Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:43:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48226 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #110 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2019, 09:06:10 am »

Cám ơn Xuanv338 luôn động viên!.
Trở lại những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Ngày 28 tháng 12 là ngày thứ mười một của chiến dịch Linebacker 2. Trước đó, trong ngày 27-12, Không quân Mỹ đã đánh phá ác liệt khu vực Văn Điển, Thường Tín, Đông Anh, Hà Nội và Hà Tây.
Ngày 28, lại tiếp tục đánh phá các mục tiêu quan trọng tại Hà Nội và Hải Phòng. Các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ chế áp MiG tiếp tục bay yểm trợ trực tiếp và bay chờ ở các khu chờ Sơn Động, Yên Tử, chợ Bến, Xuân Mai với số lượng lớn.
11 giờ 10 phút, trên mạng tình báo B-1 xuất hiện các tốp gồm nhiều máy bay Hải quân từ biển phía Nam Thanh Hóa bay vào trên độ cao thấp hương thẳng tới khu vực Hà Nội.
11 giờ 17 phút, biên đội MiG-21 của Lê Văn Kiền, Hoàng Tam Hùng thuộc Trung đoàn Không quân 927 nhận lệnh vào cấp 1 và mở máy cất cánh từ sân bay Kép. Sở chỉ huy lệnh cho bay hướng 150 độ, bật tăng lực, vứt thùng dầu phụ và kéo lên độ cao 1.200 mét. Sau đó 2 phút, Sở chỉ huy thông báo tình hình địch. Số 2 Hoàng Tam Hùng phát hiện tốp địch bên trái cự ly 15 km. Đây là tốp hỗn hợp ồm các máy bay RA-5C và F-4J. Lúc này xung quanh còn có rất nhiều F-4 khác nữa. Trận không chiến không cân sức giữa 2 MiG-21 và 12 chiếc F-4 diễn ra ác liệt. Khi bọn RA-5C đã chụp ảnh xong khu vực xăng dầu và tên lửa, được bọn F-4 thông báo về MiG xuất hiện thì cũng đã quá muộn. Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng bám đuôi một thằng RA-5C.
Vào đúng thời điểm đó, Lê Văn Kiền lại phát hiện thêm 4 chiếc bên trái. Kiền cơ động mạnh, bám theo 4 chiếc F-4 này. Bọn F-4 ngoặt gấp và chui vào mây. Khi ấy, Lê Văn Kiền thấy máy bay mình chấn động, có cảm giác khác thường như máy bay bị thương, anh ngoái lại quan sát phía sau thấy 2 thằng F-4 đang lao tới, chui ngay dưới bụng máy bay mình. Anh vòng gấp bám chiếc F-4 bay phía sau, nhưng khi tiếp cận đến cự li 4 km thì thằng F-4 bay trước ngoặt gấp  quay về phía sau. Thấy tình hình không có lợi, Lê Văn Kiền xin thoát li về hạ cánh ở Đa Phúc.
Nói về số 2 Hoàng Tam Hùng khi ấy bám chặt thằng RA-5C rồi, anh nhanh chóng lấy điểm ngắm, thấy ổn định rồi liền ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa lao vụt ra, "phi" thẳng vào thằng RA-5C. Thằng RA-5C bốc cháy như quả cầu lửa và rơi xuống phía Nam Hà Nội.
Tại Sở chỉ huy, do hôm đó bị nhiễu rất nặng nên liên lạc giữa phi công và chỉ huy rất kém. Các sĩ quan dẫn đường chỉ nghe được khẩu lệnh xin công kích và tiếng hô: "Cháy rồi!", sau đó là mất liên lạc hoàn toàn.
Sau khi bắn rơi thằng RA-5C, Hoàng Tam Hùng thoát li về hướng Đa Phúc nhưng sau máy bay anh rất nhiều F-4 bám theo và cắt vào cạnh trong của chiếc MiG. Định cho máy bay mình chui vào mây để thoát li, nhưng thấy bọn F-4 bám sau đã gần nên Hoàng Tam Hùng quyết định quay lại phản kích. Hai bên quần thảo kịch liệt. Một hồi sau, Hoàng Tam Hùng tóm được đuôi một thằng F-4 và sau khi chỉnh điểm ngắm ổn định, anh phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không lao thẳng vào chiếc F-4 bay số 3 trong đội hình bọn F-4 và bốc cháy dữ dội.. Hoàng Tam Hùng nhanh chóng giảm độ cao để thoát li, chui qua lỗ hổng của mây. Bọn F-4 vẫn bám sát phía sau. Khi ra khỏi mây, cả máy bay MiG và F-4 đều cách mặt đất chỉ khoảng 30-40 mét, phía dưới là những cánh đồng của chấu thổ sông Hồng sau mùa gặt. Nhiều người dân và các chiến sĩ của các trận địa phòng không ở khu vực huyện Thường Tín, Hà Nội đã chứng kiến trận không chiến thật quả cảm của chiếc MiG-21 với hơn chục chiếc F-4. Sau những vòng cơ động rượt đuổi ở cự li rất gần, đúng lúc chiếc MiG cải bằng thì một thằng F-4 đã phóng tên lửa nhưng Hoàng Tam Hùng kéo gấp máy bay, tránh kịp. Có thể, do kéo quá mạnh ở độ cao quá thấp và cũng có thể do tên lửa địch nổ gần nên bộ phận điều khiển bị thương, hư hỏng nặng. Máy bay của Hoàng Tam Hùng rơi vào thất tốc. Nó đột ngột ngóc lên và cũng đột ngột bổ nhào lao thẳng xuống vùng đất của xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, cách bờ sông vài chục mét. Không có nhà dân nào bị máy bay gây cháy cả.
Vậy là, sau khi tiêu diệt một chiếc RA-5C và một chiếc F-4 của bọn Mỹ, phi công trẻ Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên của bầu trời và sự thanh bình của mặt đất. Anh đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #111 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2019, 08:39:21 pm »

Đêm 28 tháng 12, Mỹ sử dụng 60 chiếc B-52 (một nửa từ U-ta-pao, một nửa từ Andersen) đánh phá các mục tiêu quanh Hà Nội, Xuân Mai, Văn Điển, ga xe lửa Lạng Giang và Hải Phòng. Thời điểm có mặt trên mục tiêu là 22 giờ 15 phút.
Vũ Xuân Thiều nhận lệnh bí mật chuyển sân bay đến hạ cánh ở sân bay Cẩm Thủy.
 Sân bay Cẩm Thủy trước đó đã bị đánh phá. Trong hơn 200 quả bom ném xuống sân bay, có đến 16 quả trúng đường băng. Sân bay bị phá hỏng nặng, ta không sử dụng nên địch cũng không đánh lại. Chúng hoàn toàn bất ngờ khi ta đưa được MiG vào sân bay này.
21 giờ 28 phút, xuất hiện tốp B-52 thứ hai rồi thứ ba ở phía Đông Nam Pạc-xan 90 km. Phó tư lệnh Trần Mạnh trực tại Sở chỉ huy tiền phương nhận định: đây chính là các tốp B-52 vào đánh Hà Nội.
Vũ Xuân Thiều trực ban chiến đấu trên chiếc máy bay F-94 nhận lệnh chuyển cấp 1 lúc 21 giờ 30 phút.
Vào lúc 21 giờ 41 phút. Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Sở chỉ huy Thọ Xuân dẫn Vũ Xuân Thiều vòng ra phía sau đội hình B-52.
21 giờ 52 phút, Sở chỉ huy Thọ Xuân thông báo mục tiêu phía trước 50 độ, cự li 15 km, nhưng do nhiễu quá nặng và dày đặc, Vũ Xuân Thuề không phát hiện được mục tiêu. Lúc này, sĩ quan dẫn đường Trần Xuân Mão bằng kinh nghiệm của mình khi trực trên đài hiện sóng đã phát hiện chấm trắng đục giữa nền nhiễu. Anh khẳng định đấy chính là B-52. Bọn B-52 đã thay đổi chiến thuật, chúng vòng ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh Hà Nội. Sở chỉ huy lập tức cho Thiều vòng phải gấp, bay qua Sầm Nưa lên hướng Bắc, đuổi theo tốp B-52 đang bay về hướng Nà Sản - Sơn La.
21 giờ 58 phút, khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều báo cáo đã phát hiện được mục tiêu và tăng tốc độ bám sát. Trong bầu trời tối đen, ra-đa trên máy bay lại bị nhiễu nặng nên khó phán đoán được cự li. Vũ Xuân Thiều bình tĩnh phán đoán cự li bằng mắt theo tín hiệu đèn hàng hành của B-52.
Phó tư lệnh Trần Mạnh ở Sở chỉ huy tiền phương nhắc nhở: "Nhớ bật công tắc bắn cả loạt. Kiên quyết tiêu diệt địch!". Vũ Xuân Thiều trả lời: "46 nghe rõ!".
Vũ Xuân Thiều đã ấn nút phóng 2 quả tên lửa vào chiếc B-52 khi này đã ở rất gần chiếc MiG của anh. Chiếc B-62 bùng cháy, rơi xuống khu vực Cò Nòi của Sơn La và Sở chỉ huy cũng mất liên lạc với anh.
Với kinh nghiệm và linh cảm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, Phó tư lệnh Trần Mạnh hiểu ngay điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo để phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan tác chiến báo cáo về Sở chỉ huy Binh chủng.
Tại Sở chỉ huy Binh chủng, Phó tư lệnh Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Ông nhấc máy điện thoại trao đổi với ông Trần Mạnh rất lâu và thống nhất nhận định rằng: phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li rất gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, đã lao thẳng vào đội hình B-52 và anh dũng hy sinh.
Trận chiến giữa trời đêm xảy ra quá nhanh. Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều thật phi thường.
Vậy là trong một ngày đêm 28 tháng 12 năm 1972, phi công trẻ tuổi Hoàng Tam Hùng đã hy sinh anh dũng sau khi bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ ngay trong trận đầu xuất klch trên MiG-21, trở thành một trong những phi công Việt Nam bắn rơi 2 chiếc trong một trận không chiến. Chiếc RA-5C bị Tam Hùng bắn rơi là chiếc máy bay loại này đầu tiên của Hải quân Mỹ bị Không quân Việt Nam bắn rơi ở Việt Nam, bổ sung thêm một loại máy bay trong danh mục các loại máy bay Mỹ bị Không quân Việt Nam bắn rơi.
 Phi công Vũ Xuân Thiều đã nâng số B-52 bị bắn rơi lên chiếc thứ hai. "Pháo đài bay bất khả xâm phạm" - một trong 3 con bài chiến lược của đế quốc Mỹ đã bị các phi công Việt Nam bẻ gãy. Cho tới tận bây giờ, chưa phi công nào trên thế giới làm được điều đó cả.
Trung úy Hoàng Tam Hùng cùng với Thượng úy Vũ Xuân Thiều là những phi công Việt Nam cuối cùng hy sinh trong các trận không chiến hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc ngay trước ngưỡng cửa ngày thắng lợi, khi chỉ còn 28 ngày nữa là Hoàng Tam Hùng bước sang tuổi 24, còn Vũ Xuân Thiều thì đang ở tuổi 27.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #112 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2019, 09:00:38 pm »

Mấy chục năm sau chiến tranh, tình cờ tôi gặp lại bạn gái của những phi công đã ngã xuống "trước ngưỡng cửa bình minh" - trước ngày chiến thắng. Chúng tôi ngồi ôn lại những ngày xưa, những kỷ niệm xưa, và rồi, tôi đã viết "Khoảng trời nỗi nhớ":

   Em đến với chúng tôi
   Giữa trưa
   Không gian yên tĩnh lạ
   Với nắng mùa Thu "rám trái bòng"
   Với sắc trời thăm thẳm một thinh không
   Với kho tàng kỷ niệm
   Về chiến tranh
   Đã mấy ai trong cuộc sống thanh bình
   Ôn lại thời quá vãng
   Cay đắng, giận hờn, hân hoan... ngỡ đi vào quên lãng
   Bỗng thổi bùng trưa nay
   Cám ơn em đến với chúng tôi đây
   Với từng đồng đội
   Với những nỗi gian truân
   Với những gì nông nổi
   Chỉ xảy ra ... vào thuở ngày xưa

   Còn bây giờ...
   Thoắt nắng
   Thoắt mưa
   Gánh gió, leo mây, bán giời bằng văn tự
   Cái thuở bao điều kiêng cữ...
   Còn đâu!

   Cám ơn em đã khơi lại nỗi đau
   Cho mắt lại một lần rưng lệ
   Những bạn lứa nơi chân trời góc bể
   Hẳn cũng mỉm cười bằng an

   Rồi em về
   Chống chếnh không gian
   Làn gió chao nghiêng khoảng trời - nỗi nhớ
   Lòng những xốn xang câu ca quan họ
   "Người ơi!... người ở!..."
   Cánh chim quê đã chìm khuất chân trời!...
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #113 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2019, 05:08:45 pm »

xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Chào các bác đang tham gia trang nhà. Đọc bài thơ của anh phicong thấy cay mắt mũi. Giá anh đăng tấm hình cuộc gặp gỡ  ấy, người con gái ngày ấy là bạn của phi công. Cảm ơn anh nhà văn của hậu chiến tranh không chiến thật sâu xa.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #114 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2019, 02:34:06 pm »

Cám ơn Xuanv338. Ngày ấy không có máy ảnh hay điện thoại thông minh như bây giờ nên không lưu lại được những giây phút hội ngộ nặng đầy tình cảm ấy. Có điều, hình bóng của những người bạn của đồng đội mình thì chẳng thể phai mờ trong tâm khảm của những người ở lại.
Trở lại cái đêm 28 tháng 12 năm 1972.
 Khi Vũ Xuân Thiều trực chiến ở sân bay Cẩm Thủy thì phi công Đinh Tôn trực ở sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 F-96. Anh Đinh Tôn nhận lệnh vào cấp 1 sau Vũ Xuân Thiều 9 phút, tức là vào lúc 21 giờ 39 phút.
Lúc 21 giờ 48 phút, anh Đinh Tôn nhận lệnh xuất kích chiến đấu. Sau khi rời đất, anh được dẫn ra phía Hòa Bình - Suối Rút rồi lên phía Bắc Mộc Châu để chặn đánh tốp B-52 đang bay về hướng Phù Yên. Lúc 22 giờ 04 phút, anh Đinh Tôn phát hiện thấy đèn hàng hành của đội hình B-52, nhưng sau đó lại mất vì góc vào quá lớn. Sở chỉ huy cho vòng phải lấy hướng bay 90 độ để cắt vào phía sau mục tiêu, nhưng do tốp B-52 đã phát hiện có MiG bám theo nên tắt đèn hàng hành và cơ động tránh MiG. Đồng thời, anh Đinh Tôn phát hiện có nhiều tiêm kích Mỹ đang bám phía sau anh. Thấy tiếp tục đuổi theo không có lợi nên Sở chỉ huy cho anh giảm độ cao, thoát li về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
 Anh Đinh Tôn là người từng tiếp xúc và gắn bó với đời bay từ rất sớm. Ngay từ cuối năm 1956, anh đã cùng các anh Trần Minh Khuê, Hoàng Liên, Nguyễn Ngộ, Trịnh Hồng Thuận, Nguyễn Phong Tùng, Lê Công Uẩn được cử sang Tiệp Khắc học lái máy bay thể thao.
 Tháng 9 năm 1958, các anh tốt nghiệp về nước, biên chế về sân bay Cát Bi bay trên loại máy bay Aero-45. Sau đó, anh chuyển sang lái máy bay vận tải Li-2, tham gia vận chuyển hàng hóa cho các chiến trường.
Năm 1961, trong một chuyến bay làm nhiệm vụ gần biên giới, khi các máy bay C-47 của Mỹ bám theo khiêu khích, anh đã dũng cảm dùng máy bay Li-2 quay lại đối đầu, uy hiếp máy bay C-47, khiến máy bay Mỹ phải rẽ ngang, tháo chạy.
Trận đối đầu này tuy chưa phải là trận không chiến theo đúng nghĩa, nhưng nó được coi như trận đối đầu trên không đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Tôi còn được biết, trong thời gian vận chuyển giúp các bạn Lào, anh Đinh Tôn mấy lần đã bị bọn RB-26 uy hiếp. Sau những lần ấy đã có những cuộc họp. Chính ủy Đỗ Long giao nhiệm vụ trực tiếp cho phép dùng súng máy để tự bảo vệ và xưởng cơ khí đã làm giá súng đại liên trên máy bay.
Tháng 7 năm 1962, chiếc Li-2 của anh Đinh Tôn bị máy bay RB-26 thuộc phái hữu Lào kèm. Anh cho mở cửa sổ bên phải, ép độ nghiêng sang phía máy bay địch chừng 20 đến 30 độ, cốt để mở rộng góc bắn và cũng để loại trừ khả năng bắn vào đuôi ngang của máy bay mình.
Cơ giới trên không Phan Thanh Liêm đã dùng súng RPK bắn đạn vạch đường vào thẳng thằng RB-26 khiến thằng này hốt hoảng chuồn thẳng.
Đấy có lẽ là vụ nổ súng đầu tiên ở trên không, khởi đầu cho những trận không chiến về sau này. Bản tính của phi công tiêm kích chiến đấu cũng đã có sẵn trong anh Đinh Tôn ngay từ bấy giờ rồi.
Năm 1965, anh là Đoàn trưởng đoàn bay của chúng tôi sang học bay bên Liên-xô. Ngay từ chuyến đầu tiên bay cảm giác trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29, thày giáo dạy bay đã để anh bay đơn rồi.
Nhờ có anh làm trưởng đoàn bay với những kinh nghiệm già dặn trên không, anh đã truyền đạt lại cho chúng tôi những "ngón nghề" trong kỹ năng lái máy bay và đoàn chúng tôi đã tốt nghiệp với tỉ lệ khá cao cho dù khóa bay ấy là khóa bay thử nghiệm không bay qua loại máy bay sơ cấp cánh quạt Iak-18 mà bay ngay trên loại phản lực L-29 rồi từ loại L-29 lại chuyển thẳng lên MiG-21. Chúng tôi được chọn ra 24 người để bay trên MiG-21 thì đã tốt nghiệp 21 người, chỉ "rớt" 3 người xuống bay MiG-17 mà thôi.
Anh Đinh Tôn vốn xuất thân từ chiến sĩ trinh sát của Đại đội trinh sát thuộc Sư đoàn 308. Trong mọi tình huống, anh luôn bình tĩnh và phản ứng rất nhanh. Anh không chỉ bay giỏi mà các lĩnh vực khác trong thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, chạy, nhảy... anh cũng đều giỏi. Ngay từ khi làm đoàn trưởng đoàn bay của tôi, anh đã có tên trong danh sách đội tuyển các đội bóng của nhà trường rồi. Một trong những thú vui của anh là săn bắn. Trong lĩnh vực này anh cũng là một tay súng cừ khôi, một thiện xạ không mấy ai sánh kịp. Anh nấu nướng và chuẩn bị các món nhậu cũng thuộc loại khá nhanh và khá sành điệu, đồng thời cũng thuộc loại "lì" nhất nhì trong khoản uống. Đã có lần tôi được "hầu rượu" hai anh là anh và anh Trần Ngọc Bích - cựu phi công bay trực thăng. Hai anh hợp nhau và uống với nhau vui lắm. Lúc hứng chí, anh Bích còn đọc thơ của anh:
       
       Phong lan, phong cấp, phong trần
       Trong ba phong ấy, anh cần phong chi?
       Phong lan chẳng để làm gì!
       Phong trần khổ lắm, vứt đi cho rồi!
       Chỉ còn phong cấp mà thôi!!!

 Hai anh cười rất khoái trá. Tôi tiếp tục tiếp rượu. Hai anh lại "cạch" và lại "ực", vui vẻ, thư thái vô cùng...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #115 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2019, 03:02:35 pm »

Anh Đinh Tôn là người có tính tình cởi mở, thẳng thắn, thân thiện, hào phóng...Tôi vừa quý, vừa nể, vừa phục anh. Anh để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ với tôi mà với cả thày dạy bay, chuyên gia bay nữa.
Không ai có thể quên được lần vào cuối buổi chiều ngày 11 tháng 9 năm 1972, khi anh bay cùng với chuyên gia Liên-xô Vaxili Môtlôp bay hồi phục trên chiếc UMIG-21 nhào lộn kỹ thuật phức tạp ngay trên đỉnh sân bay Đa Phúc. Chiếc UMIG-21 không mang tên lửa này đã bất ngờ bị 2 chiếc F-4 của Thủy quân lục chiến Mỹ tấn công. Anh vừa cơ động tránh tên lửa vừa tìm cách giành thế chủ động cho mình. Có lúc anh vòng bám được đằng sau máy bay địch như thể chuẩn bị phóng tên lửa làm cho bọn F-4 lo ngại, cơ động gấp. Vì bay huấn luyện vào đúng giai đoạn sắp kết thúc bài bay nên dầu liệu không còn nhiều, hơn nữa lại phải bật tăng lực liên tục để cơ động nên chẳng mấy chốc máy bay của anh đã cạn dầu liệu. Anh quyết định rời bỏ máy bay.
Anh chủ động nói với chuyên gia bay: "Chuẩn bị tư thế để nhảy dù!". Sau khi anh và chuyên gia Liên-xô nhảy dù ra khỏi máy bay, chiếc UMIG-21 trở thành chiếc máy bay không người lái và chỉ đến lúc bấy giờ bọn F-4 mới bắn hạ được nó.
Sau khi tiếp đất an toàn và trở về doang trại, chuyên gia Vaxili Môtlôp đã nói với anh như nói với người bạn, người thân trong gia đình: "Tao là người bay với rất nhiều phi công khác nhau, nhưng chỉ thấy mỗi mày là người có tư chất đặc biệt. Mày sinh ra là để bay!".
Ông Vaxili Môtlôp nhận xét quá chính xác!. Đúng!. Anh là người sinh ra để bay thật!. Tôi luôn ngưỡng mộ trước trình độ điêu luyện và tài năng bay của anh. Tôi thấy rằng, cho tới tận bây giờ, không ai có thể sánh với anh được!. Anh là number one! - là Số Một!.

 Còn Vũ Xuân Thiều thì báo chí đã viết về anh nhiều rồi. Tôi cũng đã viết cuốn "Vũ Xuân Thiều phi công cảm tử", được NXB Lao Động xuất bản rồi. Tựu trung lại, anh sinh năm 1945 tại Hải An, Hải Hậu, Nam Định, là cựu học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Anh nhập ngũ cùng 10 sinh viên trường Đại học Bách khoa, học lái máy bay thuộc đoàn bay MiG-21 khóa Ba. Lần đầu tiên trực chiến vào ngày 2-6-1968. Tên anh đã được đặt cho trường Tiểu học của quận Long Biên, Hà Nội và cũng có một con đường ở đó mang tên anh.
 Còn Trung úy Hoàng Tam Hùng thì sinh năm 1948 tại Phong Điền, Thừa Thiên, Huế, là cựu học sinh Nhà trẻ mẫu giáo quân đội đầu tiên ở Chiến khu Việt Bắc và trường phổ thông 3B Hà Nội. Nhập ngũ năm 1965 bay MiG-17 và sau khi về nước được biên chế vào Trung đoàn KQ 923. Tháng 9 năm 1972 anh cùng 5 phi công MiG-17 khác chuyển loại bay lên MiG-21, biên chế về Trung đoàn KQ 927. Với sự chỉ huy, kèm cặp của các phi công Anh hùng nổi tiếng như Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa và đặc biệt là Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị, chỉ sau hơn 1 tháng chuyển loại, anh đã có thể tham gia trực ban chiến đấu trên MiG-21. Trận ngày 28-12-1972 là trận đầu xuất kích và tham chiến của anh và cũng là người bắn rơi 2 chiếc trong một trận không chiến.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #116 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2019, 08:17:19 am »

Ngày và đêm thứ mười hai của chiến dịch Linebacker-2.
Trong những ngày cuối của chiến dịch Linebacker-2, Không quân Mỹ hoạt động gần như theo một quy luật, đó là: ban ngày sử dụng máy bay chiến thuật trinh sát và đánh phá các mục tiêu còn sót lại của trận đánh bằng B-52 tối hôm trước và các trận địa tên lửa Phòng không. Ban đêm, trước khi các tốp B-52 vào, các máy bay F-111 và A-6 đánh phá các sân bay để các máy bay MiG không thể cất cánh được. Theo tin tình báo chiến lược, đêm 29-12 sẽ có 50 lượt chiếc B-52 chia làm hai đợt đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Thực tế, Mỹ đã sử dụng 60 chiếc B-52, mỗi căn cứ Không quân 30 chiếc cùng với 102 máy bay yểm trợ để tiếp tục đánh phá. Thời điểm đánh đầu tiên là 23 gio2 phút.
Bộ tư lệnh KQ giao nhiệm vụ cho lực lượng đánh đêm của Trung đoàn KQ 921 phục kích tại các sân bay ngoài vòng hỏa lực (Kép, Yên Bái, Miếu Môn) sẵn sàng cất cánh chiến đấu. Các phi công thuộc Phi đội 5 đánh đêm được lệnh sẵn sàng cất cánh đánh các tốp B-52 và cường kích từ cả ba hướng: Một, phía Tây từ Sầm Tấu - Mộc Châu vào. Hai, phía Tây Nam từ Mường Xén vào. Ba, từ hướng Bắc dọc biên giới qua Bảo Hà đánh xuống Hà Nội.
Lúc 22 giờ 15 phút xuất hiện 4 tốp B-52 đi vào từ hướng Tây và 3 tốp từ hướng Đông vào phía Đông Bắc Hải Phòng.
Phi công Nguyễn Khánh Duy trực ban chiến đấu ở sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 F-96 vào cấp 1 lúc 22 giờ 58 phút và nhận lệnh xuất kích lúc 23 giờ 02 phút. Sau khi cất cánh, anh được dẫn về hướng Yên Bái - Tuyên Quang để chặn đánh tốp B-52 bay vào từ hướng Tây xuống.
Do bị nhiễu quá mạnh, bắt mục tiêu rất khó, không thể tiếp cận được bọn B-52 ở phía ngoài hỏa lực tên lửa nên Sở chỉ huy lệnh cgho Nguyễn Khánh Duy vòng trái thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc vào lúc 23 giờ 28 phút.
Trên sân bay Kép, phi công Bùi Doãn Độ trực chiến với loại máy bay MiG-21 F-96, vào cấp 1 lúc 23 gió 25 phút và xuất kích chiến đấu lúc 23 giờ 28 phút. Cũng giống như Nguyễn Khánh Duy trước đây, Bùi Doãn Độ cất cánh từ "Đường ngang" của sân bay Kép và cũng khó nhọc lắm mới "lôi" được máy bay của mình tách đất.
23 giờ 35 phút, khi bay ngang Phú Lương, Sở chỉ huy ở Thọ Xuân cho Bùi Doãn Độ bay lên phía Chợ Đồn và lấy độ cao lên 10.000 mét, sau đó lên 11.000 mét. Máy bay địch bay vào phía Nam của Yên Bái và vòng phải quay ra.
23 giờ 48 phút, Bùi Doãn Độ ở ngang Sơn Dương, Sở chỉ huy Thọ Xuân lệnh cho Độ vòng vào tiếp cận mục tiêu. Đúng lúc này, Bùi Doãn Độ phát hiện thấy ánh đèn xanh mờ bên phải máy bay mình chừng 25 độ. Anh báo cáo phát hiện mục tiêu và xin phép công kích. Sau khi tăng tốc độ bám theo mục tiêu, do tốc độ lớn nên anh bị văng ra phía ngoài nhưng vẫn thấy ánh lửa phụt ra từ buồng đốt của động cơ máy bay địch. Anh bám theo và khi điểm ngắm đã ổn định, anh phóng 2 quả tên lửa rồi thoát li về phía bên phải. Sở chỉ huy lệnh cho anh thoát li trái. Anh liền lật lại, lúc ấy còn kịp thấy chiếc F-4 nghiêng bổ xuống với góc 30 độ. Anh cải máy bay mình ra, kéo lên lấy độ cao và được dẫn về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 23 giờ 58 phút.
Đây là chiếc F-4 đầu tiên bị MiG-21 bắn hạ về ban đêm và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị bắn hạ bằng chính MiG-21, đồng thời đấy cũng là chiếc máy bay thứ 320 của Mỹ bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn hạ.
Ngày 29 tháng 12 năm 1972 trở thành ngày không chiến cuối cùng của năm 1972, cũng là trận cuối cùng của MiG-21 trong chiến dịch Linebacker-2 và trong cả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.
Ngày 30 tháng 12 năm 1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng... kéo dài 12 ngày đêm bị thất bại hoàn toàn.
Quân và dân ta, nòng cốt là bộ đội Phòng không-Không quân đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, 5 máy bay F-111... Dư luận thế giới gọi mặt trận trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972 là "Trận Điện Biên Phủ trên không".
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #117 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2019, 08:59:45 pm »

xuanv338 xin chào anh chủ phicongtiemkich. Chào các bác đang tham gia trang nhà. Ngày xưa ai cũng khát khao tìm đọc  truyện. Nghìn lẻ một đêm. CÒn hôm nay chúng ta lại được nghe chuyện 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Chuyện của những ngày dài không chiến mà những người lính bộ binh một thời đâu hình dung ra chuyện đánh nhau ở trên trời thế nào đâu. Hôm nay thì anh phicongtiemkich đã đưa chúng ta được xem lại những màn hình phim lớn bằng văn kể về những người lên tận mây xanh để bảo vệ bầu trời bình yên của Tổ Quốc. Cảm ơn anh, chúc anh khỏe mạnh, giọng vang , cái đầu minh mẫn viết tiếp chuyện nhà trời.
Logged
Haianh_od
Thành viên
*
Bài viết: 64


« Trả lời #118 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2019, 08:34:30 am »

Chào chú PCTK! Hôm trước cháu có đọc một bài trên FB thuộc nhóm Bầu trời đồng đội nói về PC Bùi văn Sưu bắn rơi 03 chiếc máy bay nhưng trong thực tế ông bắn rơi 05 chiếc, trong đó có trận ông bắn rơi 03 chiếc. hình như vụ này thành tích của ông được lấy cho E921? Nếu vậy ông cũng là PC bắn rơi 02 chiếc trong một trận như Lâm văn Lích, Hoàng Tam Hùng!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #119 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2019, 09:39:43 pm »

Cám ơn các đồng đội vẫn đang theo dõi chuyện của tôi. Riêng tin về anh Bùi Văn Sưu trong một trận chiến bắn rơi 3 chiếc thì tôi chưa được nghe. Điều này phải kiểm nghiệm thật chắc chắn chứ không nói chơi được. Ngay như một Ace của Mỹ là Cunningham cũng từng nói là bắn rơi 3 chiếc MiG trong trận ngày 10-5-1972 mà khi xem xét và chứng minh lại thì đâu có chuyện đó. Còn việc trong một trận bắn rơi 2 chiếc đã là hiếm. Trong KQ ta đâu có nhiều....
 Tôi xin trở lại với những ngày cuối của chiến tranh.
 Phía Mỹ đã công bố kết quả khi kết thúc chiến dịch Linebacker-2 là:
         - Máy bay B-52 thực hiện 729 lần chiếc bay.
         - Máy bay yểm trợ thực hiện hơn 1000 lần chiếc bay.
         - B-52 ném hơn 49.000 quả bom (20.370 tấn bom)
         - Thiệt hại 15 máy bay B-52 và 11 máy bay chiến thuật.
Tuy rằng con số thiệt hại của B-52 họ công nhận còn xa với thực tế nhưng "cái giá phải trả của cuộc chiến tranh đường không ở miền Bắc Việt Nam là cực kỳ cao về mặt tài chính lẫn về mặt chính trị. Việc ném bom còn giúp cho các nhà lãnh đạo cộng sản miền Bắc Việt Nam tổ chức đất nước sản xuất và sẵn sàng cho chiến tranh. Nhưng có lẽ hậu quả tai hại nhất của việc ném bom miền Bắc Việt Nam là nó làm lệch trọng tâm chú ý vấn đề Việt Nam - chiến trường miền Nam Việt Nam - nơi mà cuộc chiến tranh đang ở thời điểm quyết định thắng bại.
 Chiến dịch ném bom của Ních-xơn không đem lại thắng lợi cuối cùng, không phản ánh được tầm quan trọng thật sự của Không lực, mà chỉ làm mất ảo tưởng của những người ủng hộ Không quân" - (theo nhận xét của giáo sư Guenter LEWY nhận xét trong "Ameica in Vietnam" (Mỹ ở Việt Nam) Oxford, Oxford University Fress, 1978)
 18 năm sau, Mỹ lại tiến hành một chiến dịch đường không lớn: chiến dịch "Bão táp sa mạc". Máy bay B-52 lại được sử dụng với tổng số lần chiếc bay lớn gấp 2 lần Linebacker-2, nhưng không chiếc nào bị bắn rơi, tuy B-52 đã "cũ đi" 18 năm. Như vậy đủ biết giá trị chiến thắng trong mặt trận "Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại đến nhường nào.
Mặc dù ngày 30 tháng 12 năm 1972, Nixon đã tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, nhưng cho đến trước ngày 27 tháng 1 năm 1973, khi Hiệp định Paris chính thức được ký kết,. Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát và đánh phá các mục tiêu phía Nam vĩ tuyến 20. Trong thời gian này, Không quân Việt Nam vẫn phải tổ chức xuất kích chiến đấu cả ngày lẫn đêm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM