Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:19:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thời sôi động  (Đọc 33902 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:34:07 pm »

Sau mấy lần trao đổi với anh Bẩy, chúng tôi báo cáo về Hà Nội sự lựa chọn phương án thứ ba. Những ý kiến từ chiến trường cũng phù hợp với ý định của Hà Nội.

Trong bức điện ngày 14 tháng 12 năm 1960 của anh Văn, có nói: “Cánh Đồng Chum là một địa bàn hấp dẫn về chiến lược, một cao nguyên rộng lớn mà địch đang sơ hở, ta có thể dùng lực lượng không lớn nhằm vào chỗ sơ hở này đánh đòn bất ngờ chớp nhoáng làm chủ cao nguyên, tiếp theo giải phóng cả thị xã Xiêng Khoảng, Bản Ban. Nếu làm tốt có thể biến cuộc rút lui khỏi Viêng Chăn thành đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược đánh chiếm Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, cách mạng Lào có bước phát triển mới và cao hơn”.

Sau khi nghe tôi trình bày tổng hợp thành ba phương án và đề nghị lựa chọn phương án thứ ba cho cuộc rút quân và tiến công, anh Bẩy vui vẻ nắm chặt tay tôi và nói:

- Cảm ơn tướng quân Thao Chăn (tên của tôi khi ở Lào). Ý tưởng thật tuyệt vời. Chúng ta quyết tâm giành thắng lợi có ý nghĩa chính trị chiến lược này.

Ngừng một lát, anh Bẩy nói giọng trầm trầm:

- Phương án tuyệt vời, nhưng khó khăn thử thách không nhỏ, có những khó khăn phức tạp mà ta chưa lường hết, cần tiếp tục suy nghĩ để giành quyền chủ động.

- Ý kiến của anh rất đúng – Tôi nói – Kinh nghiệm xưa nay của đấu tranh cách mạng và chiến tranh yêu nước, mỗi cuộc tiến công mục đích lớn có ý nghĩa sâu sắc bao giờ cũng gắn liền với thử thách khó khăn. Thắng lợi qua khó khăn quyết liệt, giá trị càng cao. Chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng.

Chúng tôi cùng thống nhất giữ kín ý định này, chưa nói sớm với ông Kin-nim Phôn-xê-na và Coong-le. Một hai ngày tới, chúng ta khéo gợi ý để họ đề ra phương án phù hợp. Lúc ta nói rõ ý định Coong-le sẽ không bỡ ngỡ lắm gây không khí thuận lợi ban đầu.

Ngày 18 tháng 12 năm 1960, chúng tôi chỉ để lại ở thủ đô Viêng Chăn một đội du kích và mấy chục thanh niên tình nguyện bám địch, tiếp tục chiến đâu, kìm chân địch, đại bộ phận lặng lẽ rời khỏi thủ đô Viêng Chăn. Trong đội hình hành quân bộ phận Việt Nam và Pa-thét Lào có anh Bẩy, anh Phun Xi-pa-xớt, anh Sin-ka-pô và ông Kin-nim Phôn-xê-na. Khi đến Pôn-khiêng, tôi nhận được điện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chủ động gặp Kin-nim Phôn-xê-na – Phó thủ tướng Vương quốc (lúc này Phu-ma đang nghỉ ở Phnôm Pênh), nói rõ phương án tiến công của hai lực lượng và mời ông ta đến Hà Nội nghỉ, đồng thời bàn công việc sắp tới”.

Tôi cho người báo trước Kin-nim, hẹn cuộc gặp vào 9 giờ sáng. Lúc này ông đang ở một bản sát quốc lộ 13.

Đúng giờ hẹn, tôi đến đã thấy ông đợi sẵn ở chân cầu thang nhà sàn. Sau ít phút chào hỏi xã giao, tôi chuyển lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời ông sang Hà Nội nghỉ và bàn một số vấn đề trọng đại. Kin-nim từ tốn đáp lễ và tỏ lòng cảm ơn Chính phủ ta. Khi trao đổi về tình hình chiến sĩ, Kin-nim thắng thắn nói:

- Quân phái hữu đã chiếm lại thủ đô của chúng tôi, trước hết đề nghị Việt Nam cho quân đội sang đánh đuổi lực lượng này, giành lại thủ đô Viêng Chăn, lúc đó sẽ bàn đến việc thành lập Chính phủ Liên hiệp có Pa-thét Lào tham gia.

Tôi trình bày khái quát tình hình thế giới và khu vực, tương quan lực lượng giữa trung lập và Pa-thét Lào với lực lượng phái hữu lúc bấy giờ, cuối cùng tôi nói:

- Viêng Chăn là thủ đô của nhân dân các bộ tộc Lào, trước sau Viêng Chăn cũng thuộc về lực lượng trung lập và Pa-thét Lào, thuộc về nhân dân Lào. trước mắt như tôi đã tình bày ở trên chưa thể thực hiện được sự mong muốn chính đáng của ngài. Trong cuộc chiến này, tạm lui một bước để tiến lên nhanh và cao hơn.

Kin-nim có vẻ không thỏa mãn những điều tôi nói:

- Nếu Việt Nam thật lòng muốn giúp chúng tôi thì tốt hơn hết là cho quân đội sang đánh giữ thủ đô Viêng Chăn.

Tôi tiếp tục lý giải và thuyết phục, vẻ mặt ông dịu dần. Cuối cùng Kin-nim đồng ý hôm sau lên máy bay từ Văng Viêng sang Hà Nội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2018, 10:35:19 pm »

Ngày hôm sau, một sĩ quan phái viên Bộ Tổng tham mưu từ Hà Nội bay sang hạ cánh tại sân bay dã chiến Văng Viêng, truyền đạt chỉ thị của anh Văn, đại ý: Phải nỗ lực cao nhất tiến công Cánh Đồng Chum, nhanh chóng chiếm lấy cao nguyên này; trường hợp quân Coong-le quá yếu kém tan rã trên đường tiến quân thì thực hiện phương án đưa Coong-le và một số người gần gũi anh ta về Sầm Nưa, khôi phục và phát triển lực lượng này, liên minh với Pa-thét Lào chống Mỹ Anh Mân cho chấn chỉnh lực lượng ở khu vực Văng Viêng, bố trí một bộ phận giữ nam bờ sông Nậm Lịch (cầu Hin Hợp), gấp rút chuẩn bị cho cuộc tiến công.

Phải làm sao sử dụng tốt nhất lực lượng trung lập Coong-le luôn luôn là vấn đề làm tôi trăn trở. Thuận lợi cho công việc thời gian này là Coong-le rất kính phục thầy giáo cũ Sin-ka-pô, ý kiến của anh Sin-ka-pô và tôi đều được Coong-le thực hiện tốt. Tôi có phần yên tâm đối với Coong-le, nhưng cũng thấy cần thận trọng trong việc ứng xử với các phó chỉ huy của anh ta. Dù sao cho đến lúc này có thể coi đại đội Pa-thét Lào và lực lượng trung lập cũng như bộ đội Việt Nam. Việc cần thiết là rà soát tổ chức biên chế, trang bị và đánh giả khả năng chiến đấu của từng phân đội.

Thật không may, trong lúc bao công việc dập dồn, bao vấn đề cần giải quyết thì tôi bị sốt cao triền miên, cộng thêm bệnh kiết lỵ hành hạ, người xuống sức nhanh chóng. Giữa lúc đó thì anh Văn điện sang. Tôi phải về Hà Nội gấp, giữ kín việc tôi về nước đối với Coong-le.

Buổi chiều về đến Hà Nội, sáng hôm sau anh Văn chủ trì một cuộc họp bàn phương án tiến công giải phóng cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ, đáng chú ý là một số tình huống cơ bản: Địch phát hiện hướng hành quân của ta, chúng có thể tăng cường lực lượng xuống Cánh Đồng Chum để ngăn chặn. Trên đường hành quân đi qua vùng người Lào Sủng, bọn phỉ Vàng Pao có thể chặn đánh và bắn tỉa. Khi gặp tình huống khó khăn, Coong-le có thể làm phản diệt anh em Việt Nam và Pa-thét Lào rồi quay về Viêng Chăn. Khi bạn chiếm được Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, quân phái hữu có thể dùng máy bay oanh tạc và cho quân nhảy dù chiếm lại...

Các tình huống trên trong cuộc họp khi nêu ra, mọi người đều dễ thống nhất biện pháp xử trí. Một vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là ai sẽ tạm thay nhiệm vụ giúp bạn trong lúc tôi ốm. Cơ quan chức năng đưa ra mấy đồng chí để cân nhắc. Anh Văn ngồi hồi lâu lộ vẻ băn khoăn, vẫn chưa quyết định ai đi thay tôi. Đón bắt tâm tư của anh Văn, tôi nói:

- Nhiệm vụ giúp bạn đang vào thời điểm khẩn trương, chậm là mất thời cơ. Tình hình ở Lào tôi là người nắm khá chắc, cả lực lượng Pa-thét Lào và lực lượng trung lập Coong-le. Đề nghị anh Văn ngày mai tôi không vào Viện 108 chữa bệnh như dự kiến, mà đi Lào ngay.

Anh Văn và những người trong cuộc họp như vui lên. Anh Văn nói:

- Anh Mân đi Lào thực hiện nhiệm vụ giúp bạn là rất thuận lợi. Nhưng anh đang ốm, tôi phải báo cáo xin ý kiến của Bác, trước khi quyết định để anh đi.

Nói xong, anh Văn ra khỏi phòng họp. Chúng tôi tiếp tục trao đổi kỹ thêm một số tình huống, trong đó có vấn đề tôi đề nghị cơ quan Bộ Tổng tham mưu, khi bạn giải phóng được Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng thì các anh gửi thêm vũ khí, khí tài để dự phòng. Các anh cơ quan đều nói sẽ đáp ứng yêu cầu. Vài chục phút sau anh Văn trở lại phòng họp, anh nói:

- Bác Hồ nhắc lại, chúng ta giúp bạn phải giúp tận tình, anh Mân đi nếu xảy ra việc gì cũng phải chấp nhận. Anh nên mang thuốc trị bệnh và phải thường xuyên giữ liên lạc với chúng tôi.

Qua ý kiến của Bác, tôi hiểu rằng Bác Hồ và lãnh đạo Đảng ta rất quan tâm đến yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào về việc giúp bạn trong thình hình hiện nay. Anh Văn còn nói nhiều vấn đề về chủ trương và kế hoạch, để ngỏ những phương án hành động cụ thể, tôi căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định kịp thời. Chúng tôi tâm đắc phương án tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng nhưng cũng có nhiều lo lắng về sự kiên định của quân trung lập Coong-le, đặc biệt là những người chỉ huy. Chứng tôi đã trao đổi những vấn đề rất cụ thể như nắm địch và đánh giá tình hình địch, nắm chất lượng ba con đường (số 13, số 7 và số 6) có thuận lợi cho hành quân cơ giới không? Việc bảo đảm vật chất, kỹ thuật cho cuộc hành quân...

Kết thúc cuộc trao đổi, anh Văn dặn:

- Phải nắm chắc Coong-le, đề phòng Coong-le và một số người lúc khó khăn có thể làm phản rồi chạy trốn. Dọc đường số 7 có nhiều phỉ Mẹo, cần tổ chức đánh phỉ để mở đường tiến quân; đến Mường Sủi cho trinh sát nắm địch ở ngã ba Phiêng Luông và Cánh Đồng Chum, đánh giá tình hình và quyết định tiến vào Cánh Đồng Chum hay đi qua Sầm Nưa do anh Mân quyết định và điện báo cáo ngay về Bộ. Ở phía đông bắc tôi sẽ cho Quân khu 4 đánh chiếm Noọng Hét và Bản Ban hỗ trợ cho anh trong cả hai trường hợp đánh chiếm Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng hoặc không đánh được phải đưa lực lượng Coong-le theo đường số 6 đi Sầm Nưa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:42:23 am »

Tôi cảm nhận sự lo lắng của anh Văn, người trong lúc này được Bác Hồ và lãnh đạo Đảng ta giao trực tiếp phụ trách công việc ở Lào.

Dường như anh Văn cũng thông cảm những khó khăn phức tạp khi phải gấp rút bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ khá đặc biệt trên một chiến trường chưa được chuẩn bị. Trong điều kiện đó, anh Văn muốn đòi hỏi người chỉ huy ở chiến trường một sự khôn ngoan và sáng tạo để thực hiện cho bằng được yêu cầu chính trị to lớn trong lúc này; đồng thời muốn giúp đỡ tôi trên cương vị “người tư lệnh chiến trường” phải độc lập tác chiến trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ, nhất là lực lượng, vẫn phải ra đi, dù “đơn thương độc mã” cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi thầm hứa với anh Văn sẽ hết lòng làm tốt điều mà anh Văn mong muốn.

Trở lại Văng Viêng, việc đầu tiên của tôi là kiểm tra công tác chuẩn bị để bắt đầu cho một cuộc hành quân tiến công. Tôi gặp riêng Coong-le, nói rõ ý định tiến công giải phóng cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, phân tích cái lợi lớn nhất của cuộc tiến công, xác định nguyên tắc hành động là bí mật, bất ngờ, nhanh chóng. Quan trọng nhất là giữ bí mật, khi còn đóng quân ở Văng Viêng phải làm như sẽ còn ở đây lâu dài, nhưng khi xuất quân phải tiến nhanh, làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Trên đường tiến quân, địch có thể cản trở bằng các lực lượng địa phương, ta phải khéo léo thu phục các lực lượng đó. Chỉ khi nào chúng nổ súng chống lại thì ta mới đánh. Khi đã đánh phải hành động nhanh để tiến quân tới địch.

Lực lượng bảo vệ khu vực từ Văng Viêng đến sông Nậm Lịch, chỉ để lại một trung đội Pa-thét Lào và một khẩu pháo 105 ly, trường hợp địch từ Viêng Chăn tiến lên thì kiên quyết chặn chúng lại bờ nam sông Nậm Lịch. Các phân đội ở lại Văng Viêng hoạt động bình thường, cần phô trương lộ liễu, làm như lực lượng lớn vẫn đứng nguyên tại chỗ.

Buổi sáng ngày 29 tháng 12 năm 1960, thung lũng Văng Viêng sương mù tan nhanh, bầu trời không một gợn mây. Chiếc máy bay từ Hà Nội sang hôm trước đã có thể cất cánh về Việt Nam. Thông thường trong chiến tranh, vô vàn những giờ phút tiễn đưa dạt dào tình cảm, kẻ xông pha ngàn dặm hứa hẹn chiến công, người về hậu phương ngày đêm háo hức chờ mong. Tiễn chân anh Bẩy có anh Phun Xi-pa-xớt, về phía Việt Nam có anh Đình Khanh và anh Đào Việt Hưng. Anh Bẩy nắm tay tôi nói từng lời:

- Chúng ta ai cũng thấy mục đích lớn, ý nghĩa sâu xa của cuộc tiến công Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng. Nhưng một thực tế khó rút khỏi suy nghĩ của chúng ta là lực lượng trung lập Coong-le ít qua chiến đấu, công tác động viên khuyến khích họ chúng ta làm chưa đủ, bộ đội Pa-thét Lào chỉ có vài chục cán bộ chiến sĩ, sức khỏe của anh Mân lại chưa thật ổn định, dọc đường hành quân, biết bao những tình huống cụ thể chưa lường hết, tôi rất phân vân. Rất tiếc tôi không thể cùng đi với anh tiến thẳng đến Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.

Nắm tay anh Bẩy như không muốn rời, tôi nói:

- Đề nghị anh Bẩy và các anh về Hà Nội cùng với các anh khác trao đổi tình hình, dự kiến công việc sắp tới. Khi bộ đội và tôi về đến Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng chắc chắn công việc nhiều mới mẻ và phức tạp, mời các anh lên thật sớm để bàn bạc thống nhất và có kế hoạch hành động.

Thâm tâm thôi nghĩ, nói như thế cũng là hạ quyết tâm lần cuối để các đồng chí lãnh đạo ở hậu phương yên lòng.

Tối ngày 29 tháng 12 năm 1960, thị trấn Văng Viêng hiểm trở chứng kiến cuộc xuất quân hào hùng. Từng đoàn xe quân sự đèn pha sáng trưng nổi máy chấn động cả núi rừng bắt đầu cuộc tiến quân. Đi đầu là một đại đội thiết giáp (6 chiếc), một đại đông công binh. Tiếp đến là lực lượng chủ yếu gồm tiểu đoàn dù, một đại đội thiết giáp (6 chiếc), hai đại đội pháo (Việt Nam) và một đại đội Pa-thét Lào. Toàn bộ lực lượng khoảng 1.400 người. Tôi và anh Sin-ka-pô đi cùng đại đội Pa-thét Lào. Hàng trăm xe ô tô và xe thiết giáp cố tiến nhanh trên con đường 13 chật hẹp và hiểm trở chạy ven các triền núi một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng xuyên giữa những cánh rừng già. Tôi nhiều lần được báo cáo là: “Công binh đang sửa đường” hoặc “Xe hỏng, đang sửa chữa”. Sốt ruột quá tôi vượt lên kiểm tra một số trường hợp xe hỏng làm tắc đường tiến quân, trao đổi với anh Sin-ka-pô rồi đề nghị: Bỏ lại xe hỏng, kéo xe hỏng vào vệ đường khe núi, giải phóng mặt đường, tiến quân lên! Mệnh lệnh được chấp hành và đoàn xe lại chuyển bánh.

Một trăm ki-lô-mét đầu tiên đã vượt qua.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:43:47 am »

15 giờ chiều hôm sau đại đội thiết giáp đi đầu và quân trung lập Coong-le sau khi chiếm được điểm cao 1692 liền chia làm ba mũi. Mũi thứ nhất tiến theo đường 13 đánh vào Xa-la-phu-khum ở ngã ba đường 13 và đường số 7. Mũi thứ hai tiến công ở Pu Xủng phía nam đường số 7. Mũi thứ ba làm nhiệm vụ nghi binh đánh lên hướng Luông Pha-băng.

Tại Xa-la-phu-khum, 1 tiểu đoàn quân chính quy của Nô-xa-vẳn đóng tại đây vì tin những lời của Phu-mi Nô-xa-vẳn đinh ninh là quân Pa-thét và quân Coong-le đã mất hết pháo binh, nên cố bám giữ vị trí này. Nhưng đến khi pháo 105 ly của ta bắn thì tất cả sĩ quan binh lính của chúng hốt hoảng dẫm đạp lên nhau, đứa chết, đứa bị thương, một đại đội xin hàng. Tiểu đoàn địch bị đánh tan. Ngã ba chiến lược quốc lộ số 13 và quốc lộ số 7 được giải phóng. Đường số 7 – con đường tiếp vận duy nhất còn lại của lính Nô-xa-vẳn giữa Luông Pha-bang và Xiêng Khoảng bị cắt đứt.

Mũi thứ hai tiến công địch ở Pu Xủng làm chủ 5km đầu tiên của con đường số 7, con đường dẫn tới Cánh Đồng Chum. Nhiều đơn vị cỡ trung đội, đại đội gặp bộ đội Pa-thét Lào xin đầu hàng. Tôi trao đổi với anh Sin-ka-pô sử dụng một số hàng binh, cho ăn no, thả họ về, vận động dân làng tiếp tế lương thực thực phẩm cho quân chính phủ đánh Luông Pha-băng.

Tin quân Pa-thét và quân Coong-le đánh Luông Pha-băng nhanh chóng được lan truyền. Trong khi đó xuất hiện một mũi đánh lên hướng này (lực lượng không là bao, 1 đại đội quân Coong-le), càng làm cho quân Nô-xa-vẳn tin ta đánh Luông Pha-băng thật. Vì thế Nô-xa-vẳn càng chủ quan cho rằng bộ đội Coong-le và Pa-thét Lào chỉ tìm đường lên phía bắc, làm gì có lực lượng đánh sang Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng!

Trong khi đó quân của Chính phủ Vương quốc và Pa-thét lào liền tập trung đánh dọc theo đường số 7 sang phía đông. Các vị trí địch hoảng hốt bắt đầu phá cầu, ngả cây chặn lối hòng ngăn cản cuộc tiến quân của ta. Lực lượng công binh do đại úy Thoong Phun chỉ huy đi đầu làm việc ngày đêm mở đường cho đại quân cơ giới tiến lên. Tiến trên đường số 7 chưa được là bao thì lực lượng của ta gặp phỉ Vàng Pao chặn đánh, đội hình hành quân phải dừng lại ngay trên đường.

Bộ phận anh em Việt Nam và anh Sin-ka-pô nghỉ gần một bản người Lào Sủng chịu ảnh hưởng của phỉ Vàng Pao. Lúc đầu anh em Pa-thét Lào rất ngại vào bản người Lào Sủng nhưng nằm giữa đường đều cảm thấy không an toàn. Tôi lại nghĩ khác. Nếu mình làm tốt công tác vận động, thì đóng quân trong bản có khi an toàn hơn nghỉ ở ven đường. Thế là chúng tôi mạnh dạn đi vào bản. Người dân ở đây đã chạy hết, chỉ còn một gia đình với hai ông bà già. Ông cụ bước ra nhìn chúng tôi có vẻ thăm dò. Chúng tôi chào cụ bằng tiếng Lào Sủng. Thấy anh em Việt Nam nói tiếng Lào Sủng, nét mặt cụ rạng dần. Ông cụ mời mọi người vào nhà. Chúng tôi giải thích cho hai cụ anh em Pa-thét Lào và quân Chính phủ đi đánh quân phiến loạn, tay sai của Mỹ, bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào. Cụ nghe, mắt dõi nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại gật gật mái đầu rối bù đã bạc. Chúng tôi hỏi tình hình dân làng, sức khỏe hai cụ. Cụ chỉ tay vào vết thương đang rỉ máu ở chân. Đồng chí y tá nhanh tay lấy thuốc và băng chữa trị vết thương, rồi pha một cốc sữa mời cụ uống. Trước thái độ chu đáo ân cần của anh em Pa-thét Lào và Việt Nam, ông bà cụ mời anh em nghỉ lại trong bản. Tối hôm ấy, chúng tôi mời ông bà cụ cùng ăn cơm. Ông cụ, tay chống gậy dẫn chúng tôi đến chỗ đông người, Ông nói:

- Bộ đội Pa-thét và bộ đội Việt Nam là con em của nhân dân. Bộ đội chỉ đánh quân phiến loạn bọn tay sai nước ngoài để bảo vệ dân bản. Người Lào Sủng chúng ta phải ủng hộ bộ đội.

Lúc này chúng tôi mới biết, ông cụ là người rất có uy tín đối với dân trong bản.

Đêm hôm đó mọi người ngủ ngon. Anh em Pa-thét Lào, đã có thêm một bài học về công tác dân vận và hiểu ra không phải người Lào Sủng ai cũng xấu.

Sáng hôm sau, dân bản đem đến một con lợn. Ông cụ người Lào Sủng nói:

- Đây là tấm lòng dân bản ủng hộ bộ đội để có sức đánh giặc…

8 giờ đại quân tiếp tục lên đường. Cả một buổi sáng đội hình cơ giới dài dằng dặc chỉ vượt được một chặng đường khoảng 13km từ Nậm-chét đến Sắc-păng-păng. Trước tình hình trên tôi và anh Sin-ka-pô vượt lên phía trước, nhìn các phân đội quân Coong-le triển khai chiếm lĩnh các điểm cao hai bên đường, tôi trao đổi với anh Sin-ka-pô:

- Mục tiêu của chúng ta không phải là phỉ Mẹo mà là Cánh Đồng Chum, vì thế không được phép dừng quân. Anh yêu cầu Coong-le cho thu quân để tiến gấp, phải vừa đánh phỉ vừa tiến. Nếu phỉ đánh vào bộ phận nào thì ở đó để lại một phân đội nhỏ đánh trả, còn đại bộ phận phải tiến nhanh.

Lính Coong-le cứ nghe tiếng súng nổ phía trước là tự ý dừng quân, cụm lại thành từng nhóm quanh các sĩ quan rồi dàn trận, xả súng bắn vô tội vạ vào rừng. Mỗi lần như vậy, anh Sin-ka-pô lại ra lệnh ngừng bắn và thúc giục binh lính tiến lên. Thực tế quân phỉ chỉ là các nhóm nhỏ vài tên, hoạt động mang tính quấy rối. Một ngày hành tiến trên đường số 7 chỉ đi được 50 km, Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng còn cách xa khoảng 100 km.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:45:32 am »

Sáng ngày 31 tháng 12 năm 1960, đoàn quân tiến nhanh hơn vì đoạn này trống trải, quân phỉ Vàng Pao không dám ra sát đường. Bầu trời trên đường số 7 máy bay vận tải của địch bay nhiều về hướng Cánh Đồng Chum. Theo tin chúng tôi nắm được, Nô-xa-vẳn đã đổ một tiểu đoàn, tăng cường cho lực lượng địch ở đây. Một cuộc chạy đua với địch diễn ra. Chúng tôi yêu cầu Coong-le thúc quân chiếm ngay Mường Sủi – một điểm dân cư khá đông đúc cách Cánh Đồng chum 40km đường chim bay, đồng thời nhanh chóng chiếm cầu Nậm Ngừm.

Bộ phận Việt Nam và Pa-thét Lào đến đỉnh Sắc-păng-păng dừng lại thổi cơm, đun nước bổ sung. Tôi điện báo về Hà Nội sau 20 tiếng đồng hồ mất liên lạc.

Đoàn xe cơ giới do đại úy Két-xa-na chỉ huy mở hết tốc lực chạy vun vút trong cát bụi mịt mù tiến về ngã ba Phiêng Luông. Từ ngã ba này đi Cánh Đồng Chum chỉ còn 20km, nếu rẽ trái đi theo hướng đông bắc về Sầm Nưa cũng chỉ còn 140km.

Trinh sát báo về địch đã tăng cường phòng ngự, chúng bố trí 2 đại đội tại khu vực cầu sắt Nậm Ngừm, còn 3 đại đội đóng ở sân bay Cánh Đồng Chum. Quân Coong-le tiến lên bị địch đánh chặn ở cầu Nậm Ngừm. Một trong các phó chỉ huy của Cooong-le là Thoong-my hy sinh, hai người bị thương.

Coong-le và mấy phụ tá đến gặp, tôi bắt tay và nói lời chia buồn với Conog-le, Két-xa-na và nhờ họ chuyển lời chia buồn đến gia quyết đại úy Thoong-my và nói:

- Trong chiến đấu khó tránh khỏi thương vong thậm chí tổn thất, nhưng ở tình huống này, thắng lợi lớn đã cầm chắc trong tay. Có lẽ vào giờ phút này quân phái hữu, tay sai Mỹ đang sợ ông và các chiến hữu của ông. Sự bình tĩnh của ông có ý nghĩa lớn đối với tinh thần binh sĩ. Ông hãy động viên binh lính, chấn chỉnh đội ngũ, chuẩn bị tiến công tiếp. Chúng tôi sẽ cho pháo binh chi viện cho các ông. Đêm nay các ông đánh chiếm sân bay Cánh Đồng Chum và tiếp đó giải phóng thị xã Xiêng Khoảng. Quân địch phải kính nể các ông, nhân dân các bộ tộc Lào hoan nghênh các ông.

Coong-le và các sĩ quan dường như tin rằng pháo binh Việt Nam sẽ thay họ làm được tất cả.

Theo kế hoạch, anh Lê Kích cho 2 khẩu 105 ly bắn dọc theo đường số 7 từ Nậm Nừng đến sân bay Cánh Đồng Chum (số đạn tập trung chủ yếu vào sân bay). Đây là đòn hỏa lực đầu tiên đánh vào quân địch phòng ngự, có tác dụng chế áp và uy hiếp mạnh quân địch cả và cổ vũ tinh thần quân trung lập. Pháo ngừng bắn, chúng tôi ra kiểm tra trận địa, đoàn quân của Coong-le mệt mỏi trong khi chờ ăn cơm tối, cả cán lẫn binh lăn ra ngủ, họ ngủ liều lĩnh “muốn đến đâu thì đến”…

Đối với quân địch ở Lào thì trận tập kích pháo vừa rồi có thể là một đòn hỏa lực mạnh “chưa từng có” làm kinh hồn binh lính của chúng. Kinh nghiệm ở Viêng Chăn cho thấy quân phái hữu sợ pháo như trẻ con sợ sấm, đêm nay rất có thể chúng lợi dụng bóng tối để rút chạy. Ở Cánh Đồng Chum chưa chắc đã còn địch – tôi nghĩ vậy. Vừa lúc ấy, trinh sát báo cáo phía trước không có địch!

Tôi như bừng tỉnh. Đúng nó chạy rồi! Chiến tranh ở Lào lúc này là vậy. Địch nghe pháo ta bắn, sợ cái uy của ta mà rút chạy và có thể đã chạy xa. Ta tiến lên lúc này chính là đánh vào chỗ hoàn toàn không có trận địa phòng ngự. Phải nhanh chóng vào trung tâm Cánh Đồng Chum, phải bắn pháo ở đó để tuyên cáo quyền làm chủ của ta, phải chiếm ngay sân bay nối liền Cánh Đồng Chum với Hà Nội bằng đường không, ta sẽ có tất cả.

Tôi cho gọi trung tá Lê Kích đến và nói:

- Địch đã rút chạy, tôi cùng trinh sát vào sân bay Cánh Đồng chum chờ quân ta ở đó. Anh cho bộ đội thu pháo hành quân gấp và báo cho Coong-le đánh thức quân lính dậy tiếp tục tiến vào Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. anh cùng với Két-xa-na tổ chức hai đại đội bộ binh (hành quân bằng ô tô), 1 đại đội thiết giáp và pháo binh tiến thẳng xuống giải phóng thị xã Xiêng Khoảng.

Giao nhiệm vụ cho Lê Kích xông, tôi, anh Long, anh Ngọc và cậu Điền (bảo vệ) cùng hai trinh sát ngồi trên một chiếc xe Jeep của Mỹ do một sĩ quan quân đội Coong-le lái. Chiếc xe bật đèn sáng vượt cầu sắt Nậm Ngừm. Dọc theo đường số 7, thỉnh thoảng lại thấy xác lính chết lẫn trong quân cụ. Xe chạy khoảng 20 phút, ngươi lái xe dừng lại nói: “Báo cáo tướng Thao Chăn, đây là sân bay Cánh Đồng Chum!”. Sau khi kiểm tra xác định đúng là sân bay Cánh Đồng Chum, tôi nhìn đồng hồ lúc đó là 1 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961. Bốn chữ số 1 là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng là sự trùng hợp thú vị, khó phai mờ trong ký ức của tôi.

Cũng lúc đó, mấy chục xe cơ giới nối đuôi nhau chạy vào sân bay Cánh Đồng Chum. Trung tá Lê Kích và đại úy Két-xa-na báo cáo: “Có mặt”. Tôi bắt tay và chúc mừng thắng lợi Két-xa-na và yêu cầu anh ta không cho bộ đội xuống xe mà tiếp tục truy kích ngay quân địch giải phóng thị xã Xiêng Khoảng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:47:18 am »

Anh Lê Kích được dùng một đại đội pháo binh đi cùng chi viện cho bộ binh và thiết giáp giải phóng thị xã ngay trong đêm, chậm nhất là 7 giờ sáng. Giao nhiệm vụ xong cho cánh quân tiến công giải phóng Xiêng Khoảng, tôi điện báo cáo anh Văn: “Cuộc tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum đã giành thắn lợi theo phương án một vào lúc 1 giờ sáng nay (1-1-1961). Sân bay Cánh Đồng Chum nguyên vẹn, sử dụng tốt. Chúng tôi sử dụng một tiểu đoàn thiết giáp, một đại đội pháo binh truy kích địch và tiến công giải phóng thị xã Xiêng Khoảng. Tình hình biến đổi rất nhanh, lực lượng ta quá mỏng, đề nghị anh tăng cường lực lượng cả bộ binh và pháo binh”.

Mở sáng, chúng tôi cho ba chiếc GMC chạy hàng ngang mấy lần trên đường băng ghép bằng những tấm ghi mắt cáo để bảo đàm tuyệt đối an toàn cho máy bay của ta khi hạ cánh.

9 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, anh Lê Kích cho người về báo cáo đã làm chủ thị xã Xiêng Khoảng.

Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng đã về ta. Ngay lúc đó tôi chưa hình dung hết ý nghĩa to lớn của cuộc hành quân từ Viêng Chăn đến Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Một cuộc hành binh táo bạo, với lực lượng không lớn nhưng lợi dụng sơ hở của địch, ta đã tạo được một thế lợi và thời cơ hiếm có để trong 22 ngày đêm đã đánh chiếm một vùng cao nguyên rộng lớn 2.000km2.

Các hãng thông tấn phương Tây không ngớt nói về thất bại nghiêm trọng của quân phái hữu Nô-xa-vẳn. Hãng thông tấn UPI của Mỹ đánh giá: “Sân bay quân sự Cánh Đồng Chum là sân bay tốt nhất ở Lào đã thuộc về tay cộng sản”. Còn hãng thông tấn Rôi-tơ của anh thì cho rằng: “Vùng chiến lược Xiêng Khoảng là cái chìa khóa của nước Lào về mặt quân sự”.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, chuyến bay đầu tiên chở anh Hoàng Nghĩa Khánh và 2 khẩu súng cối 120 ly với mấy trăm viện đạn từ Hà Nội sang đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Cánh Đồng Chum, trong sự vui mừng khôn xiết của anh em Lào – Việt.

10 giờ sáng cùng ngày, Nô-xa-vẳn đổ hai đại đội dù xuống Than Viêng (nam thị xã Xiêng Khoảng), anh Lê Kích cho pháo 105 ly bắn mấy chục quả trúng khu vực đổ bộ, làm chết và bị thương một số binh lính địch. Quân dù và quân địa phương còn lại hốt hoảng tháo chạy tán loạn về hướng nam Tha Viêng và Tha Thom. Dù vậy, tình hình vẫn căng thẳng, chúng tôi chuẩn bị phương án đề phòng địch nhảy dù chiếm lại sân bay Cánh Đồng Chum. Lúc này ở sân bay Cánh Đồng Chum chỉ còn 1 đại độ bộ binh trung lập và hai khẩu cối 120 ly do anh Hoàng Nghĩa Khánh vừa chuyển sang sẵn sàng đánh quân đổ bộ.

Tình hình Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng tạm ổn, anh Văn điện tôi về Hà Nội làm việc với lãnh đạo đảng bạn và Kin-nim về một số vấn đề hệ trọng.

Chiều hôm ấy Văn phòng Bộ cho người mang đến một bộ com-plê, nói là theo ý kiến của Bộ trưởng, tôi nên mặc thường phục để gặp Kin-nim Phôn-xê-na. Trong bộ com-plê tề chỉnh, tôi đang nói chuyện với anh Văn ở nhà riêng thì Bác Hồ đến. Chúng tôi đứng dậy, chào Bác và chúc sức khỏe Người.

Bác Hồ vui vẻ nói:

- Chú Mân vừa chiến thắng trở về có thêm cái dây (cra-vát).

Tôi báo cáo với Bác là tôi mặc theo lệnh của Đại tướng Bộ trưởng.

Bác cười đôn hậu, nói:

- Đi làm việc đối ngoại phải đàng hoảng thế mới được!

Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh em, tình hình chiến trường Lào và căn dặn tôi một số ý khi tiếp xúc với Kin-nim, rồi Người ra về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:48:32 am »

Đúng 17 giờ 30 phút, tôi và anh Nguyễn Cơ Thạch đến nhà khách Chính phủ tại đường Ngô Quyền, đã thấy Kin-nim ra cửa đón. Ông ta không khách khí ngoại giao mà ôm chầm lấy tôi, nói luôn:

- Cám ơn và xin lỗi tướng Thao Chăn, vì những ngày giữa tháng 12 năm ngoái, trên đường hành quân từ thủ đô Viêng Chăn đến Văng Viêng, trong cuộc gặp nhau đầu tiên tôi đã gay gắt trong việc đề nghị đưa lực lượng quân sự Việt Nam sang đánh địch, giữ Viêng Chăn. Thật ra lúc đó tôi chưa hiểu được tầm nhìn chiến lược và lòng tốt của Chính phủ Việt Nam chủ trương rút khỏi Viêng Chăn và mở cuộc hành quân táo bạo giải phóng cao nguyên Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, tạo ra bước chuyển biến lớn, đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nước Lào tiến lên.

Đợi ông ta ngừng lời, tôi nhẹ nhàng nói:

- Cảm ơn ngài Kin-nim Phôn-xê-na. Tôi rất mừng là ngài đã hiểu tinh thần vô tư, đoàn kết hữu nghị giúp cách mạng Lào của Chính phủ chúng tôi. Tôi cho rằng chân thành và hiểu biết lẫn nhau là điều kiện tốt cho mối quan hệ lâu dài giữa hai nước. Cũng như vậy, lực lượng trung lập và Pa-thét Lào đoàn kết, tin cậy nhau, tôi tin rằng sẽ vượt qua những khó khăn mới và giành thắng lợi mới vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Lào.

Trong bữa cơm, Kin-nim vui vẻ và nói rất nhiều. Ông ta đề cập cách làm việc tiếp theo khi anh Tô giới thiệu tôi sẽ là cố vấn của Chính phủ Liên hiệp Lào.

Anh Nguyễn Cơ Thạch nói:

- Trong đàm phán ở hội nghị có tính chất quốc tế cũng vậy. Chính phủ hợp pháp Vương quốc Lào và Pa-thét Lào tin cậy và thống nhất với nhau, tiếng nói nặng cân hơn nhiều.

Trưa hôm sau tôi trở lại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Tiếp đến là Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, anh Phu-mi Vông-vi-chít, anh Bẩy và bộ phận văn phòng Trung ương Đảng Lào. Mấy hôm sau Thủ tướng Phu-ma về đến Cánh Đồng Chum, lúc này đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt đến. đầu tiên là đại sứ Ba Lan trong ban liên lạc đình chiến, tiếp đến là các nhà báo các nước xã hội chủ nghĩa, phóng viên Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Cán bộ các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam lần lượt đến Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng nghiên cứu tình hình và giải quyết những vấn đề cụ thể giúp bạn.

Theo đề nghị của Chính phủ Phu-ma, Việt Nam cùng với Liên Xô mở đường hàng không Hà Nội - Cánh Đồng Chum. Cùng thời gian này, vấn đề quan hệ giữa cố vấn Việt Nam với Pa-thét Lào và lực lượng trung lập đặt ra yêu vấn đề mới. Yêu cầu trước hết là củng cố, tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Pa-thét Lào đối với lực lượng trung lập (Phu-ma, Kin-nim, Coong-le), đồng thời tránh không để lực lượng trung lập nghi kỵ Việt Nam thiên vị Pa-thét Lào. Những việc lớn tôi chủ động bàn với anh Bẩy, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và anh Phu-mi Vông-vi-chít để lãnh đạo Lào gặp Kin-nim và Coong-le trước. Có những trường hợp khẩn trương tôi gợi ý với Kin-nim và Coong-le, Sau đó báo với lãnh đạo Đảng Lào biết.

Khó khăn nhất là tiếp đại sứ và phóng viên các nước. Thời gian này có sự bất đồng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, lúc đầu tôi tiếp và làm việc với họ trong rừng thông. Anh Văn và anh Nguyễn Duy Trinh điện cho tôi làm một chiếc nhà tạm để tiếp khách, các anh cho chuyển 100 tấm tôn kẽm dựng một cái nhà gần 100 mét vuông. Nhà ngăn đôi, một nửa tiếp khách quốc tế với bàn ghế do anh em công binh tự tạo bằng hòm đạn gỗ thông ghép lại, một nửa tiếp khách trong nước và có mấy chiếc giường cho anh em ta nghỉ. Đồng thời chúng tôi làm 13 chiếc lán nhỏ lập có tranh, bên trong có hai chiếc giường và một bàn viết cũng bằng cây le, cho phóng viên các nước xã hội chủ nghĩa.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân các bộ tộc Lào làm cho giới cầm quyền Mỹ lúng túng. Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao vội vã triệu tập một số tướng lĩnh và giám đốc Cục tình báo trung ương đến họp bàn về vấn đề Lào. Ngày 10 tháng 1 năm 1961, sau khi thông qua quyết định “Viện trợ khẩn cấp” cho bọn tay sai ở Lào, Oa-sinh-tơn cấp thêm cho chúng một số vũ khí hiện đại trong đó có máy bay quân sự T.6. Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương được lệnh sẵn sàng tham chiến. Tất cả các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương đều đặt trong tình trạng báo động. Mỹ còn bay trò “chính phủ” Bun Ùm - Nô-xa-vẳn yêu cầu khối quân sự Đông Nam Á cử “quan sát viên” đến Lào. Hàng nghìn binh lính, sĩ quan Thái Lan - ngụy Sài Gòn... đã trà trộn vào hàng ngũ quân Nô-xa-vẳn. Trong những trận tiến công vào các vị trí của quân đội chính phủ hợp pháp và Pa-thét Lào ở các tỉnh A-tô-pơ và Xa-va-na-khệt có lính của sư đoàn 1 quân ngụy Sài Gòn tham chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:49:45 am »

Nô-xa-vẳn huy động 2 GM bộ binh, hai tiểu đoàn thiết giáp theo đường 13 và từ Xa-la-phu-khum tiến hành phản kích hòng chiếm lại cao nguyên Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Quân chiếm đóng khu vực Bản Ban vẫn nguyên vẹn, có lẽ lực lượng Quân khu 4 sau khi giải phóng vị trí Noọng Hét gặp khó khăn gì đó chưa tiến lên giải phóng được Bản Ban theo ý định. Sảm Thông, Loong Chẹng, một căn cứ quan trọng của Vàng Pao, chúng cho từng tốp nhỏ xuống phục kích trên đoạn đường từ sân bay Cánh Đồng Chum đi thị xã Xiêng Khoảng. Tình hình trên đặt ra cho lực lượng bạn phải có 3 trận địa tiến công phòng ngự trên 3 hướng với mục đích chung: mở thông con đường số 7 từ Việt Nam sang cao nguyên Cánh Đồng Chum. Ngăn chặn, tiêu diệt tiêu hao đánh tan cánh quân từ Xa-la-phu-khum vào Mường Sủi. Đánh tan căn cứ phỉ Vàng Pao ở Sảm Thông Loong Chẹng bảo đảm an toàn cho khu vực mới giải phóng. Ba trận chiến đấu diễn ra như sau:

Trận tiêu diệt quân đồn trú Bản Ban, mở thông đường vận chuyển từ Nghệ An sang Cánh Đồng Chum. Để chiến thắng trận này thật nhanh, chúng tôi bàn với Coong-le sử dụng 2 đại đội bộ binh, 1 đại đội thiết giáp đảm bảo tiêu diệt địch giải phóng khu vực. Bộ đội Coong-le sau khi chiến thắng tỏ ra say sưa chơi bời, khó tập hợp để đi chiến đấu, nhưng rất may nhờ Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chỉ thị cho Coong-le và động viên bộ đội trung lập đi chiến đấu. Họ tổ chức đội hình xe cộ đầy đủ có cờ và kèn hành quân rầm rộ, vừa xuống đến Bản Ban thì quân địch ở đây chạy tán loạn, một bộ phận ra hàng. Đường số 7 được mở thông và ta có thêm con đường từ Bản Ban đến Sầm Nưa.

Chiến đấu phòng ngự trận địa tây cao điểm Sắc-păng-păng xuống Nậm Chất. Trận đánh này với mục đích tiêu diệt nhỏ, tiêu hao nhiên tục đi đến đánh tan, đẩy lùi cánh quân của Nô-xa-vẳn từ ngã ba Xa-la-phu-khum tiến vào. Địa hình trên con đường này như xương sống con trâu, thuận lợi cho việc xây dựng công sự chiến đấu lâu dài. Cánh quân địch từ Viêng Chăn tiến lên đã đến Văng Viêng, Mường-ta-xí. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam liên tiếp thúc giục chúng tôi phải đánh bại cánh quân của phái hữu phản kích, bảo vệ an toàn cao nguyên Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Cái khó nhất lúc này là không biết lấy đâu ra lực lượng. Bộ đội trung lập còn một bộ phận nhưng không đủ sức, Pa-thét Lào có một đại đội, nhưng phải tỏa ra làm công tác vận động quần chúng từ sau thắng lợi. Lúc này Tiểu đoàn 3 của Sư đoàn 335 sau khi thông đường đã có mặt ở thị trấn Phôn-xa-vẳn, Tôi khẩn khoản đề nghị mấy lần cho sử dụng tiểu đoàn này ra mặt trận Sắc-păng-săng nhưng Bộ Tổng Tham mưu không chấp nhận. Trong tình hình khẩn trương, căng thẳng này ai cũng có thể biết trước nếu cánh quân Nô-xa-vẳn vượt điểm cao Sắc-păng-păng tiến vào Mường Sủi thì cái giá phải trả, trách nhiệm chính trị, không ai khác thuộc về những người chỉ huy ở chiến trường. Sau khi cân nhắc mọi mặt, tôi quyết định điều động Tiểu đoàn 3 hành quân nhanh chóng chiếm lĩnh Sắc-păng-păng, từ đó đi ra suối Nậm Chất tìm đoạn địa hình dốc nhất xây dựng công trình phòng ngự, sẵn sàng chiến đấu. Đi với Tiểu đoàn 3 có tôi và anh Phạm Nghiêm - Chính ủy trung đoàn. Biết trước từ điểm cao Sắc-păng-păng đi về hướng tây thế nào bọn phỉ Vàng Pao cũng phục kích, anh em công binh cho đất vào bao bố chất thành công sự trên xe GMC và bắt tôi phải ngồi trong đó. Quả thật như vậy, trên đường đi từ Sắc-păng-păng trở ra, đoàn xe bị phục kích, chiếc xe đi trước bị bắn hỏng phải dừng lại dùng cối 60 ly bắn địch để sửa chữa xe rồi đi tiếp.

Sau ba ngày đêm, Tiểu đoàn 3 cơ bản xây công sự bằng gỗ đất khá vững chắc. Lúc này tôi mới điện cho Bộ Tổng Tham mưu biết tiểu đoàn 3 đã ra xây dựng trận địa chiến đấu.

Ngày thứ tư thì quân của Nô-xa-vẳn có thiết giáp đi cùng bắt đầu tiến quân từ suối Nậm Chắt lên. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Địch tiến công, ta chiến đấu phòng ngự, địch tiến lên bị thương vong, xe thiết giáp bị bắn cháy chúng lại lui xuống, ngày hôm sau chúng lại tiến lên và cứ thế diễn ra liên tiếp. Sau hơn tháng chiến đấu bị thiệt hại nặng, địch bỏ chạy. Anh Lê Kích sau khi xin ý kiến Bộ Tổng Tham mưu đã dùng một bộ phận bộ binh và cối 120 ly đuổi địch. Bộ phận này đuổi địch đến Mường-tà-xí thì địch nhảy dù ở phía sau. Đội hình của ta bị chia cắt đành phải bỏ súng cối lại trong rừng, anh em luồn rừng về Sắc-păng-păng. Đây là một kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường. Cuộc phản kích của địch bị đánh bại, địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng được giữ vững.

Trận đánh tan căn cứ Loong Chẹng của Vàng Pao cơ bản không cho quân phỉ quấy rối phía tây cao nguyên và con đường từ Cánh Đồng Chum đi Xiêng Khoảng. Ta không có bộ binh và đặc công tinh nhuệ, đành phải làm đường khiêng sơn pháo 85 ly lên dãy đồi cách căn cứ địch khoảng 1km để bắn thẳng. Sau khi bộ đội pháo binh xây dựng xong trận địa, ta bắn mấy quả đạn, căn cứ Vàng Pao bốc cháy, quân địch tán loạn.

Ba trận chiến đấu trên các hướng khác nhau đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động trên vùng mới giải phóng.

Cùng thời gian này, ông Thao Tu, một người có uy tín lớn đối với dân tộc Lào Sủng, chiếc xe chở ông không may trúng mìn của phỉ Vàng Pao, ông hy sinh. Được tin tôi đến tận nơi ông bị nạn, sau đó viết báo cáo về Hà Nội. Anh Văn điện cho tôi nói rõ ý kiến của Bác Hồ là “phải bàn vừa lãnh đạo bạn tổ chức an táng ông Thao Tu thật chu đáo, củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc”.

Khoảng 4 giờ chiều tôi gặp anh Bẩy. Chưa kịp trao đổi anh Bẩy đã cho gọi mấy cán bộ đến giao nhiệm vụ sáng mai tổ chức chôn cất ông Thao Tu.

Nhìn anh Bẩy mệt mỏi sau mấy ngày bị sốt cao, tôi không nói gì thêm. Bữa tối hôm ấy chúng tôi cùng ăn cơm với nhau như những lần trước đó. Sau bữa cơm, chúng tôi ngủ chung trên sàn nữa. Anh Bẩy ngủ thiếp đi, còn tôi không sao ngủ được, ngồi trùm chăn suy nghĩ mông lung. Khoảng 2 giờ sáng, anh Bẩy tỉnh giấc, thấy tôi không ngủ, anh ngồi dậy, nói:

- Anh Mân có điều gì, sao không ngủ?

Thấy anh bớt mệt, vui vẻ, tôi chậm rãi nói:

- Ông Thao Tu là người có uy tín trong bộ tộc Lào Sủng, nếu ta tổ chức đám tang ông chu đáo sẽ rất có ý nghĩa về chính trị, củng cố tăng cường đoàn kết dân tộc. Bác Hồ nhắc anh và tôi phải tổ chức lễ tang ông Thao Tu trọng thị.

Anh Bẩy thật thà:

- Chiều qua, tôi mệt quá nên muốn giải quyết cho xong. Nghĩ lại mình sai rồi, phải sửa sai thôi.

Nói xong, anh Bẩy cho mời anh Phu-mi Vông-vi-chít và một số cán bộ đến bàn lại việc tổ chức lễ tang ông Thao Tu.

Lễ tang được tổ chức long trọng theo nghi thức của các bộ tộc Lào. Bà con Lào Súng đến rất đông, họ tỏ lòng thương tiếc người đã mất và biết ơn đối với những người lãnh đạo Neo Lào Hắc-xạt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:51:47 am »

*
*   *

Ngày 21 tháng 1 năm 1961, Ken-nơ-đi lên nắm quyền. Đối với ông ta, Lào vẫn là một vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với nước Mỹ. Tổng thống Mỹ và các cố vấn của ông ta chán ngán khi thấy sự bất lực của tay sai Nô-xa-vẳn. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1961, quân trung lập và Pa-thét Lào đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh Phông-xa-lỳ, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và đại bộ phận các tỉnh Luông Pha-băng, Khăm Muộn. Một số vùng ở Hạ Lào rơi vào ảnh hưởng của Pa-thét Lào. Khu vực thuộc quyền chính phủ hợp pháp còn khoảng 60% lãnh thổ nước Lào với trên 1 triệu dân. Giới cầm quyền ở Mỹ lo sợ cho số phận tay sai Nô-xa-vẳn. Tình hình đó đặt ra cho Nhà trắng nên lựa chọn việc can thiệp vào Lào hay là rút khỏi đất nước này? Có một biện pháp mà Lầu năm góc đã tính đến là sử dụng khối quân sự Đông Nam Á. Nhưng Pháp phản đối và sự lạnh nhạt của một số nước thành viên trong liên minh này đã làm bó tay Mỹ. Còn một biện pháp nữa là gửi bộ binh Mỹ sang Lào. Việc này đã được tổng thống và các cố vấn Nhà trắng xem xét một cách nghiêm túc, nhưng cuối cùng Ken-nơ-đi không dám lựa chọn biện pháp này. Ngoài lý do chính trị, Mỹ sẽ gặp khó khăn và bảo đảm hậu cần ở một chiến trường xa xôi, hơn nữa quân đội Mỹ chưa quen với chiến tranh du kích, họ sẽ gặp khó khăn trong chiến đấu. Sau khi đã cân nhắc nhiều bề, Ken-nơ-đi thấy lúc bấy giờ con đường ngồi vào bàn thương lượng là thượng sách.

Sau cuộc họp báo truyền đi toàn nước Mỹ ngày 22 tháng 3 năm 1961, Ken-nơ-đi nói với giọng vừa như đe dọa, vừa như ôn hòa để làm vừa lòng thế lực quân phiệt hiếu chiến ở Mỹ và giữ thể diện cho bản thân. Ông ta nhấn mạnh không thể có một giải pháp hòa bình nếu như không có một sự đình chỉ những cuộc tiến công của cộng sản được các thế lực bên ngoài ủng hộ. Nhưng đồng thời ông ta cũng cho biết là Hoa Kỳ tán thành những cuộc thương lượng có tính chất xây dựng nhằm mục đích giúp đỡ Lào trở lại con đường độc lập và trung lập.

Để phô trương thêm uy thế cho Mỹ trước khi ngồi vào bàn thương lượng, Ken-nơ-đi ra lệnh cho hạm đội 7 tiến vào biển Đông, đồng thời ra lệnh báo động quân Mỹ ở Ô-ki-na-oa.

Con đường đi đến một giải pháp chính trị ở Lào đã được mở ra. Lý do chủ yếu buộc giới cầm quyền Mỹ phải đồng ý thương lượng là sự bất lực quá rõ ràng của bọn tay sai Nô-xa-vẳn.

Ngày 24 tháng 4 năm 1961, trong bản tuyên bố chung, Liên Xô và Anh (hai đồng chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ) đồng ý về nguyên tắc triệu tập một hội nghị quốc tế mới để giải quyết vấn đề Lào. Anh và Liên Xô gửi thư kêu gọi ba phái tham chiến ở Lào đình chỉ chiến sự, đề nghị Chính phủ Ấn Độ phục hồi hoạt động của Ủy ban quốc tế ở Lào và đề nghị 13 nước(1) cử đại biểu đến Giơ-ne-vơ trước ngày 12 tháng 5 năm 1961 để tham dự Hội nghị quốc tế về Lào.

Ngay sau tuyên bố của Liên Xô và Anh, Trung ương Neo Lào Hắc-xạt và Chính phủ hợp pháp của Lào tuyên bố hoan nghênh sáng kiến của hai đồng chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ, sẵn sàng thương lượng với phái hữu.

Cuối tháng 4 năm 1961, Oa-sinh-tơn cũng tuyên bố đồng ý tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ mở rộng về Lào.

Ngày 3 tháng 5 năm 1961, Chính phủ của Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma và Pa-thét Lào ra lệnh đình chỉ chiến sự. Tiếp đó phái Bun Ùm – Nô-xa-vẳn cũng ra lệnh cho quân đội của họ chấm dứt các hoạt động về quân sự. Cùng thời gian này, Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế ở Lào trở lại hoạt động sau 3 năm gián đoạn.

Ngày 11 tháng 5 năm 1961, cuộc đàm phán giữa ba phái đã diễn ra tại bản Na-môn thuộc phạm vi Neo Lào Hắc-xạt kiểm soát. Nội dung tiến hành song song các cuộc thảo luận về chính trị và quân sự với mục đích mở rộng Chính phủ Vương quốc, cuối cùng thành lập một Chính phủ Liên hiệp để gửi một đoàn đại biểu thống nhất của Lào đến tham dự Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ về Lào khai mạc ngày 16 tháng 5 năm 1951.


(1) Ngoài những nước tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, có 3 nước trong Ủy ban quốc tế ở Lào và có thêm Mi-an-ma, Thái Lan.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2018, 09:53:20 am »

Trong thời gian Hội nghị Giơ-ne-vơ tiến hành, các cuộc thương lượng giữa ba phái vẫn tiếp tục ở bản Na-môn, nhưng vẫn không tiến triển. Phái Nô-xa-vẳn không chịu thảo luận vấn đề thành lập Chính phủ Liên hiệp vào do đó việc cử một đoàn đại biểu chung của Lào đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ chưa thể thực hiện được.

Trên chiến trường vẫn không có ngừng bắn thực sự. Bun Ùm – Nô-xa-vẳn cho quân tiến công vào các vùng do Chính phủ hợp pháp và Neo Lào Hắc-xạt kiểm soát. Điển hình là cuộc tiến công của 1.200 quân phái hữu cố vấn Mỹ chỉ huy đánh vào Pa-đông (gần Xiêng Khoảng) bị Pa-thét Lào và phái trung lập đánh bại.

Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma công bố bức thông điệp, cùng ngày Ủy ban quốc tế ở Lào cũng gửi bản báo cáo tới hai chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ về tình hình chiến sự ở Lào.

Cuộc đấu tranh để tiến tới một giải pháp hòa bình ở Lào tiến triển thuận lợi, bất chấp sự phá hoại của Mỹ. Đoàn đại biểu các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân tộc chủ nghĩa cũng ra lời kêu gọi tất cả các nước phải thực sự công nhận và tôn trọng chủ quyền của Lào.

Trong thời gian này tại Duy-rích (Tây Đức) các đoàn đại biểu ba phái của Lào đã đạt được một số kết quả trong việc dàn xếp những vấn đề tranh chấp và tiếp tục công việc tại bàn hội nghị này.

Ngày 22 tháng 6 năm 1961, các đoàn đại biểu đã ra một thông cáo chung, trong đó ba phái thảo luận về nguyên tắc thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời, đồng thời đề ra một chương trình chính trị chung và những nhiệm vụ trước mắt của Chính phủ. Cuối tháng 7 năm 1961, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã hoàn thành bản dự thảo tuyên bố về nền trung lập của Lào.

Trước Tết Nguyên đán, công việc nhiều và phức tạp, Quân ủy Trung ương điều anh Hoàng Sâm lên làm phó cho tôi chuyên phụ trách về quân sự. Trung tuần tháng 5 năm 1961, anh Lê Chưởng sang thay tôi giúp Pa-thét Lào và làm cố vấn Chính phủ do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm thủ tướng, tôi về nước.

Chúng tôi trao đổi với nhau thấy đáng mừng là sau khi giải phóng Cánh Đồng Chum, lãnh đạo Đảng bạn đã tận dụng thế lợi và thời cơ, khẩn trương xây dựng cơ sở chính trị trong cả nước đạt kết quả bước đầu. Các đồng chí cán bộ được Trung ương ta phải sang đã giúp bạn trong việc này tích cực và có hiệu quả.

Trước ngày tôi trở về Việt Nam, Thủ tướng Xu-va-na Phu-ma quyết định trao tới huân chương Bắc Đầu Bội Tinh và một thanh bảo kiếm. Lễ trao tặng huân chương tiến hành trọng thế. Phía Chính phủ Lào có Hoàng thân Xu-a-na Phu-ma, Kin-nim và một số nhân vật khác. Phía Việt Nam có tôi và anh Đạt (thư ký kiêm phiên dịch). Sau buổi lễ, Hoàng thân Phu-ma và Kin-nim tổ chức bữa tiệc. Dự tiệc có thêm công chúa Mun (con gái Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma). Trong bữa tiệc thân mật, Phu-ma hai lần cảm ơn Việt Nam, cảm ơn tôi. Kin-nim nói nhiều hơn, ông thuyết phục Phu-ma đi theo con đường trung lập hợp tác với Pa-thét Lào, quan hệ tốt với Việt Nam. Ông cũng cảm ơn và chúc mừng nhân tôi được tặng huân chương cao quý của Hoàng gia.

Hôm trước ngày trở về nước, tôi đến chào Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, Kin-nim, Coong-le và các chiến hữu của anh ta. Tiếp đó, tôi chào anh Bẩy, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng các đồng chí lãnh đạo Pa-thét Lào. Cũng như những lần chia tay trước, lần này anh Bẩy nắm lấy bàn tay tôi rất lâu như không muốn rời. Chúng tôi nén xúc động để những giọt nước mắt không trào ra.

Về Hà Nội được hai hôm thì Văn phòng Trung ương gọi tôi sang dự một cuộc họp không nói rõ nội dung. Tham dự cuộc họp hôm ấy có một số anh Ủy viên Bộ Chính trị: anh Trường Chinh, anh Tô (Phạm Văn Đồng), anh Nguyễn Duy Trinh, anh Trần Quốc Hoàn và Phó tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai. Anh Ba Duẩn đi vắng, anh Văn là người chỉ đạo thường xuyên công việc bên Lào cũng không có mặt. Mở đầu cuộc họp, anh Tô nói:

- Hôm nay mời các anh đến đây để kiểm điểm mấy vấn đề diễn ra ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Anh Chu Huy Mân sang Lào làm được một số việc nhưng phạm ba sai lần lớn. Một là, gây mất đoàn kết với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng ban. Hai là, không làm đúng công tác mặt trận với Coong-le. Vũ khí đạn dược từ Hà Nội chuyển sang anh Mân chia cho Pa-thét lào nhiều và loại tốt hơn. Ba là, làm một nhà ở lớn và một khách sạn quốc tế gây nên sự tốn kém về ngân sách.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM