Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:11:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lêningrat giữ vững thành đồng  (Đọc 10654 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:27:30 am »

 Các chiến sĩ đã viết trả lời nhân dân Lêningrat:

“Giờ phút chờ đợi lâu này đã tới. Chúng tôi đang đi đến với người đây, hỡi Lêningrat đau thương...

Chúng tôi sẽ tiến lên, và chỉ có tiến lên phía trước. Trong chúng tôi, sẽ không có ai hèn nhát và dao động. Chúng tôi sẽ noi gương đồng bào can trường và dũng cảm của Lêningrat yêu quý. Chúng tôi không có con đường nào khác. Hoặc là chết, hoặc là chiến thắng. Chúng tôi xin thề với Lêningrat: nhất định thắng!”

Và họ đã làm đúng như lời thề đó.

Ngày 12 tháng giêng năm 1943, hồi 9 giờ 30 phút, khi những ánh ban mai đầu tiên vừa mới xuyên qua tấm màn sương mù băng giá và ròi xuống bờ sông Nêva phủ đầy tuyết và xuống những đỉnh thông non trên vùng sình lần Xiniavin, thì pháo binh của hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp và của hạm đội Bantich Cờ đỏ bắt đầu bắn pháo chuẩn bị. Các loạt pháo ầm ầm trộn lẫn vào nhau như sấm nổ rền không bao giờ tắt. Trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ, hơn 4.500 khẩu pháo và súng cối đã ra sức làm công việc phá hoại của chúng. Các ụ súng, lô cốt và chiến hào của địch bị phá hủy, sinh lực và hỏa lực của chúng bị đè bẹp. Mật độ xạ kích tới 2-3 trái phá trên một mét vuông. Theo lời khai của tù binh, trận đòn pháo này của quân ta đã làm cho bọn phát-xít thất đởm kinh hồn. Đạn đã rơi rất trúng vào các hầm hào và các hỏa điểm.

Đến 11 giờ 45 phút, khi hỏa lực pháo binh đạt tới điểm mãnh liệt nhất, thì bộ đội xuất phát tấn công. Đánh qua sông Nêva là những sư đoàn ưu tú của tập đoàn quân 67 Mặt trận Lêningrat: sư bộ binh 368 của đại tá X. N. Boocsep, sư bộ binh 136 của tướng N. P. Ximônlăc và sư bộ binh 86 của Anh hùng Liên-xô – đại tá V. A. Trubachep. Từ bàn đạp ở khu Đubrôca Nepxcaia, sư bộ binh cận vệ 45 của tướng A. A. Craxnôp cũng xông lên tấn công.

Đi hàng đầu mỗi sư đoàn là những đội đột kích mũi nhọn và những đột phá chướng ngại và công sự địch. Họ đã vượt qua mặt nước đóng băng của sông Nêva trong 8-10 phút và lập tức mở đường qua bãi mìn và hàng rào dây thép gai của bộ binh và xe tăng tiến.

Khi đã hoàn hồn, bọn phát-xít tới tấp bắn xuống mặt sông bằng những hỏa khí chưa bị phá hủy. Nhưng không kịp nữa rồi. Lên tới bờ, các chiến sĩ xô-viết liền đánh bật địch ra khỏi các công sự phòng ngự. Quân địch điên cuồng chống cự, tiến hành những đợt xung phong. Trận đánh mỗi lúc một thêm quyết liệt. Tiếp theo bộ binh, xe tăng của ta cũng vượt sông Nêva và xông vào chiến đấu. Sau khi đã lên được bờ sông dốc đứng, các chiến xa của ta bắt đầu nghiền nát và bắn diệt các hỏa điểm và sinh lực của địch. Đại úy xe tăng Đ. P. Tuparep đã tả xung hữu đột như mãnh hổ giữa bầy dê. Xe tăng của đồng chí đã thọc sâu vào đội hình phòng ngự của địch, đã diệt 3 pháo chống tăng, 1 khẩu đội súng cối của địch, đã nghiền nát 4 hỏa điểm súng máy, 2 hầm cố thủ và bắn chết hơn 30 tên phát-xít.

Trong khi đó, liên tiếp nhiều phân đội khác vượt sông Nêva. Đó là thê đội hai của ác trung đoàn và sư đoàn bộ binh và bộ đội pháo chuyển trận địa hỏa lực. Trái phá của ta nổ ngày càng xa bờ sông Nêva. Sau khi đánh gục quân địch ở tiền duyên, các đơn vị của tập đoàn quân 67 tiến vào tung thâm phòng ngự của địch.

Trong ngày đầu của chiến dịch, các đơn vị của các sư bộ binh 368 và 136 đã đạt được nhiều kết quả hơn cả. Họ đã đột phá giải phòng ngự chính và thọc sâu vào tung thâm phòng ngự của địch từ 1,5 đến 2 cây số.

Các chiến sĩ xô-viết đã chiến đấu với một ý chí quyết thắng và một tinh thần ngoan cường chưa từng thấy. Họ đã dùng tiểu liên lia chết quân địch hàng loạt, dùng lựu đạn diệt hầm cố thủ và dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch. Ngay trong ngày đầu chiến dịch, trong khắp toàn quân, đã truyền tin về chiến công bất tử của chiến sĩ thông tin sư bộ binh 136 – Đmitri Môlôtsôp, đã lập chiến công theo gương Matrôxôp. Để cứu đồng đội của mình khỏi bị hỏa lực ác liệt của một khẩu súng máy địch, đồng chí đã lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô đã truy tặng binh nhất Đmitri Mônlôtsôp danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Cũng trong những ngày đó, mọi người đã được tin về chiến công của thượng úy phi công Ivan Pantêlêep và báo vụ viên kiêm xạ thủ, thượng sĩ Piôt Xôlôgubôp. Khi máy bay của họ bị trúng đạn, lẽ ra họ có thể nhảy dù hoặc cho máy bay đỗ xuống một nơi trong vùng địch. Song họ đã không làm như vậy, mà đã cho chiếc máy bay đang bốc cháy đâm thẳng vào một đoàn ô tô của quân Đức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:30:01 am »

Đến cuối ngày đầu chiến dịch, bộ đội của tập đoàn quân 67 đã giành được của địch một bàn đạp rộng 6 cây số và sâu 3 cây số.

Còn về phía khác của mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin, cuộc chiến đấu cũng diễn ra gay go trong khu vực tấn công của bộ đội thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 Mặt trận Vônkhôp. Họ đã ngoan cường đánh chiếm các trận địa của địch, ra sức tiến lên để gặp các đơn vị của bạn từ Lêningrat đánh tới, mở đường đi đến thành phố Lênin.

Trong đội ngũ các đơn vị tấn công của tập đoàn quân mũi nhọn 2, có 5 anh em nhà Sumôp: Alecxađrơ, Vaxili, Luca, Ivan và Apxenti. Người ta có thể thấy họ với khẩu cối 120 li ở những nơi nguy hiểm nhất. Không biết mệt là gì, không tiếc tính mệnh của mình, các chàng dũng sĩ quê ở Xibêri ấy đã xông xáo trút lửa căm thù vào đầu quân phát-xít. Hàng trăm tên xâm lược bị giết, hàng chục súng cối và súng máy của giặc bị diệt là kết quả chiến đấu của mỗi người trong số anh em đó. Cả 5 anh em đã được thưởng huân chương cùng một lúc: Alecxanđrơ – huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng II, còn 4 người khác – huân chương Sao đỏ.

Địch điên cuồng chống lại. Pháo của chúng đặt trên cao điểm Xiniavin lên tiếng. Không quân địch xuất trận. Song chẳng có gì kìm được sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Đến cuối ngày đầu chiến dịch thì trên suốt khu vực ta tấn công, tiền duyên phòng ngự của địch đều bị chiếm.

Sư đoàn bộ binh 327 của đại tá N. A. Pôliacôp đã đạt được nhiều kết quả hơn cả. Họ đã tấn công quyết liệt vào quân địch ở cánh rừng nhỏ Cruglaia và đã tiến được ra cửa rừng phía tây. Đám địch phòng ngự cánh rừng nhỏ này đã bị tiêu diệt. Về đám quân địch phòng giữ cánh rừng nhỏ Cruglaia này, thì ngay trong chiến địch Xiniavin hồi tháng chín 1942 tuyên truyền phát-xít đã làm rùm beng rất lâu và rất nhiều. Chúng đã quảng cáo không hết lời về sự gan dạ của binh lính nước Đức phát-xít. Ảnh của tên Vengle, chỉ huy đám quân ở đây, đã không ngớt xuất hiện trên các trang báo và tạp chí Đức. Vì có công phòng giữ cánh rừng nhỏ này, hắn đã được ban cho Thập tự sắt bội tinh.

Vậy mà trung tâm đề kháng quan trọng bậc nhất này, che chở cửa ngõ dẫn vào Xiniavin, nay đã bị các chiến sĩ sư đoàn bộ binh 327 lấy mất. Không những thế, ta còn thu được 25 đại bác, gần 100 súng máy và bắt được nhiều tủ binh. Địch đã bỏ lại trên chiến trường hơn 1 nghìn xác binh lính và sĩ quan.

Tư lệnh tập đoàn quân, trung tướng Rômanôpxki đã tuyên dương công trạng toàn thể quân nhân trong sư đoàn. Và mấy ngày sau thì sư đoàn này đã được tặng danh hiệu Sư đoàn cận vệ 64.

Khi đã bớt choáng váng vì đòn đầu tiên bất ngờ của bộ đội Liên-xô, bộ tư lệnh phát-xít bèn đem hết cố gắng ra để ngăn việc hội quân của bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat. Đưa thêm từ các khu vực khác trên mặt trận, đến vùng Xiniavin, chúng đã tung các đơn vị đó ra chống lại tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 đang tiến công. Những trận đánh tao ngộ dữ dội nổ ra. Đặc biệt là quân địch cố sống cố chết giành lại cánh rừng nhỏ Cruglaia. Trong cuộc chiến đấu để giữ vững tuyến này, tiểu đoàn pháo chống tăng của đại úy Rôđiônôp đã chiến đấu rất dũng cảm. sau khi chiếm lĩnh trận địa hỏa lực ở cửa ừng nhỏ, trước một bãi rừng thưa, tiểu đoàn đã dùng hỏa lực chính xác nhiều lần bắt tăng địch phải quay đầu tháo chạy. Và khi bộ binh địch đi vòng định đánh vào sườn của tiểu đoàn thì các pháo thủ đã quay một phần pháo lại, đánh vào bộ binh địch.

Cuộc chiến đấu rất gay go, ác liệt đó đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Tất cả khu đất trước trận địa hỏa lực của tiểu đoàn phủ đầy xác địch. Ở trên địa hình trắng xóa tuyết, đã có đến gần một chục tăng địch bị bắn hỏng đứng đen xì bốc khói. Song, quân Đức lại chấn chỉnh đội ngũ và cứ thế hết đợt này đến đợt khác bò lên, định đè bẹp sự chống trả ngoan cường của một nhóm dũng sĩ bằng bất cứ giá nào. Lần lượt các khẩu pháo ngừng bặt, các pháo thủ ngã xuống dưới làn đạn của quân thù, song tiểu đoàn vẫn giữ vững vị trí, không gì lay chuyển nổi. Rồi đến khi họ chỉ còn 3 khẩu pháo chưa bị hỏng và mấy chiến sĩ với đại úy Rôđiiônôp đứng đầu. Rồi cả họ cũng không còn nữa. Khẩu pháo cuối cùng đã im bặt và đại úy Rôđiônôp đã ngã xuống trên giá pháo, bị trúng đạn quân thù.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:32:18 am »

Tuy vậy, địch vẫn không qua được tuyến này. Bộ binh đến chi viện đã kịp chặn chúng lại. Không những thế, các chiến sĩ xô-viết còn bền bỉ tiến lên với một ý chí thép. Vượt qua các lớp tuyết dày và đập tan sức đề kháng của địch, họ đã từng bước tiến gần lại Xóm công nhân số 5 – nơi hội quân của các đơn vị Lêningrat và các đơn vị Vônkhôp.

Đến tối ngày 14 tháng giêng, sư bộ binh 18 của tướng M. N. Ôpchinicôp thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 (Mặt trận Vônkhôp) và sư 136 của tướng Ximôniăc thuộc tập đoan quân 67 (Mặt trận Lêningrat) chỉ còn cách nhau khoảng 2 cây số. Bộ phận quân địch phòng ngự ở khu Lipca – Slitxenbuôc và trong các cánh rừng nam hồ Lađôga thế là có nguy cơ bị bao vây.

Nhằm cứu đám quân đó và ngăn việc hội quân của các đơn vị Vônkhôp với bộ đội Lêningrat, bộ tư lệnh phát-xít đã điều tới khu vực Xóm công nhân số 5, Xiniavin lực lượng chính của hai sư bộ binh và một sư khinh binh đánh núi, cùng một số đon vị của các sư đoàn khác nữa. Đồng thời địch tiếp tục tăng cường lực lượng ở sườn nam đột phá khẩu. Song những cố gắng của chúng đều vô hiệu. Bộ đội Vônkhôp và đơn vị Lêningrat vừa tiêu diệt vừa đánh lui quân địch, mỗi lúc lại tiến gần nhau. Đến tối ngày 16 tháng giêng, ở khu Xóm công nhân số 5, họ chỉ còn cách nhau có mấy trăm thước, nhưng đây là chỗ rất kiên cố và dày dặc binh lực và hỏa lực của địch.

Tảng sáng ngày 17 tháng giêng, các binh đoàn cánh trái của tập đoàn quân 67 tổng công kích vào Slitxenbuôc: sư bộ binh 86 của Anh hùng Liên-xô, đại tá V. A. Trubachep đánh vào thành phố từ phía nam, lữ đoàn trượt tuyết độc lập 34 của đại tá A. F. Pôtêkhin quặp lấy thành phố từ phía đông, cắt đường rút lui của quân địch. Từ phía hồ Lađôga, các thê đội của lữ đoàn thủy binh đánh bộ của đại tá Buôcmixtrôp tiến qua mặt băng đánh vào.

Địch phòng thủ Slitxenbuôc rất mạnh. Song chúng vẫn không chặn nổi sức tấn công vũ bão của quân ta. Đến chiều hôm đó, sau những trận đánh dữ dội trong các phố thì quân ta lấy được thành phố đó.

Sư bộ binh 128 của tập đoàn quân mũi nhọn 2 cũng tấn công có hiệu quả. Sau 5 ngày tác chiến, họ đã đè bẹp sức đề kháng của địch ở Lipca, một cứ điểm rất kiên cố.

Tại tuyến Xóm công nhân số 1 và số 5, lực lượng đột kích của hai mặt trận đã tiến sát tới ngoại vi của các cứ điểm đó và đã chuẩn bị giáng đòn quyết định.

Đó là sang ngày 18 tháng giêng 1943. Vừng đông chỉ vừa mới hé lên, pháo binh địch đã nổ liên hồi, tiếp đến là các thê đội địch xuất hiện. Hòng phá cuộc tấn công của ta, quân Đức đã chủ động đánh trước. Chúng mưu toan mở rộng cái hành lang mà chúng còn giữ được để giúp cho đám quân chúng bị chia cắt trong các cánh rừng ở nam hồ Lađôga thoát vây.

Gặp phải hỏa lực mạnh của quân ta, giặc đã phải để lại trên chiến trường hàng trăm xác và lùi lại vị trí ban đầu. Khi đó, bộ đội thuộc tập đoàn quân mũi nhọn 2 và tập đoàn quân 67 liền nhất tề xông lên tấn công. Đã sắp đến lúc gặp nhau nên họ càng đánh địch mãnh liệt.

Bộ tư lệnh phát-xít đã ném vào cuộc chiến đấu thêm nhiều lực lượng mới. Trong đêm vừa qua, chúng đã điều đến khu Xóm công nhân số 5 những phân đội của sư đoàn Xanh Tây-ban-nha, của sư bộ binh 215 và một số đơn vị khác. Ngay từ đầu, cuộc chiến đấu đã có tính chất ác liệt đặc biệt. Với sự ngoan cố của những kẻ đã đến bước đường cùng, quân giặc cố thủ từng thước đất bị trái phá và đạn cối cày sới, song chúng vẫn không sao cản được sức tiến vũ bão của quân ta.

Đến 9 giờ 30 phút ngày 18 tháng giêng năm 1943 thì hai mũi của Mặt trận Lêningrat và của Mặt trận Vônkhôp đã gặp nhau – một cuộc hội quân không bao giờ quên được! Tại ngoại vi Xóm công nhân số 1, các chiến sĩ lữ đoàn bộ binh 123 Mặt trận Lêningrat đã gặp các chiến sĩ trung đoàn 1.240 sư bộ binh 372 Mặt trận Vônkhôp và ôm chầm lấy nhau. Và hồi 11 giờ 45 phút, sau khi đánh tan đợt phản kích của địch, ở bắc và nam Xóm công nhân số 5, các chiến sĩ sư bộ binh 136 của tập đoàn quân 67 đã gặp các chiến sĩ sư bộ binh 18 của tập đoàn quân mũi nhọn 2. Đến cuối ngày hôm đó thì các binh đoàn và bộ đội khác của tập đoàn quân 67 Mặt trận Lêningrat và của tập đoàn quân mũi nhọn 2 Mặt trận Vônkhôp cũng hội quân với nhau.

Kết quả là suốt cả bờ nam hồ Lađôga không còn một bóng tên địch. Cái hành lang khai thông được đó tuy còn chưa rộng mấy – tất cả khoảng 8-11 cây số -, nhưng đó là con đường bộ nối Lêningrat với đất nước.

Chiến thắng bao giờ cũng nâng cao sĩ khí. Song một sự hồ hởi như trong dịp ấy thì có lẽ cả trước khi phá được vòng vây lẫn những năm về sau này, cũng không bao giờ thấy có. Người ta chúc mừng nhau, ôm chầm lấy nhau, hôn nhau. Mặc các cán bộ và chiến sĩ đều rạng rỡ một niềm hân hoan, cảm động đặc biệt. Và quả thật là đáng phấn khởi biết bao! Điều mà nhân dân xô-viết bấy lâu hằng nghĩ tới, điều mà bộ đội Lêningrat và đơn vị Vônkhôp trong suốt 16 tháng chiến tranh mong đạt tới, thì bây giờ đã được thực hiện: vòng vây Lêningrat đã bị phá vỡ!

Nhân dân Lêningrat đã vô cùng phấn khởi, khi nhận được tin thắng trận ấy. Tin phá vỡ vòng vây vừa truyền tới thành phố anh hùng là người ta thức dậy đổ xô ra ngoài phố. Nhiều cuộc mít-tinh đông đảo tự phát nổ ra. Cờ mọc khắp nơi trong thành phố.

Sáng 19 tháng giêng, đài phát thanh truyền đi thông cáo của Nha thông tin Liên-xô trong đó có nói rằng:

“Sau khi chọc thủng dải phòng ngự được củng cố lâu ngày của địch sâu tới 14 cây số và vượt qua sông Nêva, quân ta sau bảy ngày chiến đấu quyết liệt đã đập tan sức đề kháng cực kỳ ngoan cố của địch và đã chiếm thành phố Slitxenbuôc, những cứ điểm phòng ngự quan trọng: Marinô, Môtxcôpxcaia Đubrôpca, Lipca, các Xóm công nhân số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, ga Xiniavin và ga Pôtgoocnaia.

Như vậy là sau bảy ngày chiến đấu, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat ngày 18 tháng giêng đã nối lại với nhau và thế là đã phá vỡ vòng vây Lêningrat”.

Trong chiến dịch này, bọn phát-xít đã bị thiệt hại nặng: hơn 13 nghìn binh lính và sĩ quan bị giết, hơn 500 đại bác và súng cối bị tiêu hủy, 100 máy bay bị bắn rơi và rất nhiều vũ khí, khí tài phải bỏ lại trên chiến trường.

Đó là một thắng lợi rất quan trọng của quân ta. Từ nay, Lêningrat không còn bị nạn đói đe doạ nữa. Hơn hai tuần sau, đường sắt đã được đặt trên dải đất quân ta đã giành lại được và những chuyến tàu chở lương thực, đạn dược và nhiên liệu đã nối đuôi nhau chạy tới Lêningrat. Khẩu phần bánh mì được tăng lên, công nghiệp cũng cho ta nhiều sản phẩm hơn. Thành phố bắt đầu cuộc sống mới.

Vòng vây Lêningrat bị phá vỡ có nghĩa là những tính toán của quan thù hòng bóp chết Lêningrat trong gọng kìm vây hãm đã bị phá sản hoàn toàn, có nghĩa là quân phát-xít đã thất bại về mặt quân sự và về mặt tinh thần.

Việc chọc thủng vòng vây đó là một bước ngoặt trong cuộc chiến đấu để bảo vệ Lêningrat. Sau khi bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat hội quân được với nhau, thì đã có những điều kiện thực tế để hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa giữa hai mặt trận để cùng nhau công phá kẻ thù nhằm hoàn toàn tiêu diệt chúng ở quanh Lêningrat và giải phóng miền Tây-bắc Liên-xô khỏi bọn xâm lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:33:57 am »

Ở CAO ĐIỂM XINIAVIN

Ngay sau khi hội quân với nhau, tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 quay xuống phía nam nhằm mở rộng địa bàn đã đột phá được. song địch đã điều tới khu Xiniavin thêm nhiều lực lượng mới và một số lớn pháo, chủ yếu là trọng pháo, đã đánh lui mọi đợt công kích của ta. Các đơn vị của tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân mũi nhọn 2 buộc phải chuyển sang phòng ngự những tuyến đã chiếm được. Họ đã củng cố địa bàn đã đột phá được, tạo ra trên địa bàn mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin một số tuyến phòng ngự quay mặt về phía nam. Tuy vậy, nguy cơ địch có thể chiếm lại địa bàn ta đã giành được và như vậy là lại khép chặt vòng vây vẫn chưa hết. Quân Đức vẫn còn giữ được các cao điểm Xiniavin, là một tuyến rất có lợi không chỉ để phòng ngự mà còn để tấn công.

Nên cần phải đánh bật quân địch ra khỏi các cáo điểm Xiniavin và mở rộng địa bàn đột phá được ít nhất là tới đường sắt Lêningrat – Matxcơva. Hầu suốt năm 1943 đã diễn ra cuộc đấu tranh để mở rộng địa bàn đột phá đó.

Địch đã không muốn, và nếu tính đến cả sự rất cần đối với chúng phải giữ thể diện, thì chúng đã không thể cam chịu nhìn thấy kế hoạch của chúng bị phá sản. Bọn phát-xít đã rêu rao quá lâu rồi về sự diệt vong tất yếu của thành phố nằm trong gọng kìm vây hãm của chúng, về sự bất khả xâm phạm của trận địa kiên cố của chúng ở quanh Lêningrat, nên không dễ gì từ bỏ ý kiến đó. Khi vành đai bao vây bị chọc thủng, chúng đã tự an ủi bằng một hy vọng mơ hồ rằng sẽ chẳng có một chuyến tàu hỏa nào chạy lọt qua được cái hành lang bị chọc thủng đó, rằng tất cả sẽ không thoát khỏi hỏa lực pháo binh của chúng tiêu diệt. Đến khi hy vọng đó cũng bị sụp đổ nốt, bộ tư lệnh giặc liền vội vã củng cố các cao điểm Xiniavin, điều thêm sinh lực tới và chuẩn bị tấn công, hòng lại nống ra hồ Lađôga và hàn lại chỗ thủng trong vành đai bao vây.

Về phía mình, bộ tư lệnh xô-viết không thể nào chịu được cảnh các đoàn tàu chạy tới Lêningrat bị địch bắn phá và hành lang đã mở ra được luôn luôn bị giặc uy hiếp xâm phạm tới. Nên ngay sau khi phá được vòng vây, một nhiệm vụ đã được đặt ra trước bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat là: chiếm lấy các cao điểm Xiniavin và tiêu diệt cụm quân địch ở Mơga – Xiniavin. Quân ta đã cố gắng giải quyết nhiệm vụ này ngay từ hồi tháng hai và tháng ba 1943, nhưng đã không tạo ra được ưu thế binh hỏa lực cần thiết nên đã không giành được thắng lợi quyết định.

Từ tháng tư, trên các Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp tương đối yên tĩnh. Bộ đội chuyển sang phòng ngự, bận với những công việc thường ngày: hoàn thiện hệ thống công sự, đi trinh sát, bắn tỉa binh lính và sĩ quan địch, nâng cao bảnh lĩnh chiến đấu.

Từ hạ tuần tháng tám, quân Đức tăng cường hoạt động rõ rệt.

Tù và hàng binh cho ta hay bộ tư lệnh phát-xít đang chuẩn bị tấn công về phía hồ Lađôga nhằm khôi phục vòng vây Lêningrat.

Tính đến tháng sáu, trong khi Xiniavin, địch có 3 sư bộ binh ở thê độ một và khoảng 5-6 sư làm đội dự bị. Con tất cả quanh Lêningrat, địch đã tập trung 19 sư đoàn và một số lớn pháo.

Thế là Lêningrat lại bị nguy cơ bao vây trực tiếp đe dọa, mà ta cần phải trừ bỏ bằng mọi cách cho kỳ được.

Theo đề nghị của hai Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp, Bộ tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch nhằm tiêu diệt hoàn toàn cụm quân địch ở Xiniavin. Giao cho hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp tiến hành chiến dịch này, Bộ Tổng tư lệnh đồng thời còn nhằm mục đích sao cho giam chân được nhiều sinh lực địch ở hướng Tây-bắc này, không cho chúng đưa quân đi tiếp viện cho hướng trung bộ. Bởi vậy, mục đích chính của chiến dịch không phải là chiếm lấy đất đai, mà là tiêu diệt đám quân địch đã chuẩn bị tấn công và tạo điều kiện để hoàn toàn diệt hết chúng sau này.

Bên Mặt trận Vônkhôp, ở khu vực định mở màn chiến dịch, có tập đoàn quân 8 của tướng F. N. Xtaricôp đang đóng. Tập đoàn quân này liền được sử dụng để tiến hành chiến dịch. Còn bên Mặt trận Lêningrat thì sử dụng tập đoàn quân 67. Sớm ngày 22 tháng bảy 1943, cuộc chiến đấu dữ dội trên các cao điểm Xiniavin bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:36:53 am »

Trong vòng một tháng, đất rung lên dưới những loạt pháo và bão lửa quật tới bời vào trận địa phòng ngự của địch. Quân Đức bị thiệt hại rất nặng về người và vũ khí. Song, có sẵn lực lượng dự bị trong tay, chúng đã nhanh chóng bổ sung được những sự mất mát. Pháo binh ta phá hủy trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực địch, song bộ tư lệnh phát-xít đã tung ra những lực lượng mới và làm cho tương quan lực lượng trở lại như cũ. Trong quá trình chiến dịch, địch đã đưa các đơn vị của 11 sư đoàn ra trận. Cuộc sát thương sinh lực địch và tiêu hủy các phương tiện chiến tranh của chúng đã diễn ra như vậy. Nhờ có ưu thế về pháo binh, bộ tư lệnh xô-viết đã giải quyết thắng lợi nhiệm vụ đó.

Từ 29 tháng bảy, không quân tầm xa dưới quyền chỉ huy của thượng tướng không quân A. E. Gôlôvanôp đã xuất trận. Trong thời gian chiến dịch, các phi công ta đã bay hơn 1.500 lượt-chiếc và ném vào quân địch hơn 1.700 tấn bom các loại.

Để chặn cuộc tấn công của ta, địch đã tung ra tất cả các lực lượng dự bị mà chúng có ở hướng này. Và khi thấy vẫn còn chưa đủ, chúng đã đi tới những biện pháp cực đoan: rút hai sư bộ binh ở sát Lêningrat đi và ném chúngvào trận đánh ở khu này. Chỉ nhờ đã liều lĩnh như vậy mà địch đã bịt được lỗ hổng ở tiền duyên trong khu Pôrêchi.

Cường độ tấn công của quân ta giảm dần. Cảm thấy bộ đội đã mệt và không còn đủ đạn cho pháo. Ngày 22 tháng tám, các đơn vị của tập đoàn quân 67 và tập đoàn quân 8 chuyển sang phòng ngự.

Khi đó, bộ tư lệnh Mặt trận Lêningrat và bộ tư lệnh Mặt trận Vônkhôp có đầy đủ lý do để đình chỉ hoạt động tấn công: bộ đội mỏi mệt, đạn pháo thiếu, thương vong nhiều, thiếu lực lượng dự bị. Song, tôi phải thú nhận rằng, một tháng sau, chúng tôi đã lấy làm tiếc là đã quyết định như thế. Tù binh bắt được sau khi chiến dịch kết thúc cho hay rằng quân Đức đã bị thiệt hại rất nặng nề, đã bị tiêu hao và kiệt quệ vì các trận phi pháo của ta, cơ hồ không đứng vững nổi nữa. “Chỉ cần quân Nga thúc mạnh thêm một cái nữa, - bọn tù binh khai, - thì chúng tôi đã quỵ hẳn rồi và mặt trận đông Mơga đã vỡ mất”.

Một cái thúc làm vỡ mặt trận địch như thế đã được chuẩn bị, nhưng ở một nơi khác, ngay sát Lêningrat và Nôpgôrôt. Về việc này sẽ nói tới ở chương rau. Còn bây giờ, ta hãy xem chiến dịch Mơga đã đem lại những gì.

Kết quả chủ yếu của chiến dịch này là đã phá tan kế hoạch của địch mưu phục hồi vành đai bao vây Lêningrat. Đó là kế hoạch cuối cùng của chúng trong âm mưu này. Sau khi bị đập nát trong chiến dịch Mơga, quân Đức không còn nghĩ tới chuyện phục hồi vành đai bao vây nữa, chứ đứng nói tới chuyện công phá thành Lêningrat.

Một kết quả không kém phần quan trọng của các trận trong tháng tám đó là đã làm suy yếu quân địch ở quanh Lêningrat đi nhiều. Hơn 10 sư bộ binh, nhiều tiểu đoàn và trung đoàn pháo cùng nhiều đơn vị khác nữa của địch tham gia các trận đó đã bị đánh cho thiệt hại nặng, không thể phục hồi được nữa, về thực chất, là bị tiêu diệt hẳn. Thế mà đó lại là lúc quân phát-xít đang thua to ở miền nam và đang rất cần đến quân tiếp viện. Bằng hoạt động tích cực của mình trong mùa hè 1943, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã giam chân 68 sư đoàn và 6 lữ đoàn địch.

Để kiếm ra quân cơ động, bộ tư lệnh Đức đã phải chọn một trong những nước cờ dỡ bí hơn cả. Chúng đã quyết định từ bỏ kế hoạch tấn công ở phương bắc để đưa lực lượng dự bị xuống phương nam. Song trong khi đó thì ở phương bắc, lực lượng dự bị đã bị nướng sạch mất rồi: chúng đã bị các bộ đội của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat tiêu diệt trong chiến dịch Mơga. Bọn Đức đành phải thi hành một phương sách bất đắc dĩ: rút ngắn một phần tuyến mặt trận lại. Chúng đã quyết định hy sinh cái bàn đạp Kirisi ở hữu ngạn sông Vônkhôp mà chúng đã điên cuồng có sống cố chết giữ gịt trong hai năm nay, và rút quân của chúng ở đó đi.

Trong năm ngày (từ 3 đến 8 tháng chín), sử dụng chướng ngại vật và dùng một lực lượng hậu vệ mạnh yểm hộ, quân Đức vừa chống đỡ vừa rút khỏi bàn đạp Kirisi.

Việc quân địch phải rút bỏ căn cứ này là kết quả của cả quá trình diễn biến trên mặt trận Xô-Đức năm 1943. Song, chắc chắn nguyên nhân trực tiếp đã buộc địch phải hành động như vậy là chiến dịch Mơga đã nghiền nát những lực lượng dự bị cuối cùng của địch và đã tạo ra những điều kiện để hoàn toàn tiêu diệt quân địch trên hướng Tây-bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:43:11 am »

ĐÒN QUYẾT ĐỊNH

Những thắng lợi tuyệt vời mà Quân đội xô-viết đã giành được trong năm 1943 ở bên sông Vônga và ở gần Lêningrat, ở Bắc Côcazơ và ở Cuôc, ở bên sông Đơnep và ở gần Xmôlenxcơ, đã làm cho gần hai phần ba đất đai Liên-xô tạm thời bị bọn xâm lược chiếm đóng được hoàn toàn giải phóng. Hàng chục triệu nhân dân xô-viết thoát ách nô lệ phát-xít.

Cùng với các chiến sĩ ngoài mặt trận, những người lao động ở hậu phương khắc phục khó khăn và gian khổ của thời chiến cũng đã rèn đúc nên chiến thắng đó. Được Đảng cộng sản cổ vũ, họ đã hoàn thành việc chuyển kinh tế thời bình sang thời chiến. Tiền tuyến không còn bị thiếu thốn vũ khí và đạn dược nữa. Ưu thế của nước Đức phát-xít về mặt số lượng xe tăng, máy bay, súng cối đã hoàn toàn bị thủ tiêu. Sang năm 1944, Quân đội xô-viết đã hơn quân phát-xít về quân số, về vũ khí và trang bị. Bắt đầu giai đoạn quét sạch quân thù ra khỏi đất đai xô-viết. Giờ đây đã có đủ điều kiện cần thiết để hoàn toàn đánh tan nước Đức phát-xít.

Bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định trong những tháng đầu năm 1944 đánh một loạt đòn quyết liệt vào những cánh quân địch ở hai bên sườn bắc và nam. Việc tiêu diệt nhưng cánh quân địch này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ con đường tiến sang nước Đức.

Đòn đầu tiên trong số mười đòn lớn nhất mà quân phát-xít đã bị nện trong năm 1944 trên Mặt trận Xô-Đức, là ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Ta đã chủ trương đánh đòn này không chỉ vì lý do chiến lược, mà còn vị sự cần thiết phải làm cho nhân dân Lêningrat mau thoát khỏi những trận pháo kích dã man của địch. Nhiệm vụ này được đề ra cho các lực lượng sau đây cùng nhau thực hiện: bộ đội ba Mặt trận – Lêningrat, Vônkhôp và bờ biển Bantich 2, - hạm đội Bantich Cờ đỏ, không quân tầm xa và các chi đội du kích hoạt động trong các rừng ở nam Lêningrat và tây Nôpgôrôt. Bộ đội của Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp giữ vai trò chủ công. Họ có nhiệm vụ đập tan hai cánh sườn của địch ở tây-nam Lêningrat và ở vùng Nôpgôrôt, rồi sau đó cùng đánh về hướng Luga, bao vây và tiêu diệt quân địch phòng ngự ở đây.

Mặt trận bờ biển Bantich 2 có nhiệm vụ kìm giữ chủ lực của tập đoàn quân Đức 16, không cho chúng chi viện cho đám quân địch ở quanh Lêningrat.

Cuộc tấn công dự định sẽ bắt đầu vào giữa tháng giêng, vào lúc quân ta theo kế hoạch của Bộ tổng tư lệnh mở rộng cuộc tấn công ở trung bộ mặt trận Xô-Đức và ở Ucren Hữu ngạn.

Ý đồ của chiến dịch nhằm tiêu diệt quân phát-xít Đức ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt rất là giản đơn nhưng đồng thời cũng khác thường. Mặt trận Lêningrat phải đánh hai đòn vào quân địch: một từ bàn đạp Oranienbaum, bằng lực lượng của tập đoàn quân mũi nhọn 2; một từ khu vực Puncôvô, bằng lực lượng của tập đoàn quân 42; cả hai mũi này đều tiến về Rôpsa. Tập đoàn quân 67 đang phòng ngự ở bắc Mơga có nhiệm vụ: tích cực hoạt động để giam chân đánh quân địch phòng ngự ở đây lại, sau đó phối hợp với tập đoàn quân 8 của Mặt trận Vônkhôp bao vây và tiêu diệt cụm quân địch ở Mơga đó. Mặt trận Vônkhôp phải đánh một đòn chính bằng lực lượng của tập đoàn quân 59 vu hồi Nôpgôrôt từ phía bắc, và một đòn bổ trợ - vượt qua hồ Inmen, trên mặt băng, vu hồi Nôpgôrôt từ phía nam. Còn hai tập đoàn quân khác thuộc mặt trận này (TĐQ 8 và TĐQ 54), hợp thành cánh phải của mặt trận, thì có nhiệm vụ tích cực hoạt động để giam chân địch phòng ngự ở khu vực của mình, không để cho chúng đưa quân đi tiếp viện được cho hướng Lêningrat và Nôpgôrôt.

Sau trận đại bại của quân Đức ở Cuôc, quyền chủ động chiến lược đã hoàn toàn chuyển sang tay Quân đội xô-viết. Cái thời những thắng lợi “chớp nhoáng” đối với quân phát-xít đã qua hẳn. Quân giặc không còn cách nào khác là phải quay ra phòng ngự. Trong tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho phương diện quân “Bắc” là phải giữ cho bằng được các vị trí của chúng, những vị trí này là nền tảng của toàn bộ cánh trái của Mặt trận phía Đông của quân đội Đức quốc xã. Chuyển sang phòng ngự ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt, bộ tư lệnh phát-xít hy vọng che chở được các cửa ngõ dẫn tới miền bờ biển Bantich, giữ được liên lạc với quân Phần-lan và bảo đảm cho hạm đội Đức ở Bantich có thể tự do hoạt động.

Giao cho phương diện quân “Bắc”, và đặc biệt là cho tập đoàn quân 18, nhiệm vụ như vậy, bộ tư lệnh Đức trông mong vào sự kiên cố của trận địa phòng ngự của chúng, một trận địa được xây dựng, củng cố và hoàn thiện trong hơn hai năm rồi, nhất là từ sau trận quân ta chọc thủng vòng vây Lêningrat.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:44:26 am »

Ở các cửa ngõ gần của Lêningrat, địch đã cấu trúc hai dải phòng ngự, cách nhau từ 8 đến 12 cây số và chiều sâu từ 6 đến 8 cây số mỗi dải. Địch đã biến Urixcơ, Làng Craxnôê, Rôpsa, Puskin, Gatchina (Craxnôgvađâyxcơ), Uxti-Tôxnô, Mơga và nhiều địa điểm dân cư khác thành những đầu mối đề kháng mạnh. Những cứ điểm đó tua tủa những súng lớn súng nhỏ, chi chút ụ súng và chướng ngại chống tăng và chống bộ binh, làm thành một vành đai dày đặc bao quanh lấy Lêningrat.

Ở hướng Nôpgôrôt, hàng phòng ngự của địch sâu tới 40-60 cây số và gồm 3 dải phòng ngự với rất nhiều công sự và công trình chướng ngại. Trung tâm của tuyến phòng ngự này là Nôpgôrôt mà địch đã biến thành một khu phòng ngự rất kiên cố. Bộ tư lệnh địch đã đặt rất nhiều hy vọng vào các trận địa phòng ngự ở Nôpgôrôt, mà mặt chính diện được che chở bởi con sông Vônkhôp rộng và sâu, cửa sông này ngay cả mùa đông cũng không bị đóng băng.

Toàn bộ tung thâm phòng ngự của địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt sâu tới 250 cây số. Các tuyến và các dải phòng ngự kiên cố ở đây do 20 sư bộ binh và môtơ hóa, cùng mấy lữ độc lập và một số lớn đơn vị tăng cường, chiếm giữ. Quân Đức ở đây có hơn 4.500 đại bác và súng cối (không kể pháo phòng không và súng hỏa tiễn) và một số lớn máy bay.

Che chở cho hướng Lêningrat bằng những trận địa phòng ngự kiên cố như vậy, mà bọn phát-xít gọi là “thành lũy phương Bắc”, và rất ỷ vào sự kiên cố không thể công phá được của các trận địa đó, bộ tư lệnh phát-xít hy vọng có thể đứng vững được ở quanh Lêningrat.

Ngay sau khi chọc thủng vòng vây Lêningrat, bộ đội Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp đã bắt đầu chuẩn bị việc đập nát quân địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Bằng con đường sắt mà ta đã mở ra được dọc theo bờ nam hồ Lađôga, các đoàn tàu liên tiếp chở đến Lêningrat quân bổ sung, phương tiện chiến đấu, đạn dược và lương thực. Còn ở những khu hậu phương của hai mặt trận đó, như một năm về trước, trong thời kỳ chuẩn bị chiến dịch phá vỡ vòng vây của địch ở Lêningrat, quân ta lại cấu trúc các thao trường và ra sức luyện tập nghệ thuật chiến đấu tấn công.

Trong khi chuẩn bị cho chiến dịch tới, bộ tư lệnh mặt trận đã rất chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho bộ đội. Trong các buổi huấn luyện và học tập, bộ đội của hai Mặt trận Lêningrat và Vônkhôp được giải thích nhiệm vụ đặc biệt là phải trừ bỏ hẳn nỗi uy hiếp đối với thành phố Lênin và làm tăng thêm vinh quang đã giành được trong phòng ngự bằng những thắng lợi mới trong cuộc tấn công sắp tới.

Tất cả mọi quân hân, từ tướng đến binh sĩ, đều chung một ý nghĩ, một khát vọng: chiến thắng quân thù.

Tới giữa tháng giêng 1944 thì mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch tấn công đã xong.

Ở bàn đạp Oranienbaum, tập đoàn quân mũi nhọn 2, dưới quyền chỉ huy của tướng I. I. Fêđuninxki, sẵn sàng chờ lệnh xuất trận. Họ đã được các thủy binh hạm đội Bantich chở đến bàn đạp này. Trong những đêm đông, theo vịnh nước đã bắt đầu đóng băng, ở ngay trước mũi quân địch, các thủy binh đã chuyên chở hàng vạn bộ đội, hàng trăm tăng và đại bác, hàng nghìn tấn đạn dược. Vậy mà địch vẫn chẳng hay biết gì.

Tập đoàn quân mũi nhọn 2 là tập đoàn quân thiện chiến hơn cả, thoạt đầu thuộc Mặt trận Vônkhôp, sau thuộc Mặt trận Lêningrat, đã tải qua một trường học lớn về chiến đấu tấn công. Đó là tập đoàn quân đã tiêu diệt các sư đoàn phát-xít ở trong các khu rừng bắc Nôpgôrôt mùa đông 1942 và đã phá vỡ vòng vây Lêningrat mùa đông 1943. Bây giờ nó lại được giao cho nhiệm vụ cùng với các tập đoàn quân khác của Mặt trận Lêningrat, tiêu diệt các lực lượng địch bao quanh thành phố anh hùng.

Ở khu Puncôvô, tập đoàn quân 43 của tướng I. I. Maxlenicôp đã chuẩn bị xong để bước vào cuộc tấn công.

Ở nơi cách xa Lêningrat, tại mạn bắc và mạn đông thành phố Nga cổ kính Nôpgôrôt, các sư đoàn trong tập đoan quân 59 của Mặt trận Vônkhôp, dưới quyền chỉ huy của tướng I. T. Côrôpnicôp, cũng đã triển khai xong. Trên các cánh đồng phủ tuyết tại bàn đạp tấn công, hàng trăm đại đội pháo và súng cối nín thở chờ lệnh phát hỏa; xe tăng náu mình sau các bụi rậm và dọc theo vô số chiến hào và giao thông hào bộ binh lũ lượt tiến ra tiền duyên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:45:49 am »

Cả bốn tập đoàn quân khác của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp cũng đã sẵn sàng để xuất kích.

Và ngày giờ mong đợi bấy lâu đã tới.

Sáng ngày 14 tháng giêng năm 1944, một trận bão lửa dữ dội đã trút xuống đầu quân phát-xít ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt. Đòn hỏa lực khủng khiếp của quân ta quật liên hồi hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Cùng với pháo binh của tập đoàn quân mũi nhọn 2, có các pháo đài hùng mạnh của Crônxtat, các pháo đội của Craxnai Goocca, Xêraia Lôsađi và các pháo của hạm đội Bantích cũng tới tấp nhả đạn vào công sự địch. Tiếng nổ rền của pháo ta mỗi lúc một rung chuyển cả đất trời. Nó vang tới cả các quảng trường và phố phường Lêningrat. Người ta dừng chân đứng lại, lắng nghe rồi bảo nhau với một giọng phấn khởi nghẹn ngào:

- Pháo của ta đấy!

Bọn phát-xít không ngờ tới việc bộ đội Mặt trận Lêningrat lại tấn công chúng từ phía bàn đạp Oranienbaum. Chúng không thể tưởng tượng được rằng, trong điều kiện vịnh Phần-lan bị hỏa lực pháo binh của chúng kiềm chế ngặt nghèo, bộ tư lệnh xô-viết lại đã có thể đưa được tới bàn đạp này một số lượng đầy đủ bộ đội và vũ khí như thế. Nên khi bị đòn vũ báo của pháo binh ta quật cho tới tấp thì quân Đức có thể nói là đã bay hết hồn vía. Qua làn sóng điện, chúng rối rít kêu cứu: “Bị thiệt hại nặng... Chiến hào bị phá hủy... Bộ binh Nga đã xông lên tấn công... Chúng tôi buộc phải trút lui... yêu cần bắn cản đường...”

Song cả pháo bắn cản đường, cả những đợt phản kích điên cuồng của địch đều không thể ngăn được bước tiến của các chiến sĩ tập đoàn quân mũi nhọn 2. Bám sát xe tăng, các chiến sĩ của ta đã đột nhập vào các chiến hào, bộc phá các hỏa điểm, bắn giết sinh lực địch, mỗi lúc một tiến sâu vào đội hình của chúng.

Thượng úy A. I. Xprin, đại đội trưởng đại đội tăng thuộc trung đoàn tăng độc lập 98, đã xông xáo giữa trận tiền không biết sợ là gì. Vượt qua các chiến hào và nghiền nát các ụ súng máy của địch, xe tăng của đồng chí đã không ngừng tiến lên. Chiếc tăng của đồng chí đã diệt được mấy khẩu pháo chống tăng và bắn cháy hai xe tăng địch. Nhưng một viên trái phá đã trúng vào nó và giờ đây chiếc xe đã phải dừng lại. Bị thương và điếc cả tai, Xpirin phải vất vả lắm mới chui ra được khỉ chiếc tăng đang bốc cháy. Trong khi đó, bọn lính phát-xít đang xông lại. Người sĩ quan quả cảm biết rằng xe của mình đã vượt lên trước bộ binh khá xa, và đồng chí tự nhủ:

- Xe đã bị loại, nhưng còn người còn chiến đấu.

Và nằm xuống bên xe, Xpirin dùng tiểu liên bắn bọn địch đang xông tới. Đồng chí đã đánh bật mấy đợt xung phong của địch, bảo vệ chiếc tăng của mình cho tới khi bộ binh ta tới, 60 tên giặc đã bị chết vì hỏa lực tiểu liên của đồng chí. Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô ngày 13 tháng hai 1944 đã tặng cho thượng úy A. I. Xpirin danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Đến chiều hôm đó thì các đơn vị tiền đạo của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã tiến xa tuyến xuất phát tiến công. Đánh tan tiền duyên phòng ngự của địch trên suốt một địa đoạn 10 cây số đột phá khẩu, họ đã thọc sâu vào trận địa địch, giải phóng nhiều địa điểm dân cư.

Sáng ngày 15 tháng giêng thì lại có một loạt tiếng nổ rền vang vọng đến Lênningrat, lần này thì từ phía Puncôvô. Đó là mở màn pháo bắn chuẩn bị của tập đoàn quân 43. Hơn một nghìn đại bác và súng cối trong gần hai tiếng đồng hồ đã cày xới trận địa của địch ở nam Lêningrat. Và khi pháo hiệu đỏ vọt lên thì bộ đội của cá tướng I. P. Anfêrôp, N. P. Xminôniăc và I. V. Khazôp xuất kích.

Quân đoàn bộ binh cận vệ 30 đã đánh vào đoạn giữa đột phá khẩu của tập đoàn quân về hướng Làng Craxnôê. Đánh thốc một mạch ba cây số, ngay trong giờ đầu chiến dịch, họ đã chiếm được những cứ điểm rất kiên cố của địch ở trên đồi Vitôlôp.

Khi đã hoàn hồn lại sau đòn đầu tiên của quân ta, địch bắt đầu kháng cự điên cuồng. trong ngày 15 tháng giêng, bộ đội xô-viết đã đánh bật 30 lần phản kích của địch có tăng yểm hộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:46:36 am »

Trong ngày hôm đó, thiếu úy cận vệ A. I. Vôncôp, trung đội trưởng trung đội bộ binh thuộc trung đoàn cận vệ 131, sư đoàn cận vệ 45, đã lập một chiến công bất tử. Trung đội của đồng chí đã đánh vào cứ điểm kiên cố của địch ở tây nam Puncôvô. Giữa lúc quân ta đang xung phong thì hai hỏa điểm của địch bắn quét dữ dội khiến các chiến binh phải nằm xuống. Lúc đó, Vôncôp đã lao tới một ụ súng và bắn tiểu liên trúng vào lỗ châu mai. Làm khẩu đại liên của địch phải câm họng. Rồi đồng chí bò tiếp tới hỏa điểm thứ hai. Lỗ châu mai đây rồi. Vôncôp nhằm tiểu liên vào đó bóp cò, song không có tiếng nổ: băng đạn đã rỗng. Liền ngay đó, các chiến sĩ đã trông thấy người chỉ huy của mình đứng phắt dậy và hô lớn: “Vì Tổ quốc! Vì Lêningrat” – rồi ngã đè lên ụ súng, lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Đại liên địch ngừng bặt. Các chiến sĩ trong trung đội nhất tề xông lên, theo sau họ các đại đội cũng xung phong và chiếm được cứ điểm kiên cố của địch. Thiếu úy cận vệ A. I. Vôncôp đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô.

Chiến trận phát triển, mỗi lúc một lan rộng ra. Quân phát-xít cố chết cản bước tiến của bộ đội xô-viết và thu hẹp cửa mở của quân ta. Chúng cấp tốc ném đội dự bị vào chiến đấu, tăng hỏa lực pháo binh, cho phi cơ đến chi viện, không kể gì những sự thiệt hại to lớn, phản kích hết đợt này đến đợt khác. Song chúng đã không thể nào chặn được bước tiến của quân ta sau khi đã phá vỡ trận địa phòng ngự của chúng. Đánh lui các phân độ phản xung phong và phá hủy các công sự và chướng ngại của địch, bộ đội tập đoàn quân mũi nhọn 2 và tập đoàn quân 43 kiên cường tiến đến chỗ gặp nhau. Cuối ngày 17 tháng giêng thì khoảng cách giữa các đơn vị tiền đạo của hai đạo quân ấy chỉ còn 18 cây số. Đám quân địch phòng ngự ở bắc Rôpsa và Làng Craxnôê có nguy cơ bị bao vây. Thấy vậy, bộ tư lệnh giặc liền đem hết sức ra để giữ hai con đường cái Rôpsa – Kipen và Làng Craxnôê – Gatchina, và rút quân và pháo của chúng xuống phía nam.

Máy bay của tập đoàn không quân 13 và của hạm đội Bantich đã đánh phá những đám quân và pháo ấy của địch tụ tập trên đường cái. Trong ngày hôm đó, máy bay ta đã xuất kích 300 lượt-chiếc. Đây là một trong những tấm gương về anh dũng phục vụ Tổ quốc. Trong khi đánh vào đoàn xe địch, máy bay của thượng úy M. F. Sarônôp, phi đội trưởng thuộc trung đoàn khu trục 191, đã bị trúng đạn và bốc cháy. Người quân nhân dũng cảm đó đã lao chiếc máy bay khu trục đang bốc cháy của mình vào giữa đoàn xe địch.

Chiến cuộc mỗi ngày một quyết liệt. Hai bên đều đưa thê đội hai và đội dự bị vào chiến đấu. Tốc độ tấn công tăng lên. Ngày 19 tháng giêng, các đơn vị của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đánh chiếm được điểm tựa kiên cố và là đầu mối giao thông trọng yếu – Rôpsa. Cũng ngày đó, bộ đội tập đoàn quân 42, tấn công từ phía Puncôvô lại, đã chiếm được làng Craxnôê. Phát triển chiến quả, hai cánh quân đó tối 19 tháng giêng đã gặp nhau ở khu Putxcô – Vuxôski. Sớm ngày 20 tháng giêng, bộ đội của hai tập đoàn quân cũng đã nối lại với nhau ở khu Rôsa. Các đơn vị địch còng đóng ở đông-nam Pêtergôf và ở khu Xtrenna đã bị bao vây và trong ngày 20 tháng giêng thì bị tiêu diệt hết.

Thế là cái “thành lũy phương Bắc” trứ danh, mà tuyên truyền của Hitle hằng khoe khoang rầm rĩ là bất khả công phá, đã bị phá vỡ. Qua sáu ngày chiến đấu liên tục, bộ đội của Mặt trận Lêningrat và đã chọc thủng hai cánh vành đai bao vây Lêningrat, tiến được 20 cây số và mở rộng đột phá khẩu ở mỗi hướng là 40 cây số chính diện.

Địch đã bỏ lại trên bãi chiến trường khoảng 2 vạn xác lính và sĩ quan. Một nghìn lính Đức bị bắt làm tù binh. Ta thu được 265 đại bác, 159 súng cối, 30 xe tăng, 18 kho đạn dược và nhiều đồ quân dụng khác.

19 tháng giêng năm 1944, hồi 21 giờ, Matxcơva – thủ đô đất nước xô-viết – đã bắn pháo hoa long trọng chào mừng bộ đội vẻ vang của Mặt trận Lêningrat. Và ngày hôm sau, cũng vào giờ đó, Matxcơva đã bắn pháo hoa chào mừng bộ đội của Mặt trận Vônkhôp đã giải phóng thành phố Nga cổ kính Nôpgôrôt.

Trận này đã diễn ra như sau. Bộ đội của tập đoàn quân 59 tấn công ở phía bắc Nôpgôrôt, đã đánh hiếm được địa điểm dân cư Pôthêriôzê – một đầu mối đề kháng quan trọng của địch, và đã cắt ngang đường Chuđôvô – Nôpgôrôt. Bộ đội của tướng Xviklin đã cắt đứt đường sắt Nôpgôrôt – Sinxcơ và đã mở rộng được một bàn đạp 6 cây số chính diện và 5 cây số tung thâm. Thế là đám quân địch ở Nôpgrôrôt cũng bị lâm vào nguy cơ sẽ bị bao vây. Song địch đã không chịu thua. Điều thêm lực lượng dự bị đến Nôpgôrôt, chúng đã không ngớt phản kích lại ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:48:35 am »

Tiến hành những mũi thọc sâu vu hồi qua những nơi không đường xá, xuyên qua rừng rú và sình lầy, đập tan sức chống cự của kẻ thù, quân ta vẫn tiếp tục tiến lên. Và đây đã đến giờ phút quyết định, 19 tháng giêng, bộ đội ta chiếm tất cả các đườn chạy từ thành phố Nôpgôrôt về phía tây. Quân Đức bèn rút lui, song đã muộn mất rồi. Sáng 20 tháng giêng, các đơn vị của tập đoàn quân 59 hoàn thành việc bao vây quân địch và đánh chiếm Nôpgôrôt.

 Thành phố chết và điêu tàn như sau một trận động đất. Ở nhiều phố không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, chỉ có những đống gạch vụn và những bức tường may mắn còn sót lại. Những đền thờ cổ kính bị sụp đổ và phá hoại. Một di vật vĩ đại của thời xưa – nhà thờ Xpax-Nêrêđisa, xây năm 1198, chỉ còn là một đống hoang tàn. Những bích họa hiếm có của thế kỷ XII đã bị hủy hoại. Nhà thờ lớn Xôfia, xây trong các thế kỷ XI-XII, đã bị cướp phá, còn mái tròn của nó đã bị cạo mất vàng. Bọn phát-xít đã đào chân tượng đài “Nghìn năm nước Nga”. Chúng định cướp đi, song không kịp. Vào Nôpgôrôt, các chiến sĩ xô-viết đã trông thấy trên quảng trường Cremlanh những cánh tay bằng đồng đen đồ sộ, thò ra ở dưới tuyến, của những pho tượng các tổ tiên vĩ đại của mình: Alecxađrơ Nepxki, Đmitri Đônxki, Cusơma Minin, Đmitri Pajarxki, Piôt Đại đế, Alecanđrơ Xuvôrôp...

Bộ đội đi qua thành phố Nôgôrôt đã đau buồn nhìn những tội ác mà bọn man rợ phát-xít đã gây ra. Song những xác địch ngổn ngang ở hai bên đường đã làm cho mỗi người lại nhớ tới câu nổi tiếng, thường được truyền tụng, của vị thống soái Nga vĩ đại – Alecxanđrơ Nepxki(1):

“Kẻ nào đến với chúng ta với gươm kiếm, thì sẽ chết vì gươm kiếm!”.

Trong trận giải phóng Nôpgôrôt, bộ đội thuộc tập đoàn quân 59 đã bắt được hơn 3 nghìn sĩ quan và binh lính địch. Số địch bị chết và bị thương còn nhiều hơn nữa. Tàn binh của các sư đoàn địch còn “giữ được cờ” sau này được tập hợp lại thành những “đội chiến đấu”.

Trong trận giải phóng Nôpgôrôt, các chiến sĩ cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của ta đã tỏ ra có một khí thế tấn công cao, một tinh thần quả cảm và chủ nghĩa anh hùng.

Việc phá vỡ các trận địa phòng ngự kiên cố của địch ở quanh Lêningrat và Nôpgôrôt và giải phóng nhiều địa điểm dân cư, trong đó có những thành phố như Pêergôf, Xtrenna, Làng Craxnôê, Rôpsa, Nôpgôrôt, là một thắng lợi to lớn của Quân đội xô-viết. Vì thành tích vẻ vang và tinh thần anh dũng biển hiện trong các cuộc chiến đấu tấn công đó, tất cả cá đơn vị tham gia đã được Bộ Tổng tư lệnh tuyên dương công tạng, còn các đơn vị xuất sắc nhất thì được tặng phiêu hiệu danh dự là bộ đội hay binh đoàn Craxnôxenxki, Rôpsinxki, Nôpgôrôpxki.

Giặc Đức vẫn gòn giữ được đầu mối đường sắt quan trọng Mơga, tả ngạn sông Nêva ở quãng giữa và những cứ điểm kiên cố trong khu Puskin và Paplôpxcơ. Nhằm thanh toán nốt quân địch ở các địa điểm đó và phát triển đột phá vào tung thâm chúng, bộ đội của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp đã tiếp tục phát huy cố gắng của mình.

Trên khắp trận tuyến dài hơn 300 cây số, chạy từ vịnh Côpoocxki tới hồ Inmen, đâu đâu quân địch phải lùi bước. Cả những lời hò hét của thượng cấp (“Phải cố chống giữ đến tên lính cuối cùng!”), cả những trận địa phòng ngự sâu với nhiều thê đội đều đã không giúp được gì cho quân Đức. Bộ đội ta khắc phục mọi trở ngại đã giải phóng đất đai quê hương khỏi quân phát-xít xâm lược.

Trong những ngày đó, tin giải phóng ga xe lửa Mơga là một niềm vui lớn đối với nhân dân Lêningrat. Ga này đã gắn liền với những biến cố gay go trong đời sống của thành phố Lênin; với việc đình chỉ giao thông đường sắt trong tháng chín 1941 và những cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài. Không phải vô cơ mà bọn phát-xít đã gọi là Mơga là “cái khóa của Lêningrat” và Slitxenbuôc (dịch từng chữ là: “Thành phố chìa khóa”) là “cái chìa khóa để mở vào Lêningrat”. Nắm được các địa điểm ấy trong tay, trong hơn hai năm quân Đức đã cấm cửa những người bị vây hãm đi về phía dông. Giờ đây, cả Mơga, cả Slitxenbuôc đã sung sướng được thấy ngày giải phóng.


(1) Alexanđrơ Nepxki (1220-1263) là một trong những anh hùng dân tộc được nhân dân Nga yêu mến. Trong trận đánh trên mặt băng của hồ Chutxcôê ngày 5 tháng tư 1242, bộ đội Nga dưới sự chỉ huy của A. Nepxki đã đập nát bọn xâm lược Đức và hoàn toàn tống cổ chúng ra khỏi bờ cõi nước Nga. Thắng lợi đó (trận đánh trên băng) đã làm cho A. Nepxki được liệt vào hàng các thống soái vĩ đại trong lịch sử thế giới. – B.T.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM