng không bao giờ còn gặp anh nữa. Nhưng trong lòng vẫn thầm mong chủ nhật sau anh đến. Anh đến thực, và chị không giấu nổi sự vui mừng. Hôm ấy là ngày 22 tháng 6. Hai người rùng nghe phát thanh lời kêu gọi của đồng chí Mô- lô-tôp. Một giờ sau, anh ra đi.

        Ma-sa tiễn anh ra tận ga Ban-tích. Hai người cùng đi trên xe điện chạy theo kênh. Anh xanh hơn mọi ngày, không nói gì, và suốt thời gian cùng đứng trên xe anh cầm tay chị không rời. Bé nhỏ, chị ngước mắt nhìn anh, đoán xem anh nghĩ gì mà không ra, và kinh ngạc thấy mình sao có thể hiểu anh ít như vậy. Cả hai đều bối rối đến nỗi gần như chẳng nói với nhau câu nào. Chị chỉ có một ý định: là ghi tạc vĩnh viễn nét mặt của anh vào trí nhớ.

        Trên sân ga, anh dặn chị:

        - Phải thận trọng nhé!

        Rồi anh cúi xuống hôn trên môi chị, nhẩy lên toa và tầu chuyển bánh. Chị đi bộ về nhà, đi qua hết cả chiều ngang thành phố.

        Chị chưa hề nói chuyện về anh với một người nào, cho đến cái đêm mà chị kế hết với Ka-tê-ri-na.

        Hai người cùng trú trong một kho lúa. Ánh sao lọt qua kẽ mái nhà. Xung quanh, các phụ nữ khác đều ngủ, kiệt sức vì lao động ban ngày, thu hình người nọ sát người kia để chống lạnh. Ma-sa và Ka-tê-ri-na thức đến sáng. Ma- sa vừa kể thì thầm, vừa khóc. Chị kể hết, không giấu giếm gì, đầy tin tưởng và biết ơn đối với Ka-tê-ri-na, một phần vì Ka-tê-ri-na hy sinh cả giấc ngủ, phần khác vì Ka-tê-ri- na phân tách được những nghi ngờ của chị là vớ vẩn. Câu chuyện kể xong, với tư cách nhiều tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, Ka-tê-ri-na kết luận là chỉ cần bền bỉ chờ đợi vì hai người nhất định sẽ lại tìm gặp được nhau, chị nói thêm:

        - Tất nhiên là nếu cả hai người đều sống.

        Ngày hôm sau, Ka-tê-ri-na bị máy bay bắn chết.

        Ma-sa ít khi đến cù lao Vat-si-li, và cũng khó khăn mới tìm được nhà Bít-strốp, ở một dãv nhà năm tầng trong một phố nhỏ yên tĩnh đằng sau viện khoa học và trường đại học. Từ đầu phố, đã thấy bến sông "Nê-va nhỏ", ánh nước sáng, và sà lan. Ma-sa nhìn dãy nhà và đứng lại.

        Báo tin dữ này sao đây? Chị chưa hề đến chơi nhà Ka- tê-ri-na và không biết mặt ai trong gia đình này. Nghe nói người chồng ra mặt trận. Còn trẻ con thì một trai còn nhỏ, chắc cùng tuổi với I-ri-nốt-ska con gái chị, và một gái -  "Con gái lớn" - như Ka-tê-ri-na vẫn thường kể. Chắc khoảng 18 tuổi. Ka-tê-ri-na đã 40, rất có thể có con gái lớn bằng ấy. Nhưng tên nó là gì? Đúng, là Sô-ni-a... Lại còn ông cụ đẻ ra Ka-tê-ri-na, ông cụ làm trong một viện khoa học; chắc ông cụ đã già...

        Ma-sa nhìn tờ giấy có ghi địa chỉ. Số nhà 28, tầng thứ năm trong sân mé phải. Chị đi dưới một cổng vòm dài vào sân.

        Sân vuông, sâu, xiên ánh nắng mặt trời. Một mũi tên lớn mầu trắng ở trên tường, chỉ lối vào nhà. Một đám trẻ em, phần đông là con trai, đang chơi đùa ồn ào và la hét. Ma-sa thấy một em gái chân dài, lớn và ồn hơn cả bọn. Chúng đang chơi ú tim hoặc mèo đuổi chuột, và cô em gái say mê trong cuộc chơi đến nỗi suýt bổ vào người Ma-sa. Chị để ý đến làn tóc đen của nó, đến cái miệng rộng, cái mũi thẳng, những chấm tàn hương như vẽ thành đôi cánh chim trên đầu mũi, và đôi mắt sâu sáng long lanh đang ham vui đùa.

        Ma-sa rẽ sang phải, dừng lại ở chân cầu thang và ngẩng đầu lên, tìm nhà. Trên cao, cửa kính phản chiếu ánh sáng, chói như ngày hè, chim bồ câu đậu trên bờ cửa sổ.

        Chị đang mải nhìn thì có tiếng chân người dẫm mạnh đằng sau. Chị quay lại: một sĩ quan hải quân đi qua sân; chị thoáng nhìn thấy thân sau chiếc áo ngoài và cái cát- két lật ra sau gáy. Chị nín thở như bị điện giật.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2018, 11:32:29 am »


        Kô-li-a Sê-rốp củng mặc quản phục Hải quân. Lúc đầu, chị tưởng anh là thủy quân. Chính anh phải giảng cho chị rõ là anh ở trong không quân của hải quân và anh phải giải thích ý nghĩa các phù hiệu anh đeo trên cổ tay. Nhung chị vẫn không hiểu gì lắm. vả lại cái đó đôi với chị không quan trọng hệ. Từ khi anh ra đi, mỗi lần gặp một áo quân phục mầu đen là chị lại rùng mình.

        Người đàn ông tiến về một cửa, ở sâu trong sân. Trước khi vào, ông ta quay lại nhìn Ma-sa: khuôn mặt ông ta đầy đặn và đã luống tuổi, không giống Kô-li-a chút nào.

        Thang gác hơi tối. Ma-sa lên đến tầng 5. Ngoài cửa số nhà 28, sáng loáng một tấm biển đồng đánh bóng kỹ: "Giáo sư I-li-a Mét-ni-kôp". Kiểu chữ là kiểu chữ trước cách mạng. Ma-sa đứng sững trước tấm biển đồng. Mét-ni-kốp là ai? Người thuê nhà hay hàng xóm? Đúng là ông cụ đẻ ra Ka-tê-ri-na. Còn Bít-strốp là tên ông chồng.

        Ma-sa còn tần ngần trước cửa thì có tiếng chân trên cầu thang: có ai vừa lên vừa chạy. Chị cúi nhìn qua lan can thấy em gái suýt làm chị ngã lúc nãy. Nó chạy và leo hai bậc một. Hai người nhìn nhau và đứa em gái nói to:

        - Cô đến nhà cháu phải không? Cháu đoán là cô tìm nhà cháu...

        Ma-sa đợi ở cầu tháng. Đứa em gái đến tầng 5 nhưng chỉ thở gọi là. Không nghi ngờ gì nữa: đúng là con gái của Ka-tê-ri-na. Ma-sa tự lấy làm lạ sao không đoán được ngay từ nãy. Ka-tê-ri-na cũng cao lớn và nước da cũng bánh mật, chỉ có khác là nhiều tóc bạc rồi. Cũng cái mũi nhỏ và thẳng, cái miệng hơi lớn, đôi lông mày... Chị nghĩ bụng: "Con bé chỉ 16 tuổi, có lẽ chưa tới".

        Đôi mắt đứa em gái đã mất cái vẻ vui sướng hồn nhiên. Em nhìn Ma-sa, lo lắng bồn chồn và nghiêm trang:

        - Có phải tin mẹ cháu không? - Em hỏi nhanh và khẽ khi qua những bậc thang cuối cùng.

        Ma-sa gật đầu.

        - Cháu biết ngay là cô ở đằng ấy về. Váy cô đầy dất.

        Em thăm dò nét mặt của Ma-sa, và càng thêm lo lắng:

        - Mẹ cháu đâu? Mẹ cháu làm sao?

        - Cháu tên là Sô-ni-a phải không? - Ma-sa bắt đầu nói.

        - Mẹ cháu chết rồi à?

        Ngạc nhiên thấy em đoán được, Ma-sa lại gật đầu và quay mặt đi.

        Chị nghe thấy hơi thở của em bé đằng sau lưng. Không một tiếng khóc, không một tiếng thở dài. Hai người đứng im như vậy khá lâu. Rồi Ma-sa tìm trong túi áo một gói nhỏ buộc chỉ chữ thập, rút ra và quay lại.

        Hai mắt Sô-ni-a mở lớn, và nước mắt chảy ròng ròng xuống cằm. Nhưng chắc chắn em không biết rằng em khóc.

        - Đạn trái phá phải không cô?

        - Không. Chúng tôi bị máy bay bắn.

        - Hôm nào, cô?

        Ma-sa nghĩ ngợi:

        - Thứ năm...

        - Người ta đã chôn mẹ cháu rồi chứ?

        - Không. Chúng tôi phải lập tức rời cái hố đang ở, và không trở lại được nữa. Bọn Đức bây giờ ở đấy... Cháu cầm lấy cái này...

        Chị đưa cái gói. Dưới dây buộc, là những thư từ còn cả phong bì, chứng minh thư, ba tờ giấy bạc 100 rúp, ảnh một người đàn ông trán hói mặc áo mầu xám và thắt ca-vát, đó là tất cả cái mà Ka-tê-ri-na mang trong người.

        Đứa em gái nhận lấy gói. cầm thờ thẫn nơi đầu ngón tay và cũng chẳng nhìn tới gói. Những giọt nước mắt đọng lớn, rơi xuống thềm.

        Ma-sa khẽ sờ vai em.

        Lúc đó, một tiếng đi nhẹ phía trong cửa. Sô-ni-a giật mình và nét mặt tức thì trở lại bình thản. Em lấy tay áo chùi nước mắt, giấu cái gói vào áo.

        - Cô đi đi, cháu van cô! - Em nói trong một hơi thoảng với Ma-sa - Cháu cảm ơn cô...

        Ma-sa chưa xuống được bốn bậc thì nghe thấy tiếng mở then. Cửa nhà số 28 mở: một ông già bé nhỏ, mặc áo ngả màu da trời, đi giầy vải đỏ đứng ở ngưỡng cửa; ông cụ có một vẻ mặt đã hom hem, mũi dọc dừa, ria nửa trắng nửa xanh. Ông cụ dứng rất thẳng, và cái đầu đội ca lô đen hiên ngang ngửa ra đằng sau.

        - Có phải tin tức của mẹ không? - Ông cụ hỏi với một giọng nghiêm nghị.

        - Vâng - Em bé trả lời rất bình tĩnh, vừa chắn lối để ông cụ không nhìn thấy Ma-sa. - Mẹ cháu nhắn rằng còn ở lại đằng ấy ít lâu nữa.

        - Thì ông đã bảo các cháu rằng đừng vội đi đâu. Đợi mẹ cháu về đã.

        Đứa em gái đẩy nhẹ ông vào trong nhà và vào theo. Cửa đóng lại.
Ma-sa ở phố Mai-a-cốp-ski, trước kia gọi là phố "Hy vọng", trước kia nữa, cách đây một thế kỷ gọi là phố "Sáu cửa hiệu". Chị xuống xe điện ở Nê-vơ-ski và đi vào trong phố, nơi chị thuộc từng vết nứt của lề đường, vừa đi vừa chú ý nhìn xung quanh. Chị thấy ngay ở đây có thay đổi, nhiều hơn những phố khác mà chị đã đi qua.

        Kể từ góc phố, thì cửa kính nhà thứ hai vỡ hết. ở nhà hộ sinh Snê-gây-rếp, tường toác một lỗ lớn, và những giường sắt bị bẻ vặn xếp đống trong vườn. Trước mặt, ở bệnh viện "những người bị nạn trong cách mạng", một trong những chái nhà trắng biến mất gần nửa. Cái nhà ở góc phố Du-cốp-ski hoàn toàn bị tàn phá: những xà sắt trật ra, chổng lên giời. Chỉ còn một góc nhà, xa góc phố nhất là còn đứng chênh vênh, phơi bày các đồ đạc trong nhà tưởng như bị con con dao lớn mổ xẻ ra: nào những giấy hoa có hình vẽ màu lá cây, màu vàng, màu xanh, nào ảnh trên tường, một cái tủ mất cánh trong đó còn lủng lẳng cái áo, và trên cao nhất ở tầng gác trên cùng, một chiếc gương còn phản chiếu màu da trời trong nhợt của tháng chín.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2018, 11:04:18 am »


        Chắc một quả bom lớn đã rơi ở đấy, vì từ đó đến mãi phố Nê-cờ-rát-sô, các cửa kính đều vỡ. Ma-sa rảo bước, nóng về xem nhà. Tuy vậy chị chẳng lo gì cả. Chẳng còn ai ở nhà nữa nên chị cho rằng quyến luyến với mấy cái đồ vật lặt vặt là vô lý. Từ khi chiến tranh nổ ra, từ khi Kô-li-a Sê-rốp đi và nhất là từ khi các con tản cư theo trường, chị thấy chẳng còn vướng víu gì nữa. Nhà nào đối với chị cũng đáng quý mến như nhà chị? Chị có cảm giác là nhà nào cũng có thể cho chị trú, và ở với ai đi nữa thì cũng chẳng khó hơn là lúc sống ở vựa lúa thời gian đào công sự vừa qua. Chị biết rằng chỉ có cuộc chiến đấu tiếp diễn từ ba tháng nay là đáng kể, và chị sốt ruột được tham gia ngay. Chị sẽ lại đi đào công sự, hoặc sẽ làm việc trong một xưởng vũ khí. Chị còn cần đi tìm các con, gửi gấm chúng và được yên trí là chúng ở một nơi chắc chắn.

        Sau phố Nê-cờ-rát-sô, các cửa kính đều nguyên vẹn. Từ xa, chị trông thấy nhà mình. Chẳng suy suyển gì cả. Trước cửa, chị thấy chị quản lý cười và muốn nói gì với chị. Nhưng Ma-sa vội lên tầng ba, mở cửa - chị giữ chìa khoá trong mình - và bước vào nhà.

        Nhà có ba buồng. Ma-sa ở hai. Cụ An-na, một bà cụ già bé nhỏ nhanh nhẹn, không đứng yên ngồi yên đâu bao giờ và nổi tiếng là hay chuyện ở buồng thứ ba. Trước kìa, bà ở với chồng làm thợ nhà máy, và các con gái. Nhưng ông chồng chết đã lâu, các con gái đi lấy chồng ở tỉnh khác, nên mười lăm năm nay bà ở một mình. Ma-sa đã nhiều lần kỳ kèo bà cụ về cái tính khổ sở là hay đâm chõ vào những việc không dính líu gì đến cụ cả: như cách nấu ăn của Ma- sa, cách dạy dỗ con cái của chị, hay khách khứa của chị. Nhưng kỳ kèo không đến nỗi xảy ra mất lòng bao giờ: vì sửa đổi tính nết cụ An-na là một ảo tưởng vô lý. Phớt đều với kỳ kèo, bà cụ vẫn tiếp tục đâm chõ vào công việc của người khác.

        Một tấm lòng tốt nhưng trái tính trái nết của người già!

        Khéo léo và cương quyết, Ma-sa tìm cách lái câu chuyện về phía mà chị cần biết: tức là trường của chị dọn ngày nào và đi đâu? Đã nhiều năm kinh nghiệm, chị kiên nhẫn đợi khi cụ An-na nghỉ xả hơi là chị len vào một tiếng. Dần dần trong diễn văn cụ An-na đã đả động đến câu chuyện trường; trước cụ tưởng trường dọn đi đã lâu, và cả Ma-sa nữa; rồi cụ lại hay tin là hoãn ngày dọn và Ma-sa thì đi đào công sự.

        Cụ không thể tự tha thứ vì đã không biết dù là một cái gì, và cứ nghĩ đến sự sai lầm của cụ là cụ than thở tự trách mình mãi. Trường dọn đi ngày 20 tháng 8 về phía Vô-lô- đa, sau đó thì không biết là đi đâu nữa; phải đến tận nơi mà hỏi. Trường thật là may vì là bộ phận cuối cùng ra đi ngay trước mũi bọn Đức, từ đó, không ai đi, không ai về được nữa...

        - Thế nào? Không ai đi nữa sao? - Chị Ma-sa hỏi - Có lẽ nào?

        Nhưng cụ An-na lấy tin ấy từ một nguồn chính xác, và cụ lại bắt đầu kể với vô số chi tiết về những người mà từ mười lăm ngày nay ở liền trong các toa xe đằng sau ga Mát-scơ-va, nấu ăn đây, giặt giũ đấy, và đợi ngày ra đi. Nhiều người chờ đợi đâm chán, đã trở về nhà.

        - Thế bao giờ họ lại đi?

        - Khi nào thành phố hết bị vây. - Cụ An-na vừa nói vừa nhìn Ma-sa một cách có ý nghĩa. - Cũng chẳng sao! Thằng I-u-đê-nít1 trước kia cũng đã đến sát đây. Thế rồi sao? Nó có vào được hay không?

        Chính mắt Ma-sa đã thấy ở phía đông nam bọn Đức gần tới ngoại ô. Nhưng thành phố bị vây ư, chị không hề nghĩ đến hoàn cảnh kinh khủng ấy. Thật ra, hồi làm ở công sự, có một chị thuật chuyện rằng các đường sắt đều bị cắt, và thành phố đã thành một cái bẫy chuột; những câu nói đó đã làm công phẫn mọi người, khiến chị ta phải im ngay, và Ma-sa cũng không tin lời nói đó.

        - Cụ An-na, cụ nói gì vậy? Ngày mai tôi đi Van-đai đây?

        Nghĩ rằng một chướng ngại không thể vượt nổi đã ngăn

        cách chị với các con, Ma-sa không ngăn nổi nỗi tuyệt vọng. Nhưng cụ An-na vẫn thản nhiên:

        - Chị sẽ không đi. Không. Không đi được. - Cụ nhắc lại vài chục lần.

        Cụ nêu lên một loạt ví dụ, kể một tràng tên kèm cả biệt hiệu, cả nghề nghiệp, tuổi và hoàn cảnh gia đình, làm cho lòi nói của cụ có vẻ không thể sai vào đâu được. Ma-sa bàng hoàng, đứng không vững nữa. Chị ngồi xuống mép giường.

        - Nhưng chị đi Van-đai làm gì? - Cụ An-na hỏi bất thình lình.

----------------------
        1. Bạch vệ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2018, 11:04:48 am »


        Ma-sa phẫn uất vì câu hỏi. Cái bà già này đã sống mười năm cạnh chị, ngõ ngách nào cũng đâm chõ vào, và nay lại chẳng hiểu gì cả sao?

        - Thế cụ không biết rằng các con tôi ở Van-đai à?

        Một tia sáng cho cụ An-na. Chưa chi, mắt cụ đã ngời lên vui sướng, và cụ vừa nói vừa nghẹn:

        - Nhưng... I-ri-nốt-ska và Se-ri-ô-gia ở đây mà...

        - Đâu?

        Ma-sa đứng phắt lên.

        - Phố Ba-skốp, ở nhà bà Toóc-cu-nốp.

        Cụ An-na hai tay ôm đầu và tự trách móc mình. Xuẩn thay cho cụ đã không nghĩ ngay từ đầu là Ma-sa đâu có biết việc trở lại của hai con chị.

        Rồi cụ lại còn ngạc nhiên khi thấy chị muốn đi Van-dai! Đúng, người ta đã đưa hai đứa trẻ về ngay hôm nhà trường dọn đi. Vì trại trẻ bị oanh tạc dữ không thể để ở Van-đai, người ta đưa chúng về để hy vọng đưa chúng tản cư đi nơi khác. Chúng về đến nơi yên ổn. Nhưng không làm sao cho chúng đi được nữa. Vì Ma-sa đi làm công sự nên bà Toóc-cu-nốp đem hai đứa trẻ về nhà mình.

        Ma-sa lần đầu tiên nghe nói đến tên Toóc-cu-nốp mà theo ý cụ An-na thì tất cả mọi người đều phải biết. Đứng trước cụ, chị hỏi lại:

        - Các cháu ở đâu? Đi ngay cụ.

        Ma-sa để nguyên áo quần và chân đất như vậy chạy té ra cửa, cụ An-na bắt chị phải đi giầy đã. Cụ lăng xăng, đầy kiêu hãnh vì đã chứng kiến một sự việc vui sướng như thế, và đã nắm trong tay mình hạnh phúc của chị láng giềng. Trong khi Ma-sa lóng cóng xỏ vội đôi tất, cụ mới giảng cho nghe là bà Toóc-cu-nốp ở phố Ba-skốp, cũng gần đây, rằng ông chồng thì ở ngoài mặt trận, rằng đứa con gái tên là Luy-xi-a cũng bằng tuổi với I-ri-nốt-ska...

        Hai người xuống cầu thang, cụ An-na đi trước, nhanh và nhỏ như con chuột, chị Ma-sa theo sau. Chiều xuống, hoàng hôn đã phủ nhà cửa một mầu xanh xanh nhưng trên không còn đỏ và mặt trời chiếu vào những vệt trắng của máy bay. Chẳng nhìn gì cả, Ma-sa chạy đến phố Ba- skốp. Hai người leo một cầu thang, dừng lại trước một căn nhà và gõ cửa. Một người đàn bà lạ mặt vóc cao lớn, ra mở cửa và nhìn Ma-sa bằng con mắt nghiêm khắc. Ma-sa không hỏi, cũng không nói phân trần gì cả. Sau người đàn bà lạ mặt, phía trong cùng căn phòng, Sê-ri-ô-gia đang cúi xuống cái ca-mi-ông sắt tây và cho xe chạy, Ma-sa chạy xổ lại ôm con vào tay. Lúc đó chị mới trông thấy cả I-ri-nôt-ska trên đầu đeo cái nơ lớn không giống cái nơ mọi khi.

        Trong lúc ở ngoài buồng khách, cụ An-na đưa bà Toóc- cu-nốp chìm đắm vào một bể chuyện, thì Ma-sa ôm hai con sát vào lòng, vuốt ve chúng, cho chúng nhẩy lên cánh tay, hôn chúng, cả ba, và nhất là người mẹ, đều nói những tiếng không đâu vào đâu... Đã hai tháng rưỡi chị không trông thấy con. Chúng nó có thay đổi. Nghỉ hè ở Van-đai có lợi cho chúng. Lớn và khỏe ra, nhất là Sê-ri-ô-gia thì mớ tóc vàng hoe đã được mặt trời làm sáng ra, sáng hơn nước da mặt rám nắng.

        Bà Toóc-cu-nôp muốn mời chị Ma-sa ngồi và uống chén chè. Nhưng chị không muốn ở lại thêm một phút nào nữa, nóng đem con về nhà để được hú hí riêng. Chị vội vã cảm ơn, hứa ngày mai sẽ lại hôn em bé Luy-xi-a và dẫn con đi. Một tay bế Sê-ri-ô-gia - thằng bé vẫn không rời cái xe ca- mi-ông; chị đeo cái túi dết đựng quần áo của chúng; I-ri- nốt-ska chạy trước.

        Về nhà trước hết là sửa soạn che ánh sáng vì phải châm đèn. May thay cụ An-na còn mắc bận đi loan báo tin mừng! Trong bếp, nước lục bục sôi. Ma-sa lau cho mình và cho các con. Rồi cùng ăn cơm và uống nước chè, ăn kẹo. Sê- ri-ô-gia chưa uống xong đã ngủ, Ma-sa đặt con lên giường với cả chiếc xe ca-mi-ông. Nửa giờ sau, I-ri-nốt-ska cũng ngủ nốt.

        Ma-sa còn lăng xăng thêm ít việc, mệt mỏi nhưng rất sung siíớng. Đã hơn một tháng chị chưa được ngủ trong một cái giường tốt, có đệm, có vải trải giường sạch sẽ. Chị duỗi mình khoan khoái. Ngày mai, chẳng đi đâu cả. Tiếng súng cao xạ phòng không lúc mau, lúc thưa, khi xa khi gần, như tiếng sủa của con chó săn. Nhưng Ma-sa không để vào tai, chỉ chăm chú nghe tiếng thở của các con. Chị còn thiếu gì nữa? Tìm thấy các con, là chị thấy đầy đủ rồi.

        Cụ An-na về, đẩy cửa buồng Ma-sa và đứng dừng ở ngưỡng cửa: đã mười năm chung sống, Ma-sa không làm sao huấn luyện được cho cụ biết gõ cửa trước khi vào.

        - Chị ngủ à?

        Ma-sa mở mắt.

        - Chị biết chưa, anh ấy đến đấy!...

        - Ai cơ ạ?

        - Người yêu của...? Người phi công ấy.

        Ma-sa ngồi nhỏm dậy.

        - Anh ấy đến à? - Chị nhắc lại một cách sợ hãi. Hai tai chị lùng bùng. Niềm vô tư sung sướng từ chiều biến mất.

        - Anh ấy lại, ở chơi bên tôi nói chuyện từ sáng đến bữa cơm trưa. Anh ấy hỏi thăm chị và các cháu. Tôi kể hết.

        - Cụ kể cái gì?

        - Kể ráo.

        - Gì chứ?

        - Kể là trẻ thì đi trại và chị thì đi với trường.

        - Với trường? Nhưng tôi có đi với trường đâu?

        - Thì trước tôi tưởng vậy.

        - Thế sau đó anh ấy có trở lại nữa không?

        - Còn trờ lại làm gì nữa. Anh ta tưởng chị di Vô-lô-đa rồi.

        Lê đế giầy, cụ An-na trở về buồng mình, vừa đi vừa lẩm bẩm.

        Chị Ma-sa nghĩ thầm: "Dù sao thì anh ấy cũng có lại".
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2018, 07:54:47 am »


CHƯƠNG HAI

THIẾU TÁ LU-NIN

I

        Ngay ngày hôm đầu của chiến tranh, Công-stăng-tanh Lu-nin, huấn luyện viên trường dạy lái máy bay ở một thành phố miền nam Liên Xô, đã đệ đơn xin ra mặt trận. Anh là một người to ngang, đứng tuổi, mắt sáng xanh, gò má rộng, bắt đầu hói.

        Ở trong ngành hàng không từ khi còn rất trẻ, anh đã có hàng ngàn giờ bay trong bảng thành tích và đã huấn luyện được hàng trăm phi công trong đó có nhiều người đã nổi tiếng. Loại chuyên gia như anh, không ai tự nhiên bằng lòng cho ra mặt trận cả. Nhưng anh rất cứng đầu. Sau một thời gian ngắn tập sự trong một trung đoàn dự bị, cuối tháng tám người ta chuyển anh về sư đoàn máy bay chiến đấu của Hạm đội Ban-tích.

        Anh nhận giấy đi đường ở Mát-scơ-va. Hội đồng cấp bậc đề bạt anh chức thiếu tá, chắc là căn cứ vào những năm chiến đấu của anh trong thời kỳ nội chiến và thâm niên của anh trong ngành Hàng không. Hơi có vẻ ngượng nghịu dưới cái cát-két đen và trong cái áo ngoài lon vàng, tay phải xách va li, tay trái ôm áo ca-pôt, anh đi về phía ga

        Lê-nin-grát: đến Lê-nin-grát anh sẽ biết địa điểm của Sư đoàn.

        Toa xe anh lên chật ních bộ đội. Phần đông không đi quá Ka-li-nin. Nhiều người nói chắc là tầu sẽ không đi được xa hơn, vì đường tẩu bị oanh tạc. Người ta bảo anh:

        - Đồng chí thiếu tá nên đi lối Vô-lô-đa thì hơn. Đường Vô-lô-đa - Lê-nin-grát vẫn chạy đều đến cả giờ tàu cũng không thay đổi.

        Tuy nhiên sau vài giờ ngừng ở Ka-li-nin và thay đổi gần hết hành khách, tầu lại đi. Tầu đi chậm, đỗ hàng giờ ở những nơi bất ngờ nhất. Ai có hỏi, thì các nhân viên xe lửa chỉ trả lời một câu:

        - Đang chữa đường.

        Những cánh rừng bị bom bốc cháy. Những miệng phễu mới há toác dọc đường tầu: những đầu tầu què quặt, những toa tầu nát vụn xếp đống dưới chân đường. Ga Bô- lô-gô-i-ê chỉ còn là một đống gạch vữa. Mỗi phút người ta đều chuẩn bị tinh thần chịu oanh tạc. Cũng lạ là tầu còn nguyên vẹn mà đi.

        Sáng hôm thứ tư, tầu vượt qua cầu Von-khốp và đỗ ở ga Tơ-su-đô-vô. Chỉ còn khoảng 100 cây số thì đến Lê-nin- grát. Khắp nơi bốc cháy như điên cuồng, từng đoàn dầy đặc người, bò, xe, đi trên đường. Tầu ở đấy cả ngày, và tiếng đại bác mỗi lúc một lớn.

        Thoạt tiên người ta tưởng là đường còn đang chữa. Nhưng các nhân viên hỏa xa cho biết là giữa Tu-si-đô-vô và Lê-nin-grát bọn Đức đã cắt đường.

        Có tin tầu sẽ đi ngả khác. Tuy vậy, người ta biết có một đường sắt đơn nối Tơ-su-đô-vô với ga Ki-ri-si trên đường nhánh Ri-bin - Pê-stô-vô - Lê-nin-grát. Chiều đến, lợi dụng bóng tối, tầu men theo hữu ngạn sông Von-khôp đi về phía đông bắc.

        Đến sáng khi tầu đỗ ở Ki-ri-si, hành khách trông thấy dòng nước đục sông Von-khốp; trên sông chậm lướt những sà lan đen lớn chở đồng bào tản cư, với tiếng trẻ khóc và tiếng bò kêu. Nhân dân Nô-gô-rốt chạy giặc Đức bằng đường sông, về phía hồ La-đô-ga. Được tin đường Pê-stô- vô - Lê-nin-grát cũng bị cắt vì bọn Đức đã tràn qua mé nam Lê-nin-grát.

        Con đường sắt độc nhất chạy theo sông Von-khốp gặp đường Lê-nin-grát - Vô-lô-đa ở Von-khô-strôi. Đỗ một hồi lâu, tàu lại đi về phía Von-khô-strôi để theo đường Lê- nin-grát về phía đông còn đi được.

        Cuộc hành trình kéo dài đã năm ngày. Ba ngày liền sát ngay mặt trận: tiếng nổ ầm ầm khắp nơi, các rừng bốc cháy. Cuối cùng Lu-nin nhìn thấy qua cửa toa một cái thác khổng lồ trông như thép chảy, và ở dưới, bọt trắng như không động - cái đập cạnh nhà máy Thủy điện Von-khôp.

        Đến ga Von-khô-strôi, được tin tầu không đi Lê-nin- grát mà rẽ đi Vô-lô-đa, theo lệnh trên.

        Lu-nin xách va li xuống.

        Các đường ngộn những đoàn tầu. Tất cả hướng về phía đông, tất cả muốn vượt cầu Von-khốp, nhưng tầu đông quá, phải đợi lượt. Máy khoan, máy tiện... xếp đống trên toa chở hàng. Đàn ông, đàn bà, trẻ con chen chúc nhau trong toa - tất cà đều là dân Lê-nin-grát đã lợi dụng con đường cuối cùng còn đi được. Dạo từ đường này qua đường khác và hỏi chuyện mọi người Lu-nin biết họ khởi hành đã từ lâu. Ngày hôm đó, không một chuyến tầu nào từ phía tây lại. Tin đồn có sự gì xẩy ra ở ga Mơ-ga, đúng giữa chặng từ Von-khô-strôi đi Lê-nin-grát, nhưng chẳng ai nói được rõ xẩy ra cái gì, và còn có thể đến Lê-nin-grát bằng tầu hay không?

        Đi vơ vẩn giữa các đường, theo bóng các toa tầu để tránh nắng chiều đang hun đốt những đống cứt sắt, Lu-nin  đứng ngay cạnh một đầu tầu tỏa kín hơi nước. Hơi nước tan, anh nhận thấy đầu tầu không quay về phía cầu như mọi cái khác mà lại quay về phía tây, phía Lê-nin- grát.

        Đây là một cái đầu máy dùng để thay phiên. Đồng chí thợ máy râu rậm, cúi cái đầu đội chiếc cát-két đầy dầu mỡ qua lan can. Một sĩ quan hải quân ngồi vát vẻo trên các khúc cây ở toa củi, và ánh nắng làm lóng lánh những chiếc lon vàng trên tay áo.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2018, 07:55:46 am »


        Chiếc đầu máy quay về phía Lê-nin-grát và đồng chí thủy quân làm Lu-nin chú ý. Anh đến gần toa củi và dừng lại. Đồng chí sĩ quan đã quá tuổi thanh niên. Anh ta có một bộ mặt mỏng như lưỡi dao, lưng hơi còng, và gầy đến nỗi quân phục như chỉ mắc vào một cái khuy. Vì trên cao, anh nheo đôi mắt cận thị nhìn Lu-nin.

        - Đồng chí đi đâu? - Lu-nin hỏi.

        - Lê-nin-grát.

        - Đi bằng đầu máy này à?

        - Hẵng biết bây giờ là như thế.

        - Đi qua Mơ-ga phải không? Đồng chí có chắc đi qua được không?

        - Sau sẽ hay.

        Anh ta còn nói thêm gì nữa, nhưng đầu máy rúc còi và lại tỏa kín hơi nước, nên Lu-nin không nghe rõ. Chậm chạp, bánh xe bắt đầu chuyển.

        - Tôi đi theo đồng chí! - Lu-nin bất thình lình kêu to và bám vào bực thang tầu.

        Tự ngạc nhiên về ý định của bản thân mình, Lu-nin đứng hồi lâu cheo leo ở cái thang thẳng đứng. Đồng chí thủy quân đưa tay đón, bàn tay xương xẩu và không có một tí sức mạnh, Lu-nin gạt ra và để chân lên toa củi.

        Đầu máy đã mở hết tốc lực và rít ken két khi đi qua các chỗ bẻ ghi. Người lái đầu máy còn trẻ nhìn hai người sĩ quan bằng con mắt không tán thành, nhưng không nói gì hết. Lu-nin  ngồi trên một khúc cây. Anh nhìn đồng chí thủy quân, đồng chí này nhìn lại. Dù sao cũng phải nói chuyện.

        - Đồng chí ở xa đến à? - Đồng chí thủy quân hỏi thật to để át tiếng bánh xe.

        - Từ miền nam. Từ biển A-dôp.

        - Đồng chí đi biển A-dốp à?

        Lu-nin bèn cười:

        - Tôi chưa hề đi biển.

        Đồng chí thủy quân nhìn Lu-nin, ngạc nhiên hỏi:

        - Thế lon của đồng chí là thế nào? - Anh hỏi có vẻ ngượng - Tôi xấu hổ mà thú thật ràng tuy tôi có đeo lon hải quân nhưng tôi thực không phân biệt được cấp bậc. Phù hiệu bộ binh tôi còn biết ít chút... Đồng chí là thiếu tá hải quân phải không?

        Lại đến lượt Lu-nin ngạc nhiên. Bản thân anh chẳng giỏi gì về lon, nhưng dù sao một sĩ quan hải quân cũng phải nhận được chứ. Và anh trả lời:

        - Tôi là thiếu tá không quân.

        - Thiếu tá không quân?

        - Chính thế! Tôi không phải sĩ quan hải quân mà là phi công. Đồng chí xem, tôi đeo lon nền xanh. Tôi là phi công ngành hàng không dân dụng, chuyến sang phi công trong hải quân. Còn đồng chí có phải là đại úy hải quân không?

        - Xem ra đồng chí cũng lúng túng về lon như tôi. Tôi thuộc ngành chính trị. Và cũng chưa hề đi biển lần nào.

        Cả hai cùng phá lên cười.

        - Tôi viết báo - Đồng chí thủy quân chưa hề đi biển kia giải thích. - Tôi phụ trách một tờ báo địa phương. Người ta phát cho tôi bộ quân phục và một tờ giấy đi đường đến Lê- nin-grát là nơi tôi nhận công tác.

        - Chắc là công tác ở một tờ báo của Hạm đội.

        - Chưa biết... Cho phép tôi tự giới thiệu: Khô-vơ-rin.

        Lu-nin cũng tự giới thiệu. Khô-vơ-rin hỏi:

        - Đồng chí ở miền nam đến mà lại nói giọng bắc?

        - Tôi quê miền Vô-lô-đa.

        - Đồng chí ở hàng không đã lâu chưa?

        - Từ nhỏ. Tám tuổi, tôi đã mơ ước máy bay. Bay bằng bong bóng bò, và tập nhảy từ vựa lúa xuống bằng lông gà sống! Năm 12 tuổi, tôi đã chế ra một kiểu nhỏ bay cao được 100 thước.

        - Đồng chí học bay từ bao giờ?

        - Ngay sau nội chiến, khi mở lớp Ôt-sô-a-ri-a-khim.

        - Các đồng chí hành khách, làm ơn đưa hộ ít củi.

        Anh lái đầu máy gọi nhưng không nhìn hai người.

        Lu-nin làm ngay, kéo củi ra và chuyền cho anh lái đầu máy. Khô-vơ-rin nặng nhọc nhắc một khúc. Mồ hôi lấm tấm trên trán anh. Sau khi chuyển được năm khúc, anh thở dốc và ngồi xuống mặt tái nhợt.

        "Cậu chẳng có gì là võ sĩ cả" Lu-nin nghĩ thầm, và tiếp tục chuyển củi không vội vàng, không mệt nhọc.

        Đầu máy lao thẳng về phía mặt trời lặn, không đỗ ở ga nào, và rúc còi inh ỏi khi qua các khúc đường cong. Tất cả đều im lặng, hoang vắng. Lu-nin nhận thấy không gặp một chuyến tầu nào. Các miệng phễu bom há toác, hai bên đường. Hoàng hôn xuống mau và mọi vật sẫm lại, lẫn vào nhau.

        Đột nhiên, đầu máy hãm phanh trước một nhà ga tối. Thợ máy và lái đầu máy đều xuống và biến sau ga. Họ vắng mặt gần một giờ. Đêm đã xuống, tròi lành lạnh. Ngồi trên một khúc cây trong toa củi, Lu-nin lại nhận thấy những tiếng quen thuộc của mặt trận. Từng đám cháy lớn ranh giới không rõ, làm mờ ánh sao. Những lưỡi lửa nhẩy múa ở chân trời phía tây, và trên nền đó, rừng in rõ bóng nhấp nhô.

        Thợ máy và người lái đã về. Đầu máy chuyển bánh, nhưng lần này, chỉ tiến chậm chạp thận trọng. Tầu vượt hai ga nữa và đỗ ở ga thứ ba. Người lái nói:

        - Xuống thôi, không đi xa hơn nữa.

        Chắc anh ta thương hại khi thấy hai người dấn vào đêm tối. Từ xa anh ta nói to:

        - Gõ cửa ngay nhà đầu tiên. Đâu cũng cho các đồng chí nghỉ.

        - Đường ô tô ở phía nào? - Khô-vơ-rin hỏi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2018, 08:14:46 am »


        Người thợ máy râu rậm cúi đầu qua lan can:

        - Các đồng chí đi đâu? Đi Lê-nin-grát à?

        - Đi Lê-nin-grát.

        - Hết đường. Bọn Đức đã chiếm Mơ-ga.

        Người thợ lái nói:

        - Đường ô tô qua phía bắc Mơ-ga, giữa đường sắt và hồ La-đô-ga, qua Cờ-rát-ni-sum.

        Người thợ máy nói:

        - Thế ngộ đường ô tô cũng bị cắt thì sao?

        - Thế ngộ chưa bị cát thì sao? - Khô-vơ-rin trả lời.

        - Tôi chẳng biết rõ đâu - Người thợ máy nói một cách đắn đo: ở đây thì đường ôtô ngay gần, cách ba cây số.

        Hai người đi vào đêm tối, trước thì đi giữa những nhà gỗ thông cửa sổ tối om, sau đi trên một con đường nhỏ vẽ thành một vệt mờ trắng lờ mờ qua cánh đồng, cả hai mang va li, Khô-vơ-rin mang một chiếc nhỏ xíu mà có vẻ vất vả, Lu-nin một chiếc lớn rất nặng nhưng không vướng vít gì cả. Khô-vơ-rin nói:

        - Thử đi đường ôtô xem, ít nhất cũng khỏi thắc mắc.

        Đến ngã ba, một người đội cát-két quân đội lại hỏi, Lu-nin chiếu sáng người đó bằng đèn pin. Một thiếu úy vóc người rất nhỏ. Anh đứng nghiêm và chào theo điều lệnh, rồi hỏi:

        - Các đồng chí đợi xe Von-khô-strôi?

        - Không, đợi xe Lê-nin-grát.

        Đồng chí thiếu úy bé nhỏ lặng im, quan sát nét mặt hai người thủy quân. Rồi lại nói:

        - Trước đây một giờ rưỡi, còn đầy xe, từng đoàn.

        - Đi Lê-nin-grát à ?

        - Không, đi Von-khô-strôi. Tôi đi đằng ấy. Đi phía Lê- nin-grát thì hình như trưa không thấy xe nào. Tôi vừa vào trú xá lấy đồ đạc. Trở lại, thì đường đứt hẳn, không còn một xe. Tôi đợi đã 40 phút.

        Mọi người ngồi xuống cỏ bên đường. Lu-nin nhìn sao. Trong im lặng của đêm tối, nghe rõ mỗi tiếng động, tiếng đại bác như nổ gần sát ở mé tây, vì khoảng cách giữa tiếng đạn nổ và tiếng đạn ra khỏi nòng rất ngắn. Mỗi lần đạn nổ, không khí lại rung lên.

        Bắt đầu lạnh. Đồng chí thiếu úy mặc áo ca-pốt vào và nói:

        - Đạn từ La-đô-ga.

        - Đây đến La-đô-ga có xa không? - Lu-nin hỏi.

        - Không, vài cây số thôi.

        Tất cả chồm dậy, khi nghe tiếng ôtô tới. Xe từ phía Lê- nin-grát lại. Đồng chí thiếu úy đứng sững giữa đường để chắn xe. Anh yêu cầu Lu-nin:

        - Đồng chí chiếu đèn pin đi, nếu không, họ không dừng lại đâu.

        Bóng một ca-mi-ông lớn đến gần, không đèn lửa gì hết. Những bóng người chùm áo kín nhẩy chồm chồm trong khoang xe. Lu-nin bật đèn. Đồng chí thiếu úy vẫy tay. Xe rít bánh đỗ lại.

        Trên xe, sáu, bảy người đàn bà trùm kín im lặng nhìn mặt họ. Người lái xe ra khỏi ca-bin, và chẳng nhìn ai, trước hết đi thử bánh. Một ca-mi-ông dân dụng và đồng chí lái xe ngành dân dụng.

        - Anh ở Lê-nin-grát lại? - Khô-vơ-rin hỏi trong khi đồng chí thiếu úy trèo lên khoang sau.

        Người lái xe gật đầu.

        - Anh ở đấy đi lúc nào?

        - Hai giờ.

        - Đằng ấy ra sao?

        - Rất tốt! - Người lái xe nói cụt lủn.

        Anh ta đứng ngay lên, nhìn kỹ Khô-vơ-rin và Lu-nin, rồi nhắc lại:

        - Rất tốt, nhưng không ai đi qua được nữa. Hết đường!

        - Thể sao anh qua được!

        - Thì vẫn qua... Đường bị ném bom; bốn lần, chúng tôi đầy đất... Chẳng còn ai qua được nữa.

        Anh ta lên xe và xe chuyển bánh.

        Lu-nin nhìn Khô-vơ-rin. Anh chàng viết báo khẳng khiu này sẽ làm gì đây?

        Có đáng đợi nữa không?

        Khô-vơ-rin lại ngồi xuống cỏ. Lu-nin làm theo.

        Anh nhìn thấy rõ tình huống Lê-nin-grát. Bọn Đức đã tràn qua phía nam thành phố, cắt con đường sắt cuối cùng. Chúng oanh tạc cách đây một giờ, nhưng bây giờ có lẽ đường đã bị cắt. Chỉ vài cây số từ đường đến bờ hồ La-đô- ga. Khi nào kẻ thù tới hồ, là Lê-nin-grát bị bao vây. Phía bắc giữa vịnh và hồ là quân Phần Lan. Phía tây là vịnh. Phía nam là bọn Đức. Phía đông là hồ. Eo đất Ca-rê-li trên đó có Lê-nin-grát sẽ thành một cái đảo. Có lẽ đã thành rồi.

        Họ ngồi lâu trên cỏ không nói gì. Sao lạc trên đầu họ. Tiếng đạn ra nòng, tiếng đạn nổ, tiếng đạn ra, tiếng đạn nổ. Hình như nổ dữ hơn trước.

        Đột nhiên họ nghe tiếng sắt lại gần. Ở phía đông lại, mé Von-khô-strôi - chắc là một ca-mi-ông. Trên thùng xe, có tiếng gì nghe rờn rợn.

        Chiếc xe nhô khỏi đêm tôi nhanh quá làm họ chỉ vừa vặn đủ thì giờ nhẩy chồm ra mặt đường. Lu-nin bấm đèn và vừa nhẩy xổ vào phía đầu máy vừa kêu. Xe vượt họ, phanh cách đó mươi thước và đứng lại. Họ lao đến cho kịp xe. Người lái nhìn họ qua cánh cửa mở.

        Lu-nin chiếu đèn vào anh ta. Một chiến sĩ rất trẻ, vẻ mặt trẻ măng, tinh nghịch. Khô-vơ-rin nói:

        - Cho chúng tôi đi với!

        - Các đồng chí đi đâu?

        - Thế cậu?

        - Đi chỗ tôi đi, chắc các đồng chí không đi chỗ ấy...

        - Cậu biết đâu. Thế cậu đi đâu?

        - Đi ra tỉnh lỵ.

        - Chúng tôi cũng thế. - Khô-vơ-rin vừa nói vừa đặt va li vào khoang sau.

        Chói mắt vì đèn, đồng chí lái xe bây giờ mối biết là hai sĩ quan. Anh ta thay hẳn giọng nói với Lu-nin vì Lu-nin cấp bậc cao hơn:

        - Báo cáo đồng chí thiếu tá, không đi được nữa.

        - Thế sao cậu đi được?

        - Tôi đi được, cần phải thế.

        - Chúng tôi cũng cần phải thế! - Khô-vơ-rin vừa nói vừa trèo lên khoang sau.

        Đồng chí lái xe đề nghị Lu-nin ngồi trong ca-bin, nhưng từ chối:

        - Ngoài trời tốt hơn. Tôi ngồi với bạn tôi.

        Hai người ngồi trên rơm, lưng tựa vào thành ca-bin. Chiếc ca-mi-ông phóng đi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2018, 08:15:23 am »


        Một thùng xăng rỗng lăn ầm ĩ trên xe. Lu-nin và Khô- vơ-rin cắt lượt nhau lấy chân đẩy nó ra nhưng nó lại tấn công tức thì. Dần dần, sự việc xung quanh làm họ không để ý đến nó nữa.

        Đạn ra... đạn nổ... ra... nổ. Sau đó nhận rõ đạn ra bên trái, và nổ bên phải. Tiếng nổ ngày càng dữ. Ca-mi-ông xông thẳng vào khu vực bị oanh tạc. Cứ mội tiếng nổ, sáng lòe rất mạnh đến nỗi Lu-nin nhìn thấy rõ cả chân mình, thùng xăng, thành xe phía sau và con đường giữa hai hàng cây nhấp nhô.

        Xen với tiếng đạn ra nòng, tiếng đạn nổ, thêm tiêng thứ ba một tiếng dài khó chịu.

        - Tiếng gì nhỉ? - Khô-vơ-rin hỏi.

        Chắc chắn anh ta chưa hề nghe tiếng đạn bay. Mỗi tiếng đạn ra nòng, anh thụt đầu vào hai vai, tai vểnh lên và ngừng thở cho đến khi đạn nổ.

        Ca-mi-ông không ngừng phóng. Phóng với một tốc độ điên rồ làm họ nhẩy chồm chồm trên rơm cứng. Họ không đẩy cái thùng xăng nữa, chỉ chắn bằng bàn chân cho nó khỏi lăn lên người. Tiếng nổ ầm ầm gần sát, váng tai như sấm gầm.

        Ù tai vì tiếng động, và loé mắt vì ánh lửa, Lu-nin thình lình thấy mình rơi tụt vào phía cùng của khoang xe. Thùng xăng lăn trên lưng. Đất bám đầy người, dính cả vào mặt. Anh đẩy thùng xăng ra và ngồi lại, tìm xem trong người có còn nguyên vẹn? Toàn thân đau dần. Duy một sự việc là rõ: anh vẫn ngồi với Khô-vơ-rin trong xe và xe vẫn chạy.

        Tiếng nổ liên tiếp không ngừng, và dưới ánh sáng lòe, Lu-nin nhìn thấy cây cối bị xé. Thùng xăng như điên cuồng và luôn luôn lăn vào họ. Họ đang xông vào giữa lò lửa.

        Lu-nin lại thấy mình ngã lật xuống và sắp va vào thành sau xe, nhưng lần này không nghe thấy tiếng nổ. Ca-mi-ông chúi mũi xuống một cách lạ kỳ, chồm lên rồi dừng lại. Dừng lại trong giờ phút này thật là đáng sợ hơn cả. Khô-vơ-rin đứng lên trước tiên và nhìn qua ca-bin.

        - Bánh xe rơi ngập vào một miệng phễu.

        Ca-mi-ông vừa rú, vừa chồm chồm vài cái, nhưng không ăn thua gì.

        Cửa hé mở, người lái xe trẻ tuổi nhẩy xuống mặt đường. Anh ta kêu to một câu gì mà Lu-nin nghe không rõ vì lại có một tiếng nổ gần nữa. Khô-vơ-rin dán mình xuống sàn xe, anh lái chui dưới bánh xe, nhưng một khoảnh khắc sau, lại đứng dậy, và thò cái đầu đội mũ ca-lô xệch đến tai lên trên thành sau xe.

        - Các đồng chí chạy vào rừng đi.

        - Thế cậu? - Khô-vơ-rin hỏi.

        - Chạy đi, chạy đi! Tôi sẽ tới sau... - Anh ta khoa tay mạnh.

        Khô-vơ-rin ném va li qua thành xe, và nhẩy xuống đất. Lu-nin theo sau. Họ chạy vài bước trong rừng. Thình lình nghe thấy tiếng rú ghê rợn của một quả đạn bay tới. Lu-nin  kêu lên:

        - Nằm xuống.

        Anh nằm dính xuống đất và kéo tay áo Khô-vơ-rin bắt cũng làm như vậy. Bằng đuôi con mắt anh nhìn thấy, in rõ trên nền lửa, những thân cây khổng lồ gẫy rập như cọng rơm. Anh nghĩ đến người lái xe. Anh ta ở đâu? vẫn ở gần xe chăng? Hai người lại đứng lên, chạy vượt được mấy thước rồi lại rằm bẹp xuống. Chốc chốc lại phải nằm: cứ tiếng rú đến, thì rơi ngã xuống để lại vùng dậy sau tiếng nổ mà chạy xa thêm một ít. Họ gắng giữ phương hướng bằng cách đi men theo đường không tách xa quá. Lu-nin bị ám ảnh về ý nghĩ là "thằng ranh con lái xe" đã nói dối họ để ở lại trên đường với xe. Liệu còn sống không?

        Khô-vơ-rin nói:

        - Đã hơi yên một tí rồi đấy!

        Có thể nói là cuộc bắn phá dịu dần thật. Tiếng nổ ở phía sau. Lu-nin và Khô-vơ-rin ít phải nằm hơn; họ ra khỏi tầm bắn chăng, hay bọn Đức dồn hỏa lực vào khu vực khác? Họ ngoặt về mé trái. Cây thưa dần và họ lại ra đường.

        Khô-vơ-rin nói:

        - Ta đi bộ thôi!

        Đi chưa được 100 bước họ đã nghe phía sau tiếng lăn quen thuộc của thùng xăng trên sàn xe. Lu-nin dừng lại. Ca-mi-ông vọt khỏi bóng tối trong tiếng sắt vụn. Lu-nin bấm đèn. Xe dừng lại, cửa ca-bin mở ra kêu ken két.

        - Còn sống à? - Lu-nin hỏi.

        - Sống. - Anh lái xe trả lời giọng vui vẻ đắc thắng - Các đồng chí lên.

        Họ lại ngồi trên thùng xe và xe lại phóng hết tốc độ. Tiếng nổ bây giờ vọng xa đằng sau. Một cảm giác sung sướng và yên tĩnh xâm chiếm Lu-nin. cả đến thùng xăng cũng hết làm anh khó chịu. Anh thấy đầu Khô-vơ-rin dựa vào vai anh: Khô-vơ-rin ngủ. Cố gắng không động đậy để bạn khỏi thức giấc, Lu-nin cũng ngủ nốt, kìm thùng xăng dưới chân.

        Thức dậy, anh thấy xe đang bon trên một cái cầu, trên con sông rộng phản chiếu ánh sáng sớm mai: sông Nê-va! Qua cầu, họ lại chui vào rừng.

        Lu-nin lại ngủ.

        Khi anh thức giấc lần thứ hai, đã thấy nhà cửa hai bên đường lấp lánh dưới ánh mật trời, Khô-vơ-rin nói:

        - Gần đến rồi. Đồng chí đã ở Lê-nin-grát chưa?

        - Một lần. Tôi đã qua một mùa hè ở đó. Tôi lấy vợ ở đó.

        - Chị ở lại miên nam à?

        Lu-nin sa sầm nét mặt:

        - Tôi không còn vợ.

        - Chị đã mất?

        - Tôi đã ly dị.

        Xe chạy theo một đường phố. Và một xe điện màu đỏ chạy ngang họ, kéo chuông leng keng.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM