Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:14:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48210 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #150 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2020, 03:25:13 pm »

Sáng hôm sau, khi tôi xuất kích rồi bay chuyển sân từ sân bay cơ động về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc với tâm trạng còn đang phấn khích về chiến công của Phạm Tuân đêm hôm trước thì sau khi hạ cánh xong, nhận ngay được tin Thiều hy sinh. Nước mắt tôi tự trào ra dào dạt. Tay tôi cầm phong thư của Thiều mà tôi nhận được từ sân bay cơ động định đem về Da Phúc cho Thiều đọc thì giờ đây không còn đến được tay người nhận nữa. Mới đây thôi, hai anh em cùng Trung đội bay đêm, rồi tôi sang Đại đội đánh ngày. Tuy cùng Trung đoàn mà đã thấy có gì đó cách biệt bởi ngày và đêm. Mới hôm rồi Thiều còn gửi trả tôi cái áo lên hôm cho Thiều mặc cho đỡ lạnh và Thiều cũng mới gửi thư tay cho tôi "thúc giục" chuyện tôi gắn bó với "cô sơn nữ". Vậy mà những dòng chữ kia đã là những dòng cuối cùng rồi. Nay thì cách biệt âm dương. Tôi về đến căn cứ thì lẳng lặng viết đằng sau bức thư của Thiều dòng:
             Chiều chiều mây phủ Sơn La
             Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm...

Một ngày sau, anh Phạm Ngọc Lan được cử đi Sơn La. Khi đến xã Tạ Khoa, huyện Yên Châu - Sơn La, anh đã gặp anh Phạm Đức Thuận, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh đang đóng quân ở Cò Nòi. Các anh đã đên hiện trường  xem xét và tìm cách bảo vệ hiện trường. Phía bên kia đồi là xác của B-52 với những mảnh vỡ cháy xám đen. Phía bên này đồi là những mảnh của Mì-21. Anh Phạm Ngọc Lan đã giao cho anh Thuận mọi công việc và đề nghị anh Thuận cho quân bảo vệ hiện trường rồi quay về báo cáo Binh chủng.
Anh Phạm Ngọc Lan đã nhận xét và đến tận thời gian sau này anh cũng vẫn khẳng định là Thiều đã "húc" vào B-52.
Vũ Xuân Thiều đã thể hiện ý chí sẵn sàng hy sinh quên mình, quyết bằng được phải bắn rơi tại chỗ B-52 bằng tinh thần cảm tử và quyết tử để lấy lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Trong lời tuyên dương công trạng của nhà nước với Vũ Xuân Thiều (trang 440, cuốn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tập 6) có ghi:
"Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi B-52 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, góp phần làm phong phú thêm cách đánh B-52 của đế quốc Mỹ - có lực lượng yểm hộ mạnh - của Không quân ta. Đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh đêm. Ghi thêm một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội Không quân.
Chiến công của Vũ Xuân Thiều đã góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải phòng... kéo dài 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam"
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2020, 08:09:06 am »

Xin hỏi bác phicôngtiemtiêmkích : Đại đội bayphi đội bay khác nhau như thế nào ? Biên chế và trang thiết bị của các đơn vị ấy ra sao ạ?
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #152 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 09:34:34 am »

Chào Giangtvx!
Sự khác biệt giữa Đại đội bay và Phi đội bay là: ở vào giai đoạn trước,  biên chế của Đại đội bay thì chỉ có các phi công mà thôi. Cho nên, một Đại đội bay (như thời Đại đội 5 bay đêm có 14 phi công, 2 chính trị viên (trưởng, phó) và thế là ...hết!. Tổng cộng chưa đầy 20 người. Sau này, khi thành lập Phi đội thì biên chế của nó gộp cả phi công lẫn thợ máy vào làm một, tức là một Phi đội thì có cả Đại đội bay và Đại đội thợ máy ngày trước gộp lại. Vậy là, chức năng của anh Phi đội trưởng Phi đội bay nặng nề hơn anh Đại đội trưởng Đại đội bay nhiều, vì không những chỉ lo cho thành phần bay mà còn phải tính cả việc chăm lo cho thành phần thợ máy nữa. Quân số của Phi đội cũng tăng lên nhiều, không "chòi chọi" như trước kia!.
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2020, 08:55:45 pm »

Vâng, em rõ rồi, cám ơn bác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2020, 11:27:04 pm »


        Phi công cấp 1 là phi công bay được trong điều kiện 4 thời tiết: ngày giản đơn, ngày phức tạp, đêm giản đơn và đêm phức tạp.

        Phi công cấp 2 là phi công bay được trong điều kiện 3 thời tiết: ngày giản đơn, ngày phức tạp và đêm giản đơn.

        Phi công cấp 3 là phi công bay được trong điều kiện 2 thời tiết: ngày giản đơn và ngày phức tạp.

        Phi công không cấp là phi công chỉ bay trong điều kiện thời tiết giản đơn ban ngày.

(Trích "ký ức trời đêm")         

        Không thấy bác phicôngtiêmkich cấp phi công của bác, nhưng có thể đoán bác là phi công cấp 1 thông qua những chức vụ mà bác đã từng nắm giữ, đạc biệt là kỹ thuật và nhất là những kỹ thuật "báo cơm", "đuổi bò", ... Em đoán thế có đúng không bác ?
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #155 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2020, 03:14:28 pm »

Tôi chỉ mới là phi công cấp 2 thôi, vì chưa bay hết khoa mục ban đêm thời tiết phức tạp thì đã chuyển sang bay ngày, đánh ngày rồi. Về sau này, một số anh em cứ đưa cho tôi huy hiệu phi công cấp 1, bảo rằng vẫn đủ điều kiện để đeo, nhưng tôi không làm vậy vì ngượng lắm. Cứ cái cấp 2 - cấp thật của mình mà đeo là yên tâm nhất!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #156 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2020, 09:41:16 am »

Về lại với những đồng đội Đại đội bay đêm của tôi, với Trung đội trưởng bay đêm của tôi.
Anh Nguyễn Văn Thuận là người cùng đoàn bay với bác tôi và chơi thân với bác tôi là Tạ Văn Thành. (Bác tôi đã hy sinh trong trận không chiến trên vùng trời Phổ Yên ngày 14-7-1966 cùng biên đội với anh Hoàng Biểu). Khi tôi về Đại đội bay đêm, anh Thuận đã bắn rơi hai máy bay Mỹ rồi. Vì được biết anh từ trước, tính tình anh lại sởi lởi, cởi mở nên tôi gần anh rất nhanh và coi anh như người anh của mình. Ngoài những lúc nghiêm túc trong công việc, khi rảnh rỗi, anh hay kể những chuyện vui và đôi khi anh cũng tếu táo, coi bọn tôi như bạn cùng trang lứa...Anh không chỉ làm cho chúng tôi cười tít mắt, mà ngay hồi anh học bên Liên-xô, anh đã làm cho bao người Nga phải cười nghiêng cười ngả khi anh diễn trên sân khấu rồi. Anh kể cho chúng tôi nghe anh từng diễn kịch câm với những tiểu phẩm "Cắt ruột thừa", "Bắt rượu lậu"...Khi ấy, các khán giả đều cười khoái trá, cười hết cỡ mới thôi bởi anh diễn cái kiểu khóc trên sân khấu không giống ai: nước mắt không chảy xuôi mà phun ngược lên thành hai dòng tít tận trên cao. Anh kể: "Có gì đâu! Tớ cho nước vào 2 quả bóng cao su, đặt vào 2 bên nách, nối đường dây bằng ống nhựa mềm chạy dọc theo cánh tay. Khi làm động tác khóc  chỉ cần lấy tay che lên mặt đồng thời ép chặt nách vào, thế là "nước mắt" vọt ngược lên thôi!.. Tôi trầm trồ lắm, khen anh nức nở: "Anh làm vậy thì có khác gì nghệ sỹ hài công huân của Liên-xô là Ni-cu-lin!". Anh chỉ cười: "Chẳng dám so sánh, nhưng sau những buổi diễn ấy, nhiều người khoái tớ lắm, nhất là những cô gái Nga!". Thế thì còn gì bằng nữa!.
Anh cũng là người chơi vi-ô-lông khá hay. Anh cũng từng đứng trên sân khấu bên Liên-xô để biểu diễn. Mà cái cách anh đứng biểu diễn thì chẳng ai học được dáng anh cả: chân anh khòng khòng theo chiều trước ra sau lại thêm cái kiểu tạo dáng nữa thì chỉ có ... chào thua!.
Thời ấy, anh có ý định "đồng hóa nghiệp vụ" cho Trung đội bay của anh, nghĩa là bắt tất cả các Trung đội viên của anh phải chơi cái món "nhị Tây" ấy. Tôi thì chân tay cứng quèo vì chơi xà, tạ nhiều thế là cứ gần đến giờ anh định dạy nhạc là tôi tìm cách "lẩn" ra bãi tập. Vũ Xuân Thiều thì ngồi một góc, ôm cây đàn ghi-ta phừng phực, phừng phực với những giai điệu chẳng ai chấp nhận được. Còn anh Nguyễn Cát A thì chẳng nói chẳng rằng, cứ hồn nhiên đưa "ngón tay thần" lên ... ngoáy mũi!.
Nhìn cái đám Trung đội viên của mình với đủ sắc thái khác nhau như vậy, anh Thuận chỉ còn cách lắc đầu và than thở: "Đúng là các cậu đã chẳng hiểu biết tí gì về văn học nghệ thuật, mà lại còn chẳng muốn tiếp cận với nó thì đúng là... chán mớ đời!
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2020, 07:54:14 am »

   
        "... Việc phát hiện và công kích vào ban đêm, phi công không thể xác định bằng mắt như phi công bay ngày được mà phải dựa hoàn toàn vào ra-đa trên máy bay. Trong khi đó, màn hình ra-đa trên máy bay chỉ nhỏ bằng miệng chiếc bát ăn cơm thôi. Mục tiêu thì được hiển thị bằng các nét vạch nhỏ hiện trên một vạch ngang. Nếu mục tiêu ở cao hơn máy bay ta thì vạch ấy ở phía “trên” vạch ngang và ngược lại. Nếu độ cao của máy bay ta bay ngang bằng với độ cao của mục tiêu thì số vạch ở “trên” và ở “dưới” bằng nhau. Khi mục tiêu ở cự li xa thì hiện một vạch, gần hơn thì 2 vạch và gần nữa thì 3 vạch. Đấy là ở chế độ “sục sạo”. Khi chuyển sang chế độ “bám sát”, trên màn hình ra-đa xuất hiện “cánh chim”, vạch cự li và vùng cho phép phóng. Phụ thuộc theo độ cao bay và tốc độ bay, tốc độ tiêp cận với mục tiêu mà vùng cho phép phóng có thể rộng hoặc hẹp. Đấy là trong điều kiện không có nhiễu. Nếu địch gây các loại nhiễu thì từ chế độ “sục sạo” đến chế độ “bám sát” còn khó khăn gấp bội phần. Lúc ấy, màn hình ra-đa bị trắng một phần hoặc thậm chí toàn phần nên không thể phát hiện được mục tiêu. (trích "Ký ức trời đêm)"

        Không thể tưởng tượng được ra đa của chiếc MiG-21 lừng danh lại thô sơ như thế !
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #158 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2020, 08:58:10 am »

Ra-đa RP-22 trên MiG-21 đúng là rất thô sơ nếu so với các máy bay khác, ví dụ như F-4 thời bấy giờ chẳng hạn, còn như với các máy bay chiến đấu thời nay thì nó cũng chẳng khác gì cây gậy tầm vông thời kháng Pháp ngày xưa. Vậy nhưng, MiG-21 đã trở thành huyền thoại của bầu trời lại chính từ những thứ thô sơ ấy. Vì những thứ ấy được nằm trong tay những người biết sử dụng, biết biến tấu nó để trở thành khắc tinh của các loại hiện đại của kẻ thù. Vũ khí chỉ là vũ khí thôi. Vấn đề là nó nằm trong tay ai và họ sử dụng vì mục đích gì. Đúng không ạ?.
Trở lại với Trung đội trưởng bay đêm của tôi.
Khi phát hiện ra các Trung đội viên của mình chẳng hào hứng gì với cái sự "đồng hóa nghiệp vụ" với loại nhạc cụ anh yêu thích thì anh Thuận bắt chúng tôi phải học hát bài mà anh nói là  do anh sáng tác. Chúng tôi phải tuân theo. Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ được giai điệu và lời của bài hát:
     "Đoàn ta bay hiên ngang trong ánh mây hồng
     Kìa nhà máy, ống khói cao vút trời xanh
     Ôi Tổ quốc thân yêu nâng cánh ta bay
     Canh giữ bầu trời là niềm hạnh phúc của ta
     Đảng đã cho ta đôi cánh tung trời
     Lướt gió rẽ mây, ta bay tìm diệt quân thù
     Tổ quốc mến yêu ơi!
     Xin hiến dâng Người cả trái tim ta!
     Xuất kích trận này, chiến thắng về ta!"...
Anh hay tâm sự với chúng tôi đủ mọi chuyện, trong đó có cả chuyện riêng tư của vợ chồng anh, rồi cả những chuyện các anh trêu chọc, lừa nhau ...Những câu chuyện ấy vô tình lại là sự "trang bị" cho tôi  chút kinh nghiệm để phát triển vào những chuyện đùa nghịch sau này.
Khi tôi rời khỏi đội ngũ bay đêm chuyển sang bay ngày thì anh cũng chuyển công tác. Tôi không liên lạc được với anh nữa. Chỉ mãi tận sau này tình cờ gặp lại anh trong một đám cưới của ai đó rồi sau đó lại tiếp tục bặt tin. Khi anh mất, mãi sau tôi mới nhận được tin. Anh ở trong Nam, tôi thì lại bận bịu không có điều kiện vào viếng anh được, chỉ lưu giữ nỗi nhớ về anh ở trong lòng mà thôi. Cầu mong anh thanh thản ở thế giới bên kia, tiếp tục chơi loại nhạc cụ mà anh yêu thích và tiếp tục sáng tác những bản nhạc mới. Nếu kiếp sau, còn có duyên với anh, tôi sẽ nhờ anh dạy tôi chơi cái món "nhị Tây" kia và biết đâu, tôi sẽ thành tài!...
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2020, 05:42:50 am »

     
        "... MiG-21F-96 có 1 động cơ phản lực Tumansky R-13-300, có 4 bệ treo với các phương án mang vũ khí đa dạng hơn MiG-2lF-94. Nó có thể đeo 4 quả tên lửa không đối không, hoặc 4 thùng rốc-ket, hoặc 2 tên lửa và 3 thùng dầu phụ... Nó cũng được trang bị pháo 23 li với 200 viên đạn." (Ký ức trời đêm)

        Như vậy MiG-21F-96 ưu việt hơn hẳn MiG-21F-94. Vậy xin hỏi bác phicôngtiêm kích là khi không quân đánh B.52 sao không chỉ dùng MiG-21F-96 mà vẫn còn dùng cà MiG-21F-94 nữa ?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM