Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:07:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15734 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 04:08:57 pm »


        Phạm Tuân kể tiếp:

        - Có một điều mà tôi cảm nhận được là bố mẹ không phân công, không nói ra, nhưng hình như các cụ ngầm hiểu công việc và trách nhiệm của mình trong gia đình: bố là người chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái, hướng cho con cái cách làm và theo dõi từng bước đi của các con. Bố thường nhắc: "Việc của đàn ông là phải học hành và đồng áng!". Mẹ thì là người chịu trách nhiệm chăm lo, nuôi nấng đàn con. Bố luôn suy nghĩ và tìm mọi cách giải phóng được cho con cái khỏi cái khổ sở của gia đình, của vùng quê nghèo và luôn ước mơ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái, định hướng cho con, chính là bằng việc học. Sau này thì tôi cũng chịu ảnh hưởng sâu nặng về "sự phân công ngầm" ấy của bố mẹ. Bố rất ít nói, tính tình thì thẳng thắn và nóng nẩy. Lơ mơ là ông cho "ăn roi" ngay. Sợ nhất là đến bữa ăn bị mắng. Có lần giận quá, mẹ tôi phải nói: "Trời đánh còn tránh miếng ăn, ông để cho chúng nó ăn đã!". Cũng có lẽ, cả ngày ông làm quần quật với những công việc ngoài đồng áng, chỉ bữa ăn mới gặp được đông đủ các con nên ông phải nói thôi, không khác được. Bấy giờ gọi là bữa ăn cho "oai" chứ thực ra chỉ toàn cơm độn ngô với sắn. Khi nào đúng vụ gặt mới được ăn một vài bữa cơm gạo mới gọi là, còn đâu toàn gạo cũ, gạo hẩm ấy, nhưng cũng đâu có được cơm không mà ăn. Ngày hai bữa, bữa nào cũng độn. Chính vì vậy mà bố tôi phải chắt chiu tằn tiện từng hạt gạo, chẳng may bữa nào nấu cơm có cháy là bố nhắc ngay, bởi có cháy thì "hao" gạo hơn mà. Đói! Đói lắm, nhất là khi đến cái "tuổi ăn tuổi ngủ" thì còn thấy đói hơn nhiều! Quanh năm bố tôi làm việc không có lấy một ngày nghỉ, thậm chí sáng mồng một Tết hai bố con còn đi tát nước. Mùa vụ, ông ở ngoài đồng, hết vụ lại cuốc đất trồng rau, mùa nào thức ấy, không phải mua bất cứ thứ gì: từ rau cỏ, rổ rá, cày bừa... Bài thơ "Đan lát" có lẽ có hình ảnh của bố tôi trong đó. Được ông dạy và càng thương ông, tôi cũng trở thành một lao động chính cần cù và yêu quý cái nghề nông của mình. Bố tôi rất quan tâm đến việc học hành của các con. Chính vì không muốn các con sau này chịu cảnh khổ sở như mình nên ông đã mời ông đồ Kháng về dạy học tại nhà và cũng dạy dỗ kèm cặp tôi luôn. Ông đồ Kháng là ông đồ rất nghiêm khắc, rèn cho trò từng nét chữ một, viết chữ xấu, viết ẩu là ông "xử lý" luôn bằng cách vụt cho một cái vào tay cho nhớ mà sửa chữa... Tôi học ở nhà đến tận lớp 3 rồi mới ra học ở trường phổ thông. Khi tôi đi học phổ thông, bố tôi lại mời thầy giáo Tiến dạy cấp I quê ở tận Hải Dương về ở nhà để sau giờ dạy ở trường kèm cặp thêm cho tôi. Tôi nhớ, lúc tôi khoảng 4-5 tuổi thì kinh tế gia đình tôi đã kha khá, đã có ruộng, có trâu. Chừng 6-7 tuổi là tôi đã phải đi chăn trâu rồi. Nếu đứng bên kia lưng trâu thì chẳng nhìn thấy tôi bên này của trâu vì tôi thấp bé lắm. Nhiều lúc muốn cưỡi trâu mà không có cách nào lên được lưng trâu, bố tôi phải bế, đặt tôi lên lưng trâu. Thời đó thực ra là lao động và đi học chứ không phải là đi học và lao động vì thời gian lao động chiếm nhiều hơn thời gian học tập nhiều lắm. Mà đi học thì cũng có sướng gì đâu. Người tôi thì nhỏ bé mà phải mang vác đủ thứ, nào là bàn ghế, sách bút, đi bộ 3-4 cây số, lội qua bùn lầy đến lớp, bùn đất bám đầy chân tay. Sách vở bút mực thì thiếu thốn, mỗi năm lại học ở một nơi nên rất vất. Đi học về, ném bàn học cùng sách vở vào cuối giường lại lao vào cắt cỏ chăn trâu, đánh cá, bắt chim. Tôi thích nhất là mùa mưa vì khi đó được đi bắt cá, được bơi lội suốt ngày trên sông. Tôi có ông anh họ sống bằng nghề đánh bắt cá nên ông chỉ bảo, dẫn dắt tôi cách đánh bắt cá và thế là truyền ngay cái ham muốn ấy sang tôi. Vùng quê tôi chim chóc cũng nhiều vô kể. Chẳng là đồng rộng, cây cối nhiều mà. Các loại chím sáo, chào mào, chích chòe, cu gáy, vành khuyên... đủ cả, có lẽ chỉ thiếu họa mi và khướu mà thôi. Cái thú tìm tổ chim, bắt chim về nuôi như là một thú vui hằn sâu vào cuộc sống tuổi thơ của tôi. Bố tôi thì không thích chim chóc gì hết. Thoạt đầu, tôi phải đem đi nuôi giấu, thi thoảng mới dám đem về, sau thấy bố không nói gì thì tôi mang hẳn về nhà nuôi. Bố xem chừng vẫn không bằng lòng lắm, nhưng không nói gì. Thế là tôi được nuôi chim, chăm chim thoải mái. Ngoài cái thú nuôi chim ra, tôi còn có thú chơi diều, diều sáo đàng hoàng bởi thanh niên ỏ thôn tôi ai cũng chơi diều sáo, nó trở thành một phong trào, một thú chơi tao nhã. Bố tôi cũng không muốn cho tôi sa đà vào việc chơi này nhưng làm ngơ và tôi được tự tay làm diều sáo dài 2-3 m đàng hoàng. Không gì sung sướng bằng cảnh để con chim sáo đậu trên vai áo và ngắm cánh diều no gió vút cao tận trời xanh thả ra những tiếng sáo vi vu với các âm hưởng cao thấp khác nhau như những giàn đồng ca giữa thinh không... Những thú vui rất quê ấy mãi mãi theo tôi cho đến tận bây giờ. Những hình ảnh làng quê với những con sông bao quanh, những lũy tre làng, những tiếng chim hót, những tiếng sáo diều... luôn làm tôi da diết nhớ về một vùng quê nghèo khó nơi tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó, nơi tôi đã rèn được bản lĩnh cho mình, biết tự lập, chịu khó chịu khổ để vươn lên...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 04:15:56 pm »

       

Nhà của gia đình Phạm Tuân ở Kiến Xương - Thái Bình
 
        Tuổi thơ tôi không được êm đềm cho lắm. Cái hồi cải cách ruộng đất ấy, nhà tôi bị quy vào tầng lớp "trung nông lớp trên" hay là phú nông gì đó, nhưng có lẽ gia đình tôi trước đây cũng đã từng nuôi dưỡng cán bộ hoạt động cách mạng của thôn rồi tham gia nuôi quân và anh Kiển - anh trai tôi cũng đã đi bộ đội và hy sinh nên mọi việc đều ổn cả, nhưng tôi đâu có được vào Đội Thiếu niên. Cứ tối đến, nghe tiếng guốc đều đều của những cốt cán đi họp Đội và lớp lớp thanh thiếu niên đốt đuốc cùng tiếng trống đồng đi quanh làng hô khẩu hiệu, tôi ngồi dưới bậc hè buồn thiu và thèm khát. Có lần thấy tôi ngồi im lặng, bâng quơ nhìn ra đường cái, nơi có những ánh lửa lập lòe, biết ý, bố tôi an ủi: "Thôi, cứ ở nhà mà ngủ cho khỏe, con ạ!". Bố nói vậy nhưng tôi biết bố đang suy tư nhiều lắm. Biết thế nhưng làm sao được. Sau sửa sai, nhà tôi không can gì. Tôi lại được vào Đội, lại được làm đội trưởng hẳn hoi, cũng chỉ huy đánh trống, thi thố thể dục thể thao... oai ra trò. Tôi nghe kể lại: năm 1952, khi anh trai tôi đang ở bộ đội bị ốm nặng, đơn vị báo về, bố tôi một mình xuống Tiền Hải chăm sóc, nhưng anh không qua khỏi. Bố tôi đành chôn cất tại địa phương nơi anh mất. Khi trở về, mọi người hỏi thăm tình hình thì bố chỉ bảo: "Nó khỏe! Đi chiến đấu rồi!". Nhưng rồi ngày ngày thấy bố thi thoảng lại nằm thở dài, sinh hoạt có cái gì cứ khang khác, là lạ nên gặng hỏi. Mãi rồi bố mới nói: "Nó mất rồi! Bố đã chôn cất nó ở dưới huyện Tiền Hải. Sau này có điều kiện sẽ mang hài cốt nó về!". Bố gan đến như vậy đấy.


Bố mẹ của phi công vũ trụ Phạm Tuân

        Ngay từ khi nhỏ, Phạm Tuân đã có cái nét khác biệt với các đứa trẻ khác cùng trang lứa. Đấy là Tuân không biết bò, nói theo ngôn từ chung là "trốn bò" mà chỉ biết "lê" thôi.

        Bà chị của Phạm Tuân kể với tôi:

        - Cậu Tuân hồi bé là không có biết bò. Cậu chỉ ngồi, duỗi hai chân ra sau rồi kéo nhanh lại thế là di chuyển nhanh lắm! Quê tôi gọi là "lê" mà!

        Đời tôi gắn bó với rất nhiều thế hệ trẻ con: từ lớp lứa các em tôi đến các con tôi rồi cháu tôi và đám bạn bè của chúng. Tôi cũng từng bế ẵm, từng ru cho khá nhiều trẻ con ngủ, quan sát, nhận xét khá nhiều về chúng và tôi thấy đám trẻ có rất nhiều điểm thú vị. Ví như bình thường thì "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi", nhưng có những đứa không biết lẫy, mà như các cụ nói là "trốn lẫy", rồi có những đứa rất lâu mới biết đi hoặc rất lâu mới biết nói... chẳng hạn, nhưng không biết bò - "trốn bò" ấy thì tôi chưa gặp bao giờ.

        Tôi đem điều này ra hỏi thẳng Phạm Tuân thì Phạm Tuân trả lời:

        - Hồi còn nhỏ ở nhà, nhiều người mang chuyện đó ra chọc ghẹo tôi! Mà có lẽ chính vì thế mà đầu gối tôi nhanh hỏng!

        - Ừ, khi còn non nớt mà đầu gối cứ co duỗi liên tục và chịu tải triền miên nhu thế thì có lẽ thế thật! - Tôi nói theo và cũng nghĩ thầm: đây đúng là một cái gì đó "khang khác" của Phạm Tuân ngay từ khi còn bé.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:50:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 04:24:07 pm »

        
        Càng học dần lên thì số bạn học càng ít đi vì nhiều gia đình không có đủ khả năng để cho con mình theo học. Hồi học lớp 7, lớp 8 thì trong làng có anh Đẩu, anh Cơ cùng đi nhưng sau rồi anh thì đi xa, anh bỏ học. Thế là cả thôn chỉ còn mình Tuân và cả xã cũng chỉ còn có 2 người. Trường thì cách xa nhà 15 cây số. Như thời bây giờ thì các cô cậu học sinh với cái cự ly ấy chắc sẽ được trang bị xe máy, xe đạp điện, hoặc chí ít cũng là xe đạp, nhưng thời Phạm Tuân thì chỉ có "xe căng hải" - hai cẳng: cuốc bộ. Ngày nắng ráo đã là vất vả, nhưng vào ngày mưa rồi mùa lụt thì còn vất vả hơn nhiều. Cảnh trọ học thì có bao giờ sướng! Ba người nằm trên chiếc chiếu, chụm đầu quanh chiếc đèn dầu để học bài. Ăn thì cả ngày chưa được bát gạo với rau muống và chút nước mắm. Năm lớp 8, Phạm Tuân làm lớp trưởng, phải ôm quyển sổ điểm to tướng rồi đánh dấu, báo cáo sĩ số, tức là ngoài việc học của chính mình ra còn phải phục vụ thầy giáo nữa. Lắm lúc, Phạm Tuân đã xin bố mẹ cho nghỉ học ở nhà hoặc đi học Trung cấp để còn sớm phụ giúp bố mẹ, nhưng bố mẹ Tuân không đồng ý. Có lần, hai bố con lấy bùn ao đổ lên để trồng rau muống. Lúc đó đang là đầu mùa Xuân nên nước còn lạnh lắm. Cụ lội nước ngập ngang vai, xúc từng rổ bùn lên đưa cho Tuân chuyển lên bờ. Cụ vừa làm vừa nói: "Con thấy đấy, làm nông có khổ không? Thôi, cố mà học. Bố mẹ còn lo được thì con cố mà học, học đến bao giờ không học được nữa thì thôi, chứ cứ ở nhà mà bám theo con trâu thì khổ suốt đời!". Có lẽ, thấu hiểu được cái thiệt thòi của sự mù chữ nên cụ luôn luôn hướng con cái vào việc học hành cho đến nơi đến chốn để sau này cuộc đời đỡ khổ.

        Thế là Phạm Tuân cứ lẽo đẽo đi bộ tới trường để kiếm "con chữ con nghĩa"...

        Anh Phạm Xuân Rũ - người bạn học và người cùng nhập ngũ một đợt với Phạm Tuân kể:

        - Những năm ấy, bọn tôi phải trọ học vì xa nhà. Tuân cùng trọ với một cô học cùng lớp và chúng tôi hay trêu, gán ghép Tuân với cô bé đó.

        Tôi chợt nhớ đến bài "Trường huyện" của nhà thơ Nguyễn Bính:

       Học trò trường huyện ngày năm ấy
        Anh tuổi bằng em lứa tuổi thơ
        Những buổi học về không có nón
        Đầu đội chung một lá sen tơ
        Lá sen vương vấn hương sen ngát
        Ẳp ủ hai ta chút nhụy hờ
        Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
        Theo về tận cửa mới tan mơ
        Em đi phố huyện tiêu điều lắm
        Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
        Mà đến hôm nay anh mới biết
        Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!


        Tuổi học trò là cái tuổi lắm mộng mơ và trong đời học trò cũng đã có khối mối tình học trò thật trong sáng mà lãng mạn. Tôi thì tôi cứ nghĩ rằng đấy chưa hẳn đã tình yêu mà chẳng qua chỉ là chuyện "thinh thích" người khác giới theo đúng quy luật của sự phát triển từng lứa tuổi mà thôi. Cũng nhiều "mối tình" thuở học trò trở thành hiện thực và cũng khối "mối tình" chỉ là dấu chấm khởi đầu và sau đó chính là dấu chấm hết.

        Nhân chuyến mấy anh em tôi về thăm quê của Phạm Tuân. Phạm Tuân dẫn anh em chúng tôi đi thăm các nơi trong miền quê của mình và đưa đến từng chỗ, hướng dẫn chi tiết từng địa điểm đã từng gắn bó một thời như đền thờ Triệu Vũ Đế - tức Triệu Đà, nơi mà gian chính giữa được dùng làm lớp học. Tôi nhớ lại chuyện anh Rũ đã kể nên tôi lập tức hỏi Phạm Tuân:

        - Thế "mối tình" học trò của anh bây giờ thế nào rồi?
 
        - "Mối tình" nào nhỉ? Tôi chẳng có "mối tình" học trò nào cả! - Phạm Tuân trả lời luôn.

        - Thì cái "mối tình" với cô bé cùng trọ học ấy! - Tôi nhắc.

        - Không có đâu! - Phạm Tuân trả lời chắc chắn, - chẳng là chúng tôi cùng trọ học thôi, về sau cô ấy đi lấy chồng và bây giờ chúng tôi cũng vẫn gọi điện thăm hỏi nhau. Thế thôi!


Đền thờ Triệu Vũ Đế trên quê hương Phạm Tuân

        Tôi tin vào cái "sự khai báo thành khẩn" ấy của Phạm Tuân, vì tôi biết Phạm Tuân không thích kiểu "quanh co". Tuổi học trò luôn đẹp đẽ và mãi tận sau này, khi đã luống tuổi, khi đã xế chiều rồi, những cô những cậu học sinh ngày nào vẫn có, vẫn còn giữ được những kỷ niệm đẹp về nhau, vẫn liên hệ, vẫn quan tâm đến nhau. Điều ấy mới thật là quý giá và trân trọng biết bao!

        Ngày tháng trôi đi và Tuân cũng trưởng thành dần, không còn mang dáng dấp học trò nữa mà đã thành một trang thanh niên. Cuối năm 1964. Phạm Tuân đi khám nghĩa vụ quân sự nhưng không thấy gọi. Đến tháng 4-1965 thì Phạm Tuân được gọi nhập ngũ. Đợt ấy đông lắm, sân vận động của Kiến Xương có hàng trăm, hàng ngàn người tập trung. Cứ điểm danh từng tốp rồi lên xe đi. Phạm Tuân không thấy tên mình trong khi mọi người đã đi hết, cờ hoa cũng dọn sạch, Tuân liền hỏi một cán bộ huyện đội thì được trả lời: "Cứ về!". Hơn tháng sau thì Tuân lại được gọi đi khám sức khỏe, lần này thì khám kỹ lắm.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:53:16 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:34:23 pm »


        Hỏi lần khám này kỹ thế nào thì Phạm Tuân vừa cười vừa nói: "Vòng khám này ấn tượng nhất là lúc khám ngoại khoa và khám mắt. Ớ phòng khám ngoại, một ông bác sĩ bảo tôi cởi hết quần áo, ông ấy xem trước ngắm sau xong rồi bảo tôi đứng im và dùng hai ngón tay nâng hai "quả cà" của tôi. Ông nâng lên hạ xuống đến vài ba lần kiểu như cân đong đo đếm ấy. Tôi vừa buồn cười mà lại vừa ngượng vì từ bé tới giờ chưa gặp phải cảnh ngộ như thế này lần nào cả. Khi vào phòng khám mắt, bác sĩ nhỏ cho mấy giọt thuốc vào mắt. Một lúc sau mắt mờ tịt đi hệt như người thong manh rồi các ông ấy soi soi chọc chọc chẳng hiểu làm gì nữa. Sau khi khám xong, lúc đạp xe về, tự dưng thấy mình đi cứ loạng choạng, chẳng nhìn rõ đường. Khi về nhà, lúc đi gánh phân cho hợp tác xã chẳng nhìn rõ mặt cân!".

        Lúc này thì Phạm Tuân mới nhớ ra là mắt bị ảnh hưởng của thuốc Atrôpin - loại thuốc làm giãn đồng tử. Phải mất thêm một thời gian thì mắt mới trở lại bình thường. Sau đợt khám này, anh Hoàng, anh Đoàn học cùng Tuân được gọi đi khám tiếp tại Viện Quân y 108 để khám tuyển phi công, còn Tuân thì bị loại ngay từ vòng đầu vì tim và mắt. Đợt nhập ngũ được gọi đúng ngày Quốc khánh 2-9-1965, cả thôn chỉ có một mình Phạm Tuân thôi và huyện Kiến Xương có 8 người gồm các anh Phạm Tuân, Phạm Xuân Rũ, Lê Hoàng, Bùi Đình Đoàn, Trần Kim Anh, Đỗ Hoàng Thảnh, và một số anh nữa, chủ yếu là học sinh từng quen nhau trong trường cấp III Tiền Hải.

        Anh bạn Rùng chở Phạm Tuân bằng xe đạp đến nơi tập trung. Không may thế nào mà mới đi được vài cầy số thì xe xịt lốp. Phạm Tuân đành một mình lủi thủi xách túi quần áo chậm chạp bước, trong lòng suy nghĩ mung lung: mình được vào ngành nào nhỉ (bấy giờ chưa biết quân binh chủng). Lần trước cờ hoa đưa đón mà lần này sao lại im lìm thế. Số mình xui thật đấy!

        Khi tập trung đông đủ, ô tô đưa các anh lên chùa Bồ Xuyên ven thị xã Thái Bình tập trung. Lần đầu tiên được ngồi trên thùng xe tải mà đã thấy oai lắm rồi.

        Vừa đến chùa Bồ Xuyên thì kỷ niệm cũ bỗng dưng ập về. Đấy là lần gia đình Phạm Tuân chạy tản cư vào chùa Bồ Xuyên, Tuân theo bọn trẻ con đi mót lạc. Đang hí húi mót lạc thì bỗng thấy mọi người chạy tán loạn. Phạm Tuân chưa kịp hiểu ra làm sao thì nhác thấy bọn lính bảo hoàng áo quần loang lổ cầm súng đi tuần. Vậy là Phạm Tuân cũng "ba chân bốn cẳng" chạy theo lũ trẻ vào trốn trong chùa. Bấy nhiêu năm trôi qua mà ký ức xưa vẫn như còn đâu đây...

        Ở đây được phân chia thành 2 tốp. Phạm Tuân nằm trong số đông được lên xe tải đưa sang Nam Định rồi đi tàu về Hà Nội, còn một số trong đó có anh Hoàng, anh Bảo, anh Đoàn lên xe về Cát Bi, Hải Phòng. Đây là tốp đi học lái máy bay.

        Anh bạn Rùng sau khi vá xăm xe đạp xong thì hối hả đạp và hỏi thăm được địa chỉ, kịp đến chia tay với Phạm Tuân trước lúc xe chuyển bánh. Thật cảm động xiết bao. Sau này thì anh Rùng cũng đi bộ đội và hy sinh trong chiến trường miền Nam...

        Tàu đến ga Vọng, mọi người xuống ga, đi bộ về nhà khách của Không quân. Ở nhà khách mấy ngày, các anh nhận quân trang, được phổ biến tình hình nhiệm vụ... được nghe kể về trận đầu đánh thắng của Không quân và những chiến công của phi công Việt Nam đã mở "mặt trận trên không" thắng lợi. Tới lúc đó các anh mới hiểu được một chút về Không quân và về những phi công anh hùng của chúng ta. Các tân binh tâm đắc lắm, phấn khởi lắm. Rồi từ nhà khách, đoàn lên đường cuốc bộ qua cầu Long Biên sang Cự Khối, Gia Lâm. Tại đây, số tân binh được phân chia thành các tiểu đội, trung đội, đại đội để tập đội ngũ và học chính trị. Phạm Tuân và Phạm Xuân Rũ được biên chế vào cùng một tiểu đội, được phân công gác đêm cùng nhau. Hồi đó, nào đã biết đến khẩu súng là thế nào đâu, nhưng vẫn được giao súng đạn để làm nhiệm vụ gác đêm. Phạm Tuân cao lớn hơn nên giữ súng còn anh Phạm Xuân Rũ thì giữ mấy viên đạn với nhiệm vụ là bảo vệ bể nước. Có lẽ thời điểm ấy mọi người phải cảnh giác, sợ địch bỏ chất độc vào bể.

        Và cũng từ đây, Phạm Tuân mới biết dùng bàn chải đánh răng. Tới giờ nghĩ lại, Tuân hay nói: giá mình nhập ngũ sớm chút nữa chắc bộ răng của mình sẽ trắng và khỏe hơn nhiều.

        Ở đây, Phạm Tuân được sống thực sự cuộc đời người lính: ngủ giường tầng, bữa sáng được bát ngô hoặc bo bo bung, trưa chiều bữa cơm đạm bạc chủ yếu là rau dưa, nhưng so với ở nhà đã thấy sướng lắm rồi. Chiều chiều, khi được nghỉ, các anh đưa nhau ra bờ sông Hồng ngồi ngắm bãi ngô, thấy sao mà nó giống dòng sông Trà Lý quê Tuân đến thế. Có lẽ nó là sông mẹ, sông con... Lúc ấy, Phạm Tuân lại rộn lên nỗi nhớ quê, nhớ bố mẹ và anh chị em...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:37:07 pm »


        Sau đó các anh hành quân về Trạm 66 nằm trong thành Hoàng Diệu. Ở đây được nghe lên lớp những bài chính trị, phổ biến những quy định nghiêm ngặt khi ra nước ngoài, về những quy định thì dễ tiếp thu, còn những vấn đề như tình hình, nhiệm vụ... thấy nó cứ xa lạ như ở đâu đấy. Cùng với việc học tập, các anh được nhận quân trang để chuẩn bị sang Liên Xô. Tất cả đều là đồ cũ: quần áo cũ, va li cũ, chỉ có đôi giày là mới thôi. Phạm Tuân nhớ có một buổi tối được đi chơi liền diện chiếc áo sơ mi vừa được phát, đi đôi giày đen. Vì giày hơi chật nên Phạm Tuân bỏ tất ra, đi giày không. Diễu qua các phố của Hà Nội, nhảy tàu điện đi mấy tuyến cho biết... Mấy tiếng sau trở về, Tuân đi không được vì chân phồng rát. Đi tàu liên vận sang Matxcơva mà vết thương vẫn chưa lành. Một kỷ niệm trước khi đi Tây là thế.

        Đến khoảng cuối tháng 10 năm ấy, đoàn của Phạm Tuân lên tàu liên vận sang Liên Xô học ngành kỹ thuật Không quân, nôm na gọi là thợ máy của máy bay. Những ấn tượng trên đường ra nước ngoài còn sâu đậm: đến Trung Quốc, ở khách sạn Bắc Vĩ rồi đi Bách Hóa Đại Lầu thấy ở đâu cũng sạch sẽ, to tát. Sàn nhà lúc nào cũng bóng loáng tới mức mấy anh trượt ngã cơ mà. Sang đến Liên Xô thì đúng vào mùa Thu. Nói đến mùa Thu thì phải nhắc đến câu "Mùa Thu vàng". Mà có lẽ "Mùa Thu vàng" đã trở thành "thương hiệu" của Liên Xô. Những rừng cây bạch dương, những cây phong, cây sồi... khoác lên mình những bộ cánh đủ màu với sắc lá vàng quyến rũ. Những chiếc lá xanh đã cống hiến hết mình cho cuộc đời, chuyển mình trong vẻ đẹp dịu dàng, yêu kiều trước khi trở về với cội nguồn, nhuộm sắc Thu như một phép màu, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú, một thế giới của sắc màu rực rỡ với những sắc độ khác nhau mà vàng là chủ đạo, đẹp tới mức khó tin. Mùa Thu nhuộm màu lên cả vùng thảo nguyên Sibêri, cả dãy núi Antai... Cái nắng Thu cũng óng ánh. Bầu trời thì trong xanh điểm một chút mây trắng bồng bềnh trôi trong khoảng không bao la. Tất cả chìm đắm trong sắc Thu lãng mạn. Gió cũng mang hơi thở là lạ đến với cái lạnh se se cùng với chút dịu nhẹ của những tia nắng ban mai ánh lên những giọt sương còn vương lại trên những chiếc lá vàng khẽ khàng rơi. Thi thoảng, những giọt mưa Thu lất phất bay tạo nên một chút tê tái nhẹ nhàng. Dòng nước mùa Thu cũng lặng lờ, in màu cỏ úa... Nhắc đến mùa Thu, chắc hẳn nhiều người đều phải nhắc đến danh họa Isaac Ilgich Lêvitan với những bức vẽ tuyệt vời về mùa Thu của ông và rồi cũng lại nhớ đến-nhà thơ tài hoa, nổi tiếng Alêchxanđơrơ Sergêêvich Puskin với nhiều bài viết về mùa Thu, trong đó có bài "Mùa buồn" đã được các dịch giả Ngọc Châu và Hồ Quốc Vĩ dịch ra tiếng Việt. Tôi xin gửi lại đây bản dịch của Hồ Quốc Vĩ:

        Thu buồn, - cặp mắt đắm say
        Tôi yêu sắc đẹp em ngày chia phôi
        Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi
        Rừng thay áo mới, cả trời vàng au
        Ồn ào hơi gió thở mau
        Bầu trời gợn sóng như màu khói sương
        Vài tia nắng hiếm nhớ thương
        Sợ mùa Đông sớm quen đường đến nhanh
        Đắm trong yên tĩnh ngọt lành
        Tôi quên thế giới thức thành tiếng thơ
        Tâm hồn xáo động ngẩn ngơ
        Tơ lòng run rẩy, mộng chờ đợi ai...


        Mùa Thu vàng luôn đẹp hơn bất kỳ bức tranh vẽ, ảnh chụp hay câu chuyện cổ tích nào. Nó luôn làm say đắm lòng người không chỉ bấy giờ mà còn cả bao nhiêu năm sau đó vẫn đậm trong kỹ ức...

        Lá vàng rơi xào xạc trong gió và nỗi nhớ nhà bỗng cồn cào. Nhớ những tiếng chim hót, nhớ tiếng sáo diều... nhiều thứ nhớ ập đến lắm trong cái tiết Thu lạ lùng ấy...

        Nhưng rồi việc học lấn át hết cả. Lớp của Phạm Tuân trú ngụ ngay trong giảng đường mà tiếng Nga gọi là ULÔ. Các thầy, các cô giáo người Nga giảng dạy rất nhiệt tình. Đấy là những con người thật đôn hậu, nhân từ, chất phác, nhiệt huyết, cởi mỏ, chan hòa... Mới gặp lần đầu thôi nhưng đã thấy sự gần gũi, thân thiết như người một nhà. Ai cũng quý các học viên Việt Nam, quý như người thân thiết, ruột thịt của mình. Dân tộc Nga với bản tính Nga đã truyền cho bao thế hệ học viên những điều tốt đẹp rất tình người. Nền văn hóa của hai dân tộc Nga - Việt cũng có những nét tương đồng nên càng đồng cảm, hòa nhập. Công ơn của các thầy các cô, các bà mẹ, những người chị, người em... của đất Nga đối với những đoàn học viên của ta thật lớn lao, thật khó nói nên lời.

        Chế độ "nội vụ" ở đây cũng hà khắc lắm. Chẳng là các ông chỉ huy đều là lính bộ binh cũ. Cứ sáng sáng là phải vội vàng gấp chăn, sửa gối, kê giường, hai anh đứng trước hàng giường mấy chục chiếc, căng sợi chỉ, đầu tiên là chỉnh hàng giường sau đấy là mép gối, mọi thứ đều phải thẳng tắp, mất thời gian lắm. Phòng học thì ở tầng dưới, giờ nghỉ trưa có ghé về phòng ở cũng chỉ dám đứng nhìn chứ đâu dằm ngồi xuống giường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:38:25 pm »


        Tối đến, đi học về đã mệt mỏi, vừa thay được bộ quần áo quân phục thì lại phải mặc vào để xuống đường tập họp đi "dạo mát", vừa đi đểu vừa hát vang cả doanh trại. Rồi hàng tuần, cứ chiều thứ Sáu lại tập họp hành quân đến nhà tắm tập thể. Chế độ rèn luyện lính rất chính quy. Có lẽ từ cái nôi này mà chúng tôi trưởng thành, sống có nề nếp và kỷ luật hơn.

        Rồi ngày ngày, dưới bầu trời Thu rực rỡ luôn có những tiếng gầm rú của các loại máy bay MIG xé tan bầu không khí yên tĩnh. Những chiếc MIG hệt như những mũi tên màu trắng lao vút vào bầu trời xanh thẳm. Giờ giải lao đứng trên ban công nhìn những chiếc MIG bung dù - cái dù tròn nhiều màu rực rỡ như bông hoa kéo theo sau máy bay trông thật lãng mạn. Cũng ngày ngày trên đường đi học khi gặp các phi công Liên Xô và phi công Việt Nam trong bộ quần áo bay, đeo cặp đựng bản đồ bay, Phạm Tuân lại thấy cháy bỏng ước mơ, khao khát có được dù chỉ một lần "diện" bộ quần áo bay, được ngồi trên những chiếc máy bay hiện đại kia...

        Phạm Tuân được vào lớp học sửa chữa ra đa. Kế hoạch có 9 tháng để học tiếng Nga. Mới trọ trẹ, võ vẽ được ít câu, những tưởng thế là yên vị sẽ cố học cho xong ngành kỹ thuật thì một buổi chiều, Phạm Tuân được Trung đội trưởng thông báo 9 giờ tối lên gặp Đoàn trưởng Trần Ưng. Phạm Tuân lo lắm, không biết có vấn đề gì. Khi vào phòng họp, Phạm Tuân thấy đã có một số người ngồi ở đó rồi. Đoàn trưởng Trần Ưng dõng dạc nói: "Thời gian vừa qua, có một số học viên bay của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu, bị loại về nhiều nguyên nhân như sức khỏe, như học lực... vì vậy cần nguồn nhân lực bổ sung, Bộ Quốc phòng đã quyết định tuyển chọn những người đủ sức khỏe từ số 300 thợ máy của đoàn ta để chuyển đi học bay!". Tới lúc này thì Phạm Tuân thở phào nhẹ nhõm và trong lòng bỗng thấy niềm vui ập đến bởi bao ước mơ. Tuy nhiên, Phạm Tuân cũng lo lắng khi nhớ lại lần khám tuyển ở Việt Nam các bác sĩ đã phát hiện con mắt và trái tim mình có vấn đề. Thông thường, Hội đồng khám tuyển lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn đi học bay, còn lại những người "có vấn đề" về sức khỏe sẽ đi học thợ máy. Đấy là quy luật trong mọi cuộc tuyển chọn của ngành. Lần này lại đảo ngược quy trình: chuyển từ thợ máy đi học bay. Phạm Tuân thầm nghĩ: "Mình lại đi ngược chiều rồi!".

        Khi khám tuyển, mấy vòng đầu như cân đong đo đếm đều trót lọt, đến phòng điện tim thì Phạm Tuân bị giữ lại. Thế là ước mơ vừa nhen nhóm đã bị dập tắt. Đêm hôm đó, Tuân mất ngủ, nằm suy nghĩ mãi. Những chiếc MIG xé gió bay vút lên cứ lởn vởn trong đầu. Phạm Tuân quyết định sáng mai sẽ đi khám lại. Tại phòng điện tim, bác sĩ kiểm tra nói đã khám rồi và lắc đầu, nhưng Tuân nằn nỉ bằng cái thứ tiếng "bồi" không có cách cú, không thèm chia động từ nào hết cả:

        - I-a ố-chen khô-chét lê-tát! - (tôi rất muốn bay!).

        May mà bác sĩ đã quen với kiểu nói của những người nước ngoài học ngoại ngữ rồi nên cũng hiểu và cho Tuân khám lại. Lần này ông ghi "đã khám tim". Thế là thoát!

        Phạm Tuân, Nguyễn Thanh Quý, Lê Minh Dương cùng 8 đồng chí nữa đủ tiêu chuẩn đi học bay.

        Vậy là đã có bước ngoặt mới và đây cũng là một trong những điểm "khang khác" của Phạm Tuân, không theo cái "thông lệ" từ xưa tới nay.

        Trong thời gian học tiếng Nga, nhóm những học sinh phổ thông học nhanh hơn, tốt hơn những anh bộ đội cũ vì đa số đã được học chút ít ngoại ngữ trong trường, nhưng có chuyện mà Tuân nhớ mãi. Mới học được mấy tuần, cô giáo dạy Nga văn hỏi Tuân ngày sinh, vì bí từ nên nói đại là ngày 1, tháng 1. Cứ tưởng thế là xong chuyện. Ai ngờ, đúng ngày 1 tháng 1 thì cô giáo đến lớp kèm theo tấm thiệp mừng sinh nhật đứng trước lớp chúc mừng Phạm Tuân. Cả lớp ngớ ra, ngày ấy đâu phải ngày sinh của Tuân. Phạm Tuân không biết giải thích ra sao nữa, chỉ phân bua với mấy anh bạn là tiếng tăm như thế, có biết trả lời cô ngày sinh của mình thế nào đâu, đành nói bừa vậy thôi.

        Sau khi ăn Tết dương lịch tại sân bay Akhtari, đoàn của Tuân bước vào học lý thuyết bay và chuẩn bị cho thực hành bay.

        Vì đoàn đây là đoàn học "vét" nên vẫn đào tạo theo kiểu "truyền thống" là bay Iak-18 xong sẽ lên bay MIG-17, rồi sau khi tốt nghiệp MIG-17 bấy giờ mới chuyển lên bay MIG-21. Thời bấy giờ, công tác đào tạo của Liên Xô "hàn lâm" lắm. Học viên được học lý thuyết cơ bản về cấu tạo máy bay, động cơ, các loại máy thu máy phát... Thực ra về bản chất nó chẳng có gì quá cao xa, nhưng vì vốn tiếng Nga còn quá khiêm tốn nên học vất vả lắm. Chủ yếu học theo đúng những gì mà thầy giáo dạy. Được cái trí nhớ lúc đó còn tốt nên lúc đi thi đều được điểm cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:39:43 pm »


        Phải nói rằng, tốc độ loại máy bay Iak-18 có khi không bằng tốc độ ô tô bây giờ, tốc độ cất cánh của nó là 105 km/h, tốc độ bay cũng chỉ 150-160 km/h thôi, nhưng khi đó để điều khiển được nó đâu phải dễ, chưa ngồi trên chiếc xe con bao giờ bây giờ máy bay chạy với 100 km/h là đã thấy nhanh lắm rồi. Phạm Tuân nhớ lại, lần đầu tiên được ngồi vào trong buồng lái máy bay, thầy giáo Đighin ngồi buồng lái sau ra lệnh mở máy. Theo quy trình khi mở máy, công tắc "Magnhetô" phải ở vị trí tắt, đợi cho thợ máy lấy móc kéo cánh quạt máy bay cho pit tông vượt ra khỏi điểm chết thì mới bật công tắc lên để mở máy. Phạm Tuân lúng túng thế nào không biết lại để vào "chế độ khởi động" nên đồng chí thợ máy vừa kéo cánh quạt là động cơ nổ máy luôn. Cánh quạt kéo cái móc bay đi, kéo theo đồng chí thợ máy lăn quay ra bãi cỏ, may mà không việc gì. Thầy Đighin gọi Phạm Tuân ra khỏi buồng lái và mắng một trận thậm tệ.

        Thời kỳ đầu thực hành bay, vì tiếng Nga còn kém nên gặp không ít trở ngại: liên lạc với thầy giáo ngồi sau đã khó, liên lạc giữa phi công và mặt đất còn khó hơn. Ở dưới mặt đất, lúc bí quá còn có thể "nói" bằng tay, nhưng trong buồng lái thì chịu chết. Phạm Tuân nhớ lại:

        -Có lần, khi hạ cánh xong, trên đường lăn về, bánh trước của máy bay rơi vào ổ mối. Bay ở sân bay đất thì tổ mối nhiều lắm. Tôi tăng ga, máy bay rú lên rồi quay tròn. Không biết từ tiếng Nga ổ mối là gì nên đành báo là tôi không thể lăn được. Phi đội trưởng lệnh tắt máy để thợ máy nâng bánh trước lên thoát ra khỏi ổ mối rồi mới nổ máy lăn tiếp. Rồi có lần, khi về hạ cánh, đến độ cao khoảng 50 m, máy bay cứ lao ào ào, tôi đè cần lái đưa máy bay xuống mà không được, tôi đành bay lại. Lúc đó, nhìn vào đồng hồ thì thấy động cơ làm việc ở chế độ vòng quay lớn nhất. Tôi báo cáo Đài chỉ huy và Đài chỉ huy ra lệnh: "Tắt máy xuống hạ cánh!". Tôi lo lắm, một học viên mới toe như tôi, vừa bay đơn được có mấy chuyến thì liệu có xử lý được không. Tôi hơi hồi hộp không biết rồi sự thể sẽ thế nào nhưng không thể không hạ cánh được. Tôi vòng lại đối chuẩn đường cất hạ cánh, thò tay tắt máy, động cơ ngừng quay, cánh quạt máy bay đứng im, lợi dụng tốc độ thừa của máy bay, tôi đã hạ cánh xuống sân bay an toàn. Sau khi hạ cánh, thợ máy kiểm tra thì phát hiện máy bay bị đứt mất dây điều khiển động cơ nên động cơ liên tục làm việc ở chế độ vòng quay lớn. Thật may, mọi chuyện đều suôn sẻ! Tôi được biểu dương là đã xử lý một cách bình tĩnh trường hợp bất trắc không hề có trong "Sổ tay phi công". Tuy bay trên máy bay sơ cấp, chúng tôi hay nói đùa như cái "chuồng gà" nhưng cũng nhiều phi công trượt đấy, chẳng hạn như anh Nguyễn Xuân Thư, một cán bộ biên phòng cũ, hôm nào trời râm mát, anh hạ cánh rất tốt, hễ cứ trời nắng là anh hạ cánh bồng bềnh đến ghê người. Sau này mới biết mắt anh rất nhạy cảm với ánh nắng - khi nắng lên là không xác định được độ cao. Anh đành phải thôi bay, về học lại thợ máy. Chúng tôi bay ở Akhtari được thời gian ngắn thì chuyển về sân bay đất Nôvôchitarôp, nhường sân bay Akhtari cho lớp phi công bay L-29.

        Sân bay Nôvôchitarôp là sân bay đất. Thực ra đấy là một bãi cỏ được lu nén cẩn thận. Sân bay nằm ở giữa cánh đồng lúa mì và bên cạnh một làng nhỏ của nông trang. Ở đây có nhiều loại chim, cá và thú nhỏ, nhiều nhất là thỏ, ếch, cá.

        Cứ chiều thứ Bảy, cán bộ và các thầy giáo lên máy bay về với vợ con ở đại bản doanh, còn học viên ở lại với một ông trực ban. Các học viên được tự do "quậy". Ngoài việc chơi thể thao ra thì chẳng còn có việc gì nữa đành bày ra trò mò trai, bắt cá, thậm chí cùng nhau săn thỏ. Có lần, vào buổi tối thứ Bảy, nhóm học viên của Phạm Tuân đang mải mê ăn bánh mì và cá nướng ở trong phòng thì bất ngờ Trung đoàn phó bước vào. Một anh phát hiện hô khẩu lệnh "đứng dậy". Trong lúc đứng dậy, mấy anh đã kịp đẩy chậu cá vào gầm giường. Chẳng biết ông có nhìn thấy hay không, nhưng chỉ hỏi thăm vài câu rồi đi ra. Nhóm của Phạm Tuân lại tiếp tục cuộc vui.

        Tháng 9-1965, đoàn của Phạm Tuân kết thúc bay trên Iak-18. Trong số 11 anh em, có 3 anh bị cắt bay vì kỹ thuật và sức khỏe.

        Khi đoàn của Phạm Tuân xách va li rời khỏi doanh trại ở Akhtari về Kusôpxcaia bay MIG-17 thì cũng là lúc đoàn bay của anh Nguyễn Xuân Hiển, Đinh Bồng... từ Việt Nam sang vào thế chỗ ở của đoàn Phạm Tuân. Anh em tay bắt mặt mừng nhưng chưa kịp hỏi về tình hình ở nước nhà đã phải lên xe hành quân về sân bay Kusôpxcaia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:40:43 pm »


        Ở sân bay Kusôpxcaia, đoàn của Phạm Tuân được sáp nhập với đoàn bay trước gồm cả các học viên bay Iak-18 và L-29, gộp lại là gần 50 người. Năm bay thứ hai này, mọi chuyện thuận lợi hơn nhiều so với năm bay thứ nhất và cũng ở đây, Phạm Tuân được tiếp xúc với các bộ môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền. Nhìn các phi công lớp trước dẫn bóng, nhảy ba bước ném rổ là Phạm Tuân thấy mê nhưng vì là môn mới nên Tuân còn thiếu tự tin, còn ngại ngần nên chưa dám vào chơi cùng các anh. Thấy vậy, anh Ngô Sơn bảo Phạm Tuân: "Cậu cứ chơi đi! Cậu to khỏe, lại nhanh nhẹn, thế nào rồi cũng chơi tốt!". Được động viên như vậy, Phạm Tuân vào nhập cuộc và sau này thì đúng là Phạm Tuân chơi tốt thật...

        Tổ bay của thầy Malêôkhin hướng dẫn có Phạm Tuân, Chuẩn úy Trần Cao Thăng và Trương Công Thành. Vừa vào bay được mấy chuyến thì có biến động ở vùng Đông Bắc Phi. Thầy Malêôkhin được điều động chuyển máy bay sang tham gia trực chiến ở Xômaly hay ở một nước nào đó gần khu vực ấy. Vậy là như "rắn mất đầu", tổ bay của Phạm Tuân phân tán mỗi người đi một nơi. Phạm Tuân trở nên bơ vơ, nay bay với thầy này, mai bay với thầy khác. Đấy chính là một khó khăn ghê gớm gần như là sự tối kỵ đối với các học viên bay vì mỗi thầy dạy bay có một phương pháp riêng giành cho học viên của mình. Tổ bay và thầy dạy bay gắn bó với nhau thì thầy theo dõi và uốn nắn những khiếm khuyết của trò dễ dàng hơn nhiều so với các thầy dạy khác nhau, nhưng biết làm thế nào trong cái hoàn cảnh trớ trêu như thế, vẫn biết rằng bay "ké" với các thầy khác, mình chỉ như là đứa con nuôi trong tổ bay ấy thôi. May sao, đúng thời điểm ấy thì có thầy Thiếu tá vừa tốt nghiệp Học viện Không quân Iuri Gagarin về đơn vị, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phi đội trưởng và đã trở thành thầy dạy chính của Phạm Tuân.

        Từ loại máy bay Iak-18 chuyển lên bay MIG, nhiều học viên học chật vật lắm, nhất là động tác hạ cánh. Để trở thành phi công, yêu cầu đầu tiên là khâu hạ cánh. Đại đa số phi công bị cắt bay là do không hạ cánh được. Tôi xin nói một chút về mục này: Khi vào hạ cánh, phi công cho máy bay nhào xuống điểm ở đầu sân bay với điều kiện hướng bay trùng với tim đường băng. Phi công vừa giữ đúng tốc độ, đúng lượng xuống (tính bằng m/ s), đúng quỹ đạo xuống và đúng hướng. Tất cả những cái "đúng" ấy dường như diễn ra rất nhanh cùng một lúc. Chỉ một tham số sai là cuộc hạ cánh không thành. Khi trời yên gió lặng thì còn dễ, nhưng lúc gió cạnh (gió thổi ngang hướng bay) lớn thì việc giữ được máy bay không bị "thổi" ra khỏi đường băng là chuyện không dễ chút nào. Các loại máy bay phản lực chiến đấu như MIG-17, MIG-21có tốc độ hạ cánh rất lớn (hơn 230 km/h) nên động tác hạ cánh còn khó hơn. Ỏ độ cao khoảng 50 m trở xuống, phi công chủ yếu phán đoán bằng mắt và bằng cảm giác của mình, không nhìn vào đồng hồ trong buồng lái nữa. Xuống đến độ cao 6-7 m, phi công kéo cần lái đưa máy bay bay bằng cách mặt đất khoảng 1 m. Từ đó máy bay "rơi" dần. "Rơi" tới đâu, phi công kéo cần lái tới đó sao cho khi 2 bánh sau chạm đất, bánh trước cách mặt đất 20 cm ở điểm cách đầu đường băng khoảng 300 m. Nếu tốc độ nhỏ, góc xuống thấp thì máy bay sẽ rơi ngoài đầu đường băng, nếu tốc độ lớn lại tiếp đất ở vị trí cao hơn, máy bay sẽ xông ra cuối đường băng. Tỉ lệ tai nạn ở giai đoạn hạ cánh chiếm khá cao trong toàn bộ các vụ mất an toàn bay trong các đơn vị Không quân.

        Đấy là mới nói sơ qua về động tác hạ cánh trong huấn luyện, còn trong chiến tranh, sau mỗi trận chiến phi công đã kiệt sức lại còn phải quay cuồng cái đầu để quan sát địch, thêm nữa, có lúc đường băng bị đánh phá, đài dẫn đường bị hỏng... thì việc đưa máy bay xuống đất an toàn là một thử thách lớn đối với mọi phi công. Phi công chúng tôi luôn phải cảnh giác với cái giây phút "gần đất xa trời" ấy. Vì vậy, không phải ai đi học bay cũng trở thành phi công chiến đấu. Phải có chút "tài lẻ" trong quá trình điều khiển máy bay mới được.

        Đoàn bay MIG-17 này cũng có không ít những sự cố xảy ra, điển hình phải nói đến trường hợp của anh Từ Đễ. Khi bay về hạ cánh, anh thả càng nhưng càng không ra. Đài chỉ huy đã trợ giúp, hướng dẫn xử lý bằng đủ mọi cách, nhưng mọi phương pháp đều không có hiệu quả. Càng vẫn không ra. Một phi công giàu kinh nghiệm đã được giao nhiệm vụ cất cánh bay lên, bay sát dưới bụng máy bay của anh Từ Đễ để xem trạng thái của buồng càng máy bay. Sau khi xác định khóa của buồng càng máy bay không mở thì anh Từ Đễ phải hạ cánh bắt buộc với máy bay không có càng xuống đường băng đất an toàn và được nhà trường biểu dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 05:41:41 pm »


        Rồi có anh khi về hạ cánh, tiếp đất không tốt để máy bay bị "nhảy cóc" (tức là sau khi tiếp đất lần thứ nhất, máy bay lại nhảy chồm lên rồi khi tiếp lần nữa lại nhảy chồm lên, mà lần nhảy sau bao giờ cũng cao hơn lần trước) thế là càng máy bay bị gãy, máy bay thì hỏng, may mà phi công không sao. Rồi cũng lại có trường hợp khi bay lúc chiều, có anh bay lạc đường, chẳng thấy sân bay đâu, bay mãi, khi tìm về đến sân bay thì trời đã nhá nhem tối, phải bật tất cả đèn ở đường băng lên để giúp cho việc hạ cánh an toàn. Sau đó, khi bước vào phòng giao nhiệm vụ, các học viên đều chờ đợi trận mưa "chửi" nhưng thay vào đó, ông Trung đoàn phó chỉ huy bay chỉ cười nhạt và nói: "Giỏi lắm! Mày trở thành phi công cấp 1 rồi đấy!". Chắc ông thừa biết có nói cũng chẳng giải quyết được gì lúc này.

        Phạm Tuân cứ mải miết học bay theo thầy dạy bay đẹp trai lại có "mác" tốt nghiệp học viện. Thầy dạy bay quý Tuân vì nhận thức và thực hành bay khá chuẩn nên khen liên tục, thậm chí còn giao cho tự viết nhận xét sau từng chuyến bay để thầy chỉ việc ký tên thôi. Có được thầy dạy cố định nên Phạm Tuân bay suôn sẻ theo đề cương huấn luyện bay.

        Phạm Tuân nhớ lại: "Ấn tượng khi bay trên MIG-17 là khả năng cơ động ngang của nó rất tốt. Khi tôi đã bay khá tốt rồi thì thầy thường thể hiện khả năng bay của mình qua các động tác làm mẫu cho tôi xem. Những động tác nhào lộn phức tạp ấy gây ấn tượng ghê lắm. Chính nhờ có những động tác ấy mà nó giúp được tôi sau này rất nhiều trong ứng dụng chiến đấu đấy! Một ấn tượng nữa là thực hành những bài bay bắn mục tiêu mặt đất. Máy bay bổ nhào với góc 30-40°, tốc độ tăng vùn vụt, khi. ấn cò súng - 3 khẩu súng cùng phát hỏa làm máy bay rung lên và chùm đạn lửa trùm kín lên mục tiêu thật hoành tráng. Và cũng chính vì mải mê với cái "hoành tráng" ấy mà có khi xảy ra tai nạn bay thảm khốc vì không kịp thoát li, máy bay "găm" thẳng vào mục tiêu".

        Khoảng cuối tháng 9 năm đó, đoàn bay của Phạm Tuân tốt nghiệp. Phạm Tuân may mắn thuộc một trong số không nhiều người nhận bằng loại ưu.

        Đây là sự khởi đầu cho quá trình chuẩn bị chiến đấu không xa ở phía trước.

        Đang chuẩn bị để về nước thì đoàn bay được thông báo ở lại bay tiếp, trong đó phần lớn là bay ngày thời tiết phức tạp (có mây), còn hơn một chục anh được chuyển sang bay đêm. Phạm Tuân nhớ lại: lúc đó cũng muốn bay ngày để nhanh chóng trở về tham gia chiến đấu, còn bay đêm trên MIG-17 thì đánh đấm gì được. Nhà trường đặt ra tiêu chí những phi công bay đêm phải là những phi công có kỹ thuật bay ổn định, chuẩn xác và nhẹ nhàng (không hẳn là những phi công giỏi). Đặc biệt về sức khỏe phải tốt, không có cảm giác sai. Thực ra, lúc đó được vào đội bay đêm cũng là một vinh dự. Về kỹ thuật thì các thầy giáo chọn, còn về sức khỏe, các phi công dự định sang bay đêm phải đi kiểm tra lại. Lần này Phạm Tuân qua được điện tim nhưng đến lúc thử máu lại có chuyện. Chẳng là, sau khi cô y tá chọc ngón tay lấy máu, Phạm Tuân thấy người nóng ran lên, giữa căn phòng lạnh mà mồ hôi toát ra. Biết sự tình không bình thường, nên cô y tá vừa buông tay thì Tuân vội vàng bước ra hành lang, ngồi xuống dãy ghế gần nhất. Phạm Tuần cảm thấy hơi choáng, mấy anh phát hiện và hỏi Tuân có sao không. Phạm Tuân trả lời không sao và sự việc cũng qua đi nhanh. May mà y bác sĩ không phát hiện ra. Sau này, khi về Việt Nam cũng có lần khám sức khỏe định kỳ, Tuân cũng bị như vậy.

        Rồi danh sách tốp bay đêm cũng được công bố: anh Nguyễn Chính Hậu làm Trưởng đoàn, các anh Ngô Sơn, Trương Công Thành, Hán Văn Quảng và một số anh nữa trong đó có Phạm Tuân. Tất cả gồm 9 người.

        Lúc đó, không có ai trong số ấy lại nghĩ được rằng chuẩn bị bay đêm để rồi chính họ lại góp mặt trên bầu trời trong những đêm đánh đuổi B-52 của trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

        Đây là tốp phi công tiêm kích Việt Nam đầu tiên sau khi tốt nghiệp với giờ bay khá "khiêm tốn" (chưa đầy 100 giờ) bước vào huấn luyện đêm. Thường thì sau khi tốt nghiệp, phi công về các đơn vị chiến đấu bay đề cao, rồi bước vào bay ngày phức tạp - nghĩa là bay trong điều kiện thời tiết phức tạp sau đó mới huấn luyện bay đêm. Nhưng tốp bay của Phạm Tuân đã "bỏ qua thời kỳ quá độ". Đây là sự thử thách có chút mạo hiểm và cũng là điểm "khang khác" so với các đoàn bay từ trước tới giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2018, 08:24:29 am »


        Công việc chuẩn bị bay đêm cũng đơn giản thôi: chỉ học sử dụng buồng lái ban đêm và hệ thống chiếu sáng trên sân bay. Khi bắt đầu bay đêm là lúc trời chuyển lạnh, có ngày tuyết rơi và băng giá. Việc tổ chức bay cứ ngắt quãng: đang bay khi có tuyết rơi lại dừng, rồi lại bay, cứ thế thời gian kéo dài. Có đêm tuyết rơi trắng trời, cả Trung đoàn chỉ có mỗi ông Trung đoàn trưởng và ông Chủ nhiệm dẫn đường được bay, gọi là bay trong điều kiện thời tiết tối thiểu. Tốp của Phạm Tuân khâm phục lắm, mong đến khi nào mình mới được như vậy. Phạm Tuân cười và kể: "Có một lần thầy trò bay trong điều kiện có tuyết và băng. Khi có băng thì mặt đường cất hạ cánh trơn lắm. Ông xả của máy bay thổi ra hơi nóng làm tan băng, nhưng vì trời lạnh, nước đông cứng lại thành lớp băng mỏng càng trơn hơn, lăn máy bay trên mặt băng vào ban đêm khó vô cùng. Hai thầy trò chẳng may trượt ra bên cạnh đường lăn, máy bay ngập vào trong tuyết, đành phải tắt máy chờ cứu hộ. Khi đội cứu hộ đến, ông thầy mở cửa buồng lái trèo xuống và đi đi lại lại, nhảy nhót cho nóng người, còn tôi phải ngồi trong buồng lái. Lúc đầu còn thấy ấm, sau cứ lạnh dần, rồi giá lạnh ngấm vào cứng cả chân tay, người run cầm cập, nhưng biết lỗi do mình gây ra nên đành cắn răng mà chịu cho đến khi máy bay được kích lên và kéo về sân đỗ"...

        Sau khi kết thúc 12 chuyến bay, Phạm Tuân được Trung đoàn trưởng kiểm tra để thả đơn. Thấy Trung đoàn trưởng ngồi buồng sau, Phạm Tuân cũng hơi "gờm" nhưng rồi khi chăm chú vào công việc thì "sự gớm" ấy không còn nữa. Bài kiểm tra gồm 3 lần cất hạ cánh. Sau khi kết thúc bài bay kiểm tra, Trung đoàn trưởng không nhận xét trực tiếp với Phạm Tuân mà gọi giáo viên của Tuân ra trao đổi rồi quay lại bắt tay Phạm Tuân chúc mừng và nói đồng ý cho bay đơn. Phạm Tuân phấn khởi lắm vì là người đầu tiên được thả bay đơn ban đêm trên MIG-17, nhưng đến lúc thả đơn thì lại có những chuyện trục trặc, những chuyện "khang khác" xảy ra: có lệnh từ Đài chỉ huy: "Khuya rồi, hơn nữa lại có băng phủ trên mặt đường cất hạ cánh nên học viên mới không được bay đơn!". Phạm Tuân ỉu xìu xách mũ bay bước lên xe trở về doanh trại. Rồi lại những ban bay tiếp và tới lần này thì Chủ nhiệm dẫn đường xuống kiểm tra. Cũng giống như lần bay kiểm tra trước, Phạm Tuân được thả bay đơn nhưng rồi cũng lại giống như lần trước, không được bay đơn vì lý do trời tối, không có trăng. Thêm một lần ngao ngán nữa. Cho tới lần thứ 3, lần này thì Đại tá Hiệu phó nhà trường xuống kiểm tra, đồng ý cho Phạm Tuân bay đơn. Chuyến bay đơn đầu tiên không ngờ lại gặp phải cảnh tuyết rơi nhè nhẹ. Tất cả các thầy đều nín thở, hồi hộp chờ đợi, mong sao cho mọi chuyện suôn sẻ vì đây là học viên Việt Nam đầu tiên bay đơn trong điều kiện ban đêm mà lại với cái thời tiết như vậy. Hoàn thành chuyến bay, vừa xuống khỏi thang máy bay, thầy Kôvalencô ôm choàng lấy Tuân, đấm mấy đấm lên lưng và nói: "Thành công rồi, Tuân ơi!".

        Sau chuyến bay đơn đầu tiên của Phạm Tuân thì mới vỡ nhẽ ra một điều là nhà trường phải cân nhắc rất cẩn thận, xem các phi công học viên ta thể hiện thế nào đã. Khi nào thật tin cậy thì lúc đó mới dám cho bay đơn ban đêm trong điều kiện mùa Đông của nước Nga vì mùa Đông tuyết phủ trắng một màu lên tất cả muôn vật, từ trên nhìn xuống khó phân biệt đâu là làng mạc, đâu là cánh đồng, tất cả đều trắng toát, nhận biết mục tiêu cực kỳ khó khắn, hơn nữa đường cất hạ cánh lại trơn trượt, nguy cơ mất an toàn cao...

        Tiếp sau đó, anh Từ Đễ, anh Hán Văn Quảng rồi các anh khác cũng được thả bay đơn nhưng không còn phải kiểm tra khắt khe nữa. Tốp bay đêm thực hiện chương trình một cách tốt đẹp, không để xảy ra bất kỳ một sơ xuất nào gây mất an toàn. Những ngày ấy vui lắm: thầy trò cứ quấn quýt lấy nhau kể cả trong lúc chuẩn bị bay lẫn trong lúc sinh hoạt, thể thao.

        Tốt nghiệp vào tháng 4-1968, đoàn của Phạm Tuân về nước sau những năm tháng gắn bó với trường, với đất nước Nga vĩ đại, với các thầy cô giáo, với các thành phần phục vụ giúp đỡ hết sức nhiệt tình.. .Ngày chia tay là ngày thật lưu luyến, ô tô đến đón đoàn của Phạm Tuân dừng ngay trước cửa nhà ăn; các chị em nhà bếp ùa ra tiễn, rơm rớm nước mắt. Có chị tuổi đã cao cao, ôm lấy các anh trong đoàn và nói: "Chúng mày còn trẻ quá, về đánh nhau với Mỹ nguy hiểm lắm, cứ ở lại đây bay cho giỏi đã rồi hãy về thì tốt hơn!". Thầy giáo Đôxưchep - ông cán bộ Trung đội trưởng bay đã kèm Tuân cũng ra tiễn. Ông ôm lấy Phạm Tuân có vẻ bịn rịn và nhắc: "Cất cánh chiến đấu là phải quay đầu 360°, Tuân nhé - điều sống còn của phi công đấy!" (ý nói là phải quan sát xung quanh). Các ông tuy chưa tham chiến nhưng có lẽ từ những bài học xương máu của các trận không chiến trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã thấm sâu vào các ông và ông muốn gửi gắm đến Phạm Tuân. Sau này, Phạm Tuân còn gặp lại ông nhiều lần, có lần ông về tập huấn ở Học viện, ông hay dẫn Phạm Tuân đi gặp gỡ khắp nơi, ở đâu ông cũng giới thiệu: "Học viên của tôi đấy!". Nói chung, các giáo viên của Liên Xô đều rất tự hào về học viên Việt Nam của mình. Những lần đi công tác nếu có điều kiện Phạm Tuân đều đến tận nhà ông ở Krasnodar thăm ông. Lúc rời Krasnodar, ông đến tận khách sạn mang theo một lọ nấm tự làm và một gói xúc xích Nga nhờ Tuân mang về làm quà cho gia đình.

        Khi Phạm Tuân bay vũ trụ, ông lấy ảnh của Phạm Tuân ghép vào ảnh của ông và gửi cho Phạm Tuân. Thật cảm động tình thầy trò...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM