Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:35:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hùng Karô  (Đọc 22033 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:37:33 pm »


        Hai tiếng sau, tôi tỉnh dậy trong một căn phòng khá đẹp, sáng trắng, có gắn dán rất nhiều tranh ảnh đàn bà khoả thân trên tường. Đầu đau nhức, toàn thân ê ẩm, chưa hiểu mình đang ở đâu, mình vừa trải qua những chuyện gì thì một tiếng nói rè rè như ngan bị cắt tiết nổi lên ngay sau lưng:

        - Chào ông bạn! Chào người hùng và thằng đểu của những bãi vàng phương Bắc!

        Giật mình nhìn lại... Giời ạ, một tý nữa thì tôi lăn ra ngất lần thứ hai, ngất hẳn. Ngồi trước mặt tôi, oai vệ và hào nhoáng như hoàng đế Phổ Nghi, không, Càn Long chứ, là... thằng cha mặt dép đinh tên Lâm, Lâm ù mẻ, cái thằng bưởng trưởng đàng trong đã bị tôi cho rắn giả cắn ngày nào ở bãi vàng Hang Cỏ. Đúng là quả đất tròn, tưởng sau lần ấy hắn cút một mạch về quê ngậm nỗi nhục mà chết rồi ai dè giờ nó lại ngồi lừng lững ở đây đang nhìn mình với cái nhìn oai vệ, kẻ cả như chủ nhìn tớ, như thủ lĩnh bộ lạc chiến thắng nhìn tù binh của bộ lạc chiến bại, như cái luật ân oán giang hồ đã đến giờ báo ứng.

        Chán ngán đến tận cổ cái lẽ đời chó má, tôi quay mặt đi:

        - Thì ra là ông, cám ơn ông đã làm cú trả hận đúng theo kiểu của ông. Còn gì nữa, trả nốt đi, ông bạn già!

        - Sao, vẫn mạnh chứ, thằng chết bầm?

        Giọng hỏi giễu cợt hay gần như thế. Khốn nạn! Nó cho lính đánh mình lên bờ xuống ruộng như thế mà vẫn còn hỏi mạnh không? Quá đểu. Bất giác tôi trả lại một câu chẳng đâu vào đâu:

        - Mặt mày nhẵn nhụi rồi đấy nhỉ? Hết lỗ chỗ dép đinh rồi nhỉ?

        Một tiếng cười ghê lạnh rồi bước chân nặng nề lê đến sau lưng. Tôi căng cứng người, đánh, nó đánh, chắc nó sẽ đánh mình đòn tối hậu để kết thúc tất cả đây. Đánh đi! Đằng nào cũng chết, chết lúc này cũng gọi là được rồi. Sống đủ rồi. Tôi khẽ nhắm mắt lại, chờ đợi... Nhưng thay vì một cú chém ngọt vào gáy thì lại là một ly rượu thơm lừng màu vàng đanh ấn vào mắt. Cái gì thế? Phổ Nghi... không, Càn Long ban chỉ cho bại tướng được quyền tự chết à? Tôi nhìn lên: Cái miệng râu ria của gã đang ngoác ra cười. Rõ ràng là cái cười của một gã vốn sinh ra từ nghề chài lưới. Sau đó là tiếng nói, cũng tiếng nói ồn ào của dân ngư phủ:

        - Uống đi! Mao Đài hạ thổ năm mươi năm có lẻ đó. Chỉ cần một ly là tỉnh táo ngay! ù mẻ!

        - Không thịt à? - Tôi cắt ngang.

        - Thịt gì?... À, thằng em đánh giá tao hơi bị thấp đó. Ù mẻ! Nếu thịt thì thịt cả đời. Tao còn cám ơn thằng em vì nhờ có chuyện rắn thần Trung Hoa dớ dẩn đó mà tao đã kịp chấm hết kiếp đào vàng bạc mệnh. Zô!

        Thì zô! Tôi làm một tợp cạn tới đáy và của đáng, tôi thấy gân cốt cũng có phần nào giãn ra thật. Giãn luôn cả cái khập khởi thế là sống rồi, là gặp quý nhân phù trợ rồi, là sẽ lấy lại được tiền rổi. May thế, ơ hơ! ơ đời đâu chỉ toàn có làm ơn nên oán, làm ơn cũng nên ơn đấy chứ, giang hồ ân oán mới tuyệt làm sao. Rót cho tôi ly nữa, gã ngồi xuống, giọng trở nên hiền lành như lúa:

        - Sao? Cái gì đã xô đẩy thằng em đến con đường buôn bán cũng không kém phần bạc mệnh này?

        - Cuộc đời.

        - Anh em trên bãi thế nào? Còn cả không?

        - Nhà nước thò bàn tay quản lý, thế là tẩu tán khắp nơi.

        - Thỉnh thoảng tao cũng có ý hỏi thăm nhưng ù mẻ, không ai biết mày ở đâu hết, thằng bảo vượt biên rồi, thằng bảo đang ngồi đếm lịch, thằng bảo đang bị truy nã với tội danh tướng cướp có vũ khí, thằng lại bảo lúc này mày lấy một con vợ giàu lắm, tối ngày lo đánh bạc, chỉ phải cái mỗi đêm, dù chán ngấy, cũng phải đè ngửa nó ra một lần.

        - Lính của ông đánh nặng tay quá! - Tôi nói lấp.

        - Ai bảo. Mày biết điều ngay từ đầu thì đâu đến nỗi. Đến lúc chúng nó đưa mày về đây thì tao mới nhận ra.

        - Thằng cùng làm với tôi đâu? Nó còn sống không?

        - Cùng thế nào?

        - Nó lái xe cho tôi.

        - Có hùn vốn?

        - Sao? Nó tiêu rồi à?

        - Vẫn sống, sẽ nói sau. Giờ mày ở lại đây nghỉ ngơi ít ngày, tao, mặc dầu lu bu thấy bà, sẽ đích thân đưa mày sang Trung Quốc chơi, đi tất cả các tỉnh, thích cứ đi, chán thì về. Đó là đất nước du lịch hấp dẫn nhất thế giới. (Hấp dẫn con mẹ gì, tôi thoáng nghĩ đến con bé Tứ Xuyên “ái đau em”) về rồi, nếu ưng, mày sẽ nhập vào băng của tao, làm phó cho tao rồi tới đây khi tao chán, tao giải nghệ, mày sẽ làm trưởng. Giục cha nó ba cái buôn chuyến nay có mai không, tối ngày lo chui luồn lo lót không ra người ấy đi!

        - Tiền tôi đâu rồi? - Cứ phải hỏi cho chắc ăn cái đã.

        - Tiền gì?

        Tôi thoáng chột dạ:

        - Tiền... tiền lính của anh lấy của tôi.

        Gã dép đinh cười hô hố:

        - Ù mẻ! Cái số tiền không đủ cho tao tiêu một ngày ấy à? Còn, còn nguyên.

        - Trả cho tôi chứ?

        - Trả. Còn thưởng thêm, coi như bồi thường thương tích. Thế nào, cái ý kiến tao đưa ra mày thấy sao? Nếu chấp thuận, tao cho gọi tất cả chúng nó tới trình diện luôn.

        - Để tôi suy nghĩ đã. Vả lại cũng phải trở về trả tiền cho chủ và giải quyết hàng đống những công việc tồn đọng.

        Nói vậy thôi chứ tôi đã ngầm khước từ rồi. Kể ra phải lúc khác thì có lẽ tôi đồng ý đấy, một công việc hết sức béo bở lại rất hợp tạng mình còn bây giờ, đang mang trong người lệnh truy nã chưa biết bị tóm lúc nào, ai dại gì lại đâm đầu vào một công việc rất có thể bị truy nã lần nữa.

        - Vậy mày tính bao giờ xuôi?

        - Ngay bây giờ.

        - Tuỳ. Tao sẽ cho người mang tiền của mày ra xe.

        - Còn thằng lái?

        - Nó đang chờ mày ngoài kia.

        - Đa tạ sư huynh, đệ vù đây - Không hiểu sao tôi lại thở ra cái giọng y hệt tuồng Tàu - Hẹn gặp lại một ngày rất gần.

        - Khoan đã!

        - Khoản tiền bồi hoàn? Thôi, khỏi đi! Nhờ có nó anh em mới gặp lại nhau.

        - Chuyện nhỏ. Tao muốn nói đến thằng lái xe của mày. Nó lái cho mày lâu chưa?

        - Lần đầu. Có chuyện gì à?

        - Dẹp nó đi. Ùmẻ! Tao chỉ nói vậy thôi.

        Lần này thì tôi đã hiểu. Bụng tím bầm nhưng lại phải làm mặt vui, tôi xiết chặt tay mặt dép đinh, không, mặt nhẵn chứ, rồi đi ra bãi gửi xe. Chạm thằng cá chết ở cửa, nó gập lưng kính cẩn chào. Thù hận tụt vào, bỗng thấy oai. Mới chỉ là bạn của thủ lĩnh mà đã oai thế, mai mốt làm phó thủ lĩnh thì cái lưng kia còn gập đến đâu, ù mẻ, bả quyền lực đúng là ghê thật! Thảo nào...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:38:16 pm »


*
       
        Xe trôi được cả chục cây số tôi vẫn không nói gì. Trôi thêm được thêm dăm cây nửa, tôi vẫn không nói. Thằng người ngồi bên cạnh tôi bắt đầu có dấu hiệu ngọ nguậy một cách khổ sở. Hồi lâu vẻ không chịu nỗi nữa, nó lí nhí:

        - Mình... Mình không kết hợp chở hàng hai chiều hả anh?

        Tôi đưa ánh mắt lạnh lẽo nhìn lên đỉnh dãy Ma Thiên Lãnh đang vần vũ mây mưa, vẫn im lặng. Nó cũng câm mồm luôn, chốc chốc lại đưa ánh mắt lấm lét nhìn tôi. Xe bon đến một khúc đường vắng gần như không có bóng xe bóng người nào, tôi ra hiệu nó tạt sâu vào một khoảng trống có nhiều cây che bên đường rồi nói dừng lại. Đến đây thì nó đã mơ hồ cảm thấy có chuyện, xe vừa đỗ nó đã nhảy xuống, quỳ mọp xuống chân tôi, lạy như tế sao:

        - Em có tội... tội lớn... Xin anh đừng giết... em còn vợ và hai con nhỏ... Em trót dại... Xin anh!

        Tôi đặt cái đế giày nặng nề lên sọ nó. Ở tư thế này, chỉ cần vận sức một cái là cái cổ gầy guộc toàn ghét bẩn kia sẽ gẫy đến rắc!

        - Tao đối xử với mày thế nào mà mày lại đối xử lại với tao như thế hả?

        - Em nói... để em nói...

        - Mày không còn đủ tư cách để nói cái gì hết. Mày không còn là giống người.

        - Vâng, em là trâu chó - Càng quỳ mọp - Em không đáng là giống người... Anh muốn đánh muốn giết muốn trừng phạt em thế nào cũng được nhưng... anh cho em nói một câu... chỉ một câu thôi.

        - Nói!

        - Em nghiện... nghiện từ hồi đánh xe lên đây...

        - Nghiện thì kệ thằng cha mày, liên quan gì đến tao?

        - Có... có liên quan ạ. Mỗi lần lên anh... anh Tám Lâm băng trưởng đều cung cấp thuốc cho em... thế rồi em nợ... nợ nhiều lắm, nợ mà không có khả năng trả, càng nợ...

        - Cho nên mày quyết định bán đứng tao để lấy tiền trả nợ?

        - Không... không hẳn như thế đâu. Em... em bị họ dọa nếu lần này không trả được sẽ thu xe, bắt người, sẽ... em biết họ nói là họ làm nên... Vợ con em chờ em từng ngày ở nhà... anh Hưng ơi...
Nó khóc oà. Kiểu khóc của thằng nghiện, khóc mà không ra nước mắt, người già bảo đó là nước mắt khô. Khô à? Khô hay ướt thì mặc mẹ mày, chả lẽ chỉ vì cái khô ướt đốn mạt đó mà một chút nữa tao đã mất cả chì lẫn chài, mất sạch cả tiền bạc lẫn tính mạng ư? Không! Mày thế là quá độc ác, quá độc, mày không đáng sống ở đời nữa.

        Có lẽ nhìn thấy ánh mắt quá lạnh lẽo của tôi, ánh mắt mà bọn đầu gấu trên bãi vàng thường bảo là ánh mắt thần chết, biết là không còn trông mong gì nửa, nó từ từ đứng dậy, lần đầu nhìn thẳng vào tôi:

        - Nêu có bề gì, chỉ xin anh nói lại với vợ con em là em... bị lật xe xuốnng vực chứ đừng nói là em... Đằng nào cũng chết, không chết vì tay anh thì cũng chết vì tay họ. Em chỉ hận là làm bố mà không kiếm nổi tiền chữa bệnh cho con lại còn...

        - Bệnh gì? - Tôi buột miệng.

        - Nó bị thần kinh, bị từ bé, con nhỏ thứ hai ấy. Con ơi... Bố là thằng bố khốn nạn... bố không xứng đáng đẻ con ra...

        Tôi bất giác quay đi. Một cái gì khó chịu lắm dội lên chặn ngang cổ. Làm bố mà không kiếm nổi tiền chữa bệnh cho con... Không hiểu sao tôi lại chạnh nhớ đến con Nết. Cũng chỉ vì không kiếm nổi tiền... Tôi quay lại. Thằng bố khốn nạn đang vùi mặt xuống cỏ, đôi vai nghiện ngập rung lên, co rút. Tôi dùng mũi giày hất mặt nó lên:

        - Ngẩng lên! Có chết ngay cũng không được đớn hèn như thế. Bẩn mắt!

        - Vâng, vâng, em xin ngẩng...

        Tôi rút con dao găm Tàu gài ở ống chân quăng cho nó:

        - Chặt đi!

        - Chặt... chặt gì ạ? - Đôi mắt khô nhìn tôi ngơ ngác.

        - Cái tội phản trắc tao có thể tha vì là lần đầu và cũng vì tao chưa mất gì nhưng cái tội có con bệnh mà mày vẫn nghiện được thì phải trừng trị. Chặt hai ngón tay bên bàn tay thuận của mày đi để cho mày nhớ, cho mày không bao giờ cầm được ống tiêm nữa.

        Mặc nó ở đó, tôi đi lững thững đi ra ngoài mặt đường đốt một điếu thuốc. Khi quay trở lại thì cái gì cần làm nó đã làm xong: mặt đổ chàm, môi xám nguét, bán tay phải quấn giẻ, máu vẫn chảy thành giọt và trên mặt đất lẫn trong cỏ là hai mẫu thịt cũng nhoe nhoét máu.

        - Lên xe! - Tôi nói - Tao lái.

        Xe đi lừ lừ như chiếc xe chở thương, có lúc lại như chiếc xe chở xác. Suốt dọc đường về Ba Chẽ nó im thít không nói một câu nào, thỉnh thoảng lại khẽ rên một tiếng. Chỉ đến khi tôi nói: “Đau thì phải nhớ” nó mới bật khóc, lần này là khóc ướt, khóc thật sự, nước mắt chảy thành dòng đặc quánh, vẫn là thứ nước mắt thằng nghiện.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:39:20 pm »

       
27

       
        Đi thêm được dăm chuyến nữa thì bắt đầu có chuyện.

        Không phải chuyện đường dài càng lúc càng nảy nòi ra lắm cửa, cửa nào cũng chật chội khiến cho doanh số đi buôn cứ thấp dần, thấp gần đến không, đang chán; cũng chẳng phải cái chuyện sắc lệnh sắc giới chó khỉ gì như “mắt rắn” cảnh báo mà là sự giở dói không thể hiểu được của cánh kiểm lâm, những ông thần rừng, những vị chúa tể quyền sinh quyền sát của rừng. Tự nhiên đang yên đang lành lại có lệnh cấm thu mua với lý do cần phải bảo vệ môi trường. “Môi trường con mẹ họ". Nó muốn giành độc quyền cho những kẻ ăn cánh với nó, tốt lễ với nó, thế thôi.” Gã mắt rắn, cũng bị bật ra rìa như tôi một lần đã chửi váng lên. Chửi thì chửi cho thông hầu mát họng chứ đứng trước mặt cánh này, rõ khổ cho cái kiếp con buôn, gã lại im phắc, hai lỗ mũi chỉ phì phì, khịt khịt đúng như rắn.

        Mắt rắn vốn đã bị cuộc đời dần cho nhừ xương cốt, gã có thể im nhưng tôi phải lên tiếng. Tối ấy tôi có nhã ý mời vị trạm trưởng kiểm lâm vốn là một viên chức của chính quyền bên kia thời còn bom đạn nổi tiếng là nguyên tắc cứng nhắc mà tôi cũng có biết sơ sơ ra ngoài nhà hàng đãi một bữa thịnh soạn có rượu loại đầu bảng, gái Ca ve cũng đầu bảng để chuyện trò tìm cho ra lẽ. Lão ra nhưng không ăn không uống cũng không một lần mò mẫm bàn tay chuối mắn lên đùi non con bé ngon như một thanh sô cô la ngồi bên cạnh. Nhà đương chức bày tỏ thái độ bằng cách biểu diễn sự trong sạch liêm khiết đây.

        Vậy thì không cần vu hồi, tôi chơi vỗ mặt luôn:

        - Tại sao xếp lại cấm thu mua, kẹt cho anh em quá!

        - Cấm là cấm, vậy thôi.

        - Nhưng làm gì cũng phải có nguyên do chứ ạ? - Tôi cố mềm giọng.

        - Nguyên do à? - Bàn tay chuối mắn vung lên chém xuống mới khiếp - Bởi vì các cậu vô nguyên tắc, các cậu làm hư thị trường bằng những hành vi phá giá không chấp nhận được.

        - Còn nguyên do nào khác hơn không? - vẫn mềm giọng

        - Đồng chí (Bỏ mẹ, lão nhầm với một cuộc họp nào đó rồi, mà một thằng vốn ở phía bên kia sao lại dám đồng chí với mình kia chứ? Nhưng kệ, lâu lắm, từ ngày ở lính mới được nghe lại hai từ thân thiết này) hỏi cung tôi đấy à?

        - Đâu đám! Là cũng hỏi cho biết và để coi nếu trong cách ứng xử có điều gì không đẹp thằng em xin sửa liền. Ví như...

        - Thôi đi! - Những quả chuối mắn đập mạnh xuống mặt bàn làm rung cả ly cốc - Cái gì mà không đẹp? Cậu tính hối lộ à? Các cậu nghĩ tôi là loại người gì mà tính làm điều đó?

        Loại uống nước uống cả cặn chứ còn loại gì nữa. Câu nói ấy đã đùn ra tận chóp lưỡi nhưng đã kịp cuộn lại, nuốt xuống cái ực.

        - Được rồi - Vị thần rừng đứng dậy, bụng căng phình như đàn bà đã có chửa bảy tháng - Cậu đã muốn biết thì cho biết luôn: mấy người ở đâu thì nên trở về chỗ đó đi! Mảnh đất này không phải là tảng thịt bò béo để mấy thằng cha dân Bắc ở đâu đến xà xẻo.

        Tôi cười lặng. Vậy là rõ rồi. Đây không đơn thuần chỉ là chuyện làm ăn kinh tế,chuyện cửa quyền, phe cánh tiêu cực nữa mà nó còn là cái gì đó thâm căn cố đế hơn nhiều.

        Tôi cũng đứng dậy, nhìn thắng vào mắt lão, nhấn gằn từng tiếng:

        - Anh có thể nói gì, làm gì, tùy, đó là quyền của mấy anh nhưng tôi cấm anh không được đụng đến ba cái chuyện Nam Bắc. Hồi chiến tranh anh ở đâu, anh làm gì? Anh có nhìn thấy tất cả các nấm mồ trong nghĩa trang liệt sĩ ở đây, chín phần mười là các tỉnh ngoài Bắc không, hả?

        Biết là đã lỡ lời động chạm đến cái chuyện nhạy cảm rất không nên động chạm, lão bỏ đi ra sau khi ném lại một câu rất yếu:

        - Cà trớn!

        Cà trớn cái thằng cha mi! Tôi chửi thầm theo một câu, mà dạo này không hiểu sao lại hay sinh tật chửi thầm đến thế, già mất rồi! Rốt cuộc là thế nào? Chỉ đơn thuần là câu chuyện vùng miền muôn thuở hay còn một cái gì sâu xa khác? Một cái gì lờ mờ ai cũng nhận ra nhưng ít ai dám nói ra, câu chuyện về sự thù hận được thua đến tận bây giờ, sau hơn hai chục năm vẫn còn âm ỉ dai dẳng. Đời đểu thật! Kẻ thắng thì biến chất, thằng thua lại muốn chứng tỏ tính chính chuyên.

        Kệ mẹ nó. Đó là chuyên trên trời, chuyện của tôi là tìm mọi cách để sống và một khi không sống được thì phải bộc lộ thái độ. Tính khí tôi nó thế biết làm sao được. Tức là tôi muốn một phen dằn mặt thằng cha trạm trưởng kiểm lâm giả chuyên chính này. Dễ thôi. Lão có một chiếc xe máy phân khối lớn chuyên dùng để đi từ nhà đến cơ quan trên đoạn đường hai mươi nhăm cây số đoạn đường thỉnh thoảng có những cái cua khá gấp và có những chỗ lên dốc thả dốc tương đối chênh vênh mà đã có không ít những tai nạn xe máy, xe tải xảy ra.

        Tới lúc này, đúng là cực chẳng đã, tôi mới phải dùng đến cái mặc cảm hàm ơn khổ sở của thằng lái xe. Sau lần ấy, như lời vợ nó nói, thằng chồng có vẻ thay đổi hẳn, tất nhiên cũng phải mất cả tuần tự xích chân như xích chó dại vào cột nhà mặc cho thuốc nó vật lên bờ xuống ruộng. Cai được, tôi lại cho nó lái tiếp, tiền lương tôi trả gấp đôi, gấp ba tuỳ theo lợi nhuận. Tao không trả cho mày, sao lại phải trả khi đáng ra mày phải làm không công cho tao suốt đời, tao trả cho con mày, rõ chưa? Tôi nói với nó thế.

        - Con bé sao rồi? - Tôi hỏi.

        - Dạ, cháu đã đỡ nhiều, bác sĩ nói tuần sau là có thể ra viện chữa trị tại nhà.

        - Tốt! Giờ có việc đây...

        - Dạ, việc chi em cũng mần hết, anh Hai cứ chỉ bảo.

        - Việc này đối với chú là vặt nhưng hơi nguy hiểm.

        - Nguy hiểm cỡ nào em cũng không ngại.

        - Rồi! Có một đứa định rắp tâm cướp bát cơm trên tay anh em mình.

        - Thằng nào ạ?

        - Trưởng trạm kiếm lâm.

        - Em biết con người này, nghe nói hình như hắn ta có võ...

        Tôi phì cười:

        - Thế chú tưởng với bộ dạng của chú tôi bảo chú đi đánh nhau với nó à? Nghe đây, chú biết cái xe đen xì như con trâu càng của nó chứ?

        - Dạ biết. Đó là chiếc Hacley của quân đội Mỹ mà hắn còn giữ lại được, cả vùng này chỉ có một cái, sao ạ?

        - Làm sao cho nó tự lao xuống suối. Nhưng không để chết, chết, phức tạp lắm, chỉ cảnh cáo cho tởn thôi.

        - Ý anh Hai là chăng dây hay đặt đá trên đường?

        - Vớ vẩn! Làm thế, nó chưa bị người khác đã dính rồi.

        Thằng Hưng nhíu mày một chút rồi nhìn lên:

        - Vậy chỉ còn cách cắt hệ thống phanh.

        - Đúng, nhưng phải cắt thế nào đó để khi xe thả dốc nó mới có hiệu lực. Mới dắt xe ra hay xe đi trên mặt phang, cắt, ăn thua chó gì, chỉ làm trò cười.

        - Nó nhíu mày một chập nữa. Bộ óc thông minh của nó chắc đang vận hành. Vợ nó nói ngày trước khi chưa nghiện nó là một thợ sửa chữa ô tô, xe máy giỏi có tiếng ở vùng này.

        - Đã có cách! - Nó xoa hai bàn tay còn nguyên những vệt dầu mỡ không rửa sạch vào nhau - Em muốn biết ban đêm xe nó để ở đâu?

        - Cái đó tao đã lo và tao sẽ đi cùng bảo vệ vòng ngoài cho chú. Nhưng dặn này, nếu có gì cứ thoát một mình, việc còn lại để tao, chú còn gia đình, tao chả có gì, đời trắng trơn.

        Nó nhìn tôi. Giây phút đó tôi thấy trong mắt nó phảng phất sự xúc động đau đớn của con người và cả sự trung thành của con vật.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:40:04 pm »


*
       
        Cái cách đó, ba ngày sau, vào buổi sáng còn mờ hơi sương cao nguyên, khi gã trạm trưởng phải đi cấp cứu vì gãy bốn xương sườn, nát một chân, đầu bị chấn thương tụ máu do xe mất phanh lao mạnh xuống suối cạn thì tôi mới vỡ lẽ. Rất đơn giản nhưng lại rất tinh vi ít ai có thể ngờ tới: Máy phanh chân ga lỏng lẻo, dây phanh tay chỉ còn một sợi, xe chạy trên đường bằng cả hai phanh vẫn giữ nguyên tác dụng nhưng khi xe lao dốc thì cả hai đều bung ra, đứt lìa. Và đúng như ý định, tay ỷ thế cửa quyền chỉ bị thương nặng chứ không chết. Vậy cũng là đủ để vô hiệu hoá được cái sắc lệnh cấm thu mua con vật quý hiếm kia.

        Còn tôi, ngày sau nữa, vào lúc nửa đêm, lại chính Mắt rắn chủ động đến tìm, nháo nhác, vẻ nghiêm trọng: “Tao có thằng quen ở sở Công an vừa gặp chiều nay, nó nói cánh hình sự đang vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cái tai nạn của lão trạm trưởng, nó có vẻ nghi cho cậu đấy vì trước khi sự việc xảy ra, có người bắt gặp cậu ngồi với nạn nhân và nghe đâu hai người còn to tiếng với nhau. Chuồn đi!”

        Tôi im lặng. Kể như lúc khác thì tôi cười khẩy, việc chó gì mà chuồn, cứ cho họ vào cuộc đi, thách đấy, thử xem tìm được cái gì là bằng chứng nào, không thể tìm được nhưng ở hoàn cảnh nhạy cảm của tôi bây giờ, cái sảy nảy cái ung, có khi phải chuồn thật. Hơn thế sau một chuỗi ngày bán mua, chui luồn trầy trụa, va đập, giả dối, cái đáng cười lại khóc, cái đáng khóc lại cười, tôi đã tự cảm thấy cái công việc này là rất không hợp tạng với mình.

        - Tao hỏi thật, chú mày có đính dáng gì đến chuyện này không?

        - Tùy anh hiểu. Sống kiểu đó, không người này thì người khác, trước sau gì rồi hắn cũng bị. Anh có rượu không?

        - Uống mừng?

        - Không, tống biệt hành.

        - Tức là chú em quyết định đi?

        - Không có chuyện này cũng đi. Chán đến tận cổ rổi, cứ như mình là một con người khác.

        - Tới đây chú định đi đâu, làm gì?

        - Chưa biết và không cần biết, cứ để mặc dòng đời nó cuốn đến đâu thì cuốn, nhưng thằng em nhất định không bại đâu.

        - Nghe này, nếu chú còn chưa đến nỗi kinh tởm cái nghề buôn nước miếng này lắm thì tôi giới thiệu cho chú một hướng đi khác lúc này đang rất đắc địa...

        - Hướng gì?

        - Rắn Lệ Mật.

        - Lại rắn? Thì có khác gì ở đây?

        - Nhưng địa bàn Hà Nội thoáng hơn và cận kề các cửa khẩu trọng yếu hơn.

        - Để suy nghĩ đã, dầu sao cũng cám ơn anh về tất cả.

        - Thay mặt bà con buôn thú quý ở đây, tôi cũng cám ơn chú đã góp phần làm cho việc buôn bán này trở nên sạch sẽ hơn, ít nhất là cũng trong những ngày này.

        Lúc ấy đã gần sáng. Mắt rắn ra về, tôi vội gói ghém mấy thứ đồ đạc, tiền nong của mình rồi phóng ngay đến nhà thằng Hưng em. Cả nhà nó đang ngủ say. Không nỡ gọi sợ kinh động đến giấc ngủ quý hiếm đối với con bé đang chữa bệnh, tôi móc túi lấy ra một tệp tiền chừng hai chục triệu, gói vào một tờ giấy, ghi thêm mấy chữ: “Tao đi đây. Nếu có duyên thì còn gặp lại, bằng không, việc quan trọng nhất của mày lúc này là chữa khỏi bệnh cho con bé. Chào!”

        Khi tôi ra đến bến xe đi liên tỉnh thì chiếc xe đầu tiên chạy đường Hà Nội, may quá, bắt đầu nổ máy.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:40:53 pm »

       
28

       
        Vẫn con đường ấy mà chuyến đi hồ hởi bao nhiêu chuyến về lại chán chường bấy nhiêu. Cục tiền to tướng mấy trăm triệu trong túi không làm cho cái chán dịu đi. Chán đến nỗi giá như bây giờ cái lệnh truy nã độc hại kia có thành hiệu lực thì tôi cũng chả lấy làm điều. Có khi lại còn may vì dứt đi được cái khổ sở, vật vã triền miên trong đầu. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái vô vị, vô nghĩa của đồng tiền, dù đồng tiền ấy phải chiết ra từ xương tuỷ.

        Suốt dọc đường tôi biến thành một kẻ câm lặng. Phía trước là vô định. Phía sau là tội ác. Ở giữa là trống không. Cứ muốn chiếc xe lăn bánh mãi đừng bao giờ dừng. Lăn bánh còn có cảm giác mình đang sống, đang vận động, dừng, biết đi đâu về đâu? Trong một lúc cái thằng người bên trong thích hưởng thụ của tôi đã xúi giục tôi xuống xe, quay về Sài Gòn đập phá một trận tơi bời, ăn một trăm món ăn, uống một trăm chai rượu, ngủ với một trăm con đàn bà rồi ra biên hoàng thuê hay mua một chiếc thuyền câu rách nát cứ thế dong buồm ra khơi xa, chìm đâu chết đó, xong, nhẹ tênh nhẹ hều, vĩnh biệt chật chội, vĩnh biệt khổ đau, tan vào mênh mông. Nhưng một thằng người khác, thằng người bên ngoài lại khao khát sống, khao khát hành động, khao khát tự do, khao khát ngẩng cao đầu trước nắng gió mà không phải lụy cái gì cả đã ấn gí tôi ngồi im trở lại. Im trong thế thiền. Im trong trống rỗng. Im trong sự thả buông không suy không nghĩ gì cả nhưng lại nghĩ về tất cả. Nghĩ rất cụ thể.

        Bắt đầu từ việc xuống Hà Nội một cái là tôi tìm gặp thằng chuyên làm giấy tờ giả chết giẫm kia, nhét vào mồm nó một cục tiền bảo nó làm cho một cái tên khác trong chứng minh thư, thay tên Thư, Trần Văn Thư vào tên Hưng để xoá băng những ngày ở Buôn Mê và cũng là tên thằng em thân thiết đến bây giờ vẫn chưa biết lưu lạc nơi nào.

        Xong. Việc thứ hai là đi tìm nó, tìm cái thằng tôi đang đội tên theo lời hứa thầm một khi đã có chút tiền. Theo trí nhớ rất tồi tệ của mình, tôi thuê một chiếc xe ôm đi dọc đất Thanh Trì ra dần phía ngoại thành. Tay xe ôm mặc áo lính sờn rách két mồ hôi xởi lởi kể rằng nơi đây ngày trước là miên man những rặng ổi chi chít quả nhưng bây giờ hết rồi, cái thứ quả ngòn ngọt, đèm đẹp vốn là nỗi tự hào bây lâu của người dân chả nuôi sống được con người thì tốt nhất bứng vất nó đi làm cái khác. Đến cuối huyện, tôi nói anh xe ôm dừng lại, cứ ngồi nghỉ để tôi tha thẩn đi tìm một mình cho đỡ mất thì giờ. Xã... xóm... thôn... tất cả tôi đều nhớ nhưng Hà Nội, thủ đô của một nước gì mà lại nghèo nàn, xơ xác thế này, xơ xác còn hơn cả cái làng vốn đã nghèo khổ lắm của tôi. Ghé một quán lá chỉ bày mấy lọ kẹo vừng, kẹo lạc lèo tèo tôi hỏi bà bán nước. Bà nhấp nháy đôi mắt đã kéo vải điều lắc đầu. Đi một đoạn nữa hỏi ông phó cạo đang lim dim gà gật. Ông ngờ ngợ ơ a một lúc như đang ngủ mớ rồi cũng lắc đầu. Lại đi tiếp một đoạn nữa, đụng một cô đang xắn cao quần vớt bèo dưới ao, miệng hỏi nhưng mắt lại không thể không dán cứng vào cặp đùi trắng mịn ngâm nôn nao trong nước.

        Cô ngửa mặt nghĩ nghĩ một chút rồi:

        - Thư... Có phải Thư ấy ấy không anh?

        - Ơ hay, tôi hỏi cô, cô lại hỏi tôi. Thư nào là Thư ấy ấy?

        - Là em muốn hỏi có phải anh Thư con bác Điền làm cái gì to lắm giờ mất rồi, anh Thư trắng này, gầy này, ít nói này, đẹp trai này, có cái miệng ấy ấy này...

        - Đúng nó rồi đó - Tôi cắt lời để chấm dứt cái chuỗi này này ấy ấy bất tận của cô ta.

        - Nhà nó ở đâu, cô làm ơn chỉ giúp.

        - Cái nhà hai tầng có rặng dâm bụt trước cổng nằm ở chỗ cột điện kia kìa.

        - Trời, tốt quá!

        - Nhưng anh ấy không có nhà đâu.

        - Cậu ta đi đâu?

        - Em không biết, đi đã lâu lắm rồi. Chỉ có tháng trước ông anh trai mất anh ấy mới tạt về chịu tang có một buổi rồi lại đi ngay.

        - Còn bà chị dâu? Sống một mình à?

        - Không, bà ấy bỏ đi rồi, sau cái giỗ đầu của chồng là không thấy bà ấy đâu nữa. Chỉ có cô con gái ở lại trông nhà. Gia cảnh buồn lắm!

        Đôi mắt cô ta có vẻ buồn thật nhưng cặp đùi sao lại... vui thế? Tôi quay đi, bất giác nhìn về phía ngôi nhà đang có nắng trát vào tận sân. Rất muốn vào thắp cho anh nó một nén hương, nhân tiện hỏi tin tức nó nhưng lại ngại. Ngại một phần vì cái mặt dữ tướng, hầm hố của tôi sẽ khiến cho người nhà nghi ngờ, phần nữa tôi thực sự không muốn phải chứng kiến cái cảnh cô đơn, thui thủi của một cô gái sống giữa những ảnh thờ vẫn vơ hương khói.

        Ra chỗ xe ôm, tín vào bộ mặt chân thật của anh ta, tôi rút túi lấy ra hai mươi tờ năm chục, chỉ ngôi nhà của Thư:

        - Tôi vào không tiện. Anh thay tôi vào thắp hương cho người chết, đặt món tiền này lên bàn thờ rồi khéo léo hỏi cô con gái giờ chú Thư nó ở đâu, có cách nào liên lạc?

        Người xe ôm gật đầu rồi bước đi. Được mấy bước anh ta quay lại, ngập ngừng nhìn chiếc xe cóc cáy, tróc lở. Tôi lắc đầu cười:

        - Cứ yên tâm, tôi không cuỗm xe của anh đâu. Nếu muốn thì tôi đã ăn cắp ngay ở đoạn đường đê vắng vẻ ngoài kia rồi.

        Anh ta cũng cười, ngượng nghịu như người bị bắt quả tang đang làm điều xấu.

        Lát sau anh ta ra, động tác đầu tiên là nhìn vào chiếc xe rồi mới nhìn lên tôi:

        - Tôi thắp hương rồi. Đặt tiền lên bàn thờ rồi, đúng một triệu, cả cô con gái lẫn đứa cháu đều chứng kiến...

        - Được rồi - Tôi gắt - Tôi có bảo anh đặt thiếu đâu mà cứ nói mãi thê? Tôi cần nghe cái khác kia.

        - Hỏi, cô gái nói không biết, không nghe tin tức gì cả, còn nhờ ngược lại là nếu biết gì thông báo giúp, cả nhà vẫn có ý mong...

        Trời ơi! Sao cuộc đời lại buồn thế này? Sao con người sống khổ thế mà vẫn phải sống hả giời... Tôi muốn kêu váng lên một câu như thế và, thay vì đi lại chào thôn nữ vớt bèo một tiếng, nhìn lại cặp đùi đang làm tôi rạo rực quá thể ấy một lần, tôi lại nhảy lên xe bảo phóng đi, phóng nhanh lên...

        Cái buồn mang mùi vị của bèo và nắng trát đầy sân vắng ấy đã đẩy tôi vào một căn phòng thấp nhỏ sau ga Hàng Cỏ và nhốt mình ở đó hết một tuần. Một tuần không ra ngoài, chỉ nhai bánh mỳ với mỳ tôm. Đây là những ngày u ám nhất của tôi, đầu óc vón cục nhưng toàn thân lại tan chảy nhão nhoét như cái đứa bị HIV giai đoạn cuối. Với số tiền hiện có, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện phắn ra nước ngoài, Hồng Kông, Ma Cao, Singgapore, Nam Hàn, Mỹ, Pháp... gì gì cũng được để sống hoàn toàn lại cuộc đời khác, trắng phớ, không kỷ niệm không quá khứ không dằn vặt nhưng hình ảnh người mẹ đêm đêm tựa cửa ngóng con lại không thể cho tôi làm việc đó. Cũng đã có lúc tôi thoáng nghĩ đến chuyện đầu thú. Cuộc sống tù ngục dù có khốn nạn đến mấy song ít nhất cũng có những phút được yên tĩnh trong lòng. Nhưng vẫn chỉ là thoáng nghĩ, khát vọng tự do với đất đai rộng dài, với bầu trời khoáng đạt vẫn chế ngự tôi mỗi giờ. Chưa đến nỗi, chưa đến mức cùng cực phải tự ném mình vào vạc dầu, chưa, chưa nhé!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:41:53 pm »


*
       
        Chưa ném mình vào vạc dầu nhưng cuộc đời nó đã lại ném tôi vào một cái địa nguc khác còn kinh khủng hơn.

        Ngày cuối cùng của chuỗi ngày tự vấn, tôi quyết định đi ra phố Sinh Từ làm một bữa bún chả thật no. Suốt tuần qua, nằm trong phòng, cái mùi bún chả thơm đến dựng lông chân rất đặc trưng của Hà Nội ấy đã luồn vào hành hạ tôi thê thảm. Khoảnh khắc cồn cào như đã ngàn năm đói khát đó khiến tôi đã quên mất rằng mình đang làm chủ một khoản tiền không nhỏ mà đáng ra ngay từ đầu nó đã phải được quy đổi thành vàng cho gọn, khi cứ thế thảnh thơi khoá cửa đi ra. Quên béng cả đặc điểm cái ngõ nhỏ sau ga này là nơi hội tụ của đủ các loại dân tứ chiếng bất hảo như lời bà chủ nhà đã có ý nhắc nhở.

        Quán chật người đông. Dường như hết thảy khách vãng lai, dân làm ăn ở bất cứ xó xỉnh nào trong cả nước mỗi khi đặt chân đến Hà Nội là đều tìm đến đây như một điểm du lịch ẩm thực độc đáo. Để khỏi bị ngắt đoạn cảm hứng, tôi gọi cho mình một lúc ba xuất liền, thêm hai đĩa nem rán căng mọng, óng mỡ và tất nhiên có cả bia, thứ bia hơi Hoàng Hoa Thám mới uống vào chỉ thấy mát, uống xong rồi mới thấy say, say nhè nhẹ, say bồng bềnh, ngấm sâu vào tận tế bào gan ruột mà cũng chỉ Hà Nội mới có. Nếu chỉ như thế thì cái chuyện kia chưa chắc đã xảy ra nếu như đang phồng mang trợn mắt nuốt nhai ánh mắt tôi không chạm phải một ánh mắt khác cũng đang dọi sang: ánh mắt của người đàn bà nói giọng Huế đã cuồng nhiệt dâng hiến cho tôi trên bãi cát bờ sông Nậm Rốn ngày nào. Bà ta vẫn đẹp, thậm chí còn đẹp hơn với mái tóc buông thả, với cái áo gió màu ô liu trẻ trung, nữ tính khoác hờ bên ngoài. Chỉ khác ngồi đối diện với ả lại là một gã đàn ông trông to con, phong trần không kém gì tôi, có khi còn hơn tôi. Nói chung đây là dạng đàn bà chỉ thích săn đuổi, quyến rũ, làm tình với những con đực mang sức vóc, dáng dấp cổ xưa nguyên thuỷ. Đúng như ông nhà văn tỉnh lẻ nói, càng văn minh con người càng hướng về cội rễ, con đàn bà nó thích ngủ với bọn da đen da màu không hẳn vì cái đen cái màu cái trường dai sức lực mà vì nó muốn được thoả mãn với hình ảnh một con đực thời hồng hoang, thô rám. Thế là đắng họng. Đắng không phải vì ghen, vì một chút tổn thương cho giới mày râu cộn lên mà vì tôi không muốn gặp lại ả, thế thôi, nhất là gặp trong tình cảnh thể xác hôi rình, một tuần không cạo râu cắt tóc, cả không tắm giặt thay đồ này. Mà đã đắng thì còn nuốt thế quái nào được nữa, bỏ, bỏ luôn cả hai xuất: bún đã gọi, lững thững đi ra phố tìm một quán cà phê vắng ngồi cho nguôi ngoai. Cà phê chảy chậm, thời gian chảy chậm, tốt, nhanh làm gì, nhanh để trở lại phòng suốt đêm nghe thạch sùng tặc lưỡi như cái đứa háo dâm trên trần nhà à?

        Như vậy đến khoảng hơn mười giờ đêm tôi mới lững thững trở về cái ngõ nhỏ nồng nặc mùi cống rãnh không tiêu. Ngõ đã vắng người, lâu lâu mới thấy một thằng nghiện đang lui cui chích thuốc ở vũng tối hoặc một con điếm rẻ tiền đang nhấp nhô làm tình đứng với khách ở một vũng tối hơn. Tôi bất giác nhanh chân để thoát ra khỏi những cái âm thanh hổn hển, rin rít, hồng hộc, nhầy nhụa đó để rồi, cha mẹ ơi, tôi dừng sững ở cánh cửa phòng đang mở của mình, toang hoác, đen ngòm như một đáy vực mù loà. Linh cảm thấy một điều gì đó không lành, bắt đầu là sống lưng lạnh buốt liền đó là lửa phực trong đầu, tôi lao bổ vào góc phòng, vội quờ tay xuống gậm giường nhấc cái chậu nhựa đang được úp sấp ra... Bàn tay rơi thõng xuống nền nhà. Bây giờ mới thật lạnh, lạnh toàn thân. Hạ đít ngồi bệt xuống đất, tôi nhìn mơ màng vào chỗ cái túi tiền đã biến mất như nhìn vào lỗ huyệt vừa chôn chính minh...

        Không nói cho chủ nhà, không một câu hỏi han người xung quanh, không trình báo với công an sở tại, trình báo cái nỗi gì kia chứ, tôi lang thang suốt ba ngày sau đó như một thằng mộng du điêu tàn. Ba ngày đó nhìn ai cũng như thấy nó chính là đứa đã thó tiền của mình. Đến nỗi đã không ít lần tôi muốn tóm ngực bất cứ một gã choai con, một gã cha vơ chú váo nào có cái nhìn khang khác, lôi vào nhà, trói lại, đập cho một trận bắt khai ra giấu đâu, để đâu, thằng khốn nạn kia! Nhưng hỡi ôi, sao cái nhìn nào hướng về tôi cũng khang khác giống nhau cả thế này! Thế là lang thang ra chợ, ra các hàng quán xem thằng khố rách nào có cách ăn chơi khác thường không? Chưa đủ, tôi còn ghé mắt vào tất cả những đồng tiền được người ta trao qua đổi lại trên mặt bàn, trong ngăn kéo xem có tờ bạc tờ tiền nào giống đồng tiền của tôi không? Chịu. Tờ nào cũng giống và tờ nào cũng không giống, lạnh lẽo, vô cảm nhưng đầy ma lực. Sáng tỉnh dậy cứ mong đó chỉ là giấc mơ. Đêm về, như gã hát xẩm mù, lại thảng thốt huơ tay xuống gậm giường với hy vọng nó còn đấy mà chả qua mình chưa kiểm tra cẩn thận... Tóm lại nhìn tôi chắc giống y hệt một con bệnh tâm thần thể phân lập không còn đường cứu chữa. Đúng, còn cứu chữa cái mẹ gì nửa khi công sức, đau đớn, tủi nhục cả năm trời bỗng thành bong bóng bay tan. Chả lẽ cái câu Của thiên trả địa, cái gì kiếm nhanh thì mất cũng nhanh nghiệt ngã ấy lại ứng vào tôi ư? Để mới hôm qua tôi còn là một gã phong lưu rủng rẻng thì hôm nay chỉ còn trên răng dưới dái. Sạch bách. Nhẵn quẹn.

        Và thật lạ, đến khi không còn hy vọng, không còn chút ám ảnh tìm tòi gì nữa, chắc mất thi đầu óc tôi lại nhẹ bẫng. Xong, vô sản, ngày trước trấn cướp của thiên hạ bây giờ nó trấn cướp lại của mình, luật bù trừ, coi như huề, sòng phẳng.

        Trong rủi có may, sự mất mát tưởng chừng ghê gớm ấy bỗng dưng lại thổi một luồng khí lực mới mẻ vào nỗi chán chường đến muốn ra đi khỏi cõi đời này của tôi. Trong được có mất, trong mất có được, lên xuống đều một chiều, không ai được cả và cũng không ai mất cả, được một chút mất một chút mới bền, hình như bố tôi đã dạy chúng tôi như thế. Bố còn dạy thêm: người làm ra của, của đi thay người, mất của là mất ít, mất mạng là mất nhiều, mất danh dự mới là mất hết. Vâng, nhưng thưa bố, cuộc đời có phải lúc nào cũng đúng như sách thánh hiền đã chỉ bảo đâu bởi lẽ đầy rẫy xung quanh con có bao kẻ vẫn nhơn nhởn đi ngược lại cái triết lý đó, được hết, chả cái gì đi thay cho cái gì cả. Còn con, giờ đây cả của cải cả danh dự đều mất thì đứa con bất hiếu của bố đã mất hết chưa hay phía trước vẫn còn một cái gì để bám víu?

        Nghèo thì hèn nhưng giàu còn hèn hơn. Với bọc tiền ấy tôi chưa giàu nhưng cũng đã thấy mình bắt đầu hèn hèn, khô khổ, lúc nào cũng nhớn nhác giữ của như chó ba tiền. Nó lấy của mình là nó lấy của bố nó... Không hiểu có phải tôi đang rơi vào trạng thái tự sướng, tự ru ngủ của cái lão AQ nào đó mà ông nhà văn già thỉnh thoảng lại lôi ra tấm tắc không nhưng rõ ràng sự mất đi của bọc tiền mới kỳ diệu làm sao, nó giống như một cú hích, một đòn đánh mạnh vào gáy khiến đầu óc tôi bừng tỉnh, sự ủ ê biến mất, tất cả kinh lạc, huyệt mạch trong người bỗng chốc được hanh thông. Tôi lại muốn hành động. Lại thấy máu huyết trong người chạy rần rần, cơ bắp bung nỏ, sẵn sàng xông pha, sẵn sàng làm lại từ đầu.

        Không rùa rắn, không tê tê, ba ba, kỳ đà, không Lệ Mật lệ đường, không cửa khẩu cửa hình mẹ gì sất, cái đó giành cho kẻ khác, cái đó không thuộc về tôi, cái số tôi, phận tôi, tính khí con người tôi từ lúc chui ra khỏi bụng mẹ đến giờ là phải gắn bó với đất, bấm chắc chân vào đất, trở về với đất, sống trên đất, chết vùi trong đất.

        Đó chính là mảnh đất Lục Yên, Yên Bái mà một lần tại cửa khẩu Móng Cái tôi đã vô tình được nghe cánh buôn kháo nhau trên ấy có nhiều đá quý lắm.

        Thì đi! Vàng chuyển ra đá, không sao, vẫn là ruột đất lấy lên.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:43:46 pm »

        
29

        
        Chẳng rõ thiên hạ có tin vào định mệnh không chứ tôi thì không, tuyệt nhiên không. Định mệnh gì, số má gì, tầm phào hết, tất cả là do tính cách nó quy định hết. Người trực tính dám sống đúng mình bao giờ chả gặp họa, kẻ lươn lẹo khôn ngoan lại thường may mắn. Còn tôi, ngay từ tuổi hai mươi đã là đảng viên là chỉ huy, nếu tôi ngoan hiền, bảo đâu nghe đấy, trước cái tốt, cười; trước cái đểu cũng cười, cười thường trực, vâng dạ lập trình, không nóng nảy không cực đoan không phẫn nộ trước điều khuất tất thì giờ đây chưa biết đời binh nghiệp của tôi đã tiến tới mức nào.

        Không tin nhưng trên chuyến tàu chợ chật chội và hôi hám từ Hà Nội lên Yên Bái đêm nay, cái bóng của định mệnh đó lại hình như đã liếm nhẹ vào tôi. Liếm bằng khuôn mặt vừa quen vừa lạ của cô gái ngồi đối diện bên kia hàng ghế. Ai nhỉ? Mắt lá dăm, nét mặt thanh thoát, da trắng, đôi môi mím nhẹ vừa có cái dạn dĩ của một con buôn lại vừa có cái đăm chiêu, tư lự của một cô giáo... Ai nhỉ? Hình như đã gặp ở đâu rồi, có khi đã ngủ rồi cũng nên, ngủ trên bãi vàng, tại cửa khẩu, dọc đường xa hay ở chính tại mảnh đất Buôn Mê toàn gái mưng mẩy, đa tình... chịu không nhớ ra nhưng rõ ràng là quen lắm, ấn tượng lắm. Chết thôi, chả lẽ chỉ vì món tiền bị trộm đó mà tôi đã thành ra một thằng đánh mất trí nhớ rồi ư? Thấy tôi nhìn chăm chăm, cô bất giác nhìn trở lại và khẽ chau mày. Chao ôi, chính cái chau mày kiêu kỳ đó đã giúp cái đầu ung ung của tôi nhớ ra tất cả. Đúng rồi, chính xác rồi, làm sao có thể nhầm được, chính là Mắt lá dăm nhưng sao bây giờ cô khác thế, sang trọng, kiêu sa như một cô chủ tiệm vàng đang vào thời kỳ phát đạt. Cám ơn ông cái vụ lần trước nhưng nếu... ông anh để râu thì đẹp hơn... Kỷ niệm cuối cùng, câu nói cuối cùng của em còn đọng lại trong tôi là như thế. Cặp lông mày nằm dưới vầng trán thông minh nhưng bướng bỉnh lại chau lại cái nữa. Tôi bất giác cúi nhìn xuống. Mẹ khỉ! Lần đầu tiên trong đời cái thằng tôi lại biết nhìn xuống trước một con đàn bà như thế này.

        Và khi tôi nhìn lên thì nửa khuôn mặt kia đang quay ra phía cửa sổ, thả cái nhìn thăm thẳm vào núi rừng. Nắng cuối đông chiếu vào khiến cho nửa khuôn mặt ấy trở thành trong suốt, tinh khiết như một bức tranh lụa vẽ chân dung tố nữ Trung Hoa được bày bán la liệt trên cửa khẩu Móng Cái. Một tố nữ đẹp và buồn. Và cũng lần đầu tiên trong đời tôi bỗng thấy từ góc khuất nào đó rất sâu trong con người ghổ ghề đất thó của mình rung lên những cảm giác rất lạ, lạ như lần đầu được nhìn thấy hoa thấy lá, thấy mây bay trắng xốp trên trời, thấy dòng sông êm ả chảy giữa đôi bờ lau lách hoang sơ, thấy... tiếng đập lùng nhùng, quái quỷ trong ngực mình. Có vẻ nắng, cô ta kéo rèm rồi quay nhìn trở lại. Khốn khổ, lần thứ hai tôi lại bất giác nhìn xuống. Nhìn xuống như một tên tội phạm bị quáng gà trước công lý.

        Một ý nghĩ đau thắt chợt dội lên: chả lẽ chỉ thế thôi để rồi không bao giờ còn được gặp lại nữa ư? Chả lẽ biết bao con đàn bà trước đó tất thảy đều là chiếm đoạt, đều chỉ là nhục cảm, chỉ có em mới đánh động được vào cái sợi giây thầm kín, mỏng manh trong lòng tôi để cho tôi đêm nay, trước em lại phải cúi mặt xuống thế nàv-

        Đây là lần thứ ba, liệu có lần thứ tư nữa không? Lần thứ nhất là thằng cướp, lần thứ hai là thằng cướp, lần này vẫn là thằng cướp, nếu có lần thứ tư thì là thằng gì? Cướp nữa hay tử tù đi ra pháp trường? Kệ, không biết, không cần biết, nhưng lần này, tại đây, tại toa tàu ngược này tôi phải biết tên em, em là ai, em là gì... để rồi tới đây nếu có phiêu bạt tới tận chân trời nào, có vùi đầu vào kiếp tù ngục ra sao và thậm chí có bị đưa đi dựa cọc vào lúc mặt trời chưa mọc chăng nữa thì ít nhất tôi cũng có hình ảnh em, đôi mắt em, tên em để nhớ để gọi để vĩnh lìa, lá dăm ơi...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:49:22 pm »


        Một chút nữa hai tiếng lá dăm nó bật ra khỏi mồm, hú vía! Tôi bắt đầu nghĩ cách tiếp cận, cái cách mà thằng tôi chưa bao giờ phải nghĩ đến, dùng đến khi cánh đàn bà con gái các loại kia toàn chủ động tiếp cận ngược lại... Nào, ví dụ nhé, thử nhé, bước đến, ngồi xuống, mỉm cười thật nhũn, xin lỗi cô... à, em, có nhận ra tôi? Không được, nhận thế quái nào một khi mặt mày tôi đã biến thành sư sãi nhẵn nhui thế này, hỏi, có khi chẳng thèm trả lời. Vậy dấn tiếp, xin lỗi, phải, cứ xin lỗi, đàn bà con gái họ thường rất khoái nhĩ với câu này, xin lỗi, chính tôi đã có lần cứu em khỏi một cái đá lệch mặt... Không được, chết chết, ai đá, ai cứu, nói vậy có khác lạy ông tôi chính là... bất ngờ hô hoán váng lên một cái là xong. Sao hè? Tàu vẫn chạy xình xịch, đầu óc tôi cũng xĩnh xịch nhưng chưa nghĩ ra, chưa ra mà đến ga tới em xuống là coi như rồi.

        Tự nhiên tôi thèm có một toán cướp nào đó như toán cướp trước đây của tôi chẳng hạn, nhảy phốc lên tàu, nhe nanh múa vuốt vào em để tôi được phô phang cái hệ thống bắp thịt mang tính hiệp sĩ giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha của mình. Nhưng làm gì có. Tôi đã ở đây rồi thì còn thằng nào dám lên nữa, là cứ ví dụ như thế.

        Chạnh nhớ đến câu Đen tình đỏ bạc, tôi bỗng cảm thấy tự tin hơn, nào, cứ mạnh dạn lên, mình vừa mất một đống bạc chả lẽ lại không đỏ được chút tình à, đỏ váng đỏ nhờ nhờ cũng được, vả lại, lần gặp trước chính em đã chủ động mở lời nói với tôi về râu về ria gì rồi cơ mà. Thế là, nhân tàu dừng lại ở một ga xép, thiên hạ tranh thủ nhảy xuống vặn mình bẻ cổ, mua đống quà tấm bánh nhét bụng, để ý em vẫn ngồi im, trưa rồi, chắc em đã đói, cơ hội ngàn năm mới có là đây, tôi cũng vội chen xuống mua một cặp bánh mỳ, một lạng chả, mấy trái dưa chuột, dăm quả quýt, một chai nước cam, một... định mua một loạt những thứ hợp khẩu với đàn bà nữa nhưng chợt nghĩ đến trong túi chỉ còn vài trăm nên vội phanh gấp.

        Đâu đó, tôi mới ôm tất cả tiến đến chỗ em như một sĩ quan tiếp phẩm có thâm niên tiến ra mặt trận. Em đang cúi xuống đọc một cái gì không nhìn lên. Tôi vẫn đứng. Và khổ chưa, thay vì định sẽ phát ra một cái giọng trầm ấm thật êm thì lại trở nên khàn rè như con bệnh sắp kéo đờm:

        - Xin lỗi... dưới kia đông quá, biết em không tiện xuống nên... nên tôi mua giúp, xin cứ tự nhiên.

        Chưa bao giờ tôi lại gặp một ánh mắt nhìn lên lạnh lẽo như thế, giọng nói còn lạnh hơn:

        - Cám ơn nhưng tôi không đói.

        Rồi lại nhìn xuống trang sách đang đọc giở. Một trường hợp không có trong tình huống. Nếu ai mà quay được hình ảnh tôi lúc ấy thì còn mang giá trị hài hước hơn cả cái ông tây tên Sác lô sác liếc gì đấy: Mặt sượng cứng sượng cơ, môi miệng méo mó không ra cười không ra khóc, hình như có cả dăm giọt mồ hôi rịn ra, đi cũng dở mà đứng cũng dở, lại thêm có mấy con mắt tò mò và cả khoái chí của ai đó nhìn đến nữa, cuối cùng, không còn cách nào khác, bản tính côn đồ thức dậy, tôi vung tay ném tất cả xuống đường rồi trở lại ghế ngồi, mặt nặng như đá, điên đầu, cũng bắt chước hướng cái nhìn xa xăm, vô cùng xa xăm ra núi rừng...

        Và đến khi tôi nhìn lại, lạ chưa kìa, cái lá dăm đang vẫy gió vào mắt tôi. Choáng. Nghĩ rằng đó chỉ là thứ ảo giác vớ vẩn xuất phát từ trái tìm bệnh hoạn của mình, tôi thử nhắm mắt định thần nhưng khi mở ra, choáng nữa, cái lá vẫn y nguyên, lại còn anh ánh cười. Cái trạng thái nhùng nhằng nửa hư nửa thực đó sẽ còn kéo dài nữa nếu như lúc đó tàu không từ từ vào ga. Một số hành khách lục tục đứng dậy chuẩn bị xuống, và hỡi ôi, trong đó có cả em. Sao bây giờ? Hay là tôi cũng xuống, phía trước là mông lung, cái thằng tôi xuống đâu chả được, xuống để xem có giúp em được việc gì không, xuống để tìm một cơ hội được chuyện trò, để chỉ cần được nói với em đôi lời nhưng tôi vẫn ngồi im, toàn thân hoá thạch. Mọi người đi qua tôi. Em cũng đi qua tôi, như có cả một vườn hoa mơ hoa mận ngào ngạt tràn về. Rồi bất ngờ một cánh hoa tách ra, rơi xuống đậu vào tai tôi ngọt lự:

        - Mừng anh đã trở lại cuộc sống bình thường, nếu tôi không lầm. Lần này nữa tôi vẫn tiếc bộ râu của anh. Tạm biệt!

*

        Cánh hoa có sức nặng ngàn cân khiến cho tôi ngồi chết gí không kịp phản ứng lại một điều gì. Chỉ đến lúc bóng em đã khuất trong sân ga chiều rồi thì mọi ngôn từ, mọi lời nói tôi đã mất công chuẩn bị trong ruột suốt từ sáng đến giờ mới phèo phọt đùn ra đầy mồm đầy lưỡi.

        Gặp em, được em nhìn, em nói, phải chăng đây là cách ông trời đã bù trì cho tôi cú mất mát khốc liệt vừa rồi. Vậy thì tôi sẵn sàng mất nữa, mất sạch để có em.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:53:58 pm »

       
30

       
        Đến một bến sông cách Lục Yên chừng 90 cây số tôi quyết đinh xuống tàu. Trước khi gia nhập vào thành viên của vùng đá đổ lành ít dữ nhiều như tin đồn ấy, mẹ, ít nhất tôi cũng phải có chút vốn cầm tay để sắm sanh cuốc xẻng, nộp các khoản lệ phí đã, chứ trần như nhộng thế này có mà chó nó tiếp nhận.

        Đây là một bến sông thương mại khá sầm uất. Người ta chuyên rau quả, mắm muối, thực phẩm, áo quần từ miền xuôi lên và chuyên gỗ, tre nứa, luồng, guột, gà vịt từ miền núi xuống. Hàng thì nhiều người thì ít, bến sông lúc nào cũng chật cứng những người những hòm thùng, quang sọt, bọc bị... như không xê dịch gì.

        Tôi quyết định tìm đến một chủ hàng có đống hàng họ có vẻ xum xuê nhất xin được làm cửu vạn, đúng, chỉ là cửu vạn thôi, cuộc đời lên voi xuống chó, thì tôi đã chả từng làm cái thằng cửu vạn ở cửa khẩu Điện Biên rồi là gì? Tất nhiên, chỉ cần nhác qua sức vóc là tôi được nhận ngay. Nhưng rút kinh nghiệm lần trước, tôi chủ động ra giá trước. Nếu công nhật thì bao nhiêu, còn nếu khoán thì bao nhiêu? Tất nhiên tôi thích khoán hơn. Thế là, khác với lần trước, chả còn tiền bạc mẹ gì, tôi quắng đại bộ quần áo dài vào gốc cây, bắt đầu gồng mình khuân vác tất cả những cái gì lão chủ chỉ: Gà vịt, cam chuối, xi măng, sắt thép, gỗ chạp và cả các thứ hàng xén khó mang dễ vỡ. Tôi khuân vác như một thằng nghiện khuân vác. Cũng lâu lâu rồi mới có một buổi vận động vã mổ hôi, giãn xương giãn cốt ra như thế này. Làm đến đâu đầu óc sảng khoái ra đến đó, các lỗ chân lông mở toác đón gió sông gió đồng, như được tắm hơi, được làm tình. Tôi làm khỏe đến nỗi đã có những ánh mắt vừa tò mò vừa đố kỵ, ghen ghét hướng về tôi. Ơ hay, cái mẹ gì thế nhỉ? Con người lúc này làm sao thế nhỉ? Chả lẽ chỉ cần sống tốt, sống nghiêm ngắn là đã có kẻ thù, còn làm ưu tú, làm xuất sắc lại có tử thù hay sao? Sống thế thì sống thế chó nào được. Cuộc đời này là cuộc đời quái quỷ gì vậy.

        Nhưng kệ, hơi đâu mà để ý đến ba cái ngúc ngoắc u tối cuộc đời, chính mình cũng quá chừng u tối đấy. Nhưng cái triết lý cầu an bất cần đời ấy chỉ đến ngày thứ tám đã bị bẻ vụn bởi một thằng thuộc loại con ông cháu cha khi biết tôi đang có ý thu thập quân thành một đội nhằm nhận những hợp đồng ra tấm ra món hơn.

        Cao dong dõng, khá điển trai, ăn vận nguyên bộ bò, mũ phớt, ria con kiến, kính đen, nhác trông cứ tưởng thằng Khánh hiện hình nhưng không phải, thằng này đến trước mặt tôi, chạng chân, hất mặt:

        - Chào anh bạn!

        Tôi không trả lời, cúi xuống định đặt bao xi măng lên vai thì tý nữa chạm mũi vào cái đế giày khủng bố của nó. Giọng nó nặng hơn:

        - Mày là thằng nào mà dám đến đây chiếm bãi hả?

        Vẫn không trả lời, tôi đứng lên nhìn thẳng vào nó.

        - Mày biết tao là ai không? - Nó hất mặt tiếp.

        Đã ngàn lần tự nhủ thân phận mình lúc này chỉ nên lấy chữ nhịn làm đầu nhưng đến nước này thì tôi không thể nhịn được nữa:

        - Bãi của trời, tao không chiếm và tao cũng không cần biết mày là ai, hiểu chưa? Bỏ cái chân thối của mày ra!

        - A, thằng này láo! Nó chưa biết luật lệ ở đây chắc? Chúng mày đâu, cho nó xuống sông làm bạn với hà bá đi!

        Ba bốn thằng cởi trần trùng trục, thằng bụng phệ thằng bụng lép, thằng cao ngòng thằng thấp xịt, tất cả đều đen mun, sần sẹo không biết từ đâu xông ra như âm binh quỷ sứ. Tôi vơ vội một thanh gỗ nặng chừng hơn chục cân nâng ngang người, sẵn sàng phang vỡ sọ bất cứ thằng hình nhân nào đến gần. Có lẽ thấy tướng tác tôi dữ tợn nên cả đám dừng sững đưa mắt nhìn nhau. Vừa lúc ông chủ hàng lật đật chạy tới, kéo tôi ra một bên, miệng lắp bắp:

        - Chết chết... đừng động vào họ. Cậu kia là con trai ông trưởng thuế vụ huyện, cháu ruột ông trưởng công an xã lâu nay đăng cai bảo kê bến sông này đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2018, 09:54:48 pm »


        Một thoáng giật mình. Thì ra là nó, nỗi kinh hoàng và khinh ghét của toàn bộ dân tình ở đây. Kinh hoàng vì nó không từ một thủ đoạn nào, kể cả làm cho đối thủ phải khuynh gia bại sản, kể cả chém giết cướp vợ cướp chồng người ta để bảo vệ ngai vàng quyền lực. Còn khinh ghét vì không ai dám ho he nên chỉ còn biết bày tỏ sự khinh ghét thầm với nhau cho hả giận, thế thôi. Giá lúc khác thì kể cả con của chủ tịch tỉnh, con của tổng thống tôi cũng nện cho bỏ mẹ chứ đừng nói là con của trưởng phòng thuế quèn nhưng lúc này tôi đang cần mai danh ẩn tích, cần tích cóp chút vốn để lên núi nên, khốn nạn chưa, thay vì gầm lên một tiếng gầm man dại thì tôi lại ngoác miệng ra cười:

        - Chết nỗi, sao đại ca không nói trước để thằng này sớm biết đường mà trình diện, quy phục. Thôi, việc đã lỡ rồi, xin cho làm nốt tuần này, tuần sau tôi sẽ phắn khỏi đây, không dám làm vướng mắt đại ca nữa.

        Tưởng nhún mình tới tận cứt như thế, thằng cậu trời kia sẽ được thoả mãn cái vênh vang mà buông tha, ai ngờ nó càng quá quắt:

        - Không có tuần sau gì hết. Mày phải cút ngay bây giờ. Đất có thổ công sông có hà bá, khắp vòm trời này ở đâu cũng thế, nhớ lấy.

        Tôi nghe mà thấy ruột gan phổi phèo trong người bị đun sôi lên từng khúc và một tý nữa câv gỗ nặng chịch sẽ vung lên nếu như không bị ông chủ hàng đứng đằng sau véo mạnh một cái vào hông. Véo mẹ gì, tôi muốn quát vào mặt lão, lão chỉ muốn bảo toàn số hàng của lão chứ lão thương đéo gì tôi! Cứ véo thế này thì bọn sâu mọt ỷ thế cường quyền kia còn làm vương làm tướng đến mức nào nữa. Và không hiểu đời bố lão, đời ông nội lão có sợ bọn phía tao quá quắt như thế này không? Thôi được, nể tình lão mấy hôm nay, và cũng nể chính cái năng lực kiềm chế phi thường của tôi nữa, tôi nhịn, nhịn tiếp, một điều nhịn chín điều lành, mẹ!

        Thả thanh gỗ, tôi quay người, cắm mặt đi lên chỗ để quần áo như dáng đi của ông Giê Su đi lên giá thập tự. Tránh... chó chẳng xâu mặt nào, mà tôi cũng đang là một thứ chó, chó rừng, nhục như chó, còn xấu cái nỗi gì nữa, dù sao ơn trời cũng nhét túi được gần một triệu tiền công làm hành trang lên đường.

        Nhưng mới đi được chừng non chục cây số, không hiểu sao tôi lại bảo tay xe ôm dừng lại không đi nữa. Tay xe này cũng không hiểu, chỉ càu nhàu mấy tiếng rồi vòng xe nhấn ga đi trở lại. Kiếm một chỗ kín sâu bên vệ đường, ngả lưng ngủ lơ mơ một chút cho lại sức, chờ đến khi mặt trời tắt ngóm bên kia núi, tôi mới đi ra đón một chiếc xe ôm khác bảo quay trở lại bến sông. Trở lại để dằn mặt thằng khốn một cái, dằn kín đáo, dằn ngoại phạm chứ dằn vồ mặt có khi lại ăn một cú truy nã nữa. Thực ra khi ngồi lên xe tôi đã quyết định bỏ qua với ý nghĩ nếu ở đời cái gì cũng ra tay thì sẽ lún vụn hết cả cuộc đời không còn làm được cái gì khác nữa. Nhưng không ra tay thì u uất không chịu nỗi, cứ như có cái gì đục phá trong ngực mà nếu không tìm cách hất nó ra thì cũng không còn hứng thú, lòng dạ nào làm việc khác nữa.

        Cảm hứng hất đá đó sau này tôi mới hiểu nó là thứ cảm hứng nguy hiểm rất gần với phạm tội. Tuy chưa đụng mặt thằng con trời này lần nào nhưng bằng những thông tin đôi mách, tôi biết cứ tối tối bọn cướp ngày này lại tụ tập nhau ăn uống, nhậu nhẹt tại một cái vó bè ở giữa sông để mừng chiến quả trong ngày thường là phải đến một, hai giờ sáng mới thằng nào về nhà thằng đó, thằng nào say quá không thích về thì ngủ lại có điếm sông chăm sóc. Thằng con trời này nghe nói thuộc loại hay ngủ lại vì nó mê như uống phải thứ nước bả một đứa con gái người Sán Dìu ở vùng thượng nguồn xuống.

        Tốt thôi. Ăn no ấm cật thằng nào chá thế, nhưng ấm bằng cái kiểu ăn cướp như thế thì mày đáng bị trừng phạt, thằng láu cá xấc xược ạ!

        Chỉ cần một thủ thuật trinh sát tối thiểu, tôi đã thực hiện được cú ẩn minh trong bóng tối ven bờ mà không một ai nhìn thấy. Thời gian nhoi nhói trôi qua trong muôn ngàn những vòi muỗi chích khắp người. Tí nữa thì bật cười, trời ạ, tại sao lại giống những đêm mai phục trên chiến hào đường biên thế này? Cũng im ắng, cũng rờn rợn, cũng muỗi đốt chỉ khác lúc ấy tôi là người lính chân đạp mây, tóc vờn núi đứng hiên ngang ở tư thế bảo vệ biên cương Tổ quốc, còn bây giờ... Mà thôi, sông có khúc người có lúc, đào sâu nghĩ ngợi vào mà làm gì.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM