Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:52:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #90 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2019, 08:32:12 pm »

Đêm 20-12 kết thúc với cái giá Mỹ không chịu đựng nổi. Mỹ công nhận bị rơi 4 chiếc B-52G và 2 chiếc B-52D, còn chiếc B-52D thứ ba thì bị hư hỏng. Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ (SAC) không thể tiếp tục làm nhiệm vụ nếu để mất mỗi đêm 6 máy bay B-52 hay thậm chí chỉ ba chiếc thôi. Lực lượng ở Gu-am được nghỉ xả hơi trong một thời gian. Việc đánh giá lại tình hình được tiến hành. Đêm thứ tư, lực lượng này không được sử dụng để đánh miền Bắc Việt Nam. Thay vào đó là 30 máy bay B-52 đưa vào vùng trời miền Nam Việt Nam để huấn luyện các kíp bay mới. Nỗ lực ném bom đêm để đánh phá Hà Nội được giao cho 30 máy bay ở U-ta-pao thực hiện.
 Đêm 21 tháng 12, các cuộc đánh phá đều do B-52 từ căn cứ U-ta-pao thực hiện.
 Phi công Nguyễn Đức Chiến từ Phú Thọ về trực ban chiến đấu (thay cho Vũ Đình Rạng bị huyết áp cao) trên sân bay Đa Phúc với loại máy bay MiG-21F-96 đeo 2 quả tên lửa bổ trợ giúp cất cánh nhanh chóng trên đường băng ngắn hẹp. Đức Chiến vào cấp lúc 2h45 phút.
 3h09 phút, Nguyễn Đức Chiến xuất kích trên đường băng đất. Máy bay vừa tách đất thì bị bọn F-4 lao đến bắn. Nguyễn Đức Chiến vứt tên lửa bổ trợ và cơ động tránh tên lửa. Tới lúc Chiến vừa cải máy bay ra thì bất ngờ thấy chiếc F-4 to lù lù ngay bên cạnh máy bay mình, cánh chiếc F-4 như đè lên cánh chiếc MiG. Trời lúc ấy có ánh trăng và cự li rất gần nên Nguyễn Đức Chiến nhìn rõ 2 thằng phi công trong buồng lái. Thằng F-4 xông vọt lên trước vì tốc độ lớn. Nguyễn Đức Chiến liền cho máy bay mình bám theo, chuẩn bị ngắm bắn thì thằng F-4 tắt tăng lực nên Nguyễn Đức Chiến không nhìn thấy mục tiêu nữa. Sau này gặp tôi, Chiến nói: "Kể khi ấy cứ hướng theo đường bay của thằng F-4 mà nã một quả tên lửa có khi lại hay. Nhiệt của động cơ thằng F-4 khi ấy chắc vẫn còn lớn, biết đâu tên lửa mình tìm được!". Thực ra, khi ấy cũng chẳng ai quyết định như vậy cả vì luôn phải chắc ăn thì mới bắn. Nhưng đấy cũng là chuyện có một không hai xảy ra về ban đêm.
 Sau đó Sở chỉ huy dẫn Nguyễn Đức Chiến bay xuyên qua khu vực Tam Đảo - Ba Vì để đánh chặn bọn B-52 bay từ phía Tây sang.
 Cũng giống như các chuyến xuất kích của Vũ Xuân Thiều và Vũ Đình Rạng trước đó, Chiến không thể tiếp cận được B-52 nên Sở chỉ huy dẫn anh quay về hạ cánh.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #91 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2019, 03:46:20 pm »

Khi xuất kích, thời tiết đã xấu lắm rồi. Khi về hạ cánh, nó còn tồi tệ hơn nữa. Xuyên đi xuyên laị mà không thấy được đường băng, dầu liệu lại sắp cạn nên Sở chỉ huy dẫn Nguyễn Đức Chiến vòng ra phía Hòa Bình để nhảy dù. Nguyễn Đức Chiến đành phải rời bỏ máy bay, nhảy dù và tiếp đất ở vùng Kỳ Sơn - Hòa Bình.
 Phi công Bùi Doãn Độ trực chiến với loại máy bay MiG-21F-94 chuyển cấp sau Nguyễn Đức Chiến 13 phút, tức là vào lúc 02h58 và xuất kích chiến đấu lúc 03h18 phút. Anh cũng được dẫn về phía Tây để đánh chặn bọn B-52. Khi lên đến độ cao 4000 mét, Bùi Doãn Độ phát hiện được đèn của bọn B-52 bay đối đầu ở trên độ cao 10.000 mét. Anh bật tăng lực, vòng lại, kéo máy bay lên lấy độ cao. Vẫn thấy đèn của bọn B-52 nhưng máy bay của anh bị "treo" vì tốc độ còn quá nhỏ và chênh lệch độ cao lại khá lớn: anh thấp hơn lũ B-52 đến 2000 mét.
Đúng lúc ấy, bọn B-52 tắt đèn hàng hành. Bùi Doãn Độ không phát hiện bằng mắt thường được nữa liền bật ra-đa trên máy bay lên nhưng bị nhiễu rất nặng, không nhìn thấy gì. Sở chỉ huy đẫn anh về hạ cánh lúc 04h02 phút.
Thời gian đó, ta áp dụng chiến thuật "đi thấp kéo cao" (một số tài liệu gọi là "chiến thuật thia lia đớp mồi") để đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, nhưng chiến thuật này khi áp dụng cho đánh ngày và nhất là ở chiến trường "cán xoong" khu Bốn thì có tác dụng, còn cho đánh đêm ở khu vực miền Bắc, nó đã bộc lộ những nhược điểm cần được khắc phục. Đó là khi ta nhìn thấy B-52 bằng mắt thường qua các dãy đèn hàng hành của chúng nhưng không tiếp cận được bởi độ cao của ta và địch chênh nhau quá lớn. Khi máy bay ta kéo lên thì tốc độ ngày càng giảm, máy bay bị "treo". Vừa thấp hơn lại tốc độ nhỏ như thế thì ta bị tụt hậu là chuyện đương nhiên. Phần nữa, trên các máy bay địch bấy giờ đã được trang bị hệ thống cảnh báo MiG và sử dụng các loại nhiễu công suất lớn, dày đặc nên ta gặp khó khăn rất lớn trong quá trình dẫn dắt. Không chỉ một mình phi công Búi Doãn Độ gặp phải tình trạng ấy mà một số phi công khác cũng đã trải qua cảnh ngộ tương tự như vậy.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #92 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2019, 03:28:35 pm »

Đêm 23 tháng 12 năm 1972, 12 máy bay B-52D từ căn cứ Andersen phối hợp với 18 máy bay B-52D từ U-ta-pao vào đánh phá.
Phi công Bùi Doãn Độ trực ban chiến đấu trên loại máy bay MiG-21F-96 nhận lệnh chuyển cấp vào lúc 04h38 phút và xuất kích vào lúc 04h44 phút.
Phi công Nguyễn Khánh Duy trực chiến trên loại máy bay MiG-21F-96 vào cấp lúc 05h06 phút và cất cánh lúc 05h11 phút.
Cả hai phi công đều được dẫn về phía Tuyên Quang để đánh chặn những tốp B-52 bay từ hướng Tây vào nhưng vì mật độ nhiễu quá dày đặc, không thể phát hiện được B-52 nên Sở chỉ huy dẫn Bùi Doãn Độ về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 05h06 phút và Nguyễn Khánh Duy về hạ cánh ở sân bay Kép lúc 06h10 phút.
Phi công Lưu Văn Hinh trực ban chiến đấu với loại máy bay MiG-21F-94 ở sân bay Đa Phúc, nhận lệnh vào cấp 1 lúc 18h51 phút, xuất kích lúc 18h58 phút bằng tên lửa bổ trợ SPRĐ-99 trên đường lăn. Cũng giống như chuyến xuất kích của các phi công trước, Lưu Văn Hinh không tiếp cận được B-52 nên phải quay về hạ cánh lúc 19h42 phút. Vì tiếp đất ở quá xa đầu đường băng, máy bay của Hinh va vào dải cát bảo hiểm nên gãy luôn 3 càng. Máy bay hỏng nhưng may mắn phi công an toàn.
Đến ngày 15 tháng 12, chiến dịch Linebacker II đã kéo dài 1 tuần. Do bị thiệt hại nặng và lấy cớ nghỉ lễ Nô-en. Vào lúc 24 giờ ngày 24 tháng 12, phía Mỹ tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần cho các phi công và chuẩn bị cho các cuộc oanh tạc mới.
Tổng thống Nich-xon hy vọng sẽ có một cử chỉ nào đó từ phía Hà Nội nhân dịp ngừng ném bom này, nhưng không có cử chỉ nào cả.
Vào ngày 25 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã triệu tập Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt 1, thống nhất một số biện pháp chính để chuẩn bị chiến đấu đợt 2.
Cho đến lúc này, một số phi công của ta đã sẵn sàng làm "quả tên lửa thứ ba" (sau khi đã bắn hết hai quả tên lửa mà không diệt được mục tiêu thì lao máy bay vào B-52, coi máy bay của mình như một quả tên lửa). Quyết tâm chiến đấu sẵn sàng hy sinh thân mình để tiêu diệt địch là sự tiếp nối và phát triển tinh thần "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" của bộ đội ta những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng lại không phù hợp với tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến "đánh chắc thắng, tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu và bồi dưỡng lực lượng ta".
Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chỉ đạo cả cơ quan và các đơn vị thảo luận, phê phán những biểu hiện hữu khuynh tiêu cực, cho rằng MiG không thể tiếp cận và bắn rơi được B-52 của địch; đồng thời phê phán những biểu hiện nôn nóng có thể dẫn đến đánh ẩu.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #93 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2019, 10:18:59 pm »

Nghiên cứu quy luật, thủ đoạn hoạt động của địch, các sĩ quan chỉ huy, dẫn đường và phi công đều nhận thấy vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Không quân là phải giữ được bí mật, tạo yếu tố bất ngờ về địa điểm và thời cơ cất cánh.
 Trước đây hai ngày, vào ngày 23-12, Sở chỉ huy Binh chủng Không quân đã quyết định sử dụng phương án đánh ban ngày. Hôm ấy, lực lượng của Trung đoàn KQ 921 làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút đối phương ở phía Bắc Tam Đảo< còn Trung đoàn KQ 927 sử dụng biên đội 2 chiếc MiG-21 của Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Kiền đánh phía chính ở Nam Hòa Bình.
13h30 phút, phi công Trần Sang cất cánh từ Kép bay về Phú Lương rồi vòng đi hướng 270 độ trên độ cao 8000 mét. Khi Trần Sang qua Phú Lương được 2 phút thì xuất hiện tốp mục tiêu bay từ Phú Thọ lên phía Sơn Dương. Trần Sang chuyển từ nhiệm vụ nghi binh sang tấn công. 13h45 phút, Trần Sang bật tăng lực vòng trái về hướng 140 độ tạo thế đối đầu với tốp địch. Sau khi phát hiện mục tiêu, Trần Sang quần nhau kịch liệt với tốp 12 chiếc F-4. Thấy tiếp tục quần thảo như thế sẽ không có lợi nên lúc 13h53 phút, Sở chỉ huy lệnh cho Trần Sang thoát li khỏi khu chiến và về sân bay Kép hạ cánh.
13h40 phút, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Kiền cất cánh từ sân bay Đa Phúc vòng về hướng Phủ Lý, xuyên mây lên và vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ, lấy độ cao, tránh tốp tiêm kích để đánh vào tốp cường kích từ phía Tây Sầm Tơ bay vào phí Suối Rút. Cả hai phía đều pgát hiện ra nhau,. Bọn F-4 phóng tên lửa liên tục vào đội hình biên đội MiG. Biên đội MiG vừa tránh tên lửa vừa tiếp cận địch. Bọn F-4 bắt đầu tách tốp theo chiến thuật truyền thống của chúng. Tức là một bọn vòng xuống, một bọn vòng lên. Một đằng vòng gấp, đằng kia thì vòng từ từ cố ý "nhử" ta. Nhưng số 1 Nguyễn Văn Nghĩa đã nhanh hơn bọn chúng, dùng ngay chiến thuật của bọn chúng để nện chúng. Anh hô cho số 2 đánh tốp bên trái còn mình thì đánh tốp bên phải. Khi Nghĩa tìm cách cắt bán kính vào phía bên trong thằng F-4, đến cự li 1300 mét, điểm ngắm đã ổn định, anh ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không nhanh chóng rời bệ phóng, lao thẳng vào thằng F-4, biến nó thành bó đuốc lớn ở trên trời. Sau khi thoát li, anh lại phát hiện thấy một chiếc nữa đang vòng cùng hướng, liền nhanh chóng đặt điểm ngắm và ấn nút phóng nốt quả tên lửa còn lại rôi thoát li.
Trong lúc đó, số 2 Lê Văn Kiền vẫn yểm hộ số 1 và quan sát thấy phía bên phải có F-4, anh nhanh chóng lợi dụng thời cơ bám theo, đến cự li khoảng 1000 mét thì phóng tên lửa. Vì cự li quá gần, hơn nữa phía sau anh lại đang có 2 thằng F-4 đang đeo bám nên anh kéo gấp máy bay thoát li nhanh khỏi trận chiến và quay ngay lại đối đầu với bọn F-4. Đến lúc này thì bọn F-4 đành tăng tốc bỏ chạy, không muốn giao chiến nữa. Cả biên đội lập tức quay về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc.
Khi đó, tại khu vực Hòa Bình vẫn có nhiều tốp máy bay địch hoạt động. Nhận định đây có thể là bọn đến tìm cứu phi công nên Sở chỉ huy cho Trần Việt xuất kich. Tuy nhiên, do không phát hiện được mục tiêu, Trần Việt nhận lệnh thoát li, về hạ cánh.
Trong trận không chiến này, Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi chiếc F-4 trên vùng trời Hòa Bình. Đây là chiếc máy bay thứ 5 anh bắn hạ và cũng là chiếc đầu tiên bị bắn hạ trong chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Suốt trong thời gian "12 ngày đêm", số lượng phi công trực tiếp tham gia chiến đấu còn lại rất ít. Kể cả bay đêm lẫn bay ngày chỉ còn hơn chục người. Ban đêm xuất kích từng chiếc một là chuyện đương nhiên rồi, nhưng ban ngày không ít lần cũng đều phải xuất kích một chiếc. Nhiệm vụ rất nặng nề, chênh lệch lực lượng lại quá lớn nhưng các phi công không hề quản ngại khó khăn gian khổ, không hề tính đến chuyện chỉ một mình trên trời đối chọi với hàng đàn quạ Mỹ, vẫn hiên ngang, dũng mãnh lao vào trận chiến và tìm cách trở thành người chiến thắng.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #94 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2019, 08:29:06 am »

Tôi tạm dừng viết về những phi công đánh đêm mà dành viết cho một người anh - một Anh hùng, một phi công huyền thoại bay trên MiG-17, từng tiêu diệt 7 máy bay Mỹ đã hóa thành những đám mây trắng bồng bềnh nhàn tản giữa trời xanh...: Anh Nguyễn Văn Bảy. Anh Bảy trong đơn vị được gọi là Bảy A, nhưng anh lại còn có tên húy là Bảy "cồ". Khi vợ chồng tôi cách đây dăm năm vào quê Lai Vung, Đồng Tháp thăm anh, tôi có hỏi về cái tên húy ấy thì anh cười, trả lời: "Cái tên ấy là ở sự tích mà thằng Lương đặt cho. Hồi đó vào sân đá banh, mà mầy biết đấy, ở nhà quê thì lấy đâu ra banh mà đá. Thế là khi vào sân bóng, tao thấy trái banh mà cứ lớ nga lớ ngớ, không biết đá thế nào. Thằng Lương thấy vậy bèn hét lên: sao mày cứ như con gà cồ thế mày?. Vậy là tao có cái tên Bảy "cồ" từ ngày đó!". Anh Lương cũng là một phi công bay MiG-17 và đã hy sinh trong chiến đấu. Anh Bảy thuộc lứa đàn anh của tôi và ở khác Trung đoàn nhưng quý tôi vì tôi hay bay cơ động và trực chiến ở các sân bay phối hợp cùng lực lượng MiG-17 và MiG-19 nên quen biết nhau hết. Hôm đến quê anh, nhìn thấy vỏ quả bom bi mẹ anh dùng làm thuyền bơi để thả thức ăn cho cá và đánh cá dưới ao thì tôi bảo: "Thằng Mỹ mà thấy thế này thì phải gọi anh bằng cụ và phục xuống lạy lấm mũi!". Anh chỉ cười thôi. Anh đánh cá dưới ao lên, lấy một con hấp làm đồ nhắm còn một con nấu cháo. Anh bảo vậy là đủ. Mà không chỉ đủ, thừa thãi là cái chắc. Trời nóng hầm hập, nhà anh chưa xây nên cất tạm trên bờ ao, lợp tôn thành thử nóng kinh khủng. Vậy nhưng mấy anh em tôi vẫn ngồi uống rượu mít. Anh nói mít nhà trồng quanh bờ ao, bán chẳng được, cho cũng chẳng ai lấy vì nhà nào cũng đầy ra. Thế là anh bóc cho vào chum rượu, ngâm và ... uống dần. Bữa rượu rõ vui. Sau vài chén thì anh hỏi tôi: "Ủa, nhưng mà sao mầy tìm đến đây được nhỉ?". Tôi vừa cười vừa trả lời: "Anh ơi! Bần cư trung thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm mà. Em là bần cư còn anh thì khác nên tầm đến anh thôi!". Anh lại cười: "Bần cư dáng ngựa đen như sắn. Cú tại mang tai đứng chết trân thì có!". Tôi thắc mắc: "Vậy là sao, anh Bảy?". Thì là..., anh cười: bần cư chẳng đen đúa hay sao, chẳng dáng như con ngựa gầy hay sao. Mà cú tại mang tai là cho một đấm vào mang tai thì chẳng đứng chết trân ra hay sao mà mầy còn hỏi. Tôi cười to: "Vậy anh đừng cú tại mang tai em nhé, kẻo em chẳng dám đến thăm anh nữa đâu!". Anh lại cười: "Thôi, uống đi mầy!". Anh hàn huyên: nếu năm nay tao mà chết thì tao được thêm hai con bảy vì tao bảy bảy tuổi. Đời tao gắn liền với nhiều con số bảy lắm. Này nha, sinh năm ba bảy, là con thứ bảy trong gia đình, vào bộ đội năm mười bảy, bay trên MiG-17, bắn rơi bảy máy bay Mỹ, được phong Anh hùng năm sáu bảy... thì nếu năm nay... lại chẳng thêm hai con bảy nữa à. Mà quê tao làm ma to lắm đó!. Tôi cũng cười: vậy ngõ nhà anh phải mở rộng thêm bảy mét nữa!. Anh hỏi: làm chi mầy?. Tôi vẫn cười: để bảy con trâu kéo quan tài anh Bảy chứ sao!. Anh cười to: Ờ, thằng này vậy mà hay. Thôi, uống tiếp mầy!. Tôi hầu rượu anh đến tận cuối bữa. Sau khi mỗi người húp một bát cháo cá, trước khi chia tay, anh ra bờ ao bẻ mít xuống, bắt chúng tôi phải đem về làm quà. Tôi đã tha số mít ấy ra tận Hà Nội. Lúc chia tay, anh đứng vẫy vẫy trong tâm trạng bùi ngùi, chắc còn muốn giữ chúng tôi ở lại lâu hơn nữa mà chẳng được. Tôi cười và nói to: "Anh phải sống ít nhất là tám bảy, còn không thì chín bảy hay một trăm lẻ bảy và nhớ mở rộng ngõ ra bảy mét, anh nha!. Mà lần sau em đến, anh đừng cú tại mang tai nha!". Anh cười vui lắm...
Thế mà đã 5 năm trôi qua. Trong thời gian ấy, có lần tôi tạt vào Sài Gòn thăm anh khi anh bị tai nạn: gãy xương sườn và gãy tay. Anh tâm sự: "Kể tao chết ngay lúc đó thì sướng lắm vì không biết gì, đỡ đau đớn, chứ chết trong đau đớn thì chán lắm!. Mà sao mầy lại không rót rượu?". Tôi trả lời: "Anh đã đến chín bảy đâu mà đòi "đi"!". .Rồi lần anh ra Bắc họp, tôi có dẫn Giangtvx cùng Phaphai đến gặp anh ở Trạm khách của Quân chủng PK-KQ, rất vui. Anh cũng vẫn đem chai rượu ra, chia đều cho các suất và chỉ nói: "Uống đi!. Hết thì lại lấy tiếp!". Hôm ấy Giangtvx và Phaphai trực tiếp gặp gỡ với người Anh hùng huyền thoại ấy và thực sự ngưỡng mộ.
Tôi đã có ý định vào thăm anh lần nữa, về lại nơi quê anh. Biết rằng anh chị đã xây được ngôi nhà khang trang rồi nên muốn vào chúc mừng nhưng chưa đi được. Chợt nghe tin anh đổ bệnh. Hỏi thăm thì biết rằng anh khó qua khỏi và rồi... anh đã ra đi. Tôi rất buồn, chưa bao giờ tôi nghĩ anh lại "đi" nhanh đến thế. Một cái gì đó hẫng hụt trong tôi... Những người Anh hùng phi công cứ lần lượt ra đi, để lại cả khoảng trống vắng ghê gớm cho cả một khoảng trời. Vẫn biết rằng không ai cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, nhưng mà cứ muốn níu kéo, cứ mong mỏi về sự tồn tại...
Ngày nay là ngày đưa tang anh. Tôi không thể vào viếng anh được. Chỉ mong muốn những dòng chứ này là những nén tâm nhang để kính viếng anh. Cầu mong anh luôn thanh thả như những đám mây trắng nhởn nhơ giữa trời xanh yên bình!...
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2019, 10:36:06 pm »

Đồng đội thật chí tình !
Logged

Haianh_od
Thành viên
*
Bài viết: 64


« Trả lời #96 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2019, 07:55:07 am »

Thương chú Bảy quá! Trưa thứ bảy cháu tranh thủ vào 175 thăm nhân chuyến công tác về tp HCM. Một mình đứng lặng ngắm chú và mong về một điều kỳ diệu. Vậy mà tối hôm sau ra HN thăm mẹ cháu thì đã nghe tin dữ.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #97 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2019, 10:27:00 am »

xuanv338 xin được gửi lời chia buồn tới gia quyến người anh hùng vĩ đại của không quân Việt Nam. Bác Nguyễn Văn Bảy. Xin được chia buồn cùng các anh  thuộc binh chủng lính nhà trời. Dẫu biết rằng nuối tiếc ở bất cứ ai nhưng quy luật mình không thể đi trái ngược. Vĩnh biệt người anh hùng đã từng làm trởi nghiêng đất ngả. Mỹ phải kinh hoàng về an vui trong miền cực lạc. Ở đó vẫn có bầu trời riêng cho lính không quân.  Anh phicongtiemkich. Xin phép anh em cóp bài viết này của anh viết về người anh hùng phi công Nguyên Văn Bảy mang về miền đất mới cho mọi người được đọc. Bài viết anh hay quá! mọi người đọc thấy xúc động và hiểu thêm được nhiều về người lính nhà trời nay cũng đã về trời. Thật tiếc. Năm 2012, 2015. Có đến hai lần xuanv338 tới Lai Vung viếng thăm mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Lai Vung. Nếu biết người hùng đang sống tại Lai Vung thì chắc xuanv338 sẽ vào thăm bác và sẽ có những tấm hình chụp cảnh miệt vườn đất miền Tây với anh phi công thì giờ có bao chuyện và tự hào vì mình đã được gặp anh phi công bắn 7 máy bay của Mỹ.
Logged
Haianh_od
Thành viên
*
Bài viết: 64


« Trả lời #98 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2019, 06:18:12 pm »

Hôm nay đến thăm AHPC Nguyễn văn Cốc, chú còn nhớ rất nhiều. Cả việc chú Huy PCTK gặp và lấy cô ra sao. Chúc chú hồi phục và hứa với chú sẽ đưa mẹ và vợ con đến thăm chú. Chú đòi địa chỉ của mẹ để đến thăm vì nghĩ khi về học đề cao thì là lính của ba Tào. Lính thì phải đến thăm nhà thủ trưởng.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #99 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2019, 03:34:25 pm »

Cám ơn Giangtvx, Xuanv338, HaiAnh... đã cùng chia buồn với tôi và gia đình anh Bảy"cồ". Khi vợ chồng tôi đến Lai Vung từ những năm trước để thăm anh, tôi đã "chộp" được một pô ảnh có cả hai anh chị đang cười tươi. Theo tôi thì đây là bức ảnh tương đối hiếm vì chị không bao giờ để cho ai chụp chị cùng với anh cả. Tôi càng ngắm bức ảnh lại càng buồn. Ngày qua, ngày nay tôi, anh Trần Việt, anh Nguyễn Văn Nghĩa, anh Nguyễn Văn Quang..trong đoàn bay MiG-21 khóa Ba chúng tôi gặp nhau, đều nhắc về anh Bảy với đủ những kỷ niệm đẹp. Cũng may là nhà văn Trúc Phương đã viết xong cuốn "Người Anh hùng chân đất" về anh Bảy, kịp để anh tổ chức ra mắt sách và tặng các anh em, đồng đội. Dịp vừa rồi, tôi cùng anh Nguyễn Văn Nghĩa cũng đã đến thăm anh Nguyễn Văn Cốc (khi anh Nghĩa bay từ Sài Gòn ra). Anh Cốc thì vẫn tạm ổn, trí nhớ còn minh mẫn lắm, chỉ tội bây giờ anh phải nằm nhiều bởi máu lên não ít. Cũng tội. Các phi công tiêm kích cả một thời trai trẻ đã vắt kiệt sức lực mình trong các trận không chiến, trong các bài bay kỹ thuật nhào lộn cao cấp... nên sau này cơ thể phải gánh chịu nhiều thứ bệnh tật mà ta vẫn gọi là bệnh nghề nghiệp. Chẳng ai giúp được ai vì mỗi người bị mỗi kiểu khác nhau.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM