Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:58:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người bị CIA cưa chân 6 lần  (Đọc 12026 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2018, 02:57:43 pm »


3. Tờ truyền đơn

        Thương mới tới trại giam được khoảng hai tháng. Vào những ngày này, trại giam Hố Nai có sự xáo trộn. Địch đưa 500 tù binh ra Phú Quốc. Út Thụng bị đưa đi chuyến này. (Anh út Thụng nay còn sống, ở ngay TP. Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Thương được chỉ định làm bí thư chi bộ thay. Trong chi ủy chỉ có hai người, Thương và Võ Văn Châu.

        Thương nhận quyết định của Đảng ủy nhà lao. Nhiệm vụ đầu tiên của bí thư lúc này là tuyên truyền viết truyền đơn đấu tranh với nhà tù phải nới rộng quy chế đối với phụ nữ và trẻ em. Thương có được giấy bút trong tay, những mảnh giấy báo, giây lộn gói bánh, gói cơm khoai của người thăm nuôi gởi vào, anh viết được năm tờ truyền đơn. Thương trao cho Võ Văn Châu :

        - Đồng chí trao cho anh Sáu Sáng năm tờ truyền đơn này!

        Thương còn dặn dò Châu kỹ lưỡng cách ngụy trang tài liệu. Vốn nhiều kinh nghiệm vận chuyển tài liệu nên Thương chỉ cho Châu tỷ mỷ, như thế nào, thế nào...

        Vừa ra khỏi nhà, Võ Văn Châu đã bị bắt, lôi ra ngay những tờ truyền đơn, chúng chất vấn :

        - Đứa nào viết đây ?

        - Tôi.

        - Mày mang đi đâu ?

        - Đi dán ở chỗ công cộng.

        Chúng chưa tra hỏi gì nhiều, chỉ bắt Châu ngồi vào bàn khai và viết lại tờ truyền đơn. Không phải nét chữ của Châu. Chúng bắt đầu dùng các cực hình tra tấn dã man điêu luyện bài bản nhất của nhà tù Hố Nai khét tiếng, bắt Châu phải khai ra người nào viết. Không thể chịu nổi, Châu đành thú nhận :

        - Tôi nghĩ ra nội dung tờ truyền đơn rồi nhờ anh Hân viết giùm.

        Võ Văn Châu đã lãnh phần trách nhiệm chính, nhưng anh có lường hết hậu quả tai hại của lời khai đâu. Trong hồ sơ của Hân khai là mù chữ. Thương bị gọi lên đối chứng. Thương khẳng định :

        - Tôi mù chữ, tôi không biết viết.

        Với mục đích thanh minh, đồng thời cũng muốn gà bạn lời khai. Võ Văn Châu lên tiếng :

        - Tôi thừa nhận là truyền đơn này do tôi nghĩ ra và viết lấy, các ông so tự dạng thấy không đúng, các ông đánh ác quá thì tôi khai đại là anh Hân viết giùm thế thôi.

        Kẻ địch cho hai người ngồi viết, Thương vốn kinh nghiệm có dư, anh một mực :

        - Tôi đã nói không biết chữ thì làm sao viết truyền đơn được.

        Võ Văn Châu viết đi viết lại bao nhiêu tờ chữ thì vẫn không thể viết được giống chữ trong tờ truyền đơn, càng viết càng lộ rõ, không phải chữ mình. Có ngu đến đâu thì kẻ địch cũng biết tờ truyền đơn này không phải Châu viết. Chúng cũng đã biết sức trì cỡ nào của tên tù cụt hai chân này. Mà ở nhà tù thì thiếu gì các cực hình tra tấn. Châu bị nếm mùi đã nhiều, nay chúng cho thử tiếp để trừng trị.

        Riêng Thương, chúng tra tấn anh suốt hai tuần lễ vẫn chỉ có một câu :

        - Tôi dốt chữ, không biết viết, mấy ông đánh ông Châu quá, ổng khai liều.

        Tên chúa trại Hố Nai Mã Xuân Hy, khét tiếng tàn ác, lúc này chậm rãi nói:

        - Tao không tin thằng Việt cộng nào hết, chúng mày lẻo mép lắm. Chúng mày "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Bị bắt, chúng bay khai thằng nào cũng lính cả, cũng dân thường cả, giờ khai không biết chữ ! Đánh mày chán tay, đến cưa chân mày còn không ăn nhằm gì. Mày là thằng ngoan cố có hạng ! Tao biết quá rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2018, 02:59:09 pm »


4. “Biệt thự" thùng sắt

        Mã Xuân Hy ra lệnh :

        - Thôi không đánh nữa, tao cho mày vào sà lim sắt biệt giam, ăn cơm lạt. Mày liệu chịu được bao lâu đây !

        Hắn nhếch mép :

        - Với cái thân hình này, qua 15 ngày mày còn sống được trong đó, tao xin lột lon thiếu tá ghe con !

        Gọi là sà lim sắt cũng chưa đúng, nó là cái thùng collét sắt mỗi chiều hai thước, đặt ngoài trời nắng, trong thùng nóng như lò nung. Thùng sắt bắt nóng hầm hập. Nhưng nóng còn không sợ bằng khát. Người có tý nước nào bốc ra mồ hôi hết. Ngày chúng chỉ vứt cho vài vốc cơm lạt và một lon nước. Thiếu nước bao giờ cũng cực, ở trong thùng sắt nóng càng cực ghê gớm. Không được tắm rửa đã đành, thiếu nước uống, khát khô cả người trong thùng nóng mới thật kinh khủng. Mây ngày đầu không biết cách dành nước, khát quá, uống một hơi, nên cả ngày khát cháy cổ, không còn cả nước bọt mà nuốt nữa, người khô đét. Sau đó, anh có cách uống từ từ hớp một, ngậm thật lâu cho nước ngấm vào miệng. Nhất là hớp cuối cùng, ngậm mãi, rút ngắn được thời gian chịu khát.

        Chưa hết, ngay cạnh thùng sắt, chúng đặt cái máy nổ, thỉnh thoảng máy nổ chạy thì nhức tung óc, trong hơi nóng ngột ngạt càng như nứt toang đầu. Bên ngoài chúng vẽ mấy vòng tròn, cho lính chơi trò trọi đá. Đứa nào trọi trúng vòng tròn được thưởng bao thuốc lá. Cả bọn thi nhau trọi vừa được thưởng, vừa tra tấn tên tù ở trong. Một trò chơi chết người.

        Thương ngồi ở trong, những tiếng đá trọi vào thành sắt váng óc nhức nhói. Có lần Thương đang ngồi dựa, đột nhiên nghe tiếng choang ngay gáy, choáng óc cỡ mươi phút. Thương không dám dựa vào thùng sắt. Anh bò ra giữa thùng nằm nhắm chặt mắt chịu đựng. Ngày nào cũng vài lần trọi đá, sợ nhất là giữa trưa nắng nóng vừa máy nổ, vừa trọi đá.

        Tới ngày thứ bẩy, có thằng lính mở cửa ra hỏi :

        - Mày có chịu khai không ? Liệu mày còn chịu được mấy ngày nữa? Có nhiều thằng vào đây tám ngày là ngoẻo rồi nghe mày !

        Thương trả lời tỉnh queo :

        - Thì tao vẫn sống đây thôi !

        Ngày lại ngày qua, chúng chểnh mảng bớt việc quấy rối Thương. Ban đêm, anh ngủ được. Cơm lạt vài miếng một ngày, không một hạt muối, cọng rau, không đến nỗi chết ngay nhưng đang suy kiệt trầm trọng. Những khó chịu về nhu cầu tối thiểu của con người bị trà đạp, Thương thu xếp tạm ổn. Lê lết bằng hai tay, cái mông. Không đủ nước uống, không mặc quần áo cũng chả sao, mà lại còn khổ thêm nữa là những cái mình thải ra. Dù ăn và uống ít như vậy nhưng lâu lâu vẫn có thải ra. Nước tiểu thì uống luôn, nhưng ...! Anh tìm được một caí lỗ thủng nhỏ cỡ hai phân, lạm cách nào để đưa phân ra ngoài ? Nếu không được, phải tích nó lại,không khí trong thùng sắt hẹp này sẽ rất khó chịu. Giá như có được một cái que nhỏ bằng que diêm cũng được để đùn phân ra ? Không còn cách nào khác, anh đành dùng ngón tay trỏ của bàn tay trái làm cái việc này.

        Thật kỳ lạ thay, hai vết cưa ở hai bên đùi Thương lại không bị nhiễm trùng. Chúng khâu vít qua loa da đùi, kín xương, vậy mà nó thành sẹo, khô lại; nếu không, trong hoàn cảnh như thế này sao còn có thể tồn tại. Người

        Việt Nam mình, trong gian khổ khó khăn, quen, sức đề kháng như đã tỷ lệ thuận với vi trùng, càng gầy gò ốm o, sức đề kháng càng siêu nhiên, thật đến không ngờ. Có lẽ vi khuẩn không có gì để ăn trên phần da xương còn lại của anh nên nó không phát triển được, nó chê, thế nên anh không bị nhiễm trùng, vết sẹo cũng khô theo thân thể anh. Gặp phải mây lính Mỹ quen sống đầy đủ sạch sẽ, vô trùng, gặp vết trầy da cũng không kháng nổi, nhiễm trùng toi mạng luôn.

        Vào khoảng mươi ngày sau, một đêm, Thương nghe có tiếng gõ nhè nhẹ :

        - Đồng chí Hân !

        - Ai?

        - Tôi ! Châu đâu. Xin lỗi đồng chí về lời khai hèn mạt của tôi. Anh em đang đấu tranh quyết liệt về vụ của đồng chí, chúng nó sẽ phải thua đồng chí thôi... Anh có cần gì không ?

        - Đồng chí cho tôi một cái que nhỏ, báo cáo hộ là tôi vẫn sống, tinh thần tôi vẫn tốt !

        Chưa hết ngày thứ 15, trung tá Mã Xuân Hy kiếm cớ có công vụ, hắn phóng về Đà Lạt nghỉ xả hơi. Hắn lánh đi để đỡ mất mặt. Nhưng tội ác giết người đã thành nếp, thành chai trong con người không còn chút tính người, tội ác của hắn hầu như không có điểm dừng, hắn buông một câu trước khi đi :

        - Cứ để thằng cụt trong đó ...!

        Anh em tù biết Thương bị giam trong thùng sắt, vận động đấu tranh nhưng không ăn thua. Mấy anh đưa cơm tù có lần giấu mây hạt muôi vào cơm, sau bị lộ, các anh tìm cách khác, tưới nước muối vào cơm mỗi khi mang cơm cho Thương. Một chén cơm, một lon nước để cầm hơi sống trong một ngày. Khốn nỗi, nóng quá, cái lượng nước bốc hơi nhiều hơn nước được uống nên khát nước không thể chịu nổi. Anh phải nhắn anh em tù mang cơm:

        - Mai nói mấy anh cho nước muối vào cơm ít ít thôi, khát nước lắm !

        Lâu lâu, anh em lại tìm cách vận động hay cách này cách khác cung cấp được một thức gì đó cho Thương. Như nhúng nước vào khăn vắt ở cổ, lúc mang cơm cho người tù trong thùng sắt, họ vắt khăn ra được ít nước cho anh uống. Anh vẫn sống dai dẳng bất ngờ. Có lẽ đối với Nguyễn Văn Thương, chết là điều không xẩy ra, anh không thể chết!

        Mọi di chuyển, sinh hoạt loay hoay bằng đôi tay, trời nóng, tiếng máy nổ, tiếng đá trọi, đói khát, uống cả nước tiểu, vẫn khát... Thương vẫn sống, không thể hiểu nổi sức sống của con người anh bền bỉ như thế nào? Tra tấn suốt 15 ngày, tưởng sức anh đã kiệt. Với thân thể không còn nguyên vẹn như thế, kiệt lực như thế ! Vì sao anh lại có thể vẫn tồn tại.

        Không phải là 15 ngày giam trong thùng sắt như thằng trung tá Mã Xuân Hy nói mà đã tới ba tháng ...! Ba tháng trời nay, chúng để anh chết dần trong thùng sắt, vậy mà anh vẫn chưa chết. Bọn địch càng không thể hiểu nổi vì sao một thằng tù cụt cả hai chân vì bị cưa, vì sao ba tháng trời trong thùng sắt mà nó vẫn chưa chết ! Kỷ lục ba tháng trong thùng sắt là chưa từng có trong lịch sử trại giam Hố Nai này, Nguyễn Văn Thương, sức sống dẻo dai đạt kỷ lục phi thường !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2018, 02:59:39 pm »


        Ba tháng trời nhốt Thương trong thùng sắt như thế ! Hôm ấy là ngày Phật đản ! Các phật tử mang của bố thí tới nhà tù, phân phát cho tù binh mỗi người một bịch quà. Bọn cai và lính cũng có phần. Anh em đã tìm mọi cách đấu tranh cho người đồng chí mình. Lợi dụng tình thế, vận động, tác động tới các ni cô :

        - Ni cô ơi! Trong thùng sắt kia kìa, chúng giam một người đã lâu lắm, người đó cụt cả hai chân, người đó gần chết rồi, ni cô nhủ lòng từ bi, hãy nói hộ đôi lời, hãy đấu tranh với chúa trại cho thả người tù binh đó ra...!

        Mây ni cô lên phòng Mã Xuân Hy nói : nhân ngày Phận đản, mở lòng từ bi, cứu sống mạng người, các ông nhân từ một chút... Cũng đến lúc nó thấy không thể kéo dài hơn việc giam tên tù cụt chân trong thùng sắt đã quá ba tháng, một kỷ lục chưa từng có trong nhà lao. Nhưng hắn vẫn cố cãi:

        - Làm gì có ai trong đó.

        - Có người, hồi nãy tôi phát phần có nhiều người nói lấy cho người trong thùng sắt mà !

        - Bà nói sai, sáng ngày mai bà đến đây, bẩy giờ sáng mai, tôi mở ra cho coi nếu có tên tù nào trong đó tôi xin lột lon trung tá này cho bà !

        Đêm hôm ấy, nắp thùng sắt mở, hai tên lính coi tù nói to :

        - Tên tù ngoan cố trời thần này còn sống không ?

        - Còn.

        - Phật tổ phù hộ, nhờ mấy ni cô phật tử tới cho quà nói giùm, nên ổng tha cho mày ra đó ! Mày ngoan cố quá trời !

        - Đi ra đi mày !

        - Chân đâu mà đi !

        Hai thằng lính cười :

        - Cha nội này tiếu thật. Nào con cõng cha ra !

        - Trời đất ! Hôi thấy mẹ ! Nhẹ như con khỉ còi đẹt vậy ! Lông lá tóc tai như cú vọ ! Hôi như chuột cống !

        - Thì tao đã làm chuột suốt ba tháng nay thôi ! Khô hết da thịt rồi, ba tháng chứ đâu phải chỉ có 15 ngày như Mã Xuân Hy nói !

        - Thằng này xóc hả, ổng thua mày rồi đó. Nhưng mà hãy câm miệng lại để được sống nghe con !

        - Tao tính lên gặp hắn tính sổ đây ! Xem hắn có lột lon trung tá không !

        - Thôi đi cha, thân còn nhiêu đó mà phách dữ ta ! Nào ra !

        - Ờ ! Ở thì ở, ra thì ra, tao đâu có ngán !

        Trên lưng tên lính trại tù, Thương vẫn còn nói chuyện tỉnh táo thản nhiên như đang đi dạo mát bình thường, thật là một điều kỳ diệu trong cuộc sống con người mà ta thấy ở Nguyễn Văn Thương. Chất lạc quan ấy cũng là một nguồn sống nuôi anh qua những lần cam go sống chết (anh nhớ rõ, đó là ngày Phật đản năm 1970).

        Chúng lại đưa Thương ngay vào phòng biệt giam cấm cố, không cho tiếp xúc vì đây là "tên tù ngoan cố, chai lỳ, nguy hiểm".

        Hai mươi tháng giam cầm ở Hố Nai, thì mười tám tháng Thương bị giam cấm cố, trong đó có ba tháng trong thủng sắt, 15 tháng trong xà lim biệt giam cấm cố, vì những hoạt động chống đối, những đấu tranh trong nhà tù.

        Ở trong tù, thời gian tuy cũng được chuyển dịch ngày 24 giờ, nhưng ở trong tù không bình thường như thế. Người xưa nói " Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", mà "tại tù" của anh lại là tù cấm cố, cấm cố mười tám tháng trời nay. Không được thấy ánh sáng mặt trời, không được tiếp xúc, không được một sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của con người là tắm rửa... Thương đã đếm từng ngày trôi đi, nhưng ở đây không có ngày mà chỉ có đêm tối. Bóng tối của 547 đêm nhân với 24 giờ theo vòng quay của trái đất...! Có thể chúng đã tưởng tượng ra cảnh người tù giam cấm cố sẽ sống như thế nào trong sà lim, nhưng chúng không thể tưởng tượng nổi sức sống của một con người có nghị lực phi thường như thế nào !

        Anh đã sống với nội tâm của mình. Có lẽ cả đời, anh chưa bao giờ dành thời gian cho riêng mình được nhiều như thế. Thương đã sống trong tiềm thức với những người đã chết và những người còn sống. Với người cha của mình bị tra tấn quằn quại trong ngục tù Tây Ninh; với người mẹ của anh một trí thức, một bác sỹ, tham gia cách mạng, mẹ anh đã chết dần trong nhà lao Côn Đảo nơi chuồng cọp khét tiếng giết người. Rồi Chí, Kiện... những người bạn chiến đấu của anh đã nằm xuống lúc tuổi đời mới hai mươi. Anh đã sống lại với các mẹ, các chị, bà con vùng Lộc Thuận, Củ Chi, Bến Cát trong những năm tháng nuôi anh bằng củ khoai, củ mỳ, củ nần. Những người đã ngã xuống trong trận càn ác liệt nhất, trận càn Sê-đa-phôn vùng Nam Bến Cát. Chính tay anh chôn lấp vội vàng những anh em, đồng chí đồng bào bị bom đạn Mỹ sát hại, thấy người dân vô tội nằm từng đống, từng đống.

        Anh đã hứa trọn đời hiến dâng cho cách mạng. Đến bây giờ anh vẫn tự hào mình chưa làm điều gì phải ân hận. Trong lao tù cấm cố, anh sống rất phong phú với quá khứ của mình. Anh nhớ lại từng bài học, từng lời dậy dỗ của ba, của các chú, nhớ lại cả những kỷ niệm ngày còn nhỏ đi học ở Trường Tiểu học Đạo đức Học đường trên Toà Thánh Tây Ninh... Thương cảm thấy mình lớn lên, trưởng thành nhiều, ngay cả trong lao tù này. Đối diện với quân thù, anh thấy mình ngày càng dầy dạn, vững vàng kinh nghiệm, cứng rắn lên.

        Anh cố quên đi những hình ảnh kẻ thù tra tấn, đầy đọa thân xác anh. Nhìn thấy đôi chân bây giờ đã cụt hết, có lúc anh rớm nước mắt thì thào: "Mình đã kiệt sức quá rồi, không biết mình có chịu được nữa không, liệu mình còn sống được nữa không ! Mình còn sống được đến ngày hòa bình không ! Hòa bình, anh mong mỏi ngày hòa bình hơn tất cả những người đang mong mỏi "Nhưng riêng tinh thần thì không hề suy kiệt, anh vẫn thấy bình thường. Thương đã cười thật tươi khi thấy có những đồng chí nhìn anh rồi quay đi để giấu hàng nước mắt trào ra không thể cầm lại được !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:36:58 am »


5. Được nhìn thấy vợ con

        Hình ảnh còn nguyên cứ diễn đi diễn lại cả chục, cả trăm lần trong đầu anh, ngay trước mắt anh : Hai Em, vợ anh và con trai lên thăm. Hồi còn ở ngoài trại tù tập thể mấy tháng đầu tới trại giam Hố Nai, được cho thăm nuôi.

        Dạo anh mới chuyển tới nhà tù Hố Nai được gần hai tháng, có người lên thăm người thân nhận ra anh, báo về má Hai Kiều và tổ chức. Khi tổ chức liên lạc được với người quen bên vợ anh, má Hai Kiều đi xin giấy thăm nuôi, khai là má đi thăm người cháu, để có giấy cho vợ Thương lên thăm. Hai Em mừng rơi nước mắt. Mấy năm nay chỉ biết tin anh bị bắt, bặt tin không biết anh sống chết ra sao! Giờ thì biết là anh còn sống rồi, không mừng sao được.

        Thực ra, Hai Em cũng như má, chỉ biết anh Hai Thương là bộ đội, nơi nào gian nan nguy hiểm nhất đều thấy có anh. Người gì mà hiền lành tốt bụng quá.

        Nghe được tin anh bị bắt từ hồi năm ngoái, Hai Em vẫn đang công tác bên khối binh vận, chị tìm kiếm mấy nhà tù, hỏi thăm đã nhiều mà vẫn bặt tăm. Chỉ còn biết ôm con khóc thầm trong đêm lặng. Thằng con trai bốn tuổi mới mấy lần được gặp cha, nó vẫn phải cùng mẹ chịu mang tiếng con không cha, mang họ mẹ. Ngày cưới nhau chỉ có mấy người trong gia đình và tổ chức biết.

        Chị hy vọng ngày nào đó cha con vợ chồng được công khai, được đoàn tụ. Chị thương anh, thương cả nỗi nhớ thương vợ con qua ánh mắt biết nói của anh !

        Hai Em mang theo con trai đi cùng một giao liên dẫn đường, cả tháng trời lặn lội tìm đường, dò hỏi mới lên tới trại giam Hố Nai. Chị háo hức được biết tin anh. Anh có làm sao không, chắc là ốm lắm ! Sao giờ anh lại là Nguyễn Trường Hân!

        Hồi ấy ai cũng nghèo, củ khoai, củ mỳ có ăn là tốt rồi, hai mẹ con đã dành tiền mua cho ba nó được ổ bánh mì và hộp pho mát đầu bò. Hai Em cho con ăn củ mì xong rồi nói :

        - Con cắn một miếng bánh mì, một miếng pho mát cho in rõ dấu răng của con để gởi vào cho ba đi con !

        - Thôi, con phần cho ba cơ, con ăn no rồi !

        Hai Em ôm con khóc trong nỗi đau và niềm vui, sự hồi hộp lẫn lộn.

        - Con không ăn, để phần cho ba là đúng rồi con ngoan ạ ! Nhưng con cắn vào bánh, dâu răng con in trên đó, ba thấy dâu răng con, ba mừng lắm nghe !

        Nhìn con trai ngắm nghía, cắn miếng bánh rồi coi có rõ dâu răng không, Hai Em rơi nước mắt, chị quay đi, không muốn cho con trai nhìn thấy !

        Mười hàng kẽm gai giăng chắn hai bên, người đến thăm nuôi đứng một phía, tù binh đứng một phía, cách nhau mười mấy mét, đông nghẹt. Tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng gào. Những cánh tay vẫy, ai cũng cố nghen cổ cố kiễng nhón chân thật cao cố tìm lấy gương mặt người thân trong khoảnh khắc. Giữa cái sống cái chết, tù đầy lao khổ, chỉ có một khoảnh khắc nhìn thấy mặt người thân trong giây phút ngắn ngủi này là điều thiêng liêng quý giá vô cùng. Chỉ có những người trong cảnh mới nhận thấy hết giá trị của giây phút này.

        Thương được báo có người thăm, anh dự đoán là vợ mình và má Hai Kiều. Má thương rể như khúc ruột của má ! Không biết có thằng Liêm con trai tới không? Đường xá xa xôi, nó còn nhỏ quá !

        Tất cả những người tù có người lên thăm nuôi đều đã chạy ra hết, sát hàng rào kẽm gai. Tìm người thân ở phía bên kia. Thương cũng vội vàng theo, anh "chạy" bằng hai tay nên rớt lại phía sau ! Anh không thể "kiễng chân" nghen cổ ngóng tìm! Thương bò lách chui qua mây hàng chân, cố nhoài người chui vào mây hàng chân, chui mặt ra sát hàng kẽm gai nhìn lên. Giữa giây phút ngắn ngủi tìm mặt, những tiếng gọi, những tay vẫy gấp gáp của mọi người, không ai nhìn xuống dưới phía chân lúc này. Thương không nhìn thấy gì cả, cũng không ai nhìn thấy Thương. Anh lắng nghe xem có tiếng gọi Thương ơi, hay Hân ơi...!

        Không thấy ai gọi ! Thương cũng lây hết sức gào lên thật to :

        - Hai Em ơi ! Hai Em ơi ! Má Hai Kiều ơi...!

        Rồi lại lắng nghe ! Không có tiếng gọi trả lời, không ai nhận ra anh, không ai nghe tiếng anh cả. Anh bò xéo lách len ra chỗ khe chân khác, gọi thất thanh, tiếng gọi méo đi trong nỗi thất vọng.
 
        - Hai Em ơi ! Hai Em ơi ...!

        Lại lắng nghe ! Không ai nghe thấy, không ai nhìn thấy.

        Một đồng chí đứng gần, có lẽ đồng chí ấy không gặp người nhà, nhìn thấy anh, người ấy ngồi xuồng :

        - Anh để tôi cõng, lên đây.

        Thương giơ tay nhẩy lên lưng bạn, tay níu hàng kẽm gai. Nhìn sang phía bên kia, anh đã thấy Hai Em đang dắt thằng Liêm, đang cố nghen cổ kiếm tìm. Thương gọi thật to, giơ tay vẫy :

        - Hai Em ! Hai Em ! Anh đây !

        Tiếng gào thất thanh của Hai Em phía bên kia hàng rào :

        - Anh Hai ơi ! Anh Hai ơi ! Em thấy anh rồi !

        Bên kia hàng rào, Hai Em vừa gào, vừa vẫy, vừa vội bế thằng con lên :

        - Ba kìa con, người ta cõng ba trên lưng kìa con ! Con thấy ba chưa !

        - Con thấy ba rồi !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:37:22 am »


        Thằng bé vội tụt xuống khỏi tay mẹ, nó chui xuống qua hàng chân người, nó vạch hàng rào kẽm gai, chui qua, vừa lách chui được nửa người, có tên lính đứng gần đấy bước lại tóm áo thằng bé lôi ra miệng quát to :

        - Thằng nhỏ chui đi đâu kia, ra ngay !

        Thương nhìn thấy thằng con đang chui rào, chắc nó thấy mình bé nhỏ có thể chui vừa lỗ rào kẽm gai, nó muốn chạy sang ôm ba ! Anh gào thất thanh :

        - Liêm ơi ! Ba đây, Ba đây này con ơi !

        Cuộc thăm nuôi thế là kết thúc ! Thương đã được nhìn thấy vợ con. Sau những gì anh đã trải qua, gay go căng thẳng, đơn độc đấu tranh với mọi thứ thách. Hôm nay anh được nhìn thấy vợ con, một tình cảm ấm áp trào dâng lên trong lòng. Anh nhận được gói quà của vợ con. Tay mân mê gói bánh, anh nhận ra ngay dấu răng cắn vào bánh là dấu răng con trai! Dấu răng của thằng Liêm đây rồi. Anh không dám ăn miếng bánh và miếng pho mát có dấu răng của con trai. Thương ngồi im lặng hàng giờ như thôi miên ngắm nhìn miếng bánh có dấu răng nho nhỏ. Đến khi miếng phomát chẩy ra, mờ hết dâu răng, anh cho vào miệng ngậm, ngậm thật lâu, miếng phomát thấm vào lòng anh một mùi thơm thơm từ miệng thằng con trai yêu quý, một mùi thân thương quen thuộc từ bàn tay của vợ anh! Ngậm thật lâu dể giữ chặt trong miệng, chút nước miếng của con vương trên dấu răng. Anh không muốn nuốt nó xuống bụng, sợ nó sẽ tiêu đi mất. Tình cảm của những con người biết nén giữ tình riêng, biết chịu đựng, biết hy sinh cho cuộc sống yên bình, sâu nặng như thế đấy. "Có khổ đau nhiều mới yêu thương lắm. Có gian truân mới rõ nét anh hùng". Những kẻ chỉ biết sông bám, sống phè phỡn hưởng thụ trên sự đau khổ của nhân loại thì làm sao hiểu nổi những tình cảm ấy !

        Hai Em dắt con về. Chị được nhìn thấy chồng từ xa, hình như anh bị thương hay cụt mất chân, sao phải cõng... Tình thương yêu như trào lên theo dòng nước mắt. Nhưng niềm cảm động nhất, yên tâm nhất là chồng mình còn sống, chị mừng khi anh đã được nhìn thấy vợ, thấy con ! nguồn tình cảm ruột thịt yêu quý nhất của anh !

        Suốt thời gian Thương ở nhà tù Hố Nai chỉ có một lần được thăm nuôi như thế ! Hai mươi tháng, thì đã mất 18 tháng trong biệt giam cấm cố, mà cấm cố thì miễn được thăm nuôi.

        Thời kỳ đầu ở nhà tù Hố Nai, Thương làm được một việc mà sau này chuyện đó đã có bài viết in trong tờ báo Giải phóng nói về tinh thần đấu tranh trong nhà tù : "Có những đồng chí đảng viên ở trong tù mấy năm mà vẫn đóng Đảng phí sinh hoạt đều đặn..."

        Số là như thế này. Đảng bộ trong nhà tù Hố Nai ai cũng biết, cũng trân trọng người chiến sỹ không còn hai chân, kiên cường bất khuất, chịu đựng tra tấn như thế mà vẫn giữ đúng khí tiết một đảng viên cộng sản. "cứng đầu" là cứ việc tù cấm cố. Hai tháng đầu đến trại giam Hố Nai, còn ở chung với anh em, Thương đã tìm cách liên lạc qua người thăm nuôi của anh em với tổ chức bên ngoài. Thương không nói rõ nhiệm vụ của mình, nhưng khi các đồng chí hỏi anh có cần liên hệ gì với tổ chức không, Thương chỉ nói :

        Tôi nhờ đồng chí liên lạc gởi giùm tôi cái thơ này cho anh Chín Xa, địa chỉ như thế này...

        Bức thư ấy Thương chỉ nói mình còn sống, nhờ anh Chín Xa đóng Đảng phí giùm cho anh những ngày không có mặt tại chi bộ! Bức thư cuộn nhỏ, nhét vào quai giỏ rách, qua mặt được bọn gác, chuyển tới tay anh Chín Xa.

        Chưa có ai đặc biệt như anh, bốn năm bốn ngày ở tù đóng đủ Đảng phí, thật là một chuyện hiếm có ! Anh Chín Xa đã làm đúng như yêu cầu duy nhất của Thương.

        Bốn năm lẻ bốn ngày ở tù vẫn "sinh hoạt" trong chi bộ. Đóng Đảng phí tức là người đảng viên ấy còn tồn tại sinh hoạt, còn hoạt động xây dựng chi bộ. Người đảng viên cộng sản là như thế đấy ! Từ trong gian khó, hoạt động cách mạng, không nề hy sinh xương máu, ăn củ mỳ muối quẹt lấy sức hoạt động, không đòi hỏi mình được cái gì, được ăn được mặc, được thù lao, được cách mạng trả lương ! Không có gì cả, chỉ có tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, lòng tự nguyện mà thôi ! Nguyễn Văn Thương lúc nào cũng gắn chặt cuộc đời mình với Đảng, từ trước tới nay, ta tìm thấy tất cả những cái đó ở anh, thật rõ nét.

        Hai mươi tháng trong trại giam Hố Nai thì mười tám tháng bị cấm cố tối tăm khát đói trong thùng sắt và trong xà lim với một người tù cụt cả hai chân và bao nhiêu đòn tra tấn. Nguyễn Văn Thương không những vẫn sống mà anh còn hoạt động tích cực, người bí thư chi bộ trong nhà lao tìm ra nhiều cách đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn khốc dã man, anh vẫn âm thầm chịu đựng vượt qua những thử thách mới. Nguyễn Văn Thương là một tấm gương sáng cho các đồng chí ta trong nhà tù noi theo và cảm phục.

        Tới năm 1972 lại chuyển sang một thời kỳ mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:42:55 am »


6. Rời trại giam Hố Nai

        Thật là một sự ngẫu nhiên khi hôm nay chính đồng chí cơ sở ta lại được lệnh của trại đến phòng giam cấm cố đem Thương lên phòng quản đốc. Anh chàng đang vui, có lẽ vì người tù cầm cố lâu nhất, lại cụt cả hai chân, đã phải biệt lập cấm cố trong xà lim này sắp được ra ở chung với mọi người. Lúc cánh cửa vừa mở, anh ta phải tròn mắt kinh ngạc vì không nhận ra Thương. Khi đã biết chắc là Thương, vì nhìn thấy không có hai chân, chẳng qua vì cấm cố trong xà lim lâu quá, hóa ra vậy, nên chuyển ngay sang nét mặt tươi roi rói khi nhìn Thương. Anh bạn tù binh này còn trẻ, nhưng không ngại, không nề hôi hám dơ bẩn bám đầy người Thương, đỡ Thương dậy, cõng Thương trên vai, anh ta nói nhỏ :

        - Có lệnh chuyển 700 tù binh ra đảo Phú Quốc. Trong số 100 loại tàn phế ở trại này, chỉ có mình anh chúng cho chuyển theo, cũng là lần đầu tiên một người thương tật nặng như anh được đưa đi Phú Quốc. Nhưng thôi, đồng chí ạ ! Thà là ra đấy để được ở chung với anh em còn hơn ở đây cứ phải chịu cấm cố mãi thế này thì chết mất !

        - Mình vẫn còn sống đây thôi, còn cười được, tớ khó chết lắm !

        Cõng Thương trên vai mà anh ta đi như bình thường, mặc dù anh ta cũng ốm như bộ xương, anh ta quay lại hất nhẹ Thương rồi cười :

        - Anh có còn trên vai tôi không ? Sao nhẹ hẫng vậy?

        Thương cũng cười theo :

        - Ít ra tớ cũng còn cỡ hơn hai mươi ký chứ bộ !

        - Anh chỉ còn nhẹ bằng đứa trẻ sáu tuổi thôi ! nhưng dù sao ra đó ở chung với anh em cũng đỡ khổ hơn. Anh như thế này, lại một thân một mình trong xà lim  cấm cố cả năm trời, khổ quá!

        - Chắc gì ra đó chúng cho tôi ở chung với anh em !

        - Anh Hân ạ! Thông thường lúc đầu nhập trại, mọi người đều được quyền ở tập thể, chỉ khi tù binh nào vi phạm "kỷ luật", như anh lần ấy, vì viết truyền đơn, đấu tranh tuyên truyền, chúng mới cấm cố riêng ra thôi. Các anh ấy nói khi ra đến Phú Quốc, nhất định không để anh tham gia đấu tranh, nhất định bảo vệ sức khỏe cho anh tới cùng. Các anh ấy đã nhận là có sơ suất lúc đầu nên đã để cho anh quá vất vả.

        Thương được đặt trên chiếc ghế dài trước hè văn phòng quản đốc. Anh nghe tiếng ồn ào từ phía ngoài, tù binh từ các trại đang chuyển ra. Ánh nắng buổi sáng đã gắt gao, Thương chói mắt nhưng anh lại cảm thấy ấm áp lạ thường. Mười tám tháng trong xà lim cấm cố không được ra ngoài, nay mới được sưởi nắng mặt trời, mới thở được không khí trời, mới nhìn thấy màu xanh cây cỏ trong ánh nắng.

        Mải mê đắm mình trong ánh nắng và ngắm nhìn màu xanh cây cối xung quanh, Thương không quan tâm đến những cái liếc nhìn kỳ lạ ngạc nhiên và tò mò, ghê sợ của bọn giám thị ra vào vội vã. Anh cũng nhận thấy cái hình hài của anh lúc này, người không ra người, thú cũng không ra thú, bộ xương người không chân, tóc dài xoã xượi rối beng bù xù bẩn bết, râu đen che phủ khắp quanh miệng, mình không áo, ở trần, da mốc meo dính đầy bụi đất ghẻ tróc mấy tầng bọc nắm xương, hai chân cụt. Chiếc quần đùi rách toang cả đít, bẩn như cái dẻ lau xe máy lâu ngày, dầy đến nỗi không biết nó bằng vải hay bạt, hay bằng da thú, nó che lấp không nhìn thấy mẩu đầu của phần đùi còn lại. Thương mặc xác, không cần để ý chúng, anh đang say sưa đưa cặp mắt còn nguyên vẹn của mình ngắm trời xanh cây cối, mầu xanh thân thiết của quê hương mà bao tháng nay thèm muốn được trông thấy nó. Ánh nắng đang reo vui trong ánh mắt anh. Anh đang thả hồn vào khoảng không bao la trời xanh ánh nắng, cây lá của anh !

        Tên quản đốc từ trong phòng bước ra, hắn nhăn mặt la lớn :

        -  Đứa nào đưa thằng quỷ này ra đây làm gì, đưa ra xe đi !

        Thương quay lại, vẫn bộ mặt bóng bẩy như hôm nào, hắn nhìn Thương với cái bĩu môi nhăn mặt kinh tởm. Hắn không nói một lời với Thương như lần đầu mới tiếp xúc. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt của Thương, Mã Xuân Hy vội vã quay nhìn đi nơi khác, không phải hắn sợ cái hình hài kỳ dị bẩn thỉu của anh! Hắn ngại phải đối diện với sự thất bại của hắn, một kẻ mạnh mẽ thế lực và đầy đủ thân thể như thế, lại chịu thua trước một con người có hình hài như vậy !

        Người đồng chí ta lợi dụng lúc bọn giám thị sự dơ bẩn không dám sờ tới người Thương, liền cõng anh rảo bước ra ngoài, vừa đi vừa nói chuyện

        - Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé anh Hai ! Nhớ lời anh em dặn dò đồng chí đây!

        - Xin cám ơn, cho mình gởi lời thăm các anh còn lại đây nhé.

        Hai hàng lính quân cảnh nguy súng cầm tay, lưỡi lê tuốt trần đứng canh từ cửa trại tù ra bãi xe. Tù binh đã ngồi đông đặc trên 20 chiếc xe GMC không mui. Thương là tù binh được đọc trong danh sách lên xe cuối cùng, trên chiếc xe đậu sau cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:43:41 am »


        Anh ngước mặt nhìn lên. Các đồng chí trên xe nghiêng người quay nhìn theo từng bước chân của người tù cõng Thương. Có người nôn nóng đưa tay vẫy đón. Một đồng chí bế Thương lên xe, đặt ngồi hẳn trong lòng mình. Một chiếc áo được hấp tấp khoác lên thân anh. Một chiếc khăn phủ gấp lên đầu anh, rồi những bàn tay tìm đến tay anh xiết chặt. Những cặp mắt xót xa trìu mến nhất cảm phục nhất tập trung nhìn Thương, những cặp mắt mơn chớn vuốt ve xoa nắn trên người anh, như đang tưới mát trên tấm thân khô kiệt mốc meo chỉ còn da bọc xương của anh, cho anh mau hồi sinh trở lại. Thương không thể nào cầm được nước mắt. Anh gục đầu vào vai đồng chí bế anh mà khóc tức tưởi. Mười tám tháng nay mới lại được gần gũi tiếp xúc với anh em đồng chí mình. Thương có cảm tưởng đang được bao che trong vòng tay âu yếm của Đảng, như tuổi thơ được mẹ ôm ấp âu yếm trong lòng.

        Nhìn thân hình còn lại tiều tụy của anh, nhiều đồng chí ngồi cùng trên xe đã không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt cảm phục và xót thương người đồng chí ! Thân hình còn lại quá thê thảm của người đồng chí trung kiên bất khuất đã vì cách mạng, vì dân đâu tranh, vì hòa bình của dân tộc mà phải chịu hy sinh mất mát đến như vậy. Không còn chân, mà người bí thư chi bộ trong nhà lao vẫn còn tiếp tục đấu tranh ! Không còn chân mà anh vẫn là một tấm gương đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ đến cùng, chịu 18 tháng trong biệt giam cấm cố, thà chịu trong cấm cố, chứ không nửa lời chịu khuất phục, không một nửa giây chùn ý chí trước quân thù.

        Tại sân bay Biên Hoà, từng nhóm 100 người một, ngồi trên nền sân bay bê tông phơi nắng hàng mấy tiếng đồng hồ chờ. Trời nắng chang chang như đổ lửa, nhưng Thương vẫn nghểnh cổ nhìn ngắm cái công trình xây dựng khu quân sự của Mỹ trên đất nước mình. Nhà cửa, kho bom đạn chạy dài, những lô cốt xa xa nghễu nghện. Cảnh tượng trước mắt như nung nấu nỗi căm hờn. Anh nhớ lại sáu bẩy năm trước, cũng tại sân bay Biên Hoà này, quân giải phóng mình đã đột kích đánh vào đây, tiêu diệt hàng trăm máy bay quân sự chiến đấu của Mỹ. Mỹ ngụy đã phải một phen khiếp vía, méo mặt trước thất bại đau đớn ấy. Mấy trăm chiến sỹ đang bị cầm tù bao lâu nay chắc cũng như Thương đang khát khao nhớ lại những ngày tự do tung tác cầm súng trên tay tung hoành ngang dọc san bằng căn cứ địch.

        Sau sáu tiếng đồng hồ tù binh xếp hàng chờ, nhịn đói nhịn khát, tất cả được lần lượt đưa lên các máy bay loại vận tải C.130. Thương vẫn thấy tinh thần hồ hởi bởi từ lúc được trở lại với tập thể của mình, anh thấy vui và quên tất cả đói khát, quên cả yếu mệt. Thương say sưa nhìn qua cửa sổ máy bay, ngắm dòng sông chạy dài, cánh đồng trải rộng mênh mông, xóm ấp nối nhau. Lần đầu tiên trong đời, Thương được ngồi trên không trung nhìn xuống. Đất nước mình đẹp quá, đẹp hơn cả bức tranh. Thế mà nơi ấy đã phải chịu hàng bao nhiêu tấn bom đạn Mỹ cày xới, giết chóc đổ máu quằn quại đau thương mất mát.

        Thương biết rằng từ nay anh lại phải đi thật xa, xa hẳn quê hương Lộc Thuận, Bến Cát, Củ Chi, xa anh em đồng chí, xa các cơ sở bây giờ không biết đã ra sao. Suốt mấy năm nay, đương đầu với những thử thách tra tấn kinh khủng, lăn lóc trong nhà tù, Thương lại thấy dội lên trong lòng nỗi nhớ gia đình người thân ! Nhớ cặp mắt đẹp dịu hiền của Hai Em, người vợ cũng công tác giao liên tình báo bí mật như anh. Hai Em là phụ nữ, cũng mềm yếu như bao người khác, nhưng Hai Em nghị lực và ý chí cũng như bao nhiêu người phụ nữ dũng cảm tham gia cách mạng, có khác gì anh đâu ! Có lần, hai vợ chồng gặp nhau, Hai Em nói thật: "Nhiều lúc nhớ con, nhớ anh, em như phát khùng, chỉ muốn bỏ hết mọi việc để phóng về với con, ôm con vào lòng mà nựng. Nhưng khi nghĩ tới nhiệm vụ, lại cố gắng dằn xuống, lại tự an ủi mình bằng cách trông vào các anh chị còn phải chịu cảnh hằng năm này qua năm khác vẫn chồng Nam vợ Bắc. Và bao người phải đổ máu hy sinh ! Vợ chồng mình còn được gặp nhau năm vài lần !..." Chị đỏ mặt nhìn anh, đôi mắt dịu hiền thương yêu chứa đựng cả một đại dương mênh mông tình cảm, như ánh sáng ban mai lung linh trên vườn trái chín ! Tình cảm của Hai Em kín đáo, chỉ có ánh mắt biết nói tất cả mà thôi! Lần tỏ tình đầu tiên nàng đã trả lời anh bằng ánh mắt ! Hai Em còn vặn lại anh : "Thì nhìn trong mắt anh, em cũng đã biết hết rồi, còn gì phải nói ra !"

        Nỗi nhớ nhung tha thiết trào dâng trong tâm hồn ! Mình không được để cho nỗi nhớ nỗi buồn chiếm lĩnh tâm tư tình cảm lúc này, nó sẽ mau chóng quật ngã tấm thân yếu ớt và sức lực mong manh còn lại ! Anh cố dằn lòng nghĩ sang chuyện khác.

        Thương tự nhủ : Từ lâu nay, mình đã quen sống bằng lý trí, nghị lực, niềm tự hào, niềm lạc quan tin tưởng! Bây giờ, dù có đi xa Phú Quốc hay Côn Đảo, tù đày hay tra tấn cũng không có gì ngán, hơn nữa, giờ đây, giữa tập thể toàn anh em đồng chí thương quý mình như thế! Hãy vui lên nào, đón nhận những ngày sắp tới...!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:44:52 am »


7. Tới trại giam Phú Quốc

        Tiếng động cơ máy bay ù tai chói óc hơn hai tiếng đồng hồ, không ai nói chuyện được câu nào vì tiếng nổ. Máy bay hạ cánh xuống sân bay, nắng chói chang. Đoàn tù binh mệt lả xơ xác, đói khát rời rã đi trên bãi cát vàng. Gió biển lồng lộng, thổi xiêu vẹo những thân người khẳng khiu gầy gò ốm yếu.

        Trại giam Phú Quốc là đây ư ! Nơi giam cầm hàng vạn những chiến sỹ cách mạng kiên cường đấu tranh cho hòa bình dân tộc. Nơi bao nhiêu đồng chí trung kiên đã ngã xuống trong bàn tay đẫm máu của quân thù !

        Hàng chục lớp kẽm gai đủ loại rào quanh vùng trại tù rộng ngút con mắt. Những chòi canh cao lêu nghêu dầy đặc. Những dẫy nhà mái tôn chói nắng, không có một bóng cây. Nơi đây đầy đọa hàng vạn con người, khét tiếng bao lâu nay. Nhà tù Phú Quốc ! Thương xiết chặt hai tay căm phẫn :

        - Chúng mày rèn nhiều xích sắt, xây nhiều nhà tù, lập nhiều trại giam, đàn áp đồng bào và đồng chí chúng tao ! Chẳng bao lâu nữa đâu, cuộc cách mạng của chúng tao sẽ chôn vùi cả lũ chúng bay xuống đây!

        Anh thanh niên trẻ cõng Thương trên vai, đủ sức chịu cái siết cổ căm phẫn bất ngờ của Thương chỉ bằng đôi tay ốm yếu, anh ta cười :

        - Tay anh xiết vậy không đủ sức lè lưỡi bọn lính đâu.

        - Bậy quá, chắc em đau phải không ?

        - Nếu em là lính ngụy em sẽ chết vì lòng căm thù của anh chứ không đau vì cái xiết cổ, nhưng em là em anh nên chẳng đau gì mà còn thấy vui khi anh còn sức xiết cổ như thế.

        Mặt những tên quân cảnh ngụy đằng đằng sát khí. Chúng đứng dầy hai bên đường vào cổng trại.

        Thương được ở phòng tập thể với anh em, nhưng bị chúng liệt vào "Loại ngoan cố hạng A" đưa vào khu A2. Tù binh mới tới chia nhỏ ra phân đều vào các trại.

        Vừa vào khu trại, Thương được rất đông anh em ở đây xúm lại, công kênh anh lên vai, đi mấy vòng. Họ đón tiếp anh đặc biệt. Một chiến sỹ cụt cả hai chân mà lại bị chúng liệt vào "hạng đặc biệt" đủ để anh em khâm phục kính nể như thế nào. Vừa thoát khỏi cấm cố, vừa được ở chung tập thể, vừa được anh em đón tiếp nồng nhiệt như vậy làm cho Thương xúc động phát khóc. Thương lại được gắn liền với các đồng chi anh em! Thương đã có lần tưởng mình không còn có thể được gần họ nữa ! Bây giờ, anh lại được gối đầu lên tay đồng chí mình kể chuyện, được hít thở mùi hôi hám trên thân thể tù đầy thân thương quen thuộc của đồng chí mình.

        Sau những chuyện trò về mình, các anh tù cũ ở đây càng cảm phục người đồng chí mới. Họ cũng kể chuyện cho anh nghe những gì ở đây. Cũng như "Chuồng cọp Côn Đảo", "điện ảnh Chí Hòa", "cũi sắt Quân đoàn 3", "biệt giam A2"..., cũng có những hình thức tra tấn như : bẻ một số răng, đóng đinh mười phân vào khớp xương, đánh đòn tứ trụ, còng tráo tay nằm trần dưới đất, "đi tầu ngầm", "lượn trên không", ăn lạt, bỏ khát, đánh đập gẫy xương, đổ nước vôi, nước xà bông vào bụng rồi nện mạnh cho phọt ra, vv và vv. Mỗi đợt tra tấn kéo dài từ một đến sáu tháng. Vậy mà các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên cường bước vào phòng tra tấn và cấm cố chứ nhất định không chịu khuất phục trước kẻ thù. Không chịu chào cờ ngụy, không chịu bước qua cờ Giải phóng.

        Trước ngày Thương vào đây 10 hôm, trại đã phải trả giá 11 đồng chí hy sinh vì cuộc đàn áp đẫm máu do anh em tù binh trại này đấu tranh đòi trục xuất những tên chiêu hồi được chúng bố trí ở lẫn trong các trại. Đâu tranh đòi cải thiện sinh hoạt. Cuộc đấu tranh quyết liệt, đẫm máu đã thắng lợi, chúng buộc phải nhượng bộ.

        Cuộc sống của những tù binh ở Phú Quốc là cái gạch nối giữa sinh và tử mà từng người phải bước qua bên tử rồi mới bên sinh. Hơn bao giờ hết, Thương đã thấm thía tất cả và sự quyết liệt của kẻ thù và sức bền bỉ đấu tranh của người chiến sỹ cách mạng.

        Thương đã kiên quyết từ chối lời đề nghị của các đồng chí muốn bảo vệ anh, bảo vệ sức khỏe còn lại của anh, không để anh trực tiếp tham gia vào các cuộc đấu tranh đẫm máu. Bởi Thương nghĩ đơn giản, còn sống là còn chiến đâu. Người đảng viên như anh, đã hình thành từ lâu một ý thức : còn sống mà không chiến đấu nữa thì sống để làm gì ! Giữa cái sống, cái chết, giữa cái tích tắc đòn cân não, giữa bước chân qua cờ Giải phóng, chào cờ ngụy hay chết... ai thắng được qua giây phút ấy, ai còn sống còn tiếp tục đấu tranh, ai không qua nổi ? diễn ra hàng ngày trong trại giam.

        Có nhiều đồng chí không chịu bước qua cờ Giải phóng mà còn cúi xuống nâng cờ lên cao, hay không chịu chào cờ ngụy mà bị chúng đá mạnh đến gẫy xương, đến chết ngay cạnh lá cờ. Những người chiến sỹ cách mạng chiến thắng trở về sau này đều là những người con trung kiên bất khuất của Đảng, những con người thần kỳ vĩ đại.

        Thương đã rất cố gắng tự khắc phục những nhược điểm của thân thể, luyện tập thành thói quen để giải quyết những sinh hoạt hàng ngày, không chịu ỷ vào người khác sẵn lòng giúp đỡ. Trước ở trại Hố Nai, anh gần như cấm cố, một thân một mình, không được ra ngoài, chỉ bò loanh quanh mấy mét vuông trong xà lim. Nay ở trại giam Phú Quốc, anh cũng như các tù binh khác, có lúc được ra sân hít thở không khí biển thổi vào, được đi lại, tự sinh hoạt, được tắm rửa. Thương dùng hai tay bò đi khắp nơi, lấy miếng bìa lót vào mông. Hai cánh tay và mông đã giúp anh di chuyển được. Lúc đầu còn đau ê ẩm hai tay, nhất là cánh tay gẫy, còn trầy tay, trầy mông. Sau quen dần, chai dầy lên dần. Đến giờ tập trung hay đi sinh hoạt, anh cũng " đi" nhanh như ai, và quyết không để ai cõng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:45:10 am »


        Các đồng chí tìm gỗ đóng cho anh hai chiếc ghế con để tỳ tay khi đi, hai chiếc ghế con lâu ngày mòn vẹt cả chân (sau này trao trả tù binh, anh mang theo... Hai chiếc ghế sau này còn trưng bầy trong nhà Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội. Hiện nay hai chiếc ghế và hai khẩu súng của anh sử dụng lần chiến đấu cuối cùng hôm bị bắt đang được trưng bày ở Nhà Bảo tàng Cục 2).

        Thương học tập các anh em tù cũ, học văn hóa, chính trị với các đồng chí học cao hơn. Trong tù có nhiều đồng chí học tú tài, đại học, giáo viên. Họ dạy cho anh em học. Họ không nản khi thấy Thương ham học hỏi, hiểu biết, thông minh, tiếp thu bài rất sâu sắc. Anh lại dành thời gian vận động anh em khác học văn hóa. Chính Thương là người chỉ bảo dạy cho một số anh em. Vì trước đây, hồi còn nhỏ, ba Thương đã cho Thương đi học trên trường Tiểu học Đạo đức học đường của đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh. Hết tiểu học, Thương được cấp bằng tốt nghiệp loại ưu, được thầy giáo khen giỏi. Trong nhà tù Phú Quốc, Thương vừa là học trò, vừa là thầy dạy, nhiều anh em từ không biết chữ nay đọc viết khá thạo, có người học lên hết cấp một, cấp hai. Thậm chí có người được học cấp ba. Thương nghĩ : "còn bộ óc, còn đôi tay, còn sự sống là còn điều kiện phục vụ cho Cách mạng. Học để hiểu biết lên, để phục vụ tốt thêm".

        Tấm thân không còn nguyên vẹn của Thương mới về đây một thời gian ngắn mà bao anh em đồng chí học tập tinh thần lạc quan và nghị lực của anh, "noi gương đồng chí Hân". Anh làm gì, nói gì anh em cũng thấy đúng, thấy hay và làm theo, nghe theo. Trong con người Thương như có sức cuốn hút hấp dẫn lạ lùng. Chắc không có phép thuật nào hơn ngoài tấm lòng và sự thông minh sắc sảo, tính lạc quan yêu đời hồn nhiên là những gì có sẵn trong con người anh. Ba tháng sau, các đồng chí đảng viên trong phòng giam đã nhất trí bầu Thương làm bí thư chi bộ.

        Ngày tháng ở nhà tù này trôi qua trong nước sôi lửa bỏng. Địch cố ý diệt lẻ từng người. Hôm nay một tù binh bị đập búa vào đầu, ngày mai tù binh khác bị đánh gẫy xương sườn, liên tục những hình phạt bắt tù binh nằm gác trên kẽm gai cả buổi. Cai tù vin cớ nọ, vu cớ kia để hành hạ cho tới chết tù binh. Mồ hôi và máu đào các chiến sỹ đang đổ xuống từng ngày từng giờ, suốt tháng suốt năm. Địch có nhượng bộ sau mỗi đợt đấu tranh quyết liệt đổ máu, nhưng lại bóp nghẹt lại không lâu sau đây. Tù binh cắn răng kiên trì giằng co, giữ lấy sự sống.

        Giữa cái sống và cái chết trì níu từng giây. Thương vẫn đầu tầu trong phong trào đấu tranh. Anh không đứng cao được như mọi người nhưng miệng thì nói không thua ai, mạnh mẽ quyết liệt, tinh thần của anh là tâm gương ngời sáng cho anh em. Người bí thư chi bộ gương mẫu có uy tín Nguyễn Văn Thương đã dìu dắt hơn 100 tù binh trong trại khu A2 hòa mình với phong trào đấu tranh, vào sự sống của ba vạn tù binh Phú Quốc như thế đó. Nhất là trong giai đoạn cuối cùng của đế quốc Mỹ trên mảnh đất miền Nam này. Cái quẫy đuôi hung hãn cố sống của bọn nguy trên đảo Phú Quốc thật khốc liệt khi quan thầy đã phải chịu thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội và phải chịu ngồi ký kết hiệp định Paris.

        Lính gác tù Phú Quốc cũng có nhiều loại người, mà thực ra họ cũng là dân ta cả thôi. Cũng người Nam Bộ nói ít, dễ cảm thông, chỉ một chút " bỏ qua đi" là lại có thể ngồi nhậu lai rai với nhau miếng cóc miếng ổi mày tao dễ chịu. Có thằng thấy anh em hát, cũng lắng tai nghe. Ngày lễ, anh em tù hát bài Giải Phóng miền Nam, lúc đầu chúng còn gào lên, không cho hát, sau thấy hay, để nghe. Riết rồi hắn ta cũng thuộc. Có lần còn nghe nó hát theo anh em. Đôi lúc hắn còn dặn :

        - Có mấy ổng tới, đừng hát nghe tụi mầy !

        Thương cười :

        - Có ổng tới tao hát bài khác, ngu gì hát bài đó ! Tụi tao có nhiều bài ca hay lắm nghe mày !

        Chúng thường nói chuyện khi vui :

        - Hát bài khác nghe đi, bài "Giải phóng miền Nam" nghe hoài tao thuộc rồi.

        -  Ê! Mầy, hát bài gì có " đôi cánh chim bay không biết sẽ về ai, trên chiếc khăn tay" tao nghe coi, bài hay quá trời, dạy tao về tao hát cho vợ con tao nghe đi mầy!

        -  Tụi bay hát "bài ca may áo" vui quá, hay quá, dạy tao đi ! Cả "Bài ca hy vọng" nữa tao cũng mê !

        Anh em tù còn diễn kịch, đóng cả dờn nhị ghi ta thùng dây bằng lõi dây điện thoại. Ngày lễ hát vang hết cả khu trại giam. Ca hát đàn là niềm vui tinh thần ở đây. Chúng cấm và đàn áp lúc đầu nhưng sau hết cấm nổi. Những bài ca cách mạng, ca cổ mà tù binh thường hát, đến bọn lính gác cũng thuộc rồi hát theo. Một cảnh tượng thật tuyệt : Bài ca "Giải phóng miền Nam" cả trại tù hát vang, cả lính canh cũng hát theo !

        Hôm nay cờ cắm trên khu núi cao, sao lại có cả cờ giải phóng, cờ búa liềm ! Có chuyện rồi, mây hôm nay đã có gì đó xôn xao, anh em tù binh không được biết tin chính thức, nhưng cai tù lính canh có những tên nói chuyện bàn tán ngay trước mặt tù binh : Ký kết hai bên gì đó với Mỹ ở Paris... Lòng anh em chiến sỹ trong tù lao Phú Quốc như muốn tung bay theo ngọn cờ trước gió : sắp giải phóng rồi... Anh em sung sướng như muốn tung bay lên, không còn biết nói gì hơn là tất cả cùng ca vang bài ca "Giải phóng miền Nam". Mây anh lính được phen hát theo luôn, hát rất to, chưa bao giờ hát to như thế, họ cũng thuộc từ bao giờ !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2018, 05:46:00 am »


8. Trao trả tù binh ngày 14-2-1973

        Bọn cai ngục không tuyên bố gì cả, chỉ lẳng lặng trả lời khi anh em hỏi:

        - Chở tụi bay về Sài Gòn.

        Trước khi lên máy bay, thằng đại tá nói :

        - Hôm nay chở mấy anh đi trao trả tù binh về với Việt cộng, chứ không mang bỏ biển đâu. Trên máy bay, các anh đừng có làm loạn lên, nó bắn chết là thiệt. Mai mốt được về với gia đình ! Chúc mấy anh mạnh khỏe !

        Hắn hạ giọng nghe tử tế, cái mà lâu nay không hề có.

        Hình như lúc này chúng đã nhận ra tội ác mà bấy lây nay chúng hành hạ tù binh để nhận lấy sự trả giá là kết cục thất bại thảm hại. Mặt buồn rầu, hắn không dám nhìn vào anh em, những con người đã bị tra tấn đầy ải đến tàn tạ trong nhà tù, nay họ đang reo vui chiến thắng.

        Xếp hàng có trật tự lên máy bay, anh em ta ca bài "Giải phóng miền Nam" lính cũng ca theo luôn. Một Trung tá Mỹ đứng ngớ ra hỏi :

        - Họ ca bài gì đó ?

        - Bài Giải phóng miền Nam.

        Ông ta : OK

        Anh em mình cũng : OK - OK, Cười vui chưa từng có bao giờ !

        Máy bay cất cánh được một lúc lâu, bỗng thấy mùi xăng và có gì đó trục trặc. Bọn lính nguy hoảng hốt. Một người Mỹ đã làm dấu thánh. Một người Mỹ điện về sân bay Tân Sơn Nhất nói chuyện và nghe hướng dẫn : Bay cao bay thấp gì đó... hắn ra lệnh :

        - Mỗi người một miếng gòng bịt tai lại, máy bay hỏng, sẽ bay lên cao, theo hướng gió hạ xuống sân bay !

        Mọi người choáng váng hết ! Máy bay vút lên cao, thật cao. Tai ù rần rần ê ẩm hết người, hoảng sợ hồi hộp, ai cũng tròn mắt, không nói được một lời nào. Mấy người Mỹ xanh mặt, mấy lính ngụy im lặng nín thở chờ đợi... Hai mươi phút sau, chiếc C130 máy bay quân sự loại tốt nhất của Mỹ, bốn động cơ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

        Mấy cậu lính ngụy thở phào nói :

        - Phải công nhận mấy thằng Mỹ này giỏi thật, không có nó, tụi mình xuống đáy biển rồi ! Chúng mày xuống biển không sao, toàn loại liều mạng tù tội, còn chúng tao có vợ con nhà cửa, chết uổng !

        Thương cười trả lời ngay :

        - Chủng tao mới cần sống chứ, sống để tống cổ hết bọn Mỹ về nước, để lật đổ chính quyền ngụy, giải phóng miền Nam !

        - Ôi ! Cụt giò ráo trọi mày còn làm được gì nữa mà phách quá !

        - Rồi mày sẽ coi ! không còn lâu nữa đâu.

        Thương gật đầu cười to, mọi người cười theo.

        Chiếc máy bay C130 bốn động cơ, bị hỏng một động cơ phải, nếu tắt một động cơ trái cho giữ cân bằng, lượn lên cao bay theo chiều gió xuống đường băng... Người Mỹ giải thích cho mấy lính ngụy hiểu, các anh em mình nghe cũng hiểu.

        - Xuống đi! Trao trả tù binh, chúng tao không còng nữa, trả tự do rồi ! Mai đi máy bay tiếp lên Lộc Ninh.

        Thương được một anh em cõng, anh còn cầm theo cặp ghế con, cặp ghế giúp anh "đi lại". Bữa cơm tù cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất khá thịnh soạn, có chất dinh dưỡng, thứ mà lâu nay trong tù không có. Mỗi người được phát một bộ quần áo sơ mi trắng quần xanh, giầy vớ đàng hoàng. Một thằng lính đứng trước mặt Thương cười, hình như nó cũng vui lắm :

        - Mặc đồ đi ông Hai, mang giầy nữa.

        Thương nói to :

        - Không mặc, mặc áo tù quen rồi !

        Anh biết lúc này không hại gì vì những câu nói đùa, cũng vì mừng quá, anh muốn trêu bọn lính cho vui.

        Tên lính cao to nhìn xuống chỗ Thương đang bò hai tay với cặp ghế, mặt còn vênh lên nói thật to, nó cười, nó cũng trêu anh :

        - Thôi, mặc đi cha nội, quần này phát cho cha chắc mặc hơi dài đây, xỏ thử coi! còn đôi giầy này, cha mang gì tới nó, cho tao đi mày !

        - Ngu gì cho mày, để tao mang !

        Mọi người cùng cười vui đùa như chưa bao giờ được vui như thế.

        Ngày hôm đó khi sửa máy bay xong, nó đưa máy bay ra đường băng, định đưa tù lên, Thương nói to :

        - Máy bay này hư rồi, trục trặc, không đi, rớt xuống biển còn mát, chớ rớt xuống rừng núi không chịu nổi đâu !

        - Thôi mấy cha, lên đi.

        - Không đi máy bay hư ! Không đi máy bay hư !

        Anh em cùng phản đối, cùng hô theo Thương.

        Lát sau thấy chúng đưa máy bay mới toanh ra. Mấy tên lính nguy cùng đi nói nhỏ :

        - Nhờ mấy ông giỏi đấu tranh mà chúng tôi cũng được đi máy bay mới, thấy máy bay trục trặc mà hết hồn !
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM