Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:29:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26433 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 08:50:58 pm »


        Cấp tá: có 3 cấp, xem như tương đương với đại tá, trung tá và thiếu tá của quân đội Việt Nam, không có cấp tương đương với thượng tá.

        Cấp uý: có 3 cấp tương đương với đại uý, trung uý và thiếu uý của quân đội Việt Nam, không có cấp tương đương với thượng uý.

        Những cấp trên được gọi chung là “sĩ quan được ủy nhiệm” (commissioned officer) vì được nhận quyết định ủy nhiệm (commission, để ban quân hàm và nhiệm vụ) nhân danh Tổng thống Hoa Kỳ.

        Hạ sĩ quan bậc cao (staff non-commissioned officer): có toll bậc lương tùy binh chủng, danh hiệu mỗi bậc lương cũng khác nhau giữa các binh chùng, nói chung từ trên xuống dưới là chuẩn úy, thượng sĩ nhất, thượng sĩ, trung sĩ nhất, trung sĩ.

        Hạ sĩ quan (non-commissioned officer): có 1-2 cấp tùy binh chủng, danh hiệu cũng khác nhau giữa các binh chủng, từ lên xuống dưới là hạ sĩ nhất và hạ sĩ.

        Binh sĩ (enlisted): binh nhất và binh nhì.

        quân phục: quân phục đại lễ mặc trong những nghi lễ long trọng, tiếp tân, chiêu đãi...; cũng mặc khi đi phép. Quân phục đại lễ của TQLC Mỹ thông dụng nhất là bộ màu xanh lam (thường được thể hiện trên những panô tuyển quân), ngoài ra còn có quân phục tiểu lễ “Lam-Tráng” mặc trong mùa hè và bộ mặc buổi tối có cà vạt. Hai loại quân phục khác là quân phục doanh trại và quân phục tác chiến (rằn ri xanh lục khi chiến đấu trong rừng núi và rằn ri màu cát khi chiến đấu trên sa mạc).

        Quận công Windsor (1894-1972): nguyên là vua Edward VIII của Anh và Bác Ireland (20/1 đến 11/12 năm 1936), vì muốn cưới một phụ nữ người Mỹ đã ly dị hai lần nên thoái vị, nhường ngôi cho em trai, rồi nhận tước hiệu Quận công Windsor, mang quân hàm Trung tướng trong Lực lượng Viễn chinh Anh tại Pháp, làm Toàn quyền Bahamas (1940-1945) rồi tiếp tục sống lưu vong ở Pháp cho đến khi qua đời.

        rắn chuông: gồm khoảng 30 loài rắn khá phổ biến ở Mỹ, nọc rất độc, có thân màu nâu nhạt cùng những đốm nâu sậm, đuôi có những khoanh sừng khi bị đe dọa thì tạo thành tiếng sột soạt (không phải như tiếng chuông) nhằm xua đuổi kẻ thù mà không phải uổng phí nọc độc.

        Rockey: Keller Emrick Rockey (1888-1970), Trung tướng Tham mưu phó TQLC (1943), Tư lệnh Sư đoàn 5 TQLC đổ bộ lên Iwo Jima, hai lần nhận Huân chương Thập tự Hải quân, nghỉ hưu năm 1950 với quân hàm Thượng tướng.

        Roosevelt: Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), Tổng thống Hoa Kỳ (1933-1945), qua đời khi còn đương chức.

        Rosenthal: Joe Rosenthal (1911-2006), phóng viên nhiếp ảnh cho hãng tin Associated Press (AP), người chụp bức ảnh giương lá cờ thứ hai, được Giải Pulitzer về nhiếp ảnh báo chí.

        Rotary Club: gọi phiên âm theo tiếng Hoa là Phù Luân hội, tổ chức dành cho giới chuyên nghiệp và doanh nhân hoạt động nhằm nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp và phục vụ cộng đồng. Thành viên mỗi câu lạc bộ địa phương gồm những đại diện được mời từ mỗi ngành nghề trong địa phương đó. Tổ chức này phát triển thành Rotary International có tầm hoạt động lan rộng ở nhiều nước.

        rối loạn hậu chấn thương tâm lý (Anh ngữ: Post Traumatic Stress Syndrome hoặc Post Traumatic Stress Disorder, viết tất PTSD): rối loạn về cảm xúc, hành vi và tâm lý phát sinh sau khi kinh qua một biến cố hãi hùng như hãm hiếp, giết chóc hoặc thương tích nặng, hoặc sự tàn phá trên diện rộng do thiên tai hoặc chiến tranh. Người mắc chứng PTSD có thế biểu hiện dấu hiệu tuyệt vọng, trầm cảm, cáu gắt và nổi giận. Một số người sử dụng rượu, thuốc an thần và thậm chí ma túy để vượt qua. Người mắc chứng PTSD cũng thường bị đau đầu, đau bụng, nhức mỏi cơ, chóng mặt và đau ngực.

        Sa-bát: từ tiếng Hebrew “Shavat” có nghĩa “ngơi nghi”, ngày lễ vào mỗi thứ Bảy của Do Thái giáo và vài nhánh Ky Tô giáo hoặc ngày Chủ Nhật của phần lớn Ky Tô giáo, theo ý nghĩa Đức Chúa trời ngơi nghi sau khi tạo ra thế gian. Trong ngày Sa-bát, tín đồ không làm việc, kiêng cữ một số hoạt động như đốt lửa, cày bừa, thu hoạch nông sản, nấu thức ăn...

        St. Louis: hoặc Saint Louis, thành phố miên đông của Bang Missouri, nằm dọc bờ tây của Sông Mississippi.

        Saipan: xem Marianas.

        samurai: giai cấp chiến binh Nhật Bản trong thời kỳ tiền công nghiệp hóa, phục vụ với lòng trung thành tuyệt đối shogun (sứ quân) của họ qua tinh thần Bushido (Võ sĩ đạo). Đến năm 1873, Minh Trị Thiên hoàng bãi bỏ tổ chức và quyền hạn của samurai, thay vào đấy là quân đội được thành lập theo mô hình phương Tây, do việc tuyển mộ rộng rãi từ mọi tầng lớp dân chúng.

        San Diego: thành phố ở miền nam Bang California của Mỹ, nơi có căn cứ Hải quân quan trọng của Hoa Kỳ.

        Schenectady: thành phố nằm về phía đông Thành phố New York, trên Sông Mohawk và Kênh Barge.

        Schrier: Harold George Schrier (1916-1971), Trung úy TQLC chỉ huy đội tiền thám lên giương lá cờ thứ nhất trên đinh Núi Suribachi qua đó nhận Huân chương Thập tự Hải quân, về hưu với quân hàm trung tá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 08:54:42 pm »


        Severance: Đại úy Dave Severance, Đại đội trưởng Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28 TQLC Mỹ trong Trận Iwo Jima, được tặng thưởng Huân chương Sao Bạc, sau Thế chiến II trở thành phi công chiến đấu cơ, được tặng thưởng Huân chương Thập tự Không lực trước khi về hưu năm 1968 với quân hàm đại tá.

        Slav: các dân tộc phân bố ở Đông Âu, Trung Âu, bán đảo Balkan, và quá dãy núi phía Châu Á. Nhánh miên Đông gồm những dân tộc Nga, Belarus, Ukraine; nhánh miền Tây gồm những dân tộc Ba Lan, Séc, Slovak; và nhánh miền Nam gồm những dân tộc Slovenia, Serb-Croatia, Macedonia và Bulgaria.

        Smith: Holland M. Smith (1882-1967), Đại tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ (1946), được xem là cha đẻ của chiến thuật đổ bộ tấn công, Thượng tướng Tư lệnh Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hạm đội (1945), chức danh chính thức trong chiến dịch đánh Iwo Jima là Tư lệnh Bộ binh Viễn chinh (Commander of Expeditionary Troops), chỉ huy tất cả lực lượng trên bộ.

        Solitaire: có nghĩa là “đơn độc”, là trò chơi chi cần một người, dùng bộ bài tây 52 lá để sắp xếp theo thứ tự. Trò chơi này được đưa vào các phiên bản của hệ điều hành Windows.

        Solomon: xem Guadacanal và Bougainville.

        Sousley: Franklin Sousley (19/9/1925-21/3/1945), Binh nhất Thủy quân Lục chiến, thuộc Tiếu đội của Mike Strank, Trung đội 2, Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28 TQLC, là một trong sáu người giương ngọn cờ, được an táng ở Nghĩa trang Sư đoàn 5 trên Đảo Iwo Jima rồi đưa về cải táng ở Bang Kentucky.

        Spruance: Raymond Ames Spruance (1886-1969), Đô đốc (1944) Hải quân Mỹ, Tư lệnh Hạm đội thứ Năm và tư lệnh chỉ huy toàn chiến dịch Iwo Jima, sau chiến tranh làm Đại sứ Mỹ tại Philippines (1952-1955).

        Stalingrad: thành phố miền Tây-nam nước Nga, nằm bên bờ Sông Volga, trong Thế chiến II là nơi xảy ra những trận đánh dữ dội giữa Liên Xô và Đức, dẫn đến kết quả là ngày 31/1/1943 Thống chế Tư lệnh Đại đoàn thứ Sáu của Đức đầu hàng cùng với 91.000 quân (so với quân số ban đâu là 285.000), tạo nên một điểm ngoặt quan trọng trên chiến trường Châu Âu, vì từ lúc này Đức không thể hồi phục, còn Liên Xô nắm lại thế chủ động để phản công. Hiện giờ thành phố này mang tên Volvograd.

        strank: Mychal (Mike) Strank (10/11/1919-1/3/1945), Trung sĩ Thủy quân Lục chiến, Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 2, Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28 TQLC, là một trong sáu người giương ngọn cờ, được truy tặng Huân chương Quả tim Tím, được an táng ở Nghĩa trang Sư đoàn 5 trên Đảo Iwo Jima rồi cải táng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

        sư đoàn: xem đơn vị bộ binh.

        Taj Mahal: lăng mộ ở Agra, Ấn Độ, do Hoàng đế Shah Jahan xây cho người vợ mà ông rất thương yêu qua đời năm 1631. Lăng mộ được xây dựng từ năm 1632, đến năm 1653 mới hoàn thành, đã được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới thời hiện đại.

        Tampa: thành phố nằm ở bờ biển phía tây của Bang Florida, dọc Vịnh Tampa.

        Tarawa: chuỗi hòn đào san hô, nơi vào năm 1943 Thủy quân Lục chiên Mỹ đánh bại quân Nhật đang chiếm đóng, hiện là Thủ đô của nước Kiribati.

        Tàu khu trục: loại tàu nhỏ, có vận tốc cao, thường được dùng để chống trả tàu phóng ngư lôi, tàu ngầm; và cũng có thể yểm trợ cho quân ở trên bờ.

        Tàu thiết giáp: loại tàu chiến hạng nặng nhất, có lớp thép dày để bảo vệ và có đại bác rất to (nòng thường có đường kính khoảng 370-380 mm), vì nặng nề nên tốc độ chậm hơn các loại tàu khác.

        Tân giáo (Presbyterianism): tổ chức giáo hội và truyền thống thần học bắt nguồn từ Phong trào Cải cách Tin Lành trong thế kỷ XVI, những tín đồ ban đầu đến từ Anh, Scotland, Ireland, có những hoạt động chú trọng đến giáo dục, y tế và phát triển kinh tế; họ lập nên Đại học Princeton vào năm 1746.

        Thanh giáo (Puritanism): nhánh Cơ Đốc giáo xuất phát từ giáo hội Anh vào giữa thế kỷ XVI, do những tín đồ vì có đầu óc muốn cải tổ mà muốn “thanh lọc” (purify) giáo hội này. Cốt lõi của Thanh giáo là hành xử theo đạo đức trong các mối liên hệ gia đình và xã hội, và một hệ thống quyền lực tuân thủ chặt chẽ những giáo lệnh của Thượng đế. Cuộc đời của tín đồ Thanh giáo gán với kỷ luật tự giác và việc tự mỗi người phán xét lấy chính mình. Thanh giáo cũng cổ vũ mạnh mẽ cho sự lao động cần cù và theo đuổi giáo dục. Do phản ứng của Giáo hội Anh có những biện pháp đàn áp, vào thế kỷ XVII nhiều tín đồ Thanh giáo rời nước Anh đến sinh sống ở Châu Âu và Mỹ. Tiếp theo, một số tín đồ Thanh giáo người Anh đang định cư ở Hà Lan cũng di cư đến Mỹ.

        thẻ bài: miếng thẻ nhỏ bằng nhôm không gỉ, khắc vài thông tin thiết yếu như tên họ, số quân, nhóm máu... cho người lính mang trên người, nhằm nhận dạng thi thể khi họ tử trận.

        Thomas: Ernest Ivy Thomas, Jr. (10/3/1924-3/3/1945), có biệt hiệu là “Boots”, Trung sĩ nhất Trung đội phó Trung đội 3 TQLC, thay thế Trung úy Keith Wells làm Trung đội trưởng khi ông này bị thương, một trong những người giương lá cờ đầu tiên trên Núi Suribachi.

        Thung lũng Forge: địa điểm ở Hạt Chester, Bang Pennsylvania, nơi nhà lãnh đạo Cách mạng Mỹ George Washington cho quân trú đông đồng thời để bảo vệ Quốc hội, nhưng đoàn quân thiếu chỗ trú ngụ, thức ăn và quần áo ấm. Tuy nhiên, Washington vẫn huấn luyện và tổ chức lại đoàn quân, rồi đến mùa xuân dẫn quân đuổi đánh quân Anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 08:58:19 pm »


        Thủy quân Lục chiến (TQLC): có khoảng 30 nước trên thế giới thành lập binh chủng Thủy quân Lục chiến, riêng binh chủng Thủy quân Lục chiến của Mỹ (Marine Corps) được xem là có khả năng tác chiến độc lập vì có riêng tàu thuyền và máy bay trong cơ SỐ chỉ huy trực tiếp. Trong Thế chiến II, TQLC Hoa Kỳ có khoảng 485.000 quân với 2 quân đoàn (6 sư đoàn) và 5 phi đoàn (132 phi đội), nằm dưới sự chỉ huy của Hải quân, sau này mới được tách ra thành một binh chủng ngang hàng với 4 binh chủng khác của Quân lực Hoa Kỳ: Hải quân, Lục quân, Không lực và Phòng vệ Duyên hải.

        Tinh thần 76: ý nói đến tinh thần yêu nước của người Mỹ đã dân đến việc Mỹ ra Tuyên ngôn Độc lập năm 1876.

        Tinian: xem Marianas.

        Tòa án Tội phạm Chiến tranh Tokyo: còn được gọi là Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông (International Military Tribunal for the Far East) được thiết lập bởi Thống tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Đồng minh, làm việc trong thời gian 1946-1948. Trong số 28 bị cáo, 7 người (kể cả cựu Thủ tướng Tojo Hideki) bị xử tử hình bằng cách treo cổ, 19 người bị án chung thân.

        Trân Châu cảng (Anh ngữ: Pearl Harbor), tên vịnh của đảo Oahu, thuộc Bang Hawaii, cách Honolulu 10 km về hướng tây. Sáng ngày 7/12/1941, máy bay Nhật từ các hàng không mẫu hạm tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở đây và các sân bay quân sự quanh vùng. Tám tàu thiết giáp và 13 tàu các loại của Hải quân Mỹ bị chìm hoặc hư hại nặng, gần 200 máy bay bị phá hủy, và khoảng 3.000 người Mỹ chết hoặc bị thương. Tổng thống Roosevelt đã gọi ngày tấn công Trân Châu Cảng bằng cụm từ nổi tiếng “ngày bỉ ổi” vì Nhật tấn công mà không tuyên chiến trước.

        Truman: Harry S. Truman (1884-1972), Phó Tổng thống (1945) và Tổng thống Hoa Kỳ (1945-1953)-

        Tulsa: thành phố miền Đông-bắc của Bang Oklahoma, nằm dọc Sông Arkansas.

        Tuyên úy: nhà lãnh đạo tôn giáo (giáo sĩ Do Thái giáo, linh mục Công giáo, mục sư Tin Lành, nhà sư Phật giáo...) được quân đội gọi đi làm nghĩa vụ, cũng có quân hàm tùy theo đơn vị phục vụ (ví dụ: Đại úy Tuyên úy Trung đoàn, Thiếu tá Tuyên úy Sư đoàn...), để thực hiện những nghi lễ tôn giáo cho quân nhân.

        Turner: Richmond Kelly Turner (1885-1961), Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ (1945), Tư lệnh các Lực lượng Đổ bộ Thái Bình Dương, tức cấp trên củaTướng Smith.

        USS Bismarck Sea: hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ của Hải quân Mỹ, có trọng lượng nước rẽ không đến 8000 tấn, chở được 27 máy bay.

        USS Franklin: hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, có trọng lượng nước rẽ hơn 36.000 tấn, chở được 90-100 máy bay.

        Ùvéa: còn gọi là Wallis, đảo nằm trong Quần đảo Wallis thuộc Pháp, ở vùng Tây-nam Thái Bình Dương.

        Vandegrift: Alexander A. Vandegrift (1887-1973), Đại tướng TQLC (1945), Trung tướng Tư lệnh Sư đoàn 1 TQLC chiến thắng ở Đảo Guadalcanal (1942) qua đó nhận Huân chương Danh dự, Tham mưu trưởng TQLC (1944-1947).

        Vonnegut: Kurt Vonnegut, Jr. (1922- ), nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn, nổi tiếng nhờ những tác phẩm châm biếm đối với những xu hướng xã hội và chính trị. Ông coi cuộc đời như là trò hề vô lý, huyễn hoặc.

        Võ sĩ đạo: quy chuẩn xử thế và cũng là hệ thống triết lý đạo đức của giới samurai Nhật, phát triển trong thế kỷ XI - XIV, tương tự như ý niệm về tinh thần hiệp sĩ ở Châu Âu thời Trung cổ. Tinh thần Võ sĩ đạo nhấn mạnh cuộc sống đơn giản, lòng trung thành tuyệt đối, khả năng chiến đấu, và tinh thần bảo vệ danh dự, kể cả bằng mạng sống nếu cần. Hệ thống triết lý của Võ sĩ đạo cũng chịu ảnh hưởng từ Phật giáo, Thiền học và Khổng học.

        Yalta: thành phố ở miền nam Ukraine, nằm trên bờ biển Đen, vào tháng 2/1945 là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tổng bí thư Stalin của Liên Xô.

        Wahlen: George Wahlen (1925-), khởi đầu làm công nhân cơ khí cho Không lực Mỹ (1942), kế tiếp gia nhập Hải quân (1943), làm Quân y tá (tương đương Hạ sĩ), được tặng thưởng Huân chương Danh dự, được cho xuất ngũ tháng 12/1945 rồi sau đó xin gia nhập Lục quân, phục vụ ở Triều Tiên và kế tiếp ở Việt Nam, xuất ngũ với quân hàm Thiếu tá sau khi đã phục vụ qua tất cả bốn binh chủng. Ông được giải thưởng của Hội Cựu chiến binh trong Chiến tranh Hải ngoại (Veterans of Foreign Wars) năm 2007.

        Waugh: Evelyn Arthur St. John Waugh (1903-1966), người Anh, tác già những tiểu thuyết châm biếm, sau khi tham dự Thế chiến II viết thêm một số tiểu thuyết châm biếm về đề tài chiến tranh.

        Wayne: John Wayne (1907-1979), siêu sao điện ảnh người Mỹ, trong suốt các thập kỷ 1940 đến 1970 thủ vai anh hùng trong khoảng 250 phim cao bồi, chiến tranh..., đoạt giải Oscar trong các năm 1969 và 1975 cho nam diễn viên chính xuất sắc.

        Wells: Trung úy Keith Wells, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28 TQLC Mỹ. (Đừng nhầm với Thiếu úy Greeley Wells, là tùy viên của Trung tá Chandler Johnson.)

        WPA: gọi tắt của Work Projects Administration (Cơ quan Dự án Lao động), cơ quan ngang cấp bộ của liên bang nước Mỹ nhằm thu dụng người thất nghiệp làm việc cho những dự án công ích (xây trường học, cầu đường, hệ thống thoát nước...) trong thời gian xảy ra cuộc Đại Suy thoái.

        Tất cả những ghi chú trong các chương sau đều là của người dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 08:59:54 pm »


Chương 1

MIỀN ĐẤT THIÊNG LIÊNG
         
Chỉ có một điều mới lạ trên thế gian này, đấy là phần lịch sử mà bạn không biết đến.
HARRY TRUMAN       

        Vào mùa xuân năm 1998, từ một ngọn núi xa xôi, sáu chàng trai của nửa thế kỷ trước mời gọi tôi. Thế là tôi đi đến đấy. Trong vài ngày, tôi gác qua một bên cuộc sống tiện nghi - những lo toan trong kinh doanh, đời sống ở Rye thuộc Bang New York - để làm một chuyến hành hương nửa vòng trái đất, đi đến một hòn đảo bé tí xíu nằm trên Thái Bình Dương. Nơi đây, chờ đợi tôi là một ngọn núi mà nửa thế kỷ trước các chàng trai đã leo lên trong một trận chiến khốc liệt. Một trong số họ là cha tôi. Ngọn núi có tên Suribachi, còn hòn đảo tên là Iwo Jima.

        Số phận của nửa cuối thế kỷ XX và thế kỷ XXI được tôi luyện bằng máu trên hòn đảo ấy và những hòn đảo tương tự. Chiến binh ở mỗi bên là những chú nhóc - những chú nhóc vừa đến tuổi trưởng thành từ những nền văn hóa tương tự như của thế kỷ XIX. Cha tôi và năm chiến hữu của ông là hiện thân cho những chú nhóc ấy. Mệt mỏi, hãi sợ, đói khát, quả cảm; những nhân tố trong khối hỗn mang của cuộc chiến, cố làm tròn nhiệm vụ, cố sống tồn.

        Nhưng có một chuyện bất thường xảy ra cho sáu chú nhóc ấy: Lịch sử được ghi lại rõ nét trong 1 phần 400 của giây đồng hồ, trên sáu con người. Lịch sử ngưng đọng họ trong khoảnh khắc cao cả của trận đánh: ngưng đọng họ qua lăng kính một máy ảnh khi họ đang giương cao một lá cờ Mỹ trên một cột cờ tạm bợ. Hình ảnh tổng thể của họ, mờ nhạt nhưng khó quên, trở thành bức ảnh được nhận biết nhiều nhất, được in ấn nhiều nhất, trong lịch sử nhiếp ảnh. Bức ảnh mang lại cho họ sự bất tử - một dạng bất tử không có chân dung. Hình ảnh giương cao ngọn cờ trên Iwo Jima đã trở thành biếu tượng của hòn đảo, ngọn núi, trận đánh; của Thế chiến II; của những lý tưởng cao vời nhất, hiện thân cho lòng dũng cảm. Bức ảnh biểu hiện cho tất cả, ngoại trừ sự cứu rỗi của sáu chàng trai tạo nên bức ảnh.

        Đối với sáu người này, lịch sử lôi kéo họ đi theo những ngả đường khác nhau. Ba người nằm xuống khi trận đánh tiếp tục. Trong số ba người sống sót, hai người qua đời vì nghiện rượu và bệnh tim. Chi có một người là sống yên ổn đến già. Ông có được sự yên ổn ấy là nhờ khép quá khứ vào một hang động lặng thinh.

        Sau cuộc chiến, cha tôi - John Henry Bradley - trở về quê nhà ở một thị trấn nhỏ của Bang Wisconsin, ông trút tất cả kỷ vật của sự bất tử vào vài chiếc thùng cac-tông rồi giấu vào một ngăn tủ kín. Ông cưới người ông yêu cùng học hồi lớp ba. Ông mở một dịch vụ mai táng, làm cha tám đứa con, gia nhập Hội Phụ huynh Học sinh, các hội từ thiện, và ngắt ngang bất kỳ ai hỏi han về việc giương ngọn cờ trên Đảo Iwo Jima.

        Khi qua đời vào tháng Một năm 1994 ở thị trấn sinh quán, hẳn ông đã tin rằng mình mang theo xuống mồ câu chuyện về việc giương cao ngọn cờ, câu chuyện mà ông không muốn tạo dựng, câu chuyện sống để bụng chết mang theo. Sinh thời, ông đã dặn dò bọn con cái chúng tôi từ chối những cuộc gọi điện tiếp diễn trong nhiều năm để yêu cầu phỏng vấn ông. Chúng tôi phải trả lời người gọi điện rằng ông đang đi câu cá nơi xa. Nhưng cha tôi không hề thích câu cá. Không một bản in nào của bức ảnh nổi tiếng ấy được treo trong nhà chúng tôi. Khi chúng tôi cố hỏi han ông về mẩu chuyện ấy, ông chi trà lời ngắn gọn rồi nhanh chóng lái qua chuyện khác.

        Bọn con cái chúng tôi lớn lên khá hạnh phúc, quan tâm sâu sắc đến thị trấn an bình có nhiều bóng cây, nhưng chúng tôi luôn nghĩ đến những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ ở nơi nào đây dọc bên rìa bức ảnh. Chúng tôi cảm nhận rằng thế giới bên ngoài biết đôi điều quan trọng nào đấy về ông mà chúng tôi chưa bao giờ biết đến. Đối với ông, đấy là một câu chuyện tắt lịm; một đế tài chán ngắt. Nhưng không chán ngắt đối với những người còn lại trong gia đình tôi. Đặc biệt là đối với tôi.

        Đối với tôi, đứa con giữa trong số 8 người con, câu chuyện bí ẩn ấy luôn ám ảnh tâm trí. Từ lúc nhỏ, tôi đã biết rằng cha tôi là một mẫu anh hùng nào đây. Thầy cô giáo lớp ba của tôi bảo thế; mọi người bảo thế. Nhưng dù tôi cố tìm hiểu, ông vẫn không bao giờ nói cho tôi nghe về chuyện này.

        Có một lần, ông đề cập trực tiếp chút ít: “Những anh hùng thật sự của Iwo Jima là nhũng người đã không trở về nhà.”

        Cha tôi hẳn đã mang tất cả xuống mồ nếu chúng tôi không tình cờ tìm ra mấy chiếc thùng cac-tông, chỉ ít ngày sau khi ông qua đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 09:00:25 pm »


        Mẹ tôi cùng hai anh trai tôi - Mark và Patrick - đang tìm kiếm bản chúc thư của cha tôi trong phòng làm việc cá nhân của ông. Trong một hốc tủ tối tăm, họ tìm thấy ba thùng cac-tông nặng, cũ kỹ nhưng còn tốt, được xếp chồng lên nhau.

        Trong những thùng này, cha tôi đã lưu lại nhiều ảnh và tài liệu liên quan đến chuyện ông là một trong những người giương ngọn cờ. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên, vì nghĩ rằng ông đã không giữ lại kỷ vật gì cả.

        Sau đây, tôi lục lọi trong mấy chiếc thùng. Một lá thư đập vào mắt tôi. Dấu bưu điện cho thấy lá thư này được gửi từ Iwo Jima ngày 26 tháng Hai, 1945. Đấy là bức thư mà cha tôi viết cho những người thân của ông, ba ngày sau việc giương ngọn cờ.

        Ngôn từ xuề xoà theo cách trấn an không cho người đọc nhận ra địa ngục mà ông vừa kinh qua. Ông viết thư như thể ông đang tham dự một chuyến đi dã ngoại nhọc nhằn nhưng vui thú của Hướng đạo sinh: “Con sẵn sàng đổi lấy cánh tay trái để được tắm dưới vòi bông sen và cạo râu; con đã để râu 6 ngày không cạo. Không có xà phòng hoặc nước kể từ khi đổ bộ. Trước đây cứ nghĩ rằng mình không thể sống quá ba ngày nếu không có thức ăn, nước tắm hoặc thiếu ngủ, nhưng bây giờ con mới biết rằng có thể vượt qua được.”

        Và rồi, như là cảm nghĩ bất chợt, ông viết: “Mọi người hẳn đã biết về trận chiến của chúng con ở đây, và con ở trong đơn vị chiến thẳng là Đại đội E Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 Thủy quân Lục chiến đã lên đến đỉnh Núi Suribachi trước tiên. Con góp chút công lao trong việc giương ngọn cờ Mỹ và đấy là thời khắc hạnh phúc nhất trong đời con.”

        “Khoảnh khắc hạnh phúc nhất” trong đời ông! Quả là cú sốc khi đọc đến câu này. Tôi đã khóc khi nhận ra rằng, chuyện giương ngọn cờ là khoảnh khác hạnh phúc đối với ông - một thanh niên mới 21 tuổi đời. Chuyện gì xảy ra trong những năm tiếp sau khiến cho ông giữ im lặng?

        Khi đọc qua lá thư của cha tôi, vô hình trung bức ảnh giương ngọn cờ trở nên sống động trong trí tưởng tượng của tôi. Những tuần kế tiếp, tôi cứ nhìn chăm chăm vào bức ảnh treo trong văn phòng tôi mà đâu óc cứ mơ màng. Tôi tự hỏi: Những chàng trai trẻ đặt tay trên cột cờ ấy là ai? Họ có giống như cha tôi không? Trước khoảnh khắc ấy họ đã quen biết nhau chưa hay còn là xa lạ mà chỉ kết hợp với nhau qua một nhiệm vụ chung? Họ có đùa cợt với nhau không? Họ có tên riêng không? Việc giương ngọn cờ có phải là “khoảnh khắc hạnh phúc nhất” trong đời mỗi người hay không?

        Phải mất bốn năm để đi tìm câu trả lời cho từng câu hỏi này. Ban đầu, tôi không thể biết có năm hay sáu người giương ngọn cờ trong bức ảnh ấy. Chác chắn là tôi không thể biết tên ba người tử trận trong trận đánh.

        Cuối cùng, tôi hiểu rõ về từng người giống như tôi hiểu các anh em tôi, giống như tôi hiểu các bạn thân ở trường trung học của tôi. Và tình thương của tôi đối với họ nảy nở.

        Những gì tôi khám phá được để trả lời những câu hỏi trên tạo nên nội dung quyển sách này.

        Cuộc truy tìm thông tin kết thúc khi tôi làm cuộc hành hương đến Iwo Jima. Đoàn chúng tôi còn có bà mẹ già 74 tuổi, ba người anh em của tôi, và nhiều binh sĩ nam cũng như nữ. Chúng tôi đi lên đến một miệng núi lửa cao gần 170 m; đấy là đỉnh Núi Suribachi. Cha tôi ở tuổi 21 đã leo bộ lên đó, mang theo vật dụng y tế, còn bây giờ đoàn chúng tôi ngồi trên xe của Thủy quân Lục chiến. Tôi đứng trên đỉnh núi, giữa cơn gió quất vào mặt giúp cho nước mắt của tôi khô đi. Chính ở địa điểm này, vào một buổi chiều tháng Hai của 53 năm về trước, lá cờ Mỹ đã được giương lên. Vào ngày ấy, gió cũng thổi phần phật. Gió xoá đi những nếp gấp của lá cờ.

        Hiện nay, không có nhiều người Mỹ đi đến Iwo Jima. Đấy là đền miếu của Thế chiến II nhưng không phải đền miếu của Mỹ. Dân thường thuộc bất cứ quốc tịch nào cũng không được phép tiếp cận ngoại trừ hiếm hoi vài nhóm được chính phủ Nhật Bản cho phép, vì vùng này thuộc khu vực có căn cứ hải quân Nhật.

        Chúng tôi đi được chuyến này là nhờ Tướng Charles Krulak, Tham mưu trưởng binh chủng Thủy quân Lục chiến (TQLC). Ông đưa chúng tôi đi từ Okinawa đến Iwo Jima trên chiếc máy bay riêng của ông. Mẹ tôi Betty, và anh Steve (48 tuổi), anh Mark (47 tuổi), em trai Joe (37 tuổi) cùng đi với tôi (44 tuổi).

        Những người khác trong gia tộc không thể đi cùng là Patrick, Tom, Kathy và Barbara.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 09:00:56 pm »


        Ngày thứ Ba, bước lên chiếc máy bay riêng của Tướng Krulak rời Okinawa trong cơn mưa, chúng tôi được cảnh báo rằng điểm đến cũng có thể bị mưa, nhưng trong 2 giờ sau đấy khi máy bay bắt đầu hạ cao độ trên Iwo Jima, trần mây đột nhiên mở ra; tắm trong ánh nắng chói chang, Suribachi hiện ra phía trước, ngọn núi ma quái trong quá khứ hiện ra trước tầm mắt chúng tôi.

        Khi máy bay lượn hai vòng để cho chúng tôi chụp ảnh cận cảnh Suribachi và vùng lân cận, vị Tham mưu trưởng thầm thì kể chuyện về Iwo Jima như là “miền đất linh thiêng.” Có lúc ông tế nhị thêm: “Miền đất linh thiêng đối với cả chúng ta và người Nhật.”

        Một tấm thảm đỏ được trải ra, mẹ tôi là người đầu tiên bước xuống. Một toán binh sĩ Nhật đứng nghiêm một bên, Thủy quân Lục chiến Mỹ dàn chào bên kia.

        Tướng Krulak giới thiệu mẹ tôi với Trung tá Kochi, vị chỉ huy Nhật của hòn đảo. Chúng tôi là khách của vị trung tá và doanh trại nhỏ của ông. Vào những tuần lễ đầu của năm 1945, quân đội Mỹ chiếm được Iwo Jima, nhưng hôm nay hòn đảo là một phần của lãnh thổ Nhật.

        Không giống như năm 1945, bây giờ những người Mỹ chúng tôi phải xin phép họ thì mới được đến đây.

        Người mới đến lần đâu có ngay cảm nghĩ rằng Iwo Jima là một hòn đảo tí tẹo như thế mà lại là bãi chiến trường cho một trận đánh lớn. Hòn đảo chi rộng khoảng 20 km2. Một trăm nghìn người đã chiến đấu ở đây trong hơn một tháng, gây ra một trong những trận đánh khốc liệt và giằng co nhất trong bất kỳ cuộc chiến nào.

        Tám mươi nghìn chàng trai trẻ Mỹ chiến đấu trên mặt đất. Hai mươi nghìn chàng trai trẻ Nhật chiến đấu dưới lòng đất, lẩn lút trong một hệ thống địa đạo kiên cố chạy chằng chịt khắp hòn đảo; những địa đạo được gia cố giúp cho quân Nhật chiến đấu một cách điên cuồng nhưng trở nên vô hình dưới mắt đối phương. Hai mươi lăm kilomet địa đạo kết nối 1.500 hang động nhân tạo. Nhiều người lính TQLC Mỹ còn sống chưa bao giờ nhìn thấy một người lính Nhật nào đang chiến đấu trên Iwo Jima. Lính Mỹ đương đầu với kẻ thù hoàn toàn vô hình.

        Chúng tôi bước lên xe của TQLC Mỹ và đi đến “Động Quân y viện,” một bệnh viện ngầm khổng lồ ở dưới lớp đất dày gần 15 m, nơi bác sĩ quân y Nhật âm thầm giải phẫu thương bệnh binh của họ, trong khi lính TQLC Mỹ di chuyển bên trên. Người Nhật đục thành đá núi lửa lõm vào để tạo ra những giường bệnh.

        Rồi chúng tôi bước vào một hang động rộng, nơi đặt vị trí súng cối của quân Nhật. Trên tường thành hang động là những vạch tương ứng với từng cao độ của bãi đổ bộ thoai thoải dốc lên từ biển vào đất liền. Những vạch ấy giúp cho quân Nhật điều chỉnh góc độ súng cối của họ để bắn một cách chính xác TQLC Mỹ đang đổ bộ. Những bãi biển của Iwo Jima đã được ghi chép sẵn để tính toán đạn đạo Nhật. Quân Nhật đã thực tập trong nhiều tháng để tạo nên một địa ngục khi TQLC Mỹ tiến lên.

        Chúng tôi đi đến một địa điểm nơi cha tôi bị thương, hai tuần lễ sau việc giương ngọn cờ. Tôi để ý nền đất nơi này cứng, có màu sét gi. Tôi cúi xuống và nhặt lên một mảnh trông giống như đá phủ đây trên mặt đất. Khi xem xét kỹ, tôi nhận ra đấy không phải là đá. Đấy là một mảnh bom đạn. Chúng tôi đã lầm tưởng khi cho rằng mặt đất là do cấu tạo thiên nhiên; thật ra đấy là những mảnh đạn pháo. Dù đã qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn một tấm thảm mảnh đạn pháo ở đây. Chân cha tôi vẫn mang một mảnh đạn cho đến ngày ông qua đời.

        Rồi chúng tôi đi đến những bãi biển đổ bộ, những bãi cát của Iwo Jima. Chúng tôi đi dọc theo một bãi biển gần Núi Suribachi nhất. TQLC Mỹ gọi nơi đây là “Bãi màu Lục.” Chính nơi đây, người lính trẻ John Bradley, quân y tá của TQLC, chạy lên dưới làn đạn chi chít.

        Tôi nhìn mẹ tôi đi dọc bãi biển, gót chân bà lún xuống lớp cát núi lửa mềm theo mỗi bước đi. Bà than thở: “Tôi không hiểu làm thế nào người ta sống sót được!” Tôi nhìn bà bước thận trọng trong gió và ánh nâng: bây giờ bà là một quả phụ tóc bạc, nhưng trước đây là một cô gái xinh xắn mang tên Betty Van Gorp, ở Appleton, Bang Wisconsin, có một cậu bạn học ở lớp ba tên là John. Mỗi khi tan học suốt những năm đầu thập kỷ 1930, hai người cùng chung đường về. Mười lăm năm sau, ông trở về từ Thế chiến II, rồi hai người làm lễ cưới.

        Vào ngày thứ ba sau cuộc đổ bộ, ở một địa điểm trên đất liền cách chỗ mẹ tôi đứng gần hai trăm mét, cha tôi nhìn thấy từ xa một chàng trai trẻ Mỹ ngã xuống. Qua làn đạn cối và súng máy, ông chạy đến người lính TQLC Mỹ đang bị thương, tiếp cho anh này plasma từ cái chai cột vào cây súng trường của ông cầm trên mặt cát, rồi kéo anh lính trẻ đến một nơi an toàn trong khi đạn đang cào xới đất đá xung quanh. Do hành động dũng cảm này, cha tôi được thưởng Huân chương Thập tự Hải quân, cao quý hàng thứ nhì sau Huân chương Danh dự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2018, 09:20:26 pm »


        Cha tôi không bao giờ kể chi tiết về hành động dũng cảm này cho mẹ tôi nghe. Chi sau khi ông qua đời, gia đình chúng tôi mới biết về tấm Huân chương Thập tự Hải quân này.

        Bây giờ, Steve nắm lấy cánh tay mẹ tôi để dìu bà đi lên lớp cát dày. Mark đứng ở mép nước nhìn ra ngoài biển, suy nghĩ mông lung. Joe và tôi trông thấy một lô cốt nhìn xuống bãi biển; hai chúng tôi cùng đi đến đấy.

        Quân Nhật đã xây hơn 750 lô cốt và công sự ngầm chạy dọc theo bờ biển, được gia cố bằng bê tông cốt sắt chống được đạn pháo. Nhiều lô cốt hoang tàn vẫn còn hiện diện nơi đây, giống như bộ xương của những con thú đã chết nửa thế kỷ trước. Đấy là phế tích gớm ghiếc của những người lính vẫn can trường chiến đấu dù biết là vô vọng. Những người lính trong các lô cốt này được giao nhiệm vụ phải giết càng nhiều địch quân càng tốt trước khi nhận lấy cái chết không thể tránh khỏi.

        Joe và tôi bước vào một lô cốt bâng xi măng thấp lè tè. Chúng tôi có thể nhận ra một nòng súng máy vẫn còn chĩa qua lỗ châu mai, nòng bị cong veo có lẽ do quá nóng khi liên tục nhả đạn vào lính Mỹ. Chúng tôi len lòi tìm lối vào phía trong. Có hai gian phòng nhỏ tối tăm ngoại trừ tia sáng chiếu qua một kẽ hở: một phòng cho lính bắn súng máy, phòng kia để chứa hàng hậu cần và ẩn mình khi đối phương tiến qua.

        Lom khom cùng với người anh trong bóng tối chật chội, tôi cố hình dung cuộc đổ bộ từ nhãn quan người lính trong lô cốt: Anh gây kinh hoàng bằng khẩu súng máy của mình, nhưng bản thân anh cũng kinh hãi. Anh không thể trốn thoát đi đâu được, biết rằng mình sẽ chết ở đây, có lẽ do súng phóng lửa của một người lính trẻ Mỹ đã sống sót qua làn đạn súng máy Nhật. Khi co mình trong lô cốt này và nhìn từng đợt quân Mỹ đổ bộ, người lính Nhật có cảm giác như thế nào? Anh sẽ còn sống được bao nhiêu ngày hoặc bao nhiêu giờ? Liệu trước khi tử trận, anh có đạt được chi tiêu giết mười người lính đối phương?

        Khi một chàng trai trẻ tiến theo hướng này, anh có cảm giác như thế nào? Tôi nghĩ đến những tác động qua lại giữa tôi và người Nhật khi tôi học đại học ở Tokyo, lúc tôi phân vân giữa hai chọn lựa: học tập hay ăn uống. Nhưng quá nhiều người trên hòn đảo Iwo Jima đẫm máu này không có chọn lụa: hoặc giết đối phương hoặc bị đối phương giết.
       
        Nhưng bây giờ đã đến lúc đi lên đỉnh núi.

        Khi đứng đúng nơi giương ngọn cờ, ở rìa miệng núi lửa, gió thổi tóc bay phần phật, chúng tôi ngắm toàn bộ bãi biển dài hơn 3 km, nơi hạm đội Mỹ đổ lính TQLC lên bờ. Vào tháng 2/1945, từ những địa đạo ngay dưới chân chúng tôi, quân Nhật cũng nhìn rõ quang cảnh phía dưới. Họ kiên nhẫn chờ cho đến khi những chàng trai trẻ Mỹ lố nhố dọc bờ biển. Trong nhiều tháng, họ đã đặt tầm ngắm cho những khẩu súng của mình. Đến thời điểm thích hợp, họ chi việc khai hoả, mở đầu cho một trong những cuộc tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh mọi thời đại.

        Một cảm giác lạc điệu kỳ lạ bây giờ dâng lên trong tâm hồn: Tôi cảm thấy thật phấn chấn khi đứng ở đây! Dù đây là một lịch sử đẫm máu, quang cảnh bên dưới chúng tôi có vẻ như tràn đầy sinh lực. Dường như nắng và gió mang lại sự sinh động cho tất cả chúng tôi.

        Và rồi tôi nhận ra rằng tinh thần phấn chấn của tôi không phải là lạc điệu. Có một cảm giác gì đấy đang dâng tràn trong tôi. Tôi nhớ lại câu mà cha tôi viết trong bức thư gửi ông bà nội tôị ba ngày sau việc giương ngọn cờ: “Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời con.”

        Đúng thế. Quả là một cảm giác sướng thoả khi giương ngọn cờ ấy. Đứng trên ngọn Núi Suribachi, ta có cảm tưởng như đứng trên nóc nhà thế giới, chung quanh là đại dương. Nhưng làm thế nào thái độ của cha tôi lại thay đổi với ý nghĩ “Giá như không có một lá cờ trên cái cột ấy”?

        Trong khi khoảng 20 binh sĩ và sĩ quan TQLC quây quần xung quanh, những người trong dòng họ Bradley chúng tôi chụp ảnh cho nhau. Chúng tôi chụp ở nhiều góc độ, kể cả gần vị trí ngọn cờ giương cao. Chúng tôi mang theo một tấm biển được đẽo theo hình dáng Bang Wisconsin làm bằng đá granit đỏ - loại đá biểu tượng của bang. Một phần của chuyến đi là nhằm đặt tấm biển này trên mặt đất đá khô cằn. Bây giờ, anh Mark của tôi dùng một con dao nhíp để cào mặt đá. Anh phủi những hòn sỏi khỏi bề mặt rồi nói: “Giờ thì đặt xuống được rồi đấy.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 07:54:05 pm »


        Joe nhẹ nhàng đặt tấm biển trên nền mặt đất khô cằn. Tấm biển ghi:

TƯỞNG NIỆM JOHN BRADLEY NGƯỜI GIƯƠNG NGỌN CỜ NGÀY 23 THÁNG 2 NĂM 1945 GIA ĐÌNH LẬP

        Chúng tôi cùng đúng dậy, phủi bụi cát trên bàn tay, và chăm chăm nhìn công trình tưởng niệm của mình. Gió thổi luồn qua tóc. Ánh mặt trời Thái Bình Dương nóng bỏng chiếu rọi xuống chúng tôi. Thời giờ chúng tôi được phép thăm viếng ngọn núi đã gần hết.

        Tôi đi đến một chiếc xe TQLC, lấy ra một tập hồ sơ mang theo từ New York. Hồ sơ gồm những ghi chú và những bức ảnh: vài bức của gia tộc Bradley, nhưng phần lớn là của sáu chàng trai trẻ. Tôi gọi những người thân trong gia tộc tôi và những lính TQLC đã hộ tống chúng tôi, ra hiệu cho họ tụ tập đến đài tưởng niệm xây bằng đá hoa cương trên đỉnh núi: “Bây giờ chúng ta hãy bẳt đâu”.

        Khi các binh sĩ TQLC đã tụ tập trước đài tưởng niệm, mọi người đều im lặng trong chốc lát. Cả không gian tĩnh lặng ngoại trừ gió thổi phần phật.

        Và rồi tôi bắt đầu lên tiếng.

        Tôi nói vê trận đánh diễn ra trong hơn 36 ngày. Bên Mỹ có 25.851 thương vong, kể cả gần 7.000 tử trận. Phần lớn 22.000 quân Nhật đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

        Đấy là một trong những trận đánh anh dũng nhất của quân Mỹ. Số huân, huy chương tưởng thưởng cho lòng dũng cảm khi chiến đấu ở Iwo Jima, nhiều hơn bất kỳ trận chiến nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Để so sánh: trong Thế chiến II, thủy quân Lục chiến nhận 84 Huân chương Danh dự. Trong 4 năm, vậy là 22 huân chương mỗi năm, tức khoảng 2 huân chương mỗi tháng. Nhưng chỉ trong một tháng chiến đấu trên hòn đảo này họ đã nhận được 27 Huân chương Danh dự, tức một phần ba tổng số của cả cuộc chiến.

        Tôi nói về bức ảnh giương cao ngọn cờ nổi tiếng. Tôi lưu ý rằng bất kỳ ai trên thế giới này cũng nhận ra nó, nhưng chảng một ai biết về các chàng trai trẻ.

        Tôi ngước nhìn đài tưởng niệm mô phỏng bức ảnh.

        Tôi nói tôi muốn kể cho quý vị nghe một chút ít về họ. Tôi chỉ người đứng giữa trong bức ảnh với hai tay nám chặt lấy cán cờ.

        Đấy là cha tôi.

        Ông là người dễ nhận ra nhất trong sáu người, là người duy nhất mà hình dáng còn rõ nét. Nhưng trong nửa thế kỷ ông hoàn toàn giữ im lặng về Iwo Jima. Với mẹ tôi là người mà ông chung sống 47 năm, ông chỉ nói về việc này có một lần, vào ngày đầu tiên hai người hẹn hò với nhau. Chi sau khi ông qua đời, chúng tôi mới biết về tấm Huân chương Thập tự Hải quân. Trong sự khiêm tốn thầm lặng, ông không nói cho chúng tôi biết về việc này. Tại sao ông giữ im lặng? Tôi nghĩ câu trả lời được tóm gọn trong ý nghĩ của ông, rằng anh hùng thật sự của Iwo Jima là những người đã không trở về (Còn có những lý do khác khiến cha tôi im lặng, mà tôi chi được biết khi đi tìm sự thật. Nhưng bây giờ không phải là lúc để chia sẻ với những người lính TQLC này.).

        Tôi chỉ người đứng khuất phía sau cha tôi, công nhân nhà máy dệt đẹp trai đến từ Bang New Hampshire.

        Rene Gagnon đứng kề vai cha tôi trong bức ảnh, nhưng trong cuộc đời thực, họ đi theo hai hướng khác nhau. Mọi người ca tụng Rene là anh hùng - bà mẹ, vị Tổng thống, tuần báo Time, và thính giả cả nước đều ca tụng - ông tin theo lời họ. ông nghĩ mình sẽ được lợi nhờ sự nổi tiếng. Giống như con thiêu thân, ông bị ngọn lửa của sự nổi tiếng cuốn hút.

        Bây giờ tôi chi đến người tận cùng bên tay phải của bức ảnh, tay nắm gốc cột cờ cắm xuống nền đất rắn của Suribachi. Đầu gối chân phải ông cao gần bằng vai. Hai mông căng dưới bộ quân phục tác chiến. Người gốc Bang Texas.

        Đấy là Harlon Block. Ông là một ngôi sao bóng đá Mỹ, gia nhập TQLC cùng với cả đội bóng. Ông ngã xuống 6 ngày sau việc giương ngọn cờ. Và rồi ông bị quên lãng. Lưng ông hướng về phía ống kính, vì thế trong gần 2 năm ông không được nhận dạng. Nước Mỹ tin rằng đấy là một người lính TQLC khác cũng đã tử trận trên đảo Iwo Jima.

        Nhưng mẹ Belle của ông thì tin rằng đấy là con trai mình. Không ai tin lời bà, kể cả người cha, cả gia đình, hoặc láng giềng. Chúng ta hẳn sẽ không bao giờ biết sự thật đấy là Harlon nếu không nhờ một người lạ mặt nào đấy bước đến cánh đông bông vải của gia đình ở miền nam Texas, cho biết mình đã thấy cậu con trai Harlon của họ cắm cán cờ xuống đất.

        Kế tiếp, tôi chi đến người đứng ngay phía sau lưng cha tôi, cậu bé Huck Finn1 của nhóm, người Bang Kentucky mặt nhiều tàn nhang.

-----------------
        1. Nhân vật trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventures of Tom Sawyer) và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (Adventures of Huckleberry Finn) của nhà văn Mỹ Mark Twain, rất tiêu biểu cho tính cách của tuổi trẻ Mỹ: tinh nghịch, quả cảm, ưa phiêu lưu mạo hiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 07:56:03 pm »


        Đấy là Franklin Sousley, đến từ ngôi làng Hilltop của Bang Kentucky.Ông mồ côi cha từ năm lên 9, và vào sinh nhật lần thứ 19 ông lên tàu đi Thái Bình Dương. Sáu tháng trước đấy, lúc từ giã bạn bè dưới mái vòm Trung tâm Bách hoá Hilltop, ông nói: “Khi trở về, mình sẽ là anh hùng.”

        Vài ngày sau khi diễn ra sự kiện giương ngọn cờ, người dân ở quê quán ông chúc mừng vị anh hùng của họ. Nhưng vài tuần sau, họ thương khóc ông.

        Tôi nhìn chăm chăm bức ảnh một hồi rồi mới nói tiếp. Tôi nói với nhóm người đang đứng im lặng: Hãy nhìn kỹ hai bàn tay của Franklin. Quý vị có thấy bàn tay phải của ông ấy không? Quý vị có thấy người đứng sau ông nấm lấy bàn tay phải của Franklin, và giúp Franklin đẩy cây cột cờ nặng nề không? Người trẻ nhất trong nhóm được người lớn tuổi nhất trợ giúp: Người chỉ huy kỳ cựu của họ. Người Trung sĩ. Mike Strank.

        Bây giờ tôi chi đến phần thân người chi có thể thấy được chút ít.

        Tôi nói, Mike đứng phía sau Franklin. Quý vị khó nhìn ra ông ấy. Nhưng cử chi giúp đỡ anh trai trẻ Franklin thì đúng là bản tính cố hữu của ông. Mike được binh sĩ dưới quyền kính nể như là một cấp chỉ huy vĩ đại, người lính TQLC xuất chúng của binh chủng TQLC. Đối với các chàng trai, gọi như thế không có nghĩa Trung sĩ Mike là một sát thủ hung tợn1. Mà điều đó có nghĩa là Mike thấu hiểu các chàng trai dưới quyền mình và cố bảo vệ mạng sống của họ trong khi họ thi hành những nhiệm vụ nguy hiểm.

        Và Trung sĩ Mike cố làm hết sức mình cho đến lúc cuối. Ông ngã xuống trong khi đang vẽ ra một sơ đồ trên nền cát để trình bày cho thuộc cấp một phương án tác chiến an toàn nhằm tấn công một vị trí đối phương.

        Cuối cùng, tôi chỉ đến người ở tận cùng bên trái của bức ảnh. Thân người vươn thẳng lên, các ngón tay không với tới cây cột cờ. Người thuộc sắc tộc Da đỏ Pima ở Bang Arizona.

        Tôi nói, đây là Ira Hayes. Sau này, khi trở về nước Mỹ, Ira được ca tụng là anh hùng nhưng ông không nghĩ thế. Ông hỏi: “Làm thế nào tôi cảm thấy mình là anh hùng khi tôi đổ bộ cùng với 250 chiến hữu và sau cùng chi có 27 người sống sót?” Iwo Jima mãi ám ảnh Ira, và ông cố xoá tan hồi ức này trong men rượu.Ông qua đời gần tròn 10 năm sau ngày chụp bức ảnh này.

        Sáu chàng trai trẻ. Họ tạo nên một hình ảnh biếu trưng cho nước Mỹ vào năm 1945: công nhân một nhà máy dệt ở New England, nông dân trồng thuốc lá ở Kentucky, con thợ mỏ than ở Pennsylvania, người gốc Texas ở vùng có mỏ dầu, một chàng trai ở vùng nuôi bò sữa cùa Bang Wisconsin, và một người Da đỏ ở Bang Arizona.

        Trong số sáu chiến binh, chỉ có hai người còn lành lặn rời hòn đảo này, và một chiến binh được khiêng đi với nhiều mảnh đạn một bên người. Ba người được an táng ở đây. Vậy nên nhóm người này là hình ảnh biểu trưng cho chiến trường Iwo Jima. Nếu người ta ngẫu nhiên chụp một bức ảnh gồm sáu chiến binh trên đỉnh Núi Suribachi ngày ấy thì hẳn sẽ có kết quả tương tự: số thương vong là hai phần ba. Hai trong số ba chàng trai chiến đấu trên hòn đảo đau thương này tử trận hoặc bị thương.
        Khi dứt lời, tôi không thể nhìn lên những gương mặt phía trước tôi. Tôi nhận ra một cảm xúc mạnh mẽ trong bầu không khí. Tôi nhỏ nhẹ đề nghị: để tưởng niệm cha tôi, mọi người cùng hát hai ca khúc mà sinh thời ông chi biết có hai ca khúc ấy: Home on the range2 (Tổ ấm trên đồng cỏ) và I’ve been working on the railroad (Tôi đã làm việc trên đường tàu).

        Chúng tôi cất tiếng hát. Tất cả chúng tôi, dưới ánh nắng và gió phần phật. Không nhìn lên, nhưng tôi vẫn biết mọi người đang đứng đây - lính TQLC già và trẻ, phụ nữ và đàn ông, gia đình tôi - đều rơi nước mẳt. Lệ chảy dài trên má tôi. Phía sau tôi, Joe nấc thành tiếng khàn khàn. Tôi lén nhìn lên Thượng sĩ nhất Lewis Lee, người mang quân hàm cao nhất trong nhóm TQLC. Da sạm nắng, ống tay áo xoắn lên cánh tay gân guốc, thân hình lực lưỡng, Thượng sĩ nhất Lee trông như người có thể nhai cả khẩu súng chứ chưa nói đến chuyện bắn súng. Những giọt lệ lấp lánh trên má ông.

        Miền đất thiêng liêng.

        Và rồi buổi tưởng niệm chấm dứt. Đã đến giờ bước lên chiếc xe van mà đi xuống Núi Suribachi.

        Trong những khoảnh khẳc cuối cùng được tự do trên đỉnh núi, anh em chúng tôi trở lại là những cậu bé con ngày nào. Chúng tôi chạy xuống triền dốc để thu nhặt vài mảnh đá làm kỷ niệm. Steve chụp ảnh cho Joe, Mark và tôi đang tè trên sườn núi Suribachi - động thái mà vài người lính TQLC đã làm vào ngày lá cờ được giương lên. Cuối cùng, chúng tôi lấy ra các bức ảnh mang theo trong chiếc xe van, tung lên trong ngọn gió đang thổi trên triền núi. Hình ảnh của những người thân thương trong gia tộc chúng tôi và của sáu chàng trai phát tán khắp miền đất thiêng liêng.

        Rồi tôi quay đến toán lính TQLC, những người xa lạ trong bộ quân phục giờ đã là những người bạn cùa chúng tôi - thành viên của gia đình chúng tôi.

        Tôi nói với họ: “Cảm ơn vì các bạn đã có mặt ở đây.” Và rồi những người trong gia tộc Bradley quay đi, để lại quả núi - và chẳng bao lâu hòn đảo - cho những hương hồn anh hùng.

---------------
        1. Ý tác giả nói vì TQLC là một binh chủng thiện chiến, khi nghe đến một “người lính TQLC xuất chúng” thì người ta dễ liên tường đến một “một sát thủ hung tợn”, nhưng ở trường hợp của Mike thì không như thế.

        1. Bài hát có điệp khúc khá thích hợp trong tình huống này: Tổ ấm, tổ ấm trên đồng cỏ/ Nơi hươu và linh dương chơi đùa/ Nơi hiếm khi nghe câu nói ngã lòng/ Và bầu trời cả ngày không có mây.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 07:58:47 pm »


Chương 2

NHỮNG CHÀNG TRAI MỸ
         
Mọi cuộc chiến đều như trò con trẻ, và được chiến đấu bởi trẻ con.

HERMAN MELVILLE       

        Nhưng không. Không có hồn ma. Đấy là điều mà tôi nhủ thầm khi truy tìm lịch sử: đưa những chàng trai trẻ này trở lại cuộc sống - hoặc một dạng thức cuộc sống nào đấy - đế cho họ sống lại trong hồi tưởng của dân tộc. Bắt đâu với cha tôi, và tiếp tục với 5 người kia.

        Đây là cách chúng ta luôn làm sống lại những người thân đã khuất, có phải thế không? Bằng cách kể những câu chuyện về họ, những câu chuyện thực. Trong quá khứ, người ta cũng làm thế. Làm sống lại quá khứ bằng cách kể những câu chuyện về quá khứ.

        Không phải là học giả hoặc nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng tôi nghĩ nếu bằng cách nào đấy tìm đủ tư liệu, tìm đủ những chiếc thùng cac-tông khác - đấy chỉ là cách nói - thì tôi sẽ làm được việc này. Tôi biết mình không thể làm việc đơn độc. Tôi cần đến những thân bằng quyến thuộc và chiến hữu của sáu chàng trai để tái tạo hình ảnh của họ.

        Tôi bắt đầu một cách đơn giản. Tôi mua một quyển sách viết về Iwo Jima để tìm hiểu. Rồi một quyển khác. Và một quyển khác. Tôi không còn nhớ tổng cộng bao nhiêu.

        Tôi tìm ra tên những người trong các quyển sách đã đọc, kể cả tên sáu chàng trai giương ngọn cờ.

        Rồi tôi bắt đâu truy tìm họ. Tôi muốn tiếp xúc với những người đã quen biết họ và thương yêu họ.

        Tôi gọi điện đến các văn phòng thị trưởng và cảnh sát nơi sinh quán của sáu người giương ngọn cờ, dò hỏi manh mối để tìm gặp người thân của họ. Tôi quay số điện thoại của họ mà trống ngực đập thình thịch. Qua tiếng chuông điện thoại reo tôi ngóng chờ câu trả lời đầu tiên “A lô?” từ một quả phụ, một người anh hoặc em của một trong sáu chàng trai đã giương cao ngọn cờ trên đỉnh Suribachi.

        Phải mất một lúc họ mới hiểu tôi là ai và tại sao tôi gọi điện đến. Nhưng cuối cùng họ đều cời mở - trong khi họ vẫn kín đáo nếu nhận các cuộc gọi từ người lạ hoặc từ giới báo chí.

        Những cuộc gọi, những cuộc trò chuyện bắt đầu chiếm thời gian của tôi trong nhiêu ngày. Rồi kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng. Tôi còn tìm kiếm những cựu chiến binh trở về từ Iwo Jima. Tôi cũng muốn nghe những hồi tưởng của họ.

        Tôi nhờ một đồng nghiệp chia sẻ công việc của tôi ở công ty để dành thêm thì giờ cho quá khứ của sáu chàng trai. Rồi tôi đi đến những nơi mà họ đã sống.

        Khi bạn đọc những dòng này, có lẽ tôi vẫn còn đang tìm kiếm thêm tư liệu. Có lẽ tôi chẳng bao giờ ngưng nghỉ.

        Nhưng tôi đã tìm ra được phần lớn những gì mình muốn biết.

        Tôi muốn tìm hiểu về họ như những người lính Thuỷ quân Lục chiến (TQLC), như những chiến binh và cũng là chiến hữu. Nhưng hơn thế nữa, tôi muốn biết về họ khi còn trẻ, là những cậu bé bình thường trước khi trở thành chiến binh.

        Tôi muốn tìm hiểu lai lịch gia đình họ. Và tôi muốn biết “Bức ảnh” đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của họ cho đến ngày hôm nay. Là đứa con của một người giương ngọn cờ sống dưới cái bóng phiền toái của bức ảnh - cái bóng từ một hình ảnh mà chúng tôi không bao giờ trông thấy rõ trong gia đình - tôi không hề biết gì về ảnh hưởng lâu dài của bức ảnh trong gia tộc. Tôi muốn biết gia tộc Bradley chúng tôi có điểm nào giống với năm gia tộc kia hay không.

        Khi nghe tôi hỏi, nhiêu người rơi nước mắt. Nhưng họ cũng mở ra cho tôi những cánh cửa tươi sáng, chói lọi của quá khứ.

        Ví dụ như thời niên thiếu của họ. Đây là thế giới muôn mặt rất lạ lẫm đối với tôi, lúc nào cũng lôi cuốn tôi: thế giới của thiếu niên Mỹ trong những năm ngay trước Thế chiến II.

        Suy cho cùng, phần lớn những người này vừa qua thời niên thiếu khi gia nhập quân ngũ. Trước lúc này, họ sống như trẻ thơ: đi săn, đi câu cá, đi xem chiếu bóng, nghe những chương trình phiêu lưu qua đài phát thanh, phụ giúp các buổi lễ nhà thờ, biết hẹn hò và yêu đương lần đâu. Và vì kinh tế khó khăn, họ phải phụ giúp cha mẹ trong công việc kinh doanh, trên cánh đồng trồng thuốc lá, trong mỏ than, trong nhà máy dệt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM