Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:42:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bay vào vũ trụ  (Đọc 15798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:25:21 am »


        Hiện nay, chưa thể chỉ ra chính xác cần phải có thể tích ở như thế nào cho từng phi công vũ trụ trong chuyến bay. Nhưng qua phân tích sự đòi hỏi của con người kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được, cho phép đề xuất khi chuyến bay kéo dài từ 300 - 400 ngày với 2 hoặc nhiều phi công vũ trụ hơn thì mỗi người ít nhất cần 5,5 - 7 m3, trung bình là 9,5 đến 10,8 m3. Còn thể tích tối ưu đảm bảo tiện nghi tối đa là 16,2 - 18,9 m3. Song, không đơn thuần về thể tích ở mà còn phụ thuộc đáng kể là việc tổ chức chỗ ở bên trong và mức độ tương ứng với điều kiện tự nhiên của cuộc sống con người.

        Các bạn cứ đến thăm Bảo tàng của Quân chủng Phòng không - Không quân ở 173C đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội thì thấy được buồng lái tàu vũ trụ "Soyuz" của Gorbatcô và Phạm Tuân nó nhỏ bé như thế nào.

        Nói đến chuyện ghế ngồi thì tôi lại nhớ tới hồi bọn tôi đi học bay. Khi học đến cấu tạo của ghế trên máy bay (mà chúng tôi thường gọi là ghế dù, vì nó mang theo dù thoát hiểm cho phi công) thì thầy giáo có hỏi với giọng nhỏ nhẹ:

        - Nào, liệu có ai biết cái ghế dù của máy bay được làm bằng chất liệu gì không?

        - "Chugun!" - ("Bằng gang!") - anh bạn tôi ngồi bên cạnh trả lời.

        - "Bôgie Môi!" - ("Ôi trời ôi!") - thầy giáo mắt trợn ngược và giơ hai tay lên trời đồng thời giọng nói không còn ôn tồn, nhẹ nhàng nữa mà âm lượng cứ to dần, - Các anh có biết là người ta phải tính toán chi li để giảm từng gờ ram trọng lượng khi thiết kế máy bay không? Nó liên quan đến khí động học, đến sức đẩy của động cơ, đến tiêu tốn nhiên liệu và hàng trăm thứ khác nữa... Vậy mà các anh trả lời là "Chugun! Chugun!" Ây, ầy ầy!... Nếu ghế dù của các anh làm bằng gang thì máy bay nào sẽ cõng nó và phải dùng loại đạn nào để phóng được nó ra khỏi máy bay khi các anh gặp sự cố phải rời khỏi máy bay? Trời đất ạ! Xin thưa, đấy là một loại hợp kim, loại hợp kim đặc biệt mà các nhà khoa học phải mất công tìm tòi, chế tạo ra. Nó vừa nhẹ, vừa bền... Các anh có hiểu không?

        - Tao "gãi" có mỗi tí thế mà thầy đã to tiếng! - anh bạn ghé tai tôi thì thầm và cười khùng khục.

        Trở lại với chuyến bay của "Liên hợp-37" và Trạm "Chào mừng-6".

        Ngoài các chương trình thí nghiệm, đội bay cũng thực hiện một chương trình rất sâu sắc và ý nghĩa, đó là chương trình quay phim chụp ảnh và chào mừng lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam. Khi Trạm "Chào mừng" bay gần tới lãnh thổ Việt Nam, 3 đồng chí Nga tìm cho Phạm Tuân một cửa sổ thuận lợi nhất để Phạm Tuân ngắm được Thủ đô, đất nước của mình.

        Con tàu bay từ phía Ấn Độ Dương qua phía Nam Thái Lan tiến về phía Bắc Việt Nam. Trời có mây loáng thoáng, tuy nhiên Phạm Tuân vẫn định vị được vị trí của mình. Bờ biển Việt Nam hiện lên, rồi con sông Hồng như sợi chỉ nhỏ, biển phía trước nhấp nhô những hòn đảo của vịnh Hạ Long... Phạm Tuân hồi hộp đến nghẹt thở và nói: "Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước! Kính thưa toàn thể nhân dân! Đội bay vũ trụ Việt - Xô đang bay qua bầu trời của Việt Nam. Tôi nhìn thấy Tổ quốc ta đẹp vô cùng. Từ vũ trụ, tôi cám ơn Đảng, nhân dân đã chắp cánh cho chúng tôi bay. Chúc lãnh đạo và nhân dân xây dựng đất nước phồn vinh - hòa bình - hạnh phúc! Chúc tình hữu nghị 2 nước ngày càng bền chặt! Chúng tôi hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!".

        Mấy lời chúc ngắn gọn thế thôi nhưng nó làm cho Phạm Tuân bồi hồi, xốn xang vì niềm vinh dự và trách nhiệm nặng nề của mình.

        Phạm Tuân đã hàng trăm, hàng ngàn lần ngắm nhìn đất trời của Tổ quốc từ trên khoang lái của máy bay và cũng đã từng trải qua cảnh "vào sống ra chết" bay lên góp phần gìn giữ sự bình yên của dải đất này. Bây giờ ngắm nhìn nó từ độ cao vũ trụ, lòng thấy rộn lên niềm vui pha lẫn chút nghẹn ngào: quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay... Tuân đăm chiêu suy nghĩ và cũng không quên ghi lại hình ảnh Tổ quốc quê hương mình. Rất tiếc, cơn bão số 6 tạo ra nhiều màn mây nên những bức ảnh không được rõ cho lắm.

        Trong khoang tàu "Chào mừng" nhỏ như vậy, 4 phi công vũ trụ: Riumin, Pôpôp, Gorbatcô và Phạm Tuân vừa phải làm công việc của mình, vừa phải duy trì sinh hoạt chung theo cuộc sống thường nhật.

        Khẩu phần hấp thụ của một phi công vũ trụ trong một ngày đêm là hơn 2000 calo, có tới 70 món ăn nên cứ 6 ngày thực đơn mới lặp lại một lần với đủ các chủng loại thực phẩm: thịt, sữa, bánh mì, đồ hộp, quả, gia vị, các thứ nước uống...

        Riêng về khoản bánh mì thì tôi kể chi tiết một chút. Bánh mì cho các phi công vũ trụ có 6 loại bằng bột mì và mì đen. Bánh mì mềm và thơm giống như mới ra lò vậy. Đó là món ăn ngon nhất trong khẩu phần của phi công vũ trụ. Hai phi công vũ trụ Pôpôp và Riumin đã từng nói: "Trong khoảng không vũ trụ, bánh mì là rất cần thiết đối với chúng tôi, cũng giống như dưới mặt đất vậy". Trong vũ trụ, không có gì có thể thay thế bánh mì được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:29:40 am »


        Lò làm bánh mì cho các phi công vũ trụ là một trong những nghiên cứu của Viện nghiên cứu bánh mì ở Matxcơva. Lò sản xuất ra nhiều ổ bánh mì nhỏ tí, màu nâu, vỏ giòn, mỏng, bọc trong những gói nhỏ bằng hai lớp chất dẻo, được sát trùng để tránh mốc, chia làm 10 ngăn, trọng lượng mỗi gói là 45g, có nghĩa là mỗi chiếc bánh mì chỉ 4,5g - đúng với khối lượng mà phi công vũ trụ cần một lần khi ăn, không cần phải bẻ từng mảnh cốt để tránh những mảnh vụn của bánh mì rơi ra bay lơ lửng có thể lọt vào cơ quan hô hấp gây nguy hiểm cho các phi công vũ trụ. Bánh mì cho các phi công vũ trụ phải tính làm sao để giữ được nó như mới ra lò trong thời gian ít nhất là 1 năm.

        - Đấy là khẩu phần ăn. Còn việc ăn uống thì được thực hiện như thế nào? - Tôi hỏi Phạm Tuân và Phạm Tuân chậm rãi kể:

        - Ổ! Thú vị lắm! Ở dưới đất thì có nằm mơ cũng chẳng thấy được! Thế này nhé: khẩu phần cho mỗi người đã được định sẵn theo sự lựa chọn sau khi ăn thử một tuần trước khi bay rồi. Đến bữa thì cùng bày bàn, thìa dĩa và các tuýp thức ăn (đương nhiên là phải dán chúng xuống bàn). Tiếp đến là cứ đưa mọi thứ vào miệng và thưởng thức như trẻ con tu bình sữa vậy. Vui nhất là khoản ăn bánh mì - cứ thả cho những miếng bánh mì nhỏ cho nó trôi lơ lửng rồi mình bơi đến, "đớp" như cá vàng đớp mồi ấy. Nước uống phải lấy ra từ bình có áp suất, chẳng may có những hạt nhỏ vương ra thì chúng bay lơ lửng dưới ánh đèn, màu sắc lung linh hệt như bọn trẻ con chơi trò thổi bong bóng xà phòng. Lúc ấy lại phải nhẹ nhàng gom nó lại thành viên to hơn rồi đưa vào miệng. Ăn trong vũ trụ tuy không ngon, nhưng mà có cái hay của nó! Đúng không?

        - Ừ, hay thì hay thật, nhưng mà tôi cứ ở dưới đất, làm theo "kiểu các cụ" thôi! - Tôi cười.

        Tiêu chuẩn nước cho một người một ngày là khoảng 2,5 lít, trong đó nước mang theo từ mặt đất là 1,5 lít, còn lại là nước thu hồi từ mồ hôi thoát ra... Nước thu hồi được đưa qua máy lọc cho đến khi đạt tiêu chuẩn nước sạch. Tuy nhiên, nước này chỉ dùng để làm vệ sinh chứ sử dụng để ăn uống nó không ngon.

        Mọi thứ rác thải cũng được thu gom rất cẩn thận. Khi rác nhiều, đưa chúng vào khoang "vứt rác", đóng cửa lại, kiểm tra độ kín xong thì giảm áp "thùng rác", xuống bằng không (0) để cân bằng áp suất. Khi đó mở cửa để rác bay vào vũ trụ. Sau đó đóng cửa và tăng áp trở lại. Vì thế, mỗi lần "đổ rác" là áp suất của Trạm "Chào mừng" lại giảm đi một chút nên việc "đổ rác" cũng phải theo một quy trình, một kế hoạch rất cụ thể. Trên Trạm cũng có hệ thống bình sản xuất Ôxy giữ cho thành phần không khí gần giống như ở mặt đất. Định kỳ các bình ấy phải thay nhờ các con tàu chở hàng mang lên.

        Có lần tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Nghe kể nhiều về chuyện ăn uống trên tàu vũ trụ rồi, nhưng cụ thể về cái chuyện vệ sinh mà ta cứ gọi một cách văn nghệ là "đi nặng", "đi nhẹ" ấy thì nó thế nào?

        - Thì cũng đơn giản thôi: khi đi "tè" thì có một cái chụp, chụp thang vào chỗ cần đi để nước tiểu không bị bắn tóe lung tung. Còn khi đi "ị" thì cũng có một cái chụp hút thẳng vào chỗ giữa hai mông và giúp cho hút mọi thứ ra. Đơn giản thôi mà! Tuy nhiên, chẳng may để vương vãi ra chút ít thì thôi rồi! - Nó tán phát rất nhanh ra cả khoang tàu mà khó thu gom lại được! Nghe thì đơn giản thế đấy, nhưng khi thực hiện cũng phức tạp, rườm rà lắm!

        - Nghe nói có phi công "bơi" để "đớp" bánh mì, nhưng khi đến gần thì lại là cái "vương vãi" của ai đó rơi ra, có phải không?

        - Đấy là chuyện vui thôi!, - Phạm Tuân cười, - nhưng mà nếu để vương ra thì có thể như vậy thật.

        - Thế còn việc tắm giặt trong vũ trụ thì thế nào?

        - Chỉ những đội bay dài ngày trong vũ trụ mới được tắm gội, còn những chuyến bay ngắn, chủ yếu dùng khăn ẩm để lau chùi. Có 8 ngày thôi mà, mồ hôi không có nên dùng khăn ướt lau cũng đủ sạch rồi. Tuy nhiên, tắm trong vũ trụ cũng là một vấn đề. Thứ nhất, phòng tắm phải tuyệt đối kín, không để nước bay ra ngoài. Thứ hai là nước mở ra không chảy như ở dưới mắt đất đâu mà dính vào nhau, tụ lại trên cơ thể, nó không phải là vật để mang những bụi bặm ra khỏi cơ thể con người. Rồi việc thu hồi nó cũng không phải là dễ. Vì vậy, việc tắm trong vũ trụ cũng không ít khó khăn. Trong Trạm "Chào mừng" và các tàu vũ trụ của Liên Xô đều thiết kế áp suất và các thành phần của không khí như trên bề mặt Trái đất để phi công chịu đựng dễ dàng hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:34:07 am »

       
        Các phi công vũ trụ làm việc theo thời gian của Trái đất. Thời gian lao động và nghỉ ngơi được sắp xếp như sau: ngủ nghỉ trong một ngày đêm là 9 giờ, rèn luyện thân thể là 2,5 giờ, ăn 4 bữa 2,5 giờ, làm việc 8 giờ. Mỗi phi công có 2 giờ tự do cá nhân, trong đó là 1 giờ sau bữa ăn trưa.

        Tất cả các yếu tố về tăng giảm trọng lượng, xoay vần trong vũ trụ, rối loạn tiền đình... tác động lên phi công mang tính hữu hình. Còn tác động vô hình nó lớn hơn nhiều. Đó là sự hiểm nguy rình rập, là sự cô đơn...

        Phạm Tuân hồi tưởng:

        - Cứ sau mỗi ngày làm việc lại được ngồi bên cửa sổ ngắm khoảng không bao la. Các châu lục cứ hiện lên rồi qua đi nhanh chóng, ngày và đêm cũng qua đi như vậy... Bất cứ lúc nào nhìn đây đó đều thấy ánh chớp hiện lên. Trăng sao cũng thế: ngày hoặc đêm chúng đều sáng rõ mồn một. Ngồi trong con tàu thấy mình sao mà nhỏ bé. Rồi những suy nghĩ mông lung bỗng ập đến: nếu chẳng may cái cửa kính kia nó bị vỡ thì mình ra sao nhỉ, có lẽ cũng bay đi như Thánh Gióng thôi. Tôi cười thầm và nghĩ khi trở về Trái đất, mình sẽ là phi công vũ trụ thứ 2 của Việt Nam, ông Thánh Gióng mới là phi công vũ trụ số 1; có khác chăng là một người ra đi mãi mãi trở thành thánh - một trong "Tứ bất tử" của lịch sử Việt Nam, còn một người thì quay về. Những ý nghĩ miên man nó làm quên đi những cảm giác nguy hiểm luôn rình rập xung quanh...

        Bắt đầu từ ngày thứ tư trên quỹ đạo, phi công vũ trụ phải rèn luyện thân thể, tập với bộ dây cao su, tập trên xe đạp, khi đạp nhanh phải tăng đến 150-170 lần một phút và tập chạy trên thảm quay trong khi người được kéo xuống bằng hai băng cao su với lực 50 kg, ba ngày tập theo chương trình quy định, một ngày tập tự do.

        Khi đi ngủ, các phi công vũ trụ phải "chui" vào túi ngủ, được buộc chặt vào tàu để không bị trôi lơ lửng. Tôi có hỏi Phạm Tuân:

        - Nếu không cần túi ngủ, cứ lơ lửng trong khoang tàu thì có ngủ được không?

        - Ngủ thì được, nhưng đầu mình cứ gật gà gật gù, khó chịu ra trò và sáng dậy, cổ sẽ mỏi nhừ tưởng chừng không cử động được.

        - Thế nếu ta lấy một miếng xốp buộc vào gáy tựa như trẻ em tập bơi ấy, cốt giữ cho đầu không bị gật gù nữa thì ngủ được chứ?

        - Đúng như vậy! Chọn chỗ ngủ và "cách" ngủ cũng quan trọng lắm. Các phi công bay nhiều cho thấy nằm ngủ ở phía trung tâm con tàu (đầu quay xuống dưới) sẽ dễ chịu hơn, đồng thời khi đi ngủ phải dùng dây chằng người cố định vào thành tàu, đầu và tay cũng cần cố định, tránh bị đu đưa liên tục trong thời gian ngủ. Khi quen rồi, ngủ ở chỗ nào cũng được. Trước khi đi ngủ, chui vào túi, khóa chặt phéc mơ tuya và cứ để người trôi đi khắp con tàu, mở quyển sách để trước mặt, sách và người cùng trôi, được thưởng thức giây phút thư giãn trước khi cột người vào chỗ nào đó để ngon giấc - một cảm giác thật tuyệt vời!

        Đấy, chỉ có riêng chuyện việc ăn, chuyện ngủ trên vũ trụ thôi mà cũng đã phức tạp đến thế, nói gì đến các việc khác nữa!

        Hàng ngày, phi công vũ trụ phải mặc bộ quần áo Pingouin, bộ quần áo này tạo ra một gánh nặng cho hệ cơ xương và hai ngày trước khi kết thúc chuyến bay, phi công phải luyện tập với thiết bị tạo áp suất âm tính trên nửa dưới cơ thể bằng bộ quần áo Chibix. Vào ngày hạ cánh thì phi công phải uống thêm nước có pha chất khoáng (3 lần trong ngày), mỗi lần 3g muối Natri pha vào 300-400g nước.

        Ngày 28-7-1980, các phi công vũ trụ trên tổ hợp "Chào mừng-6" - "Liên hợp-36" - "Liên hợp-37" tổ chức cuộc họp báo truyền hình đầu tiên từ vũ trụ với các nhà báo tại Trung tâm điều khiển. Riêng Phạm Tuân đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo ảnh Việt Nam, APN, BTA và báo "Nước Đức mới", báo "Công nghiệp xã hội chủ nghĩa"... Trong gần một tiếng đồng hồ, các phi công vũ trụ trả lời các câu hỏi đã để lại cho các phóng viên những ấn tượng tốt đẹp. Họ đã thấy rõ tình trạng không trọng lượng khi 4 phi công vũ trụ hoạt động, vận động cũng như các phi công để một số vật bay lơ lửng trong khoang tàu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:41:24 am »

      
        Cũng trong ngày này, 4 phi công đem các kỷ vật mang lên từ mặt đất để làm các "thủ tục" chứng nhận chúng đã ở trong vũ trụ. Trước hết là việc đóng các con dấu lên cờ Tổ quốc, lên ảnh các vị lãnh tụ (ảnh Bác và ảnh đồng chí Lê Duẩn), lên các tờ báo "Nhân dân", "Pravơđa", lên "Tuyên ngôn độc lập" và "Di chúc của Bác" rồi mỗi cá nhân mang những kỷ vật của mình ra ngắm nghía rồi cũng đóng các dấu lên ảnh gia đình, vợ con, tem thư... Tất cả để xác định các kỷ vật đã có mặt trong vũ trụ. Đặc biệt cờ Tổ quốc Việt Nam đã có mặt trong vũ trụ - chúng ta đã sánh vai cùng cường quốc năm châu tiến vào chinh phục đỉnh cao của khoa học công nghệ vũ trụ. Mọi người đều vui vẻ, đều cảm động. Quê hương đất nước, thủ đô thân yêu... rồi gia đình, vợ con lại hiện lên... Tất cả được đóng gói lại để chuẩn bị chuyển về Trái đất.


        Cuối ngày thứ 7, bước sang ngày thứ 8 là lúc phải chia tay. 7 ngày làm việc chung với nhau trên vũ trụ cũng trôi nhanh như tốc độ vũ trụ vậy. Mà 7 ngày ấy là 7 ngày làm việc hết sức khẩn trương.

        Ngày 30-7, Gorbatcô và Phạm Tuân chuyển sang tàu "Liên hợp-36" các tài liệu khoa học, các kết quả thí nghiệm, các phim ảnh chụp từ vũ trụ, một số mẫu thử như không khí, bụi... lấy trong trạm "Chào mừng-6" về Trái đất xét nghiệm, cùng các kỷ vật vũ trụ và những thư từ của Pôpôp và Riumin. Đặc biệt, đội bay không quên đổi ghế ngồi của mình từ tàu "Liên hợp-37" sang tàu "Liên hợp-36" và trả lại đôi ghế ở tàu "Liên hợp-36" cho Pôpôp và Riumin.

        Tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Sao lích kích, phức tạp thế nhỉ? Ghế ngồi thì chuyển đi chuyển lại làm gì cho mệt?

        - Phức tạp chứ! Mỗi phi công có ghế riêng của mình. Việc sản xuất ghế cho phi công vũ trụ là việc làm rất công phu: các phi công vũ trụ mặc bộ áo giáp vũ trụ rồi nằm co người vào trong chiếc bồn y hệt như bồn tắm, sau đó người ta đổ thạch cao ngập thân người. Phải nằm yên trong tư thế như vậy cho tới lúc thạch cao khô. Đó cũng là chiếc khuôn đúc ghế cho phi công. Ghế cho phi công vũ trụ rất quan trọng, nó đảm bảo cho phi công khi tăng quá tải, nhất là khi có các tình huống khẩn cấp, lực đè lên người phi công sẽ được dàn đều trên ghế. Đặc biệt khi hạ cánh tiếp đất với lực tác động đột ngột, không ảnh hưởng đến sức khỏe của phi công, đến hệ thống xương cốt. Tiếp đó, phi công cùng chiếc ghế được đưa cân lên để xác định trọng tâm - ai chân dài hay nặng phía chân thì được đưa thêm vào phía đầu một đối trọng và ngược lại, đồng thời trọng lượng của phi công cũng phải khống chế theo đúng quy định (Gorbatcô trước khi bay có trọng lượng gần 90 kg nhưng đến khi bay phải giảm xuống còn 80 kg) làm sao để trọng tâm của phi công trùng với trọng tâm của khoang đổ bộ để khi về hạ cánh khoang đổ bộ không có cánh mà vẫn giữ được thăng bằng.

        Chuyến bay của Gorbatcô và Phạm Tuân lúc đi là trên tàu "Liên hợp-37", lúc về thì lại trên tàu "Liên hợp-36", nghĩa là, đưa con tàu mới lên, lắp ghép với con "tàu mẹ" rồi lấy con tàu cũ mang về.

        Chiều 30-7, Gorbatcô và Phạm Tuân thử lại các hệ thống định hướng và điều khiển đường bay cùng các hệ thống khác của tàu "Liên hợp-36".

        Bữa ăn sáng chia tay, Pôpôp và Riumin chuẩn bị những món ăn ngon nhất, quý nhất để đãi khách. Cuộc chia tay thật xúc động...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:44:29 am »

   
        Chỉ mấy ngày cùng làm việc với nhau thôi mà các phi công vũ trụ đã trở thành anh em trong một nhà, trong một gia đình thân thuộc, đầm ấm. Nay người trở về, người ở lại... biết khi nào mới lại gặp lại. Trên đời này, không có cuộc chia tay nào là không bịn rịn cả, nhất lại là cảnh lẻ loi trong vũ trụ mênh mông. Tôi với anh mỗi người ở một miền xa lạ trên Trái đất, mỗi người mang một phong tục, tập quán, ngôn ngữ... riêng, vậy mà cơ duyên đã đến với nhau, đã được gặp nhau để cùng hội nhập, để cùng nói chung một thứ ngôn ngữ, để cùng nhau hoàn thành những nhiệm vụ cao cả, cùng nhau sống một cuộc sống không giống ai trên Trái đất này, cứ lơ lửng, lơ lửng trong không gian, trong buồng lái con tàu chật hẹp... Khi sống với nhau, khi còn mải làm việc cùng nhau thì chẳng một ai nghĩ rằng chỉ ngay đây thôi, mình sẽ phải rời xa những người bạn, người anh em mình mới quen, mới thân. Chỉ khi chợt nhận ra giờ phút chia ly đã đến thì bấy giờ tình cảm mới đột nhiên bùng phát dậy. Nó như những cơn sóng ngầm gây nỗi nhớ cồn cào, da diết. Cũng đúng thôi, bạn cứ tưởng tượng xem, nếu bạn cũng ở cùng với một ai đó ở nơi "sơn cùng thủy tận" ngay dưới Trái đất này thôi thì chắc bạn cũng phải gắn bó, cũng sẽ thân thiết và tình bạn những lúc khó khăn, ấy càng keo sơn, bền chặt. Vậy thì khi chia tay, cảm giác của bạn sẽ thấy thế nào? Đằng này thì... trên tít mù tắp của khoảng không huyền bí chỉ có độc 4 con người với cuộc sống thật mạo hiểm, đùng một cái là giây phút chia ly. Người trở về Trái đất cỹng sẽ gặp biết bao rủi ro, người ở lại trên vũ trụ cũng còn bao hiểm nguy rình rập... Biết ai sẽ được an toàn hơn ai đây!.. Làm sao mà không bồi hồi, không xúc động cho được? Nhưng nói gì thì nói, cuộc sống vẫn có cái lý, cái lẽ riêng của nó.

        1lh48 phút, theo lệnh của Trung tâm điều khiển, Gorbatcô và Phạm Tuân phải rời trạm "Chào mừng-6" sang tàu "Liên hợp-36".

        Các phi công vũ trụ ôm hôn nhau thắm thiết.

        - Tạm biệt nhé! - Gorbatcô nói, - chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Trái đất! Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe, tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình đã định!

        Phạm Tuân lưu luyến chia tay và nói:

        - Chúc các đồng chí mọi sự bình an! Hẹn gặp lại trên đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng tôi!

        - Đi nhé! Hạ cánh mềm mại trên đất Kazăcxtan nhé! - Pôpôp nói nhỏ với Phạm Tuân sau khi ôm hôn nhau.

        Pôpôp và Riumin chúc Gorbatcô và Phạm Tuân trở về hạnh phúc và gửi lời chào thân thiết tới các đồng chí, đồng đội và người thân ở dưới đất.

        11h50 phút theo giờ Matxcơva, Gorbatcô và Phạm Tuân "bơi" qua khoang chuyển tiếp sang tàu "Liên hợp-36".

        11h52 phút, Phạm Tuân bên phía tàu "Liên hợp-36" và Pôpôp bên phía "Chào mừng-6" vẫy tay chào và nhìn nhau lần cuối trong vũ trụ. Cánh cửa tàu "Liên hợp-36" và Trạm "Chào mừng" từ từ đóng lại. Phạm Tuân trầm ngâm giây lát rồi nhẹ nhàng bơi vào vị trí của mình.

        Sau khi ăn trưa, Gorbatcô và Phạm Tuân giúp nhau mặc bộ áo giáp vũ trụ, ngồi vào vị trí trong khoang đổ bộ, thắt chặt dây bảo hiểm, kiểm tra các hệ thống và các máy móc khác trên tàu.

        14h55 phút theo giờ Matxcơva, động cơ của Trạm "Chào mừng-6" đẩy nhẹ. Tàu "Liên hợp" từ từ rời khỏi "tàu mẹ".

        Giây phút thiêng liêng ấy có gì đó ngậm ngùi. Gorbatcô và Phạm Tuân xa dần trạm "Chào mừng". Họ liên tục và cố tình quan sát, dõi theo... nhưng thời gian không cho phép. Công việc chuẩn bị cho hạ cánh -  chặng đường gian nan cuối cùng đang ở phía trước.

        Sau khi tách khỏi Trạm "Chào mừng", tàu "Liên hợp-36" bay tự do gần 2 vòng nữa. Các phi công kiểm tra lại toàn bộ các trang thiết bị, độ kín của con tàu, định vị lại trạng thái của con tàu, chuẩn bị mở động cơ hãm để đưa con tàu về Trái đất. Đây là công việc quan trọng và nguy hiểm của chuyến bay vì nếu định vị con tàu không chuẩn xác, chỉ cần sai lệch một chút và nhất là động cơ làm việc thiếu hoặc thừa một vài giây cũng làm cho vị trí hạ cánh của con tàu sai đi rất lớn. Còn nếu như động cơ hãm làm việc thiếu thời gian, con tàu rơi với tốc độ lớn, gặp tầng khí quyển lại trượt lên và cứ như vậy không biết con tàu bao giờ mới rơi xuống đất và rơi ở đâu. Rừng thẳm bao la và đại dương mênh mông thế kia làm sao mà tìm thấy được?

        Con tàu được định vị xong cũng là lúc động cơ hãm được khởi động. Con tàu rung nhẹ. Phi công cảm giác được động cơ đang làm việc. Tốc độ giảm dần. Con tàu rời khỏi quỹ đạo bay trở về Trái đất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:50:31 am »


        Tôi hỏi Phạm Tuân:

        - Cũng là việc tăng quá tải, nhưng giữa lúc bay lên và lúc về hạ cánh, anh cảm giác so sánh thế nào?

        - Lúc bay lên thì tôi đã nói ở phần trên: tên lửa đẩy 3 tầng làm việc nên mỗi khi tách tầng cũ mở tầng mới là có một sự rung lắc tác động mạnh đến phi công, còn khi về hạ cánh cũng quá tải ấy nó có vẻ nhẹ nhàng tình cảm lắm. Này nhé, sau khi giảm tốc độ, con tàu bị sức hút Trái đất "kéo" xuống, nó cứ từ từ rơi - quá tải cũng tăng chầm chậm. Đến độ cao khoảng 200 km, con tàu cảm nhận được vùng khí quyển nên tự động tách ra làm 3 khoang: khoang đầu và khoang cuối không được bảo vệ nên cháy trong vùng khí quyển, còn khoang đổ bộ được bảo vệ nhiệt tiếp tục lao xuống - quá tải tăng dần đạt đến 6-7G. Người tôi bị nén xuống thành ghế. Lúc đó không phải làm gì cả, chỉ có chờ và chờ thôi: chờ cái giây phút mở dù ấy mà. Tôi nhìn ra ngoài ô cửa sổ nhỏ thấy khói lửa mịt mùng, nó lại càng bừng sáng hơn nữa vì khi đó là ban đêm. Tuy vậy, trong con tàu nhiệt độ vẫn chỉ khoảng 20°c. Trong thời gian chờ đợi, thầy trò tôi thỉnh thoảng nhìn nhau, con búp bê nhỏ treo giữa hai người vẫn đứng im theo dõi chúng tôi chứ không còn nhảy múa như khi không trọng lượng nữa. Chờ đợi trong căng thẳng, tôi có thời gian suy nghĩ, nhớ đến hình ảnh mình đã được xem khi con tàu hạ cánh, trong đó có cả những lần bị tai nạn, lại nghĩ tới chuyến bay của mình, không biết rồi dù có mở không, tiếp đất sẽ thế nào? Đang miên man suy tưởng bỗng nhiên thấy con tàu chao đảo, rung lắc. Bình tĩnh lại, tôi cảm nhận được dù đã mở. Cùng lúc đó chúng tôi liên lạc được với mặt đất. Vậy là mối nguy hiểm đã qua!

        Phạm Tuân nói với Gorbatcô như reo lên:

        - Đã liên lạc được với mặt đất!

        - Tốt rồi!, - Gorbatcô đáp.

        Nhờ hệ thống dù rộng hàng ngàn mét vuông, tốc độ rơi của khoang lái giảm dần xuống 5-6 m/ s.

        Trực thăng hộ tống liên tục thông báo độ cao và các điều kiện thời tiết trong khu vực hạ cánh. Đội bay kiểm tra lại các đai an toàn và chuẩn bị đón nhận cú "hạ cánh mềm" trên nền sa mạc cứng.

        Bỗng Phạm Tuân nghe thấy tiếng "Rầm" rồi giật nảy lên, rồi lại "rầm" tiếp cái nữa và lăn lông lốc, măt mũi tối sầm. Thì ra gọi là "hạ cánh mềm" là vậy đấy. Khi khoang đổ bộ dừng hẳn, Phạm Tuân đập tay vào tay Gorbatcô:

        - Dừng rồi! Chúng ta đã trở về Trái đất!

        - Suốt quá trình hạ cánh cậu im lặng quá, bây giờ mới thấy tươi tỉnh! - Gorbatcô nói thay câu trả lời.

        Gorbatcô ngắm nhìn gương mặt Phạm Tuân rạng rỡ với nụ cười mãn nguyện cũng vui lây và mỉm cười sung sướng.

        Khoang đổ bộ nằm nghiêng, hai thầy trò gần như đè lên nhau. Dẫu vậy vẫn thấy thoải mái và vui lắm. Nghe thoáng tiếng trực thăng hạ cánh rồi tiếng ô tô, thiết bị cấp cứu... Rồi tiếng mở cửa khoang đổ bộ. Cửa đã mở - luồng không khí trong lành của đêm sa mạc ập vào khiến đội bay tỉnh cả người. Tiếng chúc mừng xen lẫn tiếng cười vang lên giữa sa mạc mênh mông. Phạm Tuân tháo găng tay, mở mũ bảo hiểm, cởi giây an toàn và không quên tháo con búp bê nhỏ xíu đã đồng hành cùng mình trong suốt mấy ngày bay, Phạm Tuân ra khỏi buồng lái trước sau đó đến Gorbatcô.

        Đội cấp cứu dìu Gorbatcô và Phạm Tuân ra chiếc lều vừa căng tạm ở bên cạnh. Vừa đấy thôi mà sao đông thế: đội cấp cứu các nhân viên y tế... nhưng nhộn nhịp nhất và mất trật tự nhất là các phóng viên báo chí, cả các nước phương Tây, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.


Những cuộc phỏng vấn sau khi hạ cánh

        Vẫn trong bộ quần áo giáp bay, nằm trên chiếc ghế dựa đặc biệt, đội bay vừa được các bác sĩ chăm sóc vừa phải trả lời biết bao câu hỏi của các phóng viên, người hỏi về sức khỏe, hỏi về sự cố trong chuyên bay, có người thì lại hỏi có gặp "đĩa bay" (UFO) không, nhiều nhiều lắm... Phạm Tuân kể lại rằng, ở đây, lần đầu tiên bị "sự cố" với phóng viên báo chí. Chẳng là, trong lúc các phóng viên nước ngoài hỏi liên tục và rất cụ thể thì có một phóng viên Việt Nam cứ đưa micrô ra và nói: "Anh cho tôi xin vài lời!". Câu ấy lặp lại đến mấy lần liền. Vừa mệt lại vừa bận rộn trả lời biết bao câu hỏi, Phạm Tuân hơi nặng giọng: "Hỏi gì thì anh hỏi cụ thể đi. Tôi có gì để anh xin đâu!". Sau này thì Tuân mới biết phóng viên đó phật ý và trách cứ điều gì đó. Đấy cũng là bài học đầu tiên cho Phạm Tuân khi trở thành phi công vũ trụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 07:57:33 am »


        Khi các thủ tục đón tiếp, trả lời phỏng vấn đã xong, đồng chí sĩ quan chỉ huy đội cấp cứu yêu cầu mọi người tản ra để các bác sĩ chăm sóc và thay quân áo giáp cho phi công. Giữa không khí trong lành của sa mạc, dưới bầu trời đầy sao và gió mơn man, khi trút khỏi bộ quần áo giáp nặng nề cộng với niềm vui hoàn thành chuyến bay, các phi công cảm thấy phân chấn lạ thường. Rồi tự nhiên, các câu hỏi về chuyên bay lại được đặt ra, cùng với nó là biết bao nhiêu người đứng vào để chụp ảnh kỷ niệm. Một không khí vui náo nhiệt hệt như ngày hội.

        Sau vài giờ trên bãi hạ cánh, sức khỏe của hai phi công bình thường. Đội bay lên trực thăng bay về thành phố Lênin. Ở đây, bầu không khí thật tưng bừng, náo nhiệt. Những người dân mà chủ yếu là những người làm khoa học phục vụ trong trường phóng tên lửa không ít lần đã đón các đội bay trở về. Họ vui, họ phấn khởi và đầy tự hào. Những cô gái Kazacxtan với váy áo rực rỡ, tươi cười ôm những bó hoa, bánh mì và muối tặng đội bay. Các đồng chí lãnh đạo của thành phố bắt tay chúc mừng... Một cuộc mít tinh nho nhỏ diễn ra và hai phi công vũ trụ được đội mũ dân tộc địa phương, được khoác lên vai chiếc băng với dòng chữ "Công dân danh dự Kazacxtan".


Đón tiếp các phì công vũ trụ của tàu Soyuz-37 tại thành phố Ngôi sao



Đón nhận danh hiệu Công dân danh dự Kazacxtan.

        Kết thúc buổi đón tiếp, đội bay được đưa về phòng nghỉ. Vừa bước vào phòng, Phạm Tuân không khỏi giật mình vì thấy xung quanh phòng khách khá lớn được đặt các dãy bàn, trên mặt bàn bày la liệt sách báo, rồi ảnh, tranh vẽ đủ thể loại phần lớn đều liên quan đến hàng không vũ trụ. Một nhân viên đi cùng nói nhỏ với Phạm Tuân: hãy cứ nghỉ đi, ngày mai làm việc sau. Cái công việc của ngày mai ấy là ngồi ký lên các sách báo mà mọi người gửi đến xin chữ ký làm kỷ niệm.

        Phải nói thêm một chút ở đây là gần như có luật bất thành văn: trước khi bay, các phi công chỉ được gọi là đội bay và tuyệt đối không được ký tên làm kỷ niệm. Chỉ khi nào đã vào vũ trụ thì lúc đó mới được gọi là phi công vũ trụ và bấy giò mới được cho chữ ký kỷ niệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 08:01:03 am »


        Về chuyến hạ cánh của con tàu "Liên hợp", nhà thơ Hoàng Minh Châu đã viết bài "Khi con tàu hạ cánh" với cảm xúc ngập tràn:

        "Khi chấm dù xuất hiện
         Giữa nền trời xanh lơ
        Xa xôi ngoài vạn dặm
        Tôi, bạn khó lòng chờ
        Ta muôn chạy tới nơi
        Khối sắt vừa buông xuống
        Mà nghe tiếng cuộc đời
        Hò reo như sấm động
        Rồi phút giây sung sướng
        Mắt tôi, bạn sẽ nhòa
        Khi của tàu mở rộng
        Các anh hùng hiện ra...
        Nào, các bạn, lùi xa
        Cho đằng sau trông rõ
        Những anh hùng của ta
        Hiển lành như hoa nở
        Người Việt Nam ta đó
        Bạn Xô Viết ta đây
        Các anh về, chuyến bay
        Chở ắp đầy tình bạn
        Da các anh mang nắng
        Từ năng lượng mặt trời
        Mắt các anh màu sáng
        Từ thiên thể xa xôi
        Khoan hỏi anh nhiêu lời
        Niềm vui không kể xiết
        Những người vui ra khơi
        Lên bờ thường say đất
        Hãy sờ tay lên ngực,
        Mà nghe ta tự hào,
        Như chính ta cũng được
        Tự tay với trăng sao..."


        Thông tấn xã Liên Xô và Thông tấn xã Việt Nam đã ra thông báo về chuyến bay này như sau:

        - Ngày 31-7-1980, sau khi hoàn thành thắng lợi chương trình làm việc chung trên Tổ hợp quỹ đạo nghiên cứu khoa học "Chào mừng-6 - Liên hợp-36 - Liên hợp-37". Đội bay quốc tế gồm V.V.Gorbatcô - phi công vũ trụ Liên Xô, hai lần Anh hùng Liên Xô và Phạm Tuân - nhà du hành, nghiên cứu vũ trụ, Anh hùng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã trở về Trái đất.

        - Các nhà du hành vũ trụ L.Pôpôp và V.Riumin tiếp tục làm việc trên Trạm "Chào mừng-6". Khoang đổ bộ của tàu "Liên hơp-36" đã đỗ xuống một địa điểm đã định trên lãnh thổ Liên Xô, cách thành phố Dgiekazgan 180 km.

        - Sau khi xuống đến mặt đất, sức khỏe của đồng chí V.V.Gorbatcô và đồng chí Phạm Tuân đều tốt.

        - Trong quá trình bay chung trên Tổ hợp quỹ đạo "Chào mừng-6 - Liên hợp-36 - Liên hợp-37", các đồng chí L.Pôpôp, V.Riumin, V.Gorbatcô và Phạm Tuân đã hoàn thành hàng loạt công trình nghiêm cứu thí nghiệm y sinh học và công nghệ học do các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam chuẩn bị với sự tham gia của các nhà khoa học các nước xã hội chủ nghĩa khác. Theo chương trình nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và môi trường chung quanh, đội bay quốc tế đã tiến hành quan sát bằng mắt và chụp ảnh các vùng khác nhau của lãnh thổ Việt Nam. Các nhà du hành cũng đã tiếp tục các thí nghiệm đã được bắt đầu trong các chuyến bay quốc tế trước bằng máy móc khoa học do chuyên gia các nước tham gia Chương trình Intercôsmôt chế tạo. Việc hoàn thành chương trình nghiên cứu trên Trạm quỹ đạo "Chào mừng-6" được các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam cùng nhau đề ra cho phép thu được những số liệu mới nhằm phát triển khoa học cơ bản và ứng dụng thực tế vào các ngành kinh tế quốc dân.

        - Chuyến bay vũ trụ được hoàn thành thắng lợi chứng minh hùng hồn sự phát triển hơn nữa các mối quan hệ khoa học và kỹ thuật giữa Liên Xô và Việt Nam là một bằng chứng rực rõ mới của sự hợp tác đầy hiệu quả giữa các nhà khoa học các nước xã hội chủ nghĩa trong việc chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình...


        Các báo chí, các kênh truyền hình của Liên Xô, của ta, của các nước bạn trong phe xã hội chủ nghĩa rồi của cả các nước phương Tây liên tục đăng các tin, bài với những dòng tít lớn trên trang nhất về chuyến bay này.

        Dịp tôi ngồi nói chuyện với Phạm Tuân, tôi hỏi anh:

        -  Vậy sau mấy ngày trên vũ trụ trở về, việc sinh hoạt, đi lại của anh có thấy thay đổi gì không?

        - Có chứ! - Phạm Tuân trả lời, - sau khi tiếp đất, cái vui, cái phấn khởi nó chen lấn một phần làm cho tôi cảm thấy khỏe và quên đi tất cả những cái gì gọi là mệt mỏi do chuyến bay gây ra. Cảm giác khi còn ngồi trong buồng hạ cánh thì không có gì mới lạ, cũng như những lần ngồi tập luyện vậy thôi, nhưng khi ra khỏi buồng hạ cánh những bước đi đầu tiên thấy nó lâng lâng nhưng lại nặng nề như có vật gì vô hình buộc vào chân và bước đi không được thẳng, cảm giác rất lạ lùng. Ngồi ăn cầm thìa dĩa cũng thấy nặng. Đêm nằm ngủ, khi trở mình thấy người nặng trĩu, tỉnh giấc mới nhận ra: mình vừa từ vũ trụ trở về. Về sân bay Baicônua là bọn tôi lập tức được đưa vào buồng tập những bài tập như trước khi bay để kiểm tra, so sánh tình trạng không trọng lượng ảnh hưởng lên phi công như thế nào. Nhưng thực ra, vừa mệt mỏi cộng với tâm lý mình đã bay rồi nên cái động lực nó kém hẳn và tất nhiên, kết quả không thể bằng tập luyện trước chuyến bay. Buổi chiều, khi ra sân đánh ten nit thì không thể nào mà đánh trúng bóng được. Thấy bóng đấy mà vụt không trúng. Tất cả những ảnh hưởng của chuyến bay nó không thật nặng nề, nhưng chúng tôi cũng phải luyện tập mấy ngày các hoạt động mới trở lại bình thường. Đấy là tôi bay có 8 ngày còn các phi công bay lâu trong vũ trụ thì phải gian khổ, khó khăn lắm mới hồi phục được. Làm quen với không trọng lượng đã khó nhưng quen trở lại với có trọng lượng cũng không dễ dàng gì, thậm chí còn khó hơn...

        - Thì các anh đã sướng khi chẳng còn nặng nề gì với tình trạng không trọng lượng. Nhẹ cứ như lông hồng ấy, đúng không? - Tôi nói.

        - Mỗi tình trạng đều có những cái vất vả, khó nhọc của nó. Cứ phải trải qua thì mới hiểu!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2018, 08:01:39 am »


        Quả thực, từ khi bắt đầu phóng con tàu lên và suốt cả quá trình trong chuyến bay, các phi công vũ trụ phải luôn luôn đối phó với hàng loạt khó khăn, ngay cả những giây phút hạ cánh để trở về sống trên mặt đất. về vấn đề này, Thiếu tướng, phi công vũ trụ P.Climuc đã nói:

        -  Sau một thời gian dài sống trong tình trạng không trọng lượng, đúng là chúng tôi đã chịu đựng tình trạng có phụ tải rất khó khăn. Lồng ngực tôi bị ép chặt sát xương sống. Không thở được. Không nói được và cũng không ngóc đầu lên được. Cuối cùng, một tiếng nổ phát ra, tôi cảm thấy bị xô đẩy nhẹ và vài giây sau lại bị xô đẩy mạnh hơn. Những hiện tượng đó báo cho chúng tôi biết rằng hệ thống dù đã bật mở ở độ cao 10 km. Hệ thống này gồm có dù kéo, dù hãm rồi mới tới dù đỡ. Đó là dù chính, rộng tới mấy trăm mét vuông. Ngay khi mới chạm đất, chúng tôi đã phải tách ra khỏi các thứ đó ngay, để khỏi bị cuốn theo chiều gió. Chợt tôi nghe thấy tiếng của V.Xêvaxtianôp gọi tôi. Tôi quay lại và không nhìn thấy đầu của anh ấy đâu cả vì bị tấm bản đồ phi công vũ trụ che lấp. Xêvaxtianôp cố gỡ tấm bản đồ ra khỏi mặt nhưng hai cánh tay của anh ấy chưa kịp giơ lên đã lại rơi ngay xuống, hệt như những cánh tay đã chết rồi. Phải khó khăn lắm tôi mới tới được chỗ anh ấy và cũng lại vất vả lắm tôi mới nhấc được tấm bản đồ đang che mặt anh ấy. Tấm bản đồ chỉ to như một tờ báo, thế mà lúc này nó nặng đến thế! Người tôi cũng nặng như chì. Tôi cố hết sức để vặn cái cần khóa cửa ra vào bộ phận thu hồi, nhưng nó chỉ nhích đi từng tí một. Sau nỗ lực đó, tim tôi đập thình thịch và cảm thấy rất rõ cả những tiếng đập dữ dội trong các động mạch ở cổ. Hẳn nó phải đập tới 180 lần trong một phút. Cửa ra vào bộ phận thu hồi đã hé mở. Tôi bước ra ngoài, chân đã chạm đất. Nhưng chân tôi đâu mất rồi? Tôi có cảm giác như hai chân tôi đã bị thay thế bằng một cặp chân giả thô sơ. Tôi cố hết sức tập trung nghị lực, co thót cả cơ bụng, bước đi bước đầu tiên. Các đồng chí trong đội thu hồi cũng vừa tới, vội chạy ra đỡ tôi, nhưng tôi cương quyết từ chối. Cúi người về phía trước, tôi gắng hết sức và đã vượt qua được cái sức ì. Tôi đã tự đi được 20 m là khoảng cách từ chỗ tôi đứng đến chỗ thay bộ quần áo giáp, mặc bộ quần áo bình thường. Mới có thế thôi mà tôi đã bị mệt lử. Với thói quen trong vũ trụ, tôi lại định nằm dài người ra cho thân mình trôi lơ lửng một chút trong khoang tàu không có trọng lượng. Nhưng không khí ở mặt đất đã không đỡ nổi tôi nữa... Ngày đầu tiên trở về Trái đất, chúng tôi hoàn toàn thuộc quyền các thầy thuốc. Lại tiếp tục xét nghiệm, lại tiếp tục cắm lên người các núm theo dõi sức khỏe. Phải nhổm dậy, phải đứng trên hai chân, phải làm các động tác theo chỉ dẫn chứ không còn được trôi lơ lửng trong con tàu vũ trụ nữa. Phải đứng thẳng là điều gay go, vất vả nhất vì lúc đó đầu cứ quay tít đi và cổ họng cứ nghẹn lại. Hai chân cảm thấy đau nhức tới từng thớ thịt. Điều băn khoăn hơn là không biết tình trạng này còn có thể kéo dài tới bao lâu. Bởi vì, trở lại với trạng thái có trọng lượng ở mặt đất, khả năng thích nghi phụ thuộc rất chặt vào cơ thể từng người, không ai giống ai cả. Riêng đối với tôi, chỉ 6 giờ sau khi ngủ dậy tôi đã có thể tổ chức cuộc họp báo đầu tiên. Tôi biết rõ cơ thể của tôi đã trở lại bình thường. Một ngày sau, tôi ăn đã thấy ngon miệng và 5 ngày nữa, tôi đã có thể dạo chơi, bước đi được 10.000 bước. Nhưng rất chóng bị mệt và các cơ bắp vẫn còn nhức nhối. Qua thời gian bay, cả tôi và Xêvaxtianôp đều bị sụt cân nhiều. Bắp đùi và cẳng chân hai chúng tôi gầy tọp đi rõ rệt. Xét nghiệm máu cho thấy có một số thay đổi trong thành phần máu, đặc biệt là bị giảm sút lượng hồng cầu. Hai chúng tôi hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường trong khoảng 45 ngày sau khi hạ cánh. Còn hai anh Liakhôp và Riumin, sau 6 tháng bay trong vũ trụ, sức khỏe vẫn tốt, có thể nói là tốt hơn tôi tưởng tượng, không thấy có sự thay đổi trong thành phần máu như tôi, nhưng cũng bị rối loạn tiền đình. Cả Liakhôp và Riumin đều bước đi không vững, chỉ muốn nằm, ngồi, còn đứng thì rất khó chịu. Giơ chân lên cũng khó, lúc nào cũng như bị hút xuống đất và cầm vật gì cũng thấy nặng. Chúng tôi đã phác ra một chương trình tập luyện trong khoảng một tháng rưỡi để các anh ấy thích nghi với cuộc sống có trọng lượng trên mặt đất, nhưng chỉ sau 10 ngày là các anh ấy đã làm được tất cả mọi việc, đi lại bình thường như chúng tôi...".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2018, 08:29:11 am »


        Riêng với Phạm Tuân, trong "Báo cáo tình hình sức khỏe phi công nghiên cứu vũ trụ Phạm Tuân trước, trong và sau chuyến bay..." của Bệnh viện Không quân thì thấy:

        "Phạm Tuân được khám sức khỏe 3 giờ sau khi hạ cánh. Lúc đó anh có hơi mệt, đi có lảo đảo một chút, tuy nhiên vẫn định hướng tốt và tiếp xúc tốt với mọi người xung quanh, anh viết và ký lưu niệm. Bút tích của anh không khác gì so với bút tích trước chuyến bay.

        Anh đã chịu đựng tốt chuyến bay 8 ngày đêm. Trong suốt chuyến bay, hiệu suất công tác của anh được giữ vững ở mức cao.

        Sau chuyến bay, cân nặng của Phạm Tuân có giảm đi 3,4 kg, nhưng sau 3 ngày đã khôi phục được 0,4 kg và sau 1 tháng thì cân nặng của anh đã vượt mức trước khi bay, lên 70 kg..."

        Cũng có thể, thời gian ở trong vũ trụ của Phạm Tuân ngắn hơn, cộng với tố chất và khả năng thích nghi của một phi công chiến đấu nên vượt qua khó khăn phần nào đó nhẹ nhàng hơn. Gần một tuần tập luyện hồi phục sức khỏe, ngày 4-8-1980 đội bay bay về Matxcơva. Đúng 12h, máy bay hạ cánh xuống sân bay Chcalôp gần Trung tâm vũ trụ. Đón đội bay có Phó Tổng Tư lệnh Không quân Liên Xô, Nguyên soái Không quân A.N.Ephimôp, Chủ tịch ủy ban nhà nước về chương trình vũ trụ cùng cán bộ cao cấp của Trung tâm vũ trụ và nhiều cơ quan khác.

        Đội bay bước xuống thang máy bay, đến trước Chủ tịch ủy ban báo cáo kết quả chuyến bay. Tiếp theo, đội bay được hộ tống về quảng trường Trung tâm huấn luyện vũ trụ. Mới hai tuần trước đó, đoàn xe rồng rắn tiễn đi thì nay cũng đoàn xe ấy lại đón các phi công vũ trụ trở về thật là hoành tráng. Cánh cửa xe mở, Phạm Tuân bước xuống. Cả quảng trường đầy ắp người - các đồng chí chỉ huy Trung tâm, các cán bộ của chương trình Intercôxmôt, các công trình sư, kỹ sự, chuyên viên chế tạo tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, các nhận viên Trung tâm điều khiển. Ở khu vực gần giữa quảng trường có Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hữu Mai, ông Nguyễn Hữu Xiển, phi công Anh hùng Nguyễn Đức Soát cùng đoàn vừa từ Việt Nam sang, trong đó có bố của Phạm Tuân, bà mẹ của Bùi Thanh Liêm đi bên Bùi Thanh Liêm cùng vợ con của hai gia đình. Các đồng chí Việt Nam tiến lại gần đội bay bắt tay, ôm hôn và trao những bó hoa tươi thắm. Phạm Tuân bế hai cô con gái nâng lên cao, một tình cảm đằm thắm dành cho gia đình.

        Phạm Tuân tiến lại bên cạnh cha mình, nhìn ông trong bộ "véc" thật mới lạ. Ông chỉ cười, chẳng nói gì. Ông vẫn thế. Phạm Tuân hiểu rõ niềm vui tột cùng của người cha tần tảo để anh có được ngày hôm nay.

        Phạm Tuân hỏi sao không thấy Đỗ Văn Lanh. Trầm xuống giây lát, mọi người mới nói Lanh đã hy sinh trong chuyến bay huấn luyện. Đang vui bỗng Tuân lặng đi, buồn đột ngột. Chẳng là trước chuyến bay, phía bạn có nói với Phạm Tuân là anh được mời một người bạn phi công sang đón anh sau chuyên bay. Phạm Tuân đề nghị xin thêm mấy người nữa được không? Phía bạn bảo: chỉ được một thôi! Với sự kiện trọng đại, Phạm Tuân muốn có bạn bè đông đủ. Phạm Tuân suy nghĩ mãi, cuối cùng chọn mời Đỗ Văn Lanh - một Anh hùng phi công quả cảm cùng bay với Tuân từ MIG-17 rồi lên MIG-21. Đỗ Văn Lanh học tại trường bay Việt Nam chưa hề được đi Liên Xô bao giờ...


Đôi bạn chiến đẩu Phạm Tuân và Đỗ Văn Lanh
     
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM