Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:55:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26279 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2018, 07:26:52 am »


        Tháng 12/1953, ông nội tôi bị cơn đau tim và qua đời. Ông không kịp nhìn thấy con trai mình trở thành hình ảnh bất tử bằng đồng thau. Hai tháng sau, mẹ tôi sinh ra tôi, vào tháng 2/1954 ở Antigo, và tôi được đặt tên theo ông nội: James Joseph Bradley.

        Mãnh lực của Bức Ảnh vẫn không hề giảm sút. Công trình nghệ thuật khổng lồ do bức ảnh khơi nguồn ý tưởng - bức tượng bằng đồng thau cao nhất thế giới, đài tưởng niệm duy nhất liên quan đến Thế chiến II ở thủ đô - dần hình thành. Trong nhiều năm, điêu khắc gia Felix de Weldon miệt mài làm việc, bẳt đầu bằng thạch cao để tạo khuôn đổ đồng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

        De Weldon làm việc trong 3 năm để tạo ra 6 hình người thô ráp. Rồi ông mất thêm 3 năm để hoàn thiện quân phục và quân nhu, vũ khí cho họ.

        Khi hoàn thành, bức tượng cao hơn 30 m và nặng trên 100 tấn. Sáu hình người cao trung bình gần 10 m. Khẩu súng trường của họ dài gần 5 m. Phí tổn là 850.000 USD - tất cả là do tư nhân đóng góp.

        Công tác hậu cần cũng lớn lao như chính bức tượng. Thay vì chuyên chở nguyên công trình nghệ thuật từ xưởng điêu khác đến Arlington gần đây, khuôn đúc bằng thạch cao được tách ra làm nhiều mảng - 18 mảng cho mỗi hình người, mỗi mảng nặng 1 tấn - rồi được xe tải chở đến một lò đúc ở Brooklyn đế đúc thành đồng. Rồi những mảng đồng này được chuyên chở về Washington để được hàn với nhau thành từng hình thể hợp nhất.

        Ngày 2/9/1954, những cấu phần bằng đồng được đưa lên 3 xe tải không mui và bắt đầu cuộc hành trình, chầm chậm ra khỏi Brooklyn, qua những đường phố nhỏ hẹp của Manhattan, được cảnh sát hộ tống; phóng viên và đội ngũ truyền hình theo sau. Họ đi qua Cầu George Washington, rồi đi về hướng nam đến Arlington.

        Khi gần đến ngày khánh thành, 10/11/1954 - sinh nhật của Mike Strank và cũng là ngày thành lập binh chủng TQLC - ba người giương ngọn cờ lại một lần nữa được gọi ra trước ánh đèn pha của sự nổi tiếng. Hai vợ chồng Rene đến từ New Hampshire. Cha mẹ tôi đến từ Antigo. Riêng Ira thì đi một mình.

        Thị trưởng Bang Kentucky đã chi định ngày 10/11 là “Ngày Iwo Jima” ở bang này để tôn vinh Franklin. Mẹ Goldie của Franklin đến tham dự các nghi lễ ở Washington. Tất cả các thành viên trong gia đình Strank đều đến: mẹ Martha, cha Vasil, hai em trai John và Pete, và em gái Mary. Kể từ ngày cải táng Harlon ở Weslaco, đây là lần đầu tiên cha Ed và mẹ Belle của Block gặp lại cùng với anh cả Ed Jr và chị Maurine. Hai vợ chồng Rene Gagnon dẫn con trai Rene Jr. đi theo.

        Đấy là lần cuối cùng những gia đình này họp mặt với nhau, cho đến khi tôi tiếp xúc họ 41 năm sau, vào năm 1995.

        Joe Rosenthal đến cùng với vợ tên Lee và hai đúa con nhò, tỏ ra rất vui mừng. Trước khi buổi lễ diễn ra, ông dẫn cả gia đình đi vòng quanh chân tượng đài - hi vọng nhìn thấy cảm xúc trên gương mặt họ khi họ nhìn ra tên ông ở đây.

        Nhung chuyện này không hề xảy ra. Tên của Joe Rosenthal không được ghi ở tượng đài. Tên của 6 chàng trai cũng thế. Cái tên duy nhất được khẳc trên đài tưởng niệm khổng lồ là tên nhà điêu khắc Weldon.

        Trong hồi ức của cả dân tộc, sự chuyển biến của người giương ngọn cờ từ những cá nhân thành những hình tượng tiêu biểu vô danh đã bắt đầu.

        Tuy nhiên, mặt ngoài ở chân đài tưởng niệm có ghi một dòng chữ. Đấy là lời phát biểu của Thủy sư Đô đốc Nimitz ngay sau khi trận chiến kết thúc, tóm tắt lòng dũng cảm tập thể của TQLC trên hòn đảo. Câu được ghi là:

        LÒNG DŨNG CẢM PHI THƯỜNG LÀ PHẨM GIÁ ĐỜI THƯỜNG

        Bảy nghìn nhân vật quan trọng chiếm đầy các khoảng trống vào ngày khánh thành. Tạo nên khung cảnh hoành tráng cho buổi lễ là ban quân nhạc và máy bay phản lực phun những vệt khói trắng trên nền trời. Tổng thống Eisenhower và Phó Tổng thống Nixon ngồi trên khán đài danh dự, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Smith và cựu Tham mưu trưởng TQLC Vandegrift, người ngồi ở vị trí nhìn thẳng đến Ira Hayes đang đứng ở hàng đầu đối diện đài tưởng niệm.

        Giờ khánh thành đã đến. Quan khách kéo sợi dây, tấm màn che mở ra và bức tượng tưởng niệm Iwo Jima hiện ra giữa những hình tượng thiêng liêng của nước Mỹ. Ba người giương ngọn cờ còn sống ngước mặt nhìn bức tượng, cực kỳ kinh ngạc. Sau này cha tôi diễn tả: “Trông mà kinh! Bức tượng thật là lớn, thật là ấn tượng.”

        Ira - người đã khóc khi gặp mẹ Martha Strank của Mike ở New York trong Chuyến Du hành Trái phiếu - nhìn trân trối bức tượng, mẳt nhòe lệ, và giấu mặt trong lòng mẹ Goldie của Franklin.

        Mẹ Belle của Block phải gắng gượng để tránh xúc động thái quá.

        Sau nghi lễ khánh thành, phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình đổ xô đến khán đài. Họ sắp xếp ba người giương ngọn cờ còn sống và các quan chức theo những nhóm khác nhau. Những phóng viên nghiệp dư từ đám đông cũng tham gia, liên tục yêu cầu bấm máy. Một bức ảnh của Hãng AP - cho thấy Ira, Rene và cha tôi, mẹ Belle, mẹ Goldie và mẹ Martha, cùng Phó Tổng thống Nixon - được đăng trên tờ The New York Times. Đấy là hình ảnh cuối cùng của ba người trong cùng một bức ảnh.

        Theo bản chất của mình, cha tôi thường đứng tách rời khỏi đám đông, trong khi nghi lễ hoành tráng cuối cùng trong cuộc sống ngoài công chúng của ông dân khép lại, trong khi đám đông hoan hỉ và các tướng lĩnh mang đây huy chương bước về ô tô của họ. Những người xung quanh cha tôi nhận thấy có vẻ như ông đã chìm khuất khỏi những tiếng nói và gương mặt ồn ào sôi động xung quanh mình. John Strank nói: “Ông ấy không muốn kéo dài việc tiếp xúc. Ông trả lời một cách lịch sự, nhưng không có ý khuyến khích được hỏi thêm. Tôi nghe ông ấy nói: "Có chuyện gì đấy đã xảy ra lâu rồi...”"

        Cũng giống như pháo hoa bắn tưng bừng trong buổi tối mùa hè khi Chuyến Du hành Trái phiếu 9 năm trước bắt đầu ở Washington, cuối cùng cũng đến hồi kết thúc. Phó Tổng thống đã rời khán đài danh dự; các tướng lãnh và đô đốc đã ra về; đám đông tản mát đi. Ba người giương ngọn cờ giã từ nhau. Họ sẽ không bao giờ tụ họp với nhau nữa.

        Ira Hayes, Rene Gagnon và cha tôi John Bradley đã cùng chiến đấu ở một trong những trận chiến lớn lao nhất trong Thế chiến II; lớn lao nhất của lịch sử thế giới. Trong trận chiến ấy, họ đã dựng lên một ngọn cờ trên một đỉnh núi. Họ đã nhìn thấy hình ảnh giương ngọn cờ được nâng lên thành một biểu tượng quốc gia lâu bền, một động thái hướng đến những lý tưởng đã khai sinh ra nền Cộng hòa. Họ đã trở về và giúp kêu gọi đóng góp một khoản tiền lớn để khuất phục đối phương trong cuộc chiến. Bây giờ họ đã chứng kiến hình ảnh tập thể “bất tử” của họ được chuyển biến thành đồng.

        Ba người đã được chuyển biến vượt qua một ranh giới huyền ảo. Bây giờ, đấy là một hình ảnh biểu tượng chứ không còn là những con người gắn liền với lịch sử. Cuối cùng, ba người còn sống hiện diện trong bức ảnh được trả về để đối mặt với định mệnh của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2018, 07:35:02 am »

         
Chương 19

THƯƠNG VONG CỦA CHIẾN TRANH

        Tôi nghĩ những cựu chiến binh dễ mến nhất ở Schenectady, những người tử tế nhất và buồn cười nhất, những người ghét chiến tranh nhất, là những người đã thật sự chiến đấu.

KURT VONNECUT - SLAUGHTERHOUSE FIVE       

        Trong vòng 90 ngày sau khi khánh thành đài tưởng niệm, cuộc đời của mỗi người giương ngọn cờ đi theo hướng riêng rẽ. Rene đang “săn lùng” để khai thác tiếng tăm của mình; cha tôi thực hiện ước mơ đặc biệt về việc mua một nhà mai táng; Ira Hayes thì dấn sâu mãi vào tật nghiện rượu. Vài thập kỷ sau, khi đan kết những sự việc với nhau tôi thấy đấy không chi là ngẫu nhiên. Đấy như thể định mệnh đã lựa chọn họ để phục vụ cho biểu tượng: để tạo ra bức ảnh được chụp tình cờ trên đỉnh Suribachi, để đi vòng quanh đất nước theo chỉ thị của Tổng thống, để tạo đời sống huyễn hoặc cho bức ảnh, và cuối cùng định chế hóa bức ảnh trong chất liệu bằng đồng.

        Hãy xem Đài Tưởng niệm Binh chủng Thủy quân Lục chiến là sự chuyển biến sau cùng của Bức Ảnh. Một trăm tấn đồng; phải cần đến một đạo luật của cả hai viện Quốc hội và chữ ký của Tổng thống để chi khắc thêm một chữ ở chân bức ảnh. Đấy là sự trường tồn theo cách có thể được.

        Đối với tôi, chính Ira, Rene và cha tôi tạo nên hình ảnh từ nhiếp ảnh đến điện ảnh rồi đến tượng đồng, và một khi bức ảnh đã được bền vững với chất liệu cuối cùng, ba người sẽ được trả về với định mệnh của mình. Họ sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, sẽ không bao giờ phục vụ Bức Ảnh nữa.

        Một tuần trước Giáng sinh 1954, Ira lại bị bắt ở Phoenix vì tội say rượu và quấy rối trật tự công cộng. Có người đã đếm đấy là lần thứ năm mươi mốt Ira bị bẳt giữ tính từ ngày 4/4/1941 - một trong hai lần trước khi ông gia nhập quân ngũ.

        Một nhân viên nghiên cứu cho Sở Người Da đỏ Mỹ, Pauline Bates Brown, đã cố giúp Ira trong lần cuối cùng ông bị suy sụp. Nhiều năm sau, bà còn nhớ: “Thái độ anh ấy không phải là bất mãn, nhưng là nỗi đau gì đấy mà tôi không hiểu hết”

        Việc khánh thành tượng đài Iwo Jima ở Arlington đã cho Ira một khoảnh khác ngắn ngủi để ông tỏ ra có phẩm giá trước công chúng - là cơ hội cuối cùng. Ông trở về nhà với những công việc thường nhật không bao giờ thay đổi: làm lụng chân tay, chai rượu, câu hỏi trêu đùa nhưng nhức nhôi từ bạn bè người Pima: “Ira, làm người hùng thì như thế nào?”

        Vào buổi sáng 24/1/1955 - chi thiếu một tháng là tròn 10 năm sau vụ giương ngọn cờ - Ira qua đời ở tuổi 32.

        Từ nơi cư ngụ trong Khu Bảo tồn Sông Gila, Ira đã đi gần 300 m đến một căn chòi bỏ hoang để chơi bài. Những người chơi bài cùng ông gồm có hai em Kenny và Vernon, hai anh em Hary và Mark của nhà White, cùng một người có tính bốc đồng và tứ cách mù mờ tên Henry Setoyant. Họ uống rượu vang trong khi chơi bài. Ira đang thắng. Henry Setoyant không vui về điều này, Gần sáng, tất cả đều say, và Ira là người say nặng nhất.

        Hai anh em nhà white đề nghị ngưng chơi. Rồi Vernon và Kenny nói: “Ira, ta về nhà thôi.” Nhưng đến lúc này Ira và Henry Setoyant đang cãi cọ với nhau, xô đẩy nhau một cách vụng về. Vì thế, Vemon và Kenny ra về.

        Lúc sáng sớm, chính Setoyant là người đến nhà Hayes để báo tin gây sốc. Cha Jobe, mẹ Nancy và em trai Kenny vội chạy đến căn chòi bỏ hoang. Họ thấy xác Ira nằm gần đấy, gần một chiếc ô tô gi sét bị bỏ phế: nằm úp mặt xuống vũng nôn mửa và máu của ông.

        Pháp y kết luận đấy là cái chết vì tai nạn do Ira nhiễm thời tiết lạnh và uống quá nhiều rượu.

        Ngày 25/1, khoảng hai nghìn người - một số người khóc sụt sùi - tụ tập bên ngoài Nhà thờ Tin Lành Trưởng lão ở Sacaton để dự buổi hành lễ. Năm lá cờ Mỹ được treo lên ở bục hành lễ. Lúc 2 giờ chiều, sáu lính trừ bị TQLC người Pima khiêng linh cữu Ira vào ngôi nhà thờ nhỏ, theo lối đi giữa hai hàng băng ghế để tiến đến bục hành lễ. Ira được mặc quân phục TQLC màu xanh lá cây. Một ca đoàn cất vang những bài hát bằng tiếng Pima và tiếng Anh. Mục sư Esau Joseph tóc muối tiêu cũng giảng bằng hai thứ tiếng Pima và Anh. Ông nói với cử tọa: “Chúng ta tụ tập nơi đây để vĩnh biệt người của bộ lạc chúng ta. Anh ấy là một người tốt; anh không mong điều gì hại cho ai. Ở nước ngoài, anh đã chiến đấu để hy vọng người khác có thể thừa hưởng an bình - một cõi an bình mà bây giờ anh ấy mới được hưởng.”

        Ngày hôm sau, thi hài Ira được quàn trong Nhà vòm Capitol ở Arizona. Hàng nghìn người xếp hàng để tiễn đưa ông, kín cả nhà vòm và đứng tràn lan bên ngoài. Nghị viện Bang ngưng phiên họp. Hơn 40 năm sau, một cựu thống đốc bang khác nói: “Tôi còn nhớ rõ. Đấy là lễ tang lớn nhất ở Arizona mà tôi từng thấy.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2018, 07:36:45 am »


        Mẹ Nancy Hayes của Ira cố kìm nén nỗi thương đau. Bà nói với một phóng viên: “Nó luôn nói về TQLC. Nó rất hãnh diện làm người lính TQLC.” Nhưng bà lại sụt sùi khóc.

        Vào một ngày tuyết rơi, Ira được mai táng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ngôi mộ nằm ở chân một ngọn đồi gần Đường Pershing, ở phía dưới con dốc chạy xuống từ một ngôi mộ nhỏ của anh hùng Thế chiến I John Pershing, và kế bên những nấm mộ mới của 34 binh sĩ, hạ sĩ quan và đâu bếp căng- tin đã ngã xuống trên chiến trường Triều Tiên.

        Rene đến dự. Khi một phóng viên hỏi ông về Ira, những ngôn từ giả tạo ngày xưa không còn nữa. “Phải nói rằng anh ấy mang một ước mơ trong con tim là một ngày nào đó người Da đỏ sẽ giống như người da trắng: có thể đi khắp nước Hoa Kỳ.”

        Cha tôi không dự. Nhưng trong ngôi nhà ông ở Arizona, ông nhận xét là cái chết của Ira “khiến cho anh ấy trở thành một thương vong thực sự của cuộc chiến.”

        Một quyển sách, hai cuốn phim - một phim do Tony Curtis và phim kia do Lee Marvin vào vai Ira - và một ca khúc do Johny Cash trình bày, sau này đều thần tượng hóa cái chết của Ira. Trong những tác phẩm này, Ira chết hoặc do bị xã hội người da trẳng khai thác, hoặc do mặc cảm tội lỗi của ông về việc đã dàn dựng một bức ảnh “giả tạo”, hoặc do ông đã không được bầu vào vị trí lãnh đạo trong bộ lạc mình.

        Vào năm 1998, người em trai Kenny Hayes của Ira - người cuối cùng còn sống trong số những người cùng Ira uống rượu và chơi bài đêm ấy - nói với tôi rằng ông tin Ira chết là do đã xô xát với Henry Setoyant. Rằng Ira chết là do đánh nhau với một người cùng bộ tộc Pima. Dù cho Ira bị xô ngã hoặc trưựt chân, rõ ràng là ông đã quá say nên không thể gượng dậy được.

        Đối với tôi, ít nhất điều rõ ràng rằng ý nghĩ ông chết trẻ vì hậu quả ông được nổi tiếng chỉ là xằng bậy. Ngày nay, Ira Hayes hẳn đã được chẩn đoán là bị rối loạn hậu chấn thương tâm lý, và hẳn người ta dễ cảm thông với ông, có phương cách chữa trị cho ông. Nhưng vào cuối thập kỷ 1940 và đâu thập kỷ 1950, Ira phải chịu khổ sở một mình. Hằng ngày khổ sở với những hình ảnh của những “người bạn tốt không được trở về nhà.”

        Bức Ảnh sẽ mãi khơi dậy nguồn hứng khởi cho những lời ca ngợi vinh quang và lòng dũng cảm từ những người xem sáu người giương ngọn cờ là bất tử. Đối với những người trong chúng ta - vốn xem họ là những người bình thường - thì câu chuyện lại là khác.

        Hãy tưởng tượng sáu chàng trai từ khía cạnh tuổi trẻ của bạn. Hãy mường tượng ra họ trong tâm trí bạn. Họ có tuổi từ 18 đến 24. Hãy chọn ra họ, rồi quan sát họ. Bao nhiêu hôn lễ, bao nhiêu đứa con sẽ đan kết cuộc đời của họ?

        Bây giờ, hãy xét rằng ngoài cha tôi, chỉ có một người giương ngọn cờ kết hôn. Và rằng ngoài gia đình tôi, người con duy nhất của sáu người giương ngọn cờ là Rene Gagnon Jr.

        Lập tức tôi cảm thấy có mối dây mật thiết với Rene Jr. khi anh thổ lộ rằng cái họ nổi danh của mình xem việc tham dự trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất của lịch sử “quan trọng như thể đi lấy thư trong hộp thư.” Tôi cười; hẳn cha tôi cũng muốn nói như thế. Dĩ nhiên là chỉ người giương ngọn cờ mới có thể thốt ra lời lẽ ấy. Một sử gia hoặc thậm chí một lính TQLC khác đã chiến đấu ở Iwo Jima nói lên câu ấy sẽ bị xem là báng bổ.

        Rene Jr. mô tả cuộc đời cha mình như một sự giằng xé giữa một mặt ý nghĩ rằng ông chỉ làm một việc bình thường, và mặt kia là nhận định của quần chúng cho rằng ông là một anh hùng bất tử. Và một phần cũng là do cuộc hôn nhân của ông.

        Khi gần cuối đời, Rene than phiền về cuộc sống của người nổi tiếng trong khoảnh khắc này và của người bình thường trong khoảnh khắc kia. Cả đời ông bị căng thẳng trong tình trạng đó.

        Rene Jr. nói: “Cảm giác như là ngồi trên xe trượt dốc. Đang sống một cuộc đời bình thường rồi bỗng dưng được mời tham dự một cuộc diễu hành, một buổi lễ, và người ta xem ông như thần thánh. Người ta đổ xô đến ông ở cửa vào nhà ga sân bay, kể cả tài xế, người bán báo, người xin chữ ký. Rồi mọi chuyện lắng xuống và ông phải thích ứng trong nhiều ngày, đôi khi nhiều tuần, để từ vị thế "anh hùng" trở về cuộc sống bình thường. Đấy là anh hùng tính giống như là lên voi xuống chó.”

        Nhung Rene không bao giờ bước ra khỏi xe trượt dốc. Đứng lên đáp lại tiếng hoan hô của đám đông lúc nghi giải lao giữa hai hiệp bóng đá, khánh thành một bức tượng khác, xuất hiện trong chương trình truyền hình “khách mời bí ẩn”, thêm một bài phát biểu, ngồi trên chiếc xe mui trần chạy diễu hành mà vẫy tay chào đám đông hai bên đường - hiếm khi ông từ chối những cơ hội như thế. Một khoảnh khắc đóng vai người anh hùng, rồi trở về nhà làm thư ký hãng hàng không, một nhân viên cho công ty lữ hành của người vợ và cuối cùng làm gác dan.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 10:37:40 pm »


        Tại sao ông không tránh né? Có lẽ có ba cách giải thích.

        Thứ nhất, Rene bẩm sinh có tính thụ động, thích chiều lòng mọi người. “Ông Gagnon, chúng tôi lấy làm vô cùng vinh hạnh và lịch sử thành phố có một ngày hãnh diện nếu ông có thể đến phát biểu.” Quả là ngôn từ đao to búa lớn.

        Thứ nhì, Rene luôn mong mỏi rằng mình sẽ có lợi thế vì đã hiện diện trong bức ảnh nổi tiếng. Chẳng bao lâu sau khi khánh thành tượng đài năm 1954, Rene tìm kiếm một nhà tài trợ cho mình đi diễn thuyết khắp cả nước. Trong một buổi phỏng vấn nhằm quảng bá cho ý định này, ông nhìn nhận: “Đấy là tất cả những gì tôi có. Vợ con tôi cần những thứ trong cuộc sống mà chúng tôi chưa có.” Lúc ấy Rene 32 tuổi.

        Không hề có nhà tài trợ nào. Chuyến đi diễn thuyết không bao giờ hình thành. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng 21 năm sau, ở tuổi 53, Rene vẫn ca cẩm bằng bài ca cũ. Ông cay đắng than phiền mình đã bị mất “mối quan hệ” - công ăn việc làm mà chính phủ đã hứa khi ông đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, những việc làm không bao giờ thành hiện thực. Ông nói với một phóng viên: “Tôi khá nổi tiếng ở Manchester. Khi có người xa lạ được giới thiệu với tôi, họ hỏi: "Ông là người trong Bức Ảnh phải không? Ông đang làm cái quái gì ở đây thế? Nếu là ông, tôi sẽ có công ăn việc làm ngon lành và kiếm khối tiền".”

        Và rồi còn có Pauline. Có lẽ là yếu tố quyết định.

        Lillian Lebel, một nhân viên trong công ty lữ hành của Gagnon, còn nhớ hai tư tưởng tương phản của Rene và Pauline: “Pauline vui thích với sự kiện anh ấy được nổi tiếng. Cô thích người ta chú ý đến mình. Tôi còn nhớ cô ấy phấn khích như thế nào về chuyến đi Washington D.C năm 1975. Cô đi mua sắm quần áo mới. Rene có thái độ "Tôi không màng". Ông không muốn đi mua sắm, nhưng Pauline van nài. Nếu có quyền tự quyết định thì ông sẽ không đi.”

        Ngay cả người em vợ Paul Harnois của Gagnon cũng nhìn nhận: “Chị ấy xỏ mũi chồng. Chị muốn vui hưởng với niềm hãnh diện, chị muốn tham gia những chuyến đi mỗi khi có dịp. Chị vui thích hơn là anh ấy. Nếu có đi thì anh chi lơ là nhưng chị thì rất quan tâm. Pauline lôi kéo anh ấy để trở thành anh hùng.”

        Pauline giống như là công chúng: Bà ôm ấp hình ảnh được lý tưởng hóa, không bao giờ nhận ra tâm tư của Rene cho rằng hành động của mình chi là bình thường.

        Rene Jr. mô tả suy nghĩ của người cha: “Tất cả những gì ông ấy nói chỉ là: "Tôi tình cờ có mặt ở đó, rồi chúng tôi dựng cây cột cờ lên và có người chụp một tấm ảnh".”

        Chính xác cha tôi cũng nghĩ như thế. Nhung Pauline không hề chấp nhận cách diễn giải bình thường như thế.

        Pauline suy tính rằng, Rene trong hình ảnh người anh hùng là bước thăng hoa cho cuộc đời lên hương. Nhưng khi cuộc đời không được lên hương như mong mỏi, thì bà nổi loạn.

        Rene Jr. còn nhớ lúc bà nội Irene đến chơi năm 1959: “Trong khi đang sửa một cánh cửa, cha tôi phạm một lỗi nhỏ. Thế là mẹ tôi thét mắng: "Anh ngu xuẩn, anh dốt nát, anh không làm gì nên thân!" Bà nội quá chán nản. Bà đứng dậy và nói: "Đưa tôi về nhà. Con trai tôi đã tay không mà xây lên căn nhà này. Nó là người có tài, và ở đây không phải là tình cảnh tuyệt vọng!" Từ đó, mẹ tôi và bà nội không bao giờ muốn gặp nhau nữa.”

        Rene cố gắng tìm chuyên gia tham vấn hôn nhân. Nhưng Pauline để Rene lo đi chữa trị một mình vì cho rằng vấn đề chỉ là do ông ấy! Ông thường cố trốn lánh, cầm một chiếc vé máy bay đi đến một nơi xa xôi. Nhưng sau mỏi lần, ông đều trở về.

        Một ngày vào đầu tháng 10/1979, Rene và Pauline lại hục hặc với nhau. Sau đó, Rene Jr. lúc này 32 tuổi khuyên cha mình: “Cha cần giải quyết rốt ráo với mẹ.”

        Sau này, Rene Jr. thuật lại: “Ông ấy chỉ nói: "Cha không có giải pháp nào. Không có lối thoát. Không có cách trốn lánh." Tôi bị sốc.”

        Ba hôm sau, ngày 12/10, Frank Burpee, một gác dan ở khu dân cư Colonial, thấy cánh cửa ở phòng lò hơi nước của một trong những tòa nhà bị kẹt. Ông lấy một cây xà beng để cạy cánh cửa ra. Người gác dan đồng nghiệp của ông, Rene Gagnon, nằm chết trên sàn. Trong bàn tay ông là tay nắm bên trong của cánh cửa. Hiến nhiên là ông đã lên cơn đau tim, cố níu lấy tay nắm cánh của nhưng nó bị sút ra.

        Không có lối thoát. Không có cách trốn lánh.

        Ông hưởng thọ 54 tuổi.

        Báo chí cả nước đăng tải câu chuyện trên trang nhất với những hàng tít “Rene Gagnon” và “lá cờ Iwo Jima” đi liền với nhau như hình với bóng. Nhiều bản tin cho biết, người duy nhất giương ngọn cờ còn sống là John Bradley, 56 tuổi, chủ nhân một nhà mai táng ở Antigo, Bang Wisconsin. Nhưng bản tin cũng cho biết: “Bradley đang nghi mát ở Canada ngày thứ Bảy và không thể liên lạc được để phát biểu ý kiến.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 10:41:09 pm »

     
        Khi cha chúng tôi nhận được tin thì anh Steve của tôi có mặt kế bên. Anh kể với tôi: “Cha trả lời điện thoại ở nhà mai táng và người gọi là một phóng viên. Ông gác máy và nói với anh: "Rene Gagnon vừa qua đời, nên cha vẳng mặt khỏi thị trấn, đi câu cá ở Canada." Điện thoại reo suốt cả tuần lẽ; ông không bao giờ nhấc máy.”

        Nhưng, giống như tự bao giờ, báo chí biết tìm Rene ở đâu. Các phóng viên đổ xô đến Manchester. Tại Nhà Mai táng Phaneuf & Letendre nơi đặt linh cữu Rene Gagnon, phóng viên Mary Elson của tờ Chicago Tribune chen lấn tìm lối đến linh cữu. Rene Jr. hứa sẽ trả lời phỏng vấn sau. Trong cuộc phỏng vấn này, ông phân tích cuộc đời khổ sở của cha mình một cách sâu sắc và cảm động. Ông nói với Mary Elson:

        “Có nhiều ý nghĩ nặng nề mà cha tôi không thể hiểu được. Lúc đó ông ấy chỉ là một người trai trẻ làm nhiệm vụ cho đất nước, và bỗng dưng mỗi khi ông đi đâu người ta đều nói "Ông là anh hùng. Ông là anh hùng." Và ông ấy phải suy nghĩ: Tôi đã làm gì?"

        "... ông ấy lấy làm vui về chuyện này [giương ngọn cờ] và ông sẽ đi vào lịch sử. Nhưng ông làm việc ấy không phải để đi vào lịch sử.”

        Trong bài báo trên tờ Chicago Tribune, Mary Elson mô tả bài điếu văn trong Nhà thờ Holy Rosary:

       Trong khi toán quân danh dự TQLC đứng kế bên linh cữu phủ lá cờ, với dáng vẻ vụng về giữa 5 hàng ghế đầu, vị mục sư cất tiếng: “Chúng ta không cần phải kể ra một sự kiện trong cuộc đời ông ấy.”

        Nhưng dĩ nhiên vị mục sư kể ra sự kiện này, xem việc giương lá cờ ở Iwo Jima đồng nghĩa với cuộc tranh đấu của con người chống lại quỷ dữ và kết luận: “Rene Gagnon được hàng triệu người kính trọng vì những gì ông đã thế hiện - một người để lại cho chúng ta dấu hiệu của cuộc sống, chiến thắng và lòng can đảm.” Đấy là câu khen tặng uy nghiêm mà có lẽ Gagnon là người đầu tiên không đồng ý.


        Tác giả đã nói đúng. Ngay cả trong cái chết, Rene vẫn bị bao trùm dưới bức ảnh ấy.

        Ông được an táng ở khu lăng mộ tại Manchester. Vì lý do ông phục vụ trong quân ngũ một thời gian ngắn và không đủ huy chương1, chính phủ cho rằng ông không đạt tiêu chuẩn để an táng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

        Nhung chính phủ đã không xét đến Pauline. Bà mở một chiến dịch vận động bằng điện thoại, nhắc nhở cho các giới chức quân sự nhớ rằng một quả phụ bất mãn của một người giương ngọn cờ Iwo Jima có thể gây tiếng xấu cho họ. Bà phải mất gần hai năm để vận động, cho đến ngày 7/7/1981, báo chí đăng tải hình ảnh của Pauline đứng kế bên Đài Tưởng niệm Chiến tranh TQLC Hoa Kỳ, ngước nhìn người anh hùng bằng đồng của bà trong lễ cải táng người chồng ở Arlington.

        Bà tuyên bố với báo chí: “Hôm nay là kỷ niệm tròn 36 năm ngày chúng tôi cưới nhau, vi thế ngày này có ý nghĩa đặc biệt đổi với tôi. Điều đúng lý là Rene được an nghỉ gần đài tưởng niệm Ivvo Jima.”

        Tấm bia mộ cho Mike và Ira ở Arlington cũng tương tự như cho những người khác an nghỉ ở đây: Tấm bia màu trắng đơn giản, chi ghi tên, cấp bậc, ngày sinh và ngày qua đời.

        Nhưng Pauline nhất quyết muốn bia mộ của Rene phải độc đáo. Trên mặt sau tấm bia in nổi bằng đồng cảnh giương ngọn cờ và những dòng chữ:

        VÌ THƯỢNG ĐẾ VÀ VÌ ĐẤT NƯỚC.
        ÔNG GIƯƠNG LÁ CỜ CỦA TA TRONG TRẬN CHIẾN
        VÀ THẾ HIỆN THƯỚC ĐO CỦA LÒNG HÃNH DIỆN
        Ở MỘT NƠI GỌI LÀ IWO JIMA NƠI LÒNG DŨNG CẢM
        KHÔNG BAO GIỜ LỤI TÀN

-------------------
        1. Ông nhận ít nhất 5 huy chương và kỷ niệm chương nhưng là cấp thấp, vài loại huy chương là loại được đương nhiên trao tặng cho người tham gia một chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 10:45:52 pm »


Chương 20

PHẨM GIÁ ĐỜI THƯỜNG
         
        Không có người vĩ đại. Chỉ có thách thức vĩ đại mà người bình thường, vì hoàn cảnh cần thiết, buộc phải gặp nhau

THÚY SƯ ĐÔ ĐỐC WILLIAM F. HALSEY       

        Một trong những phẩm chất tinh tế của cha tôi là tính giản đơn.

        Ông đã sống với những giá trị giản đơn, những giá trị mà các con ông có thể thấu hiểu và noi theo.

        Ông không có những dự tính bí ẩn; ông tự phát biểu một cách thằng thắn. Ông có thói quen xem vụ việc chỉ là những sự thật thầm lặng, không xem nhẹ và cũng không cường điệu.

        Ồng thường nói: “Nó đơn giản chỉ có thế. Đơn giản là thế.”

        Nhưng cuộc đời một người giương ngọn cờ không phải lúc nào cũng giản đơn. Năm 1979 phóng viên Mary Elson của tờ Chicago Tribune muốn săn tin thêm sau cái chết của Rene. Thế là không cần báo trước, bà đi ngay đến văn phòng của cha tôi tại Nhà mai táng McCandless, Zobe & Bredley.

        Ông dành cho bà khoảng “thời gian 10 phút dao động, bối rối hút một điếu thuốc... ngồi ở mép chiếc ghế với dáng điệu như là một vận động viên chạy cự ly ngằn sẵn sàng phóng mình xuất phát.”

        Trong 10 phút, ông hạ thấp ý niệm về anh hùng tính của việc giương ngọn cờ. Nhưng qua hai câu, ông thổ lộ suy nghĩ của mình về thời gian ngắn ngủi bằng 1/400 của giây đồng hồ: “Bà hãy nghĩ đến giá trị của đoạn ống ấy nếu nó được cắm xuống đất vì một lý do nào khác... chi vì có một lá cờ cột lên mà tạo ra sự khác biệt.” Ở đây, cha tôi đã tóm tắt hai thực tế tương phản nhau của Bức Ảnh. Đấy là hành động có giá trị bình thường, không phải là lòng dũng cảm khác thường, chi bình thường như là một đoạn ống.

        Nhưng bởi vì đây là một bút ảnh cầu may - một cơn gió thổi qua, một lá cờ bay phất phới - dưới mắt hàng triệu hoặc có lẽ hàng tỉ người thì hành động bình thường này thể hiện lòng dũng cảm.

        Phóng viên Mary Elson không nắm bắt được gì từ lời lẽ của ông, và viết trên tờ Chicago Tribune rằng lời nhận xét của cha tôi về cây cột cờ là “một ý nghĩ muộn màng không thích đáng đến mức kỳ quặc”.

        Kỳ quặc? Không thích đáng? Một ý nghĩ xuề xòa? Tôi không cho là thế.

        Cha tôi đã cho Mary Elson thấy điều cốt lõi của toàn vụ việc. “chỉ vì có một lá cờ cột lên mà tạo ra sự khác biệt...” Mary Elson vẵn tỏ ra mù tịt về đfêu mặc khải mà cha tôi đã mở lối cho bà.

        Đến đầu thập kỳ 1980, những người lính của Đại đội E ngày xưa đang ở tuổi lục tuần. Con cái họ đã lớn lên; họ chuẩn bị nghỉ hưu, nhiều người cảm thấy mong mỏi - mà từ lâu vẫn âm ỉ - nối lại mối quan hệ với nhau, để cùng chiến hữu nhớ lại ngày xua.

        Dave Severance là đầu mối cho những sợi dây liên hệ này. Là sĩ quan TQLC chuyên nghiệp, sau Thế chiến II ông rời bộ binh để trở thành phi công chiến đấu cơ. Ông đã thực hiện 62 phi vụ trên chiến trường Triều Tiên, được tặng thưởng Huân chương Thập tự Không lực và 4 huy chương Chiến công Không lực trước khi về hưu năm 1968 với quân hàm đại tá. Nhưng cũng giống như bất kỳ người lính nào đã bước lên bãi biển cát đen, Iwo Jima vẫn là sự kiện quan trọng trong đời. Với bản năng của một đại úy đại đội trưởng, Dave soạn ra danh sách của cựu chiến binh Đại đội E, tìm kiếm địa chỉ của họ trên khắp miền đất nước, rồi ra một tờ tin tức nội bộ để từ đó tổ chức những buổi họp mặt.

        Trước mỗi buổi họp mặt ông đều mời cha tôi, nhưng cha tôi không bao giờ tham dự. Gánh nặng là một “anh hùng bất tử” và sự chú ý của báo giới khiến ông không hề muốn tham dự.

        Có lần ông nói với anh Steve của tôi: “Cha thích đi, nhưng nếu đi thì cha không còn là mình, không thể thăm viếng bạn bè theo ý muốn. Cha không thể nào là một người bình thường như bao người khác.”

        Nhưng có lẽ cũng có những suy nghĩ khác. Có lẽ tương tự như ý nghĩ thổ lộ với tôi, qua màn lệ của John Overmyer, một quân y tá được huấn luyện cùng với cha tôi và phục vụ bên cạnh cha tôi ở Iwo Jima tâm sự:

        “Ban đâu tôi lánh xa các buổi họp mặt; tôi không muốn nhớ lại chuyện xưa, nhưng bây giờ tôi lấy làm vui mà thấy mình đã tham dự vài lần. Tôi đi qua cuộc đời mà tự hỏi làm thế nào mình có thể hãnh diện về chuyện tồi tệ như thế. Trong vòng 10 hoặc 15 phút, tôi đã mất 20 trong tổng số 30 đông đội của mình. Tôi không thể cứu thoát họ được. Ở tuổi 19, tôi vừa là y sĩ, mục sư, vừa đóng vai trò người mẹ của họ. Nhưng tôi không thể cứu họ. Hai đồng đội giúp tôi bình tâm lại trong đêm. Rồi đến sáng, khi có người la lên “Y tá!” thì tôi nhảy ra khỏi hố cá nhân và chạy đến chữa trị. Tôi thành công. Tôi tiếp tục nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 10:46:43 pm »


        “Động lực số một trên Iwo Jima là trụ lại cùng với đồng đội và không để cho họ thất vọng. Trọn đời mình, tôi hãnh diện về điều này, nhung tôi không thể nói ra. Rồi sau một buổi họp mặt, tôi thấy những người khác có cùng ý nghĩ với mình và bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn.”

        Có lẽ cha tôi cũng cảm thấy có cùng mong ước gặp lại chiến hữu của mình để xác định những cảm nhận. Nhung vì là người nổi tiếng hiện diện trong Bức Ảnh mà ông không đi được.

        Hoặc có lẽ là do một điều gì khác. Một điều gì đấy quá đau đớn nên không thể khơi lại. Năm 1964, khi ông 40 tuổi và tôi lên 9, cha tôi nói xa gần lý do tại sao ông không thể nói về Iwo Jima. Nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên không hiểu thấu được.

        Lớp cấp 3 của tôi đang học về lịch sử nước Mỹ. Khi tôi học đến Thế chiến II, trên trang 98 của sách giáo khoa là Bức Ảnh. Cô giáo nói cho cả lớp biết rằng cha tôi là một anh hùng. Giống như bất kỳ con trẻ nào khác trong trường hợp này, tôi cảm thây hãnh diện.

        Chiều hôm ây, tôi ngồi gần của sau trong ngôi nhà chúng tôi, với quyển sách lịch sử mở ra ở trang 98 chờ cha tôi đi làm về. Khi ông bước qua cánh của, tôi lập tức nhảy xổ tới, thậm chí trước khi ông kịp cởi ra chiếc áo choàng.

        Tôi reo lên: “Cha! Nhìn này! Có hình của cha! Cô giáo nói cha là một anh hùng và cô muốn cha nói chuyện với cả lớp. Cha đến phát biểu được không?”

        Cha tôi không trả lời tôi ngay. Ông khép cánh của rồi dịu dàng dẫn tôi đến bàn ăn trong bếp. Ông ngồi đối diện với tôi. Ông cầm lây quyển sách giáo khoa và nhìn Bức Ảnh. Rồi ông nhẹ nhàng gấp quyển sách lại.

        Sau một lúc, ông nói: “Cha không thể phát biểu với lớp học của con. Cha đã quên tất cả.”

        Đấy là lời biện bạch mà ông thường nói, ràng ông đã quên tất cả.

        Nhưng rồi ông tiếp: “Jim, cô giáo của con nói điều gì đấy về những anh hùng...”

        Tôi nhấp nhổm trên chiếc ghế chờ nghe ông nói tiếp. Tôi nghĩ bây giờ tôi sẽ được nghe những câu chuyện rôm rả về lòng dũng cảm. Thay vào đó, ông nhìn thẳng vào đôi mắt của một đứa bé 9 tuổi, ra dấu hiệu ông muốn gieo một ý tưởng vào đâu tôi cho cả cuộc đời còn lại của tôi.

        Rồi ông nói: “Cha muốn con luôn nhớ đến điều này. Những anh hùng của Iwo Jima là những người đã không trở về nhà.”

        Đơn giản chỉ có thế.

        Sáu năm trôi qua, rồi tôi mới có dịp thào luận với ông lần nữa về đề tài ấy. Vì một lý do nào đó, vào một buổi tối như bao tối khác - đây là vào năm 1970 - tất cả đều lộ ra. Tôi hỏi cha tôi về Iwo Jima. Và kiên quyết muốn biết qua bầu không khí im lặng lúc đầu.

        Và đây là làm thế nào tôi biết được một anh hùng đặc biệt của Iwo Jima. Và biết được tại sao người ấy đã không trở về nhà.

        Đấy chi là một buổi tối như thường lệ trong gia đình Bradley. Mọi người đã đi ngủ, chi trừ Cha và tôi. Lúc ấy ông đã 46 tuổi. Tôi lên 16 tuổi, học sinh trung học với khuôn mặt lấm tấm tàn nhang. Hai cha con chúng tôi thức xem chương trình Johnny Carson như nhiều lần vẫn thế. Vì một lý do nào đó mà tôi không còn nhớ, tôi gợi lại chủ đề mà lúc ấy tôi đã biết là cấm kỵ: Chủ đề Iwo Jima.

        Tôi sẽ cảm thấy hài lòng với bất kỳ thông tin nào. Một ít câu nói. Ông không bao giờ nói nhiều với tôi. Như lệ thường, đêm ấy cha tôi im lặng, ít nhất là vào lúc đầu. Tôi còn nhớ ông cười mỉm với tôi, rồi lại nhìn lên màn hình TV - ánh sáng xanh phản chiếu trên đôi tròng kính ông - rồi lắc đầu, thở dài, và lại liếc qua tôi.

        Đêm ây, tôi quyết định không bỏ qua chuyện này. Sau một lúc lâu im lặng, tôi nói: “Này, cha, Cha đã ở đây. Trận Iwo Jima là một sự kiện lịch sử. Nó đã xảy ra. Cha hẳn còn nhớ điêu gì đó.”

        Ông lắng nghe câu hỏi của tôi, rồi lại nhìn lên TV. Đầu óc ông đang làm việc, ông đã nghe tôi hỏi, nhưng chi im lặng.

        Tôi nằn nì. Cuối cùng ông nhắm hai mắt lại và thả đầu dựa vào lung ghế. Rồi ông xoa nắn vầng trán...

        Rồi ông xóa tan bầu im lặng. Ông nói:

        “Cha đã cố hết sức để xóa nó đi. Để quên. Ta có thể bắt đầu bằng một người bạn của cha. Người này đến từ Milwaukee. Hai người bọn cha nằm bẹp gí vì hỏa lực bắn rát. Có ai ở đâu đây bị thương và cha chạy tới để cứu giúp, rồi khi cha trở về thì người bạn đã không còn ở đó. Cha không thế nghĩ ra ông ấy đi đâu. Cha nhìn ra chung quanh, nhưng không thấy ông ấy. Không ai biết ông ấy ở đầu.

        “Ít ngày sau, có người la lên rằng họ đã tìm thấy ông ây. Họ kêu cha đến vì cha là quân y tá. Lính Nhật đã lôi ông ấy xuống dưới hầm và tra tấn ông ấy. Móng tay ông ấy... lưỡi ông ấy... Thật là khủng khiếp. Cha đã cố hết sức để quên đi tất cả chuyện này.

        “Và rọi sau cuộc chiến, cha đi thăm cha mẹ ông ấy. Cha nói với họ: "Anh ấy không bị hành hạ gì cả. Anh ấy không cảm thấy gì, không biết mình trúng phải cái gì." Cha phải nói dối với họ.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 10:48:09 pm »


        Tôi không biết phải nói gì. Tôi còn trẻ, không thể nào hiểu thấu mức tận cùng của cơn xúc cảm mà ông vừa thổ lộ. Hai cha con chúng tôi ngồi đấy trong vài phút im lặng để cho người khách mời kế tiếp của Johnny Carson thay đổi đề tài.

        Nhiều năm sau, khi tìm hiểu cuộc đời của cha tôi, tôi hỏi Cliff Langley, quân y tá đồng nghiệp của Cha, về việc phát hiện thi thể của Iggy. Langley nói với tôi ông thấy như thể Ralph Ignatowski đã chịu mọi đau đớn qua tất cả cực hình tàn bạo nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra được. Langley nói:

        “Cả hai cánh tay ông ấy đều gãy, chi treo lơ lửng như là cánh tay của một búp bê bị gãy. Ông ấy đã bị lưỡi lê đâm nhiêu nhát. Phần sau đầu đã bị đập nát.”

        Đấy là những vết thương tương đối nhẹ. Đây không phải là tồi tệ nhất đối với những gì đã xảy ra cho Iggy, người đã mượn mẫu nước tiểu rồi giả mạo là của mình để được gia nhập TQLC; Iggy, người lính TQLC hãnh diện, chàng trai nhỏ, nét mặt ngây thơ, đã chịu đựng tiếng trêu cợt “Polack”1 với nụ cười hiền hòa.

        Cha tôi còn nhớ điều tồi tệ nhất. Ông đã giữ hình ảnh ấy dưới những lớp vỏ bọc của sự im lặng và cô độc. Ông không hề tiết lộ điều tồi tệ nhất đó cho tôi nghe cũng như cả trong đêm ấy trước màn hình TV, ngay cả về sau này. Nhưng có một lần ông nói ra cho anh tôi nghe, trong khi tôi đang ở Nhật.

        Nhật Bản. Quả là kỳ thú khi tôi đến đất nước này - sống ở đấy rồi đâm ra yêu mến, tìm hiểu về lịch sử và nghiên cứu những truyền thống tôn giáo của đất nước này - mà vẫn không có ý thức liên kết Nhật Bản với quá khứ của cha tôi. Có lẽ tư tưởng và động lực có tác động sâu xa hơn là chúng ta nghĩ.

        Như người bị thôi miên, tôi bị cuốn hút vào vùng đất cổ này, vào xã hội tinh túy, có văn hóa một cách bí ẩn. Tôi đến từ đất nước nơi người ta trêu đùa về những công nhân người máy Nhật làm ra ô tô rẻ tiền, sống chui rúc trong những cái hốc, ăn cơm và đầu cá. Thay vào đấy, tôi thây sự kết nối vô tận những thành tố xã hội vốn đã tiến hóa qua hàng thế kỷ.

        Đây là một đảo quốc đông đúc, diện tích nhỏ hơn Bang California nhưng có 110 triệu người. Tám mươi phần trăm đất đai là đồi núi, khiến cho không gian sinh sống càng bị thẳt chặt thêm thành một định mệnh lớn lao hơn. Hàng thế kỷ sống gần gũi với nhau đã chắt lọc thành một hệ thống tinh vi của phép xử thế lịch sự được thiết lập để mang đến cảnh sống chung chen chúc nhưng hạnh phúc.

        Càng ngày tôi càng cảm thấy hòa hợp hơn với những nghi thức khiêm tốn và lịch sự. Lúc ấy, tôi đã không suy nghĩ về điều này - đúng hơn là nhiều năm tôi mới nghĩ ra - nhưng những gì tôi đã kinh qua là Nhật Bản thực sự không thay đổi - nước Nhật Bản đã hiện diện trước kỷ nguyên quân phiệt vốn đạt đến đỉnh điểm là chiến trường Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục hiện diện trong thiên niên kỷ kế tiếp. Đấy là một nước Nhật mà cha tôi không bao giờ tưởng tượng ra được.

        Chỉ bây giờ, sau nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng giá trị của người Nhật và của cha tôi là tương tự nhau. Trầm lặng, lịch sự, chính trực, giản đơn, tận tâm với gia đình. Suy nghĩ trầm mặc, hướng nội để đi tìm lời giải đáp thay vì cứ nói chuyện tầm phào.

        Tôi muốn cha mẹ tôi đến thăm nước Nhật mà tôi yêu mến. Tôi tin chầc họ sẽ nhận ra những gì đã khiến cho tôi cảm thấy mê hoặc. Tôi không thể tưởng tượng ra phản ứng nào khác. Tôi biên thư mời cha mẹ tôi. Mẹ tôi cho biết hai người không đi được. Thoạt đầu, tôi không biết tại sao hoặc phản ứng của cha tôi là như thế nào. Mãi cho đến tháng 5/1997, sau khi Cha qua đời, nói chuyện với anh Steve của tôi, thì tôi mới biết. Anh ấy kể lại cho tôi chính xác lời cha tôi đã nói năm 1974 khi ông nhận được thư mời của tôi. Steve nói:

        “Chuyện xảy ra ở nhà mai táng. Cha đang khích động. Ông đang sục sạo mấy đồng xu trong túi quần giống như những khi ông đang bực tức.

        Cha nói, em đã mời Mẹ và ông ấy đi thăm em ở Tokyo. Trong một lúc, ông không nói gì. Rồi ông buột miệng: "Jim muốn cha mẹ đi thăm nó. Họ đã tra tấn bạn thân của cha. Lính Nhật đã nhét dương vật của ông ấy vào miệng ông ấy. Cha không thiết tha lắm chuyện đi Nhật".”

        Có vẻ như hồi ức về Iggy luôn bị chìm lấp. Có lẽ đấy là lý do cho sự im lặng của cha tôi về Trận Iwo Jima và việc giương ngọn cờ. Có lẽ thế.

        Đối với nhiều cựu chiến binh, những hồi ức của họ đã lùi xa, thay vào đấy là hạnh phúc trong thời bình. Nhưng có những người mà hồi ức không bao giờ lịm tắt, chỉ bị gò nén bằng cách nào đấy. Và đối với một số ít người, hồi ức là yêu ma gào rú ngự trị đêm tối của họ.

        Tôi tin nhiều người trong số đó là quân y tá tuy họ chỉ chiếm phần nhỏ trong đoàn quân.

----------------
        1. Tiếng lóng chi người Ba Lan, thường có ý khinh bi, nhưng ở đây là lời trêu cợt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2018, 10:26:21 pm »


        Chính quân y tá là người chứng kiến điều tồi tệ nhất của những điều tồi tệ. Một lính súng trường TQLC có thể thấy người bạn thân của mình bị trúng đạn và lấy làm thương tiếc cả đời. Nhưng vào lúc ấy, anh phải tiến lên. Đấy là do chương trình huấn luyện, vì nhiệm vụ của anh.

        Nhưng quân y tá chỉ nhìn thấy hậu quả. Cả nhiệm vụ của ông trên Iwo Jima là chạy từ một khuôn mặt bị vỡ nát đến một cánh tay bị đứt lìa, cố gâng làm nhũng gì có thể dưới làn đạn để giảm thiểu thiệt hại, lo cầm máu, lo làm dịu cơn đau.

        Quân y tá vẫn nhớ mãi. Và những hồi ức của họ làm chủ đêm tối.

        Danny Thomas, người mà vào năm 1947 đã phải nhờ liệu pháp thôi miên để xóa đi những giấc mơ nhưng thất bại, vẫn luôn nhìn thấy xác người ở bờ nước. Có lần ông nói với tôi:

        “Đấy là thứ tôi thường thấy nhất trong những giấc mơ. Tôi thấy những xác người bị nước triều và sóng biển đưa lên xuống dập dềnh.

        “Chỉ mới hôm qua, tôi thức dậy mà người đẫm mồ hôi. Tôi thấy những xác người động đậy trên bãi biển Iwo Jima. Bộ pijama của tôi ướt đẫm. Tôi phải thay bộ mới. Có vài đêm tôi vẫn phải vắt mồ hôi ra khỏi chiếc áo thun.

        “Có một thi thể cử động trên cát khiến cho tôi chú ý. Anh ấy bị chôn nửa người. Vai phải và một phần khuôn mặt của anh ấy còn phơi trên mặt cát. Bàn tay của anh ấy quơ quào trong con nước triều như muốn ra hiệu: "Đi theo tôi. Đi theo tôi." Ngày hôm sau tôi cũng trông thấy anh ấy.”

        Mọi trận chiến đều sinh ra những hồi ức không gì xóa bỏ được. Nhưng ta hãy xem qua trường hợp của quân y tá Langley, người đã phục vụ bên cạnh cha tôi trên Iwo Jima - Trung đội 3, Đại đội E.

        Ông tiếp tục phục vụ Lục quân ở Triều Tiên và Việt Nam. Nhưng có một trận chiến chi phối đời ông: “Những ác mộng kéo dài nhiều năm. Ở tuổi 73, tôi vẫn còn thấy ác mộng. Tôi đã kinh qua ba cuộc chiến mà vẫn không thoát khỏi Iwo Jima.”

        Sau khi đã nghiên cứu Nhật Bản, tôi tin rằng mình đã thấu hiểu lịch sử Thái Bình Dương. Trong một bữa tiệc ngày lẽ Tạ ơn ở gia đình tôi năm 1975, tôi tỏ ra vui sướng khai sáng cho cha tôi và cả gia đình đang tụ họp về lý do “thực sự” mà nước Mỹ chiến đấu với Nhật Bản trong Thế chiến II: Người Mỹ đã vô cảm với văn hóa Nhật và Roosevelt đã cắt đứt nguồn cung cấp dầu khí khiến cho Nhật - như là một con cá voi mác cạn - phải tấn công Trân Châu Cảng để tự vệ.

        Theo khía cạnh này, 350.000 nạn nhân “được giải phóng” trong sự kiện Nam Kinh và hàng triệu người mất mạng trong những cuộc đại đô sát ở Châu Á có thể được xem là những ngoại lệ. Nhưng tôi bị mê muội, và giải thích một cách tự tin được với người cựu chiến binh của Iwo Jima đang ngồi đối diện tôi ở bàn ăn ràng chính phía ông là đáng bị chê trách, còn Nhật Bản chi là nạn nhân.

        Đúng theo bản chất của ông, cha tôi không tỏ ra bị xúc phạm trong ngày lễ Tạ ơn ấy. Ông chi gật đầu một cách suy tư, đôi tròng kính lánh tia sáng phản chiếu, và cầm lấy con dao để cắt thịt gà tây.

        Phải nhiều năm sau, tôi mới được đọc về những chuyện tàn bạo mà guồng máy quân sự Nhật đã gây ra cho hàng triệu người; phải nhiều năm sau tôi mới khám phá ra râng lý lẽ “tự vệ” mà tôi đã thốt lên bị Tòa án Tội phạm Chiến tranh Tokyo bác bỏ như là điều ngụy tạo.

        Vào năm 1975 cha tôi đã 52 tuổi, và ông đã hiểu thấu hơn tôi nhiều tại sao nước Mỹ phải tham chiến. Nhưng thay vì thách thức lý lẽ của tôi, ông chỉ gật gù.

        Ông được yên bình trong con người mình, trong cuộc hôn nhân, trong gia đình. Ông là người thành đạt. Ông làm chủ một nhà mai táng ở thị trấn Antigo, có một ngôi nhà nghỉ mát mùa hè ở Hồ Bass cách vài dặm về phía bắc, và công việc làm ăn đang thuận lợi.

        Ông có những thứ quan trọng nhất đối với ông: không phải tiếng tăm hoặc sự nịnh hót, mà là một gia đình đông đúc, ổn định; và sự tôn trọng của cư dân thị trấn, sự tôn trọng đến từ những năm tháng làm lụng cực nhọc, từ thái độ của ông đối với dịch vụ, và từ những khoản tiền ông đóng góp cho cộng đồng.

        Ông không phiền hà gì mà gật gù trong sự hiểu biết thầm lặng và tiếp tôi một miếng thịt gà tây để đáp lại một miếng xúc xích mà tôi tiếp cho ông.

        Vào kỳ Giáng sinh năm 1993, quả tim của cha tôi đã suy yếu. Giải phẫu mở tim, nhịp đập không đều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2018, 10:28:03 pm »


        Ông đã 70 tuổi, trong đầu óc đã nghĩ đến cõi vĩnh hằng. Năm ấy, ông tự tay viết thiệp chúc Giáng sinh lần cuối cùng. Ông ôn lại những năm tháng quá khứ mà gửi những tấm thiệp cho chiến hữu của ông ở Đại đội E. Sau khi ông qua đời, tôi phỏng vấn những người này, họ bảo trong nhiều năm cha tôi thinh thoảng viết vài dòng chúc mừng Giáng sinh. Nhưng tấm thiệp năm 1993 có lời lẽ như là trò chuyện thân tình và kèm theo tấm ảnh gia đình nhiều thế hệ của ông. Liệu ông có biết đấy là lần cuối cùng không?

        Với Dave Severance, đại đội trưởng của ông khi xưa, cha tôi tâm sự: “Tôi không tiến triển như mong muốn. Tim tôi không đập đều nhịp.”

        Khi dọn giường, mẹ tôi tìm thấy chuỗi tràng hạt của cha tôi đặt dưới chiếc gổì của ông.

        Cái chết của cha tôi sau một cơn đau tim vào năm 1994 được loan tải khắp thế giới. Tất cả chương trình thời sự đều tường thuật việc cha tôi qua đời. Chúng tôi nhận được những bài báo từ nơi xa như Johannesburg, Hong Kong và Tokyo.

        Tất cả báo đài trên thế giới đều loan báo rằng người giương ngọn cờ còn sống cuối cùng đã qua đời. Nhưng đối với chúng tôi, cái danh hiệu này xem dường như xa xôi, không liên quan gì đến người cha của chúng tôi.

        Fred Bemer, chủ bút báo Antigo Daily Journal, đã viết đúng:

        John Bradley sẽ được nhớ mãi vì một hành động trong vài khoảnh khắc trên đỉnh một ngọn núi ở Thái Bình Dương xa xôi. Chúng tôi muốn nhớ đến ông vì cuộc đời của ông.

        Nếu như việc giương ngọn cờ nổi tiếng ở Iwo Jima là biếu trưng cho lòng yêu nước và dũng cảm của người Mỹ, thì tính cách thầm lặng, khiêm tốn cùng những nỗ lực nhân ái của ông tỏa sáng như là ví dụ tốt nhất của những giá trị Mỹ thuộc thị trấn nhỏ.


        Tôi sẽ luôn nhớ đến cha tôi vì một ân huệ nho nhỏ vào lúc cuối cuộc đời ông.

        Khi ông lên cơn đau tim, tôi là người duy nhất trong gia tộc Bradley không thể lái xe đến bệnh viện ở Antigo. Tôi đáp máy bay từ New York; viên phi công yêu cầu chiếc máy bay chặng kế tiếp ở Chicago chờ tôi.

        Khoảng 1 giờ sáng ngày thứ Ba, 11/1, tôi đi vào bãi đậu xe. Tôi đã di chuyển trong 7 tiếng đồng hồ.

        Tôi chạy vội vào khu Cấp cứu. Người y tá trực chưa từng gặp tôi, nhìn lên và nhận ra “một trong các con của Johny.” Không chờ tôi trả lời, cô nói: “Tôi dẫn anh đến chỗ cha anh.”

        Trước khi trông thấy ông, tôi đã nghe tiếng động phát ra từ ông: tiếng thở to, mệt nhọc. Tiếng thở rất nặng nề như thế thường khiến cho người bệnh ngất xỉu hoặc qua đời. Tôi buột miệng nói với cô y tá: “Ông ấy không thể trụ được!”

        Khi tiến đến bên giường bệnh, tôi xúc động mạnh khi thấy ông trông vẫn khỏe dù lồng ngực đang khò khè nhô lên xẹp xuống. Da mặt ông hồng hào, giống như ngày xưa, lúc người mạnh khỏe.

        Tôi cố trò chuyện với ông. Nhưng tiếng nói của tôi bị chìm lấp trong tiếng thở của ông. Hơn nữa, tôi đang khóc.

        Tôi thầm cảm ơn cha tôi vì ông đã là một người đàn ông tốt, một người cha tốt, một người mà tôi có thể ngưỡng mộ. Tôi nói cho ông nghe tất cả những lý do làm cho tôi thương mến ông.

        Sau khoảng 20 phút, tôi bước ra khỏi phòng để cởi bỏ chiếc áo choàng mùa đông và rửa mặt. Khi tôi trở vào khoảng năm phút sau, nhịp thở của Cha đã thay đổi hẳn. Lồng ngực ông bây giờ nhô từ từ. Trong vòng vài phút, nhịp thở của ông càng chậm thêm.

        Tôi gọi y tá. Cô đặt một mặt nạ dưỡng khí lên mặt cha tôi. Tôi nói cho cô biết gia đình tôi không muốn có sự can thiệp.

        Cô nói nhỏ nhẹ: “Cái này chỉ giúp phút cuối của ông được thoải mái.”

        Tôi gọi điện cho mẹ tôi. Rồi tôi gọi cho anh Steve và Steve gọi cho em trai Tom; hai người cư ngụ gần nhau. Tôi gọi cho em gái Barbara, em trai Patrick và anh Mark ở Wausau, cách xa hơn 60 km.

        Trong vòng 20 phút, những người trong gia tộc Bradley cư ngụ gần bệnh viện đều đến bên giường bệnh: anh Steve cùng hai con Paul và Sarah, em trai Tom, em trai Joe, mẹ tôi và tôi.

        Mẹ tôi thầm thì nói: “Jack, anh đang rời xa chúng tôi đấy sao? Nếu anh sẵn sàng rời xa thì cũng được. Được rồi, Jack.”

        Lúc 2 giờ 12 phút rạng sáng ngày thứ Ba, 11/1/1994, cha tôi thở hắt một hơi ngắn, rồi từ trần.

        Vài tiếng đồng hồ sau, trong khi các anh em của tôi đang lo thu xếp chuyện hậu sự, tôi lằng lặng ngồi trong bóng tối mà nhìn Cha, chỉ ngồi đấy mà suy nghĩ, và có lẽ cầu nguyện. Tôi để ý thấy cô y tá đứng gần phía sau mình. Chính là người đã giúp phút cuối của cha tôi được thoải mái.

        Cô thầm thì: “Ông ấy đã cố sống để chờ anh về.”

        Cả hai chúng tôi nhìn ông trong vài giây đồng hồ.

        Cô đặt một bàn tay lên vai tôi, lặp lại: “Ông ấy đã chờ anh.”
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM