Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:12:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26292 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2018, 10:59:48 pm »


        Harlon không cảm thấy phiền hà gì trong trại tân binh ở San Diego. Chẳng bao lâu, ông đã có thói quen đội lệch chiếc mũ sắt, và nhanh chóng kết bạn.

        Joe Pagac là người chia sẻ giường tầng1 với Harlon Block trong chương trình huấn luyện. Hai người bạn mới cùng làm nhiệm vụ trong nhà ăn; việc này giúp họ có thời giờ rảnh rỗi từ đêm hôm trước đến trưa hôm sau. Họ cùng nhau đi chơi ở San Diego gần như mỗi tối. Họ cùng nhau chơi bóng gỗ. Đôi lúc Harlon kể cho bạn nghe về việc lái xe chở dầu đến Brownsville, cho người bạn biết mình yêu bóng đá Mỹ đến thế nào. Ông còn nói cho bạn biết về vẻ xinh đẹp và xanh tươi của Thung lũng (Joe vẫn nghĩ vùng này là khô cằn).

        Joe Pagac nhớ lại nhiệm vụ làm tốt trong nhà ăn. Không hề giống với những gì họ sẽ kinh qua sau này.

        Giống như Ira, Harlon cũng lấy làm hãnh diện đạt tiêu chuẩn lính dù của TQLC. Ông mời người anh Ed Block, Jr. đến dự khán cú nhảy đâu tiên của mình ngày 22/5/1943. Ed, Jr. nhớ lại: “Tôi đứng phía ngoài khu vực hàng rào để xem Harlon nhảy dù. Đêm ấy, chúng tôi ăn mừng ở nhà mình. Tôi hỏi Harlon cảm thấy thế nào khi nhảy xuống. Hắn nói: ‘Em sợ chết khiếp!’ Harlon cũng nói hắn làm đứt dây đeo đồng hồ khi nhảy ra khỏi máy bay. Hắn và vài người bạn lùng sục bãi đáp nhưng không thể tìm thấy chiếc đồng hồ. Harlon kể với tôi là trong cú nhảy vào tuần sau, khi chuẩn bị tiếp đất hắn giạng cả hai chân để tránh đáp lên chiếc đồng hồ!”

        Có một câu nói phổ biến trong binh chủng: chi có hai loại chiến binh TQLC: những người phục vụ ở hải ngoại và những người sắp được điều đi hải ngoại. Thế là, vào ngày 15/11/1943, Harlon xuống tàu để đi theo bước chân của Mike và Ira.

        Các đội Biệt kích là những đơn vị thiện chiến nhất trên vùng Thái Bình Dương, và Mike Strank nhanh chóng trở thành chiến binh rắn rỏi nhất của Biệt kích. Đây là đơn vị đã đưa từ “gung- ho”2 vào từ vựng của chiến binh Mỹ. Lính Biệt kích là những sát thủ thần kỳ vùng Nam Thái Bình Dương, tiền thân của Lực lượng Đặc biệt ngày nay. Họ phụ trách những Điệp vụ Khả thi: xông lên những bờ biển được xem là không thể tiếp cận trước khi quân chủ lực tiến công, thực hiện những cuộc tấn kích chớp nhoáng, bất ngờ với vũ khí hạng nhẹ chống lại quân đối phương đông người hơn, và đánh phá phía sau phòng tuyến đối phương trong thời gian dài bị cắt đứt liên lạc với bộ chỉ huy.
       
        Bây giờ, Mike đã cao hơn 1,8 m và cân nặng khoảng 90 kg, cơ bắp đều rắn chắc. Từ một thiếu niên làm việc trong hầm mỏ trở thành con người rắn rỏi, từ một nhạc công có tính hướng nội ông đã trở thành nhà chỉ huy dày dạn, có uy tín với thuộc hạ. Tài năng thiên bẩm mà ông thể hiện trong thời thơ ấu bây giờ được tập trung vào những phẩm chất tinh tế của cuộc đời một chiến binh TQLC. Mike ẩn giấu trí thông minh sâu sắc dưới lớp vỏ sôi nổi bề ngoài.

        Ông gia nhập Biệt kích theo hai mức độ dường như đối nghịch nhau. Con người chiến binh mới nổi trong ông nếm trải lợi thế của chiến thuật tấn công chết người. Cùng lúc, bản năng của người anh cả trong ông đáp ứng với quy chuẩn đạo đức của việc cộng tác và che chở lẫn nhau, của việc hoạt động bên nhau trong một đơn vị được liên kết một cách hài hòa. Dù sao chăng nữa, đấy là ý nghĩa của “gung-ho”: không phải là chủ nghĩa cuồng tín, mà là tình đồng đội và huynh đệ chi binh.

        Mike cùng với nhóm Biệt kích đổ bộ lên Uvéa và Pavuvu.

        Trận đánh Bougainville diễn tiến theo chiều hướng khác hẳn.

        Bougainville là bước kế tiếp trong chiến dịch nhảy từ đảo này sang đảo khác mà Guadalcanal là bước nhảy đầu tiên. Nếu chiếm được Bougainville (hòn đảo nằm về vị trí xa nhất theo hướng Bắc trong Quần đảo Solomon), quân Nhật sẽ bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi vùng Nam Thái Bình Dương.

        Bougainville là một địa ngục trần gian. Một sĩ quan chi huy TQLC sau này kể lại: “Chưa bao giờ những người lính TQLC phải chiến đấu và trụ lại trên địa hình khó khăn như ở Bougainville.” Có những con rết lớn bàng ba ngón tay khi đốt có thể gây nhức nhối cả ngày, bươm bướm lớn bằng con chim nhỏ, những khu rừng già dày đặc mà người gần như không thể đi vào được, những đám rừng đước chằng chịt, những con sông đầy cá sấu ăn thịt người, hàng triệu côn trùng, bốn loài chuột lớn hơn mèo nhà, và những cơn mưa như trút nước hằng ngày mang đến độ ẩm làm con người kiệt sức. Và có những ngôi đền thờ đầu lâu linh thiêng, gợi nhớ đến thời xa xưa của những bộ lạc săn đầu người và ăn thịt người.

        John Monks, Jr. mô tả khung cảnh trong đêm theo lời một lính TQLC trên đảo Bougainville: “Từ 7 giờ tối đến sáng hôm sau, người lính chỉ biết nằm run rẩy với những ý nghĩ căm ghét và cầu nguyện - quần áo ướt sũng, lạnh rét, kiệt sức nhung vẫn không ngủ được - trong khi chung quanh nhung nhúc những rết, kỳ nhông, bọ cạp và muỗi mòng. Nhưng người lính vẫn phải cố trụ vững. Họ không dám ho, không dám ngáy, và khi trở mình phải tránh gây tiếng động. Còn sống được đến giây phút này đã là điều quá tuyệt vời.”

-----------------
        1. Giường tầng: gồm hai, có khi ba giường cá nhân chồng lên nhau.

        2. Gung-ho: xuất xứ từ tiếng Quảng Đông “công hợp,” nói tắt từ “công nghiệp hợp tác xã”, được lính Mỹ hiểu là “hăng hái”, dần dà trở thành tiếng lóng trong Anh ngữ, tương tự như ta nói “hăng tiết vịt”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:02:44 pm »


        Sau khi đã chiến đấu trên một số đảo vùng Thái Bình Dương, Chuck Abies gọi Bougainville là “địa ngục trần gian tồi tệ nhất mà tôi từng kinh qua trong đời.”

        Còn có một vấn đề khác: quân Nhật cố thủ, không thể xác định chính xác được quân số và vị trí của họ dưới tán lá rừng rậm rạp.

        Vào tháng 8/1943, Mỹ bắt đầu mở các cuộc không kích và kéo dài suốt mùa thu. Nhằm đánh lạc hướng, trong tháng 10 Mỹ đổ quân lên các hòn đảo kế cận, cùng lúc TQLC đổ bộ lên Bougainville theo chiến lược bao vây. Trong số này có Ira Hayes đổ bộ lên Vella Lavella vào tháng 10, và Harlon Block đổ bộ lên New Caledonia bốn ngày trước Giáng sinh. Đối với hai chàng trai này, huy hiệu nhảy dù mà họ phải gian nan mới đạt được đã lùi vào quá khứ. Những gì họ sẽ kinh qua trên đảo Bougainville sẽ thay đổi toàn diện cuộc đời họ.

        Trong khi những biến cố lớn lao ấy đang cấp tập diên ra trên vùng Thái Bình Dương, một anh trai trẻ có tính tình hiền hòa ở Appleton, Bang Wisconsin, đang cẩn trọng chuẩn bị cho nhiệm vụ của mình.

        Vào tháng 1/1943, cha tôi 19 tuổi. Sau khi rời trường trung học hai năm trước, ông vừa hoàn tất thời gian tập việc dịch vụ mai táng kéo dài 18 tháng. Nhưng ông sẽ được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự bất cứ lúc nào.

        Đã từng là lính bộ binh và hiện đang làm nhân viên pha rượu trong một khách sạn ở Appleton, ông nội tôi khuyên cha tôi nên gia nhập Hải quân. Ông nghĩ đứa con sẽ được ngủ trên giường sạch sẽ, không phải trong những giao thông hào hôi thối mà ông đã từng kinh qua (Ông có lời khuyên thẳng thừng hơn cho những người cha khác: “Bảo đứa con gia nhập Hải quân; dù có chết nó vẫn còn sạch sẽ và được no bụng”).

        Thế là ngày 13/1/1943, cha tôi cùng bạn nối khố Bob Connelly từ Appleton vẫy xe đi nhờ đến Oshkosh để đăng ký gia nhập Hải quân Hoa Kỳ. Ông nội tôi đã tự thuyết phục mình và thuyết phục cha tôi rằng Hải quân sẽ xét đến việc học nghề dịch vụ mai táng và điều cha tôi vào một vị trí tương đối an toàn, như là làm trợ lý dược sĩ.

        Ông nội tôi chỉ đúng có một nửa khi Hải quân chỉ xét đến việc học nghề dịch vụ mai táng của đứa con.

        Nhân viên tuyển mộ ở quê nhà đã bảo với cha tôi rằng, ông sẽ được điều đến căn cứ hải quân Great Lakes, cách Appleton không xa. Nhưng khi chữ ký trên đơn tình nguyện vừa ráo mực, cha tôi và Bob được đưa vào trung tâm huấn luyện hải quân rộng lớn ở một nơi xa xôi: Farragut, Bang Idaho.

        Điểm đến đầu tiên của hai chàng trai là Milwaukee, nơi họ đứng khỏa thân bên nhau để được kiểm tra sức khỏe. Rồi họ đáp một chuyến tàu hỏa chạy bằng củi đi về hướng Tây trong ba ngày. Hai người đã không tiên liệu một cuộc phiêu lưu như thế.

        Lúc 4 giờ sáng ngày 10/2/1943, với thể chất mệt nhọc nhưng tinh thần như là người đi nghi hè, họ xuống tàu ở Athol, Bang Idaho, để lên một xe buýt của Hải quân hướng đến Farragut. Nơi đây lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy núi non, họ bị cạo trọc đầu, bị nhiễm một loại vi-rút gọi là “sốt mèo”, trải qua phần lớn thời gian trong thời tiết rất lạnh. Họ tập chèo thuyền trên mặt hồ buốt giá, tám người ngồi mỗi bên, bắt đâu mơ về cuộc sống thoải mái trên một con tàu hải quân.

        Vào tháng Ba, chàng trai trẻ Jack Bradley nhận thêm một ngạc nhiên điếng người: Ông được đưa vào đội Ong Biển - lực lượng công binh của Hải quân thường được giao nhiệm vụ làm đường và sửa chữa đường sắt dưới hỏa lực của đối phương. Bob Connelly kể lại với tôi: “Cha anh xông vào văn phòng để hỏi lý do. Họ bảo vì ông ấy bị mù màu. Cha anh không bao giờ biết được tại sao họ muốn tuyển lính Ong Biển bị mù màu, nhung ông ây đùng đùng nổi giận. Theo ông được biết, lính Ong Biến làm việc rất khổ cực và chiến đấu trên đất liền. Ông ấy nói với họ: ‘Tôi không bị mù màu! Tối qua tôi uống một chai bia! Kiểm tra tôi lần nữa đi!”

        Connelly cười khúc khích nói: “May là cả cha anh và tôi đều không muốn dùng súng.”

        Cha tôi được thỏa nguyện: ông không phải phục vụ cho lực lượng Ong Biển. Ông nghĩ mình được may mắn mà không phải phục vụ tiền tuyến, nhưng chính việc này lại đưa ông đến trận đánh tồi tệ nhất trong lịch sử của TQLC.

        Nhưng cha tôi còn phải làm vài công tác khác. Vào mùa thu 1943, lúc Harlon đi tàu đến Nam Thái Bình Dương, cha tôi được thuyên chuyển đến Bệnh viện Hải quân Oaknoll tại Oakland, Bang California. Đấy là nhiệm vụ mà ông mong ước.

        Nhưng ông vẫn phục vụ gần gũi chiến binh. Nhiệm vụ của ông là thay băng cho thương bệnh binh trở về từ chiến trường Thái Bình Dương, đổ bô, phát thuốc giảm đau, điều chinh ống truyền dịch cho họ. Những công việc này đối với ông hãy còn mới mẻ và trông vẫn còn trẻ tuổi, nhưng đối với các thương bệnh binh 17 và 18 tuổi, ông trông già dặn hơn. Họ gọi ông một cách thân tình: “Doc”1.

--------------------
        1. Tương tự như cách người Việt gọi thân mật là “đốc tờ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:03:49 pm »


        Cha tôi nghĩ ông đã đạt được mục đích, làm việc với bác sĩ và y tá trong môi trường sạch sẽ, ngăn nắp. Và còn có cơ hội đi chơi cuối tuần ở Thành phố San Francisco chi cách một con vịnh. Bill Shoemer, người đã làm việc với cha tôi tại dịch vụ mai táng của cha ông ở quê nhà Appleton, bây giờ là thủy thủ, nhận được bức thư của người bạn thân khi lênh đênh trên một chiếc tàu: “Jack đùa cợt về việc tôi phục vụ trên Thái Bình Dương trong khi anh ấy làm việc ở Okland được tự do thoải mái.”

        Nhưng đối với cha tôi, chẳng bao lâu ông không còn được tự do thoải mái nữa.

        Rene Gagnon đầu quân vào tháng 5/1943, hai tháng sau sinh nhật lần thứ mười bảy. Ông vẫn làm việc tại khu công nghiệp dệt Chicopee cho đến ngày nhận giấy báo nghĩa vụ quân sự. Một người bạn của ông cho biết điều gì đã khiến ông đi đến quyết định. Đấy không phải do lòng sục sôi sau vụ Trân Châu Cảng. Đấy không phải là hứng khởi sau trận Guadalcanal. Sự việc đơn giản hơn nhiều. Khoảng thời gian ông nhận giấy báo nghĩa vụ quân sự, ông đã nhìn thấy tấm pa-nô tuyển mộ TQLC và cảm thấy choáng ngợp vì bộ quân phục đại lễ gồm hai màu xanh dương và trắng rất hợp thời trang. Theo như bạn ông kể lại, thái độ của ông là: Dù sao thì cũng phải tòng quân, thế thì nên tòng quân cách nào để được ăn mặc đẹp.

        Sau khi đã bí mật hứa với Pauline rằng mình sẽ trở về để làm lễ cưới, Rene được điều đến Đào Parris ở Bang South Carolina. Tháng 7/1943, ông mang quân hàm binh nhất và được điều đến Đại đội Bảo vệ TQLC tại doanh trại Hài quân Charleston, Bang South Carolina. Giống như trong đời sống dân sự, có vẻ như sự nghiệp TQLC của ông sẽ không đi đến đâu cả, nhưng cuối cùng có thay đổi.

        Không có nhiều chi tiết vê những gì Mike, Ira và Harlon đã kinh qua trên Đào Bougainville. Chúng ta chỉ được biết rằng Mike phục vụ ở đấy lâu nhất, chiến đấu gian khổ từng ngày.

        Lúc này Mike đã nhìn thấy quá nhiều binh sĩ dưới quyền ngã xuống kế bên mình trong khi ông vẫn quan tâm đến sự an nguy của họ. Ông đã nghe những lời trăng trối của họ, nhìn thấy những dòng lệ chảy từ đôi mắt của họ trước khi đôi mắt ấy khép lại lần cuối cùng.

        Lúc trời mờ sáng ngày 1/11/1944, cùng với 14.000 chiến binh của Sư đoàn 3 TQLC, Mike đổ bộ lên Đảo Bougainville, vượt qua những ngọn sóng lớn. Chiếc tàu đổ bộ lắc lư như đưa võng, một SỐ tàu va vào nhau. Đối với vài người lính trẻ, cú nhảy đầu tiên từ tàu đổ bộ xuống những ngọn sóng là hành động cuối cùng trong đời: họ chết đuối ngay khi rơi xuống vùng nước sâu.

        Quân Nhật bằn súng máy và pháo tới tấp đến vị trí Mike và đồng đội đang đổ bộ. Sự chống cự của quân Nhật mãnh liệt đến nỗi TQLC không thể phát hiện chính xác vị trí đối phương. Trong vòng vài phút, bãi biển vương vãi đầy máu, thây người và quân dụng.

        Mike và đồng đội không hề nhìn thấy người lính Nhật nào; không ai trong đoàn quân đổ bộ thấy được. Những cuộc đổ bộ trong chiến dịch Thái Bình Dương đều diễn ra trong tình trạng như thế. Quân Nhật ẩn nấp dưới tán rừng già tỏa ra đến tận bờ nước. Họ còn được bảo vệ bởi những boong-ke bê-tông, cũng là điều thường thấy từ đảo này qua đảo khác. Ở Bougainville, trước khi đổ bộ Hải quân Mỹ đã bằn phá nhằm triệt hạ những vị trí boong-ke này, nhưng không trúng vị trí nào. Hải quân đã chọn giải pháp an toàn, bắn phá từ khoảng cách trên 11 km. Một sĩ quan quân sự TQLC sau này tóm tắt: “Kế hoạch bắn phá không đạt kết quả gì cả.” Vì lý do này, nhiều người lính trẻ TQLC ngã xuống xung quanh Mike.

        Những người tiến sâu được vào bờ bắt đầu tiến vào một địa ngục trần gian. Một sĩ quan TQLC sau này nhớ lại là ông bắt đầu ngày này “với bít-tết và trứng được hầu bàn dọn trên khăn bàn tráng tinh, rồi ba tiếng rưỡi đồng hồ sau xuống tàu đổ bộ lên bờ, nằm lăn trên nền giao thông hào, cố dùng lưỡi lê để giết một người khác.”

        Trung sĩ Mike tiếp tục chiến đấu trong hai tháng cho đến khi chiến dịch kết thúc.

        Ira đã tình nguyện đầu quân để mong “bảo vệ gia đình”, cảm thấy tự hào là thành viên của một bộ lạc khác: Thủy quân Lục chiến. Nhưng Ira có tính thụ động; chưa ai từng thấy ông to tiếng, huống hồ gì đánh đấm ai. Nhưng Ira bắt buộc phải giết người, không phải từ khoảng cách như khi tập bắn, mà là khi cận chiến.

        Sáng tinh sương ngày 3/12, Ira đổ bộ lên Bougainville. Đại đội cùa ông bước lên hòn đào mà không gặp phải sức kháng cự nào, nhưng quân Nhật vô hình vẫn theo dõi họ. Đồng đội Jack Charles của Ira kể lại: “Một tháng sau khi chúng tôi đổ bộ lên đảo, đã đọ súng vài lần trong khi đi tuần tiễu và khi ở trong đội hình của Sư đoàn 3 TQLC, tôi có thể trung thực nói rằng rất ít người trong chúng tôi thấy được quân Nhật. Rừng già vô cùng rậm rạp. Họ luôn mang theo đồng đội bị thương và tử trận... Họ là bậc thầy về thuật ngụy trang.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:04:18 pm »


        Gần cuối ngày thứ nhất sau khi đổ bộ, trưởng toán tuần tiêu của Đại đội K phái Ira Hayes và vài binh sĩ đi trước để thám thính. Các chàng trai lần mò khoảng hơn một kilomet thì đến một con suối. Một đại đội quân Nhật đang tắm táp trong dòng nước mà không nhận ra sự hiện diện của nhóm lính Mỹ. Cả toán thám thính quay về báo cáo tình hình. Đại đội K tổ chức phòng vệ trong đêm, tránh gây tiếng động để đề phòng bị phát hiện. Một cơn mưa ập xuống khiến cho các chàng trai đang kinh hãi bị ướt sũng. Họ không dám đứng lên khỏi hố cá nhân ngập nước vì sợ bị bắn tỉa.

        Bình minh. Và một ngày lê thê với nóng bức và bị chôn chân tại chỏ. Chiến binh của Đại đội K cố thu mình ẩn núp, người hôi hám vì mồ hôi của chính mình, nhìn thấy những đơn vị quân Nhật đông hơn đi ngang qua gần như trong tầm tay với. Thêm một đêm trôi qua.

        Đêm ấy, tuổi thơ của Ira biến mất hẳn. Ông đang cùng chung một hố cá nhân với Bill Faukner. Ông này nhớ lại: “Chúng tôi thay phiên nhau ngủ và canh gác; có một lúc Ira đang ngồi ở một góc với khẩu súng trường đặt giữa hai đùi, còn tôi thì thu mình vào góc kia để cố chợp mắt.”

        Faukner giật bắn mình vì những tiếng thét khủng khiếp. Ông kinh hãi cố tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra giữa tiếng nước bán tung tóe trong màn đêm. Ira đang loay hoay với khẩu súng trường có lưỡi lê cắm ở đầu súng. Một người lính Nhật đang bị găm trên lưỡi lê, vẫn còn kêu thét. Kè thâm nhập đã im lặng bò sát đến miệng hố cá nhân rồi nhảy xuống với ý định giết hai chàng trai trẻ Mỹ. Trong màn đêm dày đặc, hẳn không nhìn ra mũi lưỡi lê đang chĩa lên trên, bây giờ đang lấy đi mạng sống của hẳn.

        Sáng hôm sau, những người còn lại trong trung đội của Ira được lệnh thu thập xác của những người lính đã ngã xuống trên triền đồi ngày hôm trước. Vài người bị hỏa lực súng máy của Nhật đốn ngã. Họ rút về, gọi pháo binh yểm trợ. Sau 45 phút, pháo ngừng bắn, những người lính dù tiến lên, lần này chi còn những tiếng súng bắn tỉa lẻ tẻ.

        Một lính TQLC tên Dobie Fernandez kể lại cảnh kinh hoàng. Ông còn nhớ cơn mưa tầm tã làm thây người rữa ra đến mức không thể nhận dạng được và mùi hôi thổi đến gần như ngạt thở.

        Bill Faukner cũng còn nhớ như thế: “Khi tiến đến khu vực họ ngã xuống, chúng tôi thấy bọn Nhật đã dùng miếng khúc gỗ đâm xuyên qua ngực và tay chân đế ghim thân người lính Mỹ trên mặt đất. Một lính TQLC tìm thấy xác người anh của mình như thế.”

        Ira Hayes chiến đấu cho đến cuối trận đánh, vẫn ít nói như bao giờ, ngoài mặt không lộ cảm xúc cho ai thấy. Nhưng bây giờ, tâm tư ông vương vấn những tiếng thét của người đang giãy chết; hai bàn tay ông đã giữ vững khẩu súng trường với lưỡi lê xuyên qua một thân người đang giãy giụa. Không rõ có phải những cơn ác mộng và hồi ức ám ảnh ông sau này bắt đâu từ đây hay không. Tất cả những gì ông kể về Bougainville khi biên thư cho bà mẹ là: “Con vẫn bình thường, nhờ ơn Thượng đế.”

        Harlon Block được điều đến Bougainville ngày 21/12, chỉ vài ngày trước khi hòn đảo này được báo cáo là an toàn trong tay quân Mỹ. Những chàng trai trẻ Mỹ như Harlon lớn lên trong thập niên 1930 thì không biết gì về cảnh khủng khiếp trong chiến tranh: không có tivi; phim ảnh đều được chọn lọc để chỉ cho thấy hình ảnh hào hùng của chiến trận; các chương trình phát thanh chỉ để giải trí. Ngay cả hình ảnh thật sự của thế giới cũng hiếm hoi - tờ báo ảnh đâu tiên Life phải đến năm 1935 mới ra số đầu tiên.

        Nhưng Harlon Block nhìn thấy thực tế đầy rẫy khi ông chiến đấu gần rặng núi Hellzapoppin. Khi tiến đến trận địa, ông nhìn ra quang cảnh khủng khiếp của những thân cây xác xơ và lùm bụi cháy rụi, xác người chìm trong lớp bùn nhớp nhúa; những con suối cũng vương vãi thây người trương sình. Lính bắn tỉa Nhật còn vắt vẻo chết trên những cành cây. Lân đâu tiên, tín đồ Cơ đốc Phục lâm Harlon nhìn thấy bản chất tàn ác của nhân loại khi lê bước qua những thây người cả Mỹ lẫn Nhật.

        Quân Nhật vẫn chưa bị đánh bại hẳn. Khi lính TQLC tiến lên, một khẩu súng máy và pháo Nhật khai hỏa vào đội hình họ. Quân Nhật mở đợt phản công vào sườn trái của TQLC. Harlon Block lâm vào cảnh giáp lá cà từ gốc cây này đến gốc cây khác. Với dao găm, súng và tay không, anh chàng người Texas chiến đấu giữa những tiếng la thét hỏn loạn bằng tiếng Nhật lẫn tiếng Anh. Ý niệm tách bạch về thế nào là điều phải và thế nào là điều trái bị xóa nhòa trong trận đánh khốc liệt để sống tồn. Cuối cùng, những người còn sống sót của cả hai bên đều rút lui để chịu đựng thêm một đêm và chiến đấu vào ngày khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:05:50 pm »


        Người yêu Catherine Pierce của Harlon viết thư đều đặn cho ông suốt cuộc chiến. Bà còn nhớ những lá thư của ông cho thấy ông có cảm nghĩ đau đớn về chiến trận. Ông viết trong nỗi ám ảnh về việc phóng mình ra khỏi thân máy bay, về việc nhảy dù xuống một vùng đất lạ. Và về Bougainville.

        Harlon đã gia nhập quân ngũ ở tuổi 18, với ước mong đi cùng đội bóng Weslaco của mình. Ông đã không thể mường tượng ra cảnh kinh hoàng phía sau những ý niệm “chiến đấu vì đất nước” và “thi hành nghĩa vụ.” Bây giờ, khi đã biết được nghĩa vụ của mình đích thực là như thế nào, những ý niệm quang vinh đã mờ nhạt.

        Có chuyện gì đây xảy đến cho Mike, Ira và Harlon trên Đảo Bougainville. Sau này, họ không bao giờ nói về chuyện này, không bao giờ cho biết chính xác chuyện gì đã ảnh hưởng đến họ như thế. Nhưng cho đến ngày cuối cùng trong đời, đầu óc họ vẫn luôn vương vấn về cái chết.

        Vào giũa tháng 1/1944, ba người lính được đưa về nhà trên những con tàu khác nhau. Họ được rảnh rỗi một tháng để nhìn ra biển khơi và suy tư với những ý nghĩ của riêng mình trước khi được chuyển đến San Diego ngày 14/2/1944.

        Vào lúc này, Franklin Sousley đang nếm trải hương vị đầu tiên của đời làm lính TQLC. ông đã gia nhập TQLC ngày 5/1 và đi trình diện tại phòng tuyển quân ở San Diego nhằm chuẩn bị nhập trại tân binh.

        Đồng đội Tex Stanton của Franklin Sousley nhớ đến trại tân binh như là “những tuần lễ huấn luyện đơn điệu, học cách diễu hành, cách tuân thủ mệnh lệnh, cách sử dụng súng trường, và cách trở thành một chiến binh TQLC thực thụ.”

        Tex nhớ về Franklin như là “một anh chân quê người cao lớn có mái tóc hung đỏ,” ra vẻ nghiêm túc để chứng tò mình là lính TQLC. Nhưng không ai nói rằng chiến tranh phải là hoàn toàn nghiêm túc. Đối với Franklin Sousley thì không ai nói thế.

        Ông lập tức để ý đến có điều gì đấy lý thú trong lời của bài hát mà tất cả phải thuộc lòng, “Bài ca Thủy quân Lục chiến”: Từ đại sảnh Montezuma/ Đến bờ biển ở Tripoli/ Ta chiến đấu cho nước nhà ta/ Trên không, trên đất tuôn ra biển cả.

        Franklin để ý rằng những ca từ này có thể được hát lên theo âm điệu khác, đặc biệt là âm điệu khàn khàn của bài “Đại pháo Wabash”: “Hãy lâng nghe chuông ngân vang/ Tiếng gầm gừ và tiếng ầm ầm/ Khi cô nàng lướt qua bạt ngàn/ qua núi rừng và qua sóng gầm” Franklin lấy làm vui sướng cất lên lời ca qua giọng mũi cho bất kỳ anh lính mới tò te nào chịu khó nghe, ông vừa hát vừa lấy tay đập đập khẩu súng như là đang chơi đại vĩ cầm. Nhờ thế mà ông lấp đầy thời giờ mệt mỏi.

        Franklin luôn gây trò cười cho các tân binh, nhưng trong một lá thư gửi mẹ, ông cho thấy sự thách thức đối với một chàng trai trẻ sống xa gia đình:

        Con nghĩ đây là lần đầu tiên trong đời mình thấy nhớ nhà. Nêu hồi còn ở nhà mẹ có ngược đãi con thì bây giờ con quên cũng dễ, nhưng mẹ đối với con quá tốt nên khi người ta quát mắng thì con lại nghĩ về mái ấm gia đình.

        Người bạn thân Pee Wee Griffiths kể về ông: “Franklin là chú nhóc bự con với mái tóc hoe vàng. Anh ấy ì ạch lê thân người từ nơi này đến nơi khác, nói năng lè nhè trong âm giọng Kentucky. Anh ấy là một cậu bé chân quê lúc nào cũng tươi cười.”

        Vào thời gian tháng 1/1944 này, Binh nhì Rene Gagnon, 18 tuổi, đang phục vụ một đơn vị Quân cảnh phụ trách bảo vệ Công xưởng Hải quân ở Charleston của Bang South Carolina. Ông đã trải qua mùa hè 1943 nóng bức và ẩm thấp trong trại tân binh trên Đảo Parris. Những tân binh cùng tham gia huấn luyện với ông sau này không còn nhớ gì về ông ngoại trừ ông là “anh chàng hiền lành”. Nhưng có một điều đặc biệt: trong quân phục đại lễ, anh chàng người Mỹ gốc Pháp “trông giống một ngôi sao điện ảnh”.

        Tháng Giêng năm này, đoạn đời an bình của cha tôi đến hồi thay đổi. Một đông đội quân dược tá báo cho cha tôi biết ông được thuyên chuyển đến Trường Quân y Dã chiến. Có nghĩa là ông được thuyên chuyển qua TQLC, để trở thành quân y tá chiến trường. Tin này là không hay. Ông chạy vội xuống xem bảng danh sách thuyên chuyển và thấy tên mình trong đó. Ông hẳn phải cảm thấy choáng váng. Ông đã gia nhập Hải quân với mục đích tránh tác chiến trong Lục quân. Thế mà giờ đây ông thấy mình là thành viên của một binh chủng dạn dày nhất thế giới.

        Trường Quân y Dã chiến gần San Diego đào tạo quân y tá của Hải quân để chăm sóc lính TQLC trên chiến trường. Học viên tham dự những lớp học về kỹ năng cứu sống con người, và cha tôi cũng phải trải qua sự huấn luyện tác chiến gian khổ như mọi anh lính thủy khác. Tức là phải trở thành một chiến binh TQLC rắn rỏi.

        Quân y tá John Overmyer kể lại: “Chúng tôi đã kinh qua trại tân binh của Hải quân, nhưng chương trình huấn luyện của TQLC còn khẳc nghiệt hơn. Những chiến binh kỳ cựu huấn luyện chúng tôi. Họ làm cho chúng tôi hiểu rõ rằng một ngày nào đấy chúng tôi sẽ phải áp dụng những kỹ năng quân y dưới làn đạn. TQLC tỏ ra nghiêm túc về mặt này.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:06:21 pm »


        Quân y tá Gregogy Emery nhớ lại: “Lính Hải quân chúng tôi bị cú sốc nặng khi bước vào trường TQLC. Chúng tôi thấy ngay kỷ luật và những đòi hỏi của TQLC. Không có trại huấn luyện nào của binh chủng khác sánh bằng TQLC. Ngay từ giây phút đâu tiên chúng tôi đã nhận ra điều đó.” Cha tôi phải mặc quân phục TQLC, đeo thẻ bài TQLC. Ông được xem phim ảnh chiến đấu cùa TQLC và tập bẳn súng lục nòng .45. Ông phải dậy lúc sáng tinh mơ để tập hành quân với lính TQLC vốn không bao giờ biết mệt.

        Ông được xem những cảnh quay thực sự lính TQLC bị thương tích ghê rợn trên chiến trường. Quân y tá Overmyer nhớ lại: “Chúng tôi học cách bò dưới hỏa lực để giải cứu người bị thương. Chúng tôi học làm nẹp bó vết thương bằng cỏ, giấy, cành cây, và bất cứ thứ gi.”

        Nhiều năm sau, tôi hỏi ông điều khác biệt nào giữa hai chương trình huấn luyện của Hải quân và TQLC. Ông đáp ngay: “Niềm tự hào. Khi được huấn luyện theo truyền thống TQLC, người ta cảm thấy một niềm tự hào khác hẳn. Binh chủng TQLC làm cho chúng tôi cảm thấy chúng tôi là thành viên của một đội ngũ đặc biệt.”

        Trong tháng 2 và 3/1944, cha tôi tiếp tục theo học khóa huấn luyện quân y tá trong khi Rene được điều về miền đông. Cũng vào thời gian này, Franklin được phép về thăm nhà sau khi hoàn tất khóa huấn luyện ở trại tân binh, còn Mike, Ira và Harlon cũng được nghỉ phép sau khi về đến San Diego.

        Đối với dân thường, chiến tranh không có gì là khó hiểu. Hàng hàng lớp lớp người và chiến cụ tiến ra tiền tuyến, trong khi người người vẫy cờ và những bài quân ca vang lên. Đối với nhũng người ở hậu phương thì chiến tranh là rõ ràng và có logic.

        Những chiến binh trở về từ tuyến đâu nhanh chóng nghi ngờ ý thức về chiến tranh. Những hình ảnh khủng khiếp mà họ không thể hiểu nổi lấp đầy ý nghĩ của họ, dằn vặt đầu óc của họ. Hoang mang và chết lặng, họ không thế thổ lộ tâm tư với những người ở hậu phương, vốn không thể thấu hiểu mọi nỗi niềm của họ chi qua ngôn từ.

        Mike, Ira và Harlon - ba chiến binh trở lại địa ngục tăm tối của Thái Bình Dương - bây giờ kề cận với cái chết. Hai người tin rằng trận chiến kế tiếp sẽ là trận chiến cuối cùng của mình. Còn người kia sống mòn mỏi thêm 10 năm trước khi thoát khỏi cơn ác mộng.  Khi bước lên bờ ở San Diego, Ira biên thư cho cha mẹ. Ông vẫn tỏ ra hào hứng trong thư: “Con đã về đến Dago... đến đây vào ngày thứ Hai cùng với cả trung đoàn. Tụi con được nghi phép 30 ngày bắt đầu từ thứ Hai... Con sẽ về thăm nhà càng sớm càng tốt.

        Vài ngày sau, ông về đến Khu Bảo tồn Gila. Ngay khi ông từ xe buýt bước xuống, mẹ Nancy của ông đã nhận ra đứa con trai có nhiều thay đổi.

        Mẹ Nancy thấy ông, ở tuổi 20, đã trở nên vạm vỡ hơn. Sau thời gian huấn luyện ở trại tân binh anh tăng thêm 7 kg cơ bắp và vẫn giữ như thế trong cơn ác mộng ở rừng già Bougainville. Chàng trai thanh mảnh ít nói ngày nào đã trở thành một thanh niên rắn rỏi.

        Nhưng bà mẹ nhận thấy sự thay đổi thực sự là về tư thái. Mẹ Nancy nghĩ ông trông lạ lẫm trong bộ quân phục. Trở nên già dặn hơn nhiều so với trước đây. Trước đây lúc nào đứa con cũng có gương mặt trang nghiêm, đĩnh đạc. Nhưng bây giờ trông càng lầm lì hơn. Hầu như không thể nở nụ cười.

        Mẹ Nancy nghĩ trước đây đứa con lúc nào cũng có vẻ nghiêm nghị. Nhưng bây giờ nhiều khi ông còn tỏ ra u uẩn.

        Ira không bao giờ nhìn nhận chuyện gì làm cho mình phiền muộn. Nhưng trong một lá thư gửi về từ Bougainville cho mẹ, lần đâu tiên ông ngụ ý nói đến những hồi ức sau này sẽ ám ảnh mình suốt đời: “Tụi con mất vài đứa bạn thân nhất... mà nhớ lại chi thấy buồn.”

        Khi sắp hết hạn nghi phép, cha mẹ ông lại tổ chức một tiệc tiễn đưa. Khách mời là các nhà lãnh đạo bộ tộc, các cha bề trên trong nhà thờ, và ca đoàn.

        Sau khi ăn uống xong, hội đồng bộ tộc yêu cầu ông phát biểu. Ira chậm chạp đứng lên và cất tiếng. Ngôn từ của ông vẫn chín chắn và hiền hòa, nhưng không còn là ngôn từ của một chú nhóc. Bây giờ, một người đàn ông đang phát biểu, người đàn ông đã kinh qua nhiều biến cố.

        Ông nghĩ về tình chiến hữu. Ông ca ngợi những đồng đội TQLC vì họ đã tỏ ra dũng cảm, vô vụ lợi, trong tình huynh đệ chi binh. Ira nhận xét: “Họ sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi.” Để kết luận, Ira hứa sẽ không bao giờ gây ô nhục cho bộ tộc mình. Khi ông dứt lời, mọi người đến ôm hôn ông một cách nồng ấm. Trong khi ca đoàn ngân giọng, ông khóc rấm rứt. Và rồi ông trở lại chiến trường.

        Mike Strank trở lại Quận Franklin sau khi bị vùi dập trong chiến trận, còn mang thêm bệnh sốt rét từ Đảo Bougainville.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:06:46 pm »


        Hai người bạn Mike và Eva Slazich dẫn ông đi chơi ở thị trấn. Họ đi xem một phim chiến tranh. Slazic hỏi bạn mình nghĩ gì về truyện phim. Mike Strank nhỏ nhẹ nhận xét: “Thực tế không phải vậy.”

        Sau buổi tối đi chơi, Mike quay qua bạn mình, nói: “Mình không chắc sẽ gặp cậu lần nữa. Mình không nghĩ sẽ có ngày trở về.” Slazich cảm thấy sốc, đáp: “Đừng nói thế!”

        Mike tin chắc rằng trận đánh kế tiếp của mình sẽ là trận cuối cùng. Nhưng cha mẹ muốn ông sống, và sống trên nước Mỹ, lánh xa cuộc chiến. Vào một buổi tối, người cha kêu Mike đến ngồi nói chuyện ở bàn ăn trong nhà bếp. Người cha hỏi liệu có cách nào Mike xin làm nhiệm vụ huấn luyện trên đất Mỹ để gia đình được gặp ông thường xuyên hơn.

        Với thể chất mệt nhọc vì bệnh sốt rét, Mike tin rằng mình sẽ không bao giờ trở về nhà lần nữa. Ồng nhìn vào đôi mắt của người cha và nói: “Cha ạ, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn ngoài kia. Các chàng trai trẻ đang chiến đấu. Và cha ạ... họ cần con giúp sức.”

        Trước khi ra đi, Mike kéo em gái qua một bên để nhắn nhủ. Ông khuyên em gái tiếp tục chăm sóc cha mẹ, trau dồi Anh ngữ để tiếp tục viết thư cho mình.

        Ông nói với đứa em gái Mary 11 tuổi: “Em hãy tiếp tục viết thư cho anh. có thể em không nhận được hồi âm nhưng cứ tiếp tục viết.” ít ngày sau ông ra đi. Cô em nhỏ Mary đã không bao giờ gặp lại anh mình nữa.

        Harlon Block nghi phép về thăm nhà ở miền đông Bang Texas, và cũng cho rằng đấy là lần cuối cùng. Trong kỳ nghỉ phép này, giữa vùng trồng chanh đang phát đạt, Harlon làm những việc mà mẹ Belle, cha Ed và bạn bè của ông không bao giờ hiểu được. Ông đi lang thang trong vùng đầm lầy gần Rio Grande đầy loài muồi gây sốt rét. Ông muốn bị nhiễm sốt rét. Đấy không phải là do hèn nhát. Harlon chỉ hy vọng nếu ông bị bệnh thì đó là ý muốn của Thượng đế rằng mình sẽ không phải trở ra tiền tuyến mà tiếp tục giết người.

        Nhưng những con muỗi mang mầm bệnh sốt rét không hề tìm đến ông. Thượng đế không muốn Harlon Block thoát nợ trần gian một cách dễ dàng như thế. Khi nhận ra điều này, Harlon bắt đầu chuẩn bị tư tưởng cho những người thân cận với ông về cái chết sắp đến của mình.

        Không phải cho tất cả mọi người. Ông không đả động gì với mẹ Belle và cha Ed. Nhưng ông nói chuyện với Jean, là vợ của người bạn thân Leo Ryan thủa còn chơi bóng. Ông gặp Jean trong văn phòng của bà ở trại mồ côi Sunny Glen do giáo hội tổ chức; Jean là thư ký điều hành cho vị giám đốc ở đây. Ông mời bà đến một quán cà phê thành phố. Trong khi hai người đang nhâm nhi ly cà phê, ông chỉ nói đơn giản: “Tôi không nghĩ mình sẽ trở về lần nữa. Tôi đã hưởng hết vận may và không còn vận may nào cho lần kế tiếp.”

        Sau đó, Harlon cũng nói điều tương tự với vài người bạn và thân nhân.

        Catherine Piece là người trong số này. Một buổi chiều, Harlon đến thăm cô bạn đặc biệt tại một trường nội trú ở Keene, Bang Texas, nơi cô đang học năm cuối trung học. Lập tức Catherine nhận ra có điều gì đấy khang khác ở Harlon. Ông trông gầy đi một tí, nhưng đấy không phải là quan trọng. Ông có vẻ trầm mặc. Nhưng dưới vẻ bề ngoài cẩn trọng ấy, bà có thể cảm thấy những cảm xúc sâu sắc. Sau này bà nhớ lại rằng trong buổi gặp gỡ đây bối rối giữa buổi chiều nắng ấm, tâm tư ông vẫn nghĩ về việc phải trở lại chiến trường Thái Bình Dương. Ông đã yêu bà nhưng không hề dặn dò bà phải chờ đợi ông.

        Bà lấy làm kinh ngạc khi nghe ông nói: “Carthrine ạ, anh không nghĩ mình sẽ trở về.”

        Sau này, Catherine kể với tôi: “Anh ấy là một người hoàn toàn khác hẳn. Trước khi đi ra chiến trường anh ấy rất vui, đầy hăng hái. Nhưng khi trở về anh ấy trở nên ít nói, giống như có cái gì đó đè nặng lên tâm tư. Tôi cố vực dậy tinh thần cùa anh. Tôi nói: "Này, Harlon đừng có ngốc nghếch thế. Sẽ không có chuyện gì xảy đến cho anh đâu". Nhưng anh ấy vẫn tỏ vẻ hờ hừng. Anh ấy nói một cách chắc nịch: "Catherine, anh tin rằng mình sẽ không trở về.”

        Ý nghĩ của những người lính TQLC trẻ như Mike và Harlon đã thấy trước cái chết của họ - đặc biệt sau khi kinh qua trận chiến - có vẻ như là điều bình thường, thậm chí có thể đoán trước được. Nhưng thật ra, những ý nghĩ như thế là hiếm hoi. Hầu như tất cả chiến binh đều tin tưởng ràng “những người khác chứ không phải là tôi sẽ gặp số phận như thế.” Không phải là điều bình thường mà nghĩ là mình sắp chết để rồi vẫn thi hành nghĩa vụ một cách bình thường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:08:22 pm »


        Một bác sĩ quân y phục vụ chiến trường Iwo Jima viết lại hồi ký cho thấy ý nghĩ của Mike và Harlon về cái chết của họ là hiếm hoi:

        Khi chầm chậm trở về miền bắc trên chiếc xe jeep, tôi nhớ đến một khẩu hiệu thường được phát biểu trong cuộc chiến: “Những người lính TQLC của chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình vì đất nước”. Câu nói này là hoàn toàn vô nghĩa, vì phần lớn các chiến binh nghĩ rằng họ sẽ không phải hy sinh, mà chi có người khác mới bị tử trận hoặc mang thương tật. Họ không có ý định hy sinh thân mình vì đất nước hoặc vì bất kỳ thứ gì khác. Mỗi người đều nghĩ rằng họ sẽ là một trong số người may mắn được trở về nhà an toàn. Những người không có niềm tin như thế chẳng chóng thì chầy sẽ gặp phải số phận không may.

        Ngôi làng Hilltop ở Bang Kentucky rộn rã đón tiếp Franklin Sousley về thăm trong chuyến nghỉ phép. Lúc này, ông đã là một con người đây hãnh diện, với chủ đích và định hướng mới trong cuộc đời non trẻ của mình.

        Người bạn tên J.B. Shannon - lúc ấy còn là cậu bé 13 tuổi với đôi mắt tròn xoe - nhớ về ông: “Khi Franklin trở về nhà, cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi xem như là sự kiện quan trọng. Anh ấy bước xuống tàu hòa trong bộ quân phục đại lễ của TQLC màu xanh dương, trông thật oai phong.”

        Nhiều năm sau, Emogene Bailey vẫn còn nhớ rõ: “Trên đường về nhà, anh ấy ghé ngang nhà tôi. Anh ấy trông thật đẹp trai trong bộ quân phục. Tôi dẫn anh ấy đi ra khu vườn sau nhà và bắt anh đứng cho tôi chụp ảnh. Ngày nay tôi vẫn còn giữ bức ảnh ấy. Emogen phụ giúp Goldie làm bữa ăn tiếp đãi trong khi ở phòng khách Franklin kể cho đứa em trai Julian của tôi về những mẩu chuyện hào hùng.” Vào buổi tối cuối cùng trong chuyến về thăm nhà, Franklin mượn dì Catherine chiếc ô tô để hẹn hò với Marion Hamm. Bà kể lại: “Anh ấy đến nhà tôi rồi chúng tôi đi dạo bên nhau. Anh ấy nói với tôi về niềm tự hào là lính TQLC, cảm thấy phấn chấn được phục vụ đất nước trong màu áo binh chủng này.” Trước khi từ giã, giống như hàng triệu chàng trai khác trong Thế chiến II đối với những bạn gái đặc biệt của họ, anh có một yêu cầu đối với Marion: “Anh ấy xin tôi chờ đợi anh ấy.”

        Sau khi từ giã Marion, Franklin không ngủ được. Ông đi đến Trung tâm Bách hóa Hilltop. Người bạn thân Aaron Flora kể: “Chúng tôi ngồi trên ngạch cửa cho đến ba giờ sáng. Flanklin nói với chúng tôi anh ấy cảm thấy tuyệt vời khi làm lính TQLC”.

        Sáng hôm sau, Franklin buồn rầu nói lời giã biệt với bạn bè và gia đình. Họ ôm nhau mà khóc. Ông tặng mẹ Goldie một bức ảnh chân dung chính thức TQLC của mình. Rồi Franklin bước lùi lại. Nở nụ cười toe toét, ông nói: “Mẹ à, con sẽ làm việc gì đấy cho mẹ tự hào về con.”

        Sau đấy, anh đến từ giã Marion. Mặt sau bức ảnh chân dung ông tặng bà, ông viết:

        Chọn một nụ hoa biết nói
        Giống như chọn một cánh hoa trong vườn
        Chỉ chọn hoa đẹp nhất.
        Yêu em,
        Franklin


        Những lời sau cùng ông nói với người mình yêu là: “Khi trở về, anh sẽ là một anh hùng.”

        Ở sân ga, J.B. Shannon không có can đảm nói lời giã biệt với người bạn thân. Ông đã định đáp tàu hỏa đi Maysville cùng với Franklin, nhưng tiền tàu mỗi chiều là 25 cent - vào năm 1944 là số tiền lớn đối với một anh con trai 13 tuổi. Nhưng khi Franklin đang chuẩn bị bước lên tàu, J.B. bốc đồng thốt lên: “Này, Franklin, tôi sẽ lên tàu đi với cậu.”

        J.B. kể lại: “Trên tàu, anh ấy nói cảm thấy phấn khởi làm lính TQLC. Anh ấy nói mình đã làm đúng, trong bộ quân phục TQLC. Anh ấy nói anh đang thực hiện giấc mơ của mình. Khi đến Maysville, J.B. vầy tay giã từ khi đoàn tàu chở Franklin chạy ra khỏi sân ga.” Bốn mươi năm sau, J.B. nói với tôi: “Lúc ấy và cho đến giờ, anh ấy vẫn là một người anh hùng đối với tôi.”

        Chính trận đánh trên đảo san hô Tarawa ở vùng Trung tâm Thái Bình Dương đã phủ một cái bóng lên số phận của Mike, Harlon, Franklin, Ira, Rene, cha tôi, và tất cả những chiến binh TQLC khác.

        Tarawa là một hòn đảo nhò xíu, diện tích chưa đến 3 km2, chiều rộng chi có 700 m, nằm trong Quần đào Gilbert, về phía bắc Đảo Bougainville.

        Tarawa biểu hiện bước khởi đầu cho chiến dịch của Tướng Smith “Tiến về Tokyo”, mặt trận thứ hai được mở ra để chống lại Nhật Bản. Đây là một mặt trận mới trên cát, san hô và đá núi lửa, khác xa với những khu rừng già xa xôi ở Nam Thái Bình Dương.

        Chiến dịch Trung tâm Thái Bình Dương không giống bất cứ trận chiến nào ở Nam Thái Bình Dương. Quân Nhật đã củng cố vững chắc những hòn đảo tiền đồn này mà muốn chiếm được, Thủy quân Lục chiến Mỹ phải mở những đợt tấn công vào kẻ thù sắt đá đang chực chờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:09:25 pm »


        Vào năm 1943, những sĩ quan có cân nhắc đã tỏ ý nghi ngờ: “không chắc lực lượng đổ bộ có thể tấn công nổi một hòn đảo được phòng thủ kiên cố.” Những sĩ quan này “thành thực tin rằng... các đào san hô được gia cố vững chãi trên vùng Trung tâm Thái Bình Dương sẽ là mồ chôn của bất kỳ lực lượng Mỹ nào điên rồ muốn "nhảy vào chỗ chết”.

        Tướng Smith không ở trong số những sĩ quan này. Ông biết mình đang cố thực hiện “những cuộc hành quân gian khổ nhất: có thể phải đổ bộ trước những họng súng máy sẵn sàng đốn ngã hàng trăm người.” Ông biết TQLC sẽ phải hy sinh nhiều mạng sống. Nhật Bản đã rêu rao rằng Tawara “sau một nghìn năm vẫn không thể chiếm được.” Nhưng Smith tự tin rằng lính TQLC dưới quyền ông sẽ thành công.

        Những chiến hạm khổng lồ của Hải quân và máy bay mở đợt pháo kích và oanh tạc khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh cho đến thời điểm này. vị tướng Hải quân chỉ huy cuộc pháo kích còn hứa mình sẽ “xóa tan” hòn đảo.

        Nhưng vào buổi sáng 20/11/1943, sau ba đợt đổ bộ TQLC mới nhận ra ràng đợt pháo kích của Hải quân không đem lại kết quả gì, mà chi làm xới tung lớp cát. Hỏa lực quân Nhật bắn nát đội hình TQLC. Hoang mang ngự trị.

        Những người lính TQLC bị ép mình trên bãi cát mong chờ tiếp viện. Hai đợt tàu đổ bộ chở binh sĩ, xe tăng và pháo đang trên đường đến gần.

        Thế rồi, thảm họa ập đến.

        Khi còn cách bờ gần 500 m, các tàu đổ bộ chạm phải rạn san hô và bị mắc cạn.

        Phải 44 năm sau, nhà vật lý Donald Olson mới tìm ra rằng vào ngày đổ bộ lên Tarawa, Mặt trăng ở vị trí xa Quả đất nhất và đúng vào lúc triều ròng, làm cho biên độ mức nước triều chi là dăm ba phân thay vì vài ba mét.

        Hành động của lính TQLC bị mắc kẹt trên rạn san hô là yếu tố quyết định kết quả trận đánh. Nếu họ do dự hoặc rút lui, đồng đội của họ trên bãi biển sẽ bị tiêu diệt.

        Nhưng họ không do dự. Họ là chiến binh TQLC. Từ những chiếc tàu bị mẳc cạn, họ nhảy xuống mức nước cao đến ngực, giơ cao súng đạn lên khỏi đầu.

        Đấy là một trong những cảnh tượng dũng cảm nhất trong lịch sử chiến tranh: lính TQLC bì bõm trong làn nước sâu tiến vào trong những làn đạn súng máy. Bị ngập gần cả thân người và hai tay mang đây quân dụng, họ không có cách nào chống trả được. Nhưng họ vẫn tiến vào bờ. Đạn bắn vèo vèo vào hàng ngũ của họ, bẳn tung những mảng thịt và tia máu lên không trung giữa những tiếng thét xé toang bầu trời.

        Hỏa lực quân Nhật đốn ngã trên 300 lính TQLC đang cố tiến vào bờ. Khi những người sống sót hào hển ngã vật trên bãi cát, đôi giày bốt của họ thấm đẫm nước biến pha trộn máu đỏ tươi.

        Với ý chí kiên cường và dũng cảm của từng người lính TQLC chống trả lại sức mạnh áp đảo, sau ba ngày chiến đấu trong hỏa ngục, quân Mỹ chiếm được Đảo Tarawa. Chi trong vòng 72 giờ chiến đấu, TQLC bị thương vong 4.000 sau khi đã xóa sạch toàn bộ 5.000 quân Nhật trấn đóng trên đảo.

        Khi trận đánh kết thúc, Smith đích thân đi thị sát cách phòng thủ của quân Nhật trên hòn đảo. Vì lẽ nước ngầm chi cách mặt đất hơn một mét, quân Nhật không thể xây công sự ngầm. Thay vào đó, họ phải xây lô cốt trên mặt đất.

        Smith cùng với vài sĩ quan và phóng viên Robert Sherrod của tuần báo Time xem xét các công sự trên Đảo Tarawa. Sherrod viết:

        Công sự dài 12 m, rộng gần 2 m rưỡi và cao 10 m, được xây bằng những thân cây dừa có đường kính từ 20 đến 25 cm. Các bức tường của công sự cách nhau 1 m, được xây bằng hai lớp thân cây dừa. Các thân cây này được ghép với nhau bằng đinh thép 20 cm uốn thành hình chữ C. Giữa hai hàng thân cây dừa là lớp cát dầy 1 m, phía trên công sự có thêm một lớp cát dầy hơn 1 m. Thảo nào mà bom và pháo của ta đã không phá hủy được những công sự này! Loại bom 1 tấn có thể phá hủy một phần, nhưng máy bay không thế thả bom chính xác - ngay cả loại máy bay bổ nhào xuống khi thả bom.

        Thực tế là rõ ràng: Quân Nhật xây công sự kiên cố mà bom đạn Mỹ không phá hủy được. Phải cần đến lính TQLC với súng trường trên mặt đất đánh đuổi họ.

        Sau khi xem qua hệ thống phòng thủ của quân Nhật, Smith hiểu rằng con đường của TQLC tiến đến Tokyo còn đầy máu lửa. Khoảng cách giữa hòn đảo này và Tokyo là trên 3.000 km - một thách thức nặng nề xét theo không gian.

        Vào năm 1812, Napoléon dẫn đoàn quân của ông trên quãng đường dài 2.400 km tiến đến Moskva; vào thế kỷ 13, Thành cát Tư hãn tiến quân hơn 6.400 km từ Mông Cổ đến bờ biến Địa Trung Hải. Nhung hai chiến dịch này thất bại vì khoảng cách xa xôi. Bây giờ, TQLC đang đối diện với một chiến dịch có khoảng cách gần bằng từ New York bên bờ Đông sang San Francisco bên bờ Tây của nước Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2018, 11:12:52 pm »


        Tướng Smith đau đớn đi trên bãi biến để tận mắt nhìn thi thể những người lính TQLC mặt úp xuống nước trôi dập dềnh, và những thi thể khác nằm la liệt trên bãi cát nhuộm đỏ máu.

        Phần lớn người dân Mỹ kinh hoàng khi xem những đoạn phim thời sự mà trong đó hình ảnh cho thấy từng hàng thi thể lính TQLC trôi dập dềnh trên sóng biển. Một bài báo đăng tít lớn: “Không Được Xảy Ra Nữa!” Một bà mẹ biên thư cho một sĩ quan chỉ huy: “Ông đã giết con trai tôi ở Tarawa.”

        Thông tín viên Sherrod lo âu rằng dân Mỹ không có đủ can đảm nhìn thấy TQLC phải chịu hy sinh nặng nề trong chiến dịch chinh phục Thái Bình Dương. Ông thấy rõ chiến lược của Nhật là cố thủ trên tất cả các hòn đào ở vùng Trung tâm Thái Bình Dương nhằm gây thiệt hại khủng khiếp cho quân Mỹ, hy vọng rằng nước Mỹ sẽ từ bỏ ý định tiến quân và chịu đàm phán. Nhật Bản đang trông mong dân Mỹ sẽ kinh hãi với cái giá nhân mạng phải trả khi tấn công nước Nhật và cùng lúc TQLC sẽ chùn chân trước sức chống trả điên cuồng của người Nhật.

        Tuy nhiên, dù Smith không rõ dân Mỹ hậu thuẫn đến đâu, ông vẫn tin tưởng bởi quyết tâm và lòng dũng cảm của lính TQLC dưới quyền.

        Ở chặng cuối trên đường thị sát trên đảo, nơi bờ vực mà lính TQLC phải vượt qua đế tiến lên Tarawa, Smith nhìn thấy một hình ảnh về lòng dũng cảm. Sherrod viết đoàn thị sát đã nhìn thấy “một xác chiến binh TQLC ngả người tựa bờ vực, một cánh tay vẫn còn giơ lên nhờ thân hình chống đỡ. Trên đỉnh bờ vực, ngay phía trên bàn tay còn giơ lên, là một lá cờ màu xanh và trắng để đánh dấu địa điểm cho đợt đổ bộ kế tiếp. Holland Smith nói: ‘Làm thế nào những người lính như thế bị đánh bại được?’ Nhiệm vụ của người lính TQLC này là cầm lá cờ hiệu ấy trên bờ vực. Anh đã làm tròn nhiệm vụ, dù phải hy sinh mạng sống.

        Tarawa là cuộc đổ bộ tấn công quan trọng đầu tiên mà TQLC va phải sức đối kháng mạnh mẽ trên bờ biển. Chiến thắng này tạo đà tiến cho TQLC trong vùng Trung tâm Thái Bình Dương, với những cuộc đồ bộ tấn công còn khó khăn hơn. Các cấp chỉ huy thấy rõ rằng sẽ cần thêm lính TQLC can trường và được huấn luyện nhuần nhuyễn để thắng cuộc chiến này.

        Vì thế, vào tháng 3/1944, TQLC ra chi thị mới cho sáu chàng trai - những người sau này đã trở thành những anh hùng vang danh thế giới. Họ phải trình diện ở một doanh trại mới để gia nhập một sư đoàn TQLC mới. Những biến cố quan trọng bắt đầu đưa đẩy sáu người giương ngọn cờ hội tụ với nhau, chẳng bao lâu, ba chiến binh Ira, Harlon và Mike - còn xa lạ với nhau ở Bougainville - sẽ được giới thiệu với nhau. Thêm ba người còn xa lạ với nhau nhập bọn: Franklin Sousley, Rene Gagnon và người ngoài binh chủng, một quân y tá Hải quân được tăng phái có tên Jack “Doc” Bradley.

        Trong khi sáu người đang được điều đi làm nhiệm vụ mới, một ngọn núi tí hon ở giũa Thái Bình Dương đang nằm chờ đợi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM