Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:34:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15775 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:36:27 am »

          
        Không để bạn bè biết đến chuyện này, Phạm Tuân hòa cùng dòng người xen lẫn cờ hoa dắt tay nhau đến tượng đài Gagarin đặt vòng hoa và trở về vị trí mít tinh. Tại đây, Thiếu tướng Climuc, Phó Giám đốc Trung tâm đọc báo cáo đánh giá chuyến bay, ca ngợi các phi công đã hoàn thành trọn vẹn chương trình đặt ra. Rồi rất nhiều những bài phát biểu của phía Liên Xô, Việt Nam, của cán bộ công nhân viên... rất ngắn gọn, súc tích xoay quanh việc ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, ca ngợi những thành tựu vĩ đại trong lĩnh vực vũ trụ mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được, ca ngợi lòng dũng cảm, ý chí... của đội bay.


Đặt hoa trước tượng đài Iu ri Gagarin

        Hai phi công vũ trụ phát biểu cảm ơn Đảng, nhân dân hai nước, cảm ơn các nhà khoa học, các công trình sư kỹ sư, cảm ơn tình cảm mà bạn bè anh em đã giành cho đội bay.

        Trên đường về nhà, Phạm Tuân đi cạnh Bùi Thanh Liêm. Tuân chợt nhớ tới hai chiếc đồng hồ đeo vào vũ trụ, liền rút một chiếc tặng Liêm làm kỷ niệm.

        Những ngày sau đó, bố của Phạm Tuân cùng đoàn đi thăm một số nơi ở Matxcơva, sau đó về nhà ở cùng Phạm Tuân và cháu. Phạm Tuân mời ông ở lại để về cùng chuyến máy bay vào cuối tháng tám, nhưng ông nhất định không nghe. Ông bảo ở đây buồn lắm, vả lại ở nhà còn bao nhiêu công việc. Tính ông là vậy.


Bố Anh hùng Phạm Tuân (ngoài cùng bên phải) cùng các phi công vũ trụ

        Trước ngày bay phải tập luyện vất vả nhưng sau khi hoàn thành chuyến bay cũng chẳng nhẹ nhàng hơn. Gần một tháng ở lại Matxcơva dày đặc chương trình - nhiều cuộc gặp gỡ với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các trường, các học viện quân sự... Ở đâu cũng thế, cũng gặp gỡ, giao lưu, chụp ảnh, ký kỷ niệm... Có lần, khi đến một trường phổ thông, các cháu thiếu niên xinh xắn vén áo lên xin chữ ký vào lưng. Có cháu táo tợn hơn còn xin chữ ký ngay vào bụng, vẻ ngây thơ hồn nhiên, sự nhiệt tình và trọng thị tạo nên niềm vui bất tận...


Nói chuyện với các cháu Thiếu nhi

        Ngày 26-8, đội bay vào Điện Kremlin nhận danh hiệu cao quý nhà nước Liên Xô trao tặng. Đó là Anh hùng Liên Xô - Huân chương Lênin và Huy hiệu Anh hùng.

        Trước đây được nghe nói nhiều về Điện Kremlin, được tham quan nhưng chỉ ở bên ngoài. Lần đầu tiên Phạm Tuân được bước vào phòng Đại sảnh - một căn phòng sang trọng lung linh: mọi thứ từ cây cột, ngọn đèn... đều toát lên cảnh "giàu sang phú quý" choáng ngợp. Phạm Tuân cảm thấy lâng lâng khó tả.

        Đồng chí Brêgiơnhep - Tổng Bí thư - Chủ tịch Xô Viết tối cao trực tiếp gắn Huân chương Lênin và đeo Huy hiệu Anh hùng cho Phạm Tuân. Riêng Gorbatcô đã 2 lần Anh hùng nên chỉ được tặng Huân chương Lênin.   


Tổng bí thư Brêgiơnhep găn tặng danh hiệu cao quý

        Được người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhân dân Liên Xô vĩ đại trao phần thưởng, đấy là một vinh dự vô cùng to lớn của đội bay.


Nhận phần thưởng cao quỷ của nước CHND Mông Cổ
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2018, 05:45:31 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:40:10 am »

        
        Ngày 30-8, đội bay rời Matxcơva về nước. Phía Liên Xô cử một đoàn cán bộ của chương trình , Intercôxmôt do đồng chí Trung tướng Satalôp - Phó chỉ huy Trung tâm dẫn đầu cùng đi. Vừa hạ cánh xuống sân bay, nhìn qua cửa sổ đã thấy các tầng lớp nhân dân đứng xếp hàng cầm cờ Việt Nam, cờ Liên Xô vẫy chào. Phạm Tuân bồi hồi xúc động. Đồng chí Hoàng Tùng ra tận chân cầu thang máy bay đón tiếp. Những bó hoa tươi thắm và những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết giành cho đoàn làm Phạm Tuân choáng ngợp trước sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người.

        Trên đường về, nhìn hai bên đường, một cảnh tượng trái ngược diễn ra: trong sự xơ xác của xóm làng sau cơn bão số 6 là sự vui mừng nồng nhiệt với cả rừng cờ hoa của nhân dân đứng đón hai bên đường.

        Phạm Tuân nở nụ cười và giãi bày tâm sự: vinh dự quá, không ngờ đội bay lại được đón tiếp nồng nhiệt như vậy. Phạm Tuân và Gorbatcô được bố trí ngồi trong chiếc xe "Traica" cùng đồng chí Hoàng Tùng. Những đoạn trao đổi của họ luôn bị gián đoạn vì xe đi đến đâu cũng thấy nhân dân hai bên đường cầm cờ hoa vẫy chào với nét mặt rạng rỡ. Đất nước vừa qua cuộc chiến tranh giải phóng lại đang tiến hành chiến tranh biên giới cộng với sự tàn phá của bão giông vậy mà ai nấy đều vui vẻ, đều phấn khích. Phạm Tuân càng thấy tự hào vì được đại diện cho cả dân tộc, mang hình bóng Việt Nam vào vũ trụ. Đoàn xe qua cầu Long Biên tiến về Phủ Chủ tịch (trước là Phủ Thủ tướng), người dân đứng ngày càng đông càng hoan hỉ. Quanh khu vực Phủ Chủ tịch, dòng người như bất tận. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, quân đội hầu như có mặt đông đủ để đón đoàn. Khi vào nhà khách, bước lên cầu thang gỗ, Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi hai bên khoác tay Phạm Tuân hỏi chuyện ân cần. Một phút giây mà Phạm Tuân không bao giờ quên được.


Tổng bí thư Lê Duẩn trao tặng phần thường cao quý

        Phạm Tuân báo cáo lại quá trình thực hiện chuyến bay và nhấn mạnh: trước khi đi, được các đồng chí gặp gỡ, giao nhiệm vụ, hôm nay đội bay đã hoàn thành trọng trách ấy. Những điều đội bay đã làm thể hiện được bản lĩnh Việt Nam và làm sâu sắc thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Cám ơn Đảng, nhân dân hai nước đã nâng cánh cho đội bay vào vũ trụ.

        Các nhà du hành vũ trụ Việt Nam - Liên Xô đã tặng lại các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước những kỷ vật mà đoàn bay đã mang vào vũ trụ. Đó là cờ Đảng, Quốc huy, nắm đất Ba Đình, Tuyên ngôn độc lập và Huy hiệu của Bác Hồ. Như vậy, trên bản đồ chinh phục vũ trụ đã có hình ảnh của Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đã bay trong vũ trụ.

        Buổi chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch long trọng diễn ra lễ trao phần thưởng cao quý giành cho trưởng đoàn Satalôp, hai phi công vũ trụ Gorbatcô, Phạm Tuân và đội bay dự bị Bưcôpxki, Bùi Thanh Liêm. Đồng chí Trường Chinh gắn Huân chương và Huy hiệu Anh hùng cho từng người. Trong lời phát biểu của mình, đồng chí ca ngợi tình đoàn kết keo sơn giữa hai Đảng, hai dân tộc đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn gian khổ giành chiến thắng, nay lại sát cánh cùng nhau bay vào vũ trụ và ca ngợi những thành tựu mà nhân dân Liên Xô giành được trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, đánh giá cao về tinh thần, nghị lực của đội bay...


Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh tặng phần thưởng cao quý



Chủ tịch Tôn Đức Thăng gặp phi công Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm



Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp đón các phi công vũ trụ

        Đúng ngày 2-9, đoàn bay vào Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như Hà Nội, một cuộc đón tiếp thật long trọng và nồng nhiệt. Ngoài cờ hoa vẫy chào, ở các góc đường còn có các đội văn nghệ với kèn trống tưng bừng. Hàng vạn người áo quần rực rỡ cùng cờ hai nước vẫy chào đoàn.


Các Anh hùng vũ trụ được đón tiếp nồng nhiệt

        Đồng chí Võ Vãn Kiệt - Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, cơ quan thành phố có mặt đông đủ. Sau 5 năm từ ngày giải phóng, chúng ta có phi công vũ trụ. Đó có lẽ là niềm tự hào chung mà đặc biệt là nhân dân miền Nam.

        Tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Sự đón tiếp đoàn ở trong miền Nam có khác gì ngoài Hà Nội không?

        - Có chứ! Không khí tưng bừng náo nhiệt thì cũng vậy, nhưng với đặc điểm của người phía Nam thì sự hồ hởi, phấn khởi được biểu hiện rõ nét hơn. Họ vừa reo hò vừa vẫy cờ hoa, đặc biệt lại ăn mặc rất đa dạng và sặc sỡ... Đẹp và vui lắm. Tôi nhớ nhất 2 lần "diễu hành", đó là: chiều 2-9, theo chỉ thị của Bí thư Thành ủy, tôi và ông Gorbatcô mặc đại lễ phục, đứng trên xe mui trần (xe quân sự) cùng đoàn xe hộ tống đi vòng quanh các phố trong đó có các phố vùng Chợ Lớn, Gia Định nơi nhiều Hoa kiều sinh sống. Hôm sau, trên đường từ Vũng Tàu về thành phố, đến Đồng Nai lại được lệnh đổi xe. Chúng tôi lên xe mui trần, đứng chào nhân dân hai bên đường. Trời mưa nhẹ, đoạn đường khá dài, chúng tôi được chứng kiến sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân thành phố mang tên Bác giành cho chúng tôi. Trong ý nghĩ sâu xa, có lẽ đây là hành động muốn nói với thế giới rằng người Việt Nam kiên cường bảo vệ Tổ quốc, dù chiến tranh chưa chấm dứt nhưng nhân dân Việt Nam vẫn bình tĩnh và vững bước đi vào xây dựng đất nước phồn vinh.

        Chuyến bay vào vũ trụ là một sự kiện mới trong thời điểm nhất định với đất nước ta, nó mang lại nhiều ý nghĩa. Nó chứng minh hùng hồn con người Việt Nam có truyền thống yêu nước, bao đời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, ngày nay với sự hợp tác quốc tế, chúng ta có thể tiến xa, tiến vững chắc hơn nữa trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Còn với Liên Xô thì tình đoàn kết hữu nghị đã có từ trên mặt đất, trên biển và trên bầu trời, bây giờ được thể hiện ngay cả trong vũ trụ. Liên Xô là nước giúp đỡ chúng ta có hiệu quả trong chiến tranh giải phóng, bây giờ lại cùng chúng ta bay lên vũ trụ. Tình đoàn kết hữu nghị đã tạo nên sức mạnh lớn lao giúp chúng ta tiến về phía trước.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2018, 06:01:42 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:49:25 am »

   
HÀNH TRÌNH ĐẾN THÀNH PHỐ NGÔI SAO

        Vào giai đoạn từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979, Việt Nam tiến hành lựa chọn các phi công và cả các kỹ sư để khám tuyển cử đi đào tạo thành phi công vũ trụ. số lượng phi công được gọi đi khám tuyển khá đông. Tôi có gặp và nói chuyện với anh Nguyễn Khánh Duy - một trong những phi công MIG-21 hồi ấy có trong danh sách khám tuyển. Anh Khánh Duy cho biết:

        - Sau kết quả của những cuộc hội đàm của Tổng Bí thư Lê Duẩn với Tổng Bí thư Brêgiơnep, đồng chí Brêgiơnep có gợi ý mời Việt Nam tham gia chương trình Intercôsmôt (chương trình vũ trụ Quốc tế). Phía Việt Nam nhận lời. Để xúc tiến việc này, nhiều phi công đã được "chấm" và đưa đi khám tuyển. Tôi nhớ, hồi ấy đông lắm, có các anh Nguyễn Văn Cốc, Đinh Trọng Kháng, Trần Tuấn Việt, Trịnh Bá Tư, Vũ Kim Điến và nhiều anh khác nữa. Trong đội ngũ kỹ sư thì có cả anh Nguyễn Quang Tấn... Nói chung là đông! Đông lắm!

         Vậy quy trình khám có khác gì hồi ta đi khám tuyển phi công không? - Tôi hỏi anh Khánh Duy.

        - Khác chứ! Khi ấy thì các bác sĩ của Liên Xô theo dõi chỉ đạo, còn các bác sĩ Việt Nam trực tiếp thực hiện việc khám tuyển. Trong quá trình khám, phải soi chiếu tất cả các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là phổi và dạ dày. Riêng về hai khoản này thì tôi có những kỷ niệm nhớ đời. Anh biết thế nào không? - Để lấy dịch vị dạ dày, người ta bắt tôi phải nuốt một ống nhựa mềm và phải nằm bất động đến 3-4 tiếng đồng hồ cho dịch vị chảy ra. Như thế đã là mệt mỏi lắm rồi, nhưng chưa kinh khủng bằng cái khoản soi chiếu dạ dày và phổi. Bọn tôi phải nằm trên chiếc giường, nói đúng hơn là trên chiếc giát giường được đặt lên trên chiếc đệm lò xo, ở phía cuối giường có cái xích để xích hai chân lại, hai bên thành giường lại có hai đoạn dây dù để cột chặt hai tay vào thành giường...

        - Thế thì có khác gì chuẩn bị tra tấn, chuẩn bị "ăn đòn xăng-tan" như ngày xưa Pháp nó "tẩn" những người hoạt động cách mạng, đi theo Việt Minh! - Tôi buột miệng, nói xen vào.

        - Im để tôi kể tiếp. Tội cũng thoáng nghĩ như anh vậy. Khi tôi hỏi: "Sao trông như bị tra tấn thế?" thì được trả lời là: "Chẳng qua chỉ là đề phòng trường hợp khi đang soi chiếu mà các anh lại giãy đạp hoặc bất ngờ lấy tay lôi phắt ống ra khỏi miệng thì hỏng hết việc. Chỉ thế thôi mà. Anh yên tâm đi, không sao đâu!". Cứ động viên là yên tâm, nhưng làm sao mà tôi yên tâm được? Vậy là tôi bị cột chặt chân chặt tay vào giường, rồi nhanh chóng, đầu tôi được vít ngửa ra sau. Anh cứ tưởng tượng cái cảnh sắp bị "cắt tiết" như thế nào thì nó đúng như thế. Đấy là cái cảnh ngộ của tôi lúc bấy giờ. Bác sĩ dùng miếng gạc banh mồm tôi ra và thông vào đó một ống kim loại có đầu tròn màu trắng. Sau này thì tôi đoán là cái đầu tròn ấy được gắn máy ảnh, dùng để chụp từng phần phía trong dạ dày vì tôi cứ nghe thấy tiếng "xoạch, xoạch" liên tục. Chắc lúc ấy là lúc máy ảnh hoạt động vì sau đó chúng tôi được xem một đoạn phim dài chụp các phần phía trong dạ dày của mình mà. Chuyện ấy là về sau này thôi, chứ lúc bấy giờ thì phải lên gân lên cốt để mà gánh chịu cái sự xâm nhập của vật thể lạ là cái ống kim loại kia trong cổ họng của mình. Đau lắm, khó chịu lắm mà không làm sao được. Đến khi soi phổi cũng thế, anh ạ! Ông soi phổi thì ngắn hơn, nó chỉ khoảng 50-60 phân thôi nhưng cũng cơ cực lắm. Qua được cái "công đoạn" ấy là anh em chúng tôi phải ăn cháo mất ba ngày liền đồng thời phải uống kháng sinh liên tục trong vòng 5-6 ngày đấy!

        - Tôi được nghe nói cái ống ấy như cái ghi đông ’ xe đạp, có đúng không hả anh?

        - Không hoàn toàn là cái ghi đông xe đạp! - Khánh Duy cười, - cái ghi đông xe đạp mà tống vào họng thì có mà toi! Nhưng cái ống kim loại này cũng gần to bằng cái ghi đông xe đạp và cũng cong queo. Mà sao hồi ấy lại không thấy có tên anh trong danh ị sách khám tuyển nhỉ?   

        - Hồi ấy tôi đang ở Yên Bái. Vùng sâu vùng xa mà, ai để ý lắm đâu, với lại, mình là cái thằng "phọt ! phẹt", xứng làm sao được! Chỉ tính riêng cái khoản soi khám vậy thôi là mình đã thán phục lắm rồi. Mình thì mình chẳng chịu nổi đâu!

        - Ờ, tôi kể tiếp cho anh nghe nhé! Bùi Thanh Liêm cũng như thế. Mới bị tống chiếc ống mềm vào họng thôi mà Liêm đã phản ứng, làm cho bà bác sĩ ngã bật vào tường. Sau đó thì Liêm tuyên bố khẳng khái: "Tôi chỉ bay MIG-21 thôi, chẳng vũ trụ vũ chiếc gì hết cả!" và bỏ ra về luôn. Chi bộ lâm thời của số phi công đi khám tuyển đã phải họp, phải động viên mãi sau đó Liêm mới tiếp tục đi khám đấy!

        - Hành trình để đến được thành phố Ngôi Sao thôi mà đã gian nan thế, chắc chắn hành trình vào vũ trụ thì còn gian nan hơn nhiều! - Tôi thốt lên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:51:11 am »


        - Sau này thì không biết thế nào chứ bấy giờ thì gian nan thật! - Khánh Duy đồng tình, - mà thời gian khám tuyển thì đâu có ngắn. Phải mất chừng 5-6 tháng chứ chẳng đùa. Tới vòng cuối thì chỉ còn có 5 người thôi. Đó là các anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng, Trịnh Bá Tư và tôi. Rồi các chuyên gia, bác sĩ Nga sang xem xét các hồ sơ sức khỏe và chọn lọc chỉ lấy có ba người là Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm và Đinh Trọng Kháng. Vậy là dự định chọn 4 người, nhưng thiếu mất một người.

        Tôi có lần gặp anh Đinh Trọng Kháng - người khá bền bỉ đứng trụ trong khám tuyển. Tôi hỏi:

        - Việc khám tuyển trong nước và khi sang bên kia thì thế nào hả anh?

        - Trong nước thì đại loại cũng như khi ta khám tuyển bay, nhưng có điều kỹ lưỡng hơn. Sang bên kia thì gay go nhất là phải ngồi ghế quay để kiểm tra tiền đình. Cứ thấy đèn sáng là phải ấn nút... Mà cũng lâu rồi, tôi cũng không nhớ lắm đâu... Đại loại là thời gian giành cho việc khám tuyển này khá dài, riêng ở bệnh viện Trung ương Quân đội cũng đã mất ngót nghét gần một tháng rồi chứ không phải là ít đâu... Những cái này chắc bác sĩ Hiệp là nắm và nhớ được đấy.

        Gần đây, tôi có dịp đến thăm anh Nguyễn Văn Cốc. Tôi hỏi anh về việc khám tuyển vũ trụ ở bên nước mình và bên Liên Xô thì anh tươi cười, hồ hởi  nhắc lại những kỷ niệm thời ấy:

        - Anh Khánh Duy nói đúng đấy! Đến bây giờ khi nghĩ lại mình cũng vẫn còn ngại, nhưng mà hồi ấy được động viên, được giao nhiệm vụ nên hăng hái lắm. Các phương tiện hồi ấy đâu có hiện đại được như bây giờ, ngán nhất là "cái ghi đông xe đạp" tống vào cổ họng, sau đó cứ xoay đi xoay lại để soi chụp mấy "cơ quan đoàn thể" trong người mình. Ghê lắm. Mà hôm nào mình gặp được cậu Duy thì mình sẽ nhắc lại cái kỷ niệm ấy. Mình cũng bị nhiễm trùng như cậu Duy đấy. Sau cú soi chiếu ấy là mình bị sốt mất mấy ngày, cũng phải uống kháng sinh chứ có đùa đâu!

        - Vậy khi các anh sang khám bên Liên Xô, bên bệnh viện Trung tâm quân đội ấy thì thế nào? - Tôi hỏi.

        - Sang bên kia thì những gì bọn mình, tức là ba người: mình, Đinh Trọng Kháng và Bùi Thanh Liêm đã trải qua xét nghiệm ở bên nước rồi thì không phải khám lại nữa, các bạn chỉ kiểm tra các tham số thôi. Chỉ có riêng Phạm Tuân là phải làm từ đầu.

        - Bên đó các anh phải khám những gì?

        - Cũng nhiều đấy, nhưng đại loại khó khăn nhất là phải ngồi ghế quay. Nó giống như khi đi khám tuyển phi công, nhưng thời gian lâu hơn và tốc độ quay nhanh hơn, chừng như một phút là 60 vòng và phải quay trong vòng 10 phút cơ. Thoạt đầu là ngồi thẳng, sau đó là đến tư thế gục đầu xuống, rồi nghiêng sang trái, rồi nghiêng sang phải, tiếp là tư thế ngả đầu ra phía sau. Đinh Trọng Kháng chỉ chịu được có 5-6 phút là nôn, mình đâu được đến phút thứ 7 thứ 8 gì đó rồi cũng nôn. Bùi Thanh Liêm cũng không trụ được đến phút cuối cùng, cũng nôn. Chỉ có mỗi Phạm Tuân là chả bị sao cả. Khi mình còn đang ngồi trên ghế thì thấy Tuân đã xong việc, đứng ngay cạnh, lấy bao thuốc lá ra và hỏi cô bác sĩ: "Tôi có thể hút thuốc ở đây được không? Tôi thèm thuốc quá!". Cô bác sĩ trả lời: "Đúng ra là không được, nhưng riêng trường hợp của anh thì tôi thông cảm, anh hút cũng được!". Rồi cô ấy trâm trồ: "Đúng là phi công bắn rơi B-52 có khác!". - Anh Nguyễn Văn Cốc vừa trả lời tôi, vừa cười.

        - Nghe nói, Hội đồng khám sức khỏe phải đắn đo, so sánh giữa anh và anh Tuân ghê lắm phải không? - Tôi hỏi tiếp.

        - Mình biết là cũng có đấy vì sau đó, ông Phó Chủ tịch Hội đồng có gọi riêng mình vào phòng của ông ấy để giải thích và động viên. Mình vui vẻ hiểu ngay ra vấn đề. Thực ra, bản thân mình cũng thấy là Tuân có những ưu điểm, như khi quay ghế chẳng hạn, mọi người bị nôn, còn Tuân có bị sao đâu. Tuân lại trẻ hơn mình, sức đương nhiên là tốt hơn mình rồi. Trong chiến tranh, mình lại bị nhảy dù nên sức khỏe có lẽ cũng ảnh hưởng đôi chút. Để Tuân là xứng đáng rồi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:56:03 am »

         
        Tôi tiếp tục tìm đến nhà bác sĩ Dương Trọng Hiệp - người bác sĩ từng có nhiều năm gắn bó với các phi công của Trung đoàn Không quân 921 và cũng là người theo dõi việc khám tuyển từ đầu đến cuối để tìm hiểu thêm. Sau một tuần trà thì bác sĩ Hiệp cho biết:

        -  Phải nói một cách cho có đầu, có cuối thì như thế này: đầu năm 1979, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Viện Khoa học Việt Nam có nhiệm vụ bay sang Liên Xô để nhận kế hoạch và chỉ tiêu về khám tuyển sức khỏe phi công vũ trụ. Sau khi Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu về nước, nhiệm vụ ấy được triển khai ngay. Phòng Quân y và Bệnh viện Không quân đã họp và thành lập "Ban chỉ đạo khám tuyển". Ban chỉ đạo gồm có các anh Nguyễn Lung, Lê Minh, Mai Khắc Thái, Dương Trọng Hiệp và một số anh khác nữa. Hồi ấy còn có cả sự cộng tác của 5 cơ sở y tế Trung ương trong và ngoài quân đội nữa, đó là trường Đại học quân y, Viện quân y 108, Bệnh viện Bạch Mai, Viện mắt và Viện tai, mũi, họng Trung ương. Tất cả các hồ sơ sức khỏe của các phi công được tập hợp lại và lựa chọn những phi công sức khỏe loại 1 để lấy đi khám tuyển. Đấy coi như khám tuyển vòng 1. Việc tổ chức khám tuyển trong điều kiện nội trú, tổ chức ngay tại bệnh viện là khám tuyển vòng 2. Sau vòng 2 thì chọn lựa được các anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm và Đinh Trọng Kháng, tức là mới có ba người, vẫn còn thiếu một chỉ tiêu nữa... để đưa sang Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Iuri Gagarin. Ó đó, Hội đồng giám định y khoa Trung ương Liên Xô đảm nhiệm. Đấy là cơ quan giám định sức khỏe cao nhất, gồm các chuyên viên đầu ngành về y học vũ trụ trực tiếp khám tuyển. Đây cũng là khám vòng 3.


Từ trái sang Bùi Thanh Liêm, bác sỹ Dương Trọng Hiệp,Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Đinh Trọng Kháng

        - Tôi nghe nói khám ngặt nghèo và ghê gớm lắm, đúng không ạ? Ví như soi chiếu dạ dày và phổi...

        - Đấy gọi là nội soi. Mà phương tiện, máy móc hồi ấy cổ lỗ sĩ lắm. Nói ra cho thêm xấu hổ. Nhưng cũng vì khám kỹ thế nên mới phát hiện được cậu Vương Sĩ Quý có sóng bất thường ở trong não, đã cảnh báo phải thận trọng trong việc bay bò...

        - Anh cũng có nhiệm vụ dẫn mấy anh sang bên Nga khám tiếp đúng không ạ?

        - Đúng! Tôi và ba anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng sang thành phố Ngôi Sao. Bấy giờ thì Phạm Tuân đang học ở Học viện Gagarin. Ở vòng 3 này thì có thêm Phạm Tuân, vậy là đủ 4 người để chọn lấy 2. Chúng tôi ở Bệnh viện Trung ương Quân đội gần một tháng. Tại đây phải khám với 47 chỉ tiêu về sức khỏe. Cứ sau một đợt là tôi phải đến Đại sứ quán của ta ở Liên Xô để gọi điện báo cáo kết quả về nhà. Giai đoạn cuối thì tôi phải bay về Việt Nam, trực tiếp báo cáo Đại tướng Văn Tiến Dũng, sau đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, rồi Tư lệnh Đào Đình Luyện. Nói chung, để chọn lựa ra được đôi bay không phải dễ dàng gì. Nếu anh muốn hiểu chi tiết thì cố tìm cuốn của Giáo sư Vũ Gia Cúc - Trưởng Tiểu ban y sinh vũ trụ, cuốn đó viết khá chi tiết về việc tuyển chọn các chỉ tiêu về sức khỏe của các phi công vũ trụ đấy...

        - Vâng, em sẽ cố gắng tìm để đọc! Vậy công việc của anh ở bên ấy tiếp diễn thế nào? Em có nghe là chuyện chọn lựa giữa anh Tuân và anh Cốc cũng đắn đo lắm, đúng không?

        - Có chuyện ấy thật. Giữa hai anh thì chọn anh nào cũng được, gần như là ngang nhau mà! Có điều, Hội đồng khám tuyển của bạn đắn đo ở chỗ: khi anh Cốc nhảy dù, xương hông có bị rạn nên các bạn rất lo, nhỡ khi bay về, lúc tiếp đất hay tiếp nước, nói chung là khi hạ cánh, bị lực giáng mạnh, nếu lúc ấy mà chỗ rạn xảy ra vấn đề gì thì nguy to. Bàn đi tính lại chán chê rồi đi đến quyết định thống nhất là chọn Phạm Tuân. Chính tôi phải bay về nước để trực tiếp báo cáo các "cụ" là về chuyện ấy. Rồi tôi lại bay sang để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe của hai anh Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm. Tôi cũng là người trực tiếp ký vào biên bản đảm bảo về tình hình sức khỏe cho Phạm Tuân trước khi chính thức bay vào vũ trụ, rồi đón Phạm Tuân khi Tuân trở về Trái đất.

        - Anh là nhân vật quan trọng đấy! - Tôi ngắt lời bác sĩ Hiệp.


Bác sỹ Dương Trọng Hiệp cùng hai đội bay Việt Nam
     
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2018, 05:52:37 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 09:03:15 am »


        - Quan trọng thì cũng chẳng quan trọng lắm đâu, nhưng mình được lãnh đạo ở Baicônua đón tiếp long trọng lắm. Một mình một xe Vonga có cắm cờ Việt Nam trước đầu xe trong khi mình mới đeo hàm Thiếu tá thôi đấy.

        - Thế là oách quá còn gì nữa!

        Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Những kỷ niệm, những ký ức như thế làm sao quên cho được. Ai đó nói rằng: “Kỷ niệm nào rồi cũng thành dĩ vãng/Mây của trời rồi gió sẽ cuốn đi...", tôi cho rằng chưa chính xác lắm.

        Quay trở lại với việc khám tuyển ở thời gian đó.

        Trong khi ở nước nhà đang sôi động Với việc khám tuyển phi công vũ trụ thì vào giai đoạn ấy Phạm Tuân đang học ỏ Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô) không biết gì thông tin về khám tuyển phi công vũ trụ. Khi đoàn của anh Đinh Tôn sang học khóa học đề cao, lúc gặp Phạm Tuân, anh , Đinh Tôn nói:

        - Vậy là cậu mất một suất đi vũ trụ rồi!

        - Thế là sao ạ? - Phạm Tuân hỏi lại.

        Đúng là Tuân chưa hiểu được "thế nào là thế nào" thì mấy hôm sau nhận được lệnh gọi đi khám sức khỏe cùng với các anh Nguyễn Đức Soát, Phạm Phú Thái, Nguyễn Thanh Quý (những phi công chiến đấu của các Trung đoàn Không quân 921 và 927 cùng học lớp với Phạm Tuân. Anh Nguyễn Đức Soát là Anh hùng Lực lượng vũ trang và anh Phạm Phú Thái sau này cũng là Anh hùng Lực lượng vũ trang).

        Sau các vòng khám thì bác sĩ cho tập họp mấy anh em lại và tuyên bố:

        - Tất cả mấy anh em đây, đều có thể bay được trên tất cả các loại máy bay, nhưng bay vào vũ trụ thì... đừng có mơ!

        Mọi người lẳng lặng nhìn nhau và yên tâm trở lại Học viện. Riêng Phạm Tuân thì chẳng có gì tiếc nuối vì biết thân phận mình đã "trượt" phi công ngay từ ngày khám đầu tiên cách đây hơn 15 năm.

        Nhưng rồi khoảng tháng 3 thì thầy Trưởng khoa gọi Phạm Tuân đến, giao nhiệm vụ đi khám sức khỏe cùng 3 phi công Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng vừa bay từ Việt Nam sang, bởi ở nhà chỉ tuyển chọn được có 3 suất, phải có thêm một nữa cho đủ bốn người để chọn lấy 2.

        Tuân thầm nghĩ, trong chuyện này mình được đưa vào làm "quân xanh" mà thôi vì mọi sự chắc ở nhà đã sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Cái lý lịch về sức khỏe của mình, ai mà chẳng biết.

        Trong vòng hơn nửa tháng, Phạm Tuân phải qua đợt kiểm tra y học rất kỹ. Riêng 3 anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng được thảnh thơi vì đã khám kỹ ở Việt Nam.

        Bốn anh em được bố trí ở trong 2 phòng. Anh Nguyễn Văn Cốc và Phạm Tuân ở cùng một phòng. Bùi Thanh Liêm và Đinh Trọng Kháng ở cùng một phòng.

        Phạm Tuân kể:

        - Tôi ở cùng phòng với anh Cốc. Vào một buổi tối, khi tôi đang ngủ, nghe có tiếng động, tỉnh dậy thấy anh Cốc trong bộ quần áo ngủ trắng đang "trồng cây chuối" trên giường. Tôi hỏi anh làm gì vậy?Anh Cốc nói bài tập này do ông Nguyễn Khắc Viện dạy có tác dụng đưa máu lên não như khi bay vũ trụ. Khi anh em ngồi tâm sự với nhau thì anh Cốc hỏi: "Nếu nay mai cậu làm dự bị thì cậu thấy thế nào?". Tôi trả lời ngay: "Thôi, nếu làm dự bị thì đề nghị cho tôi trở lại Học viện để tôi học tiếp. Làm dự bị thì mất đứt đi hai năm rồi sau đó chẳng biết có được bay hay không. Hai năm ấy tiếc lắm chứ. Trong cùng trang lứa thì tôi đã học chậm hơn các anh ấy mất vài đợt rồi!". Câu chuyện của hai anh em tôi cũng tạm dừng ở đấy và đi ngủ, ngày mai khám tuyển tiếp.

        - Thế việc khám tuyển ở bên đó có phức tạp hơn bên mình không, có gặp khó khăn nhiều không? - Tôi hỏi.

        - Hồi trước, tôi không lọt vào vòng khám tuyển phi công nên tôi không biết, nhưng so với khám tuyển định kỳ hàng năm của phi công thì nó phức tạp và kỹ hơn nhiều. Họ moi móc đủ thứ từ ngoài vào trong. Tôi cứ tưởng tượng mình là một vật thí nghiệm ấy. Vậy nên phó thác cơ thể mình cho bác sĩ, chẳng hề suy nghĩ, lo lắng. Họ bảo gì cứ thế mà làm. Nhưng cái gian nan nhất vẫn là động tác quay ghế. Cái này thì không phó thác cho bác sĩ được, nó nôn nao, nó choáng vàng mà mình không sao cưỡng lại nổi. Họ buộc mình vào ghế rồi nối lằng nhằng với bao nhiêu là điện cực: đo tim mạch, huyết áp, lượng thở, độ nháy mắt... rồi quay. Có 2 loại quay đều trong 10 phút, 1 loại quay thì cứ 3 giây cúi xuống, 3 giây ngẩng đầu lên. Một loại quay lắc đầu sang 2 bên cũng với thời gian 3 giây. Đây là động tác kiểm tra hệ thống tiền đình kết hợp trong điều kiện máu lưu thông lên não thay đổi liên tục. Khi quay nhanh, anh cúi đầu xuống tạo ra cánh tay đòn với lực li tâm máu văng lên đầu, khi ngửng đầu lên không còn cánh tay đòn, máu lại đi xuống. Đồng thời sự thay đổi nhiều chiều, hệ thống tiền đình cũng dễ gây ra rối loạn. Đinh Trọng Kháng chịu được đến phút thứ 4 thứ 5 thì nôn, sau đó ốm và bị loại. Anh Nguyễn Văn Cốc và Bùi Thanh Liêm cũng chỉ trụ được đến phút thứ 6, cũng bị nôn. Anh Nguyễn Văn Cốc và Bùi Thanh Liêm đề nghị được quay lại, nhưng lần quay lại này, anh Cốc cũng chỉ trụ được đến phút thứ 7 thứ 8. Còn tôi, ở vào phút thư 5 thứ 6 gì đó, cũng thấy nôn nao, nhưng thế nào lại vượt qua được. Nó giống như mình tập chạy dài ấy mà, tới một ngưỡng nào đó thấy rất mệt nhưng khi vượt qua được cái ngưỡng ấy là lại thấy cân bằng ngay, thấy bình thường ngay. Sau "cái vụ" ngồi ghế quay ấy thì còn tiếp tục đến "vụ" khác. Ây là phải ngồi vào trong thùng kín, trong thùng vẽ những vạch màu trắng. Vạch trắng khá lớn với góc nghiêng khoảng 30°. Khi ngồi im thì mình nhận ra vạch nó nghiêng, nhưng đến khi thùng quay, con người tự nhiên cứ muốn nghiêng theo cái vạch trắng đó. Trong trạng thái nghiêng ấy, các công tắc dưới ghế sẽ nối mạch và cho ra tín hiệu cảm giác sai. Kiểm tra cảm giác sai chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng vượt qua được đâu phải dễ dàng.   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 09:05:20 am »


        Rồi cũng đến lúc kết thúc việc kiểm tra, khám tuyển, ủy ban kiểm tra sức khỏe quốc gia triệu tập 4 anh em chúng tôi lại để công bố kết luận. Tới lúc này thì tôi mới thấy hồi hộp, không biết số phận mình sẽ thế nào. Tôi được gọi đầu tiên. Tôi thoáng nghĩ, đây chắc cũng giống như trong cuộc thi hoa hậu, ai được gọi tên trước là người ấy sẽ bị loại, và theo quy luật, cứ loại dần loại dần cho đến khi xướng danh người cuối cùng thì người ấy chắc chắn là hoa hậu. Tôi dõng dạc bước vào phòng, mọi người trong Hội đồng giám định y khoa đứng lên bắt tay và chúc mừng. Sau đó là đến Bùi Thanh Liêm, Nguyễn văn Cốc và Đinh Trọng Kháng. Bước ra khỏi phòng khám, anh Cốc cười vui và nói: "Họ bảo tớ cũng được, nhưng để bay đợt sau!".

        Tôi đã có dịp tiếp xúc với những tài liệu nói về việc khám tuyển phi công vũ trụ và biết rằng, do tính chất đặc biệt về điều kiện sống và cường độ làm việc căng thẳng trên các con tàu vũ trụ, nên yêu cầu đầu tiên trong việc tuyển chọn phi công vũ trụ là phải khỏe về thể chất, về ý chí, hoạt bát, tự nguyện tham gia và say mê với nghề nghiệp. Trong quá trình khám tuyển, căn cứ vào tình trạng sức khỏe, các nhân viên y tế xác định người dự tuyển có đủ điều kiện thực hiện chương trình huấn luyện đặc biệt để tham gia các chuyến bay vũ trụ hay không. Đồng thời, phát hiện những phản ứng tâm lý cũng như sinh lý của cơ thể đối với các thử nghiệm gắng sức, nhằm xây dựng kế hoạch huấn luyện bay vũ trụ cho từng cá nhân. Muốn vậy, phải sử dụng những phương pháp về tâm lý học, về sinh lý học, về sinh hóa học và về lâm sàng để đánh giá chức năng sinh lý toàn diện của cơ thể người dự tuyển, phát hiện được những yếu điểm nhỏ nhất, kín đáo nhất trong chức năng của từng cơ quan, từng bộ phận. Một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác tuyển chọn là khám nghiệm về mặt tâm lý để phát hiện những người có thần kinh thật vững vàng, có khả năng tập trung tư tưởng, có trí nhớ tốt, sức chú ý cao, có khả năng phối hợp công tác tay chân và hoạt động của các giác quan theo hướng định sẵn một cách thật nhanh nhẹn... Ngoài những khám nghiệm về sinh lý, về lâm sàng... người thử nghiệm phải qua một loạt thử nghiệm đặc chủng của ngành hàng không trên các thiết bị đặc biệt ở mức độ cao hơn so với khám tuyển phi công. Ngoài ra, còn đánh giá sức chịu đựng cuộc sống hoàn toàn im lặng, hoàn toàn cô lập dài ngày trong buồng kín chật hẹp, thiếu ánh sáng... đánh giá sức chịu đựng nóng, sức chịu đựng lạnh trong buồng tạo nhiệt. Đồng thời, trong quá trình tuyển chọn còn kết hợp kiểm tra kiến thức văn hóa, kiến thức về hàng không nhằm đảm bảo cho phi công vũ trụ có những tri thức cần thiết về vật lý địa cầu, về khí tượng học, về thiên văn học, về kỹ thuật điều khiển con tàu vũ trụ trong các giai đoạn bay và cả những kiến thức thông thường về y học...

        Như vậy, muốn trở thành phi công vũ trụ, phải là người có bản lĩnh. Đó là có khả năng về trí tuệ tiếp thu các kiến thức về vũ trụ, có năng lực điều hành các trang thiết bị của con tàu, có ý chí, nghị lực đồng thời có đủ sức khỏe và tâm lý để vượt qua mọi khó khăn trong các điều kiện đặc biệt của chuyến bay.

        Có thể nói, tuyển chọn phi công vũ trụ là cả một công trình khoa học tổng hợp, là một trong những yếu tố góp phần quyết định thắng lợi của chuyến bay.

        Trong bản báo cáo tổng kết tháng 4-1979 của bác sĩ Lê Minh, Chủ tịch Hội đồng khám tuyển phi công vũ trụ Việt Nam - Viện trưởng Bệnh viện Không quân có ghi: "...Khám ở vòng 2, Bùi Thanh Liêm là một trong những phi công đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quy định. Đặc biệt, khi đến khám tuyển vòng 3 tại Matxcơva, quay với tốc độ 60 vòng/phút trong 10 phút, một môn mà mọi người dự tuyển phi công vũ trụ đểu thấy phải có một sức chịu đựng cả về thể chất lẫn ý chí, nghị lực thì mới vượt qua được. Những phi công vũ trụ của ta, điển hình là Phạm Tuân chịu đựng khá tốt, quay 60 vòng/phút trong 10 phút mà không hề tái mặt hoặc nôn mửa. Các chuyên gia y tế ở đây phải công nhận anh là một trong những phi công của các nước đã tham gia chương trình intercôsmôt đạt yêu cầu về thử nghiệm này. Kết quả cuối cùng là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đã trúng tuyển vào đội bay vũ trụ quốc tế. Điều đó càng thêm vững tin, với sự hợp tác và giúp đỡ chí tình của Liên Xô, chúng ta có đầy đủ khả năng về mọi mặt tham gia chương trình Intercôsmôt...". Công bố kết quả khám tuyển xong, Tuân trở lại Học viện Gagarin báo cáo nhà trường và bay về Việt Nam nhận nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 09:16:27 am »

   
        Về nước, Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm được gặp tất cả các đồng chí lãnh tụ, các lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước. Tất cả đều động viên và dặn dò Phạm Tuân: "Các đồng chí đã được tuyển chọn để trở thành phi công vũ trụ. Đấy là điều vinh dự lớn lao không chỉ cho cá nhân các đồng chí mà là cho cả đất nước của chúng ta. Đất nước ta còn nghèo, nhưng có truyền thống lịch sử vẻ vang. Chúng ta phải cố gắng để sánh vai các cường quốc năm châu. Việc đồng chí sẽ bay vào vũ trụ chứng tỏ điều đó. Toàn thế giới đã biết đến Việt Nam qua những chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh, nay sẽ càng biết đến Việt Nam trong thời kỳ hòa bình, trong công cuộc xây dựng đất nước, làm chủ khoa học kỹ thuật. Các đồng chí phải cố gắng". Lúc này Phạm Tuân mới thấy sao mà chuyến bay quan trọng thế, vừa tự hào được tham gia nhưng cũng gợi lên những lo lắng...


Phi công vũ trụ Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm

        Những lời dặn dò còn nhiều, rất nhiều... nhưng ấn tượng nhất là khi Phạm Tuân gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau một hồi trò chuyện, ân cần dặn dò xong thì Thủ tướng quay sang hỏi Phạm Tuân:

        - Cháu thấy người Việt Nam ta thế nào?


Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp các phi công trước khi lên đường.

        Phạm Tuân băn khoăn, khó nghĩ quá, không biết ý định trong câu hỏi của Thủ tướng là gì, đành trả lời như kiểu "truyền thống":

        - Dạ, thưa bác! Cháu thấy người Việt Nam ta rất cần cù, thông minh, dũng cảm, giàu lòng yêu nước, thương nòi...

        - Chưa đúng lắm! - Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngắt lời, - khối người Việt Nam ta chỉ thích ăn ngon, mặc đẹp thôi, và lười lao động lắm!

        Phạm Tuân không ngờ Thủ tướng lại có nhận xét thẳng thắn như vậy. Phạm Tuân không biết nói thế nào nữa và nghĩ rằng, trong sâu xa, Thủ tướng muốn nhắn nhủ mình phải thật cố gắng, thật chăm chỉ học tập và làm việc thì mới đạt được những điều mong muốn, mới xứng danh với vị thế của người Việt Nam. Tuân tự nhủ: "Mình sẽ phấn đấu làm tốt những điều mà các bậc lãnh đạo dặn dò, gửi gắm!".


Thù tướng Phạm Văn Đồng thăm gia đình của các phi công

        Tháng 4-1979, Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm bay sang Liên Xô, đến "Thành phố Ngôi Sao" - Đại bản doanh của các phi công vũ trụ Liên Xô. Vợ con của hai anh được bố trí bay sang sau.

        Theo như thỏa thuận kỹ kết giữa hai nước thì sau khi sang thành phố Ngôi Sao, phía Việt Nam sẽ phải đảm bảo cho phi công của ta và gia đình mọi vấn đề về vật chất từ ăn ở đến học tập. Nhưng sang học đã gần 1 tháng mà chẳng thấy bên nước hoặc Đại sứ quán nói gì đến chuyện ăn ở, may mà Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đã học ở Nga nên có chút ít đồng "rúp" để trang trải cuộc sống tạm thời. Phía bạn tạm bố trí cho Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm mỗi người 1 căn hộ. Một hôm, Thiếu tướng Lêônôp - Phó Giám đốc Trung tâm đến thăm. Ông thấy 2 anh em sống độc thân, căn phòng thì trống trải. Sau khi trò chuyện, ông nói:

        - Thôi thế này, sau này phía Việt Nam lo cho các anh thế nào thì tùy, còn phía Trung tâm sẽ chu cấp cho các anh theo các tiêu chuẩn của sĩ quan Liên Xô. Đây là tiêu chuẩn ngoài thỏa thuận giữa hai nước.

        Hai anh phấn khởi, tổ chức để đón vợ con sang. Lãnh đạo Trung tâm lúc đó chỉ sợ các anh sống độc thân. Nếu sống độc thân, họ phải lo cho chỗ ăn chỗ ở, người phục vụ ăn uống, kể cả quản lý hàng ngày nhất là ngày nghỉ hay những ngày lễ tết.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2018, 05:57:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 09:32:43 am »

   
        Phạm Tuân là "chỉ huy", là bí thư chi bộ của 2 gia đình. Vì mải mê với công việc tập luyện rồi quên đi những đòi hỏi vật chất với nhà nước. Cho đến lúc hoàn thành chuyến bay, về nước, các anh cũng chẳng có lấy một tờ báo để đọc, 1 cái thiếp chúc mừng năm mới... cũng không luôn, đấy là chưa nói đến tiền lương hay phụ cấp.
   

Gia đình Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm tại thành phố Ngôi Sao
     
        Có lần Phạm Tuân tâm sự: trong Trung tâm cùng luyện tập có các phi công Mông cổ, Cu Ba... sao họ được Đại sứ quán, Tùy viên quân sự quan tâm thế, được thăm hỏi thường xuyên, giúp đỡ tận tình... Rồi lại tự lý giải: đất nước mình vừa thoát khỏi chiến tranh giải phóng, còn bao nhiêu công việc phải lo, rồi lại đang Chiến tranh biên giới... Thôi, mình cứ "tự lực tự cường" là tốt nhất.

        Nói vậy thôi nhưng ở trên, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước luôn quan tâm đến các anh. Có lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi công tác đến Matxcơva đã gọi 2 gia đình của hai anh đến, vừa thăm hỏi vừa nghe báo cáo tình hình. Rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các anh tại Trung tâm. Đại tướng nghe Phạm Tuân báo cáo và trực tiếp thăm Trung tâm, dặn dò các anh nhiều điều.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nơi tập luyện cùa các phi công



Đại tướng Vò Nguyên Giáp thăm gia đình các phi công



Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh với các phi công vũ trụ tại Sân bay Baicônua
       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2018, 05:22:46 am »

     

Bút tích của Đại tướng Võ Nguvên Giáp

        Cảm động trước sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các anh càng cố gắng nhiều hơn trong học tập và rèn luyện.

        Khi 2 phi công Việt Nam tới Trung tâm thì một số nước: Tiệp Khắc, Đức, Ba Lan... đã bay, các nước còn lại đã chuẩn bị xong và chờ đến lượt bay. Việt Nam tuy đến sau nhưng được dân cư Trung tâm kể cả các đội bay quốc tế rất chú ý, chẳng là các anh là đại biểu của Việt Nam vừa đánh thắng Mỹ và đang tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm là hai phi công đã từng chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ. Họ khâm phục lắm chứ, nhất là Trung tá Phạm Tuân mới ngoài 30 tuổi, lại là Anh hùng từng bắn rơi B-52 của Mỹ. Vào thời điểm đó, các Anh hùng ở Trung tâm chỉ có Trung tướng Beregôvôi - Giám đốc Trung tâm đã gần 60 tuổi là Anh hùng phi công hồi chiến tranh Vệ quốc nên họ nhìn những Anh hùng trong chiến tranh, họ thấy có cái gì đó rất kính nể.


Các phi công vũ trụ trong chương trình “Intercôsmôt

        Mới học được mấy tuần thì Tuân và Liêm được thông báo: đội bay của Xô - Việt sẽ bay vào tháng 7-1980. Các anh ngỡ ngàng đã đành, một vài đội bay quốc tế khác còn ngỡ ngàng hơn, thậm chí còn thắc mắc, ghen tị với các anh, nhưng phía Trung tâm đã giải thích: "Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, cần sự ưu tiên. Vả lại, phi công Việt Nam đã từng trải, lại đã học qua Học viện Không quân Liên Xô, hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian tập luyện được!" (lúc đó Phạm Tuân học năm thứ 2, còn Bùi Thanh Liêm đã tốt nghiệp Học viện).

        Thế là tất cả lại "vui như Tết", lại sát cánh cùng nhau tập luyện.

        Tôi thầm nghĩ: "Đây cũng lại là một điều "khang khác" nữa trong cuộc đời Phạm Tuân. Những người khác thì bay vũ trụ về mới được phong Anh hùng, còn Phạm Tuân thì được phong Anh hùng rồi mới bước vào bay vũ trụ...

        Chương trình học tập được chia ra 3 phần, nhưng nó đan xen nhau trong suốt thời gian chuẩn bị. Đó là: phần lý thuyết; phần tập trên các buồng tập và rèn luyện thể lực, tâm lý và cấp cứu phi công. Ta thường nói khái niệm "Hàng không - Vũ trụ", nhưng giữa hai trạng thái ấy nó chỉ chung nhau ở phần không gian, còn về nguyên lý, quy luật hoạt động thì hoàn toàn khác nhau. Máy bay bay được và điều khiển nó theo những quy luật của khí động lực học, như định luật Becnuli, nghĩa là dựa vào không khí. Còn tàu vũ trụ bay trong chân không, điều khiển phải dùng động cơ... Bay trên máy bay, phi công thường xuyên chịu quá tải, ngược lại, trong vũ trụ, phi công phải đối diện với tình trạng không trọng lượng...

        Thực ra, phần học lý thuyết không nhiều - học sơ bộ về tên lửa đẩy, học về cấu tạo con tàu và Trạm "Chào mừng", học về quỹ đạo bay, về nguyên lý điều khiển con tàu, về mặt phẳng lắp ghép...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM