Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:16:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15785 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 08:25:12 am »


        Tình cảm của người dân Xô Viết, công ơn của các thầy cô giáo, các thầy dạy bay, những người bạn Nga mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm từng học viên bay, không bao giờ phai mờ. Cuộc chia tay dù lưu luyến đến mấy cũng phải dứt để theo đúng lộ trình đã định. Đoàn của Phạm Tuân lên đường, đi tàu liên vận đến ga Bằng Tường thì phải nghỉ lại 3 ngày, vì đường sắt chưa khôi phục sau khi bị đánh phá. Khi về đến ga Đồng Đăng là ban đêm, tất cả tối om lại không được bật đèn vì phòng không mà. Chờ mãi chẳng thấy xe đón, may quá gặp được chị Hiền - người của Cục đối ngoại đi đón khách. Vì đã quen biết từ ngày ra đi, chị Hiền gửi đoàn của Phạm Tuân lên chiếc xe 24 chỗ ngồi. Phạm Tuân nhớ là xe chạy theo đường Lạng Sơn về Bắc Kạn, qua Thái Nguyên - đường bị bom đánh hỏng, xóc ghê gớm. Xe quá chật, Phạm Tuân phải đứng suốt trên xe, lúc mỏi quá đành đứng bằng một chân rồi lại đổi chân khác, chỉ mong sao có báo động phòng không để xe dừng và có dịp bước xuống nghỉ một lát cho đỡ mỏi.

        Đoàn được đưa về trường Tuyên giáo cũ (gần Cầu Giấy). Trường đã đi sơ tán hết nên nhà ở ẩm thấp và muỗi nhiều vô kể. Sau 3 năm, Phạm Tuân lại được nằm màn. Đêm đầu tiên vùng vẫy thế nào mà một nửa người chòi ra ngoài màn. Thế là bọn muỗi được bữa liên hoan. Sáng dậy, Tuân thấy nửa người mình ửng đỏ bởi hàng trăm nốt muỗi đốt, trông như bị lên sởi ấy. Phạm Tuân sởn cả tóc gáy. Những đêm sau phải để anh Nguyễn Văn Ngợi và anh Nguyễn Văn Bảy (B) mỗi người một bên, Phạm Tuân nằm giữa thì mới thoát cảnh muỗi "xơi". Được nghỉ phép mấy ngày, Tuân cùng anh Ngợi xách va li ra bến xe sơ tán sát vườn hoa Yecsanh. Ra đến nơi, mới có lác đác mấy người chờ xe, họ thấy các anh mặt mũi trắng trẻo, cao ráo lại mặc quần áo bộ đội thế là họ cử Phạm Tuân đứng ra ghi chép thứ tự người xếp hàng để ai có nhu cầu gì thì đi giải quyết. Qua một ngày đêm mà chẳng có xe, ngồi ở vỉa hè mệt quá nên Phạm Tuân rủ anh Ngợi quay về đơn vị. Anh Ngợi đi bộ đội năm 1963-1964 gì đó, được rèn luyện và có kinh nghiệm hơn Phạm Tuân, anh nói: "Mấy năm đi xa rồi, phải về thăm bố mẹ chứ!". Vậy là Tuân nghe theo, ở lại chờ. May mà đêm ấy có xe. Về tới nhà, Tuân không dám nói mình là phi công, nhưng mọi người đều ngờ ngợ, Phạm Tuân cao lên gần 15 cm và cũng nặng hơn 20 kg. Thời chiến khi có anh bộ đội về phép là cả làng đến thăm. Biết bao nhiêu câu hỏi được đặt ra - nào là Liên Xô có xa không, ăn uống ra sao mà nhanh lớn thế? vân vân và vân vân...

        Mấy ngày phép trôi nhanh, Phạm Tuân trở lại đơn vị và nhận nhiệm vụ về Trung đoàn Không quân 910 lúc đó đang đóng ở Tường Vân, tỉnh Vân Nam để bay đề cao. Ở đây, các anh được sự hướng dẫn của các giáo viên bay Việt Nam, đặc biệt được bay cùng các phi công đã từng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ như anh Lê Quang Trung, anh Hồ Văn Quỳ, anh Dương Trung Tân (Anh Lê Quang Trung lúc đó là Trung tá, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, anh Hồ Văn Quỳ là một trong bốn phi công đánh trận đầu ngày 3-4-1965, anh Dương Trung Tân là Thượng úy, bắn rơi 2 máy bay Mỹ). Nhìn thấy các anh là đoàn của Phạm Tuân kính phục lắm, được bay với các anh là niềm vinh dự lớn lao.

        Việc bay ở đây cũng đơn giản thôi vì các anh đã là phi công có cấp rồi, chủ yếu là học các bài ứng dụng chiến đấu, các "miếng võ" mà các anh đi trước đã khởi xướng ra, có khác chỉ là sân bay nằm ở độ cao 2.000 m, không khí loãng nên máy bay cất cánh, hạ cánh cần đường băng dài hơn. Đặc biệt, ở độ cao lớn, mây mù bất chợt, có khi chỉ vài phút sau là sân bay đã phủ kín sương mù.

        Với các phi công từ Liên Xô về, lại bay ở trường Trung Quốc trên cao nguyên nên sinh hoạt cũng không phải dễ dàng. Trên cao nguyên nước lạnh lắm, Chi bộ Đại đội ra yêu cầu phải tắm nước nóng để tránh cảm lạnh. Vậy là cứ hàng tuần phải hành quân đi 5-6 km đến suối nước nóng. Riêng Tuân cứ giả vờ đi một quãng ngắn rồi vòng về. Cứ chiều chiều chơi thể thao xong là xối nước lạnh, vậy mà có sao đâu. Chắc mấy ông chỉ huy cũng biết nhưng vì các anh là "lính gửi" trong mấy tháng nên chẳng nói gì. Ở nơi đây có thể nói là mang hai phong cách "Tây" và "Tàu" rất rõ - một bên thì phóng khoáng, còn bên kia thì kín đáo và thâm thúy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 08:27:11 am »

         
        Phạm Tuân nhớ lại mấy kỷ niệm khó quên:

        - Một lần tổ chức đánh bóng chuyền, một bên là học viên bay chúng tôi trong đó có tôi và Hán Văn Quảng. Một bên là các thầy giáo và cán bộ khung. Khi trận đấu vào lúc căng thẳng, Hán Văn Quảng nhảy lên đập bóng, phía các thầy nhảy lên chắn. Quảng hô to: "Thì chắn này!" hay là "Mày chắn này!" gì gì đó. Thế là xảy ra rắc rối. Thầy Hòa cho dừng bóng và nói: "Học viên như vậy là hỗn với thầy!". Chúng tôi phải kiểm điểm mãi ở Đại đội. Một lần khác, tôi đảm nhận trực ban Đại đội. Buổi sáng, trực ban có trách nhiệm kiểm tra nội vụ các phòng, kiểm tra vệ sinh... và ghi nhận xét lên bảng. Hôm đó, sau khi kiểm tra, thấy phòng Trung tá Lê Quang Trung chăn màn chưa ngay ngắn bằng các phòng khác, tôi viết ngay nhận xét lên bảng. Chiều đi bay về, sau khi nhìn thấy dòng nhận xét, anh Dưong Trung Tân gọi tôi ra và nói: "Cậu có biết ông Trung là ai không mà dám nhận xét trên bảng?". Tôi bảo: "Ông ấy là người sinh hoạt cùng Đại đội nên tôi nhận xét!". "Cậu phải xóa đi!" - anh Tân nói gay gắt, nhưng tôi vẫn để nguyên cho đến hết phiên trực.

        - Ở Đại đội có Đại úy Trần Sơn Thành là Chính trị viên. Anh đã nhiều tuổi, tham gia quân ngũ từ thời chống Pháp. Anh rất quý phi công chúng tôi. Một hôm, sau bữa cơm chiều, anh gọi tôi đi dạo. Chúng tôi nói nhiều chuyện về bay bò, về gia đình... rồi anh chậm rãi: "Ở đời khó lắm đấy, Tuân ạ. Tớ cũng vấp váp không ít đâu. Hồi mới vào lính, mình được cử lên làm công vụ cho vị chỉ huy Sư đoàn. Một lần rót nước mời ông, ông cám ơn rồi hỏi: "Cậu phục vụ cho mình, cậu thấy thế nào?" Ông Thành ngần ngừ một chút rồi đáp: "Vì nhiệm vụ được giao thì tôi làm chứ sung sướng gì cái việc làm cần vụ này!". Thế là hôm sau, ông được điều về đơn vị chiến đấu. Ở đơn vị chiến đấu, có lần, ông cùng một chiến sĩ đi trinh sát cách đơn vị 3-4 cây số. Ban đêm, đường rừng... chẳng may gặp ổ phục kích, hai anh em bắn trả và rút lui. Chẳng may, anh chiến sĩ kia hy sinh. Trời khuya rừng giá lạnh, ông Thành cố vác xác đồng đội về, lúc đầu người còn mềm, khoác lên vai vác dễ dàng, sau xác chết cứng dần, vác thật khó khăn, có lúc trượt chân, xác đồng đội lăn như khúc gỗ, tìm lại được và vác về. Về đến đơn vị thì trời tảng sáng, gặp chỉ huy, ông chỉ huy nói luôn: "Sao cậu không chôn đồng chí ấy ở đâu đó rồi về cho nhanh?". Kể đến đây, giọng ông trầm lại. Trời tối tôi không nhìn rõ mặt nhưng chắc những giọt nước mắt đang chảy ra sau khóe mắt ông. Ông tặc lưỡi: "Ở đời cư xử nó khó vậy đấy!". Tôi hiểu ông muốn nhắn nhủ gì với tôi. Cho mãi sau này tôi vẫn nhớ sâu sắc những lời tâm sự ấy. Có lúc, ở cương vị lãnh đạo, có công vụ, có lái xe... nhưng tôi không bao giờ yêu cầu làm việc gì, ngoài phục vụ chung cho đơn vị. Tôi cũng có cái suy nghĩ giống ông Chính trị viên của tôi: ngoài công việc nhà nước ra đừng bắt ai phục vụ mình bởi bản thân mình cũng chẳng sung sướng gì khi bị bắt phải phục vụ cho người khác vì một điều vu vơ nào đó... Cũng ở Trường Không quân, tôi được phong quân hàm Thiếu úy và kết nạp Đảng, nhưng lần đầu khi thông qua chi bộ để xét kết nạp Đảng, không ít Đảng viên kiến nghị phải xem lại lý lịch vì là thợ máy chuyển lên nên lý lịch chưa được xét kỹ. Tôi lại phải chờ. Rất may, sau khi thẩm tra ba đời nhà tôi vẫn giữ được trong sạch. Kết thúc khóa bay đề cao, có ý kiến đề cử tôi ở lại làm giáo viên bay vì có sức khỏe, bay bò cũng được, nhất là khoản đánh bóng. Có tôi trong đội hình thì thắng đội của trường Trung Quốc rất dễ dàng. Cũng may, tốp của chúng tôi có "mác" bay đêm nên Quân chủng điều về đơn vị chiến đấu.

        Mấy tháng trong trường Không quân Việt Nam thôi nhưng nó cho chúng tôi nhiều điều quý giá, đó là được nâng cao kỹ thuật bay, nhất là các khoa mục ứng dụng chiến đấu, học được cách ứng xử, giao lưu những tình tiết mà khi học ở trường Liên Xô chúng tôi đâu có để ý. Sau khi rời Trường Không quân, chúng tôi về Trung đoàn 923, được biên chế vào Đại đội 6 - Đại đội vừa thành lập, anh Vũ Thế Xuân làm Đại đội trưởng, anh Lê Xuân Dị làm Đại đội phó. Các anh đều là những phi công đã từng lập công (Các anh Vũ Thế Xuân và Lê Xuân Dị đều là những phi công bay trên MIG-17 đã bắn rơi máy bay Mỹ. Anh Lê Xuân Dị sau này còn tham gia đánh tàu khu trục Higbee của Mỹ trong trận ngày 19-4-1972 tại vùng biển Quảng Bình). Công việc bay huấn luyện lại tiếp tục. vẫn những bài bay cũ nhưng cường độ cao hơn. Trình độ kỹ thuật của chúng tôi nâng lên rất nhanh. Vừa có sức khỏe, vừa có kỹ thuật cơ bản, chẳng bao lâu sau, chúng tôi theo kịp lớp phi công đi trước, và cũng ở đây, tính năng của MIG-17 được khai thác khá tốt, những bài bay biên đội nhào lộn phức tạp, những bài không chiến 4 đến 8 chiếc... chúng tôi bay thuần thục. Được bay với những phi công "Át chủ bài" như anh Nguyễn Văn Bảy (A), anh Lưu Huy Chao, anh Lê Hải... chúng tôi thấy oai lắm rồi. Lúc đó anh Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang và là Trung đoàn phó, có lần giao nhiệm vụ, anh nói: "Vào trận bay được càng thấp càng tốt!" và cho phép chúng tôi bay ở độ cao 50 m - thế là được dịp các phi công bay sà xuống đường băng, có khi chỉ hơn chục mét. Thấy có thể mất an toàn, sau lại nâng lên là 100 m.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:10:27 am »

   
        Trong chiến tranh nhưng phong trào thể thao văn nghệ phát triển lắm: "sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát" - đấy là chủ trương để "tiếng hát át tiếng bom". Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là huấn luyện, trực chiến và thể thao rèn luyện sức khỏe.

        Riêng chuyện bóng chuyền thì cũng có nhiều chuyện vui lắm, như có lần ở Liên Xô, học viên chơi với mấy thầy trong đó có ông Trung đoàn phó, bên ông bị thua, ông liền bắt phải đánh thêm, đến trưa rồi mà vẫn không cho nghỉ. Chúng tôi bàn nhau tìm cách để mình thua thì mới được nghỉ. Lại có lần chơi vui cùng các cháu học sinh, trong đội của các cháu có con ông Trung đoàn trưởng cao to, phốp pháp và cũng xinh gái nữa. Mấy anh bạn bảo: "Tuân cứ đưa bóng vào chỗ cháu đó". Chúng tôi chơi vui, nhưng khi về bị phê bình và nâng lên thành quan điểm nhân văn, quan điểm quần chúng... vui vậy đấy.

        Tuy vậy, cái môn này chẳng những giúp mình .sức khỏe để bay mà nó còn là "bà đỡ" giúp mình trong những lúc khó khăn sau này.

        Khi về Trung đoàn Không quân 921, tôi (tác giả) "mục sở thị" thấy Phạm Tuân chơi bóng. Đúng là anh có quả đập đầy uy lực. Khi ngồi nói chuyện với Phạm Tuân, tôi hỏi anh thì anh cho biết:
 
        - Tôi bắt đầu tập đánh bóng chuyền từ hồi còn bay ở sân bay Nôvôchitarôp cơ. về bay MIG-17 ở Kusôpxcaia, tôi hay tập tay đôi với anh Phùng Văn Em, cứ người đập, người đỡ rồi sau lại chuyển vị trí. Khi sang bay bên Trung đoàn 910, thời gian rảnh rỗi có nhiều và chính thời gian này là thời gian mà tôi đánh "lên tay" nhất. Đến lúc về Trung đoàn Không quân 923, tôi nhập vào đội tuyển của Trung đoàn, sau đó còn vào đội tuyển của Sư đoàn, rồi được đi tập huấn cơ bản và thi đấu giao hữu với các đơn vị. Có lần để chi viện cho Trung đoàn Không quân 919 thi đấu ở khu vực Hải Phòng, Tư lệnh Đào Đình Luyện điều hẳn một máy bay Li-2 với lý do huấn luyện chở một mình tôi xuống Kiến An để phối hợp với 919 thi đấu và đã giành giải nhất hẳn hoi. Tháng 12-1974, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được tham gia với đội Thể Công thi đấu với đội Bát Nhất của Trung Quốc. Sau trận này, các đồng chí đội Thể Công muốn tôi tham gia cùng đi tập huấn ở Tiệp Khắc. Khi danh sách đưa lên, thấy tôi là phi công nên cấp trên giữ lại.

        - Hồi ấy, tôi thấy anh bật tại chỗ cao lắm và giáng mạnh lắm.

        - Nếu đứng tại chỗ, nhảy bật bằng hai chân thì tôi bật cao khoảng 1,1 -1,2 m và khi ấy đang có sức nên cứ thế mà giáng thôi, nhất là khi ở vị trí dưới vạch 3 m mà nện thì đối phương hầu như không thể chắn được.

        Đúng! Phạm Tuân từng là một tay công lợi hại trong sân bóng chuyền và mọi trận đấu, khi Tuân nhảy lên đập bóng là tất cả đều reo hò cổ vũ vì biết chắc chắn là thế nào Tuân cũng ghi điểm cho đội nhà. Về sức bật của Phạm Tuân thì Tuân thường "biểu diễn" bằng cách đứng tại chỗ nhảy thẳng lên thùng xe tải. Hồi ấy các phi công đi bay hoặc đi trực chiến thường được chở bằng xe tải và Tuân hay nhảy lên thùng xe theo kiểu đó. Có lần thi nhảy lên thùng xe, lần đầu Phạm Tuân nhảy hụt, tức thì Tuân cố sức nhảy lần thứ hai. Lần này chẳng may lại cao quá, hai chân đút lên thùng xe, thế là Tuân ngã ngửa, hông đập xuống đất, bị chấn thương xương mào chậu, đau nhức đến nỗi mỗi lần đi bay, khi kéo quá tải người đè vào ghế đau ê ẩm không chịu nổi. Mấy tháng trời bị đau nhưng Phạm Tuân giữ kín với cấp trên, vẫn bay, vẫn trực ban. Nếu lộ ra e rằng bị đánh giá về ý thức kỷ luật, thậm chí là có thể bị đánh giá có "vấn đề tư tưởng" để lấy lý do không đi trực chiến.

        Năm 2004, Phạm Tuân lên Trung đoàn tôi ở Yên Bái để kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, chiều đến thì tất cả lại ra sân bóng, chơi bóng chuyền hoặc bóng rổ. Một chuyện không may đã xảy ra trong trận bóng chuyền: khi Tuân nhảy lên đập thì có một cầu thủ của Trung đoàn tôi nhảy lên chắn. Không hiểu hai người va đập vào nhau kiểu gì mà Tuân rơi xuống, lăn ra kêu đau. Đầu gối của Phạm Tuân bị chấn thương và cố lẽ đấy cũng là nguyên nhân đầu tiên để rồi sau này phải đi xử lý cái đầu gối ấy. Vậy là phải cõng 2 cái chấn thương chỉ vì sức trẻ pha chút bốc đồng. Phạm Tuân cứ nhắc mãi câu: "Chữ tài liền với chữ tai một vần!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:13:10 am »


        Phạm Tuân kể tiếp:

        - Bước sang năm 1970, Đại đội 6 chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức bay đêm. Đã 3-4 năm đơn vị không bay đêm, các đồng chí cũ đã chuyển đi cả, lực lượng nòng cốt để bay là lớp của chúng tôi cùng với mấy đồng chí cán bộ Đại đội và Trung đội. Chúng tôi chuyển lên sân bay Đa Phúc để bay đêm giữa lúc Quân chủng chọn một số phi công bay MIG-17 chuyển lên bay MIG-21. Đến thời điểm đó, phi công MIG-21 "có giá" hơn vì tính năng tốt hơn và thực tế chiến đấu ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là khi Mỹ đã thay đổi cách đánh với MIG-17. Đợt đó trong danh sách có 10 phi công: Đỗ Văn Lanh, Võ Sĩ Giáp và một số anh khác nhưng không có tôi. Qua tìm hiểu mới vỡ nhẽ là Trung đoàn 923 giữ tôi lại để bay đêm. Tôi hơi buồn nhưng biết làm sao được. Rồi một lần dẫn đội bóng của Binh chủng về Bạch Mai thi đấu, một buổi tối, đồng chí Đào Đình Luyện - Tư lệnh Binh chủng gọi tôi sang. Tôi nghĩ chắc "cụ" lại chấn chỉnh điều gì đây. Bấy giờ, phi công chúng tôi đánh bóng thì tốt rồi nhưng phải nỗi cũng hơi "nghênh ngang", đánh giá thấp đối phương, rồi còn hay "văng tục" trong sân nữa, nhiều đồng chí không ưa, nhất là mấy đồng chí chính trị. Tư lệnh cũng hay theo dõi và nghe báo cáo. Đã không dưới một lần, Tư lệnh gọi tôi đến để chỉnh đốn. Tôi bước vào phòng, sau cái bắt tay thân thiện, đồng chí chỉ chỗ ngồi rồi hỏi:

        - Thế nào, đánh đấm tốt chứ?

        - Ổn cả ạ! - Tôi đáp.

        Ông nhắc nhở mấy điều rồi đột nhiên hỏi tôi:

        - Thế cậu có thích bay MIG-21 không?

        - Có chứ ạ!

        - Vì sao?

        - MIG-21 bay cao, bay nhanh.

        - Bay MIG-21 để bay cao bay xa thì chưa đủ mà để chiến đấu tốt hơn.

        - Vâng ạ! - Tôi ngượng ngùng đáp

        Rồi ông chậm rãi nói: "Các anh chỉ huy Trung đoàn 921 xin cậu về bay MIG-21. Cậu đã thích thì sau đợt đánh bóng về thu xếp lên 921 sớm để cùng bay với số anh em vừa chuyển loại". Tôi mừng lắm, công việc xong xuôi là về đơn vị ngay. Một tuần, hai tuần rồi cả tháng chẳng thấy ai nói gì. Chỉ là một phi công "tèng", tôi đâu dám lên hỏi chỉ huy Trung đoàn, chỉ còn biết chờ đợi mà thôi. Bỗng một hôm, Tư lệnh Luyện xuống Trung đoàn kiểm tra, nhìn thấy tôi, ông hỏi ngay: "Cậu vẫn còn ở đây cơ à?". Tôi trả lời: "Tôi có thấy ai nói gì đâu!". Thì ra, Trung đoàn giữ tôi ở lại một phần vì nhiệm vụ bay đêm, phần nữa cũng vì là nòng cốt của đội bóng. Anh Đào Công Xưởng - Trung đoàn phó rất thích môn bóng chuyền nên quyết giữ tôi ỏ lại. Theo chỉ thị của Tư lệnh, tôi thu xếp và về Trung đoàn 921 ngay. Ở đây, lớp chuyển loại của anh Lanh, anh Giáp đã chuẩn bị xong và bước vào bay. Tôi lại một mình chờ đợi. Hơn một tháng sau, Tư lệnh Binh chủng lại xuống kiểm tra 921, gặp tôi trước sảnh nhà ăn, ông hỏi: "Cậu bay chưa?". Tôi trả lời: "vẫn đang chờ đợi ạ!". Tư lệnh nói: "Dãn cách lâu quá rồi, thôi, về 923 bay, khi nào có lớp chuyển loại sẽ cho cậu bay tiếp!". Đứng bên cạnh tôi, Trung đoàn phó Nguyễn Nhật Chiêu đỡ lời ngay: "Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi đang chuẩn bị. Một mình Phạm Tuân cũng tổ chức một lớp. Chúng tôi đảm bảo Phạm Tuân sẽ bay tốt!". Tôi thầm nghĩ, có chút "tài lẻ" đánh bóng cũng tạo nên "vị thế". Chẳng là anh Chiêu và các anh chỉ huy Trung đoàn 921 cũng rất ham mê bóng chuyền, thậm chí còn có cả chút "cay cú" nữa. Trung đoàn "Anh cả Đỏ" mà!. Mấy hôm sau, tôi được sĩ quan huấn luyện đem đến một chồng tài liệu, nào là cấu tạo máy bay, động cơ, ra đa, vô tuyến, tên lửa... và dặn cứ đọc đi rồi sẽ có kỹ sư các ngành đến giảng giải thêm.

        Rồi mọi việc cũng xong, được các cán bộ chuyên ngành kiểm tra và cho bước vào chuẩn bị bay. Tôi được đồng chí Pôiarcôp Iuri Nhicôlaiêvich - chuyên gia bay hướng dẫn. Đã quen bay với người Nga nên không có gì phức tạp. Tôi bay 5-6 chuyến thì ông ấy bảo: "Bay được rồi đấy, đi bay đơn!". Hôm đó, anh Nguyễn Nhật Chiêu cũng tham gia bay, thấy vậy anh hỏi: "Đã vững tin chưa đấy?". Tôi đáp: "Dạ, bay được ạ!". Sau khi theo dõi tôi hạ cánh, thầy Pôiarcôp tiếp tục kèm phi công mới ra trường là Công Phương Thảo, nhưng chuyến bay ấy lại là chuyến bay cuối cùng của hai thầy trò. Máy bay gặp nạn rơi ở khu vực Sơn Dương - Đại Từ, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

        Kể đến đây, bỗng dưng chuông điện thoại reo, Phạm Tuân nhấc máy lên nghe thì phía đầu dây bên kia nói anh là bạn của mấy người Nga họ đang nhờ tìm thông tin của ông Pôiarcôp. Phạm Tuân trả lời: "Cả Quân chủng Phòng không - Không quân và địa phương tìm kỹ lắm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin". Sau mới biết phía người nhà và bạn bè của ông muốn qua chương trình "Như chưa hề có cuộc chia li" để tìm tin tức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:15:53 am »


        Trong quá trình bay chuyển loại, Phạm Tuân cũng gặp những tình huống bất trắc trong khi bay. Hôm đó, Phạm Tuân bay cao không, nghĩa là bay ở tốc độ và độ cao lớn nhất. Khi tốc độ đạt 1,8M (gần 2000 km/h), Tuân kéo máy bay lên độ cao 18.000 m. Bất ngờ, phía đầu máy bay phát ra những tiếng nổ rất lớn, cả máy bay đập mạnh, Tuân tối cả mắt mũi. Chưa kịp xác định ra sao thì động cơ tắt ngấm, máy bay giảm tốc độ đột ngột. Tuân đưa máy bay bay xuống để giữ tốc độ. Nhìn phía trước thấy con sông và thành phố nhỏ, xác định là Tuyên Quang. Tuân bình tĩnh chuẩn bị để mở máy lại và cũng không quên chỉnh sửa lại quai dù. Đến độ cao 10 km, Tuân mở máy nhưng không thành công, máy bay tiếp tục chúi xuống. Đến độ cao khoảng 8 km, Phạm Tuân lại mở máy, lần này thì thành công, động cơ làm việc nhưng máy bay cứ rung lên bần bật, nhất là khi tăng ga. Báo cáo về Sở chỉ huy và xin hạ cánh trực tiếp. Ở chế độ vòng quay nhỏ, Tuân "lết" về sân bay hạ cánh an toàn. Ba ngày sau, chuyên gia mới phát hiện ra máy bay hỏng hệ thống điều chỉnh chóp nón dẫn đến hóc khí; dưới áp suất lớn, 4 lá máy nén bị cong may mà nó chưa bị gãy. Vụ này, Phạm Tuân được xem là "trắng án"!

        Tuân được bố trí bay nhiều hơn nên cũng đuổi kịp tiến độ của đoàn chuyển loại trước đó. Vẻn vẹn hơn 10 giờ bay là hoàn thành chương trình - Phạm Tuân đã trở thành phi công MIG-21. Lúc đó, đơn vị bay đêm thiếu phi công. Anh Đinh Tôn - Đại đội trưởng lên làm cán bộ Trung đoàn, một số anh thôi bay vì các lý do khác. Tuân lại được biên chế về Đại đội 5 bay đêm. Tiếp sau đó, các phi công trẻ như Bùi Doãn Độ, Nguyễn Khánh Duy, Nguyễn Đức Chiến... cũng được đưa về Đại đội 5 để bay đêm.

        Cũng ở Đại đội bay đêm này, Phạm Tuân đã để lại ấn tượng đậm nét mà sau này ai cũng nhắc đến. Đó là trong phong trào "Thi đua tăng gia sản xuất" của đơn vị, các phi công ngoài thời gian đi bay ra phải cày cuốc, tăng gia trồng rau. Không có trâu bò để cày bừa nên Đặng Vân Đình, Nguyễn Khánh Duy, Nguyễn Đức Chiến, Lưu Văn Hĩnh... đã thay nhau lấy dây thừng khoác lên vai thay bò kéo, cho Phạm Tuân cầm bừa, bừa ruộng để trồng rau. Anh Nguyễn Khánh Duy khẳng định với tôi là hồi đó có chụp cảnh ấy, nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng chẳng ra do di chuyển cơ động nhiều nơi nên thất lạc hết. Nếu có được thì chắc hẳn sẽ là bức ảnh độc nhất vô nhị...

        Hồi ấy, "thi đua tăng gia sản xuất" rất sôi nổi, chỉ tiêu mỗi người 100 kg rau xanh một năm với tất cả các thành phần trong đơn vị, không kể phi công hay thợ máy... Thế là lao đi tìm kiếm đất sản xuất.

        Những miếng đất nào nàng nạc, màu mõ hoặc ở vào vị trí thuận lợi mà ta vẫn gọi là "đắc địa" thì nhanh chóng thuộc quyền sở hữu của những người "nhanh tay nhanh mắt". "Hết nạc thì đành vạc đến xương", phải đi tìm những mảnh đất xa hơn, xương xẩu hơn, cằn khô hơn, bạc màu hơn mà canh tác.

        Rau xanh hồi ấy chủ yếu là rau muống, rau cải là chính, thi thoảng mới có nơi trồng su hào hoặc hành... Mà đã trồng rau thì phải tìm "nguồn năng lượng" cho rau, tức là phân bón. Vào thời ấy đâu đã có những loại phân bón đa dạng như bây giờ, chủ yếu chỉ là ủ phân xanh, phân chuồng và các loại phân tươi như của trâu bò hoặc chất thải của người. Toàn đơn vị thì chỉ có một dãy chuồng bò và vài khu nhà vệ sinh tập thể. Người tăng gia thì nhiều nên xảy ra hiện tượng không phải phân tranh mà là tranh phân. Đã có những chuyện đi vào giai thoại. Ví như ai đó được phân công đi lấy phân thì phải dậy rất sớm, có khi sớm hơn cả những người đi trực chiến và lúc ra đến chuồng bò thì lũ bò còn đang nằm ngủ. Vậy là phải khua chúng dậy, phải tìm mọi cách làm cho chúng thải ra chất thải mà chúng tích lũy cả đêm để lấy về bón rau. Rồi cảnh ai đó tìm vội được một vị trí trống trong khu vệ sinh tập thể, vừa kịp ngồi xuống thì đã thấy một lưỡi xẻng hứng ở dưới với lời nhắc: "Đi nhanh lên!". Đến nước ấy thì chỉ có kéo quần mà chạy chứ "đi" làm sao được!
       
        Những chuyện về tăng gia sản xuất ở các đơn vị thì nhiều lắm. Có nơi còn thành những câu vè truyền miệng nữa. Ví dụ: "mạ ông Chao, ao ông Bộ, gỗ ông Xưởng"... Đấy là nói đến Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 gắn với tên của các cán bộ Đại đội bay trong phong trào tăng gia sản xuất mà chính phi công Anh hùng Lưu Huy Chao đã kể lại trong cuốn "Chúng tôi và MIG-17".

        Vì vậy, chuyện thay trâu thay bò kéo bừa của các phi công bay đêm mà tôi kể ở trên cũng là chuyện bình thường mà thôi, không có gì "giật gân". Vì phong trào tăng gia cả mà!

        Tuân đã từng bay đêm, nhưng bay trong mùa Đông của nước Nga tuyết trắng, còn bay ở Việt Nam trong thời chiến trời tối lắm. Thành phố, làng mạc gần như nhau loáng thoáng mấy ánh đèn, nhưng rồi cũng quen dần. Chỉ trong thời gian mấy tháng, Tuân đã đủ tiêu chuẩn vào trực chiến. Lúc đó, các phi công cũ của Đại đội: anh Đinh Tôn, anh Hoàng Biểu, anh Vũ Đình Rạng, anh Đặng Xây... đêm đêm cơ động vào phía trong chi viện cho chiến trường. Phạm Tuân mới được trực chiến ngoài phía Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:17:30 am »


        Một buổi tối, chẳng có việc gì làm, mấy anh em rủ nhau đi bắt trộm cá của bếp bay. Bấy giờ cá quả nhiều lắm, thả đầy bể. Tuân bước qua rào vào bắt mấy con ném ra ngoài cho anh em nhặt đem về nướng. Chẳng phải là đói kém gì nhưng bày trò cho vui thôi. Đang vui vẻ thì nhận được tin anh Vũ Đình Rạng bắn B-52. Tất cả hò reo váng cả doanh trại và chờ đợi thông báo chính thức. Sớm hôm sau, cả Đại đội tập họp nghe nói về trận đánh, tiếc rằng anh Rạng chỉ bắn 1 quả, chiếc B-52 bị thương nặng... Hôm đó là 20-11-1971, ngày đánh dấu Không quân Việt Nam tiếp cận đánh trúng "pháo đài bay" của Mỹ. Cuộc vui nho nhỏ của các anh với món nhắm là cá quả đi ăn trộm tình cờ trở thành cuộc liên hoan mừng chiến thắng.

        Giai đoạn này là giai đoạn đang có sự chuyển biến lớn trong chiến trường miền Nam. Các đoàn quân, các đoàn xe từ miền Bắc hành quân dồn dập chi viện cho chiến trường, cho tiền tuyến. Bọn B-52 cũng hoạt động không ngừng, ra oai tác quái, tự do đánh phá các trọng điểm, các đoàn quân của ta vì chúng biết chúng đang làm chủ bầu trời, nhưng chúng rất sợ lực lượng Không quân ta. Chỉ cần "bóng dáng" của Không quân thôi là bọn B-52 quẳng bom quay về căn cứ. Chỉ vậy thôi là bộ binh của chúng ta có đủ thời gian vượt qua các trọng điểm. Trước tình hình đó, nhiệm vụ của Không quân là phải tích cực chi viện cho chiến trường làm giãn đội hình B-52 và các loại khác như C-130. "Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời". Để đi xa hơn vào chiến trường, ta sử dụng hệ thống sân bay Đồng Hới, Vinh, Anh Sơn... rồi làm thêm đường băng mới Thọ Xuân, Cẩm Thủy (XB-90), còn máy bay thì sử dụng loại đeo nhiều thùng dầu phụ. Đại đội bay đêm hầu như đêm nào cũng có phi công bay vào chiến trường phía trong. Mỗi lần bay vào phía Nam, chúng tôi nói đùa là "đi chiến trường".

        Sau nhiêu đêm trực ban với nhiều lần xuất kích chiến đấu, Tuân dần trở thành những cánh chim đầu đàn, được tham gia tất cả các nhiệm vụ chiến đấu. Phạm Tuân nhớ lại:

        - Cái đêm đi chi viện cho chiến trường, anh Hoàng Biểu đưa máy bay vào Vinh, còn tôi hạ cánh ở Anh Sơn. Khi anh Biểu cất cánh đi thì tôi vào cấp 1 chờ sẵn sàng chi viện. Anh Biểu đi "thuận buồm xuôi gió" nên tôi không phải cất cánh, nhưng khi anh Biểu về sân bay Vinh, trời xấu quá không hạ cánh được. Sở chỉ huy cho anh về Anh Sơn hạ cánh, anh bay qua sân bay nhưng không tìm được đường băng, xin bay lại. Ở dưới đất, tôi cho bật đèn đường băng, mở 2 đèn chiếu hạ cánh và hỗ trợ chỉ huy, nhưng anh Biểu vẫn không xuống được. Máy bay hết dầu, anh cho máy bay bay hướng 60° ra phía Yên Thành của Nghệ An và nhảy dù. Tôi còn nhớ như in câu nói cuối cùng của anh: "Tôi nhảy dù đây!". Tôi nghe và lo cho anh quá, không biết anh nhảy dù có an toàn không. Hôm sau, tôi cùng anh Đặng Xây đi kiểm tra thì phát hiện Đài dẫn đường xa của sân bay chỉ sai lệch nên anh Biểu không tìm thấy sân bay và cũng hôm sau chúng tôi mới biết đêm đó chiến trường Quảng Trị mở chiến dịch lớn, yêu cầu Không quân chi viện để đánh đuổi B-52 và các loại máy bay khác, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh triển khai lực lượng. Rồi một lần khác, tôi cùng Nguyễn Ngọc Thiên nhận nhiệm vụ bay vào phía Nam. Trước khi đi, chúng tôi ngồi đánh bài. Chẳng hiểu sao hôm đó anh Thiên thua liên tục, khi đứng dậy để ra ô tô, anh Thiên cười vui vẻ: "Đỏ bài thua bạc! cẩn thận đấy Tuân!". Rồi anh Thiên cất cánh vào Thanh Hóa, tôi cất cánh xuống Gia Lâm. Phương án đặt ra là một anh đi trước, anh đi sau chi viện. Khi anh Thiên bay ra, qua Thanh Hóa thì báo về buồng lái hở, đèn báo sáng. Sở chỉ huy hướng dẫn và cho phép nếu máy bay hỏng thì nhảy dù. Thiên nói còn bay được, một lát sau thì Thiên xin đổi sang hướng 290° vì phía trước có mây giông. Sở chỉ huy liên tục chỉ dẫn. Khi nghe anh Thiên nói nhỏ quá, Sở chỉ huy lệnh cho tôi liên lạc với Thiên. Tôi truyền lại lệnh của Sở chỉ huy, anh Thiên chỉ trả lời: "Nghe rõ!" nhỏ dần rồi tắt hẳn. Sau đó, khi đi tìm kiếm thấy máy bay rơi ở vùng Hồi Xuân - Quan Hóa - Hòa Bình. Có lẽ trong khi máy bay bị thương hoặc hỏng hóc, thời tiết phức tạp, Thiên cố đưa máy bay về nên xảy ra tai nạn..."

        Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu nhưng công tác huấn luyện lúc đó vẫn được tổ chức chặt chẽ và thường xuyên. Phi công chủ yếu tập những bài bay đánh B-52, tập bay trên đường băng ngắn hẹp, đường đất, đường lăn..., bay với tên lửa bổ trự (dùng tên lửa để đấy máy bay lên nhanh), rồi chặn kích không dùng ra đa và quan sát bằng đèn hoặc bằng dải hội tụ sau đuôi máy bay địch. Những bài bay khá phức tạp và nguy hiểm, nhưng với quyết tâm đánh thắng B-52, các phi công bay đêm đã tập luyện kiên trì và đạt kết quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:19:04 am »


        Tuân nhớ, một lần Tuân và Nguyễn Khánh Duy trực đêm ở sân bay Gia Lâm, buổi sáng nhận được lệnh lên máy bay trực thăng bay vào Thọ Xuân. Vừa hạ cánh xuống Thọ Xuân đã thấy Thượng tá Trần Mạnh - Phó Tư lệnh Binh chủng ra đón. Ông chỉ chúng tôi lên chiếc xe GAZ-69 của ông và cùng ông đi xem đường băng mới. Gọi là đường băng nhưng thực chất là một dải đất được san ủi, lu lèn phẳng phiu, chiều ngang khoảng 30 m, chiều dài gần 1,3 km, hai bên là hào sâu 30-50 cm. Sân bay chỉ hạ cánh được một đầu, phía đầu kia là núi. Đi hết một vòng, quay về đầu hạ cánh, dừng xe bước xuống, ông hỏi:

        - Thế nào, hạ cánh được không Tuân?

        Bước đi mấy bước trên mặt đường băng còn hằn vết giày, Tuân dừng lại trả lời:
         
        - Thưa thủ trưởng! Hạ cánh được, nhưng...

        - Nhưng cái gì? - ông ngắt lời.

        - Giá mà hai bên đừng đào thành rãnh để phòng máy bay có xông ra thì còn an toàn hơn. Bây giờ làm rồi thì đánh chịu. Còn chỗ này, nơi tiếp đất còn lún quá. Thủ trưởng cho lu nèn kỹ hơn chút nữa - Tuân nói.

        Ông gật đầu, rồi lại lên ô tô đưa Tuân và Duy ra trực thăng.

        Ông Trần Mạnh là người con của quê hương Bình Định, từng là phi công tiêm kích MIG-17 lớp đầu tiên, sau ông bay trên MIG-21. Ông là vị chỉ huy có tài, như là người nhạc trưởng của dàn nhạc, là người kiến tạo nên thắng lợi của nhiều trận đánh. Ông từng làm lãnh đạo ở các lĩnh vực quân sự, chính trị nên ông rất hiểu, rất thông cảm và quý mến phi công. Cuộc đời ông đã được khắc họa rõ nét trong cuốn "Người tìm chìa khóa vàng".

        Tuân nghĩ, việc lu nèn chắc phải mất vài ngày, nhưng ngay chiều hôm đó, Tuân được lệnh bay vào hạ cánh. Máy bay đeo 2 thùng dầu phụ để bay được xa hơn. Bay ở độ cao thấp, phát hiện sân bay ở cự ly khá gần, nhưng Tuân vẫn kịp giảm tốc độ vào hạ cánh. Xuống đến độ cao gần 100 m, nhìn phía bên trái thấy chớp lửa và khói bùng lên, nhưng Tuân chăm chú vào việc hạ cánh, không có phản ứng gì. Sau khi hạ cánh mới biết, trận địa pháo bảo vệ sân bay tưởng là máy bay địch bổ nhào nên phát hỏa.

        Sau khi đưa máy bay vào vị trí trực chiến, Tuân gặp chỉ huy bay là anh Nguyễn Đức Thuận (nguyên là phi công MIG-21) để hiệp đồng. Anh Thuận nói: "Đường băng ngắn, đất còn lún, máy bay lại đeo 2 thùng dầu phụ, nên có thể không kịp rời đất. Vì vậy, sau khi tăng lực một tay nắm cần nhảy dù, nếu đến cuối đường băng mà máy bay chưa rời đất, chỉ huy hô nhảy dù thì kịp kéo cần nhảy dù để thoát hiểm". Phạm Tuân nghĩ đây là phương án tối ưu nên chấp nhận ngay.

        Khoảng 9h tối, có lệnh báo động cất cánh. Anh Thuận cầm đèn pin chạy ra trước, Tuân vừa đội mũ bay vừa chạy theo sau. Chạy được vài chục bước, anh Thuận lăn ra cỏ và kêu: "Ôi, rắn cắn rồi!". Vài anh xúm lại chỗ anh Thuận, còn Tuân tiếp tục chạy ra máy bay, nổ máy và cất cánh. Không có chỉ huy, Tuân không biết thế nào, chỉ để máy bay chạy đà đủ tốc độ rồi kéo cần lái. Máy bay rời đất, hình như cũng gần mút đầu đường băng. Coi như cuộc tập dượt bay ơ đường băng ngắn hẹp tạm thành công.

        Phạm Tuân tiếp tục câu chuyện:

        - Vào giữa năm 1972, tôi và Bùi Doãn Độ trực tại sân bay Đa Phúc. Khoảng 8-9 giờ tối thấy có chiếc xe con của Trung đoàn chạy ra khu vực chòi chỉ huy, rồi máy bay trực thăng hạ cánh lăn về sân đỗ. Một đoàn có đến chục người tiến đến phòng trực ban chiến đấu. Tư lệnh Đào Đình Luyện bước vào. Tôi hô: "Tất cả đứng dậy!". Đồng chí Tư lệnh bảo chúng tôi ngồi xuống. Sau khi đi bắt tay mọi người trong kíp trực xong, đồng chí ngồi xuống chiếc ghế giữa phòng. "Thôi, chúng ta làm việc!" - Tư lệnh nói. Các đồng chí trợ lý đi cùng và thủ trưởng Trung đoàn mở cặp, lấy sổ sách ra sẵn sàng ghi chép. Tôi và Bùi Doãn Độ chẳng có sổ sách gì, chỉ chăm chú lắng nghe. Tư lệnh chậm rãi: "Tình hình chiến trường miền Nam đang có những diễn biến mới. Chúng ta đang tăng cường chi viện người, vũ khí, trang bị, hậu cần... để chuẩn bị cho chiến dịch lớn và phía địch cũng tăng cường lực lượng cả trên không lẫn dưới đất chuẩn bị mở chiến dịch nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc. Chúng sẽ dùng Không quân yểm hộ đắc lực cho bộ binh, đặc biệt là đánh phá các tuyến đường hành quân và vận tải của ta... Các đồng chí trong chiến trường rất cần sự chi viện của Không quân để đánh đuổi B-52, C-130 và các loại máy bay khác, tạo điều kiện để triển khai đội hình chiến đấu. Trên đã lệnh cho Quân chủng tham gia chiến dịch này. Quân chủng đã xem xét, giao nhiệm vụ này cho Trung đoàn 921 mà trực tiếp là đồng chí Phạm Tuân. Nhiệm vụ là với máy bay mang đầy dầu cùng với 2 quả tên lửa, xuất phát từ các sân bay từ Vinh trở ra, bay sâu vào phía Nam. Bay vào càng sâu càng tốt. Khi vào đến khu vực tác chiến, kéo máy bay lên cao để ra đa ngoài Hạm đội và bên Thái Lan bắt được tín hiệu vì khi thấy máy bay ta xuất hiện, B-52, C-130 sẽ vứt hết bom đạn quay về. Chỉ cần như vậy là dưới mặt đất đủ thời gian hành quân, vận chuyển qua các trọng điểm, các ngầm... an toàn. Yêu cầu là bay xa, thậm chí khi cần thiết bay đến hết dầu rồi nhảy dù. Cấp trên sẽ bố trí những khu vực an toàn để phi công nhảy dù. Nhiệm vụ là vậy!". Ông quay về phía Tuân hỏi: "Đồng chí Tuân thấy thế nào?". "Báo cáo! Tôi cố gắng thực hiện nhiệm vụ!". Ông nói tiếp: "Cho phép đồng chí Tuân chọn máy bay tốt nhất và chọn một phi công dự bị". Tuân trả lời ngay: "Về máy bay thì tôi bay chiếc nào cũng được vì quen cả rồi, còn phi công dự bị thì anh Độ hoàn toàn có thể thay thế tôi!". Tư lệnh tiếp: "Trong quá trình đi xa có thể ngoài tầm kiểm soát của ra đa, mọi phát sinh trên đường, phi công toàn quyền xử lỷ, kể cả việc sử dụng vũ khí trang bị". Nói rồi ông quay về phía đồng chí chỉ huy Trung đoàn nhắc: "Trong thời gian này phải chăm sóc sức khỏe không để Phạm Tuân ốm đau đấy nhé!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:20:42 am »


        Nhiệm vụ chiến đấu thì cũng như mọi khi thôi, nhưng đường xa, có những lúc ngoài tầm kiểm soát của ra đa, một mình trong đêm tối, lại không được dùng liên lạc, kẻ địch lại luôn rình rập, có khi nghĩ đến cảnh phải nhảy dù xuống vùng rừng núi chẳng biết nơi đó là vùng có địch hay vùng của ta cũng thấy mung lung, nhưng được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ trực tiếp thì đây là niềm vinh dự lớn. Từ hôm đó, mỗi khi đi trực chiến, tôi lại được gọi vào Ban quân y và được bồi dường một cốc sâm. Chiều chiều khi xách túi mũ bay đi trực gặp các cô cấp dưỡng mang thức ăn cho phi công nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn, có cô "yếu thần kinh" còn rơm rớm nước mắt. Các cô cũng hiểu có thể đây là lần đưa tiễn cuối cùng. Có lần trực ngoài sân bay, Chính trị viên phó Đại đội kéo tay tôi ra ngoài vệ cỏ tâm sự. Loanh quanh những vấn đề về bay bò, về chiến đấu... rồi anh nói: "Nhiệm vụ của anh là quan trọng và cả nguy hiểm nữa, nhưng anh cứ bình tĩnh, tin tưởng. Chúng ta còn giữ nhiều phi công Mỹ làm tù binh. Nếu có mệnh hệ gì phải nhảy dù và rơi vào tay địch, chúng ta sẽ trao đổi mà!". Trong đêm tối, tôi cười thầm, chẳng hiểu anh Chính trị viên phó có hiểu được tâm trạng của tôi hay không. Tôi đi trực nhiều đêm và cũng bay nhiều chuyến, nhưng chưa chuyến nào phải bay đến hết dầu. Chuyến còn ít nhất cũng còn vài trăm lít. Có lần trên đường đi gặp lũ F-4 bật đèn bay cắt chéo phía trước, tôi định tiếp cận để cho nó một quả tên lửa, nhưng nghĩ nhiệm vụ của mình ở phía trước là đánh, đuổi B-52 vậy là lại thẳng hướng vào chiến trường. Lại có lần máy bay của tôi được dẫn bay sau máy bay của Liên hợp quốc trên đường

        Hà Nội - Băng Cốc, đến nửa đường, tách ra vòng về phía Đồng, hướng vào khu vực tác chiến. Đây cũng là cách ta che giấu lực lượng. Cứ như vậy, các phi công Đại đội 5 chúng tôi bay chi viện cho chiến trường thường xuyên.

        Trong thời gian này, các trận chiến đấu ban ngày diễn ra ác liệt, nhất là vào giai đoạn từ tháng 4, 5-1972. Địch đã thay đổi rất nhiều về cách đánh cả trên không và mặt đất, cải tiến đưa vào sử dụng vũ khí mới. Nếu trước đây F-4 đi hộ tống cho đội hình F-105 đánh mặt đất thì bây giờ chúng dùng ngay F-4 vừa mang bom vừa mang tên lửa để sẵn sàng không chiến. Rồi chúng sử dụng bom điều khiển, bom lade, chỉ với một số ít máy bay thôi nhưng lại đánh với hiệu quả cao. Những lần chúng đánh cầu Hàm Rồng hay cầu Long Biên là một ví dụ. Với ra đa phòng không, ra đa dẫn đường - nếu trước đây địch dùng tên lửa điều khiển theo sóng của ra đa ta phát ra và để tránh tên lửa, các trắc thủ thay đổi vòng quay của ra đa để tên lửa đi chệch hướng, nhưng bây giờ chúng cải tiến: sau khi tên lửa bắt được sóng ra đa, đầu tự dẫn xác định được tọa độ và đưa vào bộ nhớ, tên lửa cứ thế bay đến mục tiêu là cánh sóng ra đa. Chúng cũng tập trung lực lượng tiêm kích đánh với Không quân, kể cả đánh vào các sân bay. Các phi công chiến đấu của chúng ta lớp lớp nối nhau vào trận với tinh thần quả cảm, với những sáng tạo trong không chiến và đã giành những chiến công tuyệt vời. Những anh nhu Lê Thanh Đạo, Đỗ Văn Lanh, Nguyễn Đức Soát, Võ Sĩ Giáp, Phạm Phú Thái, Nguyễn Tiến Sâm... thuộc lớp phi công gọi là còn trẻ trở thành những phi công quả cảm, những cánh đại bàng dũng mãnh. Chúng tôi ở Đại đội bay đêm cứ âm thầm chờ đợi. Tôi cũng xuất kích nhiều nhưng thời gian đó địch chỉ đánh đêm ở những khu vực gần biển, ở độ cao thấp nên khi bay lên chỉ vòng vèo đuổi địch rồi quay về. Là phi công tiêm kích, ai mà chẳng khát khao được thử sức, được tham gia vào các trận không chiến, nhất là khát khao lập được chiến công. Có lần, khi chờ bay ngoài sân bay, các lớp phi công cũ mới đều có. Anh Nguyễn Nhật Chiêu cười nói: "Bây giờ phân biệt phi công cũ hay mới theo tiêu chí này: anh nào đã bắn rơi máy bay địch được gọi là phi công cũ, còn ai chưa bắn rơi thì vẫn là phi công mới!". Kể ra thì cũng có lý, nhưng nó hơi khắc nghiệt với chúng tôi. Cứ bay đêm thế này thì bao giờ mới được trở thành "phi công cũ". Cái tiêu chí "phi công cũ" cứ lảng vảng trong đầu óc tôi. Tôi cũng mong mỏi đến sốt ruột muốn được tham gia vào một trận đánh và vì nôn nóng nên có khi mang vạ. Chẳng là một lần ngồi nghe rút kinh nghiệm chiến đấu. Một phi công sau trận đánh thắng về phát biểu: "Sau khi cất cánh, nhìn khói lửa trên cầu Long Biên, lòng sôi sục căm thù, chúng tôi quyết tâm..." thì tôi quay sang nói với mấy anh bạn: "Ngày mai, tớ mà xuất kích bắn rơi máy bay địch, tớ phải nói lòng căm thù sục sôi ngay từ khi mở máy...". Hôm sau thế nào lại đến tai Chính ủy. Chính ủy gọi lên. Sau khi nói chuyện về chiến đấu, về bay đêm, trước khi ra về, đồng chí nói: "Hình như tối qua lúc rút kinh nghiệm chiến đấu, cậu nói gì phải không?". Tôi trả lời là chỉ nói vui thôi. Ông nhắc: "Không nên nói như vậy. Đừng cay cú quá làm gì!". Cũng có lần, Trung đoàn tạo điều kiện cho chúng tôi được thử thách bằng cách cho chúng tôi cất cánh từ lúc bình minh để đánh máy bay trinh sát của địch. Mấy lần xuất kích nhưng hầu như địch đều phát hiện được và với đội hình nhỏ (2 chiếc), địch cơ động và rút ra nên trận đánh không thành. Biết được sự nôn nóng của chúng tôi, có lần Chính ủy Trung đoàn nhắc nhở: "Các đồng chí cứ cố gắng mà luyện tập. Chỉ sợ khi nhiệm vụ đến, các đồng chí lại không hoàn thành". Thì ra, cấp trên vẫn giữ lực lượng bay đêm. Anh em chúng tôi được gọi là "phi công chiến lược" mà. Thời kỳ đó, chúng tôi vẫn được nghe những lời huấn thị những đường hướng chiến lược của trên, nhất là được quán triệt những lời "tiên tri" của Bác: "Đếquốc Mỹ có B-52, B-57 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh và đã đánh là phải thắng", rồi Bác lại khẳng định: "Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhung nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!". Có lẽ cấp trên nói: "Khi nhiệm vụ đến" là nhiệm vụ này đây - nhiệm vụ mà nếu B-52 đánh vào Hà Nội, trong bất cứ điều kiện nào Không quân cũng phải cất cánh và khi cần thiết sẵn sàng làm quả tên lửa thứ 3 để tiêu diệt kẻ thù, mà thực tế đã làm nhu vậy: phi công Vũ Đình Rạng cất cánh khi có tín hiệu B-52 vào trong điều kiện thời tiết quá xấu, khi quay về, anh không thể hạ cánh được, đành phải nhảy dù. Và sau này, anh Vũ Xuân Thiều đã trở thành quả tên lửa thứ 3, đâm vào B-52 của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:22:22 am »


        Rồi cái ngày mà ta dự đoán đã đến. Mỹ mở chiến dịch Linebacker-2, dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác nhằm làm nhụt ý chí của Đảng, nhân dân ta, ngăn chặn ta chi viện cho chiến trường và bắt chúng ta ký Hiệp định Paris theo những yêu cầu của chúng. Quân và dân ta bình tĩnh bước vào trận đánh. Đêm 18-12, sau loạt bom của F-111 đánh vào sân bay, tôi được lệnh cất cánh. Trong khói lửa nghi ngút của đạn bom địch, dưới các làn đạn cao xạ, máy bay của tôi vút lên hướng về phía B-52. Đến khoảng Hòa Bình, gặp tốp B-52 đầu tiên nhưng chưa có kinh nghiệm, tôi bật ra đa, tăng lực lao vào đội hình địch. Bị phát hiện, B-52 tắt đèn bỏ chạy, các máy bay F-4 lao vào, tôi phải cơ động tránh sự công kích của F-4. Hết dầu, tôi quay về sân bay hạ cánh. Nhưng sân bay vừa bị đánh, đèn đường băng không còn nguyên vẹn, Đài chỉ huy cất hạ cánh không làm việc. Sở chỉ huy Trung đoàn thông báo tôi bay chờ để tìm sân nào còn tốt về hạ cánh. Bay quanh Hà Nội lúc đó nguy hiểm vô cùng. Đạn cao xạ các loại luôn bủa vây và dầu cũng cạn. Tôi quyết định hạ cánh bằng đèn pha của máy bay. Vừa tiếp đất, máy bay rơi vào hố bom rồi nhảy lên. Tôi tối tăm mặt mũi nhưng vẫn kịp tắt động cơ, thả dù giảm tốc, máy bay lại nhảy lên chạy bằng cánh bên phải, người tôi nghiêng ngửa. Rồi lại thấy "rầm" một cái, máy bay lật ngửa, đầu tôi chúi xuống đất. Ma sát của đầu và buồng lái máy bay phát ra những tia lửa sáng lòe chỉ chờ một tiếng nổ nhưng máy bay dừng lại, tôi đập buồng lái chui ra. Nhìn chiếc máy bay lật ngửa, quay lại 180° với bộ càng gẫy trụi, tôi thấy ngỡ ngàng. Trong đêm tối, tôi ôm mũ bay xác định lại phương hướng rồi rón rén bước đi vì sợ bom bi, bom từ trường. Bỗng nghe tiếng anh Phủng trợ lý tác chiến gọi: "Tuân ơi! Ông ở đâu?". Tôi đi về phía tiếng gọi. Chúng tôi gặp nhau giữa bãi bom nhưng mừng vô kể. Xa xa, phía đầu sân bay, một đám cháy sáng rực và cột khói bốc cao. Khi vào Sở chỉ huy mới biết đó là đám cháy của chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa bắn hạ. Trên trời vẫn ì ầm tiếng máy bay xen lẫn tiếng pháo cao xạ nổ... Về Sở chỉ huy rút kinh nghiệm xong, tôi lại tiếp tục đi chiến đấu. Những ngày ác liệt ấy, Không quân ta đêm nào cũng cất cánh, tuy không tiêu diệt được B-52, nhưng mỗi khi MIG xuất hiện, B-52 bay dãn ra, hệ thống nhiễu của chúng cũng giảm tác dụng, tạo điều kiện tốt cho tên lửa bắn rơi nhiều máy bay địch, đặc biệt các phi công đánh ngày tuy lực lượng nhỏ nhưng đã xuất kích đánh các loại máy bay, bảo vệ các trận địa tên lửa để tên lửa có lực lượng đánh B-52. Tuần đầu, Không quân gặp rất nhiều khó khăn, có khi đường băng bị đánh, cất cánh không kịp thời, rồi nhiễu dày đặc nên việc dẫn dắt tiếp cận B-52 rất khó, đấy là chưa kể đến chuyện bị F-4 chặn đường và công kích. Mới có mấy ngày mà tiêu hao 4 máy bay khi hạ cánh, 1 phi công nhảy dù. Nhưng với ý chí và quyết tâm, với bản lĩnh của lãnh đạo chỉ huy, phi công... chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân và thay đổi cách đánh phù hợp: cơ động máy bay ra các sân dự bị ở vòng ngoài, dùng các Sở chỉ huy cơ động cũng ở vòng ngoài và phi công chủ động giữ tốc độ, độ cao để khi phát hiện địch có thể tiếp cận được ngay. Với chiến thuật ấy, đêm 27-12, tôi đã bắn rơi 1 chiếc B-52 của địch. Đấy là chiếc B-52 đầu tiên mà Không quân ta bắn hạ. Tiếp đó, đêm 28-12 cũng như vậy, Vũ Xuân Thiều bắn gần và lao cả chiếc MIG-21 vào B-52. Anh hy sinh với tấm gương sáng ngời về sự anh dũng và lòng quả cảm. Và Bùi Doãn Độ - phi công trẻ đêm 29-12 bắn rơi 1 F-4. Đây là chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị Không quân Việt Nam bắn rơi.

        Đến bây giờ, khi nhắc đến chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Phạm Tuân vừa thấy tự hào vừa có những điều day dứt và luyến tiếc. Tự hào vì Không quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và cả hy sinh nữa bay lên bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Địch muốn đè bẹp Không quân ta bằng mọi biện pháp cả trên không và mặt đất nhưng trong lúc tưởng như lâm nguy ấy chúng ta lại đứng lên mạnh mẽ hơn và cái ý chí ấy, cái trí tuệ ấy đã làm nên chiến thắng. Đến tận bây giờ cũng vẫn chưa lý giải hết được tại sao Không quân chúng ta lại làm được những điều phi thường đến thế - chưa kể việc quần nhau với địch ở trên cao mà ngay việc cất cánh, hạ cánh ban đêm trên đường băng lỗ chỗ hố bom, trên những đoạn đường đất chưa đầy ngàn mét với những dãy đèn dã chiến lờ mờ được thắp từ những ngọn đèn dầu đã cho là không tưởng, vậy mà chúng ta vẫn xuất kích chiến đấu liên tục. Nhưng cũng chỉ tiếc rằng tuy luyện tập công phu nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện chúng ta không thể huấn luyện sát với thực tế chiến đấu được nhất là chưa được tập luyện trong môi trường có tác chiến điện tử nên khi bước vào trận chiến gặp biết bao gian nan.

        Sau này, khi làm người đứng đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Phạm Tuân vẫn đau đáu một ước mơ có một dự án "ra tấm ra món" đầu tư cho tác chiến điện tử. Chiến tranh hiện đại mà thiếu tác chiến điện tử thì quả là khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 09:25:22 am »


        Vào năm 1977, nhà thơ Kim Chuông đã viết tặng Phạm Tuân bài thơ "Những sân bay ra đi" như sau:

        "Vạt áo mẹ già như cánh đồng Kiến Xương
        Đắp lên ngực con mùa Đông rét
        Lòng mẹ đấy mênh mang hương đất
        Con uống vào như hạt lúa vàng say
        Một chuyến đò qua bến Bóng nào đây
        Bao cuộc đời chưa lên bờ được
        Thuở ấy con như bãi non tơ vừa bồi đắp
        Con đâu hiểu những lớp sóng vỗ về như mẹ êm ru
        Bóng tre làng giữ mãi tuổi thơ
        Một bờ ruộng xước tay móc rốc
        Con hiểu quê hương khi cơn mưa đen rầm đằng Đông
        khi cơn mưa đen rầm đằng Tây, lại gặp những con cò bay ra trắng muốt
        Tóc mẹ bạc dần, ngô lúa lại vàng thơm
        Của mẹ ngày nay, ngày mai lại của con
        Thế có nghĩa là của ta tất cả
        Khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng mà lòng con lại cháy lên tiếng nổ
        Con biết lòng mình ở phía chân trời xa
        Từ quê nhà con đã đi xa
        Trường Tiền Hải mang sắc trời biển cả
        Bãi sông Trà những buổi chăn trâu vổ cấy về đầy giỏ
        Bao giấc mơ trời xanh khao khát ở nơi này
        Con đã thành người lái máy bay
        Bảo vệ bầu trời, giữ gìn mặt đất
        Như chú bé chăn trâu năm nào và người chiến sĩ
        lái máy bay hôm nay là sự thống nhất
        Của tâm hồn, nhịp thở đẹp tươi hơn
        Đâu chỉ ở nơi sân bay nắng lóa đường băng
        Tiếng động cơ bùng lên và phút rời mặt đất
        Gió mạnh mấy cũng đi từ nguồn gốc
        Bao nhiêu sân bay nâng bổng cánh cuộc đời
        Từ bóng mẹ, quê nhà, năm tháng xa xôi
        Đến phố Khâm Thiên giặc ném bom hủy diệt
        Bao nhà máy, phố phường thân thiết
        Là những sân bay còn đi tới chân trời
        Khi máy bay mang đi trái tim người
        Và giây phút làm nên huy hoàng nhất
        Mẹ kính yêu ơi,
        Trong chói sáng đường bay con bắt gặp
        Lửa từ những sân bay quê hương đã thắp dậy     trong mình..."


        Phạm Tuân là người sống chan hòa, cởi mở, nhưng có điều đôi khi với cách nói "tưng tửng" kiểu nửa thực nửa đùa làm cho một số người ngài ngại, nghĩ rằng "lão" ấy thuộc dạng "độc mồm". Vào cuối tháng 8-2016, Phạm Tuân chuẩn bị bay sang Đức để mổ khớp gối - cái khớp đầu gối mà lần đánh bóng ở Trung đoàn tôi bị chấn thương ấy. Chắc là sau cú va chạm, nó bị sang chấn, có tí sứt mẻ hay gì gì đó nhưng về sau này, khi Tuân đi xe máy lại bị một cậu thanh niên đâm xe, ngã ngay ở Ngã Tư Sở mà nhiều người hay gọi là Ngã Tư Khổ ấy thì đúng là khổ thật. Cú ngã ấy đã là "tình tiết tăng nặng" cho bên đầu gối vốn dĩ đã mang thương tích. Thế là từ thời điểm ấy, nó cứ hành hạ Tuân tới mức phải đi xử lý.

        Phạm Tuân mời mấy người tới nhà uống rượu trước khi đi. Trong bữa rượu hôm ấy, có người hỏi:

        - Anh sang đó thì đến bao giờ về?

        - Ra đi không hẹn ngày trở lại! Biết đâu lại chẳng có ngày về! - Tuân thủng thẳng đáp.

        - Cái anh này chỉ được cái nói gở!.. - chị Phương Tiến - vợ anh Tuân đang lúi húi trong bếp nói vọng ra.

        Tôi chợt nghĩ đến chuyện đã từng trở thành giai thoại ở khu vực trực ban chiến đấu là khi đang báo động chuyển cấp thì Chính trị viên lại chạy theo hỏi: "Khi cần báo tin cho ai?" và câu chuyện ấy đã gây xôn xao một thời. Tôi định nhân dịp này "nổ" một phát: "Khi cần báo tin cho ai?" để xem phản ứng của mọi người thế nào, nhưng rồi lại kìm ngay được. Nhỡ đang trong không khí thế này mà mình chệch một tí là thành vạ miệng ngay. Tôi đành chuyển hướng:

        - Thôi được, trước khi đi thì hai chân khỏe, một chân yếu nhưng nay mai về là ba chân phải khỏe như nhau!

        Vậy là lại cười, lại chạm chén vui vẻ, hồ hỏi. Được cái, so với lứa của anh em chúng tôi mà tôi được biết thì Tuân thuộc loại uống khỏe và uống bền, tôi chưa thấy Tuân say bao giờ.

        Mà nghĩ lại, cũng đã có những lần Phạm Tuân nói "chơi chơi" nhưng rồi lại xảy ra thành hiện thực nên một số người ngán, cho rằng Tuân thuộc dạng "gở mồm" hay là "độc miệng" thật.

        Ví như, một hôm Trung đoàn tổ chức bay huấn luyện, trên đường đi, Phạm Tuân gặp phi công Trần Sang, Tuân nói luôn:

        - Này, với cái sắc thái này của ông thì đi bay phải cẩn thận đấy không khéo sẽ gây ra tai nạn như chơi!

        Y như rằng, chuyến bay của anh Trần Sang khi về hạ cánh thế nào lại bị xông ra ngoài đường băng. Kể từ đó, hễ đi bay, nhác thấy Phạm Tuân là anh Trần Sang tìm cách lảng tránh, cực chẳng đã nếu không tránh được thì đành lấy tay phẩy phẩy, gạt gạt... cốt ra hiệu để cho Tuân né đi hoặc đừng nói gì cả. Rõ khổ!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM