Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:41:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48206 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #160 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2020, 08:32:34 am »

Trong năm 1972, việc cùng sử dụng cả F-94 lẫn F-96 là chuyện bình thường. Có gì dùng nấy mà. Cũng có đôi lúc, do những hỏng hóc, trục trặc về mặt kỹ thuật của máy bay nên số lượng cũng chưa đáp ứng được. Đội ngũ thợ máy trong thời gian này rất vất vả. Các anh nhiều giai đoạn phải thức trắng đêm để sửa chữa tìm mọi cách khôi phục tình trạng máy bay hoàn hảo cho ngày trực. Đấy là những chiến công thầm lặng. Tiếc rằng trong đội ngũ thợ máy, chỉ mới có anh Trương Khánh Châu là được phong danh hiệu anh hùng thôi. Đúng ra, phải có nhiều nhiều nữa mới phải.
Nói đến các Đại đội bay, ngoài những hoạt động của số phi công ra, có lẽ phải kể đến hoạt động của những đồng chí chính trị viên. Vào thời đó, các chính trị viên không phải là người bay. Cũng chính vì vậy mà việc tiếp cận với đội ngũ bay của các anh phần nào bị hạn chế và cũng gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười. Với Đại đội bay đêm của tôi hồi ấy, có hai chính trị viên: trưởng và phó. Một số Đại đội còn có thêm hiệp lý chính trị viên để tăng cường việc nắm bắt tư tưởng của các phi công nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời nhất trong lãnh đạo tư tưởng. Hai chính trị viên của Đại đội bay đêm đều tên là Thành cả: một là Phan Minh Thành, hai là Nguyễn Văn Thành. Anh Thành họ Phan thì có nước da "sậm" hơn, "bánh mật" hơn anh Thành họ Nguyễn. Chính vì vậy mà bọn tôi gọi anh là Thành đen, còn anh Thành họ Nguyễn là Thành trắng. Thế là phân biệt dễ nhất, khỏi nhầm lẫn.
Anh Thành đen là người rất xởi lởi, sống chan hòa. Anh rất gần bọn tôi và không "dấu dốt". Có gì không hiểu là anh hỏi ngay. Anh chia sẻ mọi chuyện nên chúng tôi cũng dễ gần anh và giúp anh làm công tác tư tưởng cho tốt hơn.
Tôi nhớ lần anh về quê tôi để thẩm tra lí lịch trước khi kết nạp Đảng cho tôi. Khi ở quê lên, anh tìm gặp tôi và vui vẻ nói: "Này, tớ mới ở quê cậu về đây đấy!. Khi tớ về đến đầu làng cậu, gặp một cô chắc vừa đi tát nước hay đi cấy về, quần còn sắn cao quá đầu gối, vác gàu tát nước, dáng người chắc khỏe, trắng trẻo, cũng xinh xắn. Khi tớ hỏi thăm lối đến nhà cậu thì mặt cô ta bỗng đỏ bừng lên, chỉ vội chỉ vàng sau đó ù té chạy. Tớ thầm đoán là "có vấn đề " rồi!. Đến nhà, hỏi han mọi chuyện xong, tớ đem sự nghi ngờ kia ra hỏi mẹ cậu thì mẹ cậu nói ngay: chắc đấy là cô bé ở xóm trên, gia đình cậu muốn "dấm" cho cậu. Tớ thấy nó cũng khỏe mạnh, xinh xắn. Được đấy chứ!. Thế cậu thế nào với nó rồi?.
Tôi thì tôi chẳng thấy thế nào cả vì tôi và cô bạn kia chỉ cùng sinh hoạt trong Đội thiếu niên hồi tôi còn ở nhà, sau đó khi tôi học cấp ba rồi nhập ngũ thì biền biệt, có gặp lại nhau bao giờ đâu. Mà cũng nào đã có tí tình cảm gì với nhau đâu mà bảo thế nào với thế nào. Nhưng anh Thành đen thì lại ấn tượng về cái lần gặp ấy lắm và cũng muốn "vun vén" vào cho tôi nên lâu lâu sau lại hỏi tôi: "Này, cái cô bé ở quê ấy, bây giờ thế nào rồi?". Tôi trả lời: "Yên bề gia thất rồi, anh ạ!". Vậy là từ bấy, anh không hỏi thêm gì nữa.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #161 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2020, 10:19:51 am »

Sau rồi, một hôm anh tìm đến tôi và nói: "Hôm tớ được về tranh thủ, tớ thấy thằng con tớ không hiểu sao mà răng của nó trước trắng thế, giờ xám xịt, lại lung la lung lay,  mà lợi thì sưng đỏ, ấn vào thấy lùng bùng như có mủ, lại chảy máu nữa và mùi thì hôi lắm. Không biết thế là thế nào". Tôi giật mình : "Ôi anh ơi! Theo như các dấu hiệu ấy thì Đông y gọi đấy là cam răng, khéo bị "tẩu mã nha cam" mất rồi cũng nên". Anh hỏi lại tôi: "Tẩu mã nha cam là cái trò hề gì vậy?". Tôi đáp: "Là khi hàm răng bị viêm nặng, tới lúc gọi là "tẩu mã" thì nguy cấp lắm rồi, nhanh như ngựa chạy ấy mà, chỉ vài ngày thôi là có thể thối nát, răng rụng hàng loạt, mà có thể còn xuyên thủng cả má lên mũi  rồi dẫn đến cái chết rất nhanh. Quê tôi cũng đã có đưa bé bị như thế rồi!". Anh hốt hoảng: "Vậy thì làm thế nào bây giờ?". Tôi trả lời: "Tây y thì tôi chịu không biết thế nào, nhưng Đông y thì có mấy cách chữa đấy!". "Thôi thôi, mày chỉ ngay cho tao mấy bài ấy đi!" - anh chuyển cách xưng hô như kiểu anh em trong gia đình. Tôi liền cặm cụi ngồi viết cho anh mấy bài thuốc ấy rồi dặn anh cách làm thật cẩn thận và giục anh xin nghỉ mấy ngày về mà làm cho kịp. Phải chạy đua với thời gian thôi, không đùa được. Anh vội vã nhét mấy bài thuốc tôi viết cho vào túi áo rồi chạy đi xin nghỉ.
Gần tuần sau, anh trở về đơn vị, từ xa anh đã tưới cười, vẫy vẫy tôi lại và thông báo: "Ổn rồi mày ạ! Răng thằng bé đã chắc khoẻ, không còn mùi hôi thối nữa, không chảy máu nữa, ăn uống thấy bình thường rồi, yên tâm rồi. Mà này, mày học ba cái thứ đó ở đâu ra vậy?". Tôi đủng đỉnh: "Chúc mừng anh nhá. Còn ba cái thứ kia thì học ở trong sách thôi!". Anh bật cười: "Ôi, cái thằng!". Khi tôi chuyển hẳn sang bay ngày thì ít gặp anh, rồi càng về sau này thì càng ít gặp. Tới lúc tôi đóng quân ở Yên Bái với cái "Trung đoàn ở đồi Cọ" ấy thì không gặp được anh nữa. Nghe đâu anh đã chuyển về sân bay Biên Hòa. Mãi tận sau này, tôi nghe tin anh đã mất ở sân bay Biên Hòa, nhận tin mà tôi cứ bùi ngùi. Thế là anh đã vĩnh viễn "ra đi". Một người chính trị viên rất gần gũi, hòa đồng cùng cánh phi công chúng tôi chẳng bao giờ tôi còn gặp được anh nữa. Tôi vẫn cứ nhớ đến khuôn mặt anh với nụ cười vui vẻ đầy phấn khích và câu: "Ôi, cái thằng!". Vậy mà đấy lại là câu cuối cùng trong đời của anh đối với tôi . Không thể ngờ được!.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #162 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2020, 08:41:11 pm »

xuanv338 chào anh chủ, chào các bác làng M&H. Lâu lắm hôm nay em lại trở về làng xưa hóng chuyện trên trời. Thấy mọi người vẫn vui vẻ, chuyện trên trời vẫn rôm rả không ngừng. Cũng phải đề nghị với các xếp diễn đàn phong tặng cho những người trung thành ở lại trông coi làng khởi nghiệp. Đây mới chính là quê hương cội nguồn của chúng ta. Chúc anh phicongtiemkich và các anh chị em làng ta khỏe mạnh. Duy trì làng phát triển thành làng đổi mới, kỷ cương vẫn nghiêm mình và văn hóa.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #163 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2020, 09:33:41 am »

Cám ơn Xuanv338 đã động viên. Cũng mong Xuanv338 tiếp tục câu chuyện của mình đều đều nhé!.
Trong số các phi công bay đêm và trong đội ngũ phi công nói chung, có anh Nguyễn Cát A là đặc biệt. Đặc biệt ngay từ cái tên với từ đứng đầu trong bảng chữ cái kia. Khi về nước, ngay từ ngày trực chiến đầu tiên, bộ phận trực cao không - tức là bộ phận lo cất giữ và chăm sóc quần áo, mũ bay cao không cho phi công ấy đã toát mồ hôi hột khi không tìm được thùng bay cho anh. Giờ ra sân bay thì đã cận rồi, mọi người cùng ùa vào để tìm hộ cho nhanh. Hôm ấy tình cờ thế nào mà tôi lại nảy ra cái "sáng kiến tối tăm" là biết đâu các anh kia chẳng nghĩ trong đoàn bay khóa Ba có 2 người tên Cát, nên mới phân biệt là Cát A và Cát B cũng nên. Vậy là đi tìm thùng bay có chữ "Cát". Quả thật, sau một lúc lục lọi thì thấy một thùng có chữ "Cát" to tướng, còn chữ "A" thì viết bé như một dấu của lũy thừa. Hú vía!. Vừa tìm thấy thì cũng vừa lúc xe đến để chở kíp trực ra sân bay. Vậy là từ bấy trở đi, anh A luôn nằm trong "tầm ngắm" của mọi người, nhất là tôi. Cái biệt danh "Ngón tay thần" dành cho anh chính là do tôi "sáng tác" ra. Chẳng là, ngón chỏ trên bàn tay phải của anh bị bẹp dí, bẹt hẳn ra, trông rất dị dạng. Anh kể: vì anh đi khiêng tấm gỗ lim ở quê, khi hạ gỗ xuống, vì hiệp đồng với nhau không chuẩn, người buông trước người buông sau nên anh bị tấm gỗ dè bẹp, máu tuôn ra lênh láng. May nhờ có người lấy ngay dúm sợi thuốc lào dịt vào, máu mới không chảy, nhưng từ sau đận ấy, ngón tay tự dưng bị bẹp dí, trông chẳng ra làm sao. Đã có lần, anh giơ ngón tay ấy lên, dọa mổ mổ vào đứa cháu làm nó khóc thét lên vì sợ. Thế là từ bấy, anh thường xuyên giấu cái ngón tay ấy đi. Khi về cùng Trung đội bay đêm với tôi, một lần lúc anh ngủ say (mà có khi nào anh không ngủ say đâu), tôi ngắm ngía ngón tay của anh một lúc rồi lấy bút mực tô theo đường rãnh của hai bên nón tay và vẽ thêm hai khoanh tròn thành 2 con mắt, thế là giống y như đầu con rắn. Nếu găm được vào đấy chiếc lưỡi nhỏ nhọn chẻ đôi nữa thì đúng là đầu rắn thứ thiệt. Tôi ngắm nghía "sản phẩm" của mình, lấy làm khoái chí và sang phòng khác gọi mấy anh em đến cùng "thưởng thức". Ai nấy đều ngạc nhiên rồi trầm trồ và cười phá lện. Anh A giật mình tỉnh dậy, thấy thế thì quát tôi om sòm vì đoán ngay tôi là tác giả của cái trò nghịch ngợm quái gở kia nhưng sau khi nhìn kỹ lại ngón tay của mình thì anh cũng bật cười và thốt ra một câu: "Cái thằng!". Vậy là tôi biết anh không giận tôi nữa. Cái tên "ngón tay thần" để chỉ về anh cũng ra đời từ sự kiện ấy!.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #164 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2020, 02:31:43 pm »

Ở với Trung đội bay đêm của tôi, anh có cái đức ngủ say vô cùng và ngáy với tần xuất lẫn biên độ cùng với đề-xi-ben của tiếng ngáy cũng khủng vô cùng. Đã có lần, Trung đội trưởng của tôi bắt chúng tôi phải khiêng giường của anh ra để ngoài sân bóng chuyền, vậy mà trong quá trình di chuyển, "cụ" vẫn cứ say sưa giấc nồng, không coi ai ra gì hết. Rồi còn có lần, vợ chồng chú tò vò xây cả tổ bên cánh mũi sư tử của anh nữa mới ghê chứ. Anh tỉnh dậy, lau mặt thấy bùn loang đầy thì cứ đổ rịt cho tôi bôi bẩn vào mặt anh ấy, không thể nào thằng tôi thanh minh được. Khi bay ngày, những lần tôi bay số 2 cho anh thì anh quen kiểu bay đêm chỉ có một mình rồi nên không thèm để ý đến sau mình có thằng số 2, vậy là cứ làm các động tác bạt mạng. Tôi bám theo đến bở hơi tai. Lúc xuống đất, tôi gặp anh và bảo: "Hình như anh quên có tôi bay số 2 cho anh hay sao ấy!". Anh điềm nhiên đưa "ngón tay thần" lên ngoáy mũi và trả lời: "Ừ, tớ quên béng đi thật!". Thế mới sợ chứ.
Anh về hưu thì về ở cùng với vợ chồng ông anh cả. Khổ cho bà chị dâu một nách nuôi hai lão già. Một lần, khi mấy anh em tôi đến thăm, bà chị dâu "mách" ngay: "Các chú đến hôm nay là may đấy, chứ mà đến từ mấy hôm trước thì chán lắm. Ai đời đi sang làng bên chơi, lúc về bị xe máy nó tông cho, kéo đi một đoạn. Cái cậu chạy xe máy ấy nó đưa chú ấy vào bệnh xá, người ta băng bó chữa trị cho kịp thời, chứ không thì có mà thối ra rồi!". Anh vẫn điềm nhiên ngoáy mũi bằng cái "ngón tay thần" trứ danh kia và thủng thẳng trả lời: "Phi công thì còn lâu mới thối!". Tôi cười phá lên. Bao nhiêu lâu rồi mà anh chẳng thay đổi tí nào, vẫn cái tác phong ấy, vẫn cách nói tưng tửng ấy. Quả là "non sông dễ đổi,. bản tính khó dời". Sau khi làm thọ tuổi "xưa nay hiếm" cho anh xong một thời gian thì anh "ra đi". Chúng tôi đến chia buồn, tiễn đưa anh đi mà cứ trầm ngâm vô hạn. Từ chuyện công đến chuyện riêng của anh đều chẳng ra đâu vào đâu. Ra đi tay trắng, trở về trắng tay!. Buồn lắm. Và khi tôi viết những dòng này để tưởng nhớ đến anh thì vô phép, lạy anh một lạy!. Chắc anh đã thối thật từ lâu rồi!.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #165 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2020, 03:48:25 pm »

Tổng kết lại, trong suốt cuộc chiến tranh và về cả sau này, số lượng người hy sinh và mất vì tuổi tác, bệnh tật chưa đến chục người. Và bây giờ, nếu tình cờ ai đó bắt gặp các phi công bay đêm năm nào đang ngồi bên bàn cờ trong nhà Câu lạc bộ cựu chiến binh hoặc ngoài quán trà đá, quán bia hơi, hay lững thững dạo trên đường ... mà không được giới thiệu thì không ai biết rằng đấy lại là những phi công bay đêm, đánh đêm từng "vang bóng một thời". Họ lặng lẽ sống hòa lẫn cùng muôn mặt của đời thường và như bà má của bạn tôi nói là: trở thành những "ông già dễ thương". Không ai biết được đằng sau họ lại là những tháng năm khốc liệt cùng những sự kiện oai hùng và cả những cay đắng của đời quân ngũ. Đấy là những người anh hùng và cả những người không được gắn huân chương anh hùng. Họ là những người yêu cuộc sống vô bờ, nhưng suốt những tháng năm chiến tranh, ngày ngày họ đều phải đối mặt với cái chết cận kề, quyết lập nên những chiến công cho ngày chiến thắng. Sau chiến tranh, khi về với đời thường, họ sống đúng với chính họ. Hàng năm, vào dịp cuối năm, lại có cuộc gặp mặt tất cả các thành viên của lực lượng bay đêm, đánh đêm ngày xưa. Khi bắt tay nhau, ai cũng tươi cười và đều có chung câu hỏi thay cho câu chào: "Trông vẫn khỏe và chẳng già tí nào nhỉ".
Nếu gặp nhau thường xuyên thì đúng là ít thấy cái sự già của nhau thật, nhưng người ngoài cuộc hoặc lâu mới gặp, bấy giờ mới thấy rõ cái sự "xập xệ" của từng con người, mới thốt lên: "Sao dạo này cậu già đi ghê thế?. Mà lại gày nữa!. Ốm à?...". Đại loại là như vậy.
Cũng có thành vấn đề gì lớn đâu. Quy luật của cuộc sống mà: "Trẻ lớn ra, già tọp lại" là chuyện thường.
Số phi công bay đêm của cả hai Trung đoàn KQ 921 và 927 không nhiều nên dễ "điểm danh" lắm, hơn nữa ở quanh khu vực Hà Nội lại khá đông vì thế cũng dễ triệu tập. Điều quan trọng là tất cả đều bằng lòng với cuộc sống của mình và làm những công việc mà mình yêu thích.
Tôi thi thoảng vẫn gặp gỡ, vẫn gọi điện thăm hỏi các phi công cùng Đại đội năm nào. Họ mỗi người mỗi vẻ, ai cũng có cách sống riêng giữa vòng xoáy tất bật của thời đương đại, nhưng đều có nét chung của "cánh bay đêm" - của "họ hàng nhà Vạc" mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #166 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2020, 08:29:44 pm »

Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm, khoảng từ trung tuần tháng 12 trở ra, thế nào các phi công bay đêm của Đại đội 5 năm xưa cũng lại tổ chức gặp mặt, ngồi lại với nhau để tâm sự chuyện cửa chuyện nhà, chuyện cháu chuyện con, chuyện xóm phố ta ai mất ai còn... So sánh với mọi lực lượng trong tất cả các Quân Binh chủng thì Không quân có nét đặc thù rất riêng. Đó là sự gắn kết giữa nhiều thành phần để cùng hoàn thành một nhiệm vụ. Tất cả đều đóng quân quanh khu vực sân bay, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, không thể tách rời bộ phận nào ra được. Họ như những đám mây tích điện giúp cho các phi công làm nên tia chớp giữa trời. Một thành tích dù là nhỏ nhất cũng là thành tích chung của mọi thành phần, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết hiệp đồng. Lập công tập thể"
Sân bay luôn là địa điểm cố định, cho dù là sân bay dã chiến hay sân bay cơ động cũng vậy. Tầm bán kính hoạt động của máy bay có thể đến hàng trăm cây số, nhưng dù đi đâu rồi cũng vẫn phải về hạ cánh . Sân bay tựa như ngôi nhà của các phi công, cho dù đi muôn nơi vẫn phải lần tìm về. Đấy chính là nơi an toàn nhất, là bến đỗ bình yên nhất giống như là gia đình của mình và các thành phần hoạt động ở đó là các thành viên trong gia đình mình.
Các thế hệ phi công được đào tạo ở nhiều nơi khác nhau, nhưng khi về cùng Quân chủng thì như anh em trong một nhà. Sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó nhiều khi còn hơn anh em ruột thịt. Giữa bầu trời mênh mang chỉ có hai, ba người với nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không gắn bó với nhau, cùng chia lửa cho nhau, hy sinh vì nhau thì làm sao hoàn thành được nhiệm vụ. Niềm vinh quang, sự cay đắng, mọi thứ vui, buồn... họ đều chia sẻ cùng nhau, làm nên một thứ tình cảm thật khác biệt. Không ai hiểu phi công bằng phi công. Họ là những người sống với những nét hào hoa dưới mặt đất, với khí phách hào hùng trên trời, với hào khí của người chiến thắng và hào hiệp trong cuộc sống thường ngày...
Và họ cũng là những người sống bình lặng giữa đời thường.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #167 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2020, 04:35:08 pm »

Mỗi năm gặp lại nhau, lại thấy thiếu vắng một chút. Con người ta không ai cưỡng lại được cái quy luật muôn đời của tạo hóa: "Sinh, Lão, Bệnh, Tử". Số người còn lại, lại ngồi "điểm danh" và nhắc đến từng người với từng kỷ niệm vui, buồn của một thời đã qua.
Một thời đã qua!. Họ đã để lại đằng sau lưng mình cả thời trai trẻ, vắt kiệt sức trong những ngày đạn bom ác liệt, gồng mình vượt lên hết thảy những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giữa ranh giới sự sống và cái chết mỏng manh không bằng sợi tơ. Trong những ngày tháng ấy, không ai biết rõ mình rồi sẽ thế nào. Vậy mà họ đã vượt qua được tất cả, trở thành người chiến thắng. Những gian nan, hiểm nguy trước đây họ gặp phải, bây giờ đem ra kể lại xem như chuyện đùa để cười vui cho khuây khỏa mà thôi.
Gặp gỡ nhau, họ vẫn trêu chọc nhau, vẫn xưng hô"cậu tớ, mày tao, ông tôi" hệt như những ngày xưa... Cái điều ấy mới thật đáng quý.
Tôi thường tâm sự với các đồng đội và bạn hữu:
                                  Nếu lưu lại được cho đời
                                  Một chút khóc, một chút cười ...cũng hay
                                  Để khi "nhắm mắt xuôi tay"
                                  Chẳng cần tiếc nuối những ngày đã qua
Các phi công bay đêm, đánh đêm không chỉ lưu lại một chút mà họ đã làm được rất nhiều, để lại được rất nhiều  những gì cần lưu, cần để cho các lớp phi công đàn em và thế hệ sau này.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #168 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2020, 02:41:14 pm »

Năm 2018 vừa rồi, nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh Nguyễn Văn Minh. Vậy là đến nay, trong đội ngũ phi công bay đêm, đánh đêm đã có 7 anh hùng. Còn những phi công bay đêm nữa hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy, như các anh Hoàng Biểu, Vũ Đình Rạng...cho dù chưa được nhà nước phong tặng, chưa được đeo Huân chương Anh hùng, nhưng trong tâm khảm của chúng tôi, các anh đã là những người Anh hùng từ lâu rồi.
Những lần gặp mặt, tôi cứ lặng lẽ ngắm nhìn từng người, từng khuôn mặt và suy nghĩ về từng người. Ai nấy cũng đều có duyên với bầu trời, nhưng duyên phận, duyên nợ thì lại không giống nhau. Với người này thì có duyên nhưng lại không có phận, người kia thì duyên nhiều nợ lại ít, người nọ thì duyên ít mà nợ lại nhiều...Mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai cả.
Bầu trời thật gần đấy mà cũng thật xa đấy. Bầu trời rõ thấp đấy mà cũng rõ cao đấy. Bầu trời thật thân quen đấy mà cũng thật mung lung, huyền bí đấy. Bầu trời cho ta niềm vui đấy mà cũng bắt ta nhận lắm nỗi buồn đấy. Lướt trên bầu trời thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật nặng nề...
Bầu trời gắn bó thật mật thiết với cuộc sống của các phi công. Không có bầu trời thì làm sao có được danh hiệu phi công. Nếu không trực tiếp vẫy vùng ở trên đó thì làm sao có thể có được những cảm giác bay bổng, kỳ diệu khác thường...
Với cao xanh kia, không biết những bạn hữu tôi ai vẫn còn duyên còn phận còn duyên còn nợ ...với bầu trời nữa?...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #169 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2020, 08:35:16 pm »

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ. Xin được chúc các đồng chí Thương bệnh binh, các gia đình liệt sỹ luôn có sức khỏe và bình an!.
Những ngày qua, tôi cùng một số anh em đã đi viếng các nghĩa trang và thăm hỏi các gia đình đồng đội. Đã thấy và cảm nhận được những điều thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp trong từng gia đình. Đấy là điều đáng mừng. Hy vọng hàng năm, lần gặp nào cũng thấy được những điều tốt đẹp!.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM