Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:27:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26436 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2018, 11:01:07 pm »


        Chú nhóc hỏi: “Cô làm ơn thoa chút son môi được không? Tôi muốn nhìn thấy một phụ nữ thoa son.”

        Norma Harrison tiếp tục làm y tá trong nhiều năm, cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Bà đã nhìn thấy nhiều loại thương binh. Bà đã chăm sóc thương binh của Hải quân và TQLC. Nhưng tâm khảm bà vẫn mãi ghi hình ảnh những người lính TQLC này ở Iwo Jima.

        Bà nói: “Sự khác biệt là tinh thần của họ. Không hề có ai tỏ lộ nản chí. TQLC có esprit de corps. Họ có thể bị bỏng và mang đầy mảnh đạn, đang đau đớn, nhưng không hề nản chí.”

        Vào ngày 8/3, Đại đội E tìm ra Iggy. Ông đã bị tóm lấy, có lẽ từ phía sau, rồi bị kéo vào một hang đầy lính Nhật. Vì là quân y tá của Đại đội, cha tôi có nhiệm vụ làm việc với những gì còn lại của thi thế Iggy sau ba ngày bị tra tấn dã man. Tôi tin chắc ràng cú sốc mà cha tôi kinh qua đã khiến cho ông về sau không muốn nhớ gì nhiều đến những hồi ức trong chiến tranh.

        Chick Robeson trúng đạn vào lúc sẩm tối ngày 8/3 khi cứu mạng sống của cha tôi. Ông đã chạy ra một khoảng trống đế cứu chữa một lính TQLC. Khi hoàn tất công việc, ông kêu đồng đội bắn yểm trợ cho mình. Chick và vài người khác đứng thằng người lên, không có gì che chân, và vãi đạn về hướng đối phương trong khi cha tôi chạy về. Một viên đạn của Nhật bẳn rơi khẩu BAR khỏi tay Chick và gây vết thương trên ngón tay. Ngay khi về đến chỏ an toàn, cha tôi lo cứu chữa cho Chick. Robeson sau này kể là một bác sĩ giải phẫu cho ông đêm ấy hỏi: “Này anh con trai, có thích rời khỏi hòn đảo này không?” Chick nghĩ điều này nghe hay hay.

        Ngày hôm sau, Trung đoàn 28 tiến từng bước chầm chậm không đến 150 m, xen kẽ những thời gian đơn điệu và nguy hiểm. Địa hình hiểm trở khiến cho xe tăng không thể yểm trợ họ được. Bảy người trong Tiểu đoàn 2 hy sinh.

        Ngày hôm sau vẫn như thế.

        Đối với Dân biểu Homer Angell của Bang Oregon khi đăng đàn trổ tài hùng biện, thì bức ảnh giương ngọn cờ thể hiện “tinh thân dũng cảm Mỹ bất diệt.” Cách nửa vòng trái đất, những chàng trai không có vẻ bất diệt như thế. Đến thời điểm này -  thời điểm vượt xa những gì mà các chiến binh khác trong lịch sử đã chịu đựng - hiệu năng chiến đấu của TQLC có dấu hiệu suy giảm; các chàng trai đã bắt đâu trông giống như những bóng ma còn sót lại của một lực lượng chiến đấu.

        Họ để cho râu ria mọc xồm xoàm. Bộ quân phục rách bươm, dày lên do mồ hôi và cáu ghét. Môi phù mọng, đen sì; miệng trễ xuống như thể đang bị khó thở.

        Hoạt động hằng ngày - cực kỳ chán ngán và hãi hùng - đang biến họ thành những người máy. Mỗi ngày đều như nhau: pháo binh bắn yểm trợ đợt buổi sáng, rồi bò qua địa hình trống trải, rồi đợt bắn yểm trợ buổi xế chiều, rồi bò thêm một đoạn. Khi màn đêm buông xuống, các chàng trai co rút trong hố đạn pháo hoặc khe đá để trú thân. Sáng hôm sau, lại bắt đầu mọi chuyện.

        Họ đã tiến vào vũ trụ đen tối của chiến trận sâu hơn là bất cứ chiến binh nào trước đây. Như Richard Wheeler sau này viết: “TQLC được yêu cầu phải thi thố hầu như quá sức chịu đựng của con người, về cả thể chất lẫn tinh thần. Lịch sử đây rẫy những ví dụ về số thương vong cao trong chiến tranh, nhưng ít khi đoàn quân nào đã chịu thương vong hơn phân nửa lại được ra lệnh tiếp tục tấn công, đặc biệt khi đối diện với tuyến phòng thủ kiên cố. Nếu không có esprit de corps như TQLC thì không đoàn quân nào có thể trụ được.”

        Một trong những người lính TQLC ít khi lộ vẻ đau đớn hoặc mệt mỏi là Ira Hayes. Jack First còn nhớ Ira là con người giỏi chịu đựng, luôn chú tâm vào nhiệm vụ. First nói: “Có vài đêm tôi với anh ấy chia chung một hố cá nhân. Anh ấy có tính trầm lặng, ít nói năng.” Lloyd Thompson cũng đồng ý như vậy: Ông nói: “Khi gặp anh ấy, tôi thường kêu: "Có khỏe không, Tù trưởng1?" Mọi người đều tôn trọng anh ấy như là một người lính TQLC.” Còn Phil Ward, người đã chia chung một hố cá nhân với Ira suốt một tuần ở phía bắc, nói: “Tôi lấy làm vui được anh ấy canh gác cho tôi2.”

        Nhung đôi lúc bản chất con người thật của Ira cũng lộ ra. Bill Ranous kể: “Một đêm, có một lính Nhật lẻn đến gần hố cá nhân của chúng tôi; Ira bắn chết anh ta. Sáng hôm sau, tôi nhận ra gương mặt Ira đượm buồn khi anh nhìn thi thể người lính Nhật. Anh ấy lộ vẻ xúc động.”

-----------------
        1. Như đoạn trước đã ghi, “Tù trưởng” chỉ là biệt hiệu do đồng đội Ira đặt cho để nói đùa thân mật; Ira không phải là tù trưởng thực sự.

        2. Hai người chia nhau một hố cá nhân thì thay phiên nhau: một người ngủ và người kia canh gác.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2018, 11:01:37 pm »


        Khi các chàng trai đã cam chịu đời sống vĩnh cửu trong hỏa ngục mà vất vả tiến từng bước qua cuộc hành quân xem dường bất tận trên Iwo Jima, họ bẳt đầu đạt thành quả.

        Vào ngày 9/3, trên 300 chiếc B-29 - không còn bị chiến đấu cơ Nhật từ Iwo Jima quấy rầy - mở một trong những đợt oanh kích tàn khốc nhất xuống Tokyo. Họ thả trên 1.600 quả bom cháy khiến cho gần 100.000 người tử vong, 125.000 người bị thương, 1,2 triệu người mất nhà cửa. Số thương vong trong những cuộc oanh kích này còn cao hơn so với hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki được thả sau đó 5 tháng.

        Ngày kế trên Iwo Jima, hoạt động của cha tôi lại làm cho Dave Severance chú ý. Khi trung đội của cha tôi bị hỏa lực Nhật chặn đứng, một người lính ngã xuống. Trong báo cáo đề xuất cho cha tôi nhận Huân chương Thập tự Hải quân, Dave Severance viết: “Khi đợt tấn công thứ hai bắt đâu, dưới hỏa lực yểm trợ của trung đội tấn công, Bradley chạy đến người bị thương để chăm sóc giữa làn hỏa lực của địch, cho đến khi biết chắc người kia đã chết.”

        Lính TQLC vẫn tiến từng bước trên mặt đất khô cứng của Iwo Jima, vừa hạ sát đối phương vừa bị đối phương hạ sát. Vào ngày 11/3, hai đại đội tiến được không quá 25 m nhưng chịu 23 thương vong. Ngày hôm sau, họ bị chặn đứng với 27 thương vong. Cuộc chiến đấu của họ vẫn khó khăn như thế.

        Thượng Nghị sĩ Joseph O’Mahoney của Bang Wyoming, khi phát biểu cảm nghĩ đang dâng cao cả nước, đề xuất trên diễn đàn Thượng viện là cho phát hành một con tem mang hình Bút Ảnh.

        Và vào ngày này, cuộc chiến của cha tôi đến hồi chấm dứt.

        Sam Trussed, người đã bị thương cùng với cha tôi, nhớ rõ việc này. Cả hai đang ẩn núp ở chân một vách đá cùng với vài lính TQLC. Họ nghĩ mình được vách đá trên đâu che chắn, nhưng một quả đạn cối bắn trúng vách đá, văng ra nhiêu mảnh thép bay tung tóe. Trussell kể: “Tôi bị mù, và Doc kéo tôi vào một cái hố. Rồi anh ấy dìu tôi về trạm xá. Tôi nghe vài anh nói hai chân Doc chảy máu, nhưng tôi không thể thấy vết thương của anh ấy nặng nhẹ ra sao.”

        Cha tôi bị nhiều mảnh đạn ở đùi, bắp chân và bàn chân bên phải, cùng với bàn chân bên trái. Nhưng lúc đầu, ông vẫn không chịu ngưng công việc. Rolla Perry còn nhớ thoáng thấy ông chạy ngang: cả hai chân ông đều chảy máu, nhưng ông vẫn lo chăm sóc 5 người lính khác bị thương. Sau này, Dave Severance viết bản báo cáo về cha tôi: “Khó mà tính hết anh ấy đã cứu sống bao nhiêu mạng người qua việc cứu chữa nhanh chóng và thạo tay nghề, làm việc mà không màng gì đến sự an nguy của mình, và cũng không thể diễn tả hết lòng tận tâm của anh ấy đã nâng cao tinh thần đến thế nào đối với những người đã chiến đấu bên cạnh anh ấy và được anh ấy cứu chữa.”

        Cha tôi được đưa đến trạm xá của tiểu đoàn để được cứu chữa khẩn cấp, rồi được đưa về bệnh viện dã chiến để được gắp ra vài mảnh đạn. Sáng hôm sau, ông được đưa lên máy bay về Guam, rồi được chuyển về một bệnh viện ở Hawaii.

        Trên những bãi chiến trường đẫm máu vùng Thái Bình Dương, cha tôi chỉ là một ca bị thương, một trong số nhiều nghìn thương vong. Nhưng trên nước Mỹ, hàng triệu người đang tìm hiểu về con người ông qua Bức Ảnh, tự hỏi ông và những người giương ngọn cờ hiện đang ở đâu. Tờ báo New York Sun đã lồng ghép bức vẽ nổi tiếng “Tinh thần 76” ở một góc của bức ảnh. Sau khi tờ báo được phát hành, 48.000 người yêu cầu nhận bản sao của bức ảnh này.

        Vào ngày cha tôi được tải thương, lần đâu tiên Rene Gagnon khai hỏa khấu súng trường của mình.

        Ông và một đồng đội đi vào một hang động, cho ràng không có ai bên trong - một sai lầm vốn đã khiến cho nhiêu lính Mỹ mất mạng. Hai chàng trai đối mặt với một người lính Nhật đang cầm khẩu súng trường chĩa về phía họ. Nhiều năm sau, Rene kể với con trai mình là trong tích tẳc của giây đồng hồ ấy một ý nghĩ hiện ra trong trí óc ông: “Tất cả chúng ta đều có mẹ. Tất cả chúng ta đều là con người. Tại sao lại phải như thếnày?”

        Rene cầm khẩu súng trường nhưng còn do dự. Dù không có logic nào, ông vẫn mong người lính Nhật hạ vũ khí của anh ta xuống. Thay vào đó, đối phương nổ súng. Đồng đội của Rene ngã xuống chết. Trong giây đồng hồ kế tiếp, đến phiên Rene. Ông bóp cò, và người lính Nhật ngã xuống.

        Rene run rẩy đứng trong hang động. Trận chiến đã mang đến những hoàn cảnh như thế. Ông tâm sự với đứa con trai: “Tại sao cha phải làm chuyện ấy? Nhìn đến đôi mắt một người ở cuối nòng súng và phải giết anh ta. Không có gì vinh quang trong chuyện này cả.”

        Tuy thế, vinh quang nằm trong tâm trí của Thượng nghị sĩ Raymond Willis của Bang Indiana, người cảm thấy xúc động vì Bức Ảnh. Ngày 13/3, ông hô hào đồng nghiệp phải “khấn trương” biểu quyết một luật để tôn vinh “lòng quả cảm đến khó tin” của những người lính TQLC trên Thái Bình Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2018, 11:04:50 pm »


        Ngày hôm sau, học sinh ở Tokyo - những đứa trẻ đã sống sót sau các cuộc thả bom cháy của Mỹ - đóng góp vào một chương trình truyền thanh đặc biệt gửi đến những người phòng ngự hòn đảo còn sống sót. Những học sinh này hát “Bài ca Iwo Jima” bắt đầu như sau:

        Nơi ngọn triều đen cuồn cuộn đại dương,
        Đảo hình cánh chim với tiếng tăm vĩ đại
        Gìn giữ cửa ngõ cho đế quốc ta:
        Iwo Jima là cái tên...


        Vào ngày 14/3, Thủy sư Đô đốc Nimitz tuyên bố đã chinh phục được Iwo Jima và “tất cả quyền hạn của chính phủ Đế quốc Nhật Bản ở hòn đảo này đề bị đình chỉ.” Hai ngày sau, Nimitz chính thức tuyên bố đã làm chủ Iwo Jima, và quân Nhật đã chấm dứt kháng cự.

        Khi nghe qua câu nói này, Binh nhì TQLC Bob Campbell nổi cáu: “Cái ông đô đốc đang đùa với ai thế? Quân ta vẫn còn đang bị sát hại!”

        Cùng ngày này, nghĩa trang của Sư đoàn 5, nơi Mike và Harlon an nghi, được khánh thành. Đôi mắt Tướng Smith đảm lệ khi ông nói với sĩ quan tùy viên: “Đây là chuyện tồi tệ.”

        Trên đường đi đến Quốc hội để thông báo về Hội nghị Thượng đinh Yalta, Tổng thống Roosevelt được tin về việc khánh thành nghĩa trang. Ông ứng khẩu với các đại biểu Quốc hội “Những kẻ hiếu chiến Nhật phải biết họ không được bỏ qua. Người Nhật phải biết câu nói ‘TQLC Hoa Kỳ đã đổ bộ" có ý nghĩa ra sao. Và tôi có thể thêm, khi xét qua Iwo Jima, chúng ta đang làm chủ tình hình.”

        Jim Buchanan thì nhớ đến những ngày cuối cùng ấy theo ý nghĩa khác. Ông nói về đơn vị của mình: “Chúng tôi bị sa bẫy! Đang bị địch bắn liên tục. Tôi chỉ là binh nhì, thế mà tân binh đến trình diện với tôi. Không còn ai khác.”

        Ngày 16/3, Tướng Kuribayashi gọi điện về Tokyo: “Trận chiến đang đến hồi kết thúc. Từ lúc địch đổ bộ, ngay cả thiên thần cũng rơi lệ vì lòng dũng cảm của sĩ quan và binh sĩ dưới quyền tôi.”

        Cùng ngày này, Louis Ruppel, biên tập điều hành của tờ báo Chicago Herald American, gây nên cơn chấn động. Ông gũi một điện tín cho FDR, đề xuất mang những người giương ngọn cờ trong bức ảnh nổi tiếng của Joe Rosenthal - đã được chỉ định là biểu tượng cho những chuyến Du hành Trái phiếu - tham gia vào chuyến du hành của chiến dịch.

        Đây là tình huống thật đặc biệt: Bức Ảnh đã gây xúc động đến nỗi Tổng thống Hoa Kỳ dự định phong những người giương ngọn cờ là anh hùng quốc gia với sự phê chuẩn của chính phủ. Tuy thế, không ai biết họ là ai, hoặc họ đã làm gì.

        Vào ngày 17/3, Thủ tướng Nhật Bản Kuniaki Koiso loan báo trên đài phát thanh là lực lượng phòng ngự dưới quyền Tướng Kuribayashi trên Đảo Iwo Jima đã chiến bại.

        Nhưng các loại súng lớn nhỏ vẫn còn đang khai hỏa. Trong khi đang túi bụi với nhiệm vụ chỉ huy, Đại úy Dave Severance, Đại đội trưởng Đại đội E, bắt đầu đón nhận những lời yêu cầu mà thoạt tiên làm ông bực mình và phân tâm: Có thể nào ông vui lòng cho biết tên những người lính TQLC trên Bức Ảnh?

        Severance nói với tôi: “Tôi phải thú nhận là lúc ấy mình không quan tâm đến vụ việc. Chúng tôi đang chiến đấu để bảo toàn mạng sống, bao trùm một trận địa rộng lớn cho cả một đại đội, nhưng bây giờ chỉ có hai trung đội bị hao hụt, do các hạ sĩ và trung sĩ cầm đâu. Tôi không thiết tha gì đến việc nêu tên những người giương ngọn cờ.”

        Đến lúc này, những bài báo đăng tải bức ảnh giương ngọn cờ đã được gửi đến hòn đảo. Phóng viên TQLC Keyes Beech là một trong những người thuộc giới báo chí thấy việc đi tìm tung tích những người giương ngọn cờ là mẩu tin sáng giá. Nhưng vào lúc này, những chàng trai ấy hoặc đã bị thương vong hoặc đang phân tán chiến đấu ở phía Bắc. chỉ có liên lạc viên Rene Gagnon là có thế giúp xác minh.

        Rene đoán ra được 5 cái tên: Franklin Sousley, Mike Strank, John Bradley, chính mình, và Henry Hansen. Rene cho rằng Hansen là người ngoài cùng bên tay phải, quay lưng về ống kính, đang cắm cán cờ xuống đất.

        Harlon Block và Ira Hayes không được nhắc đến.

        Ngày 18/3, sau khi đã khổ sở và chứng kiến nhiều gian lao, Tex Stanton nhận thêm một số thương tích.

        Ông kể với tôi: “Suốt bốn ngày tôi thu mình trong hố cá nhân. Mỗi khi tôi nhô đâu lên là bọn chúng nã đạn về phía tôi.” Ông không nghe tiếng đạn bắn, “chỉ có đất đá tung tóe khắp nơi.” Ira và Franklin cùng ở trong hố cá nhân kế bên, cùng chịu chung những đợt súng cối. Hai người thấy có chuyện gì đó xảy ra cho Tex.

        Tex kể một cách thản nhiên: “Tôi cố đứng dậy nhưng khi nhìn xuống thì thấy hai chân mình không còn nữa. Nhưng tôi không muốn rời đi. Tôi muốn họ [quân y tá] để tôi ở lại với đồng đội.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:11:36 pm »


        Rolla Perry cũng chứng kiến vụ việc và xác nhận: “Tôi thấy Stanton bay ra khỏi hố cá nhân, khi rơi xuống đất thì một bàn chân đã đứt lìa, bàn chân kia còn lủng lẳng. Thật tội nghiệp khi thấy anh ây vẫn cố nắm lấy khẩu BAR để bắn hỗ trợ cho trung đội, mặc dù phần lớn những người đầu tiên không còn ở đây nữa. Tôi luôn cảm thấy an tâm khi có anh ấy ở kế bên bắn yểm trợ, vì anh ấy là người giỏi nhất. Khi nằm trên băng ca và bắt đâu được chuyên về hậu cứ, tôi nghe anh ấy nói "Anh không thể mang tôi đi. Anh bạn thân Perry cần đến tôi.”

        Dù Tex phải chịu những thương tích khủng khiếp, nhiều chàng trai trên hòn đảo sẵn lòng chịu thế chỗ của ông. Tuy không còn hai bàn chân, nhưng ông đã nhận một “thương tích triệu đô” - một tấm vé để rời khỏi hòn đảo. Không giống như nhiều người còn đang chiến đấu, ông sẽ sống sót. Trận chiến đã trở nên quá khốc liệt và những chàng trai trẻ này đã trải qua nhiều cảnh tàn bạo, đến nỗi bây giờ họ thấy hy sinh một cánh tay hoặc một cẳng chân là điều hay.

        Đầu óc họ ngập đầy những hình ảnh chết chóc đến nỗi khi máu của đồng đội vương vãi trên người, họ vẫn cho rằng đấy là do hoang tưởng. Trong nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc, những hoang tưởng này đi vào cơn ác mộng từng đêm của họ.

        Cho đến ngày 21/3, lực lượng Mỹ đã tấn công 31 ngày liên tiếp - một nỗ lực chưa từng có trong chiến tranh hiện đại. Nhiệm vụ hằng ngày của họ đều giống nhau: tiến chiếm một chỏm đá kế tiếp. Một trận chiến để giành từng mét đất, đôi lúc thậm chí từng phân. Một trận chiến tàn bạo và đây chết chóc nhắm đến đối phương ẩn náu trong lòng đất, được phòng ngự kiên cố, không chịu rút lui. chỉ còn 5 ngày nữa, nhưng không ai biết được điều này. Thiếu ngủ, ăn uống thiếu kém, bây giờ chai lì với mối đe dọa thường trực của cái chết, các chàng trai vẫn từng bước tiến lên. Tính cảnh giác, bản năng tự sinh tồn đã bị hạ thấp xuống trạng thái giống như bị thôi miên.

        Có lẽ đây là lời giải thích cho những gì xảy ra với Franklin Sousley.

        Đồng đội của ông nhận thấy ông đã trưởng thành trong cuộc chiến. Có vẻ như ông đã già dặn và khôn lớn lên. Lần cuối cùng L.B. Holly nhìn thấy chàng trai trẻ từ Bang Kentucky này đang ôm một người lính TQLC bị thương giữa hai chân mình trong khi quân y tá đang lo chữa trị. Holly nghĩ ông là lính TQLC tốt. Một chàng trai biết lo cho người khác.

        Và rồi, Franklin mất tập trung chỉ trong một khoảnh khẳc.

        Việc này xảy ra lúc 2 giờ 30 chiều. Lính Mỹ đã gần như làm chủ hoàn toàn hòn đảo. Vài đơn vị TQLC đã quay ra các hải vận hạm đậu ngoài khơi. Trung tướng Keller E. Rockey đang bận bịu khánh thành nghĩa trang của Sư đoàn 5. Còn Franklin Sousley chỉ lang thang trên một con đường.

        Đây là khu vực được biết có lính Nhật bẳn tia. Có lẽ Franklin đã quên điều này. Có lẽ ông ngỡ quân Nhật đã ngưng bắn. Có lẽ trí óc ông đang mơ màng nghĩ đến người yêu Marion.

        Viên đạn bẳn từ phía sau. Trong khi các chàng trai xung quanh ông nằm rạp xuống mặt đất, Franklin lơ đãng đập tay ra sau lưng, như thể tìm cách xua đuổi một con ruồi. Rồi ông ngã xuống.

        Một đồng đội gọi: “Anh có sao không?” Franklin đáp: “Không sao. Tôi không cảm thấy gì hết.” Và rồi cái chết cướp ông đi.

        Các chiến binh Mỹ đã gây thiệt hại nặng cho đối phương, nhưng đã trở thành đờ đẫn mà không trông thấy thành quả của mình. Bây giờ, những dấu hiệu đã rõ ràng: Chiến thắng cuối cùng đã gần kề. Lô cốt hoang vắng của Tướng Kuribayashi bị phá hủy cùng ngày Franklin trúng đạn. Công việc cần đến 4 tấn thuốc nổ. Donald Howell đang tiến cùng một đơn vị ở đầu phía bắc của hòn đảo, nhìn theo một chiếc xe tăng gần đấy chĩa mũi súng phun lửa vào một boong-ke, càn quét lính Nhật bên trong. Trong khi những người lính này chạy ra tìm đường sống, Howell đốn ngã họ bằng từng loạt súng máy. ông kể: “Họ ngã chồng lên nhau. Tôi nhanh chóng ria họ khi họ túa chạy ra. Tôi cảm thấy tởm lợm; tôi nôn mùa; tôi xơ xác trong cả một tiếng rưỡi đồng hồ. Đấy chỉ do ý nghĩ về việc mình đã làm với con người khác. Họ không làm gì với tôi cả, và tôi không thể chịu đựng nổi chuyện này. Khác với chuyện bắn người đang đe dọa mình.”

        Trong cảnh tuyệt vọng, lính phòng ngự trở nên liều lĩnh. Bây giờ, hàng đêm họ đều cố xâm nhập phòng tuyến quân Mỹ, làm mồi ngon cho xạ thủ bản tia. Một đợt xung phong vào đêm 22/3 bị dập tắt: 50 trong số 60 lính Nhật bị bắn hạ. Từng khu vực này đến khu vực khác được loan báo “an toàn” - mỗi khu vực đều trả một cái giá đắt khủng khiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:12:32 pm »

   
        Ngày 22/3, Kuribayashi điện về nước: “Chúng tôi vẫn còn đang chiến đấu. Lực lượng dưới quyền tôi hiện giờ là khoảng 400 người. Xe tăng đang tấn công chúng tôi. Quân địch dùng loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng, nhưng các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền tôi chỉ cười mà không thèm để ý.”

        Đấy là báo cáo cuối cùng của Kuribayashi. Thi thể ông không hề được tìm thấy.

        Ngày hôm sau, hai trung đội trưởng còn sống sót đến gặp Dave Severance với vẻ lo âu trong khi Frank Crowe dõi nhìn. Ông kể: “Họ đang thầm thì về những thiệt hại và về việc không còn khả năng tiêu diệt đối phương. Ông đại úy lắng nghe, rồi khẽ khàng ra mệnh lệnh cho trận chiến ngày hôm sau. Thái độ điềm tĩnh của ông có hiệu quả mạnh. Cảm nghĩ tuyệt vọng biến thành quyết tâm thầm lặng.”

        Vị đại úy với vóc người cao lớn, với phẩm giá, với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ hơn là vẻ bề ngoài. Hôm ấy, ông đã nhận được tin từ quê nhà cho biết vợ mình đã sinh con nhưng đứa trẻ chết non. Ít lâu sau, Severance nghe tin về một hạ sĩ nhất có tên Dave Bowman trong đại đội của mình: vợ sắp sinh con. Bowman đang bàn giao công việc cho tiểu đội trưởng lên thay trước khi ông bước lên chiếc hải vận hạm đậu ngoài khơi để về thăm nhà. Trong khi đang trình bày, ông bị bẳn chết.

        Như thể là quá sức chịu đựng của Severance. Ông nói với Richard Wheeler: “Tôi đi đến một góc vắng vẻ mà khóc. Rồi dần dà tôi bình tâm trở lại mà tiếp tục nhiệm vụ.”

        Ba ngày sau, trận chiến kết thúc đối với Đại đội E.

        Lực lượng của Đại đội E ban đâu là 310 người kể cả quân bổ sung. Vào ngày 26/3, Đại úy Severance dẫn 50 người sống sót đến viếng Nghĩa trang Sư đoàn 5 mới được khánh thành. Rồi họ được một chiếc tàu nhỏ đưa ra một hải vận hạm, chiếc Winged

        Arrow (Mũi tên có cánh), để trở về hậu cứ. Họ phải níu một tấm lưới chuyển hàng hóa mà leo lên tàu. Nhiều người đã kiệt sức đến nỗi thủy thủ phải giúp nâng họ qua lan can tàu.

        Nhiều năm sau, tôi hỏi Severance sự việc kết thúc như thế nào. Ông suy nghĩ một lát rồi đáp: “Chúng tôi chiếm toàn thể tiện nghi của con tàu.”

        Severance là sĩ quan duy nhất trong số sáu sĩ quan của Đại đội E bước ra khỏi hòn đảo. Trong Trung đội 3 dưới quyền ông - những người đâu tiên đã leo lên đỉnh Núi Suribachi - chỉ có Harold Keller, Jim Michels, Phil Ward và Grady Dyce là còn lành lặn. Đại đội E đã chịu 84% thương vong.

        Trong số 18 chàng trai chiến thắng trong bức ảnh giương ngọn cờ “gung-ho” do Joe Rosenthal chụp, 14 người nằm trong số thương vong.

        Những con số thống kê thương đau chỉ rõ sự hy sinh của Tiểu đoàn 2 dưới quyền Trung tá Johnson: 1.400 chàng trai đổ bộ Ngày D, kế tiếp có 288 người bổ sung khi trận chiến tiếp diễn, tổng cộng 1.688 người. Trong số này, 1.511 tử trận hoặc bị thương. chỉ có 177 người còn đi được để rời hòn đảo. Và trong số 177 người cuối cùng này, 91 người đã bị thương ít nhất một lần và đã trở lại chiến đấu tiếp.

        Phải cần đến 22 chiếc hải vận hạm chật ních để chuyên chở Sư đoàn 5 đến hòn đảo. Những người sống sót ngồi thoải mái trên 8 chiếc tàu trở về.

        Quân Mỹ đã sát hại 21.000 lính Nhật, nhưng chịu thương vong 26.000 người. Đây là trận đánh duy nhất trên Thái Bình Dương mà bên tấn công chịu thương vong cao hơn bên phòng ngự.

        Trong Thế chiến II, TQLC chỉ chiến đấu trong 43 tháng. Nhưng một phần ba số tử thương của họ xảy ra chỉ trong 1 tháng trên Iwo Jima. Họ đã để lại nhũng nghĩa trang lớn nhất vùng

        Thái Bình Dương: tất cả có gần 6.800 nấm mộ. Hàng nghìn gia đình không có niềm an ủi nhận xác người thân để chào vĩnh biệt; chỉ có thông tin trừu tượng là người lính “đã bỏ mình khi thi hành nhiệm vụ” và được mai táng trong một lô, theo một hàng, ở một mã số nấm mộ. Mike nấm ở Lô 3, Hàng 5, Mộ 694; Harlon ở Lô 4, Hàng 6, Mộ 912; Franklin ở Lô 8, Hàng 7, Mộ 2189.

        Khi tôi nghĩ về Mike, Harlon và Frank nằm ở đấy, tôi nhớ đến câu từ có người đã khắc bên ngoài nghĩa trang:

        Khi người về nhà
        Nói giùm chúng tôi
        Ngày mai của người
        Tôi cho hôm nay.

        Phần lớn quân Nhật tử trận bị vùi lấp trong hang động, nơi thân xác họ trở thành giống như xác ướp vì tác dụng của khí lưu huỳnh. Nhiêu thập kỷ sau, nhiều xác vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, vẫn còn mang đôi tròng kính. Vài người sống sót vẫn tiếp tục chiến đấu. Một người đầu hàng nhiều tháng sau khi quân Mỹ đã rút, rồi di cư qua Brazil vì cảm thấy nhục nhã nên không muốn trở về nước Nhật. Hai người đầu hàng cuối cùng là vào năm 1949.

        Trong vòng 1.364 ngày kể từ Trận Trân Châu Cảng cho đến ngày Nhật Bàn đầu hàng, với hàng triệu người Mỹ chiến đấu khắp các mặt trận trên toàn thế giới, chỉ có 353 người Mỹ được tặng thưởng Huân chương Danh dự - huân chương cao quý nhất cho lòng dũng cảm. Lính TQLC nhận 84 Huân chương này, trong số đó có đến 27 Huân chương chỉ trong một tháng trên Iwo Jima - một kỷ lục cho một trận đánh trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Iwo Jima vẫn là trận đánh anh hùng nhất của nước Mỹ.

        Chiến thắng của quân Mỹ tại Iwo Jima đã thúc đẩy nhanh kết cục của cuộc chiến. Trong những tháng tiếp theo, khoảng 2.400 oanh tạc cơ B-29 chở 27.000 nhân viên trong phi hành đoàn hạ cánh khẩn cấp xuống Iwo Jima, qua đó cứu nhiều mạng sống.

        Các chàng trai chiến đấu ở Iwo Jima cảm thấy một chút an ủi khi biết được điều đó. Một chút thôi.

        Robert McEldowney nói: “Những người còn sống như chúng tôi là do may mắn. chỉ là may mắn.”

        Quân y tá Robert DeGeus nói: “Đấy không phải là vấn đề sống hoặc chết hoặc chiến đấu. Đấy là vấn đề trợ giúp đồng đội của mình.”

        Quân y tá William Hoopes khuyên tôi: “Hãy cho bạn đọc của anh biết ràng tôi đang mặc bộ đồ trận màu xanh của TQLC. Bộ đồ này đã thô ráp vì máu quánh đặc lại rồi nứt nè. Đây không phải là máu của tôi.”

        Đối với Tex Stanton, đấy là hòn đảo của những người anh hùng. “Nếu người lính nhận một huy chương, câu tuyên dương là họ đã thực hiện việc gì đấy "vượt quá yêu cầu của nhiệm vụ." Tôi đã nhìn thấy nhiều người anh hùng trên hòn đảo ấy, và tôi nghĩ nếu anh có tham gia 24 giờ ở đấy, anh sẽ làm việc gì đó "vượt quá yêu cầu" chỉ để sống tồn.”

        Một trong những việc cuối cùng mà Danny Thomas làm trước khi rời hòn đảo là đi tìm mộ của Chick Harris. Chick và Danny là hai “Nhóc Sữa” - hai người bạn thân chưa đủ tuổi để uống bia rượu những ngày xả trại. Vào Ngày D, Danny chạy ngang qua người bạn đã bị đứt thân và đang hấp hối.

        Bây giờ, Danny quỳ trước nấm mộ nơi Chick đang yên nghi và hứa thầm: Một lời hứa không liên quan gì đến chiến tranh hoặc lá cờ hoặc những quốc gia hoặc Thế kỷ của Thái Bình Dương mà Trận Iwo Jima đã tạo ra.

        Danny nói: “Tôi hứa sẽ uống mừng cho anh ấy một ly sữa bơ.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:15:32 pm »

   
Chương 14

ANTIGO

        Nơi hiếm khi nghe câu nói ngã lòng
        Và bầu trời cả ngày không có mây.


Ca từ của bài hát "home on the range"        .

        Trong thời gian lớn lên ở Antigo, tôi không hề biết gì về những chuyện đó. Tôi hầu như không biết gì cho đến ngày cha tôi qua đời, vào năm 1994.

        Khi tôi chào đời thì Thế chiến II đã chấm dứt gần được 10 năm. Tuy thế, đối với một đứa trẻ sống trong thị trấn nhỏ bé đây bóng cây này, cuộc chiến nghe như là đã diễn ra trong thời Trung Cổ - một câu chuyện sống động, hào hùng, phấn khích, đây những hình ảnh của chiến hạm và máy bay và xe tăng và binh sĩ tiến lên dưới chiếc mũ sắt tròn. Sống động và hào hùng, nhưng lại là xa xôi, là một thứ huyền thoại. Tôi cùng lứa bạn hàng xóm chơi trò chiến tranh và cảm thấy khích động với những phim chiến tranh trên truyền hình. Khi trưởng thành hơn, tôi đọc nghiến ngấu sách lịch sử; tôi tìm hiểu về Eisenhower và MacArthur. Nhưng tôi chưa bao giờ gắn kết bất kỳ việc gì với cuộc sống của tôi, hoặc cuộc sống của cha tôi. Cả các anh chị em của tôi cũng thế. Những cái tên như Lực lượng Viễn chinh Đồng minh hoặc Mũi giáo đều là lạ lẫm ở Antigo.

        Cảm nghĩ thấy xa xôi như thế dĩ nhiên quả là điều lạ lùng, nếu xét qua sự kiện là tất cả chúng tôi đều biết - ngay từ ngày đầu - rằng cha chúng tôi là một người trong bức ảnh nổi tiếng kia.

        Nhưng chúng tôi chỉ biết có thế. Cha chúng tôi không bao giờ nhắc đến bức ảnh. Ông không muốn ai hỏi han về chuyện này. Không có bản sao nào của bức ảnh trong nhà. Chúng tôi đều không biết đến những tên người Mike, Harlon, Ira, Franklin và Rene. Cái tên Iggy cũng thế.

        Và thế là cuộc chiến, và Bức Ảnh, đều hiện diện bên lề thời thơ ấu của tôi, ở đâu đấy giữa thực tại và giấc mộng xa xôi.

        Đây là thực tại: Chúng tôi cư ngụ tại số nhà 321, Đại lộ thứ Năm, trong ngôi nhà lớn thứ nhì của thị trấn. Một ngôi nhà có khung sườn trắng và cửa chớp đen, như thể đã được xây từ lâu lắm và sẽ tồn tại rất lâu, với ba tầng thấp, với sân trước rộng được một cây phong che bóng mát, và sân sau nơi chúng tôi chơi đá bóng và trò cút bắt.

        Và đây cũng là thực tại: Cha chúng tôi là chủ nhân của Nhà Mai táng McCandless, Zobel & Bradley, là một trong những công dân hàng đầu ở Antigo. Chúng tôi không bao giờ thắc mắc tại sao tên ông đứng cuối trong tên của nhà mai táng cho dù ông là chủ nhân duy nhất. Đấy chỉ là một phần của cuộc sống. Giống như cái nhà xe đầy những xe đạp. Giống như ngôi Nhà thờ St. John cũ kỹ và Trường Công giáo St. John, nơi cha tôi đã theo học, chỉ cách hai khu phố. Hoặc Sông Antigo, cách hai khu phố theo hướng kia. Những thứ thực sự; những thứ vượt thời gian. Những thứ chỉ đơn giản là hiện diện ở đấy.

        Từ cuộc chiến trở về, cha tôi đi tìm người ông yêu từ thời học lớp 3, Elizabeth Van Gorp ở Appketon, làm lễ cưới với bà vào tháng 5/1946, rồi đưa bà chuyển về Milwaukee, nơi ông làm việc cho một nhà mai táng trong khi học thêm về khoa học mai táng. Hai người xây tổ ấm ttong một khu nhà dành cho cánh lái xe, trong một nhà xe. Năm 1947, chị Kathy của tôi ra đời, và cha tôi nghe nói có một Nhà Mai táng McGillan tại Antigo. Ông đưa vợ con về quê quán của mình. Có lẽ ông mang tất cả tiền mình có đặt vừa vặn trong túi áo.

        Bảy năm sau, ở tuổi 32, ông có cơ hội mua lại Nhà Mai táng McCandless & Zobel, là thương vụ lớn nhất trong hạt thời bấy giờ.

        Với thương vụ này, tên tuổi ông chiếm trang đầu của tờ báo Antigo Daily. Chảng bao lâu, người ta gọi đấy là Nhà Mai táng Bradley. Nhưng tên chính thức là McCandless, Zobel & Bradley.

        Cha giữ cái tên nguyên thủy này suốt thời gian ông làm ăn gần 40 năm. McCandless & Zobel có ý nghĩa gì đấy đối với lịch sử của thị trấn, đối với kỷ niệm của chính nó. Đối vói cha tôi, như thế quan trọng là hơn trưng ra cái tên của chính cá nhân mình.

        Cha mua lại nhà mai táng vào khoảng thời gian tôi được thôi nôi, tháng 2/1955. Tôi là đứa con thứ tư trong 8 người con. Trước tôi là chị Kathy, anh Steve và anh Mark; sau tôi là em gái Barbara, em trai Patrick, em trai Joe và em trai Tom. Tôi vẫn còn treo trong phòng làm việc của mình hóa đơn bệnh viện hộ sản cho tôi. Cha tôi đã trả toàn bộ số tiền một tháng sau khi tôi chào đời. Tôi gây tốn kém 71,90 đô-la.

        Ngôi nhà của chúng tôi trên Đại lộ Số Năm có lẽ được xây trong thập kỷ 1910. Nó trông giống như có thể trụ được một cuộc tấn công hạch nhân. Ngôi nhà có một phòng khách rộng, một phòng ăn rộng, một phòng làm việc, và một phòng sinh hoạt gia đình. Một gian phòng thư giãn có nhiều cửa sổ để nhận ánh nắng, có sàn lát bằng đá với ống truyền hơi nước chôn phía dưới làm hệ thống sưởi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:15:57 pm »


        Gia đình chúng tôi là gia đình của những người làm việc. Mọi người đều có nhiệm vụ đặc biệt riêng cho mình. Khi tôi còn nhỏ, nhiệm vụ đặc biệt của tôi vào mùa đông là thức dậy lúc 5 giờ sáng để xem bên ngoài có tuyết phủ hay không. Phòng ngủ của tôi trên tầng hai có một cửa sổ, nên thích hợp cho việc này. Vào lúc 5 giờ sáng, thường có lớp tuyết đây khoảng 1 m, và đôi lúc mọi người khó biết được lớp tuyết này có phải mới rơi xuống hay không. Nhưng tôi thì biết. Nếu quan sát kỹ dây điện thoại -  ngay cả trong bóng tối - tôi có thể nhìn thấy những đường tuyết mỏng song song nếu là tuyết mới rơi.

        Nếu đấy là tuyết mới rơi, tôi phải đánh thức hai người anh dậy rồi chúng tôi mặc áo thật dày đi bộ đến nhà mai táng, cách xa khoảng sáu khu phố, thường đi qua đoạn đường chưa được dọn tuyết. Rồi chúng tôi dùng xẻng để xúc tuyết.

        Nhà mai táng là một tòa nhà hai mặt tiền, và chúng tôi phải xúc tuyết trên một khoảng rộng: một via hè, những lối ra vào có bậc thềm rộng, và một sân đỗ xe bao la. Công việc hoàn toàn do sức lao động; thời ấy có rất ít máy xúc tuyết chạy bằng xăng. Ba anh em chúng tôi bắt đầu trước khi mặt trời mọc và phải xúc cà khối tuyết tưởng chừng nặng dăm ba tấn. Và sau khi đã xong xuôi ở đây, chúng tôi trở về nhà để xúc tuyết trên lối đi và đường ô tô ra vào.

        Phải làm xong công việc xúc tuyết nặng nhọc ở hai nơi trước khi đi học. Sau đó chúng tôi mới nhào vào bàn ăn sáng: bánh mỳ nướng kiểu Pháp, bánh nướng, trứng mà Mẹ đã làm sẵn.

        Nhưng chúng tôi thấy vui. Chúng tôi không hề thắc mằc, không hề than van. Đấy là một phần trong “Hệ thống” do Cha và Mẹ.

        Hai người không bao giờ gọi như thế. Nhưng nó vẫn là thế. Và tôi nghĩ đấy là điều hay. Hay ho và cần thiết, cha mẹ tôi vừa phải lo làm ăn vừa phái nuôi nấng 8 anh chị em tôi. Vì thế, khi lớn lên, mỗi đứa chúng tôi nhận một trách nhiệm mới. Rửa tô đĩa. Cắt cỏ ở sân trước và sân sau. Quét dọn nhà cửa. Anh chị em chúng tôi không bao giờ than phiền hoặc nài ni gia giảm. Chúng tôi chỉ tuân hành, vì đấy là cách gia đình sinh sống. Mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình chúng tôi là một tập thể hoạt động trơn tru, phụ thuộc vào nhau. Đấy là bổn phận của chúng tôi.

        Tôi nghĩ Cha áp dụng ý niệm về Hệ thống như thế trong cả đời ông - dù rằng nếu tôi có nói thế thì ông sẽ phủ nhận. Ông thấy vai trò của mình trong nghề mai táng là một phần của bổn phận. Người ta luôn hỏi tôi là con trai của một chủ nhân dịch vụ mai táng thì như thế nào: Cậu có nhìn thấy nhiều xác chết không? Cậu có phải xem người ta ướp xác không? Không bao giờ. Cha tôi không làm công việc ướp xác; ông có nhũng trợ lý làm việc này. Ồng là nhà ngoại giao. Ông là chuyên gia tâm thần học kiêm chuyên gia tâm lý học, nhà cố vấn và khuyên bảo.

        Những gia đình có người thân qua đời đều gọi cho Cha. Nếu họ có vấn đề với Cơ quan An sinh Xã hội, Cha có thể giúp đỡ. Nếu họ không biết làm thế nào trả viện phí ư? Cha tôi có kế hoạch cho họ.

        Ông tập trung vào nhũng nhu cầu của các gia đình. Ông thường làm việc đến 10 giờ tối. Ông trở về nhà dùng bữa tối, ngủ một chốc, rồi trở lại với công việc. Nhiều khi phải thức trong đêm khuya. Đáng lẽ ông có thể phái những trợ lý làm thay, nhung ông thường tự mình hiện diện.

        Ông thường đứng ở đầu cầu thang bên trong lối vào nhà mai táng để đón tiếp tang quyến. Ông nhớ được tên rất nhiều người. Những người sống ngoài thị trấn, những người nhiều năm ông không gặp lại, sẽ lấy làm vui khi ông kêu tên họ và còn hỏi han về những điều mà họ không nhớ đã kể cho ông nghe - những lễ tân hôn, bệnh tật, con trẻ mới sinh. Hẳn cha tôi phải cất công mới làm được như thế, nhưng tôi tin ông không phải khó nhọc lắm. Và lúc nào cũng tỏ ra chân thành. Luôn là thế. Ông quan tâm đến nguừi khác, đến những chuyện bon chen của họ, những thành đạt của họ. Và người ta cảm nhận là ông có lòng quan tâm.

        Tôi còn nhớ lần đâu tiên đi cùng ông đáp lại cuộc gọi yêu cầu đến nhận xác. Lúc ấy tôi khoảng 12 tuổi. Cha bảo: “Được rồi. Chúng ta sẽ đi đến nhà ấy, và chúng ta sẽ đón bà ấy. Gia đình họ có mặt ở đấy; họ sẽ khóc.” Và rồi, ông thêm: “Cha chỉ muốn con tỏ vẻ như thể chúng ta đến đón mẹ con. Chúng ta sẽ đối xử với bà ấy như đối xử với mẹ con.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:17:13 pm »


        Trong tinh thần phục vụ như thế, cha tôi là chủ tịch hầu hết các tổ chức ở thị trấn: ban quản trị trường học, hội phụ huynh học sinh, Rotary, những tổ chức từ thiện... Ông chỉ là một người đứng đầu. Nhưng việc này cũng tạo thuận lợi cho công ăn việc làm của ông. Ông đã gây dụng nên một trong nhũng nhà mai táng lớn nhất Bang Wisconsin - là việc gần như không thể làm được vì Antigo là một thị trấn nhỏ. Nhưng vào lúc ấy, cha tôi làm chủ dịch vụ mai táng được nhiều gia đình trong các hạt chung quanh ưa chuộng.

        Cha tôi trở thành một nhân vật đáng kính trong thị trấn, nhưng vẻ tao nhã của ông không pha trộn tính phù phiếm. Sau khi ông qua đời, mẹ tôi trao cho tôi chiếc kẹp tiền mang tên tắt của ông: “JHB”. Bà nói rằng có lẽ một người bán hàng đã tặng ông chiếc kẹp này, bởi vì nếu ông tự đặt làm chiếc kẹp với tên mình thì là quá phô trương. Tôi đáp trả: “Nhưng Mẹ ạ, Cha đã có những bộ áo vét đặt may, những áo choàng đặt may, những đôi giày đẹp. Ông ấy luôn chỉ tiên nhiều cho bề ngoài của mình.”

        Mẹ tôi đáp: “Đúng, nhưng đấy là cho công việc làm ăn. Ông ấy phải ăn mặc đàng hoàng khi làm ăn.” Bà nói đúng: Suốt đời ông luôn lái nhũng chiếc Cadillac mới. Nhưng những chiếc xe mới bóng lộn ấy được sử dụng ở nhà mai táng. Sau khi nghi hưu, ông lái một chiếc xe bán tải hiệu Chevrolet nhỏ nhất, được trang bị tối thiểu.

        Ông điều hành nhà mai táng với lòng chuyên cần hoàn toàn cho chất lượng và dịch vụ. Mọi thứ đều sạch bong, được bảo dưỡng cẩn thận. Một lần, khi tôi làm việc ở đấy, ông bảo tôi lau chùi chiếc xe vừa được sử dụng để trao những bó hoa còn dư cho một nhà điều dưỡng. Tôi lau chùi và lau chùi, đánh bóng và đánh bóng. Xong xuôi, tôi hãnh diện báo cho ông xem xét. Cha tôi đi vào ga-ra, sỏi đá kêu lạo xạo dưới mũi giày. Ông mở cánh cửa sau, nhấc tấm thảm sàn xe lên, mang ra bánh sơ cua, chỉ vào một cánh hoa duy nhất.

        Ông nói: “Cha nghe con nói đã làm sạch.” Tôi hiểu ra. Tôi nghĩ như thế là công tâm. Phải sạch theo tiêu chuẩn cao nhất".

        Và phải đạt tiêu chuẩn cao nhất khi quan hệ với cộng đồng. Đấy không phải là sự quỵ lụy hoặc tạo vẻ bề ngoài giả dối, mà là mang đến dịch vụ thật sự. Ông không nói dông dài về việc này, nhưng chúng tôi đều hiểu rằng con người là quan trọng. Họ đáng được tôn trọng.

        Tinh thần lãnh đạo theo bẩm sinh đặt ra một quy chuẩn bất thành văn trong gia đình. Các anh tôi là những trưởng lớp. Trong trường học, anh em nhà Bradley thường là người đọc thông báo buổi sáng. Phát ngôn viên cho nhà trường là một thành viên nhà Bradley. Tôi là trưởng lớp liên tiếp sáu, bảy năm. Đấy là chuyện người ta xem là đương nhiên. Gia đình Bradley là những người lãnh đạo.

        Có vẻ như Cha không cố tình vun quén tinh thần lãnh đạo của ông. Ông có cuộc sống bảo thủ. Ông không phải là ngôi sao theo ý nghĩa nào. Nhưng mọi người đều yêu mến cha tôi. Có lẽ một phần bí quyết của ông là làm người ta cảm thấy an tâm khi nói chuyện với mình. Có lẽ đấy là do cách ông lắng nghe họ. Hai vành tai to của ông - càng trở nên to hơn vào cuối đời - có chức năng đặc biệt hơn là ngoại hình thuần túy.

        Ông là tín đồ Công giáo thuần thành, thực thi giáo lý. Ông đi hành lễ mỗi ngày Chủ Nhật, ông xin rửa tội, ông tin vào giáo điều. Đối với ông, giáo đường là nguồn an ủi trong sáng. Linh mục là nhân vật được kính trọng. Lễ ban phước đánh dấu những chặng đường sinh ra, lớn khôn và chết đi. Tất cả đều là minh bạch, thực tế, ổn cố - giống như con người cha tôi. Chúng tôi đều biết quỳ mà lần tràng hạt đọc kinh. Không phải vì Cha bắt buộc các con phải làm việc này. Ông không hề giảng giải cho chúng tôi về đức tin. Nhưng hành động của ông luôn thể hiện mạnh mẽ hơn là ngôn từ.

        Những hành động của ông - đúng hơn là những hành động từ ngày này sang ngày khác trong cuộc đời dài, trầm lặng và đầy đức tin như là cột trụ cho cộng đồng Antigo - được nói lên một cách mạnh mẽ đến nỗi những ngôn từ mà chúng tôi muốn nghe không hề hé lộ: những ngôn từ giúp lý giải cho chúng tôi biết chiến tranh là như thế nào đối với ông. Iwo Jima là như thế nào. Và được hiện diện trong Bức Ảnh là như thế nào. Đấy là cách sống của con người cha tôi. Hành động của ông giúp xác định con người mình cho chúng tôi hiểu. Còn nếu muốn tìm hiểu về ngôn từ thì chúng tôi phải nhờ đến nơi nào khác.

        Trong nhiều thập kỷ - cả một thế hệ - những ngôn từ ấy vẫn không hề được thốt lên. Thế nên ngôn từ trở thành kém quan trọng, ít nhất là trong phần lớn thời gian. Tất cả chúng tôi đều biết về bức ảnh, nhưng ít biết gì về câu chuyện đem lại ý nghĩa cho bức ảnh này. Người ta đã dựng lên những tượng đài có hình ảnh cha tôi trong đấy, nhưng ngoài đời cha tôi không mang thắt lưng có hình dạng bức tượng; ông không châm thuốc hút bằng bật lửa có hình dạng bức tượng. Ông giấu kín tâm Huân chương Thập tự Hải quân; chỉ khi ông qua đời gia đình chúng tôi mới biết ông được tặng thưởng huân chương cao quý này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:20:22 pm »

       
        Khi cha tôi còn sống, cả tám anh chị em tôi đều chưa từng đọc một quyển sách nào về Iwo Jima.

        Làm thế nào chúng tôi có thể vô tâm đến thế? Đấy không phải là do thiếu khả năng. Chúng tôi đều biết cách thu thập thông tin. Chúng tôi hiểu cách sử dụng thư viện. Và khi lớn lên, chúng tôi theo học đại học với nguồn thông tin bao la. Làm thế nào chúng tôi cứ mãi trong tình trạng mù mờ như thế?

        Tôi nghĩ câu trả lời nằm trong thái độ của cha tôi cho rằng sự kiện ấy không có gì là quan trọng. Đối với ông, “sự kiện” không đơn thuần là trận đánh ở Iwo Jima. Nó luôn trở nên phức tạp -  bị giả mạo - bởi tiếng tăm của một trong những người giương ngọn cờ - thứ tiếng tăm mà ông không mong muốn. Vì thế, nó trở thành không quan trọng. Điều quan trọng là xem nó không quan trọng.

        Một lần, em gái Barbara của tôi nhận xét: “Đọc một quyển sách về Iwo Jima ở nhà giống như là đọc tạp chí Playboy1. Đây giống như là việc em phải che đậy.”

        Và thế là chỉ có người ngoài, người xa lạ mới hỏi han ông về sự việc ấy. Phần lớn là ký già và phóng viên truyền thanh, những người gọi điện đến mỗi năm một lần, vào đầu tháng Hai, gần ngày kỷ niệm sự kiện giương ngọn cờ. Cha không bao giờ tỏ ra giận dữ hoặc chán nản đối với những câu tra vấn phiền hà ấy. Một trong những phương cách của ông là nhờ chúng tôi - gia đình ông - xử lý những câu tra vấn càng nhiều càng hay. Chúng tôi đã được dặn dò là không bao giờ trao điện thoại cho ông khi có cuộc gọi như thế. Thay vào đấy, chúng tôi phải nói với các mạng truyền thanh và báo chí rằng cha tôi “không thể tiếp khách, đang đi câu cá ở Canada.”

        Cha tôi không bao giờ đi câu cá ở Canada. Khi chúng tôi trả lời cuộc gọi như thế, ông thường ngồi kề bên.

        Tôi không nhớ cha tôi đã lý giải tại sao ông không muốn trả lời các cuộc gọi. Cùng lắm, ông chỉ khẽ lắc đầu như thể đang đối phó với chuyện phiên toái khi bị chứng dị ứng hoặc cận thị. Đấy là nỗi khổ sở của cá nhân ông.

        Hoặc nên gọi đấy là tâm tính khác thường của ông - rằng 1 phần 400 giây đồng hồ đã đóng khung ông vào trí tưởng tượng của cả nước. Cha tôi là người gắn bó với thế giới của những sự việc thật, những giá trị thật. Ông không muốn nêu lý thuyết, ức đoán, gây cường điệu cho những cảm xúc. Bức Ảnh thể hiện điều gì đấy riêng tư đối với ông, điều gì đấy mà ông không bao giờ diễn tả thành lời. Nó không thể hiện điều gì trừu tượng như “lòng dũng cảm” hoặc “tinh thần chiến đấu Mỹ.” Có lẽ nó chỉ thể hiện Mike, Harlon, Ira, Franklin và Rene, cùng những chàng trai chiến đấu bên cạnh ông trên Đảo Iwo Jima - những chàng trai mà ông đã cứu được mạng sống hoặc cố cứu nhung không thành.

        Ông không bao giờ miệt thị Bức Ảnh. Chỉ có điều ông không bao giờ đề cập đến nó.

        John Filbrandt, cư dân Antigo đã quen biết với cha tôi lâu nhất từ lúc họ học mẫu giáo đến khi cha tôi qua đời, kể cho tôi về lần duy nhất ông nghe cha tôi nói về chuyện giương ngọn cờ. Một nhân viên môi giới chứng khoán từ nơi xa đến để trình bày về nhóm đầu tư của họ. Có người nào đấy đã nói cho ông nghe về quá khứ của cha tôi. Nhà môi giới chứng khoán vội vã tìm đến cha tôi.

        Đôi mắt sáng lên, ông ấy bắt đâu: “Tôi được biết ông là một trong những người giương ngọn cờ ở Iwo Jima.”

        Cha tôi bình thản hóa giải nỗi hiếu kỳ của ông khách, nhẹ nhàng đáp: “Vâng, chuyện đó xảy ra lâu rồi.” Và ông hướng cuộc đối thoại sang những chuyện khác.

        Tôi đoán cha tôi đã chuẩn bị trước những câu nói phủ đầu như thế nhằm đánh lạc hướng những lời tra vấn mà không gây mất lòng. Một lần, khi tôi dò hỏi thì ông trả lời: “Giá như không có lá cờ trên cột cờ ấy.”

        Cột cờ ấy. Ông luôn gọi đấy là “cột cờ.” Việc này là chìa khóa đối với ông và là cảm nghĩ của ông về hành động ấy. Cha tôi là mẫu người vững vàng, giản dị và đơn sơ, giống như cột cờ mà ông giúp dựng lên. Giúp Mike Strank với cột cờ - đấy là việc cha tôi đã làm. Cách nói “Vinh quang Ngày cũ” là quá lớn lao đối với cha tôi và đối với những gì ông nghĩ trong đầu ngày ấy. Thay vào đấy, trong cuộc phỏng vấn duy nhất trả lời một đoàn ở Chicago làm phóng sự về Iwo Jima vào năm 1985, ông cho biết rằng ông hẳn đã có thể làm việc ấy mà không cần khoác lên người tấm áo anh hùng cả đời:

       Hỏi: Xét qua tất cả sự nổi tiếng như thế mà bức ảnh tạo ra, nếu phải làm lại việc ấy mà biết rằng sẽ trở nên nổi tiếng, liệu ông có nhảy vào như năm người kia không?

        Đáp: Không, tôi nghĩ mình sẽ không muốn nhảy vào. Nếu tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra với bức ảnh thì chắc chắn tôi đã không nhảy vào để phụ một tay giương lá cờ ấy lên.

        Hỏi: Tại sao?

        Đáp: Tôi vẫn có thể phục vụ mà không cần có áp lực và quan hệ với giới truyền thông. Tôi chỉ là một cá nhân sống đời riêng tư và tôi thích mình vẫn sống như thế.

------------------
        1. Playboy: tạp chí xuất bản ở Mỹ, dành cho người lớn, có nhiều ảnh khỏa thân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2018, 08:23:16 pm »


        Ít nhất cha tôi đã tỏ ra nhất quán. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về quá khứ của ông, tôi yêu cầu mẹ tôi kể cho tôi nghe tất cả những gì ông đã nói với bà về Iwo Jima.

        Mẹ tôi đáp: “À, thế thì không phải mất nhiều thời giờ. Ông ấy chỉ đề cập đến Iwo Jima có một lần, vào dịp cha mẹ hẹn hò lần đầu tiên. Mẹ đang hỏi han ông ấy về chỉ tiết vụ việc, và ông ấy kể lại trong vòng 7 hoặc 8 phút. Lúc ây, ông lơ đãng vân vê chiếc bật lửa bằng bạc trong tay. Chỉ có thế. Đấy là lần duy nhất ông ấy chịu nói trong suốt cuộc hôn nhân 47 năm.”

        Anh Mark của tôi có lần hỏi ông về sự kiện ấy để làm bài tập của trường. Câu trả lời của cha tôi là: “Cha và những đồng đội chỉ tình cờ có mặt ở đấy, giúp nhau dựng cây cột cờ lên, rồi có ai đấy chụp một bức ảnh.” Chấm dứt cuộc phỏng vấn.

        Chị Kathy của tôi cũng va phải bức tường im lặng khi yêu cầu Cha đến thuyết trình về Iwo Jima cho lớp 2 của chị. Kathy kể: “Cha nhìn xuống, hướng đôi mắt nơi khác, lắc đầu từ chối mà không nói lời nào. Chị đi tìm Mẹ hỏi về việc này, và bà đáp: "Cha con nghĩ những anh hùng thật sự là những người đã nằm xuống ở Iwo Jima.”

        Tại sao ông hầu như không bao giờ nhắc đến quá khứ của mình, và chỉ nói ra một cách đau khổ giữa những khoảng im lặng dài ngày đau đớn như thế?

        Có nhiều câu trả lời hiện ra trong trí tôi.

        ' “Báo giới” nằm trong một câu trả lời. Cha ngờ vực một cách sâu sắc những phóng viên săn tin. Khi còn trẻ, ông đã lấy làm kinh ngạc mà thấy các phóng viên thường tô điểm như thế nào những cuộc phỏng vấn ông, thậm chí ngụy tạo lời phát biểu để phục vụ nhãn quan hoa mỹ của họ. Ông thường nói về Quyền thứ Tư1: “Họ đã có sẵn bài viết trước khi phỏng vẫn cha.”

        Và họ không hề giữ con tim mình cho đúng mực. Họ không hề hiểu bản chất thật sự của việc giương ngọn cờ. Giới truyền thông luôn muốn viết về sự kiện theo những thái cực, không hề giữ mức dung hòa theo thực tế. Cha còn nhớ báo chí đã tường thuật việc giương ngọn cờ như là một trong những hành động dũng cảm trong lịch sử loài người - lính TQLC chiến đấu trên những triền núi tử thần để dựng lên biểu tượng chiến thẳng giữa những làn đạn.

        Câu chuyện thật, như Cha thấy, là giản đơn và không hoa mỹ: Cân phải giương lên một lá cờ. Cây cột cờ thì nặng nề. Mặt trời đang lên đúng tầm. Một pô bấm máy may rủi đã biến một hành động tầm thường thành một bức ảnh quan trọng.

        Vài năm trước khi qua đời, ông nói với Mark: “Con không thể biết được họ sẽ hỏi gì hoặc họ sẽ tô vẽ ra sao về chuyện này.” Đấy là khi ông giải thích tại sao mình đã từ chối lời yêu cầu phòng vấn của hãng CBS. Ban điều hành đài truyền hình đồng ý về bất kỳ điều kiện nào: Họ sẽ cử Walter Cronkite hoặc Charles Huralt2 thực hiện cuộc phỏng vấn nếu Cha muốn; họ sẽ giữ băng ghi hình phỏng vấn trong tủ sẳt cho đến khi ông qua đời nếu ông muốn thế; họ sẽ cho ông biên tập chương trình phỏng vấn. Bất kỳ việc gì. Ông từ chối.

        Có những câu trả lời hợp lý khác: ví dụ như Iggy. Nỗi đớn đau và giận dữ khi nhớ lại những gì đã xảy ra cho Iggy, và chuyến đi thăm hỏi cha mẹ Iggy khi chiến tranh kết thúc, để an ủi hai người.

        Tôi tin chắc rằng hồi ức về Iggy đã phần nào khiến cho cha tôi giữ im lặng. Mặt khác, tôi không thấy có biểu hiện nào là ông tỏ ra cay đắng với chiến tranh. Cay đắng không phải là phần bản chất của ông. Ông không bao giờ nói một cách khinh miệt “bọn Nhật” hoặc “kẻ thù”, hoặc thậm chí “người Nhật.” chỉ trừ có một nhận xét cộc lốc với anh em tôi khi giải thích tại sao ông không muốn đi chơi ở nước Nhật, ngoài ra cha tôi không muốn tiếp tục cuộc chiến sau khi đã trở về nhà.

        Thế thì, sự thật là ra sao?

        Tôi dần dà tin rằng câu trả lời có lẽ chỉ đơn giản, không có gì là bí ẩn, giống như chính con người cha tôi. Tôi nghĩ cha tôi giữ im lặng với cùng lý do của phần lớn những người đã giữ im lặng sau khi kinh qua chiến trường Thế chiến II - hoặc bất kỳ cuộc chiến nào. Đơn giản bởi vì nếu nói ra hết cái tổng thể thì ngôn từ là quá đau đớn.

------------------
        1. Quyền Thứ tư là chỉ giới truyền thông, sau ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong định chế xã hội.

        2. Walter Cronkite là người dẫn chương trình thời sự nổi tiếng của hãng CBS phát đi toàn nước Mỹ (đặc biệt nối tiếng qua những chương trình tường thuật cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân ở Việt Nam), còn Charles Huralt cũng là biên tập truyền hình kỳ cựu; hai người này chỉ thực hiện phỏng vấn những nhân vật có liên quan đến sự kiện quan trọng.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM