Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:20:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thời sôi động  (Đọc 34013 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:23:40 pm »

Dùng thủ đoạn mua chuộc bằng tiền tài, địa vị, lôi kéo cá nhân không đạt kết quả, Chính quyền Vương quốc chuyển sang dùng biện pháp gây sức ép về kinh tế, cắt giảm khẩu phần lương thực, thực phẩm, không cấp lương và thuốc men… Những hành động trên tuy có gây một số khó khăn cho chiến sĩ Pa-thét Lào nhưng chúng cũng không thể lung lạc được ý chí của họ.

Cuối cùng Phủi Xa-na-ni-con ra lệnh cho quân đội Vương quốc bao vây hai tiểu đoàn bộ đội Pa-thét Lào và ra lệnh cho hai đơn vị này đúng ngày 11 tháng 5 – ngày kỷ niệm thông qua Hiến pháp Lào lần thứ 12 phải có mặt tại một địa điểm đã định để “dự lễ phong quân hàm và sáp nhập vào quân đội Vương quốc”. Chúng yêu cầu các chiến sĩ Pa-thét Lào không được mang theo vũ khí và phải tập hợp trong một khu vực có dây thép gai bao quanh và trong vòng vây của quân đội Vương quốc.

Tiểu đoàn 2 ở Xiêng Khoảng, bị bao vây bốn phía, địa hình trống trải, lực lượng và trang bị chênh lệch, lại không liên lạc được với cấp trên. Nhưng cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 2 đã đoàn kết một lòng phát huy dân chủ, biết dựa vào dân đề ra kế hoạch vượt vòng vây kẻ thù.

Ngày 18 tháng 5 năm 1960, sau khi tăng thêm quân và vũ khí, quân đội Vương quốc gửi tối hậu thư cho cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào buộc họ phải đầu hàng trong vòng 24 tiếng, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Nhưng ngay trong đêm 18 tháng 5, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 cùng gia đình đã khôn khéo nghi binh địch vượt qua vòng vây của kẻ thù một cách bí mật, an toàn.

Sau 1 tuần hành quân táo bạo với nghệ thuật giấu quân tài tình lại được nhân dân hết lòng giúp đỡ, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã về căn cứ an toàn trước sự vui mừng của nhân dân địa phương cũng như quân dân trong cả nước.

Về đến căn cứ địa, Tiểu đoàn 2 đã ra tuyên bố kiên quyết chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai phản động bảo vệ Chính phủ Liên hiệp, bảo vệ đường lối hòa bình trung lập và kêu gọi nhân dân trong cả nước sát cánh cùng các lực lượng vũ trang cách mạng trong cuộc chiến đấu chống sự can thiệp của Mỹ và phản trắc của Phủi Xa-na-ni-con.

Cùng lúc ấy, Tiểu đoàn 1 Pa-thét Lào do những điều kiện khó khăn hơn Tiểu đoàn 2, nên chỉ gần một nửa quân số của tiểu đoàn thoát khỏi vòng vây của địch trở về căn cứ.

Trước những thất bại cay đắng trong âm mưu tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào, kể từ cuối tháng 5 năm 1959 trở đi, Mỹ và Phủi Xa-na-ni-con phát động cuộc “chiến tranh đặc biệt” trên quy mô cả nước Lào, đặt Neo Lào Hắc-xạt ra ngoài vòng pháp luật hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, biến Lào thành một căn cứ quân sự thực dân kiểu mới của Mỹ ở Đông Dương. Chúng đem cảnh sát và hiến binh bao vây trụ sở Trung ương Neo Lào hắc-xạt, tòa báo và nhà in Neo Lào Hắc-xạt. Phủ Xa-na-ni-con còn đe dọa đưa các lãnh tụ Neo Lào Hắc-xạt ra tòa. Chúng vu cáo Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các lãnh tụ của Neo Lào Hắc-xạt là đã ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào rút đi để chóng lại chính phủ (!) và đã liên lạc với nước ngoài để gây rối loạn ở Lào (!)… nhằm buộc lãnh đạo Neo Lào Hắc-xạt cái tội “phản quốc” để hãm hại họ.

Phủi Xa-na-ni-con cho cảnh sát và hiến binh ngày đêm vây chặt nhà riêng của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ở cửa sông Bát-xắc, “không cho trong ra, không cho ngoài vào”, làm cho gia đình Hoàng thân và gia đình một số vị lãnh đạo khác của Neo Lào hắc-xạt gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Mặc dù bị nhân dân và dư luận phản đối, Mỹ vẫn thúc ép Phủi Xa-na-ni-con ra lệnh bắt giam Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng 15 cán bộ Neo Lào Hắc-xạt tại Viêng Chăn, trong đó có 8 lãnh tụ và 7 nghị sĩ Quốc hội đương chức. Nhưng uy tín của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các lãnh tụ của Neo Lào Hắc-xạt rất sâu rộng trong nhân dân, ngay cả đơn vị cảnh sát và sau đó một đơn vị quân đội Vương quốc đã từ chối không chịu thi hành mệnh lệnh của Xa-na-ni-con. Họ trả lời rằng “đây là một việc to tát quá họ không có can đảm thi hành”. Năm mươi cảnh sát và binh sĩ đó lập tức bị tống giam. Cuối cùng Xa-na-ni-con buộc phải dùng vũ lực ép một đơn vị quân đội khác đến “mời Hoàng thân đi gặp chính phủ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:24:25 pm »

Thế ngày 28 tháng 7 năm 1959, Mỹ và Phủ Xa-na-ni-con đã thực hiện âm mưu đen tối bắt giam Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng các nghị sĩ và một số nhà lãnh đạo của Neo Lào Hắc-xạt, tất cả gồm 16 người. Dưới đây là bản danh sách đã gây sự xúc động mạnh trong nhân dân và binh sĩ Lào.

- Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, nguyên Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào chống xâm lược Pháp, Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp và nghị sĩ đương chức tại Quốc hội Lào;

- Phu-mi Vông-vi-chít - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, Trưởng đoàn đại biểu Pa-thét Lào đàm phán và ký kết các Hiệp nghị Viêng Chăn với Chính phủ Vương quốc, Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp và nghị sĩ Quốc hội Lào;

- Nu-hắc - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, nghị sĩ Quốc hội Lào;

- Si-thôn Com-ma-đăm - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, nghị sĩ Quốc hội Lào;

- Khăm-phải Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, nghị sĩ Quốc hội Lào;

- Thao Phao - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt;

- Thao Mừn - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt;

- Đại tá Sin-ka-pô - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt; ủy viên Hội đồng quân sự Liên hiệp;

- Đại tá Thao Phun - nghị sĩ Quốc hội Lào; ủy viên Hội đồng quân sự Liên hiệp;

- Xi-xa-nạ - nghị sĩ Quốc hội Lào; chủ bút báo Neo Lào Hắc-xạt;

- Thao Ma - Tỉnh phó tỉnh Hủa Phăn, sau Hiệp nghị Viêng Chăn;

- Ma-ha-xôm-bun - cán bộ Neo Lào Hắc-xạt;

- Khăm-phết - cán bộ Neo Lào Hắc-xạt;

- Phu-khẩu - cán bộ Neo Lào Hắc-xạt;

- Bun-xỉ - cán bộ Neo Lào Hắc-xạt;

- Ma-nạ - cán bộ Neo Lào Hắc-xạt.

Trong danh sách những người bị bắt giam đáng lẽ có cả anh Chao-xúc - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt, nghị sĩ Quốc hội Lào và chị Khăm-pheng - nghị Sĩ Quốc hội Lào, nhưng anh Chao-xúc đi vắng, còn chị Khăm-pheng đang có mang nên chúng không bắt.

Chính phủ Phủi Xa-na-ni-con đã đem giam Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các nhà lãnh đạo Pa-thét Lào trong một nhà giam ngay cạnh doanh trại quân đội hoàng gia ở Phôn-khiêng cách trung tâm Viêng Chăn 3km.

Cuối năm 1959, cuộc cuộc đấu tranh giành giật quyền lực diễn ra trong hàng ngũ phải cầm quyền Viêng Chăn. Phủi Xa-na-ni-con gạt ra ngoài chính phủ những tên cầm đầu hung hăng nhất của cái gọi là “Ủy ban bảo vệ quyền lợi quốc gia”. Ngày 31 tháng 12 năm 1959, được Mỹ ủng hộ, Phu-mi Nô-xa-vẳn và Thao Xổm-xa-nít làm đảo chính lật đổ chính phủ Xa-na-ni-con. Hành động đầu tiên của Nô-xa-vẳn là tuyên bố giải tán quốc hội, sửa lại thể thức tổng tuyển cử.

Ngày 24 tháng 4 năm 1960, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành dưới lưỡi lê và đô la Mỹ. Nhờ khủng bố và gian lận, “Ủy ban bảo vệ quyền lợi quốc gia” của Phu-mi Nô-xa-vẳn và Thao Xổm-xa-nít (từ đây đổi tên là Đảng Dân chủ xã hội) chiếm 46/59 ghế trong quốc hội. Đảng Dân chủ xã hội đứng ra lập chính phủ mới: Thao Xổm-xa-nít làm Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phu-mi Nô-xa-vẳn giữ chức Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng bộ quốc phòng; Hoàng thân-Xu-va-na Phu-ma được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Lào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:25:04 pm »

Sau khi thiết lập được bộ máy cai trị chính quyền, Xổm-xa-nít tiến hành một chính sách khủng bố dã man. Chúng trắng trợn tuyên bố lập lại an ninh bằng sự đầu hàng không điều kiện của Neo Lào Hắc-xạt. Xổm-xa-nít còn tập trung dân thành những làng tụ tập kiều “khu trù mật” của Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Do tính chất cực kỳ phản động của Xổm-xa-nít, nên các tầng lớp nhân dân trong cả nước, kể cả binh lính cảnh sát của chúng cũng nổi dậy đấu tranh chống chính sách cực đoan hiếu chiến của Xổm-xa-nít.

Sau gần 10 tháng, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bị giam giữ trái phép, 2 giờ sáng ngày 24 tháng 5 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Viêng Chăn, một số cơ sở ở nội thành phối hợp với binh lính gác trại giam đã giải thoát Hoàng thân và các nhà lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Neo Lào Hắc-xạt ra khỏi trại giam trở về vùng căn cứ cách mạng.

Đầu tháng 6 năm 1960, anh Nguyễn Khang - Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nguyên Bí thư Ban cán sự miền Tây từ Hà Nội lên Tây Bắc truyền đạt chỉ thị của Trung ương, tôi và anh cùng đi vào Điện Biên Phủ đón Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Chúng tôi vội lên xe chạy thẳng đến bản Long Nhai. Khó tả hết niềm vui và xúc động khi chúng tôi gặp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Chiều hôm ấy và cả trong bữa cơm thân mật, chúng tôi được nghe Hoàng thân kể tỉ mỉ cuộc vượt ngục lịch sử của ông. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chậm rãi nói:

- Ngay khi mới bị đưa vào trại giam, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải tìm cách thoát trở về lãnh đạo phong trào. Nhưng quan sát trại bốn bề tường kín, ba lượt rào cao, lại bị vây giữa một trại hiến binh và nhà ở của sĩ quan, nên muốn vượt khỏi trại giam sẽ phải tến hành một cuộc chuẩn bị kiên trì, gian khổ và hết sức thận trọng mới có hy vọng. Chúng nhốt anh em tôi mỗi người ở một buồng riêng, ngày đêm khóa cửa. Việc tiếp xúc với bên ngoài và sự liên lạc với nhau ở trong trại cũng bị cắt đứt. Chúng tôi sống trong cảnh hoàn toàn bị bưng bít, không có báo, không được tin tức từ bên ngoài, nên rất khó định đoạt hành động của mình.

Ngừng một lát, vẫn giọng trầm trầm chậm rãi Hoàng thân kể tiếp:

- Đã hơn một tháng, bọn địch như cảm nhận mọi việc đã ổn nên chúng rút cảnh sát, chỉ để lại hiến binh canh gác trại. Những người hiến binh lạnh lùng trước đây, nay qua thái độ của họ chúng tôi biết họ đã bắt đầu tỏ lòng thương cảm. Họ không dám chuyện trò, nhưng vẻ mặt, cử chỉ mỗi lần ra vào mở cửa đã nói lên tấm lòng của họ. Thế là tôi chợt này ý định sẽ tìm cách giác ngộ những người hiến binh này. Những lúc chỉ có một hai người ở cửa buồng giam, tôi dần dà hỏi thăm chuyện trò khi một câu, khi vài câu với họ. Cứ thế thành quen, chúng tôi đã tìm thấy nhiều người tốt trong số hiển binh kia để tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước cho họ. Một số hiến binh đã từng ở chùa, dần dần bộc lộ sự thương xót vì kính trọng tôi và anh em cán bộ Neo Lào Hắc-xạt. Có người bí mật giúp chúng tôi những đồ dùng thiết yếu. Chúng tôi bắt đầu liên lạc được với nhau và phân công bí mật giáo dục riêng từng người. Những người hiến binh được giác ngộ càng ngày càng quý mến chúng tôi. Sau 3 tháng, giám thị bắt đầu nới lỏng, một ngày cho chúng tôi ra ngoài ít giờ để lao động, tôi và anh em của ta đã cuốc đất trồng rau, biến mảnh đất nhỏ thành mảnh vườn xinh xắn. Một số anh em hiến binh đã tự kiếm những giống rau ngon, hoa đẹp để cho chúng tôi trống. Đến khi thấy rau xanh tốt, hoa nở thắm tươi anh em hiến binh rất khâm phục những người trong Mặt trận Lào yêu nước. Một số hiến binh giáp ngộ nhất bắt đầu giúp chúng tôi từ tiếp tế thực phẩm đồ dùng, liên lạc với gia đình ở Viêng Chăn để lấy tin tức hàng ngày. Vòng vây bưng bít của bọn tay sai bị phá tan dần. Chúng tôi đã biết được tình hình Tiểu đoàn 2 Pa-thét vượt vòng vây quân thù trở về căn cứ. Chúng tôi đã nghe tin tức kịp thời ở trong nước và cả những tin quan trọng trên thế giới.

Hơn một trăm hiến binh canh gác, chúng tôi đã giác ngộ được trên 40 người. Trong đó chúng tôi chọn một số trung kiên nhất, tổ chức họ thành từng nhóm bí mật với nhau tuyên truyền kỹ hơn.

Trước tinh thần giác ngộ của binh sĩ, chúng tôi tin tưởng vào vạch kế hoạch vượt ngục. Chúng tôi tìm được tám người giác ngộ và kiên quyết nhất để giao nhiệm vụ chuẩn bị vượt ngục, trong đó có hai anh cai xếp U-đôn và Chăn-tha-vi. Tôi nói anh Nu-hắc làm kế hoạch cụ thể cho chuyến đi lịch sử sắp tới. Hai anh em U-đôn và Chăn-tha-vi được bố trí bí mật liên lạc với cán bộ Neo Lào Hắc-xạt đang hoạt động ở Viêng Chăn để tổ chức đón chúng tôi về căn cứ Pa-thét Lào gần nhất. Chăn-tha-vi còn được giao liên lạc với bốn nhà sư ở một ngôi chùa gần đó để làm tổ dẫn đường trong chặng đầu từ Viêng Chăn ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:25:41 pm »

Dừng một lát, uống ngụm nước chè, Hoàng thân kể tiếp:

- Vấn đề khó khăn nhất là làm sao cho tám người được lựa chọn kia cùng gác một phiên với nhau, vì các lượt gác không thể chủ động bố trí nên cứ có người này lại thiếu người khác. Đáng khen cho anh Nu-hắc, rất khéo bày kế để họ bố trí sắp xếp đúng như kế hoạch. Cơ hội tốt đã đến!

Tối ngày 23 rạng ngày 24 tháng 5 năm 1960, năm người trong số tám anh em trung kiên cùng gác một phiên. Còn ba người nữa cuối cùng cũng vận động gác thay cho những hiến binh khác.

Việc chuẩn bị đủ số quân phục hiến binh cần thiết và băng tay tuần tra đóng giải hiến binh đi tuần tra cũng được anh Nu-hắc giao cho hai anh em U-đôm chuẩn bị đầy đủ trong ngày 23 tháng 5. Thực phẩm lương khô và ni-lông cũng được hai anh em U-đôm chuẩn bị kỹ càng.

Ba giờ chiều ngày 23 tháng 5, tôi được tin bên ngoài cho biết đã bố trí xong người liên lạc và đón ở các địa điểm quy định. Ngay chập tối, một liên lạc từ bên ngoài cử tới được anh em hiến binh bí mật đưa vào nằm sẵn trong trại giam.

8 giờ tối, tôi nói anh Nu-hắc phổ biến kế hoạch cụ thể về việc lên đường. Và lúc này tám hiến binh kia mới biết quyết định vượt ngục của chúng tôi. Cả tám anh em tuy đột ngột biết tin, nhưng đều tỏ ra sung sướng sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của đoàn.

12 giờ kém 5 phút, một trinh sát báo cáo đã có thể đi được. Kế hoạch được nhắc lại một lần nữa, tôi và mọi người đã cải trang thành những hiến binh. Sau khi kiểm tra lại thêm một lần nữa, tôi cho lệnh lên đường. Thế là một đội hiến binh tuần tra gồm 25 người đi hàng một hồi hộp và náo nức tiến ra phía đường cái. Đèn pha vẫn sáng, các cửa trại giam mở ra rồi được khóa lại như thường lệ. Xung quanh vắng lặng, binh sĩ và sĩ quan đều đã ngủ say. Mấy người lính thiết giáp gác giờ này cũng chẳng thèm chú ý đến đội “hiến binh tuần tra” đang lộp cộp đi ngang qua.

Sang khỏi cầu Phôn-khiêng, cả đoàn rẽ vào rừng chờ người dẫn đường. Một lát sau, thấy có tiếng người đi vào và loáng ánh đèn pin, chúng tôi hơi chột dạ. Tiếng Chăn-tha-vi rõ dần, chúng tôi lên tiếng nhận nhau. Từ đây cả đoàn gồm 30 người, chia thành ba nhóm do các nhà sư dẫn theo con đường bí mật được chuẩn bị sẵn trong rừng. Trời tối mù mịt, không ai nhìn thấy ai. Đến một chỗ nơi trống trải tôi cứ theo hướng phía trước mà đi. Bỗng tôi giật mình, sao lại vắng vẻ thế này. Định thần một lúc, biết mình đã bị lạc. Do đã lường trước tình huống khi lạc trong đêm tối, hãy đứng im một chỗ sẽ có người tìm đến, vài chục phút sau anh em tìm thấy tôi. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm, đều vui mừng, chúng tôi tiếp tục lên đường.

Càng về khuya, tôi càng cảm thấy chân tay rã rời. Có lẽ tuổi đã cao, lại bị giam cầm nhiều ngày trong gian khổ thiếu thốn, tôi cảm thấy đuối sức, hơn nữa chân đã bắt đầu sưng, bật máu nên ngã nhiều lần. Anh em ái ngại. Nhưng vì tôi mà hỏng việc lớn sao đành, cách mạng Lào đang cần chúng tôi trở về, nghĩ đến lúc về căn cứ gặp lại đồng chí, đồng bào tôi như được tiếp sức mạnh. Thế là tôi cắn răng đứng dậy, vịn vào người khỏe hơn mà bước.

Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi đã đến gần đường số 13 phía bắc Viêng Chăn. Ở đây đã có một trung đội Pa-thét Lào chờ sẵn, họ vui mừng tiếp tục đưa chúng tôi về căn cứ an toàn.

Tôi và anh Nguyễn Khang ngồi nghe Hoàng thân Xu-pha-nu-vông kể về những ngày không thể nào quên đối với ông. Tôi càng trân trọng tinh thần yêu nước của Hoàng thân, đã xem thường nguy hiểm gian nan đi làm cách mạng. Hoàng thân nhắc lại nhiều lần tinh thần và tình cảm của nhân dân các bộ tộc Lào đã dành cho ông và những nhà lãnh đạo Pa-thét Lào trong những ngày bị giam cầm, đặc biệt là sau khi ra khỏi nhà tù băng rừng về căn cứ đã được người dân che chở, nuôi nấng.

Chúng tôi cảm nhận được, qua thử thách tôi luyện, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cũng như các nhà lãnh đạo Neo Lào Hắc-xạt lớn lên với tầm vóc cao hơn nhiều. Những nhà lãnh đạo Pa-thét Lào thực sự là niềm tự hào, là hy vọng và chỗ dựa tinh thần cho nhân dân các bộ tộc Lào và cách mạng Lào. Trong bữa cơm chan hòa niềm vui hiếm có của tinh thần quốc tế và tình hữu nghị Việt – Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông mấy lần xúc động nhắc đến công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Lào. Hoàng thân cho biết trong lúc bị giam cầm trong nhà lao, hình ảnh thân thương của Bác đã giúp ông và các nhà lãnh đạo Neo Lào Hắc-xạt thêm sức mạnh để chiến đấu. Lần này về Hà Nội thế nào Hoàng thân cũng xin được gặp Bác để thăm và chúc sức khỏe Người.

Sáng hôm sau, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và anh Nguyễn Khang lên máy bay về Hà Nội, tôi trở lại Thuận Châu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:27:41 pm »

*
*   *

10 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1960, tôi nhận được bức điện của Bộ Chính trị do anh Văn ký, nội dung bức điện như sau:

Gửi đồng chí Chu Huy Mân.

Theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ Chính trị quyết định anh sang Lào giúp bạn. tình hình rất khẩn trương, anh thu xếp về Hà Nội ngay, càng sớm càng tốt.


VĂN

Rất may, hôm đó Thường vụ Khu ủy Tây Bắc họp chuẩn bị cho tổng kết năm và đề ra nhiệm vụ năm tới, các anh trong Ban Thường vụ Khu ủy có đủ cả: anh Lê Trung Đình, anh Trần Quyết, anh Bắc Dũng, anh Bình Phương và anh Quốc Mạnh. Văn phòng Khu ủy làm bữa cơm thân mật, chia tay tôi. Chúng tôi vừa dùng cơm vừa nói chuyện toàn giao công việc. Sau bữa cơm tôi chào mọi người, rồi ghé qua nhà tạm biệt vợ con.

Năm 1957, từ Lào về, nhà tôi Lê Thu Thủy, lúc này là Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang, sau nhiều năm xa cách chúng tôi mới có cháu gái Chu Minh Hà. Từ khi về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Tây Bắc, tôi chuyển gia đình từ Bắc Giang lên huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La. Tháng 8 năm 1959 nhà tôi sinh cháu trai Chu Thế Sơn(1) và tháng 9 năm 1960, cháu gái Chu Minh Châu chào đời.

Sau khi tôi đi Lào, nhà tôi lại đưa các cháu về Bắc Giang. trong điều kiện xa chồng, nhà tôi vẫn đảm đang việc nước việc nhà; làm Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ Bắc Giang, rồi Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội phụ nữ Hà Bắc; nuôi dạy các cháu khôn lớn và trưởng thành.

Đến thị xã Sơn La, tôi vào quân khu báo tin cho anh Bằng Giang, anh Vũ Nhất, anh Vũ Lập và anh Hồng Kỳ, đồng thời trao đổi một số công việc trước mắt. tôi đề nghị các anh tiếp tục giáo dục cho bộ đội thấy được vị trí của Quân khu Tây Bắc; tình hình Lào hiện nay rất phức tạp, bộ đội phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa Tây Bắc và sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế.

Làm việc với các anh trong Bộ tư lệnh Quân khu vài chục phút, tôi lại vội vã lên đường. Xe chạy qua Hát Lót, Cò Nòi, Mộc Châu rồi sang phía nam Chợ Bờ mới dừng lại một quán nước ven đường để lái xe nghỉ một chút cho lại sức. Quán nước có một con sáo nhỏ trắng nói tiếng người khác sõi: “bà ơi, có khách”. Có lẽ sáo chẳng biết phân biệt khách qua đường như thường lệ và khách trên đường đi ra chiến trường xa xôi.

Khoảng 12 giờ đêm ngày 10 tháng 12 tôi đã có mặt tại “Nhà Rồng” - Văn phòng Quân ủy Trung ương.

Mấy phút sau, anh Văn đến thăm bà hỏi một số công việc của khu và quân khu, trước khi ra về anh nói:

- Sáng mai anh Mân nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình của Lào. Anh nắm luôn những cán bộ cùng đi đợt này, chuẩn bị gấp rồi sang Lào giúp bạn.

Sáng chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 1960, cán bộ cơ quan Bộ Tổng tham mưu và tôi bắt đầu làm việc. Qua trao đổi tôi được biết kỹ hơn về biến cố chính trị hồi tháng 8, làm đảo lộn mọi sự tính toán của Mỹ và tay sai ở Lào. Chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 1960, giữa lúc hầu hết các bộ trưởng trong Chính phủ Xổm-xa-nít đi dự lễ hỏa táng nhà vua Lào Xi-xa-vang Vông, thì tiểu đoàn dù 2, một số đơn vị cơ giới, tiểu đoàn bộ binh số 25, một số phi đội không quân phối hợp với đông đảo học sinh, sinh viên Viêng Chăn dưới sự chỉ huy của đại úy Coong-le và Thao Dươn Xu-xa-lát làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Xổm-xa-nít vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 1960. Do được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, nên chỉ trong một thời gian ngắn được đảo chính đã chiếm đài phát thanh, ngân hàng, bưu điện, Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan quan trọng khác của chính phủ. Xổm-xa-nít và đa số các bộ trưởng đi dự lễ hỏa táng nhà vua nên không ai bị bắt.


(1) Trung tá Chu Thế Sơn, cán bộ Văn phòng Bộ Tổng tham mưu trong Đoàn cán bộ quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Trung tướng Đào Trọng Lịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu 13 cán bộ tướng lĩnh và cán bộ cấp cao khác đi thăm và làm việc tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, bị tai nạn máy bay và tất cả đã hy sinh hồi 10 giờ 20 phút ngày 25 tháng 5 năm 1998 tại tỉnh Xiêng Khoảng. Chu Thế Sơn là con trai duy nhất của Đại tướng Chu Huy Mân (người viết).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:29:16 pm »

7 giờ sáng cùng ngày, Ủy ban đảo chính đã ra tuyên bố kêu gọi nhân dân, binh lính, sĩ quan trong cả nước ủng hộ Ủy ban đảo chính và thông báo mục đích của cuộc đảo chính là: chống nội chiến, chống sự xâm nhập của đế quốc Mỹ, thanh trừng bọn tham nhũng, xây dựng một nước Lào độc lập, trung lập và phồn vinh. Về đối nội, Ủy ban đảo chính nêu ra một số chính sách cụ thể như: Chính phủ Xổm-xa-nít phải từ chức; thanh trừng những phần tử xấu ra khỏi quân đội và các cơ quan chính phủ; chấm dứt nội chiến, thực hiện hòa hợp dân tộc, thống nhất quốc gia; phát triển công - nông - nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân. Về đối ngoại, Ủy ban đảo chính đề ra một số chính sách cụ thể như: Thực hiện chính sách trung lập thật sự; tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, các hiệp nghị đã ký kết với các nước kể cả Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương; đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, nhận viện trợ của cả hai phe; đuổi quân đội nước ngoài ra khỏi Lào, xóa bỏ các căn cứ quân sự nước ngoài ở Lào.

Với những chính sách tiến bộ đó nên Ủy ban đảo chính đã được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, công chức, sĩ quan, binh lính, cảnh sát, các nhà tu hành, thân sĩ yêu nước.

Ủy ban đảo chính đặt tổng hành dinh tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hoàng gia và nắm trong tay toàn bộ quyền điều khiển về hành chính và quân sự.

Ngày 9 tháng 8 năm 1960, ngay sau khi quần đảo chính lật đổ Chính phủ phát động thân Mỹ Xổm-xa-nít và Phu-mi Nô-xa-vẳn, Ủy ban Trung ương Neo Lào Hắc-xạt đã ra tuyên bố: Hoàn toàn ủng hộ cuộc đảo chính và các chủ trương của Ủy ban đảo chính đề ra. Neo Lào Hắc-xạt sẵn sàng tiếp sức, đàm phán với Ủy ban đảo chính thực hiện đường lối do Ủy ban đảo chính công bố, lập lại an ninh và thực hiện hòa hợp dân tộc.

Phía Neo Lào Hắc-xạt cũng đưa ra một số đề nghị cụ thể: Nhanh chóng thành lập một chính phủ liên hiệp dân tộc gồm đại biểu các dân tộc, đảng phái yêu nước tiến bộ để thực hiện các đường lối, chính sách do Ủy ban đảo chính đề ra đã được chính phủ thông qua. Phát động phong trào đấu tranh sau cuộc đảo chính ra các tỉnh thành, nông thôn và đô thị trong các nước. Trừng trị bọn phản động tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, không để chúng tập hợp phản công lại. Lực lượng Pa-thét Lào và lực lượng đảo chính cùng nhau phối hợp hành động để chống lại bỏ âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ và bọn phản động. Ban hành những chính sách cụ thể bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân... Thả tất cả những người yêu nước, yêu hòa bình bị chính quyền thân Mỹ bắt giữ trái phép. Bảo đảm quyền tự do hoạt động của các đảng phái yêu nước tiến bộ trong đó có Neo Lào Hắc-xạt và Ủy ban hòa bình trung lập, cải thiện đời sống nhân dân.

Từ sau ngày 9 tháng 8 năm 1960, các binh sĩ yêu nước, dưới quyền lãnh đạo của Ủy ban bảo đàm an ninh ở Viêng Chăn. Nhiều truyền đơn nói rõ mục đích của cuộc đảo chính là đưa nước Lào ra khỏi nội chiến, thủ tiêu ách thống trị của bọn thân Mỹ. Các tầng lớp nhân dân ủng hộ đường lối chính nghĩa của Ủy ban đảo chính.

Trước khí thế đấu tranh và đòi hỏi chính đáng của quần chúng, Quốc hội Vương quốc phải bỏ phiếu không tín nhiệm chính phủ Xổm-xa-nít. Sau khi được Nhà vua đồng ý, Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma đứng ra lập chính phủ mới. Ngày 18 tháng 8 Quốc hội nhất trí biểu quyết tán thành chính phủ do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm thủ tướng. Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma tuyên bố chính phủ của ông kiên quyết đi theo đường lối hòa bình, trung lập, sẵn sàng nối lại hiệp thương với phái Pa-thét Lào.

Ngày 31 tháng 10 năm 1960, một số chính khách yêu nước đã có sáng kiến thành lập Ủy ban xây dựng hòa bình trung lập, hòa hợp dân tộc và thống nhất quốc gia. Nhiệm vụ của ủy ban này là thống nhất các lực lượng yêu nước và yêu hòa bình nhằm giúp Chính phủ Vương quốc thực hiện đường lối hòa bình trung lập và hòa hợp dân tộc. Trong chính phủ Phu-ma, những người trung lập yêu nước do ông Kin-nim Phôn-xê-na lãnh đạo ngày càng có thái độ muốn đi hẳn với lực lượng của Neo Lào Hắc-xạt. Trong khi đó, đại sứ Mỹ tìm cách vận động Phu-ma để cố gắng hòa giải giữa thủ tướng và phải hữu. Sau khi gặp đại sứ Mỹ, Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma đồng ý thương lượng với Nô-xa-vẳn. Trong những cuộc hội đàm diễn ra giữa hai bên ở Luông Pha-băng, lúc đầu Phu-mi Nô-xa-vẳn và vài bộ trưởng trong chính phủ cũ hứa hẹn sẽ về Viêng Chăn tham gia Chính phủ Phu-ma. Nhưng sau đó, Nô-xa-vẳn đứng ra thành lập cái gọi là “Ủy ban cách mạng” ở Xa-va-na-khệt do Bun Ùm làm chủ tịch. Chúng thách thức chính quyền của Phu-ma, tuyên bố đình chỉ việc thi hành hiến pháp của Vương quốc và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước. Sở dĩ chúng làm như vậy vì được sự ủng hộ của Mỹ. Từ giữa tháng 9, Mỹ liên tục chở vũ khí và trang bị cho quân đội phải hữu ở Nam Lào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:29:59 pm »

Những hành động ngang ngược của Mỹ và Bun Ùm, Nô-xa-vẳn đã đưa đến một kết quả trái ngược với mong muốn của chúng. Thủ tướng Lào từ chối không đáp ứng sự gợi ý của vua Xa-vang Va-tha-na triệu tập một cuộc họp giữa ba Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Xu-pha-nu-vông và Bun Ùm ở Luông Pha-băng. Hoạt động lật đổ của phái Nô-xa-vẳn và sự can thiệp trắng trợn của Mỹ làm cho Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma thấy rõ bộ mặt xấu xa của Mỹ, nên ông không còn con đường lựa chọn nào khác là liên minh với Neo Lào Hắc-xạt.

Ngày 11 tháng 10 năm 1960, Chính phủ Vương quốc bắt đầu đàm phán với đại diện Neo Lào Hắc-xạt ở Viêng Chăn. Ngày 18 tháng 11, hai hoàng thân gặp nhau ở Sầm Nưa. Hai bên nhất trí cho rằng việc thành lập một chính phủ liên hiệp có đại diện của các dân tộc, đảng phái yêu nước, kể cả Neo Lào Hắc-xạt, đáp ứng sự đòi hỏi của toàn dân, đấu tranh cho một nước lào độc lập, thống nhất, phồn vinh, hạnh phúc là cần thiết.

Thời gian này, Chính phủ Vương quốc chính thức lập quan hệ với Liên Xô và sẵn sàng nhận viện trợ của Liên Xô. Đồng thời cử một đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam và Trung Quốc.

Trong khi đó, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Viễn Đông đến Viêng Chăn gặp Phu-ma. Ông ta đặt điều kiện nếu Chính phủ Phu-ma thực hiện sẽ nhận được viện trợ của Mỹ. Ba điều kiện đó là: đình chỉ đàm phán với Pa-thét Lào; đưa Phu-mi Nô-xa-vẳn vào chính phủ và dời đô về Luông Pha-băng.

Cả ba điều kiện đã bị Hoàng thân Phu-ma khước từ. Nhà trắng thấy rằng chỉ còn một cách cuối cùng nếu muốn cứu vãn tình thế, đó là cho phép Bun Ùm và Nô-xa-vẳn tiến hành chiến tranh.

Chúng tôi đang trao đổi những diễn biến phức tạp trên và dự kiến một số tình huống có thể xảy ra thì anh Văn tới cùng nghe. Một lát sau được tin một sĩ quan thuộc Ủy ban đảo chính lái chiếc máy bay T28 từ Viêng Chăn sang hạ cánh ở sân bay Bạch Mai đưa thư của Chủ tịch Ủy ban đảo chính Coong-le gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Chính phủ Việt Nam có sự giúp đỡ khẩn cấp, trước mắt là cố vấn quân sự. Tôi đề nghị anh Văn cho dừng cuộc họp để làm công tác chuẩn bị và có thể đi ngay. Anh Văn đồng ý cho dừng cuộc họp và nói thêm một số vấn đề:

- Phía lực lượng cách mạng đang gặp khó khăn, Nhìn chung tình hình khó khăn hơn trước và chiều hướng xấu đi. Mỹ can thiệp rất thô bạo với Lào, trực tiếp chỉ huy các lực lượng tay sai triển khai chiến đấu hòng chiếm Viêng Chăn. Trên một mặt trận đang nóng bỏng, lại rất nhạy cảm về chính trị và ngoại giao như thủ đô Viêng Chăn, thì lúc này sự giúp đỡ của Việt Nam phải bí mật và nhanh chóng, chủ yếu là giúp ý kiến cho bạn Lào làm, không dùng lực lượng Việt Nam. Trường hợp giữ được Viêng Chăn hay phải rút khỏi Viêng Chăn đều phải sử dụng tốt lực lượng Coong-le để liên minh chiến đấu với Pa-thét Lào lâu dài, chĩa mũi nhọn chống Mỹ và phải cực hữu tay sai Mỹ. Anh Mân làm nhiệm vụ Trưởng đoàn cố vấn quân sự lúc này rất nặng nề và tế nhị. Ra trận một mình, rất gấp, lại thiếu hẳn một cơ quan tham mưu như lẽ thông thường càng khó cho anh hơn. Anh Mân làm cố vấn quân sự cho cả hai phải là Chính phủ Vương quốc và Neo Lào Hắc-xạt. Khi lâm trận thì làm cố vấn cho những người chỉ huy đánh trận. Điều đặc biệt là hợp tác với những người trong Chính phủ Vương quốc mà mình chưa hiểu họ, còn đánh giặc thì đánh bằng lực lượng của Quân đội Vương quốc, một quân đội mà mình không tổ chức, không huấn luyện, chưa từng chỉ huy họ, trong tác chiến gay go ác liệt họ có thể nghe theo mình, cũng có thể chống lại mình.

Dừng một lát, anh Văn nói tiếp:

- Sao giúp đỡ bên cạnh Trung ương bạn trong tình huống nào ta cũng cố gắng giữ cho được lực lượng trung lập, quan trọng là nhóm sĩ quan Coong-le để có điều kiện thực hiện liên minh chiến đấu, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất của cách mạng Lào. Tạm thời có thể không giữ được thủ đô Viêng Chăn. Những mục tiêu trước mắt của cách mạng Lào là khôi phục và tăng cường thực lực mở rộng ảnh hưởng chính trị, mở rộng địa bàn. Lực lượng trung lập đã đứng lên làm đảo chính thắng lợi, quan điểm chính trị của họ như thế nào cần phải nghiên cứu. Nhưng đề nghị với bạn cố gắng tranh thủ Coong-le, trước hết là phối hợp chiến đấu với họ.

Cuối cùng, anh Văn nói:

- Anh Mân sang Viêng Chăn nắm lại tình hình, chúng ta sẽ bàn với nhau qua điện đài. Bộ Tổng tham mưu sẽ tổ chức ngay nhóm chuyên trách theo dõi chiến trường Lào do anh Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách, cùng với một số cán bộ Cục Tác chiến, Cục Tình báo.

Tôi chào anh Văn và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:30:33 pm »

Anh Lê Đức Thọ từ nhà riêng điện thoại cho tôi. Sau khi hỏi một số công việc, anh Thọ nói: “Ý định anh Mân ở Tây Bắc lâu dài như đã nói trước đây, xem như không thực hiện được. Hôm nay không kịp gặp nhau, chúc anh lên đường thắng lợi”.

Tôi cảm ơn anh Lê Đức Thọ đã dành tình cảm cho tôi trước lúc sang Lào.

Anh Nguyễn Chí Thạnh gọi điện. Sau khi trao đổi một số công việc, anh Thanh nói: “Tình hình rất gấp, cậu cần đi sớm sang đó, có thực tiễn khi gặp nhau sẽ bàn kỹ hơn”.

Như vậy, sang Lào lần này tôi mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bộ Chính trị không những đã có riêng một nghị quyết về công tác giúp Đảng Nhân dân cách mạng Lào, lại giao cho đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh theo dõi và chỉ đạo giúp đỡ bên cạnh Trung ương bạn. Anh Lê Đức Thọ, anh Thanh cũng rất quan tâm đến vấn đề này, động viên tội trước lúc lên máy bay. Tất cả những vấn đề nói trên thầm nhắc tôi rằng phải nỗ lực và nỗ lực thật nhiều để không phụ lòng tin của Bộ Chính trị nói chung và lòng tin của anh Văn, anh Thọ, anh Thanh nói riêng. Tôi lên máy bay từ sân bay Gia Lâm sang Lào.

Chuyến bay ngoài tổ lại là người Liên Xô còn có tôi (Chu Huy Mân), anh Ngọc – sĩ quan quân báo, cậu Điền – công vụ cùng một tổ điện đài. Trước khi đóng cửa máy bay, mỗi người chúng tôi được phát một ba lô dù và hướng dẫn: Khi bay trên đất Lào nếu gặp máy bay địch tấn công thì thủ trưởng và các đồng chí theo cửa mở nhảy ra ngoài thì nhanh chóng bấm nút cho dù tung ra, xuống đất, theo hướng đông về Việt Nam. Tôi nói với anh Ngọc: Chả lẽ học nhảy dù đơn giản thế thôi sao? Nếu tình huống xảy ra như dự kiến, ta cứ nhảy và nhớ hô khẩu hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế vô sản muôn năm!”.

Từ trên máy bay nhìn xuống ai cũng thấy dãy Trường Sơn chạy theo hướng Bắc Nam. Rừng xanh bát ngát, những con suối uốn khúc, đến một đoạn nào đó từ dòng nước trong xanh tung lên bọt trắng khi chảy qua thác ghềnh. Đây đó những cụm dân cư, người H’mông đã sống lâu đời. Thật là bức tranh đẹp. Bức tranh ấy như nhắc nhủ mọi người hãy vì cái đẹp, con người và thiên nhiên mà cống hiến. Máy bay địch mấy lần lượn vòng quanh máy bay Liên Xô nhưng không dám hành động. Anh em ta nói đùa với nhau “có lẽ chúng đến chào những người khách quý”.

Sau gần hai giờ bay, đến 15 giờ máy bay hạ cánh xuống sân bay Vát Tày, Viêng Chăn an toàn. Từ cầu thang máy bay tôi đã thấy mấy anh em Pa-thét Lào và chiếc xe GMT to tướng ra đó. Xe chở chúng tôi về một gia đình cơ sở cách mạng ngoại ô phía bắc thủ đô Viêng Chăn. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Phun Xi-pa-xớt - Ủy viên Thường vụ Đảng Nhân dân cách mạng Lào và đại tá Sin-ka-pô - Ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc-xạt. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết. Anh Phun Xi-pa-xớt vừa nắm tay tôi vừa nói:

- Tôi được trên thông báo có cố vấn quân sự cấp cao của Việt Nam sang, tôi đoán và hy vọng người đó là anh, quả đúng vậy.

Chúng tôi cùng ngồi xuống sàn gỗ chung quanh tấm bản đồ khu vực Viêng Chăn. Anh Dĩnh – sĩ quan quân báo Việt Nam báo cáo:

- Được sự giúp đỡ của Mỹ, bọn phản động Thái Lan, bọn tay sai Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Phu-mi Nô-xa-ẳn ráo riết tập trung quân về đóng ở phía nam và tây thủ đô Viêng Chăn. Ngày 21 tháng 9 chúng đánh chiếm thị trấn Pạc-san (nam Viêng Chăn).

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thủ đô, Mỹ và Nô-xa-vẳn đã xúi giục bọn tay chân gây bạo loạn. Điển hình là cuộc đảo chính do tên đại tá Cu-ra-xít chỉ huy chiếm một số công sở nhưng đã bị các lực lượng yêu nước đánh bại. Ba ngày sau (9-12-1960), hơn 2.000 quân Thái Lan và quân ngụy Sài Gòn đổ bộ sang tây thủ đô Viêng Chăn. Bọn này dựa vào lãnh sự quán của chính quyền Ngô Đình Diệm ở ngay gần bờ sông Mê Công làm một đầu cầu. Hiện nay chúng đang triển khai quân từ căn cứ Chi-nai-nô ở phía nam thủ đô chuẩn bị tấn công vào Viêng Chăn…

Nghe anh Dĩnh báo cáo xong, chúng tôi chủ động đến gặp Coong-le – trong thời cuộc của đất nước Lào lúc bấy giờ thì Coong-le là một người có vị trí rất quan trọng – Chủ tịch Ủy ban đảo chính, Tư lệnh lực lượng vũ trang trung lập. Lúc này Coong-le và những người cộng sự gần gũi của ông ta như đại úy Két-xa-na, trung úy Đươn, trung úy Thoong-my đang rất lo lắng trước lực lượng tiến công ưu thế của địch. Họ đều nhìn chúng tôi với anh mắt “Các ông có thể giúp gì cho chúng tôi?”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:31:32 pm »

Giữa lúc chúng tôi đang bàn thảo thì pháo binh từ Noọng Khai (trên đất Thái Lan) bán sang các khu vực cửa ngõ Viêng Chăn. Coong-le và một số sĩ quan Vương quốc bắt đầu nao núng. Chúng tôi nói với Coong-le động viên binh sĩ trung lập nỗ lực chiến đấu chặn quân Phu-mi Nô-xa-vẳn. Quân địch chưa thể chiếm thủ đô Viêng Chăn trong vài ngày tới.

Trước tình hình quân đội Thái Lan nã pháo 105 ly và cối 120 ly vào thủ đô Viêng chăn, trong khi lực lượng quân đội Vương quốc lại không có pháo, tôi điện về Hà Nội, đề nghị anh Văn như một ngoại lệ đưa sang hai đại đội pháo binh với thành phần rút gọn, số còn lại sẽ bổ sung bằng các chiến sĩ Lào.

14 giờ ngày hôm sau, máy bay Liên Xô từ Hà Nội sang đem theo 1 đại đội lựu pháo 105 ly (2 khẩu) và 1 đại đội cối 120 ly (2 khẩu) với 29 cán bộ, chiến sĩ do trung tá Lê Kích chỉ huy. Anh em pháo binh ta triển khai ngay trận địa sẵn sàng đợi lệnh nổ súng.

Pháo binh Thái Lan từ Noọng Khai lại tiếp tục bắn sang Viêng Chăn chi viện cho bộ binh và thiết giáp của Nô-xa-vẳn tiến vào thủ đô. Nhân dân Viêng Chăn bắt đầu gồng gánh, xe thồ, xe đẩy dắt díu nhau sơ tán ra vùng ngoại ô. Trước sức ép của pháo binh Thái Lan, anh Lê Kích và Coong-le đề nghị cho pháo của ta đánh trả, tôi cân nhắc rồi quyết định bắn 10 quả đạn lựu pháo 105 ly vào trận địa pháo Noọng Khai, đúng lúc nó bắn sang đất Lào.

Anh Lê Kích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, buộc pháo binh Thái Lan “câm họng”. Sau đó pháo ta còn bắn vào một số cụm quân phái hữu triển khai ở căn cứ Chi-nai-mô phía nam Viêng Chăn, gây thương vong cho địch. Quân lính của Coong-le cũng như bản thân ông ta vui ra mặt, họ ca ngợi pháo binh Việt Nam bắn giỏi.

Tôi thống nhất một số quy đinh sơ bộ có tính nguyên tắc về quan hệ làm việc giữa chúng tôi và Coong-le. Coong-le và những người cùng đi phấn khởi sẵn sàng nói mọi chuyện, xem ra không có vẻ giấu giếm. Bắt đầu từ đây nảy sinh mối quan hệ tay ba: Việt Nam – Pa-thét Lào - Ủy ban đảo chính. Chúng tôi thống nhất với anh Phun Xi-pa-xớt và anh Sin-ka-pô những nội dung đã thống nhất thì Pa-thét Lào làm việc trực tiếp với Coong-le. Nếu Coong-le hỏi lại, chúng tôi nói đúng như đã bàn giữa chúng ta. Cũng có việc chúng tôi chủ động bàn với Coong-le, sau đó báo lại cho bạn biết. Cách làm việc này đã nâng cao uy tín của Pa-thét Lào, đồng thời nhiệm vụ giúp bạn đã xuất hiện điều kiện mới đòi hỏi cán bộ quân sự Việt Nam phải có cách nghĩ và cách làm mới để vừa đề cao vị thế Pa-thét Lào vừa nắm được lực lượng Coong-le.

Trận đánh hỏa lực đã cho chúng tôi một kinh nghiệm thức tế ở Lào, lúc này hơn lúc nào hết vai trò của hỏa lực pháo binh rất quan trọng. Quân Thái Lan và quân phái hữu rất sợ phản pháo. Dù chúng ta chỉ có hai đại đội, nhưng bộ phận pháo binh này do Lê Kích chỉ huy đóng một vai trò to lớn.

Lực lượng phòng thủ Viêng Chăn của bạn chỉ có 1 tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn thiết giáp 20 xe bọc thép AM và 1 đại đội Pa-thét Lào (36 người), cùng một bộ phận thanh niên Lào tình nguyện trong lực lượng trung lập, có 2 đại đội pháo binh độc lập, tổng cộng khoảng 700 người. Trong khi đó lực lượng phái hữu do Mỹ chỉ huy đông hơn ta nhiều lần. Một lực lượng của địch đã lọt vào Viêng Chăn, ấn nấp ở các sứ quán Mỹ, Thái Lan, ngụy Sài Gòn và trụ sở của cơ quan viện trợ Mỹ.

Cuộc chiến Viêng Chăn diễn ra theo cách quân địch tiến công vào tuyến phòng thủ bị quân đội Coong-le đánh trả chúng lùi lại củng cố, ngày hôm sau đánh tiếp. Chúng không dám trực tiếp đánh vào nơi quân Coong-le bố phòng. Một tuần lễ trôi qua, quân Nô-xa-vẳn chưa có khả năng đánh bại quân Conog-le. Quân Coong-le cũng không có khả năng đánh những đòn mạnh buộc quân phái hữu phải từ bỏ cuộc tiến công.

Nhưng tôi nhận thấy một vấn đề bất lợi cho bạn là kẻ địch dựa vào các bàn đạp trên đất Thái Lan, dựa vào quân đông nên chúng đã triển khai lực lượng chiếm dần các khu vực xung quanh Viêng Chăn. Sân bay Vát Tày, nơi quân Coong-le giữ làm đầu cầu hàng không nối Viêng Chăn – Hà Nội cũng bị uy hiếp. Trong lúc quân đội phái hữu ngày được tăng thêm lực lượng đánh chỗ này chỗ khác thì quân Coong-le hầu như không được tăng cường, chỉ giữ tuyến phòng ngự phía đông thủ đô Viêng Chăn. Phòng ngự đơn thuần là bị động và thất bại nếu không nói là chết – nghĩ như vậy cũng phù hợp với ý định dự kiến của lãnh đạo hai đảng Việt – Lào về tình huống phải rút khỏi Viêng Chăn đang trở thành hiện thực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:32:53 pm »

Ngày thứ tư, anh Bẩy và một bộ phận giúp việc bí mật từ Hà Nội bay sang Viêng Chăn. Mấy năm xa cách giờ gặp lại nhau giữa chiến trường nóng bỏng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Lúc này về phía Việt Nam có thêm anh Đào Việt Hưng và anh Đình Khánh. Chúng tôi bắt tay ngay vào bàn phương án. Anh Bẩy và tôi đã xem xét tình hình cùng thống nhất rút khỏi Viên Chăn.

Vấn đề lớn nhất cần tính đến rút khỏi Viêng Chăn Thì đưa lực lượng bạn đi đâu? Phải có một vùng sát căn cứ của Pa-thét Lào để làm chỗ dựa, làm địa bàn đứng chân cho họ, bảo đảm quân lính của họ không những không bị tan rã, mà còn củng cố được đội ngũ từ Viêng Chăn rút ra, xây dựng được lòng tin vào Pa-thét Lào cùng với Pa-thét Lào chiến đấu, liên minh lâu dài vì sự nghiệp lớn và cao cả của nhân dân các bộ tộc Lào.

Sau khi trao đổi với Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và những đồng chí đã từng hoạt động ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và Mường Phương, làm việc với anh Bẩy, tôi đưa ra ba phương án:

- Phương án thứ nhất, rút lực lượng về Sầm Nưa – một vùng căn cứ địa khá vững chắc của Pa-thét Lào. Nhân dân các bộ tộc ở đây đã qua mấy năm kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Sầm Nưa một tỉnh tập kết, một căn cứ quan trọng. Hơn ba năm Sầm Nưa là địa bàn đứng hân của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Mặt trận Neo Lào Hắc-xạt và phần lớn lực lượng vũ trang về tập kết. Qua mấy năm, mấy cuộc vận động giáo dục mở ra liên tiếp, nhân dân các dân tộc ở đây đã có nhận thức khá rõ về thủ, bạn. Sầm Nưa giáp Sơn La, Thanh Hóa (Việt Nam), giao thông vận tải tương đối thuận lợi. Nhưng địa bàn này chỉ có khả năng phòng ngự, ít có khả năng tiến công phát triển. Rút lực lượng về Sầm Nưa, bộ đội bạn phải băng rừng lội suối trên 500km. Hậu cần tiếp tế rất khó khăn. Lực lượng trung lập chưa được động viên giáo dục chu đáo. Họ chưa từng nếm trải khó khăn gian lao, lại có gia đình sĩ quan đi theo, chặng đường dài này khó tránh khỏi hiện tượng “ngang tắt” và không loại trừ họ có những hành động phiêu lưu. Điều quan trọng nhất trong phương án này rõ ràng là bất lợi về chính trị - từ lực lượng trung lập liên minh chiến đấu trở thành lực lượng sáp nhập với Pa-thét Lào. Cả địa lý tự nhiên và vị trí chính trị khó lôi kéo được Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Kin-nim và những nhân vật khác về hội tụ ở Sầm Nưa để mưu cầu việc lớn. Điều quan trọng nhất là cách mạng Lào không tận dụng được thời cơ nhanh chóng phát triển thế và lực, đã không phát triển tất nhiên khó khăn mới sẽ xuất hiện. Phương án này không thể lưa chọn.

Phương án thứ hai, rút lực lượng bạn về Mường Phương, một căn cứ rừng núi khá vững chắc về phía bắc thủ đô Viêng Chăn 100km. Mường Phương được xem như là một trong những căn cứ địa của tỉnh Viêng Chăn. Nhân dân ở đây đã trải qua mấy năm kháng chiến chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Trung ương Neo Lào Hắc-xạt. Được tuyên truyền giáo dục nhiều, hầu hết nhân dân một lòng đi theo cách mạng. Ở đây có mấy cánh đồng, không rộng lắm, nhưng nhân dân đủ ăn và có thừa chút ít. Nhưng giao thông liên lạc thực sự khó khăn, không có sân bay dù chỉ là dã chiến. Mường Phương ở vào thế sát Thái Lan xa Việt Nam. Phòng ngự, tiến công đều khó. Bộ đội tập trung ở đây lâu ngày sẽ phát sinh hiện tượng phức tạp. Có thể nói vị trí này rất thấp, cả về ý nghĩa chính trị, chiến lược, không có khả năng phát triển cách mạng Lào. Vị trí này càng khó lựa chọn.

Phương án thứ ba, mở cuộc hành quân đưa lực lượng bạn táo bạo, bí mật, bất ngờ tấn công tiêu diệt và làm tan rã quân địch giải phóng cao nguyên Cánh Đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng. Cơ bản là giải phóng một tỉnh phần đông là dân tộc H’mông. Cánh Đồng Chum là một cao nguyên ở Bắc Lào, hay nói Bắc Đông Dương cũng được. Sân bay Cánh Đồng Chum tuy lát bằng phên sắt nhưng máy bay vận tải của Liên Xô và của đối phương lên xuống thuận lợi. Sửa sang một chút ít có thể sử dụng loại máy bay hiện đại hơn. Hãng thông tấn Mỹ UPI ngày 31 tháng 12 năm 1960 nhận định: “Hệ thống sân bay này được coi là tốt nhất ở Lào”. Từ sân bay Cánh Đồng Chum đi về hướng nam mấy chục cây số đường ô tô thì đến thị xã Xiêng Khoảng. Ở đây có tỉnh đường của viên tỉnh trưởng, cơ quan hành chính các ngành của tỉnh Xiêng Khoảng, có mấy dãy phố của gia đình công chức và thường dân buôn bán. Từ Cánh Đồng Chum theo đường số 7 về hướng đông, đầu tiên bắt gặp thị trấn Phôn Xa Văn cao ráo rộng rãi với những rừng thông già bát ngát quang cảnh tuyệt đẹp. Qua một chặng nữa không dài lắm đến thị trấn Bản Ban, vị trí Noọng Het gần biên giới Nghệ An, Việt Nam. Giải phóng Bản Ban có thêm con đường ngựa đi sang tỉnh Sầm Nưa. Từ Cánh Đồng Chum đi theo đường số 7 về hướng tây bắc qua ngã ba Phiêng Luông đến Mường Sủi, bắc Păng Păng, ra ngã ba Xa-la-phu-khum. Đến đây rẽ phải đi Luông Pha-băng (kinh đô cũ của Vương quốc Lào) rẽ trái sang đường 13 đến thủ đô Viêng Chăn. Có thể nói giải phóng được cao nguyên Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, cách mạng Lào sẽ phát triển cao cả về thế và lực. Địa bàn này có vị trí chính trị chiến lược, rất có thể tập hợp được Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Kin-nim và những nhân vật khác để mưu tính việc lớn, đồng thời đây cũng là thời cơ thuận lợi cho công tác ngoại giao cả hai phía.

Cánh Đồng Chum là một cao nguyên có lợi thế về quân sự như cách mặt khác đã nói: Làm chủ được Cánh Đồng Chum có khả năng khống chế thủ đô Viêng Chăn, cố đô Luông Pha-băng về phía đông sát với hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An (Việt Nam). Cục diện chiến tranh Đông dương lần thứ hai có thể diễn ra, đế quốc Mỹ sẽ liên minh với lực lượng Xổm-xa-nít có thêm hỏa lực đổ bộ xuống Cánh Đồng Chum ngăn chặn đường tiến của lực lượng bạn. Trên dọc đường tiến công, bọn phỉ Vàng Pao có thể liên tục đánh tỉa gây khó khăn cho ta. Sau khi bạn về giải phóng Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Mỹ và ngụy Lào có thể có những hành động mà ta chưa lường hết. Cho nên bí mật, vượt khó khăn trở ngại, tranh thủ thời gian tiến công nhanh là những yếu tố quyết định.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM