Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:14:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48190 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #200 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2021, 04:58:29 pm »

Trong tiếng Nga, vấn đề phức tạp nữa là trọng âm vì phát âm sai trọng âm là nghĩa khác hoàn toàn. Ví dụ, từ zámôk là lâu đài hay pháo đài, nhưng nếu đọc zamốk thì nghĩa lại là cái khóa hay ổ khóa ... và còn nhiều từ khác nữa nên phải luôn thận trọng vối cái trọng âm này. Có nhiều từ có rất nhiều chữ ghép vào với nhau, đọc đến méo cả mồm, ví như từ mang nghĩa lành nghề chẳng hạn thì phải đọc là vư xôcôkvaliphixirôvannưi. Vậy cũng đủ ốm. Thày giáo cô giáo liên tục bắt phải phát âm, phải đặt câu. Mà học thuộc những từ dài như thế kia thì bao giờ mới thuộc. Một anh bạn vớ ngay được một từ rất ngắn, rất dễ học thuộc, đấy là từ Kít- nghĩa là cá voi. Thế là anh ta tận dụng triệt để cái từ này trong việc đặt câu, cẳng hạn: hôm qua tôi trông thấy con Kít, hay tôi gặp con Kít, rồi đến cả Tôi ăn con Kít thì thày giáo bổ chửng lên và nói ngay: thôi, vấn đề con Kít đến đây có thể chấm dứt được, hãy chuyển sang từ khác đi. Vậy là từ bấy, chúng tôi gán ngay từ Kít sau tên anh để làm biệt hiệu.
Phong trào học tiếng Nga được đẩy lên rất cao và thế là có nhiều sáng kiến trong học tập nảy ra, nhất là chuyện "Việt hóa tiếng Nga". Chuyện này cũng là học theo cách của cha ông mình thôi. Ví như cái từ tiếng Anh: một, hai, ba... là One, two, three...thì được Việt hóa là Oẳn tù tì trong các trò chơi của trẻ con chẳng hạn. Còn về tiếng Nga thì từ cám ơn sẽ được Việt hóa là xin bà tí bơ (Xờ-pa-xí-bờ), hay từ làm ơn, xin mời với tiếng Nga là Po-gia-lui-xơ-ta thì Việt hóa thành bà già lui ra. Rồi cả từ kỹ thuật như từ Lôn-gie-rôn là khung sườn dọc của cánh thì biến ngay thành Lôn dưới rốn...Nhiều cái kinh khủng lắm...
Dầu sao, sau 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi đã cơ bản nắm được những vấn đề cần thiết và đã có nhiều anh thuộc hạng khá, giỏi trong lĩnh vực này và rồi bước ngay vào học lí thuyết bay trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29.
 Chuyện ăn uống ở đất nước Liên-xô này, chúng tôi chưa quen ngay được. Các bữa ăn hầu như rất ít có rau hoặc gần như không có nên rất xót ruột. Một ai đó phát hiện được những vạt rau sam các loại, thế là bí mật đi hái về dể luộc hoặc nấu canh ăn. Rau sam ở bên ấy ngọn to như chiếc đũa  và bò dài ngoẵng, non búng, chỉ trông thấy đã thèm, lúc luộc lên có vị chua chua, uống nước luộc thấy mát lòng mát ruột nên ai cũng khoái. Rồi lại còn những cây rau muối nữa. Cây rau muối cao đến ngang vai mình với những chiếc lá xanh mơn mởn, lấm tấm những hạt trắng như những hạt muối tinh do ai vô tình đánh rơi lên đó, cứ lấp lánh dưới ánh mặt trời và đung đưa theo gió, trông thật mát mắt và khêu gợi. Thứ đó hái về đem nấu với cá hộp thì chỉ có "nhất quả đất". Rồi cả những cây bông mã đề non búng không hiểu sao lại mọc tràn lan ở xứ này. Vậy là chúng tôi tận dụng triệt để các loại rau ấy, nhưng phải ăn vụng ăn trộm vì nhà trường cấm, không cho ăn những thứ đó. Họ sợ giun sán sẽ xâm nhập vào bụng dạ chúng tôi qua con đường "cải thiện" ấy. Mà chuyện giun sán thì các nước châu Âu này sợ lắm. Họ cấm cũng phải thôi, còn chúng tôi thì cứ giấu diếm tổ chức đánh chén cho đỡ thèm. "Cơm không rau như đau không thuốc" mà!.
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #201 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2021, 10:56:57 pm »

Chúc mừng các anh đoàn Mig21 K3 - Đoàn bay chủ công của KQNDVN trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đoàn bay với những PC tiêm kích lẫy lừng: Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa, Đinh Tôn, Phạm Phú Thái, Trần Việt... những người đã góp sức viết nên lịch sử oai hùng cho KQ ND VN. Các anh đã có buổi gặp mặt rất ấm cúng với sự chia vui của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại YP Hồ Chí Minh ngày 22-4-2021.
Hôm nay vẫn không tập hợp được đủ quân đoàn K3, hơi buồn anh Phi Công Tiêm Kích nhỉ.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tư, 2021, 07:18:17 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #202 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2021, 09:50:06 pm »

Cám ơn VietTrung51 đã đăng tin và ảnh cùng những lời chia sẻ tâm giao. Cũng từ lẩu lầ lâu rồi, đoàn bay MiG-21 khóa 3 chưa một lần tập họp tại phương Nam. Nó có nhiều lí do: bởi đại đa số phi công của đoàn bay MiG-21 khóa 3 đều ở Hà Nội, rồi chuyện đi lại  rất khó khăn (đường thì xa, vé thì không rẻ, tuổi tác lại cao v. v..) nên lần này, "Nam tiến" một chuyến là sự cố gắng rất lớn, đặc biệt với các anh như Lê Thanh Đạo, Nguyễn Phú Đức...vì các anh đều mang bệnh nặng trong người. Hôm ấy chỉ tập họp được có 10 người thôi, là các anh Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Trần Việt, Hà Quang Hưng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Phú Đức, Lương Thế Phúc, Nguyễn Văn Nghĩa, Vũ Như Ngữ và tôi. Các phu nhân thì có chị Trần Thị Diên Hồng (vợ anh Đinh Tôn, Đoàn trưởng), vợ anh Vũ Như Ngữ, vợ anh Nguyễn Văn Quang, vợ tôi cùng Trần Tuyết Lê (vợ anh Lê Toàn Thắng) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (vợ anh Nguyễn Tuấn Ngòi). Anh Đặng Xây ở miền Trung không vào được vì sức khỏe. anh Phạm Phú Thái đang nằm viện, anh Trần Ngọc Nhuận đang chờ mổ cắt khối u, anh Trần Thông Hào vì sức khỏe và anh Hoàng Quốc Dũng vì việc gia đình, anh Nguyễn Hồng Mỹ thì không liên lạc được...
Đoàn tổ chức được thế này là cả sự cố gắng lớn. Cùng đến chung vui với chúng tôi có Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các tướng lĩnh như Võ Văn Tuấn, Phương Minh Hòa, Trần Văn Thi, Hoàng Viết Quang ... cùng các lãnh đạo các Sư đoàn và các doanh nghiệp. Thật thân tình và cảm động. Có lẽ sẽ khó có cuộc thứ hai như thế vì tôi cảm thấy sức khỏe của nhiều thành phần đã "hom hem" lắm rồi. Dầu sao, đấy cũng là cuộc gặp mang tính lịch sử.
Một lần nữa cám ơn VietTrung đã đưa tin.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #203 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2021, 06:57:24 pm »

Kết thúc 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi bước vào học lý thuyết với các môn học mà môn nào môn ấy đều đầy rẫy những khó khăn. Vĩ dụ như học môn khí tượng chẳng hạn, thoạt đầu ai cũng nghĩ là đơn giản thôi, bởi khí tượng thì là mây là mưa là gió... nhưng thực ra không hẳn như vậy. Mây có hàng bao nhiêu loại mây: từ mây đống (mây Cu), mây giông (mây Cu công), rồi mây lông chim (mây Ci) v. v., nhiều vô kể. Mà rồi các loại mây ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuyến bay mới là vấn đề phải nghiên cứu. Trời mấy phần mây thì được bay và với loại mây nào thì các chuyến bay sẽ an toàn. Và rồi phải xác định cự li giữa các đám mây nguy hiểm (là các đám mây giông) để cho máy bay bay qua kẻo sét sẽ đánh vào máy bay gây mất an toàn. Hết mây rồi lại học đến mù. Nào mù khô, nào mù ướt... rồi ảnh hưởng của nó với chuyến bay ra làm sao, tầm nhìn trong mù giảm thế nào v.v.. Hết mù lại đến gió: nào gió ngược, gió xuôi, gió cạnh, gió đứt ...cũng đủ kiểu. Rồi với tốc độ gió là bao nhiêu thì sẽ được bay, tốc độ nào thì còn hạ cánh được.... Rồi đến mưa các loại...Nghĩa là tối tăm mặt mũi về cái môn khí tượng này, nhưng không thể không nắm cho thật chắc vì nó liên quan mật thiết đến độ an toàn của từng chuyến bay mà.. Ngoài ra còn phải biết đọc các đường đẳng áp trên bản đồ khí tượng vì thời ấy chưa có vệ tinh khí tượng nên phải lấy các tham số , các tư liệu về khí tượng qua các trạm khí tượng thủy văn đặt rải rác ở khắp nơi rồi tổng hợp lại nên cũng là cả một vấn đề.
Một môn tưởng chừng "nhẹ" thế thôi mà lại chẳng "nhẹ" tí nào. Còn các môn khác thì sao?. Môn lí thuyết bay chẳng hạn. Tại sao máy bay lại bay được. Định luật Becnuli là gì. Rồi lực nâng, lực cản ra làm sao. Công thức tính lực nâng, lực cản thế nào. Rồi khi thực hiện các động tác nhào lộn theo các phương thẳng đứng, mặt phẳng nghiêng, mặt phẳng ngang...thì các lực tác động lên máy bay ra làm sao. Rồi làm thế nào để thoát ra khỏi được "vòng chết Nhexchêrôp" và khi ở trên đỉnh thì lực tác động như thế nào, các vị trí khác nhau lực sẽ tác động ra làm sao... Nhiều. Nhiều lắm và rắc rối lắm nhưng phải thuộc lòng , kể cả đang đêm bị đánh thức dậy cũng phải nói cho lưu loát thì mới được.
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #204 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2021, 06:14:59 am »

Kết thúc 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi bước vào học lý thuyết với các môn học mà môn nào môn ấy đều đầy rẫy những khó khăn. Vĩ dụ như học môn khí tượng chẳng hạn, thoạt đầu ai cũng nghĩ là đơn giản thôi, bởi khí tượng thì là mây là mưa là gió... nhưng thực ra không hẳn như vậy. Mây có hàng bao nhiêu loại mây: từ mây đống (mây Cu), mây giông (mây Cu công), rồi mây lông chim (mây Ci) v. v., nhiều vô kể...

Anh lại viết tiếng Nga mất rồi!
Chắc là trong binh chủng vẫn dùng từ các anh sử dụng lúc học bên Liên Xô?
Tụi em cũng phải học cái môn này (Meteorology), nhưng hồi phổ thông em thích đọc sách tự nhiên nên cũng biết cái ngành này lại dùng tiếng tầu để đặt tên cho các loại mây: Mây ti (cirrus), mây tích (cumulus), mây tầng (stratus). Mây lông chim (mây Ci), là mấy sợi mây vẩy mỏng mỏng, chỉ khi trời trong mới nhìn được do các hạt băng nhỏ có độ cao lớn nhất trong các loại mây được họ gọi là mây ti. Mây giông được bổ sung thêm cái tên mây vũ tích (Cumulonimbus; các anh gọi là Cu công, chắc từ "công" của các anh là cái từ "vũ")!
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Sáu, 2021, 12:16:34 pm gửi bởi phaphai » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #205 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2021, 08:14:36 am »

Đúng vậy, PhaPhai ạ!. Có lẽ, cái thời bọn tôi học, những từ ngữ chừng như được "pha trộn" giữa tiếng Việt, Hán Nôm và tiếng Nga nên nhiều khi thấy như là "ngớ ngẩn", nhưng đã học thuộc lòng rồi thì cứ phát thoải mái và điều cơ bản nhất là mình hiểu bản chất của nó.
Trở lại việc học năm xưa. Khi học đến môn máy bay, động cơ, hệ thống nhiên liệu rồi vũ khí ...thì có vẻ đỡ hơn một chút vì không trừu tượng nữa mà  có các "giáo cụ trực quan" là cả phần máy bay, phần động cơ, phần các hệ thống cung cấp nhiên liệu... đều được "phẫu thuật", tất cả đều được bày rõ qua lớp cắt. Chính vì vậy, nó giúp cho việc học đơn giản hơn và trả lời cũng dễ dàng hơn khi mà tiếng tăm còn ú ớ.
Các thày cô giáo là những người giảng dạy rất nhiệt tình và là những chuyên gia tuyệt vời về mảng tâm lí học. Một số thày còn luôn pha trò trong ghiowf giảng giúp cho chúng tôi thoải mái hơn, nhận thức sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn. Có thày còn hát được tiếng Việt và một số thày còn biết cả chuyện tiếu lâm Việt nữa. Tình thày trò ngày càng gắn kết. Có thày, khi đến giờ kiểm tra, biết là phần này khó, nếu mà học trò không hé vở ra "cóp pi" thì chắc khó làm được bài. Vì vậy, thày bỏ ra hành lang nói chuyện rất to để học viên biết thày ở ngoài đó và trước khi vào lớp, thày đằng hắng mấy tiếng liền rồi mới mở cửa và đi vào bằng...lưng. Thế là xóa được những căng thănmgr trong giờ kiểm tra.
Các môn học xong, môn nào cũng phải thi, nhiều môn còn thi cấp quốc gia. Các môn thi hầu hết là trả lời miệng. Bàn giám khảo có 3 vị đặt trên lớp, 3 bàn học viên đặt phía giữa lớp. Cứ 3 học viên vào nhận đề thi một lần. Các đề thi đặt trong phong bì và thì sinh lấy phong bì bất kỳ, mở ra, đọc đề thi rồi về chỗ chuẩn bị chừng 20-30 phút và lên trả lời. Những phần nào cần viết thì đã có sẵn bảng và phấn. Nói chung là rất căng thẳng. Nội dung trả lời bằng tiếng Việt đã "ốm" rồi, đằng này lại bằng tiếng Nga-cái thứ tiếng cực kỳ rắc rối, phức tạp ngay từ việc phát âm thì quả là cả một vấn đề.
Thế nhưng, tất cả chúng tôi đã vượt được mọi kỳ thi với kết quả tốt đẹp. Một vài môn không phải thi, chỉ mang tính chất sát hạch (zatrốt) thôi nhưng cũng không thể đùa, ví như môn thể thao chẳng hạn là phải kéo bao nhiêu lần trên xà đơn, gập bụng bật bao nhiêu lần trên xà kép, nâng bao nhiêu lần tạ với bao nhiêu cân chẳng hạn thì thày mới ký cho dòng "za trốt" vào sổ chứ không đơn giản tí nào.
Qua khoảng thời gian chưa đầy nửa năm mà chúng tôi đã làm nổi những việc tưởng chừng khó làm nổi.
Rồi tiếp đến là một đợt kiểm tra sức khỏe tổng thể nữa. Một số anh không đủ sức khỏe cho bay, không có được sự chứng nhận của 3 chữ "ĐĐK" thế là lại bị cắt xuống học kỹ thuật. Lại chia tay nhau. Lại buồn!.
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #206 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2021, 08:03:04 pm »

Có cái clip này hình như trên Yên Bái, không biết có phải thời anh ở không?

https://youtu.be/ZvukckqgFmA
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #207 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2021, 06:31:20 pm »

Cám ơn PhaPhai đã sưu tầm được đoạn clip về máy bay MiG-21 tại sân bay Yên Bái. Mình ở đó trước một thời gian. Có lẽ, thời điểm này là sau 1983. Cụ thể thì mình chưa biết được. Nay thì các máy bay MiG-21 đã không hoạt động nữa, thay vào đó là các máy bay Su. Sân bay cũng đã mở rộng hơn và được trang bị lại cho phủ hợp để Su hoạt động. Vùng trời Hoàng Liên Sơn luôn có những dũng sĩ canh trời để bảo vệ sự bình yên cho bầu trời và mặt đất vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #208 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2021, 06:54:21 pm »

Vào khoảng trung tuần tháng 1 năm 1966, chúng tôi chuyển sang giai đoạn chuẩn bị mặt đất và sẽ phân chia tổ bay, phi đội bay.. sẽ biết được thày dạy bay của mình là ai. Hai đoàn học viên được biên chế thành 2 phi đội. Đoàn của anh Đinh Tôn thuộc phi đội 1, còn đoàn của anh Nguyễn Chính Hậu thuộc phi đội 2. Cũng trong giai đoạn cuối năm 1965, trường đã tổ chức khám tuyển trong số 300 học viên học kỹ thuật và đã chọn được 11 người để chuẩn bị chuyển sang học bay do Thiếu úy Lê Minh Dương phụ trách. Đoàn này gốm các anh Nguyễn Đức Hợp, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Thanh Quý, Trần Hồng Thái, Đoàn Đình Thanh, Trương Công Thành, Trần Cao Thăng (mà sau này chúng tôi hay gọi anh bằng cái tên nói lái là Thằng Cao Trân), Nguyễn Xuân Thư và Phạm Tuân. Đoàn các anh ấy sẽ bay trên loại máy bay cánh quạt Iak-18 trước rồi mới bay MiG-17. Trong số các anh ấy sau này cũng bị loại nhiều, không trở thành phi công được, như các anh Nguyễn Đức Hợp, Trần Hồng Thái, Nguyễn Xuân Thư...
Vậy là số lượng học viên bay đã tăng thêm.
Cái Tết xa nhà đầu tiên đã đến. Chúng tôi chuẩn bị khá đầy đủ và chu đáo. Tuy xa quê hương hàng vạn dặm, sống ở vùng ven biển Azôp này, chúng tôi vẫn tạo được những cành đào, cành mơ với những bông hoa giấy cùng những chiếc lá non xanh trông ra dáng lắm. Rồi còn làm được cả đèn kéo quân. Đặc biệt, có cả hương nhang với mùi đặc trưng của ngày Tết. Nhà trường cho chúng tôi nghỉ 3 ngày theo phong tục Tết cổ truyền của dân tộc. Chúng tôi tổ chức đón giao thừa (mặc dù ở bên nhà đã là 5 giờ sáng rồi) và chúc Tết nhau trong tâm trạng bồi hồi khó tả. Tất cả đều thấp thỏm nhớ nhà, nhớ quê...Đây là caí Tết đầu tiên xa nhà và chúng tôi đều còn là quá trẻ, chưa phải xa nhà như thế này bao giờ. Làm sao mà không rạo rực, không bồi hồi, không day dứt và ...khộng khóc được!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #209 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2021, 08:33:17 am »

Khung cảnh Tết ở quê nhà, khung cảnh quê hương làng xóm cứ hiện ra rõ mồn một. Nào bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...Nhà nào dù khó khăn đến mấy chăng nữa thì ba ngày Tết cũng phải sắm sanh cho ra hồn một chút. Mọi người đều phải diện những bộ cánh tươm tất nhất, lũ trẻ con thì súng sính trong những bộ quần áo mới, chân được đi dép hoặc đi guốc...Rồi những làn mưa bụi bay giăng giăng trong gió Xuân. Rồi những sắc hoa đào, hoa mơ, hoa mận...cùng muôn loài hoa khác nữa đều rực rỡ đua nhau nở làm cho không gia như bừng sáng và cả đất trời cũng ngất ngây. Rồi những tiếng pháo nổ ròn làm cho không khí ngày Xuân càng náo nhiệt. Ngày ấy, bố tôi vẫn dặn: dù nhà nghèo đến mấy thì Tết vẫn phải chuẩn bị mua lấy 3 bánh pháo để một bánh đốt lúc giao thừa (đêm trừ tịch) xua đi những gì không may mắn trong năm, một bánh đốt lúc sáng mồng một để mừng năm mới và một bánh đốt vào ngày mồng ba Tết để tiễn vong linh các cụ về âm giới, trở lại cuộc sống thường nhật. Vậy là hết 3 ngày Tết. Tết đến là những lời chúc đầu năm. Quê tôi vẫn có tục sau cơm trưa ngày mồng một Tết mới đi chúc Tết và câu đầu tiên khi chào hỏi nhau là: đầu Xuân năm mới, xin chúc ....với nhiều điều tốt đẹp. Lũ trẻ con thế nào cũng được mừng tuổi với vài xu vài hào bạc và như vậy là sung sướng lắm...Biết bao nhiêu là kỷ niệm cứ ùa về náo động cả tâm hồn. Những nỗi nhớ sao mà day dứt mà da diết mà bâng khuâng. Ở cái tuổi mười tám, đôi mươi...chưa hề được trải nghiệm, rèn luyện mà đã phải xa quê tít tắp mù khơi như thế thì vào những ngày Tết như thế này quả là một cái gì đó thật nặng nề. Hết ba ngày nghỉ Têt là chúng tôi bước vào giai đoạn chuẩn bị mặt đất.
Giai đoạn chuẩn bị mặt đất trước các chuyến bay là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Ở giai đoạn này, các học viên phải trực tiếp ra ngoài sân bay, tiếp xúc với máy bay, vào trong buồng lái, học các bảng đồng hồ, các trang thiết bị..., làm quen với cần laíu, tay ga (cửa dầu), bàn đạp, ghế dù...Phải tập sử dụng mọi thứ cho thật thuần thục. Thày dạy bay của tôi còn bịt mắt các trò của thày rồi bắt phải chỉ vị trí các đồng hồ , thậm chí các thông số cụ thể nữa, ví dụ độ cao ba cây số là kim chi ở đâu, tốc độ mấy trăm cây số/giờ là ở chỗ nào.... Rồi cũng từ vị trí ngồi trong buồng lái phải tập nhìn khi máy bay cất cánh và nhất là khi xuống hạ cánh thì xác định góc nhìn thế nào để kéo bằng...Lí thuyết thì thế thôi, nhưng khi vào thực tế thì khác nhau nhiều lắm và khó khăn nhiều lắm. Ví như xác định độ cao kéo bằng chẳng hạn. Về lí thuyết thì cả trăm phi công đều trả lời giống nhau, nhưng thực tế thì khác nhau cả trăm, chăng ai làm giống ai cả bởi mắt từng người xác định góc khác nhau dẫn đến độ cao và cách kéo bằng khác nhau. Thiên hình vạn trạng là thế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM