Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:14:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2018, 05:50:31 pm »

           
        - Tên sách : Bay vào vũ trụ

        - Tác giả : Nguyễn Công Huy

        - Nhà xuất bản Thanh niên

        - Năm xuất bản : 2018

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2018, 03:38:47 pm »

   
LỜI NÓI ĐẦU

        Nếu như ngày 12-4-1961, Iuri Gagarin là người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ thì ngày 23-7-1980, Phạm Tuân là người đầu tiên của Châu Á đã bay vào vũ trụ cùng với Vichtor Gorbatcô. Tôi gọi Phạm Tuân là Gagarin của Châu Á chắc cũng không bị ghép vào tội ngoa ngôn. Có lẽ, đến thời điểm khi tôi viết những dòng này thì Phạm Tuân cũng là người duy nhất trên đất nước Việt Nam đã nhận được danh hiệu Anh hùng 3 lần: hai lần của Việt Nam (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) và Anh hùng Liên Xô.

        Thường thì trong quá trình đào tạo phi công, nếu ai đó không thể bay được, không đủ điều kiện bay thì sẽ chuyển xuống học kỹ thuật. Riêng Phạm Tuân lại ngược lại - không đủ sức khỏe để học lái máy bay, được cử đi học kỹ thuật rồi từ đội ngũ kỹ thuật lại chuyển lên học bay. Đến khi đi vũ trụ cũng vậy. Việc khám chọn, tuyển lựa để đưa đi đào tạo phi công vũ trụ được thực hiện ở trong nước và khi ấy Phạm Tuân lại đang học ở Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Từ Học viện, Phạm Tuân được chọn đi khám tuyển trong khi danh sách đội bay để đưa đi đào tạo đã được lập từ Việt Nam. Phạm Tuân đã "trúng cử", đã được đi đào tạo và đã trở thành phi công vũ trụ bay chính thức trong chuyến bay trên con tàu vũ trụ "Soyuz-37" (Liên hợp-37).

        Ở Phạm Tuân có những cái điểm cứ "khang khác" như thế và chính những cái "khang khác" ấy đã tạo nên một Phạm Tuân - một Gagarin của Châu Á.

        Tôi muốn kể cho các bạn biết thêm, hiểu thêm về cuộc đời con người có những điểm "khang khác" ấy.

        Chân thành cám ơn các bạn hữu, đồng đội và đặc biệt là các bác sĩ Vũ Khắc Khoan, Dương Trọng Hiệp của Bệnh viện Không quân cùng gia đình phi công vũ trụ Phạm Tuân đã cung cấp những tư liệu quý báu để giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.

        Trong quá trình soạn thảo, có thể còn có những thiếu sót, tôi rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý.

        Trân trọng cảm ơn.

TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2018, 11:29:15 pm »

     

Phi công vù trụ - 3 lần Anh hùng - Trung tướng Phạm Tuân


NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 1980

        Sân bay vũ trụ Baicônua hôm nay hoạt động nhộn nhịp khác ngày thường. Quả tên lửa dài hơn 40 m ngày hôm trước còn nằm dài dưới đất thì hôm nay đã được đặt lên bệ phóng, sừng sững giữa bầu trời sa mạc mênh mông của Kazăcxtan.

        Ngày hôm nay xảy ra sự kiện đặc biệt vì có người phi công vũ trụ đầu tiên của Châu Á sẽ "cưỡi" trên con tàu vũ trụ "Soyuz-37" (Liên hợp-37) bay lên quỹ đạo. Đấy sẽ là Gagarin của Châu Á - Anh hùng Phạm Tuân.

        Cách ngày này không lâu, theo truyền thống của thành phố Ngôi Sao, hai đội bay của Việt Nam đến lăng Lênin viếng người lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, sau đó ra viếng mộ những Người Lính Vô Danh tại Quảng trường Đỏ. Tiếp đến là đặt hoa trước tượng Iuri Gagarin, kính cẩn nghiêng mình trước người đã mở đường cho loài người bay vào vũ trụ rồi vào Bảo tàng của Trung tâm vũ trụ, ở đó có phòng làm việc của Gagarin và ký vào sổ vàng truyền thống.

        Tiếp đó là buổi tiễn đưa các đội bay đến sân bay vũ trụ Baicônua. Cuộc tiễn đưa thật giản dị và đầy tình nghĩa. Các đồng chí lãnh đạo Trung tâm -  Thiếu tướng Nhicôlaep, Lêônôp, Philipchencô... và gần như toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Trung tâm cùng gia đình tập trung tại vườn hoa để tiễn hai đội bay. Phía Việt Nam có đồng chí Đại sứ Tạ Hữu Canh cùng các cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán...

        Phạm Tuân kể:

        - Sau khi nhận những lời chúc tụng và những bó hoa tươi thắm, chúng tôi vẫy chào mọi người rồi lên xe. Ngồi ở tốp xe đi đầu, tôi ngoái nhìn lại phía sau thấy một đoàn xe dài rồng rắn lăn bánh chầm chậm trên con đường nhỏ ra sân bay trông thật hoành tráng và đầy tình cảm. Những xe đó phần lớn là xe riêng của các cán bộ công nhân viên đi tiễn chúng tôi theo nét đẹp truyền thống của Trung tâm này.

        - Thời gian ở sân bay Baicônua, hai đội bay được đi thăm nơi đặt bệ phóng tên lửa, các phòng làm việc, nơi chỉ huy... rồi làm quen với con tàu mình sắp bay. Cùng với nó là việc luyện tập thể lực và kỹ thuật. Hàng ngày, đội bay vẫn vào buồng tập để luyện tập các bài bay từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh, kết thúc là buổi sát hạch để Hội đồng Quốc gia đánh giá kết quả và ra quyết định cuối cùng. Tâm trạng ai cũng lo lắng, nhất là giáo viên lý thuyết. Tôi cảm thấy họ còn lo hơn mình vì kết quả cuối cùng không chỉ quyết định đến số phận của chuyến bay mà về ý nghĩa của nó thì ai cũng hiểu là vượt ra cả ngoài tầm quốc gia, thậm chí ngay cả Gorbatcô cũng có những hồi hộp riêng. Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe. Công việc này đã trở thành nề nếp nên cũng không có gì đáng lo ngại. Chiều chiều, sau buổi tập, thầy trò lại cùng thể thao, rèn sức khỏe bằng cách chạy, nhảy, đu quay, chơi xà đơn xà kép... Các thành viên của đội bay được chăm sóc trong chế độ khá đặc biệt: nơi ở được cách li, hạn chế tiếp xúc, việc ăn uống cũng được tổ chức và kiểm tra chặt chẽ, thậm chí khi xem phim cũng phải ngồi trong một cabin riêng. Vào thời gian tháng Bảy thì vùng sa mạc nóng ghê gớm. Nhiệt độ ban ngày luôn hơn 40°c, nhưng độ ẩm lại thấp nên vào đứng trong bóng râm là thấy mát mẻ ngay. Tất cả đều cố gắng với mục đích duy nhất là hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của chuyến bay...

        Để đào tạo phi công vũ trụ, phía Việt Nam cử hai phi công chiến đấu, từng bay trên loại máy bay MIG-21, từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam, đều đã lập chiến công trong chiến đấu, đó là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2018, 01:46:19 pm »


        Trước khi có quyết định của Hội đồng Quốc gia, cả Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đều không hề biết ai sẽ là người bay chính thức và ai sẽ là dự bị. Trong quá trình học tập, họ đều phải trải qua chương trình học và luyện tập như nhau. Chỉ đến ngày cuối trước khi bay thì mới được thông báo quyết định cụ thể.

        Trước ngày bay, đoàn cán bộ của Hội đồng khoa học cấp quốc gia từ Matxcơva đến để công bố đội bay chính thức. Trong giai đoạn tuyển chọn và kiểm tra tại thành phố Ngôi Sao thì Phạm Tuân đã từng gặp một số người trong Hội đồng ấy. Họ đều là những chuyên gia đầu ngành về y khoa và tâm lý, điều đặc biệt là tuổi họ đều khá cao - đa số đều ở tuổi 60-70, nhất là có một nữ giáo sư đã ở tuổi xấp xỉ 80 rồi.

        Nhìn các vị trong Hội đồng ngồi uống nước ở phòng khách, Phạm Tuân thầm nghĩ không biết trong các vị ấy, ai ủng hộ mình và ai không. Chiều ngày 21-7, giờ phút quyết định đã đến. Phòng họp trang trí rất đơn giản, hai đội bay ngồi trên dãy bàn không có hoa mà chỉ cắm hai lá cờ Việt Nam và Liên Xô nhưng không khí thật trang nghiêm. Vị thư ký Hội đồng đứng ra đọc quyết định. Tất cả im lặng lắng nghe. Sau một loạt các căn cứ của quyết định thì đến danh sách đội bay trên tàu vũ trụ "Liên hợp-37". Khi nghe đến tên Gorbatcô và Phạm Tuân là đội bay chính thức, Bưcôpxki và Bùi Thanh Liêm là đội bay dự bị thì Phạm Tuân như nghẹt thở, tim đập rộn ràng.


Nhận quyết định là đôi bay chính thức.

        Bưcôpxki cùng Bùi Thanh Liêm đứng dậy bắt tay và ôm hôn chúc mừng Gorbatcô và Phạm Tuân. Bấy giờ Phạm Tuân mới thực sự thấy rằng mình đã vượt qua được cửa ải của Hội đồng Quốc gia. Ngay sau đó diễn ra cuộc họp báo ngắn gọn nêu ý nghĩa của chuyến bay và có một số câu hỏi, câu trả lời về công tác chuẩn bị, về những thí nghiệm trên vũ trụ, về tâm trạng của đội bay...

        Phạm Tuân trả lời ngắn gọn và phát biểu cũng ngăn gọn, cám ơn Đảng và nhân dân hai nước, cám ơn các cán bộ công nhân viên của Trung tâm, đặc biệt cám ơn Hội đồng khoa học và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Thực ra, trong quá trình học tập - rèn luyện, Phạm Tuân khá tự tin vào khả năng của mình vì sức khỏe rất ổn định, gần hai năm ở Trung tâm không hề "hắt hơi sổ mũi" lần nào. Mọi cuộc khám nghiệm, kiểm tra y khoa đều vượt qua dễ dàng. Còn việc học hành thì ổn, tất cả các môn học đều đạt điểm cao. Có lần khi gặp các cán bộ và các phi công vũ trụ, Tướng Lêônôp - Phó giám đốc Trung tâm đã phải khen ngợi đội bay của Việt Nam, tuy đến sau với thời gian tập luyện ngắn nhưng đã cố gắng nỗ lực đạt thành tích cao nhất trên tất cả các mặt. Niềm tin ấy càng thôi thúc Phạm Tuân cố gắng rèn luyện, học tập và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

        Ngày 23-7, không khí của trường bắn như nhộn nhịp hơn. Sau khi ăn sáng, đội bay luyện tập nhẹ nhàng. Phạm Tuân tranh thủ xem lại những công việc của mình, đặc biệt là kiểm tra lại trí nhớ với những thứ tự hành động trong giai đoạn chuẩn bị cất cánh: Các cán bộ, chỉ huy, kỹ thuật tập trung hết vào khu vực bệ phóng chuẩn bị cho "giờ G".

        Bữa trưa diễn ra bình thường. Trên đường xuống phòng ăn, một trợ lý kéo tay Phạm Tuân rẽ vào một phòng nhỏ. Khi Phạm Tuân và Gorbatcô bước vào thì thấy đã có mấy cán bộ, sĩ quan ngồi quây quần ở đó rồi, giữa bàn có một chai rượu sâm banh. Khi Phạm Tuân và Gorbatcô ngồi xuống, chai sâm banh lập tức được mở và rót ra các ly. Mọi người nâng cốc chúc đội bay. Đấy gần như là một phong tục, một thể lệ bất thành văn không thể bỏ qua trước lúc lên đường. Đúng lúc đó, Phó Giám đốc Trung tâm bước vào. Ông nói giọng như trách móc:

        -  Đến giờ này rồi mà vẫn còn chúc tụng nhau được cơ à?

        Nói rồi, ông quay gót bước ra ngay. Mọi người đều hiểu rằng đấy không phải là lời trách cứ nên cuộc vui không hề bị gián đoạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2018, 02:00:44 pm »


        Sau bữa ăn, đội bay được nghỉ ngơi đến 2 giờ chiều. Phòng của Phạm Tuân và phòng của Gorbatcô ở cạnh nhau. Chia tay nhau ở hành lang, thầy trò chúc nhau bình an và nghỉ ngơi tốt. Vào phòng, Phạm Tuân nằm trên giường nghĩ miên man quanh vụ phóng con tàu sắp tới rồi bỗng nhiên nhớ đến quê hương, nhớ xóm làng thân yêu, nhớ đến vợ con... và thoáng qua ý nghĩ quả tên lửa nó đẩy mình lên thế nào nhỉ, liệu mình còn có được quay lại để gặp gỡ tất cả hay không... Cứ vẩn vơ như thế một lát rồi Phạm Tuân chìm vào giấc ngủ. Tuân ngủ say tới mức Gorbatcô phải gõ cửa gọi. Phạm Tuân ra mở cửa thì thấy Gorbatcô đã tề chỉnh trong bộ đồ thể thao, râu được cạo sạch sẽ, nhẵn nhụi, tóc chải mượt mà với dáng dấp của người sắp đi xa. Gorbatcô thấy Phạm Tuân vẫn trong bộ quần áo ngủ thì có vẻ không hài lòng nhưng vẫn cười và nói:

        - Lạ thật đây! Tớ bay đến chuyến thứ ba rồi mà cũng vẫn còn trằn trọc, khó ngủ, vậy mà cậu đặt lưng nằm là ngủ say, giỏi thật! Thế có chuẩn bị bay không đấy?

        - Tôi có thói quen ấy từ thời trực ban chiến đấu trong chiến tranh rồi. Kể cả khi ngồi trong buồng lái trực chiến cũng vẫn có thể tranh thủ chợp mắt, thấy pháo hiệu bắn lên là tỉnh dậy, mở máy được ngay. Nếu cứ trằn trọc, không ngủ nghê gì thì lấy đâu ra sức mà đánh nhau!

        - Ừ, để xem cậu sẽ ngủ như thế nào trong vũ trụ!

        Hai người đến phòng chuẩn bị trước khi bay, ở đây họ được tắm rửa sạch sẽ, thông thụt, uống thuốc rồi dùng cồn vô trùng toàn cơ thể, mặc bộ quần áo lót cao không còn nóng hổi... Tất cả nhằm loại bỏ toàn bộ những mầm mong của các loại bệnh tật trước khi bước lên "tàu mẹ" để không lan truyền bệnh tật sang các phi công vũ trụ đã bay lâu ngày trên quỹ đạo vì sức đề kháng của họ có thể bị giảm sút.

        Thực hiện các động tác vệ sinh toàn thân xong thì sang phòng thay quần áo. Vào phòng, Phạm Tuân liếc nhìn Gorbatcô như thầm hỏi điều gì đó. Gorbatcô mỉm cười, gật đầu. Cả hai đều để lại một số tiền trong các túi quần áo của mình và treo vào tủ.

        Khi mặc gần xong bộ quần áo giáp bay thì đồng chí Giám đốc Trung tâm đưa đoàn đại biểu của Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trưởng đoàn đến thăm. Tất cả đứng dậy chào đón đoàn.

        Phạm Tuân nhớ lại:

        - Từ trong phòng kính, tôi thấy có Đại tướng, đồng chí Xuân Thủy, Thượng tướng Nguyễn Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đại sứ... Các cán bộ của Trung tâm có lẽ đang giới thiệu gì đó về bộ quần áo, về sự chuẩn bị của đội bay. Đoàn tiến gần đến chỗ đội bay. Đại tướng tươi cười, ngắm nhìn chúng tôi và cầm micrô để giao nhiệm vụ và chúc mừng đội bay. Tôi thay mặt cho đội bay cám ơn Đại tướng và hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay.


Báo cáo! sằn sàng hoàn thành nhiệm vụ

        Với Đại tướng, các phi công chiến đấu chúng tôi hầu như ai cũng từng được gặp. Riêng tôi, tôi được vinh dự gặp Đại tướng nhiều lần. Cũng chỉ cách đây hơn một năm thôi, Đại tướng đã gặp gỡ và giao nhiệm vụ thực hiện chuyến bay này. Hôm nay lại được Đại tướng tiễn lên đường tôi xúc động thực sự và muốn có cái gì đó để kỷ niệm giây phút lịch sử này, tôi quay lại hỏi đồng chí trợ lý người Nga. Nói rồi tôi tháo chiếc gương đeo trên tay áo bên trái tặng Đại tướng. Đây là chiếc gương để soi khi thắt những nút áo cuối cùng của bộ quần áo giáp. Đại tướng tiếp nhận và mỉm cười. Tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Mọi sự chuẩn bị xong xuôi. Các bác sĩ và kỹ thuật viên dẫn đội bay ra chiếc xe buýt nhỏ, còn đoàn cán bộ, nhân viên và quan khách đi sau cùng hành quân ra bệ phóng. Tôi để ý trong số người tiễn ra bệ phóng không có bóng dáng nào của phụ nữ. Hình như đây là điều "kiêng kỵ" giống như phi công chiến đấu vậy thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2018, 02:02:38 pm »


        Tôi biết, ngành nghề nào cũng có những điều kiêng kỵ riêng, những phong tục riêng bất thành văn mà người ta hay nâng lên, thổi phồng lên trở thành cái gì đó như là "mê tín". Tôi thì tôi không nghĩ vậy, không phải vì cái sự "có kiêng có lành" nhưng mà thật khó giải thích. Bản thân tôi và khá nhiều phi công chiến đấu cùng trang lứa với tôi cũng đã thực hiện những điều như: không cạo râu ngoài tuyến trực ban chiến đấu, chỉ cạo râu vào buổi tối trước hôm trực thôi, còn nếu đã quên không cạo thì cho thôi luôn. Điều này ngay tới bây giờ tôi cũng vẫn cứ làm như thế: vẫn cạo râu vào buổi tối.

        Rồi còn không đổi quần áo bay cho nhau khi trực chiến, không cắt tóc trước ngày trực... và còn nhiều điều khác nữa.

        Đội ngũ phi công vũ trụ có lẽ cũng có những điều "kiêng khem" riêng. Tôi (tác giả) có đọc một số tài liệu liên quan đến chuyện đó và có lần khi ngồi nói chuyện với Phạm Tuân, tôi có hỏi:

        - Qua một số tài liệu, tôi biết các phi công vũ trụ có những điều "kiêng kỵ" như không ký tặng trước chuyến bay, thậm chí sau chuyến bay có người còn không ký bằng bút mực đen, chỉ ký bằng bút mực xanh thôi; rồi không để ria mép, không cho phụ nữ đưa tiễn ra ngoài sân bay, rồi trước khi lên tàu đều "tè" vào lốp xe; rồi trước khi khởi hành nhất thiết phải xem bộ phim "Mặt trời trắng trên sa mạc", hoặc trước khi xuất phát đều nhận được một cú đá thân thiện của cấp trên. Bản thân Tổng công trình sư Secgây Kôrôliôp cũng không thích, không đồng ý cho phóng tên lửa vào ngày thứ Hai cũng như không bao giờ lên kế hoạch xuất phát tên lửa vào ngày 24-10 của các năm - ngày đó, ở sân bay Baicônua không dành cho những việc quan trọng. Rồi có đúng là người nhấn nút "khởi hành" luôn được chọn (gần như là cố định) là Đại úy Smirnhitsky - người được mệnh danh là "người thợ may mắn"... Đúng không?

        - Có nhiều điều đúng như thế đấy! - Phạm Tuân trả lời. - Có lẽ ngành Hàng không Vũ trụ nó chứa đựng nhiều tiềm ẩn những mối hiểm nguy. Ngồi vào máy bay, ngồi vào con tàu là ngồi trên thùng thuốc nổ rồi, chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, phi công luôn tìm ra cái gì đó tạo ra niềm vui để quên đi cái sự nguy hiểm ở phía trước. Hồi ở Trung tâm, mỗi lần đi công tác xa, phi công vũ trụ được bố trí trên những xe khách hiện đại có thể xếp ghế lại thành những bàn ăn. Cứ như tình cờ, một ai đó đứng lên, đến từng người, ngửa mũ ra "xin tiền" nhiều ít tùy tâm từng người. Sau đó xe dừng ở hiệu bánh mì gần nhất, người ấy xuống xe mua bánh mì, xúc xích, bơ... (tất nhiên là không thể thiếu một chút rượu rồi) và mang lên xe. Trên xe, mọi người vừa ăn vừa uống vừa chuyện trò vui vẻ, rôm rả... Dần dà chuyện ấy trở thành nếp quen và nó được gọi là "Gagarinxcaia trađixia" tức là "tập tục hay tục lệ hoặc tập quán, phong tục Gagarin" ấy mà. Vui vui một chút là thế. Hay là cái chuyện để chút tiền vào trong túi ấy, nó cũng có lý do của nó đấy: này nhé, hai đội cùng tập nhưng chỉ có một đội bay, một đội ở lại. Người ra đi với đầy hiểm nguy nhưng cũng được vinh danh, người ở lại dầu sao cũng có sự nuối tiếc, nhưng luôn theo dõi người bay. Khi con tàu vào quỹ đạo, Trung tâm gửi lời chúc mừng và chúng tôi đáp lời. Đấy là giây phút thiêng liêng nhất của đội bay: kể từ giây phút này, chúng tôi được "gắn mác" là phi công vũ trụ. Lúc đó, ỏ dưới sân bay, mọi người lại nâng ly chúc mừng và coi như cùng liên hoan với người trong vũ trụ có sự đóng góp của đội bay. Đấy thực sự là niềm vui, niềm tự hào của tất cả mọi người. Anh cũng biết đấy, hồi anh em mình trực chiến, khi các cô nuôi quân đem cơm ra ngoài tuyến trực thì có ai dám đi qua đầu máy bay đâu, toàn phải đi phía sau đuôi máy bay; rồi ngay phi công mình đấy thôi, ra sân bay là phải đái vào lốp xe ô tô. Phi công vũ trụ cũng vậy, ai cũng làm thế. Còn việc phóng con tàu đơn thì tính toán ngày phóng của nó đơn giản thôi, nhưng khi phóng con tàu đôi, tức là con "tàu mẹ" đã ở trên trời rồi thì phải tính chính xác thời điểm của "tàu mẹ" trên quỹ đạo rồi mới phóng tiếp con tàu ở dưới đất lên được. Nếu tính lệch thì việc lắp ghép hai tàu sẽ cực kỳ khó khăn mà chưa hẳn đã thành công. Cho nên, cái việc ngày 24-10 có phần liên quan là vậy.

        - Ừ, riêng cái chuyện đi sau đuôi máy bay thì tôi biết, nó giống như khi ra ngõ gặp gái ấy, sợ xúi quẩy. Máy bay anh nào trực mà bị cô nào đó đi qua phía đầu thì... lắm chuyện lắm! Hơn nữa, hồi ấy người ta hay "tuyên truyền" là: nếu đi qua đầu máy bay, bị sóng ra đa trên máy bay nó chiếu vào thì chỉ có mà... "tịt đẻ", thế là chẳng ai dám đi qua đầu máy bay nữa, thậm chí có cô cẩn thận còn lấy nón úp vào bụng để tránh sóng của ra đa cơ. Còn cái ngày 24-10 khi tôi tìm hiểu thì lại được giải thích là vì ngày 24-10-1960 đã có vụ nổ tên lửa đẩy R-16 làm hàng chục người thiệt mạng, tiếp đến là ngày 24-10-1963 thì tên lửa R-9A lại cháy trên bệ phóng và 8 người đã thiệt mạng trong hỏa hoạn. Có lẽ, người ta sợ "cái dớp" này cũng nên?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2018, 02:13:00 pm »

           
        - Cái đó thì tôi chịu! - Phạm Tuân cười.

        - Thế trước khi đi, các anh có theo phong tục của Nga là ngồi im lặng một lúc không?

        - Có chứ! - Phạm Tuân trả lời, - trước lúc xuất phát ngồi trong phòng đợi, lãnh đạo Trung tâm - Thiếu tướng - phi công vũ trụ 2 lần Anh hùng Liên Xô Lêônôp đến và nói: "Nào, tất cả im lặng để tôi nói nào!". Mọi người thì thừa hiểu chuyện đó là thế nào rồi, chỉ có tôi là nín lặng để nghe xem ông nói gì, nhưng chẳng thấy ông nói gì cả. Lát sau, ông ra lệnh: "Po-ê-kha-li!" (Nào, đi thôi!). Thế đấy!

        - Hồi chúng tôi học bay thì Phi đội trưởng của bọn tôi sau khi giao nhiệm vụ bay xong cũng hô: "Po-kô-nhi-am!" (Lên ngựa thôi!). Cứ như là tướng Chapaep lệnh cho các kỵ sĩ của mình vậy.

        - Cũng là phong tục, là truyền thống mà! - Có người thì lại hô: "Po-ma-si-nam!" - (Nào, lên xe!) -  cũng na ná như thế. - Phạm Tuân lại cười.

        Thôi, tôi trở lại ngày 23-7-1980.

        Đến cách bệ phóng không xa, đoàn xe dừng lại, các bác sĩ đỡ đội bay bước xuống. Phạm Tuân và Gorbatcô tay xách máy hút khí đi theo sự chỉ dẫn của các nhân viên kỹ thuật đến vị trí báo cáo chỉ huy trường bắn:

        - Báo cáo chỉ huy trường bắn! Đội bay chúng tôi sẵn sàng!


Po-ê-kha-li!  - Lên đường thôi!

        Chỉ huy trường bắn nhận báo cáo và chúc đội bay thực hiện chuyến bay thành công.

        Quả tên lửa đẩy đã hoạt động ở chế độ sưởi ấm, động cơ các loại nổ râm ran, khói tuôn ra mù mịt. Gorbatcô và Phạm Tuân vẫy chào mọi người một lần nữa rồi bước vào thang máy. Chiếc thang máy đưa hai phi công vũ trụ lên độ cao hơn 40 m để vào trong buồng lái của con tàu. Khi vào khoang lái, lúc cùng các nhân viên kỹ thuật sắp xếp tài liệu, Phạm Tuân nhác thấy có gì đó khang khác, hình như thừa ra một quyển sổ tay con tàu thì phải. Phạm Tuân định hỏi thì Gorbatcô nói ngay:

        - Cứ mang đi!

        Trước đó mấy tháng, các đội bay đã đến đây, đứng trên đài quan sát để xem phóng tàu vũ trụ. Cảnh tượng thật hoành tráng: quả cầu lửa bùng lên dữ dội và con tàu vũ trụ từ trong quả cầu lửa ấy bay vút lên kéo theo phía sau một vệt lửa sáng chói cùng với tiếng nổ chát chúa. Phạm Tuân thầm nghĩ, chỉ lát nữa thôi là mình cũng ở trong trạng thái như thế.

        Thời gian 4 tiếng đồng hồ trong buồng lái là quãng thời gian thật căng thẳng, Gorbatcô và Phạm Tuân phải kiểm tra tất cả các thông số kỹ thuật của con tàu, kiểm tra sự đồng bộ giữa các hệ thống của con tàu với tên lửa đẩy, kiểm tra độ kín, kiểm tra bộ điều khiển thiết bị điều hòa, độ kín của bộ quần áo giáp..., phải trả lời liên tục các câu hỏi từ Phòng Trung tâm, đồng thời cũng được theo dõi chặt chẽ về huyết áp, nhịp đập của tim cùng trạng thái tâm lý trước khi phóng. Thời gian đó đồng thời cũng là thời gian để các hệ thống mặt đất làm việc. Để giữ được sự chuẩn xác thời gian đốt của tên lửa và tốc độ đạt được khi con tàu vào vũ trụ thì nhiệt độ của khối nhiên liệu rất quan trọng. Nếu nhiệt độ chỉ cần thay đổi một chút thôi thì tốc độ của tên lửa cũng thay đổi theo, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ đạo bay và gây phức tạp cho giai đoạn lắp ghép tiếp theo. Để hiệu chỉnh được nó không đơn giản chút nào và lại còn tốn rất nhiều nhiên liệu nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2018, 02:42:52 pm »

       
        Chiếc đồng hồ nhẫn nại chỉ thời gian đếm ngược cho đến thời điểm phóng con tàu. Tôi lại nhớ đến bài ca về phi công vũ trụ "Anh ấy là người đầu tiên đo cuộc đời bằng đếm ngược" của Vlađimia Vưsôtski. Đúng là sự đếm ngược nặng nề hơn đếm xuôi nhiều vì với cuộc sống bình thường chúng ta quen vợi sự đếm xuôi rồi, như khi đi đâu đó, ta bắt đầu đếm từng cây số: cây số thứ nhất... và nhìn đồng hồ: 1 giờ đã trôi qua, 2 giờ đã trôi qua...Còn các phi công vũ trụ thì lại phải đếm ngược. Ví như ngồi vào buồng lái con tàu là còn lại 4 tiếng đồng hồ, khi kiểm tra độ kín của bộ áo giáp vũ trụ là còn 2 tiếng. Đóng tấm kính của mũ là còn 5 phút...

        Còn 5 phút là đến giờ cất cánh. Mọi công việc  trong buồng lái đã hoàn tất. Toàn bộ cơ thể được cài chặt vào ghế chỉ trừ đôi tay được tự do để còn làm việc với cuốn sổ nhật biên của con tàu để trước mặt cùng với chiếc bút chì buộc bằng sợi dây treo lủng lẳng. Gorbatcô có kinh nghiệm bay hơn nên đã đem theo con búp bê nho nhỏ, treo vào vị trí giữa hai người ngồi. Phạm Tuân liếc sang, thấy con búp bê đứng im. Nó như người thứ ba trong buồng lái theo dõi hành động, việc làm của hai thầy trò Phạm Tuân. Nó cũng là người thông báo tình trạng của con tàu khi yên tĩnh hay dao động.


Trong khoang lái của con tàu vũ trụ Liên hợp-37.

        Những giây phút thật cảm động khi đội bay thực hiện qua truyền hình bài phát biểu cám ơn đến Đảng, Chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam, Liên Xô và hứa hẹn hoàn thành nhiệm vụ đồng thời được nghe những lời chúc chuyến bay thành công. Ngay tiếp đó, Phạm Tuân lại nhận được lời chúc mừng của Bùi Thanh Liêm từ Sở chỉ huy mặt đất. Phạm Tuân thực sự thấy ấm lòng và tự tin hơn trong thời khắc với hàng đống công việc bộn bề và hiểm nguy rình rập trước lúc con tàu cất cánh.

        Kính của mũ bay được hạ xuống. Tất cả đã sẵn sàng!

        Tiếp tục vang lên các lệnh: 3 phút, 2 phút, 1 phút chuẩn bị! Cứ mỗi lần như vậy, Phạm Tuân lại phải báo cáo về Đài chỉ huy các thông số: áp suất, nhiệt độ, tình trạng con tàu, sức khỏe phi công...

        Từ lúc còn 1 phút cho đến thời điểm phóng con tàu là lúc nhận lệnh dồn dập và những câu trả lời, báo cáo cũng dồn dập không kém. Tiếng nổ của động cơ ngày càng lớn dần... Khẩu lệnh cuối cùng vang lên: "4 giây, 3 giây, 2 giây, 1 giây. Phóng!". Một tiếng nổ lớn. Con tàu rung lên...
Đúng 21 giờ 33 phút (theo giờ Matxcơva), con tàu "Liên hợp-37" đã rời bệ phóng. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, không chỉ trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô, mà còn trong lịch sử chinh phục vũ trụ của thế giới.

        Cũng từ ngày hôm nay, trong bảng vàng của thành phố Ngôi Sao - Đại bản doanh của các phi công vũ trụ Liên Xô sẽ được ghi thêm một sự kiện đáng ghi nhớ nữa để thành 4 sự kiện lớn:

        1. Phi công vũ trụ đầu tiên trong lịch sử - Iuri Gagarin - Liên Xô (bay ngày 12-4-1961).

        2. Phi công vũ trụ đầu tiên của Mỹ - Alan Shepard (bay ngay 5-5-1961).

        3. Phi công vũ trụ nữ đầu tiên - Valentina Tereshcôva - Liên Xô (bay ngày 16-6-1963).

        4. Phi công vũ trụ đầu tiên của Châu Á - Phạm Tuân - Việt Nam (bay ngày 23-7-1980).

        Khi con tàu vũ trụ "Liên hợp-37" đã hoàn tất giai đoạn phóng thành công, vào quỹ đạo. Mọi người theo dõi qua màn hình trong Phòng điều hành Trung tâm đều đứng bật dậy, hô to: "U ra!" và vỗ tay nhiệt liệt.

        Những người theo dõi cuộc phóng con tàu rời Phòng chỉ huy trở về và họ không quên rẽ qua phòng thay quần áo, lần trong túi của hai phi công đang bay và một cuộc vui nho nhỏ lại náo nhiệt và hoan hỉ hơn nhiều...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2018, 02:50:22 pm »


CHUYẾN BAY CỦA “LIÊN HỢP-37"

        Hồi chúng tôi học ở Học viện Không quân mang tên Iuri Gagarin (Liên Xô), có được học một số tiết học về vũ trụ và về chuyến bay vũ trụ. Về vũ trụ thì nhiều vấn đề lắm, còn về chuyến bay vũ trụ thì tựu trung lại gồm có ba giai đoạn là giai đoạn tăng tốc, giai đoạn cân bằng trọng lực (hay còn gọi là không trọng lượng) và giai đoạn giảm tốc. Đấy là những kiến thức sơ đẳng về vũ trụ. Tôi nghĩ rằng, nó cũng chỉ như một hạt cát trong sa mạc kiến thức bao la của vũ trụ mà thôi.

        Nhưng nhờ có những tiết học ấy mà tôi được biết về tốc độ vũ trụ, về những khó khăn gặp phải khi bay vào vũ trụ...

        Ví như, khi ta ở trên mặt đất, tốc độ bằng 0 với quá tải bằng 1 thì khi vào quỹ đạo, muốn không rơi trở lại Trái đất, ta phải đạt được tốc độ vũ trụ cấp 1 (V1), tức là v=7,92 km/s (28.500 km/h). Thời gian để đạt được tốc độ ấy là 9 phút, với quá tải có khi đến 10 (có nghĩa là phải chịu 10 lần trọng lượng của bản thân).

        Khi quá tải hướng đầu - chân tác động mạnh nhất đến hệ tuần hoàn - máu. Máu sẽ dồn xuống bụng, chân và các cơ quan trong bụng, gan sẽ bị tụt xuống thấp và các tổ chức mềm cũng tụt xuống dưới làm cho dáng mặt già đi rõ rệt. Ở vị trí ngồi, lúc chưa bay, khi đó quá tải bằng 1G (gia tốc trọng trường G=9,81 m/s), áp huyết thủy tĩnh của phi công vũ trụ ở tim là 120 mm thủy ngân, ở đầu là 96 mm thủy ngân và ở gót chân là 170 mm thủy ngân. Nếu khi phóng con tàu vũ trụ mà vị trí đầu phi công vũ trụ đi trước, quá tải tăng nhanh bằng 5G thì trọng lượng của máu cũng tăng lên 5 lần và những chênh lệch về áp suất thủy tĩnh trong hệ thống động mạch cũng sẽ tăng 5 lần. Nếu ở tim, áp suất là 120 mm thủy ngân thì áp suất ở gót chân bằng 370 mm thủy ngân và ở não sẽ là 0 mm thủy ngân. Việc thiếu máu lưu thông ở đầu có thể gây tối tăm mặt mũi, gây mù và ngất tạm thời do máu giảm lưu thông đến mắt và não.

        Vì vậy, để tránh những tai biến ấy, phi công vũ trụ được phóng lên theo hướng ngực - lưng (và khi trở về Trái đất thì cũng cho lưng xuống trước để lúc hãm, quá tải vẫn tác động theo hướng ngực - lưng). Theo hướng này, quá tải 20G mới gây ra triệu chứng rối loạn thị giác và triệu chứng não. Tuy nhiên, ở quá tải này, dù chỉ tác động trong phần nhỏ của giây thôi cũng có thể phá hỏng cấu trúc xương, làm vỡ các mao mạch... nếu như không được mặc bộ quần áo đặc biệt chống tăng áp suất

        Những thực nghiệm ngâm mình trong nước cho thấy, cơ thể con người có thể chịu được quá tải tới 31G và nhiều hơn nữa vì lực tác động ở đây được phân chia đồng đều. Còn trên thực tế từng chuyến bay, trong khoảng 9 phút từ mặt đất đến quỹ đạo quanh quả đất, phi công vũ trụ phải chịu trong mấy chục giây các quá tải tối đa là 5G, 8G và 9G. Từ quỹ đạo trở về mặt đất, họ phải chịu trong một số giây với quá tải tối đa là 3,3 đến 7,2G trong khoảng 8-10 phút, có khi 12G và thậm chí 18 đến 20G ở những cuộc hạ cánh khẩn cấp.

        Qua thực nghiệm trên các tàu "Liên hợp" và "Apôlô" cho thấy, hướng gia tốc chịu đựng dễ dàng nhất đối với con người là hướng ngực - lưng, hợp với trục dọc thân người thành một góc 70 - 80°. Ở hướng này, cơ thể con người có thể chịu đựng gia tốc 10G trong khoảng 5 phút hoặc 20G trong mây chục giây.

        Về tác động của gia tốc, Iuri Gagarin đã thuật lại trong chuyến bay vũ trụ đầu tiên như sau:

        -  Đúng 9 giờ 7 phút giờ Matxcơva, tên lửa rú ầm vang mang theo tàu vũ trụ rung lên rồi từ từ rời khỏi bệ phóng. Một sức mạnh vô hình ngày càng tàn nhẫn ép chặt tôi xuống chiếc ghế tựa. Tay chân nặng như chì, không thể nào cử động được... Nhưng tôi đã biết trước tình trạng này không kéo dài. Chỉ mươi phút, khi con tàu đã vào quỹ đạo quả đất là hết...

        Và khi từ quỹ đạo trở về mặt đất thì đấy là giai đoạn khó khăn nhất, nguy hiểm nhất trong toàn bộ chuyến bay. Iuri Gagarin đã kể:

        - Đúng 10 giờ 25 phút, tên lửa hãm được khởi động theo chương trình. Tàu vũ trụ "Phương Đông 1" rời khỏi quỹ đạo và rơi vào lớp khí quyển dày đặc. Tình trạng không trọng lượng đã mất dần, thay thế bằng phụ tải gia tốc rất lớn do giảm tốc nhanh chóng, làm thân thể tôi bị áp chặt xuống ghế. Phụ tải gia tốc khi xuống còn lớn hơn khi lên rất nhiều..

        Khi tên lửa đẩy đưa tốc độ của con tàu đến khoảng 7,92 km/s trong điều kiện vectơ tốc độ song song với tiếp tuyến của Trái đất thì tạo ra lực li tâm bằng lực hướng tâm (lực hút của Trái đất) và trong điều kiện mật độ không khí gần như bằng không (0), thì đây là trạng thái cân bằng về lực và sẽ tạo ra tình trạng không trọng lượng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2018, 02:51:58 pm »


        Trạng thái không trọng lượng cho tới nay vẫn là kẻ thù chủ yếu của các phi công vũ trụ. Nó tác động rõ nét và toàn diện trên cơ thể.

        Khi chuyển sang trạng thái không trọng lượng - máu sẽ dồn tới đầu làm cho mặt phinh phình, đỏ gay lên và nhức đầu, phù ở mũi họng như bị cảm. Không trọng lượng còn dẫn đến tình trạng mất nước vì máu không còn áp suất thủy tĩnh do máu được phân phối lại. Mất nước làm giảm từ 2 đến 5% trọng lượng cơ thể và thể tích huyết tương lưu thông giảm từ 100 đến 500 ml. Đồng thời giảm cả thể tích máu lưu thông trong người, một nguyên nhân làm cho các phi công vũ trụ kém chịu quá tải, khi trở về và thích nghi lại một cách rất căng thẳng với gia tốc trọng trường của quả đất.

        Những phi công không chịu được sự tăng máu lên não khi cần thiết phải mặc quần đặc biệt và hút khí ra cho áp suất nhỏ hơn để máu rút xuống chân. Trong 48 giờ bay đầu tiên, phi công bị sút cân nhiều nhất do giảm thể tích máu lưu thông, và sẽ quen dần với tình trạng này ở những vòng tiếp theo.

        Khung xương và cơ bắp của chúng ta sinh ra là để chống chọi với tình trạng có trọng lượng trên mặt đất thì nay sự chống chọi ấy không còn cần đến nữa. Xương sẽ mất vôi. Nếu chụp xương gót chân sẽ thấy độ đậm đặc quang học giảm đến 15-20%. Tuổi thọ của hồng cầu cũng giảm xuống.

        Tình trạng không trọng lượng còn gây ra những trở ngại khác trong sinh hoạt như đi đại tiện không dễ dàng gì và có thể có một số người còn không có cảm giác bọng đái đầy nữa, mất áp suất khi đi tiểu tiện...
 
Trong trạng thái không trọng lượng, râu cũng mọc nhanh hơn và máy cạo râu thì phải là một thứ dao đặc biệt, như kiểu máy hút ấy.

        Ngoài việc phải "đối chọi" với tình trạng không trọng lượng còn có những vấn đề khác phải đề cập đến: đó là trong khoảng không của vũ trụ, không khí rất loãng, áp suất không bằng một phần triệu mm thủy ngân. Áp suất khí quyển trên mặt đất là 760 mm thủy ngân và nước sôi ở nhiệt độ 100°c dưới áp suất này thì càng lên cao, áp suất khí quyển càng giảm. Đến độ cao 19 km thì áp suất khí quyển chỉ còn 47 mm thủy ngân và nước chỉ cần 37°c đã sôi. Nhưng 37°c chính lại là nhiệt độ bình thường của cơ thể. Điều này có nghĩa là ở độ cao 19 km, nếu cơ thể không được bảo vệ thì máu trong người sẽ sôi và bốc hơi. Lúc đó chắc chắn con người không thể tồn tại được trong giây phút.

        Rồi còn vấn đề về nhiệt độ. Ở dưới mặt đất, vì có lớp khí quyển dày đặc nên có hiện tượng truyền nhiệt, còn ở độ cao 200 - 300 km, không khí quá loãng, hầu như là chân không nên hiện tượng truyền nhiệt cũng hầu như không còn nữa. Nóng hay lạnh không phải do truyền nhiệt mà là do có hấp thụ hay không hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời. Bởi vậy, sự hấp thụ nhiệt trên con tàu luôn thay đổi. Con tàu vũ trụ bay quanh Trái đất mất 1 giờ 30 phút, trong đó khoảng 60 phút là ngày, 30 phút là đêm. Khi bay ban ngày thì phía mặt trời nhiệt độ khá cao, chừng 80° và có thể lên tới hàng trăm độ C và phía bên không có mặt trời thì ngược lại. Nếu chênh lệch nhiệt độ như vậy giữ quá lâu, sự co giãn thân tàu sẽ rất lớn và sẽ gây ra những sự cố khó lường. Cho nên, hệ thống điều hòa bên trong con tàu phải làm việc, đem năng lượng từ bên nóng sưởi ấm cho bên lạnh, giữ cân bằng về nhiệt trong con tàu, điều chỉnh sao cho nhiệt độ trong con tàu chỉ xấp xỉ 20 ± 4°c cũng tựa như nhiệt độ các căn phòng làm việc ở dưới mặt đất. Chính vì thế, khi con tàu làm việc bình thường, đội bay chỉ cần mặc bộ quần áo dệt kim như bộ đồ thể thao là đủ...

        Một vấn đề nữa phải quan tâm, đó là vấn đề phóng xạ. Con người sinh sống trên mặt đất luôn luôn chịu một lượng phóng xạ nhất định. Lượng phóng xạ này được gọi là "nền phóng xạ thiên nhiên" tạo ra do các chất phóng xạ như urani, thôri... nằm trong lòng đất, đồng thời cũng do các tia vũ trụ đập vào các nguyên tử không khí và khi xuống gần mặt đất thì các tia này bị lớp khí quyển hấp thụ nên chỉ còn rất yếu. Nhưng càng lên cao, tia vũ trụ bị hấp thụ càng ít nên độ phóng xạ càng tăng. Ở độ cao từ 400 đến 50.000 km là vùng có nhiều bức xạ ion tạo ra những vành đai phóng xạ. Vì vậy, việc chế tạo con tàu vũ trụ cùng với các thiết bị của nó để đảm bảo cho sự an toàn của các phi công vũ trụ là cả một vấn đề rất lớn...

        Trong con tàu, tuy thế cũng rất nhiều bụi nên phải dùng máy hút bụi để vệ sinh bởi bất kỳ một vật nhỏ nào ví dụ như một mẩu vụn bánh mì bé tí xíu thôi khi nó trôi lang thang trong tàu mà ta hít phải thì cũng sẽ bị ngạt thở như chơi...
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM