Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:00:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48223 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #190 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2021, 09:02:46 pm »

Giangtvx ơi! Bùi Toàn Nhậu thì ở ngay gần Giangtvx: ở cái khu "chặt đầu lột da" ấy!!!.

 Tháng 6 năm 1965 đã có những đoàn tách ra đi trước. Thường những đoàn đi trước là học ở bên Liên-xô. Những đoàn đi sau sẽ học bên Trung Quốc. Tuy ở các nước khác nhau nhưng đều có mục đích chung là đào tạo để trở thành các phi công tiêm kích chiến đấu.
 Những ngày chờ đọc danh sách cho các đoàn đi trước hay đi sau là những ngày náo động nhất. Ai cũng thầm mong ngóng mình có tên trong đoàn đi trước. Anh nào được điểm danh là phấn khởi, hồ hởi ra mặt. Anh nào chưa được điểm danh thì hồi hộp, lo lắng không biết rồi mình có được đi hay không. Rồi sẽ được đi Liên-xô hay Trung Quốc...Cứ tự hỏi, tự so sánh và tự sống trong tâm trạng bồn chồn...
 Giây phút chia tay với các đoàn cũng là những giây phút cảm động. Từ những người không hề quen biết trước kia, bỗng dưng về sống cùng nhau, cùng ghép vào một khuôn khổ, một nề nếp...chặt chẽ tưởng chừng như khô cứng ấy mới có dăm sáu chục ngày thôi mà sao đã thấy thân quen nhau từ lâu lắm rồi. Cái sự gắn bó ấy càng về sau này sẽ càng mật thiết hơn nữa. Đấy không còn là tình cảm đơn thuần. Nó sẽ là sự gắn bó giữa cái sống và cái chêt, sự gắn bó của những con người nhỏ bé, đơn độc giữa khoảng không bao la, không có chỗ nương tựa, không có nơi ẩn nấp... chỉ biết có xông lên phía trước, đối mặt với hiểm nguy, lao vào cái chết để tìm ra sự sống, trở thành người chiến thắng. Sự gắn bó ấy có khi còn hơn cả anh em ruột thịt, cùng chia lửa cho nhau, hy sinh cho nhau mà không hề đòi hỏi, so đo, tính toán, cân nhắc...Tuy mới chỉ là những chàng tân binh, mới sống cuộc đời quân ngũ mấy tháng trời thôi nhưng chừng như cái linh cảm nghề nghiệp đã khiến họ xáp lại gần nhau, gắn bó với nhau với sự gắn kết thật lạ lùng.
 Cuộc chia tay của các đoàn với  người đi người ở...ai nấy đều rưng rưng. "Hẹn gặp nhau nay mai trên những làn sóng đối không nhé!. Tạm chia tay nhé!. Tạm xa nhé!. Mạnh khỏe nhé!. May mắn nhé!"...
 Những lời chào cứ tíu tít, rối rít...Và từng đoàn, từng đoàn như những đàn chim lần lượt bay rời xa để hẹn một ngày trở lại...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #191 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2021, 10:08:49 am »

 Đoàn của chúng tôi được thành lập vào chiều ngày 24-7-1965 gồm có 60 người biên chế theo 4 tiểu đội. Ban chỉ huy đoàn có 3 người: Đoàn trưởng là anh Đinh Tôn, Trung úy, phi công lái máy bay vận tải Li-2. Đoàn phó là anh Đào Minh Châu, Chuẩn úy, phi công lái máy bay vận tải An-2 và anh Nguyễn Hoàng Trung, Chuẩn úy từng sang học bên Liên-xô năm 1963.
 Các tiểu đội trưởng là Thiếu úy Nguyễn Văn Khánh, Thiếu úy Hà Quang Hưng, Thiếu úy Phạm Ngọc Trường và Chuẩn úy Ngô Sơn.
 Tiểu đội của anh Nguyễn Văn Khánh có: Nguyễn Ngọc Chân, Vũ Xuân Cương, Từ Đễ, Nguyễn Văn Giá, Vũ Hiệu, Nguyễn Công Huy, Lê Khương, Lê Đình Lòng, Đỗ Văn Nhơn, Nguyễn Bá Phú, Tạ Ngọc Thản, Hoàng Thế Thắng, Lương Vĩnh Thịnh.
 Tiểu đội của anh Hà Quang Hưng có: Bùi Văn Cơ, Nguyễn Văn Bảy (B), Mai Văn Chấn, Nguyễn Đwcs Duệ, Lê Thanh Hải, Nguyễn Học Hải, Trần Đình Minh, Nguyễn Hồng Mỹ, Vũ Như Ngữ, Trần Sang, Nguyễn Đwcs Soát, Lê Toàn Thắng, Nguyễn Văn Xê.
 Tiểu đội của anh Phạm Ngọc Trường có: Phạm Quang Trung, Đỗ Anh Dũng, Lê Nguyên Dũng, Nguyễn Đwcs Lâm, Huỳnh Minh, Nguyễn Văn Minh, Phạm Thành Nam, Nguyễn Văn Quang, Võ Xuân Quang, Hán Văn Quảng, Ngô Duy Thư, Đào Công Trị.
 Tiểu đội của anh Ngô Sơn có: Trần Đình Chủng, Đỗ Hạng, Hoàng Văn Lượng, Vũ Hữu Lý, Nguyễn Văn Nghĩa, Mai Thế Ngọc, Hoàng Văn Phú, Đoàn Hồng Quân, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Sinh, Phạm Phú Thái, Nguyễn Mạnh Trừng, Phạm Văn Va, Trần Việt.
 Sau khi ăn cơm chiều, cả đoàn hành quân bộ ra ga Hải Phòng, đi tàu đêm về Hà Nội. Gần sáng hôm sau, chúng tôi đến ga Hàng Cỏ rồi lại hành quân bộ về Trạm 66 của Bộ Quốc phòng.
 Trong vòng 2 ngày, twf 25 đến 27-7, đoàn của chúng tôi làm các thủ tục chuẩn bị đi du học, như nghe Cục trưởng Cục cán bộ Tổng cục chính trị, Đại tá Trần Hoài Ân và Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, Đại tá Nguyễn Xuân Mậu động viên, giao nhiệm vụ rồi nghe phổ biến các quy định trong thời gian học ở nước bạn các chế độ chính sách quân nhân và nhận quân tư trang.
 Trước khi dược động viên, giao nhiệm vụ thì có cuộc làm quen giữa các thủ trưởng với từng học viên của Đoàn. Ấy là thủ trưởng gọi tên từng người rồi hỏi: "Cháu con ai?". Đoàn này có nhiều con "ông cốp" lắm nên các anh ấy trả lời kiểu rất tự hào, như: "Cháu là con ông Nguyễn Duy Trinh ạ!", "Cháu là con ông Hoàng Quốc Việt ạ!" v,v. Mỗi lần nghe như vậy, các thủ trưởng lại cười rạng rỡ. Đến lượt hỏi anh Lương Thế Phúc thì anh ấy điềm nhiên trả lời: "Cháu con bố cháu ạ!". Tất cả cười ầm lên và từ bấy không thấy các thủ trưởng "điểm danh" thêm nữa.
 Trước khi đi, đoàn tôi có 5 anh được thăng quân hàm. Đó là các anh: Đinh Tôn lên Thượng úy và 4 anh Đào Minh Châu, Nguyễn Hoàng Trung, Ngô Sơn, Bùi Văn Cơ lên Thiếu úy.
 Anh Nguyễn Văn Biểu (người quê Đan Phượng) vào thời điểm này đã được gọi lên gặp Tổ chức và bị hủy chuyến đi, phải ở lại. Rất nhiều năm sau này, khi có dịp liên lạc được với anh Biểu mới rõ nguyên nhân là thời đó, anh có bà cô đang ở bên Pháp. Vậy là anh đã không có được 3 chữ "ĐĐK" quyết định tối hậu!
 Và các chàng tân binh bọn tôi, những người chưa hề biết đến đường biên giới bao giò, đã chuẩn bị hành trang cho cuộc đi xa hàng ngàn cây số, đến những nơi xa lạ, không hề đoán được phía trước mình rồi sẽ có những khó khăn, thuận lợi gì và bước ngoặt cuộc đời sẽ ra sao. Chỉ biết rằng, tất cả đều sống trong tâm trạng háo hức với những ước mơ tưởng chừng như rất cụ thể mà lại rất xa vời và mơ hồ...
 
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #192 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2021, 09:04:36 pm »

Quân tư trang của từng người khi đó là một bộ com-lê, cà-vạt, một bộ quần áo dạ (chiếc áo may theo kiểu vẫn được gọi là kiểu Tôn Trung Sơn), một chiếc mũ kê-pi, một đôi giày đen, rồi áo khoác, áo sơ mi... Mũ kê-pi thời ấy không đẹp như bây giờ, nó nông, đỉnh mũ thì bằng trông như kiểu mũ "bình thân" của các vị quan lại ngày xưa và vành thì cứng, đội một lúc là đầu rất đau tựa như bị đeo vòng kim cô của Tôn Ngộ Không. Mọi thứ ấy đều được cho vào trong chiếc va-li.
 Tất cả những vật dụng ấy hầu như đã qua sử dụng cả, chỉ có giày và áo sơ-mi là mới. Về cơ bản, trang bị hoàn toàn theo kiểu dân sự giống như đoàn lưu học sinh đi học nước ngoài chứ không phải đoàn học viên đi học bay.
 Khoảng 4h chiều ngày 27-7-1965, cả đoàn được ô tô chở ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), giành thời gian chừng một tiếng đồng hồ để gặp gỡ, tạm biệt, chia tay với người thân.
 Ga Hàng Cỏ vào thời ấy không sôi động như bây giờ. Tên của nó gắn liền với nguồn gốc từ tên phố, nơi có khu đất hoang dùng làm nôi bán cỏ nuôi ngựa. Ga Hàng Cỏ là nhà ga được khởi công xây dựng từ năm 1899 và khánh thành vào năm 1902, được đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên. Vị trí của nó nằm ở khu vực cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) và đường Mandarine (nay là đường Lê Duẩn), trong đó có một phần trường đua ngựa mới thành lập (hiện nay là Cung văn hóa Hữu Nghị) và thôn Tứ Mỹ. Trước đây, nó có tên là "Ga trung tâm Hà Nội" nhưng vì cái tên quá dài và thói quen gọi tên theo địa danh nên dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ,.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #193 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2021, 09:44:28 am »

Ga Hàng Cỏ là nơi chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử Hà Nội qua những cuộc chiến tranh, qua những thời kỳ...
Đến năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ với chiến dịch Linebacker-2, ga Hàng Cỏ đã bị bom Mỹ đánh trúng, làm sập sảnh chính. Sau năm 1975, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và xây dựng lại nhà đại sảnh theo kiến trúc mới, không ăn nhập gì với phần còn lại, được hoàn thành vào năm 1976, thông tuyến đường sắt thống nhất nối liền hai miền Nam Bắc sau 30 năm bị chia cắt.
Trở lại đoàn đi của chúng tôi vào năm 1965 ấy. Những ai có người nhà, người thân bạn hữu đến gặp gỡ trước lúc chia tay thì sau khoảng thời gian chừng một tiếng đồng hồ là chấm dứt. Có lệnh lên tàu lúc 6h chiều và chỉ sau ít phút là tàu chuyển bánh. Thế là diễn ra cái cảnh "những bàn tay vẫy những bàn tay. Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt..." như nhà thơ Nguyễn Bính đã viết trong "Những chuyến tàu trên sân ga". Thế là nhà ga xa dần, thành phố xa dần... nhưng cái cảm giác lưu luyến, nhớ thương chưa kịp trỗi dậy mãnh liệt như khi ra khỏi biên giới của Tổ quốc, nó chỉ là một phần nhỏ trong cái biển nhớ mênh mông về sau này mà thôi.
 Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi chuyển sang tàu liên vận của Trung Quốc, qua cửa "Hữu nghị quan" thì bấy giờ mới chính thức thấy mình đã rời xa quê hương đất nước, xa rời những ngôi nhà nhỏ bé từng gắn bó với mình qua bao năm tháng của tuổi thơ và xa rời những người thân yêu, ruột thịt của mình thật. Bấy giờ mới là lúc bùng lên nỗi nhớ. Nhớ đến cồn cào. Nhớ đến cháy ruột cháy gan... Con tàu liên vận cứ lặng lẽ, mải miết chạy theo con đường dài hun hút. Càng đi càng thấy xa lạ bao nhiêu thì càng thấy nhớ nhà nhớ quê bấy nhiêu.
 Con tàu liên vận chở chúng tôi đi hồi ấy theo tuyến đường sắt Bằng Tường - Bắc Kinh -. Đến Bắc Kinh, chúng tôi được nghỉ một ngày ở khách sạn Bắc Vĩ. Ở đây, cái gì cũng thấy lạ lẫm, từ phố xá, nhà cửa đều thấy to tát hơn nhà mình. Họ nói chuyện với nhau mà như cãi nhau.
Trong khách sạn và ở cửa hàng Bách hóa Đại lầu có nhiều người biết tiếng Việt nên phần nào giao tiếp cũng thấy dễ dàng hơn. Chỉ có điều, người Trung Quốc không phát âm được từ "Đ" của mình. "Đồng chí" thì họ nói là "Tồng chí".
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #194 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2021, 09:19:53 pm »

 Sau khi nghỉ ngơi 1 ngày, chúng tôi lên tàu tiếp tục cuộc hành trình Bắc Kinh - Mãn Châu Lý rồi chuyển sang tàu của Liên-xô chạy theo tuyến Mãn Châu Lý - xuyên Xi-bê-ri đến Mátxcơva.
 Những ngày trên đất Trung Quốc thì sự xa lạ không nhiều vì phong tục, đồ ăn thức uống na ná như bên mình, nhưng khi sang đất Liên-xô thì khác hắn.
 Chiều rộng của tuyến đường sắt của 3 nước khác nhau. Đường sắt của ta thì hẹp hơn, đường sắt của Trung Quốc thì rộng hơn, đường sắt của Liên-xô lại rộng hơn nữa. Vì thế tốc độ của con tàu cũng khác nhau. Đường sắt rộng hơn thì tàu sẽ chạy nhanh hơn. Tàu chạy liên tục mười hai, mười ba ngày liền thì đủ biết chặng đường dài đến mức nào. Và suốt những ngày đêm ấy, đoàn của chúng tôi chẳng mấy khi được xuống, cứ "cư trú" triền miên trên tàu thôi. Lâu lâu, đên ga nào tàu dừng để lấy nước, tiếp nhiên liệu... thì chúng tôi tranh thủ ào xuống sân ga để vặn vẹo người cho đỡ mỏi và ngắm nghía cảnh vật xung quanh mấy phút rồi lại lên tàu, tiếp tục cuộc hành trình, tiếp tục lắc lư theo nhịp bánh sắt nghiến trên đường ray với giai điệu đều đều, buồn tẻ...
 Những ngày trên tàu là những ngày chúng tôi tranh thủ gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên, kết thân với nhau và rồi lại ngồi ngắm cảnh vật trôi qua các khung cửa sổ của con tàu.
 Qua mỗi vùng miền lại thấy những sự khác biệt. Càng đi càng thấy đất nước của bạn quả là rộng lớn, rồi cung cách sản xuất cũng khác, con người cũng khác ... Nói chung, tất cả đều xa lạ đối với chúng tôi. Ngay như cảnh bình minh hay hoàng hôn cũng không thấy giống ở bên mình. Bầu trời như rộng hơn, xanh đậm hơn. Thiên nhiên như chàng họa sĩ phóng khoáng, hào hoa, vung bút cọ phất lên những mảng mầu sặc sỡ đến hoang dại...làm cho ánh hoàng hôn lắm khi lầm lẫn với ánh bình minh, tạo cho những người chiêm ngưỡng nó luôn bị bất ngờ...
 Nhưng ấn tượng nhất phải là khi tàu xuyên Xi-bê-ri, gặp hồ Bai-can.
 Khi học ở trường phổ thông, qua những tiết học của môn Địa Lí đã được thầy giảng nhiều về hồ Bai-can, nhưng đã bao giờ "mục sở thị" cái hồ Bai-can bao giờ đâu mà biết cụ thể nó là thế nào. Cứ càng cố hình dung thì lại càng thấy mờ mịt. Đến khi chuyến tàu chúng tôi xuyên Xi-bê-ri, chạm đến mỏm hồ phía Nam của Bai-can mới thấy được sự hoành tráng của nó. Mặt hồ giống như chiếc gương khổng lồ soi bóng những núi đá hùng vĩ với trùng trùng lớp lớp những hàng thông, những hàng bạch dương thẳng tắp, cao vút tận lưng trời. Những đám mây nhàn tản, lững lờ trên trời xanh như những đàn cừu trắng ngơ ngác giữa thảo nguyên, in xuống mặt hồ tựa như những tản băng tan. Xa xa, vài vệt mây mỏng manh giăng ngang trời giống như những vệt cọ của một danh họa đang phết ngang khung vẽ...
Trên mặt nước, những đàn hải âu dập dờn như những đám bụi phấn đang lay động và những đoàn thuyền trông chẳng khác gì những chiếc vỏ lạc bồng bềnh trên sóng. Làn nước màu xanh ngọc bích trong vắt tới mức có thể nhìn được những viên đá, viên sỏi nằm ở độ sâu hàng chục mét...
Bấy giờ đã là đầu mùa Thu. Ven bờ hồ là bạt ngàn hoa. Những thảm hoa đủ các màu sặc sỡ uốn lượn theo làn gió, bồng bềnh như những đợt sóng hoa, uốn lượn mềm mại như tấm vải hoa khổng lồ dưới những vạt rừng bạch dương. Nhiều nhất là loài hoa cúc, như loài hoa cúc họa mi ở bên ta cùng với các loài hoa bướm với những chiếc cánh mỏng manh. Tất cả cảnh vật ở đây đập vào mắt ta giống hệt như ta đang ngắm nhìn qua ống kính vạn hoa vậy...
Con tàu liên vận chạy với tốc độ cả trăm cây số/giờ mà chạy mãi vẫn không  hết cái eo phía Nam của hồ.
 Bai-can đúng là "hòn ngọc của Xi-bê-ri" và không phải vô cớ mà năm 1996, UNESCO đã công nhận Bai-can là di sản thiên nhiên thế giới.
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #195 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2021, 11:38:54 pm »

Xin xen ngang vào dòng hồi tưởng của bác Phicôngtiêmkích một tí.
Các bác có ai biết về trường hợp này không:

Hà Huy Hào
TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH
1 giờ  ·
CÂU CHUYÊN SƯU TẦM THẬT CẢM ĐỘNG VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
CHUYỆN XƯA GIỜ MỚI KỂ
(Chuyện có thật 100'/.)
-
Đoàn khám tuyển phi công ở Hà Nam Ninh (cũ) tháng 12/1977 đã chọn trong hàng trăm chàng trai được 1 thanh niên đủ mọi điều kiện về thể lực nhưng bị loại vì lý lịch : mẹ là công nhân nhà máy dệt yêu một người lính trên đường đi B rồi sinh con ra thì mất liên lạc, bị xã hội ghẻ lạnh với 2 từ " chửa hoang " . Người mẹ xấu hổ bỏ việc đưa đứa trẻ về quê cắn răng nuôi con trong tủi nhục và vô vọng.
Tiếc cho một phi công tương lai, thương cho số phận oan trái của người nữ công nhân nên Hội đồng tuyển quân thỉnh cầu cấp trên chiếu cố, trên điện vẻn vẹn trả lời " Máy bay MIC của Liên Xô viện trợ có giá hàng trăm ngàn rúp . Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu phi công có lý lịch xấu sẽ bỏ trốn cùng máy bay, chưa kể hậu quả khác " ?
Trong Đoàn khám tuyển có viên thượng uý quân lực rất có trách nhiệm và nhân hậu - anh không thể nào ăn ngon, ngủ yên vì không quên được ánh mắt đau xót, cầu khẩn của Người mẹ bất hạnh ấy mà cả cuộc tình duyên chỉ kịp trao và nhận với người lính ra chiến trường: chiếc khăn tay đổi lại con châu chấu làm từ phim chụp ảnh nhuộm mầu cùng giọt máu của anh !
Viên thượng uý bán chiếc xe đạp Thống Nhất , vay thêm bạn bè ,  nghỉ 2 kỳ phép năm liền để lên đường vào Nam  lần theo phiên hiệu mờ nhạt của đơn vị người lính ấy với " kỷ vật tình yêu : con châu  chấu nhựa ". Biết bao gian nan khổ ải khi cuộc chiến đã đi qua , đau thương thì để lại , qua bao cơ quan tỉnh đội, các cựu chiến binh , thậm chí cả các nghĩa trang liệt sỹ khi có người trùng tên, trùng quê quán v.v..
Như đền đáp tâm hồn cao thượng, tình đồng đội ấy - sau gần 1 tháng viên thượng uý lại lên xe lửa ngược ra Bắc. Và một chiều mùa đông rét mướt, mưa dầm dề lầy lội nơi nông trường Mộc Châu, anh đã gặp được ...người lính năm xưa: nguyên thượng   tá, trung đoàn trưởng - đương nhiên là đảng viên và các loại huân chương , nay là giám đốc nông trường . Hai người lính ôm nhau khóc: "Sau giải phóng tôi đã về nhà máy dệt ấy không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi người nói một khác và không sao tìm được cô ấy , tôi đau đớn lắm ! Nhiều năm sau tôi mới lấy vợ người dân tộc ở đây và được hai cháu gái . Nay trời có mắt tôi có con trai nối dõi rồi.!".
Không hạnh phúc nào mà không có hy sinh : 1 chú bò , 2 lợn , vô số gà vịt được làm thịt để chiêu đãi cán bộ , công nhân nông trường và bà con mừng cho giám đốc  . Bán thêm 1 bò nữa để lận lưng về xuôi cùng viên thượng uý , mà người vợ người dân tộc tiễn họ qua hết hai quả đồi chè - để người cha ấy về xuôi “ trả lại truyền thống cách mạng " trong lý lịch của con trai , trả lại tình thương cho người mẹ khắc khoải tháng năm !
Khỏi phải nói mọi cảm xúc dâng trào , nước mắt của mọi người trong ngày hội ngộ “ trả lại tên cho em “
...
Chàng trai ấy giờ nay đã mang quân hàm đại uý lái máy bay chiến đấu, anh cũng có thêm người cha đỡ đầu - viên thượng uý quân lực xưa nay cũng đã là thượng tá nghỉ hưu rồi - sống thanh bạch trong một khu tập thể như bao “ Người lính Cụ Hồ “ khác .
---
theo ANTG.

 
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #196 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2021, 08:40:10 pm »

Thật vô cùng cảm động khi đọc những dòng này. Tôi đã để mặc nước mắt của tôi chảy tràn mà không hề muốn lau. Đất nước ta đã phải nếm trải qua biết bao khổ đau và những con dân đất Việt cũng đã phải hứng chịu bao nhiêu khổ ải, nếm chịu bao nhiêu là cay đắng. Rồi đây, không biết sẽ còn có những nghịch cảnh như những ngày xưa hay không. Dầu sao, câu chuyện kết thúc đã có hậu khiến cho đỡ mềm lòng. Cầu chúc cho không bao giờ còn những cảnh ngộ tương tự như vậy diễn ra nữa!.

 Trở lại với chuyến đi của chúng tôi.
 Càng đi càng thấy thế giới thật rộng lớn với những phong tục tập quán, ngôn ngữ và vóc dáng con người càng khác nhau.
 Đại loại, khi ở đất nước Trung Quốc, thành phố, đường xá, đồng ruộng...đã thấy khác mình, nhưng dầu sao cũng còn có những nét na ná, giông giống. Ví như cùng ăn cơm bằng đũa, các thức ăn cũng gần giống nhau, chỉ khác là ở chỗ món xào nào cũng nhiều dầu, không ăn mắm, chỉ sử dụng xì-dầu. Các món thức ăn cứ đưa ra từ từ, món ngon thì đưa ra sau và khi có bát canh là kết thúc thức ă chẳng hạn...
 Sang đến đất nước Liên-xô thì lại khác đến mức như ngược lại hoàn toàn. Vóc dáng người dân thì cao to, xải những bước chân rất dài, ăn mặc thì sang trọng, com-lê, cà-vạt ngay ở những ngày thường. Ngôn ngữ thì đa âm. Khoản ăn uống thì chia ra nào món khai vị, món thứ nhất, món thứ hai và món tráng miệng. Ăn bánh mì là chủ yếu và có 2 loại bánh mì đen và trắng. Đồ dùng trong bữa ăn thì dao, thìa, dĩa. Những thứ ta dùng để đậy nấp cho nóng thì ở đây lại đem lót xuống dưới cho đỡ bỏng tay. Đồ uống thì có trà đen uống với đường. Đường là những thỏi dài và to như hai đốt ngón tay. Ngay chuyện phết bơ lên bánh mì cũng học mãi mới thuần thục được...Nhiều vấn đề xa lạ, lạ lẫm lắm...
 Cái khó nhất chính là ngôn ngữ. Mấy năm học cấp 3, tôi học Nga văn nên cũng võ vẽ chút ít nhưng chả thấm tháp gì vì dạy Nga văn vẫn là thày người Việt, bí quá thì "tương" tiếng Việt ra là "hòa cả làng". Sang đây thì không thế được. Khi tôi gặp người phục vụ toa đến, tôi cố vận dụng hết khả năng tiếng Nga mấy năm học ra để giao tiếp. Thoạt đầu chỉ là những câu rất đơn giản: "Đaiche mờnhe trai!" - tức là cho tôi một cốc trà. Và ngay lập tức, người nhân viên kia liến thoảng một tràng dài, tôi ù hết cả tai và cứ phang đại một câu là : "Đa!" nghĩa là "Vâng!". Một hồi sau, nhân viên ấy đem đên cho tôi một tách trà đen với 2 thỏi đường trắng.. Tôi thầm đoán là anh ta hỏi tôi uống loại trà nào, đen ư và với hai viên đường nhá. Tôi "Ừ" và thế là việc đã xảy ra như vậy... Sơ sơ tí thế thôi mà đã thấy khó rồi. Vậy nay mai học bay sẽ thế nào đây, nhất là khi ở trên trời, thày dạy lại là người Nga 100% nữa. Không phải chuyện chơi đâu!...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #197 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2021, 02:59:20 pm »

Tàu đi theo đúng lịch trình. Khi chúng tôi đến Matxcơva được Đại sứ quán của ta cử người ra đón tiếp rất chu đáo. Chúng tôi được nghỉ ngơi, tham quan ở đó chừng mấy tiếng đồng hồ trước khi lên tàu về Krasnôđar. Trước khi đi, các thủ trưởng đã quán triệt lên quán triệt xuống là phải giữ gìn bí mật, không được tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người Việt Nam, không được nói đoàn mình là đoàn gì, đi đâu, học cái gì v. v. nên khi sang đất bạn, gặp người mình mà cứ phải lảng tránh. Ngay chuyện gửi thư từ về nhà cũng phải để Đoàn trưởng kiểm tra xem có viết gì lộ bí mật không rồi mới đóng gói, chuyển về nước. Về đến nước mình bầy giờ mới có bộ phận chuyên dán tem và chuyển gửi theo đường bưu điện đi các nơi. Cứ vài tháng lại thay đổi địa chỉ hòm thư một lần. Cái địa chỉ hòm thư đầu tiên là "2653 HV" thì tôi nhớ đến tận bây giờ nhưng các địa chỉ sau thì chịu vì nhiều quá. Thay đổi địa chỉ như vậy cốt để mọi người nghĩ rằng đơn vị chúng tôi vẫn ở Việt Nam và đang di chuyển trên hành trình theo nhiệm vụ ở trong nước mà thôi. Thư từ ở nhà gửi sang thì cứ theo địa chỉ ấy, tập trung cả ở một nơi rồi lại được đóng gói chuyển sang theo con đường riêng. Nhiêu khê vô cùng nhưng đấy là việc làm cần thiết cho sự bí mật lực lượng. Chắc phải mất vài tháng thì thư mới đến nơi người nhận và những ngày thư đến là những ngày chúng tôi vui nhất, hồi hộp nhất. Chính trị viên thì quan sát nét mặt từng người để xem sau khi đọc thư có gì buồn vui còn kịp động viên tư tưởng.
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình trên tàu hỏa về Trường không quân Krasnôđar. Gần sáng ngày 8 tháng 8 thì chúng tôi được xe ô tô của trường ra ga tàu đón tới trường ăn sáng, nghỉ ngơi rồi hai chiếc máy bay vận tải IL-14 chỏ đoàn chúng tôi về sân bay Akhtari. Nơi ấy sẽ là nơi chúng tôi sẽ sống, sẽ học tập và là nơi đầu tiên bước vào khoảng không bao la với những ước mơ chinh phục bầu trời. Nơi ấy cũng sẽ là nơi gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn của cả một thời trai trẻ xa quê hương đất nước. Nơi ấy cũng sẽ là nơi chúng tôi hiểu được những tình cảm chân thật, những sự sẻ chia thấm đậm tình người, những tấm lòng nhân hậu của những người thày, người mẹ, người chị, người bạn Nga. Nơi ấy cũng sẽ là nơi mà chúng tôi phải chịu ơn và phải đền ơn bằng chính những chiến công của mình sau này...
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #198 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2021, 07:08:40 am »

Sao anh Huy chưa viết tiếp?
Tụi em cũng được đi tầu liên vận. Đi qua Mãn Châu Lý.
Buổi tối đi qua cầu Long Biên, mấy đứa con trai phản đối ầm ầm khi không thấy mấy đứa con gái nhỏ lệ.
Vì theo phong tục người Việt, con dâu khi về nhà chồng phả khóc để tỏ ý nhớ nhà.
Lên đến Đồng Đăng vào lúc tờ mờ sáng. Chờ tầu nhập cảnh, tụi em chạy xuống đánh răng, rửa mặt ở mấy cái vòi nước ven đường ray!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #199 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2021, 08:26:19 am »

PhaPhai ơi! Thế thì có nhiều cái khá giống nhau trên những nẻo đường rồi đấy!. Mình viết tiếp nhé!

Khi đến sân bay Akhtari thì trước đó đã có 2 đoàn học viên Việt Nam rồi: một đoàn 40 người do anh Nguyễn Chính Hậu làm trưởng đoàn, còn đoàn kia có 20 người đang học lí thuyết bay do anh Phạm Đình Tuân làm trưởng đoàn. Đoàn của anh Hậu sẽ cùng bay L-29 với chúng tôi. Đoàn của anh Tuân sẽ bay theo kiểu "hàn lâm", tức là bay trên loại máy bay cánh quạt IAK-18 trước rồi đến MiG-17, sau đó mới là MiG-21.
Chúng tôi ổn định chỗ ở xong thì được nhận quân trang, sách vở và đồ dùng học tập rồi nghe phổ biến quy chế ở trường. Có lẽ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi gặp phải trong giai đoạn này là vấn đề ngoại ngữ. Chúng tôi bắt đầu bước vào học tiếng Nga ở cơ sở học bay với tên gọi tắt là ULÔ do ông Thiếu tá tên là Phomin phụ trách. Ông là người rất có trách nhiệm, tâm lí, hóm hỉnh, tế nhị và rất nhanh nhẹn. Ông nói sõi từ "hai bốn" nên chúng tôi đặt cho ông cái tên là "Thiếu tá Hai bốn!". Thế nào mà ông lại biết được cái biệt hiệu ấy, khi gặp chúng tôi, ông lấy tay vỗ vỗ vào ngực mình và nói: "Thiếu tá Hai Bốn đây!". Đoàn chúng tôi được chia thành 8 lớp do các thày cô người Nga trực tiếp giảng dạy. Trong đoàn tôi, trừ một vài anh đã học Đại học ngoại ngữ khoa  tiếng Nga thì còn nhàn hạ, tiếp đến là bọn tôi được học mấy năm phổ thông biết võ vẽ chút tiếng Nga thì đỡ hơn một chút nhưng cũng rất chật vật, còn lại những ai chưa hề dính líu đến cái thứ tiếng đa âm đa nghĩa này thì đúng là phải đánh vật với từng từ một cho đến toát mồ hôi ra mới thôi.  Cách phát âm đã khó mà lại còn đủ loại cách nữa: nào nguyên cách nào sinh cách, nào đối cách nào dữ cách rồi tạo cách, giới cách rồi lại đến cách chia động từ theo số ít, số nhiều, theo hiện tại theo quá khứ theo thì tương lai rồi lại hoàn thành thể, chưa hoàn thành thể. Tất cả cứ rối loạn hết cả lên. Đúng là "mưa sa bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga" thật. Ngôi với cách phức tạp quá, quân ta lắm lúc cứ để nguyên cách 1 (nguyên cách) mà xài. Đã có lần có 1 anh "phang" một câu dài toàn dùng cách 1 như thế này : "Xây chát mư đa môi. Vô xem cha xốp mư xu đa! Đa?" (Bây giờ chúng tôi về nhà, 8 giờ chúng tôi trở lại đây. Đúng không?). Thày giáo gật đầu: "Đa!" (Đúng rồi!). THế là ổn, cần quái gì cách với cú cho mệt. Câu chuyện ấy tới giờ mỗi khi gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc lại rồi cùng cười nhớ lại một thời đã qua. Nhưng cái từ "Đa" (Vâng) cũng gây ra lắm rắc rối. Lắm khi chẳng hiểu gì thì cứ "đa" bừa đi cốt cho qua chuyện, nhưng thày lại hỏi: "Sờ tô đa?" (Vâng cái gì?) thế là lại nói : "Nhét!" (không), thày hỏi lại: "Sờ-tô nhét?) (không cái gì?) Vậy là cả bọn ngớ người ra. Ôi, cái thứ ngoại ngữ này phức tạp thật đấy!.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM