Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:59:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc lưu lạc của tàu ngầm U-977  (Đọc 11260 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 08 Tháng Chín, 2018, 10:39:51 pm »

      
       - Tên sách : Cuộc lưu lạc  của tàu ngầm U-977
                          Bản gốc : "Adventures d'un sous-marin a allemand" (France)
                                          Collection "J'ai lu" Editions Ditis, 1962

        - Tác giả : Heinz Schaeffer
                        Người dịch : Chu Minh Thụy

         - Nhà xuất bản Văn học

         - Năm xuất bản : 2009

         - Số hóa : Giangtvx

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2018, 10:46:34 pm »

         
ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

        Thiếu tá hải quân Heinz Schaeffer nguyên là sĩ quan trong quân đội Đức Quốc xã, nhưng ông chỉ là một quân nhân thuần túy.

        Sau một sự nghiệp rực rỡ, năm 1945, khi Đức Quốc xã đầu hàng Đồng Minh, ông tìm cách đưa chiếc tàu ngầm U-977 do ông làm hạm trưởng sang Cộng hòa Argentina, tận Nam Mỹ. Vì có tin cho rằng ông đưa Adolf Hitler, Quốc trưởng và là thủ lĩnh đảng Quốc xã đi trốn, nên ông bị điều tra nhưng cuối cùng được thả. Trở về đời sống dân sự, ít lâu sau ông qua định cư ở Argentina. Và tại đây ông viết lại hồi ký này.

        Ngày nay, các cường quốc đều xem tàu ngầm (tức: tiềm thủy đỉnh) là một phương tiện vô cùng lợi hại trong chiến tranh, nên cố gắng hoàn thiện nó, và một số lớn chạy bằng nguyên tử lực, được trang bị hỏa tiễn tầm xa, có khả năng lặn sâu và lâu hơn những tàu ngầm trong Thế chiến thứ hai rất nhiều. Tuy nhiên, những vấn đề căn bản mà các tàu ngầm và các thủy thủ có thể gặp phải, nhứt là lúc có chiến tranh, thì nói chung cũng như nhau.

        Giá trị của hồi ký này là ở chỗ trung thực - dĩ nhiên tương đối - của tác giả, tính chính xác trong khi miêu tả, và sức hấp dẫn của câu chuyện rất “đàn ông”.

        Bản dịch được dựa theo bản tiếng Pháp của nhà xuất bản "J'ai lu - Ditis”, 1962.

D.G        


TÓM TẮT CỐT TRUYỆN

        Chương I: Quá khứ sống lại

        Sau Thế chiến thứ hai, một ngày nọ, tại Dusseldorf, tác giả đọc báo, hay tin có người ở Argentina viết sách quả quyết Hitler được đưa đi trốn trong một đoàn tàu bí mật, trong đó có chiếc tàu ngầm U-977 mà tác giả làm hạm trưởng cho đến ngày gần đây. Tác giả bèn xem lại tập nhật ký.

        Chương II: Từ cánh buồm trắng đến chó sói xám

        Tác giả sinh và lớn lên tại Berlin. Đam mê mạnh nhứt của tác giả là đi biển. Sau khi tập lái thuyền buồm, tác giả thi đậu vào trường Sĩ quan hải quân khi Thế chiến thứ hai sắp xảy ra. Tác giả được học phần thực hành trên nhiều tàu.

        Chương III Chó sói xám

        Tác giả được phân công lên một tàu ngầm để tập sự. Tàu chạy ra Đại Tây Dương và đánh đắm một tàu chở dầu Anh bằng ngư lôi.

        Chương IV: Tấn công một đoàn tàu

        Sau khi nghỉ ngoi tại Lorient, tàu trở ra Đại Tây Dương. Cùng với vài tàu ngầm khác, tàu mà tác giả tập sự đã đánh đắm nhiều tàu địch của một đoàn tiếp tế. Bị ba khu trục hạm đuổi theo, tàu ngầm thoát được nhờ lừa gạt địch. Sau đó, hạm trưởng nhanh trí bắn rơi hai máy bay xuất hiện lúc tàu bị trục trặc không lặn kịp.

        Chương V: Thay đổi khung cảnh

        Năm 1942, tác giả được về Đức để hoàn tất công việc học tập trong 6 tháng. Tác giả được bổ nhiệm làm đệ nhất sĩ quan phụ tá trên một tàu ngầm. Trong một lần thực tập, tác giả chứng kiến sự bất lực của con người khi một tàu ngầm chìm do tai nạn.

        Chương VI: Bao tố và Giáng sinh

        Trong khi chạy ra Đại Tây Dương, tàu gặp thời tiết xấu, giông tố. Đêm Giáng sinh, tàu đánh đắm một khu trục hạm Mỹ lơ đễnh trong việc canh gác. Sau đó, tàu nhận lịnh tấn công một đoàn tàu địch. Cùng với vài tàu ngầm khác, tàu đánh đắm một số tàu địch, rồi vì sắp cạn nhiên liệu, đành bỏ dở.

        Chương VU: Tiếp tế dưới nước

        Sau khi liên lạc, một tàu ngầm “cung cấp” chạy tới tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm cho tàu, ngay cả lúc hai chiếc đều lặn.

        Chương VIII: Trong địa ngục Gibraltar

        Đến hải cảng Saint - Nazaire, tàu được trang bị thêm vũ khí. Sau đó tàu chạy về hướng Gibraltar. Máy bay địch phát hiện, và các toán khu trục hạm thay phiên nhau tấn công tàu lặn. Khi sắp tuyệt vọng thì nhờ mưu mẹo lừa địch, tàu ngầm thoát được.

        Chương IX: Radar, kẻ thù số một

        Ra-đa là vũ khí lợi hại của Đồng Minh nhằm khám phá tàu ngầm. Bên phía Đức, người ta tìm cách vô hiệu hóa nó, nhưng chưa thành công.

        Chương X: Không kích

        Cuối năm 1943, tàu được sửa sang lại và tăng cường vũ khí. Tàu được lịnh, cùng với hai tàu ngầm khác, chạy ngang vịnh Gascogne để làm cuộc thử thách chống máy bay địch. Nhưng thất bại: hai tàu kia bị địch đánh chìm, chiếc mà tác giả phục vụ lặn được, thoát hiểm.

        Chương XI: Trong khi chờ vũ khí mới

        Tác giả được đi học khóa chỉ huy, và được biết có nhiều kiểu ngư lôi và tiềm thủy đỉnh cải tiến đang được nghiên cứu hoặc đang được đóng. Đó là hi vọng hầu thay đổi tình hình đang suy sụp của quân đội Đức.

        Chương XII: Lịnh ra biển

        Giáng sinh 1944, tác giả được bổ về làm hạm trưởng tàu ngầm U-977. Tàu chạy đến Na Uy để tập luyện thì có tin Đức đầu hàng. Vì không nhận được lịnh rõ rệt, nên tàu chạy qua Argentina sau khi để một số nhân viên thủy thủ đoàn đổ bộ lên xứ Na Uy để trở về Đức.

        Chương XIII: Sáu mươi ngày dưới nước

        Vì ống tiềm vọng kính trục trặc, tàu phải chạy dưới nước để tránh bị Đồng Minh phát hiện, suốt đoạn đường từ Na Uy đến khỏi Gibraltar. Trong thòi gian này, tinh thần của thủy thủ đoàn bị khủng hoảng, nhưng nhờ sự cương quyết của hạm trưởng, họ vượt qua được.

        Chương XIV: Dưới bầu trời Nam Tào

        Tàu bắt đầu chạy trên mặt biển. Cuộc sống dễ chịu hon. Tàu được lau chùi sạch sẽ trở lại. Hạm trưởng bắt buộc áp dụng vài biện pháp kỷ luật để duy trì kế hoạch, và cuối cùng tàu đến được Argentina.

        Chương XV: Anh đã giấu Hitler!

        Tuy được tiếp đón nha nhặn, tác giả bị cách ly với phần còn lại của thủy thủ đoàn, và bị thẩm vấn, đầu tiên bởi nhà chức trách Argentina, sau đó là Mỹ, rồi Anh. Cuối cùng ông được thả tại Đức, cũng như thủy thủ đoàn. Còn chiếc U-977 thì bị đánh chìm do lịnh của Đồng Minh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2018, 11:48:06 pm »


CHƯƠNG I

QUÁ KHỨ SỐNG LẠI

        Một ngày kia, sau Thế chiến thứ hai, tôi có mặt tại Dusseldorf. Thành phố này, hồi trước sống động bao nhiêu, thì lúc bấy giờ trở nên tiêu điều khó nhận ra nổi. Tôi đi một vòng trong thành phố. Chỉ thấy toàn người ốm yếu, quần áo tồi tàn. Khắp nơi, các sườn nhà, các bộ đồng phục xa lạ của quân đội chiếm đóng. Tôi bước thơ thẩn trên con đường Konigsstrasse và nghĩ tới những gì bắt buộc phải quen, cùng những gì phải chịu đựng thêm nữa. Bỗng nhiên, thính giác tôi ghi nhận một con số, một công thức ngắn ngủn mà tôi sẽ nhớ cho đến ngày chết. Bởi con số ấy đưa tôi trở về vị trí chiến đấu cũ.

        Ở một nơi nào đó, không xa nơi tôi đứng, có tiếng la với giọng hổn hển: 977- 977 - 977! Chiếc tàu ngầm do tôi chỉ huy mang số hiệu U-977 và các bạn có thể đoán là con số ấy có ý nghĩa ra sao với tôi. Sau nhiều tháng dài bị giam giữ ở nước ngoài, kế đó ngay tại tổ quốc, giờ đây tôi lại nghe nó. Tôi cố lắng nghe, không chắc là mình nghe thật. Không, có lẽ tôi lầm...

        Tôi tạt ngang một quán báo. Một ông cụ, trong bộ quần áo rách rưới, đưa tờ báo ra rao bằng giọng khàn khàn: “Hitler còn sống! Hitler còn sống[”. Mắt tôi định quay đi thì gặp hàng chữ lớn trên tờ báo. Tôi đọc: “U- 977... Hitler còn sống!". Và bên dưới, chữ nhỏ hơn: “Hắn trốn qua Argentina trên tàu U-977". Tôi đứng sững giữa đường Konigsstrasse, giống như mọc rễ và bật cười lên như điên, khiến mấy cô bé từ trường học ra, và các người đi ngang nhìn tôi lo ngại, vòng ngã khác để tránh. Chắc họ nghĩ: “Lại thêm một kẻ quá đói phát điên!”.

        Tuy nhiên, bao tử tôi chẳng lép, và đầu óc tôi bình thường. Tôi chỉ cười cái “tin vịt” ấy, bởi tôi biết rõ về hành trình cuối cùng của U-977 hơn tất cả các nhà báo trên thế giới này. Tôi tiến tới một quán cà phê, gọi một cốc bia, và chậm rãi thưởng thức cái tin đao to búa lớn ấy. Đó là bức điện của một chi nhánh lấy tin tại Argentina thông báo rằng ở thủ đô Buenos Aires, một anh chàng có tên Ladislas Szabo vừa mới cho xuất bản, với nhiều chi tiết làm bằng chứng, một quyển sách mang tựa: Hitler còn sống. Theo y, chiếc tàu ngầm U-530, do bạn của y là Wehrmut chỉ huy, cùng với chiếc U-977, là những đơn vị duy nhứt còn sót lại của hạm đội Đức, đã xuất hiện thật lâu sau ngày Đức Quốc xa đầu hàng, đều thuộc một “đoàn tàu ma”, trên đó Hitler và vài nhân vật quan trọng khác của Đệ tam Cộng hòa Đức chạy trốn, trước hết sang Argentina, kế qua Nam Băng Dương.

        Tờ nhật báo còn đăng cả hải trình của “đoàn tàu ma” và cho biết nơi hai tàu lặn đã rời đoàn. Hai vị chỉ huy các đơn vị này - theo tờ báo - bảo đảm sự xác thực của bài báo.

        Thật ra, tôi chẳng hề quen biết Ladislas Szabo và tin rằng Wehrmut cũng chưa hề gặp mặt anh chàng ba xạo này. Anh ta đào ở đâu ra các tin tức ấy?

        Tuy nhiên, từ ngày 17-8-1945, người ta cứ theo đuổi tôi với cái câu: “Chính anh, Schaeffer, đã đem Hitler qua Argentina!” Dù với ủy viên đặc biệt của một ủy ban Đồng Minh được gởi sang Buenos Aires bay với mấy sĩ quan tình báo Mỹ đưa tôi bằng máy bay qua Washington để các sĩ quan chuyên môn thuộc hạm đội Anh tra vấn, cứ mỗi lần tôi lại phải làm một cuộc chiến đấu mới để tự minh oan.

        Tôi không quên tầm quan trọng mà người ta dành cho trường họp tôi, tại Washington. Các sĩ quan tình báo Mỹ xem tôi như một trong các chìa khóa của bao vấn đề vẫn còn bí mật. Một anh còn tuyên bố: “Schaeffer, anh đã giúp Hitler biến mất, vì vậy với chúng tôi, anh đáng được lưu tâm hơn Skorzeny, kẻ đã từng giải thoát Mussolinil"1. Lần hồi tôi đã thành công trong việc thuyết phục mấy anh chàng giàu trí tưởng tượng dồi dào này, và nếu tôi gặp ông Szabo có lẽ tôi cũng làm được như vậy.

        Đêm đã đến, tôi quay về căn phòng cô đơn của tôi. Tôi nằm xuống, nhưng không thể chop mắt được, ông Szabo đã biến tôi thành một “người bí mật” giông giống như Edmond Dantès trong truyện Bá tước Monte-Cristo.

        Tuy nhiên, kế bên tôi, trong hộc bàn viết, có ba quyển tập nhàu nát ghi lại kỷ niệm của tôi trong thời chiến. Tôi chỉ được rảnh có một lần để coi lại chúng: năm 1945, khi tôi sống 24 tiếng đồng hồ đầu tiên trên đất Argentina. Từ đó, tôi không mở chúng ra nữa. Những quyển tập ấy chứa đựng toàn thể sự thật về chuyến đi bí mật của U-977 và về kẻ đã “giấu” Hitler, là Heinz Schaeffer. Những hàng chữ này được viết trên tàu vì tôi cảm thấy có nhu cầu sắp đặt lại trật tự trong ý tưởng và cần ghi các giai đoạn của cuộc chiến tàn nhẫn bằng tàu ngầm. Các trang này đủ để kéo quyển sách của ông Szabo về đúng giá trị của nó đối với nhà xuất bản Tabano - có công bỏ vốn ra in sách.

-----------------
        1. Trưóc khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mussolini, nhà độc tài phát xít Ý, bị vua Ý lúc bấy giờ là Victor Emmanuel Đệ Tam bắt giam. Trong một sứ mạng nhảy dù táo bạo do Skorzeny chỉ huy, quân Đúc đă giải thoát cho Mussolini và đưa tới nơi an toàn. (Chú thích của người dịch).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2018, 11:50:32 pm »


        Đột nhiên, tôi cảm thấy một ý muốn khẩn thiết xem lại các ghi chú ấy. Tôi bật đèn ngủ và lôi ra mấy tập giấy. Chúng vẫn còn tỏa cái mùi riêng biệt, đầy nam tính, thấm đẫm chất dầu, nước biển, dầu hắc mà mọi đồ vật trên tàu ngầm đều ngấm vào. Các trang giấy vẫn còn nhớp nháp hơi ẩm của biển và chữ viết của tôi phản ảnh trung thực, ngày qua ngày, tâm trạng tôi. Đôi khi chúng đều đặn, lúc thì nguệch ngoạc bằng viết chì theo lối hành văn điện tín. Một cách máy móc, tôi tìm các tờ kể lại lúc tới nơi của chiếc U-977 tại Mar del Plata, quân cảng của Argentina. Và đây:

        Chúng tôi vào hải cảng Mar del Plata rồi bỏ neo dưói ánh mặt trời rực rỡ trong khi các tàu chiến Argentina bao quanh chúng tôi. Vị chỉ huy tiểu hạm đội lên tàu chúng tôi, theo sau là bộ tham mưu. Toàn thể thủy thủ của chúng tôi đứng trên sàn tàu. Tôi dùng tiếng Đức phát biểu bản báo cáo. Vị chỉ huy chắc chắn chẳng hiểu được tiếng nào, nhưng cũng nắm được ý nghĩa của nghi thức ấy, nên sau một cái chào thật đẹp, ông ta hỏi tôi nói được tiếng Pháp không. Chúng tôi bắt đầu cuộc đàm thoại. Ông ta cho tôi biết rằng tôi phải rời tàu của tôi trễ nhứt là nửa tiếng nữa. Thủy thủ đoàn được phép đem theo tất cả hành trang. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng công việc cần thiết này, do đó không thiếu thì giờ lo liệu. người ta cho phép tôi nói lời từ biệt với thủy thủ đoàn.

        Trước mặt các chiến hữu thuộc quyền, đang đứng nghiêm, tôi đột nhiên biết chắc rằng lời từ biệt của tôi không những chỉ nói với họ, mà cả với toàn thể cuộc đời trên biển của tôi. Tôi dò xét gương mặt họ, cái nhìn của họ chăm chú vào tôi, với vẻ chờ đợi. Lẽ ra tôi phải nín lặng nhưng muốn giúp đỡ các người bạn can đảm của tôi tìm lại con đường của họ trong một thời kỳ không mấy thuận lợi. Tôi ho lấy giọng, cổ tôi khô, và tôi tìm được cách nói không quá khoa trương, để diễn tả cảm nghĩ chung của chúng tôi:

        -  Các chiến hữu! Như chúng ta đã quyết định trong ngày 9 tháng 5, mình đã thành công trong việc đi đến hải cảng Argentina. Tôi tin chắc rằng không ai trong các bạn tiếc cuộc du hành này. Nó sẽ được xem như cuộc phiêu lưu đậm nét của cả cuộc đời chúng ta. Mình có thể hãnh diện. Sự phân ly mà chúng ta phải chịu sau bao thử thách quả khắc nghiệt, khi mà sự sinh tồn, vận mệnh của ta đã từng dính líu chặt chẽ với nhau. Không ai trong chúng ta được quên là chúng ta, hải quân Đức, là những kẻ còn sống sót của vũ khí đáng nể nhất của cuộc chiến đấu vĩ đại này. Ý nghĩ này sẽ giữ giữa chúng ta một mối liên quan vô hình và đòi hỏi mỗi người phải cư xử trong danh dự. Tôi cám ơn sự tin cậy, lòng ngay thẳng của các bạn và tôi chúc cho mọi nhân viên trong thủy thủ đoàn thực hiện được các hi vọng, các mong ước của họ.

        Kế, tôi từ biệt tất cả bằng một cái bắt tay. Những gương mặt râu ria của thủy thủ biểu lộ sự cảm động của họ. Nhiều người rươm rướm nước mắt. Chính tôi cũng phải tự kềm chế để giữ cho mình cứng cỏi đến phút chót. Tôi bắt tay Moses, trẻ nhất trong thủy thủ đoàn, lần cuối. “Riêng với em, bé trai, tôi chẳng lo ngại đối với em: em sẽ biết cách tự lo liệu! Chúc em may mắn, Mosesl”.

        Giờ đây tới lúc từ biệt người bạn đồng hành chiến đấu của chúng tôi, chiếc U-977. Bên trên mặt nước lấp lánh của hải cảng Mar del Plata vang lên lần cuối khẩu lệnh bằng tiếng Đức:

        -  Nghiêm! Bắt súng, chào! Hãy chào chiến hữu bằng thép của chúng ta, kẻ trung thành, bất hoại U-977! Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!

        Các Sĩ quan Argentina tham dự nghi lễ từ biệt ngắn ngủi này với vẻ trầm tư hoàn toàn quân sự, kế đó họ yêu cầu tôi và các sĩ quan dưới quyền leo lên xuồng máy của họ chạy thẳng đến một tuần dương hạm, bỏ neo cách đó không xa. Tôi mang theo toàn thể hồ sơ của tàu: nhật ký hải trình, bản đồ hàng hải, các bảng tính thiên vãn, và tôi lấy làm sung sướng đã không phá hủy chúng, bởi chúng còn giúp chúng tôi nhiều việc. Chưa chi, người ta đã hỏi chúng tôi: “Thiếu tá có từng chở Hitler, Eva Braun và Bormann trên tàu không? Thiếu tá có đánh đắm chiếc tàu thủy Bahia của Brasil không?”.

        Khi tôi mạnh mẽ phủ nhận thì họ mỉm cười. Các sĩ quan của tôi nhìn chiếc cặp đen nhỏ mà tôi ôm theo: đó là thần hộ mệnh cho sự vô tội của chúng tôi.

        Trên sàn tàu của tuần dương hạm Belgrano, đoàn thủy thủ tàu ngầm đứng thẳng hàng. Tiếng kèn đồng vang lên. Chúng tôi leo lên cầu thang. Tôi tự giới thiệu và các chiến hữu của tôi cũng làm y như vậy với vị sĩ quan trực, ông ta đi theo khi chúng tôi đi qua đoàn thủy thủ mặc đồng phục trắng, và tôi cảm thấy hết sức biết ơn thái độ hào hiệp này của họ.

        Tôi được mời tới phòng sĩ quan để trình bày bản báo cáo dựa trên tài liệu và bản đồ hàng hải mà tôi đem theo. Vị chỉ huy tiểu hạm đội muốn rõ lý do nào đã ngăn cản tôi không tự làm đắm tàu khi đến gần bờ. Tôi đáp nếu làm như vậy, thì đã phá hủy mọi hi vọng làm rõ sự thật về chuyến hải hành của chúng tôi.

        Khi vị chỉ huy Argentina lặp lại những lòi nghi ky nói trên, tôi trải bản đồ lên bàn và giải thích hải trình của chúng tôi từ ngày 9 tháng 5.

        -  “Nếu bản đồ này chính xác, vào ngày chiếc Bahia bị đắm, các ông ở cách điểm đắm khoảng 50 hải lý. Chúng tôi sẽ xem xét các tài liệu”.

        Liền đó, người ta thông báo chính thức rằng chúng tôi là tù binh, và họ tách tôi ra khỏi đám chiến hữu của tôi, đưa tôi đến một ca bin rộng, noi tôi thấy trên bàn một chai rượu whisky Scotland. Trước cửa, hai lính gác đứng canh chừng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:44:52 pm »

       
CHƯƠNG II

TỪ CÁNH BUỒM TRẮNG ĐẾN CHÓ SÓI XÁM

        Tôi ra đời tại Berlin, và lớn lên ở đó. Tôi quen với cuộc sống rộn rịp, những con đường rộng với lượng lưu thông dày đặc, những đám người lao động và trí tuệ đã đem đến cho thủ đô Đức cá tính của nó.

        Nhưng trước hết, Berlin đối với tôi là vòng đai nước lóng lánh, được tạo nên bởi các dòng sông, các con kinh, các hồ phản chiếu như mời mọc mọi người từ xa.

        Nhớ có lần, hồi năm tuổi, lúc mẹ tôi đứng bên giường dạy tôi bơi sau nhiều lần tôi bị rơi xuống nước, tôi đã tuyên bố: “Lớn lên, con sẻ làm đại úy”. Và sau đó, tôi bơi giỏi như rái cá.

        Tôi chăm chỉ tập chèo. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi và các bạn nhìn thèm thuồng mấy chiếc thuyền buồm xê dịch trên nước như có phép lạ và chẳng chút cực nhọc. Chúng tôi bèn nẩy ý định sửa chiếc thuyền của “ông già” tôi, mà nguyên thủy chỉ có công dụng là để câu cá. Gặp lúc thuận tiện, cha tôi đi săn, còn mẹ tôi thì bận rộn làm mứt.

        Mỗi đứa trong bọn tìm một tấm vải trải giường cũ. Một cây nọc dùng làm cột buồm, và dây phơi quần áo dùng căng mấy thứ ấy.

        Chúng tôi hài lòng về cuộc thí nghiệm chạy thuyền buồm đầu tiên. Bị làn gió nhẹ đẩy đi, thuyền chúng tôi trôi theo dòng sông trong nhiều giờ, nhưng khi muốn trở lên ngược gió, thì không xong, bởi chẳng dễ gì điều khiển mà không có bánh lái.

        Sau khi sửa chữa, đóng thêm ván, trét dầu hắc bên trong, chúng tôi thử lần thứ hai nhưng kỳ này chỉ một con gió hơi mạnh là thuyền chúng tôi lật chìm xuống đáy sông. Mấy người dân chài kéo được xác ghe lên bờ.

        - Làm tiếp đi, mà chắc đó không phải là chiếc chót mà mày làm đắm đâu! Cha tôi quát, bạt tai và phạt tôi.

        Ông cụ có nghĩ rằng những lời ấy thật ứng nghiệm về sau này không?

        Nhiều năm trôi qua. Thằng nhóc đã trở thành một thiếu niên. Giờ đây, tôi là hội viên của phân bộ tiểu đệ trong câu lạc bộ lái thuyền buồm được nhiều người nể trọng.

        Một ngày chủ nhật của mùa xuân năm 1934, người ta thông báo cho tôi đến trình diện Ban Quản trị của chiếc thuyền buồm Sonnenwende. ông chủ tịch hỏi tôi có muốn làm thủy thủ trên chiếc ấy không?

        - Tất nhiên! Tôi đáp.

        Bắt đầu từ hôm đó, cứ ngày thứ bảy, từ 7 giờ sáng, tôi chờ ông chủ tới để làm những công việc tập sự, trong tư cách thủy thủ - tất nhiên không được trả tiền. Với số tuổi mười ba, tôi trẻ nhất trong số các thiếu niên tình nguyện.

        Tôi có nhiệm vụ chùi rửa sà lúp, chèo nó để đưa ông chủ, gia quyến và bạn bè ông ta từ bờ ra tới thuyền buồm đang bỏ neo cách đó vài trăm mét. Phải làm bốn chuyến mới xong vì sà lúp chỉ chở được bốn người, kể cả tôi.

        Đưa họ lên thuyền xong, tôi phải chuẩn bị tất cả trong khi họ dùng rượu khai vị. Lúc tôi tháo buồm, một sợi dây tuột ra và tôi phải leo lên cây cột cao 20 mét, mà cố không cho ai thấy tôi lo ngại điều gì. Tôi phải chùi rửa đáy thuyền và chỗ bánh lái, lúc nào cũng đầy nước và đồ dơ bẩn.

        Thuyền ấy có hai buồm, nặng 16 tấn. “Thực hành là ông thầy giỏi nhất”, thuyền trưởng khẳng định với tôi như vậy.

        Về sau, tôi được phép điều khiển cánh buồm lớn trong các cuộc đua và cuối cùng có khi còn được giữ bánh lái.

        Tôi thông báo cho cha tôi kết quả của cuộc khảo sát lái thuyền buồm: tôi được công nhận đủ khả năng điều khiển loại du hí “yacht” mọi cỡ, bên trong đường nước của Đức Quốc. Thật ra, mới mười bốn tuổi, tôi còn quá trẻ để được phép, nhưng thuyền trưởng của tôi can thiệp xin cho tôi một đặc ân.

        Cuộc đời thủy thủ của tôi bắt đầu từ đó. Cha tôi mua cho một chiếc thuyền đua nhẹ loại “yole”. Thuyền dài 7 mét và rộng 1 mét 30. Những giây phút rảnh, tôi đều dành cho nó.

        Tôi đã học tất cả mánh lới bằng cách nhìn những tay đua giỏi nhất của câu lạc bộ điều khiển thuyền của họ.

        Và đây, cuộc đua đầu tiên của tôi. Sự bóng láng của vỏ thuyền giữ một vai trò quan trọng, vì vậy mỗi đối thủ đều giữ bí mật công thức của mình. Trước tiên, tôi nghiền than chì với điên điển, kế trộn thêm sáp ong và chà láng vỏ thuyền như gương, rồi cuối cùng sơn lên một lóp dầu trộn với tròng trắng trứng là hoàn hảo.

        Sau tiếng súng hiệu, mặc dù gió mạnh, chúng tôi tiến tới với tất cả buồm căng lên, để lợi dụng những khu vực tương đối êm gần bờ. Hans, phụ tá của tôi, một tay lo tát nước, một tay điều khiển cánh buồm đằng mũi, và cùng lúc, nghiêng người qua lại để giữ thăng bằng cho thuyền. Ba thuyền đối thủ đã lật. Khó khăn nhất là phải chạy một đoạn với gió ngược. Nếu thời tiết yên tĩnh, mình chỉ việc kéo lên một cánh buồm đặc biệt, tròn như cái chén đằng trước mũi, khiến bề ngang của bộ buồm được nhân gấp ba. Cho đến lúc ấy, chẳng ai kéo lên cả. Nhưng vì tôi vẫn ở tuốt đằng sau, nên chỉ còn cách cải thiện vị trí bằng cách chấp nhận nước liều đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:45:38 pm »


        Chúng tôi vọt lên nhanh như tên bắn. Thật ra, thuyền của chúng tôi đã sử dụng gấp ba diện tích buồm so với dự tính khi đóng. Chúng tôi lên tới nhóm dẫn đầu, nhưng thuyền lắc lư và giữ tốc độ một cách nhọc nhằn. Các đối thủ của chúng tôi muốn bắt chước. Khỏi phải chờ lâu kết quả: hai thuyền lật, chiếc thứ ba thì buồm bị rách và bị gió thổi bay mất. Sau sáu tiếng đồng hồ, chúng tôi lãnh được giải ba.

        Năm 1938, cha tôi cho phép tôi qua Hoa Kỳ lưu trú một thời gian. Cuộc du lịch bằng đường biển là một biến cố lớn với tôi. Tôi theo học trong một trường Trung học ở Cleveland, để hoàn thiện môn Anh ngữ của tôi.

        Khi trở về, vấn đề nghề nghiệp của tôi được đặt ra. Tôi sẽ làm gì? Trong một thời gian, gia đình tôi có ý định muốn tôi theo lâm nghiệp. Quả tôi rất ưa thích thiên nhiên, rừng, thú hoang và săn bắn. Tuy nhiên, cuộc sống trên nước cám dỗ tôi mãnh liệt hơn hết trên đời.

        Đối với một chàng trai trẻ, sự đáng kính liên quan đến nghề nghiệp sĩ quan hải quân có cái gì đó rực rỡ. Trong hội quán, chúng tôi thường có dịp gặp mấy sĩ quan hải quân và chúng tôi thấy họ điều khiển tàu một cách thiện nghệ.

        Tôi ít khi nghĩ tới khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh; tâm trí tôi không bận bịu ý nghĩ rằng máu có thể chảy một ngày nào đó. Một thiếu niên đâu quan tâm đến những vấn đề như vậy? Nếu các biến cố đưa tới đó, tôi sẽ làm nhiệm vụ của tôi, chỉ có vậy.

        Tôi chẳng bao giờ quan tâm tới chính trị. Môi trường mà tôi sống hồi ấy nằm bên ngoài lý tưởng quốc xã. Tôi không ở trong đoàn Thanh niên Quốc xã. Tôi tránh không gia nhập hiệp hội nào cả, trừ câu lạc bộ thủy hành.

        Tôi không phải không biết, nếu là sĩ quan, thì phải vâng theo một kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng đó là một cộng đồng mà nhiệm vụ được ấn định rõ rệt, và các quyền hạn cùng trách nhiệm được hỗ trợ bởi truyền thống và danh dự.

        Tôi được cha tôi cho phép dự cuộc khảo sát chuẩn bị được tổ chức trước “chứng chỉ trưởng thành” trong năm cuối bậc trung học. Ngày thi đến gần. Lúc ấy là cuối năm 1938. Giữa chúng tôi sự kích thích đã lên đến cao độ. Chúng tôi có đương đầu được với mọi yêu cầu không? Hải quân chỉ có thể tiếp nhận một phần nhỏ trong số những kẻ đến trình diện. Mình có nằm trong thành phần đó không?

        Cuộc thử thách xảy ra ở Kiel. Các chuyên viên xem xét chúng tôi kỹ lưỡng. Sau khi khám sức khỏe và trả lời vô số câu hỏi, người ta bắt chúng tôi trải qua các thử thách kỳ lạ. Người ta bảo chúng tôi ngồi trong một cái thùng rất lớn. Trên cái bàn to, đèn đột ngột sáng theo thời khoảng đều đặn, phải tắt chúng bằng cách điều khiển một số cần bật. Khi hai đèn màu cùng sáng lên một lượt, phải bẻ tay lái qua phải hoặc qua trái... Bên dưới ghế ngồi có hai còi xe và một cái chuông mà một cử động nhỏ của hai chân làm chúng ré lên. Chúng tôi dễ bị rối trí.

        Một thứ máy có truyền điện dùng để thử thách sự gan dạ và bình tĩnh đã gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi. Từng nghe nói lòng trắng trứng là một chất cách điện tốt, chúng tôi chuẩn bị trước hai bàn tay cho cuộc thử thách này, nhưng phải công nhận kết quả là con số không. Chúng tôi nắm hai cực bằng hai bàn tay. Một khi được nối điện, không thể nào gỡ hai bàn tay ra được. Họ tìm cách thử sức chịu đựng của chúng tôi đối với việc “tra tấn”. Một số bạn la lên và dĩ nhiên là “tiêu tùng”, một số khác nghiến răng và có vẻ mặt căng thẳng tuyệt vọng. Trong khi đó, một máy quay phim ghi lại các giai đoạn thử thách nơi mỗi người.

        Cuối cùng cuộc khảo sát chấm dứt. Tôi đậu.

        Lúc ấy là đầu năm 1939. Thời gian lưu trú của tôi ở Hoa Kỳ mặc dù bổ túc cho tôi một số hiểu biết nhưng lại làm tôi thiếu một số kiến thức để đi thi “chứng chỉ trưởng thành”. Vỉ vậy tôi phải hoãn lại vài tháng và sẽ thi trong mùa thu năm 1939.

        Ngay khi ấy, chiến tranh bùng nổ. Chiến trường Ba Lan chấm dứt nhanh chóng. Nhưng điểu gì sẽ xảy ra tiếp đó? Và việc gì sẽ chờ đợi tôi một khi tôi phục vụ trong hải quân? Chắc chắn hải quân sẽ giữ một vai trò quyết định trong cuộc chiến đấu chống Anh quốc. Nhưng tôi không thạo các vấn đề thủy chiến lược: tôi phải học nghề của tôi đã.

        Khoảng cuối năm, tôi đến Stralsund. Trong xe lửa, tôi gặp lại nhiều bạn học của “crew” 1939 B. Tiếng Anh này có nghĩa là thủy thủ đoàn, nhưng theo truyền thống hải quân, nó chỉ các chuẩn úy cùng khóa, và còn có ý nghĩa một dây liên lạc mạnh và chặt chẽ, hơn cả giữa các cựu sinh viên cùng lớp với nhau.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:46:22 pm »


        Vài hạ sĩ quan đợi chúng tôi nơi nhà ga và đưa chúng tôi tới Danholm, hòn đảo dành cho việc dạy các vấn đề liên quan đến biển. Trời lạnh 40 độ dưới số không. Dù lạnh, chẳng mấy chốc chúng tôi ấm lên nhờ bước mau như chạy. Một cây cầu “pont - levis” được rút lên sau khi chúng tôi băng qua, đánh dấu sự chia ly của chúng tôi với thế giới bên ngoài. Đi qua hai hàng lính bảo vệ, chúng tôi đi vào trại thật sự. Mấy anh lính canh xem xét chúng tôi, vừa nhăn mặt nhạo báng. Họ biết rằng sự vui vẻ của chúng tôi sẽ tắt đi một khi kỷ luật nổi tiếng đang ngự trị ở Danholm dưói hình thức cố ý hành xác được áp đặt.

        Chúng tôi phải sống ba tháng tại Donholm. Phải thú nhận thời kỳ tập sự ấy có cực nhọc, nhưng tôi không xem nó là bi đát.

        Nói chung, cứ tám người ở chung một phòng và mười sáu người vào một tiểu đội. Bốn tiểu đội thành một trung đội và bốn hay năm trung đội thành một đại đội.

        Sáu giờ đã thức dậy. Tiếng tu huýt vẳng đến từ xa và mình từ từ ý thức là trong vài phút nữa, sẽ bắt đầu một ngày không có phút giây yên ổn.

        Bảy giờ, chúng tôi đứng vào hàng. Viên hạ sĩ của chúng tôi tự giới thiệu dưới tên “Nhiều”. "Tôi tên nhiều vì tôi đòi hỏi nhiều! Nằm xuống! Đứng dậy! Tôi sẽ bắt mấy anh chạy cho coi!”.

        Những ngày tiếp theo tương đối yên tĩnh. Họ phát cho chúng tôi một đồng phục xám, hai đồng phục lam, mấy bộ đồ dính liền bằng vải “treillis” để tập luyện, một khẩu súng và chiếc mặt nạ phòng hơi độc.

        Sau khi đọc lời tuyên thệ, cuộc huấn luyện thật sự bắt đầu. Cứ hai giờ thực hành là một giờ lý thuyết. Mục đích thực sự của các bài học này là soi rọi tính tình của chúng tôi, đưa chúng tôi đến chỗ tự bộc lộ, và khám phá những kẻ tỏ ra chống đối hình phạt để loại họ ra, như không đủ tư cách. Lối giáo dục này đặt căn bản trên nguyên tắc chỉ kẻ nào biết vâng lời mới chỉ huy giỏi.

        Đến 6 giờ chiều tất cả đều xong và chúng tôi ăn tối, các sĩ quan được phân tán giữa bọn tôi để giữ sự tiếp xúc thường xuyên, kể cả khi rảnh rang. Kế đó, chúng tôi có hai tiếng đồng hồ tùy nghi sử dụng. Sau khi quét dọn kỹ lưỡng, chúng tôi nghe tiếng tu huýt báo giờ ngủ đã tới, và lịnh “leo lên giường”. Chúng tôi có 15 phút để làm việc ấy, kế là tắt đèn. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ hưởng được từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, một đêm không xáo trộn. Giữa đêm khuya, người ta thường chứng kiến cảnh này: các học viên đứng trước các tủ mở toang chờ cấp trên tới khám. Trưởng phòng hét to: “Nghiêm!”.

        Anh chàng Muller, người lãnh chức trưởng phòng 12, khóa của chúng tôi, trinh diện với giới chức thanh tra đám học viên và tủ của họ.

        - Chào anh em trong phòng 12!

        - Chào ngài Hạ sĩ!

        - Các anh đã ngủ rồi à? Xem tủ coi nào! Cựa quậy lên một chút, các bạn! Cho xem móng tay, Schulze! Bộ anh tính để nó đen đặng đi đưa đám ma hả? Nếu không, tôi chẳng thấy sự ích lợi của mấy ngón đen đúa của anh! Nhún đầu gối 10 cái! Anh không thể đếm lớn hơn sao? Mười cái nữa! Meier, anh hiểu sao về cái tủ có trật tự? Hai chục cái nhún! Sao lại có hình con gái con ghiếc trong tủ anh như vầy? Ê nè, tôi đang nói với anh nghe không? Hơn nữa, làm cách nào mà anh có mặt nơi đây? Không có chỗ trong trại lính này cho các bạn để bờm dài! Lê ra anh phải treo hình ảnh một người lính gương mẫu trong tủ của anh!

        Chúng tôi có nghe đám đàn anh nói nhiều về "Thung lũng Tử thần”. Cứ mỗi lần di chuyển ra bãi tập, là có nguy cơ biết tới cái thung lũng nổi danh ấy. Nó tượng trưng cho mức tột cùng của cố gắng mà người ta đòi hỏi nơi chúng tôi. Chúng tôi biết rằng một chi tiết sai nhỏ cũng đưa đến cho chúng tôi một cuộc dạo chơi nơi lưu trú dễ chịu đó.

        Và chuyện ấy đa thật sự xảy ra cho chúng tôi. ông hạ sĩ ra lịnh cho toán chúng tôi tụ họp trên bãi tập, trong bộ đồ hành quân.

        - Đổi súng qua vai! Bước nhanh, đằng trước, bước!

        Chúng tôi vâng theo lịnh ban ra, quay nửa vòng bên phải hay bên trái, trong khi cấp trên cứ bước thong thả. Chúng tôi đang trên đường ra “Thung lũng Tử thần”. Thung lũng này trải dài giữa hai đồi. Những anh không leo nổi lên đồi thứ hai ở lại đằng sau, bị phạt nặng: không đáp ứng đủ điều kiện về thể chất yêu cầu nơi sĩ quan, họ bị loại. Vì vậy, mỗi người rán gom góp tất cả sức lực của mình. Một số nghĩ đến việc tự tử vì xem bị đuổi như chuyện nhục nhã trong đời sống dân sự.

        Đến “Thung lũng Tử thần”, người ta hô to: “Lên đồi, tiến! Xuống đồi, tiến! Lên đồi, tiến!” Và cứ như vậy trong một tiếng đồng hồ, súng luôn luôn cầm tay, cái ba lô nặng sau lưng. Nhiều anh vấp, trượt, nhưng cố ghìm giữ và theo đuổi công việc leo. Và cứ tiếp tục không ngơi nghỉ: xuống, lên, xuống lên... Mặt mũi chúng tôi đỏ ngừ, một số thì xanh lè... Giờ đây không thể nào làm nổi nữa, ai cũng nghĩ vậy, một lần nữa là chết! Nhưng rồi vẫn làm nổi, mới lạ!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:46:46 pm »


        “Khí độc!”. Đó là lịnh mang mặt nạ. Chắc chắc không có gì tệ hon cái món trang bị dị hợm này.

        “Mấy anh có chịu đi tới, đi hay là không? Lên đồi, tiến! Một đứa trong bọn chúng tôi chẳng còn sức để theo, chẳng bao lâu tới phiên một anh khác, họ bước như hấp hối, mấy người bạn lôi họ theo. Cuối cùng, lịnh giải thoát tới: ‘Trở ra đường... Theo đội hình di hành! Đi đều bước! Hát lên đi!”. Và chúng tôi trở về trại. Giờ tiếp đó, may thay, chỉ để nghe bài giảng.

        Chúng tôi cũng ngán các bài tập với bộ trang phục “đại hàn”. Đó là việc phải mặc tất cả quần áo mình có: ba bộ đồ ngủ dính liền, bộ đồ hành quân, hai bộ đồng phục lam, một bộ xám, áo choàng, mũ len trùm đầu, bao tay, nón sắt, chiếc ba lô đeo lưng và phụ tùng linh tinh. Người ta chuẩn bị trước một căn phòng đã được sưởi ấm quá mức. Toán chúng tôi dồn vào đó và bắt đầu “hít đất” hai mươi lần, có nghĩa là nằm sấp, đoạn nhấc người lên bằng hai tay chống thẳng, rồi nằm xuống lại, v.v...

        Người nóng ran lên, như sắp nổ tung, chúng tôi chỉ có một an ủi duy nhất, là điều chắc chắc này: tất cả rồi cũng qua.

        Quả vậy, ba tháng huấn luyện gắt gao đó trôi nhanh. Chúng tôi tập ném lựu đạn, bắn súng và bắn liên thanh. Tôi nhận được huy hiệu “bắn giỏi” vì trước kia có cơ hội luyện tập trong khu đất nhà và khi đi săn với cha tôi -  huy hiệu mà cha tôi lấy làm hãnh diện và ông cũng từng nhận được khi thi hành nghĩa vụ quân sự.

        Thật ra tất cả những thứ ấy ít liên quan đến việc giáo huấn các vấn đề thật sự thuộc về biển. Điều duy nhất nhắc nhở chúng tôi là thủy thủ, đó là bộ đồ lam mặc trên người khi ra ngoài khiến thiên hạ biết chúng tôi là chuẩn úy hải quân. Sau một năm, chúng tôi đương nhiên lên thiếu úy, tất nhiên khỏi bị bất cứ quân nhân nào cấp thấp hơn làm phiền.

        Những buổi diễn tập cuối cùng là cả một vấn đề. Người ta phát cho chúng tôi đạn, lựu đạn khói và mấy thứ vũ khí khác. Chúng tôi công hãm các hào và thành lũy nhỏ mà không ngớt hô hoán ỏm tỏi.

        Tôi nhận được lịnh đến trình diện trước vị chỉ huy đại đội.

        - Anh có điểm khá yếu, nhưng bắn giỏi, mà kể ra đó là chính yếu vào lúc này. Chúng tôi sẽ gởi anh đi thử thách, trong một toán huấn luyện cảm tử. Hi vọng anh sẽ tiến bộ!

        - Vâng, thưa ngài Đại úy.

        Tôi đã vượt qua chướng ngại đầu tiên.

        Chúng tôi tới quân cảng Kiel, nơi các chuẩn úy được phân tán trên ba chiếc tàu. Các tàu này trông như mấy con ngỗng trời trắng. Mỗi chiếc có trọng tải cỡ ngàn tấn. Chúng tôi giống y hình ảnh mà người ta nghĩ về các thuyền buồm xưa, một đề tài quen thuộc trong các quyển sách tôi đọc. Tôi yên chí sẽ chứng tỏ mình xuất sắc trong giai đoạn học tập này của nghề thủy thủ: tôi chẳng đã dành cả tuổi trẻ mình cho thuyền buồm sao?

        Xuồng đưa chúng tôi lên tàu. Tôi được gởi tới chiếc Gorch Fock! Liền sau đó, các hạ sĩ quan chia chúng tôi ra nhóm bên trái và nhóm bên phải tàu, đoạn chỉ cho chúng tôi võng và tủ cá nhân. Ngay lần thanh tra đầu tiên, vị đại úy chỉ huy tàu đã nói với chúng tôi:

        - “Các anh được vinh hạnh tập những bước đầu tiên trong nghề thủy thủ trên chiếc tàu đáng kiêu hãnh này. Đừng tưởng khi thâu thập mấy điều căn bản của giáo huấn hàng hải tại Danholm đã làm cho các anh thành thủy thủ có khả năng đi biển: các anh vẫn còn thiếu tất cả để thành một sĩ quan hải quân giỏi. Dù kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn, dù tàu có trở nên rộng lớn hơn, chắc chắn là chúng vẫn sẽ luôn luôn do những thủy thủ điều khiển chớ chẳng phải do chuyên viên. Kẻ nào có thể giữ vững trên biển cuộc chiến đấu chống bão tố và các ngọn sóng thì mới chứng tỏ y là một người đàn ông thực sự. Các anh sẽ trải qua ở đây, trên tàu này, những giây phút khổ nhọc, nhưng về sau, các anh sẽ thích nhớ lại chiếc Gorch Fock mà nhờ đó các anh thu thập được các hiểu biết căn bản. Thời kỳ khó khăn chờ đợi chúng ta và chỉ những ai dành thể xác lẫn linh hồn cho nhiệm vụ của họ mới có sức thi hành những gì người ta đòi hỏi họ. Kẻ nào ngự trị biển sẽ làm chủ thế giới. Các cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử đều được diễn ra và được quyết định trên biển. Hãy bận đồng phục lam của các anh một cách hãnh diện và hay đem vinh quang về cho chúng!”.

        Sau các bài diễn văn, chúng tôi đi sắp đặt đồ đạc vào hộc tủ. Nhưng sao chúng có vẻ nhỏ quá! Cao năm tấc, rộng và sâu cũng chừng đó, coi bộ khó nhét hết những gì chúng tôi có. Nhưng rồi cũng xong: chỉ cần biết cách sắp đặt. Riêng chiếc võng, cũng là chuyện không mấy dễ. Tôi ngủ trên đó lần đầu và thấy chẳng cách nào cựa quậy tay chân, nhưng về sau, nhờ đàn anh chỉ cho cách căng mép võng ra bằng mấy cây nẹp gỗ, thì tôi cảm thấy thoải mái mặc dù chẳng bao giờ mê nó hơn cái giường.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:47:19 pm »


        Sáu giờ sáng, tiếng chuông đánh thức vang lên. Nhanh nhẹn, võng được xếp gọn, bởi 10 phút sau đó mọi người đều phải có mặt trên sàn tàu trong bộ quần áo tập luyện để kiểm tra. Các hạ sĩ quan kiểm soát các điều được yêu cầu, mà để thỏa mãn cũng là cả một nghệ thuật Nệm, vải trải giường, mền, được xếp kỹ lưỡng. Còn riêng chiếc võng, bằng vải buồm dày, được vặn theo hình chiếc lạp xưởng. Khi cần, nó sẽ được dùng làm phao cứu sinh, vì vậy phải “chuẩn bị” nó cho thích họp, để nước khỏi chui vào.

        Tháng 3 năm 1940 trời rất lạnh. Vừa ra khỏi chỗ ấm áp, chúng tôi đứng sắp hàng trên sàn tàu đầy gió chờ đợi việc kiểm tra. Mấy thau nước đã được để thành hàng trước đó một tiếng đồng hồ. Để rửa ráy, chúng tôi phải dùng đầu đập bể lớp nước đá đông cứng trên mặt nước của thau.

        Khi leo lên cột buồm, chúng tôi không được phép mang bao tay, vì để tay trần nhạy cảm hon, ít bị té.

        Chúng tôi học các động tác thiết yếu mà mọi thủy thủ phải biết, có nghĩa là cột gút, nối dây, kéo thuyền, sử dụng com-pa, chạy miền duyên hải và trước tiên là căng và cuốn buồm. Cột buồm cao từ 40 đến 45 mét, chúng tôi tập leo lên hằng ngày và cuối cùng quen đến nỗi leo lên leo xuống mau như gió, mà khỏi cần nhìn chỗ đặt tay.

        Đó là một cảnh tượng đẹp lạ lùng khi công việc này được thực hiện với đồng phục trắng thao diễn, khi các thủy thủ cùng leo lên một lượt trên ba cột buồm và thả buồm cùng lúc.

        Một chiếc thuyền buồm, tự nó gây nơi ta một sảng khoái thẩm mỹ. Sự sạch sẽ của nó là một gương mẫu ở mọi khía cạnh. Tất cả các phần bằng kim khí được đánh bóng sáng choang. Sàn tàu, được kỳ cọ mỗi tuần nhiều lần với đá nhám và nước, cũng hoàn hảo như mặt bàn trong phòng ăn. Để rửa sạch, chúng tôi dùng một số lượng rất lớn xà bông, và các lớp sơn đôi khi dày đến mấy phân.

        Có một động cơ dự phòng cho điện thắp sáng trên tàu và một động cơ nữa cho việc khởi hành. Chúng tôi thả và cuốn buồm bằng tay, chúng tôi kéo neo và thả neo, và khi trời yên, chúng tôi di chuyển thuyền trong hải cảng chỉ bằng sức của bắp thịt mình.

        Mỗi tuần ba lần, chúng tôi được phép lên đất liền. Các kẻ hưởng ân huệ đó được xuồng bơi bằng dầm đưa đến bờ.

        Mỗi tối, trước khi đi ngủ, chúng tôi tập hợp trên sàn (tàu) thượng và chúng tôi đồng ca những bài ca xưa của thủy thủ. Các sĩ quan cùng hát với chúng tôi. Mặc dù có kỷ luật nghiêm khắc, chúng tôi họp thành một cộng đồng chặt chẽ: sự đoàn kết dựa trên tình bằng hữu mà không rơi vào kỷ luật lỏng lẻo, là một trong những tính đặc thù của hải quân.

        Lần nọ, cần phải làm một công việc dưới nước, do bánh lái bị trục trặc. Tôi tình nguyện lặn xuống, mang chiếc mặt nạ thợ lặn. Mặc dù có uống rượu rhum hâm nóng, tôi bị sốt cao hai ngày liên tiếp. Bịnh xá của chúng tôi chỉ có thể chứa ít bịnh nhân và tất cả các giường đều đầy bệnh nhân. Một số khá nhiều thủy thủ trẻ bị xước đùi khi leo lên cột buồm và những vết thương này lành rất chậm. Nếu mấy chỗ ấy bị viêm và cương mủ, cần săn sóc lâu dài. Mới đầu, tôi tưởng người ta sẽ đưa tôi vào bịnh viện nơi đất liền, nhưng rồi gặp may: một ca-bin sĩ quan còn trống và họ cho phép tôi vào nằm trong đó.

        Tôi ở nơi ấy tám ngày. Tôi khỏi phải rửa mặt mũi ngoài trời lạnh, cũng như trình diện cái võng cho cấp trên thanh tra trong lúc mình trần, chịu đựng gió và trời giá lạnh. Tôi có bồn rửa mặt riêng với vòi nước nóng và lạnh và bảnh hon hết, có cái chuông để gọi nam tiếp viên.

        Nhưng khoái nhất là có người đến gõ cửa. Hầu hết các trường họp là mấy hạ sĩ quan đang đi tìm người cấp trên. Theo thói quen nhà binh, họ chỉ xuất hiện khi người ta đáp: “Vô đi!”. Nhưng nếu tôi nói: “Có chuyện chi?” thì họ diễn tả gọn vấn đề của cuộc thăm viếng. Trước hết, tôi bảo: “Vô đi!”. Họ đập gót giày theo quân cách trước cấp trên và bắt đầu giải thích lời thỉnh nguyện của họ, tay để thẳng nơi mép quần. Nhưng rồi tất nhiên họ cũng nhận ra tôi. Họ chửi thề om lên, và chỉ còn có việc chạy đi tìm cấp trên thật sự, bởi không thể phạt tôi được vì tôi đang bịnh kia mà!

        Vào cuối thời gian lưu trú trên chiếc Gorch Fock, chúng tôi mang chức vị “thứ huynh” và được phép gắn một ngôi sao với vòng quai chèo vàng bao quanh.

        Đầu tháng 5-1940, tôi được đưa qua chiến hạm Schlesien, trong biển Baltique. Sàn tàu không đẹp như ở tàu buồm trước. Nhiều con gián chia xẻ chỗ ngủ với chúng tôi. Không một thủy thủ nào trên thế giới mà không biết đến thứ côn trùng ấy. Chẳng tí hi vọng chiến thắng chúng, mà chỉ còn cách quen sống chung với chúng thôi. Chỉ ở tàu ngầm về sau này, chúng tôi mới giải thích được sự có mặt của chúng, và của mấy con ruồi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2018, 11:47:41 pm »


        Tôi sống trong phòng kín số 4. Mấy tấm vách ngăn bằng thép dày cản không cho thấy gì bên ngoài. Ngược lại, chúng tôi phải sống chung đụng với một khẩu đại bác 150 ly. Chiếc Schlesien đã được hạ thủy trong thời Thế chiến thứ nhứt. Nó có bốn đại bác 280 ly, hai tháp súng, và lúc ấy nó đã lỗi thời. Nhưng chính vì lý do đó, nó thích hợp cho việc huấn luyện. Người ta để cho chúng tôi quen với việc tự điều hành. Vị trí chiến đấu của tôi là ở tháp súng “Anton”, tận cùng kho chứa đạn, đằng đuôi tàu. Các vỏ đựng thuốc súng được đặt trong máy trục và đưa lên đại bác bằng điện. Phải bốn người mới điều khiển nổi một cây kềm đặc biệt dùng kẹp các vỏ đạn này. Phải cảnh giác, vì lắm khi vỏ đựng thuốc trượt, rơi xuống có thể làm nát chân.

        Hoàn cảnh của chúng tôi dễ chịu hơn so với của các bạn làm việc nơi mấy khẩu 150. Bởi khi vỏ đựng thuốc súng được đưa lên trên, nạp vào, rồi lấy ra và đưa trở xuống, thì cũng mất một thời gian. Còn với loại 150, thì bên dưới người ta đặt các vỏ chứa thuốc súng trong một ống tròn được chế tạo đặc biệt cho việc này và chúng được đưa trở ra lên đầu kia, vì vậy dễ làm nhanh hon.

        Về cách phạt, người ta thường dùng lối mệnh danh “Luzie”. Luzie là tên lá cờ hiệu có màu “lam-trắng-lam”. Người ta bắt thay lia lịa bộ quần áo này đến bộ quần áo kia: bộ lam qua trắng, rồi trở qua lam, v.v... có thể kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Chẳng bao lâu mình mẩy anh chàng bị phạt ướt nhẹp mồ hôi và có khi một cái áo bị rách nữa. Đêm đó phải lo vá lại, vì sáng hôm sau tất cả đều phải trong tình trạng hoàn hảo, nếu không sẽ gặp chuyện vui dài dài.

        Các xuồng sà-lúp kiểu xưa của chiến hạm rất lớn và nặng. Sử dụng chúng là một môn thể thao cần nhiều sức lực. Nhiều khi chúng tôi trở về, sau chuyến tập dượt, với đôi bàn tay phồng da.

        Chúng tôi di chuyển khắp nơi trong biển Baltique trên chiếc Schlesien, và người ta cố giữ cho chúng tôi luôn luôn hồi hộp, sẵn sàng. Tiếp theo lý thuyết là thực hành. Có các bài tập bắn. Trước tiên với đạn mã tử, kế đó với đạn ít thuốc bắn mục tiêu xa, cuối cùng bắn nghiêm chỉnh với đạn lựa chọn kỹ.

        Các tàu lớn là những thế giới thực sự, và những bộ phận của chúng hoạt động với sự chính xác đáng cho ta ngạc nhiên. Vi vậy phải cần gần một năm để thủy thủ đoàn một chiến hạm hoàn toàn thành thạo và sẵn sàng chiến đấu. Chẳng hạn chiếc Bismarck có một thủy thủ đoàn lên đến 2500 người!

        Chúng tôi chẳng còn chút thì giờ rảnh nào. Chúng tôi lại phải giữ hằng ngày “Sổ nhật ký hải hành” trong đó mọi chi tiết đều phải ghi, dù là một công việc tầm thường nhứt. Sau tiếng chuông tắt đèn, làm sao viết? Có lịnh cấm rọi sáng bằng đèn pin và toán kiểm soát không ngớt đi quanh để xem có làm đúng không. Chúng tôi chỉ còn cách tìm phương kế. Phòng tắm thường có kẻ chiếm, và tận cùng hầm tàu cũng vậy. Có lẽ các sĩ quan đều biết, bởi trước kia họ đã chẳng từng là “thứ huynh” như chúng tôi sao?

        Trong khi chúng tôi tiếp tục công việc học tập trên sàn Schlesien, nhiều biến cố lớn đa xảy ra trên thế giới. Cho đến lúc ấy, chiến tranh chỉ ảnh hưởng ít ỏi đến việc giáo luyện đám thanh niên chúng tôi trong hải quân. Trong chiến dịch tấn công Ba Lan, chiếc tàu chở “thứ huynh” tên Schleswig Holstein chỉ bắn đại bác vào bán đảo Hela. Tháng tư 1940, trong khi chúng tôi còn trên tàu Gorch Fock, việc gởi quân qua Na Uy đã gây xúc động một thời gian mà không thay đổi chương trình huấn luyện của chúng tôi. Nhưng ngày 10 tháng 5, bắt đầu cuộc tiến quân về hướng Tây, và quân Đức vượt sông Meuse và sông Escaut Dunkerque trở thành biểu tượng việc bỏ chạy của nước Anh. Paris thất thủ. Nhiều toán quân Đức xuất hiện trên bờ Đại Tây Dương.

        Một ngày đẹp trời, người ta phân phát cho chúng tôi súng, lựu đạn và đồ trang bị hành quân. Lẽ ra hôm sau chúng tôi được chuyển qua tàu khác và có lẽ đó là toán quân đổ bộ lên nước Anh. Lời đồn đại nối tiếp nhau. Sau ba ngày, chúng tôi giao trả đồ đạc nhưng hôm sau được phát lại. Chuyện gì đã xảy ra? Bộ chỉ huy tối cao đang suy tính kế hoạch nào?

        Cuối cùng tôi cùng một số bạn khác nhận lịnh bổ nhiệm về tiểu hạm đội 16 tiền phương. Nhưng tiểu hạm đội này chỉ được tổ chức nơi miền tây nam nước Pháp. Trước hết chúng tôi phải đến cửa sông Weser trong một trại tập trung do một toán cảm tử quân tổ chức. Đoạn người ta nhét chúng tôi cứ khoảng trăm người vào một xe buýt. Chúng tôi vượt qua các vùng ở Đức, có lúc ở Bỉ và cuối cùng đến Pháp. Đó là lúc sau khi ký kết đình chiến với Pháp. Chúng tôi chạy qua các vùng đã đánh nhau. Xác thú vật nằm ngổn ngang; những xe thiết giáp thủng hông, nhà cửa bị cháy; chúng tôi gặp các hàng dài tù binh, phần đông dân chúng giờ đây trở về nhà. Những hình ảnh này khắc sâu vào đầu óc non trẻ của chúng tôi, khi xe chạy qua các đường quê. Tôi nghĩ đến lời của cha tôi rằng không tai họa nào, sự điên khùng nào lớn hơn chiến tranh. Ông đã từng tham dự chiến tranh 1914-1918.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM