Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:08:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48192 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #60 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2019, 09:43:16 am »

Cám ơn xuanv338 và các đồng đội như Giangtvx, Phaphai, Dongadoan, Thuycuc... đã đến chia buồn và gửi lời chia buồn tới gia đình tôi...Đúng là buồn, nhưng không ai ngăn được quy luật "Sinh, Lão, Bệnh, Tử" cả!
Tôi trở lại chuyện xảy ra vào đêm 20-11-1971.
Sau khi nhận lệnh vào cấp 1 lúc 20h30 phút, Vũ Đình Rạng đã xuất kích lúc 20h40 phút. Anh lặng lẽ bay đến khu vực Tân Ấp theo phương án đã chuẩn bị. Khi kíp dẫn đường ở Sở chỉ huy tiền phương xác định được vị trí tương quan giữa MiG và B-52, thấy rằng hoàn toàn đủ điều kiện để dẫn đánh bọn B-52 trước khi chúng bay đến đường 20 ném bom mục tiêu, bấy giờ mới nối liên lạc đối không với Vũ Đình Rạng. Lúc ấy là 20h49 phút.
Anh Vũ Đình Rạng nhận lệnh vòng gấp, bay về hướng 230 độ, tốc độ bay 900 km/h và lấy lên độ cao 3000 mét. Sau 3 phút, anh nhận lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ lên 950 km/h, bay theo hướng 160 độ. Sau đó, Sở chỉ huy thông báo mục tiêu phía trước 60 km và lệnh cho Vũ Đình Rạng bậtk tăng lực kéo lên độ cao 10.000 mét. Lúc 20h55 phút, Sở chỉ huy thông báo mục tiêu bên phải 30 độ, cự li 25 km, sau đó cho anh Rạng vòng trái, bay hướng 90 độ và khi đến cự li 15 km cách mục tiêu thì cho bật ra-đa trên máy bay.
Sau khi bật ra-đa trên máy bay, Vũ Đình Rạng lập tức phát hiện 3 mục tiêi bay theo đội hình bậc thang bên phải, ở cự li 11 km. Thời khắc khi Vũ Đình Rạng báo cáo phát hiện mục tiêu, cả Sở chỉ huy hồi hộp chờ đợi nghe tin qua đối không việc công kích và báo cáo chiến công của Vũ Đình Rạng. Tiếp cận đến cự li 8 km, Vũ Đình Rạng nhận lệnh tăng tốc độ đến M=1,3 (hơn 1400 km/h) và công kích chiếc thứ nhất. Từ Sở chỉ huy tiền phương, đồng chí Trần Hanh nhắc nhở :
- Bình tĩnh công kích!
- Nghe rõ! - Vũ Đình Rạng trả llời.
Vũ Đình Rạng ấn nút "bám sát", đưa mục tiêu vào giữa tầm ngắm và đến cự li 2,5 km, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái. Tên lửa rời khỏi bệ phóng, anh kéo máy bay sang bên phải thoát li với độ nghiêng lớn. Lúc này, anh lại phát hiện được 1 chiếc khác với ánh đèn đang nhấp nháy trên cánh. Kiểm tra trên ra-đa thấy báo cự li 3 km, anh quyết định tiếp tục công kích. Sau khi chỉnh hướng, anh ấn nút "bám sát" và thấy điểm ngắm đã ổn định, anh ấn nút phóng tiếp quả tên lửa thứ hai rồi thoát li về phía bên phải. Sở chỉ huy tiền phương dẫn anh về hạ cánh ở sân bay Anh Sơn. Anh tiếp đất an toàn lúc 21h15 phút. Dầu liệu còn 800 lít.
Từ lúc nghe Vũ Đình Rạng báo cáo phát hiện mục tiêu, tất cả mọi thành phần trong kíp trực ở Sở chỉ huy hôm đó đều trong tâm trạng  căng thẳng chờ câu : "Cháy rồi!" được phát ra. Nó cũng giống như khán giả trên sân vận động bóng đá nín thở theo dõi trận đấu khi đội nhà đứng sút phạt quả "pê-nan-ti" 11 mét, chuẩn bị nhảy dựng hết lên, hét vang : "Vào!". Nhưng, bóng lại không vào lưới!.
Những nhà bình luận bóng đá thường nói : "Giữa anh hùng và kẻ tội đồ chỉ cách nhau gang tấc!". Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng người đời vẫn cứ so sánh như thế.
Tuy chiếc B-52 này không rơi tại chỗ, nhưng nó đã bị thương, nó không thể về hạ cánh ở sân bay chính được mà phải lết về hạ ở Nakhon Phanom, Thái Lan và đội hình 3 chiếc của nõ cũng buộc phải từ bỏ đợt tấn công các mục tiêu mặt đất. Sau này, được biết, chiếc máy bay B-52 kia không thể hồi phục bay được nữa, phải phá hủy để "phi tang".
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, "pháo đài bay bất khả xâm phạm" đã bị MiG-21 công kích, bị trúng tên lửa không đối không.
Trận đánh này là bài học quý giá giúp cho các thành phần từ Sở chỉ huy các cấp đến các sĩ quan Sở chỉ huy, các phi công... tìm ra được phương án tiếp cận và bắn rơi tại chỗ B-52 về sau này.
Khi tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh tại sân bay Anh Sơn, Phó tư lệnh Trần Mạnh đã kết luận:
1. Trận đánh đêm 20-11 là một trận đánh lí tưởng về mặt tổ chức chỉ huy và đảm bảo mặt đất đã được rút kinh nghiệm ở Sở chỉ huy B-8.
2. Ta đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng và đã tạo được yếu tố bí mật bất ngờ cao làm cho địch không kịp đối phó trong vòng 30 phút xảy ra trận đánh.
3. Ra-đa dẫn đường C-41 phát hiện mục tiêu ta và địch tốt, đảm bảo dẫn đường liên tục và chính xác.
4. Thông tin liên lạc trên, dưới và các đài trạm thông suốt, giữ nghiêm mọi quy định, không lộ liễu.
5. Bảo đảm hậu cần mặt đất của sân bay Anh Sơn tốt trên tất cả các khâu. Không có gì sai sót lớn. Đã tạo điều kiện cho trận đánh thành công.
6. Người lái có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị bay theo phương án. Giai đoạn đầu đã thực hiện đúng yêu cầu tự bay thấp một đoạn đường dài 120 km ban đêm tối trời, trên địa hình rừng núi phức tạp ở khu Bốn. Đường bay gần dãy núi Đại Huệ (Nghệ An) và dãy Trường Sơn (Hà Tĩnh). Nhờ chuẩn bị kỹ cho nên đã bay đúng đường bay và độ cao đã quy định trong phương án. Giai đoạn dẫn đường cho lên cao và tiếp địch đã chấp hành chính xác mọi khẩu lệnh chỉ huy từ Sở chỉ huy mặt đất. Sử dụng ra-đa trên máy bay và phóng quả tên lửa thứ nhất điều kiện tốt.
7. Kết luận: Quả tên lửa thứ nhất phóng trúng B-52.
                 Quả thứ hai không trúng vì có gia trọng tương đối lớn.
Mặc dù đã có kết luận về trận đánh như vậy, nhưng sau đêm 20-11-1971, cũng vì chưa đủ mọi nguồn thông tin cần thiết, một số người, trong đó có cả lãnh đạo, chỉ huy đã đặt câu hỏi lên đầu Vũ Đình Rạng. Chừng như họ nghi ngờ phi công Vũ Đình Rạng có tư tưởng dao động.
 Sự ngờ vực ấy đè nặng lên tâm lí Vũ Đình Rạng cho đến tận nhiều năm sau này.
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2019, 07:07:50 am »

Khởi đông MiG 21:

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=1XXFb6M3jr4" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=1XXFb6M3jr4</a>

Xin hỏi:

1/ Ngày xưa bác Phicôngtiêmkick có thao tác giống thế không ?

2/ Với 1 loạt các thác tác như vậy, tà khi nhận lệnh cất cánh cho đến khi máy bay rời đường băng thì mất bao nhiêu lâu ? Với các thao tác khởi động như vậy có bao giờ người phi công bị nhầm không ? Nếu nhầm có ảnh hưởng gì đến quá trình cất cánh không ? Làm sao đảm bảo được các yêu cầu rất khẩn trương khi chiến đấu ?
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2019, 08:25:23 am »

Việc khởi động máy bay MiG-21 trong thời gian chiến tranh chủ yếu là phi công phải tự làm, nhưng có trường hợp vì khẩn cấp nên thợ máy sẽ mở máy hộ trong lúc phi công phải gài các khóa dù và liên lạc đối không. Cũng có lần, thợ máy bật hộ các công tắc, còn phi công thao tác mở máy. Sau khi mở máy xong, việc bật các vị trí công tắc trong buồng lái cho chiến đấu thuộc về phi công. Thợ máy kiểm tra lần cuối các tham số động cơ thấy ổn rồi thì đóng nắp buống lái, gài chốt an toàn buồng lái, xuống thang và cất thang máy bay đi, lo việc cho phi công lăn ra cất cánh.
Những giai đoạn ấy, chúng tôi phấn đấu rút ngắn từng giây một (từ lúc báo động cấp 1 đến lúc cất cánh), nhất là thời kỳ chống "quân bành trướng phía Bắc" ở sân bay Kép vì cự li từ biên giới về sân bay rất gần. Nếu chúng bay với tốc độ 900 km/h thì 1 phút đã đi được 15 km rồi. Ta chậm phút nào là hỏng phút ấy, bom có thể rơi ngay khi ta đang đứng đợi cất cánh. Việc bố trí vị trí máy bay trực và phi công trực cũng phải hợp lí. Thường thì nghe báo động (qua điện thoại hữu tuyến và kẻng), cả phi công cùng thợ máy đều phải chạy hết tốc lực về các vị trí của mình. Phi công thì vừa chạy vừa úp mũ bay, vừa giao việc cho thợ máy. Các động tác từ trèo lên thang đến ngồi vào buồng lái cũng phải chuẩn... Nghĩa là càng nhanh càng tốt, nhưng không được quên sai. Đã có vài lần vì vội, phi công quên gài các khóa dù nên khi gặp trường hợp nhảy khẩn cấp trong không chiến đã hy sinh, vì dù một nơi còn người chẳng dính gì vào dùi cả, văng một nẻo. Hầu như chỉ một vài trường hợp thế thôi, còn chúng tôi hầu như trong suốt những tháng năm chiến tranh tuy thời gian gấp gáp vậy nhưng không để sai sót gì, cho dù từ lúc nhận lệnh cấp 1 đến khi cất cánh chỉ vài ba phút là cùng. Giangtvx hỏi nếu có sai sót thì thế nào à?. Thưa, cất cánh xong, còn phải lướt qua 1 lần nữa để kiểm tra tất cả trong buồng lái xem còn gì chưa ổn không, rồi mới tiếp tục theo lệnh dẫn từ SCH. Việc vừa mở máy xong, chúng tôi vừa lăn ra đường cất cánh vừa bật tiếp các công tắc còn lại cũng là chuyện bình thường thôi mà. Nói chung, mọi việc gần như được "tự động hóa" đến mức tối đa, ngay như đang ngủ, khua dậy hỏi ngay thứ tự các động tác phải làm thế nào thì cũng trả lời được luôn, không nghĩ ngợi vướng mắc chút gì...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2019, 08:45:28 am »

Trở lại chuyện cũ.
47 năm sau trận đánh đêm 20-11, vào đầu tháng 10 năm 2018, nhờ tài năng tổ chức của các anh Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Sỹ Hưng..., các cựu phi công Mỹ và cựu phi công Việt Nam - những đối thủ từng chạm trán nhau trên trời trước đây, nay lại có dịp gặp nhau trên mặt đất.
Lần gặp này là lần gặp thứ 3 (lần đầu tiên  vào năm 2016 tại Việt Nam, lần thư 2 vào năm 2017 tại Mỹ và lần thứ 3 này tại Việt Nam).
Trong lần gặp thứ 3 này, số lượng và thành phần phi công Mỹ nhiều hơn, đa dạng hơn, có đến 15 cựu phi công Mỹ và có thêm các thành phần lái F-104, F-105, đặc biệt có cả cơ phó của chiếc B-52 bay trong đêm 20-11-1971.
Những cuộc gặp này đúng là những cuộc gặp mang tính lịch sử. Từ xưa tới giờ, qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều trận không chiến diễn ra nhưng chưa bao giờ có được cuộc gặp gỡ giữa các địch thủ như thế này. Chắc chắn các cựu phi công trong thế chiến thứ hai giữa Đức và Liên-xô, Đức và các nước đồng minh, rồi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh ở Ap-ga-ni-xtan... các đối thủ của nhau ở trên trời không hề gặp được nhau dưới mặt đất.
Trong lần này, cơ phó của chiếc B-52 đêm 20-11-1971 là Dave R. Volker đã có cơ hội tiếp xúc với Vũ Đình Rạng - người từng bắn mình trước đây. Sau đó, R.Volker còn được chương trình truyền hình  "Quốc hội Việt Nam" phỏng vấn. Volker đã nói rằng : "Tôi thực sự ấn tượng bởi lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu của phi công Việt Nam. Tuy không có được những trang bị tốt, nhưng phi công Việt Nam vẫn làm được những điều trước đây chưa ai làm được. Phi công Việt Nam thực hiện mệnh lệnh thật tuyệt vời..."
Dave R.Volker cũng nói với Vũ Đình Rạng : "Tôi cám ơn ông vì ông đã cho tôi có cơ hội gặp ông. Ông là người đầu tiên trên thế giới đã tấn công được "pháo đài bay" của chúng tôi. Rất thú vị khi tôi còn sống sót. Tôi và cả tổ bay của tôi nợ ông bằng chính mạng sống của mình!. Một lần nữa xin được cám ơn ông!"...
Tôi và chắc chắn nhiều người khác nữa phải suy nghĩ về câu nói ấy!...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #64 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2019, 09:26:27 am »

Dave Volker đã trao tặng Vũ Đình Rạng bức họa đồ tả lại cảnh B-52 của Dave bị Vũ Đình Rạng bắn như thế nào. Qua Dave R.Volker mới biết được thêm một điều là sau đêm 20-11-1971, một tướng 2 sao đã bị kỷ luật vì đã không tìm cách bảo vệ được B-52, đã để cho MiG tấn công.
B-52 cũng đã phải lui về hoạt động ở phía Nam đường 9, mọi việc đánh phá phía Bắc đường 9 giao cho C-130 và F-4J đảm nhận một thời gian dài tới mấy tháng trời.
Cũng từ đó, mỗi phi vụ của B-52 đều được bảo vệ cẩn trọng: tăng cường từ hệ thống nhiễu các loại dày đặc đến các máy bay tiêm kích yểm hộ.
Khi chương trình truyền hình phỏng vấn Trung tướng Trần Hanh, phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ quốc phòng về trận đánh đêm 20-11-1971 ấy, Trung tướng Trần Hanh đã nói: "Đây là lần đầu tiên MiG-21 tiếp cận B-52 và khẳng định được rằng MiG-21 hoàn toàn có thể đánh được B-52. Qua trận này, tuy không bắn rơi tại chỗ nhưng đã rút ra được những kinh nghiệm dẫn dắt, tìm ra được cách đánh và chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này..."
Còn Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu dẫn đường của Không quân, người từng dẫn chính trong trận đêm 20-11-1971 phát biểu: "Trận đánh này có tác dụng rất lớn cho chiến dịch Quảng Trị, giúp cho việc vận chuyển vũ khí, khí tài, vận chuyển quân được thuận lợi, góp phần lớn vào chiến dịch. Các Đại đội ra-đa cũng đã rút ra được kinh nghiệm phát hiện B-52 trong mọi tình huống và với Không quân là bài học về phương pháp tiếp cận, sử dụng vũ khí. Phióa Mỹ sau trận này cũng đã có nhận định sai lầm: chỉ chăm chú đối phó với Không quân mà xem nhẹ tên lửa Phòng không nên trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã bị tên lửa Phòng không bắn hạ nhiều. Có một điều, mọi thiệt hại với các loại máy bay khác thì phía Mỹ công bố ngay qua đài BBC, nhưng riêng trận đêm 20-11 này thì lại im lặng tuyệt đối. Các thủ trưởng của ta tùy thuộc vào từng cương vị được nghe đài BBC để lấy thêm thông tin so sánh cũng không biết được gì hơn. Chính vì vậy mà ta không biết được cụ thể kết quả trận đánh đêm hôm ấy. Cũng là sự thiệt thòi!"...
Trận đánh đêm 20-11-1971 chắc sẽ còn được phân tích nhiều hơn nữa, đánh giá nhiều hơn nữa. Riêng đối với phi công Vũ Đình Rạng, sau lần gặp gỡ các cựu phi công Việt-Mỹ vào đầu tháng 10 năm 2018 vừa rồi, anh đã phần nào giải tỏa được tâm lí nặng nề bấy lâu nay từng gánh chịu...
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #65 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2019, 06:19:29 pm »

xuanv338 xin chào anh chủ, chào các anh em đang tham gia trang lionhs nhà trời. Thế là cuối cùng xuanv338 đã lại tìm đường về đây, được nghe anh phicongtiemkich kể chuyện đánh nhau trên trời hay quá! Lâu lắm em bị tắc đường vào M&H anh Công Huy ạ. Trước trước phải mạo muội  đề nghị phao cứu sinh tìm đường về nhà cũ của mình qua Mod Bình Yên đấy ạ. xuanv338 xin chúc sức khỏe anh phicongtiemkich.

Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #66 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2019, 03:46:03 pm »

Cám ơn Xuanv338 đã đến thăm nhà sau thời gian dài đi vắng. Hy vọng Xuanv338 sẽ thường xuyên liên lạc trên trang nhà hơn.
Trở lại năm 1971.
Trận đêm 20-11 là trận đánh cuối cùng về đêm, (đánh ngày thì trận không chiến ngày 26-12 là trận cuối cùng) kết thúc năm 1971, kết thúc giai đoạn ném bom hạn chế, chuẩn bị bước sang năm 1972, một năm với những chiến dịch đường không ác liệt nhất.
Tính đến thời điểm này, sau mấy năm thành lập, các phi công lớp đầu tiên của Đại đội 5 đã "ngót" dần: Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thuận thôi bay, Trần Ngọc Nhuận thôi bay, Nguyễn Cát A thôi bay, Nguyễn Văn Quang thôi bay, tôi chuyển sang bay ngày, Nguyễn Hồng Mỹ chuyển sang bay ngày...Số phi công bay đêm còn lại chưa đến chục người.
Cho dù liên tục các phi công bay ngày ở các Đại đội khác được chuyển sang huấn luyện đêm để tăng cường sức chiến đấu về ban đêm, nhưng thực ra vẫn không thể đủ cho yêu cầu nhiệm vụ.
Càng gần những ngày cuối năm 1971, tuy cường độ các trận đánh của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc có giảm nhưng mang nhiều dấu hiệu căng thẳng. Nó báo trước cho thấy rằng năm sau sẽ là năm rất ác liệt, nhất là khi trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng tiếp tục triển khai các chiến dịch trên toàn mặt trận sau sự kiện "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị.
Năm 1972 là năm Nixon tái tranh cử. Với cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì chuyển chiến lược từ can dự trực tiếp sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Hội nghị Paris không đạt được thỏa thuận. Cuộc gặp giữa Nixon với Tổng bí thư L.Bregiơnep cũng thất bại. Mỹ đứng trước một loạt các diễn biến bất lợi. Vì vậy, Mỹ bắt buộc phải tính toán chuyện phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam bằng mìn, thủy lôi và đánh chặn các tuyến đường giao thông huyết mạch nhằm cắt đứt các nguồn viện trợ từ các nước vào Việt Nam và từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.
Không quân Mỹ cũng được tăng cường cả về số lượng máy bay, trang bị vũ khí mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về chiến thuật và kỹ thuật không chiến cùng cách đánh phá.
Phía Việt Nam cũng đã sẵn sàng và quyết tâm bằng mọi giá giành được thắng lợi trong những chiến dịch mang tính quyết định. Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã yêu cầu các lực lượng trong đó Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt nghiên cứu các phương án đánh B-52.
Thực chất, các phương án đánh B-52 đầu tiên đã được soạn thảo từ năm 1968 và đến giữa năm 1972 đã hình thành phương án kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng Phòng không-Không quân rồi.
Nhiệm vụ chiến lược của Không quân Việt Nam ở giai đoạn này là: "tập trung lực lượng bảo vệ Hà Nội, tiêu diệt nhiều máy bay địch, bắt giặc lái, nhất là B-52; bảo vệ mạch máu giao thông, chi viện chiến lược..."
Đầu năm 1972, khi Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 được thành lập, các phi công của Đại đội 5 là Trần Cung, Vũ Xuân Thiều, Trần Thông Hào, Nguyễn Ngọc Thiên, Trần Anh Mỹ, Lưu Văn Hinh được điều động làm nòng cốt cho Trung đội bay đêm của Trung đoàn mới thành lập này.
Vậy là, cho đến năm 1972, ta đã có 4 Trung đoàn Không quân tiêm kích (hai Trung đoàn sử dụng MiG-21, một Trung đoàn sử dụng MiG-19 và một Trung đoàn sử dụng MiG-17). Các Trung đoàn Không quân tiêm kích trong đó có các phi công bay đêm, đánh đêm đã sẵn sàng quyết chiến trong một năm có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh Việt Nam.
Đỉnh điểm của nó sẽ là Chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chiến dịch cuối cùng và quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2019, 08:48:32 am »

Những trận đánh đêm đầu tiên trong năm 1972, như các đêm mồng 8, 17, 21 tháng 2, mặc dù các kíp trực ban dẫn đường đã nỗ lực tìm mọi cách dẫn MiG-21 vào tiếp cận khi địch luôn cơ động nhưng vì kinh nghiệm dẫn dắt cho trận đánh đêm còn ít nên chưa tạo được điều kiện cho MiG lập chiến công.
Đêm mồng 1 tháng 3 năm 1972, hai phi công Phạm Tuân và Đặng Vân Đình trực ban chiến đấu. Đây là đêm trực ban chiến đấu đầu tiên của Đặng Vân Đình. Cả hai phi công cùng chuyển cấp 1 và Đặng Vân Đình xuất kích trước Phạm Tuân khoảng 3-4 phút. Lúc này, địch đang hoạt động ở khu vực Mường Lát (phía Nam Mộc Châu) và Mường Xìa (phía Nam Mường Lát). Phi công Đặng Vân Đình được dẫn ra khu chiến để chặn đánh địch.
Hồi ấy, ta áp dụng chiến thuật "nhử mồi", tức là cho một chiếc cất cánh lấy độ cao để bộc lộ lực lượng cho địch phát hiện được. Khi chúng cho tốp nào vào đánh thì ta sẽ cho lực lượng ém quân lên để nện. Đêm ấy, Vân Đình làm nhiệm vụ "nhử mồi" cho Phạm Tuân đánh chính. Trước đó ở nhà trực, Tuân tưng tửng nói với Đình:
 - Ông có nhớ trước đây biên đội Đỉnh - Tuân (Vũ Ngọc Đỉnh và Phạm Đình Tuân) trực chiến khi xuất kích thì Tuân rơi, hôm nay thì lại biên đội Đình - Tuân thì không biết thế nào. Tuân kia thì rơi rồi, chưa biết chừng lần này là đến lượt ông đấy!.
Nghe Tuân nói chơi chơi như vậy, Đặng Vân Đình chỉ cười, không ngờ đêm hôm ấy Đình bị bắn rơi thật.
Theo tài liệu tra cứu thì đêm ấy, chiếc F-4D được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Tree Combat do Trung tá Joseph W.Kittinger và Trung úy nhất Leigh A.Hodgdon thuộc Phi đoàn 555, Không đoàn 432 TFW điều khiển, đã sử dụng tên lửa điều khiển bắn 3 quả liên tục. Hai quả trước không trúng, đến quả thứ ba thì trúng máy bay của Đặng Vân Đình.
Sau này, khi Kittinger tiếp tục bay vào đánh phá các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam đã bị phi công Ngô Văn Phú bắn hạ và Kittinger bị bắt làm tù binh. Đến thời điểm ấy, Kittinger đã tích lũy được hơn 7000 giờ bay, còn Trung úy Ngô Văn Phú mới có hơn 300 giờ bay.
Đặng Vân Đình kể với tôi:
   -  Hôm ấy tôi nhớ là hôm bên các bạn Lào có Đại hội. Khi ra tuyến trực, tôi mặc chiếc áo da của Nguyễn Khánh Duy. Tôi cất cánh xuất kích lúc 20h47 phút, được dẫn vào khu vực Thanh Hóa trên độ cao 5-6 cây số, vòng ở đó chừng 10 phút, còn anh Tuân thì bay ở độ cao 1,5-2 cây số. Khi tôi nhận lệnh bay về đối đài được chừng 2 phút thì Sở chỉ huy lại dẫn tôi quay lại. Trước đó tôi đã bị bọn tiêm kích Mỹ bắn đối đầu mấy lần rồi, nhưng không trúng. Khi tôi vòng máy bay, thấy mấy quả tên lửa bắn từ phía sau tôi nhưng đều vọt lên trước máy bay tôi. Tôi còn kịp thấy cả đèn trên máy bay chúng khi chúng thoát li. Sở chỉ huy cho tôi vòng tiếp 2 vòng nữa. Đúng lúc cải máy bay ra bay bằng thì tôi nghe cái "rầm". Ngay lập tức, người tôi bật lên sát nắp buồng lái. Tôi phải lấy hai tay ấn lên nắp buồng lái để đẩy người xuống ghế. Biết không thể điều khiển máy bay được nữa, tôi đành nhảy dù. Khi nhảy dù ra, tôi thấy có hai đám cháy. Đấy là chiếc MiG của tôi bị gãy làm đôi đấy. Dù rơi từ độ cao 6000 mét xuống sao mà lâu. Ngồi dưới vòm dù trong trời đêm, tôi thấy thời gian như ngừng trôi, xung quang vắng lặng, im ắng đến nghẹt thở. Mãi rồi dù cũng xuống, nhưng lại bị mắc kẹt trên cành ngang của một cây trong rừng. Tôi kéo túi NAZ-7 ra, thả xuống nhưng không thấy nó chạm đất, tức là tôi đang mắc kẹt trên độ cao phải lớn hơn 15 mét. Tôi quyết định bám theo dây của NAZ-7 để tụt xuống. Nhún nhún một lúc thì người rơi bịch một phát vào giữa các bụi chuối. Tôi tháo dây của NAZ-7 ra, lấy những vật dụng cần thiết trong NAZ-7, chuẩn bị cho việc tìm đường thoát hiểm.
(Tôi xin giải thích một chút về cái gọi là NAZ-7 ấy. Túi NAZ-7 được lắp đặt dưới ghế dù của phi công. Trong túi có những vật dụng cần thiết tối thiểu cho phi công có thể sống sót ít nhất là 7 ngày. Đó là lương khô, dụng cụ cấp cứu, thuốc men, bông băng...rồi bộ dây câu với những con mồi tẩm hóa chất, cồn khô, diêm không tắt dù trời mưa to gió lớn, thuốc chống cá mập, chống muỗi vắt, pháo hiệu cấp cứu, sách dạy tìm những thứ ăn được ở trong rừng v.v.Có lẽ, riêng khoản lương khô đảm bảo có thể tồn tại được trong 7 ngày nên được gọi là NAZ-7. Đoạn dây dù của túi này dài 15 mét, được buộc vào quai dù, có một thời gian nó được ngoắc vào móc khóa ở phần ống quần bay của phi công. NAZ-7 thực sự hữu ích trong những trường hợp nhảy dù khẩn cấp).
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2019, 03:52:58 pm »

Đặng Vân Đình kể tiếp:
   -  Tôi nhìn đồng hồ: bấy giờ mới hơn 9 giờ đêm. Tôi lần tìm được con suối, nhưng suối đã cạn nước nên không có nước uống. Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi đi theo lòng suối. Đi một lúc bắt đầu thấy có nước, càng ngày thì thấy nước càng nhều...Tôi leo lên bờ, gặp bụi luồng liền tìm cách trèo lên, uốn vít các cây cành buộc vào nhau, tạo chỗ nằm. Những con sóc ở đây nhiều lắm, tôi đành làm bạn với chúng trong đêm này vậy. Tôi chập chờn ngủ được một chút rồi giật mình nghe như có tiếng tàu hỏa. Nghe kỹ thì hóa ra không phải, đấy là những tiếng thú rừng đi ăn đêm. Tôi đành nằm im chờ sáng.
Sáng ra, tôi tụt trên cây xuống, cứ theo suối mà đi. Rồi tôi gặp được con đường mòn. Tôi mừng quá, bụng thầm reo lên: "Thế là sống rồi!". Tới một nơi khá quang đãng, tôi thấy chiếc máy bay An-2 bay vòng vòng, chắc là đi tìm tôi. Tôi cởi áo may-ô ra, vẫy vẫy và treo lên cành cây làm ám hiệu, nhưng những người trên máy bay An-2 không thấy. Tôi lấy lương khô trong túi NAZ-7 ra ăn rồi đi tiếp. Khoảng 11 giờ trưa, sau khi tôi vượt được quả đồi chắn trước mặt thì thấy một cánh đồng và thấp thoáng bóng người đi lại. Tôi ẩn mình vào trong bụi cây xem xét đã vì nghi rằng tôi nhảy dù sang đất Lào. Thấy mọi thứ diễn ra bình thường, tôi quyết định đi tiếp. Đi chừng một tiếng đồng hồ nữa thì tôi thấy ngôi nhà có biển đề: "Nhà trẻ". Tôi nhìn vào nhà, thấy những chiếc nôi nhưng không thấy có đứa trẻ nào cả. Khi ấy tôi gặp một người dân, tôi hỏi thăm đến nhà ông trưởng bản nhưng người đó lại không biết tiếng Kinh. Để đè phòng bất trắc, tôi đội chiếc mũ bay cho thật cẩn thận phòng nhỡ đâu bị nện vào đầu. Ngay sau đó có mấy người khác chạy đến ra hiệu cho tôi đứng im tại chỗ và cử người chạy về bản báo tin. Tôi đặt vấn đề được đến Ủy ban hoặc nhà ông Trưởng bản. Họ đòi tháo giày của tôi và lấy súng của tôi, đồng thời cho các dân quân canh gác. Khi Trưởng bản đến, ông nói với tôi: "Nhìn mày, tao biết là người Việt rồi! Mày đến được đây là sống rồi! Mày cần gì thì cứ nói thật đi!". Tôi đề nghị đưa tôi đến Ủy ban. Họ đồng ý. Họ đòi trói tôi nhưng dứt khoát tôi không nghe. Tôi đi bộ với đôi chân đau mà không được mang giày nên cứ đi được một đoạn lại phải nghỉ. Mấy người bảo cho tôi lên võng để cáng nhưng tôi không đồng ý. Chừng 5 giờ chiều thì đến được Ủy ban xã. Một người trèo lên gác bếp lấy bao thuốc lá "Thủ đô" xuống, bóc ra mời tôi nhưng tôi đâu có biết hút thuốc nên lắc đầu từ chối. Rồi họ làm cơm. Tôi thấy họ giết hai con gà to, thoáng cái đã nấu nướng xong. Khi vào bữa ăn, họ gắp 2 quả tim to cho vào bát của tôi. Tôi đã từng đọc câu chuyện về quả tim gà này ở đâu đó rồi nhưng không còn nhớ nữa nên không ăn. Khi ấy, cả bốn ông quanh tôi đều quỳ xuống, chắp tay và nói rằng: "Mày là dân tộc tao rồi! Mày thương đồng bào tao rồi!"...
Rồi đơn vị cũng tìm đến đón tôi. Tôi đi viện một thời gian rồi lại trở về với Đại đội bay đêm...
Sau khi Đình nhảy dù thì cả đêm ấy Phạm Tuân không ngủ được, trăn trở với bao ý nghĩ mung lung. Phạm Tuân đã viết trong sổ nhật ký của mình:
    "Đêm đầu tháng, tao cùng mày xuất kích
     Số chẳng may, mày bị địch bắn rơi
     Thương mày, thương quá đi thôi
     Hai mươi tư tuổi, cuộc đời đang Xuân
     Mày ra đi giữa tuần trăng sáng
     Tao nhớ mày, thức trắng đêm thâu
     Nếu như nó bắn đối đầu
     Chúc mày ngon giấc rừng sâu Hòa Bình
     Thương mày ơi Đặng Vân Đình!"...
Tôi phải giải thích câu: "Nếu như nó bắn đối đầu" một chút: Trong suốt giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam, chúng tôi chủ yếu chỉ đeo tên lửa hồng ngoại - tức là loại tên lửa bắn ở bán cầu phía sau mục tiêu, tên lửa tự tìm nguồn nhiệt phía sau động cơ máy bay đối phương để lao vào. Các máy bay của Mỹ thì sử dụng cả tên lửa hồng ngoại và tên lửa điều khiển, tức là không những chúng bắn được ở bán cầu phía sau mà bắn được cả ở bán cầu phía trước. Khi bắn ở bán cầu phía sau thì  tên lửa nổ ở phía sau đuôi máy bay, phi công dễ có cơ hội nhảy dù và sống sót, còn nếu như trúng tên lửa điều khiển, bị nổ ngay trước mũi máy bay thì hầu như khả năng nhảy dù là ít vì phi công rất dễ bị hy sinh. Chính vì vậy mà Tuân lo lắng cho Đình, sợ bị trúng tên lửa điều khiển của bọn F-4. Lỡ như vậy thật thì chắc Đặng Vân Đình cũng dễ "yên giấc" giữa rừng sâu lắm.
Nhưng Đình đã nhảy dù, đã được đồng bào dân tộc cứu giúp và đơn vị cũng đã đến đón kịp thời...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2019, 03:28:39 pm »

Đêm 30 tháng 3 năm 1972, thời tiết tại sân bay Vinh rất xấu. Gió mùa về nên ở khu vực này luôn có mưa nhỏ, mây thấp và tầm nhìn rất kém. Anh Hoàng Biểu trực ban chiến đấu trên sân bay Vinh. Vào thời gian ấy, trực ban chiến đấu là trực ngay dưới cánh máy bay. Khi chưa có lệnh báo động  thì có thể nằm nghỉ trên chiếc cáng cứu thương đặt ở ngay cạnh máy bay. Khoảng 2 giờ sáng, Sở chỉ huy nhận lệnh trên, cho anh Hoàng Biểu chuyển cấp, cất cánh. Tư lệnh phó Trần Mạnh nói với sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng:
  - Dẫn cho bay vào sâu nhất có thể và về hạ cánh với lượng dầu dự bị tối thiểu!.
Anh Tạ Quốc Hưng hiểu rằng chuyến bay này không phải là chuyến bay đi "săn" B-52 như mọi khi, nó mang ý nghĩa gì rất đặc biệt, nhưng đặc biệt thế nào thì anh không dám hỏi.
Anh Hoàng Biểu mở máy, cất cánh. Máy bay của anh đeo 2 thùng dầu phụ (mỗi thùng chứa 490 lít), trong khi đường cất hạ cánh thì ngắn, anh phải cố gắng điều khiển và liều nhấc máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ. Máy bay rời đất một cách khó nhọc. Chưa đến độ cao thu càng, máy bay đã chui vào mây.
Thông thường, theo phương án chiến đấu thì phải bay rất thấp và phải giữ bí mật liên lạc qua đối không, nhưng lần này, ngay sau khi cất cánh là Sở chỉ huy đã ra khẩu lệnh oang oang qua đối không và cho lấy độ cao lên 8000 mét.
Trong Sở chỉ huy tiền pgương, anh Tạ Quốc Hưng đánh dấu thời gian lên bản đồ: G+6 phút là ngang Đồng Hới, G+12 phút là đến Huế, G+...là đến Đà Nẵng... với tâm trạng ngày càng lo lắng không biết thời điểm nào cấp trên sẽ ra lệnh cho anh Hoàng Biểu quay về và sẽ quay về như thế nào. Đúng thời gian ấy, phía Không quân Mỹ cũng đã biết Không quân Việt Nam sử dụng MiG khả năng đi tìm diệt C-130 dọc theo biên giới Việt-Lào nên đã cho 2 chiếc F-4D từ Thái Lan sang để đánh chặn MiG.Anh Tạ Quốc Hưng lập tức nhận được chỉ thị tập trung vào việc yêu cầu ra-đa dẫn đường theo dõi địch.
Anh Hoàng Biểu cũng nhận được lệnh từ Sở chỉ huy:
   - Bật tăng lực, lấy độ cao lên 14.000 mét, vòng 2 vòng ở độ cao này, sau đó xuống độ cao 6.000 mét vòng một vòng nữa rồi lấy độ cao bay ra!
Sau khi lấy đủ độ cao, anh Hoàng Biểu vòng 2 vòng rồi cho máy bay lao xuống đến độ cao 6.000 mét vòng tiếp theo như mệnh lệnh đã giao. Anh được dẫn về với đường bay rất zic-zăc. Anh biết mình đã bị tiêm kích địch đuổi theo và Sở chỉ huy đang dẫn anh tránh chúng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM