Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:17:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26285 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:15:40 pm »

     
Chương 5

TRUI RÈN MŨI GIÁO

        
Nếu Lục quân và Hải quân
        Từng nhìn lên trời cao xanh
        Họ sẽ thấy đường sá dược bảo vệ
Bởi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ

        TRÍCH CÂU TỪ "THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HÀNH KHÚC"

        Đấy giống như là một thành phố, nhưng không phải là thành phố. Ít nhất nó trông không giống thành phố mà sáu chàng trai đã từng thấy hay mường tượng ra: một thành phố thấp lè tè đây những cơ giới, vũ khí và đạn dược. Thành phố này trải dài trên dải đất giữa Los Angeles và San Diego, còn rộng lớn hơn thị trấn nơi quê nhà của họ.

        Hầu như chú nhóc nào khi đến cánh cổng thành phố cũng cảm thấy choáng ngợp. James Buchanan nhớ lại: “Trại Pendleton rộng đến nỗi tôi có cảm tưởng nó như là bất tận. Tôi nghĩ nó kéo dài đến New York.”

        Trong những năm trước chiến tranh, Trại Pendleton chỉ là một trại tân binh nhỏ - một căn cứ nhỏ ngái ngủ phía nam Los Angeles, được đặt tên theo Trung tướng Pendleton, cha đẻ của chương trình huấn luyện Thủy quân Lục chiến ở bờ Tây. Vào tháng 3/1942, Bộ Hải quân mở rộng diện tích một cách đáng kể bằng cách trưng dụng hơn 52.000 ha đất ở vùng Rancho Santa Margarita.

        Vùng này gồm những vực núi, những dãy đồi, gia súc, đồng cỏ, bụi rậm, rắn chuông, và chấy rận. Sóng biển Thái Bình Dương vỗ dạt dào quanh chu vi ở phía tây.

        Trại Pendleton mới - với địa hình cô lập và hiểm trở - tạo nên môi trường thuận lợi cho việc đào tạo lính TQLC rẳn rỏi. Sáu người sẽ giương ngọn cờ trải qua 6 tháng ở đây, đi qua khắp vùng hoang sơ, không bao giờ ngủ trong doanh trại, không bao giờ được tắm trong phòng tắm, phải tham gia chữa cháy rừng, chỉ thỉnh thoảng mới thấy được dấu vết của nền văn minh là một con đường đất. Người bạn Grady Dyce của họ kể với tôi: “Chúng tôi ở trong vùng hoang sơ. Ngoài đó chỉ có rắn chuông, cừu và chó sói. Chúng tôi phải dùng rựa để chặt cỏ.”

        Thành phố chuyên dụng mới gồm những quân nhân chuyên biệt giúp nhào nặn ra một lớp người mà những thành phố truyền thống phải mất nhiều thế hệ mới làm được. Thật ra, nơi này đào tạo một lớp những người chuyên môn mà không một xã hội văn minh nào cần đến: những nhà chỉ huy trong tích tắc phải quyết định chuyện sống chết; những bác sĩ phải sẵn sàng thực hiện giải phẫu bộ não với rất ít thời gian chuẩn bị; người phát thư phải mang thư đến những địa chi luôn di động, những tuyên úy có nhiệm vụ chính là đọc lời chúc phúc cuối cùng; những đầu bếp phải nấu ăn ngày ba bữa cho cả nghìn “thực khách”; hàng đoàn những thư ký, thợ cơ khí, lái xe, người huấn luyện chó trận; và còn nhiều nữa - mỗi người đều phải thi hành nhiệm vụ của mình cho đồng bộ với người khác, trong tinh thần cộng tác tuyệt đối, và trong bom đạn.

        Thường thì thành phố này chỉ đào tạo những người biết cách bắn trả và tiêu diệt kẻ thù. Mục đích bao quát là nhanh chóng biến cha tôi, Rene, Ira, Mike, Franklin, Harlon và 21.000 người khác từ kỹ năng bậc trung trở thành một lực lượng ưu tú sẽ được điều động an toàn trên đại dương để tham gia một trận đánh trên một hòn đảo.

        Trại Pendleton là nơi sản sinh ra một sư đoàn TQLC hoàn toàn mới. Sư đoàn 5, được chính thức thành lập ngày 11/11/1943, Ngày Đình chiến1. Trong những tháng kế tiếp, những hoạt động tất bật đế tạo nên một lực lượng tác chiến thu hút tất cả năng lực và trí tuệ của nền công nghiệp Hoa Kỳ.

        Tình trạng cấp tập chung quanh việc thành lập Sư đoàn 5 TQLC là do thực tế chiến trường thúc đẩy. Trận đánh đẫm máu trên Đảo Tarawa đã chứng tỏ cần có thêm nhiều chiến binh TQLC để thanh toán những ổ phòng ngự của quân Nhật. Chính tại Trại Pendleton mà Sư đoàn 5 lĩnh hội những kỹ năng cần thiết cho con đường dẫn đến Tokyo.

        Chính ở Trại Pendleton mà sáu chàng trai giương ngọn cờ gặp nhau. Họ bị cuốn vào trong những làn sóng lính mới hằng ngày đổ xô về thành phố không tưởng này. Họ đến chen chúc trên những chiếc xe vận tải chạy dọc Xa lộ 101 và trên những toa tàu chật ních chạy xinh xịch dọc tuyến đường sắt Santa Fe nối dài. Đấy như thể là cả nước Mỹ đang điều đi những chàng trai trẻ, và họ đổ dồn về đây.

        Sau khi tham dự trận đánh Bougainville rồi đi nghi phép về thăm nhà, Mike, Harlon và Ira đến trình diện tại Trại Pendleton. Lực lưựng mới này có khoảng 40% những chiến binh kỳ cựu như ba người. Cha tôi, Franklin và Rene đại diện cho 60% còn lại: những chàng trai trẻ mới hoàn tất chương trình huấn luyện cơ bản ở trại tân binh. Cha tôi nhập trại trong Tháng Tư sau khi hoàn tất khóa học tại Trường Quân y Dã chiến ở San Diego. Frank đến từ trại tân binh ở San Diego. Rene đến từ trại tân binh ở Charleston rồi gia nhập Đại đội Quân cảnh ở Trại Pendleton. Nhưng trong vòng bốn ngày sau, ngày 8/4, ông được chuyển đến một đại đội mới. Một đại đội sẽ chịu nhiều gian lao và rồi trở nên nổi danh.

-------------------
       1. Ngày 11/11/1918, các nước Đồng minh và Đức ký hiệp định đình chiến đế chấm dứt Thế chiến I.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:43:46 am »


        Đấy là Đại đội Easy, tức Đại đội E, một sự trái khoáy nhức nhối1 xét theo định mệnh của đơn vị này.

        Đại đội E có quân số là 250, được chia ra làm ban chi huy, 3 trung đội súng trường, 1 trung đội súng máy nhằm bổ sung cho 3 trung đội súng trường kia, và một phân đội cối 60 ly để yểm trợ toàn đại đội. Cha tôi là một trong hai quân y tá được tăng phái đến Trung đội 3 do Trung úy Keith Wells làm Trung đội trưởng (Trên danh nghĩa, quân y tá nằm trong biên chế Hải quân, nhưng được huấn luyện và hoạt động cùng với đơn vị mà họ sẽ chăm sóc trên chiến trường).

        Mike, Harlon, Franklin và Ira ở trong Trung đội 2 do Trung úy Ed Pennel làm Trung đội trưởng. Cơ số 40 người được chia làm 4 tiểu đội. Trung sĩ Mike là tiểu đội trưởng, trực tiếp dưới quyền có 3 hạ sĩ. Một người là Hạ sĩ Harlon Block, dưới quyền có Binh nhất Franklin Sousley và Binh nhất Ira Hayes. Rene thì thuộc một tiểu đội khác.

        Nắm quyền Đại đội trưởng Đại đội E là Đại úy Dave Severance, một người mảnh khảnh, cao lớn gốc Bang Wisconsin; con người trực tính đã tỏ rõ lòng dũng cảm qua chiến trận, chứng tỏ uy quyền qua cách nói khéo léo, trầm tĩnh và bình thản, có hiệu lực nêu gương cho thuộc hạ.

        Đại đội E nằm trong Tiểu đoàn 2 do Trung tá Chandler Johnson làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 2 là thành phần của Trung đoàn 28 do Đại tá Harry Liversedge làm Trung đoàn trưởng.

        Sư đoàn mới có vinh dự nhận biệt danh: Mũi giáo. Gần 600 lính TQLC tham dự cuộc thi thiết kế phù hiệu trên vai áo để thể hiện biệt danh này. Thiết kế của Trung úy Fergus Young được giải, thể hiện một mặt khiên màu đỏ tía, chữ V màu vàng, và một mũi giáo màu xanh lam đâm thẳng lên.

        “Mũi giáo” thể hiện nhiệm vụ của sư đoàn trong những trận đánh đang trông chờ họ trên hòn đảo khắc nghiệt kia. Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, Sư đoàn Mũi giáo sẽ dẫn đầu làn sóng người gồm hàng trăm nghìn lính TQLC nhảy từ đảo này sang đảo khác trên đường tiến về nước Nhật.

        Sư đoàn Mũi giáo sẽ chỉ tham gia một trận đánh. Bộ tư lệnh quân Mỹ chỉ rõ mục đích này vào mùa thu 1944 nhưng vẫn giữ bí mật tuyệt đối về địa điểm. Một hòn đào nhỏ xấu xí gồm đá và núi lửa, cách chính quốc Nhật Bản gần một nghìn kilomet về hướng nam.

        Thế là, với bộ chi huy, các cơ sở và phương tiện, cờ hiệu và huy hiệu đeo vai đã được chuẩn bị đây đủ, Trại Pendleton bắt đâu nhào nặn lực lượng xung kích để đổ lên một hòn đảo xấu xí nhưng chưa được gọi đích danh.

        Hệ thống chỉ huy đầy cảm hứng là chìa khóa cho sự nổi bật của binh chủng TQLC. Sĩ quan TQLC các cấp nhấn mạnh nhiệm vụ chăm sóc cho những yêu cầu của thuộc hạ. Con người bí ẩn Poller có lần đã chỉ thị cho sĩ quan dưới quyền ông: “Mỗi khi đến giờ ăn, binh sĩ cấp thấp nhất phải được cho ăn trước, kế đến là hạ sĩ quan, còn sĩ quan ăn sau cùng.”

        Robert Leader, trong Trung đội 3 của Đại đội E cùng với cha tôi, kể về người chỉ huy của ông: “Trong binh chủng TQLC, tôi chưa từng thấy một sĩ quan nào uống nước trong khi thuộc hạ anh ấy chưa uống. Trung đội trưởng của tôi, Trung úy Wells, sẵn sàng mang hộ đạn súng máy cho những binh sĩ đang vác ì ạch.

        Đạn súng cối khá nặng, nhưng Trung úy Wells vẫn muốn mang ít quả để chia sẻ gánh nặng với người lính tải đạn. Có một tình đồng đội trung kiên giũa binh sĩ và sĩ quan, giữa tất cả mọi người. Chúng tôi biết nếu phải tiến vào lửa đạn thì các cấp sĩ quan cũng tiến cùng chúng tôi.”

        Joe Rodriguez, đồng đội của Ira và Franklin (dưới quyền Harlon, và Harlon dưới quyền Mike), nhớ về tài chỉ huy của Mike:

        Mọi người xem Mike là thần tượng. Anh ấy là nhà chỉ huy thiên bẩm. Harlon, Ira và Franklin đều yêu mến anh. Ngay cả Trung úy Pellen [cấp chi huy trực tiếp của Mike] cũng có phần nể trọng Mike.

        Anh ấy chỉ huy bằng cách nêu gương: luôn đi cùng binh sĩ. Anh là cấp chỉ huy dạn dày chiến trận, nhưng không bao giờ khoe khoang về điều này. Anh ấy luôn tỏ ra quan tâm thực sự đến chúng tôi; anh ấy là người anh cả đối với chúng tôi. Chúng tôi là những chàng trai trẻ và anh ấy trấn an chúng tôi. Anh nói: “Mình sẽ đưa các cậu về với mẹ các cậu ở quê nhà.”

        Một ví dụ khác về tài chỉ huy trong Sư đoàn là một con người gần như là huyền thoại, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, mà Đại đội E là một trong những đại đội của trung đoàn này. Đấy là Đại tá Harry Liversedge, người ở Volcano, Bang California, vận động viên Thế vận hội môn ném tạ, có chiều cao 1,92 m, đã nhận Huân chương Thập tự Hải quân vì lòng dũng cảm khi chiến đấu trong rừng rậm ở New Georgia.

        Vào năm 1942, ông là sĩ quan Đặc công. Bây giờ, hai năm sau, ông chi huy các chàng trai ở Trại Pendleton, một thần tượng sẵn sàng dẫn dắt họ lặn lội vào chiến trận khủng khiếp.

-------------------
        1. Nói là “trái khoáy nhức nhối” vì tên hiệu của Đại đội Easy có nghĩa là “dễ dàng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:46:30 am »


        Nhiệm vụ của Harry ở Trại Pendleton là nhào nặn cơ số 3.400 của Trung đoàn 28 thành một lực lượng tác chiến cơ động, có nghĩa là vẫn đạt kết quả dù tác chiến với nhau như là một trung đoàn hoặc tác chiến biệt lập trong những đơn vị nhỏ lẻ. Có thể là một binh sĩ đơn độc tấn công một lô cốt, một phân đội 3 người, một trung đội 40 người, một đại đội 250 người, một tiểu đoàn 900 người, hoặc một trung đoàn 3000 người bất kỳ theo cách nào, những binh sĩ dưới quyền ông phải biết cách phân tán ra hoặc tập hợp lại theo yêu cầu.

        Đại tá Liversedge và những sĩ quan còn lại trong bộ chỉ huy tập hợp và hoàn thiện một lực lượng chiến đấu ăn khớp với nhau như đồng hồ Thụy Sĩ, theo những giai đoạn được tính toán tinh vi. Chương trình huấn luyện với mấu chốt quan trọng nhất trong cỗ máy chiến đấu vĩ đại: người lính súng trường.

        Điều tiên quyết là phải sử dụng vũ khí một cách thành thạo.

        Những chàng trai đã tập tác xạ trong khóa huấn luyện cơ bản, thường là sau khi đã qua lầm lỗi, họ mới hiểu tại sao lính TQLC tôn thờ khẩu súng trường. Bây giờ, họ còn hiểu thêm rằng khẩu súng trường là vũ khí thiết yếu trong cuộc chiến này. Hải quân đang tung hoành trên mặt biển và Không lực đang làm chủ bầu trời nhưng, như trận đánh Tarawa cho thấy (và những trận đánh trong tương lai cũng thế), việc oanh tạc của Không lực, việc pháo kích của Hải quân đều không thể gây tổn thất cho quân Nhật cố thủ trong lô cốt, dù cho quang cảnh trông tan nát đến đâu dưới mắt người Mỹ nhìn từ oanh tạc cơ hoặc chiến hạm.

        Phải cần đến người lính súng trường, lội bì bõm trong làn đạn. Phải cần đến người lính súng trường, lọt thỏm giữa những tiếng kêu gào và những tử thi trôi dập dềnh của đồng đội. Phải cần đến người lính súng trường, sợ hãi và chơ vơ mà không có
gì che chắn, cố nhướng mắt nhìn qua làn khói mù mịt và quang cảnh hỗn độn để tìm ra bóng dáng người lính bên kia chiến tuyến. Phải cần đến người lính súng trường để quyết định cục diện của trận chiến.

        Người lính súng trường TQLC là đối tác của lính bộ binh trong Lục quân. Dù cho cuối cùng nhận công tác gì chăng nữa, tất cả lính TQLC đều trải qua huấn luyện với súng trường. Cha tôi cũng phải học bằn súng trường mặc dù ông là quân y tá. Rene cũng phải học bắn súng trường dù ông chuyên chạy bộ để làm giao liên. Mike, Harlon và Franklin đều là những tay súng trường thiện nghệ. Còn đối với Ira, vũ khí của ông tiên tiến hơn: khẩu trung liên BAR. Có nòng dài và trọng lượng nặng (hơn 10 kg), trung liên BAR có thể bắn từng phát hoặc bắn liên thanh. Với băng đạn gồm 20 viên, nó giống như là một súng máy, có hỏa lực mạnh gấp ba lần so với khẩu súng trường. Trong một trận chiến, anh chàng giữ khẩu trung liên BAR được đồng đội rất yêu mến.

        Dave Severance kể lại với tôi: “Họ học chiến thuật vừa bắn vừa di chuyển". Chúng tôi phải thực tập như đang chiến đấu thực sự. Hai đại đội súng trường nã đạn đến một mục tiêu trong khi đại đội súng trường khác di chuyển. Rồi họ luân phiên thay đổi nhiệm vụ mà tiến đến phòng tuyến đối phương - lính súng trường như Ira và Franklin phải làm theo nhiệm vụ được Trung sĩ Strank và Hạ sĩ Block giao phó. Điều cốt lõi là phải hỗ trợ cho nhau: vài nhóm nã đạn để yểm trợ một nhóm khác trong khi tất cả cùng tiến đến những vị trí mới.” Jesse Boatwright nhớ lại nguyên tác chủ chốt của tác chiến tập thể. Ông nói: “Tác chiến là hoạt động tập thể từ cấp binh nhì trở lên, mọi người phải được nhận rõ mệnh lệnh là như thế nào và phải tuân thủ như thế nào. Để cùng nhau hoạt động như là một tập thể. Để tuân hành mệnh lệnh từ trên xuống dưới.”
         
        Chương trình huấn luyện rất cam go. Tex Stanton kể lại: “Chúng tôi phải thức dậy từ sáng tinh sương, hành quân lên một đỉnh đồi và thực tập tác chiến. Chúng tôi phải bò và chạy vòng quanh đỉnh đồi dưới ánh nằng như đổ lửa, xong rồi đi bộ về doanh trại, và rất khổ nhọc.” Don Mayer nhớ lại: “Lặp đi lặp lại và đơn giản. Chúng tôi phải làm đi làm lại những động tác đơn giản cho đến khi có thể tự động làm một cách thuần thục” và giống như thật. Grady Dyce kế: “Trong Trại Pendleton, chúng tôi bắn rất nhiều đạn thật đến nỗi chúng tôi luôn làm cỏ cây bốc cháy. Chúng tôi luôn phải lo chữa cháy. Ngay cả những đám cháy rừng.”

        Vào Tháng Tư, tất cả đơn vị đều phải thực tập ngoài trời, tham gia hành quân chiến thuật đến lả người và tập đóng trại ngoài trời trong ba ngày.

        Cùng lúc, những đơn vị chuyên môn của sư đoàn phải học tập kỹ năng hiện đại trong những công tác phá hoại, vẽ bản đồ, đặt mìn bẫy, ngụy trang, xây cầu đường. Thêm những người khác được huấn luyện chuyên sâu về thông tin, từ những máy thu phát thanh khổng lồ đặt trên cơ giới cho đến bộ đàm cầm tay. Tất cả từ trên xuống dưới đều phải đạt tiêu chuẩn cao trong việc thích ứng với mọi địa hình, trên đất khô cũng như dưới nước. Bơi lội là kỹ năng được nhấn mạnh đặc biệt. Người không biết bơi được huấn luyện để bơi giỏi. Người đã bơi giỏi được huấn luyện để bơi càng giỏi hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:48:31 am »


        Khi xuân hết và hạ qua, Sư đoàn Mũi giáo tăng tốc chương trình huấn luyện lên đến đỉnh cao. Kế tiếp là những giai đoạn đầu trong chương trình huấn luyện chiến thuật đổ bộ: hàng nghìn lính thiện xạ vạm vỡ và chuyên viên kỹ thuật quân sự đi trên hải vận hạm rồi đổ xuống xe cơ giới lội nước, rồi nhảy xuống vùng nước nông và chạy lên bãi biển do đối phương phòng thủ, lúc nào cũng ở dưới hỏa lực mạnh mẽ của đối phương. Chính ở giai đoạn này, chương trình huấn luyện của Sư đoàn Mũi giáo bắt đầu đi sát với thực tế của một điệp vụ đặc biệt được thi hành một cách chi tiết.

        Trong Trại Pendleton, binh sĩ tập luyện để trấn áp nỗi khiếp đảm khi trèo qua lan can rồi di chuyển xuống thân một chiếc hải vận hạm cao như một tòa nhà nhiều tầng để chuyển xuống một tàu đổ bộ nhỏ chạy bằng bánh xích (LVT). Họ thực tập với những mô hình được xây trên mặt đất khô với những bức tường gỗ thẳng đứng phủ những tấm lưới thưa bện bằng dây thừng.

        Kế tiếp là thực tập tấn công y như thật. Cuộc tập trận giả quy tụ chín mũi đổ bộ, mỗi mũi là một tiểu đoàn có đủ các loại vũ khí, xe bọc thép và những đơn vị hỗ trợ khác. Vào đầu Tháng Bảy, các đơn vị lên hải vận hạm ở San Diego đến Đảo San Clemente, ngoài khơi bờ biển California, đế thực tập hai cuộc đổ bộ tấn công. Sau khi đã hoàn tất đợt tấn công thứ hai, các đơn vị lập tức lên hải vận hạm để tiến đến chặng cuối cùng: một đợt tấn công lên một mục tiêu mà các cấp chỉ huy bây giờ gọi là “Đảo Pendleton”, và giải thích đó là “một căn cứ không quân tiền phương của quân Nhật trong vùng Tây Thái Bình Dương được phòng vệ vững chắc - một căn cứ đang uy hiếp các lực lượng của Mỹ.”

        Chưa ai nói rõ “căn cứ không quân được phòng vệ vững chắc” này nằm ở đâu.

        Chính trong những giai đoạn cuối của chương trình huấn luyện này, vào tháng 7/1944, có một vị khách đặc biệt thường xuất hiện ở Trại Pendleton. Nhiều binh sĩ trông thấy ông từ đàng xa, đang dùng ống nhòm thị sát họ: một người trong chiếc áo choàng màu sẫm, ngồi trên một chiếc ghế vải đặt kế bên một chiếc xe hòm khổng lồ màu đen. Đây là Tổng Tư lệnh của họ, đã đi từ thủ đô Washington xuyên qua lục địa để thị sát Sư đoàn Mũi giáo; vị Tổng thống huyền thoại mà các chàng trai đã mê mẩn khi nghe chương trình “Chuyện trò bên lò sưởi” từ máy thu thanh trong gia đình họ chi mới vài năm trước. Đấy là Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt.

        Suốt sáu tháng huấn luyện tại Trại Pendleton, tất cả binh sĩ của Sư đoàn Mũi giáo - chiến binh kỳ cựu cũng như tân binh - bắt đầu cảm thấy thái độ tôn trọng của các cấp chỉ huy đối với họ, tuy tinh tế nhung rõ ràng. Không còn là chế độ khắc nghiệt như trong trại tân binh. Những người lính TQLC này vẫn phải giữ kỷ luật và thể chất mạnh khỏe. Nhung bây giờ họ không còn là tân binh, mà được công nhận là chiến binh thực thụ. Mối quan hệ bây giờ là tính chuyên nghiệp rạch ròi thay cho chế độ chỉ huy độc đoán. Một năm sau khi khoác lên bộ quân phục, những chàng trai trong Sư đoàn Mũi giáo bây giờ sống trong tình huynh đệ chi binh.

        Donald Howell của Đại đội E giải thích: “Semper Fidelis1" có nghĩa là mỗi người phải trung thành với những đồng đội quanh mình. Nếu trong trận chiến không có đồng đội xung quanh thì bạn khó thoát được. Nếu có một người lính TQLC kế bên mình thì bạn biết mình còn có cơ may.”

        Robert Leader nói thêm về tình huynh đệ chi binh: “Tôi tin rằng chúng tôi đang chiến đấu vì những người bạn của mình. Điều này nghe có vẻ giả dối bởi vì chúng tôi vẫn thường đánh đấm nhau sau một chầu bia, hoặc ăn nói xúc phạm đến em gái của bạn mình, nhưng sau đó chúng tôi sẵn sàng chịu rủi ro mạng sống vì bạn mình. Nó giống như một gia đình có lúc gấu ó với nhau, nhưng khi có một anh cớm can thiệp thì tất cả đàn ông và đàn bà trong gia đình đều quay sang anh cớm kia! Lính TQLC không nói ra mình thương yêu nhau nhưng thực sự là vậy. Chúng tôi rất thương yêu nhau.”

        Cha tôi thể hiện tình huynh đệ chi binh này theo nhiều cách. Là quân y tá của Hải quân tăng phái qua Đại đội E, ông có nhiệm vụ liên hệ với năm người giương ngọn cờ kia. Mặc dù theo biên chế chính thức thuộc Trung đội 3, trong thực tế ông cũng chỉ huy sáu quân y tá khác trong đại đội; ông lãnh nhiệm vụ đáp ứng những yêu cầu về quân y của cả đại đội khi tác chiến. Theo cách này Mike, Harlon, Ira, Franklin, và Rene mặc dù ở trong Trung đội 2 nhưng vẫn gặp gỡ cha tôi trong hoạt động hằng ngày. Ông đã được huấn luyện thành một người lính TQLC giống như những người khác, vì thế họ tôn trọng ông như là người ngang hàng với họ. Trung đội trưởng của ông, Trung úy Keith Wells, sau đó có lời khen ngợi cha tôi và những quân y tá khác: “Những quân y tá dưới quyền tôi cũng là TQLC.”

------------------
        1. Khấu hiệu bâng tiếng Latin của TQLC Mỹ, có nghĩa: luôn trung thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:49:42 am »


        Riêng Mike Strank thể hiện tình huynh đệ chi binh một cách bay bướm. Trong khi nhiều binh sĩ xem anh là thần tượng, nhiều lúc anh tỏ ra tếu để không lên mặt mình là quan trọng. Nằm trong số những người lính TQLC khoái xin phép xả trại được “tự do” để đi tìm thú vui ở những thị trấn và quán bar gần vùng, Mike thấy thích thú khi nhìn cành tượng diễn ra sau mỗi chuyến binh sĩ được tự do: mỗi anh phải được một quân y tá khám để phát hiện bệnh lây lan qua đường tình dục, trong khi vị tuyên úy với vè mặt thành kính đứng kế bên.

        Tex Stanton mô tả cách phát hiện triệu chứng: “Mỗi anh phải móc ra cây súng nhỏ của mình đế quân y tá khám xem nó có "khóc" hay không. Rồi một ngày, Mike sáng tác một bài thơ về chuyện này.”

        Theo cách Tex nhớ lại, bài thơ như sau:

        Bạn bước ngay vào
        Mà không cần chào
        Kéo quần bạn xuống
        Móc ra cái cuống
        Lật da lên và bóp lấy nó
        Cứ tự nhiên mà đứng yên đó.


        Ngoài những chứng bệnh do chị em giang hồ truyền sang, còn có một rủi ro từ môi trường bên ngoài: rắn chuông. Loại rắn này không hề có ấn tượng với những biến động và những cuộc càn quét ào ạt do lực lượng TQLC đang tập trận chung quanh. Đã có vài binh sĩ hoảng hốt dùng khẩu súng trường để cố xua đuổi một con rán chuông ngo ngoe kế bên mình. Có đêm nọ, một con rắn chuông lẻn vào căn lều của Tex Stanton và Franklin Sousley. Nửa thế kỷ sau, Tex khúc khích cười kể lại chuyện này: “Một anh đang ngủ mê, cảm thấy nhột nhột ở cổ, tưởng là có con sâu bọ nào đây bèn đưa tay lên đập, hóa ra đó là con rắn. Thế là cả đêm anh ta mất ngủ luôn.”

        Cũng có những phiền toái khác không đến nỗi ảnh hưởng đến tính mạng. Binh sĩ của Trung đoàn 28 cắm trại ở một địa điểm cách bờ biển khoảng 15 km, bị cô lập bởi một vực núi sâu, mà những người di dân Tây Ban Nha đặt tên là “Vực núi chấy rận”.

        Nhưng chấy rận chỉ là một phần giúp cho binh sĩ đỡ buồn tẻ. Thời tiết buổi sáng lạnh như băng (phải tập hợp sớm lúc 6 giờ) và nước để tắm rửa càng lạnh hơn. Vào mùa xuân này mưa nhiều hơn mọi năm, thế nên các chàng trai tha hồ mà ướt át.

        Trong những tình cảnh này, cha tôi vẫn tỏ ra điềm đạm, giúp cho những chàng trai trong Đại đội E được trấn tĩnh. Giống như trong bức ảnh nổi tiếng cho thấy tính chất của ông: đứng giữa đồng đội, giơ tay lên để hổ trợ họ. Tuy mới ở tuổi 20, ông đã được xem là “ông già” giữa những quân y tá khác, ông ít giao du thân mật với ai; rất hiếm khi uống rượu mỗi khi được phép xả trại. Ông trở thành thợ cắt tóc không chính thức cho đại đội, sẵn sàng trổ tài tạo dáng mái tóc mỗi khi được yêu cầu, còn không thì ông xa lánh đám đông mà đọc sách.

        Đấy là nói những khi ông không phải bò trên mặt đất phía sau trung đội mình. Phần lớn thời gian khác, ông đi theo lính súng trường, xem họ diễn tập, giữ khoảng cách gần với họ để sắn sàng ra tay khi có ai bị thương. Lúc trước, ông nội tôi đã khuyên ông nên đi tìm một “chiếc giường sạnh sẽ” trong Hải quân, nhưng bây giờ suốt cả năm ông không được ngủ trên một chiếc giường nào cho đàng hoàng.

        Dần dà, mọi người đều nhận ra cha tôi là người tốt bụng. Một lính TQLC tên Lloyd Thompson bị thương ở lưng khá nặng nhưng không muốn xin nghỉ bệnh. Mỗi buổi sáng cha tôi đều đến lều của ông để giúp ông mang vào đôi giày bố ngõ hầu có thể tham gia tập hợp buổi sáng. James Buchanan luôn nhớ đến cha tôi vì không những đã chữa chứng bệnh sốt mèo, mà vài tuần sau còn hỏi thăm sức khỏe của ông. Buchanan nói: “Không ai có cách đối xử như thế. Ông ấy thật tốt bụng.”

        Linh mục Paul Bradley (không có quan hệ gì với gia đình tác giả), người Brooklyn, Tuyên úy Công giáo của Trung đoàn 28, nhớ lại là cha tôi đã tình nguyện trợ giúp ông trong buổi lễ đầu tiên ở doanh trại - một cử chi thường thấy của cha tôi vốn là người mộ đạo. Vị linh mục kể: “Tôi hỏi: "Có ai biết phụ giúp hành lễ không?" Doc tiến về phía tôi. Ông ấy biết cách đáp lời bằng tiếng Latin. Lúc nào ông ấy cũng tỏ ra mộ đạo. Nhiều người lính trở nên buông thả, nhưng Doc thì không, ông ấy tham dự đều đặn các buổi hành lễ."

        Chính ở Trại Pendleton, cha tôi gặp một chàng trai có số phận hẩm hiu, chiến hữu thân nhất của ông và có lẽ đóng vai trò quan trọng khiến cho ông sau này không muốn nói về sự kiện giương ngọn cờ. Chính ở đây, lần đâu tiên cha tôi gặp Iggy.

        Ông này có tên nguyên là Ralph Ignatowski - cái tên nghe vang dội hơn chính con người. Ông ở cùng quê Wisconsin với cha tôi, khi còn trẻ thích chơi bóng chày và phóng xe đạp, là út trong số chín anh em của một gia đình Milwaukee có mối liên hệ chặt chẽ với Công giáo Châu Âu. Người cha Walter sinh năm 1885 tại Ba Lan, còn bà mẹ Frances sinh năm 1890 trong một gia đình đã sản sinh ra một tu sĩ (Linh mục Bruce, người con áp út) và bốn người tham gia quân ngũ. Ralph được thương yêu nhất. Nhiều năm sau, người chị Julia nhỏ nhẹ nói với tôi: “Chúng tôi rất thương yêu nó.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:50:16 am »


        Giống như Rene Gagnon, Iggy còn tré - hầu như là quá trè - để vào quân ngũ: Ông mới 17 tuổi khi tham dự huấn luyện nâng cao ở Pendleton; 18 tuổi khi tham gia tấn công Iwo Jima. Giống như Franklin Sousley, có vẻ như Iggy thiếu tính khí của một chiến binh; ông là người thích giễu cợt, là một đứa con giàu tình cảm đối với gia đình. Bức ảnh chụp trong bộ quân phục TQLC cho thấy một nét mặt tuổi thiếu niên, thông minh, cởi mở, đôi mắt sáng và tự tin - gương mặt điển trai với dáng vẻ hòa nhã. Nhưng con người ông thì sắt đá: Ralph đã quyết chí gia nhập TQLC sau khi học xong trung học ở Milwaukee vào tháng 4/1944. Nhưng ông bị từ chối vì mẫu nước tiểu của ông có vấn đề. Lúc này, đáng lẽ Ralph có thể đứng ngoài cuộc chiến mà không ai thắc mắc gì cả. Nhưng vài ngày sau, ông mang một mẫu nước tiểu mới đến trung tâm tuyển quân. Mẫu nước tiểu này là của một người khác. Ông được chấp nhận gia nhập binh chủng.

        Iggy lấy làm hãnh diện là lính TQLC, như người anh Al Ignatowski nhiều năm sau cho tôi biết: “Tôi được Lục quân cấp phép để đi thăm Ralph ở Trại Pendleton. Tôi thấy một Trung sĩ huấn luyện viên quát mắng một anh tân binh trẻ. Tôi bảo Ralph: "Như thế này là khác với Lục quân. Ở đây người ta hành xác tân binh quá mức!" Nhưng Ralph ưỡn ngực hãnh diện trả lời: "Lính TQLC tụi em phải là như thếđấy!’”

        Trong Trại Pendleton, cha tôi và Iggy kết bạn với nhau và nhanh chóng kết thành “đôi bạn” theo cách của TQLC. Mặc dù TQLC không muốn binh sĩ có quá nhiều tình bạn thân thiết – vì chiến trận sẽ tạo ra những nỗi đớn đau quá nặng trong hàng ngũ - binh chủng vẫn đề nghị mỗi người có một chiến hữu thân thiết để làm đồng minh gần gũi, làm tai mắt, là cái bóng của chính cá nhân mình trong trận chiến. Và cũng có thể là người này sẽ an ủi cha mẹ của người kia. Trên cơ sở đó, hai chàng trai từ Wisconsin tạo nên mối quan hệ mật thiết để nhanh chóng biến thành tình huynh đệ. Họ ngủ chung lều với nhau, cùng ăn kem lạnh với nhau, cùng xin đi nghỉ phép xả trại với nhau; mỗi người thấu hiểu những niềm hy vọng, nỗi hãi sợ và niềm vui của người kia.

        Trong số những người được hưởng lợi từ tính tốt bụng của cha tôi ở Pendleton có Ira Hayes.

        Mẹ Nancy của Ira đã nhận xét đúng. Sau khi trở về từ Bougainville, Ira đã trải qua sự thay đổi nào đấy. Cậu con một thời “ngoan hiền” nghiêm chỉnh, có đâu óc thích cải cách, có lúc đã khóc khi nghe bài giảng trong nhà thờ về “Rượu và tinh thần Cơ đốc giáo”, đang quay lại thói hư tật xấu đối nghịch với những bản năng tốt đẹp của ông, và sau này ảnh hường tai hại đến cuộc đời ông.

        Ông vẫn là một chiến binh TQLC giỏi, tuy bụng sau này có hơi phệ khiến vài người nghĩ sai rằng ông không đủ sức chịu đựng gian khổ. Ông vẫn ngưỡng mộ binh chủng TQLC. Ông vẫn quan tâm đến những người bạn “hữu hảo” của mình thậm chí cho đến phút cuối đời. Nhưng chỉ có một nhóm nhỏ là người bạn'“hữu hảo” - Mike, Franklin, Harlon và cha tôi là những người chính yếu, còn những người khác không dám giỡn mặt với ông. Franklin sau này trở nên thân thiết với Ira đến mức hai người chia nhau một hố cá nhân, nhưng lúc mới gặp nhau ở Trại Pendleton vì tính bông đùa ông đã vô tình hỏi: “Anh thuộc dân tộc nào?” Ira chộp ngay: “Tôi là người Mỹ nguyên thủy! Thế là đủ rồi.”

        Ira tôn trọng Mike và Harlon bởi vì họ, giống như ông, đã là chiến binh dày dạn và đã mục kích cái chết tàn khốc. Thật ra, ông tôn trọng Mike gần như đến mức ngoan ngoãn; ông nói chuyện với Mike một cách thân tình và thông minh mà không nói như thế với bất kỳ ai khác. Nhiều người nhớ lại ràng, Mike Strank là người duy nhất có thể giúp cho Ira thật sự bình thản.

        Quan hệ giữa ông với cha tôi thì có phần khác. Giống như những lính TQLC khác, Ira cảm nhận cha tôi là người hiền hòa và tốt bụng. Vê phần cha tôi, ông thấu hiểu và chấp nhận Ira là con người nhạy cảm, không thích đùa.

        Clifford Langley, quân y tá bạn thân của cha tôi, nhớ lại một đêm hai người được phép xả trại, đi chơi ở Los Angeles thì gặp Ira đang say xin và cáu gắt, bị hai quân cảnh kèm hai bên. Hai quân y tá yêu cầu hai quân cảnh giao Ira cho họ quản lý. Nhưng việc này vẫn không giúp gì được cho Ira. Langley nói: “Chúng tôi không thể kiểm soát anh ấy. Anh ấy la hét: "Để mặc tao, mày không thể ra lệnh cho tao phải làm gì". Cuối cùng Doc nói: "Nếu anh ây không muốn chúng ta giúp thì để anh ấy tự lo". Và chúng tôi làm như thế. Anh ấy bị quân cảnh bắt lại và nhốt vào quân lao.”

        Ira thường mặc pông-sô độn ở phần dây lưng - như thấy rõ trên bức ảnh giương ngọn cờ - theo cách thức của người Pima. Giường ông ngủ thường rất bừa bộn, và ông ít khi cột dây giày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:53:20 am »


        Ira thường tỏ ra lầm lì và bạn bè chỉ có thể phỏng đoán này nọ về tâm tư của ông. Riêng Kennrth Milstead thì thấu hiểu vì một ngày nọ đã nghe ông tâm sự:

        Tôi thường gác chung ca với Ira. Chúng tôi thường ngồi canh gác một cánh cổng nào đấy, không có ai khác chung quanh, chi có màn đêm đen kịt. Ira luôn tỏ ra chán nản.

        Anh hay nhắc đi nhắc lại: ‘Tôi không có gì đế mà trở về. Không có gì chờ đợi tôi ở quê nhà.” Tính anh đã sẵn chán nản như thế. Anh không tâm sự với ai nhiều nên họ không biết được, nhưng khi nói chuyện với tôi thì anh thổ lộ rất chân tình. Chính vào những lúc ấy, tôi thường lái qua câu chuyện khác.


        Nhưng những lá thư của ông viết về nhà thì có vẻ lạc quan hơn. Vào đầu Tháng Bảy, ông viết thư kể như là đứa trẻ đi cắm trại vào dịp hè: “Con thích ở trong lều hơn là trong doanh trại. Nếu ở trong doanh trại thì lúc nào cũng phải giữ gìn sạch sẽ... hơn nữa, tụi con còn có bàn gỗ, sáu đứa chia nhau một lều, có đèn và cũng có máy thu thanh riêng.”

        Đến cuối Tháng Tám, có vẻ như ông tin vào định mệnh: “Con được cho cơ hội để đi học ở trường thông tin rồi được thăng cấp nhanh và tránh xa cuộc sống gian khổ này. Nhung con từ chối. Vị thế của con là lính súng trường. Con không muốn đến đây để có cuộc sống nhàn hạ. Thà rằng tụi con nhanh chóng đi ra chiến trường để rồi cuộc chiến này sẽ chấm dứt. Xin đừng lo lắng cho con. Bây giờ con đã là người lớn, không còn là chú nhóc nữa.” “Người lớn bây giờ” có tính tình khác hẳn so với một cậu bé có ấn tượng với bài giảng trong nhà thờ về rượu và tinh thần Cơ đốc giáo. George Scott trong Đại đội E nhớ lại một đêm khuya sau khi đi phép xả trại về, ngồi trong lều nói chuyện với vài người bạn. Ira lẻn vào lều và, không nói không rằng, phóng một lưỡi lê về hướng Scott đang ngồi. Mũi lê cắm xuống đất. Scott kể: “Tất cả chúng tôi đều nhìn anh ấy mà không nói gì. Anh ấy chi quắc mắt đứng đấy. Tôi không nghĩ anh ấy cố ý làm hại tôi. Anh ấy chỉ giận dữ. Anh thường giận dữ mà không có nguyên nhân rõ rệt. Anh sẵn sàng gây hấn với thiên hạ; bằng cách nào đấy anh muốn tách ra khỏi mọi người.”

        Có lẽ điều ngạc nhiên nhất là Franklin Sousley lại là bạn thân của Ira.

        Franklin đi đến Trại Pendleton với “đôi mất sáng và tóc bù xù” như cách người Kentucky quê ông thường nói, một chàng trai ở tuổi 18, gầy trơ xương, ăn nói lè nhè, tóc hoe vàng lòa xòa. Ông đã to khỏe lên trong trại tân binh, bây giờ cao hơn 1,8 m, người chỉ toàn là xương và cơ bắp. Nhưng tính khí thì vẫn thế: trong khi Ira khắc khổ thì Franklin lại xuề xòa. Khi mới gặp bạn bè có vài phút là anh đã có thể làm cho họ cười ngặt nghẽo. Bài “Thủy quân Lục chiến Hành khúc” đã trở nên phổ biến trong trại, và bây giờ anh viết ra một giai điệu mới, nửa đùa cợt nửa nghiêm túc gọi là “Oh, Lord, Make Me Lucky (Take Me Home to Kentucky)1.”

        Bạn bè anh thích đùa cợt về tính dân dã của anh. Bill Ranons thích nói vui: “Trong cả đám, chi có hắn nghĩ các loại khẩu phần K là ngon.”

        Đầu óc Franklin luôn nghĩ đến Kentucky và những người ở quê nhà. Vào Tháng Bảy, ông viết một lá thư hết sức cảm động cho bà mẹ đang làm lụng vất vả: “Mẹ viết thư cho con, con biết mẹ đang bệnh. Con muốn mẹ đừng làm việc ngoài cánh đồng ấy nữa để được mạnh khỏe mà chờ con về. Mẹ có được một vụ thuốc lá mỗi mùa hè, nhưng con không thể có được một người mẹ khác như mẹ.”

        Mike Strank làm việc theo nhiều cấp độ khác nhau, vào ngày cuối tuần ông là bạn nhậu, lúc vui vẻ ông làm trò hề, rồi đến sáng thứ Hai ông nghiêm túc trở lại. Ông được nhiều người nhất trí cho là tiểu đội trưởng tài ba nhất trong trung đoàn. Tổ của ông - gồm có Harlon, Ira và Franklin dưới quyền - cũng được xem là tổ giỏi nhất trong trung đoàn.

        Cách thức của Mike là kỷ luật pha trộn với tính dịu hiền. Trong những chuyến di chuyển lên xuống dọc theo vực núi

        Pendleton, khi các chàng trai than thở vì những hoạt động đơn điệu nhàm chán, Mike cho dừng quân, lục trong túi lầy ra một thỏi sô-cô-la, cẳt thành từng mảnh nhỏ, rồi nói: “Đây là thuốc bổ cho các bạn.” Mọi người đều cười.

        Robert Radebaugh vẫn còn thích thú khi nhớ về một đêm Mike tổ chức một buổi cầu hồn trong lều của ông, giữa một đám nhóc với đôi mẳt nhảm nghiền và hai bàn tay xòe phía trên mặt bàn. Ông nói mình sẽ đặt những câu hỏi cho chiếc bàn và chiếc bàn sẽ trả lời bằng cách gõ trên sàn (Dĩ nhiên, Mike là người gõ).

------------------
        1. Tương tự như cách nói “Lạy Trời cho con về, trở về nhà mụ xề.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:55:57 am »


        Ngày 19/9 - trùng với sinh nhật của Franklin - lính TQLC rời San Diego trên những chiếc hải vận hạm. Chuyến hải hành mất bốn tháng. Nhiều người trong số này sẽ không bao giờ gặp lại quê nhà ở nước Mỹ nữa. Nhưng tất cả đều thoáng thấy được Thiên đường trước khi cơn bão lửa ập đến. Và còn một “thành phố chuyên dụng” thứ nhì, cũng to lớn, nằm trong Thiên đường ấy.

        Thiên đường - Hawaii - từ boong tàu trông thật xanh tươi và mời gọi khi các hải vận hạm thả neo trong vịnh Hilo. Một số chàng trai trẻ quen sống sâu trong đất liền chưa từng thấy cảnh nào lạ lẫm đến thế. Một lính TQLC sau này nhớ lại đấy như là “một khối ngọc bích khổng lồ lấp lánh trong màu xanh thảm của Thái Bình Dương.”

        Họ bước lên những toa tàu chạy trên đường sắt khổ hẹp đến doanh trại mới, dọc đường ngắm nhìn những thác nước, đồn điền trồng dứa, rừng già dương xi với những chùm hoa khoe sắc, chim két kêu chói tai khi bay lượn. Đây là “Đảo Lớn”, chính là Đảo Hawaii.

        Tuy nhiên, mọi người đều nhanh chóng xóa bỏ ảo tưởng mà trở về với thực tại trước mắt - bãi đất tập luyện bụi mù, gian khổ. Hóa ra chặng cuối cùng của Sư đoàn Mũi giáo lại là một trại huấn luyện khác được thiết lập từ một trang trại nuôi bò. Lúc cuộc chiến mới diễn ra, người chủ Richard Smart của trang trại đồng ý cho binh chủng TQLC thuê trang trại rộng hơn 16.000 ha với giá một đô la mỗi năm. Đây là nơi Sư đoàn 2 TQLC về nghi ngơi sau trận Tarawa năm 1943. Binh chủng TQLC đã đặt tên mới là Trại Tarawa, và tên này vẫn còn được sử dụng cho đến cuối cuộc chiến.

        Trại Tarawa trải dài giữa hai ngọn núi lửa Mauna Kea và Mauna Loa, mà binh sĩ từ đây có thể nhìn thấy hai đỉnh núi phủ tuyết. Trại nằm cách thị trấn Hilo hơn 100 km và cách bờ biển 25 km. Quang cành ở đây còn kém xa Vườn Địa đàng. Mặt đất phủ đầy những phiến đá đen bóng loáng và dung nham đã khô cứng. Phủ trên mặt đá là lớp bụi núi lửa bị cuộn tung lên mù mịt mỗi khi có trận gió thổi qua, bay vào mắt các chàng trai, tăng thêm hương vị cho thức ăn của họ.

        Roy Steinfort kể lại: “Ôi trời, với đây những đá dung nham và bụi luôn tung mù mịt như thế, Trại Tarawa là chốn khổ ải. Hội Chữ thập Đỏ cho biết nơi đây không thích hợp đế giam giữ tù nhân. Thế là nó trở thành nơi hoàn hảo cho lính TQLC.”

        Còn nói về thực phẩm, binh sĩ không hề được nếm qua món bít-tết mà trang trại nuôi bò đã cung ứng cho dân sành ăn nước Mỹ. Một binh sĩ kể lại: “Chúng tôi ở trong một trại nuôi bò lớn nhất trên Đảo Hawaii, nhưng không hề được ăn thịt bò và không hề được uống nước dứa. Thay vào đấy, chúng tôi phải sống qua ngày với thịt cừu.”

        Một phụ nữ bản địa - một người nấu bếp có tên thân mật là Sue - đến thay cho cho khẩu vị các chàng trai bàng một món đặc sản: bánh mì kẹp thịt. Mỗi ngày, Sue kiếm một con bê ở lò sát sinh và cho vào máy xay thịt. Những phân thịt thăn và sườn tạo thêm nhiều hương vị, và còn có rau cần tây và vỏ bánh mì. Lính TQLC xếp hàng dài để mua bánh mì kẹp thịt của Sue đến nỗi dân địa phương không thể chen chân vào được.

        Một hôm, Sue trông thấy một anh chàng trông giống như người bản xứ, có lẽ là cư dân của Đảo Hawaii. Cô hỏi anh có đúng thế không. Anh chàng đáp không phải, anh là người Da đỏ Mỹ. Anh tự giới thiệu tên mình là Ira Hayes.

        Ở đây, trong bốn tháng cuối cùng trước khi sư đoàn xuống hạm đội khổng lồ để đi đến nơi hiện vẫn còn giữ tối mật - vì hòn đảo của Nhật chi được nêu tên trong bản đồ là “X” - lính TQLC hoàn thiện những kỹ năng vô cùng chuyên sâu mà họ sẽ rất cần cho thử thách lớn lao sắp tới. Họ sẽ học nhảy xuống nước từ trên tàu, chạy lên bờ, rẽ trái, rồi cô lập một ngọn núi.

        Thuật ngữ “nhảy xuống nước” không diễn tả hết sự khó khăn chết người của bước đầu này trong chuỗi các hoạt động. Người lính phải thót tim từ lan can tàu tụt xuống mành lưới dây thừng giăng theo thân tàu - mỗi bước tụt xuống càng thêm nặng nề vì chiếc ba lô nặng trĩu - rồi hạ người xuống tàu đổ bộ đế tiến vào bờ biển. Các chàng trai phải cố bám chắc khi chiếc hải vận hạm liên tục lắc lư giữa những ngọn sóng cuồn cuộn. Vài binh sĩ bị sẩy chân và rơi từ trên cao xuống nước, vài người khác bị va đập mạnh vào thân tàu khi hai tàu va chạm nhau.

        Khi tôi còn nhỏ, có một lần cha tôi kể sự thách thức của hoạt động này. Đấy là một trong những lần rất hiếm hoi mà ông kể về đoạn đời của mình trong cuộc chiến, vì thế càng làm cho tôi có ấn tượng mà nhớ mãi.

        Ông kể lại việc phải cố bám chặt để giữ mạng sống, cố kìm hãm cơn nôn ọe và nỗi kinh hoàng trong khi ông tụt xuống theo một người lính bên dưới, ông nói với tôi: “Cha phải liên tục tự nhủ "nếu hắn làm được thì mình cũng làm được".”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 12:59:54 am »


        Trong nhiều tháng kế tiếp, nhũng gì mà các chàng trai phải làm, những gì liên hệ đến sự sống còn, những gì thuộc về sự tỉnh táo trong cơn nguy hiểm loạn cuồng, chỉ quy về việc ấy: tụt xuống theo một người lính khác bên dưới. Nếu anh kia làm được thì họ cũng làm được.

        Những cuộc diễn tập ở Trại Tarawa với địa hình đầy đá sỏi, mở rộng đến những đợt sóng Thái Bình Dương cuồn cuộn, được thiết kế gần với thực tế chiến trường nhất, để giúp người lính trải qua điêu kiện thực sự trước khi đi đến Iwo Jima, để kinh qua những phản xạ, những bản năng, những giấc mơ. Kết quả lý tưởng của Tarawa là, một khi đã bước vào trận chiến, người lính sẽ không phải suy nghĩ. Đầu óc họ sẽ không có chọn lựa nào khác mà phạm sai lầm. Họ đã kinh qua thực tế chiến trường trước khi bước vào chiến trường thực sự.

        Trong khi các chàng trai tập luyện đi tập luyện lại, thì một buổi họp bí mật ở Trân Châu Cảng sĩ quan cấp tá và cấp tướng của họ bàn thảo chiến lược dựa theo những chỉ thị rạch ròi từ thủ đô Washington. Sĩ quan các cấp cùng mổ xẻ và hoàn thiện chiến lược này trong một căn phòng cấm người ngoài nhòm ngó, nằm gần tổng hành dinh sư đoàn, một tòa nhà có cái tên giản dị là “trung tâm hội nghị”.

        Các cửa sổ của trung tâm hội nghị đều được kéo rèm kín, các cánh cửa đều có hai lớp khóa, xung quanh tòa nhà đều được rào bảng dây kẽm gai, luôn có Quân cảnh canh gác. Bất kỳ ai vào trung tâm hội nghị đều phải có giấy phép đặc biệt.

        Chính tại tòa nhà tối tăm này vào tháng 11/1944 một nhóm nhỏ huấn luyện viên được biết Đảo “X” chính là Iwo Jima. Fred Haynes, dưới quyền Harry, nhớ lại chương trình huấn luyện ở Trại Tarawa đã thay đổi thế nào sau khi họ nghiên cứu những bản đồ của Iwo Jima:

        Chúng tôi biêt sẽ đổ bộ lên Bãi biển màu lục ngay dưới chân núi Suribachi. Và chúng tôi biết sẽ phải cô lập núi Suribachi.

        Trên Đảo Hawaii, chúng tôi tìm ra một ngọn núi đá - là núi lừa đã tắt - có chiêu cao gần bằng Suribachi, khoảng 170 m. Chúng tôi đánh dấu một “Bờ biển” quanh Núi Suribachi này.

        Roi chúng tôi cho binh sĩ tập luyện “đổ bộ” lên Đảo “Iwo” này. Ra lệnh cho họ băng ngang hòn đào này để cô lập ngọn núi khỏi phần còn lại của hòn đảo.

        Chúng tôi chia lính súng trường thành từng tốp trên dưới 25 người đế ngồi trên tàu đổ bộ, kế cả sáu người giương ngọn cờ cũng phải tập luyện như thế nhiều lần. Mỗi nhóm lập đội hình ở khoảng cách như thế họ đang ở trên biển, rồi tiến vào “Bờ biển”. Họ tiến lên cho đến vị trí ghi dấu bờ biển rồi thiết lập vị trí. Tiểu đoàn 1 tiến thẳng lên băng ngang hòn đảo trong khi Tiểu đoàn 2 cùng Đại đội E lập tức vòng qua bên trái để cùng nhau chiếm giữ ngọn núi.

        Chúng tôi đã mài mòn cả nghìn đôi giày làm bằng cao su cứng vì phải chạy trên đá núi lửa lởm chởm. Cung ứng đủ giày cho binh sĩ là việc khó khăn.

        Sau những lần tập luyện trong Trại Tarawa, Ira Hayes vẫn cố lấy lại thời tuổi trẻ người Pima của mình. Nhũng lúc hiếm hoi được rảnh rỗi, ông cùng với người bạn Ed Castle đi tìm ngựa để cưỡi. Việc này thì dễ nếu người ta không sợ cưỡi ngụa lưng trần. Castle nhớ lại: “Không có chiếc yên nào, vì thế chúng tôi phải đứng trên một chỏm đá rồi nhảy xuống lưng ngụa. Chúng tôi phải nắm chặt lấy bờm ngựa... để khỏi bị ngã xuống đất. Ira cưỡi ngụa rất giỏi mà lại thích cưỡi ngụa lưng trần. Lúc ấy anh nói đến cảm giác được tự do, rong ruổi cùng khắp vùng bình nguyên tuy không có khu bảo tồn nào.”

        Franklin không được may mắn. Ông không thể trở về thăm quê nhà ở Kentucky. Vì thế ông tìm cách mang một chút hương vị Kentucky đến Tarawa.

        Một ngày, Bill Ranous ngửi thấy một mùi lạ lùng trong khu lều của đại đội, gần lều của Franklin. Còn hơn cả lạ lùng: đúng là mùi thối. Ông hỏi Franklin: “Mùi gì thế?”

        Franklin ngó quanh quất để biết chắc không có ai khác, rồi ra dấu cho Ranous đi đến chiếc chõng của mình. Ông lẳng lặng giở tấm chăn lên để lộ một cái chậu chứa đây chất sền sệt gì đó sậm màu và nặng mùi.

        Ranous hỏi: “Cái gì thế?”

        Franklin trả lời một cách hãnh diện: “Rượu nho!”

        Ranous nhanh chóng được biết đó là thứ mà anh trai trẻ người Kentucky sẽ lọc để làm ra một loại rượu lậu nhâm nhi cho đỡ nghiền.

        Franklin giải thích cho Ranous nghe là khi phục vụ nhà bếp ông lấy được một ít nho. Ông cho vào một ít men rồi chờ cho thiên nhiên làm những việc còn lại. Đấy là kỹ năng nghề cũ mà ông mang đến từ rặng núi Appalachians.

        Ranous nhớ lại: “Anh ấy thực sự hãnh diện về món rượu lậu làm từ nho của mình.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2018, 01:01:55 am »


        Cha tôi trải qua những ngày trong Trại Tarawa vừa làm nhiệm vụ vừa nghĩ về quê nhà. Theo những gì các bạn ông còn nhớ, ông vẫn tỏ ra trầm lặng và chú tâm đến công việc cũng giống như những ngày hạnh phúc ở Wisconsin. Con tim ông nung nấu một giấc mơ ngay khi một địa ngục bắt đầu sục sôi ở bên kia đại dương: một giấc mơ rõ ràng và giản đơn là mong một ngày nào đấy được trở về nhà để mở dịch vụ mai táng. Dù cho chung quanh ông lấp đầy những hoạt động xôn xao, ông luôn ấp ủ giấc mơ ấy trong đầu.

        Robert Lane còn nhớ về tính trầm lặng của cha tôi trong những ngày này. Ông nói: “Anh ấy có vẻ già dặn hơn phần lớn những người khác. Anh ấy không bao giờ tham gia vào một chầu nhậu nào. Và anh ấy thường kế cho tôi nghe làm thế nào để đổi xử với những người đang đau khổ vì mất người thân. Anh ấy thường làm như thế, trong dịch vụ mai táng.”

        Vào tháng 11, những binh sĩ mà bang của họ ở quê nhà cho phép bầu cử khiếm diện được quyền bỏ lá phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử. Nhưng đa số các chàng trai chưa đủ tuổi đi bầu. Trong thời gian này, các trung đoàn bộ binh đang thực tập những cuộc hành quân kéo dài 72 giờ, trong khi chiến đấu cơ và oanh tạc cơ gầm rú trên đầu. Các cuộc thực tập đổ bộ tiếp tục và vẫn tiếp tục.

        Chính vào tháng 11 Harlon Block đã có một cử chỉ để ghi dấu ấn cho tình thương với mẹ Belle của ông. Sư đoàn 5 công bố một kế hoạch bán bảo hiểm cho mọi người. Harlon mua một hợp đồng bảo hiểm trị giá 10.000 đô la. Người thụ hưởng là mẹ Belle. Không phải là cha Ed, cũng không phải cả hai cha mẹ như thông lệ, mà chỉ mình mẹ Belle. Làm như thế, ông nghĩ nếu mình có mệnh hệ nào thì bà mẹ vẫn được thoải mái về vật chất.

        Vào tháng 11, vài tuần trước khi xuống tàu ra đi, Harlon viết một bức thư cho bà mẹ. Trong thư ông mường tượng ra cảnh sống ở quê nhà: “Xem nào, vụ cam đầu mùa đã qua, vụ quýt cũng thế. Tháng sau mẹ sẽ bán được một vụ khác.” Ông hỏi tin tức về đám bạn chơi bóng đá Mỹ mà cả bọn cùng kéo nhau đi đăng ký nhập ngũ: “Những đứa khác cùng nhập ngũ với con có khỏe không?”

        Khi nghĩ đến Giáng sinh, ông nhắc đến cô bạn gái mà ông đã bảo mình sẽ không bao giờ trở về: “Mẹ mua giùm con một món quà cho Catherine và gửi đến cô ấy. Mẹ mua món nào thích hợp cho dịp này. Mẹ hẳn biết rành hơn con.” Harlon yêu cầu mẹ Belle: “Mẹ mua quà gì đó cho tất cả bọn trẻ, còn cha nữa, đừng quên ông ấy.” Rồi chàng trai hướng đến bà mẹ mình, và tưởng tượng mình là ông già Noel của bà: “Trên hết, mẹ đừng quên chính mình. chỉ cần đi ra thị trấn mà mua cho mẹ một chiếc mũ, áo choàng, áo ngắn và đôi giày và cả ví. Mẹ cứ xài tiền cho thoải mái.”

        Tháng 12/1944. Mùa Giáng sinh cuối cùng đối với quá nhiều chàng trai trẻ. Rồi chuyến hải hành bốn mươi ngày đến Ivvo

        Jima. Những chàng trai của Sư đoàn Mũi giáo đã được huấn luyện dày dạn trong mười tháng. Họ đã lãnh hội được tất cả kỹ thuật chiến tranh. Nhưng quan trọng hơn, họ là một tập thể đồng nhất. Mỗi người sẵn sàng chiến đấu vì người kia. Những chàng trai này gắn bó với nhau qua những cảm nghĩ còn sâu sắc hơn bất kỳ người nào khác trong đời họ.

        Thành phố mênh mông, chuyên dụng đầy rẫy những người - thật ra là những trai trẻ, nhưng bây giờ trở thành người có kỹ năng thuần thục, sẵn sàng cho nhiệm vụ - chuẩn bị tiến ra Thái Bình Dương. Phía sau họ, trên nước Mỹ an bình, danh ca Bing Crosby cất tiếng hát về một Giáng sinh tuyết trắng, giống như những Giáng sinh mà ông đã từng biết. Phía trước các chàng trai là một hòn đảo nóng bỏng gồm cát đá đen sì, nơi mà nhiều người trong số họ sẽ đảm bảo một tương lai lâu dài của nhiều ngày Giáng sinh bằng cách hy sinh mạng sống của mình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM