Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:58:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hùng Karô  (Đọc 21902 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:23:01 pm »


        Lác đác đã có bưởng không trụ được đành phải bỏ cuộc. Nuôi không hàng trăm con người một ngày khả dĩ còn chịu được nhưng nuôi mười ngày, hai mươi ngày, cả tháng thì đứt. Trong đó có bưởng của ông Khâm. Ồng đã có ý muốn nghỉ từ trước, giờ nhân sự kiện này, ông quyết định giã từ luôn. Trước khi hạ sơn, ông có đến tôi ngủ một đêm. Anh em nói đủ thứ chuyện trời trăng mây nước rồi lại quay qua chuyện đời lính. Ông bảo: “Đáng lẽ tụi mình chết cha nó rồi, chết như bao thằng không may khát đã chết vậy mà còn sống, thế là cái phúc nhà mình nó to như cái đình rồi, còn muốn gì nửa? Chú còn trẻ, có thể chú chưa nghiệm ra điều này: làm thằng người được sống tự do giữa nắng gió, giữa ruộng đồng, đến bửa có bát cơm nóng và vào mồm thế là đủ, còn đòi hỏi gì hơn nữa”

        Tôi không tranh luận. Già trẻ, hai thế hệ, hai cách nghĩ, hai lối sống, càng tranh luận càng xa ra, tốt nhất là kính lão đắc tràng. Ông dặn: “Địa chỉ của tôi chú cầm rồi, sau này có gì cơ nhỡ hay buồn bực, cứ ghé chơi, tâm sự. Tôi quý cái tình của chú đối với mọi người nhưng cũng khuyên chú đừng phũ quá với những cái dở của con người, dễ mua thù chuốc oán”

        Rồi ông đi. Tấm lưng còng xuống trước gánh nặng cuộc đời, gánh nặng thời gian. Nhìn theo ông, không muốn đi lại quãng đường thắng ít bại nhiều của ông, trong tôi một suy nghĩ bỗng loé lên: Vậy thì thu vén tiền bạc cử một tổ đi đến các vùng vàng khác thăm dò, sục sạo xem sao. Non nước mênh mông, rừng núi dặm dài, thiếu mẹ gì chỗ có vàng có bạc mà cứ phải đua nhau chúi mũi mãi vào cái xó nà nà rì rì như cõi u ty này.

        Đêm mưa nằm đợi tin, đêm mưa nằm nghe nước chảy buồn đứt ruột. Buồn đến nỗi người có đầu óc quá ư cạn cợt như tôi cũng bất giác trầm ngâm tổng kết lại một chặng đời mờ mịt đã đi qua của mình. Mẹ! Mờ mịt quá! Xung quanh mờ mịt quá khứ mờ mịt, hiện tại mờ mịt và những tháng ngày trước mắt chắc cũng mờ mịt nốt. Con người sống trong một cõi mờ mịt thì dĩ nhiên đầu óc, tâm can, suy nghĩ cũng mờ mịt theo. Bao nhiêu khát vọng, hoài bão về cái thứ kêu là lật đời, đổi đời, sang trang giờ đây đều theo mưa cả gió ngàn mà trôi tuột đi hết. Phía trước chỉ còn con đường độc đạo là mưu sinh bương chải, mưu sinh bằng mọi giá, bương chải bằng bất cứ cách nào, kể cả cái cách... Thoáng rùng mình, nhưng những ngày tháng phải nghiến răng gồng mình để tổn tại trước vực xoáy cuộc đời nơi đây đã khiến cho cái rùng mình mang chút ít lương thiện ấy trong tôi qua cái rọt. Cuộc sống quá chừng tàn nhẫn này không cho phép con người được rùng mình, được đắn đo trước sau gì hết, chỉ có cắn xé cào cấu ngoi lên hay buông tay rơi tòm xuống vực.

        Nhưng chưa cào cấu, cắn xé được ai, được cái gì, tôi chỉ còn cách cào câu khốn khổ vào chính tâm hồn đã sưng tấy của mình. Những lúc tưởng như phát dại ấy, may mà có thằng Thư lúc nào cũng ở bên, nó không nói gì, không an ủi, không nhiều lời khuyên can mà chỉ nhìn. Chính cái nhìn vừa tình khiết vừa khắc khoải, vừa là của đàn ông vừa là của đàn bà đó không hiểu sao đã làm đầu óc tôi vơi thoáng lại rất nhiều. Như toàn thân đang nóng nảy nổi rôm nổi sảy lại bỗng được hưởng một làn gió mát từ đâu rười rượi thổi về.

        Trong tâm trạng như thế, sáng hôm sau tôi bình thản đón tổ trinh sát đi thực địa trở về. Hốc hõm và phờ phạc, họ phấn chấn thông báo tại Võ Nhai có một vỉa vàng trữ lượng khá lắm, tuổi vàng cũng cao lắm nhưng chưa có nhiều người khai thác vì trấn giữ tại đấy là một cánh đầu trộm đuôi cướp dữ tợn không cho một ai bén mảng đến. Có dữ tợn bằng cánh thằng mặt Dép Đinh không? Tôi nhếch mép hỏi lại. Dạo này tôi đã bắt đầu có cái nhếch mép lạnh lùng chắc nhìn vào là rất đểu như thế.

        - Thằng nào cũng chơi hết. Cướp hang!

        Tôi chém mạnh tay vào mưa gió như lời thề Kinh Kha đi hạ thủ Tần Vương, lời thề một đi không trở lại.

        Sáng hôm sau, quần áo chỉnh tề, súng lục giắt lưng, tạc đạn nhét trong bọc, mũ cối, giày đinh, tề chỉnh y hệt những lần xuất kích đi nện quân bành trướng ngày nào, tôi quyết định nhổ trại, trực chỉ vùng rừng Võ Nhai, a lê thẳng tiến!

        Trước khi nhảv lên xe ôm thả dốc, tôi còn đứng bần thần nhìn bao quát lại cả khu bãi một lần. Thời gian mới đó với đó mà đã ba năm trôi qua rồi. Ba năm chứa đựng biết bao kỷ niệm nhưng nhức, ba năm vui ít buồn nhiều, ba năm có thù có bạn, ba năm dọc ngang sống kiếp giang hồ, ba năm nửa người nửa ngợm, nửa thánh thần nửa ma quỷ, ba năm... khống biết còn có dịp trở lại không nhưng quãng đời này chắc sẽ còn hằn sâu trong đầu óc lâu lắm, giống như quãng đời ở lính, cũng có bao nhiêu chật vật, điên đầu nhưng khi xa vẫn cứ chông chênh, bịn rịn làm sao.
Tôi quay nhìn về khu hang của thằng Khánh đang chìm trong mưa và, lạ chưa kìa, hận thù biến hết đi đâu, chỉ chợt nhói lên một chút chạnh lòng thương nó như thương sự long đong của chính mình, của kiếp người phàm đã sinh ra đời là phải khốn khổ mưu sinh, phải nhọc nhằn tồn tại. Tôi thầm mong cho nó gặp được nhiều may mắn vì suy đến cùng nó cũng là tôi và tôi cũng là nó, kiếp người, bèo bọt, chung nhau.

        Xuống tới phố, ghé thăm nhà người lính già xe ôm nhưng bà vợ bảo ông đang nằm liệt ở nhà thương vì cái chất độc chết tiệt gì đó nhiễm từ hồi ở rừng giờ nó mới phá bét ra. Tôi vét túi đưa cho bà mấy phân vàng gọi là chút ít để bà thêm vào chăm sóc thuốc thang cho chồng rồi cả đám đi ra chỗ đón xe.

        Và tất nhiên, cũng giống như một thủ lĩnh biết yêu thương kẻ dưới trướng, tôi cho mười sáu anh em tranh thủ về thăm nhà, mỗi anh em được nhận một phân vàng trích từ túi riêng của tôi cũng gọi là có chút quà cho gia đình, còn lại ba thằng, tất nhiên có cả thằng Thư, nhanh nhẹn, dũng cảm có đầu óc nhất cùng với tôi đi nắm tình hình, lên phương án trước, ba ngày sau tất cả sẽ tập kết tại khu Đình cả để bắt đầu vào cuộc.

        Tại khoảnh khắc nhuốm chút màu hảo hớn Lương Sơn Bạc ấy, cả tôi, cả cánh lính nhỏ nhoi đói khát của tôi đâu có hay rằng, phía trước là một bước ngoặt thê lương, một bước ngoặt thay đổi hẳn cuộc đời, một bước ngoặt không dính dáng gì tới vàng tới bạc cả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:30:57 pm »

 
PHẦN II
       

18
       
        Chuyện xảy ra ngav trên chuvến xe về xuôi.

        Đáng lẽ mọi sư sẽ hết sức suôn sẻ nếu như sắp đến địa phận Bạch Thông, chiếc xe chật ních khách không dừng lại nghỉ ăn cơm để chủ xe làm động tác kiểm tra, thu vé đi tiếp. Ở bữa cơm dọc đường ấy, một vài cảnh đời trái ngược đã khiến cho cái đầu đang căng chằng của tôi rơi thỏm vào vòng xoáy trầm uất. Góc này là một người mẹ trẻ cho con bú bằng cặp vú tong teo không có sữa, trước chị là một nắm cơm cắn dở lấm chấm mấv hạt muối vừng, góc kia là một mụ béo tốt dáng vẻ con buôn đang xé một cái đùi gà vàng nhẫv đưa lên miệng nhai trễ nải như nhai rơm nhai trấu, nhai chưa hết một nửa, mụ ta đã vất xuống đất cho con chó của chủ quán xồ ra ngoạm lấy nhai tiếp. Cái dáng vẻ như thế, kiểu ăn hỗn như thế trên chuyến xe đa phần là con buôn này có hàng tá. Lại nữa, cạnh tôi là một người đàn ông trung tuổi, mặt mày hốc hác, da sạm đen, đeo chân giả, chỉ ngồi lặng im không ăn gì hay không có gì mà ăn bởi trên vai ông chỉ thấv có mỗi chiếc túi vải lép kẹp và xa hơn một chút là đôi vợ chồng chủ xe đang ngồi trước những đĩa thức ăn đầy tú ụ, bốc mùi thơm ngào ngạt. Dẫu biết rằng chủ xe vốn có tiêu chuẩn ăn chùa như thể nếu đưa được khách vào hàng nhưng có nhất thiết cứ phải... tú ụ thế không? Nhất là đôi mắt con mụ vợ, cứ đảo điên nhìn ngó hết người này đến người khác như sợ thiên hạ đều là quân trộm cướp cả. Lại còn cái đám đàn ông khệnh khạng ngồi ở cạnh quầv kia nữa, chả biết là cán bộ hay dân buôn trúng quả gì mà gọi bia cả két, vịt cả con, thuốc ba số xé rèn rẹt, đớp hít cười nói om xòm, hoa chân múa tay phởn phơ như đang ngồi chễm chệ ngay chính trong căn nhà của chúng.

        Chán, chả muốn ăn gì và có muốn cũng chả lấy đâu ra tiền mặt nên, để giết thì giờ và bản tính cũng thích trẻ con, tôi đi đến chỗ người mẹ trẻ lân la hỏi chuyện:

        - Nhà chị đưa thằng nhỏ xuống Thái chửa bệnh?

        - Không - Chị ta ngước mắt nhìn tôi, một đôi mắt khá đẹp nhưng buồn và mệt - Em đi thăm nhà em.

        - Chắc anh ấy cũng là dân... đào vàng?

        - Không ạ, nhà em là bộ đội biên phòng đóng ở Cao Bằng. Lâu quá không thấy anh ấy có tin gì về, sốt ruột, hai mẹ con lặn lội đi thăm.

        - Gặp không?

        - Không gặp mới tức chứ ạ. Các anh trên ấy bảo nhà em đã chuyển đi đồn khác cách đó gần trăm cây rồi, phải đi hai ngày hai đêm mới đến nơi, có đoạn phải đi bộ, thế là em đành bế con về.

        Khoé mắt chị ta rưng rưng. Chắc là suốt những ngày qua cái khoé mắt này đã rưng rưng nhiều lắm rồi! Tôi vuốt cái má nóng nóng của thằng bé chắc mới được mấy tháng, khẽ giật mình:

        - Hình như thằng bé có vẻ sốt rồi đây này?

        - Vâng, cháu trở bệnh hai hôm nay. Tại trên đó khí hậu độc quá.

        - Chết thật! Con còn nhỏ thế mà đã tha lôi đường xa. Đi đứng kiểu này chắc hết tiền rồi phải không?

        Người mẹ không trả lời chỉ hơi cúi xuống. Một tình cảm sâu nặng gì đó tưởng như đã hoàn toàn chôn vùi trong tôi chợt nhen lên. Vợ bộ đội! Vợ bộ đội sao thời nào cũng khổ! Tôi quay ra lục túi, lục cả túi trên túi dưới mới được chừng dăm ngàn định đưa hết cho chị ta nhưng rồi nghĩ sao lại thôi, tôi vẫy tay gọi ba thằng đàn em lại, nói thằng nào còn tiền đưa hết đây tao mượn, tiền chẵn hay tiền lẻ cũng được. Ba thằng ngoan ngoãn làm ngay. Cũng được khoảng trên một chục. Trên chục là tốt rồi khi một hộp sữa cũng chỉ hai ngàn tư, vỉ thuốc chừng...

        Sợ không muốn nhìn lại cái khoé mắt nghẹn đắng ấy một lần nữa, đưa tiền xong, tôi đứng dậy tìm chỗ đi vệ sinh, cũng là để tránh cái bầu không khí chẳng mấy dễ chịu này. Vậy mà lại phải đập mặt vào một thứ còn nhiều lần không dễ chịu hơn. Đó là một chiếc xe con gắn biển số xanh cuốn bụi đi vào quán. Ra khỏi xe là ba vị không rõ là quan chức hay doanh nghiệp thảy đều đỏ đắn, sạch sẽ, bóng bấy. Họ chưa kịp đi vào thì chủ quán, một gã đàn ông có cái cười thường trực nhạt thếch đã chạy vội ra, khúm núm mời cả ba đến một căn phòng hình như có máy lạnh vì tất cả các cánh cửa đều đóng kín. Lập tức mấy đứa loong toong cả trai lẫn gái cứ chạy cuống lên như nhà có việc.

        Một cái xe mà như một xã hội thu nhỏ thế này! Giàu và nghèo, phè phỡn và tiều tuỵ, rửng mỡ và ốm đau, hãnh tiến và im lìm, trưởng giả và cô quạnh... Két bia, con gà, phòng lạnh nằm cạnh cặp vú tong teo, đứa bé đang sốt, chiếc chân giả thương binh sao có thể cùng chung đụng trong một khoảng không gian bé tý, chật chội dường này!? Và mình, và ba đứa đàn em kia nữa, rồi tất cả sẽ trôi về đâu? Về đâu? Hay cứ mãi mãi là đất cát, là sập hầm, là chết chóc, là đánh nhau giết nhau và cuối cùng là lại trắng tay, trắng phớ như lúc này đây, khốn nạn, không còn một cắc bạc để kiếm cái gì nhét bụng.

        Trong ngực như có hòn đá tảng đè nặng, tôi thất thểu bước lên xe mà có cảm giác đầu mình cũng đang lên cơn sốt. Xe rùng mình chuyển bánh.

        Đúng lúc ấy thì một tình huống xảy ra khi tiếng mụ chủ xe như còn vương cả những sợi thịt gà giắt kẽ răng the thé lên:

        - Nào, bác nào chưa có vé mua vé nào? Ai mua rồi cho kiểm tra.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:31:11 pm »


        Tiếng the thé đã sát bên. Ba đứa như đồng loạt đưa mắt nhìn về phía tôi ngầm xin ý kiến. Lúc ấy không hiểu sao tý nữa tôi lại bật cười. Trừ thằng Thư nhìn còn chưa đến nỗi ra, hai thằng kia trông chẳng giống ai, đen như củ súng, chân tay sần sượng, tóc tai tua tủa, vàng cháy, nhìn cái biết ngav là dân bãi vàng. Một thằng tên là Hoà, Hoà Trư Bát Giới hay là Hoà lợn vì cái mặt của nó lúc thiếu đói hay no đủ cũng đều húp híp như mặt lợn nhưng được cái thông minh, xông xáo và đã giao việc gì là có thể hoàn toàn yên tâm. Thằng thứ hai ngược lại, gầy như que củi, mắt trắng dã, môi thâm, xấu trai, tính tình trầm lặng, gan lì, đã vào cuộc là trở thành nỗi kinh sợ của bất cứ đối thủ nào, gọi là Phong mắm, hay Phong sát thủ.

        Trước những cái nhìn mang đầy tính tin cậy và ý thức tuân thủ kỷ luật đó, tôi ra hiệu cứ để mặc tao xử lý. Xử lý gì khi một chúa bưởng, một ông vua bãi vàng, một hung thần khét tiếng như tôi mà không có tiền đi xe khách, loại xe hạng bét. Ai ngờ thời hậu giam của tôi, mới có ít tháng mà đã hai lần lâm vào cảnh khốn nạn tàu xe vì không có tiền rồi. Lần trước cắm mặt chỉ trả có một góc, còn lần này?

        - Anh kia, vé?

        Cái tiếng nói vương mùi thịt gà xé vào tai tôi. Chờ cho mụ hỏi đến lần thứ hai tôi mới lừ lừ quay lại. Cứ nghĩ với bộ râu Ka rô kinh dị, với dáng dấp hộ pháp, với nước da đồng hun của mình, con mẹ sẽ giật mình lùi lại và rồi rất có thể sẽ cho qua luôn. Vậy mà không. Mụ thậm chí còn hơi dướn người lên, mắt nhìn lạnh lùng như cô chủ nhiệm nhìn học trò cá biệt, hai ngón tay còn nhẫy mõ vê vê vào giữa mặt tôi. Cũng là dân thứ dữ hoặc đã quá quen ứng xử với thứ dữ trên đoạn đường này đây. Càng tốt, dễ nói chuyện.

        - Bao nhiêu? - Tôi hỏi chiếu lệ.

        - Bảy mươi nhăm ngàn.

        - Tiền không có, chỉ có vàng, được không?

        - Được, 5 phân.

        Năm phân cái mả nhà mụ! Cứt chó đấy mà 5 phân! Có lẽ dân đào vàng thường qua lại tuyến đường này và chắc cũng mua vé theo kiểu dùng vàng thay tiền này nên con mụ có vẻ biết cách chơi chẹt lắm. Thôi thì qua sông lụy đò, cho qua cái tiêu tiết này đi. Tôi hạ túi xuống để lấy ra
phần vàng cuối cùng còn dành dụm được. Vàng để ở đáy túi, phải móc máy mới lôi ra được. Nhưng trước khi sờ được vào vàng thì bàn tay tôi đã chạm phải cái vỏ lạnh khí tử thần của trái tạc đạn mang nhãn hiệu USA. Trái tim tôi cũng bất thần lạnh lại. Rồi lại nóng phừng lên. Nó đây rồi. Cái chết đây rồi. Cuộc đời chó đẻ đầy những bất công này cũng đáng chết lắm. Lương thiện làm gì, tử tế làm gì, đằng nào chả chết. Tại sao cứ phải nai lưng ra để rồi chả được cái gì trong khi đó còn có biết bao nẻo đường đi tắt, đi nhanh như cái đám rượu thịt, xe con, máy lạnh, đùi gà kia. Trái tạc đạn nổ một tiếng nổ vô thanh trong đầu tôi. Sự tỉnh táo hoàn toàn vỡ toác, có đám sương mù mụ mị ở đâu tràn đến, hòn đá tảng nghiến đè vào ngực từ lâu đòi hỏi được văng bật, không kịp nghĩ thêm gì nữa, tôi lôi phắt nó ra, rút chốt cái reng, giơ cao lên khỏi đầu, lừ lừ quét mắt vào tất cả các khuôn mặt tái dại trên xe:

        - Nghe đây! Khôn hồn thì bỏ tất cả của cải, tiền bạc ra trước mặt, ai ngoan cố giấu giếm sẽ tan xác cùng với trái tạc đạn này. Bỏ!

        Mọi người vẫn ngồi im, ngơ ngác, cả ba thằng đàn em của tôi cũng ngơ ngác. Đã quá quen tính cách bất thường của chủ nhưng cả ba chắc không ngờ tôi lại có hành động táo tợn này. Chợt phát hiện ra tốc độ xe có phần chậm lại, tôi ra hiệu cho Hoà lợn đứng gần đấy nhảy lên khống chế thằng lái. Con dao lá lúa mỏng tang từ tay nó được rút ra kề sát cái cần cổ đỏ lững. Chiếc xe nhanh chóng trở lại tốc ban đầu, nhưng tiền bạc thì vẫn chưa thấy moi ra. Chúng vẫn chưa đủ sợ đây, hay chúng cho trái tạc đạn nàỵ là giả. Tốt thôi!Gì chứ để sợ thì quá dễ.Tôi rút cây K54 dấu trong người bắn nát tất cả các cửa hai bên thành xe. Những vụn kính bay lên, những con mắt cụp xuống, trong đó có cả đôi mắt của con mụ thịt gà. Mụ nhìn khắp lượt như van nài mọi người hãy làm theo không thì chết hết các bác ơi, mà xe của cháu cũng tan. Cái nhìn thống khổ ấy quả có tác dụng. Tiền bạc bắt đầu được moi ra từ túi từ ví từ bọc, từ đủ các ngóc ngách trên thân thể người. Tôi hất cằm ra hiệu cho hai thằng còn lại nhanh chóng đi dọc xe vừa thu gom vừa sẵn sàng xử lý những ai có hành động kháng cự. Trong những ánh mắt bạc phếch đang nhìn lên, tôi thoáng thấy có một đôi mắt hơi lạ, đôi mắt lồi lồi, đôi mắt của một gã trai tóc húi cua có thân hình xương xẩu, mặt đầy mụn. Đôi mắt ấy nhìn tôi vừa gần vừa xa, vừa lạnh vừa nóng, vừa như hãi sợ lại vừa như muốn tỏ ý thân thiện. Thấy tôi nhìn lại, gã vội cụp mắt xuống rồi cũng như mọi người, gã bắt đầu lục túi.

        Xe đang đi giữa đường rừng, xa xa phía trước đã thấp thoáng hiện lên những mái nhà, cột điện. Hiểu rằng đây là thời điểm rút lui, không cần bắt xe phải dừng lại, tôi ra hiệu cho đám đệ tử nhảy nhanh ra khỏi xe. Tôi nhảy cuối cùng, sau khi đã kín đáo nhét vào tay người mẹ trẻ và ông thương binh già cụt chân một nắm tiền không biết bao nhiêu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:31:52 pm »


*

        Vượt qua một cánh ruộng nước, thêm hai quả đổi nữa, cả bốn dừng lại ở một con suối nhỏ nằm kín đáo trong rừng rậm, thở dốc. Trong khi thằng Thư tách ra ngồi im một chỗ như làm bổn phận canh gác, còn hai thằng kia sột soạt đếm chiến lợi phẩm thì tôi nằm dài ra, khoanh tay dưới gáy, mắt nhìn lên trời, đầu óc chán chường, tan rã đến tột độ. Thế là chỉ sau một buổi sáng, tôi, từ một thằng còn nuôi trong người biết bao ý định, bao ý tưởng của sự gắng gỏi muốn vươn tới điều thiện đã bị đập tan, đã từ đấy mình sang cực bên kia của xã hội, của luật pháp, đã trở thành một tên cướp. Luật pháp! Tôi đã từng là kẻ phạm pháp, đã từng tù đày nhưng lần này nó khác xa nhiều lắm. Một tên cướp, hơn thế, một tướng cướp. Sao nhanh thế nhỉ? Nhưng suy cho cùng thực chất đây là nhanh hay là muộn? Biết thế nào là muộn thế nào là nhanh khi cái việc cần đến nó cứ phải đến thôi. Cướp!

        Tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh chuyến xe hiện lên trong đầu tôi như một cuốn phim quay chậm, rõ mồn một, rõ từng khuôn mặt, từng cái nhìn, từng tiêu tiết, từng... cái đầu húi cua, cặp mắt lồi vừa lạ vừa quen, vừa xa vừa gần... Cuốn phim chựng lại, xoay xoáy vào đôi mắt ấy. Một cú rùng mình khiến tôi bất chợt lạnh buốt sống lưng.

        - Đại ca! - Thằng Hoà đi đến, cái mồm lợn tru ra cười tý tửng, rồi chìa ra trước mặt tôi một nắm tiền - Tất cả là hai mươi chín triệu năm trăm sáu mốt ngàn, của đại ca một nửa, còn ba thằng em một nửa. Không ngờ chỉ nhoáng một cái mình đã có nhiều tiền thế này, bằng cả một năm đào đãi mà có khi còn...

        - Câm mồm! - Tôi quát nhưng không thể không có chút chuếnh choáng trong đầu, mẹ, hai mươi chín, sao lắm thế, có thể mua được cả toà nhà chứ chơi à - cầm cả lấy, chia bôi gì. Có đứa nào còn nhớ cái thằng đầu húi cua, mắt trố, mặc áo ca rô xanh, mặt mụn ngồi ở hàng ghế cuối không?

        - Mụn... húi cua... mắt trố... Em... em không nhớ - Thằng Phong mắm trả lời - Sao hả anh? Quen à?

        - Hỏi mày, hỏi con c... còn hơn.

        - Giờ sao, anh Hùng? - Lúc này thằng Thư mới đi đến lên tiếng, không giấu được vẻ bồn chồn - cắt rừng đi bộ hay nằm đây chờ tối ra đường đón xe đi tiếp?

        Không trả lời, tôi bước xuống suối, vục mặt vào nước lạnh. Vục lúc lâu, vục thật sâu, như thể tôi muốn tìm trong dòng nước nguyên sơ ngai ngái mùi lá mục này một câu trả lời cụ thể. Nhưng nước vẫn im lặng như ngàn năm nó vẫn cứ im lặng vô tình với mọi trở trăn, khổ đau của con người như thế. Tôi bước lên, bất giác chạm mắt phải cục tiền nhăn nheo mấy đứa còn để trên cỏ mà chưa dám cất đi. Và đột ngột tìm ra câu trả lời ở cái đống xét đến cùng cũng là đống giấy lộn ấy. Giấy lộn nhưng nó lại có thể thay đổi được toàn bộ số phận một đời người, thậm chí một quốc gia. Vì nó là tiền. Tiền. Gần ba mươi triệu đồng tiền. Tiền ăn cướp. Ít cũng là ăn cướp, nhiều cũng là ăn cướp, là trọng tội, là không thể bôi xoá được nữa. Vậy thì tại sao không làm tiếp đi để cùng mang một tội danh là cướp luôn thể.

        Tôi vẫy ba đứa lại:

        - Tao hỏi thật, chúng mày, trong đó có thằng Hoà đã trực tiếp đi, Võ Nhai có thật là làm ăn được không?

        Ngọ nguậy hồi lâu như để thăm dò thái độ tôi, thằng mặt lợn mới gượng nhẹ:

        - Em thấy... khó là khó chung. Võ Nhai lúc này còn ít người nhưng tới đây chưa biết thế nào khi dân bãi từ các nơi đánh hơi thấy lại nườm nượp đổ về, cũng thế.

        - Tóm lại ý mày là sao? -Tôi gắt - Nói năng đéo gì mà cứ như ông già đẻ ra mày. Sao, hai thằng kia?

        Tất nhiên là thằng Phong mắm im tịt. Với một đứa chỉ chuyên đánh đấm, hỏi câu này là ngoài tầm suy nghĩ của nó.

        - Em nói điều này nếu không đúng xin anh bỏ quá - Thằng Thư lên tiếng bằng cái giọng cầu kỳ theo đúng kiểu thư sinh con nhà của nó - Đằng nào mình cũng lỡ rồi, tại sao không làm tiếp? Nhưng mình không làm chuyên nghiệp, mình chỉ cần tạo được đống vốn tạm đủ là sau đó thôi ngay.

        - Vốn gì? Vốn để nhét vào lỗ nào? Lại vàng, lại Võ Nhai à?

        Tôi hỏi vặn ngược nhưng trong lòng lại thầm mát ruột khi suy nghĩ của nó đã trùng với suy nghĩ của mình. Đúng thôi nhưng chưa mới. Tôi cần nghe trong cái đầu của nó có cái gì thật mới kia.

        - Nói đi, thằng em! -Tôi ghé sát vào mặt nó - cần vốn để làm gì?

        - Ta sẽ chuyển sang đá đỏ. Cái giống đá này ở Việt Nam mình sẵn, lại chưa nhiều người để tâm nên ta có thể nhảy vào được. Theo em biết qua một ông anh họ thì đào đá nhàn và có lời hơn vàng.

        Tôi đấm mạnh vào vai nó:

        - Được. Nhất trí tạo vốn, tạo thật nhanh, thật nhiều. Cám ơn thằng em.

        - Nhưng còn... còn - Thằng Phong mắm nói - Còn số anh em mình ngày mai sẽ tập kết cả ỏ Võ Nhai thì sao ạ?

        - Tao đã định cho một thằng trong ba thằng mày đi liên lạc với chúng nó nhưng lộ mặt hết rồi, nguy hiểm. Cứ để chúng đến, không thấy ta, chúng sẽ tự biết phải làm gì. Mai mốt có vốn rồi sẽ đến kéo hết chúng đi cũng chưa muộn.

        - Bây giờ là 12 giờ, trưa rồi, thằng Phong đi vào bản đưa tiền bảo chủ nhà nào đó làm cho một bữa ăn, làm kha khá vào, có gà có rượu, coi như ăn mừng trận đầu ra quân thắng lợi, chiều tối nay tiếp tuc xuống đường chặn xe, cướp!

        Vậy là băng cướp chuyên nghiệp có vũ trang trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn do Hùng Ka Rô cầm đầu đã được hình thành.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:32:40 pm »

       
19

       
        Đã gọi chuyên nghiệp thì phải chuyên nghiệp từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, từ phương án hành động cho đến các động tác chuẩn bị, trinh sát nắm tình hình, rút lui, các tình huống lộ mật, công tác đảm bảo, công tác dân vận, kể cả trường hợp xấu nhất là bị bắt, bị khai báo thì sẽ nói gì, làm gì... Tóm lại là phải y sì một trận đánh giao thông chiến có kết hợp đặc nhiệm. Chỉ khác, với trận đánh kia, cái giá phải trả cao nhất là hy sinh, là danh hiệu vẻ vang tử sĩ, còn trận đánh này, cái giá phải trả là nhà tù và cũng có thể là hy sinh nhưng hy sinh tủi nhục tại cây cọc giữa pháp trường.

        Kệ xừ nó, trong bữa rượu mang ý nghĩa ăn thề ở giữa rừng ấy, tôi nói với cả bọn, đã đâm lao phải theo lao, đã cưỡi lưng cọp là phải cưỡi đến cùng, dừng lại vân vi nghĩ ngợi vinh nhục nọ kia có mà ăn cám. Mà vinh nhục cái mẹ gì, quãng đời đã qua chúng ta không nếm đủ mùi vinh nhục tận cùng rồi sao, bây giờ có thêm vinh hay nhục nữa cũng vậy. Tôi lại nói, bốn thằng thì có hai thằng đã từng là lính, tao và thằng Phong, mà đã là lính thì điều đầu tiên phải xác định coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, đối với tụi mình bây giờ cũng vậy, chết sống như không, tất nhiên càng kéo cái chết chậm được ngày nào càng hay ngày ấy.

        - Có ba nguyên tắc tối thiểu nhất quyết phải theo đến cùng - Tôi nâng bát rượu sắn đắng nghét lên, nói như nói trước tổ ba người trước khi đi trinh sát vào đội hình đối phương ngày nào - Một, sướng cùng hưởng khổ cùng chịu, không nản lòng, không rã đám, không phản bội phản trắc trong bất cứ tình huống nào. Hai, cướp nhưng cấm không được để chết người, nếu chẳng may xảy ra và rất có thể xảy ra, sẽ bồi thường thoả đáng. Và ba, cố gắng chỉ cướp của bọn có máu mặt, bọn nhà giàu, tuyệt đối không cướp của người nghèo. Có đứa nào bổ sung thêm gì không?

        Im phắc. Còn bổ sung gì nữa khi để nói được những điều coi là ruột gan tâm huyết ấy, tôi đã phải nghĩ nát óc. Để chắc ăn, tôi hỏi câu cuối cùng:

        - Lúc này vẫn còn kịp. Thằng nào tự thấy không theo được hay không muốn theo thì mở mồm, tao sẽ giải phóng ngay. Thằng nào? - Vẫn im lặng. Tôi nhìn sâu vào mắt từng đứa, bắt đầu là thằng Hoà - Mày sao?

        - Ông anh coi thường thằng em này quá đấy! - Hoà cười khột khột.

        - Còn mày? - Tôi chuyển mắt sang thằng Phong.

        - Mọi người sao em vậy - Nó càu nhàu - Đã chích máu ăn thề kết nghĩa vườn Đào rồi lại còn hỏi.

        Thằng Hoà lại cười khồn khột như bị kéo đờm. Tôi vỗ nhẹ vai thằng Thư, giọng mềm xuống, cũng tự nhiên mềm thôi chứ không cố ý:

        - Còn thằng em này, sao? Mày có văn hoá, lại là gia đình cán bộ nòi, nhà cũng có của ăn của để.

        Thằng Thư đưa mắt nhìn vuốt lên đỉnh rừng như nhà hiền triết dõi tìm ý nghĩa bất di bất dịch của cuộc đời một lát rồi mới quay lại, cái nhìn thật buồn, chính cái nhìn đó thỉnh thoảng vẫn soi rọi vào tôi, như tò mò, như ngơ ngác lại như vô cùng dịu dàng, yếu đuối, cái nhìn của một chú nai rừng bị rong về phố:

        - Văn hoá hay dòng dõi con nhà nòi như anh nói lúc này chả có nghĩa gì sất. Tất cả đều thua đứa gian manh, giả danh, khôn khéo ăn người hại người.

        Đó đã là câu trả lời. Tôi hiểu nó muốn nói đến ông già nó, cán bộ cấp vụ của một ngành quan trọng trên Trung ương có tiếng là liêm khiết, trung thực, tay sạch nhưng vì không ăn cánh, không chịu được những khuất tất trong các hợp đồng làm ăn béo bở của sếp nên bị trù úm, bị chụp lên đầu cái tội tày trời là kẻ quá khích, kẻ phá hoại đoàn kết, kẻ cố tình ngăn cản con đường đi lên tất yếu của chủ nghĩa xã hội... đến nỗi phải thổ huyết ra mà chết. Bố chết, còn lại hai anh em, người anh cả vốn ích kỷ và nhu nhược chỉ biết nghe theo vợ dần dần ghẻ lạnh với nó rồi đến khi nó phạm tội dù là ngộ sát thì quan hệ hai anh em coi như xong, hoàn toàn người dưng nước lã. Hoàn cảnh của nó thật khác xa với gia cảnh thằng Hoà và thằng Phong. Thằng Hoà có bố bị án tù chung thân vì tội giết mẹ nó nên nó thoải mái quăng thân vào đời gió bụi âu là lẽ đương nhiên. Còn thằng Phong, bố suốt ngày say xỉn, mẹ công khai dắt giai về nhà nên chán quá, bỏ đi, cũng là điều dễ hiểu. Tôi lại chợt nhớ đến ông tiểu đoàn trưởng cũ của tôi, bố là địa chủ có nợ máu, học ở đâu cũng bị đuổi, thi kiểu gì cũng không đỗ, cuối cùng ông phải chui vào bộ đội, xin đi chiến đấu để rửa lý lịch, thế rồi rửa kỹ quá, kỹ đến thành anh hùng quân đội, thành hạt nhân ưu tú của sư đoàn. Cuộc đời đến lạ! Người bẩn lo đi rửa, kẻ sạch lại đi bôi. Mà biết ai bẩn ai sạch bây giờ để so đo, chắc lép mọi góc tối sáng nhân tình.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:33:43 pm »

 
*

        Phi vụ làm ăn đêm thứ hai mọi sự diễn ra vẫn tương đối trót lọt. Chuyến xe chạy lủi thủi một mình vào lúc hai giờ ba mươi sáng ấy đã cho chúng tôi được hơn chục triệu cộng thêm mấy cái vòng vàng, nhẫn, dây chuyền mà thằng Hoà bảo bỏ rẻ cũng phải trên chục triệu nữa. Chỉ có điều đêm ấy thằng Phong đã buộc phải làm đổ khá nhiều máu của một hành khách ăn vận có vẻ sang trọng, suốt đoạn đường chỉ ngậm một thứ thuốc ba số đắt tiền khi người này giở trò quyết liệt chống cự. Và nếu tôi không nhanh tay can thiệp thì rất có thể có một án mạng nhỡn tiền đã xảy ra.

        Trở lại rừng, tôi điên tiết túm ngực áo nó gần như nhấc khỏi mặt đất:

        - Mày thích giết người lắm à? Mày muốn đưa cả bọn ra đứng dựa cọc hả?

        - Nhưng nó phang cái cặp da vào giữa mắt em muốn nổ con ngươi.

        Sao không nổ mẹ mày đi! Chán, tôi chả muốn nói gì nữa. Đã ăn cướp mà lại còn giết người thì sẽ được gọi là cái gì đây? Cái gì đây? Mà cái sự giết chóc ấy rất có thể sẽ xảy ra khi hai động thái nó chỉ cách nhau một nháy mắt.

*

        Rất may là đêm thứ ba cái chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng lại xảy ra một chuyện khác khiến cho phi vụ làm ăn không thành. Nói đúng hơn, một chút đa tình yếu đuối còn sót lại trong góc con tim tăm tối của tôi đã ngăn tôi lại. Đó là câu nói rất không đâu vào đâu của một cô gái khá đẹp, còn trẻ, nét mặt nền nã, thanh thoát và đặc biệt nổi lên đôi mắt lá dăm vừa đáo để vừa hiền dịu khi thằng Hoà lợn chơi một cú móc hàm rất ác vào giữa mặt gã con trai đeo kính trắng, bụng đã có chiều phinh phình ngồi cạnh cô vì cái tội lần khân không chịu móc chiếc ví trong túi áo Vets ra.

        - Anh ấy là kỹ sư mới đi học ở nước ngoài về, có biết gì đâu mà mấy người đánh người ta dã man thế?

        - Vậy thì tao đánh mày nhé, con đĩ kia!

        Thằng Hoà gầm lên, định vung tay thì cô gái đã đứng phắt dậy, quắc đôi mắt lá dăm nhìn thẳng vào mặt hắn, giọng nói vẫn điềm tĩnh không hề có chút run sợ như bất kỳ ai một khi rơi vàọ tình cảnh này:

        - Đĩ điếm và cướp đường cùng một giuộc, có gì đâu mà mấy người phải cao giọng.

        - Á à! Con này láo!

        Bàn tay chuối mắn của nó định hạ xuống thì tôi bước lên, giữ lại, nhìn sâu vào đôi mắt lá dăm của cô. Cô ta cũng nhìn trở lại tôi, căng chằng, chả có vẻ hãi sợ gì. Tôi nói:

        - Cô gái! Nếu ở vào trường hợp cô tôi sẽ không bao giờ nói thế mà tốt nhất nên khuyên anh bạn du học đẹp trai của cô nộp tiền ra.

        - Còn tôi, nếu ở vào trường hợp anh, tôi sẽ không bao giờ đi làm ăn cái kiểu cò con vô bổ thế này.

        - Cái gì?

        - Thì anh thử nhìn đi! Một khi đã phải ngồi vào cái xe khách chạy đường trường cũ rích này mấy ai đã có tiền bạc rủng rỉnh, phong lưu đáng để các anh đo công đo sức, đổ cả tính mạng vào không?

        Thằng Phong mắm từ giữa xe lên tiếng chói lói:

        - Đại ca, mất thì giờ với nó làm gì. Xe sắp đến ngã ba rồi đó.

        Tôi quay lại lừ mắt ra ý bảo nó câm mồm rồi quay lại cô:

        - Cô là ai?

        - Tôi dạy học, tranh thủ nghỉ phép đi buôn một chuyến, tôi là con buôn duy nhất trên chuyến xe này. Tôi sẽ nộp tiền thay cho tất cả.

        Cô lặng lẽ lôi cái túi xách màu đen dưới gầm ghế ra, đưa lên trước mặt tôi, giọng nói thật buồn:

        - Đây là toàn bộ vốn liếng của tôi, mười lăm triệu, coi như mất trắng, mà đằng nào cũng mất, không mất cho mấy người thì cũng mất trên cửa khâu.

        Thằng Hoà lợn rên lên một tiếng khoái cảm như đang phóng tinh định cầm lây cái túi thì, lần này không phải tôi mà lại là thằng Thư ngăn lại:

        - Thôi đi! Chúng ta chưa khốn khổ đến nỗi phải đi nhận của bố thí của một người phụ nữ đâu.

        Một cảm giác rỗng roãng ở đâu toàn vào, mọi sự bỗng trở nên vô vị không chịu được, tôi ra hiệu cho mấy đứa trả lại hết những gì vừa cướp được rồi hét cho xe dừng lại. Đúng là trên xe chả có khuôn mặt nào tỏ ra là phủ phê giàu có cả ngoài chính khuôn mặt của cô ta. Đốn mạt! Tôi đang
làm cái gì đây? Chó cắn áo rách ư? Trước khi bước xuống, tôi còn quay lại nhìn vào mặt cô gái nói một câu vô nghĩa:

        - May cho cô đó cô gái ạ! Nếu gặp toán khác thì không chỉ tiền bạc mà ngay cả cái tấm thân trẻ trung của cô cũng không giữ đựợc đâu.

        Chiếc lá dăm vẫn nhìn lên tôi, không sợ hãi, không biết ơn, lãnh cảm, thậm chí còn ánh lên một chút ngầm thách thức như thể Thì cứ thử xem!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:34:57 pm »


*

        Khi trở lại khúc rừng vắng, cái nhìn con gái đó đã phá ra thành một cuộc cãi vã dữ dội giữa mấy thằng đàn em. Nhằm vào giữa mặt thằng Thư, thằng Hoà lợn bắn trước:

        - Đ. mẹ mày, thằng giả dối! Đã mang thân đi ăn cướp mà lại còn tính chơi trò quân tử à?

        Thằng Thư không nói lại, vẫn quay đi nhìn mơ hồ lên một khoảng trống sáng trên tán cây. Thằng Phong mắm quất một cú đá đánh chát vào một khúc gỗ mục, phun nước bọt bay rẹt qua mặt nó:

        - Thế là mất bố nó cả đống tiền vì cái bệnh sỹ ngu xuẩn của mày. Tốt nhất là mày nên cút mẹ nó về nhà mà làm thằng công tử con nhà giàu èo ẹo đi!

        Đến đây vẻ không còn chịu nổi nữa, thằng Thư lẵng lặng đứng dậy, móc nắm tiền trong túi quần ra ném thẳng vào mặt hai đứa, tiếng nói căng như dây cung:

        - Tiền phần tôi được chia hôm qua, các người tọng tất cả vào cái họng bẩn thỉu của các người đi! Và ngay bây giờ, nếu tôi còn được nghe thêm một lời nói vô học, mất dạy nào nữa thì đừng trách. Nào, nói đi! Ai? Nói!

        Mặt nó xanh tái, hai nắm tay mảnh mai rung mạnh, hai hốc mắt hàng ngày toàn ẩn giấu sự suy tư lành hiền lúc này đang bắn ra những tia lạnh buốt như lửa hàn. Hai thằng kia bất giác nhìn nhau, lùi dần lại. Thằng Thư nhếch mép, một cái nhếch mép cũng lạnh buốt:

        - Cướp để tạo vốn là một giải pháp tình thế cực chẳng đã, khác hắn với cướp chuyên nghiệp, cướp bằng bất cứ giá nào, cướp bẩn, chính chúng ta đã thống nhất thế rồi. Thật xấu hổ! Thật nhục nhã phải sống chung với những cái đầu không cao hơn bãi phân lợn bao nhiêu.

        Bị hạ nhuc, hai thằng nhìn nhau định nhao lên chơi sát ván nhưng đụng cái nhìn dữ tợn của tôi, chúng đành dừng lại, đầu cúi xuống, thở hồng hộc.

        - Thằng Thư nhặt tiền lên! - Tôi sầm mặt - Máu đấy. Còn hai thằng kia, ngậm mồm, cút mỗi thằng ra một xó, im lặng! Tao cần im lặng.

        Đúng là tôi cần im lặng thật. Im lặng để nghĩ về tất cả, im lặng để nghĩ về cái nhìn cũng im lặng của đứa con gái trên xe hồi chiều kia. Con người có thể bị hận thù, bị căm ghét thậm chí bị nguyền rủa nhưng bị khinh, bị coi thường, bị thương hại thì đúng là không chịu nổi. Từ nhỏ tôi là thế, bây giờ vẫn thế và chắc mãi sau này cũng thế. Nên mới khổ, mới khốn nạn. Nhưng đã trót ăn sâu vào tim gan phổi phèo rồi, có móc ra vất đi, chôn xuống nó lại ngóc lên bò về. Nhất là một khi cái thương hại đó lại phọt ra từ một đứa con gái thập thành, chả đại diện cho ai, cho cái gì cả.

*

        Gần tối,tôi vẫy tất cả lại, quyết định:

        - Phắn!

        - Ơ, làm ăn đang được, sao lại phắn ạ? - Thằng Phong hỏi.

        - Ngu! Mày tưởng sau hai vụ vừa rồi, bọn chúng nó lại để cho mày được yên mà nhảy thốc lên bất cứ chiếc xe nào chắc. Phắn! Có thể tiếp tục cướp, có thể không. Nhưng trước hết về Hà Nội đập phá một chập cho quên đi tất cả mọi chuyện đã, sau đó mọi việc tính sau.

        Chờ cho tối hẳn, sau khi đã xuống suối tắm rửa kỹ càng, cạo râu, cắt tóc, thay quần thay áo hắn hoi, cả bọn mò ra cửa rừng, nghe ngóng quan sát một chập rồi phóc sang bên kia đường, nhằm một nơi có nhiều tiệm quán đang hắt ra những vệt ánh sáng đủ màu băng tới.

        Chọn một cái quán vắng nhất có lối thoát phía cửa hậu đang toả ra mùi xào nấu thơm điếc mũi, lặng lẽ bước vào, bốn thằng ngồi nhìn về bốn hướng, bắt đầu gọi món ăn. Đói cồn cào, từ sáng chưa có gi nhét bụng, tôi cho chúng nó gọi thả dàn, muốn ăn gì thì ăn, muốn chơi rượu gì thì chơi, thoải mái, tiền cả đống trong hầu bao cơ mà. Chủ quán là một vị trung niên, đầu húi cua, mắt gián nhấm, tất cả đều nhẫy mỡ, mỡ trên mặt, mỡ trên bụng, mỡ trên từng ngón tay, mỡ ngay cả trong hàm răng khấp khểnh khi cười, một cái cười vừa nhầy vừa lẳng vừa hết sức cầu tài. Đúng là điển hình cho một gã chủ quán ven đường nơi luôn có đủ các loại dân giang hồ tứ chiếng ghé vào.

        Khốn nạn! Chính vì cái nhận xét tưởng như từng trải ấy mà tôi đã bỏ qua cái kiểu nhìn của gã. Toàn nhìn xéo, cấm có nhìn thẳng. Và nếu có nhìn thẳng, đụng cái nhìn ngược lại, hắn lại chuyẻn sang xéo rất nhanh. Thằng Thư nói nhỏ vào tai tôi:

        - Em thấy đôi mắt lão này gian lắm, hay là...

        - Mắt thằng bán quán nào chẳng thế, hay là cái gì? Vớ vẩn!

        Tôi nói và, trong khi thằng Thư theo thói quen thận trọng đi một vòng quanh nhà làm động tác quan sát, khoan khoái vươn ngực hít vào một hơi dài khi chính lão săm sắn mang từng đĩa đổ ăn lên. Ngon! Chỉ nhìn cũng đã thấy ngon đến nhức nhối cả gan ruột. Một đĩa gà luộc vàng ươm, loại gà đồi rắn thịt, một chú cá quả hầm to tổ chảng có rắc hành, răm, thì là xanh biếc lên trên, một đĩa thịt heo rừng được thái cắt mỏng như lá lúa hai phần mỡ nạc chia đều nhau, lại có cả đĩa dồi trường đang còn bốc khói mà những miếng dồi mang sắc nâu dịu dàng kia đã là nỗi ám ảnh khôn nguôi của tất cả lũ chúng tôi trong những đêm nằm co nghe mưa tuôn xối xả trên bãi vàng. Chưa hết, bàn bên cạnh là một cái lẩu thập cẩm gồm đủ các thứ bò bê, tôm cá tươi rói chỉ chờ bén lửa. Một chai Hennyssy loại lớn do chính tay cô vợ hay con gái của lão chẳng biết nữa thoăn thoắt mang từ ngoài vào, cười lúng liếng đặt cái cách lên bàn như đặt cả một quả tim đàn bà phập phồng, óng ả, nồng nàn lên đó. Mắt sáng rực, thằng Hoà vội vơ lấy chai rượu, không cần đồ mở, nó dùng luôn mấy chiếc răng nanh lợn nòi của nó bật nắp cái bốp, xóc xóc mấy cái, đưa cổ chai lên liếm nhẹ, chép chép mấy cái nữa, lim dim mắt rồi cười ngoác:

        - Rượu xịn, đại ca. Giả là em biết ngay, chân tay lập tức dị ứng nổi rôm nổi sảy liền.

        - Thôi, ít mồm! Rót đi!

        Tôi nói và chỉ chờ có thế, nó vội rót ra bốn ly, rót rất khéo, rất chậm, rót thành dây thành dòng mỏng mảnh như rót chính máu huyết trong người nó ra.

        Tôi đưa ly của mình lên:

        - Nào! Không vì một lý do con mẹ nào hết, cạn!

        Nhưng chưa kịp cạn thì thằng Thư từ ngoài bước vội
vào, nói nhanh:

        - Cảnh sát!

        Tôi đảo nhanh mắt ra đường. Từ đầu phố đang có tiếng còi ủ rú rít lên thật. Một tia chớp xẹt ngang đầu: Mẹ, thằng mặt mụn, mắt trố trên xe hôm ấy bán đứng mình rồi. Chỉ có nó chứ không thể ai khác. Chỉ có nó đi bô báo cánh công an mới biết mà giăng bẫy khắp nơi, giăng cả vào cái mồm lão chủ quán này. Điên tiết, tôi co chân đạp văng chiếc bàn đầy đồ ăn xuông đất, tiện chân đá luôn vào giữa mặt gã chủ quán một đá nghe cái rắc rồi hô:

        - Tung cửa sau, chạy!

        Tất cả làm theo. Riêng thằng Phong còn nán lại dộng thêm một mũi giày vào cái miệng đầm đìa máu đang há hốc của gã chủ quán, rít giọng:

        - Đ. mẹ mày! Đồ chó săn. Bố mày mà quay lại sẽ cho cả nhà mày ra cứt.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:36:09 pm »


*

        Chạy qua ba quả đồi, hai cánh ruộng, đến một bãi tha ma hoang vắng thì cả tốp dừng lại. Mệt! Mệt kinh khủng! Cả cuộc đời có lẽ chưa bao giờ mệt thế này. Ruột gan lồng vào nhau, tiếng thở thoát ra bằng tất cả những gi gọi là lỗ trên người, khè khè, rin rít. Thằng thì gập người nôn thốc nôn tháo, thằng thì nằm ệch ra, chân tay co giật như đang vào cơn động kinh, thằng lại ho rũ rượi, vừa ho vừa rụi đầu rụi cổ xuống đất ướt như con đà điểu lên cơn động dục. Nói chung là khốn nạn! Trừ tôi. Thời kỳ đi buôn trâu đã chạy, thời kỳ đi lính còn chạy nhiều hơn, cho nên ba cái sự chạy này chỉ là chuyện vặt. Nhưng lại buồn. Buồn tê dại. Thế là cuộc đời từ nay sẽ chỉ còn chạy và chạy nữa thôi ư? Tôi không giận gã chủ quán mà chỉ điên giận thằng chỉ điểm. Đúng vào lúc tiếng còi xe cảnh sát rú lên, không hiểu sao khuôn mặt của thằng Hoán, cái thằng đã phản bội tôi và đã được tôi tha hồi còn ở cùng trung đội lại bật loé lên. Khuôn mặt ấy nhập với khuôn mặt thằng đầu húi cua, mặt mụn trên xe làm một. Trời ơi, chính là nó, chỉ có thể là nó mà sao mãi tôi không nhận ra. Chả lẽ cuộc đời làm cho nó thay đổi ghê gớm thế kia à? Mày, thằng khốn! Biết vậy ngay từ lần ấy tao đã chặt đứt cái nọc độc của mày rồi, đứt hắn để bây giờ mày không còn có dịp thúc vào đầu tao cái ý nghĩa khốn nạn của cái sự ở đời thường làm ơn nên oán ấy nữa. Thề có giời, nếu ngay lúc này vớ được mày thì... Hai hàm răng tôi nghiến vào nhau kêu to đến nỗi khiến thằng Thư ngồi bên cạnh thoắt giật nảy cả người.

        Góc kia, thằng Hoà đã hồi lại. Nó cười cười lôi trong túi quần túi áo túi ba lô ra gần như đủ các món ăn trên bàn lúc nãy, chỉ phải nó bèo nhèo, be bét, nhầy nhụa như một thứ cám thiu và cả chai rượu gần như còn nguyên. Tất cả trố mắt. Hoá ra cái thói tham, cái nết phàm ăn tục uổng của nó lúc này lại được việc. Nhưng tôi không ăn được. Đêm tối mông lung. Cuộc đời mông lung. Trước mắt đi đâu, làm gì, sống ra sao cũng hoàn toàn mông lung, tăm tối. Thằng Thư cũng không ăn, nó chỉ trầm ngâm nhắp nhắp từng chút rượu, mắt buồn như chó ốm.

        Chờ cho hai thằng kia ăn xong, tôi nói cái điều khó nói nhưng lại không thể không nói, nói mà không nhìn vào mặt một đứa nào:

        - Tình hình này là đen rồi. Chắc đã có lệnh truy nã chúng ta, một toán cướp có vũ trang ở khắp nơi, tất nhiên chúng nhằm chủ yếu vào thằng cầm đầu là tao. Vậy quyết định giải tán, thằng nào về nhà thằng ấy, tao không muốn vì tao mà chúng mày bị liên luỵ.

        Im phắc. Chỉ nghe tiếng ợ trong cần cổ thằng Hoà. Mặt thằng Phong sắt lại, vẫn kiểu nói làu nhàu:

        - Hầy, đã ăn thề sống cùng sống chết cùng chết, chả lẽ mới thế này mà đại ca đã bỏ tụi em?

        - Đúng đấy - Thằng Hoà ợ một phát nữa bay ra cả cái mùi thum thủm rất khó chịu - Cứ làm vài vụ nữa khá khá một chút rồi tính, đại ca.

        Tôi gằn giọng để nuốt đi một chút mủi lòng không hiểu sao cứ đùn lên:

        - Quyết rồi, không bàn nửa! Đi đi! Sau này nếu có duyên thì còn gặp lại. Số tiền kia ba đứa chia nhau về làm vốn, tao không cần.

        - Nhưng đại ca cũng cầm một ít làm độ đường chứ ạ?- Thằng Hoà nhăn nhỏ.

        - Đi ngay đi, không lại rơi vào ổ mai phục của chúng nó bây giờ.

        Tôi phảy mạnh tay và quay mặt đi ra ý không muốn nói thêm gì nữa. Thằng Hoà với thằng Phong, y như tuồng Tàu, quỳ xuống vái tôi ba vái rồi gần như đồng thanh:

        - Xin đại ca bảo trọng!

        Tôi không trả lời và khi quay lại thì bóng hai đứa đã biến rồi. Một chút chua chát thoáng gợn lên: Thì ra tình cảm của chúng mày cũng không vượt qua nổi ba cái triệu bạc kia. Chợt tôi giật mình khi cái bóng của thằng Thư vẫn còn đó, đen xì, bất động.

        - Sao, chú em vẫn chưa đi à? - Tôi hỏi.

        - Em ở lại với anh - Nó trả lời.

        - Không sợ liên lụy ư?

        - Nếu sợ thì ngay từ đầu em đã không đi theo anh.

        - Thư! - Tôi vỗ nhẹ vào má nó - Thành thực khuyên chú nên trở về nhà, đi làm hay đi học tiếp, tuỳ. Tay chú mới dính chàm, rửa còn kịp. Không nên đi theo anh, đời sẽ đen tối lắm!

        - Tiếp theo đây mình sẽ làm gì, anh?

        - Tức là thằng em vẫn dứt khoát?

        - Em trọng cái đức tính quân tử, khí khái của anh.

        - Số phận rồi, tôi thầm nghĩ, thôi thì đành, vả lại tôi cũng không muốn xa nó. Và biết đâu trong các chặng đường gió bụi trước mắt chưa hiểu lành dữ thế nào, có nó, những hành vi rồ dại thú hoang trong tôi sẽ được phần nào kìm giữ lại.

        - Chuyên làn lên mạn ngược!
Tôi nói như một trắc thủ pháo binh chuẩn bị lâm trận.

        Và nói thầm trong bụng thêm một câu: “Nhưng trước hết tao có chút việc riêng cần giải quyết cái đã. Ở yên đây chờ tao.”
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:37:39 pm »


*

        Nhà thằng Hoán tôi còn nhớ, nếu không lầm thì nó ở trong một xóm nhỏ bên dòng Bằng Giang. Chỉ một cuốc xe ôm là tôi đã có mặt ở đó vào lúc trời vừa sập tối. Tất nhiên là tôi không ngu gì mà xộc vào nhà, vào rồi chạm mắt với cả đống những cha mẹ, vợ con của nó, chắc chắn là tôi sẽ không làm được cái gì ra hồn cả. Cho nên tôi mới đứng ngoài chờ. Nhưng chờ đến bao giờ và biết nó có ra không mà chờ, mà đẻ mặc cho muỗi cắn khắp người. Xung quanh lại không có đứa trẻ nít nào để thuê gọi thành thử tôi buộc phải tiến sát đến cái cánh cổng tre, giả giọng con nít vậy, mà cái trò giả giọng này thì lại là sở trường của tôi hồi còn đi học ở nhà: “Chú Hoán cứ... Bố cháu bảo mời chú sang uống nước, có chè ngon ạ...” Nghe, nếu chính nó vác xác ra thì tốt rồi, còn không, coi như là kẻ qua đường bước vội, ai đế ý. Lát sau, đúng là nghĩ ngợi không thừa, không phải nó mà hình như con vợ nó lạch bạch đi ra, nhìn quanh quất một chập, hỏi to: “Đứa nào léo nhéo đấy? Không nghe tiếng trả lời, ả ta nhìn ngó một chập nửa rồi lại lạch bạch đi vào. Chờ cho yên ắng một chút, tôi lại từ bóng tối bước ra, tiến sát đến cái cánh cổng ấy, lại cất tiếng hệt như lúc nãy. Lần này thì chính nó đi ra, dáng đi rõ ra cái vẻ cáu kỉnh và sẵn sàng quát tháo. Nhưng nó chưa kịp mở miệng thì cái bóng to tướng của tôi đã đứng sừng sửng ngay trước mũi nó cùng với tiếng nói thật nhỏ nhưng đủ uy lực: “Hoán! Tao muốn nói chuyện với mày, ra chỗ kia, nếu mày kêu lên một tiếng là mày chỉ còn cái xác nằm trước cổng, đi!

        Hoàn toàn cóng lạnh, nó chỉ kịp ớ lên một tiếng rồi ngu ngơ bước theo tôi như cái đứa bị bỏ bùa bỏ ngải. Đi cách nhà nó chừng trăm mét, chạm cái bóng tối bờ ao có vài chấm sáng đom đóm đan đan lại, tôi mới chờ nó dừng lại, nói luôn: “Mày biết tội của mày chưa?” Toàn thân nó run bắn, hai đầu gối gần như muốn gẫy gập: “Em biết... Xin anh tha cho em... em không cố ý... chỉ tại... tại…” “Tao tha cho mày một lần rồi, đúng không, nhưng lần này thì không tha nữa, tha, mày sẽ còn làm hại nhiều người khác” Nói rồi tôi cầm Iấy một bên tay hắn bẻ mạnh. Trong tiếng quả vối rơi lộp độp xuống mặt ao, chỉ nghe cái rắc! Ôi, gãy... chết em rồi anh Hùng ơi! Nó kêu một tiếng đau thấu ruột nhưng lại không dám kêu to. Tôi bảo, chưa hết đâu, cánh tay này là cho cái tội phản bội lần trước, còn tội phản bội lần này... Tôi nhấc một chân nó lên, đánh mạnh xống tay vào đầu gối. Lần này thì nghe cái cục! Ôi giời ơi... Toàn thân nó nhủi xuống trong tiếng kêu còn thấu ruột thấu gan hơn. Để mặc nó nằm đó lăn qua lăn lại và tẹo nữa lăn cả xuống ao nếu tôi không kịp dùng chân khều lại, tôi bỏ đi sau khi không quên nói vào sát tai nó câu cuối cùng:

        “Để cho mày sau này mỗi lần định chơi xấu ai thì hãy nhớ đến cái cẳng chân cẳng tay bị bẻ gãy này. Bâỵ giờ cố mà lết cái thân chó của mày về nhà và sáng mai cho mày tha hồ đi bô báo rằng chửi tao, chửi thằng trung đội trưởng ngày xưa của mày đã bẻ đó. Đồ dòi bọ bẩn thỉu !”

        Chợt có bàn tay mát lạnh như bàn tay con gái đặt lên trán tôi, sau đó là một tiếng nói cũng mát lạnh không kém:

        - Anh Hùng, sáng rồi dậy đi... Gớm, đêm qua anh mơ những gì mà nói năng nghe sợ quá...

        Tôi vụt tỉnh. Thì ra, chao ôi, tất cả chỉ là một giấc mơ và trước mặt là con mắt của thằng Thư thả rơi xuống tôi lo âu, dịu dàng như mắt của con Nết. Tôi ngồi dậy, tỉnh hắn nhưng giấc mơ đêm qua đã trở thành nóng nhức không chịu được. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải giải toả cái nóng nhức từ trong tâm can sâu thắm này.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 08:38:47 pm »

       
20
       
        Tôi văn hoá xằng xịt nhưng trí nhớ lại dai nhách nhưng là thứ dai lệch, tức là, chán chưa, tên đàn bà con gái tôi chả quên đứa nào nhưng tên đàn ông, dù là loại đàn ông làm đến ông gì đi nữa tôi lại thường lú lẫn, các nhà tâm lý học bảo đó là giàu nam tính chả biết có đúng không. Ví như cái tên ông trưởng buồng tại trại giam phải mất cả buổi tôi mới nhớ ra, ông Khâm đặc công rừng Sác, mà cũng phải nhớ rừng Sác trước rồi mới lần ra cái tên Khâm sau. Nhưng địa chỉ nhà ông tôi lại nhớ làm lòng để mở đầu cuộc hành trình lên ngược.

        Chỉ cần tỉa gọn, tỉa chứ không cạo, bộ ria Ka rô, móc bộ quân phục cũ ra, chụp chiếc mũ cối vào đầu là cái thằng tôi đã hoàn toàn trở thành khác hắn: đẹp trai, cao lớn, hơi tài tử, hiền lành, mắt nhìn lương thiện. Còn thằng Thư, với vẻ con gái của nó thì nó có hét tướng lên giữa đường rằng tôi là cướp, là tên trấn lột khét tiếng đây thì chi tổ cho thiên hạ phì cười.

        Với bộ dạng như thế, còn xe khách chở hai thằng đi Bắc Kạn coi như êm. Nhưng những câu bàn tán của hành khách trên xe lại chẳng êm chút nào. Họ coi như chúng tôi là một băng cướp khét tiếng hung tợn, nào là chúng ghê lắm, thằng nào cũng cao to, bặm trợn, râu tóc, xăm xoi đầy mình, nào là chúng đã làm mưa làm gió trên tất cả các tuyến đường cả ban đêm lẫn ban ngày, nóng mắt cái là rút súng bắn ngay không coi các lực lượng công an ra cái đinh gì cả, nào là thằng cầm đầu võ nghệ siêu quần, đã từng bị kết án tử hình rồi trốn trại ra được, nghe đâu thằng này đang mang trong người căn bệnh ếch nhái gì đó, cùng đường là nó cắt tay cho chảy máu rồi vung vãi vào mặt bất cứ ai đến gần, nào là một khi đã vét sạch của cải rồi, hắn sẽ chọn một cô gái đẹp nhất vác vào rừng, nào là... Nghe một chập ù cả tai, đến nỗi mình cũng phát sợ cái hình ảnh ghê rợn do chính mình tạo ra. Song cũng khoái. Hung thần đào vàng, giờ lại hung thần xa lộ, nghe cũng oách đấy chứ. Nhưng làm gì có cái chuyện vác gái vào rừng, vớ vẫn, chả lẽ thiên hạ lại bắt thộp được cả cái tật đa tình, háo dâm háo sắc của tôi. Vác gái... chà, nghe cũng hấp dẫn đấy chứ nhỉ! Nhìn sang thằng Thư, nó đã ngủ gà gật từ lúc nào, vẻ như không thèm quan tâm đến ba cái lời thêu dệt tầm phào đăng đầy rãy trên các tờ báo lá cải đó. Thì ra đằng sau vẻ tưởng như yếu mềm kia lại là một cốt cách thủ lĩnh đáng nể.

        Và chính vì cái chút đáng nễ đó mà tôi thôi không nói ra cái câu mà chắc chắn nghe xong nó sẽ đáp trả tôi một cái cười mỉm khinh thị, câu nói về cái cô giáo đi buôn chuyến mắt lá dăm kia sao không thấy xuất hiện ở những chuyến xe sau nữa nhỉ và liệu trong cả cuộc đời này rồi có lần nào thấy lại không, ơi lá dăm ơi?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM