Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:24:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thời sôi động  (Đọc 33897 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:47:44 pm »

Sau khi vào miền Bắc, quân Pháp liên tiếp vi phạm hiệp định. Chúng tăng quân, gây nhiều vụ xung đột, mở rộng phạm vi đóng quân ngoài những khu vực hiệp nghị quy định. Quá trình diễn ra các cuộc đàm phán ở Đà Lạt và Phông-ten-nơ-blô cũng là quá trình phía Pháp tiếp tục các hành động khiêu khích và lấn chiếm, kể cả sau khi tạm ước 14 tháng 9 đã được ký kết.

Cuối năm 1946, trên điều tôi ra Việt Bắc. Đối với tôi đây là dịp tốt được gần Trung ương để học tập và có dịp gặp Bác Hồ. Trên đường về Việt Bắc, tôi qua Hà Nội. Được sống ở một ngày ở thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phải sau 20 năm hy vọng, chờ mong điều ấy với tôi mới trở thành sự thật.

Tình hình chiến sự mỗi ngày một nóng lên. Ngày 19 tháng 10 năm 1946, Hội nghị quân sự toàn quốc khẳng định: Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp.

Đến Thái Nguyên, cơ quan Khu 1 đã chuyển ra chùa Hang. Tôi gặp anh Chu Văn Tấn(1) – Khu trưởng Khu 1. Sau khi hàn huyên, anh Tấn giao cho tôi làm trưởng ban kiềm tra (nhưng lại làm công việc của Ban tổ chức), có nhiệm vụ xây dựng cơ sở Đảng trong quân khu. Trước tình hình cấp bách, Khu trưởng lại giao cho tôi phụ trách một đoàn cán bộ đi kiểm tra hai con đường số 3 và số 2 chuẩn bị phương án đánh địch khi chúng tiến công Phú Yên và Thái Nguyên.

Càng về cuối năm 1946, khả năng hòa hoãn càng giảm, nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn cục càng gia tăng. Để giành chủ động trước tình thế chiến tranh không thể tránh khỏi, đêm 19 tháng 12 năm 1946 lực lượng vũ trang cả nước được lệnh nổ súng tiến công địch.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có sùng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.


Lời kêu gọi của Bác là tiếng gọi của non sông, là mệnh lệnh tiến công thôi thúc, giục giã mọi người dân Việt Nam đứng dậy cứu nước.

Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, chấp hành lệnh lệnh của Khu trưởng, chúng tôi tổ chức cho bộ đội phá cầu Đuống, phối hợp với Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Tiếp đó, chúng tôi tổ chức cho bộ đội hạ cây, phá hoại hai con đường số 2 và số 3, ngăn chặn địch tiến lên căn cứ địa Việt Bắc. Việc phá hoại các con đường lúc đó được coi là nhiệm vụ trung tâm của quân và dân ta.


(1) Đầu năm 1946, trong một lần anh Chu Văn Tấn vào Mặt trận Đường 9 – Đông Hà, chúng tôi gặp nhau, anh Tấn có ý xin tôi về Việt Bắc. Anh Chu Văn Tấn là người Tày, tôi họ Chu nên một số người cũng ngỡ tôi là người Tày.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:48:43 pm »

Mùa Hè năm 1947, trên quyết định tôi làm Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72 và tham gia ủy viên Quân khu ủy. Trung đoàn 72 lúc này gồm 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 43, Tiểu đoàn 49 và Tiểu đoàn 255. Tôi và anh Hoàng Xuân Tùy (chính trị viên trung đoàn) bắt tay ngay vào chấn chỉnh tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, huấn luyện, xây dựng quyết tâm chiến đấu của bộ đội.

Khoảng 8 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1947, chúng tôi đang kiểm tra bộ đội làm nhiệm vụ cắm chông chống địch nhảy dù ở khu vực Bờ Đậu, bỗng nghe tiếng của từng tốp máy bay chiến đấu, máy bay vận tải của địch từ Hà Nội bay về hướng Cao Bằng rồi lại quay về Hà Nội. Sau này, chúng tôi được biết, những người chỉ huy quân đội Pháp ở Pa-ri và Hà Nội đã huy động 2 vạn quân mở cuộc tiến công lớp lên Việt Bắc, nhằm đánh phá căn cứ địa và cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của ta, bằng hai gọng kìm. Ở phía tây, do binh đoàn Com-muy-nan từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 và sông Lô tiến lên Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang. Ở phía đông, do binh đoàn Bô-phrê, xuất phát từ Tân Yên, Đình Lập, theo quốc lộ số 4, hợp quân ở Lạng Sơn, đánh lên Cao Bằng.

Để đánh đòn bất ngờ, diệt cơ quan đầu não của ta và hỗ trợ cho hai cánh quân, ngày 7 tháng 10 năm 1947, địch đã thả 500 quân dù đổ bộ xuống thị xã Bắc Kạn và Chợ Mới. Tiếp đến, ngày 9 tháng 10 năm 1947 chúng ném 300 quân dù xuống chiếm thị xã Cao Bằng. Ngày 12 tháng 10 năm 1947, chúng tả tiếp quân dù xuống Na Sầm, Đông Khê, Chợ Đồn, nhưng quân Pháp đã vấp phải tinh thần chiến đấu của quân và dân ta ở các địa phương nói trên.

Quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Bắc Kạn (7-10-1947), Cao Bằng (9-10-1947), rồi nối Cao Bằng với Bắc Kạn, hình thành một gọng kìm ôm lấy căn cứ địa trên hướng đông – bắc, càn xuống phía nam vùng căn cứ chúng nghi là có cơ quan tổng hành dinh của ta.

Trước tình hình trên, anh Chu Văn Tấn cho gọi tôi và anh Hoàng Xuân Tủy về Bộ tư lệnh. Anh nói:

- Địch đã đổ binh đoàn quân dù xuống thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, mở đầu cho cuộc tiến công quy mô lớn hòng đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Các anh cho bộ đội cơ động theo đường Chợ Chu và Chợ Đồn đứng phía sau thị xã Bắc Kạn, phối hợp với lực lượng địa phương vận dụng các hình thức phục kích tập kích tiêu diệt từng bộ phận của địch, triệt để phá hoại đường sá, cầu cống, triệt đường tiếp tế của chúng, giúp nhân dân làm vườn không, nhà trống triệt để, phối hợp cùng nhân dân phòng gian, trừ gian.

Chúng tôi tổ chức cho trung đoàn hành quân bộ, cả ngày lẫn đêm qua Chợ Chu, vượt Đèo Khế, tới Chợ Đồn.

Đêm 30 tháng 11, chúng tôi sử dụng Đại đội 395, phối hợp với du kích tập kích đồn Phủ Thông, do một đại đội địch chiếm đóng. Bộ đội dùng thang vượt tường xông vào đồn địch dùng lưỡi lê, mã tấu, giáo búp đa đánh địch, diệt hơn 50 tên. Số còn lại tháo chạy. Trong trận này tiểu đội trưởng Chu Văn Vận chiến đấu dũng cảm diệt 9 tên địch, phá hủy 3 ổ hỏa lực, thu 3 súng các loại, được đơn vị suy tôn là chiến sĩ tiêu biểu. Trận đánh thắng chưa phải lớn, nhưng có tác động cổ vũ tinh thần của bộ đội.

Giữa tháng 11 năm 1948, anh Nguyễn Trọng Vĩnh – Chính ủy Quân khu 1, lên Bắc Kạn gặp tôi để cùng nhau bắt liên lạc với Tỉnh ủy Bắc Kạn. Cùng đi với anh Vĩnh có chính trị viên trung đội Nguyễn Hữu An.

Đầu tháng 1 năm 1948, chúng tôi tổ chức Đại đội 77 phối hợp với du kích Ngân Sơn phục kích địch ở Nà Tòng bắn cháy 2 xe quân sự, diệt 10 tên địch. Cuối tháng 1 năm 1948, Trung đoàn 72 tổ chức hàng loạt trận tập kích ở Bành Thạnh, phục kích ở Nà Tàn, tiến công đồn Nà Pặc, Lũng Vài, Lũng Phầy, Khuổi Đăm buộc địch rời khỏi các vị trí trên.

Tháng 2 và tháng 3 năm 1948, Trung đoàn 72 vừa chiến đấu vừa tranh thủ rút kinh nghiệm, vì vậy trình độ chỉ huy cán bộ ngày một khá hơn, tinh thần và khả năng chiến đấu của bộ đội cũng được nâng lên đáng kể.

Tiểu đoàn 55 đã chủ động đánh địch trên trục đường số 3 uy hiếp thị xã Bắc Kạn và Phủ Thông, trong đó có trận tiểu đoàn phối hợp với đơn vị bạn chặn đánh một đoàn xe 64 chiếc của địch từ Cao Bằng về Bắc Kạn từ ki-lô-mét 12 đến ki-lô-mét 15, phía bắc thị xã, diệt 60 tên lính Âu – Phi, phá hủy 3 xe quân sự, thu nhiều vũ khí và quân dụng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:49:33 pm »

Mùa Hè năm 1948, trên lại điều tôi lên Cao Bằng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74. Người thay tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72 là anh Đoàn Thế Hùng.

Khi tôi về Trung đoàn 74 làm trung đoàn trưởng và Bí thư trung đoàn ủy thì anh Dương Đại Lâm từ trung đoàn trưởng chuyển sang làm trung đoàn phó, anh Lê Quang Ấn làm chính trị viên, bí thư Trung đoàn ủy, chuyển sang làm phó bí thư. Sự thay đổi này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của anh Dương Đại Lâm và Lê Quang Ấn. Song ngay từ đầu nhờ sự chân thành của mỗi người nên đã tạo được không khí thân mật, đoàn kết trong ban chỉ huy. Đây là vấn đề quan trọng, là cơ sở để thống nhất với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Bộ đội Cao Bằng trong chiến dịch Thu – Đông năm 1947 đã lập công lớn. Trận địa phòng không của Đại đội 675, đã bắn rơi một máy bay quân Pháp ở cánh đồng Hòa Trung, thị xã Cao Bằng. Chiếc máy bay này có 12 sĩ quan cao cấp trong đó có đại tá Lăm-be – phó tham mưu trưởng quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Ta thu được toàn bộ bản đồ và kế hoạch tác chiến mùa đông 1947 của địch, giúp Bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh phương án đánh địch, góp phần làm thất bại hoàn toàn cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc, diệt và làm bị thương hơn 6.000 tên (có hơn 3.000 tên bỏ xác trên những nẻo đường rừng và những dòng sông) và 270 tên địch ra hàng.

Sau chiến thắng Thu – Đông, Trung đoàn 74 gặp nhiều khó khăn trong huấn luyện và trong nuôi dưỡng, nên đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng, nên có dư luận: “Không đánh được địch thì không cho ăn”, tạo không khí nặng nề trong đơn vị. trước tình hình trên, tôi sang tỉnh ủy gặp anh Bùi Bảo Vân – Bí thư Tỉnh ủy, anh Hồng Kỳ - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến cùng một số đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Tuy lần đầu tiếp xúc, chúng tôi trao đổi thẳng thắn, chân thành những vấn đề bức xúc của tỉnh mà chúng tôi quan tâm. Về phần Trung đoàn 74, tôi hứa với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chăm lo xây dựng củng cố quyết tâm của bộ đội để bộ đội đánh thắng. Các anh lãnh đạo và chính quyền tỉnh Cao Bằng lo kiếm gạo nuôi quân. Từ cuộc họp này, tôi và anh Hồng Kỳ trở thành đội bạn tâm đắc.

Cuối tháng 8 năm 1948, thực hiện chỉ thị của Bộ, đáp ứng yêu cầu của Quân khu Giang Tá (Trung Quốc), Trung đoàn 74 chúng tôi tổ chức thành một cánh quân sang giúp bạn đánh quân Tưởng mở rộng căn cứ địa Hoa Nam. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, Trung đoàn 74 đã giải phóng Thủy Khẩu, Long Châu, Hà Thạch, Hà Đống. Trong đợt chiến đấu này, Trung đoàn 74 có 9 chiến sĩ hy sinh, thi thể của anh em được mai táng gần Hạ Lang (Trung Quốc).

Mùa Đông năm 1948, ở Quân khu 1 rộ lên vụ H122, gọi là vụ gián điệp. Một bộ phận cán bộ quân đội bị bắt và tra tấn bừa bãi, do lãnh đạo sử dụng cán bộ phụ trách công việc này cực đoan, cơ hội, lộng quyền. Quân khu ra lệnh cho Trung đoàn 74 Cao Bằng bắt 27 cán bộ ở cơ quan và đơn vị, yêu cầu của trưởng phòng chính trị quân khu là phải bắt ngay và báo về quân khu. Tôi điện cho quân khu đề nghị kiểm tra lại, tỉnh táo đề phòng bắt ẩu tra tấn ẩu gây tổn thất về cán bộ nhưng không được quân khu trả lời.

Trung đoàn ủy chúng tôi họp hai lần, mọi người đều cảm thấy đây là một lệnh kỳ cục, nếu bắt 27 cán bộ như trong danh sách thì trung đoàn sẽ tan nát, nhưng không chấp hành lệnh của trên thì ra sao? Anh Dương Đạt Lâm và anh Lê Quang Ấn, vừa thấy lệnh bắt người không đúng lại vừa lo Quân khu đặt ra vấn đề kỷ luật. Về phần mình, tôi không đồng ý cho bắt cán bộ của đơn vị khi chưa có bằng chứng họ phạm tội, tôi cam đoan trước Trung đoàn ủy sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau đó tôi đến trao đổi với Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về vấn đề trên, các anh trong Thường vụ cũng đồng tình với quyết định của tôi.

Mấy tháng sau, Trung ương phát hiện vụ H122 là sai lầm và cử anh Trần Đăng Ninh lên Việt Bắc. Quân khu triệu tập hội nghị, anh Trần Đăng Ninh nghe các đơn vị lần lượt báo cáo số người bị bắt, số đã thả và số còn lại. Anh Trần Đăng Ninh chuyển sang hỏi Trung đoàn 74, tôi báo cáo:

- Trung đoàn 74 đã nhận được danh sách 27 cán bộ trong diện phải bắt ngay. Xét thấy anh em là cán bộ tốt, không có bằng chứng họ phạm tội nên chúng tôi không bắt ai cả, thành ra Trung đoàn 74 cũng không phải thả ai cả.

Mùa Xuân năm 1949, các mạng Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh. Quân đội Tưởng Giới Thạch đang thua to, chúng cố dồn lực lượng xuống bám giữ lấy Hoa Nam nên tình hình ở đây, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Trung – Việt gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó một vấn đề cấp bách đặt ra đối với cách mạng Trung Quốc lúc này là phải nhanh chóng phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở khu vực Hoa Nam để sẵn sàng đón quân giải phóng Trung Quốc tiến xuống giải phóng khu vực này. Tháng 3 năm 1949, Trung Quốc cử đại diện đến Việt Nam gặp Trung ương Đảng ta đề nghị cho một số đơn vị bộ đội Việt Nam cùng lực lượng của bạn mở rộng và củng cố vùng giải phóng Ung Minh, Long Châu, Khâm Châu nối liền với vùng biên giới Đông Bắc của ta.

Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho một số đơn vị đi làm nhiệm vụ quốc tế. Theo đề nghị của bạn, ta mở hai hướng, thành hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất ở phía tây dãy Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn núi lớn) thuộc huyện Long Châu. Mặt trận thứ hai ở phía đông Thập Vạn Đại Sơn, thuộc huyện Ung Châu và Khâm Châu. Hướng tây đánh trước, hướng đông đánh sau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:50:55 pm »

Mặt trận hướng tây do anh Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, tôi (Chu Huy Mân) làm chính ủy. Mặt trận phía đông do anh Lê Quảng Ba làm chỉ huy trưởng, anh Trần Minh Giang đại diện Giải phóng quân Trung Quốc – Biên khu Việt Bắc làm chính ủy.

Lực lượng tham gia ở hướng tây gồm có: Tiểu đoàn 73, Trung đoàn 74, Tiểu đoàn 35 (của Bộ), 1 đại đội sơn pháo 75 ly, 1 đại đội trợ chiến, 2 đại đội địa phương các huyện Văn Uyên, Thoát Lãng... Trước khi xuất kích vượt biên giới theo thỏa thuận với Quân khu Tả Giang – Long Châu, chúng tôi cấp cho mỗi cán bộ chiến sĩ một tấm quân hiệu bằng vải màu vàng in chữ Trung Quốc màu đỏ: “Trung Quốc nhân dân giải phóng quân – 35Đ” gài lên ngực áo. Tôi nói với anh em:

- Từ giờ phút này trở đi, chúng ta chiến đấu trên chiến trường Trung Quốc với danh nghĩa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, các đồng chí phải làm đúng 10 lời thề và 12 điều răn của Bác Hồ.

11 giờ đêm, vào lúc trời mưa, lạnh giá cũng là lúc quân ta bắt đầu vượt biên giới tiến vào đất Trung Quốc bao vây Thủy Khẩu – một căn cứ đối diện với Phục Hòa (Cao Bằng). Sở chỉ huy của chúng tôi đặt trên núi Bát Giác, một nơi có thể quan sát toàn bộ Thủy Khẩu.

Trong lúc các đơn vị chiếm lĩnh đánh địch ở Thủy Khẩu thì chúng tôi cho Đại đội 164 tiến sâu vào lòng địch, chiếm núi Độc Sơn để phối hợp tiến công Thủy Khẩu, đồng thời chặn đường rút của quân Tưởng từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống chạy về Long Châu.

Sáng hôm sau, mưa tạnh, chúng tôi ra lệnh tiến công Thủy Khẩu bằng những loạt đạn pháo 75 ly. Tiểu đoàn 73 vác cờ đỏ búa liềm tiến sát đồn Thủy Khẩu cùng những tiếng hô vang dội. Quân Tưởng dùng chiến thuật “quân dã ngoại giữ thành” của Nhật để đối phó lại ta. Chúng cho quân ra ngoài, chỉ để một bộ phận trong đồn bắn tỉa. Nhưng quân dã ngoại bị ta bao vây đã không dám nổ súng mà nằm rạp trườn đi từng thước trên mặt đất rồi tháo chạy về Long Châu. Chúng tôi ra lệnh cho bộ đội truy kích.

Sau hai ngày đêm bị quân ta trong đánh, ngoài vây, gọi hàng, toàn bộ quân địch ở Thủy Khẩu bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Trận này quân ta hy sinh mười một cán bộ, chiến sĩ.

Thủy Khẩu được giải phóng, chung tôi tiếp tục tiến đánh La Hồi, diệt và bắt một tiểu đoàn quân Tưởng ở chân núi Độc Sơn. Từ Long Châu, quân Tưởng đưa một tiểu đoàn xuống ứng chiến. Ngày 15 tháng 6 tiểu đoàn này bị bộ đội ta đánh dồn vào các hang đá ven bờ sông Tả Giang gần Hạ Đống. Đến sáng ngày 18 tháng 6 năm 1949, chúng kéo cờ trắng xin hàng. Thừa thắng, chúng tôi cho bộ đội tiến lên thị trấn Long Châu. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Tưởng tháo chạy và rút luôn các vị trí Thượng Thạch, Hạ Thạch, Ninh Minh.

Thế là cả một dải đất dài trên 30km từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống đến Long Châu chỉ trong vòng 15 ngày đã sạch bóng quân Tưởng. tại Long Châu, chúng tôi đã giúp cơ quan lãnh đạo địa phương mở rộng ảnh hưởng trong nhân dân, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang củng cố các khu vực mới giải phóng. Vũ khí, quân cụ thu được của địch khá nhiều, chúng tôi tổ chức bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Nhân dân Hạ Đống, Long Châu đốt pháo chào mừng quân giải phóng. Việt kiều ta ở đây mang bánh, hoa, quà gửi tặng cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, họ vui mừng khôn xiết.

Trong cuộc chiến đấu này, cánh quân của chúng tôi đã có 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và mấy chục anh em bị thương vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những người hy sinh được bạn và ta tổ chức an táng theo nghi lễ quân đội Trung Quốc, lĩnh cữu được phủ lá cờ đỏ búa liềm, có tiêu binh. Nơi an nghỉ của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nằm bên bờ sông Tả Giang.

Trên mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn, bộ đội Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương Khâu Châu, tiêu diệt hơn một trung đoàn trong số 3 trung đoàn quân Tưởng đóng ở khu vực này. Cánh quân hướng đông còn tiêu diệt và bức rút 10 trong số 12 vị trí của địch. Chiến thắng đã tạo điều kiện cho các khu căn cứ của bạn được nối liền một dải, phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp lại.

Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu – Đông năm 1947, tình hình trên chiến trường đã có sự chuyển biến mới. Ta càng đánh càng mạnh, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi có lợi cho ta, từ chủ động chiến dịch ta đã đi đến chủ động chiến lược một bước mạnh bạo hơn. Sự chuyển biến quan trọng ấy đặt ra đòi hỏi tiêu diệt địch, giải phóng đất đai. Để đạt yêu cầu chiến lược ấy, phải có những đơn vị cỡ trung đoàn mạnh, tiến tới các đại đoàn đánh những đòn quyết định.

Lực lượng vũ trang trong cả nước, xây dựng và trưởng thành đặc biệt là trên chiến trường chính Bắc Bộ. Do yêu cầu của nhiệm vụ chiến lược xây dựng các đơn vị chủ lực mạnh đáp ứng với cách đánh vận động chiến, Bộ Tổng chỉ huy đã có điều kiện xây dựng các trung đoàn mạnh và đại đoàn chủ lực của Bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:52:25 pm »

Ngày 9 tháng 8 năm 1949, địch rút khỏi thị xã và toàn bộ chiến trường tỉnh Bắc Kạn. Rõ ràng, thời cơ thôi thúc.

Theo chỉ thị của Bộ, Đại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209 được thành lập, tiếp sau là Đại đoàn 304. Đây là những đơn vị chủ lực đầu tiên của Bộ có nhiệm vụ đi tiên phong trên con đường vận động chiến.

Trung đoàn 174, quân số gần 4.000 người, hình thành từ các tiểu đoàn khá nhất của Trung đoàn 72 (Bắc Kạn), Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn). Khi về đứng trong đội hình Trung đoàn 174; Tiểu đoàn 55 Trung đoàn 72 đổi là Tiểu đoàn 255; Tiểu đoàn 73 Trung đoàn 74 đổi là Tiểu đoàn 251; Tiểu đoàn 386 Trung đoàn 28 đổi là Tiểu đoàn 249. Đây là những tiểu đoàn từng lập công lớn kể từ sau ngày toàn quốc kháng chiến. Tiểu đoàn pháo binh thành lập lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 253, biên chế 2 đại đội pháo 75 ly, mỗi đạo đội 2 khẩu, 1 đại đội cối 120 ly, 2 khẩu. Ngoài 4 tiểu đoàn trên, Trung đoàn 174 còn có 6 đại đội trực thuộc (1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội công binh, 1 đại đội cao xạ, 1 đại đội cảnh vệ).

Cơ quan trung đoàn tổ chức thành ban: Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Cung cấp, đều lấy những cán bộ có năng lực của hai trung đoàn 28 và 74.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... của 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn hợp lại, dũng cảm, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, số anh em người Kinh cũng nhanh chóng hòa mình sống và chiến đấu dưới ngọn cờ của trung đoàn

Ban chỉ huy trung đoàn gồm có tôi (Chu Huy Mân) - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy trung đoàn; anh Đặng Văn Việt - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 giữ chức Trung đoàn trưởng; anh Đoàn Trần Phong giữ chức Trung đoàn phó.

Sau khi có quyết định thành lập (ngày 19 tháng 8 năm 1949) Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Trung đoàn tổ chức những trận đánh phục kích lớn trên đường số 4 nhằm làm tê liệt, cắt đứt con đường chuyển chiến lược này của địch. Chúng tôi hạ quyết tâm trận đầu ra quân phải thắng. Trong trận đánh này, trung đoàn vẫn chọn khu vực đoạn Bông Lau - Lũng Phầy và khu vực Núi Đá - nơi tháng 4 năm 1949 địch đã bị diệt 53 xe các loại từ Bông Lau đến Lũng Phầy là một đoạn của con đường số 4. Địch biết ta vẫn thường phục kích ở đây, nên thường bắn phá và ném bom dữ dội nhưng chúng vẫn bị đánh đi đánh lại. Ban chỉ huy Trung đoàn xác định vấn đề: trong khi chuẩn bị chiến trường để chiến đấu giành thắng lợi là phải chủ động tìm tòi, sáng tạo và khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, thời gian này đơn vị có nhiều vũ khí tốt, nhiều phái viên của Bộ khi đến trung đoàn phải ngạc nhiên. Vấn đề là ở chỗ trên chiến trường Cao - Bắc - Lạng mấy năm qua cả trung đoàn đã thực hiện tốt khẩu hiệu: lấy súng địch đánh địch. Ngoài ra cả 3 tỉnh cũng quan tâm bồi đắp cho bộ đội.

Quá trưa ngày 3 tháng 9 năm 1949, một đoàn xe 150 chiếc từ từ tiến vào trận địa. Khi cả đoàn xe lọt vào trận địa gần hết, bộ đội được lệnh nổ súng. Chiếc xe đầu chạy thoát, chiếc thứ hai trúng đạn bốc cháy, các xe sau hoảng loạn dồn lên, gây ùn tắc cả đoạn đường. Hỏa lực ta áp đảo địch, tạo điều kiện cho các tổ xung kích từ khe suối xông lên mặt đường tiêu diệt địch. Trận đánh kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ thì kết thúc.

Kết quả, ta phá hủy 53 xe (có 16 xe tăng), diệt hơn 200 lính Âu - Phi, bắt 60 tên, (còn khoảng 300 tên bị thương ta thả ngay tại trận), đốt cháy 500 phuy xăng, thu trên 100 súng các loại và nhiều quân dụng.

Đây là chiến công đầu của Trung đoàn 174. Điều quan trọng là cán bộ chiến sĩ đã thực hiện thắng lợi quyết tâm trước trận đánh, mở đầu truyền thống của Trung đoàn 174 “đã đánh là phải thắng, thắng ngay trận đầu”.

Tiếp đến, ngày 15 tháng 9 năm 1949, trung đoàn tổ chức trận phục kích táo bạo ở Bản Nầm, phá hủy 26 xe, diệt hơn 100 tên địch. Ngày 17 tháng 9 năm 1949, trung đoàn lại tổ chức trận đánh ở đoạn Thất Khê đi Na Sầm diệt 26 xe địch, 1 tiểu đoàn bộ binh hộ tống. Với 3 trận đánh liên tiếp, Trung đoàn 174 đã chặt đứt con đường số 4 đoạn Na Sầm đi Cao Bằng. Từ tháng 12 năm 1949, địch không dám sử dụng đường bộ mà phải dùng máy bay tiếp tế cho đồng bọn ở Cao Bằng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:54:54 pm »

Trong thời gian Trung đoàn 174 bám đường số 4, chặn đánh giao thông địch, Đảng ủy trung đoàn chỉ thị cho anh Hoàng Tiêu Sơn - Trưởng ban chính trị Trung đoàn ra tờ báo (đúng ra là một tờ tin nội bộ) lấy tên “Chặt đường số 4”. Tôi còn nhớ một trang báo có đăng mấy vần ca dao chiến sĩ:

Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta bảo gió gió đừng rung cây
Đố ai biết được Vệ(1) đây
Bao đêm phục kích bao ngày hành quân

Mấy vần ca dao trên phần nào nói lên tinh thần lạc quan, niềm tự hào của người chiến sĩ trên mặt trận “Chặt đường số 4”, đồng thời nói lên sự phát triển của những đơn vị chủ lực từ Thu - Đông 1948 đến Thu - Đông 1949.

 Trung tuần tháng 12 năm 1949, Trung đoàn 174 vừa về tập kết ở Nước Hai, Cao Bằng, chuẩn bị tổ chức lễ thành lập. Cùng thời gian này có khoảng 20.000 tàn quân Tưởng của quân đoàn Bạch Sùng Hy bị quân giải phóng Trung Quốc tiến công đang tràn qua biên giới vào vùng Hà Quảng. Viên tướng họ Bạch, viết thư ngạo mạn đòi ta cung cấp gạo, thịt cho người, thóc cho ngựa, mở đường cho chúng vào Cao Bằng để nhập vào quân Pháp. Tôi nói với cán bộ lãnh đạo chỉ huy trung đoàn:

- Cái giống này chỉ già đòn non nhẽ, Hãy giáng cho chúng một đòn phủ đầu thật nặng. Địch mười nhưng chúng là tàn quân, bại trận, ta một nhưng là đội quân có tổ chức, bộ đội có tinh thần chiến đấu rất cao. Nhất định chúng ta sẽ thắng.

Tiểu đoàn 249 và Tiểu đoàn 255, một đại đội pháo 75 ly, một đại đội trợ chiến và một đại đội địa phương, bố trí khu vực cửa khẩu Sóc Giang chặt đánh cánh quân đông nhất của địch (10 nghìn tên) thuộc 2 Sư đoàn 19 và 119 của quân đoàn Bạch Sùng Hy.

Tiểu đoàn 251 làm nhiệm vụ đón lõng quân Tường ở Bông Lau - Lũng Phầy chặn không cho chúng xuống Thất Khê.

Cuộc chiến đấu ở Sóc Giang, Hà Quảng diễn ra quyết liệt. Quân Tưởng bị thương vong nặng không thể vượt qua những ngọn núi ở khu vực Na Giàng để thọc xuống Mỏ Sắt. chúng buộc phải bỏ lại lừa, ngựa, quân trang, quân dụng rồi theo đường biên đi về hướng Trà Lĩnh.

Trong trận này, anh Đoàn Trần Phong - Trung đoàn phó khi chỉ huy Tiểu đoàn 249 đã anh dũng hy sinh ở chợ Mỏ Sắt.

Chúng tôi lệnh cho Tiểu đoàn 255 hành quân gấp chiếm đèo Mã Phục, chặn quân Tưởng ở Trà Lĩnh về Cao Bằng, Tiểu đoàn 249 chiếm đèo Canh Phác (Quý Uyên).

Ngày 30 tháng 1 năm 1950, trung đoàn tổ chức một trận lớn, diệt khoảng năm nghìn tên, Số còn lại tháo chạy về bên kia biên giới. Bộ đội ta truy kích và bắt liên lạc được với quân giải phóng Trung Quốc. Ta và bạn phối hợp chiến đấu ở Bình Nghị diệt 1.000 tên, 4.000 tên hạ vũ khí đầu hàng. Trước khi Trung đoàn 174 lui quân, quân giải phóng Trung Quốc tặng tôi một số súng đạn, trong đó có mấy khẩu pháo 75 ly.

Sau trận thắng oanh liệt quân đoàn Bạch Sùng Hy, trung đoàn về Nước Hai - Cao Bằng đón xuân Canh Dần, làm lễ ra mắt ở bản Nà Niêm xã Đức Long, Hòa An, Cao Bằng, có lãnh đạo, nhân dân địa phương cùng dự vui vẻ.

Sau tết bộ đội vào Trùng Khánh “luyện cán, chỉnh quân”, chuẩn bị chiến trường theo nhiệm vụ mới là đánh cứ điểm địch. Quân số trung đoàn thời kỳ này gần 5.000 người, vũ khí được trang bị khá hơn trước. Vũ khí trước đây của trung đoàn nhiều kiểu nhiều loại do lấy được của địch, nay được trang bị thống nhất bằng vũ khí Liên Xô và Trung Quốc. Tiểu đội có trung liên, trung đội có đại liên hạng nhẹ, đại đội trợ chiến của tiểu đoàn có đại liên Mác-xim, cối 81 ly. Trung đoàn có 12 khẩu 12 ly 7 bắn máy bay. Đại đội pháo binh phát triển thành tiểu đoàn mang phiên hiệu 253 được trang bị 6 khẩu 75 ly và rất nhiều đạn.

Từ tháng 2 năm 1950 biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có đoạn khai thông. Đảng, Nhà nước ta có điều kiện tiếp xúc với Trung Quốc, Liên Xô. Các đoàn cán bộ của bạn đến, các đoàn cán bộ của ta ra nước ngoài đều qua biên giới Cao Bằng. Trung đoàn 174 vinh dự được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ bảo vệ đưa đón các đoàn đến và đi an toàn trong đó có đoạn của đồng chí La Quý Ba với cương vị là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đoàn của đồng chí Lê-ô Phi-ghe - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm nước ta.


(1) Vệ: Nói tắt của Vệ quốc đoàn, chỉ bộ đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:55:47 pm »

Một sự kiện đáng ghi nhớ nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 là được bảo vệ Bác Hồ đi Trung Quốc và Liên Xô. Khi Bác đi, Tỉnh ủy Cao Bằng đón tiếp, chúng tôi cử một số đại đội của tiểu đoàn 251 và 255 bố trí bảo vệ từ đoạn Quảng Uyên đến Trùng Khánh. Khi Bác đi Liên Xô về, tôi được lệnh cùng anh Hoàng Tiêu Sơn - Trưởng ban chính Trị Trung đoàn đến Pò Peo (Trùng Khánh) sát Trịnh Tây đón Bác. Một đại đội quân giải phóng Trung Quốc đã bảo vệ Bác và đưa Bác vào đất ta ở Trùng Khánh. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác. Khó nói hết niềm vui khi được trông thấy Người. Đêm hôm đó Bác nghỉ trong cơ quan huyện ủy do Trung đoàn 174 bảo vệ. Chúng tôi tổ chức lửa trại, liên hoan ca múa cùng với đơn vị quân giải phóng Trung Quốc đến nửa đêm.

Mùa hè năm 1950, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng thảo luận và đánh giá tình hình đã đi đến một quyết định có tầm quan trọng đặc biệt. Về tình hình thế giới, Hội nghị cho rằng, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa làm cho thế của ta thêm mạnh. Thực dân Pháp ngày càng bị động lúng túng. Trước tình hình đó, ta tranh thủ thời cơ giành một số thắng lợi lớn về quân sự.

Tháng 6 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới Với mục đích là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và thế giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh là Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Các lực lượng tham gia chiến dịch gồm phần lớn là các đơn vị cơ động chiến lược của Bộ: Đại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn pháo binh 95, Tiểu đoàn 209, Tiểu đoàn 426, Tiểu đoàn 428, Tiểu đoàn 888 và một số đại đội địa phương của hai tỉnh Cao Bằng Lạng Sơn và mười vạn dân công.

Phương án lúc đầu là tiến công địch ở thị xã Cao Bằng, Nhưng sau khi nghiên cứu tình hình thực địa, đồng chí Tổng tư lệnh phát hiện chủ trương tiến công vào thị xã Cao Bằng mở màn chiến dịch theo phương án đã định là chưa chính xác. Ngày 16 tháng 8 năm 1950, Đảng ủy mặt trận họp bàn định lại phương án tác chiến thấy rằng thị xã Cao Bằng nằm giữa hai con sông Bằng và sông Hiên, có thành cổ với nhiều công sự nổi và chìm án ngữ con đường chính vào thị xã, có hệ thống đồn trại, pháo đài phòng ngự kiên cố do hai tiểu đoàn địch đóng giữ nên có nhiều vấn đề chiến thuật bộ đội chưa đáp ứng được. Đối chiếu với những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, đánh thắng trận đầu, đánh nhỏ trước đánh lớn sau, vừa đánh vừa học... Hội nghị Đảng ủy mặt trận thấy chủ trương đánh thị xã Cao Bằng trước là không đúng và đề nghị Trung ương đại cho đánh Đông Khê trước. Đề nghị này được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ đồng ý.

Khi phân tích đánh Đông Khê, Bác nói: ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi định tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê địch buộc phải cho quân ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động. Quân ứng cứu địch đã tan thì địch khó giữ nổi Cao Bằng, chúng rút khỏi Cao Bằng ta đánh càng thuận lợi.

Thực hiện tư tưởng của Bác, kế hoạch tác chiến chiến dịch Biên Giới chia làm 4 bước: tiêu diệt Đông Khê, đánh quân ứng cứu lên Đông Khê, đánh Thất Khê và đánh Cao Bằng.

Như trên đã nói, Trung đoàn 174 thời kỳ này có khoảng 5.000 quân, trước khi mở chiến dịch Bộ Tổng Tham mưu đặt điều của trung đoàn 2.000 quân và một số vũ khí. Tuy vậy, trung đoàn vẫn sung sức. Bước vào chiến dịch, Trung đoàn 174 được tăng cường Tiểu đoàn 246 và 6 khẩu sơn pháo 75 ly. Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho Trung đoàn là đơn vị chủ công đánh vào Đông Khê từ bắc xuống. Trung đoàn 209 đánh Đông Khê từ phía nam lên. Trung đoàn 36 làm lực lượng dự bị và đánh quân nhảy dù.

Đêm 15 tháng 9 năm 1950, Trung đoàn 174 bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa. 5 giờ sáng ngày 16 tháng 9, các đơn vị đã vào vị trí quy định sẵn sàng chờ lệnh.

Đông Khê là cụm cứ điểm bao gồm khu trung tâm (trong đó có Đồn To) nằm trên ngọn đồi nổi lên giữa thị trấn Đông Khê là quan trọng và vững chắc nhất. Vòng ngoài còn có bảy vị trí tiền tiêu.

Ngày 26 tháng 5 năm 1950, Trung đoàn 174 đã đánh công kiên cứ điểm Đông Khê, diệt trên 1 đại đội Âu - Phi, 1 đại hội quân ngụy. Nhưng ngay chiều 26 tháng 5 địch đổ quân chiếm lại Đông Khê, chúng tăng cường củng cố, đào thêm hầm ngầm, giao thông hào, có nắp từng quãng. Vòng ngoài địch xây dựng gần như mới, có thể thống dây thép gai dày đặc, bố trí thêm những hỏa điểm bí mật để sát thương quân ta. Ở phía bắc và đông bắc cứ điểm (Trung đoàn 174 đột phá lần trước) địch cải tạo địa hình thành khoảng trống, khi vận động bộ đội ta phải phơi mình dưới làn đạn địch.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2020, 06:05:37 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:56:51 pm »

Mặc dù Trung đoàn 174 đánh Đông Khê lần thứ nhất thắng lợi, được nhiều người khen; một số cán bộ cơ quan tác chiến của Bộ còn sửng sốt, coi 174 đánh thắng Đông Khê như một chuyện lạ ngoài trí tưởng tượng của họ. Nhưng tôi cho rằng, đánh Đông Khê lần thứ nhất là sự ấu trĩ về mưu lược. Ngay khi bàn phương án, thái độ của tôi dứt khoát là không đánh. Vì ta đánh Đông Khê quân Pháp bị bất ngờ, có thể chúng thua trận này, sau đó địch chiếm lại, tăng cường phòng ngự sẽ gây khó khăn cho ta khi vấn đề giải phóng biên giới đặt ra.

Nhân đây tôi nói lại một sự kiện, đầu tháng 8 năm 1995, một số anh em cán bộ Trung đoàn 174 đã nghỉ hưu và tôi đến thăm anh Văn. Trong câu chuyện chúng tôi có nhắc đến trận Đông Khê lần thứ nhất. Trước sau tôi vẫn cho trận đánh đó là sai lầm. Anh Văn cũng cho là sai. Anh hỏi:

-Sao lúc ấy anh Mân không điện về Bộ?

Tôi trả lời:

- Tôi có điện về Bộ và Tổng cục Chính trị nhưng không được trả lời!

Thế là quan điểm về trận Đông Khê lần thứ nhất sau nhiều năm đã được giải quyết.

Trở lại trận Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới.

6 giờ sáng ngày 16 tháng 9, pháo binh ta đồng loạt đạn vào cứ điểm Đông Khê. Tiểu đoàn 249 được phân công đánh chiếm các cứ điểm ngoại vi. Tiểu đoàn 251 đánh hướng chủ yếu từ phía bắc xuống.

9 giờ sáng ngày 16 tháng 9, Tiểu đoàn 249 chiếm được cứ điểm Yên Ngựa, 10 giờ sáng làm chủ Phìa Khóa rồi phát triển xuống Khu nhà thương.

Tiểu đoàn 251 mặc dù được pháo binh chi viện như cả ba lần tiến công đều không thành. Tuy là hướng tiến công lần trước nhưng địa hình địch đã cải tạo lại bằng phẳng, trống trải khác trước nhiều, địch lại tập trung hỏa lực các loại vào đó, tiểu đoàn bị thương vong nặng (Hơn 200 cán bộ chiến sĩ). Lần thứ hai trung đoàn tăng thêm lực lượng tiếp tục đột phá, diễn biến đúng như lần thứ nhất, bộ đội tiếp tục bị thương vong gần 200 người mà vẫn không tiến lên được. Ở phía nam, Trung đoàn 209 lúc đầu tiến công thuận lợi nhưng vào sâu đã bị địch chặn lại. Sau một ngày đêm chiến đấu quyết liệt trung đoàn 174 đã chiếm được cứ điểm Yên Ngựa, Phìa Khóa và Cạm Phầy, khép vòng vây quanh Đồn To. Địch tuy bị thiệt hại nhưng chúng lợi dụng hầm ngầm cổ thủ đồng thời tung lực lượng ra phản kích, cố đẩy ta ra ngoài.

Trước tình hình trên, chúng tôi đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch xin chuyển hướng đột phá sang hướng Đông Bắc. Trong lúc chúng tôi đang chấn chỉnh lại bộ đội chuẩn bị cho đợt tiến công mới, thì nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển chỉ thị của Bác: dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu. Chúng tôi phổ biến nhanh chỉ thị của Bác đến từng chiến sĩ, đồng thời sắp xếp và tổ chức lại lực lượng chuẩn bị cho đợt tiến công mới. Sau này chúng tôi được biết từ mờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950 Bác Hồ mặc bộ quân phục lên điểm cao quan sát trận đánh. Tại đây Người đã chỉ thị cho chúng tôi đánh cho kỳ thắng trận đấu.

17 giờ ngày 17 tháng 9, các đơn vị đồng loạt tiến công vào trung tâm Đông Khê, trung đoàn tổ chức mở hướng mới, chiếm nhiều vị trí trong thị trấn nhưng khi tiến công lên Đồn To thì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch, một số cán bộ thương vong. Trong lúc khó khăn, Lý Văn Mưu, quê Cao Bằng đã bò đến từng ngách hầm thu thập các gói thủ pháo gom lại thành khối thuốc nổ hơn chục ki-lô-gam rồi giật nụ xùy từ tuyến xuất phát lao lên. Bị địch bắn bị thương, Mưu vẫn ráng sức áp sát người và khối bộc phá ép vào thành lô cốt. Bộc phá nổ, lô cốt giặc sụp đổ, quân ta ào lên. Trên hướng mở đông bắc, xuất hiện La Văn Cầu, chiến sĩ bộc phá bị trúng đạn nát cánh tay phải. Cầu nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay cho đỡ vướng rồi tiếp tục dùng tay trái ôm khối thuốc nổ lao lên dập tắt hỏa điểm địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị đánh vào Đồn To.

Trận đánh then chốt Đông Khê kéo dài đến 1 giờ sáng ngày 18 tháng 9 năm 1950 kết thúc thắng lợi. Ta diệt và bắt sống trên 500 tên, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2020, 06:05:20 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:57:55 pm »

Đông Khê mất, tuyến chiến lược đường số 4 của địch bị cắt đứt. Trước tình hình trên, Bác dự kiến có thể địch sẽ chiếm lại Đông Khê để giữ Cao Bằng hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút về. Người còn cho rằng đây là thời cơ nhử thú dữ vào tròng để “khép chặt lưới thép” tiêu diệt chủng.

Đúng như dự kiến của Bác, sau thất bại Đông Khê, bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định rút quân khỏi Cao Bằng. Mặt khác chúng vét hết lực lượng dự bị chiến lược ở Bắc Bộ mở cuộc hành quân lên Thái Nguyên hòng kéo chủ lực ta về giao chiến vào đây để đỡ đòn cho mặt trận biên giới.

Về ta, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định kiên trì tập trung lực lượng ở hướng chính là biên giới, tiêu diệt cả hai binh đoàn địch, tập trung lực lượng tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ trước, sau đó diệp binh đoàn Sác-tông, Lực lượng địch ở biên giới bị tiêu diệt ắt chúng sẽ phải rút khỏi Thái Nguyên.

Sau chiến thắng Đông Khê, trung đoàn 174 nhanh chóng ổn định tổ chức và cơ động xuống nam Thất Khê trú quân ở Khuổi Lích, Bản Bẻ, Đèo Khách sẵn sàng diệt những đồn quanh Thất Khê và ngăn chặn viện binh từ Na Sầm lên.

Trong hai ngày 3 và 4 tháng 10 năm 1950, chớp thời cơ quân địch chuẩn bị rút chạy, tiểu đoàn 255 diệt đồn Na Leng, Tiểu đoàn 249 diệt đồn ở Đèo Khách, Tiểu đoàn 251 diệt Na Cam. Ngày 4 tháng 10, chúng tôi nhận lệnh của Bộ: địch đã rút khỏi Cao Bằng, Trung đoàn 174 hành quân gấp về Thất Khê.

Sáng ngày 3 tháng 10 năm 1950, binh đoàn Sác-tông rút khỏi thị xã Cao Bằng. Ở hướng chính các trung đoàn 36, 88, 209 chỉ còn một phần ba quân số, còn đại bộ phận phải đi vác gạo nên không đơn vị nào còn nguyên quân số xuất kích. Hơn nữa phần lớn cán bộ lại đi nghiên cứu Thất Khê. Tuy vậy, khi có lệnh các đơn vị đã dồn quân số xuất kích tiến công địch ở dãy điểm cao Nà Mục, Chốc Ngà, Khâu Áng và Khâu Luông. Trận đánh kéo dài suốt ngày 3 và 4 tháng 10. Địch tổn thất nặng buộc chúng phải dạt sang phía tây đường số 4 với ý định tiến dần lên dãy núi Cốc Xá đón quân Sác-tông ở Cao Bằng về. Dãy núi đá vôi Cốc Xá cách Đông Khê 7km về phía tây nam, khu vực này có những điểm cao 477, 760, 765, 649, địch lợi dụng địa hình hiểm trở ở đây để bố trí phòng ngự.

Ngày 5 tháng 10, 4 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 cùng tiến quân đến khu vực Cốc Xá hình thành thế bao vây, tất cả đã sẵn sàng đợt tiến công quyết định.

Ngày 7 tháng 10, ta bắt đầu nổ súng tiến công, quân địch hoảng loạn tháo chạy, bộ đội ta bám sát vừa đánh vừa gọi hàng. Chiều 8 tháng 10, quân ta bắt được Lơ Pa-giơ tại Nà Kéo (cách Cốc Xa 4km), tàn quân của binh đoàn Lơ Pa-gơ dồn lại trên một mảnh đất dài khoảng 1km sát điểm cao 477, trên các mỏm cao toàn là cỏ tranh. 7 giờ sáng ngày 7 tháng 10 các chiến sĩ Đại đoàn 308 mở đợt tiến công binh đoàn Sác-tông, đến 17 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1950, trận đánh kết thúc. Sác-tông bị bắt làm tù binh. Chiến thắng của quân ta ở điểm cao 477 đưa chiến dịch tới toàn thắng.

Trung đoàn 174 chúng tôi được giao nhiệm vụ bố trí dọc bờ sông Bắc Khê, đón lõng bắt tù binh. Mẻ lưới thu được kết quả khá, cơ quan trung đoàn bộ cũng bắt và gọi hàng nhiều tù binh.

Ngày 10 tháng 10 năm 1950, trung đoàn 174 vào đến Thất Khê thì định đã bỏ thị trấn, để lại rất nhiều xe pháo ở bờ bắc sông Kỳ Cùng. Ba ngày sau trung đoàn giao Thất Khê cho huyện Tràng Định. Trung đoàn vừa truy bắt tù binh vừa tiến về phía Na Sầm. Quân địch ở Na Sầm phát hiện lực lượng ta đông, chúng vội vàng rút chạy.

Ngày 17 tháng 10, quân Pháp rút khỏi Đồng Đăng, rạng sáng ngày 18 tháng 10 chúng rút khỏi thị xã Lạng Sơn. Địch chạy vội vã bỏ lại nguyên hai pháo đài Đèo Giằng và Văn Võ với kho tàng đầy ắp súng đạn, quân trang, quân dụng đủ trang bị cho vài trung đoàn bộ binh.

Chiến dịch Biên Giới, chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của ta kết thúc thắng lợi. Ta diệt và bắt 8.000 tên (bắt 3500 tên), diệt 5 tiểu đoàn (có 5 tiểu đoàn ứng chiến), chiếm một nửa lực lượng cơ động chiến lược của quân Pháp ở Bắc Đông Dương. Ta giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn và một dải biên giới 750km, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:58:52 pm »

Trung đoàn 174 chúng tôi đóng quân gần thị xã Lạng Sơn ít ngày, tôi nhận điện của Tiền phương Bộ Tổng gọi về nhận nhiệm vụ. Thời gian này cơ quan Tiền phương Bộ đóng ở Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đến cơ quan, một sĩ quan tham mưu dẫn tôi vào nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chúng tôi quen gọi là anh Văn). Anh Văn ân cần tiếp tôi, hỏi thăm sức khỏe, tình hình đơn vị, tình hình về nơi đóng quân. tôi báo cáo tóm tắt một số nét anh Văn yêu cầu. nghe xong, anh Văn nói:

- Tôi và anh sẽ gặp Bác.

Nghe anh Văn nói đi gặp Bác, tôi như không tin ở tai mình. Mong ước của tôi từ miền Trung ra Việt Bắc được gần Trung ương, có dịp bặp Bác Hồ bây giờ đã thành sự thật. Lần đón và tiễn bác đi Trung Quốc, Liên Xô tôi chỉ đứng xa nhìn Người, còn hôm nay, thì vài phút nữa thôi tôi sẽ được nắm bàn tay Bác, được nghe Người dạy bảo. Trong lòng tôi lúc đó vừa háo hức vừa lo lo.

Anh Văn đi trước, những bước chân nhanh nhẹn, dứt khoát. Tôi đi sau, vừa đi vừa nghĩ khi gặp Bác câu đầu tiên sẽ nói gì. Gần chục phút sau, chúng tôi đã đến nơi Bác ở, là một chiếc lán đơn sơ, nhưng gọn gàng sạch sẽ. Tôi chào Bác và chúc sức khỏe Người rồi cầm bàn tay ấm của Bác thật lâu. Anh Văn giới thiệu tôi với Bác. Bác cười đôn hậu, rồi nói:

- Chú là Tự vệ đỏ năm 1930, vác gậy tre hóa, đánh Tây ở nhà thờ Bản Thổ phải không?

- Dạ thưa Bác, hồi đó còn nhỏ, thấy thằng Tây nó ác quá, chúng cháu muốn góp sức đánh đuổi nó.

Đợi tôi nói xong, Bác chỉ một chiếc ghế bảo ngồi xuống.

Bằng chất giọng xứ Nghệ trầm, ấm, Bác nói như giảng giải với toi:

- Trung đoàn 174 của chú vừa lập công lớn trong trận Đông Khê, chuyển lời Bác khen ngợi cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Bây giờ Bác nói về nhiệm vụ tới của đơn vị chú.

Tôi nhanh chóng lấy sổ tay ghi những lời Bác dặn:

- Bộ đội và nhân dân ta vừa thắng lợi lớn về quân sự, ta giải phóng cả dải biên giới, giải phóng rồi ta phải thắng lợi về chính trị. Đơn vị chú có nhiệm vụ tiếp quản thị xã Lạng Sơn, cùng với lãnh đạo, chính quyền địa phương làm tốt những công tác vùng mới giải phóng. Trước hết, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự để cho đồng bào làm ăn, sinh sống tiếp tục góp sức đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Thứ hai, bảo vệ các công sở, kho tàng rồi giao cho chính quyền địa phương quản lý. Những thứ đã thu được sẽ góp phần tiếp tục kháng chiến.

Ngừng một lát, Bác nhìn tôi với cặp mắt đầm ấm rồi nói tiếp:

- Các chú phải giáo dục bộ đội cùng với cán bộ địa phương làm tốt công tác tuyên truyền chiến thắng, tuyên truyền và giải thích chính sách của Đảng và Chính phủ để đồng bào tin tưởng, đoàn kết một lòng, sản xuất chiến đấu, học hành. Những người bị địch ép buộc làm việc hoặc đi lính cho chúng tin ở chính sách khoan hồng của ta, ở lại với gia đình, làng xóm, làm ăn, lập công mới.

Trong khi làm nhiệm vụ trên, bộ đội phải thực thà, tôn trọng giúp đỡ dân, đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc, làm cho vùng mới giải phóng thật vui vẻ. Bộ đội phải giữ nghiêm kỷ luật, giúp đỡ Đảng bộ chính quyền địa phương làm những việc cần thiết.

Nói xong, Bác quay sang tôi:

- Chú còn hỏi gì không?

- Thưa Bác, cháu hứa sẽ làm đúng những điều Bác dặn.

Ngay chiều hôm ấy, tôi gấp rút trở về đơn vị tổ chức bộ đội tiếp quản thị xã Lạng Sơn. Công việc đầu tiên là phổ biến những quy định khi nào tiếp quản thị xã.

Thị xã Lạng Sơn và thành phố Hải Phòng là hai nơi quân Pháp chiếm đóng đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Thị xã này có nhiều ngôi nhà kiểu Pháp. Trung đoàn đến đâu cũng được nhân dân hồ hởi đón chào. Chợ Lỳ Lừa lại họp khá đông. Công việc đầu tiên chúng tôi phải làm là vận chuyển chiến lợi phẩm ra ngoài thị xã đề phòng địch oanh tạc phá hoại. Theo tài liệu chúng tôi nắm được thì địch để lại Lạng Sơn 1.500 tấn trang bị, 4.000 khẩu tiểu liên, 2.000 tấn quân nhu, 150 tấn thuốc, đặc biệt là 10 nghìn quả đạn pháo (lúc đó đạn pháo ta rất thiếu, Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cho ta cũng không nhiều), số đạn pháo này rất quý.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 vừa làm nhiệm vụ canh giữ, vừa bốc dỡ lên xe. Xe ô tô vận tải của ta liên tục quay vòng cả ngày lẫn đêm chuyển số chiến lợi phẩm lên đưa vào động Tam Thanh bàn giao cho cán bộ hậu cần và cho chính quyền tỉnh Lạng Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đã thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn trước khi vào tiếp quản thị xã Lạng Sơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM