Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:31:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần IV)  (Đọc 48199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #30 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2018, 09:00:41 pm »

Cám ơn Viet Trung đã chuyển tải những hình ảnh quý báu của các cựu học viên trường KQ Krasnôđar. Chắc khó còn có dịp gặp lại được nhiều học viên nhiều thế hệ như vậy!.
 Tôi trở lại với chuyện bay đêm, đánh đêm.
 Sau chiến công của hai phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước, kế đến là đêm 3-2-1966, phi công Lâm Văn Lích bay trên loại máy bay MiG-17 đã bắn rơi 2 chiếc AD-6 trong đêm ấy.
MiG-17 là loại máy bay tiêm kích có tốc độ xấp xỉ âm thanh đầu tiên của Không quân Xô-viết, được sản xuất để thay thế cho loại máy bay MiG-15. Nó được đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 1952 và không kịp tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
MiG-17 có các phiên bản: MiG-17A, MiG-17F, MiG-17PF. Nó được trang bị 1 khẩu pháo 37 li và 2 khẩu 23 li.
MiG-17 PF là loại được lắp đặt ra-đa bắt mục tiêu trên không, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ đánh đêm. Nó cũng được lắp đặt hệ thống tăng lực, vì vậy, lực đẩy của động cơ tăng đáng kể, có thể cơ động và tăng tốc tốt hơn trong không chiến.
 Phi công Lâm Văn Lích trực ban chiến đấu vào đêm 3-2. Sau khi hệ thống ra-đa phát hiện được các máy bay AD-6 của Không quân Mỹ bay vào vùng trời Hòa Bình để đánh tuyến đường 15A đoạn Suối Rút - Quan Hóa và đường 21A đoạn Hòa Bình - Tân Lạc. Sở chỉ huy Quân chủng đã cho Lâm Văn Lích xuất kích chiến đấu.
 Chiếc MiG-17PF lăn ra đường băng, bật tăng lực, xé gió lao vút vào khoảng không tĩnh mịch của một đêm mùa Đông.
 Phi công Lâm Văn Lích được dẫn ra phía Hòa Bình, lên độ cao 3000 mét, rồi 4500 mét và vòng bám tốp máy bay Mỹ đang hoạt động ở khu vực Tân Lạc - Hòa Bình. Để tránh bị đối phương phát hiện, lúc này ra-đa trên máy bay chưa được lệnh mở. Vì không nhìn thấy nhau, tại vùng trời Tây Nam Tân Lạc, địch vòng đi vòng lại nên máy bay ta rơi vào thế đối đầu. Khi chúng bay đến phía Tây Bắc Tân Lạc, lại tiếp tục vòng đi vòng lại lần thứ hai thì máy bay ta đang từ thế ngang bằng trở thành xông lên trước. Sở chỉ huy cho anh Lâm Văn Lích vòng trái một vòng và đã lật ngược được tình thế, máy bay ta bám được vào sau tốp thứ nhất. Bay ngang khu vực Mộc Châu, phi công Lâm Văn Lích  bật ra-đa trên máy bay mình và phát hiện được ngay máy bay địch ở phía trước mình với cự li 8 km. Anh tăng tốc độ, bám sát đến cự li 800 mét, dự định khi đến cự li 400 mét sẽ nổ súng, nhưng bất ngờ, mục tiêu trên màn hình bỗng chao đảo và biến mất.
Phi công Lâm Văn Lích quyết định quan sát bằng mắt thường. Khi mắt vừa rời khỏi màn hình ra-đa, hướng ra bầu trời đêm thì anh thấy máy bay địch đen sì đang bay ngay sát phía trước, phía dưới cánh MiG-17 của anh một chút. Anh đưa máy bay của mình xuống thấp, giảm tốc độ và chiếm vị trí công kích. Một sự may mắn tình cờ xảy ra: các máy bay địch lúc ấy lại nháy đèn liên lạc với nhau. Bấy giờ anh mới biết phía trước mình có đến 2 chiếc máy bay địch. Anh bình tĩnh đưa máy ngắm vào giữa 2 đèn của cánh đuôi chiếc đang bay bên trái và xiết cò. Một luồng đạn dài lao thẳng vào máy bay đối phương. Liếc sang phải, anh thấy thằng bay bên phải đang tìm cách chạy trốn nhưng lại quên tắt đèn cánh. Anh áp theo, bám sát và nện một loạt đạn dài. Luồng đạn găm thẳng vào thằng địch. Anh được Sở chỉ huy dẫn về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
Đây là 2 chiếc AD-6 đầu tiên của Hải quân Mỹ bị MiG-17 bắn hạ trong trận không chiến ban đêm.
Đấy chính là những mốc lịch sử liên quan đến hoạt động đêm của Không quân nhân dân Việt Nam.
Khi đoàn bay MiG-21 khóa Ba của chúng tôi tốt nghiệp về nước vào cuối tháng 4 năm 1968 thì tình hình chiến sự đã có nhiều thay đổi.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2018, 02:49:37 pm »

Ngay từ mồng Một Tết nguyên đán năm Mậu Thân, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã đồng loạt tấn công 7 thành phố lớn của miền Nam Việt Nam và cũng trong năm này, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, sau đó dưới sức ép của giới quân sự, quyết định này đã mở rộng ra thành từ vĩ tuyến 19 trở ra. Đến 31-10-1968 thì phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch oanh kích đường không lớn nhất trong lịch sử cận đại. Đó là "Chiến dịch Sấm Rền" (Rolling Thunder). Tổng chi phí cho chiến dịch là một con số khổng lồ nhưng hiệu quả thì thấp vô cùng. Bất chấp các đợt đánh phá hủy diệt, miền Bắc Việt Nam vẫn đứng vững, cách mạng miền Nam vẫn lớn mạnh... còn chính quyền Mỹ thì ngày càng sa lầy về chiến lược, không tìm ra lối thoát, mà báo chí phương Tây nói một cách văn vẻ là "không chút ánh sáng nào cuối đường hầm"
 Mỹ bắt buộc phải tiến hành một loạt các điều chỉnh về chiến thuật trong lúc thay đổi các nhân sự cấp cao trong bộ máy chiến tranh, sẵn sàng cho những bước leo thang chiến tranh mới.
 Trong bối cảnh ấy, vào cuối tháng 6-1968, Trung đoàn Không quân 921 có cuộc chấn chỉnh lại tổ chức. Lực lượng phi công bấy giờ được biên chế thánh 3 Đại đội bay: 2 Đại đội bay ngày là Đại đội 1 và Đại đội 3. Đại đội bay đêm là Đại đội 5 (sau này đổi phiên hiệu là Phi đội 5). Đại đội 5 ban đầu có Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính, Chính trị viên Phan Minh Thành, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Thành và 3 Trung đội bay với 14 phi công tiêm kích MiG-21.
Trung đội 1: Trung đội trưởng là Hoàng Biểu cùng với 3 Trung đội viên là Phạm Văn Mạo, Đặng Xây và Nguyễn Văn Quang.
 Trung đội 2: Trung đội trưởng là Nguyễn Văn Minh và 4 Trung đội viên là Trần Cung, Vũ Đình Rạng, Trần Thông Hào và Nguyễn Hồng Mỹ.
 Trung đội 3: Trung đội trưởng là Nguyễn Văn Thuận và 4 Trung đội viên là Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Cát A, Trần Ngọc Nhuận và Nguyễn Công Huy.
 Nhiệm vụ của Đại đội 5 làhuấn luyện bay đêm để tham gia trực ban chiến đấu ban đêm, đánh đêm là chủ yếu, tuy nhiên vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày cùng với các lực lượng của Đại đội 1 và 3.
Nếu nói về quy trình đào tạo phi công bay đêm thì có thể nói vắn tắt thế này: khi các phi công bay ngày đã nắm vững kỹ thuật bay, thành thạo bay các bài bay trong điều kiện thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp ban ngày rồi thì mới lựa chọn những phi công bay giỏi chuyển sang huấn luyện bay đêm. Nhưng quy trình ấy không phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Vậy là phải "đốt cháy giai đoạn" bằng cách chon lựa, đưa ngay một số phi công bay ngày chuyển sang bay đêm luôn, cho dù một số theo "tiêu chuẩn hàn lâm" chưa đạt cho lắm.
 Lợi dụng thời gian ném bom hạn chế của Mỹ,ta đã tích cực tổ chức các ban bay để nhanh chóng nâng cao trình độ cho các phi công trẻ mới về nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự dìu dắt và thừa hưởng kinh nghiệm của các lớp phi công đàn anh cộng với sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực của bản thân, các phi công của Đại đội 5 đã được rèn luyện, nâng cao tay nghề, tràn đầy quyết tâm sẵn sàng lao vào cuộc chiến.
Trong giai đoạn này, Liên-xô cũng viện trợ cho Không quân Việt Nam 36 chiếc máy bay loại MiG-21F-94 nên khí thế càng hăng hái. Trong số các phi công trẻ của Đại đội 5, sau này đã có nhiều người lập được chiến công trong chiến đấu và đã có những người được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2018, 10:12:01 am »

Xe máy hết xăng (hoặc hỏng hóc) có thể đẩy nhau (dù phạm luật) như thế này để chạy tiếp :


Thế còn máy bay, lại nữa là 2 chiếc tiêm kích phản lực có thể bắt chước như thế, thí dụ như thế này được không (tranh vẽ minh họa) :


Bài báo (tiếng anh) https://tacairnet.com/2016/06/20/pardos-push/?fbclid=IwAR21rKhRTimKPes29wq_aoDkfU165SpMkFmIOkT3lN6b744WfFxrk4g8HTw.

Lược dịch (do Tuan Bim thực hiện) như sau :

Ngày 10-3-1967, trong khi không kích nhà máy gang thép Thái Nguyên, 2 chiếc F-4C thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 433, Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 (433 TFS, 8 TFW) của KQ Mỹ xuất phát từ căn cứ Ubon, Thái Lan bị trúng đạn cao xạ của VN và đều bị rò rỉ nhiên liệu. Chiếc F-4C số 63-7653 do đại úy Earl D. Aman và Robert W. Houghton lái nhanh chóng bị cạn nhiên liệu khi vẫn còn trên vùng trời miền Bắc. Phi công lái chiếc còn lại là đại úy Robert J. Pardo và trung úy Steven A. Wayne quyết định lái chiếc F-4C số 64-0839 để đẩy máy bay của đồng đội đi tiếp. Ban đầu Pardo định tì mũi máy bay vào khoang chứa dù hãm của Aman, sau đó là kê lưng đỡ vào bụng máy bay của Aman nhưng đều không thành công. Cuối cùng thì Pardo quyết định đẩy bằng cách tì mặt kính buồng lái của mình vào móc hãm chiếc F-4 kia.

Mặc dù thường xuyên bị trượt và máy bay của Pardo phải tắt động cơ bên trái bị cháy, 2 chiếc F-4 này đã lết được thêm khoảng 120-130km trong 20 phút, sau đó cả 2 tổ bay nhảy dù trong lãnh thổ Lào và được giải cứu.
Việc để mất máy bay đã gây ra tranh cãi trong các cấp chỉ huy KQ Mỹ về vấn đề thưởng phạt, cuối cùng thì đến năm 1989 cả 4 phi công trong sự kiện này dã được tặng huân chương Sao Bạc.



Đại úy John Robert “Bob” Pardo và Trung úy Stephen A. Wayne lái chiếc F-4C số 64-0839 đẩy máy bay của đồng đội đi tiếp

Video mô phỏng :

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=-5J-WQFdWn0" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=-5J-WQFdWn0</a>

Các bác phi công có ý kiến gì không ?
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2018, 04:09:36 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #33 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2018, 02:38:39 pm »

Thật ấn tượng!. Cái khó nó không bó cái khôn mà nó lại ló cái khôn. Giữa sống và chết thì nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến nảy ra bất chợt lắm.. Riêng cái trò "đẩy" máy bay này nếu không khéo thì máy bay bay sau "ăn" khí lưu của máy bay bay trước là cái chắc. Và lúc ấy thì chính người đẩy bị tắt động cơ. Rồi sự việc sau đó thế nào thì không ai biết trước được! Thiện tai! Thiện tai!...
Cám ơn Giangtvx đã cho biết chi tiết thật thú vị!. Chắc là sau những ngày du ngoạn trên Bà Nà Hil mới có được thông tin này?.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2018, 10:29:16 pm »

Tôi trở lại với chuyện bay đêm. Giữa bay đêm và bay ngày có nhiều điều khác biệt mà ít ai biết đến. Thứ nhất là việc đồng hồ sinh học của các phi công bay đêm bị đảo lộn. Bình thường với mọi người thì ngày thức, đêm ngủ, nhưng với phi công bay đêm thì ngược lại. Lúc các phi công bay ngày xách mũ bay đi bay thì phi công bay đêm phải ngủ. Khi các phi công bay ngày trở về thì các phi công bay đêm lục tục xách mũ bay đi bay. Vậy là giống như cuộc giao ban giữa họ hàng nhà Cò với họ hàng nhà Vạc. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng vậy vì các phi công bay đêm vẫn phải có những ban bay ngày, vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày, vẫn lao vào các cuộc không chiến ban ngày, rồi lại trực ban chiến đấu ban đêm, đánh đêm. Sự xáo trộn ấy là sự mệt mỏi với đồng hồ sinh học. Không phải ai cũng quen một cách dễ dàng được.
Thứ đến là vấn đề về mắt. Câu chuyện này có lẽ để cho các bác sĩ nhãn khoa thuyết trình thì hay hơn, nhưng tôi cũng cứ xin phép "đá" qua một chút, xin các bác sĩ nhãn khoa đừng cho rằng tôi "dẫm chân lên chuyên môn"!.
 Võng mạc của mắt người có vô vàn tế bào nhạy sáng. Có 2 loại tế bào: tế bào hình que và tế bào hình nón. Tế bào hình que phân biệt độ sáng tối, trong khi tế bào hình nón ghi nhận màu sắc. Có 3 loại tế bào hình nón: 1 loại phản ứng các bước sóng cố định trong dải quang phổ từ 400 đến 500 nm, cho cảm giác màu xanh lam, 1 loại phản ứng với bước sóng từ 500 đến 600 nm cho cảm giác màu lục và loại phản ứng với bước sóng 600 đến 700 nm cho cảm giác màu đỏ. Như vậy, tế bào que cảm nhận ánh sáng mạnh hơn tế bào nón. Người ta tính, số lượng tế bào que trong mắt người là 20 triệu, tế bào nón là 7 triệu. Những thụ thể hình que xử lí những yếu tố về sắc độ như các trạng thái khác nhau của màu xám. Chúng là các thụ thể hoạt động chính để tạo nên tầm nhìn ban đêm khi ánh sáng yếu. Ngược lại, các thụ thể hình nón hoạt động với ánh sáng ban ngày và cảm nhận màu.
 Có tài liệu chỉ ra rằng mắt người có độ phân giải cỡ một máy ảnh 576 megapixel, có khả năng nhìn thấy những ngôi sao cách chúng ta ít nhất 28 nghìn tỉ km. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được các đối tượng trong Thiên Hà Andromeda cách Trái Đất 2,5 triệu năm ánh sáng.
 Vậy là, tự nhiên đã ưu ái ban cho loài người một thị lực không đến nỗi tồi. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng khổ nỗi, có những người lại mắc bệnh "quáng gà". Đấy là những người sinh hoạt bình thường vào ban ngày trong môi trường đủ ánh sáng. Khi chiều xuống hay về ban đêm thiếu ánh sáng thì mới trở nên chậm chạp, vụng về, hay vấp ngã và gây ra đổ vỡ như người hậu đậu. Phi công bay đêm rất sợ bị như vậy.
Việc chuẩn bị cho bay đêm cũng khác hoàn toàn so với bay ngày. Khi bay ngày có thể nhìn đây đó, thấy rõ địa hình địa vật, nhưng bay đêm thì không thể. Tất cả phụ thuộc vào đồng hồ, phải bay theo đồng hồ với chút ánh sáng màu đỏ hắt ra từ các bảng đồng hồ trong buồng lái. Từ việc ở máy, lăn ra đường băng để cất cánh tới khi về hạ cánh cũng khác hoàn toàn. Với bay ngày, khi cất cánh có thể nhấc bánh mũi theo đường chân trời, giữ hướng theo vật chuẩn trên đường băng, còn bay đêm thì phải theo đồng hồ chân trời, đồng hồ chỉ độ cao lên xuống và theo hàng đèn ở hai bên đường băng cùng đường chân trời giả.
 Điều khó khăn lớn nhất về mặt tâm lí có lẽ chính là sự cô đơn. Khi bay ngày có thể bay với đội hình 2 chiếc, 4 chiếc, 8 chiếc hoặc nhiều hơn nhưng bay đêm thì chỉ lủi thủi một thân một mình vì không thể bay biên đội như ban ngày được. Giả dụ có bay biên đội thì phải giữ theo ra-đa trên máy bay, chiếc nọ cách chiếc kia cũng đến vài ngàn mét. Chẳng còn nghĩa lí gì nữa. Một mình giữa trời đêm mông lung, mịt mùng là cả một thử thách lớn lao. Đấy là chưa kể đến có những hỏng hóc , những sự cố bất ngờ xảy ra...
 Lúc về hạ cánh, không thể lao xuống bằng mắt thường như bay ngày mà phải theo đồng hồ. Để giúp cho phi công xác định được khu vực kéo bằng, độ cao kéo bằng, khu vực tiếp đất... phải có 3 đèn chiếu đặt ở các vị trí khác nhau, cự li khác nhau bên lề đường băng. Phi công bay đêm phải đưa máy bay "rơi" vào vùng sáng chứ không được "chui" vào vùng sáng. Nếu "chui" vào vùng sáng thì sẽ bị lóa mắt và rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp sau đó. Vậy nên, đường xuống khi bay đêm bao giờ cũng phải cao hơn bay ngày. Cũng vì vậy, khi đang bay đêm lại chuyển ngay sang bay ngày là cả sự rèn luyện tạo thành thói quen cho những thao tác phù hợp. Các chỉ huy bay đêm phải là những phi công từng bay đêm. Không thể lấy phi công chỉ bay ngày sang chỉ huy đêm được. Ngược lại, chỉ huy bay đêm vẫn có thể chỉ huy bay ngày...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #35 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2018, 10:19:37 pm »

Dù bay đêm gặp nhiều khó khăn, trắc trở hơn bay ngày, nhưng lắm khi có những cảnh tượng thật nên thơ mà các phi công bay ngày không thể nào bắt gặp được và có lẽ cũng không tưởng tượng ra được. Đó là những chuyến bay cất cánh vào đúng lúc trăng lên, nhất là vào những đêm trăng tròn. Mặt trăng thật dịu dàng, tròn như một chiếc đĩa ngọc khổng lồ, nhè nhẹ tỏa sáng - một thứ ánh sáng thật mềm mại, dịu êm... chuyển động thướt tha. Trong đêm trăng, bầu trời hệt như chiếc áo gấm khổng lồ được gắn ngàn vạn viên ngọc kim cương lấp lánh, nhấp nháy...
Trăng lên, bạn sẽ bắt gặp những tầng mây nguyên thủy ngàn vạn năm còn ngơ ngẩn giữa không trung và vạt mây mỏng manh, bay lơ lửng trong tầng không tựa như tấm khăn voan của ai đó đánh rơi giữa trời còn vấn vương mùi hương, chập chờn trong gió...
Dưới mặt đất, ánh trăng loang đến đâu, vạn vật sáng bừng lên đến đó tựa như được dát bạc. Từng mảng sáng, tối với những gam màu tương phản tạo nên bức tranh huyền ảo, thần diệu...
Trên mặt nước, ánh trăng như rắc bột kim loại quý lên đó làm cho mặt sông, mặt hồ, mặt biển ngời rực lên, làm tăng thêm độ rộng, độ sâu, độ mông mênh, mung lung... Các đợt sóng gợn lăn tăn như có ngàn vạn con rắn màu vàng, màu bạc đang đùa rỡn nhau trên mặt nước vậy...
Ngắm nhìn những cảnh ấy, không thể không thêm yêu quê hương đất nước. Trong lòng bỗng thấy ngân vang bản tình ca không lời. Làng xóm, quê hương, cỏ cây vạn vật của đất nước mình sao mà yêu mà quý, mà thân thương đến thế. Càng hận thù những kẻ muốn phá vỡ, tiêu hủy những tuyệt tác của thiên nhiên kia. Và thề quyết phải bảo vệ, quyết phải giữ gìn từng tấc đất, tấc trời, tấc biển, không thể để cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào xâm phạm, tàn phá nó được!...
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2018, 10:19:28 am »

xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Cahof các anh em đang tham gia trang nhà. Lâu rồi hôm nay xuanv338 em mới lại dành được mấy phút ngồi nghe anh phicongtiemkich kể chuyện ngày không chiến ban đêm. Nghe chuyện lính nhà trời nó cứ vi vu như mình cũng đang bay giữa từng không? Nhặt chuyện của anh Phicongtiemkich chém gió lại với mấy anh cựu lính mặt đất, mấy anh cựu lính pháo binh nằm viện. Mẫy lão già nghe sương tai mà cứ khen hoài cô cán bộ Y tế sao giỏi nhớ, gỏi biết được về lĩnh vực của Không quân thế. Chắc cô cũng có người nhà làm Phi công. xuanv338 ngập ngừng nửa muốn nhận nửa lại không dám. Chỉ biết cảm ơn anh lính già của nhà trời mà kể chuyện như vẫn đang bày. xuanv338 chúc anh khỏe và dẻo dai mạch chuyện đánh nhau trên trời.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #37 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2018, 03:24:17 pm »

Cám ơn Xuanv338 giỏi nhớ chuyện lại giỏi động viên. hẹn khi nào sẽ về quê lúa uống rượu, nghe mấy anh em hàn huyên nhé!
Bây giờ, tôi kể tiếp. Các phi công bay đêm của Đại đội bay đêm tuy bay đêm trực đêm là chính nhưng vẫn tham gia trực ban chiến đấu ban ngày, tham gia những trận không chiến về ban ngày, nhất là trong chiến trường khu Bốn vào giai đoạn ném bom hạn chế.
Ngày 1-8-1968, sau khi thành lập Đại đội mấy ngày, biên đội 3 chiếc MiG-21 gồm Nguyễn Đăng Kính (Đại đội phó số 1), Phạm Văn Mạo (số 2) và Nguyễn Hồng Nhị (số 3). Đây là sử thử nghiệm đội hình sau khi phân tích các trận không chiến tại chiến trường Khu 4 và những đặc điểm của chiến trường xa căn cứ chính. Số 1 và số 2 trong biên đội sẽ làm các nhiệm cụ tấn công các máy bay cường kích, còn số 3 làm nhiệm vụ yểm trợ, chỉ huy biên đội tấn công tiếp cận mục tiêu. Số 3 là số bay tự do, không bị ràng buộc cứng nhắc trong biên đội, có thể bay cao hơn, bay thấp hơn và ở cự li có thể gần có thể xa biên đội. Nó cũng giống tựa như trung vệ "thòng" trong bóng đá vậy.
Sáng hôm 1-8, thời tiết xấu, mây thấp 200 - 300 mét. Tuy nhiên, đến hơn 10 giờ sáng thì thì đáy mây đã nâng cao, có thể xuất kích chiến đấu được. Lúc 12h34 phút,  biên đội vào cấp 1 và đến 12h37 phút thì biên đội được lệnh cất cánh chiến đấu bay vào khu vực Đô Lương. 12h46 phút, Sở chỉ huy dẫn biên đội vòng trái để tiếp cận mục tiêu đang bay ở phía Nam đường số 7. Số 1 hô: "Bật tăng lực!". Khi biên đội vòng trái, số 3 thông báo bên trái phía sau có 2 chiếc. Số 1 phát hiện mục tiêu sau khi số 3 thông báo, liền hô: "Vứt thùng dầu phụ!" đồng thời tăng độ nghiêng vòng gấp bám theo mục tiêu là biên đội 2 chiếc F-8. Tuy nhiên, bọn F-8 đã không muốn giao chiến, liền tăng tốc chạy thẳng ra biển. Số 1 bị mất mục tiêu và lúc này số 2 cũng mất đội nên Sở chỉ huy dẫn số 2 về sân bay Thọ Xuân hạ cánh.. Trong lúc số 1 đang vòng thì số 3 lại lên tiếng: "Bên phải có 2 chiếc đang vòng phải!". Số 1 ép độ nghiêng quan sát nhưng lại bị mất mục tiêu. Ngay lúc ấy lại thấy số 3 hô: "Nó đang vòng dưới bụng anh!". Số 1 lật úp máy bay kéo xuống nhưng địch đã bật tăng lực chay ra biển. Khi ấy, số 3 lại phát hiện được 1 tốp phía trước, bên dưới. Anh lao bám theo tốp này. Hai chiếc F-8 của tốp này đã thực hiện chiến thuật tách tốp để đối phó. Nhanh chóng nhận định tình hình, số 3 quyết định bám theo thằng đang vòng trái ra biển, cắt bán kính tiếp cận. Đến cự li bắn, anh phóng 1 quả tên lửa rồi thoát li ngay vì anh thấy một thằng F-8 khác đang bám phía sau anh ở cự li phát hỏa. Ngay lúc đó, anh thấy hệ thống tăng lực của máy bay mình bị hỏng. Anh đưa máy bay mình chui vào mây, khi ra khỏi mây, anh tiếp tục quần nhau với 1 thằng F-8 khác đang bám theo mình. Đến cự li phóng tên lửa, anh ấn nút phóng nhưng tên lửa không ra. Ngay lúc ấy, anh thấy 2 quả tên lửa địch đang lao đến, anh ép độ nghiêng cơ động, nhưng vì tốc độ nhỏ, không thể kéo với quá tải lớn được, 2 quả tên lửa kia nổ rất gần, máy bay của anh bị thương. Độ cao và tốc độ giảm rất nhanh, anh đành quyết định rời bỏ máy bay, nhảy dù ở khu vực lâm trường Thanh Chương, Nghệ An.
Trong trận này, số 3 đã bắn rơi 1 chiếc F-8, nhưng anh cũng phải nhảy dù vì máy bay bị thương nặng, không thể điều khiển được nữa.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #38 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2018, 10:03:35 am »

xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Chào các anh em bạn diễn đàn.  Cứ chịu khó nhặt những mG của anh phi công ghép lại thành chuyện mình, lúc rảnh ngồi chém gió lại đứt cả từng không? Hì.....Họ nghe lại bảo cái bà này nghe ở đâu mà lắm chuyện nhà trời. Lại phải cảm ơn nhiều nhiều và rất nhiều anh phicongtiemkich. Vâng! Sẽ có ngày đẹp trời mời các anh về đất lúa ạ. Em vẫn còn cái món rượu tự pha mà chưa truyền bí kíp được cho ai? Còn xuanv338 hôm nay đã học lén được một từ văn độc đáo . Có lẽ từ này chỉ có lính nhà trời mới có. Nhưng em phải rất bí mật. Em chúc anh khỏe , vui, hài hước và mọi may mắn.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2018, 10:17:20 am gửi bởi xuanv338 » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #39 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 02:36:59 pm »

Cám ơn Xuanv338. Nghe tin anh Trần Phú đã trở ra Bắc rồi, mấy anh em tôi sẽ bàn định ngày đến thăm. Sẽ cố mời cả Dongadoan đi trong chuyến này và sẽ báo trước mấy ngày, Xuanv338 ạ!.
Trở lại chuyện của Đại đội bay đêm, đánh đêm. Tính trong vòng 2 tháng (từ giữa tháng 6 đến giữa tháng Cool, Không quân ta gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện chiến đấu trong chiến trường khu Bốn có những nét đặc thù riêng. Không quân Mỹ hầu như đã làm chủ bầu trời và thường xuyên thay đổi chiến thuật. Hải quân Mỹ thì tích cực sử dụng loại máy bay F-8 - loại máy bay đối phó hữu hiệu nhất với MiG-21 vì có tính năng cơ động trên mặt bằng tốt, tốc độ nhỏ nên khả năng cơ động tốt trong khi đó lại được trang bị súng và tên lửa. Các phi công F-8 là các phi công có khả năng không chiến tốt nhất trong lực lượng Không quân Mỹ và khi không chiến luôn tìm cách đưa MiG-21 vào thế "đánh quần" để phát huy sở trường của F-8 là vòng mặt bằng mà không cho MiG-21 phát huy thế mạnh về tốc độ và độ cao.
Chiến trường khu Bốn còn là nơi đấu trí giữa các vị chỉ huy vì Không quân và Hải quân Mỹ đều được dẫn dắt và cũng là nơi rèn luyện cho đội ngũ phi công của cả hai phía.
Trước tình hình như vậy, Bộ tư lệnh Không quân đã quyết định sử dụng kết hợp cả 2 loại máy bay MiG-17 và MiG-21 (MiG-17 có ưu thế "đánh quần" với bọn F-8 và MiG-21 dùng ưu thế tốc độ, độ cao để đối phó với F-4). Sáng ngày 17-8, dự báo thời tiết sẽ tốt lên. Bộ tư lệnh KQ quyết định tổ chức trận đánh hiệp đồng giữa MiG-17 và MiG-21. 4 chiếc MiG-17 của Cao Thanh Tịnh, Đinh Trọng Lực, Nguyễn Văn Thọ, Lương Quốc Bảo cât cánh vào phía Tây Tân Kỳ và biên đội 2 chiếc MiG-21 của Đinh Tôn (Đại đội trưởng Đại đội 5), Nguyễn Văn Minh (Trung đội trưởng của Đại đội 5)  bay vào phía Tây Bắc Con Cuông. Khu chiến được chọn là khu Đô Lương - Yên Thành. Nhưng các máy bay Mỹ lại không lên khu chiến mà hoạt động ở khu Nam Đàn, Đức Thọ nên Sở chỉ huy cho các biên đội MiG quay về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân.
Buổi chiều, theo tin tình báo, sẽ có nhiều tốp máy bay địch hoạt động ngoài cửa biển khu vực Diễn Châu, Cửa Lò, Nghệ An. Vào lúc 15h56 phút, biên đội 2 chiếc MIG-21 của Đing Tôn, Nguyễn Văn Minh nhận lệnh xuất kích chiến đấu để đánh tốp tring sát đang bay vào. Khi phát hiện có MiG, tốp tring sát lập tức quay đầu bay ra biển. Đến 16h08 phút, Sở chỉ huy dẫn biên đội MiG vòng đánh biên đội 4 chiếc F-4 từ Cửa Sót bay vào. Biên đội MiG bật tăng lực, vứt thùng dầu phụ, lấy độ cao lên 5000 mét. Khi cơ động, Nguyễn Văn Minh phát hiện thấy phía sau có 4 chiếc F-4. Đấy là tốp F-4 làm nhiệm vụ yểm hộ tốp máy bay cường kích đi đánh phá ở phía Tây Bắc Vinh. Biên đội MiG-21 áp dụng chiến thuật tách tốp, vòng theo 2 hướng vòng lại đối đầu với bọn F-4. Thấy MiG sử dụng đúng bài của mình, các máy bay F-4 hoảng hốt tháo chạy. Có 1 chiếc F-4 đang ở phía sau Nguyễn Văn Minh nhưng lại sợ bị Đinh Tôn bám đuôi nên cải bằng ra, dúi cần lái giảm độ cao và cơ động hình chữ S để tháo chạy. Lợi dụng thời điểm đó, anh Minh lập tức giảm độ cao bám theo, tiếp cận đến cự li phát hỏa liền phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không lao vút ra, đâm thẳng vào mục tiêu. Thằng F-4 bốc cháy. Nguyễn Văn Minh kéo máy bay lấy độ cao thoát li.
Lúc này, anh Đinh Tôn thấy 3 chiếc tháo chạy về phía Cửa Lò, anh đuổi theo nhưng thấy cự li quá xa, anh quay lại giảm độ cao và về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân lúc 16h23 phút.
Khi thoát li đến gần Đô Lương, anh Nguyễn Văn Minh được thông báo có địch đuổi theo, anh liền bật tăng lực, lấy độ cao lên 10.000 mét thoát li khỏi khu chiến và về hạ cánh sau anh Đinh Tôn 2 phút ở sân bay Thọ Xuân.
Vậy là, trong trận ngày 17-8 này, biên đội của Đinh Tôn, NGuyễn Văn Minh đã hạ gục 1 F-4 bằng 1 quả tên lửa R-3S.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM