Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:31:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thời sôi động  (Đọc 34010 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:33:22 pm »

Sáng ngày 14 tháng 10 (âm lịch) tại Yên Lưu, trì phủ Hưng Nguyên kéo theo khoảng 20 lính khố xanh có tên lãnh binh Nghệ An về đình trung, chúng đánh mõ, sắp xếp bàn ghế, lý trưởng, hương kiểm tề tựu. Những người đi chợ Trụ linh cảm nhà cầm quyền chuẩn bị khủng bố và xóa bỏ những quyền lợi mà họ vừa giành được trong mấy năm qua. Cố Trần Vượng, đội trưởng Tự vệ đỏ năm 1930 chạy vội về báo cho bí thư chi bộ và Ủy ban đấu tranh công khai. Các đồng chí trong Ủy ban đấu tranh công khai và Thường vụ chi bộ vắng mặt. Không thể để cho chúng ngang nhiên khủng bố, tôi chạy ra đình trung. Khi ra tới nơi thì thấy anh Trần Thực đang bị hai tên lính đánh tới tấp. Tôi chạy sấn đến và nói: “Các ông không được đánh người vô tội”. Chúng dừng tay đánh anh Trần Thực và xông vào đánh tôi túi bụi. Tôi nghiêm sắc mặt và nói: đánh xong để cho tôi phát biểu ý kiến. Lúc này quần chúng kéo đến mỗi lúc một đông, cùng hô vang: “Tri phủ không được đánh người!”. Trước khí thế của quần chúng, trì phủ Hưng Nguyên cho bọn lính dừng tay. Cựu lý trường Đinh Truyền với danh nghĩa là thầy học cũ khuyên tôi: “Thế thời hiện nay đã khác, không như hồi năm ba mươi đâu. Anh cũng nên vừa phải thôi”. Tôi thưa lại với ông: “Thưa thầy, thời cuộc có thể nào đi nữa, phong trào có lúc lên, có lúc gặp khó khăn nhưng tôi vẫn tin cách mạng sẽ thành công, nhân dân ta nhất định sẽ thoát khỏi ách nô lệ của bọn đế quốc thực dân. Rồi thầy sẽ thấy! Công lý và lẽ phải nhất định sẽ thắng”.

Trước thái độ kiên quyết, lời lẽ rắn rỏi của tôi và khí thế quần chúng, tri phủ Hưng Nguyên chột dạ. Nhiều tên lính từng chạm mặt với tôi cũng tỏ ra chùn tay không đánh nữa mà thả tôi ra với lời lẽ đe dọa: “Hãy coi chừng đấy! Chúng tao không để yên dâu”. Mấy hôm sau tôi lại bị bắt lên nhà lao Vinh.

Bước sang năm 1939, tình hình càng khó khăn hơn, chính quyền thực dân phong kiến bắt thanh niên Việt Nam đi lính sang Pháp tham gia chiến tranh, có loại gọi là lính ONS. Phong trào quần chúng chuyển hướng đấu tranh sang chống bắt lính, chống chiến tranh, đòi hòa bình và phòng thủ Đông Dương bảo vệ Liên bang Xô-viết. Cũng năm này, tôi bị bắt ba lần. Lần thứ nhất: ngày 28 tháng 4; lần thứ hai: ngày 13 tháng 7 và lần thứ ba: ngày 10 tháng 9. Chúng giam tôi ở nhà lao Vinh, sau đó đưa lên giam lỏng ở Hưng Nguyên. Đến tháng 3 năm 1940 tôi được trả tự do.

Về đến Yên Lưu tôi tìm cách tổ chức sinh hoạt chi bộ. Hội nghị lần này đánh giá tình hình phong trào Yên Lưu và dự kiến một số tình huống khó khăn. Chi bộ thống nhất trong tình huống nào nội bộ chi bộ nhất thiết phải đoàn kết nhất trí, đảng viên phải đi sát nắm chắc quần chúng và chuẩn bị người thay thế bí thư chi bộ và các đồng chí khác.

Trong trường hợp này, hầu hết đảng viên chi bộ càng thấy rõ: Gần 10 năm đấu tranh với bao thử thách gay go, nhưng với khí tiết cách mạng của đảng viên, tinh thần cách mạng của quần chúng, mọi khó khăn đều nghiến răng chịu đựng, chủ động vượt qua, nhờ đó Yên Lưu trở thành nơi có phong trào vững. Chi bộ Yên Lưu còn góp phần nhỏ của mình xây dựng các chi bộ: Đức Quang, Đức Thịnh, Lộc Đa, Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ, Mỹ Dụ. Đặc biệt chi bộ Yên Lưu vinh dự được làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong nhà máy xe lửa Trường Thi. Bí thư chi bộ được đi họp tỉnh ủy mở rộng hai lần đã giúp cho các đảng viên sớm nhận được đường lối, chủ trương của Đảng. Kinh nghiệm 10 năm là rát quá, trong trường hợp nào, gay go ác liệt đến đâu, đảng viên cũng tự mình phấn đấu, gắn bó với quần chúng nhân dân, chắc chắn sẽ thắng lợi.

Ngày 5 tháng 5 (âm lịch), xứ Nghệ đang làm mùa nắng, nóng và gió Lào. Mới mờ sáng trời nóng hầm hập, tôi kéo lăn nốt mấy bó lúa, còn mẹ tôi làm thịt gà, đồ xôi để cúng Tết Đoan ngọ. Sau khi làm xong lúa, tôi ra sông tắm. Về đến nhà, chưa kịp thắp hương thì ba tên lính lệ mang theo xiềng ập vào nhà. Một tên xẵng giọng nói:

- Ông Mân, chúng tôi được lệnh bắt ông!

Tôi hỏi lại:

- Các anh bắt tôi về tội gì?

- Tôi gì, ông cứ về nhà lao sẽ rõ. Và cũng xin thông báo trước, lần này ông sẽ phải đi xa đấy!

Tôi bình tĩnh nói:

- Tôi biết các ông là người thừa hành công vụ, nhưng đề nghị các ông cho tôi ít phút thay quần áo, chào mẹ và vợ con tôi.

Mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, sớm muộn gì tôi cũng sẽ có ngày như thế này. Bà đứng lặng không khóc, có lẽ nước mắt mẹ đã lặn vào trong. Bà nhìn tôi với tấm lòng tin yêu và an ủi, động viên tôi cố gắng vượt qua tù đày thực hiện đúng lời tôi đã hứa với Đảng. Còn vợ tôi nước mắt ngắn nước mắt dài, xin mấy người lính cho tôi ăn chút ít rồi đi, nhưng họ nhất định không cho.

Tôi an ủi vợ và bế đứa con trai đầu lòng một chút, chào mẹ ra đi. Mẹ tôi, vợ tôi nhìn mấy người lính xiềng tay tôi mắt ngấn lệ, không biết ngày nào tôi được trở về nhà. Tôi chỉ nói, mẹ cứ tin ở con.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:35:30 pm »

Tin tôi bị bắt nhanh chóng lan khắp làng, nhiều người kéo đến đứng xa nhìn, vẫy tay như nhắn nhủ chào tạm biệt. Không thể dừng lại để nói mấy lời cảm ơn, có thể tôi không trở lại quê hương, nhưng tôi tin cách mạng sẽ thắng, độc lập tự do sẽ về với nhân dân cả nước và bà con ta, ánh cờ hồng buổi sáng bình minh là của ta. Có người không cầm được nước mắt trong cảnh chia ly. Một số cụ già đứng trong hàng rào nói vọng: “Anh cứ đi bình an, ở nhà có chúng tôi lo liệu!”.

Bọn lính dẫn tôi vào nhà lao Vinh. Ở đây tôi gặp lại hầu hết những người đã tham gia hai cuộc họp tỉnh ủy mở rộng trước đây. Địch giam chúng tôi ở nhà lao Vinh đúng một tuần lễ. Một tuần lễ ngắn ngủi nhưng đối với chúng tôi thật là quý giá. Chúng tôi có điều kiện “tổng kết” lại 10 năm qua, kể từ ngày Xô-viết – Nghệ Tĩnh. Đánh giá về địch, về ta, phân tích từng con người. Và bài học đầu tiên là cách xem xét đánh giá con người trong lúc khó khăn hiểm nguy: ai trung thành, ai cơ hội...

Một tuần ở nhà lao Vinh trôi qua, bọn địch đưa chúng tôi lên xe lửa từ ga Vinh đi về phía nam. Đến Kon Tum, bắt gặp đường 14 đến Tân An, con đường mà năm 1931 chính quyền thuộc địa khai phá bằng sức lực của tù chính trị Kon Tum. Sáu tháng mùa đông tên chủ ngục cho lính đánh đập tù dã man, vì nếu đánh chết cộng sản chúng sẽ được khen thưởng. Vì đó, lạnh, sốt rét ác tính nên trên 200 chiến sĩ cộng sản đã để lại những nắm xương tàn bên chân đồi, khe suối. Chúng tôi nhắc nhở nhau phải hun đúc chí căm thù quân cướp nước và tay sai bán nước, căm thù và cảnh giác. Nếu ai đó quên quá khứ là tội ác. Trên chuyến tàu này, vào đến Đà Nẵng chúng tôi gặp Trịnh Hưng Ngẫu, người Nam Bộ. Anh là một nhà báo tiến bộ, biết trục phát xít Béc Lanh, Đông Kinh, La Mã đã hình thành. Hồng quân Liên Xô đang chuẩn bị để chiến thắng phát xít. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô không những bảo vệ Liên bang Xô-viết – nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên của cách mạng thế giới mà còn tạo thời cơ đặc biệt cho phong trào giải phóng dân tộc.

Về tình hình trong nước, Trịnh Hưng Ngẫu cho biết – quân Nhật vẫn ngồi trên đầu bọn cai trị Pháp và Nam triều, chúng thẳng tay cướp bóc, giết hại dân lành, gây nên bao cảnh thê lương đối với đồng bào ta. Địch khủng bố ngày một khốc liệt hơn, bắt giam bất cứ ai có lòng yêu nước. Chúng bắt cán bộ, đảng viên vào chật ních các nhà tù. Phong trào cách mạng đang gặp khó khăn. Và Trịnh Hưng Ngẫu đã cho chúng tôi biết một tin quan trọng: Nguyễn Ái Quốc sắp về nước. Thế là cách mạng Việt Nam ta đã có ngọn cờ lãnh đạo đầy uy tín đối với cả dân tộc và hế giới, rồi đây tình hình sẽ thay đổi, phải xây dựng lại cơ sở ở mọi nơi, cả thành thị, nông thôn và rừng núi, nhất là vùng nông thôn rộng lớn.

Từ Quy Nhơn lính áp tải đẩy chúng tôi lên xe vận tải đi theo đường 19 qua đèo An Khê, Măng Giang đến Kon Tum. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng tốp đồng bào Thượng nước da cháy nắng, đàn ông mặc khố, đàn bà quấn vải tự dệt theo hoa văn dân tộc, lưng cõng gùi, tay cầm con dao cán dài, miệng phì phèo đuốc thuốc lá vừa thơm vừa khét, kích thích sự thèm khát của những đồng chí nghiện thuốc lào kỳ hai ở Vinh. Nhìn họ lam lũ khó khăn, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy nức lòng và có trách nhiệm.

Trong lúc chờ tàu chuyển bánh, trong chúng tôi ít nhiều ai cũng nặng lòng vì phải xa phong trào cách mạng của quần chúng, xa quê hương và gia đình, nhưng cảnh và người lại thôi thúc tinh thần kiên trì chiến đấu cho đến ngày thắng lợi. Trước mắt là cảnh bà con ngược xuôi tất bật chỉ vì kiếm mấy đồng xu, sống thoi thóp qua ngày, mấy chị công nhân làm vệ sinh tay cầm chổi, mắt nhìn theo đoàn tàu. Mọi người nhìn đoàn tù chính trị với tình thương và hy vọng.

Xe đến Đắc Lây, lính áp tải đưa chúng tôi đến báo cáo viên đồn trưởng Bli-ô, đại úy quân đội Pháp, người đảo Coóc-xơ. Hắn nhìn chúng tôi một lượt rồi ra hiệu cho mấy người lính Thượng (ai cũng cả răng, căng tai) đưa chúng tôi xuống hai dãy nhà dài cột gỗ, lợp tôn, tượng đất, quét màu nâu loang lổ ở dưới chân đồi khá rộng, pha đất đỏ, sàn nằm bằng nứa đập giập. Mỗi dãy nhà đều có mấy lớp hàng rào kẽm gai bao quanh với bốn chòi gác. Trại này có hơn 100 tù nhân, không có chi bộ Đảng, anh em bầu ra ban quản lý chịu trách nhiệm mọi mặt sinh hoạt. Anh Lên Văn Hiến mang số tù 13 được anh em phân công làm trưởng trại, quan hệ với tên chủ ngục, thu xếp mọi việc trong anh em. Tôi mang số tù 19 được phân công phụ trách “tài chính” kiêm chủ bếp.

Công việc quan trọng là tuyên truyền cảm hóa anh em lính người dân tộc Tây Nguyên. Đi đôi với tìm cách gần gũi, tuyên truyền giác ngộ, anh em ta chịu thiếu tốn một chút dành ít gạo, muối, thịt, cá mắm để giúp những người lính vì họ mang theo vợ con, đời sống quá cực khổ. Anh em cũng chủ trương vận động cô Tư người Huế, vợ chủ ngục Bli-ô. Anh Tường cũng người Huế, đã tốt nghiệp y tá chuyên lo sức khỏe của anh em TS(1). Thỉnh thoảng anh Tường phải lên đồn chăm lo sức khẻo cho lính và vợ chồng chủ ngục, có điều kiện quan hệ với cô Tư. Mỗi buổi chiều cô Tư lại xuống vườn rau dạo chơi, nhưng chính là để nói chuyện với anh em ta. Sau mây tháng thì cô Tư lo bút, giấy cho anh em học. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cô Tư về Huế, trở thành cán bộ phụ nữ cơ sở và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


(1) Trại lao động đặc biệt trên các miền hẻo lánh ở Việt Nam, viết tắt những chữ đầu tiếng Pháp: Travail Special.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:37:53 pm »

Ban quản lý trại chủ trương biến trại giam thành trường học. Nội dung học lý luận là duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học, đường lối chính trị và chủ trương của Đảng ta. Thầy dạy là những đồng chí tù chính trị Côn Đảo, khám lớn Sài Gòn và một số nơi khác đến Đắc Lây. Nội dung toán, lý, hóa, văn, sử, địa, tiếng Pháp thì đủ thầy dạy. Vở ghi chép của mỗi người là 3 – 4 thanh tre được phơi khô với chiếc bút chì, viết xong lại xóa, lại viết tiếp. Cả trại có một “tờ báo”, nội dung tờ báo có xã luận, tin tức và thơ ca. Có một bài thơ mà tôi còn nhớ, đó là bài “Chiều Đắc Lây” :

         Sốt rét! Hai hàm răng lập cập
         Run rẩy cả đất trời không trừ ai
         Cứ mỗi chiều, qua rào gai cửa sổ
         Và mang theo cả tiếng hát của chim rừng
         Không một lời tạm biệt!
         Đêm đến, thế chán ngây
         Lính thay phiên gác
         Đôi nai rừng háo hức – cất tiếng gọi đầu giờ
         Trăng sùi sụt nâng mây ngang mặt
         Trời u sầu buông vạt tóc mưa
         Con chim chi? “Trót thì bóp”
         Chung một tiếng bạn tình đáp lại
         Rừng lạnh thâu đêm tê tái
         Mà hơi ấm vẫn xa nhau
         Bình minh vừa dụi mắt
         Lại hẹn hò chờ đợi đêm sau
         Bạn tù bao đêm trằn trọc
         Việc gần xa, việc nước non dồn dập
         Thao thức nhiều ê ẩm cả toàn thân
         Nhưng lại vui trong cát thấy vàng


Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hít-le ào ạt tấn công Liên bang Xô-viết, thì mấy hôm sau Chính phủ cách mạng Đắc Lây thành lập. Chính phủ trịnh trọng tuyên bố: Tuyên chiến với Hít-le, kiên quyết bảo vệ Liên bang Xô-viết. Việt Nam phải độc lập, tự do, thống nhất. Lê Văn Hiến được cử làm thủ tướng lâm thời. Nguyễn Duy Trinh làm bộ trưởng ngoại giao. Chu Huy Mân làm bộ trưởng tài chính và cùng các bộ khác. Sáng hôm sau Bli-ô xuống trại rất sớm, hỏi anh Hiến: Tụi bay đã bị giam, sao còn tuyên chiến với Hít-le. Anh Hiến trả lời; Thân thể chúng tôi bị các ông giam cầm, nhưng tinh thần chúng tôi vẫn tự do.

Mấy ngày đầu những người mới đến, ai nấy đều khó ngủ, thao thức nghĩ ngơi mông lung, nhiều người nghĩ tìm cơ hội vượt trại giam trở về với Đảng, với phong trào. Ít ngày sau, anh em trao đổi đề ra những yêu cầu thiết thực. Đấu tranh thuyết phục đòi tên chủ ngục Bli-ô cho được làm vườn trồng rau, chăn nuôi gà, lợn cải thiện đời sống, để khắc phục bệnh sốt rét. Đây là ý định kín đáo nhằm lợi dụng hình thức hoạt động ngoài trại, tạo điều kiện để anh em bí mật thoát khỏi trại giam.

Trong cao trào dân chủ, dân sinh 1936 – 1939, chính quyền thuộc địa Đông Dương bị báo chí tiến bộ phê phán về chính sách đối với tù chính trị ở Đông dương, chúng giảm bớt việc đưa tù chính trị vào các nhà ngục, nhưng lại ngoan cố lập các trại lao động đặc biệt trên các miền ở Việt Nam.

Tình hình thế giới, trong nước bức xúc, anh Tố Hữu và anh Huỳnh Ngọc Huệ đã bàn với nhau trốn trại giam. Đó cũng là tâm trạng chung của mọi người. Một hôm anh Huỳnh Ngọc Huệ mạnh dạn nói như thăm dò tôi và anh Nguyễn Duy Trinh về ý định trốn trại giam của mình. Anh Nguyễn Duy Trinh suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Vượt ngục lúc này là cần thiết nhưng không thể giản đơn và phiêu lưu, muốn chắc chắn cần có một bản đồ và tốt nhất có người địa phương dẫn đường.

Anh Huỳnh Ngọc Huệ tiếp lời:

- Bản đồ làm sao có được?

Anh Nguyễn Duy Trinh chỉ lên nhà tên chủ ngục nói:

- Thử tìm cách đánh cắt hoặc vẽ lại những nét chính của hướng đi.

Tôi chăm chú theo dõi hai anh trao đổi rồi thận trọng nói:

- Chẳng được đâu! Đợi có bản đồ thì chết già ở đây.

Hai người như muốn tôi có ý kiến nhanh:

- Thế theo anh nên làm thế nào?

- Đi đông người khó lọt, tốt nhất từng nhóm hai người một. Điều quan trọng nhất là phải giữ bí mật, nếu bất ngờ gặp dân thì phải niềm nở, vận động, thuyết phục. Phải giữ kín hai đêm một ngày rồi chủ động báo cho chúng biết có người trốn. Khi đó chúng có báo động truy bắt thì anh em mình đã chạy xa rồi. Tuy vận, ban đêm phải đánh lừa được mấy người lính Thượng, họ vốn máy móc trong công việc, tối nào cũng đi đếm, miễn đủ số tù nhân là xong. Lợi dụng sự đơn giản của lính người Thượng, cách tốt nhất là đến giờ thì mọi người đắp chăn nằm vờ ngủ. Trong chăn có hai người, khéo léo làm hai chân thành bốn, một đầu thành hai. Lính vào đếm xong là qua.

Mọi người nhìn tôi, đều tỏ ra tán dương, vui mừng. Chúng tôi bàn với anh Lê Văn Hiến suy nghĩ cách xử lí với tên chủ ngục. Anh Trinh và tôi sẽ bàn với anh Vinh và anh Châu thực hiện kế hoạch nghi binh hai người thành bốn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:38:41 pm »

Hai anh Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ thoát được một ngày hai đêm. Theo đúng kế hoạch, anh Lê Văn Hiến báo cho chủ ngục biết: Trong anh em chung tôi có hai người vừa mới trốn khỏi trại. Bli-ô ra lệnh báo động và dồn tất cả chúng tôi vào nằm im trong trại. Ngày hôm sau chúng cho một trung đội đuổi bắt. Đơn vị này đến làng Đak Bla thì dừng lại uống rượu cần và nhảy múa. Sau bốn ngày họ trở về, người đội trưởng báo với chủ ngục là đuổi không kịp. Nhưng cũng chính lúc ấy, họ báo lại với anh Lê Văn Hiến: Anh em mình về đánh Prăng, chúng tao không đuổi. Qua việc này chúng tôi càng thêm hiểu về sự quan trọng của công tác binh vận và tìm cách để mỗi người có thể trốn ra ngoài tiếp tục hoạt động.

Trong lúc đó, thực hiện kế hoạch trên, anh Tố Hữu và anh Huỳnh Ngọc Huệ về đến Đà Nẵng. Anh Tố Hữu thoát, còn anh Huỳnh Ngọc Huệ do bị sốt cao phải nằm lại ven đường. Một người kéo xe thương tình đưa anh vào bệnh viện. Chẳng may ở đây có dán lệnh truy nã, bị mật thám nhận diện, Huỳnh Ngọc Huệ bị đưa trở lại Đắc Lây.

Giữa năm 1942, vì có sự trốn trại giam, địch cho là Đắc Lây gần Quảng Nam, nên chúng chuyển chúng tôi từ Đắc Lây về Đắc Tô. Chúng bắt tất cả tù chính trị hành quân bộ. Gian nan nhất là những người bị sốt rét, gầy rộc, mắt trũng sâu, môi tím ngắt, da vàng bủng chống gậy run rẩy đi từng bước. Có người kiệt sức nằm vật bên đường, chúng tôi phải làm võng nứa khiêng nhau. Bộ phận nhà bếp dành được gần 1 kg bột trừng gà và một ít giò nạc để bồi dưỡng. Nhìn đoàn tù chính trị bệnh tật, rách rưới, không ai có thể ngờ rằng trong trái tim mỗi người vẫn đang sôi sục nuôi chí lớn chờ ngày trốn trại giam để tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Cuộc hành quân gian nan vất vả nhưng anh em đùm bọc, khiêng cõng nhau cuối cùng đều về đến Đắc Tô, không một ai phải chết ở dọc đường. Tình thương yêu giai cấp của những người tù chính trị làm cho những binh lính người Thượng cũng mủi lòng.

Cuối năm 1942, tình hình thế giới thay đổi, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã phản công chống phát xít thắng lợi và tình hình trong nước trở nên khẩn trương, nhiệm vụ, thời cơ thôi thúc chúng tôi táo bạo hành động. Lúc đầu theo kế hoạch là ba người gồm anh Nguyễn Duy Trinh, anh Huỳnh Ngọc Huệ và tôi. Nhưng gần đến ngày xuất quân Hà Thế Hạnh biết, nhất quyết đòi đi theo nên đành phải để anh cùng đi. Kế hoạch vượt trại giam có bàn kỹ với anh Hiến. Đêm hôm chúng tôi trốn, hai anh Nguyễn Trọng Vĩnh, Trường Châu làm công việc nghi binh “một người thành hai” để lính gác đếm đủ số người. Anh Lê Văn Hiến lại tìm cách để đối phó với tên chủ ngục.

Chiều hôm ấy, sau khi ăn cơm xong mọi người vào hết trong trại, bốn anh em chúng tôi ẩn lại dưới nhà bếp, mỗi người chui vào một góc để đợi đến giờ trốn. Đến 11 giờ đêm chúng tôi bắt đầu vượt hàng rào thép gai, theo con đường đã chuẩn bị sẵn, lần lượt vượt rào là anh Nguyễn Duy Trinh, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ, cuối cùng là tôi. Cả bốn người ra khỏi hàng rào trót lọt. Lúc tôi chưa ra khỏi hàng rào, đôi chim từ bụi cỏ bay lên kêu tiếc, tiếc. Không biết nó ngượng ngùng hay nói lời thân thiết, tiễn người đi phối hợp với Hồng quân. Chúng tôi nhằm hướng đông mà đi. Mờ sáng hôm sau đã đến Ka Nắc, cả bốn người vào một khu rừng le rậm rạp ẩn nấp suốt một ngày nghe ngóng và phân công anh Nguyễn Duy Trinh và anh Huỳnh Ngọc Huệ đi ra hướng Bắc, tôi và Hà Thế Hạnh xuống Quy Nhơn rồi vào Nam. Lúc chia tay tài sản của bốn người có sáu đồng bạc Đông Dương chia đều mỗi người một đồng rưỡi. Năm viên ký ninh chia cho mỗi người một viên còn thừa một viên các anh dành cho tôi vì lúc đó tôi đang sốt.

Bốn chúng tôi chia tay nhau vô cùng xúc động nhưng không ai khóc, chỉ nắm chặt tay nhau hứa hẹn ngày thắng lợi sẽ gặp lại nhau. Sáng hôm sau, tôi và Hà Thế Hạnh ra đường 19 đón xe khách đi Quy Nhơn. Ngồi trên xe tôi ngỡ mình như đang bay bổng.

Nhốt lâu ngày chim không hề mỏi cánh.

Từ rừng núi Đắc Tô ngược chiều gió mạnh.

Đến ngoại ô Quy Nhơn, chúng tôi xuống xe đi bộ. Lúc này Hà Thế Hạnh mặc bộ com-plê xin của một ông già người Nam Bộ đóng vai thầy ký, còn tôi đóng vai bồi. Chúng tôi đi nhanh đến ga Diêu Trì mau vé tàu vào Nha Trang. Trên chuyến tàu chạy vào Nam tôi và Hà Thế Hạnh thỏa thê nhìn trời cao, biển rộng mà thấy đất nước mình đẹp bội phần. Chúng tôi nói với nhau: non sông gấm vóc của mình phả người mình làm chủ mới trở nên rạng rỡ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:39:26 pm »

Chiều hôm sau chúng tôi đến Nha Trang, vừa ra khỏi ga đã thấy bản niêm yết họ tên bốn người chúng tôi. Thấy vậy Hà Thế Hạnh gọi giật “bồi!”, tôi “dạ” và chạy nhanh theo Hạnh. Cả hai lên xe kéo về nhà Hà Thế Tiết (em ruột của Hạnh). Chúng tôi ở lại hai ngày rồi chia tay nhau. Hà Thế Hạnh đi vào Đà Lạt, tôi ra Ninh Hòa kiếm việc làm và tìm cách móc nối cơ sở. Nhưng ở Ninh Hòa ít ngày cũng chẳng tìm được việc, phải quay lại Nha Trang. Một buổi chiều tôi đang lang thang ở xóm Bóng lân la hỏi xin việc làm thì may sao gặp một người đàn ông đứng tuổi phúc hậu, ông ta chỉ cho tôi vào một gia đình thầu khoán, có cỗ xe bò chở đá. Tôi mạnh dạn nêu nguyện vọng của mình, cả hai vợ chồng nhìn tôi hồi lâu, xe ra có vẻ ưng ý, họ cho vào nhà và nói: “Anh tắm rửa rồi ăn cơm tối. Công việc của anh là đánh xe bò chở đá từ Đồng Đế đi sân bay Nha Trang, nơi quân Nhật đang sửa sân bay”.

Tôi mừng thầm nhận lời. Đêm hôm đó ngủ một giấc ngon lành, sáng dậy bắt tay ngay vào công việc chở đá. Việc mới mẻ, phải tìm bạn cùng nghề để học đồng thời tuyên truyền giác ngộ họ.

Ở gia đình này ít lâu, tôi được biết vợ chồng ông Bửu Thảo (tên ông chủ) rất có thế lực nên đã đem hết sức mình làm việc cho ông. Sau ba tháng, Bửu Tháo thấy tôi làm được việc, ông chủ động nêu vấn đề kết nghĩa anh em. Tôi chấp nhận đề nghị của ông. Hai ngày sau Bửu Thảo gọi lý trưởng xóm Bồng đến và bảo ông ta cấp cho tôi một thẻ đỏ. Khi tôi nhận được thẻ đỏ mang tên Lê Thế Mỹ và Bửu Thảo đưa cho một tượng thánh giá bằng đồng thì vừa lúc Hà Thế Hạnh biên thư cho Tiết nhắn rằng tôi vào Đà Lạt ngay vì anh đã tìm được “bố mẹ” (Đảng). Trong lúc tôi đang chuẩn bị lên đường thì lại được tin Hà Thế Hạnh đã bị mật thám Đà Lạt bắt trong lúc đang xem hát. Từ lúc Hạnh quyết liệt đòi đi theo, chúng tôi biết con người vóc dáng cao to này thông minh, nhưng không chín chắn, dễ lộ.

Tôi xin phép vợ chồng Bửu Thảo, nói là có việc phải về quê, nhưng tôi nghĩ Hạnh bị bắt, có thể sẽ gặp khó khăn ở địa bàn Khánh Hòa. Vì vậy, tôi đi ra Tân Lâm tìm con ông Lê Thế Hiếu vừa ở tù ra. Đến Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng Trị cụ Tú Hiếu giới thiệu cô Lê Thị Nhung, Lê Thị Quế ở Tân Tường, Cam Lộ. Tôi tìm vào nhà chị Quế. Chị đang ngồi sàng gạo. Thấy tôi chị chủ động nói với giọng hơi lạnh: “Tôi đã ăn chay niệm phật, việc đời tạm gác, anh thông cảm đi tìm nơi khác”. Thấy thái độ lạnh lùng của chị, tôi liền quay ra.

Rời nhà chị Quế, vừa ra đến đầu ngõ, đã gặp phó chánh tổng và mấy tên ập tới. Chẳng nói chẳng rằng chúng hô nhau trói chặt tay tôi giải đến nhà chánh tổng, tôi chủ động hỏi:

- Tôi có tội gì mà các ông bắt tôi?

- Anh là cộng sản trốn tù có lệnh truy nã.

Vừa nói chánh tổng vừa giơ tờ giấy. Nhìn qua đúng là tên tôi thật, nhưng trong người, đã có thẻ đỏ với họ tên là Lê Thế Mỹ, và lại có tượng chúa Giê-su bằng đồng của Bửu Thảo cho, tôi nói với chánh tổng một cách thuyết phục:

- Tôi là Lê Thế Mỹ chứ không phải Chu Huy Mân. Các ông bắt nhầm người rồi!

Tôi đưa thẻ đỏ và tượng chúa Giê-su ra như là vật chứng. Viên chánh tổng ầm ừ một lát rồi ra lệnh thả.

Rồi nhà chánh tổng Tân Tường, trên đường đi Tâm Lâm tôi gặp vợ chồng anh chị Thuận là cơ sở của ta. Tôi ghé vào gia đình này ít ngày. Anh Thuận giới thiệu tôi đến làm thuê cho Nguyễn Như Hà, một viên quan bát phẩm thường gọi là Bát Hà. Công việc của tôi là nấu cơm cho những người thợ kéo gỗ chờ thời tìm gặp chị Lê Thị Nhung, con gái cụ Tú Hiếu.

Ba tháng làm thuê cho Nguyễn Như Hà, tôi lúc ở rừng nấu cơm cho thợ, khi thì về làm những việc vặt trong gia đình. Gặp được chị Nhung nêu nguyện vọng, chị từ chối những đề nghị của tôi. Như vậy, hai đầu mối ở Quảng Trị đã không đạt được ý định như dự kiến. Tôi suy nghĩ, phân tích tình hình, lúc đó ở miền Trung chỉ có tỉnh Quảng Nam là nơi phong trào khá mạnh nên quyết định quay vào. Đến Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tôi ghé vào nhà ông bà Đức Long, người quê Nam Định, chủ cửa hàng bánh kẹo, xin việc làm. Công việc chủ yếu là gánh nước, phụ việc vặt. Mỗi lần ra sông Vĩnh Điện gánh nước, tôi gặp mấy anh em tù chính trị ở nhà la Quảng Nam cũng ra sông tắm. Chúng tôi vừa tắm vừa nói chuyện với nhau. Qua anh Võ Văn Đặng, tôi liên lạc được với Đảng bộ Quảng Nam. Thật vô cùng sung sướng. Tỉnh ủy Quảng Nam lúc này danh nghĩa bên ngoài là Ban Việt Minh tỉnh do anh Trần Quế làm bí thư. Các anh trong tỉnh ủy biết tôi là người Nghệ An, đã vượt nhà lao Đắc Lây, Đắc Tô về với phong trào nên tin tưởng cho tôi tham gia tỉnh ủy (Tỉnh ủy lúc đó có 9 đồng chí). Mấy tháng sau, tôi gánh kẹo lên chợ Mỹ Lược bán. Ở đây tôi gặp anh Huỳnh Ngọc Huệ, bạn tù ở Đắc Tô. Thế là chúng tôi thường xuyên trao đổi tình hình công việc với nhau trên những chiếc đò con của cơ sở cách mạng trên sông Ông Đốc – chợ Mỹ Lược xuôi sông Thu Bồn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:40:58 pm »

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, viện cớ Pháp bác bỏ tối hậu thư, quân Nhật tấn công vào các vị trí đóng quân của Pháp ở Hà Nội. Chúng chiếm Phủ toàn quyền Đông Dương và bắt giữ các quan chức của Pháp, trong đó có tướng A-mê – tổng tư lệnh quân đội Pháp toàn Đông Dương. Quân Nhật nhanh chóng đè bẹp sức kháng cự của quân Pháp ở mọi nơi. Đến chiều ngày 10 tháng 3 năm 1945, quân Pháp đầu hàng, quân đội Nhật làm chủ các đô thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ khác. Lúc này lực lượng quân sự Pháp hoàn toàn tan rã, bộ máy thống trị của Pháp đã đầu hàng. Toàn bộ Đông Dương trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.

Một thuận lợi lúc này là cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên cộng sản bị địch giam trong các nhà tù đã nổi dậy phá trại giam trở về cơ sở. Phong trào chống Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa ở các địa phương có thêm những hạt nhân lãnh đạo. Trong lúc này những cán bộ, đảng viên Trung Trung Bộ đi qua Quảng Nam thường ghé lại gia đình ông Kế ở thôn ở Văn Trai, xã Kỳ Khương, huyện Tam Kỳ. Cụ ông làm nghề thuốc bắc, cụ bà làm mấy sào ruộng, đến mùa đánh một đống rơm có chỗ hổng đủ một người nằm. Khi chúng tôi đến, nếu thấy động là cụ chỉ vào chỗ hổng và bảo nằm ở đó. Sau đó biết chắc bốn bề yên ổn, cụ mới gọi chúng tôi ra ăn cơm và vào giường ngủ.

Thời gian này, Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp quán triệt chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: “Nhật Pháp bắt nhau và hành động của chúng ta”. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Trung ương. Trước đây ta phải dồn sức đánh đuổi cả Nhật lẫn Pháp, từ nay kẻ thù chính, kè thủ cụ thể của nhân dân ta là phát xít Nhật. Hành động của chúng ta lúc này là dấy lên một cao trào chống Nhật cứu nước, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa một khi thời cơ đến.

Tiếp đó, chúng tôi bàn các chủ trương và biện pháp cụ thể mở rộng phong trào, khôi phục, phát triển lực lượng và tổ chức, chuẩn bị thực lực cách mạng chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cuộc họp được tổ chức ở nhà ông Cả Đáng ở Kỳ Khương (nay là Tam Hiệp) – một cơ sở trung kiên của ta. Mấy đêm liền cụ Cả Đáng thức trắng nghe ngóng tình hình để bảo vệ hội nghị. Ngoài số cán bộ cũ, trong cuộc họp này còn có thêm các anh Nguyễn Xuân Nhị, Võ Toàn, Phan Thêm... Tất cả những người tham dự cuộc họp đều hăng hái và nhất trí cao vấn đề mở rộng phong trào, xây dựng tổ chức để lực lượng quần chúng dần dành thành đội ngũ khi hành động.

Cũng vào thời gian này, được tin Nhật đảo chính Pháp, ngay 10 tháng 3 năm 1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Chiều ngày 11 tháng 3, khởi nghĩa Ba Tơ bùng nổ, bắt đầu bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động; sau đó phát triển thành cuộc nổi dậy của quần chúng bao vây đồn Ba Tơ và nha Kiềm lý. Phối hợp với nổi dậy của quần chúng, lực lượng du kích chiếm nha Kiềm lý; đồng thời vận động binh lính địch là nội ứng chiếm đồn Ba Tơ, thu 17 súng, 15 hòm đạn và nhiều quân trang, quân dụng

Ngày 12 tháng 3 năm 1945, ban khởi nghĩa tổ chức mít tinh với hàng ngàn quần chúng tham gia. Ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Cũng trong ngày 12 tháng 3, đội du kích Ba Tơ được thành lập gồm 26 người, chia thành 3 tiểu đội do anh Phạm Kiệt làm đội trưởng, anh Nguyễn Đôn làm chính trị viên. Đội du kích Ba Tơ ra đời có ý nghĩa quan trọng cho cao trào kháng Nhật cứu nước, giành chính quyền ở Quảng Ngãi; đồng thời thúc đẩy lực lượng cách mạng ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Đầu tháng 8 năm 1945, Tỉnh ủy và Ban Việt Minh tổ chức cuộc họp tại nhà anh Nguyễn Xuân Nhị. Trong cuộc họp này, anh Huỳnh Ngọc Huệ tìm đâu ra một khẩu súng lục với ba viên đạn, mọi người đều phấn khởi, cầm súng ngắm nhìn rồi đề nghị giữ lại khẩu súng cho cơ quan chỉ đạo khởi nghĩa toàn tỉnh, tôi có chiếc đồng hồ quả quýt mới mua 3 đồng cũng được sung công. Đây là cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch hành động cụ thể về thời gian và phân công phụ trách các hướng khởi nghĩa, giành chính quyền. Anh Trần Quế - Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo hung, có thêm mấy anh giúp sức. Anh Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách một số đồng chí đi Đà Nẵng. Anh Võ Toàn(1) và chị Phan Thị Nề đi Hội An. Tôi chỉ huy một số anh em tự vệ chiếm thành Quảng Nam.


(1) Anh Võ Toàn tức Võ Chí Công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:42:03 pm »

Đêm 17 rạng 18 tháng 8 năm 1945, tôi chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang đến tập kết tại nhà anh Khiềng (thợ rèn) ở cửa nam thành Quảng Nam. Mở sáng mấy người lính khố xanh ra ngoài thành báo cáo. Thấy tôi chính là anh Hai, người làm rau muống trong thành bấy lâu thì vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, họ van xin tôi cùng một số tự vệ tiến vào dinh tỉnh trưởng. Khi vào dinh, tôi nói: “Các ông phải nộp vũ khí và ngồi yên không được chống đối cách mạng, chính quyền mới sẽ có lệnh sau” và giải thích thêm: “chính quyền bù nhìn đã bị lật đổ, các anh hãy quay về với cách mạng, với nhân dân, sẽ được hưởng khoan hồng...”. Những người lính này ngoan ngoãn nộp súng và sau đó được về nhà làm ăn.

Ngày 24 tháng 8, tôi được Tỉnh ủy phân công làm trưởng ban tổ chức cuộc mít tinh lớn để chính quyền cách mạng ra mắt nhân dân.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã mang theo cờ đỏ sao vàng kéo về sân vận động. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu dương lực lượng. Tự vệ vũ trang, thanh niên tuyên truyền xung phong cùng quần chúng cách mạng tỏa đi trên các đường phố lớn hô vang các khẩu hiệu cách mạng.

Sau khi thành lập chính quyền ở Quảng Nam, Ban Tỉnh ủy họp bầu anh Thanh Hải (Bạch Truật) làm bí thư Tỉnh ủy thay anh Trần Quế. Tôi được bầu làm phó bí thư Tỉnh ủy và được phân công làm chính trị viên chi đội (tỉnh đội). Anh Phan Tuyến (tức Trọng) làm chỉ huy trưởng. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi khẩn trương thành lập một số đại đội bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và đi vào phía nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, 3 đại đội đã được hình thành về tổ chức và có thể đảm nhiệm những công việc tuần tra canh gác, trấn áp bọn phản động làm cho nhân dân yên tâm tin tưởng.

Tin Nhật đầu hàng Đồng minh nhanh chóng lan truyền khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Làn sóng cách mạng sục sôi trong những ngày mùa thu tháng Tám. Cách mạng thành công, chính quyền mới được thành lập, cả dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân. Đây là bước ngoặt vĩ đại chưa từng có của dân tộc, song nó cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp và mới mẻ đối với Đảng ta. Lúc này, trừ một số ít đau ốm bởi chế độ giam cầm trong nhà tù đế quốc, hầu hết đảng viên trước Cách mạng Tháng Tám đều phấn khởi, hăng say lao vào cuộc chiến đấu mới. Ít tuần sau, Xứ ủy Trung Kỳ điều tôi ra Huế và giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam.

Xứ ủy quyết định điều động tôi cũng là điều dễ hiểu. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lịch sử dân tộc Việt Nam và Đảng ta chuyển sang chương mới. Cảnh mất nước, nô lệ của nhân dân ta đã cơ bản chấm dứt. Lớp đảng viên chúng tôi vẫn nhớ chân lý “Giành chính quyền cách mạng đã khó, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng càng khó hơn”. Cảm ơn chặng đường 15 năm hoạt động, là điều kiện may mắn cho chúng tôi được thử thách. Tình cảm chung là thế, nhưng mấy đêm liền vẫn trăn trở, những kỷ niệm sâu sắc về vùng đất và con người Quảng Nam cũng như miền Trung Trung Bộ vẫn trỗi dậy. Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc. Tôi nhớ gia đình ông bà Đức Long coi trọng người lao động. Nhớ bến tắm sông Vĩnh Điện, nơi anh Võ Văn Đặng – người tù chính trị trong nhà lao tỉnh Quảng Nam được tự do đi tắm, người tù chính trị đã thoát chết khỏi vòng kiềm tòa, gặp nhau nhưng vẫn “còn nợ”. Câu chuyện tuy ngắn nhưng có ý nghĩa lớn, vì tôi đã thực sự trở về với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Bến đò Ông Đốc trên chiếc đò con, nghe sông Thu Bồn náo nức chuyển sang thu. Ông Cả Đáng tuổi già mấy đêm liền thức canh cho cán bộ dự hội nghị Việt Minh tỉnh được an toàn. Tôi đề nghị canh gác thay nhưng bác Đáng bảo: Chú cứ ngủ để ngày mai làm việc, cứ để bác canh gác có sao đâu. Lực lượng trong cuộc họp mà bị bắt thì cách mạng Quảng Nam càng gặp khó khăn hơn. Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng đi qua. Ông Sáu, bà Lành sống trong túp lều ở cửa đông thành Quảng Nam rất biết trọng nhân cách con người. Chiếc đò con từ Hội An qua bến Kim Bồng đưa đón những đảng viên. Sông phẳng lặng, lòng người như sóng dậy, đón thu về... Sáng hôm tôi ra đi, mấy anh chị em tiễn đưa trìu mến.

Tạm biệt Quảng Nam, với những vùng đất và con người như Vĩnh Điện, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên... nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan. Khi đội ngột phải xa Quảng Nam, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Không có thơ, văn nào nói lên hết, ghi vào đây nhiều cũng không đủ, nhưng trong sâu thẳm tôi thầm tự hứa nhất định sẽ có ngày trở lại vùng đất quê hương thứ hai này, với những con người đầy nghĩa khí cách mạng hào hùng và tình yêu thương vô hạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:44:17 pm »

Chương 1I
THAM GIA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Từ Quảng Nam ra Huê, tôi gặp các anh Trần Hữu Dực – Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Tố Hữu – Thường vụ xứ ủy Trung Kỳ. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau và nói: Đã hẹn là gặp. 15 năm thử thách chưa là bao. Song cái vốn ấy bảo đảm cho chúng ta cùng bước trên con đường ngàn dặm, bất chấp chông gai, cùng nhau đến đỉnh vinh quang của Tổ quốc. Sau khi trao đổi tình hình và công việc, tôi được các anh giao làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C – một tổ chức tạm thời có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương từ đường 9 – Đông Hà – Xa-va-na-khệt, đồng thời sẵn sàng đối phó với tàn quân Pháp từ tây sang và quân Tưởng từ bắc vào. Ủy ban quân chính Khu C gồm có anh Trần Hường (Quảng Bình), anh Đoàn Khuê (Quảng Trị), anh Lê Tự Đồng (Thừa Thiên) và tôi (Chu Huy Mân) cùng một số sĩ quan cũ. Ủy ban hoạt động được mấy tuần thì anh Lê Thiết Hùng – Khu trưởng Khu 4(1) vào nhận nhiệm vụ phụ trách các tỉnh miền Trung. Theo đề nghị của tôi, anh Lê Thiết Hùng đồng ý cho tôi về thăm quê, sau đó anh giao cho tôi làm chính trị viên Mặt trận Đường 9 – Đông Hà – Xa-va-na-khệt.

Trời mùa đông se lạnh. Ngồi trên tàu từ Huế ra Vinh, gần một ngày là thời gian quý để tôi có dịp suy nghĩ lại những gian truân, thử thách đã trải qua và có bước trưởng thành. Rồi bỗng dưng một câu hỏi ập đến: Mẹ còn hay mất?

Xuống ga Vinh tôi đi thẳng về quê. Đến đầu xã Yên Lưu, tôi gặp Chu Văn Tứ, con ông anh họ. Tứ ôm lấy tôi rồi òa khóc nức nở. Tôi chưa hiểu chuyện gì, gặng mãi, Tứ nói trỏng nước mắt:

- Chú Mân ơi! Bà và em Chân đã mất rồi!

Tôi hỏi dồn:

- Mất lâu chưa?

- Bà và em chết đói trước khi ta giành chính quyền mấy tháng.

Tim tôi đau thắt trước mất mát quá lớn, cảm giác này đeo đuổi tôi suốt cuộc đời. Đến đầu làng thì bà con kéo đến vây lại để xem mặt, vì họ nghe tin tôi đã chết. Về đến nhà, bà con ập đến rất đông. Vợ tôi chỉ biết khóc, đứa con thứ hai Chu Thị An (gần 5 tuổi) không nhận cha. Các cụ niên lão trong làng hình như thay phiên nhau đến rồi lại về, lại đến. Đêm hôm ấy, các cụ kể cho nghe nhiều chuyện đã xảy ra suốt 5 năm tôi xa quê...

Sáng hôm sau, tôi và vợ đi ra bãi tha ma Chùa Phủ thắp hương mộ bố, mẹ và con trai đầu. Lòng trung hiếu, nỗi đau cay đắng trong tâm hồn tôi dồn đọng lại mấy dòng như một điếu văn:

         Mới mười bốn tháng tuổi ấu thơ
         Cha đi để lại một “cơ đồ”
         Nhà tre trống rỗng đàn con dại
         Mẹ đau thân phận đến bao giờ

         Dứt ruột mang con bán cửa người
         Tôi đòi, đứa ở sống cầm hơi
         Món nợ, tang cha lo trả sớm
         Để người yên nghỉ tránh mỉa mai

         Bán hai, còn sáu vẫn gian nan,
         Rau cháo ngày qua mẹ đỡ buồn
         Con út lớn lên niềm an ủi
         Nhưng nước non đã gọi tuổi xuân

         Vào cuộc, cầm tay cảnh lao lung
         Ban đêm trăn trở mẹ vui lòng
         “Dù chết vô danh nơi chiến địa
         Chỉ mong con xứng với tổ, tông”.

         Con về sau hội lớn Mùa Thu
         Mùa Thu đến muộn mẹ khó chờ
         Giặc đói cướp luôn bà lẫn cháu
         Đau buồn, xin trọn nghĩa với ông cha

         Mẹ ơi!
         Từ mùa đông ấy một lời nguyền
         Mười lăm năm, không ít gian truân
         Con về cha, mẹ đều đã khuất
         Chứng giám lòng con có nhân dân

         Đường lên phía trước vẫn chông gai
         Nắm hương thơm không nói hết lời
         Đất thơ cha, mẹ yên giấc ngủ
         Sẽ có ngày non nước trường xuân



(1) Khu 4 lúc này gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:45:10 pm »

Trước khi trở lại Quảng Trị, tôi gặp các anh lãnh đạo trong xã trao đổi tình hình chung và giải quyết ý nguyện của nhân dân trong xã.

Tôi trở lại Mặt trận Đường 9 – Đông Hà – Xa-va-na-khệt với cương vị là chính trị viên. Cùng trong Ban chỉ huy mặt trận là anh Nguyễn Tụ, một đảng viên Quốc dân đảng thời Nguyễn Thái Học bị đày ra Côn Đảo mới về. Nhiệm vụ của chúng tôi là sẵn sàng đánh tan quân Pháp từ Xa-va-na-khệt tiến công về Đông Hà; phối hợp với các bạn Lào vận động bà con Việt kiều phục vụ cách mạng Lào và hướng về sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lực lượng Mặt trận Đường 9 – Đông Hà – Xa-va-na-khệt khoảng 3.000 người, nên việc bảo đảm hậu cần gặp khó khăn. Sau khi đi kiểm tra chiến trường, nắm lại tình hình chính trị, tư tưởng bộ đội tôi quay về Cam Lộ giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Trên đường về Cam Lộ, tôi ghé lại Tân Lâm thăm gia đình chị Thuận, gia đình ông Cửu Liệu và gia đình Nguyễn Như Hà (còn gọi là Bát Hà), người Hà Tĩnh cư trú gần chợ huyện Cam Lộ. Bát Hà, là chủ đồn điền khai thác gỗ vùng Tân Lâm, sau Cách mạng Tháng Tám, bị chính quyền mới Quảng Trị bắt giam. Khi làm việc với anh Đặng Thế - Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, anh cho tôi xem lá đơn của Bát Hà xin chính quyền cách mạng cho được tại ngoại. Trong đơn, Bát Hà có nhắc đến ông Lê Thế Mỹ (bí danh của tôi – Chu Huy Mân) đã ở trạm kéo gỗ Tân Lâm và ở nhà riêng của ông ta. Đọc xong lá đơn tôi xác nhận những nội dung Bát Hà nói về tôi là chính xác. Anh Đặng Thế hỏi tôi:

- Theo anh, Bát Hà là người thế nào? Và xử lý với anh ta ra sao?

Tôi nói:

- Theo tôi, Bát Hà không ưa gì cách mạng, nhưng cũng không phải là mật thám, nếu các anh tha và giao một nhiệm vụ gì đó, ủng hộ kháng chiến có thể ông ta làm được.

Anh Đặng Thế đồng ý ngay với ý kiến của tôi. Và cũng sau buổi làm việc này, tôi và anh Đặng Thế trở nên thân thiết.

Bát Hà được thả tự do, chính quyền Quảng Trị giao cho ông ta làm Chủ tịch Ủy ban ủng hộ kháng chiến huyện Cam Lộ chuyên vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm ủng hộ cách mạng, chủ yếu bộ đội Mặt trận Đường 9 – Đông Hà – Xa-va-na-khệt.

Một thời gian sau, tôi và mấy cán bộ Mặt trận Đường 9 đến gia đình Bát Hà bàn việc huy động lương thực. Thấy chúng tôi đến, Bát Hà từ ngỡ ngàng đến mừng vui. Tôi hỏi thăm tình hình làm ăn của ông ta và việc huy động lương thực của Ủy ban ủng hộ kháng chiến. Bát Hà vui vẻ nói như báo công:

- Từ ngày ông bảo lãnh tôi được tự do, cách mạng lại giao làm Chủ tịch Ủy ban ủng hộ kháng chiến, tôi đã cố gắng vận động bà con đáp ứng tốt mọi yêu cầu của chính quyền cách mạng, nhất là lương thực thực phẩm và cả những nhu yếu phẩm khác nữa phục vụ bộ đội ta.

Tôi động viên Bát Hà:

- Cuộc kháng chiến còn dài, mọi người đều phải đóng góp sức người sức của cho cách mạng, có như vậy kháng chiến mới mau chóng thành công.

Bát Hà nhanh nhảu:

- Xin hứa với ông Mỹ, à ông Mân, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa vận động nhân dân tiếp tục ủng hộ cách mạng để bộ đội ăn no đánh thắng quân Pháp.

Cuối buổi làm việc ông ta thiết tha đề nghị đoàn chúng tôi nghỉ lại gia đình. Đáp lại lời mời, đêm ấy chúng tôi ở lại gia đình Bát Hà.

Bữa cơm tối Bát Hà tiếp chúng tôi khá thịnh soạn. Trước lúc ăn, tôi nói ông ta mời cả vợ và cô con gái cùng ngồi. Qua cử chỉ và ánh mắt của họ, tôi biết rằng cả gia đình rất vui trong bầu không khí bình đẳng, cởi mở của những cán bộ cách mạng.

Sau này tôi được biết, Bát Hà rất tích cực trong việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội Mặt trận Đường 9 – Đông Hà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2018, 10:46:11 pm »

Trong dịp Tết Nguyên đán năm 1945, anh Võ Nguyên Giáp (thường gọi là anh Văn) đến Sê-pôn kiểm tra tình hình, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh Văn phổ biến tình hình:

- Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Thường vụ Trung ương chỉ thị kháng chiến – kiến quốc, vạch ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới.

Về tình hình chiến sự ở miền Nam, anh cho biết:

- Hiện nay ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ giặc Pháp đã chiếm được nhiều tỉnh lỵ, nhưng ta vẫn làm chủ ở nông thôn. Nhiệm vụ quân sự lúc này là động viên toàn dân kiên trì kháng chiến. Đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài. Cách đánh phù hợp của ta trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc này là đánh du kích.

Đầu năm 1946, chúng tôi được biết giữa Anh, Mỹ, và Trung Hoa dân quốc với Pháp đã cố sự dàn xếp về Đông Dương. Ngày 28 tháng 2 năm 1946, Hiệp ước Pháp – Hoa được ký, thực chất của hiệp ước này là kết quả của sự mua bán đổi chác giữa Pháp và Tưởng. nhưng nó còn cho thấy bọn Mỹ, Tưởng, Anh, Pháp từ giành nhau địa vị thống trị Đông Dương chuyển sang chủ trương điều hòa quyền lợi với nhau. Mỹ và Anh đều muốn ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Vì vậy, Anh đã mở đường và tạo thuận lợi cho Pháp trở lại Nam Bộ, Mỹ ủng hộ Tưởng đưa quân vào miền Bắc, thiết lập một chính quyền thân Tưởng và như vậy sẽ lệ thuộc vào Mỹ. Nửa năm qua Tưởng đã không làm được chuyện đó. Gần 20 vạn quân Tưởng bị sa lầy ở Việt Nam, trong khi cách mạng Trung Quốc đang phát triển rất mạnh, đã đến lúc Tưởng phải lo rút quân về để chống giữ hậu phương.

Ở miền Nam, sau khi đặt chân lên Nam Bộ, Pháp muốn tiến ngay ra Bắc, nhưng sự có mặt của quân Tưởng đã không cho phép Pháp làm được điều đó. Mặt khác đã 5 tháng chiến tranh mà Pháp chưa chiếm được miền Nam, nếu dùng vũ lực với cả miền Bắc là việc làm khó với họ. Họ cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ Việt Nam khi quân Pháp ra Bắc. Như vậy, vừa tránh được xung đột mà quân Tưởng lại không có cớ dây dưa trong việc rút quân. Đúc lúc này, bọn Việt Nam Quốc dân đảng lại kích động dân ta đứng lên chống Pháp. Dã tâm của chúng là đẩy ta trực tiếp chống lại Hiệp ước Pháp - Hoa. Nếu mắc mưu chúng thì cả ba lực lượng quân Tưởng, quân Pháp và bọn phản cách mạng ở Việt Nam sẽ cùng quay lại diệt lực lượng ta.

Từ nhận định trên, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương đặt ra vấn đề: Đánh hay hòa với Pháp? Có ý kiến đề nghị quyết đánh, rút về chiến khu tổ chức chiến tranh du kích. Có ý kiến nên tạm thời hòa hoãn với Pháp. Cuối cùng Bác kết luận: Ta không nên cùng một lúc đánh nhau tay năm, tay sáu với lũ cướp nước và bán nước, đấm bằng hai tay một lúc là không mạnh. Ta đã sớm biết trước kẻ thù chính là thực dân Pháp. Đấy không phải là do ta lựa chọn theo ý muốn, mà là do ta phân tích một cách khách quan những quan hệ và những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Trước sau ta cũng phải đánh thắng Pháp thì mới giành được độc lập... Vì lẽ đó, bây giờ nên hòa hoãn với Pháp. Hòa với Pháp để gạt quân Tưởng, loại trừ bọn Việt gian theo Tưởng. Hòa với Pháp để tạo điều kiện cho nhân dân Pháp chống bọn phản động Pháp.

Cùng thời gian này, chúng tôi còn được biết ngày 2 tháng 3, Quốc hội nước ta họp giải quyết một số vấn đề hệ trọng. Trước hết Quốc hội xác định kháng chiến là việc hệ trọng nhất. Theo đề nghị của Bác Hồ, Chính phủ lâm thời xin từ chức và trao quyền cho Quốc hội tổ chức một chính phủ mới – Chính phủ kháng chiến kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Những ngày đầu tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đàm phán giữa Việt Nam và đại diện Cộng hòa Pháp. Về phía Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thứ trưởng ngoại giao Hoàng Minh Giám, về phía Pháp có Xanh-tơ-ni, sau thêm Pi-nhông. Sau 6 ngày đàm phán, có những cuộc họp kéo dài đến 2 giờ sáng, cuối cùng ngày 6 tháng 3 năm 1946, hai bên đã đi đến ký kết một bản Hiệp định sơ bộ, gồm một số nội dung: Nước Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước tự do, có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, tài chính của mình ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thống nhất ba kỳ. Nước Việt Nam chấp thuận để 15 nghìn quân Pháp vào Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết sau một thời gian được quy định. Hai bên đình chiến để mở một cuộc đàn phán chính thức. trong khi đàm phán quân hai bên ở đây vẫn đóng ở đấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM