Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:25:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15732 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 03:43:10 pm »


        Rồi một lần Phạm Tuân đi trực cùng với Đặng Vân Đình. Đây là lần trực chiến đầu tiên của Đình. Trên xe, Tuân nói đùa: "Này, trận trước, ông Vũ Ngọc Đỉnh và Phạm Đình Tuân xuất kích (28-1-1971) thì ông Tuân đã ra đi rồi đó, hôm nay tôi và ông lại Đình - Tuân, cẩn thận nhé!". Khoảng 8h tối thì Đình vào cấp 1. Tuân nghĩ có lẽ đêm đầu tiên trực chiến nên báo động thử với Đình thôi, nhưng rồi Đình mở máy cất cánh thật. Sau 3-4 phút thì đến lượt Phạm Tuân cất cánh. Hai người ở hai kênh liên lạc khác nhau. Tuân được dẫn về hướng Tây Nam sang tận khu vực Bắc Lào, gần LuangPrabang, bay ở độ cao cao hơn các đỉnh núi 500 m. Bay mãi, cứ vòng vèo mà không thấy thông báo địch, sau đó được lệnh kéo lên cao, bay về. Vừa lúc đó thì nhận lệnh chuyển kênh liên lạc để liên lạc với Đặng Vân Đình. Gọi mấy lần không thấy Đình trả lời, Tuân biết Đình đã gặp sự cố. Sau khi hạ cánh mới biết Đình được dẫn về phía Hồi Xuân - Quan Hóa sang biên giới Lào rồi kéo lên "nhử" địch để Tuân có điều kiện tiếp cận và tấn công, nhưng địch bay thấp, ra đa không phát hiện được. Khi Đặng Vân Đình bay vòng về thì F-4 phát hiện và bắn rơi Đình.

        Sau khi được tin Đặng Vân Đình bị địch bắn, phải nhảy dù, Phạm Tuân trăn trở và đã lẳng lặng viết cho Đặng Vân Đình:

        "Đêm đầu tháng, tao cùng mày xuất kích
        Số chẳng may, mày bị địch bắn rơi
        Thương mày, thương quá đi thôi
        Hai mươi tư tuổi, cuộc đời đang xuân
        Mày ra đi giữa tuần trăng sáng
        Tao nhớ mày, thức trắng đêm thâu
        Nên như nó bắn đối đầu...
        Chúc mày ngon giấc rừng sâu Hòa Bình
        Thương mày, ơi Đặng Vân Đình!.."


        Đến đây, tôi phải giải thích cái câu "nếu như nó bắn đối đầu" một chút.

        Suốt những giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam thì máy bay MIG-21 chỉ đeo tên lửa hồng ngoại, tức là loại tên lửa không đối không bắn ở bán cầu phía sau mục tiêu, tên lửa tự tìm nguồn nhiệt phía sau động cơ máy bay đối phương để lao vào. Các máy bay của Không quân Mỹ ngoài tên lửa hồng ngoại, còn được trang bị thêm cả tên lửa điều khiển, bắn được cả bán cầu phía trước nghĩa là vào phần đầu máy bay đối phương. Khi tên lửa nổ phía sau đuôi máy bay thì phi công còn có nhiều cơ hội nhảy dù, thoát khỏi máy bay, nhưng khi đã bị tên lửa điều khiển bắn vào phần đầu máy bay thì hầu như không còn khả năng nhảy dù thoát hiểm vì tên lửa nổ ngay khu vực buồng lái, phi công rất dễ bị hy sinh. Chính vì vậy mà Phạm Tuân lo lắng cho Đặng Vân Đình, sợ bị trúng tên lửa điều khiển, bắn đối đầu. Lỡ mà vậy thật thì chắc Đặng Vân Đình cũng dễ "yên giấc" giữa rừng sâu lắm...

        Đặng Vân Đình đã được đồng bào dân tộc Thái cứu giúp và được đưa về đơn vị. Tôi không rõ, Đặng Vân Đình có được đọc những dòng này trong cuốn sổ tay của Phạm Tuân hay không, nhưng tôi thì đã được "mục sở thị", Phạm Tuân không những viết cho Đình mà còn viết cho cả những người khác và những người khác cũng viết cho Phạm Tuân nữa.

        Tiếp đến là với trường hợp của một anh ở Đại đội 3 (Đại đội bay ngày) hồi đầu tháng 9-1972. Khi biên đội của anh ấy ra tiếp thu máy bay trực ban chiến đấu thì anh ấy mới sực nhớ ra là mình để quên súng ở nhà. Lúc ấy, Phạm Tuân kết thúc phiên trực ban chiến đấu ban đêm, chuẩn bị bàn giao để về thì anh ấy hỏi mượn súng của Phạm Tuân. Phạm Tuân điềm nhiên đưa súng cho mượn và nói:

        - Đây, súng đây! Nhưng nếu có nhảy dù thì nhớ đem súng về trả tôi đấy nhá! Mất vũ khí là bị kỷ luật đấy!

        Trong ngày, biên đội của anh ấy đã xuất kích chiến đấu và trong trận không chiến với bọn F-4, máy bay của anh bị trúng đạn và anh phải nhảy dù, rời bỏ máy bay thật.

        Rồi lại cái lần ở Học viện Không quân mang tên Iuri Gagarin (Liên Xô), khi anh Bùi Doãn Độ mua chiếc mô tô "Vôxkhôt-3M" mà dân Việt ta vẫn gọi là xe "Con Thỏ" vì trên bình xăng và cốp xe có khắc hình Con Thỏ (hoặc là ngồi, hoặc là trong tư thế chạy) thì Phạm Tuân cũng lại "tưng tửng":

        - Cậu người thì thấp một mẩu mà xe thì lại cao và to. Mình cứ tưởng tượng có một anh bộ đội quần xanh đắp chiếu nằm trên đường 5, còn thò cái chân ra ngoài...

        - Anh yên tâm đi, em cẩn thận lắm đấy! Phi công bay đêm mà! - Độ cười và nói.

        Phạm Tuân chẳng để ý đến câu nói của mình, nhưng sau khi tốt nghiệp về nước, một hôm đang trực ở Sư đoàn thì nhận được điện báo: "Có một vụ tai nạn xe máy trên tuyến đường quốc lộ số 5 với một Thiếu tá đeo quân hàm xanh!". Phạm Tuân chột dạ. Trên tuyến đường 5 mà lại đeo quân hàm xanh thì khéo là... Bùi Doãn Độ mất vì nhà Độ ở Hải Phòng, lại đúng vào dịp đi tranh thủ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 03:43:58 pm »


        Phạm Tuân lập tức gọi điện xuống Trung đoàn của Độ, chỉ thị phải đi xác minh ngay để còn xử lý cho kịp thời. Người nhận điện ở đầu dây bên kia là Trung đoàn trưởng. Anh nói: "Báo cáo! Một xe trực chỉ huy, còn một xe không có lốp!". Phạm Tuân lệnh: "Lên Sư đoàn lấy lốp và đi ngay!". Ai ngờ đấy đúng là Bùi Doãn Độ thật... Thế là lại phải tập trung lực lượng đi giải quyết hậu quả...
       
        Cũng vì vậy mà một số người cứ ngài ngại, chờn chợn về cái cách nói của Tuân, còn Phạm Tuân thì vẫn cứ "phát" bình thường như vốn có...

        Ngay cả với chị Phương Tiến - vợ của Phạm Tuân cũng vậy. Đã vài lần khi chị Tiến lái xe thì Tuân nhắc nhở: "Cứ đà này mà không cẩn thận thì cảnh sát giao thông bắt giữ là cái chắc!". Thế rồi, đúng như vậy thật! Trên một đoạn đường chẳng dài là bao mà có đến 2 lần chị Tiến bị cảnh sát giao thông tuýt còi, bắt giữ.

        Khi nghe chuyện này do chính chị Tiến kể lại, tôi đã nói đùa: "Có lẽ cứ khi nào chuẩn bị đi đâu là mọi người phải lấy băng dính, dính mồm "lão ấy" lại cho nó lành!"...

        Tính cách của Tuân là như vậy, biết làm thế nào. Đấy, ngay cả chuyện Phạm Tuân đi phẫu thuật đầu gối cũng thế thôi, cũng vẫn cứ nói "tưng tửng" như không, mà rồi có bị sao đâu. Sau có vài ngày là ra viện và luyện tập rồi trở về. Mà chuyện thay khớp gối của Phạm Tuân cũng hay hay. Hôm mấy người chúng tôi đến thăm sau mươi ngày Phạm Tuân trở về nước thì được Tuân cho xem phim chụp khớp gối rồi cho xem "hiện trường". Vệt mổ dài chừng 20 phân phía trước gối. Sau khi mổ thì các bác sĩ "tỉa" luôn hai đầu xương và "tra" vào đó hai cục kim loại với trọng lượng là 400g. Vậy là bỗng dưng tăng được gần nửa cân. Vệt rạch thì không khâu mà họ lấy bấm bằng kim loại bấm tựa như cái phéc mơ tuya. Mấy ngậy sau, khi kiểm tra không thấy chất dịch chảy ra thì bác sĩ dùng kìm nhấc từng chiếc răng của cái "phéc mơ tuya" kia ra. Phải nói là Phạm Tuân chịu đau cũng giỏi. Mới nghe nói vậy thế mà lắm người đã suýt xoa: "Ôi giời! Thế thì đau chết được!", còn Tuân thì chỉ cười: "Cũng gọi là đau đau tí chút!".

        "Gọt dũa, tân trang" bộ khớp gối mới xong, Tuân nói có lẽ chỉ có môn bóng đá là không chơi được thôi, còn không loại trừ môn thể thao nào cả. Ai đó có tin hay không thì tùy...

        Tôi thì tôi nói với Phạm Tuân:

        - Ở đây có ba vấn đề mà có lẽ anh phải lưu ý. Một là, nếu ở khu vực nào nghi còn có bom thì chớ có đến, nhỡ mà gặp phải cái "anh" bom từ trường là ăn đòn như chơi. Mà ở đất nước mình thì nhiều khu vực còn những loại ấy lắm, đã rà soát, đã phá hủy hết đâu. Hai là, sau này khi "hai năm mươi", anh cho dù có hung táng hay lên đài hóa thân thì hai cái cục kim loại kia nó cũng chẳng có tan cho đâu, mà nó càng không phải là xá lợi hay xá lị. Cần phải dặn dò con cháu cho kỹ, kẻo bấy giờ chúng chẳng rõ nguồn gốc, lại xúm vào tranh luận rồi cãi nhau chí chóe lên. Ba là, khi anh đi máy bay, qua cửa soi chiếu an ninh, kiểu gì đèn chả báo sáng và chuông kêu choe chóe, nhân viên an ninh có thể nghi anh là kẻ đánh bom liều chết, mang bom trong người đấy!

        - Thì đúng như vậy! Phải đề phòng thật! Mà cái chuyện qua cửa an ninh soi chiếu thì tôi đã có giấy chứng nhận y tế rồi! Đơn giản mà! - Phạm Tuân vừa cười vừa trả lời.

        Cứ đơn giản, nhẹ nhàng thế thôi! Nhưng mà cũng lạ, con người Phạm Tuân như vậy nhưng không hiểu sao lần nào lấy máu xét nghiệm là Tuân đều bị choáng, mặt trắng bệch, mồ hôi lạnh vã ra. Biết được chuyện này, lần cuối cùng lấy máu để kiểm tra sức khỏe chọn đội bay chính thức, ông Gorbatcô sau khi lấy máu, lưu lại và lấy ghế ngồi sát đầu giường động viên Tuân.

        Mọi chuyện với Phạm Tuân hình như rất đơn giản. Anh vẫn nói: "Hãy đơn giản hóa những cái phức tạp". Ngay chuyện tình duyên của Phạm Tuân cũng đơn giản, nhẹ nhàng như vậy.

        Hồi ở nhà, mọi người trong gia đình có "nhắm" một cô và có ý giới thiệu cho Phạm Tuân. Cái chuyện gia đình tìm vợ cho con trai mình thì có lẽ nó là cái phong tục có từ lâu rồi. Tôi thấy cũng có nhiều đám nên vợ nên chồng, ăn ở với nhau rất thuận hòa, sinh con đẻ cái và dạy dỗ chúng nó nên người cả. Thế nhưng, có nhiều đám thì... thế nào ấy. Cứ trục trặc hết chuyện này đến chuyện khác. Nếu không có duyên có phận, không có duyên có nợ thì chắc chẳng thể gắn bó được với nhau, nhưng mà lại cứ phải ở chung với nhau cả đời với đủ thứ không ra đâu vào đâu. Đúng như người xưa vẫn nói:

        "Phải duyên phải phận thì theo
        Ép duyên, lỗi số như kèo đục vênh!"


        Những ai yêu nhau thực sự mà lại chẳng lấy được nhau thì day dứt lắm. Cứ chẳng thà như dân tộc Mông ở Hà Giang, khi không lấy được nhau thì hàng năm cứ đến chợ tình Khau Vai, phiên chợ họp mỗi năm một lần giành cho những người "lỗi số" có cơ hội gặp lại nhau, hò hẹn nhau rồi nỉ non tâm sự cho đến ngày sau thì lại chia tay nhau, vui vẻ ra về và lại háo hức chờ đợi cho đến phiên chợ tình năm sau, cứ đàng hoàng như thế. Nhưng dân tộc Kinh của ta thì lại không thế được. Tôi cứ nghĩ, đồng bào người Mông có khi hiện đại hơn mình nhiều...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 03:45:02 pm »


        Phạm Tuân khi nghe chuyện "nhắm nhe" kia thì dứt khoát không đồng ý, phản đối các chị các em rõ ràng. Rất may là ông bố của Phạm Tuân thời ấy đã có những quan điểm rất tiến bộ. Ông nói với Phạm Tuân:

        - Con không cần phải lấy vợ ở quê đâu vì con còn phải công tác, luôn xa nhà biền biệt, mà đường sá đi lại thì khó khăn, cả năm chắc gì con đã về được một lần, rồi lại mang tiếng là lấy vợ để ở nhà hầu bố mẹ. Tốt nhất, con cứ lấy vợ cùng cơ quan hoặc gần nhau để còn có điều kiện chăm sóc cho nhau, cho gia đình rồi còn nuôi dạy con cái nữa...

        Có được ông bố với những quan điểm tư tưởng tiên tiến như thế thì còn gì bằng. Vậy là họ hàng không ai thúc ép Phạm Tuân nữa.

        Khi ở Đại đội bay đêm, Phạm Tuân, Trần Văn Năm và Đặng Vân Đình cùng nhóm chơi với nhau và nhóm này có quy định ngầm giống như luật bất thành văn ấy là hễ ai có bạn gái, có người yêu là phải "khai báo" cho nhóm biết. Trong đợt bay cùng lứa thời ấy thì mới có Nguyễn Khánh Duy và Mai Tuế là có người yêu thôi. Nhưng rồi anh Trần Văn Năm để ỷ thấy có một cô gái thi thoảng lại đến thăm Tuân, anh Năm thầm nghĩ: "Cái thằng cha Tuân này "tăm" được cô bé xinh phết, vừa cao ráo lại trắng trẻo, hiền dịu...", nhưng không thấy Tuân "báo cáo" gì cả. Anh Trần Văn Năm dự định bàn với Đặng Vân Đình sẽ "truy tố" Phạm Tuân, nhưng rồi sau chuyến bay đêm bị cảm giác sai trên đường về hạ cánh, anh Năm phải đi viện điều trị, ra viện thì không còn nằm trong số bay đêm nữa, phải chia tay Trung đoàn.

        Gọi là chia tay Trung đoàn sang Trung đoàn khác nhưng thực ra nơi ở của hai Trung đoàn vẫn sát nhau nên hầu như không có gì khác biệt.

        Một lần, Phạm Tuân đến gặp Trần Văn Năm và nói: "4 giờ chiều nay ra "chuồng lợn" nhé!".

        "Chuồng lợn" chính là sân bóng chuyền của Đại đội 9, trước đó là dãy chuồng chăn nuôi lợn thật, nhưng rồi không chăn nuôi nữa, bỏ không và nơi ấy đã được cải tạo biến thành sân bóng chuyền, nhưng cái tên "chuồng lợn" thì vẫn còn.

        Cái sân bóng chuyền về sau cũng không được hoạt động vì nó ở quá gần Sở chỉ huy của Trung đoàn. Khi các đội bóng ra sân thi đấu hoặc chi tập luyện thôi thì không khí rất sôi động, ồn ã, náo nhiệt... gây ảnh hưởng không nhỏ đến Sở chỉ huy nên bị cấm.

        Theo lời hẹn, Trần Văn Năm ra vị trí nơi có 3 hòn đá to ngồi đợi. Lát sau thì Phạm Tuân đi tới, sau Tuân là cô gái nhỏ thó, da đen đen, người lại lấm lem bụi đường nên Trần Năm có vẻ không ưng cho lắm. Phạm Tuân giới thiệu:

        - Đây là bạn gái!

        - Vậy à? - Trần Văn Năm hỏi thay cho câu chào vì băn khoăn không biết mối quan hệ giữa cô gái hay đến thăm Tuân và cô gái này là thế nào.

        Trần Văn Năm không dám hỏi thêm gì nữa và lẳng lặng giữ mối nghi ngờ của mình. Cho đến tận khi sang học bên Học viện Không quân mang tên Iuri Gagarin (Liên Xô), lần Phạm Tuân mời Trần Văn Năm đến thành phố Ngôi Sao ăn cơm cùng gia đình Tuân thì sau khi cơm nước xong, Trần Văn Năm mới đem mối nghi ngờ của mình ra:

        - Này, thế cái cô xinh xinh ngày xưa bây giờ ở đâu?

        - A! Lại còn cô nào xinh xinh nữa đấy? - chị Phương Tiến hỏi Tuân.

        - Làm gì có cô nào nhỉ! - Phạm Tuân trả lời.

        - Cái cô mà học ở Trường kiến trúc ấy, nhà hình như ở Phúc Yên ấy! - Trần Văn Năm nói gợi.

        - Đấy là dì Tới! - Tuân nói ngay.

        - À, đứa em gái em đấy, anh Năm ạ! - chị Phương Tiến giải thích.

        Cho đến lúc này thì mọi mối ngờ vực của Trần Văn Năm được xua tan.

        Thời gian Phạm Tuân ở Trung đoàn Không quân 923 vào năm 1968 cùng với anh Ngô Sơn - phi công MIG-17 thì Tuân đã quen biết Phương Tiến rồi. chẳng là anh Ngô Sơn lấy bà chị cả của Phương Tiến và mấy chị em hay đến thăm anh Ngô Sơn tại Trung đoàn.

        Sau những năm phục vụ, công tác bên Lào, đến năm 1974 thì chị Phương Tiến về và đi học. Anh Trần Văn Năm thấy chị Tiến gầy, đen cũng đúng thôi vì chị Tiến khi ở Lào và ở chiến trường trong kia bị sốt rét nên làm sao mà hồng hào, khỏe mạnh được.

        Giai đoạn này Phạm Tuân đang ở sân bay Đa Phúc và chị Phương Tiến thì được bố trí nghỉ an dưỡng ở Đông Anh nên Phạm Tuân có dịp đạp xe qua lại thăm hỏi. Rồi Phạm Tuân đưa chiếc xe đạp của mình cho chị Tiến và bảo: "Em cứ lấy xe của anh mà đi. Bao giờ tìm được người yêu thì trả lại xe cho anh!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 03:45:40 pm »


        Tình yêu diễn biến đúng theo cái quy luật mà tạo hóa đã ban tặng từ xưa tới nay cho loài người. Khi hai người đã thành bạn, Phạm Tuân lên gặp "mẹ vợ tương lai", nhà ở khu tập thể K-74 Phúc Yên. Nghe Phạm Tuân đặt vấn đề, cụ thủng thẳng nói: "Nhà đã có chị lấy phi công rồi, vất vả lắm. Các chú các bác không muốn cô em lại lấy phi công nữa!". Tuân hơi bối rối thì cụ lại nói tiếp: "Nhưng mà thôi, việc yêu đương xây dựng gia đình là chuyện của chúng bay, gia đình cũng chẳng can thiệp!". Tuân nhẹ cả người rồi xin phép ra về.

        Ngay sau ngày giải phóng, Phó chính ủy Trung đoàn gọi Tuân lên và nói: "Cậu về tổ chức cưới vợ rồi chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới!". Phạm Tuân ngớ người ra. Mình đã báo cáo tổ chức đâu, hai gia đình chưa gặp nhau chưa nói đến ăn hỏi. Phó chính ủy nói tiếp: "Việc gia đình của cậu, đơn vị biết cả rồi, chuyện báo cáo lý lịch thì khỏi vì cô chị là vợ phi công rồi. Còn có gì khó khăn, Trung đoàn giao cho anh Kiên - trợ lý chính trị đứng ra giúp đỡ". Tuân về Hà Nội gặp ông chú đằng vợ để trao đổi, ông nói: "Thôi, chẳng cần ăn hỏi nữa! Tao sẽ tổ chức mời hai gia đình về đây nói chuyện và dự cưới luôn!". Chuẩn bị đến ngày cưới, Phạm Tuân lại bị đau mắt đỏ, với tính cách đơn giản, Phạm Tuân gọi Thiếu úy Nguyễn Văn Đậu - một phi công bay đêm mới về đơn vị, bảo Đậu lên nhà thưa chuyện với cụ già. Nguyễn Văn Đậu về nói lại là cụ chỉ hỏi: "Chúng nó đã tổ chức cưới à?". Chỉ khổ cho ông chú nhà ở làng Kim Liên, chỉ còn hơn một tuần đến ngày cưới, ông phải chặt những cây chuối trước cửa nhà làm thành cái sân nhỏ, rồi quét vôi vách nhà, mượn bàn ghế... và rồi các cụ hai gia đình tề tựu đông đủ. Mấy lời thưa gửi qua lại và đám cưới đơn giản diễn ra. Sau này mới biết, trên bắt cưới vợ vì có ý định tháng 8-1975 thì cử Phạm Tuân đi học Học viện Không quân Liên Xô.

        Cái điểm "khang khác" của Phạm Tuân cứ là thế...

        Cưới vợ vào năm 1975 thì năm 1976, cô con gái đầu lòng Phạm Hằng Thu ra đời. Năm 1977 thì Phạm Tuân sang học bên Học viện Không quân mang tên Iuri Gagarin (Liên Xô). Những gì diễn biến trong thời gian học ở Học viện thì tôi đã kể ở phần trước rồi.

        Kết thúc chuyến bay vào vũ trụ trên tàu "Soyuz-37" cùng Tổ hợp quỹ đạo nghiên cứu khoa học "Chào mừng-6" - "Liên hợp-36" - "Liên hợp-37" ("Saliut-6" - "Soyuz-36" - "Soyuz-37"), trở về nước công tác, mấy năm sau thì Phạm Tuân cho ra đời chú "phi công vũ trụ tí hon" là Phạm Tuấn. Gia đình nhỏ bé đã "có nếp có tẻ" và hạnh phúc, niềm vui của gia đình cứ thế nhân dần lên...

        Lúc vui, Phạm Tuân thường kể: "Cuộc đời binh nghiệp của mình gian nan lắm. Cứ lội ngược dòng hoài. Từ thợ máy đi học bay, rồi vào vũ trụ. Nghề nghiệp cũng đa dạng, chẳng còn thiếu nghề gì: thợ máy - phi công - làm tham mưu chỉ huy - làm chính trị - rồi làm sản xuất quốc phòng, có lúc làm cả ngân hàng nữa. Mình được luân chuyển nhiều mà các lần luân chuyển hình như đều đúng quy trình và luân chuyển đến vị trí nào, làm việc gì mình cũng cố gắng hoàn thành. Tuy có lúc nổi trôi, nhưng phận nó là thế!".

        Để làm những công việc ấy, Phạm Tuân cũng mất nhiều thời gian để học hành. Tổng cộng lại, có đến hơn 10 năm đi học. Tuân thường bảo: "May mà được đi học, càng may hơn là mình ở đâu cũng được đồng chí, đồng đội, bạn bè đùm bọc giúp đỡ. Đây chính là cái bệ phóng đưa mình tiến về phía trước, dẫu có lúc cũng rất gian nan vất vả!". Tuân nói tiếp: "Hồi còn làm việc, chẳng mấy năm không bị ủy ban kiểm tra cấp trên rờ đến - tựu trung cũng chỉ là phong cách, tác phong công tác và lần nào kết luận cũng vậy. Họ bảo kiểm tra chỉ để cán bộ làm tốt hơn thôi. Nhưng làm chỉ huy, lãnh đạo sao mà tròn trĩnh hết cho được, miễn là hai khâu: công tác cán bộ và tài chính giữ đúng nguyên tắc là yên tâm rồi, còn cái tính bộc trực, thẳng thắn của mình trong thời buổi này đôi khi cũng gây ra những phiền toái mà chẳng biết nói cùng ai nhưng tính mình nó vậy, biết làm sao được!"...

        Năm 2008, Trung tướng Phạm Tuân được về hưu. Một người lính đã từng trải qua trận mạc, từng là người đầu tiên của Việt Nam bay lên vũ trụ và đến nay có lẽ là người duy nhất được tặng thưởng 3 lần Anh hùng, Phạm Tuân rất thanh thản và vui vẻ, cũng không kịp hưởng những ngày nghỉ chờ (cho dù ngày nâng lương Thượng tướng đã cận kề) Phạm Tuân đã viết đơn xin được trao sổ hưu ngay. Phạm Tuân bảo: "Phận sự của mình với dân với nước xong cả rồi, cứ ôm khư khư lấy cái quá khứ của mình mà làm gì. Phía trước còn biết bao công việc cho mình, cho gia đình và bạn bè!". Bỏ áo lính, Phạm Tuân lại trở về đời thường với cái gốc của người nông dân, đó là nuôi chim, câu cá, trồng cây cảnh, phong lan, đi thăm bạn bè đây đó và đến những vùng đất chỉ bay qua mà chưa đặt chân đến bao giờ như Mường Khương, Lũng Cú, Cà Mau, Mũi Hà Tiên...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 04:05:42 pm »

 
        Trong vườn nhà Phạm Tuân có những loài chim Họa Mi, Chích Chòe lửa, Chích Chèo than, Cu Gáy, Chào Mào, Bảy Màu, Khướu, Vành Khuyên.. .và khá nhiều loài lan.

        Nuôi chim và chơi chim cảnh cũng là một nghệ thuật. Nó đem lại niềm vui sau những ngày bươn trải trong cuộc sống mưu sinh đầy những bộn bề lo toan. Nó cũng làm cho ta quên đi những ồn ào, náo nhiệt nơi phồn hoa phố thị để đưa ta về với sự thanh bình khi nghe đủ loại âm sắc líu lo của chúng, nhất là khi khe được tiếng cu gáy gù... ta như được trở lại nơi làng quê yên bình với những rặng tre làng, với bầu trời rộng rãi, thoáng đãng, với cánh đồng lúa bát ngát hương, với những sự yên ả, tĩnh lặng mênh mang trong tâm hồn... Phạm Tuân giành cả một góc vườn khá lớn quây lại để nuôi chim. Phạm Tuân bảo: làm vậy để chim được tự do bay nhảy như ngoài trời vậy.


Thủ nuôi chim cảnh

        Khi ngắm các loài chim bay nhảy, ta lại thấy lại được sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, yểu điệu cùng với những ước mơ về khoảng không bao la, kì vĩ..., muốn được sải đôi cánh rộng, ngang tàng vui đùa cùng cuộc sống, muốn được trở lại một thời từng gắn bó với trời mây...

        Nuôi được chim cảnh, thân thiện với chúng và chúng cũng thân thiện với người nuôi thì cũng là một kỳ tích.

        Thú chơi hoa phong lan thì lại khác một chút...

        Về hoa phong lan thì tôi không rành lắm, chỉ biết rằng sự tích của nó là loài hoa tên gọi Oóckhiđêa của Bộ lạc Aruaki - một bộ lạc sai khiến được loài chim chuyên đẻ trứng vàng và các loài lan đó chính là các thiếu nữ của Bộ lạc quyết tâm bảo vệ các tổ chim đẻ trứng vàng trước sự cướp bóc của ngoại bang, cho đến lúc chết vẫn bám chặt trên các thân cây, cành cây rồi hóa thành các loài hoa lan...

        Người ta tổng hợp trên thế giới này có khoảng 22.000 loài lan, mà cũng có thể tới 25.000 loài, thuộc 880 chi (cao gấp 4 lần số lượng loài động vật có vú và hơn 2 lần số lượng loài chim), chiếm 6 -11% số lượng loài thực vật có hoa và mồi năm lại có khoảng 800 loài lan bổ sung thêm...

        Tại nước Việt Nam ta thì có khoảng 137 -140 chi, gồm hơn 800 loài lan rừng. Các loài chính có thể liệt kê ra như: lan tiểu hoàng đỏ, thạch mộc gia lu, thanh đạm, sứa ba răng, sớn, nhục sơn trà, ngọc kiệm khê, kim tuyến, huyết nhung trung, hoàng thảo, cầu điệp, hài, dáng hương, ý thảo, gia các, long tu, giả hạc, tuyết ngọc, cẩm báo, hồ điệp, hoàng yến hỏa hoàng, kiếm thanh ngọc, thanh đạm xanh, thạch hộc, giáng hương, vũ nữ...

        Giới chơi lan xưa kia là các bậc vua quan, nho gia và họ quan niệm về loài phong lan này là "Tuy vô diễm sắc như kiều nữ, tự hữu u hương tự đức nhân" (nghĩa là Tuy không có sắc như người con gái kiều diễm nhưng có hương thơm như người nhân đức).

        Hoa luôn mang đến cho con người những khoảng lặng của tâm hồn và những người yêu hoa đặc biệt là hoa phong lan là những nghệ sĩ đời thường. Thưởng lan như một nghệ thuật siêu cao và thâm thúy của người xưa. Thưởng lan cũng đi vào chiều sâu tinh túy, tìm đến cái "thần" trong cốt cách của trang quân tử trong xã hội. "Hoa bản vô tình, nhân hữu tình. Tửu bất túy, nhận nhân tự túy" (Tự hoa không có tình mà là người có tình, rượu nó không say mà người tự say).

        Hoa phong lan đem đến cho con người những phút giây êm đềm và bình yên trong cuộc sống.

        Các loài lan đều mang đến hơi thở của núi rừng hoang dại cùng với vẻ mộc mạc hoang sơ nhưng lại gần gũi thiết tha. Chẳng vậy mà các nhà thơ, các họa sĩ đều tìm đến lan trong các sáng tác của mình...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 04:11:23 pm »


        Phạm Tuân là người thích săn tìm các loại lan quý. Nghe ở đâu có loại lan quý là phải lần tìm đến băng được. Có lần, Phạm Tuân cùng mấy anh bạn lái xe sang tận Thái Lan, Lào để mua về cả chim, cả phong lan, vất vả nhưng mà vui lắm. Tuy không có chân trong "Hội chơi phong lan", không là hội viên của Hội nào nhưng rất nhiều "Hội phong lan" mời Tuân đến dự các "Hội chợ hoa", chắc đều biết tiếng Phạm Tuân thích hoa phong lan. "Văn kỳ thanh..." mà!


Thủ chơi phong lan

        Vườn lan của Phạm Tuân có hàng trăm giò với mấy chục loại lan, ví như đai châu, cáo, đuôi chồn, sóc, thủy tiên, vũ nữ, hồ điệp, các loại hoàng thảo...

        Chăm cho phong lan sống đã khó, chăm cho nó ra hoa lại càng khó hon, vậy mà trong vườn lan của Phạm Tuân, hầu như lan cho hoa nỏ liên tục. Đấy cũng là một thành công và kỳ công...

        Những thú chơi của Phạm Tuân là vậy. Có lẽ, những ký ức tuổi thơ luôn gắn chặt với Phạm Tuân và Phạm Tuân cũng không bao giờ muốn xa rời chúng.

        Gần đây, khi tôi có dịp ngồi với Phạm Tuân thì anh đã tâm sự:

        - Tới giờ là hơn 50 năm tôi xa quê rồi, nhưng tôi vẫn giữ những nét quê của tôi trong căn nhà nho nhỏ giữa lòng Thủ đô yêu quý. Đó là vườn cây cảnh cùng với hoa phong lan, bầy chim nhiều loại sớm chiều ríu rít, líu lo tiếng hót. Mới đây thôi, tôi cùng với anh bạn tôi về quê mang lên một chiếc diều sáo, thỉnh thoảng mang sang Bắc Ninh nơi anh ở để thả, để nghe tiếng sáo diều vi vu, để thả hồn mình lên tận mây xanh, tận hưởng sự khoáng đạt, thanh bình. May mắn là nghề nghiệp của mình gắn với bầu trời nên tôi càng yêu quý hơn bội phần khi cánh diều no gió. Mà càng yêu nó bao nhiêu thì tôi càng yêu làng quê nghèo khó của tôi bấy nhiêu...

        Nếu ở ngay trong lòng Hà Nội thì chắc chắn không thể thả diều sáo được, nhưng ở vùng đất Bắc Ninh thì Phạm Tuân có thể lại tìm lại được thú vui ngày nào thời thơ ấu và có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên, sẽ vui sướng khi nghe được tiếng vi vu của diều sáo trên khoảng trời của miền quê Quan Họ để rồi sẽ ngạc nhiên hon nữa khi biết được diều ấy chính là do Phạm Tuân làm và thả. Đấy cũng là một trong nhiều những điểm "khang khác" của Phạm Tuân. Tôi cũng rất hiểu ý anh vì tôi biết mọi thứ đều có sự xuất xứ, đều có gốc gác của nó. Anh vẫn thường nói: "Tựu trung, cốt lõi là "hoàn cảnh" bao gồm có quê hương, gia đình, anh em, đồng chí, bạn bè. Về hưu rồi mới thấy cái quý giá của những điều ấy. Không có những cái đó thì chẳng làm được gì cả, nhất là quê hương cùng với những truyền thống cửa quê!". Tôi lại nhớ đến những câu trong bài hát "Quê hương" của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, với lời thơ của Đỗ Trung Quân: ..." Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hải mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay. Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm khua nước ven sông... Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người...". Và, sau những gian nan vất vả, những lo toan phiền muộn thì cuộc sống thanh nhàn đã đến với Phạm Tuân và Phạm Tuân đã đón nhận nó một cách rất thanh thản, rất nhẹ nhàng cùng với cách sống phóng khoáng của những người từng nhiều năm gắn kết với bầu trời, với những gì mênh mang, khoáng đạt và trong trẻo!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 04:16:04 pm »




Vợ chồng Phạm Tuân nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới


Gia đình phi công vù trụ Phạm Tuân
        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2018, 04:23:21 pm »


THAY CHO LỜI KẾT

        Tôi vẫn mường tượng đến cảnh tượng kỳ vĩ khi quả tên lửa dài hơn 40 m dựng đứng trên bệ phóng, sừng sững giữa bầu trời sa mạc của Kazacxtan, đang hoạt động ở chế độ sưởi ấm và đội bay của Phạm Tuân đang ở trong buồng lái của con tàu, chông chênh trên độ cao hơn 40 m ấy...

        Lại chợt nhớ đến bài hát "14 phút trước giờ cất cánh" của nhạc sĩ Ôxca Bôrixôvich Phensman với lời thơ của Vlađimia Nhicôlaêvich Vôinôvich đã được dịch ra tiếng Việt gồm 3 đoạn cùng điệp khúc của bài hát:

    1. Lượn bay trên không gian xa xôi
        Giờ đây thu xếp đã xong rồi
        Trời mây cao cao xanh thắm
        Đã bao lần mơ tung cánh
        Lưng trời vờn bay ngàn áng mây
        Như chờ đợi ta cùng vút bay
        Năm phút nữa thôi, bạn ơi
        Vượt bay nơi không gian xa xôi...

    2. Rồi đây sau bao năm êm trôi
        Bạn ơi xin chớ quên tên người
        Từng bay qua bao nhiêu tinh tú
        Góp công đầu tiên sáng chói
        Đã hoàn thành muôn ngàn ước mơ
        Cho loài người trên mặt đất ta
        Qua lớp mây trôi xa vời
        Nhìn về nơi quê hương thân yêu...

    3. Hành tinh nơi không gian xa xôi
        Dù trong băng tuyết bao đêm ngày
        Hằng mong bên nhau luôn tung cánh
        Lướt trên trời mây xanh thắm
        Tiếng gọi mà sao giục thiết tha
        Mây chờ đợi ta cùng vút bay
        Du khách quê hương đang gọi ta
        Đợi trong không gian bao la...

     Điệp khúc:

        Bạn ơi, tôi mơ ước bao đêm ngày chuyến bay này
        Trời mây cao xanh thắm ngàn sao sáng nhìn lấp lánh
        Vượt biết bao lớp mây trời và tới nơi không gian
        Bay mãi trên trời biếc vượt ngàn xa...


        Tôi dám chắc rằng không ít người đã biết, đã hát bài hát này bằng cả lời Nga và lời Việt. Đây là không kể tới các phi công và những người từng du học ở Nga. Lời bài hát với giai điệu hùng tráng như thúc giục ta mau mau cất cánh để chinh phục không gian vũ trụ.

        Ngày trước, khi nền khoa học chưa phát triển vũ bão như bây giờ mà nhịp sống giành cho vũ trụ đã sôi động như vậy rồi.

        Sau Gagarin là hàng loạt các phi công vũ trụ của Nga, của Mỹ và của các nước khác... thay nhau vào vũ trụ để khám phá, để nghiên cứu và để chinh phục nó...

        Với trình độ khoa học tiên tiến như hiện nay, việc con người bay vào vũ trụ đã dễ dàng hơn. Đã có những dự án tổ chức đưa khách đi du lịch trong vũ trụ. Và các bạn - những người có hoài bão, có trình độ, có sức khỏe... chắc chắn sẽ dễ dàng thực hiện được ước mơ của mình. Các bạn sẽ bay không chỉ với tốc độ vũ trụ V1, mà có thể với tốc độ V2, V3, V4, V5... Các bạn sẽ đến các đám sao Thiên Hà với ranh giới của vũ trụ, xem vũ trụ thực sự đang giãn nở hay co lại, xem vũ trụ có tâm hay không, nghiên cứu xem nó là vô hạn hay hữu hạn...

        Hoặc giả, các bạn chỉ dạo ngắm diện mạo của dải Ngân Hà, ngắm những "đám mây Magellan" - những Thiên Hà lùn rồi vọt qua đám Thiên Hà xoắn, đùa giỡn với những đám sao cầu của Ngân Hà. Mà cũng có thể, bạn sẽ tới thăm ngôi sao cepheid - ngồi sao được mệnh danh là "Ngọn Hải Đăng của vũ trụ" với độ sáng biến thiên rất đặc biệt vì thời gian giữa hai độ sáng cực đại hoặc cực tiểu liên tiếp (mà thường gọi là chu kỳ ấy) càng dài bao nhiêu thì độ sáng của sao càng sáng bấy nhiêu. Rồi tiện đường, các bạn sẽ ghé đến Andromede - một Thiên Hà là chị em sinh đôi của Thiên Hà chúng ta. Các bạn còn phải tìm hiểu vũ trụ ngoài Thiên Hà nữa chứ, để có thể khẳng định vũ trụ sẽ kết thúc ở Ngân Hà hay còn mở rộng xa hơn, có tồn tại những tương tự khác nằm ngoài giới hạn của Thiên Hà không và có những "hòn đảo vũ trụ" của Kant hay không?

        Nếu may mắn trên hành trình của các bạn, các bạn chộp được một Thiên Hà đang ra đời - tức Thiên Hà "nguyên thủy" trong cơn giãy chết bùng nổ thì khi đó các bạn hẳn sẽ được chứng kiến cảnh tượng tuyệt đẹp hệt như trận bắn pháo hoa chiếu sáng khoảng bao la của vũ trụ, như những ngọn đèn chiếu trăm hồng ngàn tía của các chùm sáng xuyên qua bóng đêm dày đặc...

        Hy vọng các bạn sẽ còn được du ngoạn qua các hố đen để cùng xoay tròn trong vũ điệu của vũ trụ. Và giai điệu của vũ trụ sẽ không còn là điều bí ẩn...

        Phạm Tuân đã là người đầu tiên của Việt Nam, của Châu Á bay vào vũ trụ. Đó không phải là người cuối cùng...

        Nếu các bạn có những ước mơ chinh phục vũ trụ, đã chuẩn bị cho những chuyến hành trình vượt ra khỏi Trái đất thì Phạm Tuân sẽ là người sẵn sàng hướng dẫn, trao đổi, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu khi bay vào vũ trụ cho các bạn trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành bay. Và biết đâu, chính Phạm Tuân cũng sẽ cùng bay với các bạn trên con tàu vũ trụ ấy...

        Một lần nữa những lời của bài hát lại ngân vang trong tôi:

        "...Năm phút nữa thôi, bạn ơi
        Vượt bay nơi không gian xa xôi
        Bạn ơi, tôi mơ ước bao đêm ngày chuyến bay này
        Trời mây cao xanh thắm ngàn sao sáng nhìn lấp lánh
        Vượt biết bao lớp mây trời và tới nơi không gian
        Bay mãi trên trời biếc vượt ngàn xa..."


        Nào, các bạn đã sẵn sàng chưa? Nếu sẵn sàng rồi thì... "Po-ê-kha-li!" - Lên đường thôi!


TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

        - Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Nxb Trẻ, 2013.

        - Bí ẩn Trái đất, Nxb Hồng Đức, 2016.

        - Thường thức y học vũ trụ, Quân chủng Không quân, 1980.

        - Báo cáo tổng kết tháng 4-1979 của bác sĩ Lê Minh, Chủ tịch Hội đồng khám tuyển phi công vũ trụ Việt Nam - Viện trưởng bệnh viện Không quân.

        - Báo cáo tình hình sức khỏe phi công nghiên cứu vũ trụ Phạm Tuân trước, trong và sau chuyến bay vũ trụ Xô Viết trên Tổ hợp quỹ đạo "Chào mừng-6 - Liên hợp-36 - Liên hợp-37" từ 23-7-1980 đến 31-7-1980, Bệnh viện Không quân, 1986.

        - Báo Hà Nội mới, báo Tia Sáng, báo Tuổi trẻ, báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải phóng, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh các số của các ngày từ 24-7-1980 đến 2-9-1980.

        - Phi công vũ trụ Vichtor Gorbatcô, Nxb "Granhisa", 2014.

        - Các đơn vị và cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Nxb Quân đội nhân dân, 2002.

        - Các tư liệu qua Internet.


MỤC LỤC

        • Lời nói đầu
        • Ngày 23 tháng 7 năm 1980
        • Chuyến bay của "Liên hợp-37"
        • Hành trình đến thành phố Ngôi Sao
        • Thành phố Ngôi Sao và sân bay vũ trụ Baicônua
        • Từ mặt đất tới bầu trời
        Thay cho lời kết

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM