Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:05:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tojo người hùng Thái Bình Dương  (Đọc 14757 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 03:12:32 pm »


CHƯƠNG XV

        KHI Hideki Tojo trở về Tokyo thì tại Trung Hoa, chiến cuộc vẫn còn dằng dai chưa chịu kết thúc nhanh chóng như mọi người mong muốn, Tưởng Giới Thạch tuy bị đánh đuổi khỏi thủ đô Nam Kinh, nhưng vẫn chưa bị tan rã. Ông ta rút về Trùng Khánh, một tỉnh nhỏ sâu trong nội địa nước Tàu để lập chiến khu.

        Tại Nhật, tình hình chiến tranh lúc này rất có lợi cho phe quân nhân muốn làm mạnh. Họ lợi dụng chiến cuộc để tuyên truyền cho chủ nghĩa ái quốc cực đoan bằng cách căn cứ vào tình trạng khẩn trương của quốc gia để thiết lập những biện pháp kiếm soát quân sự, mà trước đây vẫn thường bị phản đối. Phe quân nhân còn hợp với những thành phần cực đoan và quá khích để phát động phong trào chống Tây phương. Họ cho rằng chính Anh và Mỹ đã giúp Tưởng Giới Thạch, do đó tên này còn cứng đầu chưa chịu tỏ thái độ «thành thực» với Nhật. Thái độ thành thực mà họ nói tới ở đây có nghĩa là chấp nhận mọi đề nghị do quân đội Nhật đưa ra, Với những hoạt động mạnh mẽ của phe quá khích như vậy, Thủ Tướng Konoye lại cảng tỏ ra dễ dãi trong việc nhượng bộ các Tướng lãnh ở Bộ Tổng Tham mưu.

        Tuy nhiên, tình trạng trì trệ của chiến tranh không thể nào chối cãi được. Khi chiến cuộc mới bùng nổ, các Tướng lãnh bảo đảm chỉ kéo dài chừng bốn tháng. Nhưng nay thời hạn đó đã qua từ lâu mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào chấm dứt. Sau khi Tướng Tojo trở về Đông Kinh, lại thêm một biến cố nữa mới xảy ra, khiến quân đội càng bị áp lực phải mau chấm dứt chiền cuộc tại Trung Hoa.

        Số là vào mùa Hè năm đó, một trận chiến đã thình lình xảy ra giữa quân đội Sô viết và Nhật tại vùng biên giới Mãn châu, thuộc địa phận Ghangkufeng. Lập trường dàn xếp để chấm dứt cuộc xung đột này được đặt trên căn bản khác nhau giữa Nga và Nhật. Về phía Nga, họ tỏ ra sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh quy mô tại vùng này. Trong khi đó Nga lại biết chắc rằng Nhật nóng lòng muốn chấm dứt xung đột và không dám phát động chiến tranh lớn.

        Sở dĩ Nga biết chắc chắn được điều đó, là nhờ một nguồn tin thân cận của Thủ Tướng Nhật Konoye. Thực là chuyện trái ngược, vì Konoye là người rất sợ cộng sản như sợ dịch vậy, thế mà không ngờ trong ban tham mưu đầu não của ông lại có một đảng viên cộng sản là Hozumt Ozaki, thường liên lạc với điệp viên Nga sô là Richard Sorge để cho các tin tức mật liên quan đến các quyết định của Thủ Tướng Nhật.

        Tổng trưởng Chiến tranh là người chịu trách nhiệm về sự khinh xuất này. Ông ta và Tham mưu trưởng liên quân phải chạy đi chạy lại để trình bày nội vụ lên Thiên Hoàng. Ngài tỏ ra không hài lòng về những hành động của quân đội từ trước tới nay.

        Nhưng việc quan trọng như vậy mà Nhật Hoàng cũng không trực tiếp can thiệp. Ngài chỉ âm thầm theo dõi mọi việc xảy ra. Hình như Konoye với sự đồng tình của Tổng trưởng Hải quân đã cố gắng dàn xếp nhanh chóng việc này. Ông luôn luôn sợ hãi trước cơn ác mộng là Nga sẽ phát động chiến tranh quy mô toàn diện tại miền Bắc. Riêng Itagaki, hình như trong thâm tâm, ông lại có ý mong muốn chiến tranh Nga-Nhật diễn ra. Vì theo ông cũng như một số sĩ quan khác, việc đánh Nga sớm muộn rồi cũng phải thực hiện. Những phần tử chủ trương mở rộng lãnh thổ cho rằng tình hình thế giới lúc này đã biến chuyền nhiều, khiến Nhật có thể thực hiện cuộc Nam tiến.

        Anh Quốc còn đang rối rắm trước những đe đọa của Hitler. Thủ Tướng Anh hết xách dù sang Bá linh, lại vác ô đi La mã để ngoại giao, cầu thân với Đức và Ý. Đi cùng với Thủ Tướng Anh còn có Thủ Tướng Pháp. Những suy yếu tại mẫu quốc khiến Anh không còn thời giờ đâu để phản ứng tích cực trước việc Nhật bản xâm lăng Trung quốc. Hơn nữa, lúc này rõ ràng là lực lương của Anh, Pháp và Hòa Lan không còn hùng hậu như trước kia để bảo vệ các thuộc địa của họ tại Viễn Đông.

        Về phần Hoa Kỳ, tuy luôn luôn bày tỏ sự phản đối, khó chịu về hành động xâm lăng của Nhật, nhưng dư luận Hoa kỳ lúc này vẫn còn chủ trương thuyết cô lập, không dính dáng vào chuyện Á châu. Vả lại, Hạm đội Thái bình dương của Mỹ cũng chưa đủ sức chế ngự Hải quân Nhật. Những sự kiện đó khiến Mỹ chỉ có những lời phản đối suông, mà Nhật nghe nhiều đã trở nên quen tai. Việc bành trướng thuộc địa về phía Nam vì vậy trở nên hứa hẹn nhiều may mắn hơn, so với những cuộc phiêu lưu đọ sức với Nga ở phía Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 03:13:01 pm »


        Các Tướng lãnh khác, khi phục vụ tại Bộ Tổng Tham mưu hay trong Chánh phủ, thường thay đổi quan điểm luôn luôn, nhưng riêng đối với Tojo, ông tỏ ra là con người đặc biệt không hề thay đổi, không có gì thêm và cũng không có gì bớt đi trong lập trường của ông. Thiếu Tướng Piggott, một sĩ quan thông dịch và sau trở thành Tùy viên quân sự tại Tokyo có nhận xét : « Tôi thường có những giao hảo thân mật với các sĩ quan Nhật. Nhưng từ khi Tojo làm Thứ Trưởng Bộ Chiến tranh, tôi cảm thấy khó lòng duy trì được những giao du thân mật đó. Tôi không thể nào gây được những cảm tình thân mật cá nhân đối với Tojo. Những tiếp xúc giữa chúng tôi lúc nào cũng diễn ra qua những nghi lễ chánh thức. Ông ta không bao giờ quên những sự kiện lịch sử, như việc Đức chiếm Tsingtao năm 1898, Nga xâm lăng Mãn châu năm 1903, việc xé bỏ hiệp ước liên minh Anh - Nhật năm 1921, và việc Mỹ ra đạo luật hạn chế người da vàng di cư vào Mỹ châu năm 1924. Ông luôn luôn nghi ngờ người Tây phương, và hình như không có cảm tình gì nhiều. Đối với Tojo, chỉ có nước Nhật và quyền lợi của Nhật là quan trọng, luôn luôn được ông chú ý tới. Ông ta khó lòng sống hòa mình với những ngươi chủng tộc khác. »

        Không phải chỉ có một mình Tùy viên quân sự Anh nhận xét thấy lối sống lạnh nhạt và những nhận định hẹp hòi về các biến cố lịch sử của Tojo. Nhưng thái độ đó của Tojo đã được thể hiện công khai, và khiến cho cuộc đời chánh trị của ông bị chấm dứt một cách mau chóng.

        Bất chấp mọi thái độ thay đổi của các Tướng lãnh khác, Tojo một hôm cho họp tất cả những nhân vật quan trọng trong giới kỹ nghệ lại, và cho họ biết những nguyên tắc họ phải áp dụng trong chánh sách sản xuất để đối phó hữu hiệu với tình hình hiện tại. Theo Tojo thì tình hình đó hiên nay là Nhật phải sẵn sàng đáp ứng sự chống đối của Trung Hoa, sự cạnh tranh của Anh, Mỹ, và sự rình rập, lợi dụng của Nga sô. Tojo cảnh cáo, những người nào không đi đúng đường lối do quân đội để ra trong chánh sách sản xuất, không chịu đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, sẽ bị coi là những phần tử ở ngoài hàng ngũ quốc gia trong tương lai.

        Những phản ứng của các giới kỹ nghệ sau cuộc hội kiến này đã chấm dứt chức vụ Thứ trưởng của Tojo. Tên tuổi của ông không những xuất hiện trên báo chí quốc nội, mà cả những nhật báo thế giới cũng đều nhắc nhở tới.

        Giới thạo tin tưởng là ông có ý định gây hấn với cả Tây phương lẫn Nga sô. Giới kỹ nghệ mặc dầu nhẫn nhịn cũng không chịu nổi những hậm hực về cách Tojo đối xử với họ. Tổng trưởng chiến tranh, xếp trực tiếp của Tojo, bị Thượng viện chất vấn : « Phải chăng ông có ý định khiêu khích cả Anh, Mỹ, Nga và Trung Hoa cùng một lúc ? » Các nghị sĩ mặc dầu lúc đó ngả sang ý kiến chủ chiến, nhưng viễn tượng Nhật bản bị tử bề thọ địch cũng khiến họ phải cảm thầy ớn.

        Thế là ngay tháng sau — tháng Chạp năm 1938, Tojo được thuyên chuyển sang giữ một chức vụ không có dính dáng gì tới chánh trị : Tổng Thanh tra Không quân. Lúc này, Tojo có dịp suy nghĩ lại những hành động của mình, và ông nhận thấy lối hành động quân sự thường được xử dụng tại Mãn châu không thế áp dụng tại Thủ đô. Ở đây, ngay các Tướng lãnh cũng phải luôn luôn tỏ ra là người tôn trọng Hiến pháp, ít nhất là trong lời nói đầu môi. Đối với Tojo, việc thuyên chuyến này càng khiến cho ông có cơ hội bắt các nhà kỹ nghệ phải làm việc theo quan niệm của ông. Ông đấy mạnh việc sản xuất máy bay, và nhấn mạnh về điểm không quân cần phải phối hợp chặt chẽ với Lục và Hải quân.

        Tháng Giêng năm 1939, Thủ Tướng Konoye tuyên bố : « Những biên cố xảy ra tại Trung Hoa đã bước vào một giai đoạn mới, và Chánh phủ này không đủ khả năng đối phó với tình hình. » Sau đó, ông xin từ chức, để Baron Hiranuma lên thay thế. Hiranuma cũng là một chánh khách ái quốc cực đoan, trước đã từng giữ chức Tổng trường Tư pháp. Ông nổi tiếng về thành tích chống các khuynh hướng tả phái trong giới sinh viên, và là người đi tiên phong trong việc thành lập các tổ chức siêu ái quốc Koknhon sha. Lập trường của ông về vấn đề xung đột giữa Nhật với Trung Hoa đã được ông trình bày rõ ràng tại Thượng viện, khi ông tỏ ý hy vọng « người Trung Hoa sẽ thông cảm lập trường của nước Nhật. Đối với những phần tử nào không chịu tim hiểu ý định của Nhật, thì không có cách gì hơn là phải bị tiêu diệt. »
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 03:13:28 pm »


        Để đánh dấu một giai đoạn mới trong việc bành trướng tại vùng Đông Nam Á, Hải quân Nhật đồ bộ lên đảo Hải Nam của Trung Hoa, một hòn đảo có vị trí chiến lược đe dọa thuộc địa của Pháp tại Đông Dương. Mặc dầu hành động này có thể gây ra những hậu quả quan trọng đối với tình hình thế giới, nhưng Thủ Tưóng Hiranuma cũng như Nội các của ông không hề được tham khảo ý kiến trước.

        Chánh phủ của Hỉranuma bị giáng một đòn đau khác nữa, khi Đức và Nga ký với nhau một hiệp ước bất tương xâm vào năm 1939. Hiệp ước này không bao lâu sau bị Đức xé bỏ. Giới quân sự Nhật xúc động mạnh, coi việc này là một hành động phản bội của nước Đức, vì trước đó Nhật và Đức đã gia nhập vào Liên minh chống cộng sản thế giới, và Nhật hy vọng sự đe dọa của Đức khiến Nga không dám gây hấn ở Viễn Đông. Đối với phe Tướng lãnh chủ trương đánh Nga thì hiệp ước Nga - Đức này càng làm cho họ căm hận.

        Mặc dầu Nhật Hoàng đã có khuyến cáo trước đây, nhưng vào tháng Năm, chiến cuộc lại bùng nổ ở biên giới Mãn Châu giữa quân đội Nga và Nhật. Đụng độ còn xảy ra ở Ngoại Mông và tiếp tục lan rộng. Đây không phải là chuyện va chạm thường, nhưng đã trờ thành một cuộc chiến tranh nhỏ, trong đó xe tăng, đại pháo và máy bay đều được đem ra xử dụng. Kết quả là tổn thất về phía Nhật vẫn nặng nề hơn, với hơn 50.000 lính tử trận, so với số tổn thất của Nga chỉ bằng một phần năm số tổn thất đó. Hỏa lực của Nga đã tỏ ra mạnh hơn, và lực lượng đông đảo chứng tỏ họ sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh quy mô tại Viễn Đông.

        Việc từ chức của Thủ Tướng Hiranuma sau khi mới cầm quyền được bảy tháng là dấu hiệu cho thấy phe cực đoan chủ trương bành trướng lãnh thổ đã tạm thời rút lui. Nói cho đúng là những sự kiện vừa xảy ra đã khiến các phần tử này trở nên bổi rối. Việc chỉ định một Tướng lãnh lên thay thế Thủ Tướng Hừanuma chỉ là hành động nhằm vớt vát thể diện cho Quân đội. Tướng Abe, sẳp sửa về hưu, được đưa lên ghế Thủ Tướng. Kinh nghiệm chánh trị của Tướng này không có gì, ngoại trừ việc ông từng làm Thống đốc cai trị xứ Triều Tiên.

        Gần một tuần sau khi Tướng Abe nhậm chức, chiến Cuộc Âu Châu bùng nổ vào ngày 3 tháng 9 năm 1939 với 'CUỘC tiến quân của Hitler vào Ba lan. Hận Đức vì hành động phản bội trước đây, và tin rằng thể nào Anh cũng nhảy vô vòng chiến, nên Chánh phủ của Tướng Abe tuyên bố Nhật đứng trung lập ở ngoài vòng chiến.

        Sau khi tiến quân vào Ba lan, Đức tạm ngừng, và các phe chống Đức ở Âu châu cũng chưa thấy có hành động đối phó cụ thể nào. Chánh phủ của Tướng Abe từ chức, nhường chỗ cho Nội các của Đô Đốc hồi hưu Yonai. Ông là người thận trọng đối với quan niệm truyền thống của Hải quân trong việc bành trướng quốc gia. Ngoại trưởng Hachiro Arita là một chánh khách giàu kinh nghiệm ngoại giao, ông không để mất thời giờ, vội vàng len tiếng tuyên bố lập trường của Chánh phủ ông là đứng ngoài mọi cuộc xung đột ở Âu châu. Hơn nữa, tại Thượng viện, Yonai còn tuyên bố Chánh phủ Nhật không có mưu toan nào trong việc chinh phục thuộc địa tại vùng Đông Nam Á, nhưng chỉ muốn mở mang giao thương với vùng này, và sẵn sàng ký hiệp ước bất tương xâm với mọi cường quốc có quyền lợi tại đó.

        Nhưng cả Chánh phủ Yonai và chánh sách trung lập đều bị sụp đổ ngay sau đó, khi Đức xua quân đánh chiếm chớp nhoáng Đan mạch và Na Uy. Đạo quân Quốc xã của Hitler tiến như gió cuốn, chỉ trong ít tuần lễ đã tràn ngập các nước Pháp, Bỉ và Hòa lan, đẩy quân Anh ra khỏi lục địa. Thế là phe quân nhân hiếu chiến ở Nhật lại háo hức nổi lên, làm áp lực với Chánh phủ.

        Lúc này, các thuộc địa của những nước bị Đức đánh như Pháp và Hòa Lan đang trở thành miếng mồi ngon cho Nhật tại Á Đông, Âu Châu chỉ còn một mình nước Anh đang chờ đợi cuộc đổ bộ của quân Đức. Thủ Tướng Anh Churchill tuyên bố thách thức quân Đức và cho biết nước ông sẽ chiến đấu tiêu diệt quân xâm lăng. Tại Đông Kinh, mọi người cảm thấy phục thái độ can đảm của Churchill, nhưng không tin tường nước Anh có thể đối phó với tình hình ở Âu Châu, huống hồ gì các thuộc địa ở Đông Á. Vào tháng Sáu, Thủ Tưởng Anh tuyên bố nước Anh từ chối lời yêu cầu của Nhật đòi đóng cửa trục giao thông Trung Hoa, Miến Điên. Ông nói : « Chúng tôi không quên là hiện tại chúng tôi đang phải đương đầu với một trận chiến một mất một còn » Hai hôm sau, quân Nhật tiến vào những vị trí xung quanh Hồng Kông, cô lập thuộc địa này của Anh, không còn đường liên lạc. Mỹ phản đối, nhưng không có hành động gì cụ thể. Thái độ của Hoa Kỳ hình như cố tránh việc Nhật nhảy vô vòng chiến. Nhưng các phần tử quá khích Nhật lại háo hức lăm le nhảy vô chiến tranh. Tất cả những ai chủ trương hòa bình đều bị gán cho nhãn hiệu phản quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 03:13:44 pm »


        Kế hoạch ám sát các nhân vật chủ hòa lại được bọn cực đoan chuẩn bị. Trong số những người chúng nhắm có cả Tổng Trưởng tại Hoàng cung là hầu tước Matsudaira, và Thủ Tướng Yonai. Để chận đứng âm mưu này, cảnh sát đã bắt giữ ba mươi tám sĩ quan , nhưng người cầm đầu bị hồ nghi là Đại tá Hashimoto lại vẫn được tự do. Ông ta vẫn nhởn nhơ ở ngoài, hình như được miễn trừ mọi hình phạt. Quân đội nhận thấy việc thay Thủ Tướng Yonai chỉ còn là vấn để ngày, giờ.

        Vào giữa tháng 7 năm 1940, Tướng Hata, Tổng trưởng Chiến tranh, báo cho Thủ Tướng Yonai biết : « Quân đội muốn có sự thay đối cơ cấu nội bộ để đối phó với tình hình quốc tế », và rằng ông ta cảm thấy cấn thiết phải xin từ chức để thực hiện việc thay đổi đó. Đồng thời ông cũng nói trắng ra cho Thủ Tướng Yonai hay quân đội không sẵn sàng bổ nhiệm một Tướng lãnh khác để làm việc trong Nội các của ông. Hai ngày sau đó, vì Nội các không thể nào tồn tại với ghế Tổng trưởng chiến tranh bỏ trống, nên Thủ Tướng Yonai đành phải xin từ chức cùng với toàn thể nhân viên trong chánh phủ.

        Những cải tổ mà Tướng Hata nói tới hình như đã được chuẩn bị sâu rộng, chớ không phải là chuyện tình cờ vừa xảy tới. Ba tuần trước đó, Hoàng thân Konoye, với tư cách cựu Thủ Tướng và đồng thời là một hội viên trong Hội đồng Tư vấn Hoàng gia, đã loan báo ông đang chuẩn bị thành lập « một cơ cấu chánh trị mới ». Tránh dùng tới chữ Đảng phái, nhưng ông cho biết có thể cơ cấu mới đó là một sự hợp nhất các đảng phái hiện có, dưới một sự sinh hoạt được hướng dẫn bởi Phụ tá đoàn của Hoàng gia.

        Rõ ràng là tổ chức mới này bắt nguồn từ phong trào Kodo ha do Tướng Araki khởi xướrg. Phong trào này chủ trương kết hợp quốc gia qua việc thể hiện Thần đạo của nước Nhật cổ truyền. Nền tảng để thực hiện tinh thần đó là việc học hỏi về các thuần phong, mỹ tục của dân tộc gọi là Shin Taisei, cũng như các nghệ thuật và dân ca cồ truyền. Những nguyên tắc sống theo Thần đạo được thể hiện trong các đơn vị căn bản của xã hội Nhật ở thành thị cũng như thôn quê là tonori gumi. Đơn vị này hiện nay được dùng làm một thứ liên gia để thông tin, tuyên truyền cho lý thuyết Thần đạo trên khắp quốc gia. Các sĩ quan, công chức đều được khuyến khích gia nhập và trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt dân chúng. Công chức được học môn kiếm thuật của các hiệp sĩ Samurai cổ truyền để thêm tinh thẩn chiến đấu. Nhu đạo cũng được coi là phương tiện đế phát triền tinh thần này.

        Các chánh khách lão thành trong Hội đồng tư vấn Hoàng gia rõ ràng là những người đứng đàng sau phong trào cải tổ cơ cấu chánh trị này. Vì vậy Hoàng thân Konoye lại được đưa lên ghế Thủ Tướng để thi hành đường lối tập trung quyền hành chánh trị quốc gia. Quân đội cương quyết thi hành chánh sách độc đảng. Những nội các hay Tổng Bộ trưởng nào tiếp tục chống đối đường lối đó sẽ bị lật đổ.

        Ngày 18 tháng 7 năm 1940, Hoàng thân Konoye lần thứ hai ngồi ở ghế Thủ Tướng, khai mạc phiên họp Nội các và tuyên bố ông điều khiển một chánh phủ độc đảng để hợp nhất quốc gia, kết thúc cuộc chiến Hoa - Nhật, thân thiện với Đức và Ý. Bộ ngoài giao được giao cho Yosuke Matsuoka, người hai năm trước đã giúp Tướng Tojo cai trị tại Mãn châu.

        Quân đội và Tướng Hata, cựu Tổng trường chiến tranh, đang thảo luận để đưa ra một Tướng lãnh khác vào chức vụ đó trong tân nội các. Hoàng thân Konoye chánh thức gởi văn thơ yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu bổ nhiệm một Tướng lãnh, nhưng trên thực tế, ông thảo luận riêng với Hata để yêu cầu ông này chọn một người kế vị mình, và nhấn mạnh nhân vật đó phải là người có khả năng kiểm soát được quân đội. Hata và Bộ Tổng Tham mưu cho rằng ý Hoàng thân Konoye muốn có một người kiểm soát vững được kỷ luật quân đội, nhưng đồng thời các Tướng lãnh lại muốn rằng nhân vật đó là người không bao giờ chịu nhượng bộ lập trường của quân đội. Như vậy người đó chỉ có thể là : Hideki Tojo.

        Trong lúc đang đi thanh tra tại Mãn châu, Tojo được lệnh trờ về gấp bằng máy bay. Vừa tới Tokyo, lập tức ông được đưa tới gặp ngay Tướng Hata, và trong cuộc hội kiến này Hata trình bày cho Tojo hay những lý do khiến Nội các Yonai bị đổ, đồng thời cho Tojo biết ông đã được chọn vào chức vụ Tổng trưởng Chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2018, 03:15:13 pm »


CHƯƠNG XVI

        NGAY sau khi lên điều khiến Nội các, Hoàng thân Konoye cho quân đội và cả nước Nhật biết rõ ràng rằng ông không tin tưởng ở chánh sách dân chủ. Trong bài diễn văn đọc năm ngày sau khi khai mạc Nội các, Hoàng thân tuyên bố : « chánh thể tự do cũng như xã hội chủ nghĩa đều là những lý thuyết ngoại lai, không phù hợp với lý tưởng quốc gia của nước Nhật. »

        Các chánh khách cố vấn xung quanh Hoàng gia, khi chọn Konoye làm Thủ Tướng, đã cho ông ta toàn quyền giải quyết cuộc chiến Hoa-Nhật theo ý muốn và cách thức riêng của ông. Tuy nhiên các cố vấn Hoàng gia đặt cho ông một giới hạn là không được đưa cuộc chiến đó đi xa hơn nữa. Điều đó rất phù hợp với chủ kiến riêng của Konoye. Mặc dầu rất ghét Nga sô và lý thuyết Cộng sản, nhưng ông không đến nỗi mù quáng mà không nhận ra rằng một cuộc chiến tranh sâu vào phía Đông nội địa Nga là điều nguy hiểm. Hơn nữa, ông còn phải lo đối phó với cuộc chiến chống Hoa Kỳ. Tuy trong thâm tâm, có thể ông không muốn gây chiến với Mỹ, nhưng tình thế đã đẩy ông vào chỗ không đứng lại được trước trào lưu muốn mở những chiến tranh mới. Trong vấn để chủ chiến, mặc dầu Konoye đã hết sức tỏ ra mình là người tích cực chuẩn bị, nhưng cuối cùng ông vẫn bị coi là thiếu hăng hái, nên đành phải rút lui, nhường chỗ cho một nhân vật được coi li nhiệt thành hơn ông ta.

        Trong những ngày đầu làm việc của Nội các, Thủ Tướng Konoye tin tướng Tướng Hideki Tojo sẽ củng cố được vấn đề kỷ luật và kiểm soát quân đội một cách chặt chẽ. Những việc làm của Tojo khiến Konoye cảm thấy phấn khởi. Mặc dầu hành động thật nhân tâm của Tojo trước đây đối với giới kỹ nghệ, nhưng giữa ông và Thủ Tướng hiện tại có sự đồng ý hoàn toàn về phương thức làm việc của Nội các. Ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên, Tướng Tojo đã đồng ý với Thủ Tướng Konoye về việc phải duy trì kỷ luật chặt chẽ trong quân đội, về việc phải kết thúc chiến cuộc Hoa-Nhật, và về sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy cao cấp của Lục quân và Hài quân, cũng như việc tái lập uy quyền của Thủ Tướng.

        Sau này không biết bắt đầu từ lúc nào, Tojo lại cho rằng Hoàng thân Konoye không còn thích hợp với chức vụ Thủ Tướng. Thế là thái độ hòa hợp của ông trước đây đối với Thủ Tướng đã thay đổi.

        Tại Bộ Ngoại giao, ngoại trưởng Matsuoka tin chắc rằng nước Đức sẽ thẳng trận và Nhật cần phải nhảy vô vòng chiến để được chia phần.

        Hai tuần sau khi nhậm chức, ngoại trưởng Nhật tuyên bổ nước Nhật có sứ mạng phải mở rộng Đế quốc và giúp các quốc gia khác trên thế giới sống theo đúng tư thế của mỗi dân tộc. Theo quan niệm đó của ông thì các đảo Đông Indies của Đức và thuộc địa Đông Dương của Pháp là một thành phần của lãnh thổ «Đại Đông Á». Những phần đất đó cần phải nhập vào vòng ảnh hưởng của Nhật. Đó là những lời giải thích thêm của phát ngôn viên Bộ ngoại giao trong một cuộc họp báo. Phát ngôn viên này còn đi xa hơn những lời tuyên bố của Tổng trưởng ngoại giao, khi cho rằng vùng ảnh hưởng của Đế quốc Nhật gồm cả những lãnh thổ ở miền Biển Nam Hải. Khi một ký giả Mỹ đứng lên hỏi, liệu vùng đó có bao gồm Phi luật tân hay không, thì phát ngôn viên từ chối trả lời. Tại Thượng viện, ngoại trưởng Nhật tuyên bố nếu Hoa Kỳ chống lại những mục tiêu bành trướng đó của Nhật, nước Nhật sẽ buộc lòng phải trả đũa, và trong trường hợp đó có thể Nhật sẽ tham dự vào chiến cuộc Âu châu.

        Những tham vọng của Nhật được các cố vấn của Hitler cân nhắc. Những vị nẩy cho rằng Nhật không giúp được gì cho Đức tại mặt trận Âu châu. Lý do là hiện tại Đức đã hoàn toàn kiểm soát lục địa này và không cần tới sự trợ giúp của Nhật. Hitler đã bỏ ý định xâm lăng Anh quốc. Vì nước này mặc dầu còn đang chiến đấu, nhưng không có gì gọi là đe dọa đáng ngại đối với Đức. Vì vậy mà những lời tuyên bố của ngoại trưởng Nhật lúc đầu bị Đức coi dửng dưng.

        Nhưng sau, Hitler thình lỉnh chuẩn bị cuộc tiến quân vào Nga sô, và nhận thấy lực lượng của Nhật là điều cẩn thiết để cầm chân những đạo quân của Nga tại Viễn Đông. Ngoài ra, Nhật còn là một yếu tố để cầm chân hải quân Anh tại Thái bình dương. Đồng thời cũng khiến Mỹ phải chú ý và không còn rảnh rang dòm ngó tới mặt trận Âu châu. Nhận định như vậy, các nhân vật Quốc xã vội vàng tới Tokyo, giải thích cho Nhật hay, Đức hoàn toàn công nhận Nhật là một cường quốc ở Á châu, và công nhận Nhật có toàn quyền tiến quân, hoặc hành động theo ý muốn tại vùng này.

        Trong những cuộc hội kiến, thảo luận với Thủ Tướng và Tổng trưởng ngoại giao, Tướng Tojo nhận thấy hai nhân vật này thiên về lập trường liên minh với Đức. Sau đó, ông hoàn toàn đồng ý ngay việc Nhật bản quay về những triền vọng bành trướng tại vùng Đông Nam Á, dù cho việc đó có cần phải ký với Nga sô một hiệp ước bất tương xâm tại phía Bắc, Nhật cũng sẵn sàng.

        Đầu năm 1941, ngoại trưởng Nhật chạy đôn chạy đáo qua lại giữa Bá Linh và La mã để ký minh ước gia nhập phe Trục. Ông tuyên bố tại Bá linh : «từ nay nước Nhật chia vui xẻ buồn với nhân dân Đức ». Cuối cùng trước khi từ biệt để sang Nga, ngoại trưởng Nhật nâng ly chúc mừng nước Đức «may mắn và thành công» trong việc xâm lăng vùng Ba nhĩ cán. Tại Mạc tư khoa, ngoại trưởng Nhật ký với Stalin một hiệp ước bất tương xâm để bảo đảm Nga sẽ không xía vô kế hoạch thành lập khu vực «Đại Đông Á» của Nhật. Một tuyên cáo chung được công bố sau lễ ký kết hiệp ước : Nhật công nhận tôn trọng lãnh thổ Ngoại Mông thuộc Nga sô. Ngược lại, Nga thừa nhận sự vẹn toàn lãnh thổ và bất xâm phạm vào Mãn châu của Nhật. Lúc rời Mạc tư khoa, ngoại trưởng Nhật được đích chân Stalin tiễn đưa. Đó là một đặc ân hiếm có Sô viết dành cho các khách danh dự. Khi ông ta vừa về tới Tokyo thì Đức tấn công Nga — nhằm ngày 22 tháng 6 năm 1941, và ngoại trưởng Nhật không ngần ngại yêu cầu Chánh phủ Nhật tấn công, xâm lăng Nga ở phía Đông.

        Việc Đức xâm lang Nga sô khiến cho nhiều chánh khách Nhật phải suy nghĩ. Như vậy là lúc này Anh quốc được rảnh tay để đối phó với các biến cố tại Viễn Đông. Với những cuộc tiến quân vào Nga nhanh như vũ bão, Nhật e ngại, không biết sau khi chiếm xong Nga, Đức có chịu ngồi yên hay không. Hoặc giả sau đó Đức lại tính tới vùng Viễn Đông ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 10:55:34 am »


        Những lời tuyên bố của Hitler cho rằng ông ta sẽ lấy Mạc tư khoa trong vòng ba tuần, và chiếm những nơi còn lại trên đất Nga ít tháng sau đó, khiền Tổng trưởng chiến tranh Nhật sốt ruột. Tojo động viên quân đội tới mức tối đa. Nhất là đạo quân Kwangtung tại Mãn châu, lúc này các sĩ quan trong Bộ Tham mưu tại đó đang ráo riết chuẩn bị một cuộc tiến quân vào vùng Tây bá lợi Á. Họ chỉ còn đọi lệnh của Chánh phủ và hy vọng thế nào chuyện đó cũng xảy ra. Quân số đạo quân này hiện đã gia tăng gấp đôi lên tới 600.000 người. Họ sẵn sàng tiến quân để thực hiện một cuộc chia đôi nước Nga với Đức, giống như kiểu Stalin và Hitler chia nhau Ba lan trước đây. Nhưng khi được tin quân Hitler bị chận lại gần Mạc tư khoa, Nhật liền rút số quân tăng cường ở Mãn châu về phía Nam, ở đây Hải quân đang có những mưu toan bành trướng mới. Việc rút quân này cũng rất hợp với chủ trương của Hoàng thân Konoye.

        Sau khi đã chiếm trọn vùng duyên hải phía Nam Trung Hoa và đảo Hải Nam, năm 1940, lợi dụng việc Pháp thất trận ở Âu châu, Nhật lại lăm le tiền xa hơn nữa về hướng Nam. Cho rằng đồ tiếp liệu quan trọng cho Tưởng giới Thạch được đưa từ biên giới Việt Nam qua, Nhật đòi phải để cho mình kiểm soát vùng Bắc Việt. Một mặt đe dọa, một mặt nhờ Đức làm áp lực với Chánh phủ Pétain, cuối cùng Pháp đành ra lệnh cho Toàn quyển Đông Dương nhượng bộ. Thế là Nhật ùn ùn đổ quân lên miền Bắc Việt Nam.

        Bước kế tiếp, Nhật đòi Pháp phải để cho họ kiểm soát toàn thể Đông Dương, lấy cớ để đề phòng một cuộc tấn công của Anh, và lý đo thứ hai là sợ Phe De Gaulle sẽ đảo chánh. Chánh quyền thuộc địa Pháp không có cách nào khác hơn là nhượng bộ. Thế là Nhật mau mắn chiếm nốt miền Nam Đông Dương vào tháng 7 năm 1941. Bây giờ họ đã có tất cả tám phi trường, ba căn cứ hải quân để xử đụng. Những lực lượng hải và không quân Nhật có thể từ đó tấn công sang tận Mã lai, Phi luật tân. Quân đội tại Nhật đang chuẩn bị cuộc đánh chiếm Thái lan để nối liền Nhật bản với bán đảo Mã lai. Thấy vậy, Chánh phủ Thái liền mời Nhật sang kiểm soát như kiểu Pháp đã làm tại Đông Dương. Như vậy toàn vùng Đông Nam Á nằm gọn trong tay Nhật.

        Việc chiếm phía Nam Đông Dương đã được quyết định ngày 2 tháng 7 năm 1941 trong một phiên họp của Hội đồng Hoàng gia Nhật. Lúc đó, quân Nhật tại Mãn châu vẫn còn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, để chờ nếu Đức chiến thắng ở Nga là nhảy vào. Với sự quyết tâm của Tojo và các nhân vật khác trong Nội các, quyết định chiếm Nam Đông Dương được thực hiện, bất chấp việc có thể sẽ phải đương đẩu với một cuộc trả đũa của Anh và Mỹ. Phe chủ chiến cho rằng tình hình Đông Dương lúc này chín mùi chỉ còn chờ để rơi vào tay Nhật.

        Hoàng thân Konoye không muốn va chạm với Hoa Kỳ, nhưng dù cho có phải đụng độ thì cuộc chiến đó cũng không đến nỗi quá nguy hiếm trong tình thế hiện nay của thế giới. Thế là sự sợ hải đó của ông được dẹp qua một bên.

        Hơn nữa, Chánh phủ của ông lúc đó cũng muốn lợi dụng cơ hội tình hình quốc tế lúc này để mở rộng thêm Đế quốc Nhật. Khai thác hoàn cảnh thất trận của Pháp lúc này để cướp thuộc địa của họ quả là việc làm rất đúng sách. Mặt khác, Konoye còn sợ rằng nếu chần chờ không chiếm Đông Dương, những phẩn tử chủ chiến Nhật có thể gây ra một cuộc chiến tranh với Nga thì còn nguy hiểm hơn.

        Ngoại trưởng Nhật không đồng ý việc tiến quân về phía Nam, nên bị Tướng Tojo nghi ngờ là những phần tử dân sự có khuynh hướng cản bước tiến của phe quân sự.

        Mọi việc chuẩn bị cho chiến tranh đã hoàn tất. Thủ Tướng Konoye yên trí phần nào và dần dần trở thành tự tin, phấn khởi. Những đơn vị tác chiến trong rừng đã được huấn luyện chu đáo. Sự phối hợp giữa Hải và Lục quân cũng đã hoàn thành tốt đẹp. Ngoài ra Bộ Tài chánh cho in sẵn giấy bạc của các nước trong vùng chiếm đóng. Từ miền Nam Việt Nam, các phi cơ Nhật hàng ngày cất cánh đi thám thính và chụp hình các địa điểm đổ bộ lên Mã lai. Tình báo Nhật tại vùng Kinh đào Panama canh chừng sự di chuyển của Hạm đội Hoa Kỳ. Trong lúc Nhật đổ bộ lên miền Nam Việt Nam, Hải quân Mỹ tại Hạ-uy- di có bắt được mười bảy tàu đánh cá nhỏ của Nhật thường lảng vảng thả lưới ở vùng này. Nhưng khi khám thì thầy các thuyền này đểu có trang bị dụng cụ gián điệp như máy ảnh, vũ khí, máy vô tuyến và bản đồ hàng hải. Các ngư phủ thực ra chính là những sĩ quan hải quân Nhật trá hình. Tại Nhật lúc này, Đô Đốc Yamamoto, Tư lênh Hạm đội hỗn hợp đang chuẩn bị kế hoạch tấn công hạm đội Thái bình dương của Mỹ.

        Konoye nghĩ rằng Anh và Mỹ không thể nào can thiệp để lấy lại Đông Dương cho Pháp. Nhưng điều ông không tính tới là sự điều động lực lượng quan trọng của Nhật tới một vị trí chiến lược ở bờ biển 'Việt Nam đã khiến Anh và Mỹ đặc biệt quan tâm. Họ thừa đoán được rằng một nước hiếu chiến như Nhật sẽ không thể nào ngừng lại khi chiếm được Đông Dương, mà sẽ còn đi xa hơn nữa.

        Trong vòng bốn mươi tám giờ sau khi Nhật đổ bộ tại miền Nam Việt Nam, Anh, Mỹ và Hòa Lan nhất loạt cấm các tàu hàng của họ tới Nhật, đồng thời tàu Nhật cũng được lệnh phải rời các hải cảng của những nước này. Sau khi đổ bộ hoàn tất lên Đông Dương và đài phát thanh Nhật bắt đầu chuẩn bị tuyên truyền cho cuộc đổ bộ tại Thái Lan, Hoàng thân Konoye nhận thấy ông đã tính lầm. Mặc dầu chưa sẵn sàng, nhưng Đồng minh đã nhằm đánh vào yếu điểm của Nhật : Mỹ cấm các tàu dầu cung cấp cho Nhật, và Hòa Lan cũng ra lệnh cho các nhà máy lọc dầu ở Đông Indies thôi cung cấp cho Nhật.

        Nhật phải đương đầu với cuộc phong tỏa kinh tế ngặt nghèo, và chắc chắn bị bóp chết nếu không tìm cách phá vỡ vòng vây kinh tế này. Sự đe dọa lúc này không còn phải chỉ là viễn ảnh bị Mỹ đánh bại, nhưng nguyên việc không có dầu cũng đủ khiến Nhật chết, không cần phải ai đánh. Nếu Mỹ không mở vòng vây thì Nhật chỉ còn cách duy nhất để tự cứu là đánh chiếm các cơ sở lọc dầu tại Đông Indies và các nguồn tài nguyên như cao su và thiếc ở Mã lai. Với số lượng dầu chỉ còn đủ xài trong vài tháng, vấn đề đặt ra cho Hải quân Nhật lúc này không còn là nên hay không nên đánh chiếm các nơi đó, mà là chừng nào thì phải chiếm xong, và liệu có làm kịp hay không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 10:59:14 am »


CHƯƠNG XVII

        Sự ngạc nhiên của Thủ Tướng Konoye trước những đòn trả đũa nghiêm trọng của Đồng Minh có vẻ thực là ngây thơ. Nhưng dù sao thì chuyên đó cũng đã xảy ra. Những phản ứng của Hải quân về vụ này ngoài sức chịu đựng của Thủ Tướng Konoye. Lục quân cho biết có thể chờ đợi quyết định dứt khoát của Chánh phủ tới tháng Mười Một. Nhưng Hải quân gởi tối hậu thơ bảo rằng họ chỉ có thể chờ đợi trong vòng tháng Mười. Hòa hay chiến bắt buộc phải quyết định trong khoảng thời gian đó.

        Với lưỡi gươm treo sẵn trên đầu như vậy, Thủ Tướng cuống cuồng trong các nỗ lực ngoại giao để tìm một phương thức dàn xếp với Hoa Kỳ. Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Đốn là Đô Đốc Nomura, vốn xa lạ với những công việc ngoại giao, chạy qua chạy lại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để xin gặp ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull, nhưng không đạt được kết quả gì.

        Phía Mỹ lúc này không những đòi Nhật phải rút quân khỏi Đông Dương, mà còn bắt buộc Nhật phải triệt quân ở Trung Hoa về nữa. Nhật cho rằng yêu sách đó phi lý, vì theo họ, hành động trả thù của Mỹ chỉ có thể nhắm vào việc Nhật tiến chiếm Đông Dương, chứ không thể bao gồm những hành động của Nhật tại Trung Quốc. Sự thực là lúc này ngoại trưởng Mỹ thấy cần phải cứng rắn với Nhật. Những nhượng bộ và nhục nhã nước Anh phải chịu tại Munich mới đây vẫn còn chưa phai trong trí nhớ của ông ta. Lúc này ngoại trưởng Hull coi hai tiếng nhượng bộ là một danh từ nhơ nhuốc. Trong cuộc thương thuyết với Nhật, đã có lúc ngoại trưởng Mỹ định bằng lòng cho Nhật được ở lại Trung Hoa với điều kiện không được đổ quân thêm nữa và phải triệt thoái hoàn toàn ra khỏi Đông Dương. Nhưng Tưởng Giới Thạch cực lực phản đối. Vả lại thái độ lo lắng muốn dàn xếp mau chóng của Thủ Tướng Nhật Konoye khiến ngoại trưởng Mỹ cho rằng sự trừng phạt kinh tế đã có hiệu quả. Cộng thêm vào đó là việc bổ sung lực lượng Đồng Minh ở Viễn Đông khiến thắng lợi đang nghiêng về phía Mỹ.

        Ngoài ra, nước Mỹ bị mắc vào một tính toán sai lẩm khi tin rằng hầu hết lực lượng của Nhật đã được dốc vào mặt trận tại Trung Quốc, sở dĩ có sự suy đoán sai như vậy, cũng là vì người Mỹ bị mắc lừa những báo cáo sai lạc của Tưởng Giới Thạch. Theo những con số ghi trong báo cảo, quân Nhật đã chết hơn một triệu tại Trung Hoa kể từ năm 1937. Nhưng sau này khi trận Trân châu cảng bùng nổ, bấy giờ Mỹ mới khám phá ra những điểm sai lạc của các con số trong báo cáo. Thực ra, cho tới năm 1941, sức mạnh quân lực Nhật Bản đã lên tới mức cao nhất, và thực ra chỉ có một phần nhỏ tham dự vào những trận đánh tại Trung Quốc mà thôi.

        Ngoại trưởng Matsuoka của Nhật đã có lần cảnh cáo Mỹ ; «Nếu người Mỹ cho rằng chúng tôi đã kiệt sức và có ý định bắt bí, thì buộc lòng Nhật Bản phải chứng tỏ cho họ thấy sự thực không phải như vậy. Đã nhiều lần chúng tôi bày tò thiện chí với người Mỹ, mục đích của chúng tôi trong chánh sách Đại Đông Á chỉ là giúp cho các dân tộc trong vùng này có cơ hội sống tự do, dân chủ, thoát khỏi chế độ thuộc địa, áp bức. Nhưng ngoại trưởng Hoa Kỳ cứ nhất định gán cho chúng tôi những hậu ý đen tối. Nếu cho rằng quả thực chúng tôi có ý định bành trướng thế lực, thì Người Mỹ cũng vẫn không có quyền gì để chỉ trích, trong lúc chính họ cũng đang theo đuổi chủ thuyết Monroe, tìm cách chinh phục Mỹ Châu ».

        Với sự bại trận của Pháp và Hòa Lan ở Âu châu, những thuộc địa Á Châu của Tây phương chỉ còn trông cậy vào lực lượng của Mỹ. Do đó Mỹ nhất định đứng ra cản không để cho Nhật thực hiện tham vọng chiếm lại thuộc địa của các nước Tây phương.

        Lập trường cứng rắn của Mỹ đã được Hoàng thân Konoye nhận thấy rõ. Tuy bực tức, nhưng ông tìm cách giải quyết bằng một biện pháp táo bạo : để nghị gặp gỡ với Tổng thống Roosevelt tại Hawaii. Tổng trường Hải quân, Đô Đốc Oikawa, tán thành cuộc gặp gỡ này. Chỉ có Tổng trưởng chiến tranh là Tướng Tojo không đồng ý. Ông cho rằng làm như vậy sẽ khiến Đức không bằng lòng. Nhưng sau đó, Tojo nhận thấy Đức đã xua quân đánh Nga mà không hề tham kháo ý kiến của Nhật, nên việc giữ ý với ông bạn đồng minh Đức không còn nữa. Hơn nữa, vị ngoại trưởng kết thân với Đức là Matsuoka lúc này không còn ở trong Nội các. Do đó, Tojo nói với Thủ Tướng Konoye nếu chuyện gặp gỡ Tổng thống Mỹ là chuyện đem lại lợi ích cho Nhật thì cứ việc làm. Nhưng nếu thất bại trong việc tìm sự thông cảm với người Mỹ, thì Thủ Tướng sẽ trở về không phải để từ chức, mà để lãnh đạo chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 10:59:34 am »


        Quyết định xong, Thủ Tướng Nhật liền thông báo đề nghị cho Đại sứ Mỹ ở Tokyo là Joseph Grew để ông này chuyền lại cho Tổng Thống Mỹ. Sau một thời gian lưỡng lự với nhiều may mắn tạo cơ hội gặp gỡ vuột qua, cuối cùng Chánh phủ Mỹ trả lời khẳng định từ chối một cuộc gặp gỡ như vậy, với lý do là cần phải có những đồng ý căn bản giữa hai chánh phủ Nhật-Mỹ trước khi thực hiện cuộc gặp gỡ.

        Khi nhận được sự trả lời dứt khoát trên đây của Mỹ, Thủ Tướng Konoye cũng được biết là Bộ Tổng Tư Lệnh đã đồng ý với hạn kỳ chờ đợi cuối cùng cho tới tháng Mười của Hải quân. Ngày 5 tháng Chín, Đại Hội Đồng Tư vấn Nhật Hoàng nhóm họp cùng với Tư Lênh Lục quân, Tướng Sugiyama, và Tư Lệnh Hải quân, Đô Đốc Nagano. Trong cuộc họp quan trọng này, Nhật Hoàng hỏi các Tướng lãnh cần bao lâu để lấy xong vùng Đông Nam Á. Khi được trình là trong vòng chừng ba tháng, Thiên Hoàng nhắc nhớ các Tương lãnh về kỳ hạn đánh Trung Hoa trước đây, họ cũng từng nói là bốn tháng, nhưng sau đó đã kéo dài gấp mấy lần. Các Tướng lãnh tâu rằng tình hình hiện nay đã thay đổi nhiều. Trong mọi hoàn cảnh, nước Nhật cần phải có một cuộc chiến tranh mới giải quyết được các khó khăn của mình. Phe quân sự khẳng định nếu không hành động mau, nước Nhật sẽ trơ thành kẻ bại trên bàn cờ quốc tế.

        Trong phiên họp Hội đồng Nội các ngày hôm sau do Thiên Hoàng chủ tọa, Nhật Hoàng Hirohito đã được Tư Lệnh Hải quân trình lên kỳ hạn chót trong chương trình hành động của họ. Theo đó, mọi nỗ lực dàn xếp với Mỹ sẽ được chấm dứt vào mười ngày đầu tháng Mười. Nếu thất bại thì mươi ngày sau đó, mọi sửa soạn chiến tranh phải hoàn tất. Nước Nhật cần phải chiến đầu để tự vệ và tự phòng. Thiên Hoàng không biết làm gì khác hơn là ngồi nghe, và Ngài bắt buộc phải chấp nhận mọi quyết định của Nội các. Cuối cùng Ngài hạ chỉ khuyên mọi người bằng mọi cách hãy nỗ lực tìm một sự hòa giải qua đường lối ngoại giao. Thế là đường lồi hành động của Nhật kể như đã được thông qua với sự chấm dứt của phiên họp này.

        Về phần Hải quân, Đô Đốc Oikawa muốn đẩy mạnh nỗ lực để giúp Thủ Tướng Konoye trong sứ mạng tìm một giải pháp hòa bình. Cả hai người từng làm việc chung với Nhật Hoàng khi Ngài còn là Đông cung Thái Tử, nên rất hiểu ý của Ngài là không muốn có chiến tranh với Anh và Mỹ.

        Tuy nhiên, Tojo bên Lục quân thì lại cho rằng trong phiên họp vừa qua, Nhật Hoàng kể như đã đồng ý với thời hạn cuối cùng của Hải quân đưa ra.

        Cuối tháng Chín, Thủ Tướng Konoye bị xúc động mạnh trước hai sự kiện quan trọng xảy ra : Ngày 18 tháng Chín, khi ông vừa từ nhà bước lên xe để tới Thủ tướng phủ, thì một toán năm sáu tên sát nhân nhào tới định đâm ông. Toán vệ sĩ đã đề phòng nên nhào tới hạ được bọn này, và xe của Thủ Tướng chạy thoát. Sau đó, ông được tin Hải quân cho biết, họ bằng lòng cho ông một thời hạn ba tuần thêm nữa, và buộc ông bằng mọi cách phải giải quyết cho xong mọi vấn đề.

        Được tin này, Konoye vội vàng hỏi ý kiến của Lục quân, nhưng Tojo cho hay : hạn cuối cùng đế quyết định hòa hay chiến là 15 tháng Mười, không thể thay đổi vì Thiên Hoàng đã đống ý với kỳ hạn đó Được sự ủng hộ của Tổng trưởng Hải quân, Hoàng thân Konoye tìm cách thuyết phục Tojo, nhưng ông này chỉ trả lời vắn tắt : Thủ tướng cứ việc vận động Hòa bình, nhưng đối với Lục quân thì kỳ hạn 15 tháng Mười không thể thay đổi.

        Hy vọng của Konoye vào Tổng trưởng Hải quân lại tiêu tan luôn khi Tư Lệnh Hải quân cho ông biết rằng vì thiếu dầu, Hải quân không thể chờ đợi lâu hơn. Họ cần phải thiết lập ngay các căn cứ hành quân. Hơn nữa, càng chờ đợi thì Hải quân Mỹ càng được tăng cường và trở nên mạnh hơn. Thái độ của Tojo còn tỏ ra cương quyết hơn nữa. Ông cho biết kỳ hạn cuối cùng đã được Thiên Hoàng và Bộ Chỉ Huy Tối cao chấp nhận, không thể nào thay đổi được. Ông cho rằng lúc này không còn thời giờ để bàn cải. Tuy biết đánh nhau với Mỹ là điều nguy hiềm, nhưng Tojo cho rằng tới một lúc nào đó, cần phải lao mình vào, và chấp nhận nước liều. Nước Mỹ tuy giàu và mạnh, nhưng quân đội Mỹ không có được tinh thần chiến đầu hăng say như quân đội Nhật. Hơn nữa lúc này thời giờ càng kéo dài càng có lợi cho Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 11:00:02 am »

       
        Ngày 11 tháng Mười, trước khi có một phiên họp Nội các, Đô Đốc Oikawa tới cho Thủ Tướng Konoye hay nhiều sĩ quan đầu não trong Hải quân tỏ ý không muốn có một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ, vì họ không tin tướng có thể chắc ăn. Tuy nhiên, ông nói, cá nhân ông không dám đồng ý như vậy vì sợ liên lụy đến tinh thần dân chúng và tinh thần chiến đấu của Lục quân.

        Phiên họp trong ngày sau đó có Đô Đốc Oikawa, Tướng Suzuki, Chủ tịch ủy Ban nghiên cứu kế hoạch, Tướng Toyoda, xử lý Bộ ngoại giao, và Tojo. Mở đầu phiên họp, Đô Đốc Oikawa cho biết Hải quân muốn để vấn đề hòa hay chiến cho Thủ Tướng quyết định. Lập tức, Thủ Tướng Konoye cho biết, nêu vậy thì ông muốn được tiếp tục các cuộc thương thuyết với Hoa Kỳ. Nhưng Tojo cho rằng Thủ Tướng đã đi quá xa. Vấn đề hòa bay chiến không thể để một mình Thủ Tướng quyết định được. Theo ông thì cuộc vận động của Thủ Tướng phải được bảo đảm thành công. Ngược lại, phải phát động chiến tranh trước khi quá trễ.

        Xử lý Tổng Trưởng ngoại giao, Tướng Toyoda cho rằng nếu Bộ Chiến tranh chịu nhượng bộ Hoa Kỳ một điểm, là rút quân khỏi Trung Hoa, có thể chỉ cần chấp nhận trên nguyên tắc, lập tức các bế tắc thương thuyết Nhật-Mỹ có thể được khai thông. Nhưng Tướng Tojo nói việc giữ quân tại Trung Hoa là vấn đề sinh tử, không thể nào nhượng bộ được, nếu Nhật muốn giữ Mãn châu và Triều Tiên, Nhật cẩn phải để quân đội ở Trung Hoa để ngăn chận sự bành trưởng của Cộng sản trên khắp lục địa Á châu. Quân đội có thể xác định họ không muốn chiếm lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chỉ làm vậy vì tánh hiếu hòa chớ không phải vì muốn hỗ trợ chánh sách của Thủ Tướng. Nếu trường hợp tuyên bố như vậy rồi mà Mỹ vẫn chưa chịu, và các kết quả ngoại giao đưa tới việc bắt buộc quân đội triệt thoái, thì kể như tinh thần chiến đấu toàn quốc hoàn toàn suy sụp. Và biết đâu, Mỹ không đòi nhiều yêu sách khác nữa để dồn Nhật vào thể bắt buộc phải gây chiến trong một tư thế thiệt thòi.

        Trước lập luận trên đây, Thủ Tướng Konoye tuyên bố : «Nếu ông Tổng Trưởng chiến tranh đã nhấn mạnh như vậy thì không còn hy vọng nào hòa giải được. Thực không còn gì hết.»

        Một ngày trước khi kỳ hạn thương thuyết chấm dứt, thái độ của Thủ Tướng Konoye lơ lửng không quyết định giữa hai ý kiến mâu thuẫn của Hải và Lục quân. Ông khuyên Tướng Tojo nên xem xét lại vấn đề, và ôn lại kinh nghiệm trong trận chiến tranh Nga-Nhật năm 1905. Nhưng hình như Tojo đã khòng kể gì tới những kinh nghiệm đó.

        Tojo nhắc lại lập trường không nhượng bộ của quân đội. Ông cho rằng Mỹ nhất định muốn làm chủ nhân ông của toàn vùng Đông Nam Á. Konoye cũng trở nên nghi ngờ không biết Mỹ có thực chỉ đòi Nhật rút ra khỏi Trung Hoa thôi hay không. Hoặc giả, sau đó, lại đòi thêm nhiều chuyện khác nữa. Tojo thì nhất định cho rằng thể nào Mỹ cũng chơi đòn «được đàng chân, lần đàng đầu» để ép Nhật cho tới lúc bắt buộc Nhật phải lâm chiến trong tư thế yếu kém nhất. Konoye cố gắng trình bày lập trường chống chiến tranh của ông là vì ông ngại Nhật một lúc phải chống đỡ cả hai mặt trận : một ở Trung Quốc, một ở Thái bình dương với Mỹ. Ông nói: «một khi chiến tranh đã phát động, nước Nhật sẽ lâm vào vòng chiến trong khoảng mười năm nữa.»

        Tojo tỏ vẻ bực tức. «Thủ Tướng chỉ nghĩ tới những nguy hiểm. Tánh tình tôi và Thủ Tướng quá khác biệt.» Đó là những nhận xét của Tojo về Thủ Tướng Konoye. Ông nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy trong một phiên họp nội các. Konoyc chán nản thốt lên : «Hắn ta đang trở thành lão chủ với uy quyền tuyệt đối.» Tojo cũng không còn kiên nhẫn, ông công khai bày tỏ ác cảm đối với Thủ Tướng, người mà ông cho là thiếu cương quyết và can đảm. Đi xa hơn nữa, Tojo còn đề nghị từ nay ông và Thủ Tướng Konoyc không nên gặp nhau nữa, vì rất có thể gặp Thủ Tướng, ông sẽ không dằn được cơn giận. Tối hôm đó, Tojo gởi cho Thủ Tưởng một lá thơ, nói nếu Nội các không có quyết định gì về vấn đề chiến tranh thì ông phải từ chức. Ông cho rằng, nếu Nội các có thể quyết định được vần đề đó thì chắc chắn sẽ giải quyết xong tình hình căng thẳng hiện nay. Nhưng ông thêm rằng «quân đội đã tiến tới chỗ không thể ngừng lại được.»

        Cuối cùng Thủ Tướng Konoye đành phải từ chức. Vì ông cho rằng một vài ngày nữa, nếu ông không từ chức thì Tojo cũng làm cho Nội các phải đổ bằng cách rút khỏi chức Tổng trưởng chiến tranh.

        Chuyện khủng hoảng Nội các được đưa lên để Ngài Chưống ấn Kido giải quyết. Kể từ khi Hoàng thân Saionịi qua đời vào năm 92 tuổi, Kido là người lên kế vị ở chức vụ tối cao đó trong Hoàng cung. Ông là người đã có nhiều kinh nghiệm trong các vụ giải quyết nạn kiêu binh của đạo quân Kwangtung tại Mãn châu, cũng như việc các quân nhân đòi lập hệ thống chánh trị độc đảng. Chức vụ Chưởng ấn Hoàng gia là một chỗ đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm chánh trị. Nhân vật ở chức vụ này không những phải quán triệt tình hình chánh trị để tâu trình lên Nhật Hoàng mà còn phải là người biết cân nhắc tánh cách quan trọng của tình hình trước các biến cố xảy ra, để nếu cần thì khuyến nghị Thiên Hoàng dùng uy quyền tối thượng của Ngài để can thiệp hầu cứu nguy cho đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2018, 11:01:18 am »


        Nhưng trong giờ phút cấp bách này, Ngài chưởng ấn Kiđo đã không có một hành động quyết liệt nào ngõ hầu ngăn cản chiến tranh khỏi xảy ra. Có người nói rằng vì ông quá khôn nên sau này mới phải trả cái giá đắt, là ngồi tù chung thân khi bị tòa án Đồng minh lên án và coi ông là tội phạm chiến tranh. Nhưng thực ra, lúc đó dù cho ông có khuyên Nhật Hoàng lấy quyền tối thượng để ngăn cản chiến tranh, cũng chưa chắc đã được. Không khí chiến tranh trong quân đội lúc đó đã lên quá cao. Biết đâu họ không bất chấp cả lệnh của Thiên Hoàng để hành động theo chiều hướng riêng. Trong trường hợp như vậy, đất nước còn phải chịu một cuộc chiến thảm khốc hơn nữa. Quả thực đó là một canh bạc quá nguy hiểm, mà Kido không dám nhúng tay vào, và không thể liều. Cũng có người sau này phê bình rằng Kido chịu ảnh hưởng của vị Chưởng ấn tiền nhiệm là Hoàng thân Saionji, chủ trương để Thiên Hoàng vượt lên trên mọi tranh chấp chánh trị, không nhúng tay vào, giống như «cánh hạc bay tận tầng mây trên cao.»

        Vấn để bây giờ là chọn một vị Thủ Tướng kế vị cho Hoàng thân Konoye. Tojo đề nghị Hoàng thân Higashikuni. Ông ta đã từng phục vụ trong quân đội tại Trung Hoa. Nhưng Kiđo hoàn toàn phản đối. Ông cho rằng Konoye là ngưòi trong Hoàng tộc mà không kiểm soát nổi quân đội, nếu bây giờ lại đưa thêm Hoàng thân Higashikunỉ vô nữa thi chỉ thêm mang tiếng và làm mất uy tín của Hoàng gia. Hơn nữa, cấp bậc của Hoàng thân Higashikuni chưa đủ để có thể kiểm soát được quân đội trong tình thế này.

        Sau cùng sự chọn lựa được giới hạn vào hai nhân vật : Đô Đốc Oikawa và Tướng Tojo. Oikawa là ngưòi ôn hòa, được Nhật Hoàng tin cẩn, và từng có nhiều kinh nghiệm đối với các cuộc khủng hoảng chánh trị. Tuy nhiên ông bị một điều bất lợi, là ông không phải người của Lục quân. Trong tỉnh thế này, liệu một Đô Đốc có kiểm soát nổi quân lực trong đó binh chủng đông nhất là Lục quân hay không ? Như vậy, xét cho cùng chỉ còn Tojo là người duy nhất có thể kiểm soát được tình hình quân đội lúc này. Ông xưa nay vẫn nỗi tiếng là người có kỷ luật sắt trong vấn đề duy trì trật tự đối với quân đội. Đồng thời, ông cũng là người trung thành tuyệt đối với Nhật Hoàng. Trong sự chống đối vừa rồi xảy ra giữa ông và Thủ Tướng Konơye, cũng chỉ vì Tojo cho rằng trong phiên họp ngày 6 tháng Chín, Thiên Hoàng đã đồng ý với những kỳ hạn cuối cùng để quyết định chiến tranh,

        Kỳ hạn nầy đã qua đi vào ngày 15 tháng Mưòi, nhưng các cuộc dàn xếp tại Hoa thịnh đốn vẫn còn đang tiếp diễn. Ngày 16 tháng Mười, Tojo được triệu tới văn phòng của Ngài Chưởng ấn Kido và thông báo cho biết việc từ chức của Hoàng thân Konoye. Kido cho Tướng Tojo hay sở dĩ Konoye từ chức vì ông ta cảm thầy bất lực trong việc thi hành các nghị quyết của Hội đồng Hoàng gia ngày 6 tháng Chín ; đồng thời hỏi Tojo rằng liệu ông có cảm thấy vị Thủ Tướng kế tiếp cần phải thi hành nghị quyết đó hay không ? Tojo trả lời, điều đó tùy thuộc vào quyết định của Hải quân. Theo lời Hoàng thân Konoye thì ông không thể quyết định chiến tranh vì Hải quân cản trở. Theo lời Tổng tham mưu trưởng Hải quân là Đô Đốc Nagano thì điều đó có thực. Vì vậy vần đề bây giờ là phải tìm hiểu xem hiện tại lập trường Hải quân ra sao. Nếu họ nhất định chống đối thì việc cân nhắc lại vần đề chiến tranh cần phải được xét lại. Thủ Tướng mới sẽ phải căn cứ vào điều đó để quyết định.

        Riêng Hoàng thân Kido, sau cuộc hội kiến này, ông đã thấy rằng Tojo có thể đảm nhận được chức vụ Thủ Tướng. Ông có thể kiểm soát được quân đội, và điều thứ hai là ông tuyệt đối trung thành với mọi quyết định của Thiên Hoàng. Hoàng thân Kido ghi trong nhật ký : « Dĩ nhiên mọi quân nhân Nhật đều tuyệt đối trung thành và

        phụng sự Thiên Hoàng, nhưng đổi với Tojo thì lòng trung thành và hăng hái đó luôn luôn mạnh mẽ hơn những người khác. Nếu biết được Thiên Hoàng muốn thay đổi lại nghị quyết của Nội các trong phiên họp ngày 6 tháng Chín thì chắc chắn Tojo đă hành động theo chiều hướng khác để phù hợp với ý muốn của Thiên Hoàng.»

        Hôm sau, Hideki Tojo được lệnh triệu vào Hoàng cung. Tại Bộ Chiến tranh, chính tay Bà Tojo giúp ông sửa soạn y phục, và gài các huy chương lên ngực cho chồng. Tới nơi, ông được đưa ngay vào yết kiến Nhật Hoàng và rẳt ngạc nhiên khi nghe Ngài tuyên bố : ông đã được chọn giữ chức vụ chánh trị tối cao trong nước, đó là ghế Thủ Tướng. Tojo xúc động, tâu xin Hoàng Thượng cho phép ông được lui ra để suy nghĩ trong giây lát. Sau đó, ông trở vô ngự điện tâu với Nhật Hoàng : Thể theo ý chí của Thiên Hoàng, ông nguyện đem hết sức bình sinh để thi hành nhiệm vụ đã được Thiên Hoàng giao phó# Năm đó Tojo vừa đúng năm mươi bảy tuổi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM