Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:19:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15739 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2018, 02:53:50 pm »


        Đấy là chuyện lý thuyết mà chúng tôi đã được học, còn bây giờ, trong buồng lái của con tàu trên độ cao chót vót hơn 40 m, khi tên lửa đẩy bắt đầu rời bệ phóng, con tàu hơi bị rung lắc. Phạm Tuân có cảm giác hơi chờn chợn, song cái cảm giác ấy chỉ thoáng qua rồi nhanh chóng biến mất vì Tuân còn phải chú trọng vào công việc của một kỹ sư con tàu. Đó là theo dõi và báo cáo thường xuyên về độ rung lắc của con tàu, về nhiệt độ, về áp suất trong buồng lái... cho 4 đài quan sát xung quanh bệ phóng để họ phối hợp xử lý kịp thời. Phải nói thêm một chút là: khi các phi công vũ trụ đã ở trong buồng lái rồi thì mọi tinh huống bất trắc đều do các Trung tâm chỉ huy và Đài quan sát xử lý dựa trên cơ sở quan sát bằng mắt, bằng các thiết bị kỹ thuật và do phi công báo cáo về. Trên buồng lái chỉ chịu trách nhiệm báo cáo kịp thời, liên tục và chính xác mà thôi. Vì vậy, hầu như suốt cả thời gian ấy, Phạm Tuân phải tập trung vào việc theo dõi các thông số để báo cáo. Báo cáo liên tục, không phút nào ngừng...

        Vichtor Gorbatcô đã là cựu phi công vũ trụ, còn Phạm Tuân là tân binh, mới bay chuyến đầu tiên. Tuy vậy, hai người đã có thời gian dài học tập, luyện tập cùng với nhau và rất hợp nhau. Việc chọn đôi bay trong vũ trụ phức tạp và công phu lắm. Phải lựa chọn những người "tâm đầu ý hợp", phải có những nét tương đồng, hiểu nhau không cần lời mà chỉ như qua "thần giao cách cảm". Bạn cứ tưởng tượng khi bạn đi máy bay Hàng không dân dụng, ngồi cùng rất nhiều hành khách quanh bạn, bạn chỉ có việc ngồi tán gẫu, hoặc vào mạng trao đổi thông tin, chơi trò chơi điện tử, hoặc đọc báo đọc sách, hoặc ngủ để giết thời gian thì trên con tàu vũ trụ chỉ có hai người với cả đống công việc được giao. Điều khiển con tàu là công việc của cả hai người - kỹ sư con tàu thao tác trên bảng điều khiển để chọn các "lệnh" thông báo để phi công trực tiếp điều khiển. Nếu không thực sự hiểu nhau mà để xảy ra cái cảnh "ông chẳng bà chuộc" trên cái khoảng không sâu thẳm, bao la, kỳ bí kia thì chắc chắn sẽ dẫn tới sự nguy hiểm khôn lường!

        Vichtor Gorbatcô hơn Phạm Tuân tới 13 tuổi. Để chọn lựa xem đôi bay có ăn ý với nhau, có hợp nhau hay không, Phạm Tuân kể lại là người ta đưa ra rất nhiều cách kiểm tra sự "trùng hợp" đơn giản mà cũng rất thú vị, như: hai phi công cùng điều khiển một chiếc ô tô, mỗi người có cần lái riêng. Đang chạy trên đường, bỗng nhiên xuất hiện chướng ngại vật, hai phi công sẽ xử lý thế nào - cùng dừng hay tránh sang trái, tránh sang phải? Rồi thử cách trả lời ngược, ví dụ như khi nói "Trời" thì trả lời là "Đất" hay "Biển", hoặc khi nói "Lạnh" thì nói lại là "Nóng" hay "Ấm"... Rồi cả hai người xem riêng rẽ những bức tranh trừu tượng thời hiện đại, phát hiện cái gì trong đó. Sau đó hai người ngồi lại cùng xem, cùng tìm xem có phát hiện cái gì mới hơn và nhận xét có trùng nhau không. Rồi cho mỗi người một tờ giấy trắng vẽ cái gì mà mình thích, sau đó so sánh xem sở thích có trùng nhau không....

        Khi đã có nhiều điều trùng hợp, nhiều nét tương đồng với nhau thì chứng tỏ hai người hợp ý nhau. Phạm Tuân nói đùa: "Giá sau chuyến bay mới lấy vợ chắc sẽ áp dụng phương pháp này để tìm sự trùng hợp giống như tuyển đội bay vậy!".

        Vichtor Gorbatcô và Phạm Tuân đã có những nét tương đồng thú vị. Trước hết là cả hai người đều được sinh ra ở vùng làng quê, trong các gia đình nông dân, đều lớn lên bên những cánh đồng xanh tươi. Vichtor Gorbatcô thì ở nông trang của khu vực Gunkevichxki, nơi có trại ngựa thuần giống nổi tiếng được mọi người yêu thích môn thể thao đua ngựa biết đến, nay gọi là trai "Bình Minh" trên mảnh đất Cuban thuộc vùng Krasnodar với dòng sông Cuban mang dòng nước mát tưới cho mùa màng tươi tốt. Phạm Tuân thì ở thôn Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương của Thái Bình cạnh dòng sông Trà Lý hàng năm cần mẫn đem phù sa chăm bón cho mảnh đất Quốc Tuấn mùa màng bội thu. Mọi thiếu thốn của những năm tháng chiến tranh, Phạm Tuân và Gorbatcô cũng đều nếm trải hết.

        Gorbatcô đã nói: "Nhìn chung, Phạm Tuân là đồng hương của tôi, bởi Phạm Tuân từng học ở Krasnodar, cùng thuộc đất Cuban, nên chúng tôi là người của Cuban, đều có chí hướng giống nhau!".

        Tuổi thơ của cả hai người đều trải qua cảnh nghèo khó và cả hai đều có những ấn tượng ghê gớm liên quan đến những trận máy bay của kẻ địch bắn phá trong chiến tranh. Trước mắt Gorbatcô vẫn hiện rõ nét những máy bay của bọn phát xít bắn lũ ngựa của nông trang, còn Phạm Tuân thì không quên được cảnh máy bay Mỹ bắn phá những xóm làng của quê hương, đất nước mình. Rồi khi trưởng thành, cả hai đều nhập ngũ, đều là phi công. Gorbatcô thì qua Trường Không quân Pavlograt từ năm 1953 và tốt nghiệp Trường Không quân Batai năm 1956. Phạm Tuân thì tốt nghiệp Trường Không quân quân sự mang tên Sêrôp của Liên Xô năm 1967. Gorbatcô đã được chọn vào đội phi công vũ trụ đầu tiên của Liên Xô cùng với Iuri Gagarin, German Titôp, Grigori Nelyubôp, Vlađimia Kômarôp, Alêchxây Lêônôp... tổng cộng là 21 người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2018, 02:58:23 pm »


        Phạm Tuân sau khi tốt nghiệp trên loại MIG-17, về nước thì chuyển loại bay trên loại máy bay MIG-21, được biên chế vào Đại đội bay đêm, đánh đêm và rồi đã lập chiến công bắn rơi "pháo đài bay bất khả xâm phạm" B-52 trong đêm 27-12-1972.

        Chiến công của Phạm Tuân đã được nhiều sách báo nói đến, tôi không nhắc lại nữa, nhưng ở đây, tôi muốn đề cập một chi tiết thú vị. Đó là, một anh bạn của tôi khi đi chiến đấu ở chiến trường B (chiến trường miền Nam) tới lúc ra Bắc thế nào lại về phục vụ tại trung đoàn tôi ở Yên Bái kể lại rằng: khi Phạm Tuân lập chiến công bắn rơi B-52 thì đơn vị anh ấy đã được nghe thời sự và đồng chí Chính ủy trung đoàn của đồng chí ấy tường thuật chuyện Phạm Tuân phải kéo ngược máy bay MIG lên 90° rồi xoáy xoáy máy bay mấy vòng mới lao được vào B-52. Không ai làm được thế cả. Khi trở về sân bay hạ cánh, ruột của Phạm Tuân bị xoắn 7 khúc, phải đi viện điều trị. Đã có lần tôi đem chuyện này kể với Phạm Tuân và nói: nghe đâu bị cắt 70 phân ruột, kể bây giờ mà có đem thuôn hành răm nhắm rượu thì hay biết mấy. Phạm Tuân chỉ cười, không nói gì. Tôi viết ra đây cốt để bạn đọc hiểu thêm một chút về những điều rất "khang khác" của Phạm Tuân mà thôi.

        Cả hai phi công vũ trụ trong đội bay quốc tế Việt Nam - Liên Xô đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng trước khi đến với nhau, số phận đã gắn Gorbatcô và Phạm Tuân từ chuyến bay trên tàu vũ trụ "Liên hợp-37" khi Gorbatcô là chỉ huy và Phạm Tuân là kỹ sư của con tàu.


Phi công vù trụ Vichtor Gorbatcô và Phạm Tuân

        Sau này, cả hai đều được công nhận là Công dân Danh dự của thành phố Baicônua (Kazacxtan) -  nơi phóng các con tàu vũ trụ lên quỹ đạo.

        Cả hai đều đến quê hương của nhau, cùng ở thăm làng quê của nhau và coi đất nước của nhau là quê hương thứ hai của mình.

        Sự tương đồng, hiểu ý nhau sẽ tạo ra "cặp bài trùng" trong khoảng không của vũ trụ bao la. Tôi không hiểu khi chọn đôi bay, người ta có tính theo kiểu "tương sinh, tương khắc" hay "lục hợp, tam hợp, tam tai"... mà phương Đông hay tính (Tý, Sửu, Dần, Mão...) không, nhưng riêng tôi, tôi nhận thấy rằng Vichtor Gorbatcô hơn Phạm Tuân 13 tuổi tức là sinh năm 1934, tuổi Giáp Tuất, mệnh Sơn đầu Hỏa, còn Phạm Tuân sinh năm 1947, tuổi Đinh Hợi, mệnh Ốc thượng Thổ, vậy là theo thuyết "Ngũ hành tương sinh" (Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa) thì Gorbatcô và Phạm Tuân đã là "tương sinh". Rồi nếu tính theo "Lục hợp" (Tý họp Sửu, Dần hợp Mão, Hợi hợp Tuất, Thìn hợp Dậu, Tị hợp Thân, Ngọ hợp Mùi) thì sơ sơ như vậy đã thấy Phạm Tuân và Gorbatcô hợp nhau lắm. Còn xem trong Lục hình, Lục xung, Lục hại hoặc Tứ tuyệt hay Thập can tương phá thì không thấy họ "chạm" gì... Có nghĩa là, họ đã là "cặp bài trùng" như số phận đã định sẵn. Tôi nói vậy xin đừng cho tôi là mê tín hay nọ kia. Thực ra, thế giới bây giờ đang quay lại nghiên cứu về phương Đông. Biết đâu, khi chọn đôi bay vào vũ trụ, người ta cũng đã dùng phương pháp khoa học ấy để tính và đã rút ra được những điều bổ ích mà không tiện hoặc chưa tiện công bố mà thôi.

        Riêng về chuyện này thì Phạm Tuân kể thêm rằng, người ta cũng có tham khảo cả tử vi đấy, lấy ngày sinh tháng đẻ rồi đưa vào máy tính cho ra kết quả 365 ngày với các tiêu chí như sức khỏe, tâm lý, ý chí... của từng ngày và tiêu chí nào tốt thì được đánh dấu sao (*), trung bình thì dấu cộng (+), không tốt thì dấu trừ (-) và đưa cho từng người về theo dõi, kiểm nghiệm. Các lý do được giải thích khá "khoa học" vì khi con người lọt lòng mẹ sẽ phải chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau vào vỏ não như các tia phóng xạ, tia hồng ngoại... nên lúc lọt lòng vào thời điểm nào, vị trí tương đối với mặt trời, mặt trăng, các chòm sao... sẽ tác động đến thần kinh, tâm lý, sức khỏe... và sẽ bị ảnh hưởng của các yếu tố ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:04:55 pm »


        Tôi nói dông dài một chút cốt bạn đọc không bị nhàm chán quanh một chủ đề, chứ thực ra, lúc con tàu rời bệ phóng với quá tải bằng 7 và trong thời gian ngắn phải giải quyết quá nhiều công việc, thực hiện quá nhiều động tác, thao tác thì đâu còn thời gian mà nghĩ ngợi gì nữa.
     

Tàu “Liên hợp ” chuẩn bị cất cảnh.


        Khi con tàu lên đến độ cao hơn 100 km, Phạm Tuân thấy con tàu rung mạnh và như có tiếng va đập "rầm, rầm". Con búp bê nhỏ như nhảy nhót reo ca. Tuân thót tim, chưa hiểu đây là chuyện gì nên liếc sang nhìn Gorbatcô. Phạm Tuân nghe được thông báo:

        - Đã tách tầng thứ nhất!

        Phạm Tuân thấy nhẹ cả người vì khi tập không có cảm giác này.

        Phạm Tuân nhớ lại:

        - Con tàu tiếp tục bay, tiếp đến lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba xảy ra hiện tượng va đập và chấn động mạnh, nhưng tôi đã biết qua lần thứ nhất rồi nên an tâm hơn. Đó là khi ra khỏi vùng khí quyển, vỏ chăn chống nhiệt cho con tàu tự động cắt bỏ bằng hệ thống hạt lửa và tầng thứ hai của tên lửa cũng được tách ra, tầng 3 được khởi động. Khi con tàu bay ổn định, chúng tôi chỉ chịu sức đè của quá trình tăng tốc độ. Lực đè lớn nhất chỉ đến 7G. Trong tập luyện, tôi đã tập tới 12G, hơn nữa tôi lại là phi công phản lực chiến đấu nên lực đè đó là bình thường. Các lệnh từ Đài chỉ huy vẫn đến thường xuyên và tôi cũng phải trả lời thường xuyên theo những gì chỉ huy yêu cầu. Mải mê công việc, mà cũng chẳng chú ý đến đồng hồ thời gian, bỗng nhiên tôi lại nghe thấy tiếng va chạm rồi rung lắc, nhưng lần này thì lại khác hơn, người tôi bị tung lên, tách khỏi ghế, may mà giây an toàn vẫn ghì chặt. Mọi vật bay lên. Quyển sách tách khỏi tay tôi cầm. Con búp bê bay lơ lửng... Vào lúc đó tôi nghe thông báo: "Con tàu đã vào vũ trụ!". Trung tâm chúc mừng. Gorbatcô rồi đến tôi chúc mừng nhau và gửi lời chúc về Trái đất. Lúc đó con tàu đang nằm ở vị trí phía Đông của Liên Xô, trên phần phía Bắc của Thái Bình Dương. Ngoài trời tối đen. Sự im lặng đến lạ thường, còn người tôi thì nhẹ tênh, hai tay cứ "bay" chơi vơi. Phút đầu tiên trong trạng thái không trọng lượng là thế.

        Về chuyện trạng thái không trọng lượng thì từ thời kỳ đầu của kỷ nguyên bay vào vũ trụ, đã có những nhà khoa học nghĩ rằng, việc "mất trọng lượng" có khi lại là một sự nhẹ nhàng, thanh thoát vì nó tạo ra những điều kiện lý tưởng để làm việc cũng như để nghỉ ngơi. Song, kinh nghiệm qua những chuyến bay vào vũ trụ đã chứng minh rằng, sự thật trái ngược hẳn hoàn toàn. Một trong những khó khăn mà các phi công vũ trụ phải chống chọi đó là cái trạng thái không trọng lượng ấy nó tác động rất rõ rệt đến cơ thể cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý.

        Trong cuốn sách "Cuộc tấn công vào trạng thái không trọng lượng" của Thiếu tướng, phi công vũ trụ P.Climuc đã kể về trạng thái ấy như sau:

        "...Tất cả những khúc ruột của tôi đều như bị dồn lên phía trước và hình như còn dồn cao lên nữa. Tôi có cảm giác như đi máy bay bị "hẫng" khi máy bay lọt vào những "ổ gà" trong không khí. Có điều, ở trên máy bay thì cảm giác này vụt qua khá nhanh, còn trong tàu vũ trụ thì nó cứ đọng lại, kéo dài mãi trong cuống họng. Mặc dù đã được học, được tập nhiều lần trên mặt đất, nắm khá vững trên lý thuyết rằng đó chỉ là trạng thái không trọng lượng, tôi vẫn không sao dứt bỏ được ý nghĩ lởn vởn cho rằng có khi đây không phải là trạng thái không trọng lượng, mà là một cái gì đó không ổn đang xảy ra. Tôi nhìn thấy thân hình tôi, nhưng tôi tuyệt đối không cảm thấy nó, mà lại có cảm giác như là tôi hoàn toàn không có thể xác, không có ai ngồi trong cái ghế nữa mà rõ ràng là tôi đang ngồi. Hình như chỉ còn lại lý trí đứng ở bên cạnh, đang quan sát những động tác vụng về của tôi, còn thể xác của tôi thì hình như đang tìm kiếm một cách yếu ớt một chỗ dựa vững chắc ở dưới chân, muốn được thấy sức nặng của xương thịt và các cơ bắp trở lại. Sau khi, bằng những ngón tay vụng về, không có sức nặng, đã tháo được những nai nịt, tôi chỉ mới khẽ nhổm dậy trên ghế mà đã suýt đụng cái đầu nặng như chì vào bạn đồng hành của tôi là đồng chí kỹ sư vũ trụ..."
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:07:36 pm »


        Trong thực tế, mỗi phi công vũ trụ thích nghi với trạng thái không trọng lượng một cách khác nhau, nhưng tựu trung lại, cách nào cũng chỉ bao gồm những cảm giác khó chịu. Ví dụ như G.Titôp có cảm giác như đầu đảo lộn ngược, G.Bêrêgôvôi thì vừa nhắm mắt lại đã có cảm giác như mình đang lộn nhào liên tục về phía sau, còn A.Đôbrôvônxki thì có cảm giác như đầu lìa khỏi cổ, bụng dán sát vào lưng... Không một ai là người không có cảm giác hình như có một sức mạnh vô hình ở phía ngoài đang đu đưa mình.

        Nữ phi công vũ trụ Têrêxcôva trong ngày bay thứ hai, tuy chủ quan thấy bình thường, nhưng đã ghi được các vận động mắt giảm đi, có biểu hiện giống như lác mắt.

        Ba phi công vũ trụ của Mỹ bay trong kế hoạch Apôlô 15,16,17 cũng cảm thấy bay lộn ngược...

        Và Phạm Tuân cũng cho hay:

        -  Sau khi tầng 3 của tên lửa tách khỏi con tàu, cùng lúc đó tôi được tận hưởng cái gọi là "không trọng lượng". Mấy giây đầu tiên cảm giác thấy người đang trong tư thế lộn ngược (đầu chúc xuống đất). Rồi đến quá trình không trọng lượng kéo dài. Sau 4 đến 6 giờ, bắt đầu có cảm giác dồn máu lên nửa thân trên, nhất là đầu, mặt cảm thấy nóng hơn, đỏ dần và "béo" ra rất nhanh. Đến gần một ngày, khi con tàu lắp ghép với trạm "Chào mừng-6", lúc đó cũng là lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, khả năng cơ động giảm đi, phản xạ chậm hơn, cơ quan vị giác sút kém, ăn không ngon, uống chè, cà phê không thấy có cảm giác thơm và thậm chí không muốn uống. Có những lúc cảm thấy ruột gan cứ nâng lên, ép vào lồng ngực rồi buồn nôn và đã bị nôn nhưng không có cảm giác sai, khả năng làm việc giảm hơn. Tình trạng này kéo dài gần một ngày (ngày thứ hai của chuyến bay). Sau một đêm ngủ say sưa, tất cả trở lại gần như bình thường và mọi cảm giác, mọi hoạt động giống như trong điều kiện ở mặt đất... Có người hỏi tôi là: "Việc rối loạn tiền đình khi bay trên máy bay MIG và khi bay trên vũ trụ có gì khác nhau?". Có thể nói thế này: hệ thống tiền đình là cơ quan quan trọng định vị trạng thái con người trong không gian, khi hoạt động ở dưới đất nó quen xử lý các thông tin như tốc độ di chuyển, quay đầu theo mặt phẳng ngang, mặt phẳng thẳng đứng với tốc độ quay nhất định, lượng máu đủ cung cấp cho bộ não. Khi bay vũ trụ với tốc độ bằng 7,92 km/s, trong trạng thái không trọng lượng, máu dồn lên não nhiều hơn, con người lại luôn quay theo nhiều chiều... tất cả những yếu tố đó làm cho tiền đình rối loạn. Nó cũng giống như máy tính khi nguồn thông tin đầu vào quá tải thì nó không thể xử lý được. Khi bị rối loạn tiền đình, cảm giác của mỗi người đều khác nhau: có người thấy nghiêng nghiêng, có người thấy trời đất quay cuồng, có người lại thấy đầu lộn ngược, nói chung là trong điều kiện "không điều khiển"... Trên máy bay, khi cần phi công có thể điều khiển thay đổi trạng thái máy bay, làm các động tác điều chỉnh vị trí ngồi là có thể khắc phục, nhưng trong vũ trụ thì không thể làm thế được, hơn nữa nó lại là khoảng thời gian dài nên chịu đựng nó cũng không phải là dễ dàng gì. Trong vũ trụ, phần lớn thời gian con tàu bay trong trạng thái tự do, lúc thì đầu đi trước, lúc thì đuôi lại đi trước và cứ quay đều đều giống như con thuyền không có người chèo lái ngoài biển khơi vậy và trong con tàu đang quay ấy phi công lại quay ngược quay xuôi vì vậy dễ dẫn đến rối loạn tiền đình.

        Còn người chỉ huy con tàu "Liên hợp-37" là Gorbatcô, người đã từng ba lần bay vào vũ trụ thì nói:

        -  Tôi muốn nói rằng, đối với bất cứ một người nào lần đầu lên vũ trụ, trạng thái không trọng lượng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Ở mặt đất, người ta không phải trải qua và không phải chịu đựng trạng thái đó. Phạm Tuân làm quen với trạng thái không trọng lưọng rất nhanh. Ngày đầu, Tuân hoàn thành công việc rất chính xác. Ngày thứ hai, có biểu hiện bị ảnh hưởng không trọng lượng, sức làm việc giảm sút một chút, ăn kém ngon nhưng sau một đêm, Phạm Tuân đã trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện tốt các công việc theo kế hoạch..."

        Trong "Báo cáo tình hình sức khỏe phi công nghiên cứu vũ trụ Phạm Tuân trước, trong và sau chuyến bay vũ trụ Xô - Việt..." của Bệnh viện Không quân cũng có ghi: "Riêng về cảm giác thăng bằng, trên tàu vũ trụ, Phạm Tuân có cảm giác đầu dốc ngược, các phủ tạng như dồn lên trên. Anh có cảm giác khó chịu rồi buồn nôn và nôn một lần. Anh không muốn ăn, nhưng anh không có cảm giác sai. Hiện tượng say tầu chỉ kéo dài một ngày rưỡi hai ngày ở trên Trạm quỹ đạo...

        Phạm Tuân đã thực hiện đầy đủ các chương trình công tác giao cho anh trên con tàu vũ trụ. Anh duy trì được hiệu suất công tác. Sinh hoạt, ăn ngủ bình thường, không có khó khăn, rối loạn gì trong nhịp điệu sinh hoạt. Phản ứng duy nhất của Phạm Tuân là một ít phản ứng của tiền đình, nhưng đến ngày thứ ba trên vũ trụ thì những phản ứng đó cũng mất dần đi..."


        Vậy là Phạm Tuân đã vượt qua được "cửa ải" đầu tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:11:42 pm »


        Vào thời kỳ Gorbatcô và Phạm Tuân lên vũ trụ, việc liên lạc giữa con tàu với Trung tâm điều hành rất khó khăn. Chỉ khi nào bay gần đến không vực của Matxcơva thì mới nối được liên lạc và đấy gọi là một "phiên liên lạc". Có phiên kéo dài mấy chục phút nhưng cũng có phiên chỉ tính bằng giây.

        Cả quá trình bay giữa hai phiên liên lạc, hai phi công vũ trụ thực hiện nhiệm vụ của mình gần như hoàn toàn độc lập.

        Phạm Tuân hồi tưởng:

        -  Sau khi tách khỏi tên lửa, tàu "Liên hợp-37" bay tự do 4 vòng trong quỹ đạo thấp. Chúng tôi vẫn mặc nguyên bộ áo giáp, nằm trong ghế để kiểm tra tình trạng của con tàu, đặc biệt là kiểm tra độ kín của con tàu. Trạng thái không trọng lượng bắt đầu ngấm dần vào người tôi - mặt thấy nóng, người thấy nao nao, nhìn qua cửa sổ nhỏ lúc thấy trời lúc thấy đất... nhưng chưa nhận rõ mình đang ỏ đâu. Con tàu quay, người quay... Cứ thế, thời gian chậm chạp trôi qua. Sau vòng thứ tư, khi kiểm tra thấy con tàu bình thường, chúng tôi nhận được lệnh ra khỏi ghế, sang khoang "hậu cần" để thay quần áo, nghỉ ngơi và ăn V bữa điểm tâm đầu tiên trong vũ trụ. Trong khoang tàu nhỏ, hai thầy trò vừa nhâm nhi mẩu bánh, uống tuýp súp và quan sát vũ trụ bao la... Lúc này tôi mới thấy được hình ảnh của Trái đất một cách đầy đủ. Con tàu lướt nhanh qua đại dương, qua châu Phi, châu Mỹ rồi về châu Á... Có lúc tôi thấy quê hương mình đang ở phía dưới, nhưng chỉ tiếc là phạm vi quan sát hẹp nên không nhìn rõ được.

        Sau vài vòng nghỉ ngơi, đội bay lại chuẩn bị cho công việc tiếp theo là cơ động nâng độ cao lên quỹ đạo trung gian, chuẩn bị cho lắp ghép. Chúng tôi lại chui vào bộ quần áo giáp, ngồi vào ghế, đóng kín cửa thông phòng. Con tàu được điều khiển bay theo hướng của quỹ đạo bay để mở động cơ tăng tốc độ. Lần đầu tiên trong vũ trụ, tôi chứng kiến động cơ làm việc, hầu như không nghe thấy tiếng động, chỉ thấy con tàu quay theo hướng điều khiển. Đang quay bỗng dưng con tàu dừng lại. Hai thầy trò nhìn nhau. Xác định lại thì thây động cơ không làm việc. Quá bất ngờ. Tôi hơi lo lắng. Ông Gorbatcô thì phẩy tay và bảo: "Tắt tất cả các hệ thống, chờ đến phiên liên lạc sẽ báo cáo!".

        Trước chuyến bay của chúng tôi, đội bay của Bungari - Liên Xô đã xảy ra bất trắc và lắp ghép không thành công. Đội bay phải quay về hạ cánh. Tôi trực tiếp được nghe phi công Bungari kể kể lại quá trình hạ cánh khẩn cấp. Hình ảnh con tàu vừa rơi vừa quay với quá tải lúc đó tới gần 20G - một sức nặng kinh khủng đè lên người có lúc gần như không thở được mà thấy kinh hoàng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ tương lai của mình cũng như vậy... Hai thầy trò nằm chờ và chuẩn bị báo cáo. Tới phiên liên lạc, chúng tôi báo cáo về trung tâm chỉ huy tình trạng con tàu. Trung tâm nhận báo cáo và hướng dẫn chúng tôi xử lý. Lần cơ động tiếp theo, con tàu ngoan ngoãn tuân theo sự điều khiển của chúng tôi và Trung tâm chỉ huy. Bay ở quỹ đạo trung gian hơn 300 km, thầy trò lại nghỉ ngơi, kiểm tra con tàu chuẩn bị cho lắp ghép - một giai đoạn quan trọng nhất, khó khăn nhất và đầy nguy hiểm của chuyến bay.

        Việc lắp ghép tàu "Liên hợp-37" với Trạm "Chào mừng-6" được tiến hành ở vòng thứ 17 của hành trình bay. Vào lúc 23 giờ 02 phút ngày 24-7-1980 theo giờ Matxcơva, tàu "Liên hợp-37" đã tiến hành lắp ghép với tổ hợp quỹ đạo "Chào mừng-6 - Liên hợp-36" (Xaliut-6 - Soyuz-36).

        Khi tiến hành lắp ghép, việc xác định cự ly và tốc độ tiếp cận là vô cùng quan trọng. Tôi sẽ trình bày sau.

        Sau khi lắp ghép xong, Trạm "Chào mừng" cùng tàu "Liên hợp" vẫn phải bay thêm 2 vòng nữa để kiểm tra xem các khóa chốt đã đóng chắc chắn chưa, rồi áp suất của con tàu ra sao... Mọi quy trình thấy đã đảm bảo thì mới được mở cửa thông sang "tàu mẹ" - Trạm "Chào mừng-6".


Trạm Chào mừng-6 trên quỳ đao.
   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:15:32 pm »


        Trong lúc chờ mở cửa, cả hai phía đều trong tâm trạng hồi hộp. Pôpôp và Riumin muốn được đón khách từ mặt đất lên để được nghe thêm nhiều thông tin từ mặt đất. Gorbatcô cùng Phạm Tuân thì mong gặp bạn và mong được sang vị trí làm việc. Thi thoảng lại gõ cửa thăm hỏi nhau.

        Giờ phút mở cửa thông hai con tàu thật thiêng liêng. Phạm Tuân được giao nhiệm vụ kiểm tra cân bằng áp suất và mỏ cửa tàu "Liên hợp", còn Pôpôp mở cửa Trạm "Chào mừng". Cửa vừa mở, Phạm Tuân đã thấy lẵng hoa cùng bánh mì đang từ từ trôi theo sau là Pôpôp và Riumin với khuôn mặt rạng rỡ. Hai đội bay ôm nhau thắm thiết. Một cuộc gặp gõ đại diện hai quốc gia trong vũ trụ mang tính lịch sử...


Trên Trạm Chào mừng-6 cuộc gặp mặt của các phi công vũ trụ Riumin, Phạm Tuân và Gorbatcô

        Sau phần thủ tục gặp gỡ ngắn gọn, nhưng rất cảm động thì đội bay nhanh chóng triển khai công việc. Động tác đầu tiên là Phạm Tuân phải tập "bơi" trong con tàu. Chẳng là khi ở con tàu nhỏ trong điều kiện không trọng lượng, phi công cứ bám vào thành tàu để di chuyển, khi sang con tàu lớn, muốn di chuyển thì phải "bơi". Nếu lấy đà không chuẩn, lỡ chân đẩy mạnh, người trôi nhanh có thể húc vào thành tàu phía đối diện chẳng nhẹ nhàng chút nào. Phạm Tuân được Gorbatcô hướng dẫn "bơi" lên "bơi" xuống, sang phải sang trái. Cái cảm giác lâng lâng và ngoạn mục ấy Tuân còn nhớ mãi đến tận bây giờ. Tiếp đó, Phạm Tuân được chủ nhà Pôpôp dẫn đi giới thiệu ngôi nhà vũ trụ, hướng dẫn tỉ mỉ từng vị trí làm việc, phòng tắm, nơi sinh hoạt... rồi lên tận ngách trên cùng và cũng hơi kín đáo hơn. Phạm Tuân thấy các phi công trước đã mang lên bao nhiêu tranh ảnh, trong đó có những bức tranh các cô gái xinh đẹp khỏa thân. Có lẽ trong vũ trụ cô đơn cũng cần "hoa lá" một chút... Sau đó, Gorbatcô và Phạm Tuân chuyển các dụng cụ thí nghiệm, các tài liệu và lương thực từ tàu "Liên hợp-37" sang Trạm "Chào mừng". Công việc xong xuôi thì cũng vừa vặn đến giờ ăn tối. Valêri Riumin và Lêônhit Pôpôp với cương vị là chủ nhà bắt đầu triển khai bàn ăn. Mọi người mang thực phẩm "tươi" ra. Phạm Tuân lúng túng vì tất cả mọi thứ cứ bay rối bời lên: Các phi công vũ trụ Liên Xô phải hướng dẫn cho Phạm Tuân cách sắp xếp, cách chằng buộc, cách dán thế nào để bàn ăn được ngay ngắn. Khi tất cả ngồi vào vị trí xong thì Gorbatcô nói:

        - Phạm Tuân, đưa quyển sách thứ 5 ra đây!

        Phạm Tuân lấy cuốn sách thứ 5 đưa ra. Đấy là cuốn sách to dày tương tự như cuốn sách trong tuyển tập Lênin ấy. "Cuốn sách" ấy giống như sách nhưng không phải sách mà là... bình rượu vôt ca "cải trang" mang theo để góp vui trong cuộc hội ngộ giữa vũ trụ mênh mông.

        Mọi người tươi cười, có 3 phi công Liên Xô với 1 Việt Nam mà Phạm Tuân lại là người bay lần đầu nên được ưu tiên uống trước.
Nếu như ở dưới mặt đất thì chuyện uống rượu là lẽ thường tình, chỉ cần vặn nắp chai ra, đưa lên miệng tu "ực" một cái là xong, nhưng trên con tàu vũ trụ với tình trạng không trọng lượng thì không thể làm thế được. Phạm Tuân hý hoáy mất một lúc mà vẫn không sao uống được, đành hỏi:

        - Trên tàu mình có cái ống hút nào không?

        - Cậu học bay mà lại chưa học uống à? - Tất cả cười rộ lên.

        Đúng, trên tàu vũ trụ ai lại đi mang ống hút như để hút nước mía đá hay hút sữa hộp làm gì.

        Rồi Phạm Tuân cũng được "dạy" cách uống: ấy là ngậm bình rượu vào miệng, cho người bay lên trên nóc con tàu rồi dùng tay đẩy cả người và bình rượu đi xuống, tức thì rượu sẽ bay lên theo định luật quán tính, cứ thế mà uống thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:16:47 pm »


        Tuân đã thực hiện cách uống lần đầu tiên như thế. Sau Phạm Tuân là đến lượt Vichtor Gorbatcô. Tuân ấn thêm cho Gorbatcô hai cái liền. Tôi đồ chừng đấy phải là hai ngụm to lắm vì cho mãi đến tận sau này, Gorbatcô vẫn nhắc tới cái cú ấn thêm ấy...

        Bữa ăn đầu tiên, Phạm Tuân được các bạn Nga hướng dẫn và biểu diễn đủ trò: ngồi ăn, nằm ăn rồi chúi đầu vào nhau cùng ăn - nghĩa là các trạng thái thưởng thức ẩm thực trong vũ trụ. Tuân nói vui: giá mà ở dưới đất liên hoan đông người được trong điều kiện "không trọng lượng" thì thật tuyệt vời...

        Trong khoang buồng lái con tàu rộng chừng 20 m2, bốn phi công vũ trụ: Riumin, Pôpôp, Gorbatcô và Phạm Tuân đã hoàn tất buổi gặp mặt vui vẻ như vậy.

        Các ngày tiếp theo, hai đội bay làm việc theo chương trình của mình trong Trạm quỹ đạo. các thử nghiệm bao gồm thí nghiệm vật lý và công nghệ vũ trụ (gồm thí nghiệm "Hồ quang", thí nghiệm "Phân cực", thí nghiệm "Hạ Long-1", thí nghiệm "Hạ Long-2", thí nghiệm "Mô phỏng"), rồi các thí nghiệm sinh - y học vũ trụ (gồm thí nghiệm "Vấn đáp", thí nghiệm "Người thao tác", thí nghiệm "Giải trí", thí nghiệm "Cảm thụ quan", thí nghiệm "Thính giác", thí nghiệm "Vị giác", thí nghiệm "Ôxy", thí nghiệm "Trao đổi nhiệt", thí nghiệm "Hô hấp", thí nghiệm "Bèo dâu", rồi đến các thí nghiệm điều tra tài nguyên thiên nhiên từ vũ trụ như thí nghiệm "Tài nguyên thiên nhiên", thí nghiệm "Cửu Long", thí nghiệm "Sinh quyển C"...) rồi theo dõi sự phát triển của thực vật ở môi trường hấp dẫn ' yếu, tách hợp kim thành đơn kim, quan sát đánh dấu các hành tinh, các vì sao, chụp ảnh Trái đất...

        Những thí nghiệm được đặt tên như vậy là mang tính cách mã hóa các đề tài thí nghiệm.

        24 thí nghiệm trên con tàu góp phần cho phép hiểu tốt hơn về hành tinh chúng ta như một vật thể của vũ trụ, và điều chính nhất, theo dõi những quá trình phức tạp liên quan chặt chẽ với nhau như quá trình thiên nhiên và quá trình nhân chủng học chẳng hạn. Hiện nay, khi vấn đề bảo vệ môi trường sống - nói một cách khác là bảo vệ sự cân bằng của thiên nhiên trên hành tinh được đề cao thì điều đó càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

        Có thể vẫn còn có nhiều người thắc mắc với câu hỏi: "Người ta bay vào vũ trụ để làm gì cho thêm tốn kém trong khi ta có thể nghiên cứu nó từ dưới mặt đất?". Vậy tôi có thể mạo muội trình bày: trước đây ta dùng quang học - vô tuyến, nay thì đã có công nghiệp Hàng không Vũ trụ giúp ta nhìn ra thế giới các vì sao được sâu rộng hơn. Bước ngoặt quan trọng trong vật lý thiên văn được đánh dấu bằng việc mang máy đo ra ngoài tầng khí quyển, chưa kể đến thông tin từ các chuyến bay tới các hành tinh khác, các kính thiên văn, các máy đo đặt trên các Trạm vũ trụ cho chúng ta có được thông tin và hiểu toàn diện hơn thế giới các vì sao. Các chuyến bay vũ trụ đã làm thay đổi tận gốc những khái niệm của chúng ta về những hành tinh khác như sao Kim, sao Hỏa... Chúng ta cũng có dịp hiểu tốt hơn hành tinh của mình trong quá khứ và có thể cố gắng dự đoán được tương lai của nó. Trước đây, khi chưa có những chuyến bay thăm dò vũ trụ, người ta nghĩ rằng sao Kim và Trái đất là chị em trên bầu trời vì kích thước của chúng bằng nhau, nhưng hóa ra thế giới sao Kim khác hẳn: nhiệt độ bề mặt sao Kim là 500°c, áp suất khí quyển là 100 mm/Hg, bầu khí quyển được tạo ra từ cacbon điôxit (khí than). Điều kiện ban đầu của sao Kim giống như Trái đất nhưng sự phát triển của sao Kim theo hướng khác, do vậy sự sống không thể xuất hiện. Trên Trái đất, con người đã làm biến đổi khí hậu, làm thành phần cacbon điôxit tăng dần và từ đó một câu hỏi được đặt ra là liệu hành tinh của chúng ta có trở lại trạng thái của sao Kim không? Tuy nhiên, những yếu tố nhân chủng học tác động yếu hơn những yếu tố tự nhiên rất nhiều, nhưng biết đâu, những nhân tố ấy lại là cơ chế đặc biệt của những hậu quả nghiêm trọng?

        Kỹ thuật vũ trụ đem lại cho chúng ta sự nghiên cứu Trái đất một cách tổng thể. Từ độ cao vũ trụ sẽ nhìn được khái quát bề mặt của Trái đất, đáp ứng thuận tiện nhiều nhu câu của con người như nhu cầu về sản xuất nông nghiệp, nghề rừng, nghề cá... tìm kiếm khoáng sản quỷ, lập bản đồ dự báo thời tiết, báo bão... và nhiều lĩnh vực khác nữa.

        Khi con tàu bay quanh vũ trụ, bằng quan sát và qua máy móc có thể nhanh chóng phát hiện được sự thay đổi màu sắc của đồng ruộng, rừng núi... Từ đó dự đoán được việc thừa thiếu nước, sâu hạn... hay quan sát phát hiện ra các vùng có cá đàn thì dẫn dắt tàu đến đánh bắt, hoặc quan sát các mối đứt gãy của các dãy núi để kết hợp với chụp ảnh Hàng không và dưới đất để phát hiện các loại mỏ quý...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:18:23 pm »


        Với điều kiện không trọng lượng, ở tầng bình lưu, áp suất không khí gần như bằng không (0) thì có thể sử dụng như môi trường công nghệ đặc biệt để sản xuất hàng loạt vật liệu đặc biệt mà trên mặt đất khó hoặc không thể thực hiện được, đó là tạo ra những đơn tinh thể quý giành cho điện tử, như các loại kính đặc biệt dùng cho quang học hiện đại được trộn đều các chất độn đặc biệt, đó là những hợp kim khác nhau và các nguyên liệu khác. Ngoài sản xuất các vật liệu kỹ thuật, công nghệ vũ trụ còn sản xuất ra các chế phẩm y học. Như ta đã biết, các phản ứng phụ của thuốc đang phát triển mạnh. Điều đó không phải do bản chất của chế phẩm thuốc gây ra mà do có các tạp chất lẫn trong đó. Trong điều kiện không trọng lượng, có thể chế ra các chế phẩm nguyên chất, hơn nữa dễ dàng tán nhỏ các chế phẩm, nghĩa là những lượng nhỏ nhất cũng có tác dụng chữa bệnh.

        Một trong những hướng phát triển Hàng không Vũ trụ là tạo ra những nhà máy sản xuất năng lượng Mặt trời - đó là nguồn nhiên liệu vĩnh cửu, nó chỉ hết khi Mặt trời tắt và nó là nguồn năng lượng thuần khiết không cần những nguyên liệu phụ. về lâu dài, người ta đã nghĩ đến việc sản xuất các trạm phát điện trên quỹ đạo, lấy năng lượng Mặt trời truyền về Trái đất.

        Một điều quan trọng nữa là con người mới đặt chân vào vũ trụ, môi trường sống hoàn toàn mới lạ. Mỗi chuyến bay người ta đều thử nghiệm xem sức chịu đựng, sự làm quen với vũ trụ thế nào, các thay đổi của môi trường không trọng lượng tác động lên các cơ quan ra sao. Đấy cũng là một thí nghiệm cùng với nó để cấu tạo môi trường trong con tàu song hành với con người là việc trồng cấy các cây, con...

        Với các lĩnh vực nghiên cứu được xác định, đội bay Xô - Việt thực hiện 24 thí nghiệm của các nhà khoa học Việt Nam và các nước. Tôi có thể giúp các bạn đọc hiểu thêm một chút về các thí nghiệm trên tàu vũ trụ:

        Thí dụ thí nghiệm "Hạ Long-1" là thí nghiệm trong lĩnh vực vật lý chất rắn nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của trạng thái không trọng lượng đối với tinh chất và quá trình chế tạo vật liệu bán dẫn. Đội bay đã sử dụng thiết bị "Tinh thể" trên trạm "Chào mừng" để tiến hành nuôi đơn tinh thể bán dẫn phát quang gọi là phôtpho gali và các đơn tinh thể bán dẫn nhiệt điện hệ bitmut-telua-seleni và bitmut- antimun-telua. Từ những thí nghiệm ấy có thể tìm ra những biện pháp hoàn thiện công nghệ chế tạo các vật liệu bán dẫn dùng để chế tạo các linh kiện điện tử đặc biệt - một vấn đề quan trọng trong công nghệ bán dẫn. Đội bay còn thực hiện các thí nghiệm "mô phỏng" nhằm tìm hiểu sự phân bố nhiệt độ trong lò "tinh thể" ở điều kiện không trọng lượng và cũng tiến hành nghiên cứu bức xạ của mặt trời cùng hệ thống của chúng đối với các lớp khí quyển.

        Vận dụng các phương pháp viễn thám để đánh giá tài nguyên mặt đất từ vũ trụ - đây là lần đầu tiên việc điều tra tài nguyên mặt đất được thực hiện ở 3 tầng: tầng mặt đất, tầng hàng không và tầng vũ trụ mà quan sát trực tiếp bằng mắt thường, vừa chụp phổ vừa chụp ảnh với những phương tiện hiện đại nhất, kể cả máy chụp MKF-6M (của Cộng hòa Dân chủ Đức). Đồng thời, đội bay còn có nhiệm vụ quan sát một số hiện tượng đặc biệt về kiến tạo và cấu tạo địa chất trên lãnh thổ chúng ta mà ở trên mặt đất hoặc trên máy bay không có điều kiện thực hiện, qua đó xác định điều kiện và nguồn gốc hình thành các loại khoáng sản.

        Thí nghiệm "Hồ quang" nhằm nghiên cứu một số hiện tượng xảy ra ở lớp khí quyển tầng trên, thí nghiệm về sự phân cực của ánh sáng Mặt trời khi đi qua lớp khí quyển.

        Chuyến bay này cũng là một dịp thử thách đối với sức chịu đựng của người Việt Nam trong các điều kiện cực đoan như tăng giảm trọng lượng - gia tốc trong quá trình phóng con tàu lên và khi về Trái đất, ảnh hưởng của nó đến hoạt động của con người.

        Về y sinh học vũ trụ, đội bay tiến hành các thí nghiệm thao tác, cảm thụ quan, thính giác, vị giác, sự trao đổi nhiệt, sự điều hòa Ôxy trong cơ thể, khả năng làm việc của bộ máy hô hấp... Trong chuyến bay còn thực hiện đề tài sinh học, nghiên cứu sự phát triển của một số loại thực vật họ đậu trong vũ trụ và đặc biệt có thí nghiệm nghiên cứu bèo hoa dâu.

        Có lần tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Này, cái chuyện bèo dâu mà anh "cõng" lên vũ trụ thế nào?

        Phạm Tuân cười:

        - Tôi đúng là mang tiếng về cái "phi vụ" này thật. Có người còn giễu tôi là: "Ông nhân giống nó sinh sản được mấy mẫu rồi?". Một phần cũng bởi các nhà báo trước đây tuyên truyền chưa hết lý hết lẽ, cứ nghĩ quê Thái Bình là đất bèo dâu, tôi đem nó lên rồi mang nó về nhân giống nó. Đâu có phải như thế!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2018, 05:19:18 pm »


           Đã từ nhiều năm, ngoài việc nghiên cứu tác động của vũ trụ đối với cơ thể sống thì các nhà khoa học Liên Xô đã đưa một số đối tượng thực vật lên vũ trụ, như các loại ngũ cốc, lúa mì, đậu tương... để nghiên cứu xem quá trình sinh trưởng và phát triển thực vật thay đổi thế nào trong điều kiện vũ trụ, xem bức xạ vũ trụ có thể gây những đột biến đối vợi các loại cây ra sao... Nếu có những chuyến bay dài ngày trong vũ trụ thì phải tạo một hệ sinh thái vũ trụ trong phòng kín để tái sinh vật chất theo một vòng khép kín. Trong hệ này, các chất thải phải được xử lý thế nào cho hợp lý để được sử dụng lại. Trong buồng hẹp của con tàu vũ trụ không thể đưa nhiều nước, nhiều thức ăn lên đó được. Do đó, người ta phải nghĩ đến vấn đề trồng trọt để cung cấp chất dinh dưỡng cho con người ngay trong chuyến bay. Người ta đã nghiên cứu đến hàng trăm họ thực vật để tìm ra loại thực vật mà người ta gọi là thực vật vũ trụ, tức là loại thực vật đáp ứng được những yêu cầu trong vũ trụ. Những yêu cầu độ như hệ số sử dụng của thực vật đó phải cao, phải dùng được cả lá, thân, củ, rễ..., đồng thời nó phải có quá trình sinh trưởng không dài và trong quá trình sinh trưởng, phát triển của nó, bản thân nó không tiết ra chất độc đối với cơ thể con người. Sau một thời gian nghiên cứu thì các nhà khoa học đã tìm ra cây khoai lang và người ta đã gọi cây khoai lang là một thứ "thực vật vũ trụ". Chúng ta chọn bèo hoa dâu để thí nghiệm vì nó là một vật thủy sinh, thủy dương xỉ sống cộng sinh với tảo lam. Tảo lam sống cộng sinh dưới bộ rễ giúp cho bèo có khả năng cố định đạm tự do. Bèo hoa dâu được dùng rất phổ biến trong nông nghiệp ở miền Bắc. Trong bèo hoa dâu có chứa đến 35-40% chất đạm tính theo trọng lượng khô. Xu hướng hiện nay của nhiều nước là tìm cách tạo khả năng cố định đạm cho nhiều loại cây khác nhau. Nếu được nhu vậy thì sẽ bớt đi lượng lớn phân bón vừa giúp đạt năng suất cao lại vừa tránh ô nhiễm trong đất. Đó là một hướng rất mới, rất kinh tế của các nhà sinh vật học.

        Bèo hoa dâu có đặc điểm quý như vậy nên các nhà khoa học nước ta mới đề xuất để thử nghiệm loại thực vật có khả năng cố định đạm từ khí trời sẽ có thay đổi gì về khả năng này đồng thời với khả năng quang hợp trong vũ trụ. Bèo dâu sinh sản nhanh, cung cấp đạm, vitamin, các acid amin không thay thế... rất sẽ có thể dùng làm thức ăn cho con người trong thời gian lâu dài trong vũ trụ...

        Nếu kể tất cả các thí nghiệm trên chuyến bay thì sẽ rất dài nên trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi xin mạn phép không kể thêm nữa. Nhìn chung, những đề tài nghiên cứu thí nghiệm được đặt ra và chuyến bay Xô - Việt đã thực hiện với nội dung phong phú có tính hệ thống của chương trình Intercôsmôt. Đội bay lại còn nhận làm thêm ngoài giờ với một số thí nghiệm cho các nhà khoa học của các nước, trong đó có thí nghiệm của các nhà khoa học Mông cổ: đo sự liên quan giữa các "huyệt" trên vành tai và các "huyệt" ở lòng bàn chân. Có lẽ, đây là thí nghiệm liên quan đến y học cổ truyền Phương Đông. Dù thời gian ngắn, lại ở lĩnh vực mới nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã phối hợp với các nhà khoa học trong chương trình Intercôsmôt chuẩn bị một loạt các thí nghiệm khá phong phú và chúng ta đã có cơ hội tiếp xúc và nghiên cứu một lĩnh vực mới - khoa học vũ trụ.

        Khi nhắc lại câu hỏi: "Ta bay vào vũ trụ để làm gì?" thì một lần nữa tôi lại nhớ đến ngôi nhà nhỏ bình dị nằm trên bờ sông Oca ở Caluga. Cồnxtantin Xiôncôpxki - thiên tài vĩ đại đã sống và làm việc ở đấy trong thời gian cuối cùng của đời mình. Khi ấy, ông chưa được ai thừa nhận là người đầu tiên đã chỉ ra cho nhân loại con đường lên các vì sao. Trong các tác phẩm, ông đã nêu ra những cơ sở khoa học của khoa học vũ trụ, một ngành khoa học đã có những thành công chói lọi mà ngày hôm nay chúng ta đang chào mừng một trong những thành công ấy. Bộ óc sáng suốt của ông không những vạch ra trước những gì người đời sau sẽ thực hiện để đi ra ngoài khí quyển mà còn khẳng định một cách đúng đắn vệ sự cần thiết của việc hợp tác quốc tế trong công cuộc chinh phục vũ trụ. Ông dự đoán đầu năm 2000 sẽ có đội bay quốc tế đầu tiên lên khoảng không bao la ngoài khí quyển của quả đất. Ước mơ của ông đã được thực hiện sớm hơn 40 năm.

        Một thời gian dài, người ta hay dùng cụm từ "nhà du hành vũ trụ", tôi nghĩ như thế chưa chuẩn vì từ "du hành" nghe có vẻ chơi bời lắm. Nếu gọi là "phi công vũ trụ" thì mang tính chất thực tế của công việc hơn. Viện sĩ S.P.Kôrôlep - Tổng công trình sư tài năng có nhiều đóng góp to lớn vào việc chế tạo tên lửa đẩy và tàu vũ trụ của Liên Xô đã nói: "Những ai vào vũ trụ đều không phải để dạo chơi, mà là để làm việc!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:24:10 am »


        Khi bạn ngước nhìn lên bầu trời trong xanh thăm thẳm về ban ngày hay lung linh đầy ánh sao vào ban đêm nếu như không bị màn mây che phủ thì bạn sẽ tự hỏi: trên tít mù tắp kia có những gì nhỉ? Ông Thần Nông ngồi câu ở bờ sông Ngân Hà kia có thực hay không? Tại sao lại lấy ông làm chuẩn cho việc cấy lúa? (Bao giờ ổi rụng, bàng rơi. Thần Nông ngoảnh mặt thì thôi cấy mùa cơ mà). Rồi Ngưu Lang, Chức Nữ hiện giờ ở đâu? Có Ngọc Hoàng hay không, Nam Tào, Bắc Đẩu thế nào và trên Thiên Đình ấy, người ta sống ra sao? Ta có thể đến được đó hay không và đến bằng cách nào?.. Nghĩa là hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi được đặt ra trong đầu bạn... Chinh phục và khai thác không gian mới lạ là đặc tính của loài người. Vì vậy, vào vũ trụ là bước đi tự nhiên, hợp lôgich. Hành tinh của chúng ta chỉ là một phần nhỏ xíu của vũ trụ mênh mông mà thôi. Chính thế, phải tìm hiểu vũ trụ và tất cả các chuyến bay vào vũ trụ đều với mục đích nghiên cứu, khám phá vũ trụ và để sử dụng nó phục vụ cho con người. Những thí nghiệm y sinh vật học nhằm nghiên cứu khả năng sống và làm việc của con người trong vũ trụ. Các chương trình nghiên cứu tài nguyên khoáng sản là các chương trình rất mới mẻ và có giá trị. Rồi còn những chương trình tiến hành các thí nghiệm công nghệ nhằm mục đích tạo những chất, những vật liệu có giá trị phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, ví dụ như trên trạm quỹ đạo "Chào mừng-6", hơn 100 hợp kim của những chất khác nhau đã được luyện trong những lò công nghệ "Tinh thể" và "Hợp kim 0-1" chẳng hạn. Ngay việc chụp ảnh cũng vậy. Phương pháp chụp ảnh từ trên máy bay được tiến hành từ lâu để lập bản đồ, để qua đó nghiên cứu địa chất, cấu trúc địa chất về những dấu hiệu bất thường, những biến đổi đáng kể trong lòng đất, nghiên cứu xây dựng những đường giao thông mới, quy hoạch diện tích trồng trọt, kiểm tra việc sử dụng ruộng đất trồng rừng và thủy lợi... Nếu chụp từ trên máy bay, với diện tích chụp là 10 X 10 km thì từ vũ trụ có thể thu được diện tích 200 X 200 km hay 30 X 300 km. Bay càng cao thì diện tích chụp ảnh càng lớn. Nó giúp cho các nhà khoa học, các nhà địa chất không phải mày mò lặn lội xuyên rừng bạt núi để tìm kiếm, mà có thể đến được ngay nơi cần đến nhờ có điểm đánh dấu trên bản đồ. Tôi thây ngay chuyện đơn giản như Mặt trời mà chúng ta nhìn thấy ngày ngày, trong vũ trụ nó cũng không tồn tại vĩnh viễn. Trong khoảng 4,5 tỉ năm nữa thôi, Mặt trời sẽ đốt hết nguồn hydrogen dự trữ của nó. Khi đó, nó phải bắt đầu "xài" tới helium. Nguồn năng lượng mới này sẽ làm cho lớp bao bên ngoài của Mặt tròi phồng to tới kích thước lớn cỡ 100 lần kích thước hiện nay của nó và sẽ biến nó thành một "ngôi sao kềnh đỏ".

        "Sao kềnh đỏ" tức là ngôi sao đã hết nhiên liệu hydrogen và đốt cháy helium. Sự phun năng lượng do đốt helium làm phồng lớp bao bên ngoài cho tới khi kích thước của nó lớn gấp hàng chục lần ngôi sao ban đầu, vì vậy mới có tên là "kềnh" (hay là khổng lồ). Đồng thời, bề mặt của ngôi sao này cũng lạnh đi làm cho ánh sáng của nó có màu đỏ. "Sao kềnh đỏ" được gọi chính là vì vậy.

        Và Mặt trời trong Thiên Hà của chúng ta - "ngôi sao kềnh đỏ" lúc ấy sẽ thiêu đốt Trái đất chúng ta với nhiệt độ tới 1.200°c. Bầu khí quyển sẽ không còn nữa. Nước biển bay hơi hết. Đất đá sẽ nóng chảy. Rừng sẽ cháy trụi. Không còn sự tồn tại của sự sống. Khi ấy, thế hệ chút chút, chít chít... của chúng ta sẽ phải lên tàu vũ trụ sơ tán tới mép của Hệ Mặt trời, tới những thế giới xa xôi của Hải Vương tinh và Diêm Vương tinh để tránh xa những nanh vuốt của "ngôi sao kềnh đỏ" Mặt trời.

        Rồi khi Mặt trời tắt thì nó sẽ để lại cái xác là một ngôi sao lùn trắng cứ lạnh dần, lạnh dần rồi biến thành sao lùn đen. Đây chính là lúc phải tìm kiếm một nguồn năng lượng khác, một Mặt trời khác.

        Từ lâu, con người vẫn luôn đi tìm các hành tinh khác có sự sống ngoài Trái đất từ những hành tinh trong Hệ Mặt trời như Mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim... để rồi chính có ngày con người sẽ phải sơ tán khỏi Trái đất, duy trì sự sống của mình. Các nghiên cứu về hóa thạch cho biết, đã có nhiều thời kỳ, nhiều loài, nhiều sự sống trên Trái đất đã hoàn toàn biến mất. Và đến khi Mặt trời biến thành "ngôi sao kềnh đỏ" thì các thế hệ sau này của chúng ta chắc chắn sẽ lâm vào cảnh như vậy. Chính vì thế mà con người không hề biết mệt mỏi trong việc chinh phục vũ trụ.

        Khoang điều khiển của tàu vũ trụ rất nhỏ, mà càng nhỏ nhẹ thì càng tốt. Vì vậy, trước đây, với đội bay đầu tiên, người ta chỉ chọn các phi công có tầm cao dưới 1,7 m bởi chiều ngang của con tàu không cho phép người cao lớn hơn ngồi được. Còn với con "tàu mẹ - Chào mừng-6", một yêu cầu cơ bản là xác định khối lượng và trọng lượng của Trạm để đạt được phương án tối ưu - nghĩa là đủ điều kiện để phi công làm việc nhưng trọng lượng phải nhẹ. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới khả năng của tên lửa đẩy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM