Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:52:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bức thư giải oan  (Đọc 10812 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:19:34 am »

      
        - Tên sách : Bức thư giải oan

        - Tác giả : Trần Diễn

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Năm xuất bản 2003

        - Số hóa : Giangtvx


        Bộ sách của Trần Diễn theo thứ tự như sau :

        1. Trùm phản chúa
        2. Đường dẫn đến tội lỗi
        3. Yêu người xứ lạ
        4. Bức thư giải oan
        5. Mihara - Người bạn Nhật
        6. Phần đời còn lại
        7. Đứa con lạc mẹ
        8. Cuộc truy tìm T72
        9. Hai người tìm nhau Đức
 



Chương một

1

        Chiếc máy bay hãng hàng không Mỹ vượt lên độ cao ba ngàn mét, Mihara - người của công ty HanaNhật Bản, mới cởi dây bảo hiểm, ngả người trên ghế đệm. Hai người Mỹ ngôi cạnh Mihara cứ hút thuốc liên tục. Mihara buồn nôn vì thần kinh làm việc căng thẳng suốt tuần qua lại bị hơi thuốc. Hơn lúc nào hết, vào lúc này, Mihara mới cảm thấy gánh nặng của tuổi tác. Đến sân bay Băng Cốc, Mihara chuyển sang máy bay Việt Nam. Từ lúc chiếc máy bay này cất cánh, rồi đến khi nó đột ngột hạ độ cao, Mihara biết ngay mình đã đến sân bay quốc tế Hà Nội. Vừa bước ra khỏi cửa kiểm soát, ông nghe thấy tiếng người con gái:

        - Mihara xên xây1.

        Mihara quay lại. Một người con gái tóc cắt ngắn, mặc áo dài, mặt thoa lớp phấn hồng nhìn ông vẻ tươi cười, tay vẫy vẫy như đã quen từ trước. Đứng bên cô gái là ông Phó thư ký Phòng thương mại.

        - Chúng tôi đi đón ngài! - Ông Phó thư ký Phòng thương mại vừa nói vừa rút danh thiếp đưa cho Mihara.

        Thay vì giới thiệu, Mihara cũng đưa danh thiếp của mình cho ông Phó thư ký và nữ phiên dịch Bích Vân. Cả ba người ngồi vào chiếc xe Toyota đã nổ máy đứng chờ trước phòng đợi. Chiếc xe lăn bánh và chẳng mấy chốc đã về tới khách sạn Hòa Bình nằm ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Chu Trinh.

        Vừa bước vào phòng, Mihara lập tức quan sát xem trong phòng có vật gì có thể dùng được vào công việc ông đang cần. Sau một hồi tìm tòi, ông ngồi xuống chiếc ghế đu đong đưa mấy cái rồi vào bàn rửa mặt. Hai chiếc khăn thơm mùi vải nằm bên bánh xà phòng nhãn hiệu Hoa Nhài.

        Những ngày đầu tiên đến Việt Nam, Mihara đã dành tất cả thời gian rảnh rỗi đi xem hầu hết các di tích lịch sử, đường phố Hà Nội. ông quyết định, dù bận đến đâu cũng phải để thì giờ nghiên cứu quy luật đi lại, cuộc sống văn hóa, tinh thần người dân của thủ đô cộng sản này.

        Sau gần hai năm làm việc với Phòng thương mại Tổng Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp I Bộ Ngoại thương, Unimex Hà Nội, Mihara nhờ nữ phiên dịch Bích Vân ra bưu điện quốc tế Hà Nội chuyển giúp bức điện:

        Mihara, Hòa Bình Hotel Hà Nội
        Gửi Công ty Hana Nhật Bản tại Hồng Kông
        Vụ sen năm nay mất mùa
        Nếu vẫn mua trả lời trước 10 tháng 7
        Các điều kiện khác như thường.


        Sau khi đánh điện xong, trên đường trở về, Bích Vân tự hỏi: Mình là người phiên dịch cho ông ta từ lúc ở sân bay, khách sạn, tiếp xúc với cán bộ các cơ quan ngoại thương Việt Nam, không lần nào Mihara hỏi về trồng cây, thu hoạch sen ở Việt Nam và không ai ở phía Việt Nam nói chuyện với ông ta vấn đề này. Vậy tin tức kia là do ai cung cấp? Nữ phiên dịch Bích Vân gọi điện báo cho cơ quan an ninh hiện tượng không bình thường này.

*

        Thượng tá Phó cục trưởng Cục 17 Bộ Nội vụ Hoàng Thế Huy cầm tờ giấy sao bức điện của Mihara, vừa xem vừa lặng lẽ bấm chuông. Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn bước vào.

        - Đồng chí gọi tôi?

        - Đồng chí cho tôi mượn lại những bức điện của thương nhân Mihara.

        - Khi nào đồng chí cần đến?

        - Ngay bây giờ.

        Thiếu tá đi ra, khoảng năm phút sau quay lại với ba tờ giấy phô tô ba bức điện.

        - Đây, mời đồng chí xem - Thiếu tá đưa tập giấy đến trước thượng tá.

        Thượng tá cầm tập giấy, chữ viết nguệch ngoạc của người con gái dịch từ chữ Nhật ra chữ Việt. Tất cả chẳng có điểm nào đáng nghi ngờ mà còn rõ ràng, dễ hiểu. Duy chỉ có bức điện thứ tư, ông vẫn thấy có điều gì khó hiểu. Ông nhìn thiếu tá:

        - Đồng chí có suy nghĩ gì về bức điện thứ tư của thương nhân Mỉhara không?

        - Tôi cho rằng đó là bức điện bình thường - Tuy trả lời, song thiếu tá thấy Phó cục trưởng hỏi như vậy chắc có vấn đề nên anh thận trọng nói tiếp - Tất nhiên, là những sĩ quan phản gián, chúng ta còn phải nghiên cứu nhiều nữa để lần tới sự chính xác.

        - Đúng như vậy. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều không lôgic để tìm ra dấu hiệu khả nghi: từ dấu hiệu khả nghi chúng ta lần tìm ra sự thật chính xác, thực chất về một con người.

        - Nhưng đồng chí thấy có gì không lôgic?

        - Lẽ ra điều này tôi hỏi đồng chí mới đúng. Song, đồng chí không thấy, tôi nói để chúng ta cùng bàn. Trước khi trao đổi nội dung chính, tôi hỏi, đồng chí có biết mùa sen nở năm nay được hay mất?

        - So với bốn năm gần đây, năm nay thu hoạch khá hơn cả. Hiện tại, kho ngoại thương còn gần một ngàn tấn liên nhục chưa xuất.

        - Thế thì tại sao Mihara lại điện về cho Công ty Hana mùa sen năm nay mất. Có phải là điểm không lôgic không?- Thượng tá đứng lên.

        -  Nếu vậy, tại sao ông ta lại điện báo công khai qua bưu điện quốc tế - Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn hỏi.

        - Chính tôi cũng đặt câu hỏi như thế - Thượng tá vừa đi vừa gật đầu - Hoạt động trên mặt trận bí mật này, chúng ta không được xem nhẹ tình huống tưởng là đơn giản.

        - Nghĩa là chúng ta bố trí lực lượng giám sát?

        - Đúng. Tôi giao cho đồng chí công việc đó.

        Thế là một tổ cán bộ cơ quan an ninh Việt Nam quyết định đuổi theo một cái bóng mà chưa dám khẳng định có thật hay giả.

------------------
       1. Tiếng Nhật: Chào ông Mihara (Mihara tiên sinh)
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Năm, 2020, 06:33:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:26:32 am »


2

        Tháng Tám năm đó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức cho các nhà ngoại giao, thương nhân, nhà báo nước ngoài ở Hà Nội tham quan một số tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Mục đích của chuyến đi là để mọi người chứng kiến cảnh thiên nhiên tàn phá mùa màng, nhà cửa ở những tỉnh này, thông qua đó, họ kêu gọi chính phủ các nước hoặc các công ty của họ viện trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng bị lũ lụt. Một số sứ quán không cử người đi. Những người đi phần lớn là chưa vào Huế, Đà Nằng, nhân dịp này đi để tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào những thành phố đã hơn hai mươi năm Mỹ cai trị; có người đi để làm quen với đồng nghiệp ở các sứ quán, các thương nhân khác, mở rộng thêm mối quan hệ bạn bè.

        Ông Phó thư ký Phòng Thương mại gợi ý Mihara đi tham quan khu vực miền Trung. Lúc đầu ông từ chối, sau lại nhận lời.

        Sáng thứ hai, Mihara rời khỏi khách sạn Hòa Bình lúc 7 giờ 30. Chiếc xe Toyota màu sữa chở ông đến câu lạc bộ quốc tế Ba Đình đang lúc nữ phiên dịch tiếng Anh mời các nhà ngoại giao và các nhà báo, thương nhân lên xe chuẩn bị rời Hà Nội. Khoảng năm chục chiếc xe con đủ các kiểu. Một nhóm các nhà ngoại giao đang trao đổi với cán bộ Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao ở gần cổng chính. Mihara chào hai nhà báo Pháp ngủ buồng bên cạnh mình ở khách sạn Hòa Bình rồi tiến về phía cán bộ đón tiếp. Khi quay ra xe, Mihara cố liếc mắt kiếm tìm người quen. Ngay lúc ấy, câu hỏi "Kác vác Zavút?”1 thoảng tới tai Mihara nghe rất quen thuộc, làm ông phải ngoái đầu lại. Mihara nhìn thấy người vừa nói có khuôn mặt quen thuộc, môi mỏng, mũi hơi khoằm, đang tiến đến chiếc xe Vonga đen. Ông nhận ra ngay đó là nhà ngoại giao Liên Xô mà có lần đã gặp ở Tokyo. Mihara biết Liên Xô và Việt Nam hợp tác toàn diện, vậy thì chuyến đi Việt Nam lần này sẽ gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi tên nhau của tốp cán bộ ngoại giao hay thuơng nhân, nhà báo Liên Xô vừa rồi đã làm Mihara vừa lo, vừa ghét. Những ý nghĩ đó đã làm chậm buớc chân ông. ông chưa về tới chỗ xe mình đỗ thì cả đoàn xe rồ máy nối nhau đi về phía cửa Nam. Người tài xế chở Mihara đợi cho xe của sứ quán Inđônêxia và Ai Cập vượt qua xe mình liền bám theo luôn. Hôm đó Hà Nội có mưa, bầu trời xám ngắt, mây sà xuống tận ngọn cây. Đường Điện Biên Phủ như bị láng thêm một chất men màu đục, in bóng biến dạng của đoàn xe. Mihara thích thú ngắm nhìn đường phố, cây cối, đồng ruộng, công trường, xí nghiệp hai bên đường số Một. Ông thừa nhận rằng đất nước này nghèo, tang thương chẳng khác gì nước Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mihara rất thích thú việc so sánh nước Việt Nam với Nhật Bản.

        Mihara lấy trong cặp ra tờ lịch tham quan, đọc chăm chú. Đồng hồ chỉ 11 giờ đúng. Khoảng 10 phút nữa đoàn tham quan sẽ dừng lại nghỉ trưa tại thị xã Thanh Hóa. Ngồi trong xe, Mỉhara tính rằng đến Thanh Hóa sẽ tranh thủ đi một vòng tìm kiếm xem có cô gái nào phiên dịch tiếng Anh mà có nốt ruồi ở đuôi mắt hay không. Nếu có, sẽ tìm cơ hội thuận tiện để trao cho cô ta gói hàng của ông Jon Smit. Mihara tính toán kỹ về cuộc gặp gỡ này. Sẽ nói gì với cô ta? Làm sao có thể gặp riêng?

        Mihara chào hỏi Chin Sang thương nhân Singapo, Buthuma thương nhân Thái Lan quen biết, rồi đi dọc đoàn xe. Khi đi gần hết đoàn xe, ông ta nhìn thấy một cô gái khá đẹp, đôi môi mỏng ngồi hàng ghế sau chiếc xe số ba nhưng cũng không phải người ông ta tìm gặp. Quá 12 giờ trưa, Mihara trở lại xe của mình tiếp tục cuộc hành trình.

        Sau hai ngày tham quan, nghỉ ngơi ở Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên, đoàn xe lại nối đuôi nhau như con rắn nhiều màu, luồn qua các đám mây đang bồng bềnh lưng chừng đèo Hải Vân trườn về phía Đà Nằng. Mihara và một số nhà ngoại giao ở khách sạn Thái Bình Dương. Sau bữa cơm chiều, ông còn ngồi lại trong phòng ngắm bức tranh sơn mài vẽ cảnh chùa Non Nước. Ông ta rời phòng ăn đi đến quầy bán hàng lưu niệm. Ngay lúc ấy, một cô gái trẻ vận quần Jean Thái, áo phông loại đắt tiền, đi từ phía trước, tóc quấn ngược lên đỉnh đầu để lộ chiếc cổ trắng tròn, nở nụ cười duyên.

        Cái đẹp tự nhiên của cô gái thu hút sự chú ý của Mihara, song nốt ruồi ở đuôi mắt phải của cô ta lại còn có lực hấp dẫn hơn.

        "Thế là có thể nhận ngân phiếu 20 triệu đô la." - Mihara nén nỗi vui mừng đó, bước đến bên cô gái:

        - Xin lỗi, bà cho tôi hỏi đường từ đây ra chợ Cồn?

        Người con gái nhìn người khách một cách dò xét rồi hỏi lại một câu bằng tiếng Anh, âm điệu chuẩn xác:

        - Ông từ đâu đến?

        Mihara sau khi nhận diện đúng người mình tìm gặp, tự giới thiệu là thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam theo lời mời của Phòng Thương mại.

        - Xin hỏi bà, Việt Nam có nhiều sa nhân không?

        - Có.

        - Có thảo quả không?

        - Có.

        - Quê bà có quế thanh không?

        - Có nhiều quế khâu hơn.

        - Xin giói thiệu, tôi là khách hàng Việt Nam về những mặt hàng đó.

        Mihara đề nghị người con gái cùng đi tới quầy bán hàng lưu niệm. Cô gái vui lòng quay lại theo lời yêu cầu của khách. Tại quầy hàng, họ nói chuyện tự nhiên, cởi mở. Theo Jon Smit quy định, Mihara hỏi ba câu và phải trả lời liên tục bốn câu. Nhưng tại sao cô gái kia không hỏi câu nào phù hợp với nội dung bốn câu mình chuẩn bị trả lời. Hay đấy là người của cơ quan an ninh Việt Nam? Mihara bắt đầu lo. Tuy vậy cũng chưa có gì đến mức phải thối chí. Mỉhara bình tĩnh nhắc lại câu đầu tiên khi gặp cô gái hỏi đường ra chợ cồn. Cô gái giơ tay ý nói chào tạm biệt các cô bạn bán hàng, miệng hỏi:

        - Ông sang đây buôn bán với cơ quan nào?

        - Gengralimex I Hà Nội! (Tổng công ty xuất khẩu tổng hợp I Hà Nội)

        - Ông không buôn bán với Unimex Hà Nội hay sao?

        - Có.

        - Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh?

        - Tôi mong muốn giao dịch với Cholimex (Tổng công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn).

        - Ngoài những mặt hàng đã ký, ông còn mua mặt hàng gì?

        Mihara mừng thầm trong bụng nhưng không trả lời ngay mà đi mãi tới tận cuối hành lang mới nói:

        - Nhiều thứ nữa như liên nhục, kê, hồi...

        Mihara quyết định đi thẳng vào nội dung cuộc gặp và kết thúc nhanh. Đợi cho đôi vợ chồng trẻ thuê buồng bên cùng tầng đi ngang qua, xuống tận tầng dưới, ông ta mới rút trong túi ra tờ Chương trình tham quan và hỏi to:

        - Thưa bà, ngày mai đoàn đi bãi tắm Non Nước?

        - Vâng, đúng thế.

        Mihara chìa tờ giấy trước mặt người con gái nói nhỏ:

        - Nhờ bà chuyển cho ông nhà giấy này - Mihara nói to như muốn cho mọi người nghe - Xin hẹn bà ngày mai gặp nhau ngoài bãi biển.

        Cô gái cầm ngay tờ giấy cuộn tròn rồi đập khẽ vào tay trái một cách tự nhiên, chào:

        - Good night! (Chúc một đêm tốt lành).

        - Saiônara! (Chào tạm biệt).

        Thế là cuộc trao đổi tài liệu đầu tiên giữa Mihara với người của nhóm điệp viên H80 của Cục Tình báo trung ương Mỹ kết thúc. Mihara trở về phòng và lúc đó bắt đầu cảm thấy hơi nhức đầu, mệt mỏi. Có lẽ, đó là kết quả của tuổi tác, chuyến đi dài ngày và cuộc gặp gỡ căng thẳng. Mihara đến bên cửa sổ mở rộng cánh cửa chớp. Luồng gió nhẹ mang theo hơi nước từ phía biển Thanh Bình tràn qua ô cửa làm Mihara dễ chịu hẳn. Điều làm ông ta dễ chịu hơn nữa là nghĩ lại các tình tiết buổi tiếp xúc trao tài liệu chuẩn xác, bí mật, tự nhiên đến nỗi nếu có người đứng gần cũng khó phát hiện ra. Ông ta dựa lưng vào tường sung sướng như một võ sĩ vật thắng cuộc sau một trận đấu. Được một lát, ông ta thư thái ngồi lên ghế để mặc cho gió tràn qua xoa bóp lên mặt, lên đầu.

-----------------
        1. Tiếng Nga: Tên anh là gì?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:27:54 am »

       
3

        Chuyến đi tham quan khu vực miền Trung của các nhà ngoại giao, thương nhân, báo chí kết thúc, Thượng tá, Phó cục trưởng triệu tập cuộc họp gồm những người tham gia vào việc giám sát thương nhân Mihara. Ông yêu cầu:

-           Bây giờ từng tổ công tác báo cáo, lần lượt theo chuyến đi của ông ta, bắt đầu từ tổ đồng chí Như Phơng.

        - Nhiệm vụ tổ tôi theo dõi hoạt động tiếp xúc của ông ta từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Xe của chúng tôi đã bám theo xe của Mihara rất sát, nhưng không phát hiện thấy ông ta nói chuyện với ai lâu.

-           Có lẽ ông ta phát hiện thấy có người theo dõi mình? - Thượng tá hỏi.

-           Tôi không nghĩ như vậy. Ông ta đi lại rất bình thường.

        Thượng tá cúi đầu suy nghĩ.

-           Dù sao chăng nữa thì ta cũng loại trừ được khả năng tiếp xúc trên đường đi - Thượng tá quay về phía trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ - Đồng chí hãy báo cáo lại kết quả đặt máy ở khách sạn Thuạn Hóa, Huế*..

-           Xe của chúng tôi đến khách sạn trước nửa ngày. Chúng tôi đã đi kiểm tra nơi ăn ở, các phòng cho khách và đặt máy quay phim tự động ở phòng bố trí cho Mihara ngủ. Chúng tôi phát hiện thấy ông ta thức trắng đêm, lúc thì đi lại, lúc ngồi trầm tư, khi thì cúi đầu viết.

-           Mihara viết gì? - Thượng tá hỏi.

-           Vì máy để xa, chữ lại nhỏ nên không hiện rõ.

-           Đã phóng đại chưa?

-           Chúng tôi đã dùng máy phóng đại lớn nhưng không đọc được nội dung của những dòng chữ.

        Phó cục trưởng nheo mắt lại như bắn ra những tia lửa. 'Đó là những hành động vụng trộm của những tên gián điệp - ông thầm suy nghĩ - Bước đầu ta khẳng định ông ta không phải là một thương nhân chỉ biết có công việc buôn bán".

        - Còn thời gian ở khách sạn Thái Bình Dương, Đà Nằng?

        - Suốt từ tối tới sáng ông ta không làm gì.

        Thượng tá quay lại phía đại diện của công an Quảng Nam - Đà Nang hỏi:

        - Đồng chí thấy thương nhân Nhật Bản này có gì đáng nghi không?

        - Tôi không thấy có gì nghi ngờ ngoài cuộc nói chuyện với cô hướng dẫn viên xinh đẹp.

        - Đồng chí có thể trả lời kỹ hơn chút nữa.

        - Các nhà ngoại giao, ngoại thương, nhà báo... đi ra đi vào ríu tít trên hành lang khách sạn. Họ vui vẻ nói chuyện, mua báo chí, hàng lưu niệm, chụp ảnh kỷ niệm cho nhau. Họ vây quanh cô hướng dẫn viên xinh đẹp. Mặc dù đứng ở gần quầy hàng lưu niệm, quay mặt vào họ, họ không nhìn thấy tôi nhưng tôi quan sát họ rất rõ. Cô hướng dẫn viên có làn tóc lượn sóng rất quý phái, tôn cho vẻ mặt đẹp, rám nắng của cô. Nhiều khách nước ngoài nhìn đôi mắt đen dưới đôi mắt kính màu hồng cũng khó lòng yên tâm. Cô hướng dẫn viên không ngớt lời trò chuyện vui vẻ với khách. Hình như cô gái chưa phát hiện thấy ông thương nhân này để ý tới mình từ lúc nào. Sau khi ăn cơm xong, ông thương nhân có ý nán lại, về muộn hơn mọi người nên khi cô hướng dẫn viên chào nhóm người đang nói chuyện đi ra thì gặp ngay ông ta. Với nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch, cô ta trò chuyện cởi mở, nhiệt tình giới thiệu với ông thương nhân các mặt hàng ở gian bán hàng lưu niệm và hình như họ hỏi nhau về chương trình tham quan?

        - Tại sao đồng chí ở xa lại nghe được điều đó?

        - Chúng tôi phán đoán qua việc họ chỉ tay vào tờ giấy giới thiệu chương trình tham quan.

        - Có một trùng hợp kỳ quặc - Thượng tá Phó cục trưởng nói giọng phấn khởi - Ở Huế máy quay phim tự động ghi lại được hình ảnh thương nhân Mihara sử dụng giấy giới thiệu chương trình tham quan viết gì đó; ở Đà Nẵng lại phát hiện ông ta với cô hướng dẫn viên du lịch cầm tờ giấy này nói chuyện với nhau - Hình như sực nhớ ra điều gì, thượng tá quay lại hỏi đại diện công an Quảng Nam - Đà Nang - Tờ giấy đó của ai?

        Đại diện công an Quảng Nam - Đà Nang hơi bối rối vì không nhớ rõ. Anh cố nhớ lại một cách chính xác nhưng không được nên đành nói nước đôi:

        - Chắc chắn là tờ giấy đó, nhưng ai trao ai thì không rõ.

        - Đồng chí nên rút kinh nghiệm - Thượng tá phê bình khéo - Công việc chúng ta đòi hỏi phải quan sát ghi nhận từ những chi tiết nhỏ nhất, những việc làm tưởng rất bình thường, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ may, có khi cả cuộc đời mới lấy lại được - Thượng tá gật đầu, một thói quen khi nghĩ ra điều gì mới - Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề. Với những động tác của Mihara, chúng ta kết luận không cần bàn cãi, đó là hành vi hoạt động mờ ám. Theo ý kiến các đồng chí, chúng ta nên đối phó thế nào?

        - Đề nghị bí mật lấy tài liệu ông ta đã nhận để nghiên cứu - Trung tá Vũ Duy Bừng đề nghị.

        - Theo tôi, khi đã có chứng cứ trong tay, ta mời ông ta đến trụ sở để khai thác. Điều quan trọng hơn nữa, ta chưa phát hiện ông ta liên lạc với ai, nhằm mục đích gì.

        - Vậy ý kiến đồng chí thế nào?

        - Theo tôi - Thượng tá lại gật đầu - một là tìm hiểu về cô hướng dẫn viên du lịch; hai là tiếp tục giám sát Mihara. Qua theo dõi ta sẽ phát hiện ra ông ta bắt liên lạc với tên gián điệp nào nằm vùng tại nước ta, mà có lẽ là điệp viên do CIA cài lại sau chiến tranh hoặc điệp viên của tình báo Nhật. Những điệp viên này có nhiều khả năng nằm trong cơ quan kinh tế đối ngoại của ta. Còn về mục tiêu Mihara định tiếp cận, theo tôi là tìm hiểu đường lối kinh tế đối ngoại của ta hoặc kỹ thuật sản xuất và giá cả các mặt hàng chiến lược.

        Gần đây, Nhật Bản là nước đang muốn phát triển kinh tế, Mihara lại là thương nhân nên mọi người dễ dàng thống nhất với kết luận của thượng tá, phấn khởi tiếp tục lao vào cuộc điều tra
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:31:23 am »


Chương hai

1

        Cuộc điều tra thương nhân Nhật Bản Mihara chưa thu được kết quả gì thì ông ta đã hết thời gian lưu lại ở Việt Nam.

        Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn gặp ông Chánh thư ký Phòng thương mại tìm hiểu về thái độ buôn bán của Mihara. Ông Chánh thư ký đánh giá, Mihara rất nhiệt tình, buôn bán có kết quả. Các mặt hàng ông ta mua, nhất là sa nhân, thảo quả, ba kích, kê, hồi, quế thanh, quế khâu, liên nhục đều cao giá hơn so với một vài thương nhân Hồng Kông, Singapo. Malaixia; cách thức buôn bán rõ ràng, sòng phẳng, không dìm giá.

        Từ nơi gặp gỡ trở về, thiếu tá đạp xe rất chậm. Gia đình thiếu tá ở một ngõ hẻm phố Bạch Mai. Anh dắt xe dọc theo bức tường đã cũ, rêu mọc loang lổ, qua một khu đất trải sỏi mới vào đến địa phận nhà mình. Anh gieo mình xuống giường.

        "Thế là thả sổng con mồi!" - Thiếu tá nghĩ rồi nằm xuống, thở làn khói lên trần nhà. "Đúng là tan như làn khói - Anh tiếp tục nghĩ - Lúc phát hiện có dấu hiệu hoạt động gián điệp thì không đủ chứng cứ, lúc tổ chức giám sát thì đối tượng đã bỏ chạy. Nếu như ông ta là gián điệp kinh tế thì phải tính toán tới thua lỗ chứ, tại sao lại mua giá cao hơn thương nhân khác? Hay bắt về cơ quan xét hỏi? Nếu bắt truy khan chắc chắn sẽ có những công hàm phản đối từ phía Nhật Bản”.

        Thiếu tá châm thuốc hút, ngước nhìn trần nhà qua làn khói mỏng tang.

        Chị Hồng Diệu, vợ anh, từ trong nhà đi ra. Ngạc nhiên thấy chồng về lúc nào mà mình không biết, chị đi đến phía giường nhẹ nhàng ngồi xuống bên anh.

        - Dạo này sao anh suy tư nhiều thế? - Câu hỏi của vợ làm anh dịu bớt sự căng thẳng trong đầu. Tay Hồng Diệu đặt lên trán chồng vuốt nhẹ. Đã lâu lắm rồi, anh không nhận được sự vuốt ve trìu mến này. Công việc mấy tháng chạy theo cái bóng thương nhân làm anh đi sớm về muộn, còn đâu thì giờ tâm sự cùng vợ. Để bù đắp lại, giờ đây anh cầm tay Hồng Diệu đặt lên ngực mình như bảo rằng: anh vẫn nghĩ tới em. Hồng Diệu để mặc cho chồng bóp chặt tay mình, nói thơng thả:

        - Độ này em thấy tâm tính anh khác trước nhiều, hay mấy ông cơ quan lại đấu đá nhau?

        - Đừng nói bậy! - Anh trả lời giật cục.

        - Trước đây anh có hút thuốc lá nhiều như bây giờ đâu?

        Gần đây chị Diệu có nghe người ta nói, chồng mình hay đi với cô gái nào đó, chị sinh nghi nhưng vẫn giấu kín điều đó. Bây giờ, chị quyết định hỏi chồng, nếu không, đợi đến khi biết chắc sợ quá muộn.

        - Hay anh chê em già?

        Như một quả tạ giáng xuống đầu, anh chết lặng người. Trong giây phút, quá khứ cuồn cuộn trào lên. Anh muốn nâng niu, muốn giữ chặt những tình cảm hai người đã dành cho nhau. Đợi mãi chồng không trả lời, chị phát khóc lên vì tức.

        - Có lẽ anh xấu hổ vì có em hả?

        - Sao em lại nghĩ điên rồ thế? - Thiếu tá bực bội trả lời.

        - Vậy tại sao mấy tháng nay anh không đi chơi với em, thậm chí rủ anh về bên ngoại chơi anh cũng không đồng ý?

        Câu hỏi của vợ lại như một quả tạ thứ hai giáng xuống đầu làm anh thục sự xúc động. Anh lựa lời nói với Hồng Diệu:

        - Anh không đi chơi vì không muốn phô trương hạnh phúc của chúng ta.

        Hồng Diệu nghĩ câu nói đó của chồng không thật, có gì đó như che đậy cho một mối quan hệ mờ ám. Chị giận dỗi đứng lên:

        - Vì em biết anh thích đi với gái trẻ để phô trương với bạn bè!

        Tại sao Hồng Diệu lại biết mình đi với cô ta? Nếu bây giờ vợ mình làm toáng việc này lên, đến tận cơ quan cô ta đánh ghen thì có lẽ hỏng hết việc. Hay là nói thật, mình đi với cô ấy để làm nhiệm vụ? Nhưng nói như thế đâu được. Thiếu tá thấy mình lạc lõng trong hàng ngàn vạn câu hỏi nên xử sự như thế nào mà chưa có câu trả lời chuẩn xác. Anh đưa mắt nhìn vợ như nhìn trộm. Đúng là nhìn bề ngoài Hồng Diệu già hơn cô ta đến chục tuổi. Khuôn mặt hơi vuông, cặp môi hơi dày, lại có vẻ rạn nứt như vén bờ. Hai cánh tay hơi gầy, cả thân hình khô như cây thông trụi lá. Khoa Đoàn ngồi dậy. Cơn gió cuối thu ào qua cùng với tiếng ô tô chạy ngoài đường như những tiếng kêu thất thanh. Vợ chồng gửi cả cuộc đời cho nhau - anh nghĩ - mà không tin nhau, thì dễ đổ vỡ lắm. Anh rùng mình run sợ, tưởng như có tai họa sắp đến. Nếu nói thật với Hồng Diệu, cô gái kia là ai, đang làm gì, có thể bị hỏng việc; nếu không nói thật, có lẽ mình mất lòng tin với vợ.

        - Em hãy tin ở anh.

        Tiếng anh thầm thì, run run y như tai họa đã chém ngang hạnh phúc gia đình.

        -Tin!

        - Rồi anh sẽ nói cho em rõ.

        - Nói rõ!

        Khoa Đoàn và Hồng Diệu đều nhận rõ nội dung của những câu đối thoại đó gay gắt và có phần nào không đúng với lương tâm mình. Nhưng càng nói chuyện thì càng đẩy cả hai người bước tiếp lên một sợi dây giăng qua hố sâu.

        - Xong việc anh sẽ nói với em.

        - Nghĩa là cưới xong cô ta, anh mới nói với em chứ gì?

        - Không, anh không bao giờ phản bội tình chồng vợ, mà cũng không hề dối trá.

        Anh cay đắng nghĩ: Lẽ nào mình để cho tên gián điệp khoác áo thương nhân về nước rồi lại để cho vợ mình cũng từ từ chia tay mình hay sao? Thiếu tá Khoa Đoàn quay lại định lựa lời giải thích với vợ, nhưng chị đã bỏ vào nhà trong từ lúc nào. Anh đứng câm lặng nhớ lại tiếng chỉ trích của vợ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh bị vợ nghi ngờ, oán giận. Gần mười năm sống bên nhau, anh chưa hề chuẩn bị, nói đúng ra không cần chuẩn bị sự đối phó này nên khi nghe Hồng

        Diệu nói, anh không tránh khỏi đường đột. Anh đứng trơ trọi một mình giữa nhà. Lần đầu tiên anh thấy mình cô độc. Và lần đầu tiên anh mới hiểu, muốn không trơ trọi, phải quan tâm tới cuộc sống gia đình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:32:57 am »


2

        Mấy tháng bám theo cái bóng thương nhân Mihara không kết quả và những lời trách cứ của Hồng Diệu làm Thiếu tá Khoa Đoàn mệt rã rời.

        Từ cơ quan về, anh lên giường nằm cố chợp mắt bù lại thời gian công tác vất vả, nhưng không sao ngủ được. Trong óc anh lúc nào cũng căng thẳng vì những giả định đã đặt ra về người thương nhân Nhật Bản. Mỗi khi nhắm mắt, anh lại thấy hiện rõ các hoạt động của Mihara ở khách sạn Thuận Hóa, Huế. Bộ mặt ấy luôn đăm chiêu, hiền từ; động tác lúc vội vã, lúc thơng thả. Đối với thương nhân, việc trầm tư suy nghĩ cách buôn bán kiếm lời là lẽ đương nhiên. Còn việc ghi chép đêm đó có thể là những số liệu mặt hàng, giá cả thì sao? Trông ông ta cũng bình thường như mọi người Nhật khác, cũng có nét trầm tư kín đáo của người phương Đông. Vậy thì làm sao có thể phân biệt được ông ta là thương nhân hay gián điệp khoác áo thương nhân? Tuy lý giải như thế, song thiếu tá nghĩ rằng hành động vụng trộm, tháo gỡ gót giày, hí hoáy ghi chép lúc ở khách sạn là không thể bỏ qua. Càng nghĩ, thiếu tá càng cho rằng đó là hành động đáng nghi. Nếu là thương nhân chỉ chăm chú việc buôn bán thì cần gì phải cất giấu tài liệu trong đế giày? Lại còn một điều nữa, sau đó ông ta cầm tờ giấy đó trao cho cô hướng dẫn viên kia? Vậy cô hướng dẫn viên kia là ai? Cô ta có quen ông ta hay gặp gỡ tình cờ như muôn vàn người khách khác? Nghề của cô ta là dẫn khách tham quan, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cơ mà! Còn nếu như quen biết thì bắt đầu từ bao giờ? Ông Mihara lần đầu tiên vào Việt Nam, cô ta chưa một lần đi ra nước ngoài thì quen nhau trong trường hợp nào? Những câu hỏi ấy cứ lung bung trong đầu làm thiếu tá không sao ngủ được. Rồi anh lại tự động viên, ông ta chưa phương hại tới nền an ninh quốc gia, lại trở về nước thì còn nghĩ tới làm gì cho mệt xác. Không, nghĩ thế là sai lầm. Nếu ông ta hoạt động gián điệp thì dù ở Việt Nam hay ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc... nghĩa là ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tìm cách chống phá Việt Nam. Trách nhiệm của mình là phải điều tra, ngăn chặn, thủ tiêu những hành động đó.

        Thương nhân Mihara về Nhật đã mấy tháng trời mà hình bóng với việc làm của ông ta vẫn như đang diễn ra hôm qua. Một buổi sáng, anh đi làm muộn hơn vợ. Anh với tay lấy bao thuốc để trên bàn châm lửa hút. Khoa Đoàn thấy lạ là bao thuốc còn mới nguyên. Có lẽ Hồng Diệu mới mua đặt ở đó trước khi đi làm.

        Sau mấy tháng lạnh nhạt, lần đầu tiên vợ mua thuốc cho anh. Anh vui vẻ bóc bao thuốc. Có tiếng guốc ngoài ngõ. Một giọng thanh thanh nhưng rắn rỏi:

        - Đây có phải nhà anh Nguyễn Khoa Đoàn không ạ?

        Thiếu tá không nghe thấy tiếng trả lời của gia đình ngoài mặt phố, nhưng cánh cửa gỗ của ngõ chung ba nhà đã khép lại. Tiếng guốc ngập ngừng, dè dặt. Thiếu tá hơi ngạc nhiên vì có cô gái hỏi mình vào giờ này. Cô gái có bím tóc dài, mặt tròn, má lúm đồng tiền, bước chậm chạp.

        - Xin lỗi! Em hỏi có phải anh là anh Đoàn không ạ?

        - Vâng, tôi đây.

        - Bố em bảo mời anh đến cơ quan bố em.

        - Bố cô là ai?

        - Dạ, bố em tên là Cương.

        Lúc bấy giờ thiếu tá mới nhớ cô gái là con cả của ông Cương, Thứ trưởng, thuộc địa bàn anh phụ trách.

        - Cô cứ về trước, một lúc nữa tôi sẽ tới.

        Ý định của anh là đến cơ quan báo cáo rồi mới tới gặp ông Cương. Anh tiễn cô gái ra tới ngõ thì gặp vợ trở về. Hóa ra là xe vỡ lốp nên vợ anh phải quay về. Hồng Diệu liếc nhanh người con gái.

        - Em chào chị! - Cô gái chào rồi đứng nhìn Hồng Diệu vẻ ngượng ngập.

        - Vâng, chào cô - Giọng Hồng Diệu nặng nề đầy tính chất soi mói. Nét mặt thiếu tá biểu lộ vẻ chưng hửng, bối rối. Anh chưa kịp giới thiệu cô gái thì Hồng Diệu đã dắt xe đi được một đoạn.

        Thiếu tá vội đi theo Hồng Diệu về nhà.

        - Bây giờ anh có việc phải đi ngay.

        - Đi với con bé đó? - Giọng Hồng Diệu lạnh lùng.

        - Đừng nói bậy - Thiếu tá nói to như thét rồi mở khóa xe. Ra tới cổng anh còn nghe thấy lời trách cứ của vợ: "Còn oan lắm đấy!" Câu nói đó là những âm thanh cay độc bắt anh phải suy ngẫm rồi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải giải đáp.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:35:35 am »


3

        Mãi tới 9 giờ thiếu tá mới rời cơ quan đi gặp ông Cương. Anh Phú, trưởng ban bảo vệ cơ quan Bộ cũng đang ngồi ở phòng làm việc của ông. Sự căng thẳng lo sợ đã lộ rõ trên khuôn mặt hai người. Dưới chiếc quạt trần quay chậm, ông Cương đang lần dở từng kẹp giấy trong cặp hồ sơ. Trưởng ban bảo vệ chăm chú theo dõi thủ trưởng của mình. Những ý nghĩ phỏng đoán trường hợp mất tài liệu đang diễn ra trong đầu Thứ trưởng. Ông nhìn đồng hồ.

        - Đã chín giờ hơn rồi mà vẫn không thấy anh ấy đến. Không biết con bé đã báo chưa? - Thứ trưởng nhìn trưởng ban bảo vệ - Không tìm được bản tài liệu này thì tôi đến phải thôi chức Thứ trưởng và ra đứng trước vành móng ngựa. Hay là anh lấy xe tôi đi đón anh ấy?

        Ông vừa nói dứt lời, thiếu tá Khoa Đoàn đã gõ cửa.

        - Có chuyện gì mà anh cho tìm tôi thế?

        Thứ trưởng dừng tay không lục tìm tài liệu, mặt hơi biến sắc, nặng nề ngồi xuống ghế. Những giọt mồ hôi lớn đọng lại ở hai bên thái dương từ lúc nào.

        - Bản Nghị quyết trung ương về đối ngoại đã bị mất cắp.

        Thiếu tá Khoa Đoàn làm công tác bảo vệ nội bộ nên biết rất rõ tầm quan trọng của bản Nghị quyết này. Đó là bản Nghị quyết của Trung ương Đảng ta đối với Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, các nước Đông Nam Á trong những năm sắp tới, vừa mới được thông qua trước đây mấy tháng. Nếu để lọt vào tay kẻ địch Nghị quyết này, chúng sẽ tìm cách bao vây, chống phá một cách có hiệu quả. Anh đã nhiều lần đặt vấn đề với lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ, Viện cảnh giác mà vẫn cứ để xảy ra. Anh nhìn Thứ trưởng hỏi một cách khiêm tốn:

        - Tại sao tài liệu quan trọng cơ mật như thế đồng chí lại giữ?

        - Vì tôi là Thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại của Bộ.

        - Theo đồng chí, nơi bị mất cắp ở đâu?

        - Có khả năng mất tại nhà.

        - Tại sao đồng chí biết mất tại nhà?

        - Vì chiều qua tôi mang bản Nghị quyết đó về nhà ăn cơm xong còn đem ra đọc.

        Thứ trưởng nhìn thiếu tá, đôi mắt ánh lên những tia lo âu một cách tội nghiệp. Gần hết đời công tác, trải qua hai cuộc kháng chiến, được bổ nhiệm là Thứ trưởng, có lần nào ông để mất tài liệu đâu. Thiếu tá nhìn ông vẻ thông cảm.

        - Đồng chí có thể nói rõ hơn trường hợp bị mất cắp được không?

        - Hiện bây giờ tôi chưa biết đích xác - Thứ trưởng trả lời.

        - Đồng chí có nghi ai không?

        - Tôi không nghi cho ai cả.

        - Chiều qua có ai tới thăm gia đình đồng chí không?

        - Để tôi xem - Thứ trưởng suy nghĩ - Không. Không có ai, chỉ có cháu Giang có người yêu rủ đi chơi, nhưng các cháu hẹn nhau ở chỗ khác.

        Sau khi nghe Thứ trưởng nói, thiếu tá hỏi:

        - Đồng chí Phú hôm nay có bận lắm không?

        - Tôi không bận lắm.

        Thiếu tá nhìn Thứ trưởng:

        - Nếu vậy, xin phép đồng chí cho đồng chí Phú tới chỗ chúng tôi bàn cách tìm ra kẻ đã đánh cắp được không?

        Thứ trưởng sốt sắng trả lời:

        - Được. Nếu bận thì cũng xếp lại.

        Đồng chí trưởng ban bảo vệ lẳng lặng theo thiếu tá ra hành lang. Xuống hết cầu thang thứ nhất, thiếu tá hỏi:

        - Chiều qua đồng chí có đi cùng xe Thứ trưởng về nhà không?

        - Có.

        - Và nhìn thấy đồng chí ấy đem cặp tài liệu theo?

        - Đúng.

        - Dù sao cũng cám ơn đồng chí đã giúp tôi xác định lại chắc chắn hơn hoàn cảnh Thứ trưởng mất tài liệu.

        Về tới trụ sở Cục 17 Bộ Nội vụ, thiếu tá Khoa Đoàn kéo ghế rót nước mời trưởng ban bảo vệ rồi nói luôn:

        - Nếu đem tài liệu về nhà, không bị rơi dọc đường, khách không tới thăm thì tài liệu bay đi đâu? Theo tôi, một là do kẻ gian đột nhập vào ban đêm; hai, có thể chính là người nhà đồng chí đó lấy. Đã gần mười năm nay làm việc với đồng chí, hiểu đồng chí nên tôi mới nói suy luận đó của mình.

        - Vì thế đồng chí mới mời tôi đến đây?

        - Đúng! Nghi ngờ đồng chí, người thân là không cho phép, nhưng nghi ngờ để tìm ra sự thực và giải tỏa mối nghi ngờ đó là trách nhiệm của tôi và đồng chí.

        - Vậy tại sao đồng chí không nói thẳng với Thứ trưởng. Đồng chí ấy là cán bộ cao cấp, lại có kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta trong việc này.

        - Nhưng đồng chí ấy cũng là một con người, sẽ đau khổ khi biết người thân mình dính líu. Như vậy có phải chúng ta đã đem sự đau khổ tới cho đồng chí ấy không? - Thiếu tá nói chậm rãi - Tôi quyết định, không nói với đồng chí ấy, đó không phải không tin mà xuất phát từ lòng nhân ái.

        Trưởng ban bảo vệ lặng người đi.

        - Tôi hiểu gia đình Thứ trưởng.

        Thiếu tá nhìn thẳng vào mắt trưởng ban bảo vệ:

        - Việc gặp riêng đồng chí là chúng tôi muốn đồng chí giúp chúng tôi tìm hiểu về vợ con của Thứ trưởng.

        - Nhưng để làm gì? - Trưởng ban bảo vệ nhìn thiếu tá, nét mặt già hẳn đi - Đó là việc làm xúc phạm tới lòng tự trọng của một gia đình cách mạng.

        - Không. Chính là để thanh minh cho đồng chí Thứ trưởng vì chính đồng chí ấy nói, tài liệu để ở nhà, không có ai tới thăm mà mất thì có phải tự đồng chí ấy kết luận người nhà đồng chí ấy lấy không? - Thiếu tá thấp giọng - Đồng chí giúp chúng tôi làm rõ vấn đề này.

        Trưởng ban bảo vệ bối rối:

        - Tôi có thể làm gì?

        - Chỉ cần đồng chí nhận lời, chúng tôi sẽ nói cụ thể từng việc.

        - Nếu là việc làm nhằm bảo vệ tốt nền an ninh quốc gia, tôi chấp nhận.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:38:53 am »


4

        Hà Nội sau một trận mưa bất thần mùa đông tưởng như từ trên trời rắc xuống một lớp kem sữa. Nhiều đường phố lớp nhớp bùn cát. Mỗi một khi xe đạp, ô tô chạy qua lại hằn những vết bánh xe, khi thì thẳng như kẻ, khi thì ngoằn ngoèo như rắn bò. Bầu trời xám xịt bỗng sáng hơn. Phía nam sông Hồng lộ rõ một khoảng trống với mấy đám mây trắng kéo qua.

        Ông Phó thư ký Phòng thương mại bước vào phòng làm việc, ông mở xem một loạt bức điện chào hàng của các cơ quan xuất nhập khẩu Việt Nam với Công ty Hana và một số công ty khác của Nhật Bản, Hồng Kông; thư giới thiệu làm quen với thương nhân Mihara của thương nhân các nước Anh, Pháp, Úc, Cộng hòa Liên bang Đức... trong thời gian lưu lại ở Việt Nam. Mắt ông hơi bị nhíu lại khi đọc thư của Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp I Hà Nội:

        Hà Nội, ngày 5 tháng 11

        Kính gửi ông Mihara
        Giám đốc Công ty Hana Nhật Bản

        Thưa quý ông,

        Chúng tôi xin cảm ơn thư của quý ông đề ngày 20 tháng 10, trong đó qúy ông hỏi mua bốn mặt hàng dược liệu: liên nhục, sa nhân, thảo quả, ba kích.

        Chúng tôi rất tiếc báo để quý ông rõ là mặt hàng ba kích hiện nay đã hết, vì vậy chúng tôi chỉ có thể bán cho ông ba mặt hàng liên nhục, thảo quả, sa nhân theo giá mà ông và chúng tôi đã thỏa thuận.

        Chúng tôi gửi kèm theo thư này mẫu hàng và bảng giá từng mặt hàng theo điều kiện FOP Hải Phòng, tin rằng quý ông sẽ hài lòng.

        Kính chào.
        Tổng giám đốc
        Gengralimex I Hà Nội

        Ông Phó thư ký đưa tay nhấc cặp kính lão. Như vậy là Mihara đã quan hệ buôn bán với Gengralimex, Bộ Ngoại thương, Unimex Hà Nội, Unimex Nghệ Tĩnh, Unimex Quảng Ninh.

        Hai tuần sau, Mỉhara lại gửi một bức thư cho ông Tổng giám đốc xuất nhập khẩu tổng hợp I:

        Tokyo ngày 19 tháng 11

        Kính gửi ngài Tổng giám đốc Gengralimex I Hà Nội
        Chúng tôi cảm ơn thư của ngài đề ngày 5 tháng 11 trả lời thư đề ngày 20 tháng 10 của chúng tôi.

        Chúng tôi thông báo để ngài rõ, khi nhận được hàng mẫu, chúng tôi đã đưa cho người tiêu dùng để họ tham khảo ngay. Họ rất hài lòng.

        Chúng tôi mong muốn rằng thời gian tới, sẽ buôn bán với các ngài với số lượng gấp đôi.

        Chúng tôi mong sớm nhận được giấy mời của các ngài mời chúng tôi vào Hà Nội ký hợp đồng để chúng tôi đến Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tokyo xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam vào tuần đầu tháng 12.

        Kính chào
        Mihara
        Giám đốc Công ty Hana


        Sau khi xem các bức điện của Công ty Hana, ông Phó thư ký Phòng thương mại nhấc ống nghe.

        - Alô. Tôi, Phó thư ký Phòng thương mại. Cho tôi gặp đồng chí Hoàng Thế Huy.

        - Alô. Tôi là Huy đây. Đồng chí có việc gì cứ nói.

        - Tôi muốn hỏi lại trường hợp thương nhân Mihara. Nói qua điện thoại sợ không tiện nên muốn đến gặp trao đổi trực tiếp.

        - Ngay bây giờ?

        - Vâng.

        - Đến chỗ tôi hay chỗ đồng chí?

        - Có lẽ đến chỗ đồng chí tiện hơn.

        Ông Phó thư ký Phòng thương mại xách cặp đi ra cửa. Vừa ngồi vào xe, ông mở tờ báo Asahi Shimbum, tờ báo hàng ngày lớn nhất Nhật Bản, xem. Ông lật mấy trang đầu, dừng lại ở trang quảng cáo, nghĩ: "Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Nhật cũng bị bom đạn như nước mình mà tại sao sau mấy chục năm các nhà kinh tế Nhật đã đưa đất nước này phát triển với tốc độ chóng mặt. Bây giờ mình muốn bắt tay với họ, nghiên cứu về họ lại bị mấy ông an ninh ngáng chân. Nếu cứ kiểu làm ăn này... "

        Chiếc xe dừng lại trước trụ sở Cục 17. Theo người bảo vệ, ông bước lên gác 2.

        - Mời đồng chí vào, tôi đang chờ.

        Sau những câu chào hỏi xã giao, ông Phó thư ký Phòng thương mại hỏi luôn:

        - Về trường hợp thương nhân Mihara xin nhập cảnh, ý kiến các đồng chí thế nào?

        - Chúng tôi đang nghiên cứu.

        - Tôi đi nhiều nước thấy họ trả lời vấn đề như thế này rất nhanh. Còn bên ta, các đồng chí lại nghiên cứu quá lâu. Họ vào Việt Nam làm ăn kinh tế mà chúng ta không tạo điều kiện thì chúng tôi mất hết khách hàng. Buôn bán phải có khách hàng chứ!

        - Chúng tôi hiểu.

        - Nhưng vì lý do gì lại giải quyết chậm trễ?

        - Không nói thì đồng chí cũng biết đấy, cái nghiệp của chúng tôi là kiểm tra xem có bảo đảm an ninh quốc gia không?

        - Nhưng theo tôi đề nghị không nên viện vào công việc đặc thù đó để cản trở công việc buôn bán.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:40:59 am »


        - Nhưng theo tôi, công việc buôn bán của Nhà nước và công việc của chúng tôi lại là một.

        - Không. Nó là hai vấn đề tách rời nhau.

        - Theo ý kiến đồng chí?

        - Theo suy nghĩ của tôi, đã nói đến đi buôn là phải tính lỗ lãi. Nếu thương nhân nào đó mở rộng được mặt hàng, đem nhiều lãi cho ngoại thương Việt Nam là chúng tôi chấp nhận. Còn thương nhân nào vào đây, họ không thực hiện theo luật pháp Việt Nam, phá hoại nền an ninh thì các đồng chí phải lo.

        - Nhưng chúng tôi không thể hoạt động tách rời các đồng chí mà phải qua các đồng chí xem thái độ buôn bán của họ. về trường hợp thương nhân Mỉhara, các đồng chí đánh giá thế nào?

        - Như đã trao đổi lần trước, ông ta là một trong những khách hàng chính của mặt hàng quế, sa nhân, thảo quả, ba kích, hồi, liên nhục... Buôn bán sòng phẳng.

        - Vì vậy các đồng chí đề nghị tiếp tục cho vào?

        - Đúng thế. Chính vì vậy, hôm nay tôi gặp đồng chí yêu cầu trả lời sớm.

        - Về vấn đề này, ngày mai chúng tôi sẽ trả lời chính thức - Giọng thượng tá ôn tồn hơn.

        Gần trưa, thượng tá tiễn khách ra về. ông quay lại bàn làm việc, ngồi xuống ghế trầm ngâm suy nghĩ. Mihara là thương nhân đã vào Việt Nam, có nhiều nghi vấn hoạt động gián điệp, có nên cho nhập cảnh không? Kinh nghiệm cho thượng tá thấy rõ, một khi bọn gián điệp khoác áo thương nhân, ngoại giao, nhà báo, tổ chức xã hội nào đó vào Việt Nam thì các sĩ quan phản gián của ta phải tập trung sức đấu tranh khá vất vả. Hay là đề nghị Bộ Ngoại giao không cho thị thực nhập cảnh, đó là con đường đỡ vất vả nhất cho cơ quan an ninh.

        Thiếu tá Khoa Đoàn từ ngoài cửa bước vào, cắt đứt luồng suy tư của thượng tá.

        -  Đồng chí đã đọc bức thư Mihara xin nhập cảnh vào Việt Nam ký hợp đồng mua dược liệu chưa?

        - Tôi đã đọc. Ý các đồng chí bên ngoại thương thế nào?

        - Các đồng chí ấy đang chờ câu trả lời của chúng ta. Vậy theo ý kiến đồng chí?

        - Theo tôi, nên cho ông ta vào.

        - Cậu nghĩ nông cạn lắm - Thượng tá chỉ trích thiếu tá - Khi nghi có dấu hiệu hoạt động gián điệp phần đông ta phải bóp từ trong trứng.

        - Vì chủ trương bóp từ trong trứng nên không cho ông ta vào, đó là một chủ trương sai lầm.

        - Vì sao?

        - Thứ nhất, chúng ta sẽ gặp sự phản đối của các đồng chí bên ngoại thương, vì Mihara là thương nhân đem lại nhiều lãi cho Việt Nam; chúng ta lại không có chứng cứ buộc tội ông ta. Vậy thì sao không cho ông ta vào quan hệ buôn bán đối ngoại. Thứ hai, nếu như Mihara là gián điệp thật thì ông ta bắt liên lạc với kẻ nằm vùng ở Việt Nam. Việc tìm cho ra kẻ đào ngũ ở trong nội bộ, làm trong sạch đội ngũ ở trong nước mới là nhiệm vụ chính của chúng ta. Thưa đồng chí thượng tá, có đúng thế không?

        - Thôi được - Thượng tá quyết định - Đồng chí cứ trả lời với bên ngoại thương cho Mihara vào và lập kế hoạch cho sát. Nếu có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, cần tiến hành bắt quả tang - Và giọng hơi bực tức, ông hỏi thiếu tá - Vụ mất Nghị quyết trung ương, đồng chí điều tra tới đâu rồi?

        - Tôi cũng định gặp đồng chí để xin chủ trương.

        - Còn chủ trương gì nữa, đó là một vụ nghiêm trọng gắn liền với an ninh quốc gia, chúng ta cần phải điều tra cho ra thủ phạm.

        - Ý tôi muốn hỏi, nhận định kẻ đánh cắp tài liệu nhằm mục đích chính trị hay hình sự? Nếu nó đánh cắp vì mục đích chính trị thì công việc điều tra của chúng ta khác hẳn với điều tra hình sự.

        - Tất nhiên đó là vụ án chính trị.

        - Nếu đêm đó kẻ trộm lọt vào đánh cắp thì cũng gọi là chính trị hay sao?

        - Nếu trộm lấy của, tại sao lấy một vài tờ giấy? - Thượng tá quyết đoán - vấn đề đó đã rõ. Chúng ta không nên bàn nữa, cứ cho tiến hành điều tra. Còn vấn đề hôm qua đồng chí hỏi, vụ mất tài liệu này có liên quan với thương nhân Mihara không, thì dễ dàng khẳng định: Không!

        Thiếu tá khẽ gật đầu, tỏ thái độ đồng tình. Thượng tá dặn thiếu tá Khoa Đoàn:

        - Nên điều tra theo hướng đã bàn với đồng chí trưởng ban bảo vệ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2018, 03:45:45 am »


5

        Tại gia đình ông Cương, sau bữa cơm chiều, ông vừa nhấm nháp chén cà phê vừa thơng thả đọc qua mấy tờ báo. Vợ ông, bà Cẩn, đang đọc truyện. Bà năm nay bốn bảy tuổi, trẻ hơn chồng sáu tuổi. Nhờ có thân hình dong dỏng và nước da trắng của người phụ nữ dân tộc Nùng, so với ông Cương, bà trẻ hơn nhiều. Tuy vậy, năm tháng tuổi tác và nếp nhăn trên trán đã in dấu ấn lên nhan sắc, làn da đã mất cái màu hồng của trái mận chín Lạng Sơn.

        Nghe tiếng ô tô tới đón, ông Cương bỏ báo, xách cặp.

        - Bà ở nhà, tôi đi họp.

        Bà Cẩn thở dài:

        - Họp gì mà họp cả đêm, chẳng quan tâm gì tới con cái.

        Anh Phú, trưởng ban bảo vệ từ ngoài bước vào. Bà Cẩn nói ngay:

        - Chú xem, ông nhà tôi chẳng biết gì chuyện con cái cả, hình như con Giang lại sắp bỏ thằng Hoành rồi - Bà Cẩn nói vẻ lo lắng.

        - Thanh niên nam nữ bây giờ, yêu nhau bỏ nhau nó cứ như cơm bữa - Giọng anh Phú bình thản.

        - Chú không biết chứ, lần này mà hai đứa bỏ nhau thì nhà chị không còn chàng rể nào hết - Bà đặt quyển truyện xuống mặt bàn - Thằng ấy con nhà tử tế, người ngợm trông được mà con Giang nhà tôi nó còn không ưa. Không ưa cái gì cơ chứ!

        - Thế mà chị chẳng nói cho em biết từ đầu - Phú quyết định tìm hiểu về Hoành và mối quan hệ giữa Hoành và Giang

        - Chị có thể nói cho em biết cậu ta con nhà ai, làm việc ở đâu được không?

        Bà Cẩn có dịp nói hết nỗi bực dọc:

        - Cậu ấy con ông Tiền, Vụ trưởng chứ có kém cỏi gì đâu. Cậu ta học ở Liên Xô, về nước năm ngoái. Hai đứa chúng nó yêu nhau từ ngày học phổ thông. Tốt nghiệp lớp mười thằng Hoành sang Liên Xô học, còn con Giang nhà này vào trường y. Năm, sáu năm trời, chúng nó còn ghi cho nhau hàng trăm, không, phải nói là hàng ngàn lá thư. Hai gia đình cũng đã đi lại. Ông nhà tôi là bạn ông Tiền từ ngày làm lính ở mặt trận Cao Lạng.

        - Chắc anh lấy chị từ ngày đó?

        - Đúng đấy - Bà Cẩn bùi ngùi nhớ lại mối tình vợ chồng - Ngày ấy, anh bị thương phải nằm lại gia đình chị. Sau khi lành vết thương, anh lại ra mặt trận và ghi thư thường xuyên cho chị. Chiến dịch kết thúc, anh chị cưới nhau với hai bàn tay trắng, chứ có tính toán gì của nả đâu. Bây giờ con Giang nhà này lại tính toán đủ thứ.

        - Lớp trẻ bây giờ không sao hiểu nổi. Cháu Giang năm nay đã hai ba tuổi rồi chứ còn thơ dại gì nữa đâu. Chị cho em địa chỉ cậu ta, em tìm hiểu xem sao.

        - Phải đấy, em giúp chị một tay - Bà Cẩn hạ thấp giọng - Nghe nói, quan hệ giữa hai đứa không lấy gì làm trong sạch lắm.

        Phú hỏi đột ngột:

        - Sao chị biết?

        - Nó nôn oẹ luôn - Bà Cẩn như bị nghẹt thở - Chú giúp chị, chị không quên ơn đâu. Cơ sự đã đến thế mà hai đứa nó lại định bỏ nhau cơ chứ.

        - Thôi được, chị để em lo. Chị nói cho em biết địa chỉ cơ quan cậu ta làm.

        - Ở Bộ giao thông vận tải.

        - Nhưng ở cơ quan Bộ hay công ty nào?

        - Chị không biết chính xác. Anh của chú biết đấy.

        - Thôi được rồi. Chào chị, em về.

        Phú bước ra cửa vẫn còn nghe rõ câu nói như thỉnh cầu:

        - Chú giúp chị, chị không quên ơn đâu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2018, 12:21:04 am »


*

        Ngay từ đầu tìm hiểu, Phú đã thấy dường như tất cả tình yêu của Giang với Hoành đều do bố Giang xây đắp.

        Giang càng lớn càng trưởng thành trên tất cả mọi lĩnh vực, được cả người lẫn nết. Những năm cuối cùng của cuộc đời học sinh phổ thông, cô là lớp trưởng, phó bí thư đoàn trường. Xinh gái, thông minh... nghĩa là Giang trở thành một bông hoa cho các chàng trai trong lớp, ngoài trường để ý tới. Hầu như tuần nào cô cũng nhận được thư qua đường bưu điện chuyển đến: "Giang đi chơi với mình vào tối thứ bảy này nhé"; "Tại sao Giang không ghi thư cho mình?"; "Ngồi cùng lớp nhưng khó nói lắm nên viết thư này"... Hầu như tất cả các thư đó đều không ghi tên người gửi hoặc chỉ có một chữ ký tắt nhưng Giang đều biết đó là thư của ai.

        Nhưng tất cả những người bạn trai đó đến nhà đều bị bố Giang hỏi cặn kẽ. Sau khi các chàng trai ra về, ông nói với con: "Xem ra cậu ta yêu cái nghề phục vụ ăn uống của mẹ con hơn yêu con". Có lần ông bảo: "Cậu ấy thích cái chức vụ Thứ trưởng của bố để xin cho cậu ta ở lại Hà Nội công tác. Còn cái cậu đến chơi với con tuần trước nó yêu con cuồng nhiệt chỉ vì sắc đẹp của con gái bố... Con nên nhớ rằng, tất cả các chàng trai đến với con mà không vứt bỏ cái đó đi thì sau này về sống với con sẽ không hạnh phúc đâu".

        Vốn là một cô gái trong gia đình cách mạng, có văn hóa, Giang ý thức ngay được điều bố nói. Cô cũng không ưa gì những con người thực dụng đó. Tình yêu trước hết phải chân thành, xuất phát từ trái tim, không vụ lợi. Giang ngồi nghe bố giảng đến lặng đi.

        Cũng thời gian đó, ông Tiền, bố Hoành, thường đến nhà ông Cương trao đổi công tác. Sau bữa cơm, chén trà, hai người ôn lại kỉ niệm những ngày nằm vùng ở Ninh Bình. Hồi đó hai ông là cán bộ nằm vùng ở ngay phía nam núi Cánh Diều.

        ... Một buổi tối, tên chỉ điểm dẫn một tốp lính Pháp từ thị xã ập đến làng. Hai ông rút vào một gia đình trong làng. Bọn Pháp truy lùng ráo riết và vây chặt ngôi nhà. Hai ông bàn với nhau quyết mở đường máu. Ông Tiền từ trong đống rơm xông ra lia một tràng tiểu liên. Ông Cương xỉa lưỡi lê vào tên chỉ điểm rồi hai người lách qua bờ rào chạy ra bờ sông bơi sang bên Nam Định. Khi vừa tới bờ bên kia, ông Cương bị trúng đạn địch. Ông Tiền cõng ông chạy xuôi theo dòng sông suốt đêm...

        Công việc bận rộn và năm tháng trôi đi nhưng hai ông không sao quên được kỷ niệm chiến trường đó. vốn là những người lính chuyển ngành, hai ông không bao giờ quên được những kỷ niệm của tình đồng đội, chia ngọt sẻ bùi, khó khăn gian khổ, sống chết có nhau... "Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống", hai ông đều muốn cho Giang và Hoành gần gũi nhau hơn, nên đã tạo điều kiện cho các con đi lại, lúc thì chuyển thư, lúc thì mượn tài liệu.

        Một lần Giang ra mở cửa tiễn khách về, Hoành nói:

        - Ngày mai rỗi, Giang đến nhà mình chơi.

        - Em có chút việc không đi được.

        - Mình có thể đến thăm Giang được không?

        - Thôi được, khả năng chủ nhật sau Giang sẽ đến.

        Sắc đẹp của Giang đã làm Hoành rạo rực đến khó tả. Bây giờ anh lại bàng hoàng trước câu nói mập mờ này. Gần một tuần phấp phỏng chờ đợi đến sáng chủ nhật, sáng hôm đó, anh thức dậy khá sớm, quét dọn lại nhà cửa, lau chùi lại chiếc tủ, kê lại bộ bàn ghế. Khoảng hơn 7 giờ mọi việc đã xong, anh thay quần áo lịch sự. Chiếc áo pôpơlin Trung Quốc trắng và chiếc quần simili Tiệp là thẳng tắp. Nhiều lúc anh định ngồi song sợ nó mất nếp là nên cứ đứng và đi lại trong phòng. Bắt đầu từ lúc đó trở đi, anh cứ nhìn chiếc đồng hồ treo tường, tai nghe tiếng động ngoài cửa. "Có lẽ một lúc nữa Giang sẽ đến - Hoành tự động viên mình như thế - Nhưng nếu Giang không đến cũng chẳng sao, vì có hẹn chính thức đến đâu."

        Nhưng bất ngờ, tối đó Giang xuất hiện trước cửa, Hoành vồn vã:

        - Sáng nay đợi cả buổi.

        Hoành ríu rít mời mọc. Chỉ sau khi ngồi vào bàn uống nước. Giang mới nói:

        - Đi ban ngày ngại lắm.

        Và chỉ đến lúc đó Hoành mới biết lý do tại sao Giang lỡ hẹn.

        Tối đó, Hoành chủ động lấy xe đạp tiễn Giang về. Nhưng anh không đưa Giang về nhà ngay mà đạp xe vòng khắp Hà Nội. Khi đi ngang qua công viên Thống Nhất, Hoành ướm thử xem Giang vào đó dạo chơi hay lên đường Thanh Niên ngồi ngắm hồ. Giang nhẹ nhàng từ chối. Thế là hai người đạp xe đến tận mười giờ đêm mới dừng xe lại ở đầu phố gần nhà Giang, chia tay. Đó là buổi đi chơi đầu tiên, một cảm giác tình yêu mơ hồ chờn vờn giữa đôi trẻ. Nó nhu là chìa khóa cho hai người đi vào lĩnh vực đặc biệt của tình cảm.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM