Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:29:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48225 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2019, 04:11:40 pm »

Khi vợ chồng tôi đến Lai Vung từ những năm trước để thăm anh, tôi đã "chộp" được một pô ảnh có cả hai anh chị đang cười tươi. Theo tôi thì đây là bức ảnh tương đối hiếm vì chị không bao giờ để cho ai chụp chị cùng với anh cả.
Vậy bác chia sẻ với mọi người đi chứ.
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2019, 08:53:01 am »

Tôi đã gửi bức ảnh ấy cho Bảo tàng Quân chủng PK-KQ và khi nào gặp Giangtvx, tôi sẽ "khoe" riêng thôi.
 Vĩnh biệt người Anh hùng huyền thoại Nguyễn Văn Bảy với cuộc đời ngát thơm như hương sen Đồng Tháp!. Bây giờ hãy trở lại với Phi đội đánh đêm, với các phi công đánh đêm ngày ấy.
 Do tất cả các sân bay ở miền Bắc đều đã bị địch phát hiện và đánh phá liên tục hai đến ba ngày liền, hoặc cách một ngày đánh một ngày làm cho ta không đủ thời gian khôi phục, cần phải bí mật cơ động đến các sân bay ở vòng ngoài, phối hợp chặt chẽ giữa Sở chỉ huy trung tâm và Sở chỉ huy vòng ngoài để dẫn dắt.
Từng Sở chỉ huy phải tìm cách thu và phân tích nhanh chóng cùng một lúc tất cả các tình báo của nhiều Đại đội ra-đa dẫn đường, mới tạo ra khả năng phán đoán đúng tốp B-52 để dẫn MiG-21 vào tiếp cận và kiểm soát được các tốp F-4 yểm hộ nguy hiểm để nhanh chóng dẫn ta vượt qua chúng, hoặc kịp thời thông báo cho phi công cơ động tránh bị địch công kích. Các sĩ quan dẫn đường phải tính toán nhanh, chính xác các số liệu dẫn vào tiếp cận để phi công sớm nhìn thấy đèn của B-52, phải liên tục thông báo cự li bám sát để phi công tiến hành xạ kích bằng máy ngắm quang học là chính. Các phương án đánh B-52 một lần nữa lại được đưa ra rà soát, hiệu chỉnh cho hoàn thiện.
Phải nói một điều rằng, các phi công ở trên trời nếu như không có sự dẫn dắt của các Sở chỉ huy, của các sĩ quan dẫn đường (trong Sở chỉ huy hay trên màn hiện sóng) thì không thể biết được tình thế trện không ra làm sao cả: không thể biết được tương qua giữa mình và địch, vị trí tương ứng giữa mình và địch... và nhiều thứ khác nữa, cũng giống như là người mù mà thôi. Chiến công bắn rơi máy bay địch hay cản phá, bẻ gãy được đợt tấn công của địch là chiến công chung của tấ cả mọi thành phần, đúng như Bác Hồ từng nói với Quân chủng KQ: "Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể". Một cá nhân thì không làm nên được việc gì ghê gớm cả. Tiếc rằng, các sĩ quan dẫn đường cho tới giờ ít được tuyên dương danh hiệu cao quý. Mới chỉ có được anh Nguyễn Văn Chuyên là nhà nước trao tặng danh hiêuh Anh hùng mà thôi. Các anh em dẫn đường thường có câu: "Ngồi dai, chai đít, công ít, tội nhiều!" có lẽ cũng đúng. Trong Sở chỉ huy thì phải ngồi lì bao nhiêu tiếng đồng hồ để nghiên cứu, tính toán, dẫn dắt. Khi lập thành tích thì ít ai nói đến thành phần dẫn đường nhưng khi dẫn sai lệch dẫn đến trận đánh bị thiệt hại về phía ta thì phành phần dẫn đường bị "cạo" cho tới số. Cũng là sự chưa công bằng. Theo tôi, các anh như Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng, Lê Thành Chơn... là những dẫn đường kỳ cựu, có nhiều thành tích và công lao trong việc dẫn dắt, đem lại nhiều trận thắng lợi cũng phải được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Rồi nữa, Tư lệnh phó Trần Mạnh - một vị tướng có tài, có tâm, có tầm...đã đưa MiG-21 lập nên nhiều thành tích. Không có chiến công nào của MiG-21 mà không có sự chỉ huy của ông, kể cả trận đánh tàu địch của MiG-17 cũng vậy. Ông cũng chưa được phong tặng danh hiệu cao quý, nhưng từ lâu, ông đã xứng đáng là người Anh hùng trong lòng của tất cả chúng tôi rồi.
 Đêm, 26 tháng 12 năm 1972, Không quân Mỹ thay đổi thủ đoạn đánh phá. Oa-sinh-tơn ra lệnh "nỗ lực tối đa" chống Hà Nội. Chúng sử dụng 7 đợt đánh gồm 120 B-52. Thời điểm tấn công mục tiêu của 7 đợt là 22h30 phút. Thời gian ném bom là 15 phút. Bốn đợt tiếp cận Hả Nội từ 4 hướng khác nhau cùng một lúc. Một đợt khác đánh ga Thái Nguyên. Hai đợt tiếp cận Hải Phòng từ các hướng khác nhau đánh vào ga xe lửa, khu biến thế điện. Chủ trương là oanh tạc đến mức bão hòa và làm rối loạn hệ thống phòng thủ. Máy bay yểm trợ lấy từ các đơn vị của Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân. Tổng cộng tất cả là 113 chiếc.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2019, 02:36:22 pm »

Trong đêm này, máy bay B-52 Mỹ đã ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên - một đường phố đông dân cư nhất của Hà Nội thời đó. Cả 17 khối phố bị tàn phá, trong đó có cả nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, đình chùa, rạp hát, các di tích lịch sử...Trong đợt rải thảm này, bọn Mỹ đã làm chết 278 người, trong đó có 55 trẻ em.
Những năm sau này, vào ngày này thì Khâm Thiên thành ngày giỗ chung. Nhiều lần tôi đi qua đây, vào viếng tượng đài kỷ niệm ngày đau thương này mà không cầm được nước mắt. Vào năm 2012, tôi cũng đã từng viết:
          Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi năm
          Không còn tiếng bom rơi, đạn nổ
          Không còn bóng dáng những giao thông hào
          Những hầm, những hố...
          Chỉ thấy những tòa nhà cao vút chọc trời
          Và những dòng xe cộ ầm ỹ tiếng còi...
          Với những bon chen...
          Toan tính những điều được, mất...
          Mặc ồn ã của đời thường tấp nập
          Phố Khâm Thiên vẫn chìm lắng giữa khói hương
          Người thương binh lầm lũi bước qua đường
          Một chân cút với chiếc đầu trọc lốc
          Nghe tiếng nạng gõ đều đều, khô khốc
          Nhìn trời cao
          Tôi lại khóc âm thầm...
 Nhưng cũng trong đêm 26 tháng 12 năm 1972, tên lửa và pháo cao xạ của Việt Nam đã bắn rơi 16 máy bay Mỹ, trong đó có 8 chiếc B-52 và 1 trực thăng HH-53, có 4 chiếc rơi tại chỗ, bắt làm tù binh nhiều phi công Mỹ...
Trận đánh đêm 26 này rất ác liệt và có ý nghĩa then chốt, quyết định, đẩy nhanh đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2019, 11:53:09 am »


<a href="http://www.youtube.com/watch?v=zngiQVJB3FU" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=zngiQVJB3FU</a>


https://www.youtube.com/watch?v=zngiQVJB3FU&feature=youtu.be
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2019, 12:05:59 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2019, 08:54:04 am »

Cám ơn Giangtvx đã cho xem thước phim thật cảm động. Tôi nhớ về các đồng đội của tôi, nhớ đến Vũ Xuân Thiều mà không cầm nổi nước mắt. Tôi từng nói với các bạn hữu, đồng đội của tôi rằng:
     Nếu lưu lại được cho đời
     Một chút khóc, một chút cười cũng hay
     Để khi "nhắm mắt, xuôi tay"
     Chẳng cần tiếc nuối những ngày đã qua!...
Các phi công tiêm kích Việt Nam đã không chỉ lưu lại một chút mà đã để lại được rất nhiều trang sử vẻ vang. Chỉ mong muốn các thế hệ sau hãy trân trọng gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu, tốt đẹp ấy.
Việc giáo dục như thế nào là cả một vấn đề. Ngay từ bây giờ, từ khi bọn trẻ còn bé tí đã phải cho chúng hiểu dần dần lịch sử hào hùng của dân tộc mới được. Cũng xin gửi lại đây bài "Chuyện ông và cháu" để các đồng đội nghe chơi:
   
     Ông đưa cháu ra thăm sân bay
     Cháu vội đi sát cạnh ông, giật giật cánh tay:
     - Ông ơi! Cái sân gì mà to to quá
       Chúng cháu tha hồ chơi bóng đá!
     - Ừ! Đấy là sân đỗ máy bay!
     - Ông nhìn kìa! Những đám mây
       Chúng gống như những "rô-bơt trái cây"
     - Ừ! Nơi đấy ông đã từng bay
       Từng để lại cả thời trai trẻ
       Đồng đội ông đã nhiều người lặng lẽ
       Chấp nhận hy sinh
       Cho trời cao mãi mãi yên bình
       Cho các cháu được đến trường đến lớp
       Cho các cháu được vui chơi, múa hát...
       Cũng trở về từ xanh thẳm bao la
       Ông đã đem tình yêu đến với bà
       Rồi...sinh ra bố cháu
       Ở nơi ấy biết bao điều còn nung nấu
       Qua những tháng năm dãi nắng dầm mưa
       Bao giờ cho đến ngày xưa
       Ông lại bay, dệt ước mơ giữa trời!...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #105 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2019, 09:24:25 am »

Chiến dịch Linebacker - 2 đã bước sang ngày thứ mười.  Ngày 27 tháng 12, Không quân Mỹ huy động 50 lượt, chiếc tiếp tục đánh phá Hà Nội, Thái Nguyên, các mục tiêu đường số 2 và số 3 cùng các sân bay.
Ngày 27 tháng 12 là ngày thời tiết tốt nên Không quân và Hải quân Mỹ tổ chức các đợt tấn công lớn trên cả hướng Hà Nội và Hải Phòng.
 Lúc 13h26 phút, biên đội của Đỗ Văn Lanh, Dương Bá Kháng thuộc Trung đoàn KQ 927 nhận lệnh chuyển cấp và sau đó là xuất kích chiến đấu. Sở chỉ huy dẫn dắt biên đội tiếp cận tốp địch và biên đội đã phát hiện được địch. Đang quan sát thì nghe thông báo phía sau có địch. Cả biên đội vòng phải gấp. Số 2 lại phát hiện phía sau còn 2 chiếc F-4 nữa, anh thông báo cho số 1 biết và thu cửa dầu, khiến 2 chiếc F-4 này xông lên phía trước. Số 2 nhanh chóng bám theo và tiến hành ngắm bắn. Khi điểm ngắm ổn định, ở cự li 1800 mét, anh ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa lao về phía F-4 nhưng nổ ở phía sau. Lúc này 2 chiếc F-4 vẫn cơ động đan chéo, số 2 Dương Bá Kháng tiếp tục bám sát chiếc F-4 bay số 1 và đến cự li 1400 mét, anh phóng tiếp quả tên lửa thứ hai. Quả tên lửa lao thẳng vào chiếc F-4 khiến nó bốc cháy ngùn ngụt và lao thẳng xuống đất. Số 1 Đỗ Văn Lanh bám sát chiếc còn lại nhưng nó  cơ động rất gấp đồng thời bật tăng lực chui luôn vào mây nên anh bị mất mục tiêu. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát li khỏi khu chiến về hạ cánh an toàn tại sân bay Đa Phúc.
 Vào đấu giờ chiều, biên đội Trần Sang, Bùi Thanh Liêm thuộc Trung đoàn KQ 921 cất cánh từ sân bay Đa Phúc lên làm nhiệm vụ nghi binh cho Trần Việt sẽ cất cánh từ sân bay Miếu Môn lên đánh chính. Biên đội Sang-Liêm bay ở độ cao lớn về phía Việt Trì để nhử bọn F-4 bám theo. Trần Việt bí mật cất cánh bay ở dưới mây về phía Phủ Lí sau đó kéo lên độ cao 5000 mét vòng lại bám vào bán cầu phía sau bọn F-4. Một phút sau, Trần Việt phát hiện 2 chiếc F-4 bay thấp hơn, ở phía bên phải. Hai chiếc F-4 lúc này bật tăng lực đối đầu bay thẳng về phía MiG của Trần Việt.
Trần Việt quyết định để tăng lực, tốc độ hơn 1000km/h, vòng gấp bên phải bám chiếc số 2 đang bổ nhào xuống. Sau khi ổn định điểm ngắm, đến cự li 1500 mét, tốc độ 1100 km/h, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái. Quả tên lửa rời khỏi bệ phóng, hơi chìm xuống sau đó lao thẳng vào chiếc F-4. Chiếc F-4 bùng cháy. Trần Việt nhanh chóng thoát li về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
Đêm 27 tháng 12 năm 1972, Mỹ lại dùng lực lượng 60 chiếc B-52 đánh Hà Nội (một nửa từ Andersen, một nửa từ U-ta-pao) làm 6 đợt, mỗi đợt ném bom 10 phút. Thời gian bắt đầu oanh kích là 22h59phút.
 Sân bay Yên Bái đã bị máy bay F-111 đánh liên tục trong các ngày 22, 23, 24 và 26 tháng 12. Khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc sân bay bị phá hủy nặng. Phán đoán địch sẽ chủ quan, cho rằng MiG không thể sử dụng sân bay này để cất cánh, chiều 27 tháng 12, Bộ tư lệnh Binh chủng bí mật tổ chức cho phi công Phạm Tuân cơ động từ sân bay Đa Phúc lên sân bay Yên Bái.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #106 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2019, 07:16:35 pm »

xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Lính mặt đất lại há hốc cái miệng lên trời nghe lính trên không kể chuyện. Những người bay đem được anh phicongtiemkich sướng lại cái tên mình đêm ấy mà thấy rợn đấy chứ. Lúc đó các anh không sợ chết, nhưng giờ nghe bạn kể lại mình nhào lộn tốc đô nhanh như thế có khi mới sởn da gà. Hôm nay dù người mất người còn trong đám bay đêm ấy. Thì lính mặt đất chúng em bái phục và ngưỡng mộ các anh.  Một mặt trận không bến bờ, không nơi che chắn, không trung tối đen mà vẫn bắn trúng đích thù. Ai còn sống vẫn về đúng tổ.....
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #107 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2019, 03:09:38 pm »

Cám ơn Xuanv338 luôn theo dõi và động viên!.
Cuối ngày 27 tháng 12, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Khôngh quân:"...Phải bảo vệ tên lửa, tạo điều kiện cho Không quân cất cánh từ sân bay vòng ngoài, chặn đánh B-52 ngoài hỏa lực tên lửa, tạo điều kiện đánh ở khu vực Tây Bắc, quyết tâm bắn rơi B-52..."
Sau khi hạ cánh ở sân bay Yên Bái, Phạm Tuân lập tức vào trực ban chiến đấu.
22h18 phút, Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp 1 và lúc 22h22 phút, anh cất cánh trên chiếc máy bay MiG-21 F96 từ sân bay Yên Bái, xuyên lên trên mây. Sở chỉ huy Binh chủng và Sở chỉ huy Mộc Châu tập trung cao độ dẫn Phạm Tuân.
Đầu tiên, Sở chỉ huy Binh chủng dẫn dắt sau đó giao cho Sở chỉ huy Mộc Châu.
22h26 phút, Phạm Tuân nhận được lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ đến 950 km/h sau đó cho lấy độ cao 9.500 mét, liên tục cho chỉnh hướng. Khi tốp B-52 bay ngang trên đài Mộc Châu, Sở chỉ huy theo tính toán đã cho Phạm Tuân áp đường bay chính xác.
Trong cuốn "Lịch sử ngành dẫn đường Không quân (1959-2004) NXB Quân đội nhân dân, 2007 đã ghi: "22 giò 29 phút 30 giây, phi công báo cáo thấy đèn của B-52, dẫn đường Sở chỉ huy thông báo cự li 10 km và cho tăng tốc độ 1200 km/h.
22giờ 31 phút, dẫn đường Lương Văn Vóc thông báo đều đặn cự li 6, 5 rồi 4 km và nhắc phi công chú ý phóng loạt 2 quả. Phi công Phạm Tuân giữ tốc độ 1400 km/h, bám sát bằng mắt theo đèn của B-52 và dùng máy ngắm quang học. Khi cự li còn khoảng 2000 mét, phi công xin phép công tác, lúc đó là 22 giờ 32 phút. Với thành tích bắn rơi B-52, phi công Phạm Tuân đã lập chiến công lớn, đúng vào thời điểm rất quan trọng của mặt trận trên không. Ngay sau đó, Sở chỉ huy Mộc Châu cho thoát ly, hướng bay 360 độ, về Yên Bái và yêu cầu phi công liên lạc với Sở chỉ huy Binh chủng.
Phóng tên lửa xong, phi công lật máy bay và giảm nhanh độ cao xuống 2000 mét.
22 giờ 35 phút, sau khi xác định được máy bay ta, Sở chỉ huy Binh chủng cho hướng bay 310 độ, lên độ cao 4000 mét và dẫn về Yên Bái.
22 giờ 39 phút, Sở chỉ huy Yên Bái tiếp nhận và dẫn phi công xuyên xuống dưới mây và vào hạ cánh an toàn lúc 22 giờ 46 phút. Tin vui lan nhanh trong toàn Quân chủng".
Ngay trong đêm 27 tháng 12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khen bộ đội Không quân đã lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B-52 địch. Đại tướng thông báo, theo tin của trinh sát, sau khi một chiếc B-52 bị bắn rơi, đội hình địch tan vỡ, những chiếc còn lại quẳng vội bom để trở về căn cứ.
Vậy là Không quân ta đã thực hiện được sứ mệnh của mình: bắn rơi "pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52", đã "trả được món nợ" mà bấy lâu nay vẫn canh cánh bên lòng. Tất cả hân hoan trong niềm vui khôn tả.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 02:55:22 pm »

Trong khi thoát ly, Phạm Tuân phát hiện thấy vẫn còn nhiều B-52 nên báo cáo liên tục về Sở chỉ huy. Đêm ấy, phi công Nguyễn Khánh Duy trực ban chiến đấu ở sân bay Kép. Sân bay Kép trước đó đã bị bom Mỹ phá hỏng nặng. Nguyễn Khánh Duy trực trong hầm để máy bay và vào cấp 1 lúc 23h 26 phút và nhận lệnh cất cánh từ "đường ngang".
"Đường ngang" là đoạn đường dùng để kéo dắt máy bay từ ngoài sân đỗ vào trong hầm, hệ thống đèn chiếu sáng khi ấy vừa thưa lại vừa chỉ có mỗi một bên phải là sáng. Khó khăn chồng chất lên khó khăn, nhưng không thể không cất cánh.
Máy bay lấy đà lao đi trong quãng đường quá ngắn. Nhìn máy bay đã chớm ra đến mép cỏ, có nghĩa là sắp đến mương nước rồi. Nguyễn Khánh Duy cố kéo máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ.
Sau khi cất cánh, Nguyễn Khánh Duy được dẫn vào khu chiến, nhưng không phát hiện được B-52, bởi sau khi bị Phạm Tuân bắn, bọn B-52 tắt hết đèn hàng hành trên máy bay và tiến hành gây thêm nhiễu. Sở chỉ huy dẫn Khánh Duy vào đến cự li 10 km mà không phát hiện được gì. Thời điểm ấy cũng là thời điểm Nguyễn Khánh Duy đã vào khu vực hỏa lực tác chiến của tên lửa phòng không nên Sở chỉ huy cho Duy thoát li, dẫn về Kép hạ cánh.
Sân bay Kép tiếp tục bị bọn F-111 đánh phá. Nguyễn Khánh Duy nhận lệnh vòng về sân bay Đa Phúc.
Thời tiết hôm đó xấu kinh khủng. Khánh Duy cho máy bay lao xuống đến độ cao đồng hồ chỉ về con số O mà vẫn không nhìn thấy đường băng đâu. Trong khi đó, khói bom lại dày đặc như mây mù làm cho tầm nhìn đã kém lại càng kém. Đường băng thì bị đánh nát gần hết. Nguyễn Khánh Duy nhận được thông báo phải cố gắng hạ cánh sao cho máy bay tiếp đất ở vị trí cách đầu đường băng khoảng 400 mét thì may ra mới bảo đảm an toàn vì có hố bom rất to ở ngay giữa đường băng.
Nguyễn khánh Duy đã lao xuống hạ cánh với tốc độ lớn hơn bình thường nên máy bay cứ "bồng" lên, không muốn chịu tiếp đất. Bằng sự nỗ lực hết mình, Khánh Duy đã cho máy bay tiếp đất được ở vị trí cách đầu đường băng chừng 200 mét, sau đó tắt máy và "mắm môi mắm lợi" bóp phanh. Máy bay vẫn lao ào ào và chỉ dừng lại khi cách miệng hố bom khoảng 50 mét. Nguyễn Khánh Duy trèo ra khỏi buồng lái máy bay, được anh Trần Anh Mỹ (cũng là phi công bay đêm) cùng Đại đội trực Đài chỉ huy cất hạ cánh mượn được chiếc xe đạp tiếp phẩm ra đón anh Khánh Duy về Sở chỉ huy rút kinh nghiệm.
Trong những tháng năm ác liệt ấy, không thể không nói đến các thành phần quanh sân bay đã hỗ trợ hết mình trong việc sửa gấp sân bay cho MiG cất cánh. Có những đêm, có đến 3-4 ngàn người đủ các thành phần: già, trẻ, trai, gái... ào ra sân bay để san gạt, lu nèn đất đá rồi lắp đặt những tấm bê-tông sửa gấp cho máy bay ta hoạt động. Những tấm bê-tông ấy có những tấm vuông với chiều khoảng 70-90 phân, có những tấm chiều 2,5 mét được đúc sẵn. Tấm nhỏ thì vài người khiêng, tấm lớn thì dùng xe cẩu. Địch cứ đánh, ta cứ sửa chữa gấp và máy bay cứ cất cánh. Quân với dân một ý chí đã tạo nên sức mạnh làm nên chiến thắng. Bọn Mỹ không thể hiểu được điều ấy. Nhân dân quanh các khu vực các sân bay ý thức rất rõ việc phải chăm sóc cho Không quân, không thể để máy bay không cất cánh được nên đã làm hết sức mình cho dù khó khăn đến đâu cũng không ngại. Các phi công chúng tôi đã cất cánh lên từ tình đất tình người như thế, làm sao mà không lao vào cuộc chiến một cách dũng mãnh được. Có lẽ, bài hát "Sóc Sơn tình đất tình người" đã nói hộ một phần cho các vùng miền, các địa phương có sân bay-nơi đóng quân chính hay cơ động hoặc dã chiến của KQ ta. Bài hát có những lời như sau: "...Sóc Sơn, nơi anh bay nối đất với bầu trời. Nơi anh cất cánh và anh về hạ cánh. Nơi đường băng như bậc thang dốc đứng. Đón anh về và nâng cánh anh bay. Sóc Sơn, nơi sáng lên tình đất tình người. Khi chinh chiến, lúc ngọt bùi thủy chung son sắt. Trong tình đoàn kết muôn đời. Như đỉnh núi Sóc Sơn quê hương tôi...". Xin được ngàn lần cám ơn tình cảm của bà con, nhân dân những nơi có sân bay, những nơi chúng tôi từng đóng quân, từng cơ động đã hy sinh quên mình cho sự nghiệp chung: quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Chúng tôi không bao giờ quên được ân nghĩa ấy.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2019, 07:28:31 pm »

xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Và hôm nay thì người quê Lúa đã được nghe chuyện kể của anh lính bay nhắc tới tên người anh hùng đánh B52 quê Lúa Phạm Tuân. Cảm ơn nhà văn lính nhà trời đã kể lại chuyện những ngày dài không chiến.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM