Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:47:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thời sôi động  (Đọc 34032 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:19:45 pm »

Trung đoàn 176 cùng lực lượng địa phương đánh địch ở dọc đê sông Thao, Vĩnh Lại, Ngọc Tháp, thị xã Phú Thọ gây cho chúng nhiều tổn thất.

Trung đoàn 36 tổ chức trận phục kích trên đoạn đường số 2 từ Chân Mộng đến Trạm Thản diệt trên 400 tên, phá hủy 44 xe quân sự, có 17 xe tăng, xe bọc thép.

Ngày 27 tháng 11, sau những thất bại nặng nề quân địch buộc phải rút khỏi Phú Thọ.

Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, Trung đoàn 98 vượt sông Đà. Bên kia sông Đà là vùng địch kiểm soát, do vậy không thể bắc cầu phao qua sông. Chúng tôi yêu cầu chỉ huy Trung đoàn 98, tổ chức cho bộ đội huy động thuyền của dân, nếu thiếu thì tự làm bè mảng. cần tổ chức một bộ phận những người bơi giỏi sang sông trước để bảo vệ bến vượt; đồng thời kết hợp giữa người bơi giỏi với người không biết bơi hoặc chỉ bơi được chút ít để bảo vệ an toàn cho người và vũ khí.

Ngày 27 tháng 11, Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98) sau khi sang bờ nhanh chóng triển khai đội hình, chiếm giữ địa bàn có lợi, bảo đảm an toàn cho các đơn vị tiếp sau và tiến hành vây ép đồn Ba Lay. Đến đêm 6 tháng 12, các đơn vị của Đại đoàn 316 đã vượt sông theo đúng kế hoạch. Ngày 7 tháng 12 năm 1952, theo lệnh của trên, Trung đoàn 98 bàn giao việc vây ép vị trí Ba Lay cho Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) cơ động về làm lực lượng dự bị cho Trung đoàn 174 tiến công Mộc Châu.

Mộc Châu là vị trí án ngữ trên ngã ba đường số 6 và đường 41 từ Hòa Bình lên Sơn La và từ Mộc Châu qua Pa Háng sang Sầm Nưa (Lào). Đây là lá chắn, là vị trí then chốt cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và Thượng Lào. Nếu ta chiếm được Mộc Châu sẽ khai thông tuyến vận chuyển bảo đảm hậu cần chiến dịch.

Đồn Mộc Châu được xây dựng trên núi đá khá kiên cố; nhiều lô cốt, hầm ngầm, rào mìn bao quanh. lực lượng địch gồm một tiểu đoàn ngụy Thái, 2 đại đội com-măng-đô do tên quan ba Pháp chỉ huy. Trong đồn chúng còn có pháo, cối, trọng liên và nhiều loại vũ khí khác.

Trung đoàn 174 được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75 ly, 1 đại đội cối 120 ly là lực lượng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98) làm dự bị, Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) và Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) làm nhiệm vụ bao vây, đánh quân đổ bộ đường không và quân viện.

Đêm 19 tháng 12, phối hợp với Trung đoàn 88 đánh địch ở Chiềng Đông, Yên Châu vào Cò Nòi, Trung đoàn 174 được lệnh nổ súng vào cứ điểm Mộc Châu. Mặc dù công tác chuẩn bị rất chu đáo đến từng tiểu đội nhưng khi lực lượng đánh bộc phá nên phá rào mở cửa thì địch dùng hỏa lực đánh chặn. bộ đội thương vong nhiều trong đó có tiểu đoàn phó Khai Tâm hy sinh. Trước tình hình trên, chúng tôi điện cho anh Đặng Văn Việt xốc lại đội hình tiếp tục đột phá. sau một thời gian chấn chỉnh lực lượng, Trung đoàn 174 mở hướng tiến công mới trên hướng đông bắc. Trong đợt tiến công này có công lớn của trung đội trưởng Nông Văn Vương, anh đã dũng cảm thông minh, lợi dụng lúc hỏa lực ta chế áp vít đầu quân địch trong công sự nhanh chóng dùng bộc phá phá nào, rồi đánh chiếm lô cốt đầu cầu, từ đó phát triển phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm sở chỉ huy quân địch, tiêu diệt và bắt sống 350 lính lê-dương, trong có tên quan ba Pháp, thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch.

Trận đánh cứ điểm Mộc Châu của Trung đoàn 174 mở màn đợt 2 chiến dịch thắng lợi, con đường từ Hòa Bình lên Sơn La được nối liền.

Trên các hướng khác, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đang chiếm Mường Lụm, Bản Hoa, Ba Lay. Trước sức tấn công mạnh mẽ dồn dập của quân ta, định ở các vùng ven sông Đà từ Hát Lót đến Tạ Khoa và trên dọc đường 41 hoảng hốt tháo chạy. Bộ đội ta được lệnh truy kích địch giải phóng Thuận Châu, thị xã Sơn La và tiến về Điện Biên Phủ. Địch các nơi dồn về cố thủ Nà Sản, nâng tổng số quân địch ở đây lên 8 tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội pháo binh do viên tướng Gin chỉ huy, với ý định vừa bảo tồn lực lượng vừa bám trụ lại Tây Bắc, chờ thời cơ chiếm lại những vị trí đã mất. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc sớm hơn dự kiến.

Vùng giải phóng được mở rộng, lực lượng chủ lực của ta dồn lên Tây Bắc khá đông, vì vậy công tác bảo đảm hậu cần lúc này trở nên cấp thiết. Trước tình hình đó, trên điều tôi sang làm công tác hậu cần lo gạo đạn cho quân ta ở Tây Bắc trên đoạn ngã ba Xồm Lồm nên Yên Châu, Gò Nòi.

Thời gian này Đại đoàn 316 về đứng chân ở Mộc Châu, tranh thủ chấn chỉnh tổ chức huấn luyện bổ sung, chuẩn bị cho nhiệm vụ mới tiếp theo. Tư lệnh đại đoàn Lê Quảng Ba sức khỏe đã hồi phục, về dự tổng kết cùng với cán bộ đại đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:21:18 pm »

*
*   *

 Sau chiến dịch Tây Bắc, vùng giải phóng của ta đã mở rộng sát với Thượng Lào, tạo thuận lợi cho quân và dân Việt - Lào có điều kiện giúp đỡ nhau trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung.

Ngay sau khi thất bại ở Tây Bắc, Bộ Chỉ huy quân Pháp nhận thấy nguy cơ ta đánh sang Thượng Lào, nên chúng đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ. Địch tăng cường cho Sầm Nưa 2 tiểu đoàn, đưa quân số ở đây lên 3 tiểu đoàn (1.700 quân) và xây dựng thị xã Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm nhỏ. Trên những điểm cao chung quanh thị xã Sầm Nưa, chúng sửa chữa nâng cấp như ở Nà Sản, Việt Nam. Khu vực Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng địch cũng tăng thêm một tiểu đoàn. Tuy nhiên quân ngụy Lào chiếm 90% tổng số binh lực, chất lượng thấp, không có khả năng đương đầu với chủ lực ta.

Sau chiến thắng Tây Bắc, lực lượng ta khi bị tiêu hao, nhưng việc bổ sung lực lượng thời kỳ này không gặp khó khăn lắm. Thời tiết đang là cuối mùa khô, sông suối ít nước thuận lợi cho việc cơ động. Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Thượng Lào và đề nghị quân và dân Lào cùng tham gia nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng hậu phương cho kháng chiến; đồng thời tạo điều kiện để bộ đội rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm nhỏ, mặt khác ta cần duy trì thế tiến công liên tục để ngăn chặn địch tái chiếm Tây Bắc. Tôi được biết, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào rất tán thành chủ trương của ta và tích cực phối hợp.

Thượng Lào gồm 6 tỉnh: Luông Pha-băng, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông-xa-lỳ, Huội Sài, diện tích khoảng 135 nghìn ki-lô-mét vuông với trên một triệu dân. Thượng Lào chia làm hai vùng: Vùng rừng núi ở phía đông giáp Tây Bắc Việt Nam và vùng đồng bằng ở phía tây dọc theo lưu vực sông Mê Kông. Đường bộ từ Việt Nam sang Lào có đường số 7 từ Vinh (Nghệ An) đi Xiêng Khoảng. Đường số 6 từ Hòa Bình, Mộc Châu đi Pa Háng, Sầm Nưa. Từ Sơn La đi Sốp Nao có con đường ngựa thồ. Những con đường này đều hư hỏng nhiều, ô tô chỉ đi được từng đoạn ở phía Việt Nam. Về đường thủy có hai con sông là sông Mã và sông Chu đều bắt nguồn từ Sầm Nưa. Mở chiến dịch Thượng Lào khó khăn nhất là vấn đề tiếp tế từ hậu phương sang. Do vậy ta huy động 80 xe ô tô, gần 900 thuyền các loại, 2000 xe đạp thồ, 180 ngựa thồ và dân công cùng quang gánh.

Bộ chỉ huy chiến dịch, về phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tư lệnh, anh Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng, anh Nguyễn Chí Thanh – Chủ nhiệm chính trị, anh Trần Đăng Ninh – Chủ nhiệm cung cấp. Bộ Chính trị cử anh Nguyễn Khang - Ủy viên Trung ương đặc trách công tác ở Lào đi cùng. Về phía bạn Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vong – Thủ tướng Chính phủ kháng chiến, anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Sin-ka-pô – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; anh Thao Ma – Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa. Lực lượng của ta trên hướng chính gồm 6 trung đoàn: 3 trung đoàn thuộc Đại đoàn 308, 2 trung đoàn thuộc các đại đoàn 312, 304, Đại đoàn 316 sử dụng Trung đoàn 98, Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176). Hỏa lực gồm: 4 đại đội sơn pháo, 3 đại đội cối 120 ly, 2 tiểu đoàn súng 12,7 ly, 1 tiểu đoàn công binh và 1 đại đội trinh sát.

Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào thời gian này được tổ chức thành 3 đoàn công tác, mỗi đoàn có từ 4 đến 6 đại đội hoạt động ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha-băng. Lực lượng của bạn có khoảng 1.500 người, tổ chức thành 6 đại đội, 24 trung đội, chia ra hoạt động ở 3 tỉnh. Chỉ có 2 – 3 đại đội tập trung.

Trung đoàn 174 và Tiểu đoàn 970 (Trung đoàn 176) đứng chân ở Yên Châu và Mộc Châu bảo vệ hậu phương chiến dịch không cho địch chiếm lại Mộc Châu.

Đây là lần đầu tiên ta đưa một lực lượng lớn chủ lực sang giúp bạn nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh ủa liên minh chiến đâu Việt – Lào. Đảng ủy và chỉ huy đại đoàn chúng tôi đã tổ chức quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu đến từng cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là giữ vững kỷ luật trong quan hệ quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, phong tục tập quán, tính mạng và tài sản của nhân dân bạn.

Ngày 8 tháng 4 năm 1953, chiến dịch Thượng Lào bắt đầu. Từ nhiều hướng các đơn vị chủ lực ta lần lượt vượt qua biên giới. Trung đoàn 98 từ Mường Hung tiến về Sầm Nưa. Ngày 9 tháng 4, Đại đoàn 308 vượt sông Mã tiến vào đất bạn Lào. Ngày 10 tháng 4, các đại đoàn 312, 304 từ hai hướng cùng tiến quân vào nước bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:22:34 pm »

Theo lệnh của Bộ, chúng tôi điều Tiểu đoàn 888 đi trước áp sát thị xã Sầm Nưa. Chiều ngày 13 tháng 4, phát hiện được lực lượng của ta đang tiến về Sầm Nưa địch hốt hoảng tháo chạy. Chúng tôi lệnh cho trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 đưa bộ đội khẩn trương đánh địch. Anh Vũ Lăng phát lệnh cho Tiểu đoàn 888 hành quân cả đêm, đến Mường Hàm thì gặp địch. Tiểu đoàn 888 nổ súng gọi hàng và vây bắt được toàn bộ bọn ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa ngay trong đêm 13 tháng 4. Từ Sầm Nưa đi Xiêng Khoảng khá xa (200km), chỉ có đường mòn xuyên rừng núi, địa hình hiểm trở, với 1.700 quân có cả gia đình đi theo chắc chắn chúng không thể đi nhanh được. Chúng tôi phán đoán như vậy và động viên bộ đội gắng lên một bước thì giành thắng lội, chần chừ mà bỏ lỡ thời cơ diệt địch là có tội.

Cả Trung đoàn 98 xốc lại đội hình, đi như bay. Đến sáng 14 tháng 4, Tiểu đoàn 439 bắt kịp quân địch ở Nà Noọng. Đây là cơ quan chỉ huy phân khu Sầm Nưa, có tiểu đoàn biệt động ngụy số 8 và 2 đại đội của tiểu đoàn dù đi cùng bảo vệ. Tiểu đoàn 439 nhanh chóng triển khai chiến đấu. Bị đánh từ nhiều hướng, quân ngụy Lào không nghĩ đến việc chống cự, tháo chạy tán loạn. Ta diệt 52 tên, trong đó có viên quan ba Rút-xơ-lô – chỉ huy phó tiểu đoàn 8 ngụy Lào, bắt 228 tên, có 15 lính Âu – Phí và 5 sĩ quan Pháp (Đờ La-gác – tham mưu trưởng phân khu Sầm Nưa, Ơ-gien – tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 ngụy Lào, Pe-ranh Rơ-hơ, Moóc-văng đều là chỉ huy đại đội). Theo tài liệu của Pháp thú nhận, trong trận Nà Noọng chúng đã mất 40% quân số.

Sau khi làm chủ Nà Noọng, Trung đoàn 98 để lại một bộ phận thu dọn chiến trường, lực lượng còn lại tiếp tụ đuổi địch theo hướng Mường Pơn.

Trên hướng Đại đoàn 308, Tiểu đoàn 79 – bộ phận đi đầu của Trung đoàn 102 tới Hứa Mường thì được nhân dân cho biết quân địch vừa đi được 1 giờ. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 lập tức ra lệnh đuổi quân địch. Chỉ hơn 1 giờ sau bộ đội ta đuổi kịp chúng. Sự xuất hiện bất thần lần thứ hai của bộ đội ta trên đường quân ngụy Lào rút chạy là cho chúng mất hết tinh thần. Chúng không nghe theo lệnh chỉ huy người Pháp, vứt vũ khí đạn dược lao thục mạng vào rừng. Những sĩ quan Pháp cũng chẳng còn đường nào khác đành chạy theo lính ngụy Lào trong tình thế hoàn toàn tan vỡ. Bộ đội ta chia thành từng tốp vào rừng truy bắt quân địch, diệt một đại đội có 40 lính Âu – Phi, một quan tư và một quan ba chỉ huy tiểu đoàn này chết tại trận. Tiểu đoàn 79 bắt thêm 2 sĩ quan chỉ huy các đại đội dù.

Đến đây, 3 tiểu đoàn địch cùng với bộ máy ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa coi như bị xóa sổ.

Ở phía nam, Đại đoàn 304 diệt vị trí Noọng Hét, buộc địch ở Bản Ban và thị xã Xiêng Khoảng phải bỏ chạy.

Ở phía bắc, Trung đoàn 148 tiến công uy hiếp Mường Ngòi, Nậm Bạc (Luông Pha Băng).

Để mở rộng và củng cố vùng giải phóng, trên điều Trung đoàn 98 mở hướng tiến công lên phía bắc Luông Pha-băng, phối hợp với Trung đoàn 148 đánh địch ở Pắc Seng, Mường Ngòi. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung đoàn 98 sử dụng Tiểu đoàn 215 được lệnh hành quân gấp. Sáng 18 tháng 4, trên đường hành quân, Trung đoàn 98 nhận lệnh đuổi bắt tên quan năm Man-pơ-lát cùng với binh lính đồn Mường Hiềm chạy trốn đêm 17 tháng 4. Thực hiện nhiệm vụ trên, Trung đoàn 98 cho một bộ phận xuyên rừng chặn địch, lực lượng còn lại tiếp tục hành quân vào Pắc Seng. Ta đuổi địch cách Keo Nhôm 4km thì gặp chúng. Bộ đội ta nổ súng tiến công, quân địch hốt hoảng xin hàng. Ta bắt 50 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị. Đại bộ phận Trung đoàn 98 cách Pắc Seng 50km thì được tin Trung đoàn 148 đã tiêu diệt vị trí Mường Ngòi, địch ở Bản Le chạy về Bản Sẻ, một vị trí nằm giữa Mường Ngòi và Pắc Seng. Phán đoán địch có thể rút chạy, Trung đoàn 98 lệnh cho tiểu đoàn 938 tổ chức một lực lượng hành quân tới bao vây, không cho chúng dồn về Pắc Seng. Nhưng khi Tiểu đoàn 938 đến Bản Sẻ thì địch đã bỏ chạy. Ta tiếp tục truy kích đến mờ sáng ngày 26 tháng 4 gặp địch ở Hát Kéo. Mặc dù quân số it lại phải hành quân nhiều ngày liền, nhưng bộ đội ta vẫn quyết tâm chiến đấu, diệt 8 tên, bắt 60 tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Ngay đêm đó, một phần do quá mệt mỏi, một phần sơ hở mất cảnh giác, đơn vị đã để cho số tù binh này bỏ trốn hết.

Phát huy thắng lợi, Trung đoàn 98 phối hợp với Trung đoàn 148 tiến đánh Pắc Seng. Kết quả, ta diệt 36 tên, bắt 69 tên, thu toàn bộ vũ khí.

Mặc dù chiến dịch Thượng Lào đã kết thúc nhưng Trung đoàn 98 vẫn phối hợp với Trung đoàn 148 tiếp tục đánh Mường Khoa để phát huy thắng lợi của chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:23:10 pm »

Mường Khoa là cụm cứ điểm mạnh trên tuyến Nậm U, lực lượng địch ở đây có khoảng 300 tên do tên quan ba Tớt-đê-ê chỉ huy. Chúng xây dựng thành 4 cứ điểm nằm bên hữu ngạn sông Nậm U. Cứ điểm 1 ở vị trí cao nhất, khống chế toàn bộ khu vực, quân số 70 tên. Cứ điểm 2 có hình dáng như mâm xôi nên gọi là đồi Mâm Xôi, quân số 53 tên. Cứ điểm thứ 3 là sở chỉ huy tiểu khu, quân số 120 tên. Cứ điểm 4 là trụ sở bọn ngụy quyền Mường Khoa, quân số 50 tên.

Trung đoàn 148 sử dụng 1 tiểu đoàn tăng cường đánh các cứ điểm 3 và 4. Trung đoàn 98 sử dụng Tiểu đoàn 215 và Đại đội 729 đánh cứ điểm 1 và 2. Tiểu đoàn 439 làm lực lượng dự bị.

Theo kế hoạch tác chiến của Trung đoàn 98, Tiểu đoàn 215 đánh cứ điểm 1, Đại đội 729 bao vây cứ điểm 2. Khi dứt điểm cứ điểm 1 sẽ bức hàng cứ điểm 2, trường hợp cần thiết sẽ sử dụng Tiểu đoàn 439 tiêu diệt cứ điểm này.

0 giờ 45 phút ngày 18 tháng 5 năm 1953, trận đánh bắt đầu. Sau 30 phút chiến đấu, Trung đoàn 148 đã tiêu diệt hai cứ điểm 3 và 4. Ở hướng chính của Tiểu đoàn 215 do xác định sai cửa mở, hỏa lực bắn không trúng, đội hình tiến công bị địch chống trả quyết liệt nên không phát triển được. Trước tình thế khó khăn của Tiểu đoàn 215, chỉ huy Trung đoàn 98 tung lực lượng dự bị vào chiến đấu, nhưng cũng không làm thay đổi được tình thế. Trong khi đó, ở hướng thứ yếu của Tiểu đoàn 215 lại phát triển tốt, chiếm được lô cốt đầu cầu, tiêu diệt một số hỏa điểm địch. Thấy hướng chính gặp khó khăn, anh em đã chủ động đánh vào sau lưng địch làm chúng hoảng loạn. Tranh thủ thời cơ, chỉ huy Tiểu đoàn 215 cho bộ đội đồng loạt xung phong làm chủ trận địa. Ta bắt nhiều tù binh trong đó có tên chỉ huy cứ điểm 1.

Tại cứ điểm 2, tuy bị bao vây nhưng địch vẫn ngoan cố chống cự. Chỉ huy Trung đoàn 98 cho bộ đội siết chặt vòng vây, đồng thời đưa tên chỉ huy cứ điểm 1 vừa bị ta bắt kêu gọi đồng bọn đầu hàng. Hoang mang trước nguy cơ bị tiêu diệt, toàn bộ quân địch ở cứ điểm 2 hạ vũ khí ra hàng.

Mường Khoa được giải phóng, nhân dân các bộ tộc Lào vô cùng phấn khởi, họ mang đến cho bộ đội ta hoa quả, gạo nếp, gà, heo để bồi dưỡng cho anh em bị thương. Nhân dân còn tổ chức mai táng những chiến sĩ hy sinh theo phong tục của nước bạn. Đại đoàn 316 mãi mãi ghi nhớ những tình cảm thân thương mà nhân dân các bộ tộc Lào dành cho cán bộ, chiến sĩ đại đoàn trong những ngày chiến đấu trên đất bạn.

Phối hợp với Trung đoàn 98 ở chiến trường Thượng Lào, Trung đoàn 174 ở yên Châu, Mộc Châu đã bền bỉ bám sát địch, chặn đánh những cuộc hành quân của chúng từ Nà Sản ra vùng hậu phương của ta, diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị.

Tính chung trong chiến dịch Thượng Lào, ta và bạn đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã gần 2.800 sĩ quan và binh lính địch, chiếm một phần năm tổng số lực lượng địch ở Lào; giải phóng tỉnh Hủa Phăn, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phông-xa-lỳ, chiếm một phần năm diện tích Bắc Lào với hàng vạn nhân dân các bộ tộc Lào, nối liền vùng giải phóng của bạn sát với hai tỉnh Thanh Hóa và Sơn La của Việt Nam.

Ngay sau khi chiến dịch Thượng Lào kết thúc, Bộ chỉ huy chiến dịch mở hội nghị tổng kết và hội nghị cán bộ trong bộ đội tình nguyện Việt Nam có mặt ở Thượng Lào. Lễ mừng chiến thắng cũng được tổ chức sau đó tại ngôi nhà khá lớn giữa thị xã Sầm Nưa vừa giải phóng. Về phía Việt nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng và một số cán bộ của các Đại đoàn. Về phía bạn lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, anh Cay-xỏn Phôm-vi-hản và một số đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến. Trong buổi lễ mừng chiến thắng, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nói: “Sầm Nưa giải phóng là kết quả của bao nhiêu năm đấu tranh chống xâm lược của các bộ tộc Lào. Sầm Nưa giải phóng là kết quả của tình đoàn kết anh em giữa hai nước Việt – Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, của quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”. Tiếp sau buổi lễ mừng chiến thắng là tiệc mừng với món xôi được nấu theo kiểu dành riêng cho nhà vua do phu nhân của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trực tiếp làm. Sau đó mọi người hát Chăm-pa và múa Lăm-vông thâu đêm.

Theo yêu cầu của bạn, Bộ Tổng tư lệnh để lại Trung đoàn 98 về nước sau, cùng với các đơn vị tình nguyện ở lại thị xã Sầm Nưa và vùng Nậm Hu. Từ đây Sầm Nưa trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng lào trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:24:00 pm »

*
*   *

Thất bại của Pháp ở Tây Bắc, Thượng Lào và các chiến trường khác trong cả nước đã dẫn tới những thay đổi to lớn về lực lượng so sánh giữa ta và địch. Ở chiến trường chính, quân ta luôn lập được ưu thế binh lực và giữ quyền chủ động tiến công, buộc địch phải chấp nhận những hình thức chiến đấu và những chiến trường do ta lựa chọn. Tình hình trên đã đẩy địch vào tình thế nguy ngập. Quân viễn chinh Pháp mặc dù được tăng nhanh từ 338 nghìn quân (năm 1951) lên 465 nghìn quân (năm 1953) nhưng chất lượng lại rất kém. Vì vậy, chúng lúng túng giữa tập trung ra miền Bắc và phân tán chiếm đóng ở miền Nam, giữa tiến công ra vùng tự do và lo giữ vững chúng kiểm soát, giữa bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ hay bảo vệ Thượng Lào. Thất bại về quân sự và khó khăn về kinh tế, xã hội ở ngay nước Pháp đã làm nhụt ý chí xâm lược của giới cầm quyền Pháp.

Được Mỹ tăng viện trợ, những người cầm quyền Chính phủ Pháp tăng viện binh sang Đông Dương và tăng thêm quân ngụy. Đầu năm 1954, tổng quân số địch lên tới 480 nghìn.

Tháng 5 năm 1963, Chính phủ Pháp cả tướng Na-va – Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc đại tây dương làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Báo chí Pháp ca ngợi Na-va là viên tướng trẻ xuất thân từ tình báo được đào tạo trong những trường lớn và có tư tưởng tiến công, có khả năng tìm ra lối thoát trong những tình huống khó khăn.

Sau 2 tháng ở Đông Dương, Na-va lên kế hoạch tác chiến gồm hai bước. Bước thứ nhất, trong Đông – Xuân 1953-1954 giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tránh đương đầu với chủ lực của quân ta. Khẩn trương xây dựng lực lượng tổng dự bị chiến lược, đồng thời thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam và miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5. Bước thứ hai, với lực lượng cơ động chiến lược đã được xây dựng từ mùa thu năm 1954, chuyển toàn bộ lực lượng ra miền Bắc, mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quân sự, gây sức ép, buộc ta phải chấp nhận đàm phán tho những điều kiện do chúng đề ra nếu không chúng sẽ tiếp tục tiến công và tiêu diệt ta. Nội dung chủ yếu của kế hoạch Na-va là tổ chức khối chủ lực cơ động đến năm 1954 làm 7 sư đoàn cơ động chiến lược, gấp ba số binh đoàn hiện có.

Cả Pháp và Mỹ đều đặt niềm tin vào kế hoạch Na-va, họ hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động chiến lược và sẽ chuyển bại thành thắng. Kế hoạch Na-va là cố gắng cao nhất, đồng thời cũng là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Trong kế hoạch này, Na-va đã tính đế khả năng tiến công của quân ta, nhưng lại không đánh giá đúng sức mạnh của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện của nhân dân ta, không hiểu được thế và lực của quân đội ta, cũng như thế và lực đang xuống của chúng.

Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về nhiệm vụ quân sự Đông – Xuân 1953-1954, ra nghị quyết có ý nghĩa lịch sử. Bộ Chính trị phân tích cực diện chiến tranh ở Đông Dương và âm mưu mới của Pháp – Mỹ, khẳng định kế hoạch Na-va tuy có gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Đại bộ phận chủ lực của địch đã tập trung ở Bắc Bộ, chủ yếu là đồng bằng. Ở các chiến trường khác, nhất là rừng núi chúng có nhiều sơ hở và yếu.

Quán triệt phương hướng chiến lược của hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1 năm 1953) là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng. Bộ Chính Trị chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc. Ở đây ta có khó khăn lớn về tiếp tế, nhưng buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo ra thời cơ để ta tiêu diệt sinh lực của chúng.

 Bộ Chính trị dự kiến khi ta mở cuộc tấn công lên Tây Bắc có thể xảy ra chất công tích lớn đánh vào quân địch tăng viện ở vùng này.

Đó là những diễn biến chính trên chiến trường Đông Dương trong Hè - Thu năm 1953.

Thời gian này, sau chiến dịch Thượng Lào, theo lệnh của Bộ, Đại đoàn 316 đóng quân và hoạt động trên một địa bàn rất rộng. Đại bộ phận trung đoàn 98 làm nhiệm vụ bảo vệ và vận động quần chúng ở thị xã Sầm Nưa, 1 tiểu đoàn đứng chân ở đông bắc Luông Pha-băng. Trung đoàn 176 (thiếu) đứng chân ở Mộc Châu, còn một tiểu đoàn hoạt động mạnh gần Nà Sản. Đại đoàn bộ và Trung đoàn 174 hành quân về Cẩm Thủy, Thạch Thành (Thanh Hóa) làm nhiệm vụ chính huấn chính trị, huấn luyện bổ sung và củng cố tổ chức. Trung đoàn 174 có điều kiện tập trung, nên chúng tôi chỉ đạo sinh hoạt chính trị, huấn luyện quân sự đối với trung đoàn này, từ đó rút kinh nghiệm cho hai trung đoàn 98 và 176. Do đặc điểm vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa học tập huấn luyện nên các trung đoàn 98 và 176 luân phiên, cứ 2 tiểu đoàn học tập huấn luyện thì 1 tiểu đoàn hoạt động đánh địch từ xa và làm công tác vận động quần chúng.

Chủ trương trên đã đem lại kết quả tốt, tạo bước ngoặt trong nhận thức tư tưởng và quyết tâm chiến đấu cũng như trình độ kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn; nhất là kỹ thuật bắn súng, đánh bộc phá và chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:24:48 pm »

Kế hoạch tác chiến của ta trong Đông - Xuân năm 1953 - 1954 có mấy vấn đề lớn: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt địch, giải phóng Lai Châu. đề nghị bản Lào phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công ở Trung Lào tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng Phông-xa-lỳ. phối hợp với bộ đội Ít-xa-rắc (Cam-pu-chia) đánh địch mở rộng vùng giải phóng Đông Bắc Cam-pu-chia. tập trung phần lớn chủ lực Liên khu 5 mở cuộc tiến công lên Tây Nguyên.

Đây là kế hoạch chủ động mở cuộc tiến công quy mô lớn, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của Bộ, chủ lực của quân khu và bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Đồng thời có sự phối hợp giữa các chiến trường trong nước và giữa ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.

Như vậy kế hoạch tác chiến của ta buộc Na-va phải bị động đối phó. Na-va muốn tập trung binh lực, xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh. Trái lại, ý định của ta buộc địch phải phân tán đối phó, phá vỡ kế hoạch xây dựng khối cơ động tập trung của địch và điều từng bộ phận chủ lực của chúng ra những hướng ta đã chọn để tiêu diệt.

Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ, đầu tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 từ Thanh Hóa hành quân lên Tây Bắc. Trước đó, Trung đoàn 176 đã kết hợp cùng quân và dân tỉnh Sơn La tiêu diệt và bắt hơn 2.000 tên phỉ dọc đường 41, giữa tả ngạn sông Mã đến hữu ngạn sông Đà, mở đường cho đại đoàn tiến vào Tây Bắc. Khi đại đoàn hành quân đến dốc Cun (Hòa Bình), thì anh Lê Quảng Ba - Đại đoàn trưởng đi theo bộ đội, còn tôi được lệnh về Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nghe phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Nhìn lại khu rừng quen thuộc với những lán nứa đơn sơ, chúng tôi ai cũng có cảm giác như mình vừa mới đi xa về. Vẫn những con đường rừng quen thuộc, vẫn hội trường lợp lá cọ, thưng nứa dưới tán cây cổ thụ kín đáo, nhưng hôm ấy bỗng trở nên náo nhiệt. Ngày đầu hội nghị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp Thay mặt Tổng Quân ủy phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh trong chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953-1954. Sang ngày thứ hai, chúng tôi được trên thông báo tình hình mới: ngày 20 tháng 11 năm 1953, Na-va cho 6 tiểu đoàn dù nhảy xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Một tình huống chiến lược mới đã xuất hiện. Thế là trước sự uy hiếp của ta, địch phải bị động đối phó, phải phân tán một lượng cơ động lên Điện Biên Phủ. Chúng tôi bàn tán nói về sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị và tổng Quân ủy đã điều địch lên Điện Biên Phủ.

Ngày 23 tháng 11 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích: “vô luận rồi đây địch thay đổi thế nào, địch phải nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta. Nó bộc lộ mâu thuẫn của địch giữa phân tán trên đóng đất đai và tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng”.

Tối 23 tháng 11, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi tôi đến và giao nhiệm vụ, Đại tướng nói:

- Anh Chu Huy Mân về đại đoàn gấp, tổ chức cắt bằng được con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ, đồng thời giải phóng Lai Châu. Nếu địch bỏ chạy thì đuổi đánh đến cùng. Đại đoàn 316 sẽ mở màn thắng lợi cho chiến dịch Đông - Xuân.

 Tôi hứa với đồng chí Tổng Tư lệnh: Đại đoàn 316 quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ đồng chí đã giao. Tạm biệt đồng chí Tổng Tư lệnh, tôi hối hả ra về, đuổi theo cho kịp đơn vị. Phương tiện của tôi lúc đó cũng chỉ có chiếc xe đạp. Tôi ra Yên Thông nghỉ để sáng hôm sau đi sớm. Trong đầu tôi lúc đó luôn nghĩ: có lẽ Bộ Tổng tư lệnh đã có ý định sơ bộ, địch đã dấn thân lên Điện Biên, còn có cơ hội nào bằng!

4 giờ sáng hôm sau tôi vượt Đèo Khế theo đường đi Bình Ca (Yên Bái), đến đây tôi mua thêm mấy cân gạo và vài đôi má phanh xe đạp. Tôi đạp xe lên dốc, xuống đèo, má phanh siết vào vành xe khét lẹt. Đến đỉnh đèo Lũng Lô tôi còn chặt một cành cây khá to buộc sau xe. Đến ngày 25 tháng 11 năm 1953 qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo tôi mới gặp đơn vị. Tôi và anh Lê Quảng Ba hội ý thống nhất: Tập trung toàn bộ lực lượng đại đoàn vào hướng đông bắc Điện Biên Phủ. Đại đoàn bộ, Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 125 và Trung đoàn bộ Trung đoàn 98 hành quân theo hướng Tuần Giáo - Điện Biên đến Nà Tấu sẽ xuyên rừng vượt qua núi Pu San - Mường Pồn. Tiểu đoàn 938 làm nhiệm vụ bảo vệ Tuần Giáo, đề phòng địch nhảy dù đánh cắt hậu phương ta. Trước khi Trung đoàn 98 hành quân, tôi tranh thủ đến động viên anh em, tôi nói: “Địch đã bỏ Lai Châu rút chạy về Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đại đoàn ta là phải tiêu diệt cánh quân này không cho chúng về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy phát huy kinh nghiệm đuổi địch ở Thượng Lào và Trung đoàn 98, nắm vững thời cơ, kiên quyết đuổi đánh đến cùng, tiêu diệt địch đến cùng”.

Đã 20 ngày đêm hành quân không nghỉ, trèo đèo lội suối, băng qua đạn bom quân địch đánh chặn, ai nấy đều thấm mệt nhưng trước thời cơ tiêu diệt địch giải phóng Lai Châu, cả đại đoàn tràn đầy khí thế giết giặc lập công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:25:14 pm »

Đại đoàn bộ và Trung đoàn 174 từ Tuần Giáo theo đường Điện Biên Phủ hành quân qua Nà Tấu, vượt đốc Bống gặp con đường từ Mường Tòng về Điện Biên Phủ. Cạnh con đường này là sông Nậm Mức, mùa khô không sâu lắm, bộ đội có thể lội qua được.

Bộ phận đi trước của Trung đoàn 174 tới khu vực Mường Muôn – Mường Pồn triển khai đội hình chiến đấu sẵn sàng đánh quân địch từ Lai Châu chạy về.

Cùng thời gian này Tiểu đoàn 439 theo đường 41 tiến lên thị xã Lai Châu. Đến đèo Cơ-la-vô gặp địch, đơn vị tổ chức tiến công. Khi ta nổ súng tiến công, quân địch hốt hoảng bỏ chạy. Được nhân dân địa phương dẫn đường, ngay trong đêm 12 tháng 12, Tiểu đoàn 439 vượt qua cầu Sắt đánh chiếm và làm chủ thị xã Lai Châu. Thế là sau 8 năm kể từ Cách mạng tháng Tám thành công, thị xã Lai Châu mới được giải phóng.

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 1953, Tiểu đoàn 251 (Trung đoàn 174) cho 1 đại đội tiến xuống Mường Pồn. Phát hiện trong bản có địch, chỉ huy tiểu đoàn cho bộ đội bao vây. Địa hình ở đây trống trải, nên địch phát hiện được, chúng tập trung hỏa lực bắn dữ dội; đồng thời gọi máy bay từ Điện Biên Phủ lên đánh phá ác liệt quanh Mường Pồn. Các chiến sĩ Đại đội 674 từng tổ, từng tiểu đội yểm hộ nhau áp sát quân địch. Thấy lực lượng ta ít lại ở thế không có lợi, địch chia làm ba mũi đánh ra phá vây. Các chiến sĩ Đại đội 674 chiến đấu dũng cảm, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh cho tiểu đội Chu Văn Pù giữa lúc anh em đang gặp khó khăn, cả tiểu đội còn 4 người đang phải ngăn chặn một cánh quân địch. Tiểu đội trưởng Chu Văn Pù với khẩu trung liên đang lúng túng vì địa thế thấp không phát dương hỏa lực. Bế Văn Đàn lao đến trước Chu Văn Pù, anh quỳ xuống nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và giục Chu Văn Pù bắn. Sau một phút do dự, Chu Văn Pù siết cò. Hàng chục tên giặc gục ngã, cánh quân địch bị chặn đứng. Gương chiến đấu hy sinh của Bế Văn Đàn đã cổ vũ toàn đơn vị xông lên đánh tan quân địch.

2 giờ sáng ngày 13 tháng 12, Tiểu đoàn 251 được tăng cường Đại đội 317 bắt đầu nổ súng tiến công địch. Chỉ sau 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn ngụy số 301 và 1 đại đội vận tải.

Cũng vào những ngày này, cánh quân địch từ Điện Biên Phủ lên đón cánh quân từ Lai Châu chạy về cũng bị chặn đánh từ Bản Tấu đến Mường Pồn. Đường từ Mường Pồn đi Điện Biên Phủ bị chặn đứng, cánh quân từ Lai Châu phải chia thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất gồm các đơn vị ở Nậm Lầm, Sốp Nhom tìm đường xuyên rừng luồn về Điện Biên Phủ. Bộ phận thứ hai gồm tàn quân Mường Tòng, Mường Bum, Mường Chà ở vùng Pa Cối, Mường Mô tìm đường chạy sang Lào.

Chúng tôi sử dụng Tiểu đoàn 255 (Trung đoàn 174) hành quân lên hướng Mường Tòng phối hợp với Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) từ Lai Châu đánh xuống. Các tiểu đoàn 249, 251 (Trung đoàn 174) hành quân đến Nậm Lầm, Sốp Nhom. Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98) bố trí ở Mường Pồn để tiếp sức Trung đoàn 174 khi cần thiết. Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) đứng chân ở Mường Pồn sẵn sàng đánh địch từ Điện Biên Phủ lên Lai Châu và quân địch từ Lai Châu chạy về.

Chiều ngày 13 tháng 12 năm 1953, bộ phận đi Lai Châu của Tiểu đoàn 255 đến cách Mường Tòng 1km bắt liên lạc với Tiểu đoàn 439 từ Lai Châu tiến xuống. Hai cánh quân của ta gặp nhau, chỉ huy đại đoàn ra lệnh đánh Mường Tòng ngay. Quân địch ở đây chống cự yếu ớt rồi tháo chạy. Bộ đội ta truy đuổi ráo riết đến 21 giờ thì gặp địch, diệt được một số tên và bắt 24 tên, trong đó có tên quan ba Pháp Guy-éc-mít. Bọn địch sống sót chạy về Nà Pheo, chưa kịp hoàn hồn thì bị quân ta tiến công diệt gọn 1 đại đội. Tiểu đoàn 255, Tiểu đoàn 439 tiếp tục đuổi đánh địch về phía Sí Pa Phin, qua Mường Chà bắt gọn một tốp địch 36 tên, Tại Mường Nhí các chiến sĩ nuôi quân dùng mưu bắt 40 tên nữa.

Tại Sốp Nhom, Tiểu đoàn 249 và Tiểu đoàn 251 hành quân đến Huồi Mét gặp địch đánh tan 1 đại đội, bắt gần 40 tên, thu nhiều vũ khí. Đến đây mũi đuổi địch ở phía tây của Đại đoàn 316 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.

Trong 12 ngày đêm liên tục đuổi đánh địch trên mọi chặng đường dài 300km, Đại đoàn 316 thể hiện tinh thần chiến đấu rất cao, tốc độ tiến công nhanh, sức chiến đấu dẻo dai, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Trong cuộc đuổi địch này, đại đoàn đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch: đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 24 đại đội thu 528 súng trường, 148 trung liên, 5 súng cối, 12 máy thông tin, 200 lừa ngựa, nhiều quân trang quân dụng. Đặc biệt, đại đoàn tiêu diệt cánh quân từ Lai Châu rút về Điện Biên Phủ, đã giáng một đòn mạnh vào âm mưu tập trung lực lượng của Na-va.

Chiến thắng Lai Châu đã kết thúc vĩnh viễn 90 năm giặc Pháp thống trị địa bàn này, làm sụp đổ các chế độ phong kiến phản động, phá tan khối quân ngụy Thái, đập vỡ hoàn toàn âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của địch, chia rẽ các dân tộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:26:25 pm »

*
*   *

Tháng 12 năm 1953, địch ra sức tăng cường và củng cố Điện Biên Phủ. Chúng cho binh lính ngày đêm hoàn thành hai sân bay dã chiến ở Mường Thanh và Hồng Cúm, xây dựng hầm hào và trận địa. mỗi ngày máy bay vận tải chở hàng chục tấn đồ dùng quân sự. Xe tăng, pháo lớn được tháo rời từng bộ phận đưa lên lắp ráp tại chỗ. Địch thường xuyên có ở Điện Biên Phủ 20.000 tấn lương thực, đạn dược dự trữ.

Đến khi ta nổ súng tiến công, địch có gần 4 tháng để xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự ở Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, hai tiểu đoàn pháo 105 ly (24 khẩu), 2 tiểu đoàn cối 120 ly (20 khẩu), 1 đại đội trọng pháo 155 ly (4 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng (10 chiếc), 1 đại đội xe vận tải (200 xe ô tô) và 1 phi đội máy bay (14 chiếc).

Trong phạm vi một lòng chảo dài 11km, rộng 3km, địch xây dựng 49 cứ điểm, chia thành 8 trung tâm phòng ngự, có hệ thống hỏa lực yểm trợ nhau chặt chẽ, có giao thông hào đi lại thuận lợi. Mỗi cứ điểm có hằm hào tiến cố và hàng rào dây thép gai bao quanh từ 50 đến 200m xen lẫn là các bãi mìn. Tại Mường Thanh và Hồng Cúm có hai trận địa pháo. sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm nối tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với Hà Nội bằng sân bay Gia Lâm và với Hải Phòng bằng sân bay Cát Bi. Điện Biên Phủ còn được sự yểm trợ bằng máy bay chiến đấu cất cánh từ các sân bay Gia Lâm và Cát Bi.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chia thành ba phân khu: Phân khu Trung tâm nằm ở ngay giữa Mường Thanh, có 5 tiểu đoàn chiếm đóng, 3 tiểu đoàn cơ động. Tại đây được tổ chức hàng năm trung tâm để kháng bao bọc lấy cơ quan chỉ huy của tập đoàn. các trung tâm đề kháng đó là: Đồi D, phòng ngự hướng đông bắc gồm các cứ điểm D1, D2, E1, D3, 203, 204, 507, 508 do ba tiểu đoàn An-giê-ri trên giữ. Trung tâm để kháng Đồi A1 phòng ngự hướng đông và đông nam, là khu vực phòng ngự then chốt của trận địa trung tâm gồm các cứ điểm C1, C2, A3, 512, 506, 511, do tiểu đoàn 1 Ma-rốc và 2 tiểu đoàn ngụy Thái chiếm giữ. Trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh, phòng ngự hướng Tây Nam gồm các cứ điểm 309, 310, 311B, 305, 322, 603... do tiểu đoàn lê-dương chiếm giữ.

Phân khu Bắc gồm hai trung tâm đề kháng là đồi Độc Lập, do 1 tiểu đoàn An-giê-ri chiếm đóng và trung tâm Bản Kéo do tiểu đoàn ngụy Thái chiếm đóng.

Phân khu Nam (Hồng Cúm), có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta từ phía nam lên: lực lượng 1 tiểu đoàn lê-dương (tiểu đoàn An-giê-ri), 1 đại đội pháo 105 ly và 1 trung đội xe tăng (3 chiếc).

Địch cho rằng Điện Biên Phủ nằm giữa núi rừng Tây Bắc, rất xa căn cứ hậu phương ta, khiến ta hoàn toàn không có khả năng huy động hậu cần cung cấp cho bộ đội trong một thời gian dài cũng như sẽ gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển vũ khí nặng. Đó là chưa kể đến những trở ngại và tổn thất rất lớn mà quân Pháp có thể gây ra cho việc chuyển quân và tiếp tế của ta. Mặt khác, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đóng giữ thung lũng khá rộng, ta rất khó giải quyết vấn đề đưa bộ đội vượt qua cánh đồng bằng phẳng để tiến công. Từ những nhận định trên, Na-va chuẩn bị một cuộc đọ sức với chủ lực ta. Hắn coi Điện Biên Phủ là chiến trường lý tưởng được lựa chọn để “nghiền nát” chủ lực ta nếu ta mạo hiểm mở cuộc tiến công.

Ngày 14 tháng 1 năm 1954, cán bộ chỉ huy các đại đoàn được triệu tập về hang Thẩm Púa. Tôi gặp anh Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312; anh Vương Thừa Vũ, anh Cao Văn Khánh, Đại đoàn 308; anh Nam Long, Đại đoàn 304 và anh Phạm Ngọc Mậu, Đại đoàn 351.

Đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch trình bày tình hình chung trên các chiến trường. Đồng chí nêu quyết tâm của trung ương Đảng, của Bác Hồ trong việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất của quân đội ta. Trận đánh sẽ đánh dấu bước tiến vượt bậc của quân đội ta; đồng thời đánh bại cố gắng cao nhất về chiến tranh của quân đội viễn chinh Pháp. Sau đó, chúng tôi thảo luận hai phương án: “Đánh chắc, tiến chắc” và “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. “Đánh chắc” thì hướng chủ yếu là hướng đông; “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” lấy hướng tây làm chủ yếu. Hướng tây là hướng địch yếu hơn, từ hướng tây, chúng ta có thể đánh thẳng vào sở chỉ huy trung tâm, đầu não của tập đoàn cứ điểm. Sau khi thảo luận, chúng tôi nhất trí phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc “đánh chắc thắng” của Nghị quyết Trung ương lần thứ 4; chúng tôi cũng nhất trí rồi đây tình hình địch có thay đổi, Có thể chúng ta sẽ chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Cuối cùng, hội nghị hạ quyết tâm: tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Địch cố thủ kiên quyết đánh! Địch bỏ chạy kiên quyết truy! Địch tăng cường kiên quyết diệt!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:27:20 pm »

Theo kế hoạch ban đầu, bộ chỉ huy chiến dịch ấn định ngày nổ súng là 24 tháng 1 năm 1954. Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tiến công các cứ điểm A1, A2 và Khu C. Đúng ngày giờ quy định, toàn đại đoàn và các đơn vị bạn trong mặt trận đã chiếm lĩnh xong trận địa, sẵn sàng nổ súng. Giữa lúc đó, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh hoãn cuộc tiến công. Toàn đại đoàn lại bí mật rút khỏi trận địa. Bộ đội ngỡ ngàng trước lệnh rút quân. Về vị trí tập kết, bộ đội mới được giải thích, do tình hình địch thay đổi nhiều nên chủ trương: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” phải thay đổi thành “Đánh chắc, tiến chắc”, tạm dừng tiến công để chuẩn bị tốt các mặt như làm đường kéo pháo, xây dựng trận địa, vận chuyển lương thực, đạn dược…

Thực hiện chủ trương tác chiến mới, theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch, các đại đoàn làm đường kéo pháo và xây dựng trận địa tiến công. Đại đoàn 316 có nhiệm vụ làm con đường kéo pháo từ Nà Tấu qua cánh đồng Mường Phăng, con đường từ Bản Sôm đi Pú Hồng Mèo.

 Bộ chỉ huy chiến dịch cho đại đoàn 316 đưa lực lượng chốt giữ khu vực đồi Xanh, một dãy điểm cao nối tiếp nhau ngăn cách cánh đồng Mường Thanh với dãy Tà Lèng, nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng làm đường kéo pháo, xây dựng trận địa bao vây tiến công ở phía đông tập đoàn cứ điểm. cuộc chiến đấu giữ đồi Xanh diễn ra ác liệt suốt 32 ngày đêm, các chiến sĩ Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) đã đánh bại 6 lần tiến công của địch, tiêu diệt 680 tên, bắn rơi 2 máy bay, bắn hỏng 1 xe tăng.

Cùng thời gian này, các đơn vị của đại đoàn đã hoàn thành hai con đường kéo pháo dài 34km, với hai chiếc cầu từ 3 đến 15m, trước thời gian quy định.

17 giờ 10 ngày 13 tháng 3 năm 1954, 40 khẩu pháo 75 ly, cối 120 ly; lựu pháo 105 ly được lệnh nhả đạn. Đạn pháo cối của ta rót trúng Him Lam, khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, sân bay Mường Thanh, sân bay Hồng Cúm. Chỉ huy trưởng và phó cụm Him Lam cùng viên trung tá thuộc phân khu Trung tâm và cả ban tham mưu địch đều bị tiêu diệt trong đợt này.

Được pháo binh chi viện, các chiến sĩ Trung đoàn 141 Đại đoàn 312 ngoan cường chiến đấu, đến 23 giờ 30 phút hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam. hơn 200 tên bị diệt, 270 tên bị ta bắt làm tù binh. Mất Him Lam, bộ chỉ huy quân Pháp bàng hoàng và liên tục tung quân ra phản kích chiếm lại. Nhưng suốt ngày 14 tháng 3 quân địch ở Điện Biên Phủ phải lo đối phó với các cuộc pháo kích của pháo binh ta.

Đêm 14 tháng 3, ta mở đợt tiến công vào cụm cứ điểm đồi Độc Lập một cứ điểm cách trung tâm Mường Thanh 4km về phía bắc. Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308 do anh Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 chỉ huy đã chiến đấu từ 2 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 4, ta hoàn toàn làm chủ đồi Độc Lập. Địch bị ta diệt 483 tên, bắt 206 tên.

Hai trung tâm Him Lam và Độc Lập thất bại, tinh thần binh lính ở Bản Kéo suy sụp. 15 giờ ngày 17 tháng 3, sau khi ta bắn 20 lựu pháo, binh lính tiểu đoàn ngụy Thái kéo cờ trắng ra hàng.

Địch mất Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, cánh cửa tiến vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ta đã mở. để chuẩn bị cho tiến công vào trung tâm Mường Thanh, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ cho các đơn vị phải nhanh chóng xây dựng trận địa tiến công, bao vây quân địch ở khắp các hướng trong cự ly có hiệu lực của các loại súng bộ binh; đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với trung tâm Mường Thanh. Thực hiện kế hoạch trên, Đại đoàn 316 xây dựng trận địa từ Khe Chít xuống tây nam nối với trận địa của Đại đoàn 308 ở Cò Mị. Đại đoàn 312 xây dựng trận địa từ Huối Phạ vòng qua tây bắc đồi Độc Lập. Trận địa ba đại đoàn tạo thành vòng vây bao quanh khu trung tâm Mường Thanh. Ở phía nam, Đại đoàn 304 được tăng cường Tiểu đoàn 888 Trung đoàn 176 (Đại đoàn 316) làm trận địa chạy từ đông sang tây, cắt phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm.

Xây dựng, triển khai trận địa trong điều kiện gần địch, do vậy các đơn vị đều gặp không ít khó khăn. Đoạn đường do Đại đoàn 316 phụ trách phải qua nhiều núi đá. Những nơi cần phá đá, anh em công binh phải khoan đá đặt mìn xong xuôi để khi pháo của ta bắn vào Điện Biên Phủ thì đồng thời cho nổ mìn phá đá. Mọi công việc phải làm vào ban đêm và ngụy trang hết sức kín đáo. Những trận mưa làm cho hào đầy nước lầy lội. Chiến sĩ ta phải đầm mình trong bùn nước, đào từng mét công sự, hầm hào. Đến cuối tháng 3 năm 1954, đại đoàn đã đào được 34km đường hào, hơn 10 nghìn hầm hố lớn nhỏ, hàng chục trận địa hầm pháo; trận địa xuất phát xung phong của các trung đoàn 174 và 98 đã làm xong dưới chân các cứ điểm A1, C1.

Đợt 2 chiến dịch bắt đầu. Hướng tiến công của chiến dịch chuyển sang phía đông, lực lượng chủ yếu là Đại đoàn 316. Trung đoàn 174 có nhiệm vụ tiêu diệt đồi A1, Trung đoàn 98 tiêu diệt đồi C1, C2. Thời gian bắt đầu tiến công đợt 2 vào chiều ngày 30 tháng 3 năm 1954. Sau mấy ngày mưa trời đã tạnh, bộ đội ta chiếm lĩnh trận địa. 17 giờ 30 phút, pháo binh chiến dịch bắn chuẩn bị, cuộc tiến công lớn vào các cứ điểm pháo binh bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2018, 10:28:01 pm »

Trên hướng đông, Trung đoàn 98 do anh Vũ Lăng làm trung đoàn trưởng chỉ huy tiến công cứ điểm C1. Sau 45 phút, trung đoàn làm chủ cứ điểm, diệt 106 tên, bắt 30 tên lính Ma-rốc. Thừa thắng, trung đoàn điều Tiểu đoàn 215 tiến công sang C2 (một quả đồi thấp hơn dính liền với C1 bởi một “yên ngựa”. C2 nằm vào phía trong tập đoàn cứ điểm C1 án ngữ vòng ngoài).

Tiểu đoàn 215 dùng Đại đội 35 liên tục xung phong xuống C2. Kết quả, 1 trung đội đột nhập vào C2, nhưng ngay sau đó thì mất liên lạc. Về sau chúng tôi biết qua lời kể của tù binh: Những chiến sĩ của trung đội ấy đã chiến đấu với một tinh thần rất cao, làm cho binh lính địch khiếp sợ. Hết đạn, hết cả lựu đạn, họ dùng đến quả bộc phá cuối cùng, lao cả người và bộc phá vào đội hình quân thù. Tất cả những chiến sĩ ấy đều hy sinh trong tư thế chiến đấu hiên ngang, lẫm liệt.

Trận đánh C2 không thành.

Trên hướng Trung đoàn 174 tiến công A1, Trung đoàn 174 được tăng cường 1 đại đội súng cối 120 ly, 1 đại đội sơn pháo 75 ly được chi viện 1 đại đội lựu pháo 105 ly. A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất, làm điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía đông tập đoàn cứ điểm. Chiếm được A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa được khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù, tiến tới triệt hẳn tiếp tế đường không của địch. A1 còn là bàn đạp rất tốt để đánh vào khu trung tâm Mường Thanh. A1 vốn là đồn cũ do quân Pháp xây dựng từ năm 1940, sau được Nhật tu sửa thêm, nay được Pháp cải tạo, củng cố. Trên đồi có nhiều tuyến chiến hào giao thông liên hoàn. Dựa vào địa thế tự nhiên, địch chia A1 làm 3 tuyến phòng thủ. Ngoài cùng là tuyến chủ yếu, tuyến trung gian có đặt hỏa lực, tuyến trong cùng có mỏm đồi cao nhất là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Bên ngoài có 5 lớp rào dày trên 100m, xen kẽ nhiều mìn.

Trung đoàn 174 tổ chức đột phá hai mũi, đến 21 giờ 30 phút các mũi mở cửa xong, bộ binh xung phong đánh vào cứ điểm. Địch dựa vào hầm ngầm trên đỉnh đồi chống cự rất quyết liệt, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 174 diễn ra ác liệt. Trung đoàn đã tung hết lực lượng dự bị, nhưng đến sáng 31 tháng 3 cũng chỉ chiếm được một phần A1.

Đêm thứ hai, Bộ chỉ huy chiến dịch điều Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) sang hướng đông tiếp tục đánh đồi A1. Trung đoàn 102 (thiếu) do anh Hùng Sinh chỉ huy, anh Vũ Yên – Tham mưu trưởng đi sát giúp đỡ, anh Vương Thừa Vũ – Đại đoàn trưởng 308 tăng cường chỉ huy.

Đêm 31 tháng 3, Trung đoàn 102 và một bộ phận Trung đoàn 174 tiến công A1 lần thứ hai. Cuộc chiến đấu kéo dài đến ngày 1 tháng 4, ta chiếm được hai phần ba vị trí. Ban ngày địch tổ chức phản kích chiếm lại phần lớn trận địa. Đêm 1 tháng 4, ta tổ chức tiến công lần thứ ba cũng không thành. Trận đánh ở khu vực này kéo dài đến ngày 4 tháng 4, ta chỉ chiếm được một phần ba đồi A1. Bộ chỉ huy chiến dịch cho Trung đoàn 102 rút về củng cố và giao cho Trung đoàn 174 phòng ngự giữ phần đồi đã chiếm được.

Trên toàn mặt trận, đợt tiến công lần thứ hai tuy chưa thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, nhưng ta cũng giành được những thắng lợi quan trọng. Ta đã tiêu diệt được 3 tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, bắn rơi 4 máy bay, đánh chiếm 4 điểm cao quan trọng và một phần đồi A1.

Tại khu đông, địch còn giữ được C2 và phần lớn A1. Ta nhận định địch có thể đánh ra giành lại C1 để tạo thế bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Bộ chỉ huy Đại đoàn 316 lệnh cho Trung đoàn 98 tổ chức phòng ngự C1.

Trung đoàn 98, sau khi chiếm lại hoàn toàn C1 cử đơn vị công binh cùng 1 trung đội tăng cường của Đại đội 70 tổ chức phòng ngự. Suốt mấy ngày địch vẫn thường xuyên bắn pháo và cối lên C1 và khu vực trận địa xuất phát xung phong của ta. Phán đoán trước ý đồ của địch, sáng sớm ngày 10 tháng 4, Trung đoàn 98 điều 2 trung đội của Đại đội 28 lên tăng cường C1. Với ưu thế hơn hẳn về binh lực và hảo lực, 5 đại đội địch lần lượt mở nhiều cuộc phản kích. Đại đội 70 đánh bật địch trở lại, nhưng ta thương vong nhiều. 8 giờ, ta buộc phải lui xống giữa nửa đồi phía đông, điều tiếp Đại đội 28 đến tăng viện. Trước sức đánh trả của ta, địch phải co về củng cố tuyến mới chiếm được. Nhận thấy ta không dủ sức phản kích ngay, ta cho các đơn vị sửa chữa công sự bố trí lại lực lượng, kiên quyết giữ vững trận địa còn lại. Đồng thời, trung đoàn cũng điều bổ sung lực lượng tăng cường cho hướng này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM