Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:45:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:10:40 am »

   

Giờ tập luyện với sự hướng dẫn của các kỹ sư

        Buồng lái của con tàu đơn giản hơn buồng lái của máy bay nhiều: chẳng có đồng hồ, rất ít công tắc. Phi công thao tác chỉ qua một "hộp bàn phím" và một màn hình. Nói là "hộp bàn phím" vì nó rất nhiều khẩu lệnh nên không đủ chỗ để phân hết ra mà phải đưa vào từng hàng A, B, C... rồi mỗi hàng ấy lại có phím số 1,2,3... Muốn tìm phím cần thiết, phải ấn A, B hay C gì đó rồi mới đến số phím. Nó phức tạp hơn sử dụng bàn phím máy tính hiện đại của chúng ta rất nhiều. Điều này đòi hỏi phi công phải học, phải nhớ và thành phản xạ. Khi học lái máy bay, phi công có thầy giáo ngồi bay kèm, khi nào bay tốt mới cho bay một mình (gọi là bay đơn). Nhưng bay vũ trụ thì học trên buồng tập và đi bay luôn. Vì vậy, việc luyện tập phải thật sự thuần thục không cho phép bất cứ một sai sót nhỏ nào. Chỉ cần một thao tác sai sẽ gây ra sự cố khó lường.


Hướng dân sử dụng thiết bị điện tử

        Mọi thông tin của con tàu trong suốt quá trình bay đều được máy móc chuyển về mặt đất qua hệ thống "telertruy", sau đó Đài mặt đất truyền lại cho phi công. Chẳng hạn độ cao bao nhiêu thì phi công đâu có biết, chỉ khi nào mặt đất thông báo, bấy giờ phi công mới rõ...

        Điều khiển con tàu với những trang thiết bị hiện đại nhưng đôi khi phi công phải sử dụng những biện pháp hết sức thủ công và sử dụng kinh nghiệm của con người từ xa xưa, như định hướng theo các chòm sao. Ví dụ, khi con tàu hỏng hệ thống định vị theo Trái đất, nó cứ quay lững lờ chẳng biết theo một hướng nào. Lúc đó, phi công phải định hướng bằng các chòm sao. Nếu cửa sổ bên phải hay bên trái là chòm sao Bắc Đẩu thì con tàu đang đi theo huớng nào. Đại để là vậy. Để làm được việc này, các phi công phải học thuộc hết bản đồ "bầu trời sao". Học ở lớp chẳng đủ thời gian, thế là theo kinh nghiệm của các đàn anh đi trước, các "bản đồ trời sao" được dán khắp noi: trong phòng khách, phòng ăn, thậm chí cả trong nhà vệ sinh... Bất cứ ở đâu cũng nhìn thấy bầu trời đầy sao, rồi hàng tuần thầy trò lại vào phòng tối với bầu trời sao. Thầy chỉ từng chòm sao và trò trả lời, cứ vậy cho đến lúc thuộc thì thôi.

        Đến đây, tôi bỗng liên hệ tới mối quan hệ trong thế giới động vật, nhất là đám ngựa vằn, bởi loài ngựa vằn trông cả đàn thấy toàn sọc đen chi chít đến hoa cả mắt, nhưng thực ra, mỗi con có một kiểu sọc riêng biệt không giống nhau và lũ ngựa con luôn được ngựa mẹ lượn qua lượn lại trước mặt để giúp ngựa con ghi nhận kiểu sọc vằn điển hình của mẹ mình. Cũng chính vì vậy mà lũ ngựa con không nhầm lẫn mẹ bao giờ. Tôi cho rằng đấy là những hành vi rất khoa học...

        Việc Tuân được phổ biến kinh nghiệm kia có lẽ cũng có dáng dấp như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:18:53 am »


        Như đã nói, lắp ghép con tàu trong vũ trụ là phức tạp và nguy hiểm nhất. Pham Tuân kể:

        - Hai con tàu bay ỏ tốc độ rất lớn. Tiến lại và lắp ghép với nhau đã là khó rồi. Nhưng trong điều kiện không có áp suất khí quyển, mà con tàu lại chỉ trang bị động cơ đẩy để tiến lùi, còn sang phải sang trái thì phải quay con tàu một góc 90°, 180°, hoặc quay vài lần như vậy rồi dùng động cơ đẩy phía đuôi tàu để đưa con tàu về đúng trục với Trạm "Chào mừng". Quá trình tiếp cận và lắp ghép, con tàu cứ quay tứ tung nhưng phi công phải quan sát, điều khiển làm sao các cán khóa lắp đúng vào các ổ khóa với tốc độ 0,1 - 0,2 m/s. Nếu tốc độ lớn, va đập mạnh sẽ gây nguy hiểm, nhưng tốc độ nhỏ thì vừa chạm là tàu lại lùi ra, không đóng được ổ khóa. Nói ra ở đây, bạn đọc cũng không thể hiểu hết được, chỉ khi có mô hình mới mong giảng giải đầy đủ để các bạn hiểu được thao tác này.

        Ngoài học lý thuyết về con tàu, về cách điều khiển, đội bay phải học và nắm chắc cấu tạo các thiết bị thí nghiệm và cách thực hiện các thí nghiệm ở mặt đất. Các phi công còn được học cả lý thuyết quay phim, chụp ảnh, sử dụng các trang thiết bị đó trên con tàu.


Tập luyện tại Trung tâm vũ trụ

        Thực hành trong các buồng tập - đấy là phần chính, vừa gian khổ, vất vả vừa đòi hỏi sự kiên trì và cả thể lực nữa. Các bài tập này đầu tiên tập riêng lẻ, sau ghép lại thành từng công đoạn, cuối cùng là thực hiện toàn bộ các công đoạn của chuyến bay. Cứ ngày ngày, hai thầy trò cùng giáo viên lý thuyết đến bên buồng tập. Sau khi kiểm tra xong phần lý thuyết liên quan đến bài tập, thầy trò lại "chui" vào bộ quần áo giáp, vào nằm trong buồng lái và bắt đầu tập luyện. Điều đặc biệt ở đây là các phi công tập luyện chủ yếu là xử lý các tình huống, chứ cứ tập theo đúng bài bản thì chẳng mấy khó khăn. Chẳng hạn đang bay, Chỉ huy sở ra tình huống hỏng động cơ để phi công xử lý. Theo kết quả xử lý, người ta lại ra tình huống tiếp theo khi quỹ đạo con tàu bị thay đổi. Đội bay lại bàn bạc với nhau để xử lý tiếp... Vì vậy, đội bay luôn luôn ỏ trong trạng thái bị động. Nếu không thuần thục về lý thuyết, chắc chắn sẽ xử lý sai, mà xử lý sai lần thứ nhất sẽ dẫn đến một loạt sai phạm tiếp theo.


Tại phòng học tập của Trung tâm vũ trụ

        Phạm Tuân kể lại:

        - "Ngán ngẩm" nhất là hai bài tập: bài cất cánh và bài lắp ghép. Bài cất cánh không có gì khó cả vì chỉ ngồi chờ tên lửa nó đẩy lên thôi. Tên lửa tốt thì thành công, phi công nào có xử lý được gì. Nhưng bài này kéo dài 8 giờ. Mặc bộ quần áo giáp, người nằm vào trong ghế với đủ các loại dây chằng đầu, ngực, chân. Trong tư thế ấy nằm đến 8 giờ liền không ăn uống, thậm chí không được "đi tè" thì còn cơ cực nào bằng. Lúc bay thật còn đỡ vì chỉ nằm 4 giờ dưới đất, còn 4 giờ trong vũ trụ không trọng lượng nên đỡ mỏi hơn. Ông thầy đã bay nhiều lần nên được ưu tiên ra nghỉ giữa chừng, còn mình cứ làm việc như vậy, mệt ơi là mệt. Cứ mỗi lần tập bài này là lại lo ngay ngáy, lo chuẩn bị về lý thuyết đã đành, lo chuẩn bị sức khỏe làm sao trụ được 8 giờ mới là vấn đề. Bấy giờ còn trẻ, còn chịu được chứ như bây giờ thì có mà "són" ra quần!

        Phần trên đã nói đến lý thuyết về lắp ghép con tàu, nhưng đến khi thực hành trên máy thì quả là một kỳ công. Đội bay phải tập đến hàng trăm lần và lần nào cũng rất căng thẳng, chẳng là quá trình lắp ghép diễn ra rất nhanh, con tàu lại quay cuồng. Phạm Tuân chịu trách nhiệm đo cự li, xác định tốc độ tiếp cận, thông báo để Gorbatcô điều chỉnh. Mà đo tốc độ cũng rất thủ công: trên màn ra đa hiện lên mạng lưới ô vuông, phi công phán đoán kích thước "tàu mẹ" để xác định cự ly thay đổi theo thời gian, từ đó chia ra để tính toán tốc độ tiếp cận. Lúc đầu cũng có va vấp: khi thì chệch ổ khóa, lúc thì tốc độ tiếp cận lớn đâm rầm vào tàu mẹ, nhưng ngày qua ngày, thầy trò bỏ công sức luyện tập rồi cũng thành công.

        Nhờ nắm vững lý thuyết và kiên trì luyện tập mà nhiều lần kiểm tra sát hạch, có cả kỳ kiểm tra của Hội đồng Quốc gia, đội bay của Phạm Tuân đều đạt xuất sắc và kết quả của chuyên bay nó đã minh chứng cho điều này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:31:41 am »

       
        Việc rèn luyện thể lực, tâm sinh lý cho đội bay cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Điều đầu tiên là phải có thể lực tốt để chịu đựng được những tác động về tăng trọng lượng của chuyến bay, sau nữa là chịu được trạng thái không trọng lượng cùng với sự tác động từ tốc độ, sự xoay vần... của con tàu, đồng thời giữ được tâm lý vững vàng trước những tác động đột ngột của quá trình phóng con tàu lên hay khi con tàu trở về Trái đất. Những tác động ngoại cảnh đầy nguy hiểm luôn rình rập cùng với sự cô đơn vắng vẻ... cũng là những tác động rất lớn đến tâm sinh lý mà phi công phải được rèn luyện từ mặt đất.


Tập luyện rèn thê lực

        Phạm Tuân kể tiếp:

        -  Hàng ngày đều có giờ thể thao, môn nào thầy ấy. Việc chạy dài, xà, tạ là bình thường. Có lần thầy giáo thể thao đưa cho một chiếc xe đạp và bảo đạp theo ông ấy. Tôi nghĩ chuyện đạp xe là chuyện thường nhật của người Việt Nam, nhưng rồi không phải vậy. Ông dẫn tôi đạp xe vào rừng, đầu tiên đạp trên lối mòn sau đó lao vào rừng qua những bãi sình lầy, những vùng đầy ắp lá cây rụng ngập đến nửa bánh xe. Ông thây cứ đạp băng băng, còn tôi thì quá mệt nhưng không dám bỏ cuộc. Đạp liền vài giờ như vậy, tôi hoa cả mắt. Những lần sau đến giờ tập đạp xe là đã thấy sợ rồi. Chuyện đạp xe đạp là thế, còn cho đến giờ, tôi vẫn ấn tượng về chuyến tập trên biển. Tôi và Bùi Thanh Liêm được đưa xuống bán đảo Crưm. Khi hạ cánh xuống sân bay, tôi đã cảm giác cái gì đó của thời chiến, các loại máy bay trinh sát tầm xa, máy bay ném bom chiến lược Tu-95... xếp hàng dài trên sân bay, bên cạnh là những máy bay chiến đấu. Rồi khi về cảng, nơi luyện tập thì tàu chiến, tàu ngầm đậu san sát... và gần ngay đấy là "bãi biển vàng" vô cùng đẹp, nhưng rất tiếc, đây lại là "thành phố cấm" nên chẳng khách nào được đến tham quan cả. Ngày đầu tiên, chúng tôi lên tàu ra biển xa, tập làm quen với các phương tiện cấp cứu dưới nước. Mới đầu mùa Hè nên biển Hắc Hải còn khá lạnh.


Hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu hộ



Luyện tập bơi trên biển

        Ngày hôm sau, chúng tôi được tập "giả định" con tàu hạ cánh khẩn cấp xuống biển.


Luvện tập hạ cánh trên biên

        Chúng tôi mặc bộ quần áo giáp, ngồi trong khoang hạ cánh và thả xuống biển với sóng cấp 4 cấp 5. Nếu không có sóng thì đã có 2 anh lính thi nhau đưa đẩy để cho khoang rung lắc như khi có sóng thật. Sau nhiều giờ chịu sóng gió rung lắc trong khoang tàu nhỏ, tôi mệt vô cùng. Cũng may vừa lúc buồn nôn thì nhận được lệnh rời tàu. Nước biển lạnh làm tôi tỉnh hẳn và cơn buồn nôn cũng tan biến. Hai thầy trò chúng tôi vùng vẫy trong nước lạnh, trước hết là phải mở áo phao, thuyền phao, sử dụng thuốc chống cá mập, bắn đạn tín hiệu và mở bình phun khói báo hiệu. Cuối cùng thì dùng hệ thống thông tin gọi máy bay Cấp cứu. Quá trình ấy diễn ra hàng giờ đồng hồ liền. Khi máy bay trực thăng tới treo ở trên đầu thì cũng là lúc tôi cảm thấy lạnh cóng và thấm mệt. Luồng gió của các cánh quạt trực thăng làm cho nước biển dậy sóng, bọt bắn tung tóe, để tìm được chiếc móc mà trực thăng thả xuống móc vào ngực áo sao mà khó thế, cứ cầm lên rồi lại tuột ra vì gió quạt mạnh. Phải mất đến mấy lần thì mới tìm và móc được vào áo. Trực thăng kéo chúng tôi lên độ cao khoảng dăm chục mét và cứ thế đưa chúng tôi lên tàu. Khi bay lơ lửng giữa trời biển mênh mông, tôi thầm nghĩ, nhỡ mà cái dây cáp kia đứt thì không hiểu rồi đời mình sẽ như thế nào? Lúc xong việc lên tàu, ông Trưởng ban cứu hộ cười vui: "May mà quân Việt Nam khỏe, lại bơi tốt, chúng tao đỡ mệt. Có anh còn không biết bơi nữa, vất vả lắm!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:36:13 am »

         
        Rồi lại còn có cả các bài tập cắm trại trong rừng, trong tuyết, sẵn sàng khi con tàu hạ cánh khẩn cấp xuống bất cứ vị trí nào trên Trái đất từ kinh độ 60° Bắc đên 60° Nam... Trong số các bài tập, có một bài tập thật lí thú, đó là các phi công vào buổi tối được một thầy thể thao, một cô nhân viên mát xa dẫn đến phòng tắm hơi. Ở đó, thầy trò được đưa vào tắm nóng khô giống như tắm hơi của ta bây giờ ở nhiệt độ gần 90°c. Khi không chịu được thì ra khỏi phòng và yêu cầu phải nhảy xuống bể nước lạnh chừng 8-10°C. Cứ thế lặp đi lặp lại 3 lần giống như kiểu "tái nhúng" ấy. Lần đầu, tôi bảo theo quan niệm của Việt Nam đang nóng mà xuống lạnh là đột tử, nhưng ông thầy thể thao bảo: "Mày cứ nhảy xuống đi! Chết tao chịu!". Tôi bật cười: "Tôi chết rồi thì ông còn chịu cái gì?". Nghĩ vậy rồi tôi cũng nhảy ào xuống nước. Mọi việc diễn ra bình thường. Sau khi tắm xong, cô nhân viên mát xa xoa bóp cho từ mặt xuống chân và lật lại. Tất cả mất 2 giờ. Đây là bài tập làm vui cho phi công nhưng nó lý giải một điều là, khi nóng thì da giãn ra, lỗ chân lông mở to tống các độc tố ra ngoài, đồng thời mạch cũng giãn ra, máu lưu thông tốt hơn. Khi xuống nước lạnh, da đột ngột co lại để nước lạnh không thấm sâu. Đây là bài tập để phi công làm quen và khi phải hạ cánh xuống sa mạc hay vùng lạnh có tuyết đều chịu đựng được. Còn việc tập luyện về tiền đình, thần kinh, tâm lý thì nó nhẹ nhàng hơn nhưng lại căng thẳng, mệt mỏi theo dạng khác là mệt cái đầu, đau con tim. Như phần trên đã đề cập đến chuyện sử dụng ghế quay hay thùng quay ấy, khi tuyển chọn phi công thì chỉ quay trong vòng 10 phút, còn khi chúng tôi tập luyện thì phải kéo dài trong 12-15 phút cơ, cùng với đó là phải đeo đầy đủ các phương tiện đo trên người: đo nhịp tim, đo lượng thở của phổi, đo số lần chớp mắt, rồi huyết áp, nhiệt độ cơ thể... nghĩa là đo tất cả mọi tham số của các "cơ quan đoàn thể" trong con người anh. Ngày qua ngày, chúng tôi thấy việc quay cuồng ấy trở thành "chuyện đời thường ở huyện". Chúng tôi còn được đưa vào trong một buồng kín tối như bưng cùng với các tấm gương treo trên đó. Bất ngờ, đèn bật sáng rực cùng lúc là kèm theo tiếng động chát chúa để xem phi công "giật mình" tới mức độ nào và hệ tim mạch có gì xáo trộn không... Để tập quen với điều kiện tăng, giảm trọng lượng, người ta có nhiều phương pháp như bằng máy bay, bằng hệ thống bể nước nặng và trên máy li tâm. Phi công được đưa vào trong bể nước nặng theo định luật Acsimet, nước sẽ đẩy lên theo phương thẳng đứng đúng bằng trọng lượng mà phi công chiếm giữ. Đơn giản vậy thôi.

        Bây giờ, tôi muốn kể với các bạn về bài tập trên máy bay: chúng tôi được đưa lên trên chiếc máy bay vận tải quân sự IL-86 rồi máy bay cất cánh lấy độ cao đến 10-11 km. Theo lệnh chỉ huy, chúng tôi nối dây an toàn vào máy bay. Khi máy bay bay xuống với tốc độ thẳng đứng bằng 9,8 m/s thì tất cả chúng tôi bay lơ lửng trong khoang máy bay và phi công tập chuyển động lật sấp, lật ngửa trong điều kiện không trọng lượng. Khi có tín hiệu đèn đỏ bật sáng là phải nhanh chóng bám vào thành tàu bay ngay nếu như không muốn "giáng" xuống sàn máy bay khi máy bay giảm tốc độ xuống thẳng đứng. Tập được mấy lần như vậy, bỗng dưng chuông kêu, đèn đỏ sáng và lệnh vang lên: "Máy bay bị hỏng, chuẩn bị nhảy dù!". Khẩu lệnh vừa dứt thì thấy gió ập vào khoang máy bay, rít ầm ầm. Mọi thứ trong khoang bay lên cuồn cuộn... Tôi giật mình, sửa lại quai dù, nhìn xuống dưới thấy cánh đồng lúa mì xen lẫn vạt rừng xanh thẳm. Thoáng trong đầu tôi ý nghĩ: "Ta sẽ rơi xuống chỗ nào đây?". Ít phút sau, cửa máy bay đóng lại, mọi việc lại trở lại bình thường. Thì ra người ta cố ý tạo ra tình huống giả để xem phản ứng của phi công ra sao. Còn việc rèn luyện để chịu tăng quá tải khi phóng con tàu và khi về hạ cánh thì phi công được đưa vào trong máy li tâm. Cùng với việc tăng tốc độ vòng quay, quá tải sẽ tăng dần từ 1 đến 2, 3, 4... Từ quá tải bằng 6G trở lên thì mỗi lần đạt đến chỉ số mới, sẽ quay ở đó là 30 giây. Tôi nói với ông thầy cho tôi quay luôn đến quá tải 12 thay bằng quá tải 10. Thầy nhất trí. Phi công chiến đấu chúng tôi kéo quá tải đến 7-8 là chuyện luôn xảy ra mà. Khi quá tải tăng đến 10G, tôi vẫn thấy bình thường, nhưng lúc tăng đến 12G trong 30s thì quả thực là nặng. Với máy bay MIG-21 thì quá tải này là quá tải phá hủy máy bay, một số tấm điều khiển và một số mảng trên máy bay sẽ "bung" khỏi máy bay. Tôi nhìn mặt tôi qua tấm gương, thấy những phần thịt "bay" đi đâu hết, trên khuôn mặt chỉ còn trơ xương cùng với hai hố mắt lõm sâu xuống trông tựa như chiếc đầu lâu trong những bộ phim kinh dị. Tôi muốn thở nhưng hít không thấy không khí vào, trong khi đó tín hiệu đèn xanh - đỏ cứ hiện lên mà phản xạ của tôi giảm hẳn. Nếu như khi ở quá tải thấp, lúc đèn đỏ bật sáng là mình dùng tay tắt được ngay, nhưng ở quá tải 12G thì không thể phản ứng nhanh được. Với quá tải 12 mà đã như vậy rồi thì khi hạ cánh khẩn cấp, lúc quá tải lên đến 20G trong vòng mấy chục phút, không biết mình sẽ chịu đựng ra sao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:45:22 am »


        Để làm quen với tình trạng máu dồn lên đầu, ngày ngày tôi được buộc người vào một giá gỗ, đứng im trong vòng 30 phút, sau đó lật ngược đầu xuống đất tiếp tục giữ như vậy 30 phút. Cứ như vậy, máu dồn xuống chân rồi dồn lên đầu giống như trạng thái không trọng lượng. Trước khi bay một thời gian, phi công được bố trí nằm ngủ không có gối và chân giường cao hơn đầu giường vài chục độ.

        Trong tập luyện, việc gìn giữ sức khỏe là tự giác vì khộng có ai quản lý cả: tuần học 5 ngày; thứ Bảy, Chủ nhật đi chơi, tham quan, ăn uống cũng "tự do thoải mái", miễn sao từ thứ Hai đến thứ Sáu phải đi học bình thường. Việc kiểm tra sức khỏe diễn ra thường xuyên. Chúng tôi quên đi sự lo lắng về sức khỏe, phó thác nó cho các thầy giáo thể thao và các bác sĩ quân y trong suốt quá trình tập luyện. Đội bay của tôi và của Bùi Thanh Liêm học tập gần như riêng biệt. Mỗi người đều gắng thực hiện bổn phận của mình. Mọi cuộc kiểm tra và đánh giá cũng đều riêng biệt và "bí mật", không ai biết ai thế nào, chỉ đến ngày ủy ban quốc gia ra phán quyết mới biết...

        Tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Vậy anh có thấy cuộc "chạy đua" là căng thẳng không?

        - Tôi thấy bình thường vì tôi rất tự tin, tuy là phi công "vớt" nhưng các bác sĩ Liên Xô lại thấy "yêu quý" cái sức khỏe vốn có của tôi. Cả hai lần đi tuyển bay, tuyển phi công vũ trụ đều do bác sĩ Liên Xô chọn đấy chứ, nếu bác sĩ Việt Nam tuyển thì "cho tôi rớt" lâu rồi. Sau này bác sĩ Liên Xô mới nói chuyện: lúc bình thường thì tim tôi có biểu hiện của loạn nhịp và tiếng thổi tâm thu, nhưng khi hoạt động, đặc biệt là lúc gắng sức cao với thời gian dài thì các biểu hiện ấy lại giảm đi. Trong khi đó, các bệnh viện của Việt Nam chỉ đo đếm ở chế độ "tĩnh" và điện tim cũng chỉ qua mấy giây nên không phát hiện ra. Còn ông Lêônôp thì sau chuyến bay, trong một lần họp báo có nói: "Phi công Việt Nam hơi lạ. Có người ngồi trên con tàu lúc chuẩn bị phóng thì huyết áp tăng đến kịch trần, nếu tăng thêm nữa là phải dừng phóng con tàu, nhưng với Phạm Tuân thì lại khác: huyết áp, mạch đập của anh lại gần như mức bình thường". Việc học tập, rèn luyện, các thầy giáo và chỉ huy đội bay chưa phải nhắc nhở bao giờ. Lãnh đạo Trung tâm luôn đánh giá tốt về quá trình học tập của phi công Việt Nam. Vậy thì có gì mà phải căng thẳng, phải chịu áp lực - Phạm Tuân thong thả trả lời.

        - Ở bên Việt Nam, tôi nghe đâu đó có tin đồn là Bùi Thanh Liêm bay chứ không phải là anh, anh có biết tin ấy không?

        - Tôi chỉ nghe loáng thoáng thôi và cũng chẳng để ý đến nó. Con người ta sinh ra có số cả rồi. Tôi đâu nghĩ mình được cử đi học bay vũ trụ! - Tuân nói và kể thêm: một lần anh Phạm Phú Thái trên đường về Học viện Không quân Gagarin gọi điện cho tôi ra bến tàu điện để nói chuyện. Chúng tôi học cùng lớp ở Học viện mà. Gặp nhau, trao đổi nhiều chuyện không theo một chủ đề nào hết nhưng qua cuộc trao đổi, tôi cảm nhận được là anh Thái và bè bạn có gì đó lo lắng cho tương lai chuyến bay của tôi. Lúc chia tay, tôi có nói với anh Thái: "Các ông cứ yên tâm đi, tôi sẽ làm hết sức mình. Chắc chắn mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió cả thôi!". Sau này, khi hoàn thành chuyến bay về nước, Tư lệnh Đào Đình Luyện gọi tôi đến để nói chuyện, trong lúc nói chuyện, ông phê bình tôi: "Tớ ở nhà sốt ruột lắm vì có thông tin là cậu học yếu, không phải là người bay chính. Tại sao cậu không báo cáo về để ở nhà yên tâm?". Tôi trả lời: "Tôi với Liêm cùng học, cùng phấn đấu như nhau, chẳng lẽ tôi lại báo cáo tôi tốt hơn Liêm, xin thủ trưởng thông cảm cho!". Thì ra, người trong cuộc chúng tôi chẳng có vấn đề gì, chỉ người ngoài cuộc lại quan tâm bàn tán. Nhưng lúc bấy giờ các đồng chí lãnh đạo đều căn dặn: hai phi công cứ phấn đấu học tập cho tốt, ai bay cũng được. Vả lại phía Liên Xô tuyển chọn rất khách quan.


Tư lệnh Đào Đình Luvện gặp phi công Phạm Tuân

        Vậy là, để đưa được người lên vũ trụ phải trải qua cả quá trình huấn luyện dài và bền bỉ. Nếu coi việc tuyển chọn phi công vũ trụ là một công trình khoa học tổng hợp thì quá trình tập luyện của các phi công vũ trụ cũng là một tổng hợp của nhiều công trình khoa học và nó cũng là yếu tố quan trọng nhất góp phần thắng lợi của chuyến bay.


Phút thư giãn san những giờ học

        Để theo dõi tình hình sức khỏe của phi công vũ trụ, phải có hẳn những "ban bệ" với những bác sĩ chuyên khoa cao cấp. Riêng Phạm Tuân, có hẳn cả một đề tài theo dõi, nghiên cứu sức khỏe trước, trong và sau chuyến bay mà Chủ nhiệm đề tài là Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Lung cùng với các cộng sự là kỹ sư Nguyễn Quốc Ân, bác sĩ Dương Trọng Hiệp, bác sĩ Lê Minh, bác sĩ Mai Khắc Thái.


Cùng quyết tâm chinh phục vũ trụ

        Tôi cứ tự hỏi: thế thì những người ngoài hành tinh đen với chúng ta bằng những đĩa bay (mà vẫn được gọi là vật thể bay không xác định - UFO) thì họ rèn luyện kiểu gì, hay là ngay từ khi sinh ra, họ đã có khả năng thích nghi với mọi điều kiện của vũ trụ rồi? Và chúng ta coi họ là những người ngoài hành tinh hay chính chúng ta là những người ngoài hành tinh của họ? Họ có liên quan gì về huyết thống với chúng ta không? Từ xa xưa, họ với chúng ta có cùng sống trên cùng một hành tinh hay không? Mục đích của những chuyến đi của họ có giống như chúng ta không? vân vân và vân vân...

        Chắc con người phải mất nhiều nhiều năm nữa mới có thể khám phá nổi điều này!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:49:22 am »


THÀNH PHỐ NGÔI SAO
VÀ SÂN BAY VŨ TRỤ BAICÔNƯA

        Để giúp các bạn có cái nhìn tổng thể hơn về thành phố Ngôi Sao - Đại bản doanh của các phi công vũ trụ Liên Xô và sân bay vũ trụ Baicônua - nơi phóng những con tàu đua con người vào vũ trụ, tôi xin dẫn các bạn chu du một vòng quanh thành phố Ngôi Sao và tổ hợp Baicônua để các bạn có thể nắm được những thông tin cơ bản về hai địa danh này.

        Thành phố Ngôi Sao với diện tích 3.178 km2, nằm ở phía Đông Bắc Matxcơva với khoảng cách 25 km, ở gần ga xe lửa Siôncôpxki trên tuyến đường sắt Mưchisi - Phriazevo.

        Trong quá trình theo học ở Học viện Không quân Liên Xô mang tên Iuri Gagarin, chúng tôi có được Học viện tổ chức cho đi tham quan thành phố Ngôi Sao, nhưng cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa mà thôi.

        Vì là chương trình tham quan với thời gian ngắn và thành phố Ngôi Sao ở thời ấy nằm dưới sự quản lý rất ngặt nghèo của Bộ Quốc phòng Liên Xô, khi qua lại bắt buộc phải có "Thẻ ra vào".

        Điều ấn tượng đầu tiên của tôi thì đấy không phải là nơi con người sẽ bay vào vũ trụ để tìm hiểu, nghiên cứu những gì ngoài Trái đất và thể hiện được tiềm năng, ý chí cùng với khả năng chinh phục không gian của con người, mà là một nơi quá đủ đầy cho cuộc sống thường nhật. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, khi ở vào giai đoạn khó khăn về kinh tế, phải sống bao cấp, cái gì cũng thiếu, nhưng ở thành phố Ngôi Sao thì lại chẳng thiếu thứ gì...

        Sau này tôi tìm hiểu thì biết được thành phố Ngôi Sao đã được thành lập như một địa hạt hành chính của quân đội.

        Ngày 11-1-1960, Tư lệnh Không quân Liên Xô đã có chỉ thị thành lập Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ. Tới ngày 7-5, Trung tâm này đã được phê chuẩn là một đơn vị độc lập nằm trong biên chế của lực lượng Không quân, làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, giao cho ngành y tế quản lý và người phụ trách là Cục trưởng Cục quân y Không quân.

        Đồng thời, lãnh đạo công tác khoa học của Trung tâm cũng được tiến hành. Việc thực hiện đã giao cho Viện thử nghiệm Hàng không Vũ trụ của Hàng y Không quân.

        Tới năm 1969 thì Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ chuyển tên thành Trung tâm nghiên cứu khoa học thử nghiệm y học Hàng không và vũ trụ của Không quân.

        Năm 2009, theo mệnh lệnh của Chính phủ Liên bang Nga, "Trung tâm nghiên cứu thử nghiệm khoa học đào tạo phi công vũ trụ mang tên Iu.A.Gagarin (viết tắt là FGBU Nil CPK mang tên Iu.A.Gagarin) đuợc thành lập.

        Từ thời điểm thành lập cho đến năm 1991, Trung tâm thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng Liên Xô, từ năm 1992 đến năm 2008 thì thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

        Để đào tạo phi công vũ trụ, trước hết phải kể đến hệ thống thiết bị, buồng tập, máy tính mô phỏng cho các con tàu và Trạm quỹ đạo. Trong thành phần thiết bị kỹ thuật gồm có các thiết bị tập luyện khác nhau, có 2 máy li tâm CF-7 và CF-18, có phòng thì nghiệm thủy lực và máy bay-thử nghiệm IL-76.

        Các máy li tâm dùng để tập luyện chịu quá tải. Máy li tâm CF-18 được đặt trong tòa nhà hình trụ nằm trên địa hạt của Trung tâm. Trong một tòa nhà hình trụ khác thì đặt phòng thử nghiệm thủy lực 3 tầng, chứa dung tích nước với đường kính 23 m và sâu 12 m. Phòng thử nghiệm thủy lực sẽ tiến hành hoàn thiện các hoạt động trong những điều kiện không trọng lượng của vũ trụ mở với mô hình Trạm vũ trụ trên quỹ đạo (khi đó là Trạm "Saliut-7", sau này là Trạm "Hòa bình" và giai đoạn hiện nay là Trạm MKS).

        Chiếc máy bay - thử nghiệm IL-76 được dùng để tạo tình trạng không trọng lượng trong thời gian ngắn.

        Như vậy, các bạn đã có thể hình dung được một cách sơ bộ về cung cách hoạt động của thành phố Ngôi Sao rồi, nhất là ở khu Trung tâm đào tạo.

        Từ ngày Trung tâm được thành lập tới nay, đã có nhiều vị chỉ huy, lãnh đạo điều hành Trung tâm.

        Tôi có thể cung cấp cho các bạn biết danh sách các lãnh đạo Trung tâm qua từng thời kỳ một, như:

        1. Đại tá Quân y Carpôp Epghênhi Anatôlêvich - Giám đốc đầu tiên của Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ (từ 24-2-1960 đến 1963).

        2. Thượng tướng Không quân, 2 lần Anh hùng Liên Xô - M.P.Ođinsôp (1963).

        3. Thiếu tướng Không quân, Anh hùng Liên Xô - N.F.Kuznhetxop (1963 -1972).

        4. Trung tướng Không quân, phi công vũ trụ, 2 lần Anh hùng Liên Xô - Beregôvôi Gheorghi Timôphêêvich (1972 -1987).

        5. Trung tướng Không quân, phi công vũ trụ, 2 lần Anh hùng Liên Xô - V.A.Satalôp (1987 -1991).

        6. Thượng tướng, phi công vũ trụ, 2 lần Anh hùng Liên Xô - Klimuc Pêtr Ilich (1991 - 2003).

        7. Thiếu tướng, phi công vũ trụ, Anh hùng Liên bang Nga - Sibliep Vaxily Vaxilêvich (2003 - 2009).

        8. Phi công vũ trụ, 2 lần Anh hùng Liên xô - Kricalôp Xergây Kônxtantinôvich (30-3-2009 - 27-3-2014).

        9. Phi công vũ trụ, Anh hùng Liên bang Nga - Lônchacôp Iuri Valentinovich (từ tháng 4-2014 đến nay).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:50:07 am »


        Nói đến sự chinh phục vũ trụ, ngoài việc nói về thành phố Ngôi Sao thì không thể không nhắc đến tổ hợp Baicônua, trong đó có sân bay vũ trụ Baicônua.

        Sân bay vũ trụ Baicônua được thành lập ngày 2-6-1955.

        Đấy là sân bay vũ trụ vĩ đại đầu tiên trên thế giới. Nó nằm trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Kazacxtan, thuộc vùng Kưzưlorđinxki ở khu vực giữa thành phố Kazala và khu dân cư Giôxalư, cạnh gần đó là khu dân cư Tôrêtam.

        Chính vì nó ở gần các khu dân cư như vậy nên trong cuốn sách chỉ dẫn lữ hành quốc tế mới được gọi là "Tyuratam Missile and Space Complex".

 
Diện tích của sân bay vũ trụ Baicônua là 6.717 km2.

        Trong vòng nhiều năm, Baicônua chiếm giữ vị trí đầu bảng trên thế giới về kỷ lục phóng tàu vào vũ trụ. Ví dụ, năm 2015, tại đây đã thực hiện 18 lần phóng (sân bay vũ trụ của Mỹ là Mus Kanaveran đứng ở vị trí thứ hai với 17 lần phóng và sân bay vũ trụ của khối liên minh Châu Âu đặt ở Pháp là Gviana chỉ với 12 lần phóng).

        Thành phố Baicônua và sân bay vũ trụ Baicônua cùng nhau làm thành tổ hợp Baicônua của Nga ở Kazăcxtan được thuê theo thời hạn đến năm 2050.

        Khu vực của sân bay vũ trụ là một vùng bình nguyên nhiều gò đồi, nằm cắt phần phía Nam theo hướng từ Đông sang Tây bằng con sông Sưrđaria. Độ cao tuyệt đối dao động từ 80 đến 150 m. Độ cao tương đối của các đồi là 10 đến 20 m. Độ dốc thoai thoải, có nhiều chỗ bị xẻ cắt bởi những dòng nước mưa. Đỉnh đồi có dạng tròn hình vòm. Đặc điểm của toàn bộ vùng lãnh thổ này là không có hệ thống thoát nước của các hố được tạo ra trong thời kỳ tuyết tan hoặc thời kỳ mùa mưa, vì vậy đất trong những hố này nhão nhoét ra. Đi khắp lãnh thổ, ta có thể bắt gặp những khu địa khối nhỏ, mấp mô bằng cát được kết cấu bền chặt với độ cao thường từ 2 đến 10 m. Dòng sông Sưrđaria có chiều rộng chừng 120 đến 200 m, với độ sâu từ 1,5 đến 5 m. Tốc độ dòng chảy là 0,8 m/s. Đáy sông là đất pha cát. Dòng sông uốn lượn quanh co và có khá nhiều đảo. Nước sông và các nhánh của nó đều nhạt nhẽo và đục ngầu. Muốn sử dụng để làm nước uống thì phải qua công đoạn chắt lọc thật cẩn thận.

        Mực nước sông cao nhất là từ tháng 4 đến tháng 8. Trong thời kỳ này, mọi nguồn nước ở quanh đó đều đổ về dòng sông này. Hệ thống vận tải đường thủy trên sông Sưrđaria hầu như không có, thực tế chỉ có một số thuyền nhỏ với độ mớn nước đến 1,2 m mà thôi.

        Dòng sông đóng băng vào tháng 12 và tan băng vào cuối tháng 3. Độ dày trung bình của lớp băng là 0,5 m, với mùa Đông khắc nghiệt thì dày đến 0,9 m.

        Các vùng thực vật chủ yếu là loài ngải cứu ở phía Bắc sa mạc. Chất đất thuộc về đất sa mạc - thảo nguyên nên màu nâu, dọc theo hai bên bờ sông thì đất phù sa có màu nâu xám. Ở khu bãi bồi và trên các đảo có những bụi cây gai, với những khóm cây và có những cây thân gỗ cao từ 3 đến 7 m. Cũng có những khu vực kéo dài là những cánh đồng cỏ. Có những địa điểm lau sậy mọc cao đến 4 m. Hầu hết thảm thực vật ở sa mạc là những bụi cây thánh liễu cao chừng 2 m hoặc kiểu nửa như bụi cây, đấy là những đám ngải cứu cao khoảng 0,5 m và loài cỏ dại chủ yếu là loài cỏ lạc đà gai.

        Thảm cỏ ở sa mạc chỉ xanh về mùa Xuân và đến đầu tháng 6 thì lớp cỏ bị cháy, chết khô hết. Nhưng trên địa hạt của sân bay vũ trụ lại sinh trưởng một loài hoa uất kim hương (còn được gọi là hoa tuylip). Chúng nở hoa vào tháng 4 hàng năm và loài hoa này đã trở thành một trong những biểu tượng của sân bay vũ trụ. Nó đã được đề cập đến trên rất nhiều sách báo, phim ảnh về Baicônua.

        Chẳng vậy mà nhà thơ của Khaccôp là Ivan Mirôsnhicôp đã lấy hình tượng loài hoa uất kim hương để viết nên những câu thơ tuyệt tác ca ngợi loài hoa này và tôn vinh người phi công vũ trụ thứ hai - German Titôp.

        Thành phố và hàng loạt các khu dân cư, khu công nghiệp của sân bay vũ trụ đều được phủ màu xanh từ những cây thánh liễu, cây dương, cây tần bì... cho dù thảm cỏ ở đây so với những nơi khác là không đáng kể.

        Khu vực trường bắn có số ngày nắng khoảng hơn 300 ngày trong năm và tương đối gần đường xích đạo. Tốc độ quay tuyến tính ở vĩ độ của Baicônua là 316 m/ s.

        Khí hậu mang nặng tính khí hậu lục địa. Lượng mưa trong năm rất ít - chỉ khoảng 120 mm/năm mà thôi. Đại đa số là những ngày nắng. Mùa Hè thì kéo dài và nóng bức. Mùa Đông tuy tuyết phủ không dày nhưng lạnh giá và rất lộng gió.

        Mùa Đông thường kéo dài từ giữa tháng 11 năm trước đến trung tuần tháng 3 năm sau với lượng mây luôn thay đổi và sương mù dày đặc. Nhiệt độ trung bình về ban ngày từ -5°c đến -10°c, và ban đêm thì từ -20 đến -25°c (có giai đoạn thấp nhất là -40°C).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:50:37 am »


        Băng giá ổn định ngay từ đầu tháng 12, nhưng có điều lạ là trong bất kể tháng nào của mùa Đông cũng có khả năng có những ngày tiết trời nắng ấm. Mưa chủ yếu là dạng mưa tuyết. Lớp tuyết được hình thành vào nửa cuối tháng 12 và tồn tại cho đến tháng 3 năm sau với độ dày không quá 10 cm (nhưng cũng có thể đên tận 26 cm). Độ sâu trung bình của tầng đất lạnh cứng là 1,3 m.

        Mùa Xuân bắt đầu từ giữa tháng 3 - tháng 4. Nửa đầu của mùa Xuân thì tiết trời ấm áp với thời tiết chưa ổn định. Nhiệt độ đầu mùa vào ban ngày từ -1° đến +10°C/ vào ban đêm thì xuống đến -10°c. Giai đoạn cuối mùa Xuân thì ban ngày nhiệt độ lên đến +25°c và vào ban đêm thì từ -1 đến +8°c.

        Mưa xuất hiện rải rác với thời gian ngắn, thi thoảng còn có tuyết. Cho đến giữa tháng 4 thì trong vài tuần thường có gió mạnh và bão bụi. Cuối tháng 4 và tháng 5 trong một số năm còn có gió giật mạnh (đến 25 m/s và hơn). Nó giật tới mức làm hư hại những ngôi nhà xây không kiên cố.

        Mùa Hè thì tính từ tháng 5 đến giữa tháng 9 với đặc điểm nắng nóng, khô và ít mây. Nhiệt độ ban ngày dao động từ +30 đến +40°c (cao điểm có thể đến +45,5°C). Vào ban đêm thì nhiệt độ hạ xuống chỉ còn +15 đến +18°c mà thôi. Thường xuyên có gió khô (như gió Lào của bên ta) và đôi khi xuất hiện bão bụi. Bụi và cát thốc lên mù mịt, nhất là vào thời gian có gió Đông.

        Mùa Thu được tính từ giữa tháng 9 đến tháng 11. Nửa đầu thì khô và nóng, nửa sau thì mây mù và lạnh lẽo. Nhiệt độ ban ngày từ 5 đến 25°c, ban đêm thì từ -5 đến +5°c. Mưa phùn xảy ra thường xuyên và đến nửa cuối tháng 11 thì tuyết ẩm bắt đầu rơi.

        Gió về mùa Xuân và mùa Hè thì theo hướng Tây và Tây Bắc, mùa Thu và mùa Đông thì theo hướng Đông và Đông Bắc với tốc độ từ 3 đến 7 m/s. Trong suốt cả năm, đặc biệt là vào mùa Xuân và mùa Đông thì thường có gió mạnh với tốc độ đến 15 m/ s và lớn hơn. Tính ra có đến 45 ngày trong năm như vậy.

        Đấy chính là những đặc điểm về khí hậu và thiên nhiên ở vùng Baicônua.

        Ngày 12-2-1955, "Trường bắn nghiên cứu thử nghiệm khoa học" đã có quyết định thành lập dùng để thử nghiệm tên lửa.

        Vị trí Tổng chỉ huy công trình xây dựng được giao cho Thiếu tướng G.M.Subnhicôp và đơn vị đầu tiên đặt chân đến ga Chiura Tam là vào ngày 12-1- 1955, trước ngày quyết định 1 tháng để thực hiện việc xây trường bắn.

        Công việc xây dựng trường bắn bắt đầu tiến hành vào nửa cuối mùa Đông năm 1955. Thoạt đầu, tất cả các thành phần đều ở trong các lều bạt. Đến mùa Xuân thì xuất hiện các nhà hầm trên bờ sông Sưrđaria và vào ngày 5-5-1955 thì ngôi nhà gỗ đầu tiên của khu dân cư đã được khánh thành.

        Cũng ngày đó, ủy ban đặc biệt đã tiếp nhận tổ hợp bệ phóng tên lửa đầu tiên và sang ngày hôm sau, ngày 6-5 thì quả tên lửa R-7 đầu tiên đã được lắp ráp trên tổ hợp này.

        Ngày chính thức công bố sự ra đời (như là ngày sinh) của sân bay vũ trụ được tính là ngày 2-6-1955. Ngày ấy cũng là ngày thành lập "Bộ chỉ huy trường bắn" - đấy là đơn vị quân đội mang phiên hiệu 11284.

        Vậy là các bạn có thể đã mường tượng được toàn cảnh thành phố Ngôi Sao và sân bay vũ trụ Baicônua cùng với sự hoạt động ở hai nơi này rồi. Bây giờ ta lại tiếp tục cuộc hành trình để khám phá tiếp, các bạn nhé!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:52:00 am »


TỪ MẶT ĐẤT TỚI BẦU TRỜI

        Tôi rất ít có dịp về Thái Bình, nhưng lần nào đi, suốt dọc đường tôi cũng đều thấy vang lên giai điệu thiết tha, sâu lắng với những lời hát mượt mà trong bài hát "Nắng ấm quê hương" của nhạc sĩ Vĩnh An:

        "Anh đến quê em một chiều nắng ấm
        Tiếng hát quê hương du dài theo sóng
        Thái Bình ơi Thái Bình
        Ai đặt tên cho đất Thái Bình tự bao giờ
        Mà trong nắng trong mưa
        Lúa vẫn lên xanh tốt
        Mà trong bom trong đạn
        Đất vẫn cứ sinh sôi
        Thái Bình ơi!
        Sao mà yêu đến thế!
        Anh yêu Diêm Điền rừng phi lao gió hát
        Anh đi tắm mát về bãi biển Đồng Châu
        Anh qua con sông sâu
        Sông sâu đã bắc cầu
        Đưa anh về đồng cói
        Anh thương em anh nói...
        Em dệt đôi chiếu hoa.
        Cho anh trải giữa nhà
        Mời thầy mẹ sang chơi để anh thưa
        Cho anh về quê mình
        Cùng làm lúa, cùng làm đay,
        cùng dệt cói, cùng đan mây
        Tay em trổ vàng
        Tay anh chạm bạc...
        Làm giàu cho quê hương
        Hỡi người em gái mà anh yêu thương
        Thái Bình ta đó mà em yêu thương
        Miền quê đó, Thái Bình để lòng ta yêu thương..."


        Có lẽ, tôi phải nói vắn tắt, ngắn gọn về địa danh Thái Bình một chút. Vào thời phong kiến tự chủ (938) thì đất Thái Bình thuộc Châu Đằng và đến đời vua Lê Ngọa Triều (1005 -1009), Châu Đằng được gọi là phủ Thái Bình. Thời Lý (thế kỷ XI), phủ Thái Bình gọi là hương Thái Bình gồm 4 huyện Thụy Anh, Quỳnh Côi, Đông Quan và Phụ Dực.

        Thời Tây Sơn thì lại đổi phủ Thái Bình thành phủ Thái Ninh. Thời Nguyễn (thế kỷ XIX) lại trả lại tên phủ Thái Bình. Cho tới năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), sau cuộc khẩn hoang quy mô lớn, mà Nguyễn Công Trứ - nhân vật kiệt xuất của nước ta thời kỳ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX là người khởi xướng và hướng dẫn cho nông dân khai phá vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình thì Thái Bình có thêm huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu, 2.300 suất đinh, 7 tổng, 40 làng, 27 ấp, 20 trại và 40 giáp.

        Trải qua nhiều cuộc "vật đổi sao dời", hết tách ra lại nhập vào, nhưng Thái Bình hầu như không nằm trong cái quy luật ấy, không bị xáo trộn mà hầu như vẫn giữ nguyên trạng với cái tên Thái Bình...

        Nạn đói lịch sử của năm Ất Dậu mà nhiều tài liệu gọi là "thảm họa nhân đạo" chính là cơn ác mộng, một nỗi nhức nhối khó quên. Riêng Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã mất 280.000 người, chiếm đến 25% dân số của tỉnh khi đó. Đặc biệt, có những làng thôn, số người chết gần như chiếm tỉ lệ quá lớn, hoặc có những nhà không còn người nào sống sót. Ví dụ như làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy) có hơn 1.000 người thì chết đói mất 956 người. Rồi xã Trà Giang (Kiến Xương) chết cũng hơn 1000 người, chiếm 1/3 dân số của xã. Hoặc xã Nam Cao (Kiến Xương) nơi có nghề dệt truyền thống, giàu nhất vùng vậy mà dân cũng vẫn không thoát khỏi cảnh chết đói: 1.247 người chết, trong dó có 108 gia đình chết không còn người nào sống sót.

        Hết chết đói rồi lại đến cảnh chết no khi mà đã có chút gì đó để ăn... Cuộc sống thật lầm than, cơ cực và con người phải trải qua bao nỗi bi ai...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2018, 04:06:38 pm »


        Phạm Tuân ra đời sau cái nạn đói kinh hoàng ấy 2 năm, tức là vào năm Đinh Hợi (1947). Khi ngồi tâm sự về làng quê, về tuổi ấu thơ của mình, anh Phạm Tuân hồi tưởng lại:

        -Thái Bình từng được gọi là vựa lúa của vùng châu thổ sông Hồng, nhưng không phải là toàn tỉnh đều là vựa lúa cả. Ví như huyện Kiến Xương là huyện nghèo, mà xã Quốc Tuân của tôi thì lại là xã nghèo nhất huyện. Làng tôi có lẽ cũng không đúng với khái niệm là làng truyền thống mà là những chòm xóm được bao bọc bởi các lũy tre của từng nhà hợp thành cái cộng đồng ấy. Những người phiêu dạt về vùng này để sinh cơ lập nghiệp đều phải tự mình lập cho mình một "trang trại", tự vượt đất lên để làm vườn rồi làm nhà. Quê tôi nằm sát con sông Trà Lý - là một vùng chiêm trũng. Một năm chỉ cấy được một vụ thôi, còn đâu là úng lụt, "đồng trắng nước trong". Để sinh sống được, các cụ đã phải đắp đê bao quanh. Có đê Đông Biên, đê Tây Biên, đê Bắc Biên..., các nhánh sông bao quanh làng thì nhiều lắm, có nhánh sông quăn như ruột lợn nên được gọi là sông Ruột Lợn. Sông chảy quanh làng chảy ra cống Dục, đổ vào sông Trà Lý. Làng tôi nhà nào cũng có ao trước, ao sau chính là do vượt đất trũng để đắp lên làm vườn, rồi sau làm nhà. Xung quanh vườn trồng tre làm tường rào che chắn và để lấy vật liệu làm nhà, làm các vật dụng hàng ngày rồi cũng là để chống bão nữa. Bão tố thì nhiều mà sức gió thì mạnh, nếu không có những rặng tre bao quanh thì nhà cửa và cây cối sao mà chịu đựng nổi những trận bão to. Trong mỗi gia đình, khi con cái trưởng thành, được bố mẹ cho ra ở riêng thì cũng lại tự tìm lấy một "trang trại" cho mình, rồi cũng lại vượt đất làm vườn, làn nhà hệt như bố mẹ vậy. Cứ thế, đời này qua đời khác hình thành các xóm. Các xóm nối với nhau bằng các hàng tre và con đường đất ngoằn ngoèo, vào mùa mưa lũ phải dùng thuyền để đi lại. Mà ngập lụt thì kinh khủng lắm, tất cả chìm trong biển nước, chỉ còn tre và cau đứng trên mặt nước thôi. Đã có thời kỳ có "chiến dịch nghiêng đồng đổ nước ra sông". Huyện điều biết bao nhiêu gâu, guồng và hàng mấy trăm con người về tát nước nhưng rồi cũng đành chịu bó tay trước trời. Người tính làm sao bằng trời tính được! Nói về rau thì chỉ mỗi loại rau muống, rau rút là còn sống được trên nước. Được cái là cá tôm rất sẵn. Chỉ vậy thôi... Đấy, sơ qua quê tôi là vậy: một làng quê thuần nông, không nghề phụ, chỉ một vụ lúa chiêm nên đói kém quanh năm suốt tháng. Cái đói, cái khổ bám chặt lấy từng gia đình, từng người một tưởng chừng không bao giờ dứt ra được.

        Tôi rất biết về những vùng quê nghèo và càng hiểu được rằng, trong những cảnh nghèo khó, gian nan ấy, những ai vượt qua được bằng chính ý chí và nghị lực của mình thì sẽ trưởng thành. Phạm Tuân chắc chắn là người nằm trong số ấy.

        Bố của Phạm Tuân là người điển hình của sự chăm chỉ, cần mẫn, căn cơ, chí thú công việc gia đình, lo lắng vun vén cho tương lai. Từ lúc mới 3-4 tuổi, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải đi ở cho gia đình người chị, 5 tuổi đã phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Lớn dần lên, ông được gia đình bà chị trả công bằng thóc. Thương em, bà chị sắm cho một cái chum để ở góc vườn, được bao nhiêu thóc đều đổ vào đó. Theo thời gian, với những bươn trải trong cuộc sống, ông đã sớm hình thành bản lĩnh, sớm nhìn nhận ra nhiều vấn đề mà ở vào lứa tuổi của ông hồi ấy không phải ai cũng nhận ra được. Cùng với cái vốn mấy chum thóc, ông dần trang trải và gây dựng gia đình. Cuộc đời ông gặp không ít thăng trầm, nhưng ông đã vượt qua bằng ý chí và nghị lực của mình, nhưng cái số không may, những năm đói kém, vợ ông qua đời tiếp đến là anh con trai cả cũng đi theo. Rồi như số phận run rủi, ông gặp người cùng cảnh ngộ và trong hoàn cảnh "rổ rá cạp lại", hai người đã chung tay xây tổ ấm giữa cơn bĩ cực, thật chẳng khác gì đôi chim chích xây tổ trên cành lau bên bờ suối lũ, tồn tại trong mong manh... Biết bao nhiêu là hiểm nguy rình rập, biết bao nhiêu là nỗi lo toan...

        Sau Phạm Tuân và hai người em nữa ra đời: một gái, một trai. Cộng với hai người con riêng của bà thì đấy cũng đã là một gia đình "đồ sộ" giữa giai đoạn khó khăn trầm luân lúc bấy giờ. Đúng là hoàn cảnh đã thử sức chịu đựng và ông bà đã gồng mình lên vượt qua những nỗi gian nan khắc nghiệt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM